Jason Ho
I. LIÊN MINH HANSEATIC — THỐNG TRỊ THƯƠNG HẢI VÙNG BALTIC
Biển Baltic là một khu vực lịch sử quan trọng trong việc giao thương thông qua đường hàng hải. Với vị trí địa lý đặc biệt của nó, là điểm kết nối giữa các cường quốc và các trung tâm thương mại khác, luôn là tâm điểm cho các thương nhân và các đoàn lữ hành vùng Bắc Âu. Nhưng một tuyến đường quan trọng như vậy thường là miếng mồi ngon cho các phe phái quyền lực đối đầu nhau để dành quyền thống trị. Và một lực lượng nổi bật lên trong số đó chính là Liên Minh Hanseatic.
Là một liên minh các hội nhóm thương gia hùng mạnh và giàu có nổi lên nhanh chóng, Liên Minh Hanseatic đã chứng tỏ cho người ta thấy được làm thế nào mà một mạng lưới các thương thành hoạt động đúng đắn gây lợi cho mọi người về lâu dài, tạo ra của cải mà không vấp phải sự phản đối nào. Liên minh các thương gia này được thành lập vào thời Trung Cổ, tồn tại qua 3 thế kỷ, thống trị các chuyến giao thương hàng hải khu vực Bắc Âu và tạo nên một mạng lưới rộng khắp mang lại sự thạnh vượng cho khu vực. Hôm nay chúng ta sẽ đi sâu vào khu vực này để tìm hiểu về một trong các liên minh thương gia lớn nhất từng tồn tại.
THÀNH LẬP LIÊN MINH HANSEATIC
Khu vực các bờ biển Baltic và Bắc Âu là một khu vực quan trọng để giao thương. Từ những ghi chú sớm nhất trong các cuốn biên niên sử, vùng Baltic nổi tiếng bởi các trung tâm thương mại giàu có và kết nối với vô số các bộ tộc và sắc dân, mà luôn có một thứ hàng hóa đặc sắc khác nhau để trao đổi.
Trong suốt thời Trung Cổ, các khu vực ven bờ Biển Baltic là nơi tọa lạc các thành thị của người Slav, trong khi về phía Đông Bắc là nơi định cư của các bộ tộc vùng Baltic như người Curonian, người Samogitian, người Yotvingian, và người Phổ.
Liên minh các bộ tộc Obodrite người Slav hùng mạnh và các bộ tộc người Pomeranian khác thống trị khu vực là miền Trung-Bắc nước Đức ngày nay và ho đã xây dựng nhiều trung tâm thành thị tại đây. Hơn nữa, người Viking sở hữu nhiều trung tâm thương mại lớn, như thành Birka, Hedeby, và Visby. Nhưng khi các bộ tộc người Slav bị xóa sổ phần lớn thông qua các cuộc thánh chiến hay xung đột bạo lực, các thành thị của họ bị sát nhập vào xứ German. Một vài thành thị trong số đó sau này đóng vai trò quan trọng nhất cho nước Đức thời Trung Cổ, cũng như gây ảnh hưởng tới Liên Minh Hanseatic. Một vài thành thị từng thuộc về người Slav có thể kể tới như Stralsund (từ tiếng Slav “strela” nghĩa là “mũi tên”), Rostock (rastoka, nhánh sông), Wismar (Wyszemir), và tối quan trọng nhất là thành Lübeck (Liubice, xinh đẹp).
Lübeck luôn là trung tâm của việc giao thương toàn vùng Baltic. Thành này trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất khu vực. Nhiêu bộ tộc và sắc dân tụ họp tại đây, với một khối lượng lớn đổ về đây rồi tỏa ra các thương thành xung quanh. Người Scandinavia là những người tiên phong trong việc giao thương. Thành Visby, nằm trên đảo Gotland, là một trung tâm thương mại lớn, và từ đây các thủy thủ xuôi dòng dọc hệ thống sông ngòi trong lục địa Baltic cho tới tận Novgorod. Nhưng chính thành Lübeck sẽ trở thành trái tim của thế giới Hanseatic khi thương mại hàng hải mang lại những thay đổi quan trọng cho khu vực. Nhiều học giả cho rằng Liên Minh Hanseatic được thành lập sớm nhất là vào khoảng năm 1159. Đó là năm thành Lübeck được củng cố và tái xây dựng sau khi bị chiếm đóng bởi Henry Hùng Sư, Công tước xứ Saxony và Bavaria.
Ngay cả trước đó, Lübeck là một thành phố cảng vùng Baltic tại một vị trí quan trọng mang tầm chiến lược. Người Slav xây dựng nên thành này vào năm 700 Công Nguyên, và nó vẫn trụ vững cho tới tận năm 1128, khi nó bị san bằng bởi một bộ tộc Slav khác. Sau đó nó được tái xây dựng lại bởi người German. Vào khoảng năm 1200, tầm quan trọng của thành phố cảng này được thể hiện ở vị trí nằm giữa Bắc Hải, Bán đảo Scandinavia và vùng Baltic.
Với tầm quan trọng này, các trung tâm thương mại khác của người German cũng ngày càng ăn nên làm ra. Khi Lübeck trở thành điểm tụ hội của vô số các thương gia từ khắp Đông, Tây, và Bắc, các hội thương nhân dần xuất hiện. Các bang hội này, tiếng German gọi là “hansa”, giao thương với thành thị hải ngoại và hỗ trợ lẫn nhau. Các bang hội này nổi lên tại các thành thị liên quan đến thương mại vùng Baltic. Vào lúc đó, mỗi thành thị liên quan tới Liên Minh Hanseatic đều có một đội quân riêng. Nhưng quan trọng nhất là các thành thị này luôn hỗ trợ lẫn nhau, loại bỏ cạnh tranh và tạo thành một liên minh các thương thành.
QUYỀN TỰ TRỊ VÀ QUYỀN LỰC
Các thành thị thuộc vành đai thương mại Baltic mang lại vô số thay đổi về kinh tế và thương mại hàng hải trong thời đại này. Nhiều thành phố và các tổ chức đại diện, được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, cố gắng miễn trừ các hạn chế thương mại cho các thương gia Hanseatic. Hamburg — một trong những thành phố quan trọng nhất của Liên Minh Hanseatic mới nổi — đã dành được vị thế của một “thành thị tự do thuộc Hoàng gia” vào năm 1189.
Một “thành thị tự do thuộc Hoàng gia” tương tự cho một chứng chỉ quyền tự trị so với thành thị khac trong Đế chế La Mã Thần Thánh. Lübeck cũng nhanh chóng nối gót Hamburg sau đó, đạt được danh hiệu này vào năm 1226. Một khía cạnh quan trọng cho tương lai của cả hai thành thị này là Hamburg và Lübeck xây dựng liên minh vào năm 1241. Mỗi thành thị đều nắm giữ một vị thế đặc biệt trong mạng lưới thương mại: Hamburg kiểm soát giao thương muối, còn Lübeck kiểm soát các khu vực đánh bắt thủy hải sản. Cùng nhau, cả hai thành thị này giữ vị thế độc quyền các loại hải sản ướp muối khô trong mạng lưới thương mại, một trong những sản phẩm độc đáo được mua bán nhiều ở vùng Baltic.
Khi một thành thị hùng mạnh khác, Cologne, gia nhập Liên Minh Hanseatic, liên minh này phát triển với tốc độ chóng mặt và tiến tới thống trị toàn bộ mạng lưới giao thương. Vua Henry III nước Anh trao cho các thành thị thuộc Liên Minh Hanseatic quyền tự do trao đổi hàng hóa ở Anh, với mục đích hưởng lợi và ảnh hưởng của họ.
Giao thương ở thời điểm này không được an toàn lắm, do nạn cướp biển và các cuộc đột kích thường xuyên, và các thương nhân cần bảo đảm an toàn cho hệ thống hàng hóa của họ. Và khi các thành thị lớn khác gia nhập, liên minh này tiếp tục phát triển thạnh vượng. Một trong số đó là hội thương gia Visby, một đối thủ cũ của thành Lübeck. Các mạng lưới thương mại mở rộng tới phía Đông, tới tận thành Veliky Novgorod của Công Quốc Kiev Rus’.
CHỐNG TRỊ CÁC “HANSA”
Liên Minh Hanseatic phát triển bền vững vài thập niên tiếp theo. Các thành thị thuộc liên minh hay các “hansa” (thương hội) vào khoảng từ 70 tới 170 thành viên. Trên hết, Liên Minh Hanseatic đã thành lập một số trung tâm giao dịch quan trọng, phát triển thành các khu vực cần thiết cho hệ thống giao dịch bên ngoài mạng lưới thương mại thông thường của họ. Các trung tâm giao dịch này được gọi là “kontor”, và nằm ở Bruges (Flanders), London, Bergen (Na Uy), cũng như nhiều kho hàng dọc theo các bờ biển nước Anh.
Một số hàng hóa độc đáo chủ yếu trong mạng lưới Liên Minh Hanseatic tới từ đủ khắp nơi ở Bắc Âu. Có thể kể tới như muối từ Lüneburg, vải vóc từ Flanders, vải linen và thời trang quý tộc từ Anh, sáp, dầu hắc, gỗ, da thú, lông thú, da thuộc từ Nga, các loại ngũ cốc từ Phổ và Livonia, đồ thủy tinh từ Thụy Điển, cá ướp, cá trích và bia từ vùng Baltic, rượu vang từ Rhineland, và nhiều hàng hóa từ nhiều vùng khác nữa.
Vì hầu hết các thành thị thương mại tập trung ở Đức vào thời kỳ đó, thành công trong giao thương của nó có ảnh hưởng đáng kể đến quốc gia này. Mạng lưới tiếp cận rộng rãi đã mang các sắc dân, công nghệ và hàng hóa mới tới Đức, thúc đẩy sự phát triển và cải tiến các ngành công nghiệp. Và vì phần lớn hoạt động buôn bán thông qua đường biển, nên điều đó có nghĩa là các thời trang thịnh hành, đặc biệt là ở thời Phục Hưng, tìm đường tới Đức nhanh hơn nhiều.
Tất nhiên là, các hoạt động thương mại của Liên Minh Hanseatic là thương mại hàng hải nên các thương hội rất chú trọng vào các loại tàu thuyền hoạt động hiệu quả. Điều này dẫn tới nhiều phát minh tiến bộ trong ngành công nghiệp đóng tàu, để tạo ra nhiều loại tàu thuyền lớn chuyên chở nhiều hàng hóa hơn. Trước khi những tiến bộ này được đưa vào sử dụng, các thương hội hầu hết được trang bị tàu thuyền kiểu Frisian: một cột buồm, đóng bằng gỗ sồi đặc trưng của vùng Baltic từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 12. Loại lớn nhất trong số này có tải trọng khoảng 90 tấn.
Thời gian trôi qua, với nhu cầu tăng cao, Liên Minh Hanseatic phát triển thiết kế các loại thuyền lớn hơn gọi là “Hanseatic cog”. Loại đơn giản nhất trong số này được thiết kế có một cột buồm lớn, nhưng có thêm phần boong nhỏ ở mũi và đuôi tàu. Loại thương thuyền lớn nhất có tới 3 cột buồm, chịu được tải trọng 200 tấn, một con số lớn vào thời kỳ đó. Loại thuyền này chủ yếu chạy nhờ sức gió, nhưng phần lớn ít tốn kém để đóng. Điều thú vị là “Hanseatic cog” đã mang lại một số thay đổi trong việc đóng tàu có ảnh hưởng đến tất cả các thiết kế của tương lai. Một trong số đó là việc bổ sung thêm các phần boong ở phía trước và phía sau, một thiết kế bổ sung được nhập khẩu từ Anh. Đây là những bệ nâng phòng thủ, được sử dụng để bảo vệ con tàu nếu cần. Theo thời gian, boong phía đuôi tàu được bao bọc hoàn toàn, điều này tạo ra thêm một cabin đặc biệt ở phía sau, dành cho thuyền trưởng, nơi sẽ trở thành một phần quan trọng của các loại tàu thuyền được xây dựng vào các thế kỷ sau.
LIÊN MINH HANSEATIC Ở ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC
Với việc cải tiến các loại thương thuyền cũng như mở rộng mạng lưới thương mại bao gồm nhiều thành thị hơn nữa, tình hình kinh tế được cải thiện rõ rệt. Hàng hóa giờ đây được giao dịch với số lượng lớn, do đó ảnh hưởng tới sự cải thiện của tất cả các ngành công nghiệp. Điều này cũng cho phép buôn bán nhiều mặt hàng hơn. Nhiều loại hàng hóa trước đây được coi như là hàng xa xỉ và chỉ được giao dịch trong quy mô nhỏ thì nay trở nên hợp túi tiền hơn và được giao dịch rộng rãi.
Các “kontor”, nét đặc trưng trong Liên Minh Hanseatic, mang lại sự thay đổi lớn cho ngành thương mại. Thời Đại Hanseatic còn mang lại nền kinh tế thị trường và giao dịch tiền tệ. Điều này đã thay đổi hệ thống buôn bán trao đổi hàng hóa cũ, tạo tiền đề thương mại lâu dài. Một ví dụ điển hình mà Thời Đại Hanseatic ảnh hưởng tới giao dịch số lượng lớn chính là cá. Các hội chợ và chợ truyền thống của vùng phía Nam Thụy Điển bị Đan Mạch chiếm đóng, là nơi giao dịch với số lượng lớn cá trích — hàng năm có khoảng 20 vạn tới 30 vạn tấn cá trích được giao dịch tại khu vực này.
Với danh hiệu “thành thị tự do thuộc Hoàng gia”, các thành viên của Liên Minh Hanseatic trực tiếp chịu trách nhiệm với Hoàng đế La Mã Thần Thánh, không phải với các quý tộc địa phương. Với mức độ tự trị này, Liên Minh Hanseatic nắm giữ rất nhiều quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực. Họ cũng được hưởng các đặc quyền từ Luật Lübeck*, trong đó nhấn mạnh đến quyền tự quản. Luật này được áp dụng cho hơn 100 thành thị thuộc Liên Minh.
Những lợi ích trên đối với Liên Minh Hanseatic trao cho họ khả năng tự gây chiến. Được hỗ trợ bởi lực lượng quân đội của chính họ, liên minh đã tham gia vào một vài cuộc xung đột. Một trong những cuộc chiến quan trọng nhất là cuộc chiến với Đan Mạch, diễn ra từ năm 1361 tới năm 1370, với phần thắng nghiêng về phía Liên Minh. Sau khi gây dựng liên minh với thành Cologne, họ loại bỏ 2 thành Copenhagen và Helsinki, buộc Vua Đan Mạch Valdemar IV phải cấp cho liên minh 15% lợi nhuận từ thương mại với Đan Mạch. Kết quả này đã mang lại cho Liên Minh Hanseatic một chỗ đứng lớn trong việc độc quyền kinh tế và thương mại tại Bán đảo Scandinavia.
SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN MINH HANSEATIC
Theo thời gian, bối cảnh chánh trị tại Châu Âu chứng kiến những thay đổi ngày càng tăng. Vào đầu thế kỷ 16, Liên Minh Hanseatic rơi vào tình thế ngày càng khó khăn do nền chánh trị thay đổi nhanh chóng. Các thế lực mới lên nắm quyền, dành lại mạng lưới thương mại từ tay Hanseatic. Đế chế Thụy Điển là một trong số đó, cũng như Đan Mạch. Đối mặt với thực tế cộng với sự sụt giảm trong giao thương, một số thành thị thuộc Liên Minh Hanseatic đã theo đuổi con đường cá nhân, tìm kiếm lợi ích của riêng họ. Do đó, vào giữa thế kỷ 16, Liên Minh Hanseatic đi vào giai đoạn thoái trào.
Không thể đối phó với những tổn thất ngày càng tăng từ các đối thủ cạnh tranh, một số “kontor” quan trọng nhất của Liên Minh đã bị buộc phải đóng cửa: một ở Antwerp bị đóng cửa vào năm 1593 và một ở London vào năm 1598. Cuối cùng, áp lực trở nên quá lớn. Liên Minh Hanseatic bị tàn phá bởi các cuộc đấu đá nội bộ và thiệt hại về kinh tế, rồi đi tới giải thể. Cuộc họp chánh thức cuối cùng của Liên Minh được tổ chức vào năm 1669, chỉ có đại diện của ba thành thị tham dự cuộc họp. Liên Minh Hanseatic chánh thức giải thể vào năm 1862.
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU ĐẦU TIÊN VÀ TÁC ĐỘNG TỚI LỊCH SỬ
Lịch sử phong phú của Liên Minh Hanseatic rất quan trọng đối với sự phát triển của Đức và khu vực Baltic. Những phát triển đáng kể của thương mại hàng hải vùng Baltic dưới thời Liên Minh Hanseatic đã đẩy khu vực này sang một kỷ nguyên mới cũng như đẩy nhanh sự phát triển của khu vực sang thời Phục Hưng và còn hơn thế nữa. Liên minh thể hiện được sự thành thạo và khéo léo của các hệ thống thương mại và cho thấy cách một liên minh các thương thành bán độc lập có thể tự hoạt động hiệu quả cũng như đảm bảo sự tồn tại của chính họ thông qua sự giàu có và thống trị các mạng lưới thương mại.
Nguồn tham khảo:
Hanseatic League: Oxford Bibliographies Online Research Guide. Oxford University Press.
A Companion to the Hanseatic League . BRILL.�
Seafarers, Merchants, and Pirates in the Middle Ages . Boydell Press
II. BIRKA — SỰ SỤP ĐỔ CỦA MỘT TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI LỚN THỜI VIKING
Thời Đại Viking ở Châu Âu mang lại vô số sự kiện chính và sự đổi mới, định hình đáng kể tương lai của chúng ta. Nhưng có một hiểu lầm tai hại là người Viking chỉ biết tới đột kích và cướp phá mỗi khi họ lên thuyền ra khơi từ phía Tây tới phía Đông. Trong khi họ ra khơi để đột kích, trao đổi mua bán, và chinh phục các vương quốc, người Viking còn thông thạo nhiều mặt khác nữa. Các cảng lớn và các khu định cư chính xung quanh Bán đảo Scandinavia của họ là trung tâm thương mại và là nơi trao đổi hàng hóa — và Birka là một trong các khu định cư chính. Là một trung tâm thương mại có sức ảnh hưởng lớn, Birka là nơi mà hàng hóa từ Đông Âu và phương Đông được trao tay, cũng như hàng hóa từ Scandinavia và Phần Lan. Ngày nay, tàn tích của thành này nằm cách thủ phủ Stockholm của Thụy Điển 30 km về phía ngoài. Vậy thì câu chuyện và vận mệnh của thương thành giàu có Ở Thời Đại Viking này là gì?
CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ THƯƠNG THÀNH BIRKA?
Tàn tích của thành Birka tọa lạc trên hòn đảo nhỏ Björkö ở Hồ Mälaren, cách khoảng 30 km (khoảng 18,64 dặm) bên ngoài thủ phủ Stockholm của Thụy Điển. Hòn đảo này có diện tích 1,5×1,5 (km), và chứa đựng nhiều tàn tích khảo cổ có tầm quan trọng. Tất nhiên, tàn tích của thành Birka là quan trọng nhất trong số những di tích này, và nằm ở bờ biển phía Tây Bắc của hòn đảo.
Birka không phải là loại tàn tích duy nhất trong khu vực này. Vùng hồ chứa nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, và hòn đảo láng giềng Adelsö cũng từng là một trung tâm thương mại của người Viking. Những tàn tích này là cơ sở nghiên cứu tốt nhất về mạng lưới thương mại được phát triển tốt của Thụy Điển ở Thời Đại Viking.
Nhưng trong khi Birka là trung tâm thương mại và là một trong những thành thị quan trọng nhất trong khu vực, thì khu định cư trên đảo Adelsö gần đó là nơi cư ngụ của Hoàng gia, nơi các vị vua và thủ lãnh đặt tổng hành dinh cai trị khu vực.
Các bằng chứng lịch sử nói với chúng ta rằng thành Birka (còn được gọi là Birca thời Trung Cổ) được thành lập vào khoảng năm 750 Công Nguyên. Tên của thương thành này tương tự như ten của hòn đảo — Björkö — có nghĩa là “Đảo Bạch Dương”. Nhiều học giả cho rằng thành này phát triển từ một khu định cư nhỏ thành một trung tâm thương mại lớn lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng thành “được xây dựng có mục đích” bởi một vị vua, với mục tiêu kiểm soát giao thương trong khu vực và mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ đều đồng ý rằng Birka là một trong những khu định cư sớm nhất trong khu vực và có thể là toàn Bán đảo Scandinavia. Hồ Mälaren, với hướng đổ ra biển Baltic, do đó là một vị trí chiến lược quan trọng.
Bản thân thủ phủ Stockholm tọa lạc tại địa điểm này, chỉ ra một khu vực là địa điểm kiểm soát. Đây là lý do tại sao Birka nhanh chóng nổi lên như một điểm dừng chân quan trọng trên con đường giao thương nổi tiếng của người Viking. Đây là một trong những trung tâm thương mại lớn ở Bán đảo Scandinavia, và là nơi tập trung hàng hóa từ khắp Châu Âu và Phương Đông, nơi mà người Viking — chủ yếu là người Varangian — tập trung lại để rồi tiến hành các cuộc thám hiểm của họ.
Như ta thấy trên bản đồ, vị trí của vùng hồ và của thành Birka khiến chúng trở thành trạm dừng lý tưởng trên tuyến đường thủy xuyên qua sông Velikaya, hồ Lagoda, và hướng tới 2 trung tâm thương mại lớn của người Viking gốc Slav là Novgorod và Gnezdovo.
Với vị thế là một trung tâm thương mại quan trọng trong khu vực, thành Birka hẳn đã kinh doanh rất nhiều loại mặt hàng — và tất nhiên phát triển rất thạnh vượng. Các nghiên cứu khảo cổ học chỉ ra rằng có vô số loại hàng hóa đã từng đi qua đây. Thành Birka cung cấp hầu hết các sản phẩm từ sắt và lông thú. Lông thú là mặt hàng tốt ở đây — được nhập khẩu từ phía Bắc Scandinavia, từ người Sami và người Phần Lan, cũng như từ các bộ tộc Finno-Ugric và người Slav từ khu vực phía Tây Bắc nước Nga ngày nay.
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng lông thú này được lấy từ hải ly, cáo, gấu, chồn, và rái cá. Hơn nữa, các sản phẩm từ gạc hươu nai cũng là mặt hàng có giá tại đây. Nhiều vật dụng quan trọng và dụng cụ gia dụng được làm từ gạc nai, như lược, kim, và dao kéo. Một số phát hiện khác cho thấy sự hiện diện của răng hải sư, mật ong, và hổ phách — một sản phẩm tới từ “vùng hổ phách”, một khu vực ven bờ Biển Baltic là nơi định cư của những người Curonian hung hãn.
TỪ VÙNG ĐẤT PHƯƠNG ĐÔNG TỚI VÙNG ĐẤT CỦA NGƯỜI SLAV
Để trao đổi vô số hàng hóa — với một nhu cầu bất tận — các thương gia thành Birka nhận tiêu thụ nhiều loại hàng ngoại nhập khác nhau. Trong suốt thời đại này, nhiều hàng hóa xa xỉ tới từ Đế chế Byzantine, khu vực Địa Trung Hải, và Phương Đông được tầng lớp giàu có trong xã hội săn đón — để biểu trưng cho địa vị cao cấp của họ. Các ngôi mộ nằm rải rác xung quanh tàn tích thành Birka cung cấp một cái nhìn quan trọng về sự đa dạng của hàng hóa được trao đổi tại đây.
Ví dụ như, một lượng lớn đồng xu được khai quật: phần lớn trong số này tới từ khắp Bán đảo Scandinavia, và thành Hedeby — một trung tâm thương mại khác của người Viking Đan Mạch. Nhưng ngạc nhiên thay, lại có một lượng lớn đồng bạc dirham (hay đồng drachma) từ Vương triều Caliph Abbasid xa về phía Đông, cho ta thấy được mức độ của các cuộc thám hiểm và mạng lưới giao thương phức tạp của người Viking. Ngoài ra còn có rất nhiều đồng xu từ Byzantine, Vương quốc Anh, và Vương quốc của người Carolingian.
Có khoảng 3000 ngôi mộ được tìm thấy xung quanh Birka, và nhiều ngôi mộ được chôn theo vật phẩm. Một số lượng lớn hổ phách được phát hiện ở đây: đây là một mặt hàng được săn lùng và vị thế của nó rất cao. Điều này cho chúng ta thấy được rằng Birka là một thương thành thạnh vượng với những cư dân giàu có.
Các mảnh vải dệt còn được tìm thấy nhiều ở Birka. Như chúng ta đã biết, vải dệt hiếm khi tồn tại theo thời gian và có thể bị phân hủy hoàn toàn. Nhưng tại Birka, các nhà khảo cổ phát hiện được 4800 mảnh vải dệt. Những mảnh vải này cho ta thấy được sự chú trọng vào các mặt hàng ngoại nhập: có nhiều trang phục được làm từ lụa Trung Quốc, những tấm thổ cẩm được trang trí bằng dây tết và áo dài; vải Byzantine có thêu bằng chỉ vàng; hàng dệt may từ len và vải lanh; và các loại vật liệu thô khác.
Bên cạnh đó, nhiều phát hiện về đồ kim loại và thủy tinh nhập khẩu, và đồ gốm từ các địa điểm khác nhau — đa số là từ Rhineland. Điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả với tất cả những khám phá này, chưa đến 1% tài sản được phát hiện và chỉ 1/3 trong số 3000 ngôi mộ được khai quật. Điều này có nghĩa là còn một số những hàng hóa và vật phẩm hoành tráng vẫn còn bị chôn vùi dưới lòng đất.
Về nhiều mặt, Birka đã trở thành tác nhân cho sự phát triển kinh tế và xã hội ở Bán đảo Scandinavia. Dựa vào vị trí địa lý, người Viking Thụy Điển có xu hướng du hành về phía Đông và Đông Nam tới bờ Biển Baltic, dọc theo hệ thống sông ngòi ở Đức vào lục địa của người Slav. Để so sánh — người Đan Mạch và người Na Uy thường ra khơi theo hướng ngược lại, tới Anh và Ireland, quần đảo Faroe và Shetland, và tới Iceland. Người ta tranh luận rằng người Viking Thụy Điển có được giao dịch tốt hơn, nhập khẩu hàng xa xỉ phẩm từ những nơi xa như Vương triều Caliph Abbasid và Đế chế Byzantine, điều này đã thúc đẩy đáng kể thương mại trong khu vực và đặt thành Birka vào một vị trí rất quan trọng.
Từ khi thành lập vào khoảng năm 750 Công Nguyên, thành Birka đã là một trung tâm thương mại phồn thịnh trải qua gần 2 thế kỷ. Nhiều sử gia cho biết dân số trong thành lúc nào cũng giữ được vào khoảng 700 — 1000 người, phân bố trên trên khu đất rộng 17 mẫu Anh. Bến cảng chính của Birka được bảo vệ nghiêm ngặt và kiên cố — được bao bọc bởi thành lũy, bãi cọc, và công sự, tất cả là để bải vệ thành khỏi cac cuộc tấn công của cướp biển.
TRUNG TÂM TRUYỀN BÁ CƠ ĐỐC GIÁO
Trong nhiều tài liệu lịch sử, cảng giao thương Birka chỉ được đề cập tới một số ít lần, và rất nhiều phần lịch sử của nó vẫn còn mơ hồ và bí ẩn. Đó là lý do tại sao ngày nay, rất nhiều câu chuyện được ghép lại từ các cuộc khai quật khảo cổ học.
Tác phẩm “The Life of Ansgar” (Vita Ansgari, Đời Sống của Ansgar), được hoàn thành vào năm 875 Công Nguyên bởi Tổng giám mục xứ Bremen là Rimbert, một công trình quan trọng thời Trung Cổ, nhắc tới thành Birka như là nơi mà Thánh Ansgar thực hiện nhiệm vụ truyền giáo vào khoảng năm 830 Công Nguyên. Trong tác phẩm này, tác giả cho rằng Birka là địa điểm chính cho các hoạt động truyền giáo của Công Giáo ở Thụy Điển, và đây cũng là nơi mà Giáo đoàn đầu tiên ở Thụy Điển được thành lập — bởi Thánh Ansgar vào năm 831.
Do đó nơi này còn được coi là “viên đá nền” cho việc truyền bá Cơ Đốc giáo cho phần còn lại của Thụy Điển và toàn Bán đảo Scandinavia. Mặc dù các đề cập và mô tả về Birka trong tác phẩm này là hời hợt và rời rạc, nhưng vẫn cung cấp thông tin lịch sử quan trọng, chẳng hạn như đề cập tới một số vị Vua Thụy Điển đã cư ngụ ở đó, bao gồm các Vua Björn II, Olof và Anund Uppsale.
Nhưng trong tác phẩm sau này, “Deeds of the Bishops of the Hamburg Church” (Gesta Hammaburgensis Ecclesiae Pontificum, Hoạt động của các Giám mục ở Nhà thờ Hamburg) được viết bởi biên niên sử gia thời Trung Cổ Adam xứ Bremen vào đầu những năm 1000, Birka được miêu tả chi tiết hơn. Tuy nhiên, theo thời gian tác phẩm đã bị bỏ mặc hoặc phá hủy. Sau đây là một vài chi tiết,
“Birka là một thành chính của người Geat (còn gọi là người Goth), tọa lạc tại trung tâm Thụy Điển, cách không xa ngôi đền Uppsala nơi mà người Thụy Điển tổ chức các buổi tế lễ tối cao tôn thờ các vị thần; ở đây tạo thành một lối ra vào cảng Biển Baltic hay còn gọi là Biển “Barbaric” quay về phía Bắc, là nơi chào đón tất cả các bộ tộc hoang dã từ hải ngoại nhưng mang lại rất nhiều rủi ro cho những ai bất cẩn hoặc không chú ý tới nơi này…họ chặn cửa này lại bằng một bãi đá ngầm dọc theo bờ biển với chiều dài hơn 100 stadion (khoảng 18 km, 1 stadion = 184 m). Tại khu vực neo đậu này, được bảo vệ chặt chẽ nhất trong khu vực hải cảng ở Thụy Điển, tất cả tàu thuyền của người Đan Mạch, người Na Uy, người Slav, người Sembrian, và người Scythia hàng năm đều sử dụng cảng này để tiến hành các giao dịch của họ.”
Ngày nay, lý do cho sự suy tàn nhanh chóng của thành Birka vẫn còn là một đề tài gây tranh cãi bởi các sử gia. Một số lý do cho rằng là do sự sụt giảm thương mại, cũng như là thay đổi kinh tế xã hội đã làm mất đi tầm ảnh hưởng của thành này. Một lý do khác được đưa ra là do một cuộc tấn công lớn của người Đan Mạch.
Vào khoảng cuối những năm 900, khi thành Birka dần suy tàn, thành Sigtuna láng giềng được thành lập để trở thành nơi định cư của các Kito hữu. Hơn nữa, vào thời điểm này, mực nước ở Hồ Mälaren sụt giảm nghiêm trọng, dẫn tới việc nhiều tàu thuyền lớn gặp khó khăn khi di chuyển tới Birka, dẫn tới sụt giảm thương mại. Nhưng tình hình chánh trị và các cuộc xung đột đầu thời Trung Cổ cũng góp phần vào sự suy tàn của thành thị này: các chánh sách đối ngoại của nhà cai trị người Slav gốc Bắc Âu là Sviatoslav I xứ Kiev đã gây xáo trộn cho giao thương dọc theo tuyến đường sông Dnieper, Volga, và sông Đông, dẫn tới việc ảnh hưởng nền kinh tế ở Thụy Điển.
CÁI CHẾT BẤT NGỜ CỦA SỰ VĨ ĐẠI
Cuối cùng, đó có thể là toàn bộ tác nhân gây suy yếu tới thành Birka, làm cho thành thị này đánh mất sự cạnh tranh với các trung tâm thương mại khác ở vùng Baltic và Bán đảo Scandinavia. Rất nhanh chóng, thành thị đã từng là trung tâm thương mại tấp nập và giàu có của người Viking ở Thụy Điển, biến mất trong dòng chảy thời gian, không còn tàn tích gì chứng minh sự tồn tại của nó cho tới khi được khai quật lại ở thời hiện đại.
Bản chất của lịch sử là như vậy: các thế hệ tới rồi đi, các nhà cai trị thay đổi, và thế giới biến động theo cách riêng của nó. Những gì đã từng là trung tâm trong khu vực một thời gian, không còn gì khác ngoài một nhà thờ bị bỏ hoang với những bí mật bị chôn vùi dưới lớp đất. Nhưng phải cám ơn tới các bộ óc tò mò của các sử gia và nhà khảo cổ học mà chúng ta ngày nay có thể biết được nhiều về một viên ngọc quý của thế giới Viking. Ghép các mảnh câu đố lại với nhau để có thể cho chúng ta thấy được những điều quan trọng về mạng lưới giao dịch rộng lớn của người Bắc Âu.
Nguồn tham khảo:
Medieval Archaeology – an Encyclopedia. Routledge.
The Viking World. Routledge.
Birka. Ancient History Encyclopedia. [Online] Available at:
Northern Archaeological Textiles. Oxbow Books.
NGƯỜI RADHANITE — MỘT CÁI NHÌN THOÁNG QUA VỀ MẠNG LƯỚI THƯƠNG MẠI THỜI TRUNG CỔ
Không có gì lạ khi trong suốt thời Cổ Đại và Trung Cổ, thương mại đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Tuyến đường giao thương tỏa ra khắp châu lục Á-Âu, và kết nối hoàn hảo hai hình thái xã hội phương Đông và phương Tây. Giới quý tộc rất yêu thích các loại mặt hàng xa xỉ được định giá cao, dẫn tới việc một số quốc gia phát triển rất mạnh. Trong số những người đứng đầu các đoàn thương gia vào thời điểm đó chính là người Do Thái Radhanite. Người Radhanite thống trị tuyến giao thương Á-Âu, được nhắc tới trong vô số các tài liệu lịch sử. Bằng cách buôn bán nhiều loại hàng hóa, họ kiểm soát sự phát triển kinh tế và gây ảnh hưởng tới nhiều xã hội thời tiền Trung Cổ. Nhưng những người Radhanite này chính xác là ai, và mục đích của họ là gì? Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau khám phá câu chuyện về người Radhanite và mạng lưới giao thương của họ.
NHỮNG TÀI LIỆU SỚM NHẤT VỀ NGƯỜI RADHANITE VÀ THƯƠNG ĐẠO CỦA HỌ
Người Radhanite được biết tới vào thời tiền Trung Cổ dưới nhiều cái tên. Chúng ta biết được nhiều về họ ngày nay thông qua các ghi chép của người Hồi. Tất nhiên là, không nghi ngờ gì khi các Vương triều Caliph người Hồi ở thời điểm này tự hào vì họ có nhiều nhà du hành và địa lý gia giỏi nhất để lại nhiều tài liệu quý giá về thời đại này. Theo đó, người Radhanite còn được gọi theo tiếng Ả Rập là الرذنية — ar-Raðaniyya, hay trong tiếng Hebrew là רדהנים — Radhanim. Khởi nguồn chính xác của cái tên này không được chắc chắn, nhưng hầu hết học giả và nhà ngôn ngữ học đều đồng ý rằng cái tên này xuất phát từ tiếng Ba Tư, do các nhà du hành người Hồi trao cho các thương gia người Do Thái này. Cái tên này tới từ “rah” (nghĩa là con đường), và từ “dān” (nghĩa là người biết rõ), nên nghĩa đầy đủ là “những người biết rõ đường đi”, một cái tên khá hợp lý cho các thương gia.
Một giả thuyết khác liên quan tới cái tên này là do khởi nguồn từ nơi định cư của người Radhanite. Nhiều tài liệu cho rằng nơi định cư của họ được thành lập tại Thung lũng Rhone ở Pháp. Trong tiếng Latin, con sông này được gọi là Rhodanus, hoặc là Rhodanos trong tiếng Hy Lạp. Do đó, người Radhanite có thể được đặt tên theo nơi này, thung lũng sông Rhone, nên họ còn được gọi là “người Do Thái-Pháp”. Còn một số tài liệu ít khả tín hơn cho rằng họ tới từ tỉnh Radhan, một nơi gần với Baghdad ngày nay.
Một trong các tài liệu quan trọng nhất về người Do Thái Radhanite tới từ nhà du hành và là địa lý gia người Hồi, Abu’l-Qasim Ubaydallah ibn Abdallah ibn Khordadbeh (ابن خرداذبه), sống vào khoảng từ năm 820 tới năm 912 Công Nguyên, còn được biết tới với cái tên Ibn Khordadbeh. Ông nổi tiếng với công trình lớn của mình là tác phẩm “Kitāb al-Masālik w’al- Mamālik” (كتاب المسالك والممالك), ngày nay gọi là “Book of Roads and Kingdoms” (Sách về Đường đi và Vương quốc). Tác phẩm này chủ yếu đề cập tới các sắc dân sống ở Vương triều Caliph Abbasid, và mô tả một cách chính xác các tuyến giao thương đi qua nơi mà được tôn vinh là “Thế Giới Hồi Giáo”. Ngày nay, tài liệu lịch sử này là một trong những tài liệu cuối cùng miêu tả chi tiết về người Do Thái Radhanite, và do đó là một trong những tài liệu quan trọng đề cập tới mạng lưới thương mại thời Trung Cổ.
Trong tác phẩm của mình, Ibn Khordadbeh nhắc tới các thành bang mà các thương gia Radhanite đã đi qua. Ông bắt đầu tác phẩm bằng cách miêu tả, “những thương gia Do Thái Radhanite này”, là những người đa ngôn ngữ. Họ thông thạo nhiều ngôn ngữ chính vào thời đó, như tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập, tiếng Hy Lạp (rumiyya), tiếng Andalusic, tiếng Slav (saqlabiyya), và tiếng Frank (ifranjiyya). Sau đó, ông nói rằng họ du hành từ Đông sang Tây và ngược lại, bằng đường bộ lẫn đường thủy, và họ mang tới nhiều loại gia vị, các loại kiếm, các loại vải thêu, lông thú, chồn hắc điêu (sammur), và da hải ly (khazz). Họ còn vận chuyển nô lệ, thê thiếp và các loại người hầu khác.
DU HÀNH KHẮP THẾ GIỚI
Ibn Khordadbeh ghi chép lại rằng họ khởi hành từ Firanja (France, Pháp) và ra khơi về Tây Hải (Địa Trung Hải). Từ đây họ du hành tới al-Farama (Pelusium), một thành phố quan trọng ở đồng bằng châu thổ sông Nile. Từ đây họ vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tới al-Qulzum (Suez), rồi từ đây họ khởi hành ra khơi một lần nữa, lần này là tới Đông Hải (Hồng Hải). Từ đây họ du hành tới al-Jar (Medina) và al-Jeddah (Jeddah), và xa hơn nữa về phía Đông tới al-Sind (Pakistan), al-Hind (Ấn Độ), và al-Sin (Trung Quốc). Từ Trung Quốc, họ mang về các loại gia vị đặc trưng và hàng xa xỉ như: long não, cây nha đam, quế, xạ hương, và nhiều thứ khác nữa. Từ đây, họ tỏa ra các hướng khác. Có nhiều lúc, họ sẽ du hành tới Constantinople để giao dịch với người Byzantine, hay tới Antioch, hoặc tới Vương quốc của người Frank, hoặc tới khu vực ngày nay là Iraq và Baghdad.
Đôi khi người Radhanite còn du hành từ Pháp tới Tây Ban Nha, và từ đây tới Morocco, Tangier, Tunisia, Ai Cập, và khu vực ngày nay là Israel, Syria, Iraq, và quay lại Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc. Trong tác phẩm của mình, Ibn Khordadbeh còn mô tả các chuyến giao thương của họ tới những nơi xa xôi như vùng đất của người Slav (saqaliba). Ông đặt tên khu vực này một cách rõ ràng là Vùng đất của người Rus’, là một phần của người Slav. Từ đây, các thương gia thu được da hải ly và da cáo đen, cũng như các loại kiếm. Sau đó họ vận chuyển hàng hóa tới phía Nam là “Biển Rumi”, nơi mà các “Lãnh chúa của người Rum” (là cách mà người Hồi Ả Rập gọi người La Mã, cũng như là người Byzantine) đánh thuế họ. Sau đó họ du hành tới Baghdad và xa hơn về phía Đông, sử dụng các nô lệ bị hoạn người Slav của họ làm vật trung gian trao đổi. Họ tự nhận là các Kito hữu khi tới vùng đất này.
Các tuyến giao thương của người Do Thái Radhanite phát triển thạnh vượng từ năm 750 tới cuối những năm 800. Hầu hết học giả đồng ý rằng hơn một thế kỷ, “hầu như mọi giọt gia vị chảy vào trung tâm Châu Âu đều phải qua tay người Do Thái Radhanite”, vì họ nắm giữ độc quyền lên gia vị, nô lệ, và hàng hóa xa xỉ. Một trong những nguồn thu nhập lớn nhất của người Radhanite chính là làm trung gian cho 2 thế giới Đông và Tây, giữa Vương quốc của các Kito hữu với Vương quốc của người Hồi, và giữa các vị Vua, các Caliph, và các Hãn vương, những người tham gia vào tổ chức buôn bán nô lệ khắp thế giới. Người Do Thái Radhanite tiến tới thống trị toàn bộ hệ thống các tuyến giao thương và đường thủy thời tiền Trung Cổ, đồng thời nắm giữ độc quyền vận chuyển nô lệ mà họ luôn đem theo khi du hành khắp thế giới.
XÃ HỘI YÊN BÌNH LÀ MỤC TIÊU CỦA CÁC THƯƠNG GIA BUÔN NÔ LỆ
Buôn bán nô lệ là một sự thật cuộc sống của đa số người vào thời điểm này. Khoảng 10% dân số nước Anh, được ghi trong Sách Dân Số (bản thống kê điền thổ được William Kẻ Chinh Phục cho xuất bản vào năm 1086), là nô lệ. Người Slav vào thời điểm này định cư chủ yếu ở Đông Âu và một phần Tây Âu. Họ được kết nối bởi ngôn ngữ và văn hóa, và phân tán thành nhiều bộ tộc. Nhưng hầu hết các xã hội sống mục vụ và yên bình đều là mục tiêu hoàn hảo cho những kẻ buôn bán nô lệ và vùng đất của họ thường xuyên bị cướp phá. Ở phía Bắc Âu, các bộ tộc người Slav-Lechite như người Rujani, người Obodriti, người Wilci, người Sorbi, và nhiều bộ tộc khác chịu đựng dưới bàn tay của người German và người Scandinavia. Ở phía Đông, các bộ tộc người Rus’ — như Drevlyani, Dregovichi, Vyatichi, Ilmeni, Severi, và nhiều người khác làm nô lệ cho người Khazar, người Thát Đát, và Kim Trướng Hãn Quốc.
Ở phía Đông Nam Âu, các bộ tộc Nam Slav dễ dàng là mục tiêu thông qua hệ thống sông ngòi ở Trung Âu và bờ biển Adriatic. Người Serb và các bộ tộc Zachumlian, Timochan, và xa hơn về phía Bắc, là người Czech, người Slovak, và người Carantanian láng giềng đều bị bắt làm nô lệ. Người Radhanite đánh giá nô lệ người Slav vì nhiều lý do. Các cậu bé thì được bán làm hoạn quan với nhiều vai trò khác nhau. Các Caliph của vương quốc Hồi giáo rất hay sử dụng hoạn quan. Thanh niên thì bị bắt làm lính đánh thuê hay vệ sĩ. Các nữ nô cũng bị nhắm tới và tạo nên một thị trường riêng. Phụ nữ người Slav tóc vàng da trắng được săn đón nhiều ở thế giới Hồi giáo hay ở Phương Đông, nơi họ bị bán làm thê thiếp.
Người Radhanite cuối cùng tập trung vào buôn bán nô lệ, tạo ra một mạng lưới thương mại rộng lớn và phức tạp, qua đó họ cung cấp cho nhiều vùng của lục địa Á-Âu các hoạn quan và thê thiếp. Khách hàng lớn nhất của họ là các Caliph Hồi giáo ở Bán đảo Iberia. Nhu cầu về nô lệ người Slav lớn tới nỗi họ được gọi là Saqaliba (صقالبة). Trong tiếng Ả Rập, từ “saqaliba” có nghĩa đơn giản là một người Slav.
Độc quyền buôn bán nô lệ của người Do Thái Radhanite lớn tới mức nó làm lu mờ hoạt động buôn bán gia vị và hàng xa xỉ khác. Vào thời điểm đó, nô lệ người Slav ở Châu Âu rất phổ biến, tới nỗi cái tên duy nhất được biết tới cho một nô lệ (dưới bất kỳ hình thức nào) là Sklave. Sklave là cách viết tiếng Hy Lạp của Slav. Và do đó, tên của người Slav, từng có nghĩa là “những người vinh quang / những người nói cùng một ngôn ngữ,” trở thành một từ chỉ nô lệ. Ngày nay, gốc của từ nô lệ vẫn được giữ nguyên trong tiếng Anh là “slave”. Các thương gia Radhanite và nhu cầu của khách hàng là nguyên nhân trực tiếp gây ra bất hạnh cho vô số đàn ông và phụ nữ, là một trong những khía cạnh tồi tệ nhất của thế giới thời Trung Cổ.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các tuyến giao thương của người Radhanite là thành Byzantium. Các quan chức người Byzantine phần nào là cái gai đối với các thương gia này, khi áp đặt lên họ các loại thuế cũng như luật lệ rườm rà liên quan tới thương mại, đồng thời là chánh sách chung đối với Đế chế. Ban đầu, những người Radhanite hoàn toàn tránh người Byzantine để né những khoản thuế, nhưng sau này họ tìm cách vượt qua bằng cách đóng giả là những người học việc hoặc công dân của các thành bang nước Ý, những người được đặc cách miễn trừ khỏi các luật lệ của Đế chế.
TẦM ẢNH HƯỞNG DẦN SUY YẾU
Ảnh hưởng của các thương gia Radhanite bắt đầu suy yếu đáng kể vào khoảng năm 900 về sau. Với sự sụp đổ của nhà Đường ở Trung Quốc vào năm 908, và sau khi người Rus’ chinh phục thành Atil và đánh bại Hãn quốc Khazar vào khoảng năm 960, mạng lưới giao dịch của họ đã bị ảnh hưởng và mất đi vị thế quan trọng của nó. Liên tục xuất hiện những thành phố mới trở thành trung tâm thương mại. Khi thành Atil không còn khả dụng, cũng như ở bờ biển Caspian, người Radhanite dần tập trung vào các thành thị lớn của Trung Âu. Kiev vẫn là một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất và là một tuyến đường thương mại được phát triển dẫn từ Prague qua Ba Lan tới Kiev. Trong tài liệu bằng tiếng Hebrew của Rabbi Yehudah ben Meir từ Mainz, chúng ta có thể thấy rằng những người Do Thái Radhanite tập trung vào thành Przemysl ở Ba Lan như là trung tâm thương mại chính của họ.
Mặc dù vậy, sự hỗn loạn xuất hiện sau sự sụp đổ của Hãn Quốc Khazar, làm gián đoạn rất nhiều các tuyến giao thương, cũng như sự xuất hiện của các Vương quốc của người Slav thống nhất và tiến trình Cơ Đốc hóa các bộ tộc người Slav. Các cuộc xâm lược của người Thổ Nhĩ Kỳ vào Trung Đông càng làm cho giao thương trở nên khó khăn, đồng thời với sự sụp đổ của Con Đường Tơ Lụa. Người Radhanite bị soán ngôi vị bởi những thành công thương mại ngày càng tăng của các thành bang nước Ý như Genoa, Amalfi, Pisa và Venice, vốn coi người Do Thái Radhanite là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Các mạng lưới thương mại của người Do Thái Radhanite biến mất sau đó. Việc buôn bán nô lệ đã không còn với họ, buôn bán gia vị cũng vậy. Dù vậy, họ vẫn tập trung ở nhiều vùng khác nhau của Châu Âu, nơi họ tiếp tục phát triển những cách kinh doanh mới, mà họ được biết tới trong suốt thời kỳ Trung Cổ, nổi tiếng nhất là hệ thống cho vay nặng lãi.
THẤU HIỂU BỨC TRANH TOÀN CẢNH
Các nghiên cứu về mạng lưới thương mại đầu thời Trung Cổ này là một cái nhìn sâu sắc quan trọng về thực tế của các tuyến giao thương và hàng hóa thời đó. Nó cho chúng ta thấy rằng một nhóm người có thể thống trị toàn bộ độc quyền thương mại của lục địa Châu Âu bằng cách loại bỏ sự cạnh tranh và phát triển một hệ thống mạng lưới thương mại chặt chẽ. Khi hoạt động buôn bán này tập trung vào cuộc sống của con người, và việc bóc lột người vô tội để làm nô lệ, bức tranh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng là chế độ nô lệ và bóc lột như vậy đã bị bỏ xa, rất xa trong quá khứ của chúng ta.
Nguồn tham khảo: