Về cuộc tấn công của người Đại Thực và Ba Tư vào đất An Nam

Trần Thanh Ái

Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 1/2021)

 Trong quyển Biên niên Lịch sử cổ trung đại Việt Nam: từ đầu đến giữa thế kỷ XIX (Nxb Khoa học xã hội, 1987) do Viện Sử học biên soạn có nhắc đến một sự kiện xảy ra trong năm 757: Năm Đinh Dậu (Chí Đức năm thứ 2 thời Đường Túc Tông), trong khi ở Quảng Châu đang có cuộc khởi nghĩa của một lãnh tụ người Tày là Hoàng Căn Diệu[1] (nổi dậy từ năm 756), thì ở Giao Châu người Đại Thực, người Ba Tư đem quân đến đánh An Nam đô hộ phủ, vây hãm thành giết chết viên quan đô hộ, rồi tiến lên đánh phá Quảng Châu.

Cái tên nước Ba Tư thì đã khá quen thuộc với độc giả người Việt, nhưng tên Đại Thực thì rất xa lạ, hiếm người người biết. Sách vở ngày nay chẳng có mấy tài liệu nhắc đến cuộc tấn công này, ngay cả các bộ sử lớn của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục…, mặc dù những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian đó các tài liệu này đều có ghi, như năm Nhâm Tuất (722), Mai Thúc Loan liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp chiếm giữ Hoan Châu, xưng là Hắc Đế, hoặc năm Mậu Tuất (758), Nhà Đường đổi tên An Nam Đô hphủ thành Trấn Nam Đô hphủ.

  1. Người Đại Thực là ai?

Trước khi tìm hiểu cuộc tấn công, chúng tôi dành một ít thời gian để tìm hiểu về người Đại Thực. Đầu tiên chúng tôi tìm trong các chính sử Trung Hoa, kế đến là những ghi chép của các cá nhân về đất nước và con người có liên quan đến Đại Thực. Sau đó, chúng tôi điểm lại các công trình nghiên cứu của các học giả thế giới về nước này.

1.1. Các tài liệu khảo cứu của Trung Hoa

Các tài liệu khảo cứu chính thức đầu tiên của Trung Hoa có nhắc đến địa danh Đại Thực được viết bằng chữ Hán là 大食 gồm các công trình sau đây:

1.1.1. Thông điển

Sách Thông điển (通典) của Đỗ Hựu (杜佑) ra đời khoảng năm 801 có một chương nói về nước Đại Thực. Tài liệu này được xem như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Trung Hoa, và là tài liệu đầu tiên có biên soạn một phần nói về nước Đại Thực.

“Đại Thực, nằm ở phía Tây nước Ba Tư, vào giữa triều Đại Đường Vĩnh Huy [650-655] đã gửi sứ thần [đến Trung Hoa].”

“Lúc ấy, vì vua thứ ba của nước này được truyền ngôi, các vì vua này cũng  mang danh tính Đại Thực.”[2] (dịch từ bản tiếng Anh của Lin Ying – Yu Yusen 2012, tr.313-314).

1.1.2. Cựu Đường thư

Bộ sử Cựu Đường thư (舊唐書), được biên soạn trong khoảng thời gian 941-945, là tài liệu nói nhiều về Đại Thực trong số các tài liệu chính thức của Trung Hoa. Cựu Đường thư dành Liệt truyện 148 để nói về các nước ở phía Tây Trung Hoa (Tây Nhung truyện), trong đó có Ba Tư và Đại Thực. Ngoài ra, rải rác trong các phần khác người đọc cũng bắt gặp tên Đại Thực xuất hiện trong các sự kiện liên quan đến nước này.

Về vụ tấn công Quảng Đông của người Đại Thực và người Ba Tư năm 758, Cựu Đường thư đã ghi ngắn gọn như sau:

 [Ba Tư] “Năm 758 [Càn Nguyên năm thứ nhất đời Đường Túc Tông], người Á-rập [大食] và Ba Tư cùng nhau cướp phá và phóng hỏa Quảng Châu, rồi rút lui bằng đường biển.”[3] (dịch từ bản tiếng Anh của Bretschneider E. 1871, tr.10-11).

1.1.3. Tân Đường thư

Tân Đường thư (新唐書) được biên soạn từ năm 1044 đến 1054. Bộ sử này cũng có mục nói về nước Đại Thực (大食) được xếp trong Liệt truyện 146 quyển hạ về các nước Tây Vực. Lần xuất hiện đầu tiên tên nước này là trong quyển 5 (Bản kỷ đệ ngũ), nhân lúc nói về vụ bại trận Đát La Tư (怛逻斯城 phương Tây gọi là Talas) của Cao Tiên Chi (高仙芝): “Tháng Chín, Cao Tiên Chi đến nước Đại Thực tham chiến ở thành Đát La Tư, và thua trận”[4]

Về cuộc tấn công vào Quảng Châu năm Càn nguyên nguyên niên (758), Tân Đường thư (quyển 6, Bản kỷ đệ lục) ghi như sau: “Đại Thực, Ba Tư cướp phá Quảng Châu”[5]

1.2. Các ghi chép cá nhân

Nhưng trước khi các tài liệu chính thức này ra đời thì tên gọi của nước nằm trong vùng Tây Vực này đã xuất hiện trong nhiều văn bản do một số cá nhân ghi chép từ thực địa, với vài dị bản. Lombard-Salmon cho rằng tên Dashi 大食 xuất phát từ chữ Tāzī, thâm nhập vào tiếng Hán vào năm 685 (Lombard-Salmon C. 2004, tr.23-24) nhưng tác giả không cho biết nó xuất hiện trong tài liệu nào nên chúng tôi không thể kiểm chứng được. Sau đây là các ghi chép cá nhân nói về đất nước này hiện còn được lưu giữ.

1.2.1. Vãng Ngũ Thiên Trúc quốc truyện

Vãng Ngũ Thiên Trúc quốc truyện (往五天竺國傳) là những ghi chép về cuộc hành trình đi Thiên Trúc (nay là Ấn Độ) của hòa thượng Huệ Siêu (tên chữ Hán là 慧超 hoặc 惠超, tài liệu phương Tây viết là Huichao, người Triều Tiên gọi là Hyecho) là người Tân La (新羅), một trong ba vương quốc Triều Tiên trước năm 935. Khởi hành từ Khánh Châu (, tiếng Hàn là Gyeongju) rồi qua Trường An (nay là Tây An), Hòa thượng Huệ Siêu xuống Quảng Châu, đến năm 723 đi thuyền qua Thiên Trúc. Từ bờ đông bán đảo Ấn Độ, hòa thượng đi bằng đường bộ xuyên qua nhiều nước Nam Á và Trung Á, rồi trở về kinh đô Trường An vào năm 728.

Trên đường từ Thiên Trúc về Trung Hoa, ông đã ghi chép những điều biết được về đất nước và con người của những vùng đã đi qua. Bản thảo của ký sự này đã được nhà sư Vương Viên Lục (王圓籙) tìm thấy vào năm 1900 trong một di tích được xây dựng vào thế kỷ IX tại thị trấn ốc đảo Đôn Hoàng (敦煌), để thờ nhà sư Hồng Biện (洪辯). Sự khám phá này nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu phương Tây. Năm 1909, nhà hán học người Pháp P. Pelliot đã gây ra sự xúc động lớn trong giới học thuật Trung Hoa qua việc giới thiệu tại Bắc Kinh một số bản sao di cảo liên quan đến nhiều chủ đề, đặc biệt là về việc truyền bá đạo Phật, trong số đó có di cảo của Huệ Siêu.

Trong ký sự này, hòa thượng Huệ Siêu cung cấp nhiều thông tin về các dân tộc sống trên vùng đất mà sách cổ Trung Hoa gọi là Tây Vực, trong đó địa danh 大寔 (cũng đọc là Dashi, Đại Thực) được nhắc đến nhiều lần; và nó xuất hiện lần đầu tiên trong chương nói về Tây Thiên Trúc quốc (西天竺國):

“又無枷棒窂獄(刑)戮等事. 見今被大寔來侵, 半國已損”

Hai chữ 大寔 trong câu trên được Matty Wegehaupt dịch ra tiếng Anh là Arabs:

“[ở đó] không có nhà tù cũng không có hình phạt như đánh roi hay đóng gông, cũng không có tử hình. Hiện nay, phân nửa vương quốc bị phá hủy và san phẳng bởi các cuộc xâm chiếm của người Á-rập.” (dịch từ bản tiếng Anh của Whitfield R. 2012, tr.103)

Matty Wegehaupt còn chú thích là tên nước 大寔, được phiên chuyển sang mẫu tự la-tinh là Dashi, bắt nguồn từ chữ Tajik dùng để chỉ người Á-rập, còn được viết là 大食, và Đại Thực quốc (大寔國 hay大食國) là tên của nước Á-rập ở Tây và Nam Iran thời nhà Đường và nhà Tống (Whitfield R. 2012, tr. 103).

Hai tác giả Rong Xinjiang & Wen Xin khi viết về ghi chép của Huệ Siêu cũng phiên chuyển hai chữ 大寔 là Dashi khi dịch đoạn văn sau đây.

 “Vua nước Hồ Mật [胡蜜] có một quân đội nhỏ bé với một ít ngựa và không thể tự bảo vệ nước mình. Do đó, nước này phải lệ thuộc vào nước Dashi [大寔], hằng năm nó phải cống nạp 3.000 tấm lụa.” (Rong Xinjiang & Wen Xin, 2015, tr. 407)

1.2.2. Đông chinh truyện

Tên đầy đủ của tài liệu này là Đường Đại hòa thượng Đông chinh truyện (唐大和尚上東征傳). Đây là ghi chép về các lần tổ chức đi Nhật cho đại hòa thượng Giám Chân (鑑真, người Nhật gọi là Kanshin) truyền bá Phật pháp. Tài liệu này được một học trò người Nhật của đại sư tên là Chân Nhân Nguyên Khai (真人元開 tiếng Nhật là Mabito Genkai) ghi chép bằng chữ Hán năm 779, nhưng mãi đến năm 1762 mới được in ra ở Kyoto. Tài liệu kể về những nỗ lực đi Nhật để giảng đạo, trong đó chuyến thứ năm tàu bị bão nhấn chìm phải tấp vào đảo Hải Nam năm 749. Khi về đến Quảng Châu năm 750, tác giả chứng kiến quang cảnh cảng Quảng Châu tấp nập tàu thuyền của người nước ngoài:

“Trên sông [Quảng Châu], có nhiều thương thuyền của người Ba-la-môn (波羅門)[6], người Ba Tư (波斯), người Côn Lôn (崑崙)[7] và nhiều giống dân khác nữa, mà số lượng rất khó xác định. Tàu thuyền nào cũng chất đầy hương liệu, châu báu và nhiều thứ sản phẩm quý báu khác. Hàng hóa chất cao như núi. Người man di da trắng, da đỏ v.v. đến từ nước Sư tử (師子國)[8], nước Ta-che (大石國), nước Cốt Đường (骨唐國)[9] và rất nhiều sắc dân khác thường tới lui hoặc định cư ở đó.” (Takakusu J., 1928, tr. 466-467)

Tên nước 大石國 (Đại Thạch quốc) được Takakusu phiên chuyển là Ta-che, và giải thích đó là Tadjik, Á-rập, còn Bingeinhemmer thì dịch thẳng là Arabia (Á-rập).

1.2.3. Kinh Hành ký

Kinh Hành ký (經行記) được Đỗ Hoàn (杜環) biên soạn trong khoảng thời gian 766-801. Bị bắt làm tù binh trong trận Đát La Tư (Talas) năm 751, sau đó được thả và Đỗ Hoàn tháp tùng trên một thuyền buôn trở về đến Quảng Châu năm 762. Ông viết lại trong Kinh Hành ký những điều đã thu thập được về đất nước, con người và phong tục tập quán của dân chúng sinh sống ở các vùng đất Trung Á. Tiếc thay phần lớn tài liệu này đã thất lạc, một số ít trang còn lại là nhờ Đỗ Hựu chép lại trong Thông điển phần nói về nước Đại Thực của Kinh Hành ký.

“Khi Vua Mumen lên ngôi, thành Yajuluo được lấy làm thủ đô, và Đại Thực được gọi theo tên của thủ đô mới. […] Dân chúng ở đây thường gặp nguy hiểm vì dịch bệnh, phân nửa số người mắc bệnh tử vong không đầy một năm sau đó. Vào lúc này các quân đã chiếm 40 trong số 50 lãnh thổ. Những lãnh thổ này là thuộc quốc của Đại Thực, và binh lính Đại Thực được phái đến chiếm cứ những nước này. Lãnh thổ của Đại Thực trãi dài đến tận biển Tây.” (dịch từ bản tiếng Anh của Lin Ying – Yu Yusen, 2012. tr.316)

1.3. Các tài liệu hiện đại

  1. Biot trong quyển Dictionnaire des noms anciens et modernes des villes et arrondissements… dans l’Empire chinois (Từ điển Hán – Pháp tên cổ và hiện đại của các thành phố trong đế quốc Trung Hoa) xuất bản năm 1842 ghi: “大食 Ta-chi: nom général des Arabes.” (Đại Thực: danh từ tổng quát chỉ người Á-rập)
  2. Porter Smith trong quyển A vocabulary of proper names, in chinese and english (Từ vựng các tên riêng bằng tiếng Trung Hoa và tiếng Anh…) xuất bản năm 1870 tại Thượng Hải cũng ghi: “大食國 Ta-shih kwoh, Arabia”. (Đại Thực quốc, Á-rập)

Như nhận xét của Hirth & Rockhill, các chính sử Trung Hoa khi nói về giai đoạn cuối thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VII, chữ Persia (Ba Tư) được dùng để gán cho tất cả hàng hóa xuất phát từ các nước Đông Dương, Sri Lanka, Á-rập và cả các nước Đông Phi châu nằm ven Ấn Độ dương, lý do là người Ba Tư chiếm đa số thương nhân thời ấy mang hàng hóa của các xứ này đến bán ở Trung Hoa, nên họ quen gọi như thế (1912, tr.7-8). Nhưng đến khi các quốc gia Hồi giáo trỗi dậy chinh phục Ba Tư thì cái tên Đại Thực (Dashi 大食) bắt đầu xuất hiện chung với tên Ba Tư, thậm chí đến đời Tống đôi khi nó được dùng để chỉ luôn phần lãnh thổ đã cải sang đạo Hồi, như Lombard-Salmon đã ghi nhận. Tác giả này cũng cho biết thêm rằng dưới triều Nguyên và Minh, tên gọi Hồi Hồi 回回 được dùng để chỉ tất cả những người Hồi giáo có nguồn gốc từ Tây kể cả những người Á-rập Ba Tư, thậm chí chữ hồ như trong thương hồTây vực nhân 西域 cũng vậy (Lombard-Salmon 2004, tr. 23-24).

Trong báo cáo sơ khởi về công việc tìm hiểu các nghĩa địa bỏ hoang của người nước ngoài trên đảo Hải Nam, Chen Dasheng & Lombard-Salmon C. cũng đã có nhận xét là các tài liệu xưa của Trung Hoa ít khi phân biệt được người Ba Tư và người Á-rập:

“Từ thế kỷ VIII tại vùng đất mà nay là tổng Lingshui nơi mà chúng tôi đã tìm ra các nghĩa địa Songlu và Ganjiao po, đã từng có nhiều cộng đồng cư dân nước ngoài, mà dân ở đây gọi là người Ba Tư, nhưng cũng có thể là người gốc Á-rập, bởi vì các văn bản thời ấy ít kkhi phân biệt được hai sắc dân này.” (Chen Dasheng & Lombard-Salmon C. 1989, tr.80)

Tóm lại, dạng chính tả 大食 là cách viết trong các tài liệu chính thống của nhà Đường và nhà Tống để chỉ các nước nằm ở phía Đông và Đông Nam của Ba Tư, còn các cách viết khác như 大寔 (cũng đọc là Dashi, Đại Thực) hay 大石 (Đại Thạch) chỉ xuất hiện trong các ghi chép của các cá nhân trước khi các tài liệu chính thống ra đời. Tất cả đều được dùng để nói về đất nước và con người ở những nơi đã cải đạo sang Hồi giáo, do đó vô hình trung các tên gọi này có nghĩa là là các nước theo hồi giáo trong vùng[10].

Vậy số phận đưa đẩy thế nào mà người Đại Thục và Ba Tư tận bên Tây Á lại tấn công An Nam năm 757 và Quảng Châu năm 758?

  1. Đại Thực và Ba Tư tấn công An Nam và Quảng Châu

Theo Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam, sau khi tấn công An Nam đô hộ phủ năm 757, người Đại Thực và Ba Tư tiến đánh Quảng Châu. Trong khi đó, Cựu Đường thưTân Đường thư không hề nhắc đến việc họ tấn công An Nam, mà chỉ nói đến cuộc cướp bóc, đốt phá Quảng Châu năm 758, mặc dù thời ấy An Nam nằm dưới ách đô hộ của Trung Hoa. Nếu ghi chép của sách Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam là đúng, vậy hai cuộc tấn công này có phải do một đội quân tiến hành không? Họ là ai?

2.1. Cuộc tấn công của người Đại Thực và Ba Tư xuất phát từ đâu?

Về hướng di chuyển của bọn cướp, Cựu Đường thư chỉ nói ngắn gọn: 浮海而去 (theo đường biển mà đi) khiến người đọc không hiểu là họ tấn công bằng đường bộ rồi rút lui theo đường biển, hay là khi tấn công và khi rút lui đều theo đường biển. Nếu họ tấn công bằng đường bộ như một số giả thuyết đã nêu thì gần như không có khả năng họ là tác giả của cuộc tấn công An Nam năm 757, vì họ phải đến Quảng Châu trước rồi mới đến An Nam. Còn nếu họ đến và đi đều bằng đường biển thì nhiều khả năng họ chính là tác giả của cả hai cuộc tấn công. Các nhà nghiên cứu cũng rất quan tâm đến chi tiết này, vì nó góp phần xác định được thủ phạm của cuộc tấn công.

2.1.1. Giả thuyết về viện binh Uighurs

Dựa vào thông tin ít ỏi về cuộc tấn công được ghi trong Cựu Đường thư mà nhiều nhà Hán học phương Tây đã tìm hiểu, cung cấp thêm ít nhiều chi tiết, và đưa ra nhiều giả thuyết về sự kiện này. Nhà truyền giáo dòng tên A. Gaubil cho rằng thần dân (sujets) của Khalife và binh lính Ba Tư là thủ phạm của các vụ cướp phá Quảng Châu, và nêu giả thuyết đó là đội quân sang tiếp viện cho nhà Đường dẹp loạn An Sử rồi nhân cơ hội đó mà tỏa đi cướp phá các nơi. Ông viết:

“Ngày 30 tháng 10 năm 758 (tháng 9 ngày Quý Tỵ), các thần dân của Khalife cùng với binh lính Ba Tư đã cướp bóc các cửa hàng ở Quảng Đông, đốt nhà cửa của các thương nhân và rút lui bằng đường biển. Viên tiết độ sứ phải nhảy qua tường thành trốn thoát. Sử sách không cho biết thêm chi tiết; thời ấy là một giai đoạn rối ren và hỗn độn; có thể đó là những binh lính do Khalife gửi đến bằng đường bộ, và đi tiếp đến Quảng Châu. Hẳn nhiên là lúc ấy có một cuộc nổi dậy nào đó trong thành phố[11], và nhân cơ hội đó mà toán ngoại binh này đã cướp phá. Người Á-rập và người Ba Tư thời ấy buôn bán lớn ở Quàng Châu.” (Gaubil A., 1814, tr. 84)

Trong đoạn văn trên đây, Gaubil muốn nhắc đến những viện binh của Khalife mà vua Đường Huyền Tông đã cầu viện để dẹp loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh trong những năm 755-763. Đúng là nhà Đường đã cầu viện quân của Khalife Uighurs để dẹp loạn An Sử, nên năm 756 Khalifa Abu Giafar đã gửi một đội quân nhỏ gồm 5.000 lính Uighurs để giúp nhà Đường, và năm 757 đẩy lùi quân nổi loạn ra khỏi Trường An. Những binh lính này được phép định cư tại Trung Hoa, và họ đã cưới vợ người bản xứ; như đã thỏa thuận với Đường Túc Tông (Kamalov A. 2001, tr. 244). Vì vậy khó có thể chấp nhận việc đội quân nhỏ ấy lại có thể thong dong tiến hàng ngàn cây số từ phương Bắc về phương Nam để cướp bóc, rồi lại rút lui bằng đường biển ! Đó là chưa nói đến việc mãi đến năm 763 loạn An Sử mới được dẹp xong. Hơn nữa, sử sách còn ghi rõ là đội quân cướp phá Quảng Châu năm 758 gồm có người Ba Tư và người Đại Thực, nên không thể gán cho quân lính của Khalife mà sách sử Trung Hoa gọi là Hồi Hột (回紇 Huihe, ngày nay gọi là Duy Ngô Nhĩ). Vả lại, quân Uighurs trên bộ mà lại rút lui bằng đường biển thì lại càng khó xảy ra. Vì thế giả thuyết này khó có thể đứng vững.

2.1.2. Giả thuyết về hải tặc Hải Nam

Ngay từ thời xa xưa, Trung Hoa luôn thu hút sự chú ý của nhiều giới, nhất là các thương nhân; họ tìm cách kết nối giao thương trên đất liền và cả trên biển. Năm 116 Hoàng đế La Mã lúc bấy giờ là Trajan đã tới thành phố cảng Charax Spasinu bên bờ Vịnh Persic để phát động một chiến dịch tiến về phương Đông bằng đường biển vòng qua bán đảo Ấn Độ. Sau đó ngày càng có nhiều thuyền bè từ các nước Nam Á đến các lãnh thổ nằm bên biển Đông và xa hơn nữa là các thành phố cảng Quảng Châu và Tuyền Châu của Trung Hoa. H. Cordier cho rằng sự kiện năm 758 tại Quảng Châu là cuộc nổi loạn của cộng đồng người Hồi giáo định cư tại đó, đã cướp bóc và tàn sát 5.000 thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên ông lại nghi rằng họ là cướp biển (Cordier H. 1913, tr.32).

Jacques Gernet (1996, tr. 289-292) thì quả quyết rằng chính cướp biển người Á-rập và người Ba Tư đã cướp phá Quảng Châu vào ngày 30 tháng 10 năm 758, và chính vì thế mà hải cảng nay đã bị đóng cửa trong vòng 50 năm. Ông còn nêu giả thuyết rằng quân cướp biển xuất phát từ căn cứ tại đảo Hải Nam.

J.W. Chaffee thì đưa ra những suy luận có vẻ hợp lý nhằm củng cố nghi vấn của mình:

“Có phải những thương nhân đắm thuyền người Ba Tư và Á-rập là những người đã bị Phùng Nhược Phương bắt giữ, đã ra tay cướp bóc dưới sự chỉ huy của ông ta? Hay có thể nào họ là một nhóm trốn thoát khỏi trại giam của Phùng và hành động vì lợi ích của họ? Chúng ta chỉ có thể suy luận như thế, nhưng sự có mặt đông đảo của những người Tây Á này trên đảo Hải Nam sống ngoài lề của cuộc giao thương giữa Trung Hoa và Abbasid đã khiến họ trở thành những nghi can đã cướp phá Quảng Châu.” (Chaffee J.W. 2018, tr.45)

Nghi vấn trên đây dường như đã được dựa trên những ghi nhận của thầy trò đại sư Giám Chân về các hải tặc trên đảo Hải Nam. Thật vậy, trong quyển Đông chinh truyện, tác giả có ghi lại dấu vết của người Trung Á ở Hải Nam, nơi có cả một cộng đồng người Ba Tư bị thủ lĩnh của đảo bắt làm nô lệ:

“Đại thủ lĩnh (大首領) của châu này [Vạn An Châu 萬安州] tên là Phùng Nhược Phương 馮若芳 trọng thị mời sư phụ của chúng tôi trú lại dinh cơ của ông ấy trong 3 ngày. Phùng Nhược Phương mỗi năm thường xuyên cướp được hai hoặc ba thuyền buôn Ba Tư. Ông ta tấn công tàu thuyền, chiếm đoạt hàng hóa và bắt giữ thủy thủ đoàn làm nô lệ. Nơi cư ngụ của những người nô lệ này nằm ở ba ngày đường từ Nam lên Bắc, và năm ngày từ Đông sang Tây[12]. Các ngôi làng nối tiếp nhau, tạo thành trung tâm cư ngụ của những nô lệ của Nhược Phương.” (Takakusu J. 1928, tr.462)

Tài liệu trên cũng mô tả cảnh sống xa hoa của Phùng Nhược Phương:

“Trong các cuộc vui chơi mà Phùng Nhược Phương chiêu đãi khách, ông ta luôn dùng nhũ đầu hương (乳頭香)[13] để thắp sáng. Mỗi lần đốt tiêu thụ hơn 100 cân (kin). Phía sau nhà ông gỗ tô phương mộc (蘇枋木)[14] để ngoài trời và chất cao như núi. Tất cả những tài sản khác của ông ta thì cũng đầy ắp.” Takakusu, tr. 462)

Ngoài ra, trong Thái bình quảng ký (太平廣記) của Lý Phưởng (李昉) cũng có nói về một hải tặc khác cũng ở đảo này, tên là Trần Vũ Chấn (陳武振) mà tài liệu nói về đại sư Giám Chân không đề cập đến:

“Dưới thời nhà Đường, ở Zhenzhou[15], có một người tên là Trần Vũ Chấn [陳武振] trong nhà chất đầy vàng, là người giàu nhất đảo [đại hào 大豪] và trong kho có hàng trăm sừng tê giác và mai đồi mồi. Thật vậy, của cải của ông ta là của những thương nhân Tây Vực, thuyền của họ đi lạc và bị đắm. Dân chúng ở Hải Nam rất giỏi trong việc niệm thần chú, mà cách gọi dân dã là mưu đắc pháp [牟得法], tức là phép dùng mưu để bắt [tàu bè].” (Chen Dasheng & Lombard-Salmon C. 1989, tr.80)

Tài liệu trên cũng mô tả cách thức bắt giữ các tàu buôn của Trần Chấn Vũ:

“Các tàu buôn chạy ngoài khơi qua đảo, nhưng nếu gió thổi mạnh, họ sẽ tấp vào vùng biển Zhenzhou; những hải tặc trên đảo lên một ngọn núi rồi xõa tóc và đọc thần chú, lúc ấy gió mạnh lên và tàu thuyền không còn có thể thoát ra được, họ không thể đi xa hơn nơi đọc thần chú; đó là cách mà Chấn Vũ đã làm giàu.”  (Chen Dasheng & Lombard-Salmon C. 1989, tr.80)

Có vài chi tiết mà các nhà sử học chưa chú ý tới: thứ nhất, Phùng Sùng Trái 馮崇債 dẫn đầu đoàn hộ tống 800 người chỉ đưa đoàn của Giám Chân đến nửa đường rồi quay trở lại, mà không cùng đi đến dinh cơ của Phùng Nhược Phương. Thứ hai, Phùng Nhược Phương được gọi là Đại thủ lĩnh (大首領), một danh xưng không có trong hệ thống quan chức nhà Đường, trong khi viên quan đón tiếp đoàn được gọi bằng các danh xưng chính thức là biệt giá 別駕 Phùng Sùng Trái. Điều đó hé lộ cho chúng ta thấy rằng Phùng Nhược Phương có một địa vị không bình thường trên đảo Hải Nam lúc bấy giờ, gần với hình thức hùng cứ bất hợp pháp, như là kết quả của một sự thỏa thuận ngầm giữa quan chức với thế lực cát cứ địa phương. Nói một cách cụ thể, rất có thể Phùng Nhược Phương là thủ lĩnh của băng cướp biển trong vùng. Cũng cần nhắc lại, trong một thời gian dài, Hải Nam là nơi triều đình Trung Hoa đày ải các tội phạm, các quan chức hư hỏng hoặc cứng đầu, vì nơi ấy được xem là địa đầu đất nước, nơi sơn lam chướng khí, nơi quy tụ nhiều người thuộc nhiều sắc dân khác nhau, họ đến đây để trốn tránh sự trừng phạt. Và đó cũng là nơi lý tưởng để bọn cướp bóc đặt sào huyệt. Phùng Sùng Trái là một trường hợp hiếm hoi: ông ta tự giới thiệu mình thuộc dòng họ Phong Điền 豊田 mà theo Takakusu tiếng Nhật là Toyota một họ rất đông người ở Nhật. Lý do ông ta lưu lạc đến Hải Nam không được nói tới, nhưng ông ta chọn con đường hợp tác với triều đình, và được phong chức.

Những chi tiết trên đây cho phép các nhà nghiên cứu củng cố thêm cơ sở để tin là có lẽ chính hải tặc Hải Nam đã tổ chức cuộc tấn công vào đất An Nam năm 757 ròi sau đó tiến thẳng lên Quảng Châu cướp phá vào năm 758 mà Cựu Đường thư đã ghi. Chỉ có như thế mới lý giải được tại sao quân cướp đã rút lui bằng đường biển.

Thay lời kết luận

Những dữ liệu nêu ra trên đây cho thấy rằng trong thế kỷ VIII, người Đại Thực và người Ba Tư đã từng xuôi ngược trên biển Đông, đã từng là mục tiêu của các cuộc tấn công của cướp biển đặt sào huyệt ở các đảo hẻo lánh như đảo Hải Nam. Nhưng người Đại Thực và người Ba Tư cũng là thủ phạm của cuộc tấn công vào An Nam và Quảng Châu các năm 757 và 758 như sử sách của Việt Nam và Trung Hoa đã ghi. Từ những dữ liệu lịch sử đã tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng các cuộc tấn công đó xuất phát từ Hải Nam, là hang ổ của cướp biển hoành hành vùng vịnh Bắc bộ nước ta trong suốt nhiều thế kỷ, kể cả vào thời cận đại.


Tài liệu tham khảo

Bingenheimer M. 2004. A Translation of the Tōdaiwajō tōseiden 唐大和上東征傳 (Part 2). Trong tạp chí The Indian International Journal of Buddhist Studies, No 5 (2004), 142-181.

Biot E. 1842. Dictionnaire des noms anciens et modernes des villes et arrondissements de premier, deuxième et troisième ordre compris dans l’empire chinois. Paris: Imprimerie Royale.

Bretschneider E. 1871. On the Knowledge Possessed by the Ancient Chinese of the Arabs and Arabian Colonies, and Other Western Countries, Mentioned in Chinese Books, London: Trübner.

Chaffee J.W., 2018. The Muslim Merchants of Premodern China. The History of a Maritime Asian Trade Diaspora, 750–1400. Cambridge University Press.

Chen Dasheng & Lombard-Salmon Claudine, 1989. Rapport préliminaire sur la découverte de tombes musulmanes dans l’Ile de Hainan. Trong tạp chí Archipel, volume 38, 1989.

Cordier H. 1913. L’Islam en Chine (premier article). Trong tạp chí Journal des savants. Janvier 1913.

Gaubil A. 1814. L’abrégé de l’histoire chinoise de la grande dynastie Tang, trong Mémoires concernant l’histoire, les sciences, les arts, les moeurs, les usages des Chinois, Tome Seizième. Paris: Chez Treuttel et Würtz Libraires.

Gernet J. 1996. A History of Chinese Civilization. Cambridge University Press.

Hirth M.F. & Rockhill W.W. (dịch và chú giải) 1911. Chau Ju-kua, his work on the Chinese and Arab trade in the twelfth and thirteenth centuries, entitled Chu-fan-chï. Pétersbourg: Printing Office of the Imperial Academy of Sciences.

Kamalov A., 2001. Turks and Uighurs during the Rebellion of An Lu-shan Shih Ch’ao-yi (755-762). Trong tạp chí Central Asiatic Journal, Vol. 45, No. 2.

Lin Ying – Yu Yusen 2012. The Arab Empire in Chinese Sources from the 8th Century to the 10th Century. Trong Arabia, Greece and Byzantium Cultural Contacts in Ancientand Medieval Times, Quyển II. Riyadh: King Saud University.

Lombard-Salmon C. 2004. Les Persans à l’extrémité orientale de la route maritime (IIe A.E. -XVIIe siècle). Trong tạp chí Archipel, volume 68.

Porter Smith F. 1870. A vocabulary of proper names, in chinese and english, of places, persons, tribes, and sects in China, Japan, Corea, Annam, Siam, Burmah, the straits and adjacent countries. Shanghai: Presbyterian Mission Press.

Rong Xinjiang & Wen Xin, 2015.  The Semantic Shift of “Western Regions” and the Westward Extension of the “Border” in the Tang Dynasty. Trong tạp chí Eurasian Studies, No III.

Takakusu J. 1928. Le voyage de Kanshin en Orient (742-754) (dịch từ bản tiếng Trung Hoa của Mabito Genkai). Trong tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 28 N°3.

Whitfield R. (Ed.) 2012. Korean Buddhist Culture: Accounts of a Pilgrimage, Monuments, and Eminent Monks. Seoul: Jogye Order of Korean Buddhism.

PHỤ LỤC:

1

Bản đồ đảo Hải Nam với các vị trí có nghĩa địa của người Hồi giáo được phát hiện năm 1978.

[1] Tân Đường thư (quyển 147 hạ, Tây Nguyên man) viết là 黃乾曜 (Hoàng Can/Càn/Kiền Diệu).

[2] Nguyên văn chữ Hán của hai đoạn trích trên đây là: “大食,大唐永徽中,遣使朝貢云。其國在波斯之西”;

“今王即是第三,其王姓大食

[3] Nguyên văn chữ Hán như sau: 乾元元年,波斯與大食同寇廣州劫倉庫,焚 廬舍,浮海而去

[4] Nguyên văn tiếng Hán: 七月,高仙芝及大食战于怛逻斯城,败绩。

[5] Nguyên văn tiếng Hán: 大食, 波斯寇廣州

[6] Takakusu ghi chú là người Brahmanes của Ấn Độ, còn Bingenheimer thì dịch thẳng là người Ấn Độ.

[7] Takakusu và Bingenheimer đều dịch là người Mã Lai.

[8] Takakusu và Bingenheimer đều dịch là Ceylan (Sri Lanka).

[9] Takakusu chú thích là khó xác định Cốt Đường là nước nào, nhưng đó là những người tóc vàng. Ông cho biết thêm là có một bộ lạc tên là Kou-t’ou (骨咄 Cốt Đốt).

[10] Tên gọi 阿剌畢, hay 阿剌璧 “A-la-bi”, mà tiếng Việt phiên chuyển thành Á-rập, xuất hiện lần đầu trong tài liệu Doanh Nhai thắng lãm (瀛涯勝覽) của Mã Hoàn (馬歡), một thông ngôn trong hạm đội của Trịnh Hòa từ 1413 đến 1431.

[11] Có lẽ Gaubil muốn nói đến cuộc nổi dậy của Hoàng Can Diệu ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây năm 756.

[12] Chen & Lombard-Salmon dịch đoạn này (1989, tr.79-80) rõ ràng hơn: “…dans des villages répartis sur une étendue telle qu’il fallait trois jours pour la traverser dans le sens nord sud et cinq dans le sens est ouest.” [trong những ngôi làng được phân bố trên một diện tích rộng đến độ phải mất ba ngày để đi qua từ Bắc xuống Nam và năm ngày để đi từ Đông sang Tây].

[13] Bingenheimer dịch là frankincense (trầm hương), Chen Dasheng & Lombard-Salmon phiên âm là rutou xiang, và chú thích là résine de Boswellie (nhựa cây trầm hương)

[14] Takakusu ghi thêm tên khoa học Caesalpinia sappan L.; Chen Dasheng & Lombard-Salmon phiên âm là sufang mu, và dịch là “bois de sapan”.

[15] Tức 振州(Chấn Châu), ngày nay là Yai-hsien, Nhai Huyện (崖县), phía Tây Nam của đảo Hải Nam.

2 thoughts on “Về cuộc tấn công của người Đại Thực và Ba Tư vào đất An Nam

  1. Bài viết lan man chăng hiểu tác giả muốn chứng minh cái gì? đầu bài là “Về cuộc tấn công của người Đại Thực và Ba Tư vào đất An Nam”. Cuối bài lại kết luận đó là bọn cướp biển “Từ những dữ liệu lịch sử đã tìm thấy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng các cuộc tấn công đó xuất phát từ Hải Nam, là hang ổ của cướp biển hoành hành vùng vịnh Bắc bộ nước ta trong suốt nhiều thế kỷ, kể cả vào thời cận đại”.

    Thích

  2. Người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) từng giúp vua Đường dẹp loạn và được vua Đường cho ở lại sinh sống ở Trường An. Người Ba Tư (Iran) và Đại Thực (Á Rập) từng sinh sống đông đảo ở đảo Hải Nam và định cư, buôn bán ở Quảng Châu. Như vậy, theo cách lập luận của Trung quốc hiện nay, Trường An chính là “vùng đất lịch sử” của người Duy Ngô Nhĩ, còn Quảng Châu và đảo Hải Nam là “vùng đất lịch sử” không thể chối cãi của người Iran và người Á Rập. Vậy Trung quốc phải trả lại Trường An cho người Duy Ngô Nhĩ và trả lại Quảng Châu và đảo Hải Nam cho Iran và các nước A Rập ngày nay, vì đó là “lợi ích cốt lõi” của họ.

    Thích

Bình luận về bài viết này