Chương 9 : NGƯỜI AKKAD
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Trước đây chúng ta thấy rằng trong thời kỳ Triều đại Sớm Sumer tác động một ảnh hưởng văn hóa đáng kể ra bên ngoài biên giới tự nhiên của mình, đặc biệt dọc theo sông Euphrates từ Kish đến Mari và từ Mari đến Ebla, trong khi thung lũng Tigris, vì một lý do nào đó không biết, dường như tương đối bị bỏ xó. Tuy nhiên, không có lý do gì để cho rằng Sumer gieo rắc nghệ thuật, chữ viết và văn chương bằng áp đặt võ lực. Nếu các nhà cai trị Sumer chiến đấu trong bốn thế kỷ, đó là vì để đẩy lùi bọn xâm lăng tử phía Đông và đễ tạo thế vượt trội hơn các thành bang khác chứ không để chinh phục đất đai ngoại bang. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 24 TCN chiến dịch chói lọi của Lugalzagesi báo trước một chính sách bành trướng và thống trị lãnh thổ mà gần như ngay lập tức được các ông hoàng Semite theo đuổi từ trung tâm Iraq. Không chỉ Sargon và những người kế vị ông khuất phục mọi thành bang Sumer mà họ còn đi chinh phục toàn bộ lưu vực Tigris-Euphrates cũng như những xứ sở giáp ranh, dấn mình vào những cuộc viễn chinh đến tận Vịnh Ba Tư và xây dựng vương quốc Mesopotamia vĩ đại đầu tiên. Lần đầu tiên kể từ thời kỳ Ubaid tiền sử hai nửa vùng Mesopotamia, đến lúc ấy chỉ liên kết bởi những mối ràng buộc lỏng lẻo, giờ được kết chặt với nhau thành một lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Taurus đến ‘Biển Hạ’, từ Zagros đến Địa Trung Hải. Đối với người thời đó lãnh thổ này có vẻ mênh mông; nó bao gồm ‘Bốn Vùng Thế Giới’, nó là ‘Vũ Trụ’. Đế chế Sargon sẽ tồn tại khoảng 200 năm và sụp đổ dưới sức ép phối hợp của các bộ tộc Zagros và nội loạn, nhưng nó đặt ra một kiểu mẫu không hề được quên lãng. Để tái tạo sự thống nhất của Mesopotamia, để đến được điều chúng ta gọi là giới hạn tự nhiên trở thành ước mơ của mọi quốc vương đi sau, và từ giữa thiên niên kỷ 3 TCN cho đến sự sụp đổ của Babylon vào năm 539 TCN lịch sử của Iraq cổ đại bao gồm những thử nghiệm, những thành tựu và thất bại để đạt đến mục tiêu này.
Thế thì ai là những người Semite này, những người đã bước vào lịch sử một cách xuất sắc?
Người Semite
Tính từ ‘Semitic’ được một học giả Đức, Schlozer, đặt ra vào năm 1781 để định tính một nhóm ngôn ngữ có liên hệ mật thiết, và tiếp theo dân tộc nói những ngôn ngữ này được gọi là ‘Semite’. Cả hai từ đều xuất phát từ Shem, con trai của Noah, cha của Ashur, Aram và Heber (Sáng Thế Ký x. 21 – 31) và được cho là tổ tiên của người Assyria, Aramaea và Hebrew. Trong số các ngôn ngữ Semite tiếng Ả Rập ngày nay được nhiều người nói nhất; rồi đến tiếng Ethiopia và Hebrew (tiếng Do Thái cổ), tiếng sau này gần đây sống lại bằng chữ viết. Những tiếng khác, như các phương ngữ Akkadia (tiếng Babylonia và Assyria) hoặc Canaan đều chết, trong khi tiếng Aramaea còn sống sót, với nhiều thay đổi, trong ngôn ngữ tế lễ của một số Giáo hội Đông phương (tiếng Syria cổ) và trong các phương ngữ được nói trong những cộng đồng nhỏ, cô lập ở Lebanon và bắc Iraq. Tất cả những ngôn ngữ này có nhiều điểm chung và tạo thành một họ rộng lớn và nhất quán. Một trong những đặc điểm chính của chúng là gần như mọi động từ, danh từ và tính từ đều rút ra từ những từ gốc thường gồm ba phụ âm. Việc chèn vào một hay nhiều nguyên âm vào giữa các phụ âm này cho ta một từ có liên quan chính xác với khái niệm diễn tả của từ gốc theo một cách tổng quát.
Chẳng hạn trong tiếng Ả Rập từ gốc ktb chuyển tải khái niệm chung chung về ‘viết’, nhưng ‘ông ấy đã viết’ là kataba, ‘ông ấy viết’ là yiktib, ‘người viết’ là kâtib,. . . Ngôn ngữ thuộc loại này được gọi là có nhiều biến tổ và tương phản với các ngôn ngữ, như tiếng Sumer, thuộc loại chấp dính.
Chừng nào được sử dụng cho các mục đích ngôn ngữ, những từ ‘Semitic’ và ‘Semite’ rất thuận tiện và được mọi người chấp nhận. Nhưng bởi vì các ngôn ngữ Semitic, trước khi có sự bành trướng vĩ đại của đạo Hồi, được nói trong một khu vực giới hạn, một số tác giả đã xem người Semite là một chủng tộc đặc biệt, hoặc đúng ra – vì khái niệm về chủng tộc Semite bị các nhà nhân chủng học hiện đại bác bỏ – một cộng đồng đồng nhất của những người không chỉ chia sẻ cùng một ngôn ngữ mà còn cùng một tâm lý, luật lệ và tập quán và tín ngưỡng. Nói một cách khác, người Semite được xem như một ‘dân tộc’ lớn đơn thuần. Quan điểm này có được biện minh không? Vấn đề, tất nhiên, có tầm quan trọng và phải được khảo sát.
Khu vực mà các dân tộc nói tiếng Semitic trong những thời đại lịch sử ban đầu bao gồm bán đảo Ả Rập và các vùng xáp nhập phía bắc: sa mạc Syria, Syria-Palestine và một phần của Mesopotamia. Đó là một vùng đất kết chặc, xác định rõ ràng, có biển núi giới hạn bốn bên. Theo học thuyết cổ điển, mọi người Semite xuất thân là những bộ tộc du cư sống trong phần trung tâm của khu vực này. Vào những khoảng thời gian khác nhau những nhóm người họ rời sa mạc Syria-Ả Rập để định cư, một cách hòa bình hoặc bằng võ lực, trong những khu vực ngoại vi, hầu hết thuộc Mesopotamia và Syria-Palestine. Họ là :
- người Akkad trong Mesopotamia vào thiên niên kỷ 4 TCN.
- người Semite phía Tây (Canaan-Phoenicia, Eblait và Amorite) trong Mesopotamia và Syria-Palestine vào thiên niên kỷ 3 và 2 TCN. người Aramaea chung quanh Lưỡi Liềm Màu Mỡ vào thế kỷ 12 TCN.
- người Nabatea và những người Ả Rập Tiền-Hồi giáo khác từ thế kỷ 2 TCN đến thế kỷ 6 SCN.
- cuối cùng, người Ả Rập Hồi giáo từ thế kỷ 7 SCN.
Học thuyết này vẫn giữ vững – nhất là đối với nhóm ngôn ngữ sắc tộc cuối cùng – theo mức độ nó mô tả một cách khái quát một chuỗi nào đó các sự kiện. Về chi tiết, tuy nhiên nó không thể được chấp nhận mà không điều chỉnh nghiêm túc. Xem sa mạc Syria-Ả Rập là trung tâm khuếch tán của người Semite là vấn đề phải bàn lại. Chỉ Yemen, những bộ phận của Hadramaut và Oman, và một ít ốc đảo ở Ả Rập là thực sự có điều kiện sinh sống thuận lợi, và cực kỳ đáng ngờ có phải sa mạc rộng lớn của trung tâm Ả Rập có người ở hay không giữa thời đại Đồ Đá – khi nó không phải là sa mạc mà chỉ là một trảng cỏ – và thiên niên kỷ 1 TCN. Cuộc sống trong những vùng sa mạc mênh mông bao hàm những cuộc di cư đường dài theo mùa để tìm kiếm đồng cỏ, nhưng chỉ những cuộc di cư ngắn là có thể trước khi việc sử dụng lạc đà thuằn hóa trở nên phổ biến ở Cận Đông từ thế kỷ 12 TCN trở đi. Trước thời điểm đó người du mục, vốn cưỡi lừa và chăn nuôi cừu, nên di chuyển có phần hạn chế hơn những người Ả Rập du cư ngày nay và không thể lang thang quá xa giới hạn của thảo nguyên giữa hai sông Tigris và Euphrates và tại chân núi Zagros, Taurus và Lebanon. Ở đó họ tiếp xúc mật thiết và thường xuyên với dân cư làm nông, những người sẽ mua cừu của họ và đổi với họ ngũ cốc, chà là, dụng cụ, vũ khí và những vật dụng hằng ngày và tiện nghi khác. Mối quan hệ giữa người du cư và nông dân có thể có nhiều hình thái khác nhau. Nói chung hai nhóm gặp nhau đều đặn tại các làng mạc hoặc chợ quê bên ngoài cổng thành, và trao đổi hàng hóa, cùng với, không nghi ngờ gì, một số ý tưởng. Rồi người du cư trở lại với thảo nguyên của mình, có thể chỉ cách đó vài cây số. Thỉnh thoảng, có cá nhân rời bỏ bộ tộc và ở lại thị trấn tìm việc như lính đánh thuê, thợ thủ công hoặc bán buôn. Đôi khi một gia đình, một dòng họ, hoặc nguyên bộ tộc có được (hoặc được cho) đất và tham gia một phần vào nghề nông, một phần vào chăn nuôi cừu. Không phải là hiếm có việc chính quyền địa phương áp đặt một sự kiểm soát nào đó lên người du mục, sử dụng họ đặc biệt như binh lính phụ trợ khi tình hình đòi hỏi. Nhưng trong những thời điểm loạn lạc, tình hình có thể đảo ngược: các bộ tộc hoặc liên minh các bộ tộc gây chiến với xã hội định cư, cướp phá thị trấn và chiếm lấy một lãnh thổ, lớn hay nhỏ, rồi định cư tại đó. Việc định cư hóa của người du mục là một tiến trình chậm chạp, gần như là liên tục với những lượt xâm nhập vũ trang. Nó không theo hình thức di chuyển tầm xa từ sa mạc trung tâm đến vùng ngoại vị màu mỡ, mà là một chuỗi những di chuyển ngắn hoặc trung bình, từ thảo nguyên đến phần đất có thuỷ lợi. Chẳng hạn Vùng Lưỡi Liềm Màu Mỡ và có thể những bộ phận ở ngoại vi bán đảo Ả Rập xuất hiện như quê hương thực sự của các dân tộc nói tiếng Semitic. Họ đã ở đó, lâu như chúng ta có thể tính được, từ thời tiền sử, nhưng họ tự lộ diện với chúng ta tại những thời kỳ khác nhau, hoặc bởi vì họ chấp nhận một hình thức viết nào đó hay bởi vì, tại một thời điểm cho trước họ trở nên hiếu chiến hoặc có ảnh hưởng về chính trị và được đề cập trong các ghi chép của xã hội định cư.
Bởi vì hầu hết những bộ tộc du cư ở vùng Cận Đông cổ đại đều nói tiếng Semitic, không nhất thiết suy ra là mọi dân tộc nói tiếng Semitic đều du cư. Không nhận ra điều này đã dẫn đến nhiều sự lẫn lộn. Những đặc điểm được gán , đúng hay sai, cho người Semite nói chung – khí chất hăng hái, linh hoạt, nhẫn nại, tình cảm, tin tưởng độc thần, chống thần thoại và nghi thức, quan niệm xã hội-chinh trị xoay quanh bộ tộc – tất cả những điều này thực tế chỉ áp dụng cho người Semite du mục và là kết quả, đến một mức độ lớn, là do lối sống đặc biệt của họ. Nhưng nếu một số người Ả Rập, Aramaea và Semite phương Tây rơi vào trong loại này, chúng ta không có chứng cứ gì liệu người Akkad ở Mesopotamia – và cả, về vấn đề này, người Eblaite và Canaan ở Syria-Palestine – có phải xuất thân từ dân du cư hay không. Về phần Mesopotamia, chúng ta không biết khi nào người Semite tiến vào xứ sở này đầu tiên, nếu quả thực họ có tiến vào. Nhiều nỗ lực đã bỏ ra để tìm mối tương quan giữa một hoặc nhiều cuộc di cư sắc tộc lớn vào thời sơ sử với một cuộc xâm chiếm của người Semite, nhưng các ý kiến của các học giả về vấn đề này phân tán nhiều đến độ gần như giống như không biết gì. Những tên tuổi cá nhân người Semite và một ít văn bản viết bằng tiếng Semitic xuất hiện trong thời kỳ Triều đại Sớm, sự phân bố địa lý của chúng gợi ý rằng người Semite là nhóm thiểu số trong số người Sumer phương nam, nhưng hùng mạnh và năng động, nếu không muốn nói là lấn át, trong vùng Kish. Xét từ những bảng chữ khắc ở Mari và từ những tư liệu sau này, dường như chắc chắn họ đã cấu thành phần dân số lớn hơn ở bắc Iraq. Từ thời kỳ Sargon trở đi phần trung tâm của Mesopotamia từ Nippur lên đến có lẽ Hit và Samarra, bao gồm thung lũng hạ lưu Diyala, được gọi là ‘xứ Akkad’, tên này thường được viết là URI theo chữ Sumer. Do đó chúng ta có thể gọi người Semite xưa nhất của vùng Mesopotamia là người Akkad. Ngôn ngữ của họ, tiếng Akkad, tạo thành một nhánh đặc biệt của họ Semitic, và họ viết nó với dạng chữ hình nêm do người Sumer sáng chế để diễn tả ngôn ngữ của riêng mình – một sự thích nghi tình tế lẫn vụng về, vì hai ngôn ngữ này không có liên hệ gì nhau như, chẳng hạn tiếng Trung Hoa và tiếng Latinh. Trong khi một số từ Sumer đi vào tiếng Akkad, người Sumer vay mượn một số khá lớn từ Akkad như hazi, ‘cái rìu’, sham, ‘giá’, hoặc súm, ‘tỏi’. Hiện giờ chúng ta chỉ biết như thế từ nguồn tư liệu có được. Nhưng cần phải chỉ ra rằng không có đến một văn bản Sumer nói đến người Akkad là kẻ thù, bọn xâm lược hoặc du cư. Và mặc dù có thể, tuy còn lâu mới chứng minh được, rằng tổ chức xã hội và hệ thống chính trị của người Akkad khác với tổ chức xã hội và hệ thống chính trị trên đó thành bang Sumer được thành lập, rõ ràng người Akkad hoạt động nông nghiệp, sinh sống trong làng mạc và thị trấn và chia sẻ lối sống, tín ngưỡng và văn hóa của người láng giềng Sumer. Xa như chúng ta biết đến hiện giờ, sự khác biệt hiển nhiên duy nhất giữa người Sumer và Akkad là sự khác biệt ngôn ngữ; trong mọi phương diện khác hai nhóm sắc tộc này không sao phân biệt được. Sự thống trị của người Akkad trong thời Sargon đã thay đổi lộ trình lịch sử, về cơ bản nó không làm thay đổi đặc tính Sumer nổi trội của nền văn minh Lưỡng Hà.
Sargon xứ Akkad
Việc trị vì của Sargon, Vị Vua đầu tiên của Akkad, tạo ra một ấn tượng lớn lao đến nỗi cá tính của ông được bao quanh bởi một vầng hào quang kéo dài của truyền thuyết. Một văn bản được viết trong thời Tân-Assyria (thế kỷ 7 TCN) mô tả sự ra đời và thời thơ ấu của ông theo văn phong khiến nhớ đến Mosé, Krishna và những vĩ nhân khác:
Mẹ tôi là một người ngu xuẩn (?), con của tôi tôi không biết.
Anh em của cha tôi yêu thích những ngọn đồi.
Thành phố tôi là Azupiranu, toạ lạc trên bờ sông Euphrates.
Mẹ tôi thụ thai tôi, bà lén lút sinh tôi ra.
Bà đặt tôi vào giỏ bấc, niêm kín nắp giỏ bằng nhựa đường.
Bà ném tôi xuống dòng sông, sông đi êm ả.
Sông nâng đỡ tôi và mang tới đến với Akki, người kéo nước.
Akki, người kéo nước, nhận tôi làm con và nuôi dưỡng tôi.
Akki, người kéo nước, phân công tôi làm người giữ vườn của ông.
Trong khi tôi là người làm vườn, Ishtar nhận tôi làm người yêu của mình,
Và trong 4 và . . . năm tôi rèn luyện việc làm vua.
Cùng lắm, đây là lịch sử được hư cấu nhiều, mặc dù chúng ta biết được từ những nguồn dữ liệu đáng tin cậy hơn rằng người mà sẽ xưng mình là Sharru-kîn, ‘vị vua công chính (hoặc hợp pháp)’, là người có nguồn gốc thấp kém. Người cầm cốc cho Ur-Zababa, Vua xứ Kish, ông xoay sở – chúng ta không biết bằng cách nào – để lật đổ chủ nhân của mình và hành quân đánh Uruk, tại đó để chứng tỏ mình đã chinh phục Sumer một cách toàn diện và rằng giờ ông đang nắm chia khóa đến vùng Vịnh, tại Eninkimar, cảng của Lagash ông làm một cử chỉ biểu tượng, một cử chỉ mà sau này những quân vương khác lập lại trên những bờ biển khác: ông rửa vũ khí của mình trong Biển Hạ (Vịnh Ba Tư).
Sargon nhẻ ra đã thỏa mãn với tước hiệu uy danh ‘Vua xứ Kish’, nhưng ông có những tham vọng khác. Đâu đó trên bờ sông Euphrates ông thành lập một kinh đô mới, Agade – thành phố hoàng gia duy nhất của cổ Iraq mà vị trí của nó vẫn còn chưa biết – tại đó ông dựng một cung điện cũng như các đền thờ cho nữ thần giám hộ của mình, Ishtar, và cho Zababa, thần chiến binh của Kish. Tuy nhiên, sự cách tân chủ yếu của việc trị vì là sự lên ngôi của người Semite so với người Sumer. Các thống đốc Akkad được bổ nhiệm trong tất cả các thành bang chủ chốt, và tiếng Akkad trở thành ngôn ngữ được khắc chính thức không kém chữ Sumer. Vậy mà dường như vị lugal và ensi bị chinh phục vẫn còn tại vị và chỉ có những phòng ban và tỉnh lỵ vừa lập ra mới được giao cho người Akkad. Hơn nữa, các định chế tín ngưỡng của Sumer vẫn được trân trọng. Con gái của Sargon, Enheduanna – một nhà thơ vốn đã viết nên một thánh thì tuyệt đẹp cho Inanna – được phong là chủ tế của Nanna, thần mặt trăng của Ur, và bằng cách xưng mình là ‘thầy tế được xức dầu thánh của Anu’ và ‘vị ensi vĩ đại của Enlil’ Vua Agade chứng tỏ là mình không muốn phá vỡ các truyền thống cổ xưa và đáng tôn kính.
Đã củng cố uy quyền chính trị và đạo đức lên Sumer và phát triển đáng kể quân đội, Sargon phát động vài chiến dịch quân sự trong ít nhất hai hướng: vượt sông Tigris hướng về Iran, và dọc sông Euphrates hướng về Syria. Về phía đông, ông gặp sự kháng cự mạnh mẽ: binh sĩ của bốn nhà cai trị vùng tây-nam Ba Tư do Vua Awan cầm đầu. Kẻ thù cuối cùng bị đánh bại, vài thành phố bị cướp bóc và các thống đốc, phó vương và vua xứ Elam, Warahshe và các quận lỵ lân cận trở thành chư hầu của Sargon. Chính vào lúc này mà Susa được phó vương của Sargon nâng lên từ thứ bậc một nơi họp chợ khiêm nhượng để trở thành cấp thủ phủ và tiếng Akkad trở thành ngôn ngữ chính thức của Elam’. Hoặc là ông bảo trợ hay chỉ công nhận sự chuyển giao quyền lực này từ vùng núi Awan đến đồng bằng Elam, Vua của Akkad ắt hẳn không thể tiên đoán rằng một thống đốc Elam sẽ góp phần vào sự sụp đổ của triều đại mình, hoặc rằng cái tên Susa, trong những thế kỷ sắp tới, sẽ tượng trưng cho sự thảm bại và ô nhục của Mesopotamia. Chiến dịch đến vùng tây-bắc có vẻ, có lẽ không đúng lắm, gần như là một cuộc dạo chơi có vũ trang: Sargon nói rằng ở Tutul (Hít) ông ‘nằm phủ phục cầu nguyện trước Dagan’ (thần ngũ cốc được tôn thờ dọc theo vùng Trung Euphrates) và rằng Dagan cho ông Vùng Thượng: Mari, Iarmuti và Ebla xa tận Rừng Tuyết Tùng và Núi Bạc’, nơi trước đại diện cho Lebanon hoặc Amanus và nơi sau đại diện cho dãy núi Taurus. Như tên của những ngọn núi này chỉ ra, Sargon đã bảo đảm nguồn cung cấp gỗ và kim loại quý giờ đây có thể thả trôi an toàn và tự do theo dòng Euphrates về Agade, nhưng chiến thắng Mari và Ebla – cả hai đều là các vương quốc Semite như của mình – đã loại khỏi Vua Akkad hai đối thủ nguy hiểm.
Chúng ta biết xa đến mức mà nguồn tư liệu xác thực – những bảng khắc của chính Sargon – dẫn ta đi. Tuy nhiên, không có nguồn nào viện dẫn đến những chiến dịch phương bắc trong vùng thượng lưu Tigris, chắc chắn chính cháu nội của Sargon, Narâm-Sin, phải được gán cho là người được thể hiện trong bức tượng đầu bằng đồng hoành tráng ở Nineveh và được mô tả như một nguyên thủ Akkad, cũng là người đưa vào các bảng và chữ khắc đầu tiên trong Assyria tương lai. Nhưng chúng ta phải nghĩ sao về vài biên niên sử, điềm triệu và các bố cục văn chương của thời sau mô tả cho chúng ta chi tiết và thường đầy tính thi ca về các chiến dịch và chinh phục của Sargon? Ở đâu, chẳng hạn, lịch sử kết thúc và truyền thuyết bắt đầu trong văn bản được biết dưới tên ‘Thiên sử thi của Vì Vua Chiến Binh’ cho thấy Vua Akkad tiến quân sâu vào trung tâm Tiểu Á để bảo vệ người đi buôn khỏi sự sách nhiễu của Vua Burushanda? Chúng ta có thể nhìn nhận những chiến dịch thắng lợi ở Kurdistan và có thể những cuộc viễn chính trong vùng Vịnh xa tận Oman, nhưng liệu chứng ta có thực sự tin tưởng rằng Sargon có thực sự ‘vượt qua Biển Tây’ và đặt chân lên Cyprus và Create, như một điềm triệu và một danh sách địa lý khá mơ hồ đề nghị? Nhân vật người chinh phục vĩ đại đầu tiên của Mesopotamia làm bùng cháy óc tưởng tượng của các tác giả cổ đại. Đối với họ, vị vua nào đã tuyên bố:
Giờ đây, bất kỳ nhà vua nào muốn tự xưng là kẻ ngang hàng với ta, Hể ta đi đến đâu, hay để y đi đến đó!
hoàn toàn có khả năng đã chinh phục ‘thế giới’. Song hoài nghi thái quá cũng không đáng mong muốn như dễ tin thái quá, bởi vì một số câu chuyện này, và nhất là cuộc viễn chính Anatolia, phải chứa ít nhất một phần sự thật.
Thời trị vì vinh quang của Sargon kéo dài không ít hơn 55 năm (k. 2334 – 2279 TCN). ‘Trong tuổi già của ông,’ một biên niên sử Babylonia sau này cho biết, ‘tất cả vùng đất nổi lên chống lại ông, và họ bao vây ông tại Agade.’ Nhưng con sư tử già vẫn còn răng nanh và móng vuốt: “ông tiến quân ra trận và đánh bại họ; ông hạ gục họ và hủy diệt quân đội lớn mạnh của họ’. Sau đó, chúng ta được cho biết, ‘Subartu – tức các bộ tộc du cư của Thượng Jazirah – dốc toàn lực tấn công, nhưng họ phải thúc thủ trước lực lượng ông, và Sargon ấn định khu định cư cho họ, và ông trừng phạt họ nặng nề.
Đế chế Akkad
Những sự kiện làm tối đi những năm cuối cùng của Sargon báo trước sự nổi dậy bùng phát đều khắp ở Sumer và Iran sau cái chết của ông. Con trai và người kế vị ông, Rimush, đàn áp họ khốc liệt, nhưng quyền hành của ông bị thách thức thậm chí trong ngay cung điện của mình: chỉ sau 9 năm trị vì (2278 – 2270), trong đó ông lãnh đạo thắng lợi chiến dịch ở Elam, ‘các hầu cận của ông’, một điềm triệu của Babylonia cho biết, ‘đã giết ông bằng kunukku của họ’, một từ thường chỉ cả dấu niêm hình ống và bảng đất sét được dùng để ấn dấu niêm phong nhưng trong ngữ cảnh này ắt hẳn có một ý nghĩa khác. Rimush được thay thế bởi Manishtusu, có lẽ là em song sinh của mình như tên ông ta ‘Ai với y?’ gợi ý.
Một trong những sự kiện chính yếu trong thời trị vì của Manishtusu (2269 – 2255) là cuộc viễn chinh băng qua Vịnh Ba Tư. Nó được mô tả như sau:
Manishtusu, Vua xứ Kish, khi ngài đã khuất phục Anshan và Shirikum (ở Tây-Nam Iran), ngài vượt qua Biển Hạ bằng thuyền. Vua các thành phố trên bờ biển kia, 32 tất cả tập hợp lại để nghênh chiến. Ngài đánh bại tất cả bọn chúng và bắt các thành phố đó thần phục; ngài lật đổ các chúa tể của chúng và chiếm toàn bộ xứ sở đến tận các mỏ bạc. Vùng núi phía bên kia Biển Hạ – đá núi ngài lấy đi, và ngài cho tạc tượng mình, và ngài đệ trình nó với Enlil.
Những ‘ngọn núi bên kia biển’ chắc chắn là núi của Oman, giàu đồng và đá bán quý. Mục tiêu của cuộc viễn chính đã được nêu ra rõ ràng, và nếu chúng ta nhìn vào tình hình ở Mesopotamia vào thời gian đó chúng ta hiểu được lý do đứng đằng sau việc đó. Những vùng phía bắc ắt hẳn đã bị các đoàn quân của Sargon càn quét nhưng không thực sự bị chiếm đóng. Dân chúng ở Jazirah và bắc Syria lần nữa được tự do, hay đúng hơn, đã trở về dưới sự cai trị của người Eblaite. Xa hơn về phía bắc, một dân tộc mà sau này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Iraq cổ đại, người Hurria, chiếm một phần của vùng bán nguyệt rộng lớn vùng núi Taurus từ Urkish, gần Nisibin, đến Nawar, ắt hẳn nằm đâu đó ở Kurdistan, và có lẽ xa đến tận Thượng lưu Zab ở phía nam. Những người láng giềng phía đông của họ, Lullubi, cố thủ trong đồng bằng Shehrizor, gần Suleimaniyah. Phía dưới Lullubi, quanh Hamadan trong trung tâm Zagros, là người Guti hoang dã và xa hơn về nam, các bộ tộc ngỗ nghịch quanh Elam. Những dân tộc này không bao giờ chịu sống thân thiện với người Akkad, và khi họ án ngữ các tuyến đường từ Anatolia, Armenia và Azerbaijan đến Mesopotamia, Mesopotamia bị cắt đứt khỏi các nguồn cung cấp đồng, thiếc và bạc. ‘Những tuyển đường bạc’ bị khép lại, và người Akkad chỉ có hai lựa chọn: hoặc đảm bảo những nguồn kim loại khác, như Oman hoặc Ba Tư đông-nam, hoặc chiến đấu ở phía bắc.
Narâm-Sin (‘Người Yêu Quý của Sin’), con trai của Manishtusu, chọn chiến tranh và, ít nhất trong một thời gian, được tưởng thưởng chiến thắng. Ngoài tước hiệu ‘Vua Agade’, ông có thể tự hào nhận thêm tước hiệu ‘Vua của Bốn Vùng (của Thế giới)’ (shar kibrat ‘arbaim) và ‘Vua của Vũ trụ’ (shar kishshati). Hơn nữa, tên ông có ngôi sao đi trước, ký tự này có nghĩa là ‘thần’, đọc là dingir trong tiếng Sumer, là ilu trong tiếng Akkad. Như vậy vua đã trở thành một vị thần, như Lugalbanda và Gilgamesh. Bệnh đại ngôn? Có thể, mặc dù các vì vua hùng mạnh của Assyria ở thiên niên kỷ 1 TCN không hề được thần thánh hóa. Nhưng chúng ta phải thú nhận rằng sự thần thánh hóa của một số hạn chế các nguyên thủ thời Mesopotamia cổ đại là một tập tục chưa được hiểu tường tận. Một số đã giả định rằng tước hiệu thần thánh chỉ được phong cho những nhà vua đóng vai nam thần trong nghi lễ Hôn phối Thiêng liêng. Những người khác cho rằng đóng vai thần là cách duy nhất qua đó những nhà xây dựng đế chế Mesopotamia buổi đầu có thể tranh thủ được sự tuân phục tuyệt đối từ các ensi khác nhau trong vương quốc của họ. Tuy nhiên, cả hai cách lý giải đều có tính ức đoán cao.
Narâm-Sin cũng thuộc loại như ông nội của mình Sargon và như ông cũng trở thành một người hùng của truyền thuyết. Thời trị vì lâu dài của ông (2254-2218) gần như hoàn toàn đầy ắp những chiến dịch quân sự, và tất cả đều xảy ra tại vùng ven của Mesopotamia. Ở phía tây ông tàn sát Arman (Aleppo?) và Ebla với vũ khí của thần Dagan’, phá hủy một phần cung điện của Mari trên đường hành quân. Và ‘ngài trấn áp người Amanus, vùng Núi Tuyết Tùng’. Ở phương bắc một chiến dịch chống người Hurria được minh chứng bởi một bia đá khắc nổi hoàng gia tại Pir Hussain, gần Diarbakr, và một thành phố hoàng gia được dựng lên tại Mô gò Brak, một vị trí chủ chốt tại trung tâm lưu vực Khabur, nới kiểm soát mọi con đường của Jazirah. Ở cực nam Magan (Oman) ắt hẳn nổi loạn, vì ‘Narâm-Sin hành quân tiến đánh Magan và đích thân bắt sống Mandannu, vị vua của nó’. Nhưng chiến dịch cốt lõi là đánh Lullubi hùng mạnh. Thắng lợi của quân Akkad đối với kẻ thù được tưởng niệm bằng một bia đá khác tại Darband-i-Gawr, gần Sar-i-Pul (Iran) và bằng một tuyệt tác điêu khắc Mesopotamia: bia ký nổi tiếng tim được tại Susa và hiện giờ là báu vật của bảo tàng Louvre. Trong đó, Narâm-Sin, vũ trang với cung và đội vương miện có sừng của thần linh, được mô tả đang treo lên ngọn núi dốc và dẫm đạp lên thi thể của kẻ thù; bộ binh của ông, được chạm nhỏ hơn, tiến theo sau ông (hình dưới). Các vị thần, trong thời kỳ Triều đại Sớm của Sumer thường được mô tả thật lớn so với người phàm, giờ đây được thu nhỏ bằng biểu tượng kín đáo: hai vì sao trên bầu trời.
Cuộc trị vì của ông có kết thúc trong thảm họa hay không? Một tài liệu được biết dưới tên ‘Truyền thuyết Cuthean của Narâm-Sin’ cho thấy Vua Akkad ‘bối rối, hốt hoảng, u buồn, kiệt sức’ vì đất nước bị xâm lấn lan tràn; nhưng, ở đây một lần nữa, việc trộn lẫn giữa sự thật và điều tưởng tượng đòi hỏi sự thận trọng cực kỳ. Tuy nhiên, không có gì nghi ngờ là Narâm-Sin là vị vua vĩ đại cuối cùng của triều đại Akkad. Ông chỉ vừa qua đời là sức ép tại biên cương của đế chế trở nên quá sức chịu đựng. Trong suốt thời trị vì của ông, Elam và Mesopotamia đã sống trong quan hệ thân thiện: nhà vua đã tỏ ra ưu ái Susa, và vị thống đốc năng nổ của Elam, Puzur-Inshushinak, đã dỗ yên các bộ tộc Zagros phía nam cho ông. Nhưng dưới thời người kế vị Narâm-Sin, Shar-kali-sharri, Puzur-Inshushinak tự tuyên bố độc lập, loại bỏ ngôn ngữ Akkad chỉ sử dụng ngôn ngữ của mình, tiếng Elam, và dám lầy tước hiệu tối thượng ‘Vua của Vũ trụ’. Vua của Agade, mà tên của mình, mỉa mai thay, có nghĩa là ‘Vua của mọi Vua’, bất lực không dám can thiệp, ông quá bận bịu việc đánh dẹp các vụ nổi dậy ở Sumer và các cuộc chinh chiến chống người Lullubi, Guti và các bọn du mục ở Syria người Amorite mà chúng ta sẽ sớm gặp lần nữa.
Shar-kali-sharri, như Rimush và Manishtusu, biến mất trong một cuộc cách mạng cung đình (2193 TCN), và đế chế Akkad sụp đổ nhanh như nó đã trỗi dậy. Tình trạng vô chính phủ ở kinh đô tệ đến mức Danh sách Vua Sumer chỉ đơn giản ghi:
Ai là vua, ai không phải là vua?
Igigi có phải là vua không?
Nanum có phải là vua không?
Imi có phải là vua không?
Elulu có phải là vua không?
Bộ tứ họ là vua, và trị vì 3 năm!
Vài thành phố Sumer trở nên độc lập, noi theo gương Uruk ở đó một triều đại địa phương (Uruk IV, năm vua, 30 năm) trị vì từ những ngày cuối cùng của Narâm-Sin. Từ Elam Puzur-Inshushinak tiến hành một trận đột kích vào Mesopotamia và đến được vùng lân cận của Agade. Ở Kurdistan, Annubanini, Vua xứ Lullubi, cho khắc hình minh trên đá với dòng chữ bằng tiếng Akkad huênh hoang mình đã chinh phục tất cả. Nhưng không phải người Elam lẫn Lullubi, mà là người Guti đã đánh thắng trận chiến quyết định, mặc dù ta không biết bằng cách nào, tại đâu và khi nào. Dưới những triều vua bù nhìn cuối cùng của Akkad họ đã an vị tai Mesopotamia, và trong khoảng một thế kỷ người Sumer và Akkad phải tuân phục những nguyên thủ mang các tên kỳ lạ như Inimagabesh hay Jarlagab, nhưng họ không cảm thấy có trách nhiệm với tai họa. Một bài thơ Sumer dài và xúc động có tên ‘Lời Nguyền của Agade’ đặt gánh nặng tội lỗi lên vai Narâm-Sin bị kết án là đã phá hủy đền thờ của Enlil ở Nippur – một hành động phạm thánh không thể tránh khỏi bị trừng phạt.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của đế chế Akkad cho ta một hình ảnh tương lai hoàn hảo của sự trỗi dậy và sụp đổ của mọi đế chế Mesopotamia tiếp theo: bành trướng nhanh chóng theo sau là những vụ nổi loạn không ngừng, cách mạng cung đình, chiến tranh liên miên ở vùng biên giới, và cuối cùng, cú kết liễu ân huệ được bọn cao nguyên ban phát: giờ là Guti, ngày mai là Elam, Kassite, Medes hoặc Ba Tư. Một nền văn minh dựa vào nông nghiệp và nghề luyện kim tại một xứ sở như Iraq đòi hỏi, để được đứng vững, hai điều kiện: sự hợp tác hoàn hảo giữa những đơn vị sắc tộc và xã hội-chính trị khác nhau trong chính xứ sở đó, và một thái độ thân hữu hay ít nhất trung tính của nước láng giềng. Khổ thay, không có thái độ nào kéo dài được lâu. Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của người Sumer, thừa kế từ một quá khứ xa xăm và được thành lập trên sự gắn bó với các thần thánh bản địa, không thể thích nghi với sự tùng phục một nhà cai trị chung, luôn nhất thiết là ‘nước ngoài’. Ngược lại, các kho báu được tích lũy trong những thành phố hưng thịnh của đồng bằng lôi kéo các người chăn cừu nghèo khó của vùng đồi không kém những người nghèo của thảo nguyên, và chúng có khuynh hướng cướp bóc. Giữ một khoảng cách thận trọng với chúng là không đủ đối với Mesopotamia: họ phải chinh phục chúng, khuất phục chúng nếu muốn giữ mạch máu mậu dịch sống còn được lưu thông. Trong cuộc chiến du kich bất tận trên hai mặt trận này các ông vua Akkad, và sau này các vua của Ur, Babylon và Assyria, đã cạn kiệt sức lực và, sớm hay muộn, đế chế của họ sẽ sụp đổ.
Cái chết của Shar-kali-sharri thực tế đã đặt dấu chấm hết cho ‘thời kỳ Akkad’ như tên thường gọi; nhưng dù ngắn ngủi như thế, thời kỳ này tác động một ảnh hưởng lâu bền và sâu sắc lên lịch sử Mesopotamia. Chân trời địa lý của Sumer được mở rộng một cách đáng kể. Ngôn ngữ Semitic của người Akkad tìm thấy một lớp thính giả rộng lớn hơn, và hai dân số lịch sử đầu tiên của Iraq hòa trộn một cách thân thiện cho những vận mệnh tương lai. Văn hóa Sumer-Akkad và sức hậu thuẫn của nó, chữ viết hình nêm, được nhìn nhận không chỉ bởi nhân dân bắc Mesopotamia, mà còn bởi người Hurria, Lullubi và Elam. Ngược lại, Mesopotamia được giàu lên rất nhiều nhờ nhận vào một số lượng lớn đồng, bạc, gỗ và đá, trong khi những tù binh khác nhau làm việc như nô lệ cung ứng sức lao động thừa thãi và rẻ mạt. Elam, Bahrain (Dilmun), Oman (? Magan) và toàn vùng Vịnh nằm dưới ảnh hưởng của Mesopotamia, trong khi những dấu niêm, binh gốm và đồ trang trí Sơ-Ấn được tìm thấy ở Iraq minh chứng cho một quan hệ thương mại với thung lũng sông Ấn (có lẽ Meluhha của văn bản chúng ta), nơi nảy nở nền văn minh xuất sắc của Harappa Mohenjo-Daro. Trong nghệ thuật những khuynh hướng mới dần tiến đến chủ nghĩa hiện thực, và những chân dung đời thực thay thế những nhân vật ít nhiều mang tính quy ước của thời Triều đại Sớm. Về chính trị, thời kỳ gióng lên hồi chuông báo tử của những thành bang nhỏ và báo trước sự tiến lên của các vương quốc lớn, có tính tập trung. Trong các lãnh vực xã hội và kinh tế người Akkad yêu chuộng quyền tài sản riêng tư và thiết lập tài sản hoàng gia kết sù làm xói mòn ảnh hưởng và quyền lực của đền thờ, ít nhất ở Sumer. Thậm chí phản ứng Sumer theo sau thời kỳ xen giữa của Akkad không thể quay về hoàn toàn với các ý tưởng và tập quán lỗi thời, và về nhiều phương diện các vị vua xứ Ur cũng đi theo kiểu dạng mà Sargon và triều đại của ông bày ra.
👍🏻
ThíchThích