Jesse Bryant Wilder
Trần Quang Nghĩa dịch
Chương 10
Thần Bí, Bọn Thảo Khấu, và Bản Thảo: Nghệ Thuật Thời Trung Cổ
Trong Chương Này
- Lần theo con đường ngoằn ngèo trong các bản thảo có minh họa
- Đọc một tấm thảm không phải là thảm
- Lần theo sự phát triển trung cổ trong kiến trúc
- Nhìn vào thế giới trung cổ của tranh vẽ và điêu khắc
- Đọc một tấm thảm đúng là thảm
Khi La Mã thất thủ, nền văn minh Tây phương tắt ngấm __ có vẻ như vậy. Sự sụp đổ của Đế quốc phương Tây tháo xiềng cho những hổn loạn chính trị và làm tắt lịm nền văn hóa khắp Tây Âu. Các bộ lạc man rợ, sau khi phá vỡ xương sống của đế quốc __ gồm người Vandal, Visigoth, Frank, và Lombard __ bây giờ quay ra chém giết nhau, cướp đoạt đất đai ở đầu này trong khi bị mất đất ở đầu kia. Chiến tranh triền miên, lấy đâu thời gian làm nghệ thuật, kiến trúc, hoặc sân khấu? Thời Trung cổ bắt đầu với sự thất thủ của La Mã và tiếp tục cho đến thời Phục hưng vào năm 1400 __ một khoảng cách 1,000 năm.
Qua nhiều thế kỷ, các học giả gọi thời kỳ này là Thời Đại Đen Tối, có nghĩa là ánh sáng kiến thức, vốn là dấu ấn của nền văn hóa Hy La cổ điển, đã bị dụi tắt. Nhưng khi các nhà nghiên cứu học hỏi càng lúc càng sâu hơn về nửa thời kỳ thứ hai của thời Trung cổ, họ nhận ra rằng nó không đen tối như họ đã nghĩ. Chẳng hạn, thế kỷ 12 có một giai đoạn Phục hưng “mini”, một món khai vị cho bữa tiệc sẽ đến trong thế kỷ thứ 15. Vì thế các học giả lùi lại Thời Đại Đen Tối khoảng 400 năm, từ A.D. 500 đến A.D. 1000.
Ngày nay, các học giả lại nhận ra phiên bản rút ngắn của Thời Đen Tối cũng có một vài thời điểm sáng sủa. Vì thế họ gọi toàn bộ khoảng thời gian 1,000 năm là thời Trung cổ, trong khi thầm biết là phần đầu thì “tối hơn” phần sau.
Trong chương này, tôi rắc một chút ánh sáng lên toàn bộ thời kỳ này, từ bản thảo đến thảm thêu và kiến trúc Gô-tíc, điêu khắc, và tranh vẽ.
Ánh Sáng Ái Nhĩ Lan: Các Bản Thảo Có Minh Họa
Kiến thức tích lũy qua hơn 1,300 năm (từ 800 B. C. đến A.D. 500) ở Hy Lạp, đế quốc Hellenistic của Alexander, và La Mã không thình lình biệt tăm khi nó qua đời __nó trốn trong các tu viện rải rác khắp châu Âu. Ánh sáng học tập cháy rực rỡ trong các tu viện im tiếng và ẩn dật ở Ái Nhĩ Lan.
Trong nửa đầu tiên của thế kỷ thứ 5 A.D.__ chỉ vài thế hệ trước khi La Mã sụp đỗ. Vì Ái Nhĩ Lan không hề bị xáp nhập vào Đế quốc La Mã, nó hoàn toàn độc lập với truyền thống La Mã, bao gồm tôn giáo và truyền thống nghệ thuật La Mã. Người Celt Ái Nhĩ Lan phát triển hình thức Cơ đốc giáo riêng biệt của mình và phong cách nghệ thuật tôn giáo riêng. Các giáo hoàng không có nhiều quyền lực cho đến khi thế kỷ 12 khi người Anh chinh phục họ và áp đặt luật Anh và luật giáo hoàng cho vua và giám mục Ái Nhĩ Lan.
Sau khi Ái Nhĩ Lan cải đạo, người Ái Nhĩ Lan không xây dựng nhiều nhà thờ như những nước theo Cơ đốc giáo khác. Thay vào đó họ dựng nhiều tu viện, sau này biến thành những trung tâm lớn của kiến thức. Trong các phân xưởng ở tu viện có tên là scriptoria, các thầy tu Ái Nhĩ Lan chép lại tất cả bản thảo họ có thể kiếm được __ bao gồm những phiên bản La tinh của Kinh thánh, những tác phẩm của Các Cha, và những văn bản cổ điển.
Giữa những năm 600 và 900, các thầy tu phân phối những sách này đi khắp châu Âu như một phần sứ mạng của mình nhằm Cơ đốc giáo hóa thế giới. Mạng lưới các thầy tu này truyền bá kiến thức khắp nơi như một đại học lưu động, thiết lập những trường nhánh ở Anh, Pháp, Hà lan, Đức, Áo, Ý, và ngay cả Iceland.
Trong những bài sau, chúng ta sẽ xem xét những bản thảo được minh họa đầu tiên của Ái Nhĩ Lan và Hiberno-Saxon.
Duyệt qua các sách của Kells, Phúc âm Lindisfarne, và những bản thảo khác
Các thầy tu Ái Nhĩ Lan phát triển một phong cách minh họa bản thảo độc đáo, vay mượn tự do những phần tử từ di sản của ngoại giáo, như những kiểu trang trí các con thú quyện vào nhau hay các dải ren thắt gút nhau.
Người La Mã gọi Ái Nhĩ Lan là “Hiberni”. Còn chữ “Saxon”để chỉ sự đóng góp của người Anh vào phong cách mới. Những đóng góp này được thực hiện sau khi người Ái Nhĩ Lan thiết lập các tu viện ở nước Anh và bắt đầu cọ xát khuỷu tay sáng tạo với người dân bản địa.
Minh chứng hùng hồn nhất cho phong cách pha trộn giữa Ái Nhĩ Lan và Anh là Phúc âm Lindisfarne. Chú ý hình thức kết lại với nhau tương tự với Sách Kells, một bản thảo có minh họa thuần túy Ái Nhĩ Lan.
Hai bản thảo có minh họa vĩ đại nhất theo phong cách Ái Nhĩ Lan nghiêm nhặt là Sách Durrow (khoảng năm 700) và Sách Kells (đầu thế kỷ thứ 9). Sách Kells có thể được tạo ra giữa năm 803 và 805, chủ yếu trong một tu viện Ái Nhĩ Lan trên một hòn đảo nhỏ bé Iona ngoài khơi Scotland. Bọn Viking tấn công hòn đảo lần đầu tiên vào năm 795, sau đó vào năm 802, và một lần nữa vào năm 805. Những thầy tu sống sót bôn tẩu, mang theo Sách Kells chưa hoàn tất đến thị trấn Kells, cách Dublin 39 dặm.
Hình bên dưới trái của Phúc âm Lindifarne và Sách Kells (bên dưới phải) là trang mở đầu của Phúc âm Matthew. Các mẫu tự đầu kiểu cách, XPI, là ba chữ cái chỉ tên Christ trong tiếng Hy Lạp __ chi, rho, và iota. Ba mẫu tự này thường được dùng trong thời Trung cổ để biểu thị Christ. Phần còn lại của văn bản viết bằng La tinh.
Ba mẫu tự kiểu cách trên Sách Kells đóng khung một phần những bánh xe trang trí lớn, rồi những bánh xe này lại đóng khung những bánh xe nhỏ hơn ngoại tiếp những bánh xe còn nhỏ hơn nữa. Toàn bộ thiết kế cho ta một cảm nhận một hệ thống những bánh răng khớp vào nhau trong một mắt lưới. Những hình cong và góc kết hợp tạo thành một sự hài hòa thị giác hoàn hảo. Ấn tượng tổng thể là vừa phóng túng vừa được kềm chế. Khi bạn lạc bước vào trong các kiểu dạng xen kẻ nhau của một mê lộ, các hình người cứ nhảy chồm vào bạn.
Người Celt trước khi theo đạo Cơ đốc tin rằng mọi thứ đều ràng buộc lẫn nhau. Họ minh họa tín ngưỡng của mình bằng cách đan xen những hình ảnh cây, thú, và các linh hồn quyện vào nhau trong những kiểu dạng ren phức tạp (như những thiết kế trong Sách Kellys) trên đồ trang sức, vũ khí, và đền tưởng niệm. Sau khi họ theo Cơ đốc giáo, họ không chối bỏ niềm tin trước đây của mình __ thay vào đó, họ trộn lẫn chúng với các giáo điều Cơ đốc giáo. Trong Sách Kells, họ chế ngự một cách tượng trưng các tín ngưỡng cũ của mình đối với những mẫu tự đầu của tên Christ (do đó kết nối tất cả những kiểu dạng liên kết nhau cho ông ta).Bằng cách ấy, họ cho thấy những “đường lối cũ đã được Chúa tiếp thu, không bị ông ta vô hiệu hóa.
Trò khô hài và phong cách đùa vui
Vào thế kỷ 12 và 13, những đại học đầu tiên của châu Âu xuất hiện ở Bologna và Padua, ở Ý; ở Paris và Montpellier, ở Pháp; ở Oxford và Cambridge, ở Anh; ở Salamanca, Tây Ban Nha; và ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Các sinh viên cần sách vở, và các tu viện không thể cung ứng đầy đủ nhu cầu. Vì thế các nhà đóng sách gọi là stationers mọc lên như nấm trong các thị trấn đại học. Để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng các sách vở thế tục (phi ngoại giáo), các stationer sản xuất nhiều loại sách mới:
- Sách cây thuốc: Sách về cây cỏ và tính chất dược liệu của chúng
- Sách ngụ ngôn thú vật: Tuyển tập các ngụ ngôn, các truyện kể trong đó thú vật hành động như con người
- Sách kinh: Dành cho tất cả mọi người
- Sách Bí Truyền: Sách về các bài thuốc yêu, thuốc chữa bệnh, và ngay cả bùa chú ngăn cản người ta “tám” sau lưng mình
Với thị trường càng ngày càng mở rộng, sách giải trí bắt đầu ra đời. Vào khoảng năm 1240, một trào lưu “vui vẻ” mới xuất hiện ở Paris và sau đó nhanh chóng truyền khắp nước Pháp và Anh. Nó bịa ra những sinh vật lai kỳ quái, chẳng hạn: một bà sơ có thân hình rái mỏ vịt, một ông thầy tu đầu chuột chũi, một hiệp sĩ chân chim có cánh sâu bọ và đuôi rắn. Những tên quái đản này đôi khi nhìn lén qua lề trang để nghe lén khi bạn đọc sách.
Những nhà minh họa sách đầy sáng tạo cũng cài những cánh hoa và chòm lá vào chiếc đuôi ngọ nguậy của các con rồng, rắn hoặc cổ xoắn của các con chim kỳ lạ. Trào lưu này hoành hành suốt 250 năm.
Charlemagne
Ông Vua Thời Phục Hưng
Vào ngày lễ Giáng sinh năm 800, Đế quốc La Mã có dịp trở lại __ nhiều người nghĩ như thế. Giáo hoàng Leo III đội vương miện cho Charlemagne làm vua thánh của La Mã trước khi đám đông chào mừng hô vang “Hoàng đế!” và “Augustus!” Giữa năm 768 và 800, Charlemagne đã chinh phạt hầu hết vùng Tây Âu và Trung Âu. Có vẻ như ông sẽ dựng lại Đế quốc La Mã.
Charlemagne không bằng lòng với sự phục sinh về mặt chính trị và địa lý của Đế quốc phương Tây __ ông cũng muốn làm sống lại nền văn hóa cổ điển. Sự phục sinh mà ông nuôi dưỡng được gọi là Phục hưng Carolingian (A.D. 775 – A.D. 875); nó là một thời Phục hưng mini trước khi thời Phục hưng lớn sẽ đến vào thế kỷ 15. Charlemagne khuyến khích các tu viện và nhà thờ mở trường học, sao chép bản thảo, và phát triển một loại thư pháp phổ biến. Để đạt mục đích đó, ông mời các học giả từ Ái Nhĩ Lan, Anh, Tây ban nha, Ý, và Pháp đến thủ đô của mình ở Aachen. Một trong những học giả đó, Alcuin, sáng chế ra một thứ chữ viết dễ đọc gọi là chữ viết Carolingian, chẳng bao lâu trở nên thịnh hành và trở thành chuẩn khắp châu Âu.
Thêu Dệt Trận Hastings: Thảm thêu Bayeux
Vào năm 1066, William Con Hoang, công tước xứ Normandy, có được một tên mới: William Người Chinh Phục. Tất cả điều ông phải làm để bôi sạch cái tên ô nhục của mình là chinh phục nước Anh. Sau khi đè bẹp quân Anh tại Trận Hastings, không ai còn gọi ông là “con hoang” nữa. Tên mới của ông che dấu nguồn gốc là đứa con không hôn ước của mình. (Mẹ của William là con gái của một người bình dân mà cha ông, Công tước Robert I xứ Normandy, không hề chịu kết hôn.)
Sau khi Will tóm được ngai vàng của Anh, anh cùng cha khác mẹ của ông là Giám mục Odo ủy nhiệm cho một nghệ sĩ Saxon vinh danh chiến công của William Người Chinh Phục trên vải. Kết quả là một tấm Thảm Thêu Bayeux dài 231 bộ (khoảng 77 m), là biên niên sử của Trận Hastings và những sự kiện dẫn đến cuộc chiến từ quan điểm của người Norman.
Cung cấp một cẩm nang đánh giặc
Tại Trận Hastings, William và lực lượng của mình đối đầu với Vua Harold mới lên ngôi của Anh và đạo quân gồm những cựu binh người Anh của mình. Harold đã từng là phó vương của Anh trong suốt 13 năm, chỉ đứng sau Vua Edward. Khi Edward qua đời, một vài người tranh giành ngai vàng, bao gồm anh họ người Norman là William Con Hoang và Harold Godwinson, phó vương. Edward được biết là ủng hộ Harold lên ngôi khi ông hấp hối. Các nam tước Anh tuyên bố Harold là vua. Nhưng William Con Hoang khẳng định là nhà vua đã hứa cho ông tiếp ngôi vài năm trước. Tấm thảm thêu minh họa tại sao William tin mình là người thừa kế ngai vàng hợp pháp, và bằng cách nào đội kỵ binh Norman của William (gồm những hiệp sĩ trên khắp châu Âu) đánh bại đội quân của Harold trong một trận chiến ác liệt dài 10 giờ, một trận chiến đã làm thay đổi nước Anh và lịch sử thế giới mãi mãi.
Minh họa cuộc sống thường nhật trong nước Anh và Pháp thời trung cổ
Thảm thêu Bayeuz là một trong những tác phẩm nghệ thuật thế tục còn sống sót duy nhất của thời kỳ. Nó cung cấp một kho báu chi tiết về cuộc sống trung cổ ở Anh và Pháp. Nó tiết lộ những phong tục, khí tài, và binh pháp; nó cũng kể lại cho bạn biết thời đó người ta ăn gì, mặc thế nào và tóc tai ra sao (xem Hình 10-1). Hóa ra, người Norman cạo phần sau ót và người Saxon để tóc kiểu ban nhạc The Beatles và để râu ghi-đông. Trong Hình 10-1, người Norman say trước khi ra trận. Chú ý các ông bên trái dùng tên để xiên gà nướng. Một gã khác thổi tù và vào tai của người kế bên. Bên phải, bữa ăn chiều đã kết thúc và William, Giám mục Odo, và em ông Robert đang vạch kế hoạch tác chiến (được minh họa trong cảnh tiếp theo của thảm thêu).
Hình 10-1: Cảnh mô tả buổi tiệc tùng trước khi lao vào cuộc chiến
Bán rao tuyên truyền chính trị
Nghệ thuật đôi khi được sử dụng để tuyên truyền, và Thảm Thêu Bayeux là một minh chứng cho điều này. Thảm Thêu Bayeux có thể là công cụ tuyên truyền cho người Norman, được thiết kế để biện minh cho việc chinh phạt nước Anh của viên công tước ngoại quốc. Một cảnh trong thảm cho thấy sự đăng quang của Harold. Ở bên trái ông vua mới được đăng quang là Stigand, tổng giám mục của Canterbury, xức dầu thánh cho vua và hợp thức hóa buổi lễ. Nhưng Tổng Giám mục Stigand chính mình cũng không hợp pháp_ ông đã bị Giáo hoàng Nicholas II rút phép thông công. Nhưng ông không chịu từ nhiệm. Theo các nguồn tin Saxon, Stigand không có dự lễ đăng quang của Harold__ Harold đời nào chịu một tổng giám mục bị rút phép thông công phong vương cho mình. Thay vào đó, Tổng Giám mục York điều khiển buổi lễ, nhưng ông này không thấy xuất hiện ở đâu trong tấm thảm này. Thầy tu Anh đáng tin cậy và là người viết biên niên sử xứ Florence , Worcester (1030-1118) viết:
Khi [Vua Edward] được chôn cất xong, phó vương, Harold, con trai của Bá Tước Godwin, người mà nhà vua đã chọn làm người nối ngôi mình trước khi băng hà, được hội đồng các tổng giám mục toàn Anh bầu chọn, và là vua được tôn phong với đủ nghi lễ tôn giáo do Ealdred, tổng giám mục xứ York chủ lễ trong cùng một ngày.
Mang giám mục bị rút phép thông công vào thảm thêu là một mánh khóe tuyên truyền cho William. Nó giúp ông biện minh sự tuyên bố của mình và tìm được sự ủng hộ của giáo hoàng trước khi mở cuộc chinh phạt. Thật ra, Giáo hoàng Alexander II đã trao cho William cờ hiệu giáo hoàng mang vào trận chiến và một chiếc nhẫn chứa một thánh tích của Thánh Peter. Sự kiện này biến chiến tranh xâm lấn của William thành một thánh chiến trong mắt nhiều người đương thời. William đã thắng lớn chiến dịch PR cho tên tuổi của mình trước khi trận chiến bắt đầu.
Tạo ra những cuộc vượt biên
Một số học giả tin rằng các đường viền của thảm Thêu Bayeux chỉ là những khung trang trí, như các lề trong các bản thảo có minh họa. Những người khác thì lại nghĩ rằng các đường viền này kể lại câu chuyện của người thất trận bằng mật mã __ nhưng sao lại thế được khi chính một người Norman (Giám mục Odo, anh em cùng cha khác mẹ của William người Chinh Phục) là người ủy nhiệm thiết kế tấm thảm này. Nhưng hấu hết các học giả tin rằng một nghệ sĩ Anglo-Saxon (tức người Anh) đã thiết kế ra nó và những thợ thủ công Anglo-Saxon đã thực hiện tác phẩm. Hiển nhiên, người thiết kế phải báo cáo câu chuyện mà Giám mục Odo đã kể lại trong những phần chính của thảm thêu. Nhưng có vẻ như y có quyền tự do thêm thắt ở phần đường viền. Y có phải đã lén lút tuyên truyền cho người Anh chống lại quan điểm lịch sử của người Norman? Nếu thế, y phải làm việc ấy một cách bí mật.
Một số đường viền chứa các ngụ ngôn La tinh __ chuyện các con thú với mục đích răn đời__do nhà văn thế kỷ thứ 1 Phadrus viết. Những hành vi xấu xa của các con thú trong các “hoạt hình” này có thể phản ánh những hành động của một số người Norman trong phần chính của thảm thêu; chúng có thể ám chỉ một cách giải thích khác về các sự kiện. Các học giả hiện vẫn còn cố rút ra những ý nghĩa của các hình vẽ trên đường biên.
Kiến Trúc Rô-man (kiểu La Mã): Nhà Thờ Ngồi Xổm
Những cuộc đột kích của Vikings lịm dần trong giữa thế kỷ 11, chắc chắn vì các bang Scandinavian đã cải sang Cơ đốc giáo. Chưa bao giờ Âu châu yên ổn như thế sau nhiều thế kỷ chiến chinh. Thương mại hưng thịnh và tiêu chuẩn sống được nâng cao khắp châu Âu.
Trong thời kỳ tương đối yên bình này, các thị trấn và thành phố trở nên đẹp đẽ ra, xúc tiến những dự án xây dựng đầy tham vọng mà Âu châu chưa hề có kể từ khi La Mã sụp đỗ. Tự nhiên, họ sẽ hướng về La Mã để tìm cảm hứng. Họ không cần nhìn xa. Đế quốc La Mã đã để lại dấu ấn ở khắp mọi nơi. Cầu cống, khải hoàn môn, và những cấu trúc La Mã khác có mặt khăp lục địa. Những nhà sáng tạo phong cách mới vay mượn cổng vòm, trần nhà có vòm theo kiểu La Mã, và những bức tường và trần nhà vững chắc bạn có thể thấy ở những hí viện La Mã. Trước thời điểm này, các trần nhà thờ trung cổ được xây bằng gỗ, rất dễ bắt lửa trong thế giới còn sử dụng nến để thắp sáng. Phong cách mới với mái nhà bằng đá có khung vòm được gọi dưới tên thích hợp là Romanesque (phỏng theo La Mã). (Những nhà sáng tạo phong cách này không đặt tên mà là do các sử gia trong thế kỷ 19 nghĩ ra.)
Cơn lốc Romanesque cũng lấy cảm hứng từ tôn giáo. Các thế kỷ 10 qua 12 là thời kỳ lớn của những cuộc hành hương đến Jerusalem, La Mã, và Santiago de Compostela trong miền đông bắc Tây Ban Nha. Nhiều đường giao thông huyết mạch đến Santiago đều tự nhiên phải qua Pháp. Hàng trăm ngàn người hành hương đi qua tuyến đường này mỗi năm trên đường đến Santiago. Các nhà thờ truyền thống quá nhỏ không chứa đủ số giáo dân. Để đáp ứng lượng du khách quá đông, những “nhà thờ hành hương” rộng lớn được xây dựng trên những con đường đến Santiago. Nhưng phong cách vươn ra xa hơn Santiago đến tận Đức, Ý, và Anh. Thầy tu và nhà biên niên sử Pháp là Raoul Glaber (985-1047) đã nói,”Như thể toàn trái đất . . . được mặc áo choàng trắng của nhà thờ.”
Thánh Sernin
Một trong những nhà thờ phỏng La Mã hoành tráng nhất là nhà thờ hành hương Thánh Sernin ở Toulouse, nhằm vinh danh giám mục đầu tiên của Toulouse, Sernin, người bị tử vì đạo tại chỗ. Theo truyền thống bản địa, Sernin bị trói vào đuôi một con bò rừng và kéo lê đến chết. Tên con đường ở trước mặt nhà thờ là Rue du Taur, nghĩa là “Đường Bò Rừng.” Được xây dựng giữa những năm 1060 và 1118 trên đường Thánh James, nhà thờ Thánh Sernin là nhà thờ kiểu La Mã lớn nhất ở châu Âu (xem hình).
Như hầu hết nhà thờ kiểu La Mã, Thánh Sernin có cấu trúc hình thập giá (xem Hình 10-2). Tháp vươn cao từ tâm của thánh giá gợi đến sự phục sinh của Christ. Những nhà nguyện nhỏ hình bán nguyệt nhô ra từ khu tụng niệm (phía cuối đông) của nhà thờ dùng để gìn giữ những thánh tích. Sự thay đổi lớn nhất từ thiết kế ban đầu là phần gian cánh thêm vào bọc chung quanh gian giữa và bệ thờ. NHà thờ trở thành nơi hành hương thường xuyên trong khi vẫn duy trì hoạt động thường lệ như hành lễ, đám cưới, đám tang, và những giáo vụ khác.
Như hầu hết nhà thờ kiểu La Mã, Thánh Sernin có cấu trúc hình thập giá (xem Hình 10-2). Tháp vươn cao từ tâm của thánh giá gợi đến sự phục sinh của Christ. Những nhà nguyện nhỏ hình bán nguyệt nhô ra từ khu tụng niệm (phía cuối đông) của nhà thờ dùng để gìn giữ những thánh tích. Sự thay đổi lớn nhất từ thiết kế ban đầu là phần gian cánh thêm vào bọc chung quanh gian giữa và bệ thờ. NHà thờ trở thành nơi hành hương thường xuyên trong khi vẫn duy trì hoạt động thường lệ như hành lễ, đám cưới, đám tang, và những giáo vụ khác.
Hình 10-2
Đặc điểm ấn tượng nhất của Thánh Sernin là gian giữa trông như một đường hầm (xem Hình 10-3), phần bắt đầu từ mút phía tây của nhà thờ hình thánh giá. Gian giữa hai tầng này được đậy bằng một trần có mái vòm hình thùng mà sức nặng của nó được chuyển từ cổng vòm đến các cột trụ vuông to lớn. Hai bậc cổng vòm ở hai bên giúp mở rộng không gian, trong khi vẫn hài hòa đường ống các cung vòm ở trần vuông góc với chúng. Vì sức nặng khổng lồ của trần đá, tường nhà thờ phải rất dày. Những cửa sổ rộng làm giảm diện tích vách, mà diện tích vách cần để nâng đỡ mái, do đó nhà thờ kiểu La Mã phải có cửa sổ nhỏ.
Hình 10-3
Nhà thờ Durham
William Người Chinh Phục mang phong cách kiểu La Mã mới đến nước Anh. Ông ta đã hứa với Giáo hoàng Alexander II là ông sẽ cải tạo nhà thờ Anh theo hướng giáo hoàng (và loại trừ ảnh hưởng Celtic Ái Nhĩ Lan) sau khi ông đánh bạn Harold. Xây dựng nhà thờ mới là một phần trong gói cải cách của ông. Các cấu trúc đồ sộ, nguy nga chứng tỏ cho người Saxon biết nhà thờ của họ đã bị La Mã hóa và hiện giờ nằm dưới quyền uy của giáo hoàng. Các dự án xây dựng vẫn tiếp tục sau khi ông mất năm 1087. Nhà thờ Durham, tuyệt tác của kiến trúc Norman, được khởi công năm 1093, trong thời trị vị của con William, William II, trên biên giới tranh chấp của Anh và Scotland. Chỉ mất 40 năm để hoàn thành kiến trúc bề thế này, thời đó chính là một kỷ lục về thời gian. Sự đe dọa xâm lấn thường xuyên của Scotland chắc là động lực để các thợ xây phải nhanh tay (hình dưới).
Cấu trúc cơ bản của Durham cũng tương tự như St, Sernin. Nhưng cũng có một vài yếu tố kiến trúc mới. Trong khi gian giữa của St. Sernin cao hai tầng, của Durham thì ba. Những cửa sổ lớn để ánh sáng tràn vào từ bậc trên đỉnh. Gian giữa rộng lớn hơn, và vòng cung bên trên cũng rộng hơn, mở ra không gian còn rộng hơn ở St.Sernin. Trần nhà nhẹ hơn cho phép mở rộng cửa sổ trên bức vách. Durham đã giúp mở đường đến phong cách Gô-tích canh tân mái vòm và cổng vòm.
Các nhà thờ kiểu La Mã thường có cửa sổ nhỏ nên cho ít ánh sáng lọt vào. Bên trong nhà thờ thường tối, cùng với vẻ nặng nề của cột và cổng vòm khiến tạo cảm giác bị đè nén hơn là nâng đỡ. Một số trông u ám khiến người đi lễ cảm giác như mình đang hối lỗi. Phong cách Gô-tích sẽ điều chỉnh khiếm khuyết đó.
Điêu Khắc Rô-man (Kiểu La Mã)
Thay vì tấm thảm có chữ chào đón, những hình chạm nổi về Ngày Phán xét u ám chào đón du khách đến thăm nhà thờ Autun và nhà thờ Ste-Madeleine (xem Hình 10-4). Phần nhiều nhà thờ mô tả những cảnh tượng về Ngày Phán Xét trên vách trong của gian giữa (phía trên lối ra) sao cho, trên đường về, người ta sẽ được nhắc lại cái giá bạn phải trả khi phạm lỗi. Tại sao hai nhà thờ hành hương trên đường St.James này lại chọn một câu chuyện đầy tính hăm dọa như thế ở cửa ra vẫn còn là điều bí ẩn.
Ác mộng bằng đá: Tranh chạm kiểu La Mã
Tranh chạm Ngày Phán Xét ở cửa trước nhà thờ Ste-Madeleine xuất hiện trên khung bán nguyệt bằng đá. Christ chiếm ưu thế trong tranh nhờ vị trí và kích cỡ lớn trội (so với những hình người khác). Thái độ cởi mỡ của ông mời gọi mọi người đến với ông và bước vào trong.
Hình 10-4
Tuy nhiên, trên cạnh trên cùng và ở giữa là bốn thiên thần đang thổi kèn báo hiệu Ngày Phán Xét. Lề trên mô tả tầng trời , giữa mô tả cuộc sống trên trần thế, và bậc dưới dành cho người chết. Chú ý là các thiên thần trên bậc cao hướng kèn về phía những người trên mặt đất, trong khi những thiên thần ở giữa thổi kèn để đánh thức người chết. Bên trái Jesus (tức bên phải người xem), một thiên thần và quỷ sứ đang thao tác các quả cân phán xét (hãy so sánh việc này với “việc cân tim” của người Ai Cập trong Quyển Sách của Người Chết ở Chương 6). Ở xa về bên phải của người xem, một quỷ sứ nâng một người chết lên để cân. Trên phía kia của băng dưới cùng, các đứa trẻ ghì chặt một thiên thần, hy vọng được xét vào tầng trời . Ở phía trên chúng trong miền đất của người sống, một cảnh tượng tương tự xảy ra. Một số người thò đầu ra ngoài cửa sổ để xem Ngày Phán Xét xong chưa. Những cảnh tượng như thế chắc hẳn đã khiến nhiều người làm lành tránh dữ.
Điêu khắc La Mã sống lại
Từ ngày La Mã sụp đỗ, các nhà điêu khắc đã thực sự ngừng làm những tượng lớn. Các nghệ sĩ kiểu La Mã làm sống lại truyền thống, nhưng theo cách riêng của họ. Ví dụ xưa nhất của những điêu khắc cỡ lớn xuất hiện trên cung đường đến Santiago ở miền tây nam nước Pháp và bắc Tây Ban Nha. Có lẽ chúng được những phế tích La Mã đứng trơ gan tạo cảm hứng. Tông đồ, được tạc khoảng 1090 cho nhà thờ hành hương St. Sernin ở Toulouse, khiến ta nhớ lại những tượng La Mã, cho dù nó dính vào hốc đá (không đứng một mình). Sự vững chắc của pho tượng, nếp nhăn y phục, và nét măt cùng tư thế trông như một pho tượng La Mã được đơn giản hóa.
Thánh tích và vật cất giữ thánh tích: Những thứ còn lại huyền diệu
Như những fan của nhạc rock hiện đại có thể lội bộ đến Graceland để đi thăm ngôi nhà sinh ra Elvis hay xem một trong những bộ áo liền quần Vegas của anh, những tín đồ Cơ đốc thời trung cổ có thể vượt hàng trăm, có khi hàng ngàn dặm để đến sát bên nắm xương hay đồ dùng của các thánh. Họ tin rằng một số đức hạnh của một vị thánh có thể còn được lưu giữ lại trong xương cốt hay quần áo của ông ta sau khi chết. Đức hạnh còn lưu giữ này được tin là đủ mạnh để tạo ra phép màu. Thánh tích mạnh nhất (xương và y phục) có thể bảo vệ cả một vương quốc.
Để giữ gìn thánh tích, các nghệ sĩ kiểu La Mã cất chúng trong những vật chứa thường được dát bạc và được niêm kín có hình dạng của thánh tích: bình hình cánh tay để cất giữ xương cánh tay, hình bàn chân cho xương bàn chân, và ngay cả hình đầu người để đựng đầu. Bằng cách này, các khách hành hương biết được mình đang thờ phụng bộ phận nào mà không cần nhìn chúng. Trong những thế kỷ sau, những lỗ được khoét để người hành hương có thể ghé mắt nhìn cho mãn nhãn. Sau khi đã vượt qua hàng trăm dặm, ai cũng muốn nhìn trực tiếp thay vì nhìn một bình chứa. Những bình Gô-tích sau này còn dễ nhìn hơn khi làm bằng đá có một cửa sổ bằng thạch anh trong suốt.
Nét Hùng Vĩ Gô-tích: Các Nhà thờ Vươn Cao
Tu viện trưởng Suger được vinh danh là người sáng tạo ra kiến trúc Gô-tích (ở thời trung cổ phong cách này được gọi là “Phong cách Pháp” hay “Phong cách hiện đại”). Vậy mà ông không phải là kiến trúc sư. Ông làm thế nào?
Để trả lời câu hỏi đó, bạn cần phải hiểu chút ít về chế độ phong kiến. Phong kiến là một hệ thống xã hội trong đó một người có quyền lực như vua (lãnh chúa) cắt đất (thái ấp) và sự bảo bọc của mình cho một người ít quyền lực hơn (một chư hầu). Đổi lại, chư hầu nguyện trung thành và phục tùng cho lãnh chúa. Một lãnh chúa có thể có 100 hay 200 chư hầu (công tước, Ba Tước, hầu tước, nam tước), những người này lại sở hữu mạng lưới người phục tùng mình, thường là các nông nô.
Chế độ phong kiến lên đến đỉnh cao vào thế kỷ 11 và 12. Trong nửa đầu thế kỷ 12, vua Pháp chỉ trị vì các vùng đất quanh Paris, gọi là Ile-de-France. Vua Louis VII yếu hơn các chư hầu của mình nhiều. Để giúp Louise củng cố quyền lực và gắn chặt những vùng đất khác của nước Pháp vào tay vua, cố vấn của ông, Tu viện trưởng Suger đề nghị sự liên minh nhà thờ-nhà nước, như thế sẽ cưỡng bách các công, bá tước, và các giám mục sẽ phục tùng cả Chúa và vua, ít nhất là trên lý thuyết. Một chất keo cho liên minh này là một dự án kiến trúc, xây dựng lại nhà thờ St. Denis phía bắc Paris.
Thánh Denis (thế kỷ thứ ba) là thánh bảo hộ của Pháp. Theo truyền thuyết, chính ông là người chọn địa điểm cho nhà thờ St. Denis __ sau khi bị chặt đầu. Thân hình không đầu của ông cúi xuống để tìm lại chiếc đầu, rồi mang nó đi 7 dặm, từ Montmartre (một khu ở Paris bây giờ) đến một thị trấn ngày nay có tên St. Denis. Khi đến nơi, ông đặt đầu mình lên vị trí ông muốn nhà thờ mình được xây dựng. Rồi ông ngã sầm và chết. Một vài thế kỷ sau đó nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại địa điểm trên. Thánh tích của St. Denis còn được cất giữ trong nhà thờ cho đến ngày nay.
St. Denis là nơi yên nghĩ của nhiều vua đầu tiên của nước Pháp. Charles Martel, Pepin Lùn, Charles Gan Dạ đều được chôn cất tại đây. Vào thế kỷ 12, St. Denis là biểu tượng của nước Pháp (còn hơn cả tháp Eiffel bây giờ). Nhưng nó trông không ra vẻ. Vì thế Tu viện trưởng Suger muốn mang một bộ mặt mới, một bộ mặt có thể báo cáo với mọi người rằng nước Pháp sắp sửa được tái sinh.
Lớn hơn và sáng hơn
Suger muốn nhà thờ phản ánh sự vinh quang của nền quân chủ và Chúa. Nhưng nhà thờ quá nhỏ để làm được điều đó. Trong quyển sách Người Chủ Giáo, Suger mô tả “những đám đông những khách hành hương mất trật tự” tràn về nhà thờ trong những ngày lễ thánh để tiến đến gần các thánh tích của St. Denis hay thăm viếng các lăng mộ của các vua đầu tiên của Pháp. ”Bạn có thể thấy người ta dẫm đạp lên nhau không thương tiếc. Bằng cách nào . . . bọn đàn bà bé nhỏ xông xáo cố xông đến bệ thờ bước lên đầu các ông như bước trên vĩa hè.”
Một khuyết điểm khác của nhà thờ là nó quá tối. Về cơ bản, Suger muốn nó to hơn và sáng hơn. Ông cho rằng Chúa là ánh sáng, vì thế nhà thờ phải rực rỡ, không u ám kiểu La Mã. Ông tin rằng ánh sáng màu lọc qua kính màu hoặc phản chiếu lên các viên ngọc bích trong các cốc rượu lễ sẽ đưa con người vào một thế giới của tâm linh. Đối với Suger, mỹ thuật là một xa lộ “vật chất” dẫn vào thế giới tâm linh, một lộ trình đến với thượng đế.
Làm mới từ các phần cũ
Lớn và sáng cỡ nào mà Suger có thể làm cho nhà thờ St. Denis, trong khuôn khổ kiểu La Mã của nó? Nếu ông mở rộng cửa sổ quá mức, mái nhà thờ sẽ sụp đỗ. Để giải quyết bài toán này, Suger mời nhiều kiến trúc sư giỏi nhất châu Âu đến Pháp. Giải pháp chung của họ, trong đó có đóng góp của Suger, là phân bố lại sức nặng của nhà thờ bằng cách thêm những khung vòm và các trụ tường đặt dựa vào các vách ngoài của nhà thờ. Vì các trụ tường cáng đáng phần lớn nhiệm vụ thay cho vách nên vách có thể mở ra nhiều cửa sổ lớn rộng. Lần đầu tiên trong lịch sử, một tòa nhà khép kín, bề thế, đồ sộ có thể tràn ngập ánh sáng tự nhiên! Sự thành tựu của Suger thật là kỳ diệu (xem hai hình dưới).
Mở rộng giấc mơ Gô-tích
Phong cách Gô-tích lan truyền từ St. Denis đến phần còn lại của Pháp. Vào năm 1163, nhà thờ Notre Dame (Nhà Thờ Đức Bà Paris, xem Hình 10-7) được khởi công. Trong khoảng 1170 và 1270, nước Pháp dựng thêm 500 nhà thờ Gô-tích. Trong đó những nhà thờ lớn nhất là Chartres (1194), Reims (1210), Amiens (1247), và St. Chapelle (1243-1248). Trong thời kỳ này, kiến trúc trở nên táo bạo hơn __ xây những nhà thờ ngày một cao hơn, làm thon những cột đá và trụ tường để tối đa hóa hiệu quả, và giảm diện tích vách để mở rộng cửa sổ kính màu. Những tòa nhà càng ngày càng thon hơn và thách thức trọng lực hơn. Vào năm 1243 (khi St. Chapelle được khởi công), các bức tường không còn và được thay bằng những khung kính màu (xem hình).
Hình 10-7: Nhà Thờ Đức Bà Paris là nhà thờ Gô-tích nổi tiếng nhất trên thế giới, là bối cảnh của tác phẩm lừng danh của Victoire Hugo Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà.
Trong vòng 200 năm sau, phong cách Gô-tích lan rộng khắp châu Âu và xa hơn. Cũng như phong cách kiểu La Mã, nó là một phong cách quốc tế ra đời tại Pháp. Một số nhà thờ nổi tiếng nhất là Thánh đường Salisbury ở Salisbury, Anh (1220); Thánh đường Cologne, Đức (1248); St. Stephens ở Vienna, Áo (1304); St. Vitus ở Prague,Tiệp khắc (1344). Phong cách Pháp vẫn được giữ nguyên trong hầu hết quốc gia, với một số biến hóa vùng miền. Nhưng ở Ý, thì ảnh hưởng của phong cách Byzantine và La Mã điều chỉnh phong cách Gô-tích khá nhiều.
Kính Màu Kể Chuyện
Năm 1194, thành phố Chartres và nhà thờ kiểu La Mã của nó bị cháy rụi. Cư dân nổi giận. Họ không chỉ mất nhà cửa và nhà thờ, mà quan trọng hơn, còn mất thánh tích quý giá của mình, thánh tích Sancta Camisia (Mạng che mặt mà Mary đã mang khi hạ sinh Jesus). Ba ngày sau, thánh tích xuất hiện trở lại, không bị hư hại. Hình như là một phép mầu, nhưng thật ra, khi lửa phát tán, một thầy tu nhanh trí đã dấu nó trong hầm mộ của nhà thờ. Một hồng y đến thăm, nói với giáo dân thanh thản là sự vẹn toàn của thánh tích là một dấu hiệu từ Mary. Bà muốn một nhà thờ lớn hơn! Đám đông reo hò nhiệt tình hưởng ứng. Tiền cúng lập tức đổ về giúp xây nhà thờ mới. Mặc dù đang chiến tranh với Pháp, Richard Tim Sư Tử, vua nước Anh, vẫn để cho các cha sứ uyên tiền cúng để tái thiết.
Vì thánh đường được xây dựng theo phong cách Gô-tích mới, nhiều người đóng góp những cửa sổ kính màu. Các phường hội Pháp hiến tặng 43 cửa sổ kính màu, mỗi phường “ký tên” lên tác phẩm của mình bằng một hình ảnh mô tả công việc của mình. Các nhà quý tộc thường “ký tên” lên cửa sổ mình hiến tặng bằng huy hiệu của mình. Huy hiệu của nước Pháp _ cành hoa li _ là một phần có kiểu dạng tỉ mỉ như cửa sổ hoa hồng phía bắc nhà thờ Chartres, được hoàng hậu mới của nước Pháp, Blanche de Castille, hiến tặng 40 năm sau (xem hình dưới).
Cửa sổ hoa hồng
Kiểu dạng vạn hoa của cửa sổ hoa hồng là một thực tập về chủ đề và biến hóa của hình thể, biểu tượng, và màu sắc. Mỗi vòng đồng tâm, theo chiều kim đồng hồ gồm 12 hình thể được lặp lại. Nửa đường tròn ngoài là hình 12 vị tiên tri Do thái. Những hình người như tem thư ở vòng tròn giữa là 12 vua của Judah. Mary và bé Christ ngồi ở trung tâm. Bên dưới bông hồng là 5 cửa sổ cao và hẹp đóng khung các vua Ai cập, Babylonian, Do thái, từ vua Nebuchadnezzar đến vua Solomon.
Những cửa sổ khác và điêu khắc nổi bên ngoài kể lại những câu chuyện của Kinh thánh từ Genesis (Sáng Thế Ký) đến Apocalyse (Khải Huyền). Trong những ngày đó, cách duy nhất mà hâu hết có thể “đọc” Kinh thánh là qua những tranh kính màu và hình chạm nổi. Nhờ có Tu viện trưởng Suger, cửa sổ và nhà thờ bây giờ có thể được xây đủ lớn để kể hết toàn bộ Kinh thánh.
Hầu hết cửa sổ kính màu Gô-tích của Pháp đều bị đập vỡ nát trong thời Cách mạng Pháp. Nhà thờ duy nhất mà hầu hết kính màu còn được giữ nguyên là Thánh đường Chartres: 152 trong tổng sổ 186 cửa sổ gốc còn sống sót.
Điêu khắc Gô-tích
Điêu khắc Gô-tích lấy cảm hứng từ cách tân của Suger ở St.Denis. Khổ thay, nhiều điêu khắc của St.Denis đã bị hư hỏng. Nhưng các tượng ở cửa trước phía tây của Chartres được tạc chỉ một năm sau khi Suger hoàn tất St. Denis mang phong cách tương tự (xem Hình 10-8). Các bức tượng trông hiện thực hơn các tranh điêu khắc ở Thánh đường Vezelay (xem lại Hình 10-4), cho dù những tranh này chỉ được thực hiện trước đó 10 đến 15 năm.
Hình 10-8: Các bức tượng trên cửa vào Thánh đường Chartres đứng trong tư thế được xác định bởi cột trụ, như thể họ là phần kéo dài của nó.
Các tượng hình điếu xì gà (tượng cột) đứng canh các cửa phải được tạc vừa vặn với cột, như thể cột là xương sống của chúng. Các chân tượng dài vẫn còn vẻ cứng của kiểu La Mã , nhưng y phục và gương mặt trông hiện thực hơn. Thay vì vẻ ác mộng, hăm dọa của hình nổi Vezelay (trong Hình 10-4), những bức tượng này trông trầm mặc hơn xứng với vị thế là các vua, hoàng hậu, và nhà tiên tri trong Cựu Ước (các tượng không có vương miện là các nhà tiên tri). Cửa phía tây này được gọi là cổng hoàng gia.
Bốn mươi năm sau, trong khi tái thiết nhà thờ sau trận hỏa hoạn năm 1194, phong cách Gô-tích càng tiến gần Chủ nghĩa Hiện thực hơn. Những bức tượng trên cửa phía nam (xem Hình 10-9) trông như những người mà bạn có thể bắt gặp trên đường phố Paris hay Chartres vào thời đó. Những hình người vẫn còn ra vẻ như trên cổng hoàng gia, nhưng đậm chất cá tính hơn. Chúng gần giống những bức tượng đứng độc lập. Những cột trụ nâng đỡ giống như những cái nạng mà bức tượng có thể từ đó bước ra để chia sẻ với bạn hớp rượu mật ong trong một quán gần đó. Tượng Thánh Theodore ăn vận như một thập tự quân đương thời ở bên trái (những bức tượng này được khắc 10 đến 20 năm sau khi cuộc Thập tự chinh thứ Tư vào năm 1204) là bức tượng tự nhiên nhất. Chú ý những đường viền tròn của da thịt dưới cánh tay trái và dáng điệu tự nhiên khi ông nắm cây thương của mình.
Hình 10-9
Gô-tích Ý
Ở Ý, phong cách Pháp hay Gô-tích được điều chỉnh với hương vị Ý rất rõ. Các thánh đường theo Gô-tích Ý trông không có gì giống thánh đường Pháp. Thánh đường Sienna không chỉ có sự tráng lệ Byzantine và tình yêu màu sắc của Ý. Nó có thể là nhà thờ xa hoa nhất châu Âu__ từ nền cẩn đá, mà nhà viết tiểu sử Giorgio Vasari gọi là ”Vĩa hè đẹp nhất, vĩ đại nhất, lộng lẫy nhất chưa từng thấy” cho đến vẻ đẹp tinh khôi của trần nhà cổng vòm, đầy sao, được chế tác để biểu thị cho thiên đường .
Thánh đường Sienna phải mất vài thế kỷ mới hoàn thành. Ở đây tôi chỉ tập trung về khía cạnh Gô-tích, được xây dựng trong thế kỷ 13 và 14, khởi công vào 1215.
Như nhiều nhà thờ Ý khác, Thánh đường Sienna có tháp chuông và mái vòm, nhưng nó thiếu chóp tháp vươn cao theo phong cách Pháp. Để bù lại khiếm khuyết chiều cao, thánh đường gia tăng tính trang trí. Giovanni Pisano thiết kế phân nửa bên dưới của mặt tiền choáng ngợp và điêu khắc những bức tượng tuyệt vời giữa năm 1284 và 1296 (bản gốc bây giờ nằm trong Bảo Tàng Thánh Đường). Giovanni Pisano đã phụ tá cho người cha nổi tiếng của mình, Nicola Pisano, 20 năm trước trong việc xây bục giảng kinh bằng đá Carrara nguy nga của thánh đường. Lúc đó Giovanni chỉ vừa khoảng 20. (Phân nửa phía trên mặt tiền được Giovanni di Cecco thiết kế, bắt đầu từ 1376.)
Pisano đóng khung ba cửa trước bằng đá tạp sắc, có cái được kẻ sọc như cây kẹo. Cột trụ theo kiểu Corinthian. Ngay trên trán tường phía ngoài, Pisano khắc bốn tượng người viết Phúc âm từng cặp __Mark và Luke bên trái người xem, Matthew và John bên phải. Mỗi tông đồ đứng sát bên các biểu tượng thú của mình, trừ John là cầm cuốn phúc âm mà mình đã viết.
Hình 10-9
Bên trong thánh đường là một bữa tiệc thị giác thịnh soạn. Quá nhiều hình ảnh để nhìn. Nhưng dù cho có dư thừa các trang trí và điêu khắc, nó cũng có tính thống nhất. Trần nhà có khung vòm sườn và hàng cột cổng vòm chia gian giữa với các gian cánh, thuộc phong cách Gô-tích Pháp. Tất cả tạo thành một công trình kiến trúc hài hòa và rực rỡ. Những tranh khắc bên trong các cổng vòm, những chân trụ bằng đá đen trắng, và 36 tượng bán thân của các hoàng đế theo Cơ đốc giáo bên dưới hai hàng đường bệ gồm 176 giáo hoàng là những đặc điểm Ý độc đáo.
Cửa sổ hoa hồng trên phần cuối đối diện của thánh đường là dựa trên một thiết kế của Duccio (xem đoạn tiếp sau và hình dưới)
Hội họa Gô-tích: Cimabue, Duccio, và Giotto
Các hiệp sĩ của Cuộc Thập tự chinh thứ tư (1201-1204) không bao giờ đến nơi định trước: Ai cập. Họ quay sang tấn công Constantinople__đồng minh của mình! Các thập tự quân đè bẹp Đế quốc La Mã phía Đông, mà từ trước đến nay, hình như là trường tồn (mặc dù nó gượng dậy 60 năm sau, và tồn tại thêm gần 200 năm nữa).
Hậu quả tích cực của việc các thập tự quân chiếm đóng Constantinople là nhiều nghệ sĩ Byzantine bỏ trốn thành phố và di cư sang Ý, mang theo những ảnh hưởng văn hóa phương Đông với họ. Các người Ý gọi ảnh hưởng này là kiểu Hy Lạp. Kiểu Hy Lạp trộn lẫn với phong cách Gô-tích mới được rò rĩ vào Ý từ phương bắc. Sự pha trộn hai phong cách này đã khai sinh một phong cách hội họa cách mạng lót đường cho thời Phục hưng. Phong cách này không chỉ là tổng số những thành phần hợp lại. Mặc dù thành phần là Gô-tích Pháp và Byzantine hay Hy Lạp, phong cách mới có hương vị Ý rõ rệt. Ba bậc thầy vĩ đại nhất của phong cách mới này là Cimabue, Duccio, và Giotto.
Cimabue
Bức Đức Mẹ Lên Ngôi (khoảng 1240 – 1302) có nhiều đặc điểm chung mà các biểu tượng thánh Byzantine có. Những đặc điểm này bao gồm
- Những nếp gấp y phục chuẩn, như chúng được ủi trong cùng một máy sấy.
- Những hào quang kích cỡ chiếc dĩa bàn màu vàng
- Những thiên thần như được nhân ra
- Một hậu cảnh trang trí, dẹt (dát bằng những lá vàng)
Nói cách khác, Đức Mẹ Lên Ngôi có cùng bố cục được lưu truyền. Nhưng cũng có những khác biệt tinh tế. Những gương mặt của Cimabue, nhất là trong những bờ dưới cùng, đầy đặn hơn, có da thịt hơn, và biểu cảm hơn.
Những khác biệt này mạnh mẽ hơn trong bích họa Đức Mẹ Uy Nghi (xem Hình 10-10), vẽ trong lăng tẩm của Thánh Francis khoảng 50 năm sau cái chết của St. Francis.
- Đức Mẹ Uy Nghi có nét dễ gần mà các hình tượng Byzantine thiếu. Các tranh tôn giáo được vẽ một cách nghiêm cẩn, vì chúng mô tả những nhân vật thần thánh (các thánh, tông đồ, Christ), những nhân vật có thể đưa tay theo hướng người xem và nhìn vào mắt họ, nhưng vẫn thuộc về một thế giới khác.
- Da thịt của nhân vật có da thịt. Họ hiện thực hơn những hình tượng tôn giáo của Byzantine.
- Bức tranh mang một nổi buồn dịu dàng mà màu xanh trời và xanh cỏ và vẻ đẹp thiên thần của Mary làm chúng thêm ngọt ngào. Tất cả gương mặt trong bích họa hình như củng cố tình cảm này như là họ có cùng phản ứng với một điều gì đó không xuất hiện trên tranh. Tình cảm biểu cảm là một trong những đặc tính độc đáo của phong cách mới của hội họa Ý (thế kỷ 13 và đầu thế kỷ 14).
Hình 10-10
Ở bên phải của bức tranh là Thánh Francis chân trần đang đứng. Ông dễ dàng được nhận ra vì mang các vết thương của Christ trên bàn tay và bàn chân. Như các thiên thần bên cạnh ông ta, Francis đang nhìn vào người xem, như thể ông đang trong tư thế để chụp ảnh. Không nhân vật nào chú ý đến nhân vật nào.
Như trong hội họa Byzantine sự giống nhau là một điều tốt. Các biểu tượng thánh được cho là không được thay đổi, vì các nhân vật mà chúng thể hiện được tin là vĩnh cữu và bất biến. Người Byzantine tin tưởng rằng những hình tượng thánh đầu tiên của Christ và Mary Đồng Trinh là do Thánh Luke vẽ ra, vì thế các nghệ sĩ sau này, theo một ý nghĩa nào đó, sao chép từ những hình gốc này. Cũng thế, nghệ thuật Byzantine có mục đích là mô tả phương diện tâm linh của các nghệ sĩ Byzantine (xem Chương 9 để biết thêm về các biểu tương thánh Byzantine).
Ducci
Thoạt nhìn, Đức Mẹ Lên Ngôi của Duccio (c. 1255 – c. 1319) cũng bắt chước lối vẽ biểu tượng thánh của Byzantine. Nhưng quan sát kỹ, bạn có thể thấy tính chất ba kích thước mà các tranh thánh khác không có. Các gương mặt có đường viền, góc cạnh, có vùng sáng vùng tối, và những gợi ý về cá tính. Chú ý là bàn tay phải của Mary trông tự nhiên hơn trong tranh Đức Mẹ Lên Ngôi của Cimabue. Hai cặp chân trần bên trái và phải của bức tranh cũng có da thịt và trông như thật: Chúng không mang cùng một cỡ giày như nhau (xem hình dưới).
Áo choàng của các nhân vật buông xuống mềm mại hơn. Đường bao của đầu gối và chân phải của Mary hiện ra tự nhiên qua vải vóc. Bạn có thể thấy cùng một tính tự nhiên như thế trong tượng Gô-tích của Thánh Theodore trên cổng phía nam Thánh đường Chartres (xem Hình 10-9). Những sự khác biệt này phản ánh khía cạnh Pháp-Gô-tích của Duccio. Trong tranh này, Duccio hình như đã tìm được sự cân bằng hoàn hảo giữa vẻ trang nhả Gô-tích và tính hình thức Byzantine. Nhưng ở Ý, cán cân chẳng bao lâu sẽ nghiêng về phía tự nhiên chủ nghĩa và sự hồi sinh của chủ nghĩa cổ điển Đế quốc phương Tây.
Giotto
Theo nhà viết tiểu sử thời Phục hưng Giorgio Vasari, Giotto (c.1266-1337) trở thành đồ đệ của Cimabuesau khi người họa sĩ già này trông thấy thằng bé đang vẽ các con cừu đang gặm cỏ. Ông phát hiện ra tài năng lúc 10 tuổi ngay lập tức. Năm 1550, Vasari viết, “Đứa trẻ không chỉ sánh ngang cùng thầy của mình mà còn trở thành một người sao chép tự nhiên giỏi đến mức nó phá bỏ hoàn toàn cung cách Hy Lạp thô sơ và làm sống lại nghệ thuật tươi mát và hiện đại của hội họa.”
Như Cimabue, Giotto thực tế là người Florentine. (Cả hai đều sanh ra trong vùng ngoại ô, nhưng các học giả thường dán nhãn họ là người Florentine.) Mặc dù Giotto có vẻ như đã là học trò của Cimabue (Vasari không phải lúc nào cũng đáng tin cậy), ông ta là một họa sĩ vĩ đại hơn và ít nhất độc đáo hơn thầy mình. Hiển nhiên,Cimabue thích bám theo truyền thống Byzantine miễn là ông ta có thể trộn thêm một ít hiện thực Gô-tích. Điều làm Giotto độc đáo là ông không sao chép người khác __ông chỉ sao chép tự nhiên.
Giotto là người quan sát vĩ đại. Ông chú ý những chi tiết của cuộc sống và cho nó vào tác phẩm của mình. Những bức tranh tôn giáo của ông cho ta cảm giác ông đang nhìn những sự kiện đang diển ra thực tế qua một ống kính che giấu. Một số nhân vật trong tranh ông quay lưng lại về phía bạn, như trong thực tế thường xảy ra. Một số khác đứng trước một đám người và che mất gương mặt hay một phần cơ thể của họ không nhìn thấy được. Các nghệ sĩ Byzantine không bao giờ làm điều này; các quy tắc vẽ biểu tượng thánh không cho phép họ làm vậy.
Khả năng của Giotto nắm bắt cảm xúc trong một số đông tình huống khiến tác phẩm của ông có tính cách mạng và tươi trẻ. Bích họa của ông tạo một cảm xúc mãnh liệt chưa từng được nhìn thấy trước đây, không chỉ trong nét biểu cảm của gương mặt, mà còn trong ánh sáng đầy kịch tính tắm gội các nhân vật. Trong Nụ Hôn của Judas (xem Hình 10-11), Giotta tạo ra một bi kịch sấm sét, với tua tủa gươm giáo, đuốc sáng, và gậy của người chăn cừu, vung lên chuẩn bị đánh nhau. Tất cả sự căng thẳng bùng nổ trong bức tranh hội tụ vào cái hôn, khi Judas ôm chầm lấy Jesus.
Hình 10-11
Các bức tranh của Giotto có chất lượng động, nhất là dảy bích họa Arena Chapel ở Padua, được coi là tuyệt phẩm của ông. Thay vì trong tư thế cho người ta ngắm,như thể có ai đó chuẩn bị bấm máy ảnh (như trong các bức họa của Cimabue và Duccio trên đây), những nhân vật trong bích họa nhìn trực tiếp vào nhau hoặc nhìn bằng khóe mắt của họ. Họ tương tác nhau và giao tiếp nhau thay vì đứng trong tư thế làm dáng (xem hình dưới).
Trong Trốn qua Ai cập, chú ý cách Mary Đồng Trinh và người phụ nữ dắt con lừa quan sát Joseph khi ông dẫn họ qua sa mạc. Bé Christ quan sát một người phụ nữ đứng sau con lừa đang nói chuyện với bạn đồng hành của mình. Mỗi người đều hướng mắt về người khác. Sự giao thoa giữa những ánh mắt kể cho ta nghe một câu chuyện rất người. Đúng là các cây ở hậu cảnh trông như cắt ra từ một tạp chí rồi dán vào ngọn núi (cũng như một hình cắt dán), nhưng Giotto chỉ quan tâm đến con người. Tính cách mạng trong tranh ông xảy ra trong tiền cảnh, không phải ở hậu cảnh (xem hình dưới). Đây là lần tiên trong nghệ thuật mà các nhân vật trong một bức tranh lờ đi người xem và tập trung vào nhau.