Chuyện chữ – Chuyện nghĩa:  Bàn thêm về bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”

1_498767.jpg

Lại Thế Hiền

          Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được coi là bài thơ Thần, được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò.

          Trước năm học 2003 – 2004, bài thơ này thường được dùng bản dịch, được cho là của nhà sử học Trần Trọng Kim:

                             Sông núi nước Nam, vua Nam ở

                             Rành rành định phận tại sách trời

                             Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

                             Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

          Từ năm 2004 trở lại đây, thực hiện chương trình Cải cách Giáo dục, các sách Giáo khoa được viết lại, bài thơ này nằm trong chương trình của sách Ngữ Văn 7 – Tập 1, nhưng lại bỏ bản dịch của Trần Trọng Kim mà thay vào đấy là bản dịch của hai nhà Hán học Lê Thước và Nam Trân (đã đăng trong Thơ Văn Lý – Trần, nhưng đã được chỉnh sửa chút ít):

                             Sông núi nước Nam vua Nam ở

                             Vằng vặc sách trời chia xứ sở

                             Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

                             Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

         Ngoài ra, ở phần ĐỌC THÊM, có đưa thêm bản dịch của Ngô Linh Ngọc để học sinh tham khảo (bản này đã in trong Tổng tập văn học Việt Nam – Tập 1 – NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội 1980):

                             Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự

                             Sách trời định phận rõ non sông

                             Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?

                             Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.

          Điều đáng ngạc nhiên là các văn bản này đã được đưa vào giảng dạy từ năm 2004 mà mãi tới gần đây thì nó mới được đưa ra mổ xẻ, phân tích với rất nhiều bài viết của các tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

          Gần đây nhất, tác giả Thừu Châu đã viết một bài thảo luận với GS Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên sách giáo khoa Ngữ Văn 7), bài này được đăng trên Tuần báo Văn Nghệ – số 47 – ngày 21/11/2015

          Vì thế, tôi cũng xin bàn góp thêm vài điều.

  1. Tôi tán thành các ý kiến cho rằng nguyên gốc của câu 2 trong bài thơ phải là „Tiệt nhiên phân định tại thiên thư” đúng như văn bản của „Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi chứ không phải là „Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” như đã viết trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử, vấn đề này đã có ý kiến của tác giả Thừu Châu nên tôi không bàn tiếp nữa.
  2.    Về bản dịch trong sách Giáo khoa hiện nay.

          Tôi thấy cả hai văn bản đều có những lấn cấn sau:

  1. Đều khó thuộc, khó đi vào lòng người như bản dịch của Trần Trọng Kim.
  2. Sông núi nước Nam” hoặc „Đất nước Đại Nam” ở câu 1 có hiện tượng trùng nghĩa với „xứ sở” hoặc „non sông” ở câu 2. Làm thơ, mà nhất là thơ tứ tuyệt chỉ có 4 câu, cần nên tránh các hiện tượng này.
  3.     Về vai trò của bài thơ.

      Nhiều tác giả đã gán cho bài thơ này là „Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc”,cũng chính vì vậy mà ban biên tập của „Ngữ Văn 7” đã viết theo tinh thần này ở phần ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN. Nhưng, nếu căn cứ vào định nghĩa chính xác của cụm từ ”Tuyên ngôn Độc lập” rồi vận dụng vào trong bối cảnh Lý Thường Kiệt đang chỉ đạo dân quân chống giặc Tống xâm lược thì thật khó mà chấp nhận được sự gán ghép như vậy. Vì thế, kính đề nghị ban biên tập xem lại nội dung câu 2 của phần này.

  1. Theo tôi, bài thơ này khẳng định chủ quyền, khẳng định quyền bất khả xâm phạm của nhân dân Đại Việt và lấy điều này ra để động viên, khích lệ tướng sĩ có thêm tinh thần đánh giặc, cương quyết đuổi chúng ra khỏi bờ cõi thiêng liêng của cha ông để lại
  2. Khích lệ quân sĩ có hai cách: thứ nhất là mắng giặc, thứ hai là động viên trực tiếp quân lính của mình.

      Tất cả các văn bản hiện nay đềy dịch theo xu hướng mắng giặc, vì vậy, tôi đề nghị nên dùng lại bản của Trần Trọng Kim, mặc dù bản này chưa dịch sát nghĩa lắm ở câu 4, nhưng ta không thể bỏ qua tính hào hùng, dễ phổ cập trong dân chúng của nó.

      Nếu dùng lại bản dịch này, tôi đề nghị dùng từ „phân định” ở câu 2 để cho đúng với tính xác lập chủ quyền như đã nói ở trên:

                             Sông núi nước Nam vua Nam ở

                             Rành rành phân định tại sách trời

                             Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

                             Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  1. Câu 4 của bài thơ có nguyên tác là ”Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”, khi đọc thơ thất ngôn thường có hai cách ngắt nhịp, đó là ngắt 3-4 hoặc ngắt 4-3

       Nếu ngắt 3-4:   Nhữ đẳng hành = Nhữ đẳng hàng = Lũ chúng bay, kể từ cao xuống thấp. Khan thủ bại hư = Khán thủ bại hư = Cầm chắc thất bại.

          Như vậy, nếu bài thơ được hiểu theo tinh thần mắng giặc thì câu 4 được ngắt theo nhịp 3-4, nhưng, như vậy thì lại là phá cách vì ba câu trên đều được ngắt 4-3.

          Đây cũng là điều lạ, theo tôi được biết thì cũng có bài thơ tứ tuyệt phá cách nhưng số lượng không nhiều, chả lẽ bài thơ Thần lại rơi vào trường hợp hiếm này sao?

             Nếu ngắt 4-3:    Nhữ đẳng hành khan = Lũ chúng bay xem ra.

      Cụm từ này mang tính thụ động vì chủ thể (lũ chúng bay) đang xem, đang phải tiếp nhận một cái gì đó ngoài ý muốn của mình.

                             Thủ bại hư = Tự chuốc lấy thất bại.

      Như vậy, nếu câu thơ này được ngắt đúng cách, thì nội hàm của nó là nhắc nhủ đối tượng đừng có thụ động để rồi phải chuốc lấy thất bại. Rõ ràng đối tượng ở đây là quân ta chứ không thể là quân địch, và, ý nghĩa của nó là nhắm vào một bộ phận quân sĩ của Lý Thường Kiệt đang hoang mang, đang dao động vì sợ sức giặc mạnh. Vì thế, hai câu đầu của bài thơ được dùng chính là để khích lệ quân sĩ, để họ không còn sợ giặc, biết đoàn kết để chiến thắng kẻ thù.

      Nếu vậy thì bài thơ có thể sẽ được hiểu như sau – dịch ý:

                             Sông núi nước Nam, Nam đế cư

                             Rành rành phân định tại Thiên thư

                             Nhưng khi lũ mọi sang xâm phạm

                             Các ngươi lại sợ đánh thua ư?

 

  1.      Bài thơ phân thân

      Theo sử sách, bài thơ này được đọc ở đền Trương tướng quân để trợ giúp cho tướng sĩ nhà Lý đánh giặc tại phòng tuyến sông Như Nguyệt.

      Trương tướng quân gồm hai anh em: Trương Hống, là anh, là thủy thần sông Cầu (sông Như Nguyệt), Trương Hát, là em, là thủy thần sông Thương (sông Long Nhỡn – sông Nhật Đức). Người Kinh Việt cổ xưa sống ở vùng đồng bằng sông nước nên có tục thờ cúng thủy thần. Họ được (bị) các bộ tộc ở xung quanh gọi là tộc Keo (Rắn), vì vậy mà thành tên, từ Keo biến âm dần thành Kinh, cũng vì vậy, mà thủy thần của người Kinh chính là các thần Rắn (ông Cộc, ông Dài tùy theo thủy vực của các dòng sông)

      Sông Cầu, kể cả phần phân lưu của sông Hồng tiếp trợ (sông Cà Lồ, nhưng hiện nay đoạn thượng nguồn của Cà Lồ tại xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nối với sông Hồng đã bị vùi lấp), có lưu vực dài 288km, sông Thương chỉ có 157km, vì vậy thủy thần sông Cầu được gọi là ông Dài, còn thủy thần sông Thương gọi là ông Cộc. Thủy lực của sông Cầu lớn hơn nhiều so với sông Thương, vì thế, vào mùa bão lũ thì sông Cầu gây lũ lụt, tàn phá đồng ruộng và xóm làng nhiều hơn, cho nên ông Dài còn được gọi là ông Hống (Hách!?) còn ông em hiền lành hơn nên được gọi là ông Hát (Vui vẻ – Hiền dịu!?).

      (Xin lưu ý là trong các truyền thuyết về thủy thần còn có ông Dài ông Cụt ở Ninh Giang, ông Cụt bị cụt đuôi do cha nuôi lỡ cuốc phải và về sau do bị tội phải đi đày tới tận cùng của đất nước rồi trở thành thủy thần sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn, nhưng, hai ông này ở miền sông nước khác, không liên quan tới trận chiến sông Cầu nên xin được miễn bàn ở đây)

      Trương là họ của hai anh em thủy thần này, quá trình nhân hóa thủy thần thành nhân vật lịch sử cũng xin miễn bàn, chỉ cần biết là hai ông có hành trạng gắn với thời kỳ Lý Bí khởi nghĩa chống giặc Lương đô hộ (thế kỷ 6), là bộ tướng trung thành của Triệu Việt Vương, thà chết chứ không chịu theo hàng Lý Phật Tử, cho nên được Thượng đế thương mà phong cho làm thần, cai quản hai sông này.

      Tuy hai mà một, sông Cầu và sông Thương hợp lưu tại ngã ba Xà (Rắn!?) để tạo thành sông Thái Bình, còn ông Hống và ông Hát thì đều được nhân gian gọi chung là Đức thánh Tam Giang.

      Hai ông phân thân thì bài thơ ”Nam Quốc Sơn Hà” cũng phân thân: Đối với giặc thì đó là bài thơ cảnh cáo thất bại do chúng nó phi nghĩa, phạm vào mệnh trời. Đối với quân ta thì đó lại là bài thơ nhắc nhủ, củng cố tinh thần quyết chiến quyết thắng, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, làm chủ vận mệnh của mình.

      Có thể hình dung thế này: Ông Hống nhận đọc bài thơ đúng cách, tức là ngắt nhịp 4-3 ở câu cuối (Nhữ đẳng hành khan/ thủ bại hư), còn ông Hát thì nhận đọc phá cách, tức là sẽ ngắt nhịp 3-4 cho câu ấy (Nhữ đẳng hàng/ khán thủ bại hư).

      Vào một đêm tối trời, gió Bấc thổi mạnh, ông Hống đọc bài thơ trong đền của mình ở ngay sát bờ sông Như Nguyệt. Còn ông Hát thì rời nhiệm sở bên dòng Long Nhỡn, đi tới sau lưng quân giặc rồi đọc thơ (đánh tập hậu).

      Lời thơ của ông Hống chỉ có quân ta nghe được, còn lời của ông Hát thì cả ta và địch đều nghe, ấy là tại bởi gió Bấc đang mạnh, chọn thời điểm này để đọc thơ là chủ ý của hai ông muốn thế.

      Chỉ có điều, ông Hống đọc thơ lại ân cần hiền dịu, giống như lời đất mẹ thoảng về với đàn con, còn ông Hát thì dõng dạc hào hùng, giống hệt như ý tả trong bài dịch của Trần Trọng Kim.

      Dù sao thì, muốn chọn cách đọc nào, thần đọc hay người đọc cũng đều đưa ”Nam Quốc Sơn Hà” vào hàng bất tử, không cần phải bàn cãi gì nhiều!

 Hà Nội  ngày 26/11/2015 – Bổ sung 07/07/2019

One thought on “Chuyện chữ – Chuyện nghĩa:  Bàn thêm về bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s