Jesse Bryant Wilder
Trần Quang Nghĩa dịch
Thời Phục Hưng Sơ Khai ở Trung Tâm nước Ý
Phần đông sử gia tin rằng thành phố Florence là nơi khai sinh thời Phục hưng vào thế kỷ 15. Nhưng phong trào mới đã bắt rễ trong thế kỷ trước đó, nhất là trong nghệ thuật của Giotto ở Florence (xem Chương 10), người đã cho da thịt một dáng vẻ 3D lần đầu tiên kể từ khi La Mã sụp đỗ. Tuy nhiên phối cảnh của Giotto là trực giác và không chính xác, không có tính toán học; do đó, các bức tranh ông có chiều sâu cạn cợt; các hình người có khuynh hướng bay lượn ở tiền cảnh.
Từ những thành tựu của Giotto, các nghệ sĩ của thời Phục hưng Sơ khai (1400-1495) sáng chế ra khoa học chính xác về phối cảnh đem đến cho tác phẩm của họ một chiều sâu vô hạn. Trong thời Phục hưng, nhìn một bức tranh như nhìn trộm qua cửa sổ đến với thế giới thực, với một số vật thể sát bên và một số ở xa.
Cuộc thi làm Cửa Lớn: Brunelleschi đấu với Ghiberti__Và người thắng là!
Theo một cách nào đó, cuộc thi làm Cửa Lớn khởi phát thời Phục hưng vào năm 1401. Florence sắp sửa bị Milan nuốt chửng. Công tước của Milan, là người thèm khát quyền lực, đã chinh phục Siena (năm 1399) và Perugia (năm 1400). Florence là nạn nhân tiếp theo trong danh sách của ông ta. Công tước có tham vọng cai trị toàn Ý, lúc đó là một “xứ sở” bị chia năm xẻ bảy bởi các bang độc lập. Mặc dù mối đe dọa đã cận kề, các nhà lãnh đạo Florence quyết định tài trợ một cuộc tranh đua làm cửa thay vì huy động tất cả nguồn lực dân sự cho việc củng cố phòng thủ.
Các cửa của phòng rửa tội ở Florence rất quan trọng đối với người dân Florence. Bảy mươi năm trước, nhà điêu khắc Andrea Pisano đã đúc hai cánh cửa phòng rửa tội bằng đồng có khắc nổi các cảnh trích từ cuộc đời của St. John the Baptist, là thánh bảo hộ của thành phố. Hiện giờ các nhà lãnh đạo thành phố muốn thêm hai cửa đồng nữa.
Năm 1402 hóa ra là một năm tốt cho Florence và thời Phục hưng. Công tước Milan chết vì bệnh dịch, và Florence được giải cứu. Và người thắng cuộc thi làm cửa được tuyên bố: Lorenzo Ghiberti. Thời Phục hưng sắp bắt đầu. Ba trong bảy người dự thi khác cũng trở thành những nhà tiên phong của thời Phục hưng, truyền bá nó đi những phương trời khác nhau: Donatello, Jacopo della Quercia, và Filippo Brunelleschi.
Các cửa đồng của Ghiberti làm cả Florentine choáng váng đến nổi thành phố mời ông làm thêm hai cửa nữa. Và ông đã làm. Bộ cửa thứ hai minh họa một cách hoàn hảo phép phối cảnh khoa học (mà Brunelleschi sáng chế) và tạo ấn tượng với chàng thanh niên Michelangelo mạnh đến nổi anh gọi bộ cửa đó là “Cổng của Thiên đường “ (xem hình dưới).
Sau khi thất bại trong cuộc thi làm cửa, Brunelleschi từ bỏ nghề điêu khắc và trở thành một kiến trúc sư. Ông có thể đã đi đến La Mã không lâu sau cuộc thi với bạn ông là nhà điêu khắc Donatello để nghiên cứu kiến trúc thời La Mã. Sử dụng những kiểu cổ điển như Pantheon và Colosseum, Brunelleschi đã sáng tạo ra kiểu kiến trúc Phục hưng, một phong cách hình học của sự duyên dáng, hài hòa, và khoáng đạt.
Duomo ở Florence
Mười sáu năm sau cuộc thi, Brunelleschi so tài với Ghiberti lần nữa trong cuộc thi thiết kế mái vòm cho thánh đường Duomo ở Florence. Lần này ông thắng. Duomo có mái bằng gỗ, cần được thay bằng mái đá. Nhưng kiểu kiến trúc Gô-tích nặng nề hình như quá đồ sộ nếu đội một mái vòm đá. Thay vì xây dựng một khối đặc duy nhất, như thế sẽ quá nặng nề, Brunelleschi giải quyết bài toán bằng cách thiết kế một sườn kép bằng bê tông, cái này nâng đỡ cái kia. (Toàn thể vòm nặng hơn 40,000 tấn!) Sườn kép nằm đè lên một khối trụ đồ sộ, thay vì mái. Nhờ phương pháp tinh xảo này, Brunelleschi có thể xây dựng mái vòm lớn nhất thế giới và là một trong những mái vòm tráng lệ nhất. Mái vòm Duomo vươn cao đến 375 bộ (khoảng 125 mét).
Những dự án khác chẳng bao lâu đổ về Brunelleschi. Một trong những thành tưu lớn nhất của ông là thiết kế nhà thờ San Lorenzo cho gia đình Medici người trị vì. Với các cột trụ kiểu Corinthian, các cung vòm La Mã, và tính hài hòa cổ điển, San Lorenzo cho ta cảm tưởng vừa như là một điện thờ ngoại giáo vừa là một nhà thờ Cơ đốc giáo. Vì Brunelleschi sử dụng các tỷ lệ (có thể rút ra từ các tỷ lệ âm nhạc) và hình thể hình học, tòa nhà chuyên chở một trật tự thuần lý, nét duyên dáng, và tính trầm lặng (xem hình bên).
Các cha đẻ của phép phối cảnh
Vật thể sẽ nhỏ hơn khi chúng lùi ra xa. Hãy quan sát một người đang đi xuống một con đường thẳng, và cuối cùng, mất hút. Nhưng y sẽ co lại theo tỷ số nào? Ở cách 100 mét, y ngắn hơn bao nhiêu so với lúc y đứng sát bên bạn?
Các nghệ sĩ phải đoán ra cho đến khi Brunelleschi sáng chế ra phép phối cảnh tuyến tính, mà bạn ông Leone Battista Alberti mô tả trong tác phẩm De Picture (Về Hội Họa) vào năm 1435. Đặc điểm chính của phép phối cảnh tuyến tính là điểm biến. Bạn biết đường ray xe lửa thì song song, vậy mà chúng trông như hội tụ khi chúng lùi ra xa. Trong phép phối cảnh một điểm biến, các đường thẳng trên mỗi cạnh của một bức tranh dần dần hội tụ như đường ray xe lửa. Bằng cách vẽ đường ray xe lửa từ đỉnh và đáy của các tòa nhà hình hộp chữ nhật ở bên trái và phải của một bức tranh, bạn có thể xác định được chiều cao chính xác của bất kỳ vật thể nào giữa tiền cảnh của bức tranh (bề mặt của vải vẽ) và điểm biến (xem Hình 11-1)
Hình 11-1
Trong phần sau, chúng ta sẽ xem xét nghệ thuật và kiến trúc của những nghệ sĩ và nhà kiến trúc của thời Phục hưng Sơ khai và Hưng thịnh.
Masaccio: Ngay từ miệng cá
Masacio (1401-1428), một trong những họa sĩ tài ba nhất của thời Phục hưng Sơ Khai, là người đầu tiên áp dụng phép phối cảnh của Brunelleschi vào tranh. Ở tuổi 21, ông đã là một bậc thầy. Rủi thay, ông chỉ sống thêm sáu năm nữa.
Tác phẩm vĩ đại nhất của Masacio có lẽ là bích họa về cuộc đời của Thánh Peter tại Nhà Nguyện Brancacci của nhà thờ St.Maria del Carmine ở Florence. Bức tranh Tiền Thuế là một chuyện kể thị giác với ba đoạn bắt đầu từ phần giữa, chuyển sang trái, rồi trở lại về phải. Chỉ có một nhân vật, Thánh Peter, xuất hiện trong cả ba đoạn, mình mặc áo choàng cam bên dưới là trang phục màu xanh. Y phục của ông giúp người xem lần theo di chuyển của ông.
Quan tâm của Peter về việc trả thuế khiến Jesus phải nói, “Ngươi hãy đi ra biển, và quăng lưỡi câu, và chọn con cá đầu tiên mắc câu; sau đó mở miệng cá, ngươi sẽ tìm thấy một đồng tiên; lấy đồng tiến đó mà đi đóng thuế cho ta và ngươi.”
Vẻ mặt đầy kinh ngạc của các tông đồ (mỗi người một vẻ) cho thấy thời Phục hưng đã chuyển tiêu điểm từ Chúa sang người. Mặc dù bức tranh minh họa một đoạn trong kinh thánh, Masaccio kéo sự chú ý của người xem đến các phản ứng rất người của các tông đồ trước lời tiên đoán kỳ lạ của Jesus. Những ngón tay chỉ chỏ, những điệu bộ, và nét kinh ngạc kể phần còn lại của câu chuyện.
Cách sử dụng phối cảnh của Masaccio đáng là bậc thầy. Mặc dù những hình người tụm lại nhau ở giữa tranh, những người ở sau nhỏ hẳn đi, theo luật phối cảnh. Hậu cảnh là những ngọn núi và bầu trời u ám xám xịt, mặc dù đơn giản, cho bức tranh một chiều sâu thực sự. Mắt bạn có thể lang thang ở khoảng xa trong bức tranh của ông.
Sau khi Masaccio chết sớm, nền hội họa của Florence phai nhạt đi.
Andrea del Castagno: Một Bữa Ăn Chiều Cuối Cùng khác
Trong một thời gian, hình như Andrea del Castagno (c. 1423-1457) có thể lấp đầy chỗ trống do Masaccio để lại như là một họa sĩ Phục hưng tài ba thứ hai. Nhưng như Masaccio, ông cũng chết trẻ ở tuổi 34, do bệnh dịch.
Sự nghiệp của Castagno bắt đầu khi ông ở tuổi thiếu niên. Năm 17 tuổi, gia đình Medici ủy nhiệm ông vẽ thi thể của bọn phản loạn bị treo cổ vì tội âm mưu chống lại chính quyền. Bức tranh đã lạc mất từ lâu.
Một trong những họa phẩm vĩ đại nhất của Castagno là Bữa Ăn Tối Cuối Cùng treo trong phòng ăn của nữ tu viện St. Apollonia ở Florence. Trong bích họa này các Tông đồ còn có nhiều cá tính hơn trong Tiền Thuế của Masaccio. Nhưng họ không mấy giao tiếp, hình như mỗi người đều ở trong thế giới riêng của mình (xem hình dưới).
Fra Angelico: Y không phải là người say xưa!
Fra Angelico có tên thật là Guido di Pietro. Tên tục mà mọi người đều biết có nghĩa là “Huynh Thiên thần”. Ông mang tinh thần Phục hưng một cách lặng lẽ và tinh tế vào Tu viện Florentine ở San Marco nơi ông sống như một thầy tu dòng Dominican. Với một nhóm các phụ tá, Huynh Thiên thần lấp đầy bức tường của tu viện trong suốt thời gian 10 năm (1435-1445) bằng các bích hoạ có vẻ đẹp thâm trầm.
Các tranh của Fra Angelico (c.1400-1455) là những lời nguyện cầu, một sự nồng nàn trong sáng, lý tưởng cho những chiêm nghiệm tâm linh.
Ngay cả bích họa Chế Giễu Đấng Christ (xem Hình 11-2), trong đó những bàn tay lìa thân thể quấy rầy Jesus, nhưng người vẫn tĩnh lặng và yên bình như một chiêm nghiệm. Bạn cảm thấy như là mình ở ngoài tầm với của bạo lực, cho dù nó có xảy ra. Nó không thể phá vỡ sự yên tĩnh trầm mặc của bức tranh hay của tu viện. Mặc dù người đó nhổ nước miếng vào Jesus, nước miếng không hề chạm được vào người. Jesus vẫn ngồi thẳng và trầm tĩnh trên ngôi chẳng khác một cảnh trên sân khấu. Dưới chân người là thánh Dominic đang lần giở trang sách và Đức Mẹ Maria đang trầm ngâm một cách đăm chiêu, gợi ý là sự kiện chỉ xảy ra trong ký ức hơn là trong hiện tại.
Hình 11-2: Những phần cơ thể bay bổng trong bức tranh làm nó trông như một tranh siêu thực.
Filippo Lippi: Thầy tu cứng đầu
Mặc dù là một thầy tu, Fra Filippo Lippi (c. 1406-1492) ít sùng đạo hơn Fra Angelica. Lippi sống một cách phóng túng và xuồng sả với các bà sơ. Tuyệt tác của ông, Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng với Sự Ra Đời của Thánh Nữ Đồng Trinh (xem hình dưới), mặc dù thanh khiết và đẹp đẽ, vẫn chứa đầy những chi tiết của đời thường. Thay vì vượt qua thế giới, như nghệ thuật của Fra Angelico, Fra Lippi cho người xem thấy kết cấu của cuộc sống thường nhật: ai đó chạy lên bậc thang, các phụ nữ mệt mõi mang giõ chạy tới lui, một đứa bé kéo gấu áo mẹ nó.
Trong khi trong Tiền Thuế, Masaccio kết hợp vài phân cảnh riêng biệt liên tiếp thành một chuổi vẽ trong một khổ tranh dài, thì Fra Lippi vẽ các phân đoạn ở những thời điểm cách nhau nhiều năm chung trong một bức tranh, chuyện xưa ở hậu cảnh, chuyện nay ở tiền cảnh, cho thấy mối liên kết của chúng: Jesus có ra đời là nhờ Mary ra đời, xảy ra một cách siêu phàm cho một phụ nữ hiếm muộn là Thánh Anne, người này được mô tả ngay phía sau Mary trưởng thành ở tiền cảnh. Ở đầu cầu thang, bạn có thể trông thấy Thánh Anne chín tháng trước khi Đức Mẹ được sinh ra, đang nhận được tin vui. Thời gian di chuyển thành vòng tròn trong bức tranh này __ như một đồng hồ, dẫn dắt người xem từ cuộc sinh nở này đến cuộc sinh nở khác, từ khởi đầu đến khởi đầu.
Màu đỏ giúp bạn tới lui trong bức tranh, dẫn dắt mắt bạn quanh vòng tròn khi chúng nhảy từ y phục đỏ của Mary, đến khăn trải giường của Thánh Anne, đến đến màn treo phía trên bà, đến y phục đỏ của chồng Thánh Anne nhảy lên cầu thang. Màu đỏ cũng giúp cân bằng bố cục phức tạp này, cũng như cách sử dụng tinh tế phép phối cảnh của Lippi.
Sự thanh nhã mà Lippi mang đến cho hội họa thời Phục hưng; nước da nhạt, sáng của Mary; khăn trùm trong suốt của bà; và nét duyên dáng xinh đẹp của bà, xuất hiện một lần nữa trong các bức họa của người đệ tử nổi tiếng của Lippi, Boticelli (xem đoạn sau) và những bức tranh của con trai ông Filippino Lippi (mà Boticelli dạy).
Sandro Botticelli: Ngôi vườn của nữ thần tình yêu Venus
Sandro Botticelli (c. 1444-1510) là họa sĩ đầy chất thơ nhất của thời Phục hưng Sơ khai. Các tuyệt tác, Sự Ra Đời của Venus và Primavera (xem hình dưới), là những bài thơ được tô màu, là ngôn ngữ thị giác đã khiến người ta suy nghĩ và bối rối trong nhiều thế kỷ. Cả hai tác phẩm này hình như được vẽ bằng một thứ mật mã dựa trên triết lý của chủ nghĩa Tân-Platon. Tân-Platon không chỉ là thời trang triết lý trong thế kỷ 15. Nó là khía cạnh tâm linh của thời Phục hưng. Tin tưởng cốt lõi là nguồn gốc con người là thần thánh và linh hồn của y là bất tử.
Sự ra đời của Venus
Primavera
Marcilio Ficino, một thiên tài khiêm tốn nhưng gây cảm hứng, một con người thức dậy cùng với mặt trời mỗi buổi sáng, kiêng cử chuyện chăn gối, thực hành việc ăn chay, và sau này trở thành một thầy tu, là cha đẻ của phong trào Tân-Platon ở Florence. Ông dẫn đầu Học Viện Platonic cách tân tọa lạc bên ngoài Florence (hoạt động theo mô hình xưa của Athens). Lorenzo de Medici, Leone Battista Alberti, Sandro Botticelli, và Michelangelo tất cả đều được nung trong ngọn lửa tinh thần của Ficino, mang nó vào trong tác phẩm của mình. Qua thư từ của Ficino với các triết gia, lãnh đạo nhà thờ, chính khách, và các vua chúa từ Hungary đến Anh, Ficino truyền bá những tư tưởng Tân-Plato và thời Phục hưng khắp châu Âu.
Primavera của Botticelli, có thể được ủy nhiệm trong một tiệc cưới, được cho là dựa vào những câu chuyện Tân-Platon do Lorenzo kể lại và được thi sĩ thời Phục hưng Poliziano chuyển thành một bài thơ. Trong bức tranh, Venus, nữ thần tình yêu, làm chủ ngôi vườn và là tiêu điểm của tác phẩm. Con trai của bà Cupid, bay trên đầu bà, nhắm mũi tên bốc lửa vào một trong ba thần Mỹ nữ (những cô gái uyển chuyển trong những y phục trong suốt ở bên trái). Dù mù quáng, Cupid không hề bắn trật. Chú ý cách thức một thần Mỹ nữ nhìn thần Mercury đang mãi mê ngắm mây trời không chú ý đến cô ta. Liệu cô ấy có bị thương trước khi Cupid bắn đi mũi tên của mình không? Có phải Botticelli đang chơi các trò Tân-Platon bằng chuyện kể thời gian và chuyện kể đồng thời?
Bên phải, một chuyện tình khác đang xảy ra __ không phải mỗi lần một bước, mà tất cả ngay lập tức. Zephyr má phính, thần gió có màu da trời, ló mình vào khung tranh để chiếm đoạt yêu nữ Chloris. Trong cuộc gặp gỡ, Chloris trở thành một con người khác: Flora, nữ thần hoa cỏ đang đứng bên phải cô. Các bông hoa mọc ra từ miệng cô là dấu hiệu của sự biến hình.
Sau khi bị cưỡng đoạt, Chloris/Flora cưới Zephyr và gieo rắc hoa khắp mặt đất. Khi hoa chạm đất, chúng bắt rễ ngay lập tức. Ngôi vườn tình yêu của Venus tồn tại trong một mùa xuân bất tận khi tuổi trẻ quay vòng trở đi trở lại. Chú ý là mùa xuân này cũng có phúc lợi của mùa thu: hoa nở và trái chín xảy ra đồng thời. Cây cối sống trong hai mùa một lượt, vừa ra trái tháng chín, vừa nở hoa tháng tư. Một cú lừa thời gian nữa chăng? Có thể trong ngôi vườn huyền thoại của Venus tình yêu vượt thắng cả thời gian, và chúng ta có thể trải nghiệm mọi mùa một lượt.
Donatello: Đặt tượng đứng trở lại
Donatello (1386-1466) giúp khai sinh thời Phục hưng với bạn ông Brunelleschi. Cũng như bạn, ông đấu tranh cho sự trở lại các kiểu mẫu cổ điển trong điêu khắc và kiến trúc. Công trình nghiên cứu của ông về điêu khắc cổ điển cũng được đền đáp. Được chào đón như là nhà điêu khắc vĩ đại nhất của thế kỷ 15, sự thành tựu của Donatello trong điêu khắc sánh ngang bằng với người Hy Lạp. Bức tượng đồng David (xem Hình 11-3) là bức tượng đầu tiên đứng độc lập (không cần giá đỡ), trong tư thế khỏa thân với kích cỡ bằng người thật trong một ngàn năm. Trước David, ông đã điêu khắc những bức tượng 3-D tuyệt vời đặt trong hốc tường của nhà thờ Orsanmichele, hình như đứng làm dáng để chuẩn bị bước khỏi bệ ra ngoài đường phố.
Hình 11-3
Với David, Donatello đã đi một bước táo bạo và giải phóng hoàn toàn khỏi hạn chế của thời Trung cổ. Theo nghĩa đen, ông đã dựng đứng tượng trở lại trên bàn chân chúng. Tượng không còn được dán và phụ thuộc vào kiến trúc (như những tượng ở chân trụ của Chartres trong Chương 10). Donatello không chỉ giải phóng cho tượng khỏi các hốc tường, mà còn đập vỡ một điều cấm kỵ khác là mô t David khỏa thân. Tính cách khỏa thân gợi cảm và hồn nhiên của tượng chắc phải xếp loại X vào thời Trung cổ.
Chiếc mũ sắt trận chiến bằng đồng của Goliah, dưới bàn chân David, và chiếc mũ chăn cừu của David đã làm nổi bật chiến công của cậu bé chăn cừu đánh bại gã chiến binh khổng lồ hung hản. Chiếc mũ cài hoa của David còn nguyên trên đầu chàng. Còn mũ sắt của Goliah và thủ cấp y thì nằm trên mặt đất. Một thiếu niên xinh đẹp, dịu dàng (một thi sĩ và ca sĩ) đã khuất phục một tên bắt nạt to xác, vậy mà David không hề thấy hả hê. Chàng nhìn Goliah ngã quỵ không chút tự mãn mà còn như nuối tiếc, tưởng như có thể nhỏ một giọt nước mắt cho kẻ thù.
Với David, Donatello cũng đưa ra một phát biểu chính trị. Milan đang hăm dọa Florence thêm một lần nữa. Bức tượng của ông gợi ý là Florence giống như David, một thành phố của sự tao nhã, của nghệ thuật, và cái đẹp, thì mạnh mẽ hơn bọn công tước thô lỗ, hung hăng của Milan đang hăm he sự yên bình của vùng bắc Ý.
Thời Phục Hưng Hưng Thịnh
Vào thời Trung cổ, con người làm ra đồ vật, nhưng không sáng tạo chúng. Những người trung cổ tin rằng chỉ có Chúa mới có thể sáng tạo. Nhưng khoảng năm 1500, người ta bắt đầu coi các họa sĩ, nhà điêu khắc, và kiến trúc sư cũng là những người sáng tạo. Michelangelo đôi khi được gọi là “thần thánh” trong quãng đời của mình, phản ánh thái độ thay đổi của xã hội. Chỉ như qua một đêm, những người làm nghệ thuật đã tiến hóa từ nghệ nhân ra nghệ sĩ, những thiên tài vô song sáng tạo những tác phẩm kỳ quan có thể cạnh tranh với tự nhiên như Leonardo da Vinci trong Bữa Ăn Chiều Cuối Cùng, Raphael trong Trường Học Athens, và Michelangelo trong bích họa trên mái nhà nguyện Sistine.
Hình như là, trong thời Phục hưng, con người đã vượt qua được bệnh tự ti mặc cảm kéo dài 1000 năm. Trong thời Trung cổ, con người hiểu rõ hoàn cảnh của mình; họ được sinh ra trong đó và không thể thay đổi vận mệnh. Nếu cha bạn là một nông dân, bạn cũng sẽ kẹt cứng là một nông dân. Tất cả điều bạn có thể làm là hy vọng vào một hoàn cảnh tốt đẹp hơn ở kiếp sau. Nhắm lên quá cao trong kiếp sống này là một tội lỗi. Nếu một nghệ sĩ trung cổ tuyên bố là mình đã sáng tạo ra điều gì đó, y chắc chắn bị coi là xâm phạm vào đất của Chúa.
Trong thời Phục hưng, các ông các bà có được lòng tự trọng và học được cách trân trọng cuộc sống trên mặt đất không chỉ là một trạm dừng chân trên đường đến kiếp sau. Các nghệ sĩ bắt đầu vinh danh không chỉ Chúa, mà còn con người.
Trang bị lòng tự tin tột bực, các nghệ sĩ Phục hưng dám làm những điều con người không hề mơ trước kia. Ba người hùng siêu đẳng của thời Phục hưng Hưng thịnh (1495-1520) là Leonardo da Vinci, Michelangelo, và Raphael (bây giờ bạn đã hiểu tại sao ba ninja rùa trong bộ phim Thiếu Niên Ninja Rùa Đột Biến mang tên của họ __ chúng ta đã bàn về tên tuổi của ninja rùa thứ tư, Donatello, ở trước trong chương này). Những thiên tài Phục Hưng Hưng Thịnh phá bỏ những giới hạn trung cổ và nâng cao con người bằng cây cọ, cây viết, và bộ đục đẽo của mình.
Trong Sự Sáng Tạo Adam Michelangelo vẽ Adam hầu như ngang hàng với Chúa. Người sáng tạo và sản phẩm của mình chạm ngón tay với nhau như truyền điện nạp năng lượng sống từ Chúa đến người. Không nghệ sĩ trung cổ nào đã từng mô tả con người trên một bậc cao như thế.
Tương tự, Leonardo nâng cao con người; nổi tiếng nhất là khi ông thử nâng con người đến tầng cao mà các thế hệ trước đã trao cho thiên thần. Ông cho con người đôi cánh __ hoặc cố gắng làm thế. Vào năm 1505, ông thiết kế máy bay, 400 năm trước khi anh em Wright phóng chiếc phi cơ đầu tiên của mình tại Kitty Hawk. Mặc dù thiết kế tinh xảo, máy bay của Leonardo chưa hề bay ra khỏi trang giấy. Nhưng nỗ lực cao cả trao cho con người đôi cánh không chỉ là bản ngã của thời Phục hưng Hưng thịnh __ nó là một phần của tầm nhìn mới của con người như một người đồng sáng tạo, gần như ngang hàng với Chúa.
Raphael nâng cao con người theo một cách trầm tĩnh hơn. Ông mang Gia đình Thần thánh xuống mặt đất, đề cao tính nhân bản của Jesus hơn là tính thần thánh của ông ta. Trong các tác phẩm của ông, Gia đình Thần thánh trông như một gia đình của người thường. Không giống các nghệ sĩ trung cổ, Raphael, Michelangelo, và Leonardo hầu như luôn luôn bỏ đi vầng hào quang quanh đầu.
Leonardo da Vinci: Người Phục hưng độc đáo
Leonardo da Vinci (1452-1519) có một bộ óc kiểu tiệc buffet __ mỗi món đặc sản nào có thể tưởng tượng được đều có mặt trong thực đơn trí tuệ của ông. Ông là người Phục hưng siêu phàm, không chỉ là một họa sĩ và nhà điêu khắc tuyệt vời (mặc dù không có tác phẩm điêu khắc nào của ông còn sống sót), mà còn là nhà giải phẩu, nhà sinh học, nhà thực vật học, kỹ sư, nhà sáng chế, nhà khí tượng học, nhạc sĩ, nhà vật lý, và nhà văn. Ông là người sáng chế ra hàng trăm sản phẩm. Nhưng vì ông viết sụt lùi, không ai hiểu bài viết của ông trong hàng thế kỷ, và những phát hiện của ông hầu hết không được ai chú ý. (Để giải mã bản thảo của ông, bạn cần đọc chúng qua một tấm gương và.dĩ nhiên, phải biết tiếng Ý.)
Kỹ thuật của Leonardo
Các kỹ thuật mà Leonardo sử dụng __bao gồm phép phối cảnh không khí, phép hòa quyện sắc thái mờ, và cách sử dụng màu sắc tối __ khiến các nhân vật và phong cảnh xuất hiện hiện thực hơn. Tính hiện thực này, hơn bất cứ điều gì khác, là điều phân biệt nghệ thuật thời Phục hưng với nghệ thuật thời Trung cổ.
Phối cảnh không khí
Leonardo đặt ra thuật ngữ cho phép phối cảnh dựa trên những nghiên cứu quang học mà ông gọi là phối cảnh không khí. (Những người La Mã cổ đã biết loại phối cảnh này và van Eyck và những họa sĩ Flemish thế kỷ 15 khác đã sử dụng nó theo trực giác.) Như Leonardo đã viết:
Phép phối cảnh không khí dựa trên sự khác biệt của bề dày không khí. Nếu bạn muốn đặt một số tòa nhà sau một bức tường, một số tòa nhà ở xa hơn tòa nhà khác, bạn phải cho rằng không khí giữa các tòa nhà ở xa hơn và mắt bạn thì dày hơn. Nhìn qua một lớp không khí dày như thế bất kỳ vật thể nào cũng trông hơi xanh . . . Nếu một tòa nhà xa hơn bức tường năm lần, nó phải năm lần xanh hơn.
Một trong những bức tranh đầu tiên trong đó Leonardo dùng phép phối cảnh không khí là The Virgin of the Rocks (xem hình trên). Tuyệt tác này mô tả (từ phải sang trái) John the Baptist, Mary, Jesus, và một thiên thần bên trong một hang đá ẩn khuất mở ra một cảnh núi non thần bí và dòng sông trũng xuống. Bạn hầu như có thể cảm nhận được không khí càng lúc càng dày hơn khi mắt bạn lùi ra xa trong bức tranh.
Kỹ thuật sfumato
Trong The Virgin of the Rock , những màu xanh và xám nhạt tái như sương mù phủ lên phong cảnh là hiệu ứng đặc biệt của thời Phục hưng gọi là sfumato, có nghĩa là “sương khói” trong tiếng Ý. Leonardo đã sáng chế ra kỹ thuật sfumato để ông có thể nắm bắt sự thay đổi không khí tinh tế bằng cây cọ của mình và xoa trộn đường viền các hình thể tan vào môi trường. Bây giờ thay vì có vẽ chồng lên hậu cảnh như tranh cắt dán của trẻ con, các hình thể trông như thuộc về nơi đó.
Sfumato không phụ thuộc vào khoảng cách như phối cảnh không khí, trong đó núi xa có vẻ xanh. Thật ra “màu” của sfumato là màu xám khói hơn là xanh. Sử dụng sfumato, Leonardo làm mờ nhòe những đường rìa của những vật thể ở cạnh nhau vừa đủ để chúng hình như là một phần của cùng lớp không khí.
Chiaroscuro
Leonardo cũng sử dụng chiaroscuro, một kỹ thuật vẽ được người Hy Lạp cổ sáng tạo, nhưng hầu như bị quên lãng sau khi La Mã Cổ thất thủ vào A.D. 476 cho đến khi nó được giới thiệu lại trong tranh của Masaccio vào đầu thế kỷ 15. Chiaroscuro có nghĩa là “sáng-tối” trong tiếng Ý. Sự chuyển dịch từ sáng đến tối trong hình người được vẽ bằng kỹ thuật này cho da thịt một dáng vẻ 3-D. Chú ý cách thức bóng tối và ánh sáng trong gương mặt của Mary trong The Virgin of the Rocks tạo chiều sâu cho những đặc điểm làm nổi bật những đường bao của chúng.
Hiệu ứng ba kích thước quá nổi bật này trong tác phẩm của Leonardo rất khác với tác phẩm của những người đi trước, như Botticelli. Gương mặt Botticelli dù đẹp như thế cũng trông dẹt so với gương mặt của Leonardo. Những nghệ sĩ về sau như Caravaggio (xem Chương 14) và Rembrandt (xem Chương 14), dùng kỹ thuật chiaroscuro còn đậm tính bi kịch hơn Leonardo.
Những tác phẩm vĩ đại nhất của Leonardo
Trong các đoạn sau, tôi sẽ nhìn rõ hơn về hai tác phẩm lừng danh nhất của ông: Mona Lisa và Bữa Ăn Tối Cuối Cùng.
Đằng sau nụ cười của Nàng Lisa
Mona Lisa của Leonardo da Vinci (xem Hình 11-4) là bức họa nổi tiếng nhất thế giới. Người mẫu của Mona Lisa là Lisa Gherardinidel Giocondo, nên bức tranh cũng có tên là La Gioconda, có nghĩa là “Người Mĩm Cười.”
Một số người cho rằng lý do mà bức tranh nổi tiếng là ở chỗ đôi mắt của nàng luôn đi theo người xem; những người khác thì nghĩ là do nụ cười kiềm chế đó đã làm say đắm lòng người. Mặc dù được vẽ cách đây 500 năm, Mona Lisa hình như biết rõ những khán giả của mình. Đôi mắt ấy và nụ cười ấy mê hoặc và gây bối rối vì chúng gợi ý rằng nàng nhìn thấy xuyên qua sự che đậy của con người, bắt buộc họ phải tự bóc trần vẻ ngụy trang của chính mình. Mona Lisa là một loại gương tâm lý. Bạn ngắm nhìn càng lâu, bạn càng nhìn rõ chính mình __ qua đôi mắt của nàng. Nàng là biểu tượng hoàn hảo của thời Phục hưng: một tấm gương cho đàn ông và phụ nữ học cách hiểu được chính mình.
Hình 11-4
Giải mã Bữa Ăn Tối Cuối Cùng
Mặc dù bị hư hỏng nặng, Bữa Ăn Tối Cuối Cùng vẫn còn là một trong những tuyệt tác vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật vì nhiều lý do, về lịch sử cũng như về kỹ thuật. Chắc một điều, bức họa là một quang phổ của cảm xúc con người __ một bức họa thuộc loại này __ được nắm bắt trong khoảnh khắc đầy cảm xúc nhất. Những bức họa trước đây của chủ đề này tập trung vào việc Jesus bẻ nhỏ bánh mì và nói, ”Đây là thân thể ta. Hãy ăn bánh để nhớ đến ta.” Các tông đồ và Jesus cùng chia sẻ một tâm trạng nặng nề trong bữa ăn. Leonardo chọn cách tập trung vào một khoảnh khắc kịch tính hơn: Jesus kể cho những tông đồ gần ông nhất là một người trong số họ sẽ phản bội ông. Ngay lập tức các tông đồ sôi động hẳn lên, và Leonardo nắm bắt phản ứng của từng người một. Và mặc dù có sự hỗn loạn, bức họa rất trật tự và cân bằng một cách tinh tế, như tất cả các tuyệt phẩm của thời Phục hưng. Nỗi cô độc lặng lẽ của Jesus, tương phản với sự náo động của các tông đồ đang hoang mang, giúp cho bức tranh một cảm nhận trật tự.
Leonardo vẽ Bữa Ăn Tối Cuối Cùng trong một phòng ăn của tu viện Santa Maria ở Milan, Ý. Chiếc bàn tại đó Jesus và các tông đồ ngồi rất giống với những chiếc bàn trong phòng ăn của thầy tu. Cửa sổ trong tranh sao chép cửa sổ thật trong phòng ăn, và bức tường được chiếu sáng có vẻ như được chiếu sáng từ các cửa sổ thực của gian phòng, góp thêm tính hiện thực thời Phục hưng vào bích họa. Bằng việc làm nầy, Leonardo dịch chuyển bữa ăn tối thuở xa xưa vào thời hiện tại. Bữa Ăn Tối cứ như sẽ xảy ra mỗi lần các thầy tu ngồi vào bàn ăn chiều.
Các nghệ sĩ thời trước cô lập Judas bằng cách cho ông ta ngồi một mình ở một phía bàn __ như thể ông đã bị trừng phạt. Leonardo lại cho ông ngồi theo kiểu thời Phục hưng Hưng thịnh __ nói khác đi, ngồi tự nhiên như những người khác, được sắp xếp theo bốn nhóm, mỗi nhóm ba người quanh Jesus. (Ba được coi là con số thần bí __ chẳng hạn Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần.) Các tông đồ khác __ trừ ra người ngồi bên phải của Jesus __ tranh luận về lời tiết lộ của Jesus: “Một người trong các ngươi sẽ phản bội ta.” Bóng tối của bức tranh rơi trên người có tội. Sự im lặng của Judas và cái túi tiền mà y bấu chặc đã tố cáo y. Một lần nữa, chủ nghĩa tự nhiên chứ không phải chủ nghĩa biểu tượng nặng nề mà các nghệ sĩ trung cổ sử dụng đã phát đi thông điệp: Người này có tội.
Khi Leonardo sử dụng tính biểu tượng, ông sử dụng các yếu tố tự nhiên của cảnh vật. Thay vì vẽ một vầng hào quang quanh đầu Jesus, như các nghệ sĩ trung cổ thường làm, Leonardo vẽ một cảnh chiều tà và bầu trời sáng rực ở ngay sau đầu Jesus, tạo thành một vầng sáng tự nhiên quanh ông. Nhưng bầu trời của ông còn có tác dụng nhiều hơn là chỉ nhằm thay thế vầng hào quang. Mặt trời lặn báo trước cái chết gần kề của Jesus, và bầu trời u ám gợi lên tâm trạng của ông: buồn nhưng an tịnh.
Trong Bữa Ăn Tối, Leonardo sử dụng phép phối cảnh một-điểm theo một cách tương tự. Đó không chỉ là một kỹ thuật __ nó còn gợi lên ý nghĩa và sự trôi qua của thời gian theo một cách tự nhiên. Christ là trung tâm của chú ý vì vị trí, tư thế, và sự im lặng của ông, và bởi vì cửa sổ chính giữa và cung vòm trên bức tường phía sau tập trung ánh sáng của bức tranh lên người ông. Nhưng, ngạc nhiên làm sao, những đường thằng trong bức tranh không hội tụ ở ông. Điểm biến ở phía sau ông, ám chỉ rằng Jesus sắp sửa “biến mất”. Tất cả đường thẳng trong bức tranh, từ những đường trên trần, trên tường, và trên cạnh bàn, đều chỉ đến nơi Jesus sẽ đi. Điểm biến gợi ý tương lai, bước tiếp theo, đưa người xem ra khỏi bức tranh đến một thế giới khác mà họ không thể nhìn thấy. Cảnh tượng cho ta một cảm xúc lay động chứ không tĩnh như Bữa Ăn Tối Cuối Cùng của Castagno.
Leonardo có mã hóa tranh mình không?
Judas và Jesus không chỉ là những người im lặng duy nhất trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Thánh tông đồ ngồi sát bên phải Jesus cũng câm lặng. Thường thì người đệ tử này được nhận diện là Thánh John trẻ tuổi Người Viết Phúc Âm phần Khải Thị. Trong tác phẩm bán chạy nhất của mình Mật Mã Da Vinci, Dan Brown cho rằng người này là Mary Magdalene, nữ đệ tử ruột của Jesus. Tông đồ đúng là có dáng vẻ một phụ nữ hay một thanh niên ẻo lã. (Trong hội họa Thánh John trẻ tuổi thường được mô tả là một thanh niên xinh đẹp.)
Nhiều người gạt phăng cách giải thích này của Dan Brown vì những lý do tôn giáo. Nhưng Leonardo hiển nhiên là có chủ ý làm nổi bật vị tông đồ này so với những vị còn lại. Trong những bức tranh Bữa Ăn Tối Cuối Cùng khác, John còn dựa vào người Jesus hay ngủ trên vai ông. Trong phiên bản của Leonardo, vị tông đồ nghiêng người khỏi Jesus và định mệnh của ông ta. Ngoài ra, vị tông đồ này ăn mặc giống Jesus nhưng ngược lại. Trong khi Jesus mặc bên trong bộ đồ màu xanh và bên ngoài áo khoác màu đỏ, thì nhân vật này mặc bên trong đỏ và áo khoác ngoài xanh. Và như Dan Brown đã chỉ ra, hai người này tạo thành hình chữ V, mà Brown nói là biểu tượng của nữ tính (còn phải nói). Khi một nghệ sĩ lớn dùng phép ẩn dụ và những ý nghĩa nước đôi trong tất cả họa phẩm của mình, có thể là Leonardo chủ ý bao gồm nhân vật lưỡng tính này: Vị tông đồ lặng lẽ này là John ẻo lã hay là Mary Magdalene tan nát cõi lòng? Hay cả hai?
Nếu bạn so sánh nhân vật này với các phụ nữ khác của Leonardo, rõ ràng gương mặt này tương tự với họ, nhất là Mary trong The Virgin of the Rocks và The Annunciation (Lễ Truyền Tin). Trong cả hai bức họa Đức mẹ này, Mary nghiêng một bên trong một dáng điệu dịu dàng đầy nữ tính, tương tự như vị tông đồ trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Nếu bạn chồng gương mặt của vị tông đồ lặng lẽ này với gương mặt của Mary trong The Virgin of The Rocks, sự tương tự rất là ấn tượng. Họ có cùng vầng trán tròn; cùng xương gò má và cằm; cùng ánh mắt hiền từ, nhìn xuống; cùng đường chân mày; đường rẻ ngôi trên mái tóc; và chiếc cổ duyên dáng (không giống chút nào với cổ các vị tông đồ khác). Như thể cùng một người ngồi làm mẫu cho hai bức tranh __một phụ nữ. Dù sao đi nữa, nhiều họa sĩ thời Phục hưng, trong đó có Leonardo, đôi khi vẽ các thánh nam có đặc điểm của nữ tính. Xét theo quan điểm tôn giáo thời đó, vẽ Mary trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng sẽ được coi là dị giáo. Nếu Leonardo vẽ theo mã hóa, như Brown đề nghị, ông chắc chắn phải ngụy trang bà, vì tội dị giáo phải bị thiêu sống. Và có ai để ngụy trang bà ta tốt hơn là gương mặt ẻo lã của John? Nhân vật Mary Magdalene thực sự có thể cũng đã dự bữa ăn tối cuối cùng lịch sử này, thế tại sao không gợi ý đến sự có mặt của bà? Bức họa không cần bà cũng đã đủ phong phú rồi. Vị tông đồ có phải là một phụ nữ, một nủa kia của Jesus không? Mary chắc chắn ít nhất là một hiện diện được gợi ý trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, nếu không muốn nói là khách của bữa ăn. Nhớ: Nghệ thuật là việc gợi ý, không phải là những câu trả lời. Khi bạn có được câu trả lời, và nếu bạn như phần đông người khác, bạn có khuynh hướng ngừng xem. Với nghệ thuật lớn, bạn không bao giờ ngừng xem.
Michelangelo: Người chủ yếu
Trong khi Leonardo da Vinci tạo ra những họa phẫm trí tuệ, cảm xúc, vẽ ra để được nhìn ngắm trong phòng tranh, thì Michelangelo (1475-1564) sản sinh ra thứ nghệ thuật anh hùng, gân guốc để phủ lấy những vòm trần, tường nhà thờ, và những khoảng không gian công cộng rộng lớn. Các điêu khắc và họa phẩm của ông ngùn ngụt năng lượng và sức mạnh cảm xúc tinh khôi. Ngay cả các phụ nữ của ông cũng vai u thịt bắp.
Kỹ thuật và phong cách của Michelangelo
Trong khi vẽ Trần Nhà Nguyện Sistine, Michelangelo dùng kỹ thuật buon fresco, có niên đại khoảng 1500 B. C. Một trong những buon fresco sớm nhất là Toreador trên đảo Crete (xem Chương 7). Trong buon fresco, họa sĩ vẽ trên một mặt tường vôi ẫm mà không cần dùng chất keo để làm sơn dính. Tường vôi hút phẩm màu rồi khô lại trong vòng 10 đến 12 giờ. Sau khi tường khô, sơn đã định hình và không thay đổi nữa. Do đó Michelangelo phải vẽ nhanh chóng và biết trước chính xác những gì mình phải vẽ cho xong ngày hôm đó. Cách duy nhất để sửa lỗi là cạo đi lớp vôi sau khi nó khô.
Nhiều bức tượng của Michelangelo hình như đang chiến đấu gay go với chính mình. Đầu óc chúng kéo một đằng, thân xác chúng kéo một nẽo. Một phần là do Michelangelo chịu ảnh hưởng của Lorenzo de Medici (ông sống trong nhà ông ấy một quãng thời trẻ và trong thời kỳ học việc) và nhà truyền bá phúc âm sôi nổi Girolamo Savonarola, mà ông kết bạn từ trẻ. Michelangelo yêu thích diễn tả những lực đối kháng trong nghệ thuật của mình: tinh thần và xác thịt, ngày và đêm, tự do và nô lệ, bình yên và bạo lực. Trong điện học, những điện tích trái chiều gây ra dòng điện. Trong điêu khắc của Michelangelo, sức căng giữa các lực đối kháng truyền vào bức tượng một sức mạnh tinh thần.
Những tác phẩm vĩ đại nhất của Michelangelo
Trong những phần sau, tôi bàn về ba tác phẩm được ca ngợi nhất của Michelangelo: Pieta, David, và Trần Nhà Nguyện Sistine.
Pieta
Michelangelo sử dụng sự căng thẳng trong tuyệt phẩm sớm sủa của ông, Pieta, khởi công khi ông chỉ vừa 23 tuổi. Trong tượng Pietà, các cơ của Christ sau khi ông chết vẫn còn cho thấy sự căng thẳng qua nổi thống khổ vừa trải qua trên thập giá, vậy mà gương mặt vẫn toát ra một sự bình yên hoàn hảo và sáng lên dưới ánh sáng phi phàm. Michelangelo mài bóng các đặc điểm bằng đá của Christ để chúng phản chiếu ánh sáng như thể tỏa ra từ bên trong, gợi ý đến sự siêu việt của cái chết của ngài. Mối liên hệ giữa Mary và Jesus trong Pietà cũng đầy căng thẳng. Mary ôm Christ đã chết trong lòng như thể ngài còn là chúa hài đồng. Lòng của bà trở thành một nấm mồ; cái chết và sự sống hòa quyện làm một trong vòng tay bà. Pietà của Michelangelo là cuộc hôn phối giữa nổi đau trần thế với vẻ đẹp ở trên trời, sự tương phản giữa chúng khiến mỗi trạng thái tinh thần mãnh liệt hơn, phấn khích hơn.
David
Sự căng thẳng trong David (xem Hình 11-5) cũng mạnh mẽ như trong Pietà. David trông điềm tĩnh và tự tin, nhưng căng thẳng và đang trong tư thế hành động như một dây cung đang căng. Bạn có thể nhìn thấy cuộc quyết đấu đang đến gần trong mắt chàng. Chàng toát ra một vẻ uyển chuyển và hài hòa thể chất của một pho tượng Hy Lạp (xem Doryphoros trong Chương 7), nhưng sự căng thẳng cảm xúc và tự tin mạnh mẽ của một con người thời Phục hưng.
Từ một quan điểm lịch sử, David được xem là một biểu tượng của Florence, nhỏ con nhưng gan lỳ. Chàng là một cảnh báo đối với bất kỳ gã Goliah ta đây nào (như La Mã và Milan) có dã tâm muốn chinh phục Florence.
Hình 11-5
Trần nhà nguyện Sistine
Vẽ Trần Nhà Nguyện Sistine là công việc đau lưng kéo dài bốn năm mà bản thân Michelangelo không muốn đảm nhận. Nhưng không thể thoái thác với Julius II, giáo hoàng nôn nóng ủy thác cho ông. Trong một bài thơ viết trong thời gian đó, Michelangelo phàn nàn về công việc của mình : “Chỗ thắt lưng của tôi như đã đi xuống ruột. Để chống đỡ tôi ngếch mông như một con ngựa .. . Và cong lưng như một cây cung Syria…” Nỗ lực phi thường của Michelangelo trong việc vẽ trên trần nhà cao 68 bộ (23 mét) một bức tranh bằng kích thước sân bóng rỗ là một minh họa nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật về một họa sĩ chịu hành xác cho nghệ thuật của mình.
Tranh trên trần kể lại Sáng Thế Ký và những câu chuyện khác trong Cựu Ước. Chuyện kể thị giác bắt đầu bằng cảnh Chúa tách ánh sáng khỏi bóng tối ở phía trên bệ thờ và kết thúc với câu chuyện Noah say sưa phía trên cổng ra vào. Sự sáng tạo ra Eve được kể ở giữa trần.
Trong panô nổi tiếng nhất, Sự Sáng Tạo Ra Adam (xem Hình 11-6),
Michelangelo nắm bắt giây phút đầu tiên của ý thức con người bằng nét cọ của mình. Adam mang thân xác một người trưởng thành, nhưng gương mặt của ông biểu lộ sự ngạc nhiên như trẻ con khi nhìn Chúa bằng đôi mắt vừa được tạo ra. Thân thể và tư thế cũng gợi ý sự ngây thơ của một sinh vật mới toanh. Adam trông tươi tắn, bình yên và thỏa mãn như một trẻ sơ sinh khi lần đầu tiên chạm mắt mẹ mình. Theo trào lưu Phục hưng điển hình, sự nhấn mạnh ở đây là vào con người, vào phản ứng của Adam khi được sáng tạo ra, nhiều hơn vào Chúa __ cho dù trong câu chuyện kinh thánh truyền thống này.
Hình 11-6
Raphael: Ông hoàng của các họa sĩ
Nghệ thuật Phục hưng thường được biết qua tính duyên dáng, cân bằng, và hài hòa của nó. Không họa sĩ nào có đầy đủ phẩm chất này hơn Raphael (1483-1520). Rủi thay, sau khi cho ra đời một loạt các tuyệt tác, ông chết ở tuổi 37.
Bạn có thể nghĩ về Raphael như một đứa con tinh thần của Leonardo lẫn Michelangelo. Ông học hỏi từ cả hai bậc thầy này, và rồi sáng tạo theo phong cách riêng của mình. Ông vay mượn sự dịu dàng từ các họa phẩm của Leonardovà năng lượng cơ bắp của Michelangelo. Trong những năm sống ở Florence, ông vẽ nên những tranh về Đức Mẹ có tính mẹ nhất của mọi thời. Nhiều tranh ấy xuất hiện trên những con tem kỹ niệm ngày lễ và thiệp Giáng sinh ngày nay. Các thiên thần của Raphael cũng phổ biến không kém__ chúng thật sự là biểu tượng của Ngày Lễ Tình Nhân. Tranh Đức Mẹ và Hài Đồng thường lấy căn bản hình tháp và bao gồm luôn John Người Rửa Tội. Chúng luôn luôn cân bằng một cách hoàn hảo, nhằm minh họa trật tự Phục hưng lý tưởng và sự hài hòa nhân bản hoàn hảo trong mối liên hệ (loại liên hệ tất cả chúng ta đều ao ước!), như bạn có thể thấy trong Đức Mẹ với Chim Sẻ Cánh Vàng (xem hình dưới).
Kỹ thuật của Raphael
Raphael được mệnh danh là họa sĩ của các họa sĩ. Ông là lý tưởng cho các họa sĩ khác noi theo trong gần 400 năm.
Điều gì quá đặc biệt về Raphael? Một trong các điều ấy là ông thiết kế tranh mình trên một mạng lưới hình học, nhờ thế các tỷ lệ và khoảng cách giữa các nhân vật sẽ trông cân đối và hoàn hảo như một khối lập phương hay một tam giác. Chẳng hạn, ông thường thiết kế các bức tranh Gia đình Thần thánh của
mình trên một cấu trúc hình chóp. Dù vậy tranh ông vẫn không có vẻ là một bài toán hình __ chúng hình như hoàn toàn tự nhiên.
Raphael thống nhất tính hài hòa hoàn hảo của nghệ thuật cổ điển (trong đó cá tỷ lệ được cân bằng như một cán cân nằm ngang __ xem Chương 7) với chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa lý tưởng. Nói chủ nghĩa lý tưởng, tôi có ý nói là các tranh ông mang bạn đến một nơi có sự bình yên và tươi đẹp hoàn hảo.
Tác phẩm vĩ đại nhất của Raphael
Tác phẩm vĩ đại nhất của Raphael là Trường Học ở Athens (xem Hình 11-7), một bích họa trong Stanza della Segnatura của Vatican. Bức tường của Stanza không trống trơn khi Giáo hoàng Julius II ra lệnh cho Raphael vẽ lên đó __ chúng đã được các họa sĩ lớn trang trí bằng các bích họa, trong đó có cả thầy ông là Pietro Perugino và bạn ông Il Sodoma. Giáo hoàng lệnh cho Raphael quét vôi phủ lên tác phẩm của họ rồi mới vẽ đè lên.
Trường Học Athens thực sự là hai trường: trường Athens cũ và trường Florence mới. Nhiều nhân vật của trường cũ __ trong đó có Plato, Euclid, và Heraclitus __ được biểu diễn bằng các nghệ sĩ của trường mới. Plato có gương mặt của Leonardo da Vinci. Donato Bramante, kiến trúc sư giới thiệu cho Raphael vào làm tại Vatican, đại diện cho Euclid đang nghiên cứu một hình vẽ.
Hình 12-7
Chủ ý của Raphael là gợi ý cho rằng Florence là ngôi nhà tái sinh văn hóa và học thuật Hy Lạp. Bảy mươi năm sau, Cosimo de Medici đã tập họp các nhà tư tưởng và nghệ sĩ Florence vào trong một học viện dựa theo ngôi trường cổ của Plato.
Nhưng nếu đúng là vậy thì Michelangelo ở đâu? Raphael bổ sung ông ta sau này, hoặc đã nghĩ lại hoặc bởi vì ông đã lén nhìn bậc thầy khó gần gũi trong thời gian ông ta vẽ bích họa Trần Nhà Nguyện Sistine ở ngay cửa sau. Raphael lấy gương mặt của Michelangelo để vẽ Heraclitus trầm ngâm một mình ở tiền cảnh, nhà triết học Hy Lạp thích sự trái ngược.
Raphael còn vẽ chân dung mình là một sinh viên ở góc phải dưới của bức tranh. Chú ý là Raphael là người duy nhất của Trường Học Athens biết đến thế giới bên ngoài trường. Ông nhìn thẳng vào người xem, có lẽ mời mọc người xem bước vào. Để đền bù vì đã quét vôi lên tác phẩm của bạn mình, ông đặt bạn Il Sodoma cạnh ông trong vai một bạn đồng học tại Trường Học Athens.
Trường Học Athens là một tuyệt tác về phối cảnh, bố cục, và cân bằng. Sự cân bằng không gian, một sự kiện dễ nhìn thấy, gợi ý những loại cân bằng khác. Raphael chia bức tranh thành hai phân nửa: Những nhà lý tưởng kiểu Platon ở bên trái; những nhà thực tế kiểu Aristotle ở bên phải. Platon (trái) và Aristotle (phải) đứng cạnh nhau ở tiêu điểm dưới cung vòm cuối cùng. Plato, nhà lý tưởng, chỉ lên trời; Aristotle, nhà hiện thực, chỉ ra trước và hướng xuống thế giới vật chất. Raphael đặt hai trường phái triêt học đối nghịch này dưới cùng một mái nhà sao cho họ có thể cân bằng nhau. Trước mặt các nhà triết học đấu khẩu nhau, Heraclitus (Michelangelo) trầm tư về sự hòa hợp của những mặt đối lập.
Triết học và khoa học phương Tây không phải là chương trình học duy nhất của Trường Học Athens. Một lượng triết học phương Đông, đại diện là nhà thần học Ba Tư vĩ đại Zoroaster (người đương thời với Heraclitus) và nhà Ả rập lỗi lạc thế kỷ 12 là Averroes, mang thêm sự cân bằng cho ngôi trường. (Những bản dịch của Averroes các tác phẩm của Aristotle giúp làm sống lại triết lý của Aristotle ở phương Tây.
Các cung vòm lồng trong các cung vòm đóng khung ngôi trường nhưng không đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Thay vào đó nó mở rộng cửa, cho phép kiến thức hít thở và lan truyền vào vũ trụ vượt qua khỏi các bức tường trường học.