Tổ chức Anh em Hồi giáo và những chiếc vòi ít biết ở Trung Đông

Anh em Hồi giáo ở Ai Cập

Người biểu tình ủng hộ Anh em Hồi giáo ở Ai Cập cầm chân dung tổng thống Mohamed Morsi.

Long Vũ

Bài này không để trả lời câu hỏi ”Tổ chức Anh em Hồi giáo là ai?”, bởi lẽ câu trả lời rất dễ dàng tìm được. Chỉ cần gõ ”Anh em Hồi giáo” bằng tiếng Việt là sẽ ra hàng tá kết quả trả lời. Nhưng, mọi người sẽ dễ nhận ra rằng, tuyệt đại đa số các bài viết về Anh em Hồi giáo đều gói gọn trong phạm vi Ai Cập, khiến chúng ta nghĩ rằng Anh em Hồi giáo chỉ là một phe phái ở Ai Cập, ngoài ra rất ít liên hệ nào tới các quốc gia khác. Sự thật thì Anh em Hồi giáo có nhỏ bé và cô lập trong lãnh thổ Ai Cập như vậy không? Dĩ nhiên là không. Bài viết này cung cấp thông tin về những cái vòi vươn dài của Anh em Hồi giáo, ảnh hưởng của nó tới lịch sử Trung Đông, cũng như nhìn nhận của thế giới với tổ chức này?

*Tổng quan về Anh em Hồi giáo ở Ai Cập.

Nhưng cũng nên nói qua một chút cơ bản về Anh em Hồi giáo, phòng những ai lười Google. Trước hết, đây là một tổ chức xã hội rất lâu đời ở Ai Cập, hình thành từ năm 1928. Về lịch sử và tổ chức của nó thì không nên nói dông dài ở đây, nó sẽ được tìm thấy cụ thể trên các báo tiếng Việt. Nhưng, có những bản chất của tổ chức này ít được nhắc tới. Đầu tiên, là cực hữu. Trong thế chiến 2 nhiều thành viên Anh em Hồi giáo trong khắp thế giới Arab đã cộng tác với quân Phát xít. Đến ngày nay thành viên của Anh em Hồi giáo ở Palestine (tên là gì nói sau) vẫn thường thả những con diều mang biểu tượng phát xít sang lãnh thổ Israel. Nếu không vì bị Facebook soi thì đã có ảnh trong bài này rồi. Thứ hai, là Hồi giáo bảo thủ. Anh em Hồi giáo chống lại mọi chính phủ thế tục trong xã hội Arab, trong khi cũng không tỏ ra nhẹ nhàng với các nhà nước Quân chủ ở Trung Đông. Thứ ba, là bài Do Thái cực đoan. Thề tiêu diệt nhà nước Do Thái đã đành, Anh em Hồi giáo còn thề tiêu diệt bất cứ nhà nước Arab nào có ý định chung sống hòa bình với Israel.

Với những bản chất như trên, dễ hiểu khi Anh em Hồi giáo thường xuyên bị đàn áp trong suốt chiều dài lịch sử. Từ thời thuộc địa Anh, nó đã bị chính quyền thực dân đàn áp do những hành động ủng hộ độc lập của Ai Cập. Nhưng ngay cả khi Anh trao trả độc lập tương đối cho Ai Cập, thành lập Vương quốc Ai Cập, thì tổ chức này vẫn không ngừng các hành động chống lại chính quyền Ai Cập và sự cai trị của Anh. Nổi tiếng nhất là vụ ám sát thủ tướng Ai Cập Mahmoud El Nokrashy Pasha năm 1948. Đến năm 1952, Anh em Hồi giáo tiếp tục gây tiếng vang bằng ”thành tích” thiêu rụi gần 1000 tòa nhà ở thủ đô Cairo chỉ trong một ngày 26/1/1952, nhằm sát hại những quan chức cao cấp của Anh và Ai Cập. Người Ai Cập gọi sự kiện này là ”Ngày thứ 7 đen ở Cairo”.

Tiếp đó, đến thời Tổng thống Nasser, Anh em Hồi giáo còn bị đàn áp với mức độ khốc liệt hơn nhiều. Dễ hiểu, vì Anh em Hồi giáo bản chất là một tổ chức cực hữu và bảo thủ Hồi giáo, trong khi chính quyền Nasser là chính quyền Xã hội chủ nghĩa Arab cánh tả, theo đường lối thế tục. Chính vì thế, Nasser đã đàn áp vô cùng tàn khốc tổ chức Anh em Hồi giáo. Hàng trăm nghìn thành viên Anh em Hồi giáo đã bị bắt giam, tra tấn, sát hại khiến số thành viên từ gần 2 triệu giảm xuống còn khoảng hơn trăm nghìn người. Số thành viên sống sót phải chạy đến Arab Saudi – một vương quốc đối lập với Ai Cập lúc đó – để lánh nạn. Cũng từ đây, Anh em Hồi giáo đã bén rễ ở Arab Saudi, từ đó tỏa những chiếc vòi đi khắp thế giới Arab.

Chính sách đàn áp Anh em Hồi giáo của Tổng thống Nasser được người kế nhiệm al-Sadat kế thừa cho đến khi chính ông bị những kẻ hồi giáo này ám sát năm 1981. Người kế nhiệm al-Sadat là Hosni Mubarak đã có chính sách nhẹ nhàng hơn, cho phép Anh em Hồi giáo được hoạt động trong khuôn khổ nhất định, trong khi vẫn kiểm soát và kìm hãm gắt gao. Mọi chuyện sau đó chắc mọi người cũng rõ. Cây muốn lặng mà gió nào cho. Năm 2011 Anh em Hồi giáo lợi dụng phong trào mùa xuân Arab để lật đổ tổng thống Mubarak, đưa Mohamed Morsi lên nắm quyền. Nhưng được vài năm thì quân đội Ai Cập của tướng al-Sisi đã lật đổ Morsi, từ đó mở ra một thời kỳ đàn áp Anh em Hồi giáo hứa hẹn khốc liệt không kém thời Nasser.

*Anh em Hồi giáo ở Palestine – Hamas.

Rất nhiều người không hề biết sự liên hệ này, và vì thế không hề biết Hamas là một tổ chức cực hữu thân phát xít vô cùng nguy hiểm bị cả khối Arab lo ngại. Anh em Hồi giáo vốn bén rẽ ở Palestine, cụ thể ở đây là dải Gaza từ năm 1967 tới 1987, nhưng thời đó chưa được chú ý nhiều do đa phần người ta để ý tới Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) của Yassser Arafat. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của PLO càng ngày càng bế tắc và mất đi sự ủng hộ của khối Arab (do PLO gây loạn ở các nước Arab nhiều hơn là đánh Israel). Lợi dụng điều đó, năm 1987 Anh em Hồi giáo lập ra nhóm Hamas cực hữu và bảo thủ – đối lập với PLO cánh tả và thế tục – để mở ra một con đường đấu tranh mới chống lại Israel.

Dù vậy, các nước Arab chủ quan, không chú ý tới sự hiện diện của Hamas và vẫn chủ yếu tập trung vào Fatah và PLO ở Bờ Tây. Ngờ đâu, năm 2007, Hamas tát thẳng vào mặt khối Arab và toàn thế giới. Cuối năm 2006, Hamas thắng cứ một cách khó tin trước Fatah trong cuộc bầu cử nghị viện Palestine, từ đó nắm quyền kiểm soát giải Gaza. Fatah cánh tả và toàn thế giới Arab ngỡ ngàng, khi một tổ chức cực hữu thân phát xít nguy hiểm lên nắm quyền ở Dải Gaza. Không công nhận kết quả, Fatah tiến hành tấn công Hamas ở Gaza và được cả Israel và các nước Arab hỗ trợ. Nhưng Hamas đã đánh bại tất cả, và sau khi thả khoảng trăm quan chức Fatah cánh tả từ tầng 5 xuống đất, Hamas kiểm soát dải Gaza từ đó tới nay, hàng ngày phóng rocket và thả diều cháy mang biểu tượng phát xít sang Israel, khiến nơi này chưa bao giờ bình yên.

Nhưng giai đoạn hoạt động mạnh nhất của Hamas là khoảng năm 2011 tới 2013. Nhận xét gì nào? Đó chính là thời kỳ Anh em Hồi giáo nắm quyền ở Ai Cập. Sau năm 2013 với sự đàn áp dữ dội Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, chính quyền Ai Cập cũng tiến hành đóng cửa biên giới, phong tỏa dải Gaza, đẩy nơi này rơi vào khủng hoảng kinh tế.

*Anh em Hồi giáo ở Syria – vụ thảm sát Hama 1982.

Thời trước, quốc gia gắn bó chặt chẽ với Ai Cập là Syria. 2 nước này là 2 đồng minh thân thiết nhất của Liên Xô ở khu vực, có vài lần 2 nước còn thống nhất trong nhà nước chung. Vậy nên Anh em Hồi giáo ở Ai Cập thì ở Syria cũng không kém đông. Nhưng cũng như ở Ai Cập, Anh em Hồi giáo ở Syria không tránh khỏi đàn áp, bởi Syria cũng là chính phủ cánh tả và thế tục, đứng đầu bởi Đảng Ba’ath Syria. Thời kỳ Syria nằm dưới sự cai trị của tổng thống độc tài Salah Jadid thân Liên Xô, không chỉ Anh em Hồi giáo mà ngay cả Đảng Cộng sản Syria cũng bị đàn áp, quyền lực tối cao thuộc về đảng Ba’ath Syria, vốn bị chi phối rất nhiều bởi đảng Ba’ath ở Iraq của Saddam Hussein.

Tuy nhiên, năm 1970 tướng Hafez al-Assad ở Syria đã làm đảo chính, lật đổ và bắt nhốt đến chết tổng thống độc tài Salah Jadid. Hafez al-Assad sau đó tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng mang tên ”Phong trào chỉnh đốn” trên mọi mặt đất nước Syria từ kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao,… Một trong số đó, tổng thống Assad cho phép các đảng phái bị cấm trước đó như Anh em Hồi giáo hay Đảng Cộng sản Syria được hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, sau khi được cởi bỏ đàn áp, sự phát triển của Anh em Hồi giáo ở Syria mạnh tới nỗi tổng thống Assad lo sợ nó đe dọa tới sự thống trị của ông. Quan trọng hơn, Anh em Hồi giáo ở Syria ủng hộ mạnh mẽ dòng Sunni, đối lập với dòng Alawites Shia của tổng thống Assad. Năm 1980, số thành viên của Anh em Hồi giáo ở Syria tăng lên gần nửa triệu người, trong đó ít nhất 200.000 thành viên có khả năng vũ trang. Anh em Hồi giáo đặc biệt bám rễ chặt ở các thành phố người Sunni miền trung Syria như Homs và Hama. Ở những thành phố đó, sự đông đảo các thành viên vũ trang của Anh em Hồi giáo đã thách thực chính quyền địa phương, ở nhiều nơi thậm chí đã có sự lật đổ khi Anh em Hồi giáo dùng vũ lực chiếm chính quyền. Riêng thành phố Hama, từ năm 1980 hơn 40.000 thành viên vũ trang của Anh em Hồi giáo đã chiếm thành phố, de đọa chính quyền địa phương của tổng thống Hafez al-Assad.

Nhận thấy việc thả cửa cho Anh em Hồi giáo của mình đã làm việc đi quá giới hạn, tổng thống al-Assad quyết định phải tiêu diệt tận gốc Anh em Hồi giáo để sửa chữa sai lầm. Do đó, đầu năm 1982 ông ra lệnh cho quân đội Syria tiến về bao vây thành phố Hama, hang ổ lớn nhất của Anh em Hồi giáo ở Syria lúc đó. Thành phố Hama lúc đó có hàng trăm nghìn dân thường lẫn với quân Anh em Hồi giáo. Nhưng không kịp sơ tán dân thường, và cũng vì lo sợ quân Anh em Hồi giáo lợi dụng người tị nạn để trốn thoát, quân đội Syria đã chấp nhận đánh đổi thương vong dân thường để tiêu diệt mầm mống gây họa của Hồi giáo cực đoan. Ngày 3/2/1982, quân đội Syria bắt đầu ném bom và pháo kích thành phố Hama, kéo dài suốt một tháng trời. Không người dân nào được phép rời thành phố. Quân anh em Hồi giáo vẫn kiên trì bám vào các tòa nhà và các đường hầm đào khắp thành phố để chống trả quân đội Syria. Nhưng đến cuối cùng, khi mọi ngôi nhà ở Hama đều bị san phẳng, quân Anh em Hồi giáo đã bị tiêu diệt hoàn toàn vào tháng 3/1982.

Sự kiện vây hãm ở Hama năm 1982 được một số nước phương Tây gọi là ”Thảm sát Hama”. Hậu quả của nó đã khiến khoảng 20.000 tới 40.000 người thiệt mạng. Riêng quân đội Syria đã có 1.000 binh sĩ bị giết bởi Anh em Hồi giáo. Toàn bộ thành phố Hama bị phá hủy hoàn toàn không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn, là hậu quả của một tháng trời bom đạn rơi không ngừng nghỉ. Tổng thống Hafez al-Assad bản thân cũng ý thức được cái giá đắt về nhân mạng phải trả, nhưng ông tuyên bố rằng phải đánh đổi sinh mạng dân thường để cứu đất nước khỏi hiểm họa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan do Anh em Hồi giáo mang lại.

Hafez al-Assad đã chứng minh mình có lý. Syria sau đó đã xóa bỏ được mối đe dọa của Hồi giáo cực đoan, trở thành một trong những nhà nước ổn định nhất ở Trung Đông, được cả thế giới công nhận. Đất nước Syria được hưởng hòa bình và ổn định suốt thời gian dài sau đó, mà di sản được trao cho tổng thống con trai của Hafez – Bashar al-Assad. Tuy nhiên, các chính sách dưới thời Bashar al-Assad đã đổ những công sức trừ họa của người cha Hafez trước kia xuống sông biển. Trong thời gian nắm quyền, tổng thống Bashar al-Assad đã thay đổi chính sách cứng rắn với Anh em Hồi giáo trước đó, cho phép nó hoạt động trở lại, và mở cửa Syria cho người Palestine, bao gồm cả thành viên Hamas đến tị nạn. Bashar al-Assad thậm chí tỏ ý hối tiếc về vụ thảm sát của cha ông ở Hama năm 1982. Ông còn cho phép Iran – một quốc gia Hồi giáo cực đoan – mở rộng ảnh hưởng và đưa quân đến Syria. Điều này đặc biệt làm mất lòng các lãnh đạo quân đội cao cấp của Syria thời Hafez al-Assad, tiêu biểu như Bộ trưởng quốc phòng Mustafa Tlass. Mustafa Tlass từng miêu tả chính sách mềm mỏng với Hồi giáo cực đoan của Bashar al-Assad giống như giao đất nước vào tay quỷ dữ.

Các chính sách này đã khiến các tổ chức Hồi giáo cực đoan có cơ hội bén rễ trở lại ở Syria, và sau này chính các tổ chức này đã tấn công lại Bashar al-Assad, khiến Syria rơi vào cuộc nội chiến hỗn loạn như bây giờ. Ban đầu, lực lượng liên hệ với Anh em Hồi giáo là một thành phần quan trọng trong phe đối lập Hồi giáo chống Bashar al-Assad ở Syria. Tuy nhiên, các quan sát cho thấy từ năm 2013 với sự sụp đổ của Anh em Hồi giáo của Ai Cập, sức mạnh của Anh em Hồi giáo ở Syria nói riêng và phe đối lập nói chung đã giảm đi đáng kể. Có thể thấy, tình thế phe đối lập ở Syria phụ thuộc rất lớn vào việc các nước Arab xung quanh đối xử với Anh em Hồi giáo như thế nào


 

One thought on “Tổ chức Anh em Hồi giáo và những chiếc vòi ít biết ở Trung Đông

  1. Đảng Cộng Sản Syria bị ban lần đầu năm 1963 lúc đấy Salah Jadid đã lên nắm quyền đâu ? năm 1970 lúc Hafez al-Assad đảo chính thì đảng cộng sản thậm chí còn đứng về phe Salah Jadid cơ mà ? còn vấn đề người Palestine tại Syria thì theo thống kê dưới thời Hafez al-Assad, năm 1970, do hậu quả của Tháng Chín Đen, một số người tị nạn Palestine chạy từ Jordan đến Syria, năm 1982, sau Chiến tranh Liban năm 1982, vài nghìn người tị nạn Palestine rời Liban và tìm nơi trú ẩn ở Syria, năm 1989, dân số tị nạn đã tăng lên 296508 người, đến cuối năm 1998, con số là 366493. Tác giả viết như vậy thì hóa ra dưới thời Hafez al-Assad cấm người Palestine tị nạn à ?

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s