Thiên Kinh sự biến

thai binh thien quoc

Trích dịch sách “1856” của Đào Đoản Phòng

Đỗ Trung Thành dịch

Sáng suốt và ngu si, tiến bộ và lạc hậu.

Trong thời kỳ cực thịnh của Thái Bình Thiên Quốc, rất nhiều quan viên, văn nhân cùng thời bên phía Thanh triều đều không hẹn mà cùng chỉ ra, Dương Tú Thanh mới là đầu não của quân Thái Bình, chỉ cần trừ được ông ta, đại sự về cơ bản có thể định cục được.

Lý Tú Thành nói Dương Tú Thanh “mọi việc đều nghiêm chỉnh”, Hồng Nhân Can cũng thán phục ông “kỷ luật nghiêm minh”. Cho dù quân Thái Bình xuất thân từ Quảng Tây, chân ướt chân ráo tới mảnh đất giàu có Giang Nam, lại đối mặt với việc chiến đấu sinh tử trên chiến tuyến dọc ngang ngàn dặm, với cả núi công việc trên các phương diện nhân sự, dân chính, kinh tế mà hầu như tất cả sự vụ đều phải báo cáo về Đông điện. Dương Tú Thanh có một ê-kip rất lớn, chỉ thượng thư lục bộ đã có hơn 72  người, trên bọn họ còn có những đại thần lấy thân phận “hầu tướng” giải quyết công việc, dưới bọn họ thì có thừa tuyên và đủ loại quan đồng chức, mỗi người đảm nhiệm một phương diện chức trách, còn ông thì nắm toàn cục và kịp thời phát ra mệnh lệnh.

Thiên Kinh loạn rồi.

“Trận chiến kỳ lạ” đầu voi đuôi chuột bên ngoài thành Đan Dương, Kim Đàn và rất rất nhiều điều khiến người ta không thể lý giải đã rất nhanh chóng có được đáp án: Dương Tú Thanh chết rồi và Thiên Kinh đã loạn. (về “trận chiến kỳ lạ” xin được trình bày vào bài viết khác)

Rất nhiều người vốn cho rằng, chiến dịch Thiên Kinh – Trấn Giang là sự kiện hàng đầu ở Trung Quốc trong năm 1856, kết quả thắng bại của trận quyết chiến này là “con bài quyết định” duy trì cuộc nội chiến ở Trung Quốc thêm nhiều năm nữa, thế nhưng sự kiện quan trọng hơn khiến trở tay không kịp lại xảy ra trong cùng một năm.

Cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm Hàm Phong thứ 6, đô thống hàm khâm sai đại thần Đức Hưng A tiếp nhận quân vụ đại doanh Giang Bắc, trợ thủ Ông Đồng Thư gửi về Bắc Kinh một bản tấu báo, nói rằng căn cứ vào lời bẩm của tổng binh Trần Thế Trung đóng quân ở cửa Quan Âm của thành Thiên Kinh, ngày 25, 26 tháng 8 (ngày 23 tháng 9 năm 1856 công nguyên, ngày 17 tháng 8 năm Bính Thìn Thái Bình Thiên Quốc năm thứ 6), “thấy có thi thể giặc tóc dài không đếm xuể, từ trong cửa Quan Âm trôi ra ngoài sông, bị trói lại với nhau và có kẻ mặc hoàng quải”, và nói rằng đã thám thính rõ, trong thành Thiên Kinh đã xảy ra nội loạn, “tự tàn sát lẫn nhau”, Dương Tú Thanh đã bị giết, “tin báo từ các doanh đều phù hợp”.

 Đây là báo cáo công khai sớm nhất về cái chết của Dương Tú Thanh mà hiện nay biết được. Sau này mọi người mới biết, Dương Tú Thanh chết trong đêm 27 tháng 7 năm Bính Thìn Thái Bình Thiên Quốc năm thứ 6 (ngày 2 tháng 9 năm 1856 công nguyên, ngày mùng 4 tháng 8 năm Hàm Phong thứ 6 triều Thanh). Ngày nay mọi người gọi sự kiện lớn nhất xảy ra ở Trung Quốc trong năm 1856 là “Thiên Kinh sự biến”.

“Trận chiến kỳ lạ” kết thúc, ngũ thừa tướng quân Thái Bình từ bên ngoài thành Kim Đàn đột nhiên rút quân, chính là xảy ra vào ngày hôm sau Dương Tú Thanh bị giết. Mà trước đó sự biến mất thần bí của Tần Nhật Cương, chủ soái cánh quân Thái Bình này, cũng không phải là tử trận dưới chân thành Kim Đàn mà là trước đó đã lặng lẽ rời quân doanh, bí mật tiềm về Thiên Kinh – “tiền địch tổng chỉ huy” vây công phủ Đông Vương, chính là nhân vật quan trọng của Thái Bình Thiên Quốc mà một năm trước vừa lĩnh hàm biên soạn “hành quân tổng yếu”, miêu tả Dương Tú Thanh văn thao võ lược, dụng binh như thần, “không gì không biết, không gì không thể, chỗ nào cũng có mặt”.

Nhưng ông ta không phải là chủ mưu, thậm chí cũng chưa chắc đã được tính là “đồng mưu chính”.

Chủ mưu là ai? Chân tướng của Thiên Kinh sự biến rốt cuộc là như thế nào?

Trong thư viện quốc gia nước Anh có lưu giữ một cuốn “Thái Bình lễ chế” bản được sửa chữa vào năm Quý Hảo Thái Bình Thiên Quốc năm thứ 3 (công nguyên năm 1853). Nhìn từ phương diện làm nhãn hiệu của thư viện, đó là tháng 2 năm 1854, khi đặc sứ của nước Anh Lowin Borin và Walter Henry Medhurst ngồi tàu chiến tới thăm Thiên Kinh được tặng cuốn sách này, sau đó lại do Lowin Borin hoặc cha ông ta John Borin (tổng đốc Hongkong kiêm công sứ tại Trung Quốc) quyên tặng cho thư viện quốc gia này.

Có vị độc giả không rõ tên thông hiểu tiếng Hán, trước đêm xảy ra Thiên Kinh sự biến năm 1856 đã đọc rất kỹ cuốn sách này và để lại lời phê bên lề sách khoảng 15 điều, khoảng mấy trăm chữ, một trong số đó từ hiện tượng “Đông Vương hiển hách ngang với Thái Bình”, đưa ra được kết luận “thời cổ đại đô ngẫu quốc còn có thể loạn, huống hồ khi đại sự còn chưa thành, tuyệt nhiên không thể thành công”. Lời dự ngôn của một người quan sát từ hải ngoại không bao lâu đã được chứng thực bằng sự kiện Thiên Kinh sự biến ngày 2 tháng 9 năm 1856. Hơn 100 năm sau nhà sử học Vương Khánh Thành tới thăm thư viện này đọc được, không kiềm chế được than rằng: “ấn tượng mà vị độc giả này đưa ra thật là thần kỳ.”

Sự thực khi đó, đưa ra lời dự ngôn thần kỳ mà chuẩn xác tuyệt đối không chỉ có người vô danh ở London kia.

Trương Đức Kiên, bản thân chỉ là một quan nhỏ bé “huyện thừa kinh lịch phủ bổ tức hàm lục phẩm ở Hồ Bắc”,  vì trong hoàn cảnh khó khăn rồi ren, manh mối lan man đưa ra một bản tập hợp tình báo tỉ mỉ xác thực khách quan, ghi lại một cách chuẩn xác, hoàn chỉnh nhất về chế độ, nhân vật, sự kiện của Thái Bình Thiên Quốc thời kỳ đầu trong “Tặc tình hối toản” để từ đó “danh lưu sử sách”. Trong cuốn sách tham khảo hiện có được cấp cho Tương quân làm “báo cáo tình hình quân địch” này, hơn một năm trước đã đưa ra lời dự ngôn “dường như không lâu nữa sẽ có sự thôn tính”, và dự đoán chính xác mâu thuẫn sẽ nảy sinh giữa Dương Tú Thanh và Vi Xương Huy. 

Lời dự đoán này tuyệt đối không phải là sự trùng hợp.

Hai nhà tiên tri trong và ngoài nước này không hề quen biết, chưa từng gặp mặt lại không hẹn mà gặp ở một lát cắt chi tiết để đưa ra một kết luận tương đồng: thể chế  

Thể chế của Thiên Quốc.

Thể chế của Thái Bình Thiên Quốc trước sự biến Thiên Kinh có phần kỳ quặc.

Nhìn bề ngoài, thể chế này dường như có phần kinh điển, thậm chí phục cổ.

Quốc gia này có vua: Thiên Vương Hồng Tú Toàn một mình độc tôn, người kế thừa là con cả của ông ta, ấu chúa Hồng Thiên Quý Phúc. Hồng Tú Toàn tự cho mình là “con thứ của Thượng đế, em ruột của Jesu”, xưng là nhận sự ủy phái của “Thiên phụ thượng chủ hoàng Thượng đế” “hạ phàm trừ yêu”, là “thiên hạ vạn quốc chi chủ”, “Thái Bình Thiên Vương đại đạo quân vương toàn”. Sự lũng đoạn về quyền lực của ông ta và “đời đời ấu chủ” là duy nhất, là tuyệt đối, không cho phép bất cứ kẻ khác họ nào dây máu ăn phần.

Quốc gia này có cơ cấu tổ chức hành chính hoàn chỉnh từ trung ương tới địa phương.

Tại trung ương, 4 quân sư, 5 chủ tướng (do Tiêu Triều Quý, Phùng Vân Sơn mất sớm, trên thực tế lúc này chỉ còn lại 2 quân sư, 3 chủ tướng, tức là Tả phụ chính quân sự trung quân chủ tướng Đông Vương Dương Tú Thanh, Hậu hộ hựu phó quân sư hữu quân chủ tướng Bắc Vương Vi Xương Huy, Tả quân chủ tướng Dực Vương Thạch Đạt Khai) nắm toàn bộ đại quyền quân chính, và chịu sự quản lý chung của Dương Tú Thanh. 24 viên thừa tướng lục quan Thiên, Địa, Xuân, Hạ, Thu, Đông phân nhiệm các chức trong lục bộ Sử, Hộ, Lễ, Binh, Hình. Các cấp quan chức như kiểm điểm, chỉ huy, tướng quân hoặc là lưu lại kinh hoặc phái ra ngoài đảm nhiệm phương diện quân chính. Thị vệ, Tả hữu sử, học sĩ tạo thành cơ cấu phục vụ cung đình của Thiên Vương. Bao gồm cả “nha thủ công” và các loại “điển quan”, thì đảm nhiệm công tác quản lý mọi ngành nghề.  

Tại địa phương, xây dựng cơ cấu hành chính 2 cấp là quận và huyện. Quận tổng chế – huyện giám quân tạo thành người đứng đầu địa phương, quân soái – sư soái – lữ soái – tốt trưởng – lưỡng tư mã và ngũ trưởng tạo nên hệ thống quản lý cấp cơ sở ở hương thôn.

Trong quân đội, toàn quân biên chế thành 106 cơ quân (lục quân 95 cơ, thủy doanh 9 cơ, thổ doanh 2 cơ), và do các cấp “quan trong quân” như tổng chế – giám quân – quân soái – sư soái – lữ soái – tốt trưởng – lưỡng tư mã thống soái các tầng.

Bất luận là địa phương hay quân đội, trong quan địa phương, quan quân đội đều có quan viên cấp cao “tá tướng” hoặc “khâm sai đại thần” tổng phụ trách.

Hệ thống này đối với người Trung Quốc thời đại đế vương mà nói, thì chẳng qua chỉ là tái hiện truyền thống. Biên chế, tên gọi của quan địa phương, quan trong quân dưới  “Lục quan” và quân soái đều chiếu theo “Chu lễ”, chức quan các cấp dưới quân sư phần lớn từ xưa đã có. Một số xem giống như là chỗ biến báo, cũng không phải là vô căn cứ để có thể kiểm tra, ví dụ như “Thiên Vương”, ba triều đại Hạ Thương Chu và Tiên Tần, Bắc Chu đã sử dụng, và lí do cũng giống y chang với Hồng Tú Toàn (chỉ có Thượng đế mới có thể xưng đế), và lấy cái quân hàm chủ tướng này chấp chính, nước Tấn thời Xuân Thu (nguyên soái trung quân, chủ tướng thượng hạ quân và tam quân tá) và Lưỡng Hán (đại tướng quân) đều đã sử dụng. Cũng tức là Hồng Tú Toàn đã tự mình hóa thần, nghiêm khắc nói thì cũng chưa thoát khỏi khuôn mẫu cũ “Thiên tử” “quân quyền thần trao”.

Nhưng tình hình thực tế lại khác biệt một trời một vực với chế độ trên giấy.

Đầu tiên, địa vị của quân sư, chủ tướng tuyệt đối không bình đẳng, cũng không cùng với Thiên Vương phụ trách mà là Thiên Vương ngồi không mà trị; Phó quân sư trở xuống đều phụ trách với một mình Dương Tú Thanh.

Thứ đó, nhìn bề ngoài thì có lục quan, bách liêu phân công rõ ràng, gọn gàng ngăn nắp, trên thực tế hoàn toàn lộn xộn. Thực tế chức vụ chấp chưởng lục bộ là quan lại thuộc phủ Đông Vương – Đông điện lục bộ, thừa tướng lục quan trở thành cái hư hàm của cột mốc cấp bậc cán bộ, công tác cụ thể phải nghe theo sự sắp xếp của Dương Tú Thanh; các quân vốn nghe lệnh của Thiên Vương cũng phải “nghe tướng lệnh của Đông Vương”, không có văn bằng, giấy chứng quan do Dương Tú Thanh đứng tên ban hành, các lộ “tướng tá” và các quan chủ tướng ngày cả quyền lực “chuyên sát” cũng không có.            

Còn có một số quy chế, bề ngoài là tuân theo trình tự thường quy, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Như pháp quy, quy chế, lễ nghĩa, quán phục, lịch pháp, bề ngoài là do Dương Tú Thanh ban hành quy định, trình lên Hồng Tú Toàn “chuẩn chỉ”, quyền quyết định cuối cùng nằm trong tay Hồng Tú Toàn. Lại như việc xử quyết trọng phạm, miễn nhiệm quan viên cấp cao cũng phải theo thủ tục “chuẩn chỉ” như vậy, nhưng trên thực tế theo ghi chép của các bên, các bản tấu mà Dương Tú Thanh dâng lên, Hồng Tú Toàn đều nhất loạt “chuẩn chỉ” mà ngoại trừ 3 người Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai, quan viên khác “đại thể không chuẩn tấu sự”. Cũng tức là nói, người chính thức quản lý sự việc không phải là Hồng Tú Toàn mà là Dương Tú Thanh.

Hậu quả trực tiếp mà loại cơ cấu quyền lực kỳ lạ này tạo ra là “sự  biến mất” của Hồng Tú Toàn: khâm sai đại thần Hướng Vinh, người nhất lộ truy đuổi quân Thái Bình từ Quảng Tây tới Giang Nam, đóng đại bản doanh tại Hiếu Lăng Vệ bên ngoài thành Nam Kinh lại trong một quãng thời gian dài không biết Hồng Tú Toàn đã chết hay chưa.

Chuyên gia sử học về Thái Bình Thiên Quốc, tiên sinh La Nhĩ Cương có nhận định trứ danh về chính thể của Thái Bình Thiên Quốc, cho rằng việc Hồng Tú Toàn thi hành là “hư quân”, là “thể chế do quân sư phụ trách” và cho rằng loại “hư quân” và “thể chế do quân sư phụ trách” này là sự tổng hợp của “truyền thống dân chủ nông dân”, mà sau này Hồng Tú Toàn “phá vỡ thể chế do quân sư phụ trách” tức là đã phạm vào “sai lầm phong kiến hóa”. Nói một cách đơn giản, chính là Hồng Tú Toàn vị Thiên Vương này vốn nên là “hư”, bổn phận của ông ta không phụ trách việc gì hết; Mà sau này ông ta bắt đầu quản lý sự vụ, nắm quyền tức là hành vi “vi phạm” phá hoại phép tắc của quốc gia.

Theo như Logic này, năm Quý Hảo thứ 3 của Thái Bình Thiên Quốc (năm 1853 sau công nguyên, năm Hàm Phong thứ 3), Thái Bình Thiên Quốc mới định đô Thiên Kinh, Hồng Tú Toàn ngồi không mà trị, Dương Tú Thanh độc nắm đại quyền là hợp tình hợp lý, vì Hồng nên là “hư quân”, mà Dương quân sư vốn nên là “phụ trách”; Năm Bính Thìn thứ 6 (năm 1856 công nguyên, năm Hàm Phong thứ 6) nguyên nhân gốc rễ của việc bùng phát sự biến Thiên Kinh chính là Dương Tú Thanh “người phụ trách” không vừa lòng với việc chỉ phụ trách mà không phải là “quân”, muốn ngay đến cả danh hiệu “hư quân” của Hồng Tú Toàn cũng muốn tước đoạt nốt.

Sự thực phải chăng là như vậy?

Tranh giành quyền lực.   

“Thái Bình thiên nhật”, cuốn sách ghi lại những sự tích giai đoạn đầu của Hồng Tú Toàn do Thái Bình Thiên Quốc xuất bản có nói, năm Thiên Dậu (năm 1837 công nguyên, năm Đạo Quang thứ 17 Đinh Dậu), sau khi Hồng Tú Toàn có giấc mơ trứ danh “Thiên Dậu dị mộng”, câu đầu tiên ông ta nói với chị gái Hồng Tân Anh chính là “trẫm là Thái Bình thiên tử”. Nếu nói “Thái Bình thiên nhật” “cuốn sổ tay tuyên truyền chính trị” này của Thái Bình Thiên Quốc như cuốn truyện thần thoại, có ý hiềm nghi dát vàng lên mặt cho Hồng Tú Toàn, vậy thì những điều mà Hồng Tú Toàn luôn rao giảng khi mới truyền giáo, sự căm ghét “quân không quân, thần không thần, cha không cha, con không con, chồng không chồng, vợ không vợ”, và triển vọng “nhất định phải quân là quân, thần là thần, phụ là phụ, tử là tử, phu là phu, phụ là phụ” tuy đến từ “Thiên trưởng thứ huynh thân nhĩ thân mục cung chính phúc âm thư” cũng là một cuốn “sổ tay tuyên truyền chính trị” khác, nhưng từ trong những văn chương truyền giáo thời kỳ đầu của Hồng Tú Toàn còn được bảo tồn có thể tìm ra rất nhiều bằng chứng. Cho dù chỉ từ trong hai câu nói này chả ngửi được ra bao nhiêu “ý thức tạo phản”, nhưng ý niệm về “quân” lý tưởng trong suy nghĩ của Hồng Tú Toàn đương nhiên tuyệt đối không thể là “hư”.

Đợi cho tới khi thực sự bắt đầu “mưu quốc”, “đánh giang sơn”, Hồng Tú Toàn muốn làm cũng tuyệt đối không phải là thứ “hư quân” chỉ có hư danh, không có thực quyền, ông ta cực lực thổi phồng và thêm mắm thêm muối vào sự tích “lên trời trừ yêu”, Thiên phụ ban cho ông hai món bảo vật, là một chiếc ấn vàng và một thanh “vân trung tuyết” (chiến đao). Món đầu tiên biểu thị trao tặng quyền lực, thừa nhận ông là “Thiên hạ vạn quách chân mệnh chân thánh chủ”, là chủ của trần thế gian chí cao vô thượng, món thứ hai biểu thị trao đại quyền “trảm tà lưu chính” “quyền sinh sát trong tay”. Cũng chính là nói, ông “Thái bình thiên vương đại đạo quân vương toàn” vừa có quyền chịu trách nhiệm tổng thể về quốc vụ lại có quyền quyết đoán sát phạt, mà hai quyền lực quân chủ “thực” hết mức này, là “Thiên phụ thượng chủ hoàng Thượng đế” đích thân trao cho.

Sau này, sau khi Thái Bình Thiên Quốc dựng nước cho tới khi xảy ra sự biến Thiên Kinh vào năm 1856, quyền lớn tuy rằng vẫn nằm trong tay Dương Tú Thanh và trước đó là Tiêu Triều Quý, nhưng Dương, Tiêu là hạng mù chữ, ít học, tuy Dương Tú Thanh thông minh tài cán, Tiêu Triều Quý xảo trá nhiều tâm tư, nhưng không thể xây dựng nên cơ cấu chính quyền hợp thức, công tác ở lĩnh vực này đương nhiên chỉ có thể do bản thân Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn, Lô Hiền Bạt là những “người cầm bút” bên cạnh Hồng Tú Toàn thiết kế. Do đó, hệ thống quan chức trong thời kỳ đầu của Thái Bình Thiên Quốc, nếu chỉ nhìn trên danh sách, những gì được phản ánh là ý chí của bản thân Hồng Tú Toàn chứ không phải là Dương Tú Thanh thực tế nắm quyền, mà hệ thống quan chức thời kỳ đầu trên danh sách, đúng như trên đã nói, vừa vặn chính là hệ thống quân chủ tập quyền truyền thống.   

Trong thời kỳ này, đường lối của Thái Bình Thiên Quốc cũng không hề nói gì tới “hư quân”. Trong “ấu nhi thi”, một ấn phẩm được in với số lượng rất lớn để dạy trẻ em học chữ đã ghi rất rõ: “Thiên triều nghiêm cẩn có phép tắc, cận kề thiên uy. Sinh sát do Thiên tử, chư quan không thể phạm.” “Người đứng đầu làm việc chính nghĩa, vạn quốc đều yên ổn. Vương độc thao quyền bính, bọn siểm nịnh gian tà đều phải trốn xuống vực sâu.” Việc miêu tả quân quyền của Hồng Tú Toàn, chẳng khác biệt là mấy so với hoàng đế Minh Thanh. Thậm chí Dương Tú Thanh, người đứng đầu “thể chế phụ trách quân sự” trong “Thiên tình đạo lý thư” cũng viết rất rõ ràng “Vương (Thiên Vương) độc thao quyền bính”, tức là phải Hồng Tú Toàn nói mới được.

Vấn đề là, từ năm 1851 (thậm chí sớm hơn thời gian Đoàn doanh ở Kim Điền) tới sự biến Thiên Kinh năm 1856, Hồng Tú Toàn theo quy định trên giấy tờ là quân không hề có chút “hư”, trên thực tế lại thực sự cho người ta cái cảm giác “hư quân”.

Sở dĩ như vậy, tuyệt đối không phải từ quan chế Thái Bình Thiên Quốc được thiết kế bởi tay Hồng Tú Toàn, chiếu theo “truyền thống tư tưởng dân chủ nông dân”, bố trí một “hư quân” và một đám “quân sư phụ trách” mà là trong hội Bái Thượng đế xuất hiện nhân tài mới nổi vừa có đầu óc nhất định lại có cả thực lực là Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý, họ nắm bắt rất tốt thời cơ Phùng Vân Sơn mắc vào kiện cáo, dùng thủ đoạn giả thác Thiên phụ, Thiên huynh hạ phàm, lấy danh nghĩa “cha và anh của Hồng Tú Toàn” khí thế hùng hồn trước tiên tự biến mình thành quân sư, tiếp đó lại biến quân sư thành “phụ trách thực tế”. “Sinh sát do Thiên tử” “Vương độc nắm quyền bính”, nhưng “Thiên tử” và “Vương” thế nào cũng phải nghe lời Thiên phụ Thiên huynh ư? “Chư quan” đương nhiên là “không thể phạm”. Khi Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý không có “chân thần phụ thể” cũng xuất hiện với diện mục là thần tử, là em, hết sức cung kính với vị “nhị huynh” “thiên tử” Hồng Tú Toàn, nhưng một khi bọn họ cảm thấy mệnh lệnh mà Hồng Tú Toàn ban ra khiến họ không vừa lòng thì bất cứ lúc nào cũng có thể giở tuyệt chiêu “truyền Thiên phụ Thiên huynh chân thần chân thánh chỉ”, để cha, anh của “thiên tử” đến dạy dỗ vị quân không phải “hư” này.

Hồng Tú Toàn phải chăng cảm thấy vô cùng khó chịu với việc có tiếng mà không có miếng này? E là chưa chắc là vậy.

Từ biểu hiện trước sau và đặc điểm tính cách, đối phó với các vấn đề chính vụ rườm rà không phải là sự hứng thú và năng lực của ông ta, ông thích thú với việc tự phong làm giáo chủ và nhà lý luận hơn, dồn tâm sức vào “thần học”, thứ mà ông ta cho là quan trọng hơn, và cậy nhờ sức mạnh của thần để khống chế thuộc hạ. Như vậy càng nhẹ nhàng, ở một số thời điểm đích thực là cũng có hiệu quả. “Thực quyền” của Dương Tú Thanh một phần là do lừa gạt và bạo lực mang lại, một phần khác (thậm chí là phần lớn) là do Hồng Tú Toàn chủ động nhường cho, như phong quan tước, phê chuẩn tử hình, Hồng Tú Toàn có quyền can thiệp nhưng trên thực tế ngay đến cả tấu chương tạ ơn của quan viên tân thượng nhiệm, ông ta cũng lười xem. Sau này nhóm Dương Tú Thanh người chết kẻ bỏ đi, quyền lực của ông ta tiếp tục không chịu bất cứ sự ước thúc nào, nhưng ông ta trước tiên phân phối quyền lực cho tập thể “chưởng suất” gồm ngoại thích, võ quan, rồi sau đó lại giao cho em họ Hồng Nhân Can, vị tân quân sư mới chân ướt chân ráo tới vào năm Kỷ Mùi thứ 9 của Thái Bình Thiên Quốc (công nguyên năm 1859, năm Hàm Phong thứ 9 nhà Thanh).

Sự “lộng quyền” của Dương Tú Thanh không phải là “chuyên quyền” mà là được Hồng Tú Toàn thừa nhận, trên thực tế thì đúng là Dương giỏi hơn Hồng về xử lý quân chính sự vụ. Dưới cái bóng Dương Tú Thanh lộng quyền, ban đầu vốn nên là lục quan thừa tướng chủ quản lục bộ trung ương phụ trách với Hồng Tú Toàn, ban đầu những kiểm điểm, chỉ huy, thị vệ giữ các loại chức trách nên ở “điện tiền”, cũng tất nhiên là “ăn không ngồi rồi”, bị Dương Tú Thanh coi là một viên gạch “nơi nào cần thì chuyển tới đó”; Còn chức trách ở lục bộ Đông điện tương đối cố định thì ngược lại lại đảm nhiệm rất nhiều sự vụ hành chính. Nhưng điều này tuyệt đối không có hàm ý lục bộ Đông điện mới là cơ cấu hành chính trung ương, trên thực tế phần lớn chính vụ quan trọng là do Dương Tú Thanh tạm thời chỉ định “hầu tướng” địa vị còn cao hơn địa vị lục bộ thượng thư của Đông điện đi phụ trách. Việc chỉ định tạm thời này đương nhiên là không thể tương ứng một một với hệ hàm ban đầu của lục quan thừa tướng, như Hạ quan thừa tướng Hoàng Ngọc Côn trong khoảng thời gian năm 1853~1854 từng phụ trách thẩm lý những vụ án hình sự, mà hình bộ vốn nên do Thu quan thừa tướng phụ trách, nhưng mấy vị Thu quan phó thừa tướng trong thời gian này lại không có làm một việc gì “đúng theo chức vụ”, như Chu Tích Côn tham gia chiến dịch Bắc phạt, Lô Hiền Bạt công việc trên thực tế phụ trách là chế lễ tác nhạc vốn là công việc do Xuân quan thừa tướng đảm trách, Tăng Thiên Dưỡng tây chinh, Chung Đình Nguyên trấn thủ Dương Châu.

Nói tới đây thì có thể hiểu, cái gọi là “ thể chế do quân sư phụ trách” là không hề tồn tại. Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý có thể đưa ra mệnh lệnh, không phải do bọn họ là quân sư mà là do bọn họ có thể “Thiên phụ Thiên huynh nhập thể”, dùng danh nghĩa cha, anh của Hồng Tú Toàn để nói chuyện; Những quân sư khác, cùng thời như Phùng Vân Sơn, Vi Xương Huy, hay sau này như Hồng Nhân Can, Lý Tú Thành vì không có “kỹ năng” đặc biệt này, cho dù có đội lên hàm quân sư cũng chẳng phụ trách điều gì lớn lao.

Như trên đã trình bày, Hồng Tú Toàn không thích công việc thực tế nhưng sở trường nói “lời trời”, đối với việc phân công như vậy tuyệt đối không phải là không thể chấp nhận. Sau sự biến Thiên Kinh, Vi Xương Huy muốn đại khai sát giới, ông liền biểu thị rằng “ta và ngươi nếu không có Đông Vương thì sẽ không có ngày hôm nay”, chủ trương xử lý khoan hồng cho bộ hạ và gia nhân của Dương Tú Thanh, chứng tỏ ông thừa nhận năng lực của Dương Tú Thanh. Sự lạm quyền của Dương Tú Thanh một mặt là cố ý lạm quyền, mặt khác lại lẽ đâu chẳng phải là do Hồng Tú Toàn vì “ghét chính vụ” mà chủ động trao cho sao. Đương nhiên Hồng Tú Toàn không thừa nhận đây là ghét chính vụ, vì trong cách nhìn của ông ta, “việc trời” mà mình phụ trách quan trọng hơn nhiều so với những việc quân chính đại sự “trần gian”.

Vấn đề vừa vặn nằm ở chỗ, theo sự chuyển biến tốt đẹp của tình thế quân sự, Hồng, Dương hai người đều dần dần cảm thấy, việc “phân công cách mạng” giờ đã có sự biến đổi đến mức không còn vững chắc nữa hoặc không còn hợp lý nữa.

Người cho rằng không còn vững chắc nữa là Hồng Tú Toàn, ông ta dần dần nhận ra thứ mà Dương Tú Thanh muốn cướp đoạt không chỉ là chức quyền quân chủ mà còn là bản thân địa vị quân chủ. Mà điểm này thì Dương dưới cái bóng có “siêu năng lực” “Thiên phụ hạ phàm”, đích xác là có thể làm được — càng huống hồ, nhân vật thông thiên “truyền Thiên phụ Thượng đế chân thần chân thánh chỉ” này chỉ cần cao hứng là lúc nào cũng có thể từ “thần tử người phàm” biến thành “cha trời”, đây là “thần quyền” mà Hồng Thiên Vương xem trọng nhất và không thể chịu được.

 Sớm vào năm Quý Hảo thứ 3 của Thái Bình Thiên Quốc (năm 1853 sau công nguyên, năm Hàm Phong thứ 3) khi quân Thái Bình mới tiến vào thành Thiên Kinh, Dương Tú Thanh vì bất mãn với chính sách phủ định nhân vật lịch sử Trung Quốc, đốt cổ thư của Hồng Tú Toàn đã thác Thiên phụ hạ phàm, nói: “mệnh trời gọi là tính, phát triển thuận theo tính gọi là đạo, đối đãi với cha tận lực, thờ vua liều chết quên thân, nếu không phải là yêu ngôn, không nên phế bỏ toàn bộ” bức ép Hồng Tú Toàn sửa “đốt sách” thành “sửa sách”, thiết lập nha sửa sách, tuyên bố những sách như Tứ thư Ngũ kinh đã qua sửa chữa đều có thể “chuẩn chỉ ban hành”. Ngày 20 tháng 11 dương lịch năm đó, Dương Tú Thanh để trừng phạt Hồng Tú Toàn khắt khe với nữ quan, muốn nhân cơ hội cướp đoạt mỹ nữ trứ danh của phủ Thiên Vương là hai chị em Chu Cửu Muội, khi đang bàn việc với Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương đột nhiên “Thiên phụ hạ phàm”, ngay trong đêm xông vào phủ Thiên Vương, lấy lí do “nghênh tiếp chậm chạp”, muốn đánh phạt Hồng Tú Toàn 40 gậy. Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương nghe tin vội vàng chạy tới, khóc lóc xin chịu tội thay vua, mới được miễn đánh. Ngày mùng 1 tháng 6 năm Giáp Dần thứ 4 (năm 1854), ông ta lại thác Thiên phụ hạ phàm, xưng “cựu di tân di chiếu thư (tức là cựu ước và tân ước) có nhiều chỗ ghi sai” “không được đưa ra”, đình chỉ việc xuất bản “Thánh kinh”, một việc mà Hồng Tú Toàn coi trọng nhất. Ngày 26 tháng 8 năm Ất Vinh thứ 5 (tức Ất Mão, 1855), “Thiên phụ hạ phàm” xuống điện Kim Long, mượn cớ phê bình Hồng Tú Toàn không cho thê tử thăm hỏi mẫu thân trong thời gian dài, yêu cầu Hồng “phàm là việc gì nếu nghĩ không tới, nên cùng với Thanh đệ của ngươi thương lượng”… Đây chỉ là những việc được ghi lại trong “Thiên phụ hạ phàm chiếu thư” và “Thiên phụ thánh chỉ”, mà trên thực tế thì việc “Thiên phụ hạ phàm” đương nhiên là phải nhiều hơn.

  Tạm không nói Dương Tú Thanh vốn là thần tử “đứng dưới bệ ngọc”, một khi “Thiên phụ hạ phàm” thì lập tức đất trời đảo lộn, có thể ép Hồng Tú Toàn quỳ xuống, đánh đòn, bao nhiêu chuyện khiến người ta không thể chịu nổi, rất nhiều “thánh chỉ” của “Thiên phụ” trên thực tế cũng xâm phạm tới lĩnh vực mà Hồng Tú Toàn cho rằng thần thánh cũng không thể xâm phạm. Nếu như nói để Dương Tú Thanh độc nắm đại quyền, cho mình đi tàu bay giấy, là Hồng Tú Toàn có thể nhịn thậm chí vui mừng, vậy thì cùng hưởng “thần quyền” với “Thiên phụ” “cao cao tại thượng”, thậm chí chịu khuất phục thì là điều mà Hồng Tú Toàn không thể chập nhận được.

Mặc dù như vậy, nếu như Dương Tú Thanh có thể nắm bắt “thần” và “người” một cách có chừng mực, nắm vững tiêu chuẩn “hạ phàm”, biểu hiện đầy đủ sự tôn trọng đối với quân quyền của Hồng Tú Toàn thì mối quan hệ khó xử này vẫn có thể duy trì được một thời gian tương đối dài nữa. Dẫu sao, sở dĩ Hồng Tú Toàn có thể luận lợi làm Thiên Vương, Dương Tú Thanh “thay Thiên phụ truyền lời” chứng minh ông ta là “con thứ của Thượng đế, em ruột của Jesu” và “Thái bình thiên vương đại đạo quân vương toàn” hàng thật giá cao, là một khâu cực kỳ quan trọng thậm chí có thể nói là không thể thiếu. Chính vì như vậy, hai năm sau Thiên Kinh sự biến giết chết Dương Tú Thanh, Hồng Tú Toàn đành phải tự vả mặt “minh oan triệt để” cho Dương Tú Thanh, vì nếu nói “Thiên phụ hạ phàm có vấn đề khác nào nói, ông là “con thứ của Thiên phụ” và chức “Thiên Vương” được “Thiên phụ” thân phong hoàn toàn là ngụy tạo.

Phải nói, ban đầu Dương Tú Thanh rất chú ý tới “mức độ”: hai ngày sau khi đánh Hồng Tú Toàn, ông ta đã dùng thân phận “thần tử” lên triều tạ tội, nói về đạo “quân thần”, hòa hoãn quan hệ với Hồng Tú Toàn; Chuyện nên thỉnh “chuẩn chỉ”, ông cũng lễ phép chu toàn, chẳng nề phiền phức nghi lễ rườm rà. Nhưng rồi theo sự phát triển ngày càng tốt đẹp của tình hình quân sự, quyền thế của mình cũng ngày càng lớn, ông ta đối với chữ “mức độ”, bắt đầu cố ý hay vô thức coi nhẹ, thậm chí khinh thường, điều này không tránh khỏi việc khiến cho Hồng Tú Toàn, vốn đã buồn bực không thôi về việc “cha trời” nhiều lần xuất hiện, bắt đầu lo lắng nếu mình không tiên hạ thủ vi cường, e rằng ngay cả “hư quân” cũng không được làm. “Chu lễ” mà Hồng Tú Toàn đọc thuộc có nói, 8 hạng mục quyền bính quan trọng nhất của Thiên tử là tước, lộc, phế, trí, sinh, sát, dữ (cho), đoạt, theo như cách nói ngày nay thì là quyền dùng người, quyền đề bạt, quyền ban thưởng, quyền xá miễn và những quyền tương ứng với nó như phế truất, thăng chức, tịch thu, xử tử. Các quyền khác có thể bỏ nhưng 8 hạng mục này bắt buộc phải do người quyết sách nắm chặt, kiên quyết không thể buông bỏ đại quyền mà giờ đây 8 hạng mục quyền bính này cơ hồ đều rơi vào tay Đông điện, Hồng Tú Toàn đương nhiên không thể không cảm thấy lo ngay ngáy.

Thái Bình Thiên Quốc rốt cuộc không chỉ có hai người Hồng, Dương, phó quân sư, chủ tướng Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai và còn có mấy vị hàm tước thấp hơn họ như Đỉnh Thiên Yến (tiền Yến Vương) Tần Nhật Cương, Hộ Thiên Dự (tiền Dự Vương) Hồ Dĩ Hoảng, Tả Thiên Hầu (tiền Hưng Quốc Hầu) Trần Thừa Dung, cũng hết sức quan trọng trong cơ cấu quyền lực, ai trong số bọn họ cũng không thể cùng ngang vai với Hồng, Dương, nhưng họ ủng hộ hay phản đối ai lại đủ để ảnh hưởng đến kết quả của ván cờ giữa Hồng và Dương.

Địa vị của Vi Xương Huy chỉ thấp hơn Dương, thế lực trong triều, trong quân cực mạnh, mà lòng dạ cũng thâm hiểm, việc gì cũng ung dung thản nhiên. Dương Tú Thanh từng vì đủ loại nguyên cớ để trách mắng thậm chí đánh phạt Vi Xương Huy. Nếu nói, tháng 2 năm thứ 4 Giáp Dần, bộ hạ của Vi Xương Huy là Trương Tử Bằng kích biến thủy doanh, suýt nữa xảy ra đại họa, Dương Tú Thanh xử phạt Vi Xương Huy tội liên đới vẫn còn thuộc công đạo, vậy thì ngày mùng 5 tháng 3 năm thứ 6 Bính Thìn (ngày 11 tháng 4 năm 1856 công nguyên, tức ngày mùng 7 tháng 3 năm Hàm Phong thứ 6 triều Thanh), “Thiên phụ” vì Vi Xương Huy nghênh tiếp “hạ phàm” không đánh chiêng, đã đánh phạt 40 trượng, lại tỏ ra ngang ngược không nói lý lẽ – vì cho Vi Xương Huy “ân huệ miễn đánh chiêng” chính là bản thân “Thiên phụ”. Tuy rằng con người cay độc Vi Xương Huy bề ngoài tỏ ra chằng hề để ý, thậm chí còn “cung kính hơn” với Dương Tú Thanh, nhưng trong lòng chỉ có thể là vừa sợ vừa hận.

Ngược lại thì mối quan hệ giữa Thạch Đạt Khai và Dương Tú Thanh dường như tốt hơn nhiều. Trong “tặc tình hối toản” có nói, Dương Tú Thanh “thích sự thành thật của ông”, thường xuyên giao trọng nhiệm, ngược lại với Vi Xương Huy, người có địa vị cao hơn, Thạch Đạt Khai tay nắm trọng binh, cơ hội độc nắm một mặt nhiều hơn, thời gian cũng dài hơn, đại quyền quân chính An Huy, Hồ Bắc, Giang Tây đều đã từng trao vào tay một mình ông. Nhưng Thạch Đạt Khai đối với “Thiên phụ” hỉ nộ bất thường, động tí là hạ phàm, đương nhiên là chỉ ước kính nhi viễn chi. Người thời đó ghi lại, ông mỗi lần nghe nói “Thiên phụ hạ phàm” thì sợ tới mức toàn thân đổ mồ hôi lạnh.

Còn Tần Nhật Cương, Trần Thừa Dung hai người đều từng bị oan uổng trong “sự kiện ông chú cùng tuổi” (sự kiện này đã được trình bày trong bài viết về Đông Vương Dương Tú Thanh). Trần là lãnh tụ quan viên trong triều nhiều lần bị làm nhục, Tần còn thảm hơn “cách chức làm nô”. Hai người đối với Dương Tú Thanh cũng vừa oán hận vừa sợ hãi.

Ba người nêu trên là quan viên cấp cao nhất, địa vị trong triều chỉ sau Dương Tú Thanh (trước sự kiện Thiên Kinh sự biến thì Hồ Dĩ Hoảng đã bệnh mất ở Lâm Giang, Giang Tây), bọn họ còn sợ hãi như vậy, thì những người địa vị thấp hơn họ luôn phập phồng lo sợ  đối với sự hỷ nộ vô thường, thưởng phạt thất thường của Dương Tú Thanh và “Thiên phụ”, chỉ có sợ hãi nếu không cẩn thận sẽ gặp rủi ro.

Bọn họ sở dĩ sợ hãi như vậy là vì “Thiên phụ” không gì không biết, không đâu không có mặt, không gì là không thể, “nhìn thấu mọi việc riêng tư của người khác, không đâu không trúng”, điều này đương nhiên không phải là thật sự dựa vào “thần lực” mà phần nhiều dựa vào hệ thống tai mắt dày đặc. Chính vì những tai mắt này chẳng chỗ nào thiếu mặt, các cấp quan lại mới sợ hãi vị Đông Vương này như sợ Chúa, nhưng cũng chính vì thế, bọn họ rất khó có được sự thân cận tự đáy lòng với vị “Thiên phụ” nửa người nửa thần này.

Đồng bệnh tương lân, lại thêm danh phận quân thần, những người này dễ dàng ngả về Hồng Tú Toàn trong cuộc tranh đấu giữa Hồng và Dương, mà đây chính là kết cục đã được định trước của Thiên Kinh sự biến.

Chân tướng trong thành Thiên Kinh.

Vậy thì, sau chiến dịch Thiên Kinh – Trấn Giang, trong thành Thiên Kinh rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Ghi chép của các bên về vấn đề này rất khác nhau.

Trương Nhữ Nam trong “Kim Lăng tĩnh nạn ký lược”,  Địch Phù đạo nhân trong “Kim Lăng tục ký” đều nói Dương Tú Thanh ngang ngược hống hách đến mức Hồng Tú Toàn không nhịn nổi bèn mật lệnh cho Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai, Tần Nhật Cương nghĩ cách trừ khử Dương Tú Thanh. Những ghi chép này cùng với cung từ của Lý Tú Thành đều cho rằng, Dương Tú Thanh ép Hồng Tú Toàn phong mình làm “vạn tuế”, dẫn đến họa sát thân, nhưng lại không giống với mấy vị khác, Lý Tú Thành khi đó ở tiền tuyến Cú Dung, Kim Đàn kiên trì cho rằng Hồng Tú Toàn không tham gia mật mưu, là kết quả của cuộc tính toán “đồng tâm nhất trí” ba người Thạch Đạt Khai, Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương. Thạch Đạt Khai, bị một số người cho rằng có tham gia cuộc họp bí mật giết Dương nhưng khi sự việc xảy ra lại ở tận Hồ Bắc thì nói rằng, Dương Tú Thanh tính tình cao ngạo, Hồng Tú Toàn vì muốn kích nộ Vi Xương Huy ra tay, cố ý gia phong Dương Tú Thanh làm vạn tuế, kết quả là quả nhiên Vi Xương Huy nổi giận, giết chết Dương Tú Thanh.

Ghi chép của các nhà đều nói có chuyện “phong vạn tuế”, chỉ là có hai phiên bản là Dương Tú Thanh ép phong và Hồng Tú Toàn cố ý gia phong. Mà phiên bản về cuộc họp bí mật giết Dương thì càng nhiều, có phiên bản cho là do Hồng Tú Toàn chủ trì, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai, Tần Nhật Cương tham dự, cũng có phiên bản nói Hồng Tú Toàn và Thạch Đạt Khai không trực tiếp tham dự. Người ghi chép lại thì có người đương thời (như Địch Phù đạo nhân) cũng có người đời sau được đánh giá là tương đối nghiêm cẩn (như Lý Tân); Cũng có người bên phía quân Thái Bình, cũng có người ngoại quốc dựa vào khẩu thuật của người mục kích để viết lại (như 3 bản báo cáo dựa vào khẩu thuật của người lính đánh thuê người Ireland mà viết lại còn lưu truyền tới ngày nay), nhưng chân tướng sự thật rốt cục là thế nào?

Dương Tú Thanh “tính tình cao ngạo” hiển nhiên là điều không phải nghi ngờ, ông ta có dục vọng quyền lực mãnh liệt, chèn ép Hồng Tú Toàn đủ kiểu, cũng là sự thật không cần tranh cãi, nhưng ông ta có ép phong “vạn tuế” hay không, cách nói hiện nay kỳ thực đều đến từ một nguồn tin – Hồng Tú Toàn.

Duy nhất chép ngày “ép phong” là Lý Tân trong “Trung hưng biệt ký”, nói ngày 16 tháng 7 năm thứ 6 Bính Thìn Thái Bình Thiên Quốc (ngày 22 tháng 8 năm 1856 công nguyên, ngày 22 tháng 7 năm Hàm Phong thứ 6) ép phong, ngày 17 tháng 8 năm thứ 6 Bính Thìn là ngày sinh nhật của Dương Tú Thanh sẽ chính thức gia phong. Nhưng bản thân Lý Tân trong ghi chép của mình có nói ông ta vào năm Đồng Trị thứ 6 (năm 1867 công nguyên) mới 13 tuổi (kỳ thực tuổi thật phải là 12). “Trung hưng biệt ký” xuất bản vào năm Tuyên Thống thứ 2 tức là trước Thanh triều diệt vong 1 năm (năm 1910 công nguyên). Khi Thiên Kinh sự biến xảy ra, con người sinh ra và lớn lên tại Nam Kinh này mới chỉ có 2 hoặc 3 tuổi, rất hiển nhiên, ghi chép của ông ta không thể là tư liệu chính. Mà những ghi chép khác đều trực tiếp hoặc gián tiếp đến từ câu từ của Hồng Tú Toàn sau khi Dương Tú Thanh đã chết. Chỉ có thể nói, Dương Tú Thanh có phong vạn tuế hay không, là chủ động ép phong hay là Hồng Tú Toàn cố ý gia phong, vẫn là câu đố chưa có lời giải.

Có hay không cuộc họp bí mật, Hồng Tú Toàn có tham gia cuộc họp đó hay không, vấn đề này Lý Tú Thành và Thạch Đạt Khai có sự bất đồng. Nhưng từ việc Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương gần như đồng thời bí mật hồi kinh, lãnh tụ triều thần Trần Thừa Dung đích thân tiếp ứng, cho đến Dương Tú Thanh “không gì không biết, không gì không thể” lại chẳng chút phòng bị có thể đoán định, Hồng Tú Toàn chính là chủ mưu giết Dương Tú Thanh, không có sự điều độ của ông ta, những người này cho dù có gan giết Dương Tú Thanh cũng không dám liên kết với nhau, hành động cùng lúc, càng không thể thành công một cách giấu giếm như vậy, dưới mí mắt của Dương Tú Thanh mà mài sắc đồ đao.

Lý Tú Thành khi đó không theo Tần Nhật Cương hồi kinh, trong cả quá trình sự việc đều không ở hiện trường, cách nói của ông ta hiển nhiên là phiên bản của Hồng Tú Toàn, không phải Hồng Tú Toàn chủ mưu cũng chả có gì là lạ. Thạch Đạt Khai phủ nhận sự tồn tại của cuộc họp bí mật thì có hai khả năng, hoặc là ông ta trước khi sự việc đã bị loại khỏi cuộc họp, hoặc là ông ta vì giữ danh tiếng của mình mà dứt khoát phủ nhận. Thuận tiện đề một câu, trong “Thiên phụ thánh chỉ”, điều cuối cùng của “bộ Dương Tú Thanh ngữ lục” này có ghi ngày mùng 9 tháng 7 năm thứ 6 Thái Bình Thiên Quốc (ngày 15 tháng 8 năm 1856, ngày 15 tháng 7 năm Hàm Phong thứ 6), tức là 18 ngày trước khi Dương Tú Thanh bị giết, nói “Tần Nhật Cương giúp yêu, Trần Thừa Dung giúp yêu, đã phóng hỏa thiêu liên thành, chưa có cứu”, sau khi được phát hiện đã được rất nhiều người phân tích nghiêm túc hoặc cho rằng có thể lấy đó làm phán đoán người chịu trách nhiệm sự kiện, hoặc cho rằng đây là chứng cứ Dương Tú Thanh đả kích, ép hại hai người Tần, Trần. Nhưng phải thấy rằng, bộ “ngữ lục” này là do Hồng Tú Toàn nóng lòng che đậy sự kiện, đã minh oan cho Dương Tú Thanh nên chủ trì xuất bản vào hai năm sau khi sự việc xảy ra, nếu nói câu “lời trời” này do Dương Tú Thanh nói ra, thì chi bằng nói “Hồng Tú Toàn muốn Dương Tú Thanh nói vậy”, ý là muốn giữ danh tiếng cho Thiên Vương mà thôi.           

Sau khi gạn lọc, chân tướng của sự biến Thiên Kinh đã rất rõ ràng: Người bị cưỡng đoạt quyền lực Hồng Tú Toàn đã không chịu nổi việc Dương Tú Thanh động tí là “Thiên phụ hà phàm” uy hiếp tới địa vị của mình, ngoài mặt thì tiếp tục tôn sùng nhưng ngầm mật bàn cùng với mấy đại quan viên trong triều như Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương, Trần Thừa Dung (có thể còn có cả Thạch Đạt Khai), nhân lúc Thái Bình Thiên Quốc giành được thắng lợi lớn chưa từng có, Dương Tú Thanh đắc chí mãn ý phòng bị lơi lỏng, lợi dụng Trần Thừa Dung nắm giữ chìa khóa cửa thành, lặng lẽ triệu Vi Xương Huy, Tần Nhật Cương và thân binh tâm phúc của họ về Thiên Kinh, dùng thủ đoạn tập kích bất ngờ giết chết toàn gia Dương Tú Thanh và rất nhiều thân tín.

Theo như “Kim Lăng tục ký”, Vi Xương Huy đích thân chỉ huy hành động tập kích phủ Đông Vương, bị giết tại chỗ bao gồm cha con Đông Vương, gia đinh 27 người, “ngụy vương nương 54 người” và thị nữ khác “bị bắt vào phục vụ và bị cưỡng bức đến mang thai”. Những ghi chép sau đó tuy rằng mỗi người mỗi ý, miêu tả sinh động như thật, như “khổ nhục kế” “Hồng môn yến” và nội chiến Đông điện – Bắc điện đều chưa chắc đã là sự thật. Nhưng từng nhóm cốt cán, trọng thần của Thái Bình Thiên Quốc chết trong trận này là xác thực không còn nghi ngờ gì nữa. Có thể xác nhận bị giết trong sự kiện này bao gồm Bổ Thiên Hầu Lý Tuấn Lương, Trợ Thiên Hầu Lưu Thiệu Đình, Dực Thiên Hầu Cát Thành Tử, Phù Thiên Hầu Phó Học Hiền, nhị thượng thư sử bộ Đông điện Hầu Khiêm Phương; Khả năng chết trong sự kiện này còn có rất nhiều người như Tiền Trấn Quốc Hầu Lô Hiền Bạt. “Kim Lăng tĩnh nạn ký lược” viết cốt cán của Thái Bình Thiên Quốc bị Vi Xương Huy giết trong sự biến Thiên Kinh là hơn 2 vạn người, khả năng là phóng đại, ví như khi đó Dương Tú Thanh quá sơ ý, họ Dương quốc tông phái tới các nơi cầm quân, có ghi lại bị giết, chỉ có nhất loạt ở An Khánh (kẻ xúi giục là Trương Triều Tước thân cận của Hồng Tú Toàn); Còn “Kim Lăng tục ký” ghi, có một số lớn người của Đông điện xuất chinh bị điều về xử tử. Nhưng từ sử liệu có thể thấy, không chỉ những người thuộc Đông điện nhưng quan hệ tương đối sơ lược như Thừa tuyên Đông điện Hoàng Văn Kim, Hồ Đỉnh Văn mà cả những người có quan hệ mật thiết với Dương Tú Thanh như anh em Lý Thọ Huy, Lý Thọ Xuân, thậm chí là Lâm Tích bảo, người mà “dân rất căm phẫn” đều tránh được đại nạn, nhưng rất nhiều quan, triều thần thuộc Đông điện và gia thuộc của họ bị hại. Dương Tú Thanh vừa đạt tới đỉnh cao thành công cá nhân thì chết trong sự hồ đồ như vậy.

Rất nhiều ghi chép đều nói rõ, trực tiếp chỉ huy vây đánh phủ Đông Vương là Tần Nhật Cương, đánh trận đầu chính là Đông quan phó thừa tướng đã bị cách chức, thời nhiệm Hữu niệm thời tuyên Bắc điện Hứa Tông Dương (có lời đồn là ông ta đột nhập vào Đông điện và giết chết Dương Tú Thanh). Hứa Tông Dương vào năm Giáp Dần thứ 4 Thái Bình Thiên Quốc (công nguyên năm 1854, năm Hàm Phong thứ 4) từng nhận lệnh cùng Hạ quan hựu chính thừa tướng Tăng Lập Xương, Hạ quan phó thừa tướng Trần Sĩ Bảo bắc viện cho cánh quân “tảo bắc” của Lâm Phượng Tường, Lý Khai Phương. Sau khi viện quân đại bại ở Lâm Thanh Sơn Đông, Tăng, Trần hai người lần lượt tử trận, chỉ có Hứa dẫn tàn quân chạy thoát về, bị Dương Tú Thanh cách chức giam vào Đông lao, sau đó được phóng thích, giáng chức. Biểu hiện của người này trong sự biến Thiên Kinh tích cực như thế, e là có nhân tố công báo tư thù.

 Các sự kiện lịch sử nối tiếp sau đó đã nói rõ, vào giây phút Dương Tú Thanh bị giết, không chỉ là thời khắc quan trọng nhất của năm 1856, cũng là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất của lịch sử Trung Quốc ở nửa sau thế kỷ 19.


 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s