Tình yêu với Thiên Quốc của La Hiếu Toàn- Bài 3

La Hiếu Toàn

La Hiếu Toàn (1802 – 1871)

 Trích từ  “Thiên Quốc này chẳng thái bình

Tác giả Đào Đoản Phòng

Đỗ Trung Thành chuyển ngữ

Nhưng La Hiếu Toàn mau chóng cảm thấy mất kiên nhẫn.

Đầu tiên ông phát giác ra rằng giấc mơ giáo đường của mình đã sụp đổ: một mặt, Hồng Tú Toàn dường như vốn chẳng định để người nước ngoài tự do vào truyền giáo, cái gọi là “18 ngôi nhà lớn”, đại khái chỉ có thể lí giải là lời xã giao của Trung Quốc kiểu như “lần sau tới chơi”; Một mặt khác, nhà vốn dành cho ông làm giáo đường rất nhanh đã biến thành nhà quan, do Hồng Tú Toàn phong quan ngày càng nhiều, ngày càng lớn, thế nào cũng phải cho họ một tòa phủ đệ chứ?

Ngay sau đó, ông phát hiện ra Thượng đế giáo của Hồng Tú Toàn với Cơ đốc giáo thực ra không phải là một. Đích xác, hai bên đều có Thượng đế và Jesu, nhưng Thượng đế của Hồng Tú Toàn có rất nhiều bà vợ và con cái, Jesu cũng con cái chất đống, thê thiếp hàng đàn, Hồng Tú Toàn không chỉ là vương ở trần thế mà còn là con của Thượng đế, em của Jesu trên trời, được sự chăm sóc của Thiên ma Thiên tẩu; Thượng đế của Hồng Tú Toàn cho phép quan lại lấy rất nhiều vợ, không thừa nhận Thánh phụ, Thánh tử, Thánh linh “tam vị nhất thể” của Cơ đốc giáo, cho rằng Thánh linh bất quá là gió trên trời, ở trần gian chết đi do Dương Tú Thanh quản lý, mà Dương Tú Thanh là em ruột của Jesu và của Hồng Tú Toàn; Thượng đế của Hồng Tú Toàn còn có người cháu tài ba – Hồng Thiên Quý Phúc, người này không chỉ là con của Hồng Tú Toàn còn được kế tục Jesu, do đó trở thành người thừa kế kép của Jesu và Hồng Tú Toàn.

Ông cảm thấy điều này thực là hoang đường hết chỗ nói, bèn dâng thư thỉnh cầu Hồng Tú Toàn đọc nhiều “Thánh kinh”, kết quả càng khiến ông ta ngạc nhiên hơn: Hồng Tú Toàn lại sửa “Thánh kinh” lung tung cả lên, trong đó những lời có lợi chứng minh cho Hồng Tú Toàn đều được in lớn tô đậm, thậm chí tất cả những chỗ nhắc tới mặt trời đều ghi chú rõ “mặt trời chính là Thiên Vương”, nói vua Do Thái Melchizedek trong “cựu ước” chính là hóa thân của Hồng Tú Toàn. Gặp phải chỗ không thể nào nói cho kín kẽ, thì dứt khoát đánh dấu “Thánh kinh ghi sai” – nếu như chỉ có Hồng Tú Toàn ta gặp qua Thượng đế còn sống, vậy thì các ngươi cứ theo chỉ thị mới nhất của Thượng đế mà ta ghi lại mà đi làm là được rồi.

Ông muốn gặp Hồng Tú Toàn nhưng Hồng trốn không gặp ông, chỉ cố gắng đưa cho ông những chỉ dẫn, bảo ông chăm chỉ lĩnh hội những học thuyết kỳ quái kiểu như Thiên phụ Thiên huynh, Thiên ma Thiên tẩu, điều này khiến ông cảm thấy vô cùng chán nản.

Đúng vào lúc ông vô cùng chán nản, một chuyện không vui hơn lại đến gõ cửa: ngày 13 tháng 3 năm 1861, Hồng Tú Toàn đột nhiên hạ chiếu, tất cả người ngoại quốc có ở Thiên Kinh chỉ cần có kiện cáo thì đều tìm đến chỗ của La Hiếu Toàn. Nguyên là lúc này quan phương, quân phương các nước đều có đại diện ở Thiên Kinh, giáo sỹ truyền giáo ngoại quốc, thương nhân cũng nườm nượp kéo tới Thiên Kinh, trong đó cũng có những kẻ vốn không phải là tử tế gì, có lúc không tránh kiếm chuyện gây rắc rối, Hồng Tú Toàn đã đau đầu cũng không biết phải quản lý thế nào, liền đem chuyện này đẩy sang cho La Hiếu Toàn.

La Hiếu Toàn là một giáo sỹ, trước giờ chưa từng làm quan, đương nhiên là ù ù cạc cạc, kết quả là không làm nổi, ngược lại còn có thêm ngoại hiệu “ngoại vụ thừa tướng”, lại bị người Tây dương đay nghiến một trận.

Cứ như vậy ông xấu hổ và chán nản trong một thời gian dài, chịu đựng tới ngày 21 tháng 1 năm 1862. Đó là ngày mùng 10 tháng 12 năm thứ 11 Tân Dậu theo Thiên lịch, là ngày sinh nhật của Hồng Tú Toàn, trong thành Thiên Kinh tràn đầy không khí lễ tết, không ai chú ý đến động tĩnh của La Hiếu Toàn. Ông nhân cơ hội này trốn khỏi phủ Can Vương, chạy một mạch ra khỏi thành, chạy tới Hạ Quan bên sông, lên một chiếc tàu chiến Anh hiệu “thâm đào” đậu ở đó, kết thúc “cuộc đời làm quan” 15 tháng ở Thái Bình Thiên Quốc.

Trốn thoát khỏi “vuốt quỷ” của Hồng Tú Toàn, La Hiếu Toàn dường như trở thành một con người khác, dùng những lời lẽ vô cùng ác độc chửi rủa Hồng Tú Toàn, nói ông ta huênh hoang tự đại, báng bổ Thượng đế, nói chính vụ Thái Bình Thiên Quốc hỗn loạn, không ra thể thống, nói Thượng đế giáo vốn là tà thuyết dị đoan. Do ai cũng biết ông từng là thầy giáo của Hồng Tú Toàn, là người biện hộ kiên quyết nhất cho Thái Bình Thiên Quốc, sự trở giáo của ông có sức chấn động rất lớn, từ đó dường như cả hệ thống Cơ đốc giáo đều ghi Thái Bình Thiên Quốc vào “sổ đen”, cái gọi là “trung lập” của liệt cường đối với cuộc nội chiến tại Trung Quốc cũng rất nhanh chóng bị hủy bỏ.

Nhưng bất luận thế nào, lúc đầu là mình tự tìm đến, nay lại không từ biệt mà bỏ trốn, thân là giáo sỹ truyền giáo lại tiếp nhận quan tước của Thái Bình Thiên Quốc (cũng là người ngoại quốc duy nhất được chứng minh là đã tiếp nhận quan tước của Thái Bình Thiên Quốc), làm quan lớn của Thái Bình Thiên Quốc nhưng lại làm không tốt, điều này đích thực có phần không hay. Chính vì thế La Hiếu Toàn bị người ngoại quốc ở Thượng Hải chế giễu, một loạt các lí do của ông cũng bị người ta cho rằng không đáng tin cậy.

La Hiếu Toàn buồn bực trở về nước Mỹ vào năm 1866, từ đó sống quãng đời còn lại trong chán nản. Năm 1871, ông qua đời vì bệnh phong. Mối nhân duyên đầu voi đuôi chuột giữa ông và Hồng Tú Toàn, chính là ứng với câu “tương kiến bất như hoài niệm”.

Nguyên do “sự thay đổi tình cảm” giữa La và Hồng.

Vương Khánh Thành tiên sinh bình luận, sự ngưỡng mộ lẫn nhau thuở ban đầu giữa La Hiếu Toàn và Hồng Tú Toàn là vì đôi bên không hiểu nhau: Hồng Tú Toàn chỉ nhớ La Hiếu Toàn học thức uyên bác, cực kỳ thưởng thức mình, cho rằng ngày nay mình đã làm Thiên Vương, “tiên sinh Tây dương” đương nhiên sẽ càng thưởng thức, mà không biết điều mà La Hiếu Toàn thưởng thức, là Hồng Tú Toàn nhiệt huyết truyền giáo thuở ban đầu chứ không phải là Hồng Thiên Vương tự xưng là con ruột của Thượng đế, em ruột của Jesu, không có việc thì sửa “Thánh kinh” cho vui; La Hiếu Toàn chỉ nhớ Hồng Tú Toàn nhiệt huyết truyền giáo, tín ngưỡng kiên định mà không biết rằng Hồng Thiên Vương ngày nay, đã không còn là giáo sỹ dự khuyết Hồng Tú Toàn tính toán chi li 8 đồng bạc một tháng thuở ban đầu nữa rồi, mà đã là “Thiên Vương chuyên chế” tự xưng là thần nhân. Hai kẻ khắc thuyền tìm gươm một khi gặp nhau, việc “vỡ mộng” dường như là tiền định.  

Những điều La Hiếu Toàn muốn là nhờ người học trò tài năng, tay nắm đại quyền Hồng Tú Toàn, để mở cánh cửa truyền giáo cho người ngoại quốc ở Trung Quốc; Điều mà Hồng Tú Toàn kỳ vọng là vị “Tiên sinh người Tây dương” từng giúp mình rất nhiều sẽ xác nhận thân phận thần thánh mình là con thứ của Thượng đế, em trai của Jesu, là người kế thừa ở nhân gian của Thiên phụ Thiên huynh, thêm cơ sở pháp lý cho “gia đình độc bá thiên hạ” của mình và con trai. Điều hai người muốn hoàn toàn không hợp phách, thêm vào đó “hiệp ước trung lập Bingham – Mông Thời Ung” được ký bởi liệt cường và Thái Bình Thiên Quốc sắp hết hiệu lực, La Hiếu Toàn đương nhiên chỉ có thể rũ áo ra đi.

Ở đây còn phải nhắc tới một người – Hồng Nhân Can.

La Hiếu Toàn cho dù khi chửi rủa Hồng Tú Toàn, vẫn là trên phương diện quan hệ cá nhân, Hồng Tú Toàn từ đầu tới cuối vẫn đối xử nhiệt tình hữu hảo với ông, nhưng đối với một người học trò khác là Hồng Nhân Can thì lại có một kiểu đánh giá khác. Ông nói Hồng Nhân Can từng ngược đãi mình, để mình ở một căn phòng rất tồi trên tầng 2, đồng thời không cho những người bạn ngoại quốc của ông nghỉ lại; Còn nói Hồng Nhân Can trong lúc cuồng nộ đã giết người hầu của ông, còn đánh ông mấy bạt tai. Những lời này thì rất nhiều người ngoại quốc cho dù là phản đối Thái Bình Thiên Quốc cũng cảm thấy không đáng tin, cho là câu chuyện đồng thoại mà La Hiếu Toàn nghĩ ra để lấp liếm cho việc thoát ly khỏi Thái Bình Thiên Quốc mà thôi.

Những chuyện này e rằng chưa chắc đã là thật (như Hồng Nhân Can bạt tai, giết người), một số vấn đề có thể lí giải, như Hồng Nhân Can sắp xếp chỗ ở cho ông ta, là ở lầu hai của lục bộ Can điện, luận về cấp bậc không thể coi là kém, phòng ốc “rất tồi” là bởi phòng ốc tốt đều bị Hồng Nhân Can chiếm rồi, điều kiện văn phòng của lục bộ vốn đã rất kém; Không cho người ngoại quốc ngủ lại, là bởi Hồng Nhân Can đã trở thành con người của chủ nghĩa đa thê, trong phủ đệ có rất nhiều nữ quyến, nữ quan, người nước ngoài, đặc biệt là người nước ngoài không quen biết đi lại lung tung trong đêm, cũng rất dễ xảy ra loạn.

Có điều Hồng Nhân Can đối với La Hiếu Toàn dường như thiếu sự hảo cảm.

Vốn là Hồng Nhân Can cùng Hồng Tú Toàn tới học tập ở giáo đường của La Hiếu Toàn, nhưng theo như hồi ức của La Hiếu Toàn, Hồng Nhân Can chỉ ở có mấy hôm rồi bỏ đi. Sau khi khởi nghĩa Kim Điền bùng nổ, Hồng Nhân Can lại không tới Quảng Châu nương nhờ La Hiếu Toàn mà lại chạy tới Hương Cảng, gia nhập vào giáo hội “Luân Đôn” của nước Anh, chứ không phải là hội “Nam Baptist” của La Hiếu Toàn. Hai người đều muốn đi Thiên Kinh, đồng thời trước sau đều đặt chân tới Thượng Hải, khu vực kiểm soát của Tiều đao hội, hơn nữa hai người quyến thuộc của Phùng Vân Sơn đi theo La Hiếu Toàn lại đều là “họ hàng” của Hồng Nhân Can. Thượng Hải khi đó đâu có lớn như bây giờ, cũng chỉ là trong phạm vi đường Trung Hoa – đường Nhân Dân ngày nay, từng gọi là tiểu khu Nam Thị, Hồng Nhân Can nếu muốn tìm La Hiếu Toàn có thể nói là dễ như trở bàn tay, nhưng hai người dường như không hề gặp mặt. Khi hai người trước sau quay về Hoa nam, cho dù Hồng Nhân Can quen La Hiếu Toàn, cũng biết Hồng Tú Toàn đang tìm ông ta, nhưng hai người gần trong tấc gang vẫn cả đời không qua lại với nhau. Khi Hồng Nhân Can đã là Can Vương, với thân phận “tổng lý Thái Bình Thiên Quốc” nhiều lần tiếp xúc với giáo sỹ truyền giáo các nước nhưng ông ta lại chưa từng chủ động hỏi thăm, thậm chí rất ít nhắc tới “La tiên sinh”. Điều này đối với người đã từng làm giáo sỹ truyền giáo mà nói thì thực là rất đáng chú ý, phải biết rằng ngay cả người chả chút dây mơ rễ má nào với La Hiếu Toàn như Lý Tú Thành cũng luôn tìm kiếm vị “La tiên sinh” này.

Trong đạo Tin Lành, hội Luân Đôn nổi tiếng với cải cách, còn hội Nam Baptist thì có chủ nghĩa chính thống của Thanh giáo Calvin. Từ những biểu hiện sau này có thể thấy, Hồng Nhân Can tôn sùng biến báo, còn La Hiếu Toàn chủ trương trở về tư tưởng Cơ đốc giáo chính thống, trên phương diện tín ngưỡng tôn giáo và chí hướng cá nhân, hai người e rằng chẳng có bao nhiêu điểm chung.

Hồng Nhân Can thích uống rượu, thậm chí Hồng Tú Toàn cũng không quản nổi ông ta, mà La Hiếu Toàn thì ghét cay ghét đắng rượu, hai người ở cùng một vương phủ, va chạm là điều khó tránh khỏi; Hồng Nhân Can được phân công quản lý ngoại vụ, La Hiếu Toàn lại được phong là lãnh tụ ngoại vụ, nhận sự ủy thác của Hồng Tú Toàn chủ quản kiện tụng của kiều dân ngoại quốc, điều này hiển nhiên không hợp với khẩu vị thích độc quyền của Hồng Nhân Can, thỉnh thoảng mượn cơn say tạo nên một số cản trở nhỏ, e là cũng không phải không có khả năng, mà sau này La Hiếu Toàn một lòng bỏ đi đã lợi dụng những vấn đề nhỏ này để làm ầm lên, kiếm một cái cớ để biện bạch cho việc lật lọng của mình.

Trong mắt của người nước ngoài hiểu chuyện thời đó, tính khí của La Hiếu Toàn rất xấu: trợ lý của ông – chính là Hoàng Ái, Hoàng Can những kẻ đã cướp bát cơm của Hồng Tú Toàn, một người nghe nói bị ông ta ép làm việc đến mức lao lực mà chết, kẻ còn lại thì sợ tới mức bỏ trốn, nói thế nào cũng không chịu quay về giáo đường; Vợ cũng không chịu nổi tính hà khắc của ông, sau đó cự tuyệt cùng ông đi Trung Quốc. Khi nhà ở Quảng Châu bị lưu manh đốt phá, ông ta không ngừng chai mặt đòi quan lại địa phương Quảng Châu bồi thường, cuối cùng không chịu nổi phiền phức, quan lại địa phương đã vứt cho ông ta 2500 Mỹ kim cho xong chuyện, chuyện này bị rất nhiều giáo sĩ truyền giáo ngoại quốc mỉa mai là “hành vi không ra thể thống gì của con buôn”.

Có điều thú vị là, tính cách, thói quen của ông ta trên rất nhiều phương diện đều rất giống Hồng Tú Toàn: hai người đều tính tình nóng nảy, đều thích phá miếu đập tượng, đều tự cho mình là đúng hơn nữa đều tự hài lòng về bản thân, còn nữa, đều ghét cay ghét đắng chuyện uống rượu.

Tóm lại, tình cảm với Thiên Quốc của La Hiều Toàn, cuối cùng cũng được chứng minh là sự hiểu lầm đẹp đẽ mà chát đắng. Để kết thúc một mối thân tình đầu voi đuôi chuột, ông ta chửi rủa thậm tệ Thái Bình Thiên Quốc, Thượng đế giáo và Hồng Tú Toàn trên dư luận quốc tế, đâm nhát dao cuối cùng vào chiếc đèn lồng giấy “tình bạn đồng giáo”, vốn đã thủng lỗ chỗ của phương Tây đối với Thượng đế giáo; Với tư cách là cá nhân là một người bạn của Hồng Tú Toàn, ông từ đầu tới cuối công khai nhấn mạnh “mối thịnh tình” của người này đối với cá nhân ông, và coi tấm chiếu thư bằng lụa satanh vàng ghi lại toàn bộ những thần thoại hoang đường về Thiên phụ Thiên huynh, thủ bút của Hồng Tú Toàn viết cho ông, là vật kỷ niệm trân quý nhất, vẫn luôn được cất giữ trong nhà, trở thành một trong ba thiên thủ bút của Hồng Tú Toàn còn lưu đến ngày nay.


Bình luận về bài viết này