Hai mặt âm dương của Hồng Nhân Can

Can Vương Hồng Nhân Can (1822 – 1864)

Trích  từ “Thiên Quốc này chẳng thái bình

Tác giả Đào Đoản Phòng

Đỗ Trung Thành dịch

Em họ của Hồng Tú Toàn, Can Vương Hồng Nhân Can của Thái Bình Thiên Quốc, trong một thời gian dài luôn cho mọi người ấn tượng về “người Trung Quốc tiên tiến”.

Đây là do ông đã viết cuốn “Tư chính tân biên”, trở thành nhân vật đầu tiên của Trung Quốc chủ trương xây dựng nhà nước cận đại theo mô hình phương Tây, càng do ông luôn trung thành với Thái Bình Thiên Quốc, thời kỳ đầu trăn trở nhiều năm, cuối cùng đến được Thiên Kinh, thời kỳ cuối cúc cung tận tụy, cuối cùng khảng khái hi sinh, được coi là nhân vật có thủy có chung.

Nhưng cũng giống như rất nhiều nhân vật thời Vãn Thanh, Hồng Nhân Can cũng là nhân vật có vai trò chính trị có tính hai mặt rất mạnh mẽ. Hoặc nói, trong toàn bộ lịch sử Thái Bình Thiên Quốc, e rằng vẫn không có nhân vật thứ hai giống như ông, tiên tiến và lạc hậu đều tập trung thật kịch tính trong một con người.

Hồng Tú Toàn tạo phản, ông trông nhà.

Hồng Nhân Can tuy nói là em họ của Hồng Tú Toàn, nhưng quan hệ huyết thống giữa hai người tương đối xa.

Bọn họ đều là cháu đời thứ 33 của Hồng Thích thời Nam Tống, là hàng chữ Nhân, tính ngược lên năm đời (Kính, Quốc, Nho, Anh, Tùng), mới có cùng tổ tiên là Hồng Tùng Tam. Cũng chính là nói, hai người vừa vặn thoát khỏi “5 đời”.

Tuy rằng như vậy, hai người đồng tông, cùng thôn, lại còn làm cùng một công việc (thầy giáo dạy học kiêm thi trượt nhiều lần), cảm tình là rất tốt. Hồng Nhân Can sinh năm 1822, nhỏ hơn Hồng Tú Toàn 9 tuổi, trên rất nhiều phương diện đều bắt chước theo Hồng Tú Toàn.

Năm Đạo Quang thứ 23 (1843), Hồng Tú Toàn sau khi thi trượt lần thứ tư tự xưng là nhận được sự gợi ý của Thượng đế, phải thanh trừ tà giáo, cứu độ thế nhân, truyền bá Thiên chúa giáo, Hồng Nhân Can trở thành một trong ba giáo đồ đầu tiên (hai người khác là Lý Kính Phương và Phùng Vân Sơn). Luận về tư cách, thì ông có thừa.

Vấn đề là ông chỉ là đồng chí sớm nhất theo Hồng Tú Toàn bái Thượng đế, chứ không phải là “Bái Thượng đế hội”, lại cũng không phải là nguyên lão của Thái Bình Thiên Quốc.

Trên sự thực thì ban đầu Hồng Tú Toàn không muốn làm phản, mà chỉ một lòng truyền giáo, do đó ban đầu phần lớn những giáo đồ đều là “giáo đồ” hàng thật đúng giá. “Thái Bình thiên nhật” do Thái Bình Thiên Quốc xuất bản và trong một số ghi chép khác thì những người ban đầu tin theo Hồng Tú Toàn như nhà họ Bành ở Ngũ Mã Lĩnh Quảng Đông, thầy giáo tư thục họ Giang ở trại Bát Bài Dao Quảng Tây, sau này dường như đều không tham gia khởi nghĩa; Giáo đồ sớm hơn nữa là Lý Kính Phương, nghe đồn sau khi đọc được “Thánh kinh” đã hoài nghi Hồng Tú Toàn hiểu sai giáo lý, con cháu ông sau này được rửa tội lại ở hội Basel Cơ đốc giáo, trở thành một nhà truyền giáo.

Hồng Nhân Can lúc này đương nhiên là cũng chẳng có bất kỳ tư tưởng tạo phản nào – vì ngay cả Hồng Tú Toàn cũng không có. Những “hành động cách mạng” của ông ta chỉ giới hạn ở không bái Thần tài, Táo quân và vứt bỏ bài vị của Khổng Tử trong trường tư thục (Cơ đốc giáo phản đối sùng bái tượng thờ), ngoài ra, thì chính là cùng ông anh họ viết vài bài thơ ca tụng Thượng đế. Tuy là như vậy cũng khiến cho số học sinh trong trường giảm mạnh, còn bị người anh trai cầm gậy đánh cho một trận.

Năm sau, Hồng Tú Toàn cùng Phùng Vân Sơn đi Quảng Tây truyền giáo, Hồng Nhân Can không đi theo, lý do là mẫu thân tuổi già sức yếu; Nhưng năm 1847 Hồng Tú Toàn hồi hương, kéo Hồng Nhân Can đi Hương Cảng, học tập Cơ đốc giáo ở chỗ giáo sỹ người Mỹ La Hiếu Toàn, thì ông lại không lo mẫu thân đã già thêm 3 tuổi, phấn khởi lên đường, còn suýt chút nữa trở thành giáo sỹ, do Hồng Tú Toàn bị mắc lừa, đòi hỏi tiền công, bị cho là “động cơ không trong sáng” mới ủ ê hồi hương.

Sau đó, Hồng Tú Toàn còn đi đi về về giữa Lưỡng Quảng hai lần; trước khi khởi nghĩa vào năm Đạo Quang thứ 30 (1850), còn đặc biệt phái người về đón gia quyến. Bao gồm mẫu thân, anh trai, con trai của ông và một số thành viên họ Hồng đều đi Quảng Tây nhưng Hồng Nhân Can thì lại không đi.

Một số người từng cho rằng, đây là phân công cách mạng không giống nhau, Hồng Nhân Can ở lại Quảng Đông viết lý luận, làm công tác tuyên truyền, còn Hồng Tú Toàn ở Quảng Tây tiến hành “thực tiễn cách mạng”, nhưng từ những dấu tích thì có thể thấy sự việc không giống là như vậy: Hồng Nhân Can không muốn đi Quảng Tây cằn cỗi, nhưng lại rất bằng lòng tới nơi phát triển là Hương Cảng; Không chỉ có vậy, vào năm mà cuộc khởi nghĩa bùng nổ (năm Đạo Quang thứ 30), ông lại chạy đi tham gia khảo thí khoa cử của triều Thanh, sau khi thi trượt, tinh thần chán nản bèn trốn tới huyện Thanh Viễn dạy học.

Từ việc Hồng Nhân Can đã nhanh chóng trốn thoát sau khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ và có thể dõng dạc nói với người ngoại quốc về những việc làm trong thời kỳ đầu của “hội Bái Thượng đế” thì có thể thấy, Hồng Tú Toàn sau này trở thành một kẻ mưu phản, ông ta đều biết rõ, thậm chí còn giúp đỡ vạch kế hoạch, nhưng ông ta lại không quyết tâm tham gia vào, mà quyết định tạm thời đứng ngoài quan sát. Đây cũng là nguyên nhân tại sao ông ta đã giúp “mưu phản”, lại chạy đi tham gia khoa cử của Thanh triều.

Trở thành “người phát ngôn ngoài biên chế”.

Mùa đông năm 1850, tin tức Thượng đế hội khởi nghĩa truyền tới huyện Hoa, hai nhà họ Hồng, Phùng đều vô cùng khẩn trương. Bọn họ biết rõ, là “người nhà của kẻ phản nghịch”, số phận nào đang chờ họ. Một số người nhà họ Hồng, họ Phùng tự phát chạy đi Quảng Tây, nhập vào hành trình của Hồng Tú Toàn, Hồng Nhân Can cũng trong số đó, nhưng khi bọn họ tới được biên giới phủ Tầm Châu Quảng Tây thì biết được quân Thái Bình đã đi rồi, bọn họ đành phải vội vàng trở về.

Đầu năm 1852, Hồng Tú Toàn đã đóng ở châu Vĩnh An Quảng Tây, sai thuộc hạ Giang Long Xương đi đón người nhà họ Hồng, họ Phùng, ai ngờ vị sứ giả này lại quá cuồng “Thiên phụ chủ trương, Thiên huynh gánh vác”, lại cho rằng dựa vào mấy trăm người của hai nhà Hồng, Phùng, thêm vào Thượng đế, Jesu thì có thể ở Quảng Đông tạo ra một thế giới thuộc về mình.

Dưới sự cổ động của người này, người nhà hai họ Hồng, Phùng cử sự tại Cốc Lĩnh, có hơn 200 người tham gia, kết quả dường như lập tức bị Đoàn luyện giết sạch. Bản thân Hồng Nhân Can dường như không tham gia khởi sự, đành phải vội vã bỏ trốn, dưới sự che chở của những tín đồ Cơ đốc, ông ta tới được Hương Cảng, cậy nhờ giáo sỹ truyền giáo người Thụy Điển Hàn Sơn Văn.

Ở Hương Cảng, ông khẩu thuật một bài “lí lịch của Hồng Tú Toàn”, sau này lại cung cấp tư liệu thực tế để Hàn Sơn Văn viết ra cuốn “Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa ký”, trong đó lí lịch của Hồng Tú Toàn, tôn chỉ và lịch sử thời kỳ đầu của quân Thái Bình, có không ít những ghi chép tỉ mỉ xác thực.

Phải biết rằng, người đời khi đó ngay cả việc Hồng Tú Toàn có con người này hay không, hay có thật họ Hồng hay không cũng chưa có được sự nhất trí (có thuyết nói ông vốn họ Chu, có thuyết nói ông họ Trịnh). Những nỗ lực này của Hồng Nhân Can, đã bảo tồn được không ít những tài liệu quý giá về thời kỳ đầu cho Thái Bình Thiên Quốc, cũng dựa vào “tình hữu nghị đồng giáo”, một dạo giành được sự đồng tình rộng rãi của phương Tây.

Nhưng những tự thuật của Hồng Nhân Can không phải là không có vấn đề.

Trước tiên, để giành được sự đồng tình của phương Tây, ông ta đã xuyên tạc Thượng đế giáo, miêu tả nó thành Cơ đốc giáo chính thống. Khi có giáo sỹ tryền giáo ngoại quốc trở về từ Thiên Kinh nói rằng Thượng đế giáo là “tà thuyết dị đoan”, ông bèn cố hết sức biện minh cho Hồng Tú Toàn.

Tiếp đến, để thần thánh hóa Hồng Tú Toàn, ông cố hết sức miêu tả cha con Hồng Tú Toàn thành nhân vật thông thiên, chỉ là chưa dám nói là “em ruột của Jesu”, còn một tay bào chế ra một loạt “những bài thơ cách mạng” của Hồng Tú Toàn.

Những “bài thơ cách mạng” này, bản thân Hồng Tú Toàn lại trước giờ không nhớ nhưng Hồng Nhân Can lại nhớ, mà khi ông tới được Thiên Kinh thì Hồng Tú Toàn bỗng chốc lại nhớ ra. Những bài thơ này viết vào lúc nào, nội dung là gì, vẫn cứ bị Hồng Nhân Can sửa đi sửa lại, thời gian trong đó càng sửa càng sớm, nội dung cũng càng sửa càng ly kỳ, tới sau cùng phần lớn những bài thơ có nội dung Cơ đốc giáo lại được viết ra trước khi Hồng Tú Toàn biết Cơ đốc giáo, thậm chí khi Hồng mới chỉ là một bách tính của Thanh triều đã dám giữa ban ngày ban mặt, ở trong miếu đề thơ lên vách và lạc khoản “Thái Bình Thiên Vương đề”, những quan viên, thân sĩ có liên quan lại coi như không thấy – đương nhiên, đây đều là Hồng Nhân Can nói, tin hay không tùy bạn.

Năm Hàm Phong thứ tư (1854), quân Thái Bình định đô ở Thiên Kinh, thực lực ngày càng phát triển, Hồng Nhân Can quyết định tới nương nhờ.

Tháng 3 âm lịch năm đó, ông mang theo số tiền Hàn Sơn Văn đưa ông (nửa số nhuận bút của cuốn “Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa ký”), đặt chân lên thuyền đi Thượng Hải, dự định đi đường Thượng Hải, đang được kiểm soát bởi Tiểu đao hội, tới Thiên Kinh. Ai ngờ người của Tiểu đao hội căn bản không tin mối quan hệ giữa ông ta và Hồng Tú Toàn, bỏ rơi ông ta mấy tháng.

Ông đành trở về Hương Cảng sau khi tiêu hết tiền, làm giáo sỹ truyền giáo cho “Hội Luân Đôn” của giáo hội nước Anh, và theo học lịch pháp phương Tây với hai người Anh là James Legge và Chalmers – mấy năm sau khi ông ta trở thành “tổng lý đại thần” của Thiên Quốc bèn sửa đổi một chút đoạn lịch sử này, sửa thành ông là thầy giáo, hai người nước ngoài kia là học sinh, cho đến tận khi bị bắt thì bản khẩu cung vẫn viết là như vậy.

Trở về từ Thượng Hải, ông ít tuyên truyền cho Thái Bình Thiên Quốc, điều này có lẽ là bởi khi đó liệt cường đã nhiều lần tiếp xúc với quân Thái Bình, biết được rằng Thượng đế của Hồng Tú Toàn không hề giống với chúa của họ, cũng đã chẳng còn hứng thú với những lời nói nhăng nói cuội của Hồng Nhân Can như trước nữa.

Cuộc hành trình ly kỳ.

Sự thực lúc này Hồng Nhân Can một lòng muốn đi Thiên Kinh nhưng ông không có tiền. Ông hi vọng hai người thầy giáo người Anh giúp đỡ nhưng người phụ trách giáo hội James Legge phản đối. Sau này vị giáo sỹ này nhớ lại nói, Hồng Nhân Can nói rằng mình đi Thiên Kinh, có thể “cải chính những sai lầm trong giáo lý của Hồng Tú Toàn”, đưa nó trở về “chính thống”, nhưng ông ta thì lại cho rằng nếu Hồng Nhân Can đến được Thiên Kinh, không những không thể cải tạo Hồng Tú Toàn mà bản thân còn bị Hồng Tú Toàn cải tạo. Do đó trong thời gian ông làm người phụ trách thì không cho phép Hồng Nhân Can đi, trước khi đi Luân Đôn “công tác” còn dặn đi dặn lại Chalmers phải “trông chừng Hồng Nhân Can”.

Nhưng Chalmers lại có chút động lòng với những lời nói của Hồng Nhân Can, không những cho Hồng Nhân Can vay một khoản lộ phí không nhỏ còn nhận lời chăm sóc vợ con ông ta (năm 1860 ông nhờ người đưa những gia quyến này tới Thiên Kinh). Như vậy, năm 1858, Hồng Nhân Can lại một lần nữa lên đường tới Thiên Kinh. Lần này ông đi đường bộ, nhưng con đường này cũng lắm ly kỳ. Chắc khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch cùng năm ông khởi hành “từ Nam Hùng qua Mai Lĩnh vào Giang Tây” qua Cống Châu, Cát An tới được ranh giới Nhiêu Châu, lại gia nhập vào địa bàn của phó tướng Thanh triều Thái Khang Nghiệp. Tháng 8 năm đó, đại tướng quân Thái Bình Dương Phụ Thanh tấn công Thái Khang Nghiệp, Hồng Nhân Can lại chạy theo quân của Thái, ngay cả hành lý cũng mất rất nhiều.

Từng có người cho rằng, ông không gia nhập “hàng ngũ cách mạng” của Dương Phụ Thanh, lại ở trong trại quân Thanh, là “đầu cơ chính trị”, cách nói này có sự thiên lệch – làm người họ Hồng, một khi ông ta bị bại lộ căn bản chỉ có con đường chết, “đầu cơ” thế khác gì giết người xong còn liếm máu trên con dao.

Mấy năm gần đây trong bản cung bổ xung của Hồng Nhân Can, mới được phát hiện tại Đài Loan, có đề cập ông ta cùng hùn vốn với một sĩ quan triều Thanh dưới quyền của Thái Khang Nghiệp đi Hồ Bắc mua hàng, lại đi Thiên Kinh buôn lậu. Hiển nhiên, đây là kế sách trà trộn vào khu vực do Thái Bình Thiên Quốc kiểm soát của ông. Có người khảo cứu nói, Thái Khang Nghiệp là người Khách Gia Quảng Tây, khi đó hành trình gặp khó khăn, ra ngoài nhờ vả đồng hương là chuyện bình thường, chỉ cần Hồng Nhân Can không nói ra thân phận thật, dựa vào tiếng Khách Gia nương nhờ sĩ quan đồng hương, quả thật là có rất nhiều sự thuận tiện.

Ông cùng vị sĩ quan đó khởi hành đi Long Bình Hồ Bắc mua hàng, giữa đường tại Hoàng Mai đã điều trị chứng nhức đầu cho cháu của huyện lệnh Đàm Hán Nguyên (Hồng Tú Toàn và Hồng Nhân Can đều thông hiểu y thuật), và nhận được rất nhiều tiện lợi, hoàn thành việc mua hàng một cách suôn sẻ, đông hạ An Huy mà không bị cản trở.

Có chuyện khiến người ta dở khóc dở cười là vị tri huyện từng giúp đỡ Hồng Nhân Can, thiếu chút nữa tiến cử ông làm gia sư lại từng là đối tượng thu thập chính của tập tình báo về quân Thái Bình “Tặc tình hối toản” do Tăng Quốc Phiên ủy quyền biên soạn, lại còn là thủ lĩnh Đoàn luyện nhất lộ truy sát quân Thái Bình từ Quảng Tây tới Hồ Bắc. 

“Tặc tình hối toản” có ghi chép, Đàm Hán Nguyên từng là tú tài Tầm Châu Quảng Tây. Rất rõ ràng, kẻ mai danh ẩn tính Hồng Nhân Can lại một lần nữa sử dụng lá bài “đồng hương gặp đồng hương, hai hàng lệ tuôn trào”.  

Tới được địa giới sông Thìn Đường của An Huy, ông phát hiện có một cánh quân Thái Bình đóng ở địa phương bèn rời bỏ đồng bọn chạy đi tự giới thiệu. Tướng chỉ huy là Hoàng Ngọc Thành không dám chậm trễ, vội vàng phái người hộ tống vị “đệ đệ của Thiên Vương” này đến Thiên Kinh.  

Tới được ngày hôm đó là ngày 13 tháng 3 năm thứ 9 Kỷ Mùi (1859).

Là Văn Khúc tinh hay là pháo hỏa tiễn.

Theo như cách nói của Hồng Nhân Can, ông ta rất có tài năng, do đó Hồng Tú Toàn “nội cử bất tỵ thân”, đề bạt ông ta lên vị trí tổng lý triều chính, mà còn do có tài, được “các quan văn” tôn là “Văn Khúc tinh”. Ông hết sức điều hòa mối quan hệ giữa Thiên Vương và các đại tướng, và “xử sự công bằng”, do đó gặp phải sự nghi kỵ của các đại tướng, nhiều lần bị gây sức ép.

Cách xưng hô “Văn Khúc tinh” là có. Năm đó có một văn nhân tên là Ngô Gia Trinh, từng tận tai nghe được lời xưng hô này, còn viết một bài thơ châm biếm, hai câu đầu là “Hà vật cuồng thả phụ thịnh danh, xuất ngôn năng sử nhất quân kinh”. Từ điểm này có thể thấy, Hồng Nhân Can không hề nói dối. Vấn đề là ở chỗ Thái Bình Thiên Quốc trọng võ khinh văn, “quan văn đặc biệt tôn trọng” thực ra có ý là “võ quan đặc biệt không tôn trọng”, có thể thấy uy tín của Hồng Nhân Can, thực ra cũng bất quá là như vậy thôi.

Ngày 13 tháng 3 ông tới Thiên Kinh, được phong là Can Thiên Phúc (cấp thứ 3 trong 6 cấp dưới tước Vương), mấy hôm sau thăng lên Can Thiên Nghĩa (cấp đầu tiên trong 6 cấp), chủ tướng bảo vệ kinh thành (đã ngang chức với Thạch Đạt Khai, Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành), đầu tháng tư được phong là khai triều tinh trung quân sư, khâm mệnh văn hành chính tổng tài, Can Vương phúc thiên tuế. Ngoại trừ Thạch Đạt Khai đã bỏ đi, khi đó ông là tước Vương duy nhất của Thái Bình Thiên Quốc, quân sư duy nhất, địa vị được minh xác là “bằng với nam (Phùng Vân Sơn)”. Cũng tức là nói, nếu Thạch Đạt Khai quay về, cũng chỉ có thể là thuộc cấp của ông.

Đề bạt nhanh như hỏa tiễn như vậy, võ tướng không phục đâu có gì là lạ, trách nhiệm thì nên do Hồng Tú Toàn gánh vác. Sau khi Hồng Nhân Can bị bắt tự xưng, ông ta từng nhiều lần khiêm tốn từ chối nhưng không được, nhưng năm đó ông có lưu lại một tập thơ “quân thứ thực lục”, bên trong có một bài thơ vừa khéo làm khi ông được đề bạt, trong thơ tự ví mình với Trương Lương, Khương Thái Công, thậm chí còn tự hào vì mình trẻ hơn Khương Thái Công hơn 30 tuổi đã làm thủ tướng, cơ hồ nào đâu có ý từ chối, khiêm nhường.

Hồng Nhân Can dường như là rất phản đối việc loạn phong quan tước, từng viết một bản “lập pháp chế huyên dụ”, nói “cơ yếu của quốc gia, duy nhất ở việc tuyển chọn”, đau lòng nhức óc với sự hỗn loạn “lấy việc thăng cấp làm vinh, một năm thăng 9 lần còn là chậm, một tháng thăng 3 lần còn chưa đủ”, còn thúc giục Thiên Vương lấy danh nghĩa Ấu chủ ban bố chiếu chỉ, tạm thời dừng việc tiến cử, đề bạt quan viên.

Nhưng hành động và lời nói của ông lại không đi đôi với nhau.

Sau khi “lập pháp chế huyên dụ” chính thức ban bố, việc lạm phong quan tước không những không giảm bớt ngược lại ngày càng nghiêm trọng, chủ tướng từ vài viên đã biến thành mười mấy viên, số lượng lục tước cũng tăng lên đáng kể, như từ 20 tháng 9 năm thứ 10 Canh Thân đến ngày 30 tháng 12, chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 tháng ngắn ngủi, Thiên Kinh đã phong 13 người tước Nghĩa, 36 người tước An, 148 người tước Phúc, 1 người tước Yến và một số lượng lớn quan chức, trong đó có người như Hoàng Văn Anh, không tới một tháng mà từ tước Phúc thăng lên tước An.

Trong những chiếu thư phong tước này, ghi chú rõ là Can Vương tiến cử có 5 người, do Can Vương, Tán Vương, Chương Vương liên danh tiến cử có 1 người, mỗi bản tấu hễ tiến cử là mấy chục người, cùng thời gian đó chiếu thư tiến cử của nha môn lại bộ, cơ quan được cho là chịu trách nhiệm về công việc tiến cử bất quá chỉ có 3 bản, tổng số người được tiến cử trong đó còn không bằng số người trong một bản mà Can Vương tiến cử trong ngày 27 tháng 9.

Càng hoang đường hơn là, ngày 29 tháng 12 năm thứ 10 Canh Thân (1860), chỉ hai ngày sau khi chiếu chỉ “tạm miễn tiến cử phong tước cho quan lại văn võ thuộc quyền” của Ấu Thiên Vương được ban xuống, Hồng Nhân Can đã tiến cử thăng quan liền một mạch cho 37 người, mà rất nhiều người trong đó chỉ mới tham gia một “trận chiến Nam Lăng” quy mô rất nhỏ, mà dường như căn bản chẳng phải là thắng trận.

Chính kiến tự tương mâu thuẫn.

“Tư chính tân biên” của Hồng Nhân Can nhận được sự đánh giá rất cao, thậm chí mạc liêu của Tăng Quốc Phiên là Triệu Liệt Văn cũng phải kinh hãi thốt lên “lời văn trong đó rất có kiến thức, rất am hiểu tình hình của bọn Di, lấy đó mà xét, dường như trong bọn giặc đâu phải không có người”.   

Bộ sách này được chia làm bốn phần là pháp pháp loại (các loại luật và chính sách về việc cải cách chính trị và kinh tế), dụng nhân sát thất loại (nhận ra sai lầm trong việc dùng người – nhấn mạnh sự lãnh đạo thống nhất chống lại khuynh hướng chủ nghĩa phân quyền), phong phong loại (nhắm vào các tệ nạn đang tồn tại trong xã hội và nỗ lực thay đổi phong tục), hình hình loại (học theo các nước tư bản phương Tây cải cách hình pháp), nhấn mạnh “sự hữu thường biến, lý hữu cùng thông” (sự vật có trạng thái bình thường tương đối ổn định, cũng có khi ở trạng thái biến đổi đáng kể, đạo lý lúc không dùng được, có lúc lại dùng được), phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với tình hình, thích ứng với hoàn cảnh, “cái hay trong luật pháp của người Tây dương”, không chỉ học tập, thu nhập vũ khí, thiết bị tiên tiến của phương Tây, còn phải học tập hệ thống pháp quy, chế độ của nó, “thay đổi phép tắc, nếp sống”, cùng “sánh vai với người Tây”, phát triển ngoại giao bình đẳng; Chủ trương mở ra mô hình giáo dục mới, bồi dưỡng nhân tài; Chủ trương loại bỏ những cơ chế cũ đã không còn phù hợp với thời đại như tị húy; Chủ trương “thận trọng với việc tử hình”, giảm trách nhiệm hình sự với người tội nhẹ, dựa vào pháp trị để trị quốc vv.  

Những ý tưởng này không chỉ vượt qua “Hải quốc đồ chí” của Ngụy Nguyên, thậm chí ngay cả phái Dương Vụ chỉ chủ trương học tập kỹ thuật mà không chủ trương học tập chế độ của phương Tây cũng tự than là không bằng, nếu như có thể thực hiện, thì đó thực là một điều may mắn, Thái Bình Thiên Quốc có lẽ đã có thể trở thành một quốc gia cận đại hóa.

Nhưng cuốn sách này tuy rằng được Hồng Tú Toàn tự tay phê bình chú giải, cho phép phổ biến rộng rãi nhưng ngoại trừ tăng thêm một số chức quan cho trào lưu mới, dường như chẳng có dấu tích tiến triển gì. Một số người cho rằng do chiến sự của quân Thái Bình cấp bách, không có điều kiện thi hành; Một số người khác thì cho rằng do Hồng Tú Toàn không mấy hứng thú với việc này nên không có động lực; Còn có một số người cho rằng là do các đại thần, tướng lĩnh không phục.

Những điều này đương nhiên là có đạo lý nhưng bản thân Hồng Nhân Can cũng có trách nhiệm không thể chối bỏ.

Robert j. Forrest, phiên dịch của nước Anh, là người bạn và không có ác ý gì với ông từng phê bình rằng “lập chí rất cao nhưng bản tính sợ hãi lười nhác, ưa sĩ diện, có thể đề xuất những kiến giải sâu sắc, nhưng lại thiếu tính kiên trì và dũng khí để thúc đẩy”.  

Ví dụ như, ông từng cho rằng Bái Thượng đế giáo của Hồng Tú Toàn có rất nhiều chỗ không hợp lý, còn viết một cuốn “Thiên ma Thiên tẩu biện chứng”, có ý muốn chỉnh lý những “quan điểm sai lầm” của Hồng Tú Toàn, kết quả là sau khi bị Thiên Vương quở trách đã quay ngoắt 1800, trở thành kẻ cổ súy cho Thượng đế giáo.

Rất nhiều giáo sỹ ghi lại rằng, khi ông ở Hương Cảng kiên quyết phản đối một chồng nhiều vợ, nhưng tới khi những người này gặp ông ở Thiên Kinh, thì ông đã thê thiếp cả bầy, còn hùng hồn viện dẫn “chỉ ý mới của Thượng đế” mà Hồng Tú Toàn có được trong mơ để biện hộ cho mình.

Ông từng kiên quyết phản đối tị húy, cho rằng cách làm này không hợp thời; nhưng hai năm sau, cuốn “Khâm định kính tị tự dạng” tập trung tất cả những chữ kỵ húy của Thái Bình Thiên Quốc, trong đó ngay cả những chữ thường dùng như “hỏa”, “sư”, “quang”, “minh” đều không cho phép sử dụng (tài chủ phải sửa thành “tài trụ”, sư trưởng phải sửa thành “tư trưởng”) lại do ông ta chủ trì xuất bản.

Ông chủ trương trị quốc theo luật pháp, chủ trương tinh binh giản chính, chủ trương kiểm soát nghiêm ngặt việc đề bạt thăng chức của quan viên, nhưng lại dễ dàng tiến cử thăng quan cho hàng chục người cùng một lúc, 9 năm trước khi ông tới Thái Bình Thiên Quốc, phong Vương chỉ có 9 người, 5 năm sau khi ông được phong Vương, chỉ tước Vương thôi đã có hơn 2700 người, còn lục tước, thừa tướng thì đã nhiều tới mức đếm không xuể.

Mâu thuẫn với bản thân nhiều như vậy, thực ra căn nguyên thì chỉ có một: ý chí của ông ta từ đầu tới cuối đều phục tùng ý chí của Hồng Tú Toàn.

Phàm là những chủ trương ban đầu của ông mà Hồng Tú Toàn cũng không phản đối thì có thể kiên trì tới cùng; Phàm là những chủ trương ban đầu của ông nhưng Hồng Tú Toàn không cho là đúng thì cuối cùng nhất định sẽ chiếu theo ý tứ của Hồng Tú Toàn mà làm, Hồng Nhân Can thì chỉ có thể vất vả để thích ứng với “tư duy mới”, và chuyển hóa nó thành tư duy của mình.

Con người quyền thuật và trá thuật Hồng Nhân Can trong triều dường như không có đồng minh, nhưng lại có một đống kẻ thù chính trị. Ban đầu, mối quan hệ giữa ông và Trần Ngọc Thành rất tốt, bản thiết kế của “lập pháp chế huyên dụ” chính là một phần ý kiến của Trần Ngọc Thành. Ông còn hết sức chủ trương giao quyền lực của quân viễn chinh cho Trần Ngọc Thành. Nhưng sau khi An Khánh thất thủ, ông lại quay ra đấu đá với Trần, cuối cùng dẫn tới Hồng Tú Toàn cáu tiết cách chức cả hai.

Nguyên nhân của việc bất hòa, Trần Ngọc Thành chỉ để lại năm chữ “làm việc không công bằng”, còn bản cung của Hồng Nhân Can lại vừa khéo thất lạc mất đoạn này, chỉ có thể lờ mờ nhìn ra, hai người đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong việc An Khánh thất thủ.

Hồng Nhân Can từng đích thân cầm quân cứu viện An Khánh, nhưng chẳng chút thành quả, Tăng Quốc Phiên trong thư nhà từng cho rằng sức chiến đấu của bộ đội dưới quyền Hồng Nhân Can rất yếu. Nhưng bình tâm mà xét, để một người chẳng chút kinh nghiệm quân sự như ông cầm quân đánh một chiến dịch lớn như vậy (còn là tổng chỉ huy), thì trách nhiệm không nên chỉ do một mình ông gánh vác.

Quan hệ giữa ông với Lý Tú Thành trước giờ vẫn bất hòa, tới mức phản tướng Lý Chiêu Thọ viết thư gửi Lý Tú Thành, gây chia rẽ để ông đầu hàng triều Thanh. Trong bản cung sau này, Hồng Nhân Can nói “vây Ngụy cứu Triệu” mà Lý Tú Thành dùng để đánh phá đại doanh Giang Nam là kế hoạch của ông ta, còn lần thứ hai Tây chinh đánh Vũ Hán, cứu An Khánh thất bại là do Lý Tú Thành không nghe lời ông. Nhưng từ cung đường hoạt động của Lý Tú Thành trong khoảng thời gian 1859-1860 cho thấy, khi bắt đầu xây dựng kế hoạch “vây Ngụy cứu Triệu”, Hồng Nhân Can có lẽ không hiểu rõ tình hình. Còn “Tây chinh lần hai” trong hành động dần dần diễn biến thành “đánh Vũ Hán cứu An Khánh”. 

Chủ trương ban đầu của Hồng Nhân Can là để Lý Tú Thành “tảo bắc”, công đánh Bắc Kinh, khi đó liên quân Anh Pháp đang khai chiến với Thanh đình tại Bắc Kinh, còn Lý Tú Thành khăng khăng đi Giang Tây tiếp ứng cho quân khởi nghĩa địa phương. Bản hịch văn ngày nay còn lưu giữ được của Hồng Nhân Can ngày mồng 6 tháng 7 năm thứ 11 Tân Dậu (1861), để cổ vũ liên quân Anh Pháp công phá Bắc Kinh, và nói rằng muốn “phạt tang” (lợi dụng nhà người khác đang bận việc ma chay mà động binh), mà chỉ qua 19 ngày, An Khánh bèn thất thủ.

Trên thực tế, ban đầu các Vương của Thái Bình Thiên Quốc đều không coi trọng việc An Khánh bị vây. Trong hồi ức của Hồng Nhân Can có nói Lý Tú Thành không hiểu được “cứu binh như cứu hỏa”, nhưng bản thân ông ta xuất binh cuối năm 1860, tháng 2 âm lịch năm sau quay về Thiên Kinh, trong thời gian ở Hoản Nam, Cống Nam ung dung tự đắc, thư thái vô sự, nhất lộ ngâm thơ, viết văn, chẳng chút gì gấp gáp cả.

Ông rất phản cảm với việc chư vương cát cứ, ngăn chặn nhưng phương pháp ngăn chặn của ông, một là thu binh quyền, tài quyền về con cháu, phò mã họ Hồng (rất nhiều đều là trẻ con), hai là “chúng kiến chư hầu nhi thiểu kỳ lực”, điều động, phong Vương cho các bộ tướng dưới quyền chư Vương, kết quả khiến cho cả hệ thống quân chính của Thái Bình Thiên Quốc trở nên hỗn độn, lòng người tản mát, đến mức khi Tương quân áp sát chân thành, Lý Tú Thành đích thân điều động các Vương về cứu viện, lại cũng vô cùng vất vả.

Sự thù địch của ông với những đối thủ chính trị là không cần che đậy. Chương Vương Lâm Thiệu Chương là người mà ông thù ghét nhất, mấy lần lên xuống của Lâm đều có liên quan đến sự bất hòa giữa hai người. Trong ghi chép của ông, Lâm Thiệu Chương cái gì cũng sai, năm 1863 được cử đi Giang Chiết trưng tập lương thực chi viện cho Thiên Kinh, “không thu được gì”, nhưng trong tấu báo của Tăng Quốc Thuyên có rất nhiều bản đề cập tới việc ngăn chặn đội lương của Lâm Thiệu Chương, còn tướng giữ Hồ Châu là Hoàng Văn Anh do phụ trách chăm sóc cho gia quyến các tướng lĩnh xuất chinh, thiếu hụt lương thực, đã từng vay được lương của Lâm Thiệu Chương, đủ thấy cách nói của Hồng Nhân Can cực kỳ khoa trương.

Để bác bỏ Lý Tú Thành, ông ta nói mình vào năm 1860 từng mời “quan Tây” từ Thượng Hải về để giảng hòa, đã đàm phán ổn thỏa, nhưng kết quả là Lý Tú Thành không chịu, khăng khăng đi đánh, cuối cùng “trúng phải kế không thành bại trận quay về”. Cách nói này có sức ảnh  hưởng rất lớn, đến mức người kiên trì tới tận năm 1868 là Lại Văn Quang trong bản cung cũng phê bình Lý Tú Thành “không biết quân mệnh mà ngông cuồng đánh Thượng Hải”, “mất đi hiệp ước với ngoại quốc”. Lại Văn Quang là thân thích của Thiên Vương, khi ấy là quan văn trong triều, cách nghĩ này của ông ta chỉ có thể từ Hồng Nhân Can.

Chân tướng của việc này rốt cuộc là thế nào?

Chính xác là có 5 người Tây dương khởi hành từ Thượng Hải đi Tô Châu, nhưng bọn họ không phải là “quan Tây”, mà chỉ là giáo sỹ truyền giáo: 4 mục sư người Anh Griffith John, Joseph Edkins, Innocen, John Burdon và Lao mục sư người Pháp, bọn họ không giữ chức trách gì của chính phủ, mà ngược lại, rõ ràng từ chối tiếp nhận và mang theo bất cứ văn kiện nào viết cho chính phủ, mà chỉ là đến để xem xét khả năng truyền giáo trong địa hạt của quân Thái Bình.

Là người sống ở Hương Cảng nhiều năm, bản thân cũng từng là giáo sỹ, Hồng Nhân Can không nên nhầm lẫn là “quan Tây”, càng nghiêm trọng hơn là, trong năm vị giáo sỹ này, Griffith John, Joseph Edkins đều quen Hồng Nhân Can, Griffith John thậm chí là bạn của ông ta; Nếu như nói trước khi gặp mặt ông không biết chuyện, sau lần thứ hai hội ngộ 5 người này vẫn kiên trì nói họ là “quan Tây đến nói chuyện giảng hòa”, thì thật là trắng đen điên đảo rồi.

Từ những sử liệu ngày nay còn lưu giữ được, Lý Tú Thành ban đầu thật sự tin rằng “người Tây đến hàng”, đặc biệt để bộ đội đợi Can Vương đến Tô Châu đàm phán với “quan Tây”, sau này vội vàng tiến binh, cho là phát hiện ra thân phận thật sự của những “quan Tây” này chỉ là giáo sỹ.

Để hạ thấp Lý Tú Thành, ông ta nói những chư Vương, phò mã họ Hồng như Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt là “người trung trực”, cho rằng Hồng Tú Toàn chỉ là xuất phát từ quan hệ thân thuộc mới phong cho bọn họ hư vị, Lý Tú Thành đơn thuần là đố kỵ. Nhưng chư Vương nhà họ Hồng tham lam vô sỉ bất tài, không phải một mình Lý Tú Thành nói vậy, quân Thái Bình, quân Thanh cho tới rất nhiều ghi chép trong dân gian đều có thể làm chứng. Còn “hư vị” thì ngay cả đến Ấu Thiên Vương Hồng Thiên Quý Phúc cũng nói “tất cả triều chính” là do Hồng Nhân Phát, Hồng Nhân Đạt, Ấu Tây Vương Tiêu Hữu Hòa và “Thẩm chân nhân” Thẩm Quế, một người lai lịch bất minh quản lý, Hồng Nhân Đạt “quản lý những việc như ngân khố và lương tiền phong quan”, vậy “hư vị” là đâu?

Đương nhiên cũng có một số chỉ trích nhắm vào cá nhân ông, cơ hồ có sự thiên lệch.

Ví dụ như La Hiếu Toàn, người từng là thầy giáo của Hồng Tú Toàn, sau này trở mặt, nói Hồng Nhân Can gào thét, bạt tai ông ta, thậm chí giết người hầu của La, khi đó những người nước ngoài khác cư trú tại Thiên Kinh đều nói “không có chuyện này”, cho rằng La Hiếu Toàn vì không từ mà biệt nên kiếm cớ vậy thôi.

Lại một ví dụ, Lý Tú Thành sau khi bị bắt làm tù binh nói với quan viên Thanh triều, sách của Hồng Nhân Can “chẳng đáng xem”, trong bản cung dài tới 70000 chữ, chỉ một chỗ đề cập tới cái tên Hồng Nhân Can, Trên sự thực, thời gian Hồng Nhân Can nắm quyền, bọn họ cũng từng có một số lần hợp tác tương tối tốt.

Kết cục và đánh giá.

Ngày 16 tháng 11 năm thứ 13 Quý Khai (1863), Hồng Nhân Can mang quan hàm dài tới 52 chữ rời khỏi Thiên Kinh, đi các nơi thúc cứu binh, nhưng tướng lĩnh các nơi lấy lí do “không có lương” để án binh bất động, ông chỉ có thể ở lại Hồ Châu mong ngóng.

Ngày 24 tháng 7 năm 1864, Thiên Kinh thất thủ, Ấu Thiên Vương chạy tới Quảng Đức, ông từ Hồ Châu đi nghênh đón, đưa tới “mấy vạn thạch gạo”, điều này khẳng định là khoa trương, có nhiều lương như vậy sao tới mức “không có lương” phải án binh bất động.

Ngày 28 tháng 8, ông cùng Đổ Vương Hoàng Văn Kim, Hựu Vương Lý Viễn Kế bảo vệ Ấu Thiên Vương rời khỏi Hồ Châu, Quảng Đức đi Giang Tây. Ngày 9 tháng 10 Thạch Thành Giang Tây bị quân Thanh tập kích ban đêm, toàn quân tan vỡ. Bản thân ông bị bắt làm tù binh, sau khi viết rất nhiều văn tự thể hiện “noi theo Văn thừa tướng (Văn Thiên Tường)”, trung thành với Thái Bình Thiên Quốc và tiếp tục thần hóa cha con Hồng Tú Toàn, ngày 23 tháng 11 bị xử lăng trì tại Nam Xương.

Hồng Nhân Can có ba người con trai: Hồng Quỳ Nguyên, Hồng Lan Nguyên, Hồng Chi Nguyên. Khi Thiên Kinh thất thủ Lan Nguyên, Chi Nguyên lần lượt mới được 9 tuổi, 2 tuổi, sau này không rõ tông tích. Quỳ Nguyên theo Ấu Thiên Vương đi Hồ Châu, sau khi quân bị vỡ một mình trốn về Quảng Đông, trốn trong “thư viện Lý Lãng” của người Tây dương, sau do bị truy lùng gắt gao, tự bán mình làm culi đi Surinam ở Nam Mỹ, nghe nói sau này lại di cư Jamaca.

Nghe đâu phụ lão ở huyện Hoa những năm đầu Dân Quốc truyền nhau, Hồng Quỳ Nguyên từng chăn dê sống qua ngày, khi đàn dê không nghe lời thường nổi giận lôi đình, nói “Bố mày năm đó cầm trăm vạn đại quân, không tin là không thể thu thập nổi mấy con dê chúng mày”. Nếu thực như thế, thì Quỳ Nguyên dường như bị bệnh huênh hoang di truyền từ ông bố rồi – Y chưa từng cầm quân, khi Thiên Kinh thất thủ tuổi mới 14.

Trong các nhân vật của Thái Bình Thiên Quốc, tri thức, học thức của Hồng Nhân Can đều có chỗ hơn người, ý nghĩa lịch sử của “Tư chính tân biên” có đánh giá thế nào cũng là không quá đáng. Nhưng ông ta là người to lớn trong lời nói, nhỏ bé trong hành động, hơn nữa tới cuối cùng, thậm chí còn chẳng chút xấu hổ thúc đẩy “những chính trị xấu” mà bản thân đã từng kịch liệt phản đối.

Suy cho cùng, tính hai mặt lộ ra trong con người Hồng Nhân Can, căn nguyên của nó nằm ở tư tưởng “gia đình độc bá thiên hạ” của ông ta.

Ông vốn chủ trương biến pháp, chủ trương cải cách, cho rằng “sự quyền bất nhất”, uy quyền trung ương không được tôn trọng, mà trên thực tế cái gọi là “uy quyền” chỉ là Hồng thị mà thôi, do đó khi các tướng lĩnh lạm phong quan chức thì ông ta cực lực đả kích, nhưng Hồng Tú Toàn và bản thân ông lại lạm phong điên cuồng, lại nhắm mắt làm ngơ. Nói cho cùng, chỗ nào mà ông ta phản đối “lạm phong”, chỉ là “không phải do Hồng thị lạm phong” mà thôi.

Ông vốn hi vọng thông qua cải cách và xây dựng tư tưởng, thực hiện thống nhất tư tưởng trên dưới trong cả nước, nhưng cái thống nhất này nói cho cùng là thống nhất trên “giang sơn họ Hồng”, vì thế khi Hồng Tú Toàn thành công trong việc khiến ông tin rằng, thực hiện màn ảo thuật thần quyền của Hồng sẽ đạt được mục đích “nhanh hơn, tiết kiệm hơn” so với cải cách chính trị, ông bèn chẳng chút do dự tự phủ định mình, trở thành kẻ cổ súy trung thực nhất cho Hồng Tú Toàn, đến chết không thôi, mà động lực mạnh mẽ ban đầu của sự cách tân cũng bị bóp méo bởi bị nghiện trò chơi chữ nghĩa kiểu như sửa “tú tài” (秀才) thành “tú sĩ” (莠士), sửa “cử nhân” (举人) thành “ước sĩ” (约士) rồi.    

Nhiều năm đi đây đó, phiêu bạt đã khiến ông có được tầm nhìn khác với những người Trung Quốc bình thường, nhưng mấy năm quan trường phù du lại khiến tất cả mất đi. Tháng 11 năm 1860, người bạn cũ của ông là nhân vật thuộc phái cách tân là Dung Hoằng tới Thiên Kinh, đề xuất với ông kiến nghị cải cách. Ông tuy tán thưởng nhưng không thể áp dụng, cuối cùng lại dùng một chiếc quan ấn “tước Nghĩa” bằng gỗ để giữ chân vị nhân tài phái cải cách trứ danh thời Vãn Thanh này lại Thái Bình Thiên Quốc – nếu như ông vẫn còn là Hồng Nhân Can thời ở Hương Cảng, Thượng Hải, thì làm sao không biết, điều mà Dung Hoằng muốn không phải là quan tước chẳng đáng một xu của Thái Bình Thiên Quốc, mà là một cơ hội thực hiện lý tưởng, thi triển tài năng?


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s