Hội Kín : Bên Trong Hội Tam Điểm, Hội Yakuza, Hội Đầu Lâu Cốt và những Tổ Chức Bí Mật tai tiếng nhất thế giới- Phần 4

Chương 4

HỘI TAM HOÀNG- TỘI PHẠM VĂN HÓA

The-chinese-triads-1-638

John Lawrence Reynolds

Trần Quang Nghĩa dịch

Hầu hết những hội kín thoát thai từ nhu cầu truyền bá hoặc bảo vệ  tín ngưỡng. Như một cách để tránh những trận chiến nồi da xáo thịt thường xảy ra giữa các tín ngưỡng khác nhau, họ cần phải che đậy những tôn chỉ và tin điều thực sự của nhóm. Đây chủ yếu là hiện tượng xảy ra ở trời Tây, có lẽ bắt rễ từ một hệ thống tín điều rạn nứt do có nhiều lối lý giải khác nhau, mà những kẻ cuồng tín xem bất kỳ sự bất đồng nào cũng là một biểu hiện của sự ngoại giáo. Ví dụ điển hình nhất là sự kiện Cải Cách Cơ đốc, cho ra đời Tin Lành, rồi tiếp tục phân nhánh thành các giáo phái Tin Lành  khác nhau. Như trong trường hợp Assassin, Hồi giáo cũng trải qua những rạn nứt thành những phe phái thù địch mà kết quả là mối ngờ vực và đối đầu dữ dội. Không có gì nuôi dưỡng sự bí ẩn (và sự cần thiết của việc đó đối với các nhóm thiểu số bị bức hại) bằng những mối ngờ vực. 

Phần đông những hội kín Đông phương tránh được những cay đắng sinh ra do tình trạng xung đột nhau giữa các giáo phái, có lẽ là do tinh thần hòa hợp Phật giáo đã thấm nhuần trong nền văn hóa Đông phương, vốn quan niệm rằng tín ngưỡng chủ yếu là vấn đề lựa chọn cá nhân. Nếu không có tổ chức tôn giáo thống trị nào luôn muốn xâm nhập vào cuộc sống của mọi người như Cơ đốc giáo, thì tôn giáo không thể trở thành một nơi chốn bất trác cho con người. Hội Tam Hoàng Trung Quốc phản ảnh sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây  liên quan đến hội kín. Cội rễ của chúng nằm hoàn toàn trong sự khác biệt về văn hóa và dân tộc; và chỉ những năm gần đây chúng đã lệch lạc biến thành những hoạt động tội phạm trắng trợn.

Việc đánh giá những hội tam hoàng (tên chung của hội kín xã hội đen Trung Hoa) được người Tây phương nhìn qua lăng kính phân biệt chủng tộc. Trong lúc bạo lực không phải là không có giữa các hội tam hoàng, nhưng nó xảy ra ít thường hơn giữa các tổ chức tương tự như Mafia của Ý hoặc Yakuza của Nhật. Nó cũng hạn chế gần như nghiêm nhặt trong các cộng đồng Trung hoa; người Tây phương nếu là nạn nhân của hoạt động hội kín Hoa kiều thì đều là những thiệt hại vô tình chứ không phải là mục tiêu chủ ý của họ. Về những phương diện khác, hội tam hoàng có đầy đủ những đặc điểm của hội kín cổ điển; chúng khép kín và theo những nghi thức như bất kỳ hội kín nào, và hoạt động tích cực hơn phần đông những hội khác.

Người phương Tây nói chung cũng hay lầm lẫn giữa các danh hiệu “tam hoàng” và “bang” (“băng đảng Á châu”). Những bang hội được sáng lập trong thế kỷ 19 như những tổ chức xã hội cho những di dân người Hoa được chở đến Mỹ và Canada làm phu lao động. Cuộc sống của những dân phu này, và cách họ bị đối xử dưới bàn tay của người phương Tây qua thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 còn là một vết nhơ trong lịch sử. Ở Canada, 17,000 người Hoa được mang về đó để làm phu đường sắt, xây dựng những đoạn đường ray xuyên lục địa cam go nhất. Tất cả dân phu chỉ được hưởng một thù lao bằng phân nửa thù lao của công nhân da trắng,và hơn 700 cu li đã chết trong khi xây dựng tuyến đường. Ở Hoa Kỳ, theo sau việc bãi bỏ chế nô lệ, người Hoa đóng vai trò lao động rẻ mạt thay thế, và nhiều con tàu gỗ cũ kỹ thay đổi lộ trình từ việc chở người Phi châu vượt Đại Tây Dương sang việc chở người Hoa vượt Thái Bình Dương.

Một khi đã đặt chân lên Bắc Mỹ, họ bị cưỡng ép làm những công việc mà những người Mỹ gốc châu Âu chê bai. Phần nhiều các công việc loại này được xem là “việc của đàn bà”, bao gồm việc nấu ăn và giặt giũ, và trong nhiều thế hệ hai loại công việc thấp kém này được mặc nhiên dành riêng cho người Hoa kiều Bắc Mỹ. Do những lý do thực tế và có lẽ chủng tộc nữa – phần đông người da trắng sợ dân số Hoa bùng nổ đến mức phải sống chung với họ – nên chỉ có đàn ông Trung Hoa mới được nhập cảnh vào Bắc Mỹ, và mọi hôn nhân giữa hai chủng tộc  đều bị cấm tuyệt như đối với đàn ông da đen. Trong thế cô, người Hoa quay sang với những bang hội của mình.

Khắp miền nam Trung Quốc, nơi có nhiều người trong làng có chung một huyết thống thường di cư đến Bắc Mỹ cùng nhau. Những bang hội thường gồm những thành viên có chung gốc gác quê hương hoặc huyết thống,  cho thấy là một nguồn hỗ trợ quan trọng và  an ủi đối với những di dân nam chưa có gia đình, cảm thấy lẻ loi về mặt xã hội và văn hóa trên quê hương mới. Cung cấp những dịch vụ và cố vấn đáng tin cậy không thể tìm được ở đâu khác, bang hội hoạt động như một nguồn hậu thuẫn tài chính, cố vấn pháp luật và công tác xã hội, bảo vệ người Hoa khỏi bị bóc lột.

Những tên bóc lột thường là những ông chủ da trắng, nhưng khi số di dân người Hoa gia tăng theo thời gian, các bang hội giúp đỡ bảo vệ những công dân Hoa kiều cùng gốc gác hay sắc tộc thay cho thân nhân ở quê nhà. Những bang chủ thường thuộc những dòng họ danh giá có thế lực như họ Lý, Lâm, Trương. . . thường từ những vùng ở Quảng Đông. Thêm vào mối gắn bó keo sơn qua huyết thống và truyền thống, những thành viên bang hội tuyên thệ trung thành và giữ bí mật, ngoài những nghi thức thần bí, những mật hiệu và mật khẩu như những phương tiện để nhận ra nhau và liên lạc với nhau.

Có một thời kỳ trong thế kỷ 19, những người trong bang hội tỏ ra có năng lực trong việc đem đến nguồn an ủi và sự bảo vệ cho một chủng tộc bị bóc lột thậm tệ. Vào năm 1900, tuy nhiên, những phần tử tội phạm nằm bên trong bang hội đã lợi dụng và sử dụng bang hội như một phương tiện để kiểm soát hoạt động cờ bạc, mãi dâm, ma túy, bảo kê và những hoạt động phi pháp khác. Các bang hội càng lớn mạnh và tàn bạo hơn trong việc bảo vệ và mở rộng địa giới làm ăn, tiến hành những cuộc thanh toán giữa các phe nhóm. Trang bị gươm đao và búa rìu, các phe nhóm thanh toán nhau ngay trên đường phố tại khu Hoa kiều ở New York và San Francisco cho đến khi đường phố loang máu và nạn nhân nằm oằn oại la liệt trên vỉa hè.

Trong thực tế, những xung đột này ít phổ biến và dữ dội như các tờ báo thời đó mô tả để tạo giật gân. Những độc giả thời đầu thế kỷ 20 rùng mình vui sướng khi đọc những mô tả mang tính phân biệt chủng tộc về các trận hỗn chiến giữa người Hoa mà chắc chắn không khát máu hơn những trận thanh toán giữa công nhân Mỹ  trong các khu mỏ hay bến tàu trên khắp xứ.

Bang hội tiếp tục hoạt động ở Bắc Mỹ, quyền lực và ảnh hưởng của họ suy giảm trầm trọng khi càng nhiều di dân đến trong những thế hệ tiếp theo, mà mục tiêu và chức năng trước đây của bang hội họ không còn lưu tâm và cần đến nữa vì phần nhiều đã có bà con, bạn bè đã sinh sống ở Bắc Mỹ một hai thế hệ trước giúp đỡ.  Hội tam hoàng thì khác.

Trung Quốc có một truyền thống lâu đời về hội kín liên quan đến sự tôn sùng các hoàng đế trong nền văn hóa  như các giáo hoàng của Giáo hội Thiên chúa. Truyền thống qui định rằng các hoàng đế Trung Hoa sở hữu những phẩm chất đặc biệt bao gồm đức độ tuyệt đối, nhân từ và độ lượng. Về nhiều phương diện, những hoàng đế Trung Hoa khai sáng triều đại mới thường được thần dân tôn thờ như giáo dân tôn thờ Christ, là Con Trời trên trần thế.

Tuy nhiên không giống như thái độ của người Thiên chúa đối với Christ, người Hoa vẫn nhìn nhận Con Trời còn là một người bằng xương bằng thịt, và nếu ông ta đánh mất những phẩm chất của một Hoàng đế đích thực, thì ông ta sẽ “bị tước đoạt Thiên Mệnh,” và nhân dân có bổn phận đứng lên khởi nghĩa và lật đổ ông ta.

Việc này xảy ra vào năm 9 sau Tây lịch khi Hán Ai Đế bị Vương Mãng lật đổ sau khi Hán đế tỏ ý muốn phong người tình đồng tính của mình làm người kế vị. Khi Vương Mãng thành công trong việc chiếm lấy ngôi báu, một nhóm trung quân kết bè đảng để phục hồi Hán triều. Để dễ nhận ra nhau trong trận đánh họ tô phẩm đỏ lên mi mắt và xưng tên là Xích Mi. Họ ám sát Vương Mãng và lập một tôn thất nhà Hán lên ngôi hoàng đế. Rồi, theo chiều hướng phát triển

1

Cờ của triều Thanh. Những nỗ lực lật đổ nhà Thanh đã gây cảm hứng cho những hội tam hoàng đầu tiên.

Năm trăm năm sau, một nhóm mới xuất hiện. Tự xưng mình là Bạch Liên Giáo, những nhà sư bị bức hại lật đổ triều đại Nguyên Mông và thiết lập triều đại của riêng mình, một nhà sư tên Chu Nguyên Chương lên ngôi vua. Lấy đế hiệu Hồng Vũ, ông trở thành hoàng đế Đại Minh đầu tiên của Trung Quốc. “Minh” lấy từ hai nhân vật Phật giáo, Đại Quang Minh và Tiểu Quang Minh, được phái xuống từ Thiên Đình để tái lập hoà bình trên trần thế. Nhiều sử gia coi Bạch Liên giáo là hội tam hoàng thực sự đầu tiên, mặc dù tên thực sự chỉ được áp dụng cho những nhóm này thêm một ngàn năm nữa.

Hội tam hoàng thực sự xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1644 khi người Mãn Châu xâm lược lật đổ hoàng đế nhà Minh và thiết lập triều đại nhà Thanh. Một nhóm 133 nhà sư Thiếu Lâm, liên kết nhau, uống máu ăn thề sẽ khôi phục Minh triều, tiến hành trận chiến du kích chống Mãn Châu nhiều năm ròng rã, nhưng vô vọng. Đến năm 1674, tất cả trừ 5 nhà sư đều bị bắt và hành hình dã man. Thiếu Lâm Tự căn cứ địa của phong trào bị phá hủy.

2

Từ tam hoàng được rút ra từ biểu tượng ba ngôi được Hồng Môn sử dụng. Ba ngôi là Thiên, Địa và Nhân.

Các nhà sư còn lại, đoàn kết nhau thề sẽ trả thù bọn xâm lược. Hình thành một nhóm thứ hai dốc toàn lực nhằm tiêu diệt người Mãn Châu, họ chọn một tam giác làm biểu tượng, với ba cạnh tượng trưng cho Thiên, Địa và Nhân, ba yếu tố cơ bản của vũ trụ theo người Trung Quốc. Hình tam giác cũng gợi ra những ám chỉ khác. Văn hóa Trung Hoa lưu ý đặc biệt đến ý nghĩa của những con số, và số 3 được cho là nắm giữ quyền lực đặc biệt, nhất là trong yếu tố tội phạm. Chẳng hạn, mức tống tiền thường được tính bằng ba. Trong khi năm nhà sư còn sống sót, ngày nay được gọi là Ngũ Tổ, gọi tổ chức của mình là Hồng Môn, hoặc Thiên Địa Hội.

Trong lúc Hồng Môn thất bại trong việc đánh đổ Thanh triều, nó vẫn hoạt động trong nhiều năm, liên kết lực lượng với các hội viên Bạch Liên giáo để quấy nhiều binh triều và xúi giục nhân dân nổi dậy chống bất công. Phản ánh những nguyên tắc của Phật giáo, những thành viên của họ được chỉ thị phải tôn trọng quyền lợi của  và quan tâm đến giới nông dân, một chiến thuật mà gần 300 năm sau những người cộng sản phe Mao sử dụng rất thành công, và từ đó mới sinh ra câu cách ngôn “binh lính bảo vệ hoàng đế, nhưng hội kín bảo vệ nhân dân.”

Hội tam hoàng nắm quyền và gây ảnh hưởng, mặc dù họ không thành công trong mục tiêu chủ yếu là lật đổ các hoàng đế nhà Thanh.  Những thành viên của tổ chức được nhìn nhận dưới ánh sáng tích cực cho đến năm 1842 khi người Anh đến cai trị Hong Kong. Mặc dù các hội tam hoàng vẫn tập trung vào những mục tiêu văn hóa và chính trị, Anh không thấy thoải mái với sự hiện diện của họ và tuyên bố  hội “gây khó khăn cho việcduy trì an ninh trật tự,” và làm gia tăng “tình trạng phạm pháp và tạo điều kiện cho kẻ tội phạm trốn thoát.” Theo các thủ đoạn của những vua chúa Trung Hoa thế kỷ 19, giới thẩm quyền Anh tuyên bố  không chỉ thành viên hội tam hoàng mới mang tội phạm pháp, mà làm ra vẻ ta đây là thành viên cũng có tội. Mức hình phạt lên đến ba năm tù. Nếu các hội tam hoàng không có ý định phạm pháp công khai ngay lúc này, thì sắc lệnh tùy tiện này chắc chắn thúc đẩy họ hướng về mục tiêu ấy.

Vào năm 1848, Hồng Môn liên kết với một hội kín mới từ vùng Quảng Đông, Hội Bái Thượng đế. Họ cùng nhau tiến hành Loạn Thái Binh Thiên Quốc, bao vây Quảng Đông và phát động những cuộc nổi dậy ở Thượng Hải và những thành phố khác. Đến lúc này, các nghi thức tam hoàng còn đề cao những phẩm chất xã hội tích cực; khi Trung Quốc nằm dưới sự áp bức của người Anh, Hoa Kỳ và Pháp, những hội tam hoàng là đại diện duy nhất của đất nước trong phong trào kháng chiến chống sự bóc lột và áp bức của ngoại bang.

Cuộc Nổi Dậy Quyền Phỉ, theo cách gọi khinh miệt của phương Tây, trong năm 1900 đánh dấu sự chuyển mình của hội tam hoàng thành những băng nhóm chuyên tiến hành những hoạt động tội phạm. Cuộc nổi dậy gọi tên như thế vì nó được cầm đầu bởi Hội kín Nghĩa Hòa Đoàn, gồm những tay võ nghệ công phu, có mục đích đánh đuổi ngoại bang và bọn Kitô giáo ra khỏi đất nước bằng thủ đoạn sát hại dã man nhắm vào các vùng nhượng địa và sứ bộ ngoại quốc ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Khi các nhà ngoại giao và đại diện thương mại bị bao vây trong các thành phố này kêu gọi sự hỗ trợ của chính quyền mẫu quốc của họ, một lực lượng liên quân tám quốc gia được phái đến.

Hơn 2,000 binh lính từ Anh, Đức, Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Ý và Áo, tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Anh Sir Edward Seymour, đến cứu viện vào tháng 6 1900. Cuộc kháng cự mạnh mẽ từ Nghĩa Hòa Đoàn và lực lượng triều đình nhà Thanh buộc Seymour phải rút lui và gọi thêm viện binh. Đến tháng 8 thêm 20,000 viện binh đến nơi. Sau khi chiếm Thiên Tân, lực lượng xâm lược tiến đánh Bắc Kinh, và đến được thủ đô ngày 14/8.

3

Nghĩa Hòa Đoàn tìm cách đánh đuổi ngoại bang ra khỏi Trung Quốc. Phong trào khiến các hội tam hoàng phát triển thành bang hội tội phạm qui mô lớn

Lực lượng chiếm đóng Trung Quốc tăng lên trong những tháng tiếp theo, hoàn tất cuộc chiếm đóng Bắc Kinh và truy đuổi các lực lượng nổi dậy đến tận vùng quê. Vào tháng 2/1901, chính quyền nhà Thanh thỏa thuận bãi bỏ tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn, và cuối năm đó họ ký một hòa ước với ngoại bang, chính thức kết thúc vụ nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn.

Từ lúc này trở đi, Nghĩa Hòa Đoàn không chỉ thất bại trong công cuộc bảo vệ đất nước, mà còn bị dập tắt. Kẻ thù ngoại bang giờ đóng quân trên khắp xứ sở, trang bị vũ khí hạng nặng và quyết chí dập tắt mọi cuộc nổi dậy.

Ngay lúc này, các hội kín co cụm lại. Nếu họ không thể chống lại ngoại bang, họ có thể đủ sức vận động dân chúng của mình, củng cố lực lượng và đấu tranh chính trị với bộ máy thống trị Thanh triều.  Bước đi có ý nghĩa nhất của họ là hậu thuẫn cho Bác sĩ Tôn Dật Tiên trong công cuộc lật đổ nhà Thanh, thay thế nền quân chủ bằng một hệ thống chính quyền cộng hòa. Tôn có thể đã chiêu mộ một cách tích cực những hội tam hoàng đế bảo đảm thắng lợi cho cách mạng, một bước đi hiển nhiên nếu ông đã từng là, như nhiều nhà quan sát đã gợi ý, một thành viên tích cực của Hội Tam Hợp trong thời trẻ.

Có nhiều chắc chắn là người kế tục  Tôn làm lãnh đạo Quốc Dân Đảng, Tưởng Giới Thạch, là một thành viên tam hoàng. Khi Cộng Hòa Trung Quốc bắt đầu sụp đổ vì nội chiến với  những người cộng sản Mao, Tưởng tranh thủ sự hậu thuẫn của tam hoàng, nhưng không ai có thể cứu vãn được chính quyền tham nhũng của Tưởng. Thắng lợi của Mao vào năm 1949 đuổi Tưởng và bộ hạ đến Đài Loan và những thủ lĩnh tam hoàng chọn ở lại lục địa bị săn đuổi và hành hình. Một số ít trốn thoát đến Ma Cao thuộc Bồ Đào Nha hoặc đến Hong Kong tại đó chính quyền Anh, bị yếu đi vì cuộc chiến gần đây với Nhật và tử tế hơn cách đây một thế kỷ, tiếp tục tuyên bố hội tam hoàng là bất hợp pháp nhưng không còn cưỡng chế luật lệ một cách gay gắt như trước đây.

Trong nửa cuối thế kỷ 20, Hong Kong đại diện cho trục hoạt động tam hoàng, có vai trò trung tâm thần kinh cho nhiều đường dây toàn cầu. Trong số những tổ chức tai tiếng nhất và lớn mạnh nhất là 14k, được đặt tên cho địa chỉ  (14 đường Po Wah ở Quảng Đông) và chữ đầu của người sáng lập, Trung Tướng Quốc Dân Đảng Ke Chao – Huang (Cát Triệu Hoàng), người sáng lập hội tam hoàng vào thập niên 1940. Vào thập niên 1980, số hội viên 14k ước tính hơn 25,000 chỉ tính riêng ở Hong Kong, chuyên về buôn bán ma túy, với các chi nhánh ở Hà Lan, Anh, Canada và Hoa Kỳ. Những nhân viên điều tra trong lực lượng Cảnh sát Kỵ Mã Hoàng gia Canada (RCMP) tuyên bố rằng 14k và những hội tam hoàng khác duy trì sự có mặt trong mỗi cộng đồng Hoa kiều có thế lực trên khắp Bắc Mỹ, tham gia gần như trong mọi hoạt động tội phạm sinh lãi, từ tống tiền và cho vay cắt cổ đến lừa đảo thẻ tín dụng và làm giả băng đĩa.

Các hội tam hoàng càng đi xa những mục tiêu chính trị và văn hóa để hướng về những hoạt động phạm pháp, họ càng chắt lọc những nghi thức bí ẩn của mình, bổ sung những nghi lễ nhập môn phức tạp. Cốt lõi của thủ tục nhập môn vẫn còn bắt nguồn trong lãnh vực lịch sử của nhóm, bao gồm những nghi lễ tỉ mỉ có khi mất đến tám tiếng để hoàn thành. Trong số những nghi thức nhập môn có “Quá Kiếm Sơn”, trong đó họ bước chậm chậm bên dưới những nhát kiếm chém loáng thoáng phớt trên đầu.

Các hội viên mới được dạy những cách bắt tay bí mật và những dấu hiệu tinh tế, đã từ lâu là đặc điểm của hội. Cách cầm đũa và để xuống bàn, số ngón tay dùng để cầm ly khi uống, đều là những thông tin giao tiếp bí ẩn. Một số cụm từ được sử dụng để truyền đạt thông tin mà người khác không thể chia sẻ. Theo cơ quan RCMP, người xâm nhập và tìm hiểu các hội tam hoàng hiệu quả hơn bất kỳ lực lượng cảnh sát Tây phương nào khác, “cắn mây” có nghĩa là “hút thuốc phiện” và ” chó mực” có nghĩa là súng lục.

Lễ nhập môn vào những hội tam hoàng sừng sỏ hơn có khi qua nghi lễ chặt đầu gà sống. Máu gà đang dãy chết được đổ vào chén, pha với máu của người nhập môn, và thêm rượu, sau đó mọi người lần lượt uống đến cạn chén. Sau đó chén được đập bể tượng trưng cho số phận người phản bội với tổ chức phải gánh chịu.

Thành viên phải thề đặt lòng trung thành với hội cao hơn lòng trung thành với gia đình và người thân, một lời thề gồm 36 điều đã có từ nguồn gốc hội thế kỷ 17. Trong điều thứ nhất, hội viên nhập môn thề “phải đối xử cha mẹ và người thân của huynh đệ trong hội” như ruột thịt của mình, và “tôi không giữ lời sẽ bị trời đánh năm lần.” Trong lời thề thứ tư, y sẽ thề: “Tôi sẽ luôn nhìn nhận huynh đệ mình khi họ tự trình diện. Nếu tôi phớt lờ họ, tôi sẽ chết dưới rừng đao kiếm.” Nhiều lời thề tập trung vào tôn chỉ “trung thành hay là chết”.

Lời thề thứ 36, phản ánh mục tiêu khởi thủy mà tất cả hội tam hoàng thường đề cao: “Sau khi bước vào cửa Hồng Môn, tôi sẽ hết lòng trung thành và tận hiến, và sẽ nỗ lực lật đổ nhà Thanh và phục hưng nhà Minh.  Mục tiêu trường kỳ của chúng ta là trả thù cho Ngũ Tổ.” Lời thề này ít nhất đã hơn 100 năm lỗi thời, vậy mà vẫn tiếp tục được đọc như một phần của truyền thống, góp thêm yếu tố thần bí cho nghi thức.

Các tước hiệu gán cho các thành viên tam hoàng mô tả phận sự của họ trong hội kèm theo một con số góp thêm tính thần bí.

Thủ lĩnh hội là Long Đầu và mang bí số 489. Ba chữ số cộng lại bằng 21; chữ Tàu viết số 21 rất giống những nét của chữ Hồng. Ngoài ra, 21 cũng là số 3 tạo nên biểu tượng tam hoàng – Thiên, Địa và Nhân – nhân cho 7, cũng là con số thiêng trong văn hóa Trung Hoa cũng như xã hội Tây phương.

Cố vấn tài chính của tổ chức có tước hiệu Quạt Giấy Trắng, có bí số 415. Các tay chấp pháp, võ nghệ công phu được gọi là Hồng Quan có bí số 426. Số 438 được gán cho chức Hương Chủ, lo về việc nghi thức cúng tế. Cấp bậc thấp nhất trong hội là dành cho quân tốt, mang bí số 49.

Nếu muốn so sánh giữa hội tam hoàng với Costra Nostra của người Ý, sự khác biệt rất đáng kể. Costra Nostra có thể nòng cốt là Ý, nhưng trong quá khứ họ đã làm ăn với các băng nhóm sắc tộc khác, đặc biệt các băng nhóm tội phạm Do Thái và Ái Nhĩ Lan. Trái lại, hội tam hoàng vẫn duy trì tính cách Hoa thuần túy về mặt hội viên và văn hóa; không giống các tội phạm gốc Ý, vốn không phân biệt các cá nhân hoặc tổ chức họ nhắm đến, hội tam hoàng chỉ chọn mục tiêu người Hoa làm nguồn lợi tức chủ yếu của họ. Trong khi một số cấu kết giữa hội tam hoàng và cả hai Costra Nostra và Yakuza Nhật đã xảy ra, hội tam hoàng vẫn giữ được tính độc lập và bí ẩn nhiều nhất trong số ba tổ chức tội phạm trên.

Một sự khác biệt chủ yếu giữa các hội tam hoàng và Mafia liên quan đến cấu trúc và kỷ luật. Nếu ai đã từng xem các phim Bố Già có thể xác nhận, các băng đảng có tổ chức của Ý đều có cấu trúc chặt chẽ và kiểm soát gắt gao như một tập đoàn. Các thành viên Mafia phải nhận chỉ thị hoặc được tán thành trực tiếp từ cấp trên trước khi tiến hành một hoạt động làm tiền, và phải nộp lại một phần lợi tức cho cấp trên. Xao nhãng hoặc bất tuân điều luật này có thể bị trừng phạt nghiêm khắc.

Hội tam hoàng không nghiêm khắc đến như vậy, và thủ tục đưa lệnh từ trên xuống và chuyển lợi tức từ dưới lên các ông trùm hoàn toàn vắng mặt. Một thành viên của hội 14k tiếng tăm ở Hongkong khai cách hoạt động của hội cho thanh tra viên tội phạm Úc trong một cuộc thẩm vấn như sau:

Tôi không bị bắt buộc phải nộp bất kỳ bách phân lợi tức nào cho ban lãnh đạo 14k. Hội tam hoàng không hoạt động kiểu đó. Các thành viên hội tam hoàng ưu ái lẫn nhau, giới thiệu mối làm ăn và hỗ trợ nhau trong những phi vụ, nhưng hội tam hoàng thường không có cấu trúc tổ chức chặt chẽ và nghiêm nhặt như các băng nhóm khác như bọn Mafia Ý. Chẳng hạn, thành viên tam hoàng không cần phải được phép từ Long Đầu mới được tiến hành một phi vụ đặc biệt nào đó. . . Mặt khác, vào những ngày lễ truyền thống của người Hoa, như Năm Mới, những thành viên tam hoàng theo tập tục phải gởi quà biếu đến các “đại ca” hoặc “thúc thúc” của họ trong hội tam hoàng.

Có thể nói rằng hành động của hội tam hoàng khéo léo hơn các thành viên Mafia, vốn có khuynh hướng nổi tiếng là tàn bạo. Các tay chấp pháp tam hoàng có thể cũng thẳng tay, nhưng thường họ bao bọc sự răn đe  bằng những lời cảnh báo tế nhị trước khi hạ thủ. Một doanh nhân Hong Kong thách thức lời đe dọa của hội tam hoàng liền nhận được cái đầu máu me của một con chó, có lẽ từ những tay chấp pháp đã xem phim Bố Già và ấn tượng trước cảnh đầu ngựa bị cắt lìa. Chỉ sau khi ông ta tiếp tục phớt lờ lời đe dọa này ông mới bị đâm đến chết vài ngày sau đó.

Những cộng đồng người Hoa ở Bắc Mỹ là trong số những nhóm chủng tộc khép kín nhất, luôn tỏ ra ngờ vực người ngoài dòm ngó nền văn hóa của mình. Kết quả là, muốn tiếp xúc với các ông trùm tam hoàng phải xuyên qua hai lớp phòng thủ: hàng rào văn hóa mà tất cả người Hoa dựng lên chống lại ngoại nhân, và bức màn bí mật buông kín hội tam hoàng.

Một trở ngại khác cho các nhân viên chấp pháp là khả năng mua chuộc các lực lượng cảnh sát địa phương của hội tam hoàng, nhất là ở Hong Kong. Nhiều năm trước khi Hong Kong được trao trả về chính quyền Hoa Lục vào năm 1997, Cảnh sát Hoàng gia Hong Kong thiếu một hệ thống tình báo tội phạm, và có vẻ như đã trấn áp được tác động của hội tam hoàng ở phần thuộc địa này. Chỉ sau cuộc điều tra chi tiết vào năm 1983 mới vỡ lẽ qui mô thực sự của các băng nhóm xã hội đen. Báo cáo cũng phơi bày tình trạng tham nhũng trầm trọng trong nội bộ RHKP (Lực Lượng Cảnh Sát Hongkong Hoàng Gia), trong đó có sự cấu kết dài hạn giữa các sĩ quan cảnh sát cao cấp và các ông trùm băng nhóm liên quan đến đường dây ma túy. Nhiều sĩ quan RHKP phất giàu lên nhờ quan hệ với hội tam hoàng và, theo nguồn tin của RCMP, có không ít tên trùm di cư từ Hong Kong đến Anh và Canada trước khi Cộng sản lấy lại Hong Kong vào năm 1997, mang theo của cải và lập nghiệp như những doanh nhân thành đạt đáng kính.

Khi chính quyền Hoa Lục đến tiếp quản Hong Kong vào tháng 7 1997 một số thành viên tam hoàng cũng khăn gói ra nước ngoài. Những người lạc quan, vốn biết mức độ tham nhũng dưới chế độ cộng sản cũng chả kém gì, ở lại hoạt động với hi vọng kiếm ăn được như xưa. Tuy nhiên có sự khác biệt căn cơ. Dưới chế độ Anh, một số ít các ông trùm nếu bị bắt thì chỉ nhận những bản án tù. Nhưng nếu chính quyền Bắc Kinh áp dụng chính sách lục địa cho Hong Kong, thì chắc chắn các ông trùm sa lưới sẽ nhận vài viên đạn vào đầu.

Các băng nhóm xã hội đen Hong Kong giờ thuộc trách nhiệm của Bắc Kinh, nhưng ảnh hưởng của họ thực sự vươn ra khắp thế giới, mặc dù sức tác động có phần thay đổi. Ở Anh, Cục Tình Báo Tội Phạm Quốc Gia (NCIS) tiến hành một cuộc nghiên cứu về hoạt động của nhóm xã hội đen trong xứ dưới mật danh thật thiếu óc  tưởng tượng là  Dự án Chiếc Đũa. Trong khi báo cáo của NCIS năm 1996 ghi nhận rằng có bốn hội tam hoàng đang hoạt động ở Anh, nhưng không có hội nào được điều khiển từ Hong Kong, và do đó các băng nhóm không phải là một bộ phận của một âm mưu tội phạm quốc tế. Các nạn nhân của hội, theo báo cáo của cuộc điều tra, thường là những doanh nghiệp nhỏ do những di dân người Hoa hoạt động thường không dám cầu cứu với nhà cầm quyền Anh. Cuộc điều tra cũng tuyên bố chúng không đóng vai trò có ý nghĩa trong hoạt động mua bán ma túy trong xứ, trái với tình hình ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.

Vào năm 1988, một cuộc điều tra của chính quyền Úc ước tính có từ 85 đến 95 phần trăm lượng he-rô-in đưa vào nước này được kiểm soát bởi các hội tam hoàng người Hoa. Mười năm sau, tuy nhiên, một điều tra của Mỹ cho biết sự thống trị của hội tam hoàng đã sụt giảm trước sức  cạnh tranh của các băng nhóm đến từ các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu là Việt Nam, Kmer, Myanmar và Philipine.

Trong thập niên 1970 và 1980, hầu hết he-rô-in chất lượng cao đi vào Bắc Mỹ có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và được chuyên chở đến Marseille để xử lý trước khi lên đường đến Hoa Kỳ (đường dây ma túy Pháp lừng lẫy), do Mafia nắm quyền kiểm soát phân phối. Các ông trùm xã hội đen từ Hong Kong di cư vào thập niên 1990 giành quyền điều khiển mạng lưới vào tay người Hoa. Bỏ qua Marseille, đã từng một thời xử lý một số lượng lớn chất cấm, các hội tam hoàng hình thành những lộ trình hoặc qua Amsterdam hoặc đi thẳng đến Toronto, Montreal và Vancouver trước khi tuồn chất cấm vào thị trường cuối cùng, Hoa Kỳ. Hầu hết những nhân viên điều tra đều nhận diện hội tam hoàng 14k là nguồn gốc chính của ma túy.

Tuy nhiên, ở thị trường ma túy Bắc Mỹ, sự thống trị của họ đã bị các băng đảng sừng sỏ mới của người Việt thách thức, vốn bất chấp truyền thống và tính bí ẩn mà chỉ sử dụng toàn răn đe vũ lực. Người Việt đã từ lâu được xem là hung hãn và nhẫn tâm hơn những băng nhóm Á châu khác, một truyền thống mới đã bắt đầu khi họ lần đầu tiên xâm nhập Bắc Mỹ trong thập niên 1980. Theo lời một sĩ quan bài trừ ma túy thuộc RCMP trước đây giải thích: “Những ông trùm của những băng đảng mới đầu tiên xuất hiện từ sau cuộc chiến Việt Nam. Những gã này đã dạn dày. Họ có thể đã xuất thân từ quân ngũ hoặc tội phạm đường phố, nhưng khi miền Bắc chiếm đóng, trước tiên họ phải bỏ xứ ra đi và vào nằm chờ tại các trại tị nạn, rồi sau đó họ phải tranh đấu và ráng sống sót đủ lâu trước khi được nhận vào Canada hay Mỹ mà không một đồng xu dính túi. Họ đã bao phen trực diện tử thần và đạn lửa trong cuộc chiến dài tàn khốc trên đất nước họ. Họ cho rằng mình đã quá may mắn còn sống sau bao nhiêu trải nghiệm, vì thế họ thực sự không còn gì nhiều để mất.”

Trong nhiều thành phố, các hội tam hoàng thực sự chịu rút lui khỏi các hoạt động tội phạm thay vì phải đụng độ với người Việt máu lạnh  hơn. Họ chọn tập trung vào những phi vụ dính đến người Hoa và nhường phần thị trường còn lại cho người mới đến. 

Tương lai các hội kín tam hoàng Trung Quốc vẫn còn mờ mịt. Một số ức đoán rằng cường quốc kinh tế đang lên và mức độ tham nhũng cũng tiếp tục tăng lên sẽ tạo cơ hội cho hoạt động của hội tam hoàng cũng tăng lên tương xứng, mặc dù có chính sách hành hình khẩn cấp đối với tội phạm cao cấp loại này. Những người khác có ý kiến rằng hội tam hoàng đã hình thành, ở một mức độ nào đó, từ những áp bức của các cường quốc ngoại bang trong quá khứ, và giờ đây khi đã là một siêu cường quốc kinh tế và có tầm ảnh hưởng quốc tế, các hội tam hoàng có thể quay về với việc đề cao bản sắc văn hóa Trung Hoa như hoạt động khởi thủy của họ  (có phải ý tác giả cho rằng các hoạt động của  Viện Khổng Tử đang có mặt nhan nhản ở phương Tây và nơi khác được điều hành bởi hội tam hoàng “quốc doanh”?5: ND).

Bất kỳ tiến hóa theo cách nào, họ vẫn duy trì tính cách bí ẩn và cấu trúc đã được xây dựng cách đây hơn 2000 năm từ thời các băng đảng Xích Mi đoàn kết để lật đổ một hoàng đế trị vì. Trong tất cả hội kín đang hoạt động trên thế giới, hội tam hoàng vẫn tiếp tục tham gia trong một môi trường ngôn ngữ và văn hóa đặc thù mà ít có người Tây phương nào có thể xăm xoi đến tận đáy.

(Còn tiếp)

One thought on “Hội Kín : Bên Trong Hội Tam Điểm, Hội Yakuza, Hội Đầu Lâu Cốt và những Tổ Chức Bí Mật tai tiếng nhất thế giới- Phần 4

  1. Pingback: Hội Kín : Bên Trong Hội Tam Điểm, Hội Yakuza, Hội Đầu Lâu Cốt và những Tổ Chức Bí Mật tai tiếng nhất thế giới | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s