Iraq cổ đại (Phần 10)

Chương 10: ĐẠI VƯƠNG QUỐC UR

aa

  Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

 Về người Guti lật đổ đế chế Akkad và thống trị Mesopotamia trong gần 100 năm chúng ta gần như không biết gì. Danh sách Vua Sumer cho biết ‘bè lũ Guti’ có đến 28 đời vua, nhưng rất ít họ để lại những bảng khắc, và điều này, cộng với sự im lặng từ những nguồn tư liệu khác, chỉ dấu đến một thời kỳ đầy rối ren chính trị. Bọn xâm lăng chắc hẳn không nhiều; chúng tàn phá xứ sở, chắc chắn cướp bóc Agade và chiếm Nippur và một ít điểm chiến lược. Tuy vậy chúng ta biết được từ một bảng chữ khắc được xuất bản gần đây là ít nhất một vị vua của họ, Erridu-Pizir, đánh nhau với Lullubi và Hurria vùng Kurdistan trong việc phòng thủ Akkad, và nhiều thành phố ắt hẳn đã hưởng được sự tự do gần như hoàn toàn, tiếp tục giữ vững tinh thần kháng chiến dân tộc mà, cuối cùng, đỉnh cao là việc giải phóng Sumer và Akkad. Khi, vào khoảng năm 2130 TCN, Utuhegal, vị ensi của Uruk, tập hợp một đạo quân và nổi dậy chống lại ‘bọn rắn độc của vùng đồi’, vài ông hoàng ở nam Iraq theo về với ông. Bọn ngoại quốc bị thù ghét bại trận; Tirigan, vua của họ, cố trốn thoát, nhưng bị bắt sống và giao nộp cho lãnh tụ Sumer.

Utu-hega ngồi xuống; Tirigan nằm dưới chân ông. Ông đè bàn chân lên cổ y, và chủ quyền của Sumer ông đã phục hồi trong tay mình.

Nippur chắc chắn cũng được thu hồi, và Uruk, thành phố mà từ thời Gilgamesh đã ban cho Sumer không ỉt hơn 4 triều đại, có thể lần nữa đứng vững ở vị trí đầu các thành bang. Nhưng triều đại thứ 5 của nó ngắn ngủi: sau 7 năm trị vì Utu-hegal bị một quan chức của mình, Ur-Nammu, thống đốc vùng Ur truất phế, tự xưng là ‘Vua xứ Ur, Vua Sumer và Akkad’. Như vậy là Triều đại Ur thứ Ba được thành lập  (k. 2112 – 2004 B.C.), đại diện cho một trong những thời kỳ rực rỡ nhất của Iraq cổ đại, bởi vì không chỉ

Ur-Nammu và các vị vua tiếp nối phục hồi đế chế Sumer suốt chiều ngang và chiều dọc nhưng họ cho Mesopotamia một thế kỷ tương đối thanh bình và thịnh vượng và bảo trợ một sự  phục hưng phi thường trong mọi ngành nghệ thuật và văn chương Sumer.

Ur-Nammu và Gudea

So sánh với thời kỳ Sargon, thời Triều đại Ur Thứ Ba – “Thời Ur III’ hoặc ‘thời Tân Sumer’, như nó thường được gọi – rõ ràng nghèo nàn về các bảng chữ khắc lịch sử và, dù chúng ta rất muốn, chúng ta không thể đi theo Ur-Nammu vào các trận đánh mở rộng vương quốc của mình. Sự sụp đổ của Guti tiếp theo cái chết bất ngờ của Utu-hegal (‘thi thể ông trôi theo dòng nước’) ắt đã phát sinh một khoảng trống chính trị của Mesopotamia và chúng ta có thể giả định là toàn thể Mesopotamia rơi vào tay  Vua xứ Ur trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Thời gian trị vì còn lại (2112-2095) dành cho việc hoàn thành nhiệm vụ có tính nội vụ hơn nhưng không kém phần khẩn thiết và quan trọng: vãn hồi trật tự và sự thịnh vượng và chăm lo các thần linh. Ur-Nammu ‘giải phóng đất đai khỏi bọn trộm cướp, bọn làm loạn’ và từ lâu đã được cho là người đã soạn ra điều có thể coi là bộ luật cổ xưa nhất thế giới, mặc dù có vẻ theo một bảng chữ khắc mới tìm thấy tác giả của nó thực sự là con trai Shulgi của ông. Trong hiện tình, ‘bộ luật’ này không đầy đủ, nhưng những gì còn sót lại của bộ luật có sự thú vị đáng kể, bởi vì ít nhất nó cho biết một số tội lỗi  (như xúc phạm thân thể) không bị trừng trị bằng tội chết hoặc tùng xẻo, như về sau trong Bộ Luật Hammurabi hoặc Luật Do Thái, nhưng bị cáo chỉ bị phạt phải trả bồi thường bằng bạc, trọng lượng của bạc thay đổi theo mức độ nặng nhẹ của tội phạm phải. Tất nhiên, điều này là một dấu hiệu của một xã hội tiến bộ hơn và văn minh hơn như thường được tưởng tượng.

Ur-Nammu cũng phục hồi nông nghiệp và cải thiện lưu thông bằng cách đào một số kênh; các thị trấn được củng cố phòng ngừa chiến tranh tương lai, và tiến hành xây dựng nhiều công trình lớn. Nhưng trong tâm trí nhà khảo cổ cái tên Ur-Nammu sẽ mãi được gắn kết với ziqqurats, tức tháp tầng, mà ông dựng lên ở Ur, Uruk, Eridu, Nippur và các thành phố khác nhau và vẫn còn là những đài tưởng niệm ấn tượng nhất của những địa điểm này.

3

Tái thiết ziqqurat của Ur, chắc chắn đúng với hình dáng khi nó mới được xây dựng bởi Ur-Nammu hoặc Shulgi. Theo Sir Leonard Woolley, Khai quật Ur, V, 1939.

Tháp tầng được bảo tồn tốt nhất,  ziqqurat của Ur, có thể coi như một minh họa. Được xây bằng gạch bùn, nhưng phủ bằng một lớp gạch nung dày gắn trong nhựa đường, tháp tầng Ur đáy có kích thước 60.50 x 43 mét. Nó ít nhất có ba tầng, và mặc dù chỉ còn tầng nhất và một phần tầng hai còn sống sót, chiều cao hiện giờ khoảng 20 mét. Vậy mà khối lượng đồ sộ này vẫn cho ta một ấn tượng thanh thoát đáng kinh ngạc nhờ một phần vào tỉ lệ hoàn hảo của nó và một phần vào kỹ thuật xây mọi đường thẳng hơi uốn cong nhẹ nhàng, một kỹ thuật từ lâu được cho là do các kiến trúc sư Hy Lạp sáng tạo khi xây dựng điện Parthenon, gần 2000 năm sau đó. Dựa vào mặt đông-bắc của tháp ba cầu thang dài gồm các bậc hội tụ về một đầu cầu ở nửa đường giữa nền thứ nhất và thứ hai, và từ điểm này  những bậc thang khác từng dẫn đến tầng hai và ba và cuối cùng đến một điện thờ ở trên chóp tòa tháp. Tháp tầng đứng trên một nền lớn ngay trung tâm ‘thành phố thiêng” – vùng có tường bao bọc dành cho thần và vua chiếm gần trọn nửa phần phía bắc của thị trấn. Nó đổ bóng lên một khoảng sân lớn của Nanna – một khoảng không gian mở dưới thấp bao quanh bởi các nhà kho và phòng ở cho các thầy tế – các đền thờ của thần mặt trăng và người phối ngẫu của ngài là nữ thần Ningai, cung điện hoàng gia và những tòa nhà ít quan trọng khác. Sừng sững phía trên tường thành của kinh đô, nó phản chiếu hình ảnh mình xuống dòng sông Euphrates, chảy dọc theo bờ tây của nó. Thậm chí bây giờ tháp tròn màu nâu đỏ nằm trên chóp mô gò to lớn hơi xám của tàn tích vẫn tạo thành một điểm mốc có thể thấy được từ cách đó nhiều dặm đường. Các ziqqurat ở các thành phố khác không được bảo quản tốt bằng và khác với tháp tầng Ur về nhiều chi tiết, nhưng hình dáng, phương hướng và vị trí của chúng trong tương quan với các đền thờ chính vẫn căn bán như nhau. Thế thì ta có thể hỏi, mục đích của những đài tưởng niệm này là gì?

Những nhà tiên phong trong ngành khảo cổ Mesopotamia ngây thơ nghĩ rằng các ziqqurats là các đài quan sát của các nhà thiên văn ‘Chaldaea’, hoặc thậm chí là tháp ‘nơi các thầy tế thần Bel có thể trải qua những đêm nóng bức và muỗi mòng’, nhưng hiển nhiên điều này là vô lý. Ta lập tức nghĩ ngay đến người Ai Cập, và thật ra, các kiến trúc sư Sumer có thể đã tạo cảm hứng cho đồng nghiệp Ai Cập của mình; nhưng cần phải nhấn mạnh rằng các ziqqurat, trái với các kim tự tháp, không chứa lăng mộ hoặc phòng an táng; chúng luôn luôn được xây dựng trên nền các công trình cũ hơn, khiêm tốn hơn được xây dựng thời Triều đại Sớm, và những ziqqurat cổ này, vốn thấp và chỉ có một tầng, giờ được tin rộng rãi, xuất xứ từ những nền móng của các đền thờ thời kỳ Ubaid, Uruk và Jemdat Nasr. Nhưng tại sao những nền móng này, tại sao những tháp này? Ngữ văn học không soi rọi ánh sáng cho vấn đề, vì từ ziqqurat (đôi khi phiên âm là ziggurat hoặc zikkurat) xuất xứ từ một động từ  zaqaru, đơn giản có nghĩa là ‘xây cao’, và chúng ta có một vài học thuyết được lựa chọn. Một số tác giả tin rằng người Sumer xuất thân là dân vùng cao tôn thờ các vị thần của mình trên đỉnh núi, và vì vậy xây dựng những tháp này xem như những ngọn núi nhân tạo trên đồng bằng Mesopotamia. Những tác giả khác, bác bỏ cách lý giải quá gian đơn này, cho rằng mục đích của nền móng đền thờ (và do đó mục đích của ziqqurat) là để nâng vị thần chú của thành phố lên cao hơn các vị thần khác và để che chở ngài khỏi nhìn thấy những trò phóng đãng của người phàm. Một nhóm học giả khác lại nhìn thấy trong đài tháp một cầu thang đồ sộ, một cây cầu bắc giữa những đền thờ thắp hơn, tại đó các nghi lễ thường nhật của việc thờ cúng được tiến hành, và điện thờ bên trên, ở giữa trời và đất, là nơi người và thần có thể gặp nhau vào những dịp nào đó; và điều này, chúng ta tin tưởng, gần với sự thật hơn. Xét chung, có lẽ định nghĩa tốt nhất của ziqqurat được cho bởi Kinh thánh (Sáng Thế ký xi. 4), nơi nó được cho rằng ‘Tháp Babel’ (nói khác đi ziqqurat của Babylon) có mục tiêu ‘đi đến thiên đường’. Trong tâm trí kính tín sâu xa của người Sumer những công trình đồ sộ, nhưng thanh thoát kỳ lạ này, là ‘những lời cầu nguyện bằng gạch’ như những nhà thờ Gô-tich của chúng ta là ‘những lời cầu nguyện bằng đá’. Chúng vươn đến các thần linh một lời thỉnh cầu thường trực mời họ hạ cố xuống mặt đất đồng thời biểu lộ một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất của con người là vượt lên điều kiện đáng thương của mình để thiết lập sự giao tiếp thân thiết hơn với thần thánh.

Xét từ sự phân tán khắp miền nam Iraq những loại gạch có đóng dấu tên Ur-Nammu, có vẻ như là việc xây cất đền thờ là đặc quyền của nhà vua, và đúng là như vậy, khi đế chế Ur III đã thiết lập vững chắc, nhưng trước đó chúng ta biết đến một thành phố không xa kinh đô tại đó một kế hoạch xây dựng hoành tráng được nhà cai trị địa phương tiến hành với vẻ lộng lẫy của hoàng cung: đây là Lagash dưới thời vị ensi lừng danh Gudea (k. 2141 – 2122 TCN).

Chúng ta đã biết (Chương 8) là Lugalzagesi xứ Umma đã đặt dấu chấm hết cho mối xung đột kéo dài giữa thành phố mình và Lagash bằng cách phóng hỏa các đài tưởng niệm của Girsu và biến nó thành đống gạch vụn. Nhưng trong Đông phương cổ đại thị trấn thì hiếm khi bị phá hủy hoàn toàn như các văn bản và phần nào Girsu còn sống sót.

Vào cuối thời kỳ Guti chính nhờ tay các ông hoàng năng nổ đã xoay sở để duy trì sự độc lập và tự nhận nhiệm vụ hồi sinh niềm vinh quang nhạt nhòa của thành phố mình. Một người trong họ là Gudea, một người đương thời với các vị vua Guti cuối cùng, mà nhiều bức tượng và bảng khắc chữ của ông cung cấp những minh họa đáng ngưỡng mộ nhất về các thành tựu Sumer trong nghệ thuật và văn chương.

Gudea xây dựng – hoặc đúng hơn tái dựng – ít nhất 15 đền thờ trong các thành bang của Lagash, nhưng không ở đâu ông đầu tư rộng rãi bằng E-ninnu, đền thờ Ningirsu, thần hộ mạng của Girsu. Trên hai ống đất sét lớn và trên một số chữ khắc trên tượng mình ông giải thích dài dòng tại sao và cách thức ông xây dựng nó, tình cờ cho chúng ta những chi tiết vô giá về các nghi thức phức tạp liên quan đến việc thành lập các điện thờ ở Mesopotamia cổ đại. Theo lối suy nghĩ điển hình Sumer thì quyết định xây cất một đền thờ không được đưa ra như một hành động theo ý muốn nhà cai trị, mà là việc hoàn thành mong ước của thần linh được biểu thị dưới dạng một giấc mơ bí ẩn:

Tại trung tâm của một giấc mơ  là một người đàn ông: chiều cao của ngài bằng trời… Ở bên phải và bên trái ngài các sư tử đang ngồi canh chừng… Ngài bảo ta xây cất cho ngài một đền thờ, nhưng ta không hiểu lòng của ngài (tức ý muốn của ngài)…

 Đây là một người phụ nữ. Bà không là ai, bà là ai? …  Bà đang cầm trong tay một bút trâm bằng kim loại cháy rực; bà đang cầm bảng đất sét viết chữ của thượng giới; bà đang đắm chìm trong suy nghĩ. .  .

Băn khoăn và bối rối, Gudea trước tiên tìm an ủi từ ‘mẹ’ mình, nữ thần Gatamdug, và rồi đi thuyền đến đền thờ nữ thần Nanshe ‘người lý giải giấc mơ’. Nanshe giải thích rằng người đàn ông đó là Ningirsu và người phụ nữ là Nisaba, nữ thần khoa học; bà khuyên Gudea dâng cho Ningirsu một chiến mã xa ‘trang trí bằng kim loại và  đá quý rực rỡ’:

Rồi, bí hiểm như bầu trời, sự minh triết của Chúa tể, hoặc Ningirsu, con trai của Enlil, sẽ vỗ về ngươi. Ngài sẽ tiết lộ với ngươi thiết kế của đền thờ ngài, và Chiến binh mà sắc lệnh của người là vĩ đại sẽ xây dựng nó cho ngươi.

Gudea vâng lời. Đã thống nhất với các công dân Girsu ‘như các con trai của cùng một mẹ’ và khiến mỗi nhà đều an bình, ông báng bổ đền thờ cũ và thanh tẩy thành phố:

Ngài thanh tẩy thành phố thiêng và bao vây nó bằng lửa.. . Ngài thu nhặt đất sét tại một nơi rất thuần khiết; tại một nơi thuần khiết ngài đặt phù sa vào trong gạch và đặt gạch vào khuôn. Ngài theo đúng nghi thức trong mọi nét uy nghi của chúng: ngài thanh tẩy nền móng của đền thờ, bao quanh nó bằng lửa, rồi xức dầu thơm…

 Khi việc này đã xong, các thợ thủ công từ xa như Elam và Susa được vời đến. Mâgn và Meluhha thu gom gỗ từ vùng núi của họ… và Gudea mang gỗ về thị trấn Girsu của mình.

 Gudea, vị vua-thầy tế vĩ đại của Ningirsu, đắp đường vào tận vùng núi Tuyết Tùng mà trước đây chưa ai đặt chân đến; ông hạ cây tuyết tùng bằng những chiếc rìu lớn… Như những con rắn khổng lồ, các cây tuyết tùng trôi về theo dòng sông….

 Trong các quặng mỏ chưa ai từng đến, Gudea, vị vua-thầy tế vĩ đại của Ningirsu, đắp một con đường và rồi đá được chuyển về từng khối lớn… Nhiều loại quý kim khác được mang đến cho vị ensi. Từ núi Đồng ở Kimash… những ngọn núi của nó như bụi… Cho Gudea, họ đào bạc từ vùng núi của nó, giao đá đỏ từ Meluhha với số lượng lớn. ..

Cuối cùng công việc xây dựng bắt đầu, và trong vòng một năm điện thờ hoàn tất đúng hạn định và sẵn sàng nghi lễ rước thần linh vào cư ngụ:

Lòng tôn kính đền thờ – Gudea tự hào nói – thâm nhập cả xứ sở; người lạ thì đầy kinh sợ; sự rực rỡ của E-ninnu ôm lấy vũ trụ như một tấm áo choàng!

Than ôi, về đền thờ hoành tráng này không có gì thực sự còn sót lại, và chúng ta dễ bị cám dỗ để cho là  Gudea cường điệu một cách thô thiển nếu không có 17 bức tượng lạ lùng của vị ensi còn đến được tay chúng ta, phần lớn là do đào bới một cách bất hợp pháp. Chạm khắc từ một khối đá điorit đen bóng ở Magan, chúng được tạo tác bằng đường nét đơn giản, chi tiết chắt lọc, và thể hiện cảm xúc khiến chúng có chỗ đứng nổi bật trong triển lãm điêu khắc thế giới (hình dưới). Nếu những tuyệt tác như thế được trưng bày trong các điện thờ của Girsu chúng ta có thể tin chắc phần còn lại của nghệ thuật trang trí và chính các tòa nhà không thể nào có chất lượng thấp kém được.

4

Người đàn ông trẻ tuổi ngồi điềm nhiên, một nụ cười nhẹ trên môi, hai bàn tay gấp trước ngực, bản thiết kế đền thờ hay một cây thuớc thợ vắt ngang đầu gối, là một minh họa tốt nhất của một nhân vật không may sớm biến mất: một nhà cai trị Sumer hoàn hảo, sùng đạo, chính trực, có văn hóa, trung thành với truyền thống cổ, tận tụy với nhân dân, chứa chan tình yêu và niềm tự hào đối với thành phố mình và, ít nhất trong trường hợp đặc biệt này, hiếu hoà – trong tất cả bảng chữ khắc của Gudea, chỉ có một chiến dịch quân sự ở Anshan (Đông Elam) được nhắc tới; do đó không nghi ngờ gì gỗ, kim loại và đá được sử dụng trong các dinh thự của ông là do trao đổi chứ không phải do chinh phục lãnh thổ. Hàng hóa trao đổi là gì không được tiết lộ, nhưng việc điều hành thương mại rộng khắp của vị ensi của Lagash là minh chứng cho sự hưng thịnh gần như không thể tin được của một thành bang Sumer sau 100 năm dưới chính quyền Akkad và gần 50 năm bị ngoại nhân chiếm đóng.

Shulgi, Amar-Sin và Đế chế Sumer

‘Bị bỏ rơi trên chiến trường như một con thuyền bị đắm’,  Ur-Nammu mất trong một trận đánh không được thuật lại và được kế vị bởi con trai Shulgi, người trị vì 47 năm (2094 – 2047 TCN). Nửa trước của thời trị vì lâu dài này trải qua với những hoạt động hòa bình: các đền thờ và ziqqurats do Ur-Nammu xây dựng được hoàn thành và những công trình mới được xây dựng; các vị thần được an vị trong các điện thờ dưới sự bảo quản của các thầy tế do nhà vua bổ nhiệm; lịch được cải tiến và một đơn vị đo lường ngũ cốc mới của nhà nước gur (khoảng 6 giạ) thay thế những đơn vị địa phương đã dùng trước đây; với mọi chắc chắn, một biện pháp tái tổ chức có tính hoàn toàn chính trị, kinh tế và quản trị cùa vương quốc xảy ra trong thời kỳ này.

Hơn nữa, vị vua này, người đã tuyên bố mình làm chủ khoa học của việc ghi chép  thành lập hai trường lớn ở Ur và Nippur nhờ đó ta mang ơn rất nhiều tuyệt tác của văn chương Sumer. Tuy nhiên, vào năm trị vì thứ 24, Shulgi lao vào một chuỗi dài các chiến dịch quân sự hàng năm vào vùng đồng bằng và đồi núi Kurdistan. Sân khấu của các cuộc hành quân này là một vùng tam giác giới hạn bởi các thị trấn Shashrum, Urbilum và Harshi và lấy trung tâm là  Simurrum, một căn cứ địa rõ ràng là hùng mạnh phải chiếm cho bằng được và ‘tàn phá’ 9 lần trước khi sụp đổ. Vùng này người Hurria cư ngụ, với các đồng minh Lullubi của họ, ắt hẳn đang đe đọa hai tuyến  đường mậu dịch chính yếu: một tuyến dọc theo sông Diyala đến trung tâm Iran, tuyến kia dọc sông Tigris đến Armenia và Anatolia. Mức đe doạ chắc hẳn rất nghiêm trọng, nhưng giữa hai trong ba ‘cuộc chiến Hurria’ người Sumer xây dựng một bức tường phòng ngự đâu đó giữa Tigris và dãy núi Zagros. Cuối cùng, Shulgi giành thắng lợi và biến bộ phận này của Kurdistan thành một tỉnh lỵ Sumer (2051). Ở Tây-Nam Iran, vua Sumer theo đuổi một chính sách ngoại giao thoải mái hơn. Guti đã đặt dấu chấm hết đến sự trị vì của Puzur-Inshushinak và đẩy Elam vào một tình trạng vô chính phủ tồi tệ hơn ở Mesopotamia. Shulgi lợi dụng tình thế để xác lập quyền hành của mình lên vùng bảo hộ Akkad trước đây. Ông gả các con gái mình cho các nhà cai trị Warahshe và Awan, chiếm lấy Susa tại đó ông bổ nhiệm một thống đốc Sumer nhưng xây dựng một đền thờ thần  Inshushinak, vị thần tối cao của Elam’, đập tan một vụ nổi loạn ở Anshan và cuối cùng đăng ký cho các binh lính Elam vào lực lượng ‘lê dương nước ngoài’ được giao phó công cuộc phòng thủ biên giới đông-nam Sumer. Theo gương

Narâm-Sin, Shulgi tự xưng ‘Vua Bốn Cõi (Thế giới)’ và được tôn sùng như một vị thần trong lúc sống  và sau khi mất. Mỗi tháng hai lần tượng của ông trên khắp đế chế được dâng lễ cúng, thánh thi được viết để ca ngợi ông, và tldanh hiệu ‘Shulgi thần thánh’ được đặt tên cho một tháng trong lịch Sumer.

Amar-Sin, con trai của Shulgi, chỉ trị vì được 9 năm (2046 – 2038). Như vua cha, ông chia thời gian giữa việc trùng tu đền thờ và tiến hành chiến tranh trong cùng những khu vực đông-bắc, được phong thần và, không có chút khiêm tốn, xem mình là ‘vị thần đã đem cuộc sống cho xứ sở’ hoặc ‘thần mặt trời của Vùng Đất’. Theo một văn bản điềm triệu sau này, Amar-Sin chết vì bị nhiễm trùng tại vết thương ở bản chân do giày gây ra. Ông được an táng bên cạnh vua cha Shulgi, trong một lăng mộ ngầm rộng lớn vẫn còn nguyên vẹn khi được phát hiện mặc dù mộ bị cướp tại thành phố thiêng Ur, gần ‘Nghĩa trang Hoàng gia’ tiếng tăm.

Trong thời trị vì của Shulgi và Amar-Sin ‘đế chế’ Sumer đạt đến cực đỉnh . Bên trong đường biên giới còn mờ mịt đối với chúng ta, có thể nhận diện ba khu vực khác nhau. Ở ngoại vi là những bang độc lập, như Elam hoặc Mari, vốn đã bị lôi kéo vào vùng ảnh hưởng của Ur bởi một chính sách liên minh hôn nhân do  Ur-Nammu đưa vào Mari và được Shulgi theo đuổi tại những nơi khác. Rồi những xứ bị chinh phục bị biến thành tỉnh lỵ và đặt dưới quyền của một thống đốc dân sự (ensi) hoặc một thống đốc quân sự (sagin trong tiếng Sumer, shakkanakkum trong tiếng Akkad), thường có xuất thân bản địa; đây là trường hợp với Susa, Assur và ắt hẳn một phần lớn Bắc Mesopotamia, được gợi ý từ sự kiện Ur-Nammu trùng tu và tân trang cung điện của Narâm-Sin tại Mô gò Brak, nơi nó đã bị hủy diệt có lẽ bởi nhà Guti. Cuối cùng, ngay trung tâm của vương quốc (Sumer và Akkad), những thành bang trước đây giờ được xử lý như các tỉnh lỵ. Vị lugal duy nhất là Vua Ur, và các vị ensi từng một thời đầy kiêu hãnh  giờ đã trở thành những quan chức tầm thường được ông bổ nhiệm để giữ gìn trật tự, phân phát công lý, thi hành những mệnh lệnh hoàng gia liên quan đến công trình công cộng và thu thuế. Những khu vực khác nhau của lãnh rộng lớn này được kết nối bởi một mạng lưới đường xá có những trạm dừng chân cố định, cách nhau một ngày đường đi bộ, tại đó các viên chức kinh hành, được binh lính và cảnh sát hộ tống, nhận khẩu phần ăn có chất lượng thay đổi tùy theo cấp bậc của họ. Đây là những quan triều (lu-kasa) nhưng cũng là sukkal, nghĩa là những quan thanh tra hoàng gia được nhà vua phái đi định kỳ để bảo đảm việc quản trị trung ương và địa phương hoạt động trôi chảy. Trưởng của họ,  sukkalmah (‘đại sukkal’), giữ chức vụ cao nhất trong chính quyền trung ương: ông ta là ‘tể tướng’ chỉ chịu trách nhiệm trước nhà vua.

Một trong những định chế đặc biệt nhất của vương quốc Ur là bala (nôm na là ‘xoay vòng’), một hệ thống đánh thuế theo đó mỗi vị ensi của Sumer và Akkad thay phiên trả cho Nhà nước một số thuế hàng tháng, thường tính bằng số gia súc hoặc cừu. Những món thuế này đồng loạt được chở về một trung tâm thu gom lớn gọi là Sellush-Dagan, ngày nay là Drehem, cách Nippur vài cây số về phía nam. Tại đó, chúng được phân loại, một số đi đến Nippur – hơn bao giờ hết là kinh đô tôn giáo của Sumer – và phần còn lại đến Ur. Ngoài số thuế phải kê thêm hàng triều cống (gun) bằng bạc, gia súc, da thuộc và những sản vật khác nhau được các tỉnh lỵ xa xôi  và một số xứ sở dưới sự bảo hộ của Sumer tiến cống, cũng như ‘quà cáp’ của các nhà cai trị nước ngoài. Tất cả phẩm vật xuất nhập đều được các thư lại Sellush-Dagan ghi chép cẩn thận.

Những tài liệu lưu trữ ở Drehem, cùng với những tài liệu tìm được ở Ur, Nippur, Girsu và Umma, tạo thành một khối lượng khổng lồ những tư liệu hành chính mà 40,000 bảng đã được in và nhiều như thế, nếu không muốn nói là nhiều hơn, bảng vẫn còn nằm trong những ngăn tủ của các viện bảo tàng, các trường đại học và sưu tập tư nhân. Mặc dù số lượng thông tin kết sù này, kiến thức chúng ta về các hệ thống xã hội và kinh tế ở Sumer dưới Triều đại Thứ Ba của Ur sẽ không bao giờ đầy đủ bởi một lý do đơn giản là, ngoài một ít hợp đồng, thư từ và lời phán xét, tất cả văn bản này chỉ là những ghi chép về định chế Nhà nước, lãnh vực tư nhân, nếu có, đã hoàn toàn bị bịt kín. Hơn nữa, chỉ mới kể số lượng bảng khắc được nghiên cứu, còn ý nghĩa không chắc chắn của một số chức danh và chức năng Sumer và các vấn đề về phương pháp học đặt ra do việc xử lý số lượng đó cho thấy là còn lâu mới có được một tổng hợp xúc tích mà các sử gia mong đợi.

Trong tình hình hiểu biết hiện nay của chúng ta, cảm giác chung mà số tài liệu này tạo ra là loại chính quyền trung ương vốn đã phát triển chung quanh đền thờ và Cung điện vào thời Triều đại Sớm vẫn còn duy trì nhưng sức nặng bây giờ tập trung vào Cung điện. Trên mọi vùng đất và thần dân của mình nhà vua xứ Ur áp đặt một quyển lực tuyệt đối dựa trên phẩm chất cá nhân của mình và trên mệnh lệnh ông tuyên bố là đã nhận được từ Enlil với sự tôn trọng các truyền thống như một điều kiện duy nhất – một sự tôn trọng đi quá xa đến nỗi ‘các triều đại’ của các ensishagin đều được cho phép, và thậm chí một quan tòa tỉnh lẻ cũng có thể chống đối cáo buộc của triều đình. Về lý thuyết, vì lợi ích của Enlil, là chủ nhân của mọi hàng hóa và tài sản, nhà vua dường như chỉ sở hữu ‘đất lương thực’ trong một lãnh thổ  nhỏ của thành phố Ur. Ngược lại Cung điện thu về từ mọi nơi một dòng chảy không ngừng các loại thuế, đồ triều cống và quà biếu, cung ứng cho nguyên thủ, gia đình ông và triều đình một lợi tức kết sù. Cũng phải công tâm nói thêm là phần lớn lợi tức này được tiêu tốn để tài trợ cho việc xây dựng đền thờ, đào và bảo quản kênh đào và đảm nhiệm những công trình công cộng khác trên khắp ‘đế chế’ Sumer.

Như trong quá khứ xa xăm, những cánh đồng lúa mì và lúa mạch được canh tác và quản lý bởi nhiều người phục vụ cho đền thờ dưới quyền một ‘thủ trưởng’ (shabra) được một nhóm giám sát viên, kiểm soát viên và thư lại phụ tá. Những đất canh tác được vẫn còn được chia thành đất thần linh, đất lương thực và đất cày, và lượng thu hoạch thật đáng kể: trong năm thứ hai của Amar-Sin, chẳng hạn, gần 255,000 hectolit (100 lit) lúa mì được thu hoạch quanh Girsu. Chúng ta không có thông tin nhiều về bộ phận kinh tế nông thôn, mặc dù chúng ta thỉnh thoảng đọc thấy những đàn lớn gia súc được chăn nuôi và tiêu thụ bởi Nhà nước (tức Đền Thờ và Cung điện); nhưng chúng ta trở lại nền tảng vững chắc hơn với ‘kỹ nghệ’ Sumer, theo nghĩa sự biến đổi sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi – chứ không phải nghề gia công kim loại vốn vẫn còn nằm trong tay các thợ thủ công. Trên khắp nam (và ắt hẳn cũng trung tâm) Mesopotamia là những hãng xưởng lớn, tự cung tự cấp sản xuất những đồ gia dụng như thuộc da, dệt vải hoặc xay bột, sử dụng hàng ngàn nhân công, hầu hết là phụ nữ. Chẳng hạn, trong vùng Girsu 15,000 phụ nữ được sử dụng trong kỹ nghệ dệt địa phương, và cũng trong vùng đó một đơn vị chế biến ngũ cốc sản xuất không những bột (1,100 tấn mỗi năm) và bánh mì, mà còn bia, dầu hạt lanh, đá mài, vữa, chậu đất sét, đệm và da thuộc. Hãng xưởng đặc biệt này thuê mướn 134 chuyên gia và 858 công nhân lành nghề, bao gồm 669 phụ nữ, 86 đàn ông và 103 vị thành niên. Trong khi có chứng cứ về nhà buôn  và ‘doanh nghiệp’ tư, mậu dịch quốc tế dường như độc quyền trong tay Nhà nước, người cung cấp vốn cần thiết. Đa số thành phần gọi là nhà buôn (damgar) thực tế là những công bộc nhà nước hoạt động như người trung gian. Bạc còn hiếm và chủ yếu được sử dụng như chuẩn mực để trao đổi hàng hóa, nhưng đôi khi cũng như ‘tiền tệ’. Nó được tích trữ bởi các quan chức cao cấp và không lưu hành trừ khi có sự ủy quyền của Cung điện.

Trong thời kỳ Ur III, xã hội Sumer – như được xét qua câc văn bản hành chính có sẵn và bỏ qua sưu tập tư nhân không rõ  kích cỡ – dường như được phân thành hai hạng người. Một bên, một số ít viên chức của chính quyền trung ương và địa phương, từ sukkalmah đến hazzanum (trưởng làng), mà thu nhập và địa vị xã hội thay đổi tùy theo chức vụ của họ. Bên kia, đại đa số dân chúng, được  thuê mướn bởi các đơn vị sản xuất lớn. Những đơn vị này được điều hành bởi ban quản lý đông đảo với chuyên môn trong các lãnh vực hoạt động khác nhau, trong khi nhân lực được cung ứng bởi các đội nam và nữ công nhân (gurushgeme), có tay nghề cao hay thấp. Lực lượng lao động này cũng được sử dụng hoặc thường xuyên hoặc từng thời gian để thực hiện những công việc thời vụ như thu hoạch ngũ cốc hoặc chà là hoặc lau sậy, hoặc tạp vụ, như đào kênh, kéo thuyền hoặc xây dựng công sự. Đối với các dịch vụ công rất quy mô, binh sĩ (eren) được điều động, và toàn thể dân chúng có thể bị động viên nếu cần. Các nô lệ (arad) không nhiều và được độc quyền tuyển mộ từ đám tù binh đã được tha chết sau trận đánh. Họ kết nạp vào các đơn vị binh lính hoặc đội lao động nam, trong khi vợ con họ được sung vào lực lượng phục vụ đền thờ hoặc phân công về các hãng xưởng lớn làm nhân công hoặc tôi tớ. Mọi nô lệ đều hưởng được cùng quyền lợi như các lao động khác, và họ có thể được trả tự do bởi các định chế họ đang phục vụ.

Như trong thời kỳ Triều đại Sớm, lương bổng được trả bằng khẩu phần hàng năm, hàng tháng, hàng ngày với loại hiện vật và số lượng tùy theo tuổi tác, giới tính và chức vị. Khẩu phần tối thiểu của một công nhân hãng xưởng không chuyên gồm 20 lít lúa mạch mỗi tháng, thêm 3.5 lít dầu và 2 kí len mỗi năm. Lượng này nghe như, và thật ra, rất ít, nhưng nó được hỗ trợ đến một mức độ nào đó những khẩu phần bổ sung nhỏ cho vợ con họ và thỉnh thoảng theo mùa vụ nhận được thêm chà là, đậu, gia vị, cá, thịt và quần áo. Mặt khác, một engar, cai thợ hoặc chuyên viên nông nghiệp, nhận khẩu phần nhiều gấp hai lao động bình thường. Ngoài ra y có thể được ban một mảnh đất trồng lương thực và có thể một khu vườn nhỏ trồng rau củ và nuôi gia súc. Điều này khiến y có của ăn của để, nhờ đó có thể thuê mướn một hai tôi tớ và có thể cất thêm nhà cho con cái mình. Nói chung, có vẻ như đa số dân chúng Sumer-Akkad sống khá kham khổ và một số chỉ cầm hơi. Số người này thường phải vay mượn hàng hóa hoặc thậm chí bạc từ các người cho vay công và tư với lãi suất rất cao (33 phần trăm đối với lúa mạch); một số người nghèo nhất buộc phải cho con cái, hoặc ngay cả bà vợ mình, đi làm tôi tớ người khác cho đến khi trả hết nợ.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết dân chúng nghĩ gì về xã hội mà y đang sống. Y có thể là nạn nhân của sự lạm dụng và đối xử bất công bởi những kẻ giàu có và quyền uy, nhưng y chắc chắn buộc phải cam chịu với hệ thống trong đó y chỉ là một bánh răng; suy cho cùng, y chưa từng biết điều gì khác và phải tuân theo cái trật tự được các thần linh ấn định. Trong thời Shulgi và Amar-Sin, bộ máy kinh tế khổng lồ nhằm đảm bảo cuộc sống của mọi người và sự thịnh vương của Sumer đường như hoạt động trôi chảy. Đối với người đương thời với các vị vua này đế chế ắt hẳn trông như một thành trì rộng lớn, khéo giữ gìn, và gần như bất khả xâm phạm. Nhưng những người lính  ngày đêm canh giữ những con đường bụi mù của sa mạc hiểu rằng bọn du mục đã rục rịch. Băng qua Euphrates và Khabur, chúng giờ đang đi nhỏ giọt về hướng thung lũng xanh tươi theo những dòng người ít ỏi tưởng như vô hại; tuy nhiên, trong một tương lai không xa, các bộ tộc hiếu chiến của chúng sẽ tạo thành một dòng thác dữ dội mà không sức mạnh nào có thể ngăn cản.

Sự sụp đổ của Ur

Chỉ dấu đầu tiên cho thấy tình hình không yên ổn như đã từng trên biên giới phía tây xảy ra trong thời trị vì của Shu-Sin (2037 – 2029 TCN), em trai và người kế vị của Amar-Sin. Như các đời vua trước của Ur, Shu-Sin thần thánh phục hồi một số đền thờ và mở chiến dịch vào vùng núi Zagros, tại đó ông đánh bại một liên minh của một vài nhà cai trị Iran. Ông cũng trợ giúp con rễ, vua xứ Símanum (một thị trấn phía bắc Mardin, ở nam Thổ Nhĩ Kỳ) dẹp tan một vụ nổi dậy, đem bọn nổi dậy về Sumer và dựng một trại tập trung cho họ gần Nippur: trại tù binh đầu tiên ở Mesopotamia!) Nhưng chính quyền trong năm trị vì thứ 4 của ông đánh một nốt nghe không quen tai, vì trong năm đó, chúng ta được cho biết, nhà vua ‘cho dựng pháo đài MAR.TU (tên được gọi) nhằm ngăn bọn Tidnum’. Chúng ta biết từ những nguồn khác là MAR.TU trong tiếng Sumer và Tidnum (hay, thường hơn, Amurrum) trong tiếng Akkad là những tên khác nhau của một xứ ở phía tây Euphrates. Vùng rộng lớn này tương ứng với Syria ngày nay, bao gồm sa mạc bao quanh Palmyra, thung lũng Orontes và vùng núi dọc theo Địa Trung Hải. Một phần dân cư của họ sống trong các thị trấn hay làng mạc, nhưng khi người Sumer hay Akkad nói về MAR.TU hay Amurru – còn chúng ta gọi là người ‘Amorite’ – họ nghĩ ngay đến những người mà họ tiếp xúc đặc biệt mật thiết: những bộ tộc du mục lang bạt khắp sa mạc và thường băng qua những con sông để chăn thả gia súc trên những đồng cỏ của Mesopotamia. Từ thời Triều đại Sớm những người Amorite dong ruổi này được người Sumer biết tường tận, chúng hoặc là những cá nhân rời bỏ bộ tộc để sinh sống và làm việc trong các thành phố hoặc là bọn du mục mà lối sống luộm thuộm được cho là ghê tởm và đáng khinh bỉ:

Bọn MAR.TU không có ngũ cốc… Bọn MAR.TU không có nhà cửa hoặc thị trấn, lũ cục xúc của núi non … Bọn MAR.TU chỉ biết đào nấm … không biết uốn cong đầu gối (để canh tác đất), chỉ ăn thịt sống, suốt đời không có nhà cửa, đến chết không được chôn cất. 

Hoặc thêm nữa:

Họ đã chuẩn bị lúa mì và ngũ cốc dưới dạng bánh mứt, nhưng một người Amorite sẽ ăn nó mà thậm chí không nhận ra nó chứa thứ gì!

Chống lại bọn man rợ này chuyên đi cướp phá làng mạc và đột kích các đoàn xe vận tải những cuộc bố ráp của cảnh sát được tiến hành, đôi khi những cuộc hành quân quy mô lớn được phát động. Chẳng hạn  một năm trong thời trị vì của Shar-kali-sharri, vị vua vĩ đại cuối cùng của Agade, được đặt tên, sau thắng lợi của ông với MAR.TU ‘tại núi Basar’, tức Jabal Bishri, giữa Palmyra và Deir-ez-Zor, và có nhắc tới  bọn tù binh người Amorite trong văn thư của  Shulgi và Amar-Sin. Nhưng tình hình bây giờ đã đổi chiều: người Sumer đang trong thế phòng ngự; đâu đó giữa Mari và Ur họ phải xây dựng một pháo đài để ngăn chặn đám du mục.

Trong một thời gian biện pháp này ắt hẳn có hiệu quả, vì chúng ta không nghe tin gì về người Amorite trong vòng 10 năm sau đó. Trong khi đó, Shu-Sin mất và được kế vị vào năm 2028 bởi con trai mình, Ibbi-Sin. Chuyện gì xảy ra trong việc thay đổi quyền trị vì chúng ta chắc không bao giờ biết được, nhưng nhà vua mới vừa đăng quang thì đế chế thực sự tan rã. Từng tỉnh lỵ một ở phía đông – bắt đầu là Eshnunna trong năm thứ hai của Ibbi-Sin và Susa trong năm thứ ba, lần lượt tuyên bố độc lập và tách khỏi đế chế và không ngừng gây áp lực lên biên giới của vương quốc. Đến năm thứ 5 họ xuyên thủng phòng tuyến và đột nhập sâu vào trung tâm Sumer. Tình hình nguy cấp ra sao có thể bộc lộ qua hai bức thư trao đổi giữa nhà vua và một tướng lĩnh của ông, Ishbi-Irra, một người gốc Mari, đã được lệnh thu mua một số lượng lớn ngũ cốc ở Nippur và Isin gần đó và chuyên chở đến Ur. Ishbi-Irra tuyên bố mình không thể hoàn thành sứ mạng vì bọn MAR.TU đã tàn phá vùng quê và cắt đứt mọi đường giao thông dẫn đến kinh đô, và đang chuẩn bị tấn công Isin và Nippur; ông ta yêu cầu được giao một cách chính thức nhiệm vụ phòng thủ hai thành phố. Trong thư hồi âm nhà vua ưng thuận, khuyên vị tướng của mình tìm kiếm sự hỗ trợ của các ensi và sĩ quan  khác nhằm mua lương thực với giá gấp đôi. Chẳng bao lâu sau đó ông thành công trong việc đánh bại bọn MAR.TU, nhưng các thần dân của ông đang chết đói và quyền hành của ông bị các sĩ quan dưới quyền thách thức. Vào năm 11 (2017) Ishbi-Irra tự xưng vương ở Isin – ngay chính thành phố mà ông thề sẽ bảo vệ  vì chủ nhân mình – và một ít năm trước, một người tộc trưởng  Amorite tên Nablânum đã được đội vương miện ở Larsa, chỉ cách Ur 25 dặm. Để khiến tình hình tồi tệ hơn, người Elam lợi dụng tình thế để xâm lược Sumer, như họ đã làm quá thường trong quá khứ. Bị thần linh bỏ rơi, bị đói kém bao vây, bị tấn công trên cả hai mặt trận, thực tế chỉ còn giữ được kinh đô và vùng phụ cận, đế chế Sumer vĩ đại giờ đây chỉ là cái bóng của một vương quốc. Ibbi-Sin chiến đấu đến phút cuối cùng và ắt hẳn đã tìm cách liên minh với người Amorite để chống lại người Elam và đạo quân của đối thủ cạnh tranh với mình Ishbi-Irra. Nhưng kế hoạch này cũng thất bại.  Vào năm 2004 TCN người Elam đã đến chân tường thành của Ur – những tường thành mà Ur-Nammu đã xây dựng ‘cao như ngọn núi chói lọi’. Chúng tấn công thành phố vĩ đại, chiếm nó, cướp bóc nó, thiêu rụi nó rồi rút lui, chỉ để lại một đội quân đồn trú nhỏ. Ngài Ibbi-Sin xấu số bị bắt làm tù binh đưa đến Iran, ‘đến điểm cuối của vùng Anshan mà các thành phố của nó chính ông đã tàn phá’, và mất ở đó. Nhiều năm sau, khi Ur một lần nữa trở thành một thành phố hưng thịnh, sự hủy diệt của nó vẫn còn được người Sumer  nhớ đến và than khóc như một thảm họa quốc gia:

Ôi, Cha Nanna, thành phố đã biến thành đống đổ nát . . .

 Dân chúng, chứ không phải mảnh gốm vỡ, nằm đầy dẫy ở khắp nơi;

 Tường thành đã bị chọc thủng; dân chúng rên rỉ.

 Trong cổng thành cao ngất thường dùng để đi dạo, các thi thể nằm ngổn ngang;

 Trên đại lộ, nơi lễ hội được tổ chức, họ nằm rải rác.

 Trên mọi đường phố  dành để dạo chơi, xác người nằm vất vưởng;

 Tại mọi nơi, từng được tổ chức tiệc tùng, dân chúng nằm chất đống..

 Ur – người mạnh kẻ yếu đều ra ma vì đói;

 Mẹ cha không ra khỏi nhà thì bị lửa đánh quỵ;

 Trong thành phố, vợ bị bỏ rơi, con trai bị bỏ rơi, của cải vất khắp nơi.

 Ôi Nanna, Ur đã bị hủy diệt, dân tình ly tán!


960

us_soldiers_climbing_the_ziggurat_of_ur-1

Bình luận về bài viết này