Hồi ức của lính pháo binh.
Vasily F. Davidenko
Trung uý pháo binh, trung đội trưởng trung đội trinh sát tiền phương, trung đoàn 7, sư đoàn xạ thủ số 24 Samara – Ulyanovsk “Thép”.
Tôi sinh ngày 7-7-1911. Tôi gia nhập Hồng quân năm 1933 – vào thời điểm đó, những năm 1933-1936, lính quân dịch có tuổi đời 22. Vì thế khi gia nhập quân đội tôi đã là một người trưởng thành. Tôi được điều về làm một người lính của sư đoàn xạ thủ số 24 Samara – Ulyanovsk “Thép”, trung đoàn 70. Phiên hiệu của trung đoàn được đổi sang trung đoàn 7 năm 1937. Tôi được điều sang Ukraine, Vinnitsa. Người ta di chuyển luân phiên các đơn vị khắp đất nước và thay đổi phiên hiệu của chúng– hình như đối phương đã có một số thông tin về chúng ta. Từ Vinnitsa chúng tôi được điều đến Leningrad. Hai trung đoàn đóng quân ở Leningrad, trong khi trung đoàn còn lại ở Pesochnoe. Năm 1939 tôi tốt nghiệp khoá học đào tạo trung uý ở Học viện pháo binh Leningrad số 1. Thật thú vị, 60 năm sau cháu trai của tôi cũng học tập ở chính nơi đó. Tôi được gửi đi học ở Học viện vì đã từng tốt nghiệp trung học và đã hoàn tất khoá học về kế toán. Tôi đã từng làm nhân viên kế toán ở một nông trang tập thể. Thời kì đó như vậy được coi là có trình độ học vấn cao. Và tôi đã được gửi tới Học viện.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được thăng cấp trung uý pháo binh và trở thành trung đội trưởng trung đội trinh sát tiền phương của một khẩu đội trong trung đoàn. Mỗi trung đoàn xạ thủ có một khẩu đội pháo nhỏ 45mm và một khẩu đội pháo 76mm. Cùng với sư đoàn, tôi đã tham gia Chiến tranh Mùa Đông. Nếu anh muốn được nghe nhiều hơn, thì nó rất phức tạp. Đầu tiên mọi chuyện diễn biến tốt đẹp. Sau đợt pháo kích, chúng tôi tiến về sông Đen và mọi thứ có vẻ trôi chảy, nhưng sau đó nó bắt đầu trở nên tệ hại. Vì sao vậy ? Vì tôi, một trung đội trưởng trinh sát tiền phương thậm chí không có nổi một tấm bản đồ ! Chúng tôi tiến tới phòng tuyến Mannerheim và dừng lại. Đầu tiên chúng tôi tiến dọc con đường, tiêu diệt và đánh bại những đơn vị nhỏ của Phần Lan gây cản trở, tới gần phòng tuyến Mannerheim mà không biết chuyện gì đang ở phía trước. Khi chúng tôi đóng quân trong một khu rừng, máy bay trinh sát Phần Lan bay qua và chụp một bức ảnh. Sau đó quân Phần Lan tiến hành một đòn pháo kích bằng tất cả những vũ khí mà họ có trong tay. Họ chỉ có một lực lượng không quân rất nhỏ bé. Tuy nhiên những thiệt hại của chúng tôi rất nặng nề.
Chúng tôi mở những cuộc trinh sát cùng với trinh sát bộ binh của sư đoàn. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm vị trí những hoả điểm trong những công sự bằng bê tông và bằng đất. Tình hình như sau : quân Phần Lan có một hàng rào dây thép gai, 6 lớp và sau đó là hàng rào bằng đá và một bãi mìn. Chúng tôi phải dùng pháo bắn tạo ra một cửa mở trên hàng rào. Chỉ huy của chúng tôi sẽ thức dậy vào buổi sáng, cầm ống nhòm xem xét những chướng ngại vật và cửa mở của chúng tôi không hề tồn tại ! Quân Phần Lan đã sửa hàng rào trong đêm. Tất cả là do chúng tôi không hề biết phải chiến đấu như thế nào. Lẽ ra phải làm gì ? Chúng tôi lẽ ra phải tiến hành bắn phá quấy rối ở khu vực hàng rào suốt cả đêm ! Và khi đó quân Phần Lan sẽ không thể liều lĩnh đến gần hàng rào. Nhưng chúng tôi bắn xong rồi đi ngủ, trong khi quân Phần Lan sửa lại hàng rào của họ. Chuyện đó lặp lại ngày này qua ngày khác. Sau đó người ta quyết định cử tôi tham gia một cuộc trinh sát – tôi cũng không biết vì sao họ chọn tôi. Chúng tôi dùng hoả lực tạo ra 4 cửa mở và thâm nhập lúc trời tối. Mặc dù chúng tôi bò qua hàng rào dây thép gai vào ngay lúc tối nhưng các cửa mở đã bị bịt xong ! Nghĩa là quân Phần Lan đã kịp cài mìn tạm thời quanh đây – đơn giản là một ống bằng băng nhồi đầy thuốc nổ, và chúng tôi đang mắc kẹt trên bãi mìn đó. Có 12 người đi cùng tôi và ai đó đã vấp phải mìn. Tiếng nổ dậy lên, quân Phần Lan phát hiện và chúng tôi phải rút lui. Họ bắn phá tập trung vào đường rút lui và chúng tôi đã mất nhiều người ở đây. Tôi mất 7 người. Thông tin duy nhất có được là quân Phần Lan rất tích cực sửa chữa những hàng rào dây thép gai của họ.
Tôi đã bị thương trong cuộc chiến nhưng từ chối đến bệnh viện. Tương tự 5 năm sau đó trong chiến dịch đánh phá vòng vây của quân Đức ở Leningrad. Đơn giản là tôi tới trung đội quân y cách mặt trận khoảng 3km và nghỉ ngơi chút ít ở đó.
Chúng tôi mở một cuộc tiến công vào phòng tuyến Mannerheim và chịu nhiều thiệt hại ở đây. Chúng ta nên biết về sự phòng thủ của quân Phần Lan trước. Chúng tôi ở bên phải hồ Muolaanjarvi, trên đó có một hòn đảo. Chúng tôi có một công sự trên mặt tuyết. Hàng sáng chúng tôi thấy một con chó với một cái túi nhỏ chạy từ những vị trí Phần Lan đến phía sau trận địa ta rồi quay về. Quân Phần Lan dùng chó để chuyển những thông tin tình báo ! Người ta giao nhiệm vụ cho chúng tôi phải bắt con chó. Chúng tôi tóm được nó, và đọc lá thư từ một trinh sát Phần Lan đã thâm nhập vào sau lưng quân ta. Bức thư nói về việc chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Tôi còn có thể kể thêm gì với anh ? Ban đầu chúng tôi chịu tổn thất nặng vì đã không chuẩn bị. Chúng tôi không được chuẩn bị cho cuộc chiến. Ngoài ra, nếu anh so sánh quân Đức và Phần Lan, quân Đức chiến đấu rất tốt nếu có không quân, xe tăng và pháo binh. Nhưng cũng nhanh không kém người Nga, lính Đức sẽ hét lên “Hitler kaput” khi bộ đội Soviet xuất hiện ở bên sườn hay sau lưng chúng. Quân Phần Lan không hề như vậy. Họ là những chiến binh rất tuyệt vời. Ví dụ, vào ngày kỉ niệm Hồng quân họ tiến hành một cuộc phản kích. Họ là những người trượt tuyết rất giỏi, và có thể trượt mà không cần gậy trượt. Họ đã tiến được 5km trong khu vực của sư đoàn chúng tôi ! Họ hầu như cũng đã làm thế với sở chỉ huy sư đoàn. Chúng tôi phải chống đỡ những cuộc tấn công trong 3 ngày. Thật tệ hại là chúng tôi đã phải phòng ngự trong những ngày đó. (Hình như Davidenko đang nói về cuộc phản kích của quân Phần Lan vào ngày 23-12-1939).
Chúng tôi được trang bị tốt về quân trang và vũ khí. Mỗi người có một áo khoác lông cừu và ủng nỉ. Khi thâm nhập phòng tuyến Phần Lan, tôi mang theo 1 súng trường và 1 súng ngắn. Tôi cũng mặc áo khoác lông cừu. Tuyết ngập tới tận cổ, nên chúng tôi đào những hố trên mặt tuyết để bí mật tiếp cận vị trí địch. Nói chung về vấn đề quân trang và tiếp tế thì sư đoàn 24 của chúng tôi đã thực hiện tương tối tốt.
Làm cách nào để vượt qua được giá rét? Chúng tôi đào một cái hố trên mặt tuyết, lót ít cành lá xuống đáy, trải áo choàng lên đó. Thế là 2 người có thể ngủ quay lưng vào nhau, mình đắp bằng chiếc áo choàng còn lại. Mỗi người có thể ngủ khoảng một tiếng rưỡi, sau đó thay phiên cho nhau. Đại loại như vậy.
Sư đoàn trưởng của chúng tôi, Veschev, đã hy sinh. Ông bị quân Phần Lan phục kích. Tất cả chúng tôi đều buồn vì chuyện đó. Suốt cuộc chiến mọi người đều rất buồn mỗi khi mất đi ai đó. Trung đoàn trưởng của chúng tôi cũng đã hy sinh. Một lần Veschev đến trung đoàn chúng tôi. Ông đến, ra vài mệnh lệnh và sau đó phải trở về. Có một thung lũng nhỏ với con suối ở đó, nó nằm dưới hoả lực của Phần Lan. Chúng tôi phải quay lại. Veschev ra lệnh cho chúng tôi tìm một con đường an toàn hơn. Chúng tôi cố gắng tìm hai con đường khác nhưng chúng đều bị hoả lực đối phương đe doạ.
Tôi có một con ngựa tên là Lyubimchik (“bé cưng” trong tiếng Nga – LTD). Khi chúng tôi ở Hanko và được lệnh bắn tất cả ngựa, tôi đã không thể giết “người bạn” đó. Tôi đã tự mình nuôi nó, cho nó ăn và dắt ra đồng cỏ. Con ngựa hiểu tôi khá rõ, không ai có thể điều khiển nó trừ tôi ra. Tôi giúp sư đoàn trưởng trèo lên con ngựa và ông sẽ phải phi nước đại qua thung lũng. Tôi cũng cử 2 trinh sát đi theo bảo vệ ông. Cả 2 người này đều bị thương và sư đoàn trưởng đã phải vượt lên. Anh có thể hình dung một sư đoàn trưởng cưỡi một con ngựa đen chỉ với 2 người lính ? Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được sau này, trong Chiến tranh Vệ quốc. Một sư đoàn trưởng – không có sĩ quan cần vụ, không có bất kì phương tiện thông tin, không có bảo vệ – cưỡi ngựa đi tới trung đoàn. Không ngạc nhiên là ông đã bị giết. Mặt khác, anh có biết không, sư đoàn trưởng của chúng tôi không phải là một sĩ quan bộ binh hay pháo binh. Ông là một phi công. Trong một chuyến bay tập ông đã bay qua phía dưới đường dây cao thế. Ông bị giáng cấp và chuyển khỏi không quân. Ông hoàn tất vài khoá huấn luyện và trở thành tư lệnh một sư đoàn xạ thủ. Ít nhất đó là những gì tôi được nghe kể.
Sau khi quân ta chọc thủng trận địa địch ở cánh trái, tôi đã vào xem một lô cốt bằng bê tông của Phần Lan. Có những vết nứt vỡ trên tường do pháo của ta. Tôi không thấy một lô cốt lẻ nào bị trúng bom. Thời kì đó chúng ta chưa có máy bay ném bom bổ nhào, và máy bay ném bom không thể đánh trúng những mục tiêu nhỏ. Khi pháo binh ta bắn vào lô cốt, đầu tiên họ phải phá hủy những lớp ngụy trang để sau đó có thể quan sát lô cốt rõ ràng hơn. Bộ binh xung phong trong Chiến tranh Mùa Đông cũng rất khác với xung phong trong Chiến tranh Vệ Quốc. Trong Chiến tranh Vệ Quốc quân ta xung phong sát sau những đợt pháo bắn chuẩn bị chuyển làn. Trong chiến tranh Mùa Đông quân ta cũng có một cuộc pháo bắn chuẩn bị nhưng sẽ có rất nhiều lớp bộ binh xung phong, hết lớp này đến lớp khác. Lớp đầu tiên có thể bị đẩy lui, lớp thứ hai sẽ thiệt hại ít hơn, và lớp thứ ba hoặc thứ tư sẽ hoàn thành công việc.
Sau khi Chiến tranh Mùa Đông kết thúc, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt ở Leningrad. Chúng tôi không phải xếp hàng mỗi khi vào cửa hàng, mọi người đều vui vẻ để chúng tôi đi trước.
Dịch từ Anh sang Việt: Phan Trường Sơn
Hiệu đính bản tiếng Việt: Lý Thế Dân
HỒI ỨC LÍNH PHÁO BINH
Ivan A. Yakushin

Thiếu uý Ivan A. Yakushin, 1945
Thiếu uý, chỉ huy trung đội pháo chống tăng thuộc Trung đoàn Cận vệ 24, Sư đoàn Kỵ binh Cận vệ số 5.
Phần 1
Trung đoàn Kỵ binh Cận vệ số 24 chúng tôi tiến sâu vào hậu phương địch vào ngày 20 tháng Giêng năm 1945, và tới 21 tháng Giêng chúng tôi đã vượt qua biên giới Đông Phổ tại vùng Brauchwalde. Chúng tôi hành quân suốt tám cây số mà không phải nổ một phát súng nào, nhưng rồi bị chặn lại tại một cứ điểm kiên cố của địch. Quân địch đang cố thủ trong một ngôi làng lớn. Một trận đấu súng diễn ra. Lực lượng bảo vệ tiền tiêu của Trung đoàn (gồm một chi đội kỵ binh cùng một số đơn vị hỗ trợ) cũng tham gia vào trận đánh. Đối phương, quân số lên tới 2 tiểu đoàn bộ binh có thiết giáp yểm trợ, tổ chức kháng cự dữ dội. Ngôi làng này nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Tôi dừng khẩu pháo chống tăng ZIS-2 của mình lại trên đường lộ dưới sự che chở của bóng đêm. Tôi gửi một người liên lạc tới gặp chi đội trưởng để nhận chỉ thị hướng dẫn chỗ bố trí. Con đường mà chúng tôi dừng lại dẫn tới một thung lũng dốc đứng và chạy thẳng lên ngọn đồi, nơi có những ngôi nhà ở rìa làng. Đội bảo vệ tiền tiêu của Trung đoàn đang cố hết sức để đột kích vào ngôi làng. Rất nhiều ngôi nhà đang bốc cháy, chúng chiếu sáng những căn nhà còn lại trong làng. Tôi trông thấy ba chiếc xe tăng Đức đang tiến vào ngôi làng, bóng của chúng được các đám cháy soi rõ. Chúng tôi lại đang ở trong bóng tối. Theo người chi đội trưởng cho biết, bọn họ đã chiếm được hơn nửa ngôi làng, do đó chúng tôi không phải lo sẽ bị phục kích. Tôi liền quyết định – tiêu diệt đám xe tăng, chúng đang được soi rọi bởi những đám cháy, vị trí đặt pháo nằm ngay trên con đường, do tôi không tìm được một vị trí bắn khác tốt hơn. Các pháo thủ trong tổ pháo của tôi còn thiếu kinh nghiệm và chưa từng đối đầu với xe tăng Đức, mặc dù họ đạt kết quả bắn tập rất tốt. Có thể trông thấy đám xe tăng Đức từ cách xa chúng tôi đến cả 500-600 mét, được chiếu sáng rõ, trong khi khẩu pháo chống tăng của chúng tôi đang được bóng tối che phủ. Bằng ngay quả đạn đầu tiên chúng tôi đã hạ được một chiếc xe tăng. Nhưng trước khi có thể nạp lại đạn, khẩu pháo của chúng tôi đã bị lộ bởi ánh sáng từ một ngôi nhà phía sau chúng tôi vừa bị bắt lửa. Những chiếc tăng Đức lập tức đáp trả. Chúng tôi phải mau chóng rút khỏi đây và thay đổi vị trí bắn. Ngay khi quả đạn đầu tiên của bọn tăng Đức bắn tới, đám lính đã chạy khỏi khẩu pháo mà không có lệnh của tôi và nấp vào một cái rãnh ven đường. Tôi hét lớn: “Khẩu đội chạy tới pháo!” Chỉ cần mất khoảng vài giây để gập càng khẩu pháo lại và kéo xuống đồi để tới một “vị trí an toàn”. Nhưng các pháo thủ của tôi, những người mới lần đầu trạm chán với xe tăng, đang tản ra trong cái rãnh. Họ chỉ phản ứng khi tôi một mình chạy tới khẩu pháo và cố gắng tự gập càng pháo lại, miệng lặp lại mệnh lệnh “Các pháo thủ về chỗ pháo, đồ chết tiệt!” Đám pháo thủ vội chạy tới khẩu pháo và bắt đầu gập càng pháo lại. Thật lạ rằng, những lời lẽ chửi mắng vốn không hề có trong Cẩm nang dã chiến của chúng tôi, lại rất hữu ích trong những trường hợp như thế này.
Tôi bước tới cái rãnh, hét lớn: “Nhấc nòng pháo!” và giơ cánh tay trái của mình lên để chỉ hướng kéo pháo. Nhưng thời cơ đã qua đi. Trước khi nhóm pháo thủ kịp làm theo mệnh lệnh của tôi, khẩu pháo đã bị bắn trúng và phá huỷ bởi một phát đạn từ chiếc xe tăng Đức. Có ba người trong nhóm bị thương vì mảnh đạn. Tôi cũng bị một mảnh đạn bắn trúng cổ tay phải.
Đám cứu thương chạy tới và sơ tán thương binh về tuyến sau. Tôi cố tự băng bó vết thương bằng cuộn băng cá nhân, nhưng không tài nào làm nổi với chỉ mình cánh tay trái. Rất khó để cầm máu trong giá rét, trong khi tay tôi bị thương khá nặng. Mấy người cứu thương tới giúp tôi. Chỉ tới khi chúng tôi phải dùng tới cuộn băng thứ hai thì máu mới ngừng chảy. Mấy ngụm vodka do chính uỷ đưa cho làm tôi ấm người còn hơn bất cứ thứ áo ấm nào. Sau này, mỗi khi nhớ lại trận đánh đó, tôi lại càng thấy rõ kinh nghiệm và sự dũng cảm của tổ pháo thủ có tính quyết định như thế nào. Chỉ cần tôi có một tay lính cựu trong nhóm thôi, khẩu pháo lẽ ra đã được thoát khỏi vị trí nguy hiểm mà không chịu chút tổn thất gì. Những pháo thủ sống sót sẽ không bao giờ sợ hãi và sẽ luôn có mặt cạnh pháo trong khi chiến đấu với đám xe tăng sau này. Những trận đánh của chúng tôi chống lại xe tăng Đức hầu như luôn nổ ra bất ngờ, giữa những lần tao ngộ chiến, khi chúng tôi không đủ thời gian để chọn một vị trí bắn tốt và kịp ngụy trang pháo, do đó chúng tôi phải nổ súng càng nhanh càng tốt.
Những trận đánh đó tựa như những cuộc đấu tay đôi, nhưng thường chúng tôi luôn là những kẻ được nổ súng trước. Nhưng nếu anh không kịp tiêu diệt chiếc xe tăng, chúng sẽ không bắn trượt mà sẽ giết anh ngay cùng với khẩu pháo. Có một điều không ai có thể phủ nhận – các tổ lái tăng Đức là những xạ thủ cừ khôi. Nhưng chúng tôi cũng có một lợi điểm khác: chúng tôi đang bảo vệ tổ quốc mình, trong khi chúng đang tiến hành một cuộc chiến tranh ăn cướp; chúng tôi đứng vững trên mặt đất, còn chúng ngồi trong một chiếc hộp sắt, chứa đầy dầu xăng và chất nổ; chúng tôi rất khó bị phát hiện, trong khi chúng có thể bị nhận rõ từ cách xa hàng dặm.
Phần 2
Cuối tháng Tư năm 1945 Lữ đoàn kỵ binh của chúng tôi vượt qua sông Oder, tiến qua đột phá khẩu và tới được sông Elba, phía Bắc Berlin. Những đơn vị Đức tụt hậu lẻ tẻ và những đồn lũy đơn độc bị tiêu diệt trong những trận đánh chớp nhoáng, còn những cứ điểm mạnh của chúng bị vượt qua và bỏ lại ở phía sau, và chúng tôi tiếp tục hành quân vào sâu trong đất Đức. Mặc cho sự thật là chiến tranh đang sắp kết thúc, vẫn có những cuộc đối đầu ác liệt xảy ra. Một lần đơn vị chúng tôi lọt vào giữa một nhóm lính Đức tụt hậu và bị chặn đứng bởi những loạt đạn dày đặc. Trung đội tiếp viện tới nơi nhưng vẫn không đủ sức để giúp đội hình vượt qua được bọn Đức. Trung đoàn trưởng của chúng tôi gọi tới một nhóm xe tăng – sau một trận chiến ngắn tất cả các xe tăng của chúng tôi đều bị tiêu diệt bởi Panzerfausts (súng chống tăng cá nhân). Thời gian trôi qua, chúng tôi bắt buộc phải tiến quân, và chúng tôi đã nghĩ tới việc đơn giản là bỏ qua cái cứ điểm này để đi tiếp. Những chàng trinh sát của chúng tôi, thật đúng lúc, bắt sống được một tên Đức và dẫn hắn tới Bộ chỉ huy trung đoàn. Đó là một tên nhóc mười lăm tuổi, đang sụt sùi và nức nở. Trung đoàn trưởng đẩy tên tù binh ra trước mặt các chi đội trưởng và nói: “Các anh có thấy ai đang chống lại chúng ta không? Chỉ là mấy thằng nhóc! Nào, hãy tiến lên đuổi hết bọn chúng đi! Chiến thắng đã gần lắm rồi!”
Sau một đợt pháo và cối bắn chuẩn bị ngắn và dữ dội, những chiến sĩ của một trong những chi đội đó chạy ào lên trước với một tiếng hô lớn Hurrah và ngay khi họ tiến tới được chiến hào bọn Đức, đám Volkssturm (dân quân vũ trang) lập tức ném vũ khí và bỏ chạy hoặc đầu hàng. Tất cả bọn chúng đều là những thằng nhóc khoảng mười sáu tuổi. Dù còn trẻ, chúng vẫn rất thành công trong việc tiêu diệt các chiến xa của chúng tôi bằng Panzerfaust bắn từ những hố cá nhân đào nông choẹt. Đó thật là một thứ vũ khí đáng sợ – chỉ cần một tên lính bộ binh cũng có thể tiêu diệt gọn một chiếc xe tăng!
Dù bị thiệt hại ít, chúng tôi vẫn thiếu người trong các trung đội chống tăng, đặc biệt là trong các tổ pháo thủ chống tăng. Giữa một đợt nghỉ chân, khi tổ pháo thủ của khẩu pháo số 3 đang ăn những thức ăn đạm bạc do đầu bêp nấu, một tên lính Đức không mang vũ khí, mặt trẻ măng, tiến tới và hỏi xin thức ăn. Mọi người xếp cho hắn một chỗ ngồi trên cái thùng đạn, đưa hắn một cà mèn đầy cháo, một ít bánh mì và một chiếc thìa. Fritz (tên mà tổ pháo thủ đặt cho hắn) nói “danke, danke, gut” (cám ơn, cám ơn, tốt) và vục đầu vào chỗ thức ăn. Sau khi cái cà mèn đã cạn, mọi người cho thêm hắn chút cháo, và hắn lại chén hết nhẵn. Đưa cho tên Fritz một ít thuốc lá, người khẩu đội trưởng đề nghị hắn ở lại với khẩu đội. Sau một tràng dài giảng giải bằng thứ hỗn hợp giữa tiếng Nga và tiếng Đức, cộng thêm cả cách ra hiệu bằng tay, tên Đức cuối cùng cũng hiểu ra điều họ muốn. Hắn không cần nghĩ ngợi lâu và lập tức đồng ý. Khi đó tôi đang vắng mặt và lúc quay về chỗ khẩu pháo số 3, tôi thấy tên Đức đang ngồi giữa mọi người. Tôi lập tức hỏi khẩu đội trưởng: “Anh nghĩ anh đang làm cái quái gì thế hả? Thằng Đức này đang làm cái gì ở đây?” Tay khẩu đội trưởng trả lời: “Đừng lo, đồng chí thiếu uý, hắn là một thằøng Đức tốt” Tôi nói: “Ít nhất anh có biết tên hắn là gì không đã?” – “Hắn tên là Fritz” – “Được, thế anh đã hỏi tên hắn chưa? Lỡ hắn không phải là Fritz thì sao?” – “Hắn vẫn đáp lại mỗi khi chúng tôi gọi hắn là Fritz”. Tôi hỏi lại thằng Fritz, hắn xác nhận là hắn rất vui nếu được ở lại cùng với khẩu đội.
Những người lính đi lạc vẫn thường ở lại với khẩu đội chúng tôi trong một thời gian. Nhưng đó là người của ta, là người Xôviết, là bộ binh hoặc kỵ binh, những người đã bị lạc mất đơn vị của mình, còn đây là lần đầu tiên chúng tôi phải cho một tên lính Đức nương nhờ. Tôi không biết việc này có vi phạm hay không Thoả ước quốc tế về tù binh chiến tranh, nhưng chuyện tên Fritz ở lại với khẩu đội của chúng tôi được sự đồng thuận của cả hai bên mà không gặp bất kỳ chống đối nào về phía ta. Tôi không hề phản đối một “vị khách“ như thế. Do đó, vài ngày sau tên Fritz đã trở thành một thành viên tình nguyện của khẩu đội, cố gắng tìm cách giúp đỡ mọi người. Có lẽ hắn xuất thân từ một gia đình nông dân, do hắn điều khiển lũ ngựa rất giỏi.
…Ngày mùng Một tháng Năm đã tới. Trước khi tất cả các đơn vị của Trung đoàn tiến quân, một mệnh lệnh truyền xuống suốt dọc đoàn quân:
– Thiếu uý Cận vệ Yakushin đưa một khẩu pháo lên hàng đầu đội hình hành quân!
Trung đoàn trưởng giao cho chúng tôi một nhiệm vụ: chi đội hai, được bổ sung thêm khẩu pháo chống tăng của tôi và một trung đội trọng liên, phải tiến về phía đường lộ dẫn tới Wittenberg. Chúng tôi phải cắt đứt con đường đó và chặn không cho đoàn xe quân sự của bọn Đức đi qua về phía Tây để đầu hàng những Đồng minh Phương Tây của chúng ta. Trung đoàn trưởng bảo tôi khi chúng tôi khởi hành: “Hãy làm đi, thiếu uý. Ngôi Sao vàng đang chờ anh ở chỗ đó đấy”. Anh ta cho là từ vị trí phục kích chúng tôi sẽ có thể hạ gục cả tá xe tăng. Dù vậy, sự việc diễn ra không phải như thế.
Chi đội tổ chức tuyến phòng thủ ở rìa một khu rừng. Tình hình diễn ra như sau: phía bên trái chúng tôi, chỉ cách khoảng ba mươi mét, một khẩu đội Đức đang nổ súng bắn vào những đơn vị hậu bị của chúng tôi. Kẻ địch không trông thấy chúng tôi, do chúng tôi ở phía sau chúng. Phía trước chúng tôi, cách khoảng một cây số, một đội hình lớn xe tăng và pháo binh Đức đang di chuyển về phía Tây. Chúng tôi quyết định hạ gục một trong những chiếc xe tăng và tạo nên một vụ kẹt xe trên tuyến đường lộ. Chúng tôi chuẩn bị khẩu pháo sẵn sàng để bắn.
Sau một khẩu lệnh ngắn gọn: “Chuẩn bị chiến đấu!” mọi người lập tức sẵn sàng. Thậm chí ngay cả tên tù binh Đức, kẻ vẫn ở cùng khẩu đội, cũng hiểu rõ tầm quan trọng của sự việc và chuyển những thùng đạn rất nhanh gọn và chính xác. Tôi ra lệnh: “Bắn vào chiếc xe tăng đi giữa đội hình! Đạn xuyên thép, bắn!” Loại đạn này tạo ra một đuôi lửa, và chúng tôi có thể nhìn rõ đường đi của nó. Phát đầu tiên vọt lên hơi cao hơn mục tiêu. Phát thứ hai bắn trúng chiếc xe tăng. Chiếc xe quay ngang 180 độ trên đường và dừng lại. Đội hình của chúng cũng dừng lại. Vài chiếc cố gắng vượt qua chiếc xe tăng đã bị hạ gục, những chiếc khác cố gắng quay lại. Tất cả công việc chúng tôi phải làm bây giờ là mau chóng và kín đáo thay đổi vị trí nổ súng của mình. Chúng tôi biết rằng ngay khi chúng tôi nổ súng, khẩu đội pháo Đức sẽ quay về phía chúng tôi và nã đạn trực tiếp. Nhưng điều này đã không xảy ra. Những tổ pháo thủ Đức chạy khỏi các khẩu đại bác của chúng ngay từ phát đạn đầu tiên của chúng tôi – thậm chí không có ai bắn một phát nào về phía chúng tôi! Tuy nhiên, đằng sau khẩu đội này có một khẩu pháo tự hành của Đức được nguỵ trang kín đáo đang phục kích. Nó nhận ra chúng tôi từ phát đạn đầu và nổ súng. Viên đạn đầu tiên của nó nổ về phía bên phải chúng tôi, cách khoảng mười mét. Phát thứ hai của khẩu pháo tự hành phá hủy khẩu pháo của chúng tôi. Chỉ huy pháo bị giết, người xạ thủ bị thương nhẹ. Chỉ có người nạp đạn và tên giữ ngựa là nguyên vẹn, còn tôi cũng bị thương. Đó là vết thương thứ ba của tôi tại chiến trường. Người nạp đạn đặt tôi lên lưng của tay Fritz và dưới làn đạn yểm hộ của chi đội, tay giữ ngựa mang tất cả những người bị thương tới nơi an toàn, tại đó tất cả chúng tôi đều được băng bó.
Nhờ người nạp đạn giúp đỡ, tôi tới được một con đường mòn trong rừng. Trung đoàn chúng tôi, dẫn đầu là trung đoàn trưởng và bộ tham mưu của mình, đang tiến về phía tôi. Những lá cờ của Trung đoàn đang bay cao sau lưng trung đoàn trưởng. Một trong số chúng có gắn tấm Huân chương Cờ đỏ mà Trung đoàn được nhận từ thời Nội chiến trong Lữ đoàn của Kotovski, lá thứ hai – Lá cờ Cận vệ mà Trung đoàn được nhận trong chiến dịch Yelets vào tháng Chạp năm 1941. Đó là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh chúng tôi được thấy cảnh tượng như vậy – trên đồng rộng, giữa ban ngày trung đoàn trưởng và bộ tham mưu của mình cùng những lá cờ mở rộng đang đi về phía chiến trường. Tôi báo cáo lên trung đoàn trưởng về số phận khẩu pháo của mình. Nhóm chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chặn không cho bọn Đức đột phá về phía tây cho tới khi Trung đoàn đến kịp. Về sau, khi quay lại đúng con đường này, tôi trông thấy chiếc xe tăng mà mình đã bắn hạ. Viên đạn xuyên qua vỏ thép bên hông xe tăng và có lẽ đã trúng chỗ chứa đạn. Tháp pháo chiếc xe tăng bị bật qua một bên, nòng pháo của nó gục xuống thấp. Đằng sau chiếc xe tăng là những xe cộ bị bọn Đức bỏ lại. Đó là kết cục trận đánh cuối cùng của tôi.
Dịch từ Nga sang Anh: Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân