Một số tương đồng- dị biệt trong dấu ấn tiếp biến văn hoá Ấn của Champa- Phù Nam

phu-nam

Nguyễn Tuấn Hùng

Việt Nam hay các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã chịu sự tác động mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ- đến mức người ta gọi đây là “thế giới Ấn Độ hóa”. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Còedes đã khái quát về thế giới ấy như sau: “Indianization must be understood essentially as the expansion of an organized culture that was founded upon the Indian conception of royalty, was characterized by Hinduist or Buddhist cults, the mythology of the Puränas, and the observance of the Dharmasästras, and expressed itself in the Sanskrit language. It is for this reason that we sometimes speak of “ Sanskritization” instead of ”Indianization”

Qúa trình “Ấn Độ hóa” sẽ không thể diễn ra thành công và ghi dấu ấn rõ nét tại Đông Nam Á nếu không đảm bảo tính hai chiều: “Sự lan tỏa ôn hòa của các giá trị Ấn Độ và sự tiếp nhận sáng tạo của các quốc gia Đông Nam Á”. Về lý thuyết, trong quy luật về quá trình tiếp biến văn hóa cho thấy, thường thì những nước có bề dày truyền thống văn hóa thì sức lan tỏa lớn và trong quá trình giao lưu, tiếp biến, họ cho đi nhiều hơn là nhận. Trường hợp văn hóa Ấn Độ cũng vậy. Về thực tế, con đường truyền tải văn hóa Ấn là con đường hòa bình, chứ không mang tính cưỡng bức, áp đặt nên ít phá vỡ những cơ tầng văn hóa bản địa  và dễ dung nạp với tôn giáo và văn hóa của các cư dân bản địa. Cho nên, trong suốt quá trình du nhập của Ấn Độ giáo vào Đông Nam Á chưa thấy diễn ra xung đột tôn giáo gay gắt.

Thuật ngữ “Ấn Độ hóa” có khá nhiều cách diễn đạt trong các ngôn ngữ tiếng nước ngoài (trong tiếng Anh, có các thuật ngữ chính là: Sanskritization/ Hinduization/ Brahmanization/ Indianization), và vì thế cách hiểu cũng có phần khác nhau.Tuy nhiên, khi nghiên cứu vấn đề “Ấn Độ hóa”, đa phần các học giả đều đánh giá cao định nghĩa của George Cœdès (1886-1969). Học giả người Pháp nổi tiếng chuyên về khảo cổ và lịch sử Đông Nam Á này cho rằng “quá trình Ấn Độ hóa chủ yếu là sự bành trướng của một nền văn hóa có tổ chức, dựa trên các quan niệm của Ấn Độ về vương quyền, được đặc trưng bởi Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo, thần thoại Purana, pháp giới Phacmaxastra và lấy tiếng Phạn làm phương tiện biểu đạt”

Trong công trình nghiên cứu đã trở thành kinh điển đối với các học giả nghiên cứu Đông Nam Á Histoire ancienne des états hindouisés d’Extrême-Orient5,George Cœdèsđã sử dụng thuật ngữ tiếng Pháp là “hindouisés” để chỉ quá trình “Ấn Độ hóa”.Khi nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á thông qua các bia ký và các kiến trúc đền đài, N.J.Krom đã kết luận rằng vào khoảng năm 300 TCN đến khoảng năm 1500 SCN, Ấn Độ đã thông qua các tuyến đường thương mại nhộn nhịp để truyền bá các giá trị văn hóa, hệ thống tín ngưỡng và mô hình tổ chức xã hội vào Đông Nam Á. N.J.Krom đặt tên cho quá trình này là “Hinduization”. Ngoài ra, rất nhiều tác giả đã dùng từ “Hinduization” để chỉ quá trình “Ấn Độ hóa” như: K. P. Landon and Lawrence Palmer Briggs (1951), “Southeast Asia. Crossroad of Religions”, The Far Eastern Quarterly ; Konrad Bekker (1951), “Culture Contact and Cultural Change in Southeast Asia: A Symposium”, The Journal of Asian Studies, Issue ; Kenneth Perry Landon (1949), Southeast Asia: Crossroad of Religions, University of Chicago Press.

Trong lịch sử, thuật ngữ “Indianization” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ đối với khu vực Đông Nam Á. Các học giả trước đó đã coi quá trình “Indianization” là một sáng kiến của Ấn Độ với lực lượng những người di cư quy mô lớn tạo lập nên các nước thuộc địa ở Đông Nam Á.

Với cách dùng thuật ngữ“Indianization”để chỉ quá trình “Ấn Độ hóa”,nhà nghiên cứu nổi tiếng O.W.Wolters trong công trình History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives đã không tán thành. O.W.Woltersđề xuất sử dụng “Hindu” thay cho “Indian” bởi vì từ “Hinduism” (Hindu giáo) là một thuật ngữ tôn giáo và là một hiện tượng quan trọng của Ấn Độ mà các quốc gia Đông Nam Á rất quan tâm.Bởi lẽ, hầu hết các quốc gia cổ đại Đông Nam Á đều thuộc về một cộng đồng rộng khắp có tên là “thế giới Hindu” (Hindu world). Ngoài ra, tất cả các nguồn tài liệu từ tiếng Phạn đều liên quan mật thiết đến Hindu giáo. O.W.Wolters cũng cho rằng tất cả các giá trị Ấn Độ không thể nào truyền đến Đông Nam Á nếu các nhà cai trị Đông Nam Á (Southeast Asian élite) không tiếp nhận và “tiêu hóa” một đặc điểm mang tính thống trị của Hindu lúc bấy giờ là sự sùng đạo mang tên “bhakti”

Trên cơ sở xem xét cách tiếp cận vấn đề “Ấn Độ hóa” thông qua hai thuật ngữ “Hinduization” “Indianization”, chúng tôi đưa ra một số nhận xét khái quát:

  • Sự vận động về thời gian và không gian trong lịch sử Ấn Độ cho thấy quá trình “Hinduization”đã diễn ra trước tiên, sau đó mới đến quá trình “Indianization”.
  • Thuật ngữ “Hinduization”nhấn mạnh đến quá trình truyền bá tôn giáo đến các quốc gia Đông Nam Á là chủ yếu trong khi thuật ngữ“Indianization”tập trung hướng đến các giá trị văn hóa khác.
  • Thuật ngữ “Hinduization” đã được hiệu chỉnh thành “Indianization” bởi các học giả hiện đại nhằm làm rõ thêm cho ảnh hưởng ngày càng rộng khắp của văn hóa Phật giáo hiện nay trong khu vực.

Quá trình “Indianization”cũng mang hơi thở hiện đại và “tính mở” hơn gắn với tôn giáo và văn hóa. Tôn giáo và văn hóalà hai yếu tố chính cho thấy tác động sâu sắc của các giá trị Ấn Độ tại Đông Nam Á. Nhìn chung, “Ấn Độ hóa” là quá trình lan tỏa các giá trị Ấn Độ sang các khu vực lân cận trên cơ sở phổ biến nền văn hóa Ấn (là chính) và tiếp nhận các yếu tố văn hóa khu vực (là phụ). Như vậy có thể nhận thấy rằng “Ấn Độ hóa”có các yếu tố:

  • Thời gian, là một quá trình có tính chất lâu dài.
  • Mục tiêu, phổ biến các giá trị Ấn Độ vượt qua biên giới quốc gia
  • Nội dung, là các giá trị Ấn Độ (mà chủ yếu là các giá trị văn hóa)
  • Đối tượng, là các quốc gia hay các khu vực lân cận với Ấn Độ

Trước hết, cần biết quá trình ảnh hưởng của văn hóa Ấn đến Việt Nam là vào khoảng thời gian nào. Điều này sẽ luận giải cho lý do vì sao chúng ta lại tiếp nhận văn hóa Ấn thay vì không tiếp nhận các luồn văn hóa khác. Cùng với tiến trình thời gian, cách thức gây ảnh hưởng của Ấn cũng là một vấn đề giúp cho sự truyền bá của Ấn được suôn sẻ và ít bị gián đoạn hay từ chối tiếp nhận. Con đường hòa bình của quốc gia này phần nào đã gây được sự thiện cảm đối với cư dân trên lãnh thổ hình chữ S; và chính điều đó đã giúp cho nền văn hóa được truyền bá một cách sâu rộng và toàn diện trong xã hội bản địa Việt. Song, chịu ảnh hưởng chủ yếu vẫn phải kể đến vùng đất Trung và Nam Bộ với 2 quốc gia cổ từng tồn tại ở đây là Champa (khoảng tk II- niên đại lập quốc vào năm 190-193 CN ở quận Tượng Lâm đến tk XV- khi Lê Thánh Tông thân chinh tiến đánh Champa) và Phù Nam (thế kỷ I-VI)

Ấn Độ giao lưu văn hóa với chúng ta có thể tính vào khoảng 3 thế kỷ đầu CN với sự ảnh hưởng của Phật- Hinđu giáo cùng chữ viết đã đẩy mạnh tiến trình quan hệ thương mại Ấn – Trung, cùng đó là sự xâm nhập của lối sống Ấn ở vùng đất mới. Và giai đoạn kết thúc quá trình ấy là vào khoảng thế kỷ XIV-XV với sự biến mất của vương quốc cổ Champa. Trong suốt quá trình giao lưu văn hóa, đến khoảng thế kỷ XIV-XV thì sự ảnh hưởng bắt đầu phai nhạt dần và không còn ảnh hưởng nữa. Vậy quá trình ảnh hưởng quan trọng nhất của văn hóa Ấn là vào giai đoạn 14-15 thế kỷ tính từ đầu công nguyên.

Cùng với sự xâm nhập của văn hóa Ấn là sự hình thành hai quốc gia cổ từng tồn tại trên vùng đất thuộc Trung và Nam Bộ ngày nay. Hai quốc này mức độ tiếp nhận văn hóa Ấn cũng khác nhau là đó chính là Phù Nam (Funan) và Champa hay quốc gia Ấn Độ hóa sớm nhất quốc gia Ấn Độ hóa sâu sắc nhất.

Sự hình thành, phát triển, suy vong của 2 cổ quốc này cũng là khác nhau nên nó ảnh hưởng phần nào đến quá trình tiếp nhận cũng như biến đổi văn hóa Ấn. Nếu Phù Nam tồn tại từ khoảng thế kỷ I CN đến thế kỷ VI/VII thì Champa lại tồn tại lâu hơn rất nhiều so với Phù Nam khi có thể lấy dấu mốc niên đại lập quốc là năm 190-193 CN (khoảng thế kỷ II CN, ở quận Tượng Lâm) đến khi suy vong và biến mất là khoảng thế kỷ XV. Khoảng thời gia xuất hiện là khá tương đồng với nhau, song thời gia tồn tại lại khá xa nhau; trong khi Phù Nam đã biến mất vào khoảng thế kỷ VI/VII CN thì thời gian đó, Champa vẫn tiếp tục trên đà phát triển và tồn tại đến tận thế kỷ XV- tức sau đó gần 10 thế kỷ mới suy vong và biến mất. Chính việc này dẫn đến việc Champa là quốc gia có sự tiếp biến đối với văn hóa Ấn là vô cùng sâu đậm và rõ nét so với Phù Nam và không có gì đáng để bàn cãi khi Champa chính là quốc gia Ấn Độ hóa sâu sắc nhất.

Xét trên phương diện chính trị- xã hội, cả Phù Nam và Champa đều tiếp thu mô hình chính trị của Ấn Độ, cả về huyền thoại lập quốc hay sự ra đời của quốc gia đều nhuốm màu sắc Ấn. Ở đây, hai cổ quốc này đã nhận mô hình Mandala của Ấn- mô hình của sự “độc lập trong liên lập”, trong đó nhiều tiểu quốc thần phục một vương quốc bá quyền; hay Mandala là khái niệm từ tiếng Sanskrit mà Wolters dùng để chỉ tình trạng chính trị riêng biệt và thường không bền vững, trên phạm vi địa lý xác định một cách mơ hồ, không có biên giới rõ. Nếu Phù Nam có cả thiết chế Mandala và tồn tại cả quan hệ tông chủ- chư hầu thì Champa chỉ có nền chính trị được xây dựng dựa trên mô hình Mandala của Ấn, mà không có sự tiếp nhận của nền văn hóa khác.

Thuật ngữ mandala trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ xưa đã được vận dụng sáng tạo để tạo nên một cấu trúc các đơn vị chính trị rộng lớn hơn ở các quốc gia Đông Nam Á cổ đại. Giáo sư sử học O.W.Wolters đã giải thích thể chế chính trị Mandala “mỗi một Mandala gồm một số tiểu thủ lĩnh phụ thuộc mà một số có thể từ bỏ quy tắc phụ thuộc khi có thời cơ và cố gắng lập một hệ thống phụ thuộc của mình, tự gia tăng các mạng lưới chư hầu của mình. Chỉ có Mandala tôn chủ mới có quyền nhận cống nạp và cử đại diện của mình đến để thể hiện vị trí tôn chủ”

Phù Nam theo sự ý giải của GS. Lương Ninh có 2 giai đoạn rằng: Giai đoạn đầu, từ thế kỷ I/II đến đầu III CN. Lúc này tồn tại thể chế quân chủ (vua núi), sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền Bàlamôn; hay mô hình Mandala (theo hình thức nhà nước tập quyền).  Giai đoạn hai, từ thế kỷ III đến VI/VII, tiến hành các cuộc chiến tranh chinh phạt, thiết lập đế chế rộng lớn nhất với nhà nước nhiều thuộc quốc; lúc này tồn tại mô hình quan hệ tông chủ- chư hầu (có từ thời Tây Chu ở Trung Hoa). Ở đây, xét thấy thiết chế chính trị của Phù Nam là một thiết chế yếu vì nó có cả quan hệ của nền chính trị Trung Hoa; theo đó, sự bá quyền của Phù Nam chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định và đến lúc suy yếu thì sẽ có quốc gia khác thay thế vị trí bá quyền ấy và lịch sử đã chứng minh cho ta thấy Phù Nam đã bị thôn tính bởi Chân Lạp vào thế kỷ VI/VII.

Trong khi đó, Champa lại chỉ tiếp nhận mô hình Mandala của người Ấn và cao tay hơn cả Phù Nam, quốc gia này đã biến đổi mô hình này thành mô hình mang đặc điểm của Champa. Theo đó, vương quốc Champa chia làm 4/5 tiểu quốc, được nhắc đến trong văn bia với 38 châu lớn nhỏ; mỗi tiểu quốc được thiết lập dựa trên 5 yếu tố thiêng mà GS. Trần Quốc Vượng đã là người có công trong việc phát hiện ra điều này, bao gồm:

  1. Núi thiêng: nơi thờ thần Shiva
  2. Sông thiêng: thờ nữ thần Ganga (vợ Shiva)
  3. Cửa biển thiêng (Trung tâm kinh tế): cảng thị, nơi trao đổi hàng hóa…
  4. Thành phố thiêng (Trung tâm vương quyền): hoàng thành, nơi trú ngụ của vua và hoàng tộc, lãnh chúa.
  5. Đất thiêng/ Thánh đô (Trung tâm tín ngưỡng): thờ tự thần linh, tổ tiên

Champa tiếp thu và sử dụng quan niệm của Ấn Độ giáo- Phật giáo để xây dựng vương quyền cho riêng mình dù vẫn chưa có luật thành văn hay quân đội thường trực; xuất hiện quan niệm về thần- vua- đặc điểm của Shiva giáo Chăm. Sử dụng những từ ngữ Ấn, địa danh Ấn để đặt tên nước, kinh đô và các quận; vua Cham cũng đặt những vương hiệu, miếu hiệu, tên hiệu theo cách mà người Ấn đặt. Trong xã hội cổ Champa cũng được chia theo các đẳng cấp (varna), song lại không khắt khe, chặt chẽ như của người Ấn. Hầu như chỉ đề cập đến đẳng cấp trên (Brahman và Ksatrya) mà không nói đến đẳng cấp dưới như (Vaishya hay Sudra).

Tiếp đến là sự tiếp thu chữ viết, Phù Nam hay Champa đều có sự tiếp nhận chữ viết của Ấn. Nhận thấy Phù Nam tiếp thu rất sớm, từ những thế kỷ II đến V và văn tự được sử dụng đầu tiên ở đây chính là chữ Brahmi. Về sau, người Phù Nam đã chuyển sang dùng chữ Phạn (Sanskrit) để khắc các lời chú lên bùa đeo, trang sức/ Bi ký Phù Nam để lại còn 4 tấm viết chữ Phạn dạng cổ thuộc khoảng thế kỷ V; trong đó có 2 tấm bia thấm đượm tinh thần Visnu giáo, 1 tấm thể hiện tinh thần Phật giáo. Dường như chưa thấy sự cải tiến chữ viết của cư dân Phù Nam. Đó cũng là điều hiển nhiê, bởi lẽ Phù Nam tồn tại trong thời gian chỉ có 6-7 thế kỷ thì làm sao có đủ điều kiện để có thể cải tiến chữ viết và điều quan trọng hơn là hầu như các vị vua của vương quốc cổ này đều là người Ấn thì việc cải tiến lại diễn ra chậm chạp hơn.

Ở Champa thì khác. Chữ Phạn trở thành một phương tiện ghi chép chính thống trong suốt thời gian tồn tại của vương quốc Chăm Pa. Trên cơ sở chữ Phạn, người Champa đã sáng tạo ra chữ viết của riêng của mình. Chữ viết Champa gồm có 16 nguyên âm, 31 phụ âm, 32 dấu âm sắc đến chữ Phạn cổ. Champa đã sớm tiếp thu hệ thống văn tự cô Ấn Độ để sáng tạo ra chữ viết của chính mình. Champa là quốc gia có chữ viết sớm nhất ở Đông Nam Á. Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văng hoá Ấn Độ nên vua chúa Champa thường dùng chữ Phạn đề bày tỏ ý tưởng riêng của mình (tiếp thu từ những thế kỷ đầu sau công nguyên) chữ Chăm có 65 ký hiệu, tong đó có 41 chữ cái (6 nguyên âm và 35 phụ âm) và 24 chân chữ bắt nguồn từ hệ thống chữ thảo của Ấn Độ.

Xét về phương diện tôn giáo, có thể nói đây là phương diện mà ở cả Phù Nam và Champa đều có những sự biến đổi nhất định, và tôn giáo đã mang màu sắc của chính họ. Phật giáo và Hindu giáo đều được truyển vào 2 cổ quốc này và tôn giáo đi cùng với những phương diện về kiến trúc- điêu khắc- hội họa- âm nhạc… đã thể hiện một phương thức mới mẻ: Nghệ thuật thực hành tôn giáo.

Phù Nam được xem như là một trung tâm Phật giáo quan trọng của phương Đông. Đã hình thành trường phái tượng Phật mang đặc điểm Phù Nam; được tiếp nhận cả Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông; tượng Phật được đặt chung với các tượng thần Hindu giáo. Nếu ở Ấn Độ hai tôn giáo này chiến đấu với nhau đến một mất một còn thì ở Phù Nam, hai tôn giáo ấy lại có thể chung sống hòa bình và hòa lẫn vào nhau, vào trong văn hóa bản địa của cư dân vùng này.

Nói đến Hindu giáo, hầu như các thần linh của Ấn Độ đều có mặt ở đây, tại di chỉ Óc Eo. Điêu khắc cũng đã hình thành trường phái Visnu Phù Nam bao gồm 40 pho tượng đội mũ trụ, mặc áo dài chia thành 5 phong cách Phù Nam; nhận thấy Phù Nam tôn sùng Visnu và vị thần này được thần tượng hóa trở thành như 1 tôn giáo mang tên Visnu giáo. Điều này đến cả quốc gia như là Champa cũng không hề có được, khẳng định năng lực tiếp biến của cư dân Phù Nam là có, chỉ là không được phát triển đúng mà thôi.

Hãy nhìn lại Champa. Thế kỷ VII, Ấn Độ giáo mà chủ yếu là Siva giáo đã trở thành tôn giáo chính thống của vua chúa Champa. Dưới vương triều đầu tiên của vương quốc Chăm Pa: Vương triều Gangaraji (cuối thế kỷ II-đầu thế kỷ IX) những tôn giáo chính của Ấn Độ như: Phật giáo và Ấn Độ giáo đã phô biến rộng ở khu vực phía Bắc của Champa. Nhưng đến khoảng thế kỷ XI cả hai tôn giáo này không chỉ cùng tồn tại mà còn cùng hoà vào nhau, không bài xích nhau theo ý niệm của người theo tôn giáo này hay tôn giáo kia. Tôn giáo Chăm Pa thời kỳ này gần như là Nhị giáo đồng nguyên. Nhưng Siva giáo vẫn là chính thống của vương triều, quốc gia. Có thể thấy rất rõ quá trình hoà nhập các hình thức Ấn Độ vào tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của người Chăm. Tính Siva giáo vẫn bao trùm toàn bộ tôn giáo, vương triều hoặc quốc gia của Champa. Tín ngưỡng của người Chăm trước khi tôn giáo của Ấn Độ gia nhập vào cho đến nay vẫn chưa có tư liệu rõ ràng. Trên cơ sở tài liệu của nền văn hoá Sa Huỳnh ta có thể thấy những mộ chum điên hình và có chóp theo đồ tuỳ táng. Mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, có lẽ người Chăm cũng như tộc người khác có tín ngưỡng đa thần giáo.

Ban đầu, các đền tháp có chức năng thờ Tam vị nhất thể (TrimurfI, Sava, Brahma, Visnu) theo tín ngưỡng Balamôn; càng về sau, người Chăm càng suy tôn thần Siva và hình thành nên Siva giáo với tổng thể kiến trúc thường chỉ một tháp thờ thần Siva hoặc được một bố cục gồm tháp ở vị trí tung tâm hay trên trục trung tâm và các tháp phụ khác quy mô nhỏ hơn Sức mạnh văn hoá bản địa của văn hoá Champa và sự suy tôn thần Siva được thê hiện qua kiến trúc được mô phỏng bằng hình tượng Linga-Yoni. Người Chăm đã tạc những mẫu tượng Linga-Siva hoặc kết hợp thần Siva và vợ là Uma đề hình thành ngẫu tượng Siva-Uma vừa có râu, vừa có vú… Trong tín ngưỡng Champa xuất hiện một hình thức mới-tín ngưỡng thần-vua, và các đền tháp ngoài chức năng thờ thần còn có chức năng thờ vua Champa.

Phật giáo được đoán định vào Champa khoảng thế kỷ IX trong vương triểu Indrapura với kinh đô Đồng Dương. Đồng Dương được coi là “trung tâm phật giáo Champa”, là tu viện quan trọng của phật giáo Đại Thừa ở Đông Nam Á thế kỷ thứ IX- X. Điêu khắc Champa trước thế kỷ VII gần gũi một cách kỳ lạ với truyền thống nghệ thuật Amaravati của Án Độ, chỉ từ nửa thập niên thứ 2 của thế kỷ VII thì nền nghệ thuật điêu khắc Chăm mới bộc lộ những cá tính riêng biệt của mình. Đặc trưng lớn nhất và chung nhất cho điêu khắc cô Chăm Pa là là xu thế hướng tới tượng tròn của hầu như tất cả những hình chạm khắc dưới dạng phù điêu. Điêu khắc Chăm Pa mang tính của nền nghệ thuật ấn tượng nhiều hơn là tả thực. Tính ấn tượng có thể nói là đặc điểm lớn thứ hai tạo nên về đẹp độc đáo của nghệ thuật điêu khắc cô Chăm Pa.

Song, về việc Phù Nam hay Champa có tiếp biến văn hóa Hán hay không lại là vấn đề mà chúng ta cần phải có thêm tư liệu cũng như cần phải nghiên cứu thêm nữa. Nhưng Còedes đã từng nói rằng: “Too often we know nothing about these kingdoms other than their names, recorded by Chinese historians on the occasion of the sending of embassies. Only Funan and Champa, which entered into relations with China at an early date, have a fairly continuous history.” Vậy phải chăng, hai cổ quốc này có mối quan hệ đặc biệt nào với Trung Hoa hay không ?

Ông cũng nói đến Phù Nam như một người học trò đầu tiên tiếp nhận văn hóa Ấn ở khu vực này: “As for Funan, which at times played the role of a true empire, the civilization that it developed in the valley of the Mekong prepared the soil for the efflorescence of Khmer civilization, one of the most beautiful flowers that Indian influence has produced in India beyond the Ganges

Sự kết thúc của vương quốc cổ Champa cũng cho thấy sự đối nghịch về 2 luồn tư tưởng văn hóa của Ấn Độ- Trung Hoa cùng với sự thua cuộc của Champa đã gián tiếp cho sự kết thúc quá trình duy trì ảnh hưởng của văn hóa Ấn tại Việt Nam; nhường chỗ cho văn hóa Hán tiếp tục vị thế chủ đạo. Thực tế đã chứng minh sự đối kháng giữa 2 nền văn minh này vốn đã có từ lâu, chứ không phải đến tận thế kỷ XV mới bộc lộ. Còedes đã có sự nhận xét như sau: “Even before their constitution into an organized state at the end of the second century, the populations of Indonesian language who formed the nucleus of the Cham people were seeking to expand to the north, into the Vietnamese provinces of the Middle Kingdom. This was the first act of a dramatic conflict between the pioneers of Indian culture and the representatives of Chinese culture, a conflict that lasted fifteen centurie”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. G. Còedes, The Indianized States of Southeast Asia (Tạm dịch: Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông)
  2. Vũ Đức Liêm (2017), Phù Nam: Huyền thoại và những vấn đề lịch sử, Nghiên cứu quốc tế
  3. Hà Văn Thùy (2017), Một cách lý giải khác về vương quốc Phù Nam, Nghiên cứu quốc tế
  4. Nguyễn Thuận An- Nguyễn Phương An, Qúa trình suy vong của vương quốc Phù Nam
  5. Võ Thanh Liêm, Lịch sử hình thành miền Nam Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử <https://nghiencuulichsu.com/2014/04/15/lich-su-hinh-thanh-cua-mien-nam-viet-nam/>
  6. Nguyễn Thị Hậu, Vài nét về văn hóa Champa, <http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so/952-nguyen-thi-hau-vai-net-ve-van-hoa-champa.html>
  7. Huỳnh Tâm Sáng, Quá trình “Ấn Độ hóa” trong lịch sử Đông Nam Á– tiếp cận từ cơ sở “bản địa hóa”

Bình luận về bài viết này