Việt Thường Thị ở đâu? Văn Lang ở đâu?

tải xuống.jpg

Hà Văn Thuỳ

 

I. Hai quan niệm về Việt Thường thị

  1. Chủ trương có nước Việt Thường miền Cửu Chân

Cuốn sách sớm nhất nhắc tới Việt Thường thị là Thượng Thư đại truyện được viết đầu thời Hán: “Năm Tân Mão đời Chu Thành Vương (1063 – 1026 TCN) có Việt Thường thị phía nam Giao Chỉ đến kinh đô nhà Chu giao hảo, tặng chim bạch Trĩ.” Muộn hơn là Thông chí của Trịnh Tiều thời Tống (1127-1279): “Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn Khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch.”

Về vị trí nước Việt Thường, có nhiều sách giải thích khác nhau: Cựu Ðường thư thời Hậu Tấn (thế kỷ thứ X) cho rằng nước Việt Thường là ở miền quận Cửu Ðức, tức là miền từ Hà Tĩnh, Quảng Bình trở vào.

Sách Văn hiến thông khảo ở thời Nguyên (thế kỷ thứ XIV) lại ghi rằng nước Việt Thường xưa, tức là nước Lâm Ấp, sau là Chiêm Thành. Những tài liệu trên đã ảnh hưởng tới các nhà nho cùng học giả người Việt:

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: “Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình”, rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.” Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi cụ thể hơn: “Phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường thị qua ba lần sứ dịch, sang dâng chim trĩ trắng. Chu Công nói: “Đức trạch chưa thấm khắp đến phương xa, người quân tử không nhận đồ lễ ra mắt; chính lệnh chưa ban ra tới, người quân tử không bắt người ta thần phục”. Theo lời thông dịch, sứ giả muốn nói: “Ông già trong nước chúng tôi có nói: “Trời không mưa dầm gió dữ và biển không nổi sóng đã ba năm nay, ý chừng Trung Quốc có thánh nhân chăng?” Vì thế, chúng tôi sang chầu”. Chu Công đem dâng lễ vật lên nhà tông miếu. Sứ giả không thuộc đường về, Chu Công cho năm cỗ xe biền đều làm theo lối chỉ nam. Sứ giả đi xe ấy theo ven biển nước Phù Nam và nước Lâm Ấp, vừa một năm mới về đến nước.”

Do ảnh hưởng dây chuyền như vậy mà về sau càng nhiều người chủ trương Việt Thường thị là vùng Nghệ Tĩnh ngày nay.

  1. Phái phủ nhận nước Việt Thường ở Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ trước, năm 1957, trong Lịch sử cổ đại Việt Nam (nxb Văn Hóa – Thông Tin, 2005) học giả Đào Duy Anh đưa ra ý kiến phản bác chủ trương nước Việt Thường ở Việt Nam. Ông cho rằng, đó là quốc gia của người Việt ở Nam Dương Tử: “Cái tên Việt được thịnh hành khi Câu Tiễn xưng bá, nhưng nó vốn đã có từ trước. Lần đầu tiên người ta thấy nó xuất hiện trong thư tịch xưa là ở sách Thượng thư đại truyện: “Ở phía Nam Giao có nước Việt Thường dùng nhiều lớp thông ngôn đến hiến chim trĩ trắng…” Sách Thượng thư đại truyện là của Phục Thắng (thường gọi là Phục sinh) ở đầu thời Hán, đọc cho học trò chép thành. Nếu chúng ta xét rằng, Phục Thắng vốn là một vị bác sĩ thời Tần sống sót lại, đã từng sống trước cuộc đốt sách của nhà Tần thì chúng ta có thể tin rằng chuyện Việt Thường hiến trĩ trắng chép đó không phải là Phục Thắng bịa đặt, mà tất đã từng được đọc ở trong sách xưa. Như vậy thì trước thời Tần Hán, hẳn rằng ở Trung Hoa đã có thuyết Việt Thường hiến trĩ trắng mà cái tên Việt Thường hẳn là tên một nước xưa ở thời nhà Chu.

(Các sách xưa) đều chỉ chép Việt Thường là nước ở miền nam Giao Chỉ. Nhan Sư Cổ ở thời Ðường chú giải Tiền Hán thư cũng chỉ nói Việt Thường là một nước xa ở phương nam, chứ không chỉ rõ chỗ nào, mãi đến sách Cựu Ðường thư ở thời Hậu Tấn (thế kỷ thứ X) mới chỉ nước Việt Thường là ở miền quận Cửu Ðức, tức là miền từ Hà Tĩnh, Quảng Bình trở vào. Về sau, sách Văn hiến thông khảo ở thời Nguyên (thế kỷ thứ XIV) lại chú rõ thêm rằng nước Việt Thường xưa, tức là nước Lâm Ấp, sau là Chiêm Thành. Các tác giả đời sau đều theo thuyết ấy, cho đến các nhà Trung Hoa học người Tây phương như Legge và Pelliot cũng cho Việt Thường xưa là Lâm Ấp đời sau…

Chúng tôi tưởng rằng đối với những thuyết trên, chúng ta không cần phải biện bác nhiều lời, chỉ biết rằng các nhà đều dựa theo vị trí mà họ đặt cho Giao Chỉ để đặt vị trí của Việt Thường, thì khi vị trí của Giao Chỉ người ta đặt sai, tất vị trí của Việt Thường người ta không thể đặt đúng được. Chúng tôi cũng theo sách xưa mà đặt Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ. Ðã ức đoán Giao Chỉ ở lưu vực sông Dương Tử thì phải tìm vị trí Việt Thường ở khoảng miền ấy thôi. Ðem so sánh chữ Việt Thường viết trong các sách… Những điều sai dị ấy khiến chúng ta có thể đoán rằng chữ Việt Thường là người Hán tộc dùng chữ Hán mà phiên âm một tên địa phương. Nhà Trung Hoa học Ed. Chavannes ngờ rằng Việt Chương nơi vua Sở Hùng Cừ phong cho con út là Chấp Tỳ, có lẽ đất Việt Thường xưa, vì hai tên ấy đồng âm, nhưng không chỉ rõ vị trí Việt Chương là nơi nào. Chúng ta thấy Sử ký chép rằng đất Cú Ðàn (nay là Giang Lăng), đất Ngạc (nay là Vũ Xương) và đất Việt Chương (?) là những nơi vua Sở phong cho các con, đều là đất ở miền Sở Man, nghĩa là đất châu Kinh và châu Dương. Phân tích đoạn sách ấy ra thì chúng ta có thể đoán rằng, đất Cú Ðàn và đất Ngạc đã là thuộc đất châu Kinh (Sở) thì đất Việt Chương tất là thuộc đất châu Dương hay Dương Việt (Man). Tán thành ý kiến của Ed. Chavannes về Việt Chương với Việt Thường chúng tôi tưởng nên tìm Việt Thường ở đất châu Dương… ” (tr. 215-217)

Mười năm trước, kỹ sư hàng hải trẻ Trương Thái Du cũng cho rằng Việt Thường thị ở Nam Dương Tử và đưa ra cách lý giải về thuật ngữ Giao Chỉ khá thuyết phục: “Giao Chỉ nguyên nghĩa là một khái niệm nói về vùng đất phía nam vương quốc của Đường Nghiêu – Ngu Thuấn. Giao Chỉ đầu thời Chu chính là đất Sở (Hồ Bắc, Trung Quốc). Giao Chỉ cũng còn gọi là Cơ Chỉ hoặc Cơ Sở, nó hàm nghĩa luôn tên nước Sở thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Giao Chỉ nửa cuối thời Chiến Quốc ở phía nam nước Sở. Giao Chỉ thời Tần là Tượng Quận, thời Tây Hán là Bắc Bộ Việt Nam. Chỉ đến thời Đông Hán, Giao Chỉ mới biến thành địa danh cố định và xác thực trên địa đồ, đóng khung bởi kiến thức thiên văn Tần – Hán.” (Trương Thái. Du Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam.http://123doc.org/document/1905966-mot-cach-tiep-can-nhung-van-de-co-su-viet-nam-truong-thai-du-pha-n-1-pdf.htm)

II. Kiến giải của chúng tôi

  1. Không thể có nước Việt Thường ở miền Trung Việt Nam

Thừa nhận việc Việt Thường thị cống rùa và chim trĩ cho triều đình Trung Quốc là có thể tin được nhưng chúng tôi cho rằng, Việt Thường thị không thể ở miền Trung Việt Nam vì những lẽ sau:

  1. Các tài liệu nói tới địa danh Giao Chỉ thời Đào Đường (2300 năm TCN) rồi thời Chu (1063 năm TCN) phải là địa danh đã có lúc đó. Trong khi Giao Chỉ ở Việt Nam chỉ xuất hiện vào đời Hán Vũ Đế, năm 111 TCN. Điều này cho thấy: Giao Chỉ thời Đào Đường và thời Chu hoàn toàn không phải là Giao Chỉ ở Việt Nam! Vì không có Giao Chỉ nên cũng chẳng làm gì có Việt Thường ở Việt Nam.
  2. Giả sử nhà nước Việt Thường ở miền Trung là có thật thì cũng không thể có chuyện quan hệ ngoại giao với Trung Nguyên vì lẽ: ngoại giao chỉ có thể xẩy ra giữa hai nước lân bang, gần gũi về địa lý, có liên hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa với sự hiểu biết, nương tựa nhau. Trong khi đó, giữa Việt Thường miền Trung với Trung Nguyên quá xa về địa lý, giao thông khó khăn, lại cách trở bởi nhiều nhà nước khác nên không có mối quan hệ gì về kinh tế, chính trị. Chỉ vì “”Trời không mưa dầm gió dữ và biển không nổi sóng đã ba năm nay,” mà sang chầu, là lý do thiếu thuyết phục!

Chỉ bằng lập luận này đã đủ bác bỏ chủ trương cho rằng Giao Chỉ – Việt Thường trong các cổ thư trên là địa danh ở Việt Nam.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục Tiền biên, càng tỏ ra hoang tưởng khi chép: “Sứ giả đi xe ấy theo ven biển nước Phù Nam và nước Lâm Ấp, vừa một năm mới về đến nước.” Phù Nam chỉ hình thành từ thế kỷ I, còn Lâm Ấp mới ra đời năm 192 sau Công Nguyên thì làm sao mà sứ của Việt Thường nghìn năm trước đi qua hai nước chưa ra đời này?! Thêm nữa, làm thế nào mà sứ giả từ Nam Hoàng Hà đi xuống tận đồng bằng sông Cửu Long rồi ngược lên Nghệ Tĩnh ? Làm sao mà tin được chuyện vô lý như vậy? Khi biết rằng, Hậu Hán thư chép: “sau khi triều Chu suy yếu, nước Việt Thường đã dần dần đoạn tuyệt việc qua lại,” ta càng thấy sự thiếu chính xác của cuốn sử triều Nguyễn!

Tại sao hàng trăm năm các học giả hàng đầu của chúng ta vẫn tin vào sự vô lý thô thiển như vậy?!

  1. Việt Thường thị chỉ có thể ở miền Nam Dương Tử.

Chúng tôi cho rằng Việt Thường thị nhiều khả năng là tiền thân của nước Việt của vua Câu Tiễn. Quá trình lịch sử có thể diễn ra như sau:

Khoảng 3300 năm TCN, nhà nước Thần Nông của người Việt ra đời, với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ. Năm 2879 TCN, nhà nước Xích Quỷ được thành lập trên kinh đô Lương Chử. Khảo cổ học cho thấy, khoảng 2300 năm TCN, do nước dâng nhấn chìm kinh đô Lương Chử, nhà nước Xích Quỷ tan rã. Những mảnh vỡ của Xích Quỷ lập những tiểu quốc riêng của mình, trong đó có nước Việt Thường. Việt Thường (越裳) là tên được ghi trong sách cổ, với nghĩa: nước Việt mặc váy. Điều này đúng với phong tục mặc váy (quấn xà rông) của dân phương Nam, nay còn thịnh hành từ Campuchia, Lào, Thái Lan tới Miến Điện, Srilanca… Là một phần của văn hóa Lương Chử, Việt Thường rất tiến bộ: đồ đá mài, đồ gốm, đồ ngọc tinh xảo, làm chủ Âm Dương, ngũ hành, lịch Âm Dương, kinh Dịch và chữ giáp cốt. Việc Việt Thường hiến rùa mang chữ Khoa Đẩu, lịch Âm Dương cho vua Nghiêu rất có thể xảy ra.

Vào đời Hạ, một dòng của Hạ Vũ tới Việt Thường, học lối sống của người địa phương, rồi trở thành thủ lĩnh. Qua triều Thương-Ân, Việt Thường vẫn vững vàng phía Nam Dương Tử. Khi nhà Chu đánh nhà Thương, liên minh với 800 nước, tổ chức ăn thề. Do ở xa nên Việt Thường không tham gia liên minh. Đánh thắng nhà Thương, Chu xưng bá, thống lĩnh hơn 800 chư hầu, thanh thế rất lớn. Thêm nữa, nhà Chu thi hành chính trị tốt đẹp. Trước tình hình đó, Việt Thường thấy cần giao hảo, nên cống chim trĩ trắng, vật thờ linh thiêng của mình. Như được chép trong Hậu Hán thư: “Sau khi triều Chu suy yếu, nước Việt Thường đã dần dần đoạn tuyệt việc qua lại,” ta hiểu vì sao Việt Thường không còn được ghi trong sách sử. Tới thời kỳ này, do tiếp xúc nhiều với dân phía Bắc, thấy quần tiện dụng hơn nên người Việt chuyển sang mặc quần. Tên “nước Việt mặc váy” (越裳) cũng mất theo, chỉ còn lại nước Việt (越) của vua Câu Tiễn.

Thời Chiến Quốc, do chiến tranh khốc liệt, người Việt ở Nam Dương Tử di tản đi nhiều nơi: Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện… Người Nhật có tục thờ chim trĩ trắng phải chăng là theo phong tục Việt Thường? Đúng như tra cứu mà ông Đào Duy Anh dẫn ở trên, người Việt Thường mang tích cống chim trĩ cho nhà Chu tới nơi lập nghiệp như kỷ niệm về tổ tiên mình. Điều này không lạ. Lớp di cư khỏi đồng bằng Trong Nguồn hơn 4000 năm trước, sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, mang về Việt Nam câu ca: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra cùng sự tích một bọc trăm trứng để ghi nhớ cội nguồn. Lớp di cư khoảng 3500 năm trước – sau khi vua Bàn Canh chiếm đất An Dương lập nhà Ân – mang về quê cũ Việt Nam dư âm cuộc chiến tranh khốc liệt cùng người anh hùng đánh giặc được tượng hình trong cậu bé làng Dóng. Từ cuộc di tản thời Chiến Quốc, có những nhóm người Việt Thường di cư tới miền Trung Việt Nam. Theo truyền thống, họ lấy tên quê cũ đặt cho đất mới. Sau này, vào thời Hán, dựa theo tên Việt Thường sẵn có, người Hán đặt ra huyện Việt Thường. Tại Việt Nam, tiếng Việt được bảo tồn nên Việt Thường vẫn là Việt Thường. Ở Giang Nam, người Hán chiếm nhưng không còn nói được tiếng Việt nên Việt Thường nói trại thành Việt Chương?

Vậy là, ban đầu, Nam Giao chẳng phải địa danh cụ thể mà chỉ là “cái cột mốc di dộng” đánh dấu biên địa phương Nam của nhà nước Hoàng Đế, được chuyển dịch ngày càng xa theo đà bành trướng. Chỉ tới thời Đông Hán, khi không còn khả năng bành trướng nữa, “cột mốc”mới được đóng xuống Bắc Bộ Việt Nam thành địa danh cố định Giao Chỉ. Học giả thời Tấn, Nguyên sinh sau đẻ muộn, không thể tìm được Việt Thường, Giao Chỉ trên đất Tàu, mà cũng chẳng biết lịch sử cái tên Giao Chỉ, bèn đoán mò, viết đại rằng “Việt Thường là Lâm Ấp”! Trong sử sách, việc đoán mò rồi viết đại của các thầy Tàu không hiếm. Do không hiểu chữ “hồ” trong kinh Thi Lang bạt kỳ hồ/ tái trí kỳ vĩ vốn tiếng Việt là hố, hang: “Sói chui vào hang, vẫn lòi cái đuôi”, thầy đại nho Chu Hy giảng “hồ là cái yếm nơi cổ con sói khi già chùng xuống nên bước tới, nó dẵm phải yếm, bước lui thì đạp phải đuôi.” Hơn 800 năm các đại nho vẫn tin, con sói già có yếm thòng ở cổ, thì việc người ta hoang tín vào một tên đất ghi trong sách hai nghìn năm trước khi nó được đặt trên thực địa, đâu phải chuyện lạ?! Từ đây, sai lầm tiếp tục qua các nhà nho thời Nguyễn, rồi học giả Pháp cho tới ngày nay!

III. Kết luận

Sách sử cùng nhiều chứng lý khác cho thấy rằng, từ xa xưa đã có nước Việt Thường của người Việt ở phía Nam Dương Tử. Nước Việt này có kinh tế, văn hóa phát triển, có quan hệ ngoại giao với nhà Đường Ngu và nhà Chu, có thể là tiền thân của nước Việt của Việt vương Câu Tiễn. Tới thời Chiến Quốc, do áp lực của chiến tranh tàn khốc, người Việt Thường đã di tản xuống nhiều quốc gia phương Nam.

Để phản bác chủ trương “Việt Thường quốc vùng Nghệ Tĩnh” chẳng đòi hỏi kiến thức cao siêu mà chỉ cần đọc nghiêm túc cổ thư rồi lập luận một cách hợp lý. Hơn 60 năm trước, học giả Đào Duy Anh đã biện giải khá thuyết phục. Nhưng không hiểu vì sao, thời gian trôi trọn một vòng hoa giáp mà không ai tỉnh ngộ nghe ông, lại cứ u mê tự giam trong cõi vô minh. Cái “Việt Thường quốc Nghệ Tĩnh” hoang tưởng đâu phải là phao cứu sinh để cố sống cố chết trì bám? Nay nếu mất Việt Thường quốc xứ Nghệ thì đó chỉ là vật ngoài thân, có gì đáng tiếc? Trong khi ta có cả gia tài vĩ đại: đất Việt là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông?!

Vu Lan năm 2015

Tái bút,

Thưa bạn đọc, bài trên tôi viết bốn năm trước, nay xin bổ sung đôi điều.

Sau khi công bố bài “Xóa bỏ huyền thoại nhà nước Văn Lang 2700 năm,” tôi nhận được câu hỏi: Vậy thì nước Văn Lang ở đâu?” Phải nói rằng, đó là điều bí ẩn nhất của Sử Việt. Lý do dẫn tới ngộ nhận về “Việt Thường thị xứ Nghệ” cũng chính là lý do dẫn tác giả Việt sử lược sai lầm khi cho rằng Văn Lang ra đời 700 năm TCN mà trung tâm là đồng bằng sông Hồng. Không thể có chuyện này vì nếu vậy thì lịch sử Việt Nam quá ngắn so với tầm vóc thực của nó và quan trọng hơn là khi đó chưa có đồng bằng sông Hồng. Vậy Văn Lang thực sự ở đâu và ra đời khi nào? Theo truyền thuyết Hồng Bàng thị, thì khi lên làm vua, Hùng Vương “lấy tên nước là Văn Lang.” Căn cứ vào ranh giới của Văn Lang có thể suy ra, Hùng Vương đã đổi quốc hiệu từ Xích Quỷ sang Văn Lang. Xích Quỷ tồn tại không đến 100 năm. Trong một bài công bố trước đây (Tổ tiên người Việt thực sự ở đâu?) tôi cho rằng, năm 2698 TCN, do bại trận ở Trác Lộc, Lạc Long Quân dẫn quân dân của mình xuôi Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Ngàn Hống rồi Hùng Vương lập nước Văn Lang xứ Nghệ. Một kịch bản “đẹp”tròn trịa cho lịch sử. Nhưng sau đó thấy sai, tôi đã rút lại ý tưởng tiểu thuyết ấy và hơn một lần xin lỗi bạn đọc.

Nay có thêm tư liệu, khảo cổ học cho thấy năm 2300 TCN, nước biển dâng, kinh đô Lương Chử bị nhấn chìm, nhà nước Văn Lang tan rã. Như vậy, Văn Lang của các Vua Hùng tồn tại gần 500 năm. Ta không bao giờ biết được trong thời gian ấy có bao nhiêu Vua Hùng và các vị làm được gì. Chỉ biết rằng, đã xảy ra sự kiện nghiêm trọng là họ Hiên Viên xâm lăng đất Việt ở Nam Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế cùng cuộc kháng chiến khốc liệt, lâu dài của người Việt. Đất Việt ta đang sống quan hệ thế nào với Xích Quỷ-Văn Lang? Không chỉ liên hệ về máu huyết Lạc Việt họ tộc Hồng Bàng, nay ta còn tìm được tại  Uông Bí những mẫu vật ngọc Lương Chử, vào thời hưng thịnh nhất, trong đó tiêu biểu là chiếc gối khắc hình thần nhân thú diện- hình người mặt thú, hiện vật đặc hữu của văn hóa Lương Chử. Nhưng quý nhất là chiếc ấn hình rùa lớn, hình vuông, mỗi mặt khoảng 13 cm, có bốn chữ Giáp cốt. Theo thứ tự, ấn này có thể là của vị quan đứng đầu khu vực. Điều này chứng tỏ, đất Việt Nam xưa là bộ phận của nhà nước Xích Quỷ-Văn Lang.

12

Cũng đúng thời điểm 2300 TCN xảy ra chuyện Việt Thường thị tới cống vua Nghiêu. Tuy truyện này được viết ra rất muộn, vào thời nhà Tống nhưng có nhiều chi tiết thực (chữ khoa đẩu, lịch rùa) nên có thể tin được. Dựa theo vị trí của Nam Giao, ta biết Việt Thường thị ở Nam Dương Tử. Một câu hỏi: Việt Thường thị liên quan thế nào với Văn Lang? Sự thể có lẽ như sau: khi nước dâng, kinh đô và phần đất thấp phía Đông bị chìm. Dân cư Văn Lang di tản tới vùng cao. Vua quan của Văn Lang lập quốc gia Việt mới mà ta không không biết tên cụ thể. Do người Trung Hoa gọi là Việt Thường rồi ghi trong sử nên có tên Việt Thường thị. Nước Việt mặc váy không phải là quốc hiệu mà là tên gọi mang tính kỳ thị của ngoại bang. Về bản chất, Việt Thường là nhà nước của người Lạc Việt, họ Hồng Bàng, trên đất đai Văn Lang xưa. Từ thời Nghiêu đến Chu Thành vương (2300 – 1063), Việt Thường thị tồn tại hơn 1200 năm không hề có thông tin gì. Sau đó thì biết, trên vùng đất của Việt Thường xuất hiện nước Việt của Câu Tiễn. Một câu hỏi: Việt Thường thị tồn tại đến khi nào và liên quan gì tới Văn Lang của Hùng Duệ Vương?

Đấy vẫn là những bí ẩn của lịch sử!

 Sài Gòn,Thu 2019


 

9 thoughts on “Việt Thường Thị ở đâu? Văn Lang ở đâu?

  1. Cám ơn tác giả Hà Văn Thùy. Tôi vẫn thường ngóng các bài viết của ông; đôi khi các bài viết ấy còn thiếu một ít yếu tố hàn lâm, nhưng tựu trung lúc nào cũng thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi của một tấm lòng với nền sử học quốc gia.

    Các bài viết của ông là những chất vấn lớn, và cũng là nguồn động viên lớn cho những lúc tôi mất tinh thần trong quá trình học hỏi. Tôi cũng từng trích dẫn từ ông cho một số nghiên cứu của mình (dưới một bút danh khác).

    Chúc ông khỏe mạnh và an lành.

    Thích

  2. Vị trí nước Việt Thường cống trĩ trắng trùng khớp với wan điểm nhóm Hùng Việt sử quán. Nhưng theo Hùng Việt sử quán nước Văn Lang chính là nhà Châu (Chu). “Văn” là Cơ Xương, “lang” là chức wan lang tương đương chức bá. Khi Chu Vũ Vương lên ngôi truy fong cho cho mình tước vương, thì trong sử dân jan truyền miệng (wen miệng gọi ông là lang) nên lang cũng mang nghĩa vương theo dòng sử dân jan. Nhà nước Văn lang chính là nhà nước kiến lập bởi Chu Văn vương. Lãnh thổ trải dài từ Vân Nam (Kiểu Kinh hay Cảo Kinh, với cảo, kiểu, cửu là trại âm của nhau đều mang nghĩa dịch học là fương Tây), đến vùng Thanh Hải. Sau nhà Chu dời đô về Đông đô (Tam Jang nơi hợp lưu 3 con sông Đà, Lô…) v.v…
    Đó là những jì tôi đọc wa dòng sử Hùng Việt của Hùng Việt sử wán.

    Thích

    • @Fthinh.

      Nhà Chu dời đô về Đông đô (tam jang nơi hợp lưu 3 con sông Đà, Lô) ?. Từ mạn Hà nam đến vùng này khoảng cách rất xa, giao thông lúc đó chưa thuận tiện bị ngăn cách bởi sông Trường Giang và dãy Ngũ Lĩnh. Nhà Chu được lợi ích gì khi dời đô ?

      Thích

  3. Bài viết có tính giải trí cao nhưng hình ảnh minh họa làm giả kém quá. Điều đặc biệt là tác giả còn không phân biệt nổi chữ giản thể ở trên cái ấn bột đá ép kia thì ai có thể tin được lập luận của ông ấy.

    Thích

  4. Nước Việt Thường chính xác là vùng Hà Tĩnh ngày nay, tức thuộc quận Cửu Đức thời Đông Ngô, có huyện Việt Thường vốn là là tên nước cũ thời nhà Chu. Sử sách xưa nhất nói thế.

    Thích

    • Truyền kỳ về nước Việt Thường thời xưa

      I. Dẫn nhập

      Việt Thường (chữ Hán: 越裳, còn được viết là 越常, 越嘗), còn gọi là nước Việt Thường (Việt Thường quốc 越裳國) hoặc họ Việt Thường (Việt Thường thị 越裳氏) là một quốc gia hoặc bộ lạc cổ đại được nhắc đến trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc và Việt Nam.

      II. Diễn văn

      1. Nước Việt Thường được nhắc đến đầu tiên ở thời Tây Hán 西漢 với chuyện dâng chim trĩ cho vua Châu Thành Vương 周成王, cho biết nước ấy ở phía nam đất Giao Chỉ (chữ Hán: 交趾 hoặc 交阯), nhưng không nói rõ ở vùng nào.

      Thượng thư đại truyện – Đại cáo 尚書大傳 – 大誥 (Tây Hán 西漢 – Phục Thắng 伏勝 soạn):

      交阯之南,有越裳國。周公居攝六年,制禮作樂,天下和平。越裳以三象,重譯而獻白雉,曰道路悠遠,山川阻深,音使不通,故重譯而朝。成王以歸周公。公曰:德不加焉,則君子不饗其質。政不施焉,則君子不臣其人;吾何以獲此賜也?其使請曰:吾受命吾國之黃耇,曰久矣天之無烈風澍雨,意者中國有聖人乎?有則,盍往朝之。周公乃歸之於王,稱先王之神,致以薦於宗廟。周德既衰,於是稍絕。
      Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường. Châu Công (tên Cơ Đán 姬旦) nhiếp chính được sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình. Người nước Việt Thường qua quan Tam tượng (tức Tượng tư 象胥: chức quan phiên dịch thời nhà Châu) nhiều lần phiên dịch mà dâng chim trĩ trắng, nói: “Đường đi xa xôi, sông núi sâu hiểm, tin tức không thông, cho nên nhiều lần phiên dịch mà đến chầu.” Thành Vương đem cho Châu Công, Châu Công nói: “Đức không trùm nước người thì quân tử không hưởng lễ vật của nước người. Lệnh không đến nước người thì quân tử không bắt nước người xưng thần. Ta cớ gì mà nhận lễ vật ấy?” Sứ giả nước ấy nói: “Tôi vâng lệnh ông già (chỉ tộc trưởng) nước tôi nói nhiều năm nay trời không có mưa rào gió dữ, nghĩ là Trung Quốc có thánh nhân chăng? Có thì cho nên đến chầu vậy.” Châu Công lại trả cho Thành Vương, ca ngợi công đức của tiên vương, đem cúng tế ở tông miếu. Sau này nhà Châu đức suy, (nước Việt Thường) dần dần dứt qua lại.

      Luận hành – Nho tăng 論衡 – 儒增 (Đông Hán 東漢 – Vương Sung 王充 soạn):

      周時天下太平,越裳獻白雉,倭人貢鬯草。
      Thời nhà Châu thiên hạ thái bình, người nước Việt Thường dâng chim trĩ trắng, người nước Oa cống cây lúa nếp.

      2. Chuyện nước Việt Thường dâng chim trĩ trở thành biểu tượng cho việc Man Di mến mộ sự thịnh trị của Trung Quốc. Cho nên cuối thời Tây Hán, ngoại thích quyền thần là Vương Mãng 王莽 phụ chính, ngầm sai quận Ích Châu 益州 (thuộc đất Nam Trung 南中, tức tỉnh Vân Nam 雲南 ngày nay) mạo xưng là họ Việt Thường đến cống chim trĩ để tâng bốc công lao của mình.

      Tiền Hán kỷ – Hiếu Bình Hoàng Đế kỷ 前漢紀 – 孝平皇帝紀 (Đông Hán 東漢 – Tuân Duyệt 旬悅 soạn ):

      元始元年春正月,越裳氏重譯獻白雉一,黑雉二。莽令益州諷使之也。群臣奏言莽功德比周公,宜賜號安漢公,益封三萬戶,莽固辭封。
      Năm Nguyên Thủy đầu tiên (năm 1 sau Công nguyên), mùa xuân, tháng giêng, họ Việt Thường qua nhiều lần phiên dịch dâng một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen. Là do (Vương) Mãng lệnh cho quận Ích Châu làm nên chuyện ấy vậy. Bầy tôi tấu nói công đức của Mãng sánh với Châu Công, nên ban hiệu là An Hán Công, phong thêm thực ấp ba vạn hộ. Mãng cố từ chối phong.

      3. Muộn nhất đến thời Tam quốc 三國 và thời Tấn 晉 thì người ta xác định vị trí nước Việt Thường thời nhà Châu là ở quận Cửu Đức (Cửu Đức quận 九德郡: ở phía nam sông sông Lam thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) hoặc ở nước Lâm Ấp (Lâm Ấp quốc 林邑國: ở phía nam đèo Ngang, tức huyện Tượng Lâm 象林 thuộc miền trung Việt Nam ngày nay), tức nước Chiêm Thành (Chiêm Thành quốc 占城國) sau này.

      Thủy kinh chú 水涇注 của người thời Bắc Ngụy 北魏 là Lịch Đạo Nguyên 酈道元 dẫn Lâm Ấp ký 林邑記 (Tác giả khuyết danh soạn):

      九德,九夷所極,故以名郡。郡名所置,周越裳氏之夷國。《周禮》,九夷遠極越裳。白雉、象牙,重九譯而來。自九德通類口,水源從西北遠荒,逕寧州界來也。九德浦內逕越裳究、九德究、南陵究。
      Quận Cửu Đức là chỗ cuối cùng của Cửu Di, cho nên đặt tên quận như vậy. Đặt ra quận ấy, vốn là nước Man Di của họ Việt Thường thời nhà Châu. Châu lễ có nói “Chỗ xa nhất của Cửu Di là nước Việt Thường, đem chim trĩ trắng và ngà voi, nhiều lần phiên dịch mà đến chầu.” Từ cửa Thông Loại quận Cửu Đức, nguồn nước chảy ra từ miền xa vắng phía tây bắc, chảy qua đất Ninh châu mà đến đây. Từ bến Cửu Đức đi đến suối Việt Thường, suối Cửu Đức, suối Nam Lăng.

      Cổ kim chú 古今注 (Tấn 晉 – Thôi Báo 崔豹 soạn):

      大駕指南車,起黃帝與蚩尤戰於涿鹿之野。蚩尤作大霧,兵士皆迷,於是作指南車,以示四方,遂擒蚩尤,而即帝位。故後常建焉。舊說周公所作也。周公治致太平,越裳氏重譯來貢白雉一,黑雉二,象牙一,使者迷其歸路,周公錫以文錦二匹,軿車五乘,皆為司南之制,使越裳氏載之以南。緣扶南林邑海際,期年而至其國。使大夫宴將送至國而還,亦乘司南而背其所指,亦期年而還至。
      Xe giá lớn chỉ nam có từ thời Hoàng Đế đánh nhau với Xi Vưu ở cánh đồng Trác Lộc. Bấy giờ Xi Vưu làm ra sương mù, quân lính đều lạc đường, do đó (Hoàng Đế) làm ra xe chỉ nam để xác định bốn hướng, cuối cùng bắt được Xi Vưu mà lên ngôi vua. Cho nên người đời sau cũng thường làm xe này. Có thuyết xưa nói là do Châu Công làm nên. Châu Công trị thiên hạ thái bình, họ Việt Thường nhiều lần phiên dịch đến cống một con chim trĩ trắng, hai con chim trĩ đen, một cái ngà voi. Sứ giả quên đường về nước, Châu Công tặng cho hai bó lụa thêu và năm cỗ xe lớn đều có kim chỉ nam, sai người họ Việt Thường chở nó để về phía nam, men theo bờ biển Lâm Ấp-Phù Nam, trong năm đó thì về đến nước ấy, sai quan Đại phu cũng đi theo hộ tống đến nước ấy rồi về, cũng ngồi quay lưng xe chỉ nam ấy trong năm thì về được.

      Tấn thư – Địa lí chí 晉書 – Địa lý chí 地理志 (Đường 唐 – Phòng Huyền Linh 房玄齡 soạn):

      九德郡吳置,周時越常氏地。
      Quận Cửu Đức đặt ra từ thời nhà Ngô (thời Tam quốc), là đất của họ Việt Thường thời nhà Châu.

      Nam Tề thư – Châu quận chí 南齊書 – 州郡志 (Nam Lương 南梁 – Tiêu Tử Hiển 蕭子顯 soạn):

      九德郡,九德、咸驩、浦陽、南陵、都洨、越常、西安。
      Quận Cửu Đức gồm các huyện Cửu Đức, Hàm Hoan, Phố Dương, Nam Lăng, Đô Giao, Việt Thường, Tây An.

      Cựu Đường thư – Địa lý chí 舊唐書 – 地理志 (Hậu Tấn 後晉 – Lưu Hú 劉昫 soạn):

      九德州所治。古越裳氏國。
      Huyện Cửu Đức là sở trị của (Hoan 驩) châu. Là nước của họ Việt Thường thời xưa.

      Lương thư – Chư di liệt truyện 梁書 – 諸夷列傳 (Đường 唐- Diêu Tư Liêm 姚思廉 soạn):

      林邑國者,本漢日南郡象林縣,古越裳之界也。
      Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam thời Hán, là đất của nước Việt Thường thời xưa.

      Thù vực châu tư lục 殊域周咨錄 (Minh 明 – Nghiêm Tòng Giản 嚴從簡 soạn):

      占城國,古越裳氏界。
      Nước Chiêm Thành là đất của họ Việt Thường thời xưa.

      4. Thời Nam bắc triều ghi chuyện người nước Việt Thường dâng rùa thần cho vua Nghiêu 堯 nhà Đào Đường 陶唐.

      Thuật dị chí 述異記 (Nam Lương 南梁 – Nhâm Phưởng 任昉):

      陶唐之世越常國獻千歳神龜方三尺餘,背上有文科斗書,記開闢已來。帝命録之謂之龜厯。伏滔述帝功徳銘曰胡書龜厯之文。
      Vào thời Đào Đường, người nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn năm, vuông hơn ba thước, trên lưng (mai rùa) có lời văn viết bằng chữ khoa đẩu (chữ hình giống con nòng nọc), ghi từ thủa khai tịch đến nay. Vua (Nghiêu) sai ghi lại gọi là lịch rùa. Thuật đế công đức minh của Phục Thao (Phục Thao 伏滔: tác giả thời Tấn 晉) chép “Dùng chữ người Hồ (chắc là một dạng chữ Phạn) ghi lịch rùa.”

      5. Đến thời Minh 明 – Thanh 清 lại nói nước Lão Qua ( Lão Qua 老撾, hoặc tên Nam Chưởng 南掌, tức nước Lào ngày nay) là đất Việt Thường xưa.

      Chi Phong loại thuyết 芝峯類說 (Triều Tiên 朝鮮 – Lý Túy Quang 李睟光 soạn):

      老撾國在安南西南。古越裳之國。
      Nước Lão Qua ở phía tây nam nước An Nam, là nước của họ Việt Thường thời xưa.

      Thánh vũ ký 聖武記 (Thanh 清 – Ngụy Nguyên 魏源 soạn):

      老撾即古越裳氏 , 景邁二國即八百息婦國 ,皆來貢象。
      Nước Lão Qua là đất của họ Việt Thường thời xưa, cùng nước Cảnh Mại tức nước Bát Bách Tức Phụ, hai nước đều đến cống voi (cho nhà Thanh).

      6. Sử Việt chép nước họ Việt Thường là một bộ của nước Văn Lang 文郎, hoặc Hùng Vương 雄王 sai sứ tự xưng.

      Việt sử lược 越史略 (Tác giả khuyết danh thời Trần 陳):

      昔黃帝既建萬國,以交趾遠在百粵之表,莫能統屬,遂界於西南隅,其部落十有五焉,曰交趾、越裳氏、武寧、軍寧、嘉寧、寧海、陸海、湯泉、新昌、平文、文郎、九真、日南、懷驤、九德,皆禹貢之所不及。
      Ngày xưa Hoàng Đế đã dựng muôn nước, vì đất Giao Chỉ xa ở ngoài cõi Bách Việt, chẳng thống thuộc được, bèn đặt ranh giới ở góc tây nam, trong đó có mười lăm bộ lạc là Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thang Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức. Đều không được sách Vũ cống nói đến.

      Lĩnh Nam chích quái – Bạch trĩ truyện 嶺南摭怪 – 白雉傳(Trần 陳 – Trần Thế Pháp 陳世法 soạn):

      周成王時,雄王命其臣稱越裳氏,獻白雉於周。其言語不通,周公使人重譯,然後相通。周公問曰:「何為而來?」越裳氏應曰:「今天無淫雨、海不揚波三年矣。意者中國有聖人矣,故來。」周公嘆曰:「政令不施,君子不臣其人;德澤不加,君子不享其物。及記黃帝所誓曰:『交趾方外,無得侵犯。』」賞以重物,教戒放回。越裳使忘其歸路,周公命賜之駢車五乘,皆為向南之制。越裳氏載之由扶南、林邑海渚,期年而至其國,故指南車常為先導。
      Vào thời vua Thành Vương nhà Châu, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là họ Việt Thường đem chim trĩ trắng sang cống cho nhà Châu. Vì ngôn ngữ bất đồng, Châu Công phải sai sứ qua nhiều lần dịch mới hiểu nhau được. Châu Công hỏi rằng “Tại sao tới đây?” Người họ Việt Thường đáp nói: “Đời nay không có mưa dầm gió dữ, ngoài bể không nổi sóng lớn đã ba năm nay, ý chừng là Trung Quốc có thánh nhân chăng, cho nên tới đây.” Châu Công than rằng: “Chính lệnh không thi hành thì người quân tử không bắ kẻ khác thần phục mình, đức trạch không mở rộng thì người quân tử không hưởng lễ vật của người. Còn nhớ Hoàng Đế có câu thề rằng “Đất Giao Chỉ ở ngoài cõi, không được xâm phạm.” Bèn ban thưởng cho phẩm vật, răn dạy mà cho về. Người họ Việt Thường quên đường về, Châu Công bèn ban cho năm cỗ to đều có kim chỉ nam. Người họ Việt Thường nhận lấy rồi theo bờ biển Phù Nam-Lâm ấp, đi một năm thì về tới nước. Cho nên xe chỉ nam thường dùng để đi trước dẫn đường.

      III. Kết luận

      Niên đại xa xôi lại ít được ghi chép, cho nên phần lớn là do người đời sau suy diễn chủ quan theo ý mình. Theo chủ ý của người viết Tích Dã (Tích Dã 辟野: nghĩa là cánh đồng hẻo lánh) thì nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ tức đất quận Cửu Đức 九德 thời nhà Đông Ngô là đáng tin hơn, vì được sách vở ghi nhận sớm nhất, ở đó còn ghi có suối Việt Thường (Việt Thường cứu 越裳究) có huyện Việt Thường (Việt Thường huyện 越裳縣) để ghi nhận đất cũ thời nhà Châu vậy.

      Thích

Bình luận về bài viết này