Vũ Tài Lục
DẪN
Ngày 28 tháng 10 năm 1942, giữa lúc chiến tranh đến hồi gay gắt nhất, Adolf Hitler đã gửi điện văn chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm cuộc Tiến về thành Rome ( La Marche sur Rome) đưa Benito Mussolini, lãnh tụ đảng phát xít lên nắm chính quyền nước Ý.
Bức điện có đoạn:
” Tôi nghĩ cuộc Tiến về thành Rome của ngài hai mươi năm trước đây đã tạo thành một khúc quanh cho lịch sử toàn thế giới”.
Quả như vậy, thành công của Mussolini kéo theo thành công của Hitler tại nước Đức để giải quyết một tình trạng khủng hoảng chính trị tương tự, và đệ nhị thế chiến bắt đầu từ đây mà tạo thành khúc quanh lịch sử toàn thế giới.
Sau 1945, chiến tranh kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của những nước dưới chế độ phát xít thì danh từ phát xít chỉ còn là danh từ ghi trong sử sách, hoạt động phát xít tê liệt.
Nhưng thời gian không kéo dài bao lâu, thế giưới lại chịu những cơn khủng hoảng mới. Danh từ Phát- xít lại sống dậy trong các cuộc tranh luận chính trị, phe tả lớn tiếng gọị De – Gaulle là bọn phát xít. Nhiều nơi các tổ chức phát xít âm thầm tái phục hoạt động. Chủ nghĩa phát xít được kể như một chủ lưu tư tưởng cho chính sách lập quốc tại các quốc gia mới. Trên sách báo, tạp chí các câu hỏi đặt ra:” Le fascism est il actuel? Is fascism still a threat?”. Ỏ Tây Ban Nha, người ta đang lo ngại về cái chết của ông tướng phát xít Franco sẽ đưa dẫn đến những khủng hoảng trầm trọng cho xứ sở này. Ở Á căn đình, một lần nữa, lực lượng phát xít Peron trở lại chính quyền.
Theo giáo sư Ebenstein, bên cạnh chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội vẫn phải kể đến chủ nghĩa phát xít hiện đang lãnh đạo chính trị thế giới ngày nay.
Nói đến chủ nghĩa phát xít thì phải nói luôn đến con người lãnh tụ, bởi vì tối cao nguyên tắc của chủ nghĩa này là” leader pringciple” người ấy là Benito Mussolini. Trên tư tưởng ta có thể thấy chủ nghĩa phát xít ở George Sorel, ở Charles Mauras là những tiền nhân của Mussolini. Nhưng Mussolini lại là người đầu tiên hành động và thực hiện chính trị phát xít.
1. Những tháng năm cho sự thành trưởng của một đầu óc chính trị
Quiconque veut devenir un meneur d’homme doit accepter de passer longtemps pour leur pire d’ennemi
NIETZCHE
MỘT LỌ MỰC NÉM VÀO MẶT THẦY
Tại một thôn xóm tồi tàn Predappio của vùng Romagne nghèo khổ, ngày 29-07-1883 một đứa trẻ kháu khỉnh và khỏe mạnh chào đời. Cha của nó là Alessamdro, bác thợ rèn quen thuộc của dân chúng về phương diện nghề nghiệp cũng như về chuyện la cà nhậu nhẹt, tán gái nhất là về quan điểm chính trị vô chính phủ ưa tranh luận thích nổi loạn. Mẹ nó là một giáo viên hiền lành, ngoan đạo và thầm lặng.
Để tưởng niệm nhà cách mạng Mễ tây cơ, Benito Juarez, cha nó lấy ngay chữ Benito mà đặt cho đứa con trai đầu lòng của mình. Do đó, đứa trẻ được mang cái tên định mệnh Benito Mussolini.
Gia đình bác thợ rèn sinh sống thật khó khăn cực nhọc. Bữa cơm chiều bao giờ cũng chỉ có một món súp làm bằng bột ngô gọi là món ” polenta” nấu với nước lã. Đĩa thịt rất xa lạ trên bàn ăn của họ. Đó cũng là tình trạng chung cho hầu hết dân cùng khốn ở vùng này. Alessamdro rỏ mồ hôi đổi lấy đồng công rẻ mạt. Rosa Maltoni, mẹ Benito, với đôi mắt sâu và buồn, phải làm việc suốt ngày ,mang đồng lương về giúp chồng. Khốn nỗi học trò mỗi lúc một thưa thớt vì không ai muốn giao phó con cái cho vợ chồng “thằng cha phản loạn”dạy dỗ, chúng sẽ trở lên hư đốn,sẽ không chịu đi kiếm ăn nuôi thân,tư tưởng phản loạn có thể đầu độc tâm não chúng. Thêm vào đấy là sự hạch hỏi hậm họe gây khó dễ của bọn chức dịch. Bà Rosa thường than thở với những người thương xót mình: ” Các chị chắc chưa rõ nỗi lo, nỗi buồn,nỗi vất vả đêm ngày của tôi kiếm cơm nuôi trẻ để phải cắn răng chịu đựng lời xỉ vả từ bọn người chẳng thèm biết đến sự cố gắng của kẻ đem công lao ra kiếm sống”.
Ngay từ lúc năm sáu tuổi, Benito đã nổi tiếng là một đứa trẻ ngỗ nghịch, ưa gây gổ đánh nhau, trẻ các làng đều kiêng dè. Như trong tự truyện, Mussolini viết:
“Cách đây 25 năm, tôi là thằng bé hết sức hung bạo và kiêu ngạo. Có nhiều bạn bè đồng chí hiện vẫn còn mang thẹo trên mặt do những cục đá của tôi ném hoặc tôi đập gây nên. Suốt ngày tôi lang thang la cà dọc bờ sô ng ăn cắp trái cây, ổ trứng. Chỉ lúc nào theo mẹ đi lễ nhà thờ tôi mới hiền lành được đôi chút”.
Benito thương mẹ lắm. Đi học Benito thường gặp bao nhiêu bất công của nhà trường đối với kẻ nghèo người giầu. Bởi vậy, Benito càng trở nên hung dữ hơn. Mỗi lần định về than thở với mẹ thì lại nhìn thấy hình dáng võ vàng của bà, nó lại thôi và chỉ nói vắn tắt như muốn an ủi mẹ:” Một ngày kia nước Ý sẽ biết tay con” (Un jour l’Italie me craindra)
Rồi bao việc “tày đình” xẩy ra, thằng bé mất dạy đã ném cả một lọ mực vào mặt thầy giáo, đâm vào đùi thằng bạn cùng lớp bị thương, nó bỏ trốn, bị bắt đưa ra hội đồng kỷ luật. Cuối cùng, Benito mất học bổng, đành phải thôi học. Tuy nhiên, cả thầy giáo và bạn bè đều công nhận Benito là một tên học trò xuất sắc trong lớp.
Buổi tối, Benito thường ngồi dưới chân cha lắng nghe ông đọc những tờ báo đấu tranh thời đó như nhật báo ” Lotta” và “Rivendicazione”. Đọc khúc nào có vẻ dữ dội, Alessandro hay nhắc đi nhắc lại những câu chính rồi cười thích thú đưa rượu lên để uống thưởng lãm. Ông khoái nhất cái câu:” Xã hội và công lý của tư sản là những tòa nhà quái gở sắp sụp đổ”.( Lasocieté, la justice bourgeiose sont des ésdifices monstrueux et croulants.
Lêu lổng vài năm, khi gia đình dư dả chút tiền Benito liền được gửi tới Forlimpopoli ở nội trú trong một trường “college”. Nhưng không quá năm tuần lễ, ông giám đốc nội trú đã phải mời”thằng du đãng”ra ngoài trọ vì nó phá phách quá.
Thời đó đi học “college” là cả một đặc ân cho con nhà nghèo. Miền nam nước Ý còn đến 80% người thất học, còm cõi ở nơi đất cằn cỗi với đói lạnh bệnh tật. Mang tiếng là dân chủ nhưng chuyện bầu cử hoàn toàn nằm trong tay máu của đảng Maffia và Camor…là hai đảng cướp. Các đảng chính trị có xác mà không có hồn. Quốc hội tràn ngập tham nhũng. Chính giới hoàn toàn xa lạ với dân chúng.
Những thập niên từ 1880 đến 1910 là thời kỳ phát triển mau mạnh của chủ nghĩa tư bản Ý, nhất là sau 1900. Công ty Fiat năm 1913 xuất cảng 4.000 chiếc xe hơi,kỹ nghệ vải bành chướng đến độ sản xuất quá thừa đe dọa đến ngành trồng bông; nhiều sông ngòi được thiết lập nhà máy thủy điện. Nhưng tất cả những phồn thịnh trên chỉ có miền bắc Ý hưởng lợi thôi. Miền nam Ý chẳng được gì, trái lại, giai cấp bần nông còn bị thiệt hại vì những thỏa hiệp thương mại giữa bọn thương gia với nhau.
Chính khách hăng hái nhất cho chủ chương hy sinh miền nam Ý chính là một dân Silicien tên Crispi. Vốn là đồ đệ trung thành của chính sách sắt và máu của thủ tướng Đức Bismarck, nên Crispi dồn nỗ lực chính phủ ông cho sự phát triển kỹ nghệ tư bản. Tuy xuất thân cũng là tay cách mạng thế mà lúc nhảy vào chính quyền, Crispi nhanh chóng biến thành một chính khách phản động lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ trật tự chống lại mọi đòi hỏi quá khích từ phía đảng phái cũng như từ phía dân chúng. Chính phủ Crispi đứng vững mười năm. Thời gian khá đủ để thế lực tư bản củng cố, khá đủ để sự liên kết tư bản với địa chủ thành tựu.
THẤT TRẬN ADOUA VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA ĐẢNG XÃ HỘI
Mải mê với phát triển tư bản, chính phủ Crispi dấn bước vào con đường ngoại giao mà trước đây thủ tướng Bismarck từng bảo :”Nước Ý là con đĩ lang thang trên vỉa hè,(putain qui fait le trottoir), và trên quân sự đưa Ý tới sự thất trận nhục nhã ở Aduoa”.
Trận Aduoa là trận quyết định cuôc chiến giữa Ý và xứ Ethiopie, một nước thuộc Phi châu. Quân Ý bị chết hơn 5.000 người, hai tướng và nhiều sĩ quan bị bắt, toàn bộ pháo binh rơi vào tay địch.
Toàn quốc Ý sôi nổi, dư luận chống đối Crispi kịch liệt, nội các Crispi phải từ chức.
Benito Mussolini cầm đầu phong trào học sinh làm lễ tưởng niệm chiến sĩ chết trận Aduoa và giơ tay thề rửa hận.
Ngoài phố dân chúng nghèo khổ, giới thợ thuyền tràn ra ngoài hô to khẩu hiệu chống Crispi. Năm ấy là 1896.
Nhờ vụ này, đảng công nhân thành lập, năm 1892,được nhiều người chú ý và đảng xã hội thành lập năm 1890 bành trướng mau lẹ.
Nhà Alessandro là nơi tối ngày có những cuộc họp chính trị tranh cãi ầm ĩ và Alessandro cũng là một trong những chiến sĩ tiên phong của tổ chức quốc tế xã hội chủ nghĩa.
Vào năm 1890, Labriola say mê mac xit mới viết thư cho Engels; năm 1891 Turati cho xuất bản tạp chí”Critica Sociale”để truyền bá tư tưởng macxit tại Milan. Năm 1892 Bissolati phát hành nhật báo”L’avanti” chính thức thành cơ quan ngôn luận của những người xã hội.
Quân đội mặc cảm sau trận Aduoa.
Tư tưởng xã hội, macxit tràn ngập.
Sức đàn áp của chính quyền tư bản Ý không còn hiệu lực như trước nữa.
Năm 1897, Acciarito, một đảng viên vô chính phủ ám sát hụt vua Humbert đệ nhất. Nội các Rudini, người kế vị Crispi lúng túng trước cái hỗn loạn xảy ra khắp nơi.
Cuối cùng tướng Bava Beccaris phải đứng ra ban bố tình trạng khẩn trương để dẹp lũ dân đói biểu tình. Súng nổ, hàng trăm người chết nằm la liệt trong thành phố Milan, phần lớn là đàn bà con trẻ. Hai tờ báo “Avanti” và “Observatore Cattolico” bị đình bản, nhiều lãnh tụ xã hội như Turati, Albertario bị bắt xích tay và còng chân rong đi ngoài phố.
Kết quả việc làm của tướng Beccaris là đã đem lại cho đảng xã hội 15 ghế trong cuộc bầu cử ngày 3-06-1900.
Ngày 27-07-1900, vua Humbert đệ nhất mà hai năm trước đây từng long trọng ban huy chương cho tướng Beccaris do công trạng dẹp loạn bảo vệ văn minh tại Milan, sau khi đi dự khán biểu diễn thể dục về, đã bị Geatano Bresci bắn chết bằng bốn viên đạn trúng đầu, trúng ngực.
Cái chết của nhà vua gây xúc động lớn trong toàn quốc. Benito Mussolini lúc này vừa đúng 17 tuổi. Không khí chính trị ngột ngạt các học đường. Nhiều bài diễn văn của Benito được nhiệt liệt hoan nghênh. Tờ”Avanti” số ra ngày 1-02-1901 đăng hình chàng tuổi trẻ Mussolini với hàng chữ: Sinh viên Đồng chí, vì Benito đã xin gia nhập đảng xã hội, dưới đôi mắt không hài lòng của bà mẹ, đứa con trai bà từ nay sẽ chẳng bao giờ bước chân vào giáo đường nữa.
Cũng năm 1901, Benito giật được mảnh bằng giáo viên, cái bằng có thể kiếm cơm như lời chàng ta nói:”Moi aussi je possedais un diplome…un diploma qui permet de gagner mon pain”.
Nhưng Benito lầm. Khi cầm mảnh bằng đi xin việc đến đâu chàng đều chỉ thấy thiên hạ lắc đầu lãnh đạm vì trường thì thiếu mà giáo viên lại thừa. Quay về xã Predappio để xin một chân thư ký cũng bị chối từ nốt.
Cay đắng, Mussolini cảm thấy mình đúng như kẻ đứng ngoài rìa. Đã có lần chàng nói đến chuyện đốt hết bằng cấp, đốt hết sách vở.
Chán đời, Benito dốc toàn sức lực thì giờ vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Lối cua gái của chàng ta thật là tàn bạo, sấn sổ và hực lửa. Phương châm của chàng là chinh phục mau, thỏa mãn gấp.
May mắn sao,tháng 2-1902, thị xã nhỏ bé Gualtieri khuyết một chân phụ giáo, nhờ hội đồng thị xã có nhiều cảm tình với Alessandro nên chấp nhận đơn xin việc kiếm cơm của Benito. Kể từ tháng ấy năm này Mussolini mới biết thế nào là cái nghề gõ đầu trẻ. Nó là cái nghề buồn nản cùng cực cho loại người ưa hoạt động ồn ào như Mussolini.
Mỗi buổi tối, Benito thường cặp kè với các bà có chồng hoặc góa chồng đi nhẩy, uống rượu, đánh nhau. Thỉnh thoảng viết vài ba bài báo gửi đăng trên tờ ” Giustiaia” của nhóm xã hội. Tham gia vài công tác đảng như tổ chức hợp tác xã và thấy càng chán chường với cái lối hoạt động chính trị lẩm cẩm. Benito là một chàng trai khỏe mạnh, hăng hái, lương mỗi tháng chỉ có 50 đồng bạc”lires”làm sao hoạt động được với mấy ông tiểu tư sản vào tuổi chín chắn, lại có đôi chút cơ nghiệp nho nhỏ. Chàng muốn cái gì nóng bỏng hơn, phải cách mạng thật sự chứ không phải lối cải thiện đời sống cà dầm cà dề. Benito tính đi Madagasca lập nghiệp thà sang xứ mọi đó mà bắt nạt thiên hạ còn hơn ướp xác trong cái nghề giáo viên kiết xác này.
Chân phụ giáo hết hạn kỳ vào cuối năm, Benito đánh điện về xin mẹ một số tiền, mẹ gửi cho gần một trăm”lires” lên đường qua Thụy sĩ, bỏ ý định đi Madagasca.
THỤY SĨ NƠI TẬP TRUNG CỦA ANH HÙNG TỨ XỨ
Thụy sĩ lúc bấy giờ là nơi mà tất cả những kẻ lưu đầy, những dân cách mangjthuoocj đủ mọi khuynh hướng chính trị từ bảo hoàng đến vô chin hs phủ đều gặp nhau chung sống ở đây. Họ tập trung tại khu Carouge. Tới đó người ta có thể gặp Lesnine đang ấn hành tờ báo bí mật”Iskra” để gửi về nước, Plekhanov ông trùm macxit của đệ nhị quốc tế, Axelrod người cầm đầu vụ ám sát giám đốc cảnh sát của Tsar hoàng v.v…
Chàng trẻ tuổi Benito từ nay cũng được kể như một hội viên của đám người bị xua đuổi lưu đầy nhưng có tên tuổi gì trước bao ngôi sao chói lọi. Vì vậy, trước hết phải làm sao có ngày hai bữa để khỏi chết đói. Bắt đầu bằng công việc phụ cho thợ hồ, Benito ăn khỏe lắm nên đồng lương kiếm không đủ cung cho cái dạ dày thành thử vấn đề quần áo đành thúc thủ. Hắn ăn mặc rách mướp như một tên hành khất. Tối tối đi qua khu giàu có, đèn nến tiệc tùng huy hoàng, Benito thường hằn học nói:”Ces cochons” và tự hỏi:” Ta còn nên lưu lại hồ Leman thêm một ngày nào cữa chăng?”.
Đêm đêm , Benito phải ngủ rúc dưới gầm cầu, hôm nào kiếm được cái thùng gỗ của ai bỏ trống chui vào nằm ấm là hạnh phúc vô cùng. Hết làm thợ hồ đến bán báo, rồi đi khuân vác, bất cứ nghề nào hạ tiện nhất lương rẻ mạt nhất cũng đều có mặt Benito vác đến xin.
Rachele Mussolini trong cuốn sách :” Ma vie avec Benito”có kể một đoạn về quãng đời của chồng hồi còn ở Thụy sĩ như sau:
“Một buổi chiều lang thang thất nghiệp, bụng đói như cào, Benito đành gõ cửa sổ một gia đình đang quây quần ăn cơm. Họ mở cửa, biết rằng nói khó xin xỏ chắc chẳng được nào lại còn bị họ xỉ vả là lười biếng nên Benito liền giở giọng trịch thượng bảo mình cần khúc bánh mỳ. Không muốn lôi thôi với thằng cha hung dữ, họ lặng lẽ trao cho Benito cái gì chàng hỏi rồi đóng cửa lại cho mau. Phần Benito cũng vội vã cầm đỡ rồi đi cho gấp nhỡ họ gọi cảnh sát tới thì vaò tù.
Một buổi chiều khác, Benito gặp một thanh niên người Nga cũng nghèo khổ như mình, nhưng hắn tài ba lắm, nói được đủ các thứ tiếng và thông minh vô cùng. Thấy hắn có cái đồng hồ mới toanh, Benito ngạc nhiên hỏi:
– Đằng ấy có lẽ vừa đánh cắp của ai hẳn?
Câu hỏi làm gã người Nga ngạc nhiên hơn, hắn nói:
– Lẽ dĩ nhiên rồi, tại sao đằng ấy còn phải hỏi vì rồi đây chính đằng ấy cũng sẽ phải ăn cắp.
Benito đáp:”Tôi nhất định sẽ không ăn cắp”.Nói xong Benito bỏ đi sang đường khác.
Hai ngày sau, bị bắt vì tội lang thang ma cà bông, giam vào bóp. Trong bóng tối bỗng có tiếng nói lớn:”À bây giờ đằng ấy chịu đến nơi hò hẹn rồi hả?”
Benito nhận ra tên Nga ăn cắp đồng hồ, liền giải thích cho hắn hiểu rằng mình bị bỏ vào đây không phải vì tội ăn cắp. Nhưng hắn cứ cười mà không chịu tin.
Hôm sau, Benito được thả ra, hắn còn tiễn Benito với câu nói:”Đó gần như một quy luật, những thằng ngu ngốc bao giờ cũng được nhiều may mắn hơn”.
Qua hơn năm trời đầy ải, ngày 18-03-1904, trong cuộc họp tại Geneve, Mussolini gặp một nữ đảng viên cộng sản Nga danh tiếng đương thời mang tên Angelica Balabanoff. Bà ta xấu xí, thấp bé nhưng cái vốn văn hóa lại vượt hơn hẳn nhiều người, nói thông thạo năm sáu ngôn ngữ, lý luận chính trị vững chãi thành thạo. Balabanoff tự nhiên chú ý đến chú Benito quần áo rách bươm nhất đám. Bà liền chạy tới kết bạn rồi tìm việc cho. Sáng sáng đẩy xe bò cho một tiệm buôn rượu chat, ban tối về nghiên cứu sách vở dưới sự chỉ dẫn của Angelica Balabanoff.
Dưới đây là những nhận xét về Benito Mussolini của Balabanoff:
” Gã là một thanh niên tôi chưa từng gặp lần nào với cử chỉ hiếu động, với quần áo tả tơi khiến gã trở thành đặc biệt trong đám công nhân hiện diện tại phòng hội. Đành rằng ở đây ai cũng ăn mặc nghèo nàn, nhưng chỉ gã là bẩn nhất, tôi có cảm tưởng đó chính là hình dáng của sự khốn khó cùng cực. Ngoài đôi quai hàm bạnh, đôi mắt lanh lợi ra, tất cả hắn đều có vẻ của một người còn nhút nhát. Khi nghe diễn thuyết, tay gã thường nắm chặt chiếc mũ đen dễ cho người ta trông thấy gã đang mang nhiều nỗi rối loạn trong lòng chứ không phải vì bị xúc động bởi những lời của kẻ đang hùng biện trên kia”.
“Về sau thì tôi hiểu, Benito học hành còn kém lắm trên mọi mặt: lịch sử, kinh tế, lý thuyết xã hội, đồng thời gã còn có một đầu óc hoàn toàn vô nguyên tắc, vô kỷ luật. Cái thứ chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa chống tăng lữ mà gã vẫn nhắc đi nhắc lại chẳng qua chỉ là những phản ảnh của ngoại cảnh, của tâm trạng nổi loạn ích kỷ chứ không phải của trí thức minh bạch hay của một sác tín đàng hoàng. Gã thù hận sự đè nén bóc lột nhưng chỉ là thù hận qua lý do cá nhân chứ tuyệt đối không phải là thù hận chung có hệ thống của cách mạng”. (I soon saw that he knew little of history of economic or of socialist theory and that his mind was completely undisciplined…Mussolini’s raricalism and anticlericalism ware more the reflection of his early environment and own rebellions egotism than the product of understanding and conviction. He hatred of oppression was not that impersonal hatred of system shared by all revolutionaries).
Nhờ Angelica Balabanoff hướng dẫn, Benito Mussolini mới vào dự thính ở các trường đại học, lui tới thư viện xem sách, học thêm Đức ngữ, Pháp ngữ tìm hiểu về Nietzche, Blanqui,Schopenhauer, Kantsky,Hegel Sorel v.v…Trước kia, mặc dầu là một đảng viên xã hội, nhưng quả thật Benito chưa hề đọc Karl Marx. Bây giờ thì Benito đã có thể thưởng thức những lời giảng của giáo sư Vilfredo Pareto hay giáo sư Soninsegul đang được sinh viên châu Âu sùng thượng ở đại học Lausanhe Thụy sĩ.
Mussolini được giới cách mạng biết đến sau vụ tranh luận với lãnh tụ xã hội bảo thủ người Bỉ tên là Vandervelde về đề tài Jesus Christ. Vandervelde nổi cáu đuổi Mussolini ra ngoài, Benito mỉm cười đi ra dưới tràng vỗ tay hoan hô của cử tọa.
Cũng từ đấy nhà cầm quyền Thụy sĩ ghi tên Benito trong sổ đen liệt vào hạng “anarch”(kẻ ưa gây rối loạn, kẻ thờ chủ nghĩa vô chính phủ), để rồi vài ba tháng sau, họ dựa vào một vài cớ trục xuất khỏi Thụy sĩ cho đỡ gai mắt.
Benito đành ẩn náu về vùng Annemasse, tiếp giáp biên thùy Pháp, tại đây vừa đi cầy thuê, vừa đi dạy học tư gia. Nếu không xẩy ra chuyện tình vụng trộm với bà phó quận địa phương, có lẽ Benito còn ở đây lâu hơn.
Việc vỡ lở, Benito đành chuồn êm qua Zurich bên Đức quốc, cũng sống trong khu vực tụ tập của những dân cách mạng lưu vong, chỉ khác Thụy sĩ một điểm là Zurich, dân cách mạng tuyệt đối tôn sùng Marx và Karl Liedkneckt. Ở đây, Benito còn học thêm được tính trật tự và kỷ luật của dân tộc Đức mà chàng cho rằng rất cần thiết đối với người Ý. Tuy nhiên, cá nhân Benito vẫn không ép nổi chính mình vào kỷ luật. Vì thế, sau vài ba keo đập lộn trong quán cơm, quán rượu, nhà cầm quyền đã đến tận nơi trọ mời Benito ra khỏi ZuRich.
TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG
Rời Zurich, Mussolini về nước Ý. Tình hình chính trị quê nhà nay đã khác trước. Phong trào xã hội lan rộng, trong quốc hội đảng xã hội có tới 33 ghế. Nhưng càng được thêm ghế tại nghị hội bao nhiêu thì đảng lại càng đi sâu vào đường lối canh cải(reformist)và bỏ lơ chủ trương cách mạng bấy nhiêu.
Thủ tướng Giolitti là người mà đảng xã hội đặt cả lòng tin để hợp tác. Turati,nhà cách mạng bị giam năm 1898 nay được vời ra làm bộ trưởng. Dù Turati chối từ,tuy vậy thái độ của Giolitti chứng tỏ chính phủ đã bỏ chính sách bạo lực và sẵn sàng liên hiệp với các đảng phái. Hàng loạt đạo luật xã hội được ban hành, giới lao động được hưởng thêm nhiều quyền lợi như nghỉ ăn lương ngày chủ nhật, lĩnh tiền phụ trội những giờ làm đêm, chủ nhân phải bồi thường khi xảy ra tai nạn lao động.
Với Giolitti, giai cấp tư sản có thể yên ổn nắm quyền bằng sự ủng hộ của một tầng lớp vô sản hả hê. Sở dĩ Giolitti có thể thực hiện tốt đẹp chính sách xã hội chiêu đãi vài ba nhóm vô sản là nhờ nền kinh tế kỹ nghệ đang phồn thịnh.
Dưới triều đại Giolitti, hàng ngũ vô sản nảy sinh ra hiện tượng quý tộc công nhân (aristocratic uovriere).
Các lãnh tụ xã hội như Turati, Bissolati, Treves Bonomi hiện là những dân biểu quốc hội, đều tỏ ý tán đồng chính sách của Giolitti. Họ mặc nhiên chấp nhận chế độ quân chủ và bằng lòng để đảng xã hội chỉ là một cánh tả của chế độ này, họ triệt để ủng hộ vua Emmanuel đệ nhị, người kế vị vua Humbert đệ nhất bị ám sát.
Benito Mussolini cực lực chống đối chính quyền đấu tranh ăn cơm chực của các vị lãnh tụ xã hội “khả kính “kia.
Benito phải thi hành nhiệm vụ binh dịch hai năm(1904-1906) ở trung đoàn 10 đóng tại Véronne.
Tháng hai 1905, bà Rosa Maltoni chết, Benito nhận được điện tin về làm đám tang. Cái chết của bà mẹ đau khổ làm cho Benito trầm lặng hơn. Sống trong Trại, Benito không còn gây gổ nữa và trở nên rất kỷ luật. Thỉnh thoảng nghỉ phép về thăm nhà, Benito giúp cha giải quyết mọi công việc còn tồn đọng.Buổi tối, hai cha con ngồi bên bếp lửa cùng đọc rồi tranh luận cuốn”Le Prince” của Machiavelli. Đó là cuốn sách “gối đầu giường” trong suốt đời Mussolini. Năm 1924, sau khi đã cướp chính quyền, nhân một dịp nói chuyện tại trường đại học Bologna, Mussolini nhắc tới “Le Prince”, nói:
“Tôi thích Machiavelli qua thái độ bi quan của ông ta đối với tâm chất người đời. Các bạn hãy lật chương 18 cuốn “La Prince” ra mà coi, Machiavelli viết:”Bản chất người đời là bội bạc, lừa dối, hèn nhát, thấy nguy hiểm, khó khăn là lẩn tránh, lại tham lợi lộc và quay trở như chong chóng”. Qua bao nhiêu kinh nghiệm với bạn bè, đồng chí và đồng bào của tôi, tôi thấy Machiavelli nói chẳng sai mảy may.”
Hết hạn binh dịch tháng 9 năm 1906, không tìm thấy cách nào kiếm tiền khác hơn là xin đi dạy học. Bất mãn, nên khi vừa ra khỏi trại lính, Benito lại dở thói buông thả ngày trước say rượu, đánh nhau và ngủ bừa bãi với đàn bà, đồng thời cặp một người tình chính thức : cô giáo ở Dovia.
Xen vào cuộc sống buông thả đó là những bài diễn thuyết chính trị đầy quá khích nhưng không có hoạt động nào rõ rệt. Thời gian này Benito nổi danh về cua gái hơn chính trị. Đàn bà đủ loại bu lấy thằng cha Benito vạm vỡ, khỏe mạnh và thối tha. Nhất là khi mùa đông về, tuyết phủ khắp vùng Tolmezzo. Hãy đọc đoạn nhật ký của Margherita Sarfatti để hiểu lý do tại sao ở đây đàn bà cần Benito đến thế:
“Suốt mùa hè người phụ nữ Tolmezzo làm quần quật suốt ngày như lũ kiến tha mồi để dành dụm cho mùa đông rét buốt. Nhưng khi mưa tuyết bắt đầu thì cũng là lúc mở mùa cho sự bừa bãi. Rét như vùng Nam cực, mọi nhà đều đóng cửa kín mít, toàn xứ sở chìm ngập dưới băng tuyết trắng xóa, để làm ẩm người chẳng có gì tốt hơn là uống rượu, ăn uống nhiều và ôm nhau làm tình. Gã đàn ông nào mà không uống rượu kém ăn, ít làm tình đều không đáng gọi là đàn ông”.
Về sau khi nghĩ lại thời kỳ này, Mussolini đã phải thú thật đó là những năm tinh thần sa đọa. Một lần ngấy bứ đến cùng cực, muốn tự sát thì Benito khám phá ra mình bị bệnh giang mai khá nặng. Chàng liền xin vào bệnh viện điều trị.
Mất việc, khỏi bệnh Benito chuồn sang Pháp tới Marseille tổ chức đoàn công nhân Ý Đại lợi tại Pháp. Công việc chưa ra đâu vào đâu thì đã bị nhà cầm quyền Pháp trục xuất về nước.
Không đồng xu dính túi, nhờ nhân tình cũ, cô giáo viên ở Dovia giúp đỡ nuôi ăn vài ba tháng.
Tới Bologna, Benito nộp đơn thi xin một chứng chỉ văn chương Pháp. Có chứng chỉ Benito được thâu nạp vào dậy Pháp ngữ trong một trường trung học kỹ thuật tại Onglia. Vừa làm chưa được đầy tháng thì nhà cầm quyền địa phương gửi hồ sơ chính trị của Benito đến ông hiệu trưởng cho biết:” Hắn là một đảng viên xã hội nguy hiểm, một tên cách mạng từng gây rối loạn ở Romagne và đã bị trục xuất khỏi Pháp và Thụy sĩ”.Đồng thời làm áp lực với ông hiệu trưởng phải đuổi tên đó ra khỏi trường.Ông hiệu trưởng gạt bỏ đề nghị của cảnh sát, giữ Benito lại nhà trường. Nhờ vậy Benito mới yên thân được ít lâu. Chẳng những không sợ,Mussolini còn tỏ thái độ quá khích hơn.Qua trung gian người con trai lãnh tụ xã hội Serrati, Mussolini viết mấy bài trên báo “La Lima” để độc địa công kích nhà thờ công giáo và bút chiến hăng hái với tờ tuần báo công giáo”Il Girmale Ligure”. Ngày 14 tháng 03 năm 1908, nhân ngày kỵ năm thứ 25 của ông tổ mac xit Karl Marx, Mussolini viết:
“Không phải chỉ nghiên cứu và tìm hiểu thế giới này thôi mà còn phải thay đổi nó. Những quyền lợi của giai cấp vô sản hoàn toàn đối nghịch với giai cấp tư sản. Không thể thỏa hiệp giữa hai giai cấp ấy. Phải một mất một còn”.
(Il ne s’agit pas d’etudier le mode mais de le transformer. Les intérêts du prolétariat sont antagonists à ceux de la bourgeoisie. Aucun accord n’est possible. L’un des deux doit disparaitre).
Mussolini nhắc đến một triết thuyết George Sorel để hô hào dung bạo lực vào cuộc đấu tranh và đả kích kịch liệt chính sách”rê-foor-mit” chạy theo đít bọn tư sản.
Tháng 6 năm 1908, do vận động của giới tu sĩ công giáo cùng các đoàn thể chính trị bảo thủ, cảnh sát hạ lệnh đuổi Mussolini khỏi Onglia.
Benito về Predappio giữa lúc ở đây đang có vụ khủng hoảng ruộng đất, tranh chấp giữa chủ ruộng với dân cày. Vấn đề khá quan trọng. 55% dân Ý bám vào nghề nông,có tất cả chừng 5 triệu nông dân làm chủ ruộng mình ,trong số đó 9 phần 10 chỉ có dưới 1 mẫu. Như vậy chỉ có dưới 3 triệu mẫu đất là của 22 triệu nông dân. Muốn sống đa số nông dân phải đi làm rẽ, hoặc mướn ruộng địa chủ mà cày cấy. Cuộc khủng hoảng khởi sự bằng đối nghịch giữa chủ đất và nông dân làm rẽ, bên địa chủ muốn mình có toàn quyền mướn ai thì mướn, trả lương thế nào thì trả. Bên nông dân đòi hỏi phải phân chia đồng đều công việc với sự giám sát của nghiệp đoàn, tiền lương phải trả theo giá biểu do nghiệp đoàn nông dân định.
Mussolini bị nhà cầm quyền bỏ tù. Danh tiếng nổi dậy khá mau, nông dân toàn quốc Ý đều biết con người bướng bỉnh mạnh bạo có đôi hàm cả quyết đó. Báo chí xã hội đều ca tụng đưa ảnh và tên Mussolini lên trang nhất. Đấu tranh kéo dài 3 năm, chính phủ Giolitti đành ban bố những đạo luật chấp nhận đòi hỏi của nông dân. Còn Mussolini, sau một tháng giam cầm, được thả ra vơi sự quản thúc. Chàng về Forli tạm ở nhà cha.
Bây giờ,ông Alessandro đang cộng tác cùng một góa phụ Guidi mở quán bán hàng trước nhà ga. Người con gái lớn của bà Guidi tên là Bachele, Mussolini gặp là mê ngay, quyết định sẽ lấy nàng làm vợ.
IDDA CÔ CON GÁI ĐẦU LÒNG
Trentin là một tỉnh thuộc xứ Tyrol của đế quốc Áo Hung, nó nằm ở cách phía bắc Áo quốc 150 dặm. Đảng xã hội Ý thiết lập tại Trentin một tuần báo là tờ” L’Avveni re de Lavatore”. Ông chủ nhiệm gửi thư mời Mussolini cộng tác với số lương hàng tháng 120 đồng”kronen”. Mừng húm, Mussolini bỏ Forli đi luôn. Tới nơi, tờ Popolo cũng mời viết luôn. Trentin có 70.000 dân, 38.000 là người Ý nhưng tỉnh này lại đặt dưới quyền cai trị của Áo. Mussolini liền đẩy mạnh phong trào đòi trả tỉnh Trentin về cho Ý quốc, chỉ trích công giáo chủ trương sát nhập Trentin vào Áo. Hô hào bằng báo chí rồi Mussolini tổ chức luôn nhiều cuộc biểu tình. Từ ngày có sự làm ồn ào của Mussolini, hai tờ báo bán chạy hẳn lên.Ngoài những bài bình luận và bút chiến chính trị , độc giả còn say sưa theo dõi tiểu thuyết”feuilleton”(viết từng ngày) do chính Mussolini viết, đó là chuyện “Mối tình của đức Hồng y”( The love of cardinal Madruzzo). Đức Hồng Y Madruzzo trước đây cai quản hạt Trentin. Bằng một giọng văn “cống rãnh”, Mussolini hình dung tòa thánh như một bè lũ ăn cướp cùng với bao hình ảnh lạm quyền lạm thể của nhà thờ công giáo
Tháng 8 năm 1909, ngân hàng Banca-Cooperativa bị đáng cướp mất 3000.000 kronen. Nhà cầm quyền Áo coi đây như một dấu hiệu bạo động của phong trào đòi trả Trentin về Ý. Cảnh sát liền xông vào nhà Mussolini lục soát vì tình nghi Mussolini dính líu vào vụ đánh cướp này. Tuy không thấy gì cả nhưng Mussolini cũng bị bắt giam rồi kêu án 6 tháng tù. Mãn tù cảnh sát đuổi Mussolini khỏi nước Aó.Các báo xã hội Ý tại Trentin làm dữ để phản đối việc trục xuất chẳng đi đến đâu cả. Mussolini rời Trentin về Ý, ngoài sân ga hàng ngàn người tiễn đưa, hoan hô. Người anh hùng cũng bỏ lại đây hai cô nhân tình, một tên Fachinelli, một tên Ida Dalser và tặng mỗi cô một đứa con rơi.
Suốt thời gian ở Trentin, Mussolini chỉ gửi về nhà độc một tấm “carte postale”trong có vài lời nhắc Rachèle đừng quên lời hò hẹn của chàng về cưới nàng làm vợ.
Bị chính phủ Áo trục xuất, Mussolini đặt chân trên đất Ý. Rachèle ra đón, nàng thấy chàng vẫn nghèo khổ tả tơi như lúc đi, vẫn chiếc vali cũ, vẫn cây đàn hồ cầm cố hữu, tuy chàng có mập ra và từ bỏ bộ ria mép, trông dáng dấp hào hoa, bớt ầm ĩ hơn.Chàng cười với Rachèle, nụ cười trên môi Mussolini là điều rất hiếm và nói:”Em thấy không,anh không sai hẹn bao giờ”.
Về chưa ấm chỗ, một cảnh sát ý đã tới gõ cửa nhà do trát bắt đi vì cái tội Mussolini chưa trả một khoản tiền phạt vạ phải nộp của vụ án trước.
Nằm “cát-xô” một tháng để trả nợ chính phủ Ý. Được phóng thích nhờ uy tín ở Trentin, đảng xã hội cử Mussolini làm thư ký đảng tại Forli, hưởng tiền trợ cấp hàng tháng là 150 đồng “Lire”.
Bắt tay vào việc, Mussolini cho xuất bản ngay tờ tuần báo “Lotta di Classe” (đấu tranh giai cấp) theo thể thức bốn trang. Số ra mắt độc giả phát hành vào tháng 1 năm 1910.
Bằng cái tuổi 26 hăng say, có toàn quyền điều khiển, nên tờ báo nổi bật hẳn lên so với tờ báo xã hội già nua của nhóm “reformitst”. Mussolini dùng luận điệu tàn bạo nhất để thổi vào vùng Romagne một luồng gió cách mạng, khiến cả bạn bè lẫn những người quá khích từ xưa đến nay đều ngạc nhiên. Lãnh tụ phe cộng hòa Nenni viết về Mussolini hồi đó rằng:
“Chỉ một mình hắn thôi, thế mà hắn đã quấy động được nhiệt tình cách mạng ở khắp mọi nơi, quần chúng lắng nghe và reo hò theo hắn. Hắn sẽ sẵn sàng dẹp bỏ lý thuyết để hành động. Phương châm của hắn là đấu tranh và chiến đấu, nếu lúc nào hắn không thể đánh với nhà nước được thì hắn đấu tranh và chiến đấu với nội bộ, hắn nói : như vậy bắp thịt chúng tôi sẽ rắn chắc hơn, tinh thần chúng tôi được chuẩn bị kỹ càng hơn”.
Đúng thế, kẻ thù trước mặt Mussolini không những chỉ là phe cộng hòa mà là những nhóm trong đảng xã hội có chủ trương hèn hạ, chủ trương cải cách (reformism). Tờ “Lotta di Classe” tố cáo sự lường gạt của chế độ nghị hội, sự gian lận của lề lối bầu cử và đòi cách mạng hô hào sử dụng bạo lực nếu cần.
Tháng 9 năm 1911, bộ trưởng Stolypin bên Nga bị ám sát. Mussolini viết trên số báo đề ngày 23 tháng 9 như sau:
“Đây chính là sự trả thù của công lý. Tên Stolypin khát máu độc ác hèn hạ chết thật đáng kiếp. Triều đình Nicholas đệ nhị rồi sẽ phải kết thúc một cách thê thảm và một kỷ nguyên hành động cách mạng bắt đầu. Chúng ta tin chắc như vậy, trong khi chờ đợi, chúng ta hãy xưng tụng vinh quang con người đã có cử chỉ cao cả, trả thù cho công lý”.
(The nemesis of justice struck him dead. So be it. Stolypin ignoble sinister and sanguinary has desevedhis fate…The tragic end of Nicholas II will be the dawn of a new period of revolutionary action. We hope for it steadfastly. While awaiting it, glory to the man who has accomplished the sacred gesture of the avenger).
Trong khi Mussolini mải mê cùng báo chí đấu tranh, thì nàng Rechèle có người đến hỏi xin cưới.
Alessandro khuyên Rachèle nên nhận lời.
Mussolini hay tin trách móc cha:” Bố thừa biết con nhất định sẽ lấy nàng, tại sao bố còn khuyên nàng nhận lời cầu hôn của kẻ khác?”
Alessandro bảo con:” Mày hãy để con bé được sống yên thân, mày chẳng có nghề ngỗng gì cả, lương bổng cũng không chắc chắn, mày chỉ có chính trị, cái thứ chính trị rồi đây nó sẽ làm khổ cả vợ mày lẫn mày. Hãy nghĩ đến số phận mẹ mày ngày xưa chịu khổ như thế nào? Lập gia đình thì phải nuôi gia đình chu đáo. Con Rachèle là đứa ngoan hiền, nó chỉ cần tìm được người che chở bảo đảm cho đời nó”.
Benito nhất định không nghe lời bố và quyết liệt yêu cầu ông Alessandro đừng xía vô chuyện hôn nhân của Rachèle.
Phần Rachèle, nàng đã thật sự thương yêu Benito như nàng đã viết trong tập hồi ký “Ma vie avec Benito”:
“Còn tôi, tôi đã yêu chàng rồi. Tính cương nghị của chàng làm tôi thích thú, chàng thường lao thẳng đến chướng ngại vật để hạ nó bằng được. Điều quan trọng hơn hết là tấm lòng tốt của chàng ẩn sau cái bề ngoài kiêu hãnh cùng cực…”
( Moi je l’aimais déjà. Son caractère intrépide me plaisait qui le lancait sur l’obstacle jusqu’à ce qu’il l’eut…Par dessus tout, j’aimais sa bonté,cachée sous une apparence de fierté âpre).
“Chàng ghen kinh khủng, nhất định cấm tôi từ nay không được đến quán cơm làm việc nữa. Chàng bằng lòng làm việc thế cho tôi, lúc nào chàng rảnh rỗi không phải lo diễn thuyết hay lo tờ báo. Chàng cũng cấm luôn không cho tôi tham dự những buổi họp của chàng và bảo:” Khi có em đứng đấy , anh không thể nói được nữa”.
( Il était extrêmement jaloux. À un moment donné il m’iterdit même de sortir la maison pour aller travailler au restaurant. Il preférait travailler à ma place aux heures qui lui laissaient libre les séances et le journal. Après cela il me défendit d’assister aux réunions car prétendit il:”Quand vous êtes là, je ne réussis pas à parler).
Rồi một buổi tối, Mussolini đưa Rachèle đi nhà hát lớn xem vở kịch “Scena delle Belfe”. Lần đầu tiên Rachèle bước chân vào đây. Vở bi kịch làm đỏ hoe mắt nàng. Khi ra về, Benito nói với Rachèle:”Anh muốn xây dựng đời anh và lập gia đình. Em phải làm vợ anh và là mẹ của những đứa con của anh”.
Chỉ ngắn ngủi có vậy thôi, vang lên như một mệnh lệnh, chàng không cho nàng trả lời. Nàng cũng lặng yên. Tiếp sau đó mới là những lời tán êm dịu nồng thắm về tương lai, về con cái, về sự nghiệp, nét đẹp của cuộc đời.
Hôm sau trước mặt cha và bà mẹ Rachèle, Benito rút ra một khẩu súng lục, rồi nói bằng giọng nghiêm trọng:” Có sáu viên đạn trong đây, một để cho nàng, số còn lại cho tôi”. Thế là không một ai dám hé răng bàn tán gì đến chuyện hôn nhân của Rachèle nữa.Phần Rachèle, nàng không một lời phản đối, Benito bảo chi nghe nấy, nàng theo chàng đi, hai người đến chung sống tại căn nhà ở đường Marenda. Phòng đôi vợ chồng son chỉ vỏn vẹn có chiếc giường cũ kỹ, một bàn ăn với chén đĩa đủ dung cho hai người. Rachèle viết:”Nhưng chúng tôi giàu tuổi trẻ và hy vọng” (Mais nous étions colossalement riches de jeunésse et d’espoir)
Tờ “Lotta de Class” càng ngày càng gây sôi nổi, càng gây sôi nổi càng làm cái tên của Mussolini vang dội.
Đảng xã hội Mỹ gửi điện văn chúc mừng, ngỏ ý mời Mussolini qua Mỹ để tổ chức một tờ báo đấu tranh tương tự. Nếu Rachèle không mang bầu thì có lẽ gia đình Mussolini đã qua bên Hoa kỳ rồi.
Tháng 9 năm 1910, đứa nhỏ chào đời, nó là một bé gái, hai vợ chồng đặt tên là Edda. Nhưng Benito không thể khai tên mẹ nó vì hai vợ chồng chưa chính thức làm hôn thú. Do đó , mới có tin đồn Edda là con của Mussolini với Angelica Balabanoff mà sau này Rachèle cực lực cải chính trong cuốn “Ma vie avec Benito”:
“Benito đặt tên Edda cho con gái tôi. Chàng rất sung sướng và tôi tràn ngập hạnh phúc khi được nhìn thấy những nét rắn chắc của cha nó trên khuôn mặt sơ sinh. Benito đi mua một cái nôi bằng gỗ giá 15 đồng”lire” chàng vác lên vai mang về”.
Bên Tây ban nha, một đảng viên vô chính phủ bị kêu án tử hình đem ra hành quyết tức khắc. Mussolini liền phát động cuộc biểu tình tuần hành khắp phố, đoàn người ném đá vào tòa nhà giám mục, pho tượng đức mẹ đồng trinh bị đập nát.
Trên lập trường chính trị quá khích đó, Mussolini cấm vợ không cho mang con đến nhà thờ rửa tội. Rachèle rất buồn về chuyện này, dù sao nàng cũng muốn con gái mình được rửa tội như tất cả mọi đứa nhỏ khác, nhưng người đàn bà xứ Romagne theo truyền thống phải tuyệt đối phục tòng ông chồng.
Bỗng mấy ngày sau, có tin đồn ầm ĩ rằng Mussolini đã tự tay ẵm con gái đến nhà thờ xin làm phép rửa tội. Tin ấy bắt đầu từ cửa miệng một viên chức hội đồng thành phố. Cáu sườn với cái trò chính trị lặt vặt, Mussolini chạy đi tìm viên chức kia đánh cho hắn hai cái bạt tai giữa phố để dẹp tan mọi nghi ngờ trong lòng các đảng viên xã hội.
PHẢN CHIẾN, TIẾN LÊN HÀNG LÃNH TỤ
Tháng 10 năm 1910, Mussolini được toàn vùng Romagne cầm đầu đại biểu đảng đi dự đại hội đảng xã hội họp tại Milan. Khi trở về buồn bã tuyên bố dự tính ly khai để cắt mọi liên hệ với bọn xã hội chuyên nghề thỏa hiệp.
Tháng 11 năm 1910, ông Alessandro từ trần để lại một gia sản 9,000 đồng”lire” chia cho ba đứa con trai. Đám tang của ông có hang mấy ngàn người đi đưa, họ tiếc thương một đồng chí chân thành và tốt bụng.
Bẩy tám tháng nữa qua đi, Mussolini đang buồn bực với sự trì trệ bình thường của hoạt động chính trị. Tháng 9 năm 1911 toàn quốc Ý sôi nổi hẳn lên vì biến cố có chiến tranh với Thổ Nhĩ kỳ để dành xứ Lybie. Chính phủ Giolitti ra lện cho đại sứ Ý bên Thổ đưa chiến thư cho chính phủ Thổ ngày 28 tháng 9.
Hàng ngũ xã hội biến hóa nặng nề do biến cố này. Phe bảo thủ với các lãnh tụ Bissolati, Bonomi, Labriola nhất loạt ủng hộ Giolitti và tình nguyện theo nhà vua để chống Thổ đến cùng. Trong khi quần chúng chống lại, họ thấy chiến tranh chẳng có lợi gì cho họ cả, nếu Ý có đất Lybie làm thuộc địa thì họ đâu có sơ múi gì.
Đây là cơ hội tốt để đưa mình lên hàng lãnh tụ nên Mussolini vội chụp ngay lấy bằng cách lãnh đạo quần chúng chống lại chiến tranh do Giolitti chủ trương. Đa số cán bộ trung cấp đảng xã hội về hùa Mussolini. Một cuộc đình công toàn bộ được phát động với khẩu hiệu:”Không một người, không một xu!” (Pas un Homme! Pas un sou!).
Mussolini hét to trước buổi hội:”Miễn là chúng ta dám chiến đấu”.Rồi ông dẫn quần chúng vô sản ồ ạt kéo ra ga ngăn chặn đoàn xe lửa chở quân đi. Các đường dây điện thoại bị cắt đứt. Ngoài đường phố đầy nhóc truyền đơn. Người ta thấy Mussolini đích thân cầm cái cuốc, cuốc bật đường ray lên. Kỵ binh tới sửa bị dân chúng ném đá. Tờ”Lotta di Class” nỗ lực thổi mạnh phong trào, ca tụng công nhân đã chứng tỏ sức mạnh của giai cấp vô sản. Chính phủ liền gửi quân đội đến Forli dẹp loạn, bắt giữ Mussolini đưa ra tòa buộc 8 tội và kết án 12 tháng tù, rồi sau giảm án còn 5 tháng.
Tám tội ấy là:
a/- Chống lại nhân viên công lực, đả thương nhà chức trách.
b/- Hành hung những người thuộc thành phần trừ bị được gọi nhập ngũ.
c/- Phá phách các cơ sở thương mại kỹ nghệ, làm gián đoạn sinh hoạt kinh tế.
d/- Gây thiệt hại cho hệ thống giao thong phá đường, phá xe, phá tàu.
e/- Làm tổn hại hệ thống điện thoại của nhà nước.
f/- bạo động và ngăn trở xe lửa chở binh sĩ gây chậm trễ cho công việc hành quân.
g/- Đánh đổ một cột dây thép hỏa xa với mục đích làm xe lửa trật bánh.
Trước tòa, Mussolini biện hộ cho mình:
” Tôi đã từng viết cũng như đã từng nói những gì tôi phải nói, phải viết bởi vì tôi yêu nước Ý và muốn nước Ý nhận thức được nhiệm vụ của mình là hãy đấu tranh cứu dân khỏi cảnh nghèo khổ và xa đọa tinh thần còn hơn là đi xâm lược nước khác để bành trướng sự khốn cùng”.
Lời biện hộ được dân chúng có mặt trong phiên xử vỗ tay hoan hô. Toàn quốc xác nhận Mussolini bây giờ là khuôn mặt nổi bật nhất của đảng xã hội.
Trong nhà giam Rocca, Mussolini bị giam giữ cùng với Pietro Nenni, Tuy Nenni là lãnh tụ cộng hòa đảng thù nghịch của phe xã hội, nhưng cả hai đều bị án chung một tội chống đối chiến tranh Libie nên họ rất thân nhau. Tình bạn ấy kéo dài mãi mãi.
Mãn hạn tù, các đồng chí đứng đợi ở cửa nhà giam để chào đón người mà họ coi như một lãnh tụ dám làm nhất. Trong bữa tiệc khoản đãi Olindo Vernnocchi, một đảng viên xã hội lão thành nói để kết thúc bài diễn văn chúc mừng:
” Kể từ ngày hôm nay Benito chẳng những là đại biểu của đảng xã hội vùng Romagne mà còn là vị lãnh tụ của tất cả các người xã hội cách mạng Ý”.
(From today, Benito is not only the representative of the Romagne Socialists but the Duce of all revolutionary socialists in Italy)
Đây là lần thứ nhất Benito đi dự đại hội đảng tại Reggio Emilia họp từ 7 đến 10 tháng 7 năm 1912. Một đại diện khác tả hình dáng Mussolini xuất hiện trong lần đại hội đó như sau:
” Tôi đứng trước một người gày gò mặt xương xẩu, râu mọc lởm chởm bởi nhiều ngày không cạo. Hắn mặc bộ đồ xẫm, đội mũ vành to có gắn huy hiệu Romagnol gần như muốn rách và cáu ghét. Chiếc”jacket” khoác lên mình hắn, chắc trước đây màu đen nhưng bây giờ mặc lâu ngày quá đã thành màu xanh. Các túi nhét đầy báo chí. Hắn đeo cái “cravate”rách như bị gián nhấm, cổ sơ mi trắng vì cũ nên mất hết cả màu trắng, hai ống quần hắn sun soăn đến xếp như chưa bao giờ ủi, bên dưới chút nữa là đôi giầy mốc meo có lẽ nhiều năm không đánh si hay lau chùi”.
Kỳ đại hội này, Mussolini đã lập chủ ý đập gẫy lãnh tụ bảo thủ Leonida Bissolati, vì dư luận cán bộ đảng đang bất mãn về việc Bissolati quá thân thủ tướng Giolitti và mấy tháng trước đây đã trơ trẽn gửi văn thư chúc mừng vua Victor Emmannel đệ tam thoát nạn một vụ ám sát do người thợ nề bắn.
Giữa hội trường, Mussolini đứng dậy chỉ vào mặt Bissolati mà nói lớn:
“Ông, thưa ông Bissolati, tôi chẳng rõ ông từng bao nhiêu lần đến nghiêng mình trước đám tang của những người thợ nề, tài xế, thợ mỏ chết vì tai nạn lao động. Mà vừa đây đối với ông vua bị ám sát cũng thành một tai nạn lao động nữa à?”
Càng nói giọng Mussolini càng độc địa hơn:
” Ngày 14 tháng 3 một anh thợ nề đã bắn vào vua Victor. Đấy phải kể như hành động tiền phong mà các người xã hội sau này phải noi theo. Thay vì chúng ta kéo cờ rủ để tang người chiến sĩ thì có kẻ lại rủ nhau viết lời chúc tụng quì mọp dưới ngai vàng. Vua là gì? Chỉ là một công dân vô dụng. Bao nhiêu người mong mỏi ngài đi đi cho rảnh, cũng có nhiều người khác muốn đưa ngài lên đoạn đầu đài. Những người đó hết thảy đều là những kẻ tiền phong của tiến bộ”
Một mình Mussolini luôn trong ba hôm khống chế hoàn toàn đại hội. Các đại biểu đã chán ngấy giọng điệu “ru em” của bọn “cải cách”nên nhất loạt ủng hộ một khuôn mặt mới mẻ.
Mussolini biết thế nên ngày cuối cùng ông đặt câu hỏi sau chót:
“Est-ce que le socialism peut être réduit à un thèorème? Nous voulons croire que l’humanité a besoin d’un crédo”.
( Người ta có thể nào hạ thấp xã hội chủ nghĩa xuống thành một định thức tầm thường chăng? Không, chúng tôi nghĩ rằng nhân loại cần nó như một niềm tin ngụt lửa).
Câu đó chẳng khác nào như một nhát gươm thi ân đưa vào cổ phe nhóm “reformiste”.
Toàn thể đảng viên trẻ hăng hái vận động cho Mussolini và phiếu khai trừ hết những lãnh tụ lỗi thời Bissolati, Bonomi. Các vị này bỏ ra về họp nhau thành một đảng xã hội khác là đảng xã hội cải cách( Le Parti socialiste réformiste). Mấy lãnh tụ khác: Turati,Treves bị mất hết quyền lãnh đạo đảng.
Mussolini toàn thắng.
Đảng xã hội đa số tuyệt đối chấp nhận niềm tin ngụt lửa của Mussolini và thẳng tay từ bỏ chính sách không để kẻ thù của chủ nghĩa xã hội được độc quyền yêu nước do Bissolati đề ra.
Toàn bộ đảng đặt hết tin cậy vào người cách mạng”triệt để”, người của những hàng rào chướng ngại(l’homme des barricades).
Chỉ độc một nữ đảng viên hư vô chủ nghĩa là Anna Koulischoff có nhận xét khác hẳn về Mussolini, bà cho rằng:”Qua kỳ đại hội này, có thể thấy rõ hắn chẳng phải là con người mac xit cũng chẳng phải là một đảng viên xã hội, hắn đã thò đuôi của hắn ra khi nói những câu “tâm hồn tôn giáo của đảng”(L’aame religieuse du Parti) ảo tưởng rất có thể là thực tế duy nhất của cuộc đời”(L’illusion puet eetre l’unique resalites de la vie).
Sau đại hội, ban chấp hành trung ương đảng đề cử giáo sư Benito Mussolini làm chủ nhiệm tờ “Avanti”(Tiền phong), nhật báo đầu não của đảng xã hội Ý, trụ sở tại Milan. Năm đó ông vừa 29 tuổi.
Đến nhận chức, Mussolini đổi mới từ A đến Z việc điều hành tờ báo, không ai trong bộ biên tập cũ còn ở lại, không một vết tích đường lối chính sách cũ nào không bị xóa bỏ. Ông đưa Angelica Balabanoff vào ủy ban trung ương đảng và làm phó chủ biên tờ “Avanti”.
Đảng xã hội dưới sự lãnh đạo của Mussolini đi sâu vào con đường quá khích.
Tới trụ sở”Avanti”, Mussolini gặp gỡ nữ ký giả Margherita Sarfatti, chuyên giữ mục phê bình nghệ thuật. Nàng gốc Do thái mà là dân Venise, tóc vàng lịch thiệp, sang trọng. Trước đây Sarfattti ủng hộ Bissolati, không mấy ưa anh chàng sỗ sàng Benito nhưng nàng đã nhìn thấy trước tương lai của hắn khi viết về hắn:
“Một thanh niên kỳ dị, cứng rắn, hung dữ, rất “original” với những cơn hùng biện, hắn có cả một tương lai to lớn ở trước mặt”.
( A wonderful young man, hard, fiery,most original, with occasional bursts of eloquence,a man with a great future before him).
Mussolini chinh phục được cảm tình của Sarfatti ngay. Nàng hướng dẫn “ông lãnh tụ hung hãn” vào lãnh vực nghệ thuật và quan trọng hơn là vào thế giới thượng lưu để biết lối sống của giai cấp tư sản ra sao? Chả biết Sarfatti “dụ dỗ” thế nào mà Mussolini còn lén lút đi học đánh kiếm(escrime), cái môn thể thao đặc sệt chất tư sản. Mỗi lần ở phòng tập về, Mussolini lại khoác bộ áo tồi tàn để các đồng chí khỏi nghi ngờ.
Nhật báo”Avanti” được đổi cả hình thức lẫn nội dung, bằng mớ kinh nghiệm của tờ”Lotta di Class”, Mussolini đã làm cho “Avanti” tăng gấp năm lần số độc giả từ 20.000 số lên 100.000 số, khả dĩ cạnh tranh với nhật báo lớn nhất đương thời là tờ”Il Corriere della Sera” do Luini Abertigi điều khiển hiện có 200.000 độc giả.
Rachèle cũng đem con lên Milan. Bây giờ hết túng bấn rồi. Mỗi tháng lương Mussolini là 500 đồng lires cộng với phụ cấp nhà cửa 1.000 lires hang năm. Nhưng cuộc sống gia đình cũng phai nhạt, vì tất cả thì giờ phải phục vụ đảng và báo đảng. Mussolini lao đầu vào làm như con trâu. Còn vì lẽ khác nữa là nàng Leda Rafanelli, một dân vô chính phủ gốc Hồi giáo. Hai người quyến luyến nhau trên mặt tình ái xác thịt mà còn là thứ tình ái trí thức. Leda khoái Benito ở nơi sức mạnh rất đực khi chàng hung biện trước đám đông. Benito khoái Leda ở cái chất triết lý hết sức quyến rũ trong đầu óc nàng. Leda có nhận xét về Benito:
” Ở các cuộc đàm thoại, tôi thấy Mussolini dễ dàng thay đổi ý kiến. Ít nhất đối với tôi anh ấy không những chỉ nhượng bộ mà còn sẵn sang chia sẻ quan điểm của tôi mặc dầu lúc bắt đầu cuộc thảo luận anh ấy hoàn toàn không đồng ý”.
Chịu ảnh hưởng Sarfatti, Mussolini dần dần từ bỏ lối ăn mặc dơm dếch cũ, tỏ ra bén mùi ăn diện. Leda kể Mussolini thường đế gặp cô với bộ đồ đen bảnh bao, vầng trán đã cao bị hói tóc càng cao thêm, cầm chiếc mũ dạ to vành cứng cáp. Theo Leda khả năng trí tuệ của Mussolini chỉ quanh quẩn trong lãnh vực chính trị nhỏ hẹp của đảng nên”anh ấy” chịu học hỏi những kiến thức rộng rãi của nàng lắm.
Mussolini nói với Leda:
“Anh muốn trở thành một con người tên tuổi,em hiểu như vậy chăng? Anh không muốn chỉ là anh mà muốn lên tận đỉnh cao. Thuở nhỏ anh mơ ước làm nhạc sĩ cho nên anh cố gắng tập dợt hồ cầm lúc đang học”collège”, hoặc trở thành nhà văn lớn, nhưng anh thấy ngay rằng trong các lĩnh vực đó anh quá tầm thường. Mọi điều kiện bao quanh anh từ lúc anh sinh ra đời không cho phép. Tuy nhiên, anh nhất định không chịu thua. Anh phải đi lên, Đi lên đến chót đỉnh”.
°
Những năm 1912-1913, tình hình nội bộ Ý có nhiều chuyển động quan trọng. Thủ tướng Giolitti sau khi thành công với vấn đề Libie, cho ban bố một đạo luật chấp nhận tất cả mọi công dân Ý trên 21 tuổi đủ thời hạn quân dịch và có học lực tiểu học đều được quyền đi bầu. Những người khác thì vẫn phải đợi đến tuổi 30. Đạo luật này đã nâng con số cử tri từ 3 triệu rưởi lên đến 8 triệu. Quần chúng Ý lần đầu tiên tham dự đông đảo vào những vụ bầu bán, khiến cho bộ mặt chính trị bắt buộc phải có những thay đổi.
Hết thảy các chính đảng đều tập trung hoạt động vào cuộc tranh cử.
Mussolini ra ứng cử ở Forli sẽ bầu vào ngày 13 tháng 11 – 1913. Đồng thời, ông lãnh đạo chiến dịch tranh cử cho toàn đảng. Kết quả, Mussolini bị loại, nhưng đảng xã hội chiếm 52 ghế quốc hội. Thật là một thành công đáng kể cho đảng. Cuộc mít tinh đông đảo được tổ chức trước trụ sở tòa báo” Avanti” để hoan hô Mussolini. Dứng trên bao lơn, nhà lãnh tụ nói vọng xuống:
” Bây giờ chỉ còn lại hai khối chính trị, một bảo thủ và một cách mạng”.
°
Tháng 3-1914, Mussolini bị đưa ra tòa về tội súi dục dân chúng làm loạn. Phiên tòa họp liền nửa tháng cuối cùng trở thành diễn đàn tuyên truyền cho bị cáo. Tòa đành tha bổng vì dư luận có vẻ sôi nổi quá.
Nhờ phiên tòa này,uy thế Mussolini mạnh thêm, dựa vào đó nhân ngày đại hội đảng thứ 14 họp tại Ancône, Mussolini đã thành công trong việc khai trừ cánh ôn hòa ra khỏi đảng cùng với một số đoàn viên hội Tam điểm( Franc – mason).
Ngày 7 tháng 6 năm 1914, tại Ancône được mệnh danh là Tỉnh đỏ(Ville rouge) vì đây là một hải cảng hội tụ rất nhiều công nhân, xẩy ra nhiều đám biểu tình chống quân phiệt. Các vụ biểu tình nổ ra từ sau vụ binh sĩ Masetti bắn viên đại tá chỉ huy trưởng bị thương ở bên xứ Libie đòi hồi hương. Dư luận đòi thả Masetti. Dân chúng tụ tập trước Villa-Rossa, nơi cư ngụ của nhà lãnh tụ nhóm vô chính phủ Enrico Malatesta. Cảnh sát can thiệp bằng võ lực bắn 3 công nhân chết, 15 bị thương. Mussolini chụp cơ hội, hạ lệnh công nhân vùng Romagne tổng bãi công. Có Nenni giúp sức, phong trào lan sang nhiều tỉnh. Tại Ravenne, một vị tướng lãnh và mấy sĩ quan bị đánh đập tàn nhẫn. Tại Milan, đảng xã hội và công đoàn hô hào bãi công hưởng ứng. Mussolini dẫn đầu đám biểu tình. Chính phủ hạ lệnh đàn áp thẳng tay. Đội kỵ binh dàn hàng nạp đạn chờ đoàn biểu tình tới. Súng nổ. Mussolini được một đồng chí đẩy vào bờ tường thoát nạn. Người biểu tình chạy tứ tán. Nhiều cuộc đụng độ tương tự khác tiếp tục nổ ra, nhưng đến ngày thứ bảy thì công đoàn rút lui, chấm dứt bãi công đi làm trở lại. Báo chí gọi biến cố chính trị này là Tuần lễ đỏ(Semaine Rouge). Còn lại một mình Mussolini hò hét chẳng đi đến đâu. Ông rút được bài học cay đắng về sự yếu hèn của quần chúng và các lãnh tụ nửa mùa, ông thấy điều quan trọng hàng đầu là sức mạnh. Tuy nhiên uy tín của Mussolini không bị sứt mẻ bởi thất bại của Tuần lễ đỏ. Trái lại, ông còn được dịp thả cửa công kích bọn lãnh đạo chính trị ôn hòa là hèn nhát.
Tuần lễ đỏ thất bại, nhưng nó làm cho cấp thống trị lo lắng. Quần chúng nông dân và công nhân không có vẻ hài lòng mấy đối với quyền đi bầu hữu danh vô thực, họ muốn cái gì lớn lao hơn nữa, đó là cách mạng. Những cuộc tổng bãi công của các năm 1898, 1904 so với lần này không thấm vào đâu vì Mussolini đã triệt để tận dụng ý nghĩa của nó.
Phe tư sản và bảo thủ cãi nhau rồi đổ lỗi lên đầu Giolitti. Khôn khéo, Giolitti xin từ chức vận động cho Antonio Saladra, cánh hữu của đảng tự do lên nắm chính quyền.
Cuối tháng 6 năm 1914, cuộc bầu cử hàng tỉnh diễn ra với sự thắng lợi của đảng xã hội. Mussolini đắc cử vẻ vang ở Milan. Tuy nhiên, tính trên toàn bộ thì phe quốc gia bảo thủ (Nationalistes- conservateurs) vẫn là thế lực mạnh nhất.
Nỗi lo sợ trước tuần lễ đỏ khiến cho đảng trong hàng ngũ bảo thủ đoàn kết.
2. CON ĐƯỜNG ĐI VÀO CHÍNH QUYỀN
Les mouvements de l’homme vont par explosion
ALAIN
VỤ ÁM SÁT GÂY THÀNH THẾ CHIẾN
Ngày 28 tháng 6-1914, quận công Franz Ferdinand bị một người Serbe(tức Nam Tư ngày nay) quá khích bắn chết ở Sarajevo.
Mussolini hay tin này khi ông đang nghỉ mát bên bờ biển Adriatique. Ông nói với nhà báo Michèle Campana:”Vụ này sẽ là ngòi nổ cho thùng thuốc súng chiến tranh Âu châu. Đảng xã hội Đức chắc chắn đứng về phía sau nhà vua, như vậy Quốc tế xã hội phải tan vỡ. Nhưng mục đích cuối cùng của chúng ta là cách mạng xã hội nếu chúng ta chiến đấu gan dạ thì sau chiến tranh, chúng ta sẽ nắm chính quyền”.
Quả như lời Mussolini tiên đoán, các nước Âu châu sau vụ Sarajevo, đều gào thét đòi chiến tranh, chẳng có ngăn nổi cái “logique” rất chặt chẽ của quyền lợi, dù Anh quốc đã cố gắng dàn xếp.
Ngày 28 tháng 7 năm 1914, vương quốc Áo – Hung tuyên chiến với xứ Serbie. Lệnh động viên được ban bố trên toàn cõi Châu Âu. Ở Đức, đảng xã hội ủng hộ nhà vua. Ở Pháp, lãnh tụ Jean Jaurès hô hào hòa bình bị ám sát chết.
Mussolini vội vàng về Milan, trung thành với đường lối chống chiến tranh, chống quân phiệt , ông cho đăng lên tờ “Avanti” hàng tít lớn:”A bas la guerre!” và chủ trương trung lập. Trong khi phe quốc gia do Federzoni làm phát ngôn kêu gọi nên bắt tay Áo và Đức. Còn mấy lãnh tụ bảo thủ của đảng xã hội Ý chủ trương đi với phe dân chủ Tây phương chống bọn vua Phổ và đế quốc Áo.
Mussolini lớn tiếng đe dọa:
“Giai cấp vô sản đã sẵn sàng. Giờ phút nào nhà nước Ý từ bỏ chính sách trung lập để ủng hộ cường quốc Trung Âu, giai cấp vô sản sẽ nổi dậy”.
Nội các Salandra bối rối. Quận tước Sonnino giật dây cố đẩy chính phủ đứng về phe Áo- Phổ (Phổ là tên goi nước Đức thời đó). Để biện minh cho chính sách này, Alfredo Rocca viết trên tờ”L’idea Nazionale” như sau:
” Chống phe Đồng minh và ngả theo Áo – Hung và Đức có nghĩa là chúng ta muốn noi theo gương nghị lực bất khuất của dân tộc “Germany”, muốn học hỏi lối tổ chức xã hội, quân sự, văn hóa của dân tộc này mà ngăn chặn ảnh hưởng thối tha sa đọa của Pháp vào nước Ý, có nghĩa là chúng ta muốn quốc gia Ý được xây dựng trong khuôn khổ lành mạnh.”
(Contre l’Entente et puor l’Autriche-Hongrie et l’Allemagne se sont sentis attirés ceux qui admiren l’energie indomptable de la race germanique, son organisation sociale et militaire et la meilleure cultere allemande…ceux qui craignent l’influence malèfique des vices francais sur lavie politique et sociale des Intaliens ceux qui prefereraient que notre vie nationale se modèle sur celle bien plus saine et plus vigoureuse de l’Allemagne).
Rocca là đại biểu nhóm quốc gia quá khích.
Phe quốc gia quá khích mặc dầu gắng sức vận động nhưng không đưa nổi Ý vào cuộc chiến tranh bên cạnh Áo – Đức. Phần lớn dân chúng, đa số chính khách muốn giữ thế trung lập tốt hơn. Có thể là bạn hòa bình cùng Áo – Đức, không nên đi với người bạn đó ra mặt trận.
Mấy tháng đầu cuộc chiến, nhờ chính sách trung lập sinh hoạt, dân Ý vẫn vui ca, chè rượu cho tới ngày có một biến cố mới xảy ra, hôm ấy ở rạp Verno mở màn kịch diễn vở ” La Fanciulla West” của Puccini. Giữa chừng bỗng trong rạp nhốn nháo, nhiều tiếng hô: ” Đả đảo đế quốc Áo”. Cùng lúc tại công trường Piezzadel Puomo, hàng trăm lá cờ Áo bị xé và đốt vứt ngổn ngang ngoài lộ. Rồi những ngày sau, học sinh các trường truyền tay nhau đọc nhiều bản hiệu triệu kêu gọi thanh niên Ý hãy noi gương các vị anh hùng dân tộc Mazzini, Garibaldi mà đứng vào hàng ngũ dân chủ.
Phong trào bành chướng nhanh chóng.
Ngày 3 tháng 12, thủ tướng Salandra ra trước quốc hội tuyên bố:
“Chính sách trung lập của chúng ta không ù lì mềm yếu mà phải linh động tinh tường, không ở thế bất lực mà phải vũ trang mạnh để ứng phó với mọi biến chuyển”.
(Notre neutralité ne devra pas rester inerte et molle mais active et vigilante , non pas impuissante mais fortement armée et prête à toute éventualité).
Lưỡng viện Quốc hội ngay hôm ấy quyết định bằng nhiều phiếu thuận gửi điện văn chào mừng cuộc chiến đấu của Bỉ chống Áo quốc. Trong khi đó thì quận tước tiếp tục gặp gỡ các nhà ngoại giao Áo để tính chuyện lập chung một trận tuyến.
°
Mussolini là người thay đổi thái độ lạ lùng hơn hết. Số báo ” Avanti” ngày 22 tháng 9, Mussolini còn cho mở một chiến dịch trưng cầu dân ý với đầu đề:” Bạn muốn chiến tranh hay hòa bình?” Và ông trả lời trước:” Kẻ nào đẩy bạn vào chiến tranh chính là kẻ phản bội”.
Mussolini tiếp tục giữ cái bề ngoài quán quân cho hòa bình. Nhưng ông lại thường bí mật gặp Filippo Maldi, một đại điền chủ thế lực rất thân với bộ ngoại giao. Gặp làm gì? Các đồng chí cao cấp của đảng xã hội họp với nhau nêu câu hỏi đầy nghi ngờ đó.
Sự nghi ngờ càng tăng cao hơn, khi Mussolini trong một buổi hội đảng, tuyên bố:” Chỉ có những tên điên mới không chịu thay đổi. Một biến cố mới đòi hỏi đường lối lãnh đạo mới”.
Vài tuần sau, trên báo ” Avanti”, Mussolini viết một bài khá dài nhan đề:” Từ trung lập tuyệt đối đến trung lập linh động” với câu kết luận:” Chúng ta đừng nên là một lũ khán giả ngu ngốc chỉ biết giương mắt lên xem một thảm kịch vĩ đại của lịch sử”.
Rõ ràng Mussolini đã đi con đường mới, con đường của chủ nghĩa can thiệp.
Đảng xã hội liền triệu tập phiên họp khẩn cấp quyết định chấm dứt nhiệm vụ chủ nhiệm tờ ” Avanti” của Mussolini do chính Angelica Balabanoff đưa đề nghị.
Về tới nhà ,Mussolini nói với Rechèle:
“Chúng ta bây giờ trở lại tình cảnh như hồi còn ở Forli. Anh mất tờ báo rồi cũng chẳng có dư xu nào trong túi. Chắc cuộc sống sẽ chật vật lắm. Nhưng anh quyết giữ chủ trương can thiệp đến cùng”.
IL POPOLO D’ITALIA
Đó là tên tờ nhật báo mới của Mussolini xuất bản đa gây chấn động chính giới Ý. Lẽ thứ nhất, dăm ba tuần trước, Mussoloni không còn đồng xu nào dính túi, nay lấy tiền đâu ra báo. Lẽ thứ hai, tờ báo cũng nhân danh những người xã hội, nhưng nêu lên mặt báo hai phương châm mới:” Cách mạng là một tư tưởng đã tìm thấy những lưỡi lê” (La Revilution est une idée qui a trouvé des baionnettes) – câu nói của Napoléon – ” Kẻ nào có thép thì kẻ đó có bánh”. ( Qui a du fer a du pain) – câu nói của Blanqui một lãnh tụ xã hội Pháp.
Dư luận xã hội ở Milan sôi lên tức giận, lập tức một phiên họp bất thường khác lại được triệu tập.
Mussolini bước vào hội trường cùng vài người bạn thân thản nhiên. Tiếng la hét đập bàn nổi lên:” Tên Judas khốn nạn!” Rồi cả chục đồng tiền ném tới phía Mussolini:” Hãy khai trừ tên Judas ra khỏi đảng!”.
Mussolini đứng lên bàn hét lớn:
“tụi bây thù ghét tao hôm nay vì tui bay hãy còn sợ phục tao !”
Đám đông xô đẩy Mussolini ngồi xuống và chửi rủa om sòm.
Đảng quyết định khai trừ Mussolini, ông rời hội trường, đàng sau còn vang lên: ” Thằng phản bội Judas !”
Có nhiều tin đồn về nguồn tài chính của tờ ” Popolo d’Italia”. Tin bảo đó là tiền do Naldi, ông đại điền chủ bỏ ra. Tin bảo đó là tiền của chính phủ Pháp đưa qua đảng xã hội Pháp cho Mussolini.
Số báo ” Popolo d’ Italia” đầu tiên Mussolini viết hoàn toàn theo một giọng điệu mới:
“Ở thời kỳ có cuộc thanh toán lớn lao như hiện nay của chúng ta, tuyên truyền chống chiến tranh là thứ tuyên truyền hèn nhát của bọn thày tu, bọn “dê- duýt”, bọn tư sản, bọn quân chủ.
” Nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng xã hội là thức tỉnh ai còn mê mệt ngủ, là tạt vôi sống vào mặt những tên sống mà như chết và bọn đó có rất nhiều ở Ý, chúng đang ngoan cố với ảo tưởng tham sinh úy tử.
“Hỡi thanh niên Ý, chỉ với các bạn tôi kêu gọi lời này, lời kêu gọi đó chắc chắn không bao giờ tôi dám nói vào những lúc bình thường. Đó là ” Chiến tranh !”
( À une époque de liquidation générale comme la nôtre, la propagande contre la guerre est la propaganda de la lâcheté qu’on la laisse aux prêtres, aux jesuites, aux bourgeois, aux monarchists.
La tâche des socialistes révolutionnaires ne pourrait – elle pas être de réveiller la conscience endormie des multitudes,de jeter des pelletées de chaux vive à la face des morts et ils sont si nombreux en Italie, qui s’obstinent dans l’illusion de vivre…
C’est a vous, jeunesse de l’Italie…c’est à vous que je jette mon cri d’appel, ce mot que je n’aurrais jamais pronouncé en temps normal et qu’aujourd’hui je lance très haut à pleine voix…C’est un mot effrayant, fascinant: Guerre !’)
Theo lời Rachèle kể, khi tờ báo “Popolo” ra được mấy số thì có một người lạ mặt đến tìm gặp Mussolini đề nghị với ông dùng tờ báo để ủng hộ chính nghĩa cho nước Áo. Nhưng chồng bà đã quát lên đuổi người lạ mặt ra khỏi cửa mà nói:” Lý tưởng không thể đem bán lấy những triệu bạc”.
Tờ “Popolo” bán chạy rần rần, cướp luôn độc giả tờ “Avanti”, nó đã lên tới con số sấp sỉ trăm ngàn. Các đồng chí xã hội ức lắm gọi tòa báo “Popolo” bằng danh từ “cova” tức là sào huyệt bọn gian phi.
Ngày 13 tháng 12 năm 1914, Mussolini đến một trường học, ngay giữa sân trường để mở một chiến dịch tuyên truyền, ông nói:
“Bọn trung lập không bao giờ chế ngự được tình thế. Chỉ có máu mới làm lịch sử chuyển mình !”
Những người xã hội đi theo Mussolini được báo chí mệnh danh là phe xã hội can thiệp ( solialistes interventionnistes). Cuối cùng tháng 1 năm 1915, lực lượng này triệu tập đại hội lần thứ nhất qui tụ về Milan chừng 5 000 đảng viên từ khắp nước Ý. Đấy chính là những người phát – xít đầu tiên. Trước đại hội, Mussolini kết thúc bài diễn văn với câu:
” Những gì phải đến sẽ đến. Thế giới cũ kỹ của chính trị Ý cũng như của xã hội Ý sắp tới đây sẽ tan ra tro bụi”.
Đảng xã hội lên án Mussolini.
Hay tin, ông bảo: “Khi nào tôi có cây viết trên tay, khẩu súng trong túi, tôi chẳng sợ thằng nào”.
Chủ trương can thiệp, hay nói khác đi là tham chiến, thật ra chỉ có số ít người chấp nhận, nhưng cái lối gây ồn ào của Mussolini đã khiến nó được chú ý và dẫn đầu sự bàn tán trong dư luận. Giới kỹ nghệ nhẹ, nông dân, công giáo…vẫn một mực cổ võ cho trung lập. Đứng lãnh đạo khuynh hướng trung lập lại là ông cựu thủ tướng khôn ngoan Giolitti.
Tháng hai bắt đầu xảy ra những vụ xô sát ngoài đường giữa hai phe trung lập và can thiệp, đảng xã hội cầm đầu lực lương xung phong của phe trung lập đáng nhau dữ dội với bọn can thiệp Mussolini. Năm mươi người chết, khá đông bị thương. Tình hình mỗi ngày thêm khẩn trương. Chính phủ ra lệnh cấm tất cả mọi cuộc biểu tình. Nội các Salandra được quốc hội trao trọn toàn quyền hành động.
°
Trong cuộc thương thuyết bí mật với Áo của bộ trưởng ngoại giao Ý, quận tước Sonnino, Áo do áp lực Đức đã bằng lòng nhượng bộ Ý nhiều điều.
Phe đồng minh dò biết hoặc đã được chính Sonnini cho biết, liền vận động xin thương thuyết. Sonnino lại được giao sứ mạng bí mật thương thuyết với Anh-pháp-Nga. Kết quả, Anh-Pháp-Nga thỏa thuận cho Ý những quyền lợi về đất đai còn hơn cả những gì Áo chịu nhưng với điều kiện hạn chót là đến hết tháng 5, Ý phải đứng về phe đồng minh tuyên chiến với Áo –Đức.
Chuyện bí mật chỉ có Sonnino, thủ tướng Salandra, cựu thủ tướng Giolitti hiện làm chủ tịch khối đa số ở quốc hội và vua biết mà thôi.
Cái khó khăn cho thượng tầng lãnh đạo Ý trước chuyện này là nếu tuyên chiến thì có nội loạn không? Và chế độ chính trị hiện tại sẽ bị lật đổ không?
Mà rút lui thì cũng không xong nữa, vì hoàng thân Bulow của Đức đã biết vai trò hai mang của Ý đánh cắp nhiều tài liệu cung cấp cho phe trung lập Ý và sẵn sàng đổ của vào giúp nổi loạn.
Chẳng biết tính sao, chế độ quân chủ đành phó mặc cho những biến chuyển đường phố quyết định.
°
Ngày 10 tháng 4 năm 1915, Mussolini đăng lên báo “Popolo” lời hiệu triệu:
“Ngày mai các bạn hãy đến chiếm đóng các nơi với bất cứ giá nào. Không ai có thể ngăn cản, vì bạn có quyền, các bạn là sức mạnh”.
Hôm sau, Mussolini đi Rome để nói chuyện trước cuộc mít tinh của lực lượng xã hội can thiệp tổ chức ở đây. Ông đeo nơ đen, đội mũ “trái dưa”, mặc bộ đồ đen, gào thét cả giờ đồng hồ. Vừa dứt lời bước xuống thì nhân viên công lực ăn vận dân sự đến vặn tay và lôi ông về bót. Một điều đáng chú ý là đám người mít tinh thấy ông bị bắt chẳng có hành động phản đối nào.
Trưa hôm sau, Mussolini mới được thả.
Ngày 3 tháng 5 năm 1915 chính phủ Ý lên tiếng tố cáo và đòi hủy hiệp ước “Triplice” đã ký với Đức-Aosvaof những năm cuối thế kỷ 19.
Thế là xáo trộn bắt đầu, biểu tình lung tung khắp nơi, khắp mọi đường phố.
Giữa lúc tình hình còn trắng đen chưa phân thì một ngôi sao sáng hiện ra. Đó là thi sĩ Gabrielle d’Annunzio, ông thuộc dòng dõi quí tộc và là nhà thơ yêu nước, giàu có hào hoa lại nhiều thế lực, tuy nhiên văn thơ của ông rất hay, hầu hết sinh viên Ý đều thuộc lòng mấy câu thơ ái quốc của ông trong vở kịch “Electra” từng được trình diễn năm 1904.
“Ô Rome, ô Rome en toi seule
Dans le cercle de ces sept collines
Les multitudes humaines désaccordèes
Trouveront encore l’ample et’sublime unités
Tu donneras le pain nouveau en disant la parole nouvelle…”
Ngày 12 tháng 5 năm 1915, thi sĩ Annunzio tới Rome, quần chúng tụ tập cờ quạt đón và hoan hô ông. Trên bao lơn “Hôtel Regina” nhà thơ tuyên bố:
” Chúng tôi ngay ngày hôm nay muốn đem chủ nghĩa anh hùng chống lại sự hèn nhát. Nước Ý của chúng ta phải võ trang không phải chỉ để biểu diễn nhố nhăng mà phải chiến đấu thật sự. Hỡi công nhân Romains, hãy can đảm nhận sự thách thức”.
Tại hoàng cung, mẫu hậu Margherita tỏ ý tán thưởng lời Annunzio vì bà cũng là người chủ chiến hăng say lắm.
Ngày 13 tháng 5 , có tin đồn thủ tướng Salandra đệ đơn từ chức lên vua. Người ta hỏi Annunzio nghĩ ssao? Ông đáp : ” Hãy tin tôi đi, hãy nghe tôi đi, sự phản bội đã lộ mặt quá rõ, thiên hạ định xiết cổ tổ quốc bằng chiếc dây thừng của bọn Đức – Áo”.
Phong trào chủ chiến được đẩy xa hơn nữa, kèm luôn với chủ trương chống bọn nghị hội chỉ ngồi không nói láo.
Thi sĩ Annunzio tạo thêm nhiều thuận lợi cho Mussolini khi nhà thơ la lớn trước quần chúng đông đảo : ” Nên quét sạch mọi nhơi bẩn rồi nhét vào thùng rác những tên ngồi không nói láo”.
Ngày 13 tháng 5, Mussolini diễn thuyết tại công trường Piazza del Duomo ở Milan thì đoàn biểu tình thuộc nhóm trung lập ồ ạt tiến tới ném đá, rồi súng nổ, một thợ máy tên Louis Galda bị đạn bắn vào đầu chết ngay, 18 người nữa bị thương.
Một quan sát viên tinh tế có thể nhận thấy phe chủ trương chiến tranh tổ chức chặt chẽ chu đáo hơn trong khi các lực lượng trung lập tuy đông hơn nhưng tổ chức tỏ ra lỏng lẻo .
Ngày 14 tháng 5 tin Salandra từ chức được xác nhận càng làm cho làn sóng bạo động thành dữ dội.
Tòa báo “La Stampa”, tòa báo “Mattino” ở Turin bị đập phá, tại tỉnh Naples nhiều nhóm người tràn ra đường hô : ” chiến tranh ! hay cách mạng!”.
Tại Rome, đám biểu tình tụ tập trước trụ sở Hạ viện, leo rào phá cản xông vào đuổi đánh đám dân biểu chủ trương trung lập bằng gậy gộc hoặc nhổ bọt vào mặt họ hoặc chửi mắng chế diễu. Các nhà đại sứ Đức, Áo và nhà chủ tịch quốc hội Giolitti đều được quân đội bảo vệ cẩn mật.
Ngày 14 tháng 5, thi sĩ Annunzio lại lên tiếng tại nhà hát Costazi:
” Chúng ta đang sắp bị đem bán như những con vật. Làm người công dân Ý lúc này là một điều sỉ nhục. Chính tên Donero (tức Giolitti) là tên đầu sỏ của bọn khốn nạn. Quốc hội Ý sẽ tái họp ngày 20 tháng 5 sắp tới đây cũng là ngày kỷ niệm thắng lợi vẻ vang của người anh hùng Garibaldi. Chúng ta hãy đóng cửa không cho bọn đầy tớ Von Bulow vào nghị trường”.
Ngày 15 tháng 5, công chức các phủ bộ biểu tình ủng hộ thủ tướng Salandra. Tờ “Messagero” viết:
“Hoặc chính phủ mới phải tuyên chiến với những kẻ phản bội lòng tin của họ: Chiến tranh hay Cách mạng”.
Ngày 16 tháng 5, vua cho mời thủ tướng Salandra đến cho biết ngài không chấp nhận nội các từ chức.
Khắp phố ầm ĩ lời hô : ” Vive Salandra ! Vive l’armée !”
Quốc hội nhóm họp, dự án ủy quyền tuyên chiến cho chính phủ được chấp thuận bằng 407 phiếu thuận và 74 phiếu chống. Kể cũng là điều kỳ lạ, mới hơn tuần trước đa số dân biểu quốc hội chấp thuận chính sách hòa bình trung lập của Giolitti, thế mà bây giờ việc tuyên chiến lại được một số phiếu đè bẹp hẳn số phiếu cho chủ trương hòa bình. Các lý thuyết gia phát xít như Giovanni, Gentile sau này nói về hiện tượng ấy rằng : ” Chúng tôi là những nghệ sĩ có ngón đàn điêu luyện, nên nhớ đừng quên vấn đề kỹ thuật vì vấn đề này được sử dụng giỏi khả dĩ lật ngược tình thế”.
Mussolini sung sướng bảo vợ : “Mục tiêu của tờ báo đạt tới nhưng nó còn nhiều việc phải làm để cổ võ hậu phương nhiệt thành ủng hộ tiền tuyến”.
Ngày 17 tháng 5, thợ thuyền Turin tổn bãi công. Muộn rồi, chẳng cách gì lôi cuốn nước Ý trở lại hòa bình nữa. Trước hôm 24 hai ngày hết cái hạn mà đồng minh đòi, nước Ý tuyên chiến với Áo quốc. Nhiệt tình yêu nước được thổi phồng đến độ nó luôn luôn biến thành những bạo hành ngoài đường phố và cử chỉ bất chấp pháp luật. Đã có lần đám thanh niên quá hăng tiết ở Rome nhổ vào mặt dân biểu thuộc đảng xã hội, ông Bertolini.
Ngày 2 tháng 6, thủ tướng Salandra tuyên bố : “Cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến tranh thần thánh”. Bên dưới dân chúng hoan hô rầm trời dậy đất.
Ngoài mặt trận, quân Ý được lệnh tấn công. Thông cáo cho biết quân Ý đã chiếm Caporetto và tháng 7 họ tiến vào Trentin của Áo.
Những người “danh tiếng” cổ võ cho chủ trương can thiệp đều lần lượt xin đầu quân như thi sĩ Marinetti, Annunzio, Corridoniv.v…
Riêng Mussolini, ông chẳng gửi đơn tình nguyện nào cả. Kẻ thù của ông thấy vậy chế riễu cho là hèn nhát. Nhưng ngày 31 tháng 8 năm 1915, nước Ý ban bố lệnh tổng động viên thì Mussolini cũng nhập ngũ ngày 2 tháng 9 ông lên đường ra mặt trận, ông xin ở tuyến đầu.
Xông xáo, lạc quan, luôn luôn trên miệng hô lớn : ” Viva l’Italie !” mỗi lần nói chuyện với các bạn đồng đội. Có nhiều sĩ quan từ khắp nơi tìm đến làm quen với ông chủ nhiệm tờ báo ” Popolo d’Italia”.
Chỉ được vài tháng ngắn ngủi,tình trạng lạc quan mất hẳn. Trận tuyến dài cả 600 cây số mà bốn phần năm toàn núi non hiểm trở. Quân Áo tuy ít nhưng trang bị vũ khí tối tân. Quân Áo ở những vị trí trên cao, quân Ý ở dưới thấp. Quân Ý tuy đông nhưng vũ khí tồi tệ thành thử máu của quân Ý đổ ra rất nhiều mà thành quả thắng lợi hầu như không có .
Tổng tư lệnh quân đội Ý là tướng Cadorna từ 1914 đã được ủy thác nhiệm vụ tăng cường quân đội 25 sư đoàn,lên 35 sư đoàn. Cadorna chỉ biết thêm đầu người mà không hề có một sửa soạn nào cho công cuộc thời đại hóa kỹ thuật chiến tranh. Bởi vậy quân đội Ý mới ra trận với vũ khí lỗi thời, pháo binh yếu ớt, quân phục lòe loẹt trở thành cái bia cho địch ngắm bắn, sĩ quan chỉ huy lại thiếu vô năng, tiếp vận hỗn độn tản thương, cứu thương chậm trễ. Quân Ý phải đem súng trường chống lại đại liên Áo. Để đối phó với hàng rào kẽm gai kiên cố, quân Ý được phát những chiếc “sécateurs” chỉ có thể dùng cho việc cắt cành cây. Cộng vào thảm cảnh kỹ thuật là một cảnh khác còn thảm hơn, tư tưởng quân sự cổ lỗ với cái lối tấn công ồ ạt trực diện liên tiếp đẩy quân sĩ vào lò nướng người.
Sáu tháng đầu cuộc chiến Ý chết 66.000 quân bị thương 190.000. Số thương vong lớn lao này là kết quả cả những đợt tấn công nhiều mỏm núi đầy tuyết phủ mà người ta không hiểu chiếm được chúng thì sẽ có lợi ích quân sự gì? Quân sĩ phẫn uất đầu óc đần độn của tướng Cadorna. Nhà báo Luigi Albertini nói mỉa cái tài quân sự của tướng Cadorna rằng:
” Hắn không hề biết xương máu của con người ra thế nào, hắn chỉ biết đánh giặc bằng bản đồ, bằng ý nghĩ mơ hồ về nghĩa vụ và bằng qui tắc nhà binh”.
Mussolini viết trong nhật ký:
“Suốt năm 1915, quân đội Ý làm chiến tranh dưới tất cả những điều kiện tuyệt đối liệt thế. Hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác tiến lên tấn công mở đường phá rào kẽm gai bắng xẻng cuốc, súng tay. Hết trung đoàn này đến trung đoàn khác được lệnh tiến chiếm những sườn núi cheo leo, quân Áo ở trên chỉ cần lăn đá xuống thôi cũng đủ giết cả trăm mạng người”
Tháng 11 năm 1915, ở hậu phương Corridini, một chính trị gia hăng say cho chủ trương can thiệp bị giết chết. Dân chúng bàn tán : ” Cho đáng đời đáng kiếp lũ đồ tể”.
Quốc tế xã hội triệu tập đại hội ở Thụy sĩ, kỳ đại hội này thấy có mặt cả Lenine.
Mussolini liền lên tiếng trên tờ ” Popolo” cảnh cáo bọn phá hoại hậu phương. Thủ tướng Salandra phụ họa. Mussolini đòi cắt đầu, Salandra bảo chỉ nên chặt tay thôi.
Và chiến tranh tiếp tục gặm nhấm cho đến độ tàn tạ tuổi trẻ Ý đại lợi.
Mussolini được thăng lên chức cai do lòng quả cảm ngoài mặt trận. Rồi bị ốm nặng, ông nghỉ phép dưỡng bệnh ở Rome. Trong thời gian này, ông chính thức làm hôn thú cùng Rachèle. Vừa lúc nàng Ida Dalser cũng cho biết cô ta cũng hạ sinh đứa bé trai, con của Mussolini, nàng đặt tên nó là Benito Albano. Ida đưa đơn kiện kẻ ” sở khanh”, đồng thời xông vào tòa soạn làm ầm ỹ, tự xưng là vợ chính thức. Cuối cùng có sự dàn xếp, hàng tháng Mussolini phải cấp dưỡng cho Ida 200 đồng lires. Từ đấy Ida luôn luôn là con kỳ đà cản mũi gây khó chịu rất nhiều cho Mussolini.
Tháng 2 năm 1916 Mussolini lại trở ra mặt trận, quân Ý không bại mà cũng chẳng thắng chỉ chết đều đều. Tháng 2 năm 1917, Mussolini bị thương nặng bởi một trái đạn bich kích pháo rơi trúng hầm. Chừng mấy chục mảnh đạn găm vào phải khiêng về bệnh viện, kéo dài cả sáu tháng chữa chạy, đến tháng 9 năm đó, Mussolini vẫn chưa xuất viện. tên tuổi ông trở nên một biểu tượng anh hùng.
Hoàng đế Ý nhân một chuyến đi thăm các mặt trận, ngày 7 tháng 3 đã gặp Mussolini, cầm tay người chiến sĩ ,mà ân cần thăm hỏi, khiến kẻ nổi danh bướng bỉnh ưa làm loạn cảm kích vô cùng.
Ra khỏi nhà thương với đôi nạng gỗ trên tay, Mussolini được giải ngũ, về số 35 đường Via Paolo, địa chỉ tòa báo “Popolo” tiếp tục làm việc bên cạnh cô ký giả tóc hung Sarfatti. Sau bàn giấy chủ nhiệm nay có thêm bức hình ông ta mặc áo nhà binh đang nghiến răng ném trái lựu đạn.
CÁI GIÁ CỦA CHIẾN THẮNG
Tình hình mỗi ngày mỗi sa sút. Hàng loạt biểu tình chống chiến tranh xẩy ra khắp nước Ý. Binh sĩ ngoài mặt trận gửi thư về nhà khuyên cha mẹ anh em dừng cầy cấy trồng lúa nữa,cho có nạn đói để buộc bọn hiếu chiến chấm dứt chiến tranh. Đức giáo hoàng thập ngũ gửi thư khắp mọi nước lên án chiến tranh này là cuộc chém giết vô ích. Cựu thủ tướng Giolitti xuất hiện đọc diễn văn công kích chiến tranh. Tại Turin, thợ thuyền họp mít tinh chào mừng hai đồng chí Smirnov và Goldemberg từ Petrograd tới đây, cả hai đều là đại biểu của nhóm Sô viết. Hơn 50.000 công nhân nắm tay giơ lên hô to : “Viva Lénine ! Viva les Bolcheviks !”.
Ngày 23 tháng 8, nhiều vụ nổi dậy ở các vùng Milano, Nizza. Lực lượng công nhân ba bốn lần mưu chiếm toàn bộ cơ sở kỹ nghệ tại Turin, thợ thuyền công nhân tấn công tới tấp năm ngày liền những nơi quân đội trấn giữ. Năm ngày liên tiếp, lực lượng công nhân kêu gọi quân đội cùng công nhân nổi dậy làm cách mạng, nhưng quân đội khước từ. Turin ở Ý đã không biến thành Petrograd bên Nga.
Tuy nhiên, tất cả những gì vừa xảy ra ở Turin đã khiến cho giai cấp lãnh đạo Ý lo sốt vó. Sau tuần lễ đỏ nay lại đến phong trào này. Rồi sẽ còn gì nữa một khi chiến tranh chấm dứt? Phải quyết liệt ngăn chặn trước, chớ để nó thành tai họa lớn.
Nhờ mấy trận đánh thắng của tướng Capello nên tình hình tạm lắng xuống được hơn một tháng. Cho đến tuần cuối tháng 10 thì thảm kịch nặng nề hẳn lên. Giữa lúc bên Nga, cách mạng tháng 10 thắng lợi thì tại Caporetto cả một sư đoàn quân Ý bị đánh thảm bại, người chết như rạ. Tướng Cadorna đánh điện về báo cáo cấp với chính phủ, ông viết : ” Tôi đã thấy trước mắt một thảm họa rồi”.
Quả đúng như vậy, tàn quân Ý rút lui, hình dáng quá sức tồi tàn, mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy làm, lính bất chấp sĩ quan, sĩ quan coi rẻ tướng, mệnh lệnh không còn ai tôn trọng nữa. Dọc đường mưa rét bùn lầy lội, lính lẫn lộn với dân chúng tỵ nạn, ai nấy bơ phờ mệt nhọc, quần áo tả tơi bệ rạc, tranh cướp từng miếng ăn hớp nước, chửi bới khinh rẻ nhau om sòm. 350.000 lính tan rã cộng với 400.000 dân chạy nạn ùn ùn kéo nhau về chỗ an toàn, cực kỳ hỗn độn.
Thất bại quân sự, kéo theo khủng hoảng chính trị. Tổng trưởng Boselli từ chức nhường ghế cho ông Orlando. Nitti nay sang bộ Tài chính.
Ngoài mặt trận quân Ý tiếp tục rút chạy.
Hoàng đế Ý đau sót kêu gọi:
“Hỡi công dân và binh sĩ hãy họp nhau thành một lực lượng vũ trang chống giặc. Hèn nhát là phản bội, chia rẽ là phản bội, oán trách phê phán là phản bội”.
Tướng Cdorna bị cất chức. Tướng Diaz lên thay. Giữa cái mớ bong bong chính trị Mussolini vẫn là cái họng lớn nhất hô hào cho nhiệt tình yêu nước, kêu gọi đoàn kết kỷ luật và chiến đấu. Ông gào thét đòi phải có hành động chống lại bọn trốn trách nhiệm đào ngũ, đòi tổ chức một đạo quân chí nguyện, đòi một đạo luật sắt thép, đòi cấm các báo của đảng xã hội. Ông viết: ” Tự do chính trị chỉ có thể chấp nhận ở thời bình. Còn thời chiến, tự do chính trị là phản bội. Trong khi hàng triệu người đang đem cái chết chiến đấu cho tổ quốc thì không lẽ nào lại để cho vài ngàn người được tự do chính trị mà phản bội xứ sở…Chúng ta cần phải hủy bỏ ngay cái danh tự do để thay vào đó hai chữ kỷ luật”.
Cũng một Mussolini, trước đây từng hăng say ủng hộ việc đạp đổ chế độ Nga hoàng, nay lại hăng say đánh đuổi chủ nghĩa Leninit ra khỏi Ý đại lợi.
Người rất chú ý theo dõi hành động của Mussolini lúc đó là Sir Samuel Hoare, một sĩ quan tình báo Anh. Hoare la ngại phong trào than Đức đang lên mạnh ở Rome, nếu không tính ngay thì mặt trận Ý sẽ vỡ. Lập tức Hoare đánh điện qua Romehoir xem Mussolini là ai? Rome trả lời : “He was a powerful mob leader in Milan”. (Một lãnh tụ đầy quyền lực của đám khố rách áo ôm). Hoare liền cho nhân viên mật tìm cách liên lạc với Mussolini, mang theo nhiều tiền giúp Mussolini đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền cho chiến tranh.
Quân Áo tiến tới Piave thì cũng mệt mỏi nên ngừng, mặt trận Ý tạm thời chưa đến nỗi nào.
Quân Ý bây giờ là đồ vô dụng. Mussolini cùng nhóm chủ trương can thiệp mộ quân tình nguyện gồm toàn thanh niên tứ cố vô thân, những tên tù mới ra khỏi lao thất. Đêm đêm, họ được lệnh bơi qua sông giá lạnh đột nhập vào trại quân Áo chém giết và bị giết, họ mặc quần áo đen, đeo huy hiệu ngọn lửa cháy, ban đêm đi cặp tay với tử thần, ban ngày uống rượu đập phá hãm hiếp. Dần dần bạo lực trở thành một thói quen, một thích thú. Bọn họ chính là lực lượng mở đường của đảng Phát xít.
Ngày 24 tháng 2 năm 1918 ở Rome, lên tiếng trước một hội trường đông đảo, Mussolini nghĩ đến đạo quân áo đen, ông nói:
“Chúng ta cần những con người hung dữ tràn đầy sức mạnh để đập tan nát, để trừng phạt, để chiến đấu”.
Ngày 24 tháng 5 năm 1918, tại nhà hát lớn ở tỉnh Bologne, Mussolini lên diễn đàn dõng dạc: “Chúng tôi đòi quyền lãnh đạo nước Ý”.
Với sự tham chiến của Hoa Kỳ, cán cân lực lượng chiến tranh nặng nề về phía đồng minh.
Tháng 6 năm 1918 quân Áo mở trận tấn công quân Ý trên mặt trận Piave, thất bại.
Ngày 24 tháng 10 năm 1918, quân Ý phản công.Ngày 3 tháng 11 năm 1918, Áo quốc xin đình chiến. Mussolini hân hoan viết lên mặt báo : “Quân đội Ý vừa đưa nhát gươm ân sủng vào cổ kẻ thù của nhân loại để giải phóng cho nhiều dân tộc”.
Căn cứ vào hiệp ước Luân Đôn, quân Ý kéo tới chiếm cứ một khu vực khá dài thuộc đế quốc Áo-Hung tính từ Trieste đến Trente. Dân chúng ở đây hoan hô quân đội Ý như những người giải phóng, cờ quạt treo đèn kết hoa, múa hát mừng chiến thắng.
Ngày 10 tháng 11 tại Milan, liên hoan thắng lợi còn vui hơn nữa. Khắp các ngả đường, đủ mọi thành phần kể cả giới tu sĩ áo dài đen đều tham gia biểu tình tuần hành. Người ta chú ý đến một hiện tượng: đoàn quân cảm tử áo đen đầy nhóc trên nhiều xe cam nhông ca hát, reo hò và đập phá. Rồi bỗng thấy xuất hiện Mussolini nói với họ:
“Hỡi các bạn, chúng ta đang chiến đấu trong khi lũ “phi lít tanh” hèn nhát bỏ chạy, phản bội …Lưỡi dao sáng loáng, những trái lựu đạn nổ vang trời của chúng ta rồi đây sẽ phải làm sáng tỏ công lý đối với bọn khốn nạn âm mưu cản trở bước tiến của nước Ý vĩ đại. Bây giờ nước Ý là của các bạn, của chúng ta”.
Đoàn quân áo đen hô to: ” À nous ! Vive l’Italie !”
Ngày 11 tháng 11 năm 1918, đình chiến ở mặt trận Pháp, những cuộc biểu tình tại Milan càng nhiều hơn, chỗ nào cũng thấy đám đông tụ tập làm nghẽn cả đường phố. Mussolini luôn luôn có mặt nói chuyện với dân chúng, nhất là thợ thuyền:
” Anh em từng cùng với tôi chiến đấu trong các hầm hố ngoài tiền tuyến, các bạn có nhớ ngày này mấy năm trước đây, chúng ta tổ chức mít tinh đòi chiến tranh, các bạn có nhớ Francesco Corridoni”.
Corridoni là một ủy viên cách mạng của nghiệp đoàn công nhân đã tử trận, nếu còn sống Corridoni là ngôi sao sáng khả dĩ đối địch với Mussolini. Nay Mussolini được hưởng một mình trọn vẹn danh vọng của người hùng chiến thắng.
Đám đông ồ ạt chạy đến ôm Mussolini, kiệu ông lên vỗ tay hoan hô, la ó mừng rỡ. Tên ông được truyền miệng, không ai không muốn nhắc tới ít nhất một lần kể cả lũ trẻ lên năm lên mười.
°
Thời gian reo vui chẳng kéo dài bao lâu. Những sự thật tàn nhẫn của hậu chiến hiện ra làm tắt lịm lửa liên hoan cho thắng trận.
Trước hết, là mặt đối ngoại, đế quốc vương triều Hasbsbourg sụp đổ, miền Trieste và Trente nay của Ý, Nhưng chỉ mấy ngày sau là rắc rối xảy ra. Một phái đoàn vùng Fiume tới Rome, phản đối sự sát nhập miền này vào Ý vì theo hiệp ước Luân Đôn nó thuộc khu vực Croatie (tiểu bang cộng hòa Nam tư).
Dọc bờ biển Adriatique, phe đồng minh cho quân đổ bộ đóng kèm với quân Ý, nghĩa là không cho Ý toàn quyền như họ đã hứa hẹn.
Rồi tình hình trong nước. Hàng ngày hầu hết mọi gia đình đều nhận được những tin tang tóc về con cái, chồng, cha,anh em. Bởi vì chiến tranh đã lấy đi của dân Ý 600.000 người chết, 950.000 bị thương và 250.000 bị tàn phế suốt đời. Nước Ý chỉ mạnh từ các cổ họng hò hét đi ra, chứ thân thể thì mệt lả. Gramsci viết:
“L’Italie sortit de la guerre n’est plus qu’une plaie, et son sang coule à flots de son corps couvert de blessures”(Nước Ý sau chiến tranh chỉ còn là một vết thương nhầy nhụa máu).
Giá phải trả cho chiến tranh chẳng phải chỉ bằng máu mà thôi. Bằng của cải nữa. Chi tiêu năm 1913-14 là hai tỷ rưỡi đồng lire nay là 30 tỷ đồng lire cho năm 1918-19. Ngân quỹ thiếu hụt gần 100 lần, tiền lạm phát như ngựa chạy.
Anh – Mỹ loan báo cho Ý biết chấm dứt mọi sự cho vay và bây giờ là thời kỳ Anh – Mỹ đòi nợ.
Nhưng không một ai chịu nhìn nhận những khó khăn trên là kết quả đương nhiên của cuộc chiến. Dân chúng nhất loạt nuôi hy vọng chiến tranh hết rồi, giá cả sẽ hạ xuống, trở lại đời sống sung túc ngày xưa.
Hy vọng ấy bị bóp chết ngay nỗi cơ cực hậu chiến thất nghiệp và nghèo khổ.
Khi khởi sự chiến tranh, với lệnh động viên tại chỗ các thợ thuyền, với nhu cầu đẩy mạnh sản xuất nên kỹ nghệ Ý phát triển rất mau, nhiều lò đúc thép được dựng lên ở Turin, Gênes,Milan tập trung vào tay các nhóm đại kỹ nghệ gia Fiat, Ansaldo và Ilva. Họ thu những số tiền lời khổng lồ, đến nỗi thế lực tiền bạc của họ tràn sang kiểm soát hệ thống ngân hàng, kể cả ngân hàng quốc gia.
Cuối năm 1918, quân đội giải ngũ sống lay lứt tối lo bữa sáng, sáng lo bữa tối thì bọn bạo lợi làm giàu do chiến tranh đúng là lũ ” pescicani” hay “imbescati” những danh từ xấu xa để chỉ một hạng người xấu xa
Vừa dứt chiến tranh, tâm lý hân hoan với chiến thắng mãnh liệt hơn nhận thức thù hận nên mọi người tạm quên các thiệt hại đã phải chịu.
Bây giờ tất cả mới vỡ lẽ , chiến thắng chẳng qua chỉ là một ảo tưởng vì kẻ chiến thắng không có quyền hành gì với ai hết, mà nước Ý như một anh chàng bệnh hoạn than thể đầy thương tích sao có thể giành nổi quyền hành.
Ngày 20 tháng 11, cử hành long trọng lễ chào mừng Quốc hội, các ông nghị quần áo sang bảnh trở về đầy ắp trụ sở Montecitorio. Trong đó đông đủ quan khách: đại sứ, sĩ quan cao cấp v.v…
Orlando, thủ tướng của nội các chiến thắng, dáng dấp nặng nề, tóc bạc trắng lên diễn đàn, bằng giọng đầy xúc động, đưa ra mấy điểm quan trọng:
a/ Ý quốc xác nhận tham dự vào chương trình của tổng thống Hoa kỳ Wilson.
b/ Chiến tranh này là cuộc cách mạng chính trị và xã hội, vậy tương lai sẽ là những cải cách xã hội lớn lao.
CÁC LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ DÀN THẾ TRẬN
Trước tình thế mới, các lực lượng chính trị, đảng phái cũng như quần chúng, phải sắp xếp trận tuyến đấu tranh.
Ngày 22 và 23 tháng 12 tại Bologne có một cuộc biểu tình tuần hành đông đảo của anh chị em công nhân, nông dân. Đoàn người cất cao tiếng hát:
“La bandiera ressa la trionfera
La bandiera rossa la trionfera
E viva il socialism e la liberta”
(Cờ đỏ sẽ chiến thắng, cờ đỏ sẽ chiến thắng. Chủ nghĩa xã hội và tự do muôn năm)
Đảng xã hội vận động đoàn kết mọi khuynh hướng đảng. Làn sóng cách mạng tháng 10 từ Nga tràn vào các nước Âu châu, từ Petrograd đến Bá linh, đến Turin, đến Bologne. Khẩu hiệu đấu tranh cho một nền vô sản chuyên chính được tung ra đều khắp. Lãnh tụ Serrati, người lãnh đạo tuần lễ đỏ, nay nắm giữ ghế chủ nhiệm tờ “Avanti”, phụ trách luôn công tác tổ chức công nhân giải ngũ thành Liên hiệp các cựu chiến sĩ đỏ.
Quay về phía đám người đứng xem hai ben đường, đoàn biểu tình hô:
“Cách mạnh muôn năm !
Sô viết muôn năm!
Bôn sê vích muôn năm !”
Rồi hát tiếp:
“Avanti Popolo, all riscossa
Bandiera rossa, bandiera rossa”
(Hãy tiến lên đoàn nhân dân tiền phong
Tiến lên cứu nước…Cờ đỏ phấp phới bay)
°
Phía chính phủ và các đảng phái quốc gia thì đang sôi nổi với vấn đề sát nhập đất đai. Lúc đụng thực tế họ đều thất vọng. Họ đưa chương trình hành động chung, tuy nhiên kèm theo chương trình là một nhận định chua chát: chiến tranh chẳng phải cho lý tưởng dân chủ gì hết mà chỉ là sự va chạm quyền lợi đế quốc, phải là kẻ mạnh trước đã.
Chính Mussolini viết: ” Đế quốc chủ nghĩa là quy luật căn bản bất di bất dịch của đời sống”.
Ngày 3 tháng 1 năm 1919, tổng tống Hoa kỳ Woodrow Wilson tới Rome. Hàng trăm ngàn người nghênh đón. Đám đông đồng loạt hô: ” Hòa bình! Hòa bình!”. Sự tiếp đón nồng nhiệt chẳng đi tới đâu cả vì tổng thống Hoa kỳ vẫn lạnh lùng không ủng hộ Ý trong việc đòi vùng Dalmatie. Ông nói: “New York là một tỉnh có rất nhiều dân Ý nhưng không thể vì lẽ đó mà người Ý có thể đòi cho New York sát nhập vào Ý”.
Dân Ý buồn bực lắm trước thái độ của Wilson mà vẫn phải gượng cười tỏ lòng hiếu khách. Nhất là Mussolini, ông cho đăng hàng tit lớn mấy chữ: ” Rends le plus grand des hommages à Wilson”. Ông hiểu rằng bây giờ chưa phải là lúc công kích Wilson.
Tháng 2 năm 1919, cộng sản biểu dương lực lượng ở Milan. Lần này phe hữu hoảng sợ thực sự. Họ liền bàn bạc với nhau việc sẽ ủng hộ Mussolini thành lập một lực lượng khác để đương đầu. Nòng cốt của lực lượng ấy là bộ đội cảm tử “Arditi”. Tại sao lại chọn Mussolini? Mặc dầu trước đó Mussolini là kẻ thù của đảng xã hội nhưng phe hữu vẫn không tin vì trước sau hắn vẫn là nột tên “vô lại” từng tham dự vào cuộc đấu tranh vô sản.
Câu trả lời có thể tìm thấy trong biến cố ngày 11 tháng 1 năm 1919 ở Milan. Hôm ấy hội Quốc liên mời nhà chính khách Bissolati, người chủ trương để mặc cho Quốc tế phân xử sắp xếp mọi việc sau chiến tranh vừa từ chức khỏi nội các Orlando, nói chuyện tại hý viện “Alla Scala”. Số người tới nghe rất đông. Mussolini đầu cạo trọc lốc cùng đi với ba vệ sĩ. Bài diễn văn mới đọc chừng phần ba thì bỗng hội trường vang lên tiếng hát mà lời ca toàn một ý nghĩa của chiến tranh và bạo lực. Tiếng hát đó do đoàn cảm tử Arditi xướng lên. Mấy phút sau, từ bên ngoài rầm rộ đi vào đoàn người khác, đi đầu là lá cờ viền tua đen lãnh đạo bởi Vecchi. Họ đều đội mũ “Beret” hay mũ “fez” màu đen. Đoàn này rẽ đám đông đi vào hội trường. Thế là lộn xộn xảy ra, tiếng chửi rủa lẫn tiếng đấm đá, Bissolati đành bỏ dở bài diễn văn. Đạo quân Arditi tề chỉnh, Mussolini và Vecchi đi hàng thứ nhất tuần hành ngoài đường phố vừa bước chân vừa hát bài ” Non passa lo straniero”.Khí thế của họ làm kinh ngạc mọi người.
Trung tuần tháng 4 năm 1919, công việc soạn thảo một hiệp ước hòa bình chung cho cả thế giới, sắp đặt lại bản đồ cho châu Âu và hệ thống thuộc địa của Âu châu đã đến hồi kết thúc. Người ta sửa soạn thông báo các nước chiến bại những điều qui định mà họ phải chịu. Bầu không khí đang êm lặng đột nhiên ngày 23 tháng 4, phái đoàn Ý do thủ tướng Orlando cầm đầu, tuyên bố quyết định bỏ bàn hội nghị quốc tế. Chuyện gì xảy ra? Vì tranh chấp khu vực Adriatique hết sức gay go. Cả Ý và nền quân chủ Nam tư đều quyết liệt đòi sát nhập vào quốc gia mình xứ Fiume và bờ biển ” dalmate”. Quốc hội Nam Tư ra tuyên cáo nói rằng dân tộc Nam Tư sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng bất cứ giá nào. Tại Ý, phản ứng đối với thái độ của Nam tư cũng chẳng kém phần sôi nổi. Ngày 16 tháng 4, giáo sư Bellini diễn thuyết về vấn đề này, đã lôi cuốn một số thính giả vĩ đại, tiếp sau diễn thuyết là biểu tình. Tranh chấp không chỉ còn trong phạm vi hai phái đoàn nữa mà đã được mở rộng thành giữa hai dân tộc, người ta thôi không cãi cọ bên bàn hội nghị nữa mà để cho biên giới dân chúng xô sát đổ máu.
Thủ tướng Orlando hàng ngày nhận được cả mấy chục điện văn từ các chính khách, các đoàn thể chính trị yêu cầu cứng rắn nhất định chẳng chịu nhường một bước. Trong khi tổng thống Wilson lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ, cho phân phát bản tuyên ngôn khá dài chống lại tất cả mọi đòi hỏi về đất đai của Ý và nhân danh là nước đã giúp Châu Âu đánh thắng kẻ thù , ông muốn hội nghị cứ việc phân xử, ngụ ý bảo nếu không có sự hiện diện của Ý Đại lợi cũng chẳng sao. Về hiệp ước Luân Đôn, tổng thốn Wilson cho rằng: “Ý tham chiến căn cứ vào thỏa thuận mật với Anh – Pháp gọi là hiệp ước Luân Đôn” (Pacte de Londres).
Nhưng khoảng thời gian, bộ mặt chiến tranh đã thay đổi vì có nhiều nước lớn nhỏ tiếp nối nhau tham chiến mà không hề biết đến thỏa hiệp bí mật Luân Đôn như thế nào.Đế quốc Áo – Hung, kẻ thù của châu Âu như hiệp ước Luân Đôn ghi nhận, bây giờ không còn là thế nữa, vậy thì hiệp ước Luân Đôn cũng hết lý do tồn tại. Ý quốc hiện tại chỉ được coi như một nước hội viên của liên đoàn quốc gia tức hội Quốc Liên và phải tôn trọng tự do của các nước hội viên nhỏ bé vì cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh giành lại tự do thì quyền lợi của các nhỏ bé cũng phải được bảo vệ ngang với quyền lợi các cường quốc.
Thủ tướng Clémenceau Pháp vận động ráo riết để bênh vực Ý nhưng vô hiệu. Hoa Kỳ chẳng những là quốc gia ân nhân, mà thời kỳ hậu chiến, hoa Kỳ còn là quốc gia chủ nợ. Pháp quốc bị tàn phá bởi chiến tranh còn cần cái túi tiền Hoa kỳ ghê lắm, đâu dám nổi nóng.
Thấy Orlando làm dữ, bộ trưởng ngoại giao Anh Balfour lo lắng hỏi:
“Ngài đã tính kỹ càng những hậu quả tai hại nếu Ý tuyệt giao với Hoa Kỳ hay chưa?”
Thủ tướng Orlando đáp:
“Nước chúng tôi ít nhu cầu và chúng tôi khá tường tận nghệ thuật và phương cách chết đói”.
( Nous sommes un people sobre, et nous connaissons l’art la manière de mourir de faim).
Hoàng đế Victor Emmanuel gửi điện văn qua Paris tỏ ý tán thành hành động của Orlando.
Thế là ngày 24 tháng 4, phải đoàn Ý rời nước Pháp để về Rome.
Tối ngày 25, tòa đại sứ Hoa Kỳ công bố lời hiệu triệu của tổng thống Wilson gửi nhân dân Ý nói lý do không chấp nhận trả Dalmatie cùng với ít lời bênh vực hành động của Hoa kỳ là bảo vệ quyền thiêng liêng cho các dân tộc chứ đây không phải là vì quyền lợi đế quốc…
Bản hiệu triệu lại càng làm dân chúng Ý tức tối hơn, họ kéo nhau đến bao vây lâu đài “Del Drago”, nơi đặt tòa đại sứ Hoa Kỳ, chửi rủa ném đá.
Phần thủ tướng Orlando khi được hỏi về bản hiệu triệu, ông nói:
“Nói chuyện thẳng với dân chúng thường thường chỉ là việc làm của những chính phủ thù nghịch”.
Ngày 26 tháng 4, nhà ga xe lửa Rome tràn ngập người đứng chờ đón phái đoàn Ý từ Paris trở về. Chuyến xe lửa chạy cứ qua mỗi ga lại được chứng kiến những đám biểu tình. Đúng 10 giờ 30 xe lửa tới Rome, thủ tướng Orlando, tướng Diaz và bộ trưởng Barzilai được dân chúng sô tới công kênh đưa lên xe oto. Đứng trên xe, Orlando hỏi to:
” Đồng bào có cho rằng chúng tôi đã làm điều phải không? Đồng bào có nhận rằng phái đoàn thương thuyết Ý đã hành động xứng đáng và trung thành đối với nguyện vọng của dân Ý không?”
Từ đám đông, tiếng “có,có” đồng thanh chỗi dậy như cơn sóng lớn để trả lời câu hỏi của vị thủ tướng.
Orlando mắt long lanh gioitj lệ nói tiếp:
“Suốt bốn năm chúng ta chịu bao nhiêu hy sinh, đau khổ, có lẽ lần này chúng ta lại phải hy sinh và đau khổ nữa…Tôi nghĩ quân đội hải lục Ý quốc đã sẵn sàng như tháng 5, 1915 trước đây…”
Đến lượt tướng Diaz xác định: “Quân đội đã thật sẵn sàng rồi”.
Đoàn người như thác lũ ầm ầm kéo theo sau xe của phái đoàn, đi qua hoàng cung, hoàng gia chờ sẵn trên “ban công”, tiếng hoan hô vang lên rầm trời.
Ngày 29 tháng 4, Quốc hội họp và tuyên cáo: “Hoàn toàn ủng hộ chính phủ, hoàn toàn tín nhiệm chính phủ trong sứ mạng bảo vệ quyền tối thượng của quốc gia để kiến tạo một nền hòa bình công bình, vĩnh cửu”.
Kết quả những chuyện ồn ĩ trên ra sao?
Tại Paris, ba nước Anh-Pháp-Mỹ vẫn cứ tiếp tục thảo luận bàn cãi. Quân Ý tiếp tục đổ bộ lên Anatolie, họ cũng mặc. Ý quốc vắng mặt ở bàn hội nghị, họ cũng thây kệ và họ đã thảo xong hiệp ước với Đức –Áo. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục gửi điện văn cho thủ tướng Orlando yêu cầu phái đoàn Ý trở lại bàn hội nghị .
Các nhà lãnh đạo Ý hỏi nhau: ” Có nên trở lại Paris không?”
Dân chúng nghe phong thanh phái đoàn Ý sắp lại lên đường đi Paris, dư luận bảo nhau: ” Nếu vậy thì thật là một điều sỉ nhục”.
Rút cục, ngày 6 tháng 5, Orlando cũng phải đi Paris cùng với Sonnino.
Cộng sản biểu dương lực lượng cộng thêm sự sỉ nhục của Ý trên mặt ngoại giao là điều kiện căn bản tạo sức mạnh cho đảng Phát xit .
°
Phát xít là gì?
Nó xuất phát từ dnah từ ” Fascio” của tiếng Ý.
Fascio là danh từ chỉ một bó củi buộc chặt lại với nhau. Thời đế quốc La Mã dùng chữ Fascio làm dấu hiệu với bó củi buộc chặt, ở giữa là chiếc búa chặt củi tượng trưng cho sức mạnh và đoàn kết.
Thoạt đầu, Mussolini lập một nhóm chống lại đảng xã hội, đặt tên nhóm này là ” Fascio d’Azione Revoluziona”. Fascio ở đây mang ý nghĩa là một nhóm người cách mạng hùng mạnh, quyết liệt
Năm 1915, khi cổ võ cho chính sách tham chiến, Mussolini đổi tên nhóm của ông thành “Fasci di Combatimento” (nhóm chiến đấu).
Từ đấy, danh từ “Fascio” gắn liền với tên Mussolini.
Tháng 3,1919 sau khi phái đoàn Orlando bị các cường quốc Anh – Mỹ khước từ mọi yêu sách, Mussolini liền chính thức đưa tổ chức “Fasci di Combattimento” thành một đảng chính trị, dùng tờ ” Popolo d’Italia” làm cơ quan tuyên truyền.
Tháng đầu năm 1919, mọi hy vọng giá cả sinh hoạt trở lại mức năm 1914 đã trở thành ảo tưởng. Họa đói khổ hậu chiến lù lù trước mắt, kho đạn trống trơn, thương cảng thuyền bè vắng vẻ, đầu cơ, tham nhũng hoành hành. Nạn nhân thấy rõ nhất là giới trung lưu. Giới này từng đóng góp cho chiến tranh sức người và của cải rồi chết chóc, rồi mất mát cho nên giới này thường quan niệm chiến thắng của Ý là nhờ họ rất nhiều. Thế mà bây giờ hòa bình bỏ quên họ, giá cả siết cổ họ. Bọn độc quyền tư bản, bọn đầu cơ bảo thủ, bọn bạo lợi thi nhau bóp nghẹt đời sống của họ.Tiểu thương, tư chức, công chức,sĩ quan cấp dưới trông mặt toàn một màu rau cỏ, chạy ngược chạy xuôi vất vả mới mong có đủ hai bữa ăn.
Nhất là đám sĩ quan trẻ tuổi giải ngũ số chừng 200.000 thất nghiệp, lơ láo xin việc, tranh nhau may ra mới có chỗ, một chỗ làm nhục nhã như vả vào cái mặt oai quyền chỉ huy trước đây. Phần lớn sĩ quan lúc giải ngũ chẳng có bằng cấp gì cả nên đi đến đâu cũng bị từ chối, huy chương anh dũng để đeo thì được chứ đem nó đi xin việc thì vô ích. Đi học lại ư? Lấy tiền đâu đổ cơm vào miệng mà học ! Nói lại những hành động anh hùng của mình ư? Thiên hạ bụm miệng cười ! Đám thợ thuyền vì khuynh hướng chính trị nên không ưa sĩ quan, nên xung đột xảy ra luôn, có nhiều sĩ quan giải ngũ đã bị công nhân dánh đạp tơi bời và lột quần áo bêu diếu.
Những người vất vưởng trên đây bao giờ cũng thích nghe luận điệu mạnh bạo toạc móng heo ghi trên tờ ” Popolo d’Italia”…
°
Cùng trong thời gian Mussolini thành lập đảng phat xit còn có một đảng mới khác nữa ra đời, đó là đảng ” Bình dân Ý đại lợi” (Parti Populaire Italien). Trước khi ra mắt quốc dân, đảng này cho dán khắp nơi tờ áp phích màu trắng viết chữ ” Libertas” trên một cái khiên thời Trung cổ mang dấu thánh giá. Người sáng lập ra đảng “Bình dân” là Don Luigi Sturzo là nhà dòng đã từng làm tổng thư ký của hội “Hoạt động công giáo” (l’Action Catholique). Cha Sturzo được Đức Hồng y Gasparri ủng hộ. Mục đích của đảng Bình dân là dẫn dắt giáo dân công giáo trong sinh hoạt chính trị. Cả Giáo Hoàng Benoit 15 cũng chấp nhận bản tuyên ngôn do cha Sturzo thảo, vì Tòa thánh đang rất lo ngại thợ thuyền công giáo có thể bị những khẩu hiệu đấu tranh của xã hội chủ nghĩa mê hoặc. Đảng viên đảng Bình dân gồm toàn các tiểu điền chủ, dòng họ quý tộc của Ý ngày xưa, những phần tử công giáo ngoan đạo. Mục tiêu của đảng là bảo vệ mọi giá trị của đạo Gia tô chống lại mọi âm mưu vật chất hóa lý tưởng thiêng liêng. Đảng phát triển rất mau trong thời gian 6 tháng đã thành lập 850 phân bộ với số lượng 56.000 đảng viên.
Sự xuất hiện của đảng Bình dân làm thay đổi khá nhiều thế trận chính trị, nó gây trở ngại cho đảng xã hội đang trên đà bành trướng.
°
Chống vật giá tăng cao, giai cấp vô sản sử dụng vũ khí bãi công. Bãi công để đòi thêm cho mình tiền lương, đồng thời để tiến dần lên những mưu đồ chính trị khác. Người ta được biết ngày 28 tháng 1 năm 1919, lãnh tụ lão thành của đảng xã hội, ông Turati trước cuộc mít tinh, nói:
“Chúng ta phải sửa soạn từ bây giờ một ý thức về biến cố đưa đến xã hội của xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải nhận rõ sự cần thiết để thay đổi xã hội qua từng giai đoạn”.
Từ đám đông có người nói lớn: ” Như vậy lâu quá !”.
Turati hỏi: ” Nếu anh biết con đường nào nhanh hơn hãy chỉ cho tôi xem ?”
Đám đông nhao nhao đáp: ” Hãy theo gương Nga. Vạn tuế Lénine!”.
Cảnh tượng trên đây cho thấy lòng khát khao một cái gì mới của dân chúng đã lên đến mức nào. Nông dân muốn có đất để cày cấy, thợ thuyền , quân đội giải ngũ muốn có công ăn việc làm.
Cứ cái đà này mà đi và không có biến cố ngày 23 tháng 3 thì đảng xã hội,đảng Bôn sê vích đã nắm phần chắc trong tay. Ngày ấy là ngày đảng Phát xit của Mussolini và người bạn đường chính trị Ferrucio Vecchi ra đời. Ngày ấy Vecchi rút con dao sáng quắc bên mình, rồi chưng ra một lá cờ đen mà nói : ” Chúng ta thề bảo vệ nước Ý. Vì tổ quốc, chúng ta sẵn sàng giết hoặc chết”. Bên dưới, bộ đội áo đen Arditi hoan hô. Ngày ấy gần hết bộ đội Arditi biến thành tổ chức “Fasci Italiani di Combattimento”.
Và sau ngày ấy 23 hôm, tức ngày 13 tháng 4, tại Via Borsieri là sự xung đột giữa đám công nhân biểu tình. Đến buổi chiều, đảng xã hội ra lệnh tổng bãi công vào ngày 15.
Đúng kỳ hạn, thành phố vắng teo, lực lượng cảnh bị có mặt ở mọi chỗ để canh giữ. Mussolini có mặt ở đó cho bố trí lực lượng Arditi để đợi giờ khởi sự, ai nấy mang đầy đủ súng ống, lựu đạn, dao găm.
Im lặng kéo dài ba bốn tiếng đồng hồ, thợ thuyền bãi công, cán bộ, đảng viên đảng xã hội tập trung một nơi cả trăm ngàn người.
Thành phố yên lặng, bỗng nghe tiếng chân người bước đều và bài hát “Bandiera Rossa” (Cờ đỏ) vang lên. Ở một chỗ khác, lực lượng Phát xit Arditi cũng được lệnh tập họp, tiếng chân chạy rầm rập.
Đằng xa là đoàn biểu tình đỏ tiến tới, dẫn đầu là ba người đàn bà mặc sơ mi đỏ, hai đứa trẻ mang hình Lénine, đằng sau các nam nữ công nhân, trên khuy áo mỗi người đều cài bông hoa đỏ.
Lực lượng cảnh bị dãn ra để cho anh em Phát xit Arditi xông vào hướng dẫn đoàn biểu tình. Súng nổ lung tung, tiếng gậy gộc chạm nhau chan chát lẫn tiếng la hét và khóc lóc.
Đoàn biểu tình lùi lại, ngã gục, chạy tứ tán. Marinetti, một cán bộ nòng cốt của đảng Phát xit, cầm gậy quất vào mặt một đảng viên rồi quát lớn:
“Đồ “imbécile”, đồ tồi, thà mày vạn tuế Serrati thì còn được, chứ vạn tuế Lénine thì quả là đáng đánh đòn” (Serrati lãnh tụ đảng xã hội Ý).
Sau đó, nhóm thanh niên Phát xit ào ào đổ về phía tòa báo Avanti. Lực lượng cảnh bị ngăn cản không cho họ vào tòa báo. Họ bắn gục luôn thầy đội Martino Speroni. Những người khác đành thúc thủ. Thế là tòa báo Avanti bị đập nát vụn, máy móc bị bỏ ra ngoài đường, thợ in bị đuổi, hồ sơ bị đốt. Nửa giờ sau, trụ sở tòa báo đảng xã hội bốc cháy ngùn ngụt. Đoàn quân phá hoại ra đi thét vang dội : “Avanti non c’è piu ! Avanti non c’è piu !” ( Hết cả Avanti ! hết cả Avanti!).
Họ kéo về báo quán “Popolo” để hoan hô Mussolini lúc ấy đang đứng bên cửa sổ hân hoan chờ đợi.
Tối hôm ấy, đảng phát xit mở tiệc mừng chiến thắng đầu tiên của lịch sử đảng và thầy đội Speroni được phong thánh tử đạo của Phát xít.
Mussolini nói:
“Chúng ta khai chiến với đảng xã hội, không phải vì chúng là những người xã hội mà vì chúng đã hành động phản bội đất nước. Đối với tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, đối với chương trình xã hội và đối với chiến thuật đấu tranh xã hội, chúng ta sẵn sàng thảo luận. Nhưng đối với bọn đầu sỏ của đảng xã hội chúng từ lâu nay đã thành lũ phản động ngoan cố, nếu để cho tư tưởng của chúng đem ra thực hiện chắc thế giới này sẽ chẳng còn ai sống nổi. Chúng ta phải làm sao tách anh em vô sản ra khỏi bọn đó. Tuy nhiên, nếu giai cấp tư sản nghĩ rằng họ có thể dùng chúng ta như những ông thiên lôi thì họ đã lầm. ( But if the bourgeoisie think that they wil find lightning conductors in us, they deceive themselves). Bởi vì chỗ đứng của chúng ta là ở bên cạnh anh em lao động. Chúng ta phải tìm về với nguyện vọng của thợ thuyền. nếu anh em cần đòi làm 8 tiếng mỗi ngày, nếu anh em cần nghỉ bù 6 giờ sau khi làm đêm, nếu anh em muốn có lương đầy đủ lúc ốm đau, nếu anh em đòi kiếm soát công việc làm ăn của kỹ nghệ, chúng ta phải đứng đằng sau anh em để đấu tranh cho những nguyện vọng đó”.
SAU KHI PHÁI ĐOÀN Ý NHỤC NHÃ TRỞ LẠI PARIS – VẤN ĐỀ FIUME
Đối với vụ Orlando nhục nhã trở lại Paris, Mussolini viết một bài chửi rủa bọn đế quốc ngân hàng (imperialism bancaire) và cái lối đồng minh của bọn giàu có (l’alliance de la ploutocratie), gọi sự thắng lợi của Ý là thắng lợi què cụt (la victoire mutilée). Luận điệu quá khích cứ tăng lên mãi. Mussolini bảo:
“Bọn người ngồi chính quyền là bọn bị dịch hạch của chủ nghĩa nghị hội, bị giang mai đang nắm vận mạng Ý Đại lợi bằng đôi tay lở loét, bọn đó tự xưng là bộ trưởng nhưng chỉ đáng gọi là lũ con hoang, đần dộn, lũ thày pháp mê hoặc”.
( Ce Groupe d’hommes pestiférés et syphilitiques du parlementarisme et qui ont aujourd’hui dans leurs mains artériosclérosées les destins de l’Italie, ce groupe d’hommes qui se nomment ministres ne mérite pas d’autres définitions que celles de batards, d’idiots, de mystificateurs).
Tháng 6, ngày 19 chính phủ Orlando bị quốc hội bất tín nhiệm bằng 262 phiếu thuận,78 phiếu chống vì sứ mạng của ông ở Paris hoàn toàn thất bại. Wilson vẫn giữ nguyên lập trường không chịu cho Ý quyền sát nhập Fiume và Dalmatie mà chỉ cho Ý khu vực biên thùy Brenner tiếp giáp với Đức và bờ biển Trieste. Tình hình trở lên nghiêm trọng.
Kèm bên nội các Orlando sụp đổ là hàng loạt các vụ đình công, tính ra trong hai tháng 5 và 6 có tới 316 cuộc đình công, đổ đồng một ngày 10 vụ, ở trên khắp mọi lĩnh vực sinh hoạt, khắp mọi miền. Ngày 11 tháng 6, các giáo viên đình công xếp từng hàng mười lăm người đi đầu là một lá cờ đỏ. Tại Spezia cùng ngày này, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát với đám đình công làm hai người chết. Lạ hơn nữa là vụ các linh mục ở nhà thờ Loreto cũng đình công không làm lễ ngày 16 tháng 6 đòi tăng lương.
Giá sinh hoạt leo thang rất nhanh. Kể từ tháng 3, bãi bỏ kiểm soát hối đoái thì đồng lire mất giá, dịch vụ nhập cảng những loại hàng tối cần thiết hoàn toàn tê liệt.
Ngày 1 tháng 5, thợ thuyền Turin họp mít tinh lớn để kỷ niệm nữ lãnh tụ đỏ Rosa Luxembourg, nhiều lính giải ngũ cũng đến tham dự, Mussolini viết:
“Quý ông trong chính phủ, quý ông đã sẵn sàng đón nhận những đòi hỏi chính đángcủa dân lao động chưa?…Tuy nhiên, tôi cũng cần nói với anh em công nhân,xin các bạn hãy thận trọng kẻo lại rơi vào tay một thứ bạo quyền khác là đảng xã hội với những tên ác ôn cầm thú đảng làm trời. Anh em vô sản nên mau mau bẻ gãy bạo quyền của mấy tên chính trị cầm thẻ đảng.”
Chính quyền bỏ trống vì không có chính phủ vững vàng.
Ngày 20 tháng 6, tại công trường ” Del Duomo” những người phát xit biểu tình đưa ra khẩu hiệu : “Không có bọn trung lập trong chính phủ !” (Pas de neutralists au gouvernement). Một số dân biểu thân Phát xit cũng hô khẩu hiệu đó giữa nghị trường.
Ngoài đường phố có tin đồn phe quốc gia quá khích và quân đội đang âm mưu đảo chính. Các tướng lĩnh sẵn sàng ủng hộ Mussolini hay Annunzio, hoàng thân Philibert, em họ nhà vua, hiện là tư lệnh quân đoàn III sẽ là người lãnh đạo phe quân nhân.
Ngày 30 tháng 6 năm 1919, tỉnh Forli quê hương của Mussolini có nhiều cửa tiệm bị đập phá, phong trào này lan rộng sang các tỉnh khác nhất là Milan. Trong một ngày 200 tiệm bị cướp phá. Nitti, quyền thủ tướng, rất lo sợ trước tình hình quá nguy ngập. Các giám thị nhà giam đồng loạt đe dọa họ sẽ mở cửa để thả hết tù nhân nếu yêu sách của họ không được đếm xỉa. Tại Florence, một nền cộng hòa Sô viết tuyên cáo thành lập, toàn quốc những tổ Sô viết mọc lên như nấm. Mọi cuộc biểu tình đều mang một chất chung chung là lộn xộn, hỗn loạn, địa phương tịnh không có mục tiêu cách mạng rõ rệt. Đó là nhược điểm của đảng xã hội là đảng đã phát động phong trào.
Còn đảng Phát xit thì sao?
Xin đọc lời thú nhận của chính Mussolini mười năm sau đó:
” Kể từ tháng 3 năm 1919, tôi diễn thuyết trước cuộc mít tinh ở Milan rồi viết hàng loạt bài trên tờ ” Popolo” để hiệu triệu anh em đồng chí, những người từng ủng hộ chính sách can thiệp của tôi và những người từng hoạt động với tôi trong tổ chức Phát xit cách mạng(1915). Tôi không hề có một chủ nghĩa riêng biệt nào trong tư tưởng. Qua kinh nghiệm sống với chủ nghĩa duy nhất là chủ nghĩa xã hội vào các năm 1903 đến 1914 tôi tuy là kẻ tiền phong rồi bước lên hàng lãnh tụ mà tôi vẫn chưa biết chủ nghĩa thật sự nó như thế nào. Lúc đó, chủ nghĩa của tôi chỉ là chủ nghĩa hành động (doctrine of action)”.
Hành động ấy là đi vơ vét hất thảy những con người bị xã hội hậu chiến xua đuổi. Kết thân với bộ đội Arditi xui họ tổ chức khắp các tỉnh thị và tổ chức dùm họ một tờ báo lấy tên là “Ardito”. Dùng tờ “Popolo” làm tiếng nói cho đám người bị giải ngũ vất vưởng không công ăn việc làm. Lên tiếng ủng hộ thợ thuyền đình công nhưng đồng thời, cũng không tỏ ra thù ghét giới chủ bằng lý do quyền lợi giai cấp phải đặt dưới quyền lợi quốc gia.
Nói tóm lại, hành động ấy như Max Gallo viết là: ” Hắn chìa tay ra để bắt tay một cách rất cơ hội và mị dân”.(À chacun,il tend la main, opportuniste ou démagogne) .
Nhà vua ủy thác Nitti lập nội các mới với chính sách bảo thủ như cũ dàn hòa trong ngoài, trấn áp những hoạt động quá khích.
Ngày 9 tháng 7, Nitti trình diện nội các trước quốc hội. Sáo trộn tạm lắng xuống nhưng tình hình vẫn mỗi ngày thêm sa sút.
Nội các Nitti chỉ được số phiếu tín nhiệm của Quốc hội yếu ớt 257 chống 111.
Vừa mới lên, Nitti đã phải đối phó với các cuộc bãi công lớn lao do đảng xã hội và tổng Liên đoàn Lao công(C.G.L.) phát động. Ngoài mục tiêu đòi tăng lương, giảm giá sinh hoạt, cuộc bãi công này còn nhằm vào việc gây rối nội bộ để chính phủ tư sản Ý không còn sức mà gửi quân sang đe dọa nước Nga sô viết, như Orlando đã làm theo lời của thủ tướng Anh. Sự lãnh đạo của đảng xã hội quá kém nên cuộc bãi công chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu. Tuy nhiên, do cuộc bãi công mà một số cán bộ tài giỏi xuất hiện như Gramsci, Togliatti, Tosca, Bordiga. Thấy các lãnh tụ đảng vô năng, bốn người trên liền ly khai đảng để cùng nhau thành lập nhóm Cộng sản. Họ tung ra hai tờ báo nhỏ là “Ordine Muovo” (trật tự mới) và “Le Soviet”.
Gramsci viết : ” Cái đảng xã hội đáng thương hại vẫn vỗ ngực tự xưng là những người tiên phong của giai cấp thợ thuyền, thật ra họ chỉ là những chướng ngại vật của lực lượng vũ trang vô sản”.
(Ce pauvre parti socialiste qui se proclame le chef de la classe ouvrière n’est rien d’autre que les impedimenta de l’armée des prolétaires)
Mussolini nghĩ sao về đảng xã hội trong vụ này? Hãy nghe ông nói tại Milan hôm 22 tháng 7 năm 1919:
“Năm 1913, khi đảng xã hội đã hoàn toàn thối nát, chính tôi là kẻ đã làm cho những ông lớn của đảng đứng tim với đề nghị giai cấp vô sản cần phải tắm máu, giai cấp vô sản cần một ngày lịch sử. Bởi vì chỉ như thế mới có thể làm rung động quần chúng đang ở trong tình trạng bạc nhược và vô tri vô giác.
” Bây giờ tình hình đã đổi khác. Bây giờ không phải cứ ngồi mà lo sợ cách mạng vì nghĩ rằng chúng ta đương chới với trong làn sóng cách mạng. Tôi không sợ danh từ đó. Tôi từng là một tay cách mạng, đồng thời là một con người phản động. Đời luôn luôn như vậy. Tôi rất ngại những cuộc cách mạng chỉ biết phá hoại không biết sáng tạo. Tôi rất ngán sự quá khích hay chính sách điên rồ có thể đưa đến chỗ làm tan nát nền văn minh cơ khí còn non nớt của chúng ta, hay cướp đi mất những căn bản đạo đức dân tộc…Cách mạng hay phản động đối với tôi luôn luôn tôi cũng mang sẵn cái thước đo trong túi để nhận định xem mình cần phải hành động như thế nào, cái gì làm cho dân tộc Ý thêm hùng mạnh thì tôi theo, cái gì hạ thấp dân tộc Ý thì tôi chống…”
°
Phong trào bãi công lại nổi dậy lan sang cả Rome, Turin, Trieste. Lần này có thêm nông dân các vùng thôn quê tham dự nên tình trạng bi đát hơn. Thợ gặt, thợ cấy v. v… đồng loạt bỏ công việc đồng áng. Tiến xa hơn bước nữa, nông dân tự họp cùng đám nông dân giải ngũ huy chương đeo trước ngực, cầm cờ đỏ đi xâm chiếm ruộng đất. Quân đội lờ đi không can thiệp. Báo chí gọi họ là những người Bôn sê vích trắng.
Ngoài ra còn nạn cướp bóc hoành hành ngang ngược của lính đào ngũ.
Nội các Nitti chẳng đưa ra biện pháp nào khác hơn là biện pháp nhượng bộ. Ngày 2 tháng 9, ông cho ban bố một đạo luật chấp nhận chuyện cướp ruộng đất với ít nhiều điều kiện , ân xá tất cả những lính đào ngũ từ trước tới giờ. Nitti vốn là một giáo sư thừa thông minh nhưng thiếu gan dạ, thừa trí thức nhưng thiếu thực tế.Đạo luật đó khiến ông càng bị cô lập vì phe địa chủ thù hận, giai cấp tư sản bực mình, mà chẳng ai coi nó là ân huệ. Rút cục, ông phải đi xe hơi bọc sắt để đến quốc hội.
Ngày 24 tháng 8 năm 1919, cả tỉnh Fiume náo loạn, dân chúng đánh nhau tứ tung vì Ủy ban Liên hợp Đồng minh đến điều tra đã kết tội dân Ý. Đoàn chí nguyện Ý nhận được lệnh giải tán tức khắc. Trật tự sẽ do quân Anh đảm nhiệm. Quân Ý phải rời khỏi Fiume trong vòng 48 tiếng. Hôm trước khi tiễn quân đi, dân chúng đã hô to khẩu hiệu : ” Fiume của chúng ta Hay là chết!”.
Đêm 31 tháng 8 năm 1919, trung úy Ricardo Frasetto của trung đoàn vừa bị ép buộc rời khỏi Fiume, tập hợp sáu sĩ quan đồng chí trẻ tuổi trong phòng mình, rút dao chém xuống bàn mà nói:
“Nhân danh tất cả những chiến sĩ đã chết cho nền thống nhất của nước Ý, tôi xin thề tuyệt đối trung thành với Fiume, Fiume hay là chết !”.
Ngày 8 tháng 9 năm 1919, trung úy Gandjacquet tới Venise gặp thi sĩ Gabrielle d’Annunzio, bày tỏ ý định của đám sĩ quan trẻ tuổi đem quân về chiếm lại Fiume. Annunzio bằng lòng đi với họ.
Kế hoạch chuẩn bị trong vài ba hôm. Giới cao cấp quân sự ngoảnh mặt làm ngơ. Annunzio có nhiệm vụ viết bài cho báo chí và yêu cầu các báo chỉ đăng khi nào họ đã vào Fiume rồi.
Annunzio viết gửi Mussolini như sau:
“Lá bài đã được ngả ra tôi đi. Ngày mai tôi về chiếm lại Fiume bằng võ lực. Cầu Thượng đế giúp nước Ý chúng ta. Có thể đây là một hành động hấp tấp nhưng chẳng cách gì làm khác được. Một lần nữa, tinh thần lại chế ngự thể xác tồi tàn. Xin bạn hãy cho đăng lên tờ “Popolo” và mong bạn ủng hộ nhiệt liệt công việc của chúng tôi. Thân ái …”.
Ngày 11 tháng 9, Annunzio tới trại binh ở Ronchi để gặp gỡ mọi người, ông mặc quân phục đeo lon trung tá. Họ khởi hành lúc nửa đêm có trăng sáng. Tờ mờ sáng, họ gặp quân đội chính qui Ý dưới quyền tư lệnh của tướng Pittaluga, ông này cho lệnh bắn.
Annunzio tiến lên nói với tướng Pittaluga : ” Thưa thiếu tướng, nếu ngài nhất định bắn thì ngài có ngay trước mặt hai cái đích, chiếc huy chương vàng và dấu hiệu chiến thương của tôi”.
Tướng Pittalug đành hạ lệnh mở đường.
Ngày 12 tháng 9, hồi 11 giờ, Annunzio vào tỉnh Fiume. Chuông nhà thờ đổ hồi, còi hụ kêu inh ỏi xen với tiếng la thét náo nhiệt. Đến 18 giờ, Annunzio cho tập hợp dân chúng lại để làm một cuộc trưng cầu dân ý mới đòi Fiume sát nhập vào lãnh thổ Ý. (Ghi chú: Fiume là một tỉnh nằm dưới Trieste, phía bên bờ bể Adriatique bên kia nước Ý. Ngày nay Fiume đổi tên là Rijeka của nước Nam tư).
Dân chúng đồng thanh hô : ” Fiume là của Ý”.
Cú táo bạo của đám sĩ quan trẻ tuổi và Annunzio toàn thắng đã khiến Mussolini sững sờ.
Ngày hôm sau, tờ “Popolo” viết:
“Chính phủ Ý bây giờ không phải ở Rome nữa mà ở Fiume. Chỉ chính phủ Fiume mới đáng cho chúng ta phục tòng”.
Kèm theo là những lá thư của Annunzio gửi cho Mussolini. Đăng vậy nhưng thâm tâm Mussolini rất buồn vì Annunzio đã làm được việc ngoạn mục trước mình.
Tuy nhiên, tại Rome, thủ tướng Nitti lại phản ứng mạnh. Trước Quốc hội, vị giáo sư có khuôn mặt tròn trĩnh, đọc một bài diễn văn nẩy lửa đối với hành động của Annunzio, ông nói:
“Cái gì vừa xảy ra làm tôi rất buồn và tủi hổ, đây là lần đầu tiên sự phản loạn xâm nhập vào quân đội Ý”
Rồi ông dọa sẽ áp dụng luật “mặt trận” để xử trị sự phản loạn. Nghe xong bài diễn văn, thiên hạ vỗ tay.
Tuy nhiên, Nitti lại thấy xuất hiện ra mối lo khác. Trong hoàng cung quận công và quận chúa Aoste tỏ ra ý tán thưởng hành động của Annunzio.
Nitti thắc mắc có thể có âm mưu gì nữa đây và ông cho mật vụ canh phòng cẩn thận mọi hoạt động của quận công d’Aoste.
Bài diễn văn của Nitti làm cho Mussolini cáu tiết, trong số báo ngày 15 tháng 9, Mussolini viết:
“Chúng tôi yêu cầu ông Saverio Nitti hãy từ chức. Bài diễn văn ông đọc quá hèn…Sở dĩ ông nổi giận chỉ vì ông sợ cơn giận dữ của đồng minh”.
Còn Annunzio ở Fiume củng cố vững như bàn thạch, cho thành lập đạo quân lê dương 20.000 người. Nitti cho lệnh tướng Badoglio phong tỏa đường tiếp tế. Mussolini liền cổ động cuộc lạc quyên trên toàn quốc đem tiền giúp đỡ những người yêu nước ở Fiume.
Ngày 20 tháng 9, Annunzio tự phong cho mình chức tư lệnh thành phố Fiume với đầy đủ quyền hành. Ông cũng xin gia nhập nhóm ” Fasci di Combattimento” khu bộ Fiume, hàng ngày “nhà thơ” đi khắp các chỗ tiếp xúc với dân chúng. Khẩu hiệu tuyên truyền luôn luôn nhắc lại theo thể thức đối thoại giữa chính quyền Fiume và dân chúng:
“Nước Ý của ai?
Của chúng ta.
Kẻ thù của chúng ta làm gì?
Chia cắt nước ý.
” Bọn dân biểu đã làm gì?
Lũ ngu độn như dồi heo
Không, chúng đang đầu độc cả nước.
Hãy nọc chúng ra mà đánh.”
Quân đội đồng minh e Fiume là chuyện nhỏ sẽ reo tai họa lớn nên im lặng rút khỏi đây, Nitti qua trung gian của tướng Badoglio, hội kiến với Annunzio, hai người thỏa thuận cứ để tình hình Fiume tự biến chuyển theo ý dân.
Ngày 26 tháng 11, Tư lệnh Fiume chính thức tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Số phiếu xin sát nhập Fiume vào Ý chiếm đa số tuyệt đối, gấp 6 lần số phiếu phản đối.
Cả thành phố sung sướng ăn mừng. Nhạc sĩ Arturo Toscanini tới đây trình diễn cho đêm liên hoan.
GIẢI TÁN QUỐC HỘI, TỔ CHỨC TUYỂN CỬ
Vấn đề Fiume tạo thành cuộc tranh chấp chính trị lớn. Các chính khách bảo chính phủ bất lực trước việc làm của Annunzio, vậy thì chính quyền còn uy quyền với quân đội không?
Hội đồng hoàng cung nhóm họp mời hầu hết các nhân vật chính trị trong nước để bàn cãi chuyện giải tán quốc hội.
Phe quốc gia, nhóm cực đoan phản đối giải tán quốc hội. Phiên nhóm hôm 28 tháng 9, các dân biểu phát xit và xã hội đấm đá nhau túi bụi giữa hội trường, ông chủ tịch phải mời thừa phát lại tới.
Ngày 29 tháng 9, có đạo dụ của nhà vua giải tán Quốc hội, ấn định tổ chức tuyển cử vào 16 tháng 11 năm 1919. Tranh chấp chuyển sang chiến dịch tranh cử. Các đảng họp đại hội gấp. Đảng xã hội họp ở Bologne từ ngày 5 đến 8 tháng 10. Đại hội đã thông qua đề nghị xin gia nhập đệ tam quốc tế của Lénine bằng giơ tay. Đảng Phát xit họp ở Florence hôm 9 tháng 10 và loan báo có 45.000 đảng viên chia ra làm 148 phân bộ. Đây là đại hội đầu tiên. Mussolini làm mưa làm gió trong đại hội. Ông ca tụng bầu không khí oai hùng trong sạch của Fiume, ông chửi rủa thủ tướng Nitti, ông công kích chế độ quân chủ khi để cho Nitti đọc bài diễn văn như để hiệu triệu lực lượng Bôn sê vich. Ông đưa ra một cái sườn cho chủ nghĩa phát xit:
“Chúng ta chống tất cả những gì mơ hồ, chúng ta chống cái tính chất lý thuyết của chủ nghĩa. Chúng ta tới đây để đặt vấn đề đem hết nghị lực để giải quyết vấn đề không bị trói buộc vào thành kiến chính trị nào cả”.
°
Kết quả bầu cử là một cái tát vả vào mặt Mussolini. Tòa soạn “Popolo” buồn như nhà có đám tang, khi một đảng viên phat xit cầm tờ báo “Avanti” loan hàng tít lớn: ” Đảng xã hội đại thắng” về. Toàn quốc chừng 6 triệu rưỡi cử tri, thì đảng xã hội chiếm ngót 2 triệu phiếu đoạt 156 ghế quốc hội. Đảng làm nhiều người kinh ngạc là đảng Bình dân của Don Sturzo, với 1 triệu hai phiếu, dành 103 ghế trong khi đảng Tự do chỉ hơn chút đỉnh chiếm 129. Rồi tới đảng Dân chủ cấp tiến 73 ghế, đảng Xã hội ôn hòa 19. Các đảng khác chia nhau 50 ghế. Đảng Phat xit có vài ba ghế lèo tèo.
Riêng tại Milan, Mussolini được 4795 phiếu thì mấy ứng cử viên đảng xã hội đơ]cj những 176.000 phiếu.
Sáng ngày 17, một đám tang giả tưng bừng mang hình nộm Mussolini là hình ảnh người quá cố đem ném xuống song. Hôm sau, tờ “Avanti” loan tin: ” Người ta vớt được một cái xác sình thối trên sông Naviglio hình như kẻ bất hạnh là Mussolini”.
Mussolini im lặng căm tức và thú nhận sự thất bại đã làm mất nhuệ khí phát xit.
Buổi tối ngày 17, đảng xã hội lại làm những trò chế nhạo khác, bị một đoàn viên bộ đội Arditi tương cho trái lựu đạn làm 9 người bị thương. Lập tức, cảnh sát đến lục soát tòa báo “Popolo” và tìm được tại đây nhiều lựu đạn, súng ống, liền bắt giam Mussolini, Marinetti và Vecchi. Nhưng 48 tiếng đồng hồ sau, Mussolini được thả. Vài chính khách bảo thủ tướng Nitti: ” Bắt hắn làm chi, hắn bây giờ chỉ là kẻ trôi giạt đừng cho hắn cơ hội trở thành thánh tử vì đạo”.
Giới quân sự tỏ thái độ che chở cho đoàn Arditi nên gây áp lực với chính phủ.
°
Ngày 22 tháng 11, tờ “Avanti” đưa ra chính sách của đảng xã hội và của chính phủ nếu đảng xã hội cầm quyền, việc trước nhất là thừa nhận nền cộng hòa Sô viết Nga, tịch thu tài sản của bọn làm giàu bằng chiến tranh, giải tán quân đội v.v…
Ngày 1 tháng 12 , 156 dân biểu thuộc đảng xã hội đứng tụm nhau từng một khối trong tòa nhà quốc hội. Đức vua sắp đến đây đọc diễn văn khai mạc. Bên ngoài, các sĩ quan quân đội, sinh viên bảo hoàng, đảng viên phat xit đứng chờ hoan hô vua. Khi vua bước vào, phe hữu vỗ tay chào mừng thì các dân biểu xã hội đồng thanh hô lớn: ” Chủ nghĩa xã hội muôn năm ! Nền cộng hòa xã hội muôn năm !”
Bên ngoài, phe phat xit đứng chờ mỗi lúc một đông. Vua vừa ra khỏi, đám đông bên ngoài ùa vào quốc hội chửi rủa, la ó, đánh đập các dân biểu đảng xã hội. Lộn xộn tràn ra ngoài đường phố khi cá dân biểu xã hội bỏ chạy.
Thế là ngay hôm sau Rome, Milan,Gênes, Naples có lệnh tổng bãi công. Ở Turin, Gramsci cho tổ chức một đội công nhân tiền phong huy động tớ 120.000 người đi tìm sinh viên và các sĩ quan mà loạn đả. Ở Mantoue, nhà ga, kho hàng, nơi chứa vũ khí đều bị đập phá, nhà tù bị đốt cháy. Ở Milan và Turin tang lễ của một sinh viên và một nhân viên công lực đã được biến thành cuộc biểu tình chống đảng xã hội. Cả hai phía đều đưa ra những lời dọa trả thù, rửa hận.
Trong bầu không khí ngột ngạt sắt máu này, Mussolini lại có việc làm. Rất thính hơi về chính trị, nên ông nghĩ: ” Có những thắng lợi đè bẹp kẻ thù nhưng cũng có những thắng lợi để rồi chính mình bị đè bẹp bởi những trách nhiệm quá nặng mà mình chưa đủ sức cáng, cái thắng lợi của đảng xã hội ở vào trường hợp sau”.
Quả thật như vậy. Đảng xã hội sau khi thắng vẻ vang cuộc tranh cử đang đi vào khủng hoảng nội bộ trầm trọng, những lãnh tụ già như Turati muốn ôn hòa nên cực lực chống các lãnh tụ trẻ như Bombacci, Bordiga quá khích đòi theo gương Lénine. Vả lại trong số 156 dân biểu quốc hội chỉ có 10 dân biểu là công nhân chính cống. Thêm nữa, so với toàn quốc mặc dầu đảng xã hội nhiều ghế nhất nhưng vẫn là thiểu số. Đảng Bình dân của Don Sturzo có Tòa thánh ủng hộ đủ để chèn ép đảng xã hội rồi. Do nội bộ lục đục nên đảng xã hội chẳng quyết nổi phải theo hẳn một mặt nào, bạo động cũng dở dang mà ôn hòa lại càng dở dang hơn, cứ loanh quanh, luẩn quẩn giữa cái hố sâu hoài nghi.
Loạn lạc kéo dài, bơ vơ và hoài nghi với chán chường là đất tốt cho sự trồng cấy một cá nhân lãnh tụ. Mussolini , người duy nhất không bỏ lỡ dịp tốt để gây dựng cho cái Tôi của ông thành con người chờ đợi của mọi người, của tình thế.
Những bài viết trên “Popolo” suốt tháng 1 năm 1920 dùng toàn giọng điệu hãy tin tưởng vào Tôi đây:
“Chúng ta không đặt tín nhiệm nơi những chương trình to kế hoạch lớn, nơi đất hứa xa vời. Chúng ta hãy quay về với con người cá nhân. Chúng ta sẵn sang ủng hộ ai cho chúng ta tự do sống yên ổn, sung túc và nâng cao phẩm giá cá nhân. Chúng ta phải chiến đấu tiêu diệt kẻ nào áp chế làm chết cuộc sống cá nhân.
“…Hiện tại có tới hai tòa thánh, một ở Rome và một ở Moscou đang ban bố hiệu lệnh: “Chúng ta chống cả hai tôn giáo đó, không để chúng truyền nhiễm bệnh. Chúng ta đã từ bỏ thứ chân lý do trời bảo chúng ta đã nhổ nước miếng vào các loại giáo điều, ném vào sọt rác những thiên đàng và cười vào mũi bọn bịp bợm khoác lác rằng có thể có những phép lạ ma túy đem hạnh phúc trọn vẹn đến cho nhân loại”.
(Nous ne croyons pas aux programmes…à la terre promise. Nous retournons à l’individu. Nous appuierons tout ce qui exalte, granditt l’individu, lui donne la liberté, plus de bien être, une vie plus large, nous combattrons tout ce qui opprime, mortifie l’individu…
De deux Vaticans partent aujourd’hui les Encycliques de celui de Rome et de celui de Moscou nous nous sommes les hérétiques de ces deux religions. Nous seuls, sommes immunisés contre la contagion…Nous avons dèchiré toutes les véritiés révélées, nous avons craché sur tous les dogmes, rejeté tous les paradis raillé tous les charlatans qui preposent les drogues miraculeuses pour donner le bonheur au genre humain”.
3. TIẾN VỀ ROME
On peut faire une revolustion sans
barricddes, sans combats dans les
rues sans cadavers sur les trottoirs.
CURZIE MALOPARTE
BASTA
Sang năm 1920, đồng lire mất giá dữ tợn, gía chỉ còn bằng nửa năm 1919. Biểu tình,Cờ đỏ quốc tế ca càng làm cho tiền tệ mất giá mau hơn. Dân chúng bực bội lên án thợ thuyền về cái bệnh bãi công, tiếng Ý gọi là scioperomania (grevomanie). Dân chúng cũng chê chính phủ Nitti quá bạc nhược cứ lùi đến độ chấp thuận trả lương cho cả những ngày công nhân bãi công. Phe tư sản kêu trời và bảo nhau hãy chấm dứt tình trạng thối nát cắn quanh lẫn nhau để làm heo sữa cho phe thù nghịch. Thượng nghị sĩ De Cupis nói to vào mặt thủ tướng Nitti:
“Tôi hỏi ông đến bao giờ ông mới dám nói tiếng “basta ! (thôi đủ rồi) với những hành động phá hoại đó?”.
Nitti trả lời:
“Nếu bãi công là tai hại, thì còn điều tai hại hơn nữa là những người tưởng làm gì được cho tổ quốc bằng những hành động bất xứng”.
Nitti đã chẳng được giai cấp vô sản yêu quý nay ông bị giai cấp tư sản ghét thậm tệ luôn.
Ngày 7 tháng 3 năm 1920, giới tư sản triệu tập một đại hội do kỹ nghệ gia Silvestri làm chủ tịch để tìm biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng xã hội đang làm tê liệt nước Ý . Đây là đại hội lịch sử mà báo chí đặt tên là “Confindustria”, chữ viết tắt của “Confederazione generale det l’Industria”. Vấn đề đặt ra trước nhất là một chính phủ mạnh và họ thảo kế hoạch lật đổ chính phủ Nitti.
Đòn đầu tiên, đảng Bình dân tuyên bố rút khỏi các chức vị trong nội các. Nitti liền cải tổ nội các bằng cách trám những lỗ hổng, điền thế số bộ trưởng giám đốc ra đi bằng những người bất đắc dĩ kèm theo lời tuyên bố:
“Tôi lo ngại hành vi bạo động của nhóm cách mạng nhưng tôi còn lo ngại hơn đối với những phá hoại từ khuynh hướng chính trị khác”.
Đến đây, đảng xã hội phạm vào lỗi chính trị khá nặng. Để vuốt Nitti, một lãnh tụ xã hội nói trên diễn đàn:
” Cách mạng là một kỷ nguyên chứ không phải là một ngày. Chúng ta sẵn sàng chờ đợi và chiến đấu năm này qua năm khác, trường kỳ và gian khổ”.
Bài diễn văn làm thất vọng hầu hết những người tin tưởng, hy vọng vào đảng xã hội sẽ đem ngay cho họ cuộc đời mới. Nữ cán bộ Kulischoft trong bức thư viết cho lãnh tụ Turati bảo: ” Bài diễn văn ấy đưa chúng ta vào con đường tự sát”.
Bãi công vẫn tiếp tục, tuy nhiên, nhóm lãnh tụ già của đảng không chịu tiến xa hơn từ chối không ủng hộ hay giúp đỡ mọi hành vi quá khích. Thành thử đội tiền phong của Gramsci chẳng làm gì được hơn, còn phong trào bãi công của mấy triệu thợ thuyền trên toàn quốc tuy có gây bế tắc cho chính quyền nhưng chính mình cũng lâm vào tình trạng bế tắc.
Nhiều nơi để chống lại bãi công triền miên, sinh viên, học sinh tình nguyện đến làm việc cho các kho hàng hoặc tự động đi làm vệ sinh thành phố như đổ rác, quét đường.
Ngày 9 tháng 5, nội các Nitti bị bất tín nhiệm phải từ chức.
Ngày 21 tháng 5, Nitti lại đứng ra lập nội các lần thứ ba.
Sinh viên quốc gia cực đoan và đảng phat xit liên kết họp tại trường đại học Rome định biểu tình trước hoàng cung nhưng quân ngự lâm không cho, gây thành xô sát, 4 cảnh sát chết cùng với 1 người trong nhóm biểu tình.
Nội các Nitti gặp thêm khó khăn.
Giolitti xuất đầu lộ diện sau thời gian dài im tiếng, ông cho báo chí phỏng vấn và trả lời mọi câu hỏi chính trị có tính cách nóng bỏng nhất. Gần hết các khuynh hướng bảo thủ đều mong Giolitti trở lại để khỏi phải thấy Nitti nữa, để xóa bỏ những vết tích chiến tranh để tái xây dừng nước Ý êm đềm xưa.
Ngày 4 tháng 6, Nitti tự giáng cho mình nhát ân huệ bằng việc đưa ra một sắc luật cho tăng giá bánh mì. Khắp nơi bàn dân thiên hạ chửi rủa lung tung. Hàng loạt biểu tình đẫm máu nổi dậy, mọi ngành tê liệt.
Ngày 9 tháng 6, nitti phải rút sắc luật kia về và đưa đơn từ chức. Sau này, ông viết trong cuốn hồi ký ” Révélation” rằng:
“Chính là nhóm tài phiệt ngân hang của ngân hang thương mại, nhóm làm giàu trên chiến tranh đã hoạt động rất mạnh để chống vụ tăng giá bánh mì mà họ từng đề nghị với tôi xin tăng, để rồi sau khi tôi từ chức, họ lại xin tăng. Tôi bị rơi vào cái thế kỳ lạ, những phần tử tiến bộ nhất đã bỏ phiếu chống tôi trong khi các phần tử chịu thiệt hại về chính sách của tôi nhất thì lại đặt hết tín nhiệm nơi tôi, họ biết tôi tranh đấu cho chế độ quân chủ hiến chinh (monarchie dèmocratique)họ hiểu tôi thật lòng muốn kiến thiết nền kinh tế đất nước.
Nội các Nitti đổ. Tờ “Popolo” số 10 tháng 6 hoan hỉ viết: ” Hôm qua cái bào thai nửa lập pháp nửa thư lại đã bị mời ra khỏi chính trường”.
Sự thất bại của Nitti kéo theo cái chết của chế độ quân chủ hiến binh.
°
Tài chính thâm thủng tới 18 tỉ đồng “lire”, tiền tệ tiếp tục mất giá, đời sống càng ngày càng đắt đỏ thêm nữa. Giolitti đề nghị nhiều biện pháp nghiêm khắc như tổ chức một cơ quan kiểm soát những số tiền bất chính vơ vét qua sự lợi dụng chiến tranh và đòi tịch thu chúng. Ông muốn giành quyền lợi cho quốc hội chi phối những biện pháp nghiêm khắc đó và nhất định từ bỏ lối cai trị bằng sắc luật.
Người ta đem toàn bộ vấn đề ra bàn cãi tại quốc hội. Giolitti vừa bước chân vào tòa nhà lập pháp thì một dân biểu kêu to lên: ” Kẻ phản bội sắp lên tiếng”. (Le traitre va parler)
Bên trong đang bàn cãi thì bên ngoài lại đình công, lại biểu tình lung tung. Nặng nhất là sư đoàn II kỵ binh nổi loạn.
Giolitti lo ngại. Nổi loạn từ trại lính lan ra ngoài dân gian. Có tin một chính phủ lâm thời đã được thành lập ở Iési. Rồi tình trạng lộn xộn tràn qua tỉnh Ombrie, rồi tổng bãi công ở Rome.
Sir George Buchanan, đại sứ Anh bên Ý gửi về Anh những báo cáo rất bi quan. Ông đã từng chứng kiến cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga. Bây giờ tình hình còn đáng ngại hơn nữa.
Ngày 11 tháng 7 tại Spalato, một số sĩ quan thủy quân Ý bị dân Croates (Nam tư) hành hung, hạm trưởng tàu “Puglia” bị đâm chết. Ngày 13 tháng 7, ở Trieste, để trả thù vụ Spalato, một đội phat xit xông vào nơi cư ngụ của dân Nam tư đánh phá nổi lửa đốt.
Ngày 20 tháng 7, sau mấy hôm bãi công, xe điện chạy trở lại, nhưng mỗi xe điện đều có cắm cờ đỏ.
Lập tức, đội Arditi, đảng viên phat xit và sinh viên họp nhau tấn công bất cứ xe nào mang cờ đỏ bắt hạ cờ hoặc bắt xé ném xuống đất. Cảnh sát mặc kệ,họ còn vui mừng thấy đám thanh niên giúp họ giữ trật tự, đem cờ ba màu đánh đuổi cờ đỏ.
Ngày 3 tháng 8, thủ tướng Giolitti đánh điện ra lệnh cho quân Ý đóng tại xứ Albanie rút quân về. Tướng Bonomi bất tuân lệnh trả lời : ” Tình hình tronh nước không cho phép ông rút quân về”.
Ngày 13 tháng 8, cuộc điều đình giữa thợ thuyền và chủ nhân ngành đúc thép hoàn toàn thất bại. Công nhân sửa soạn kế hoạch chiếm các nhà máy.
Ngày 17 tháng 8, nghiệp đoàn công nhân đúc thép FIOM ( chữ viết tắt của Federation Italienne des Ouvriers Métallurgiques) loan báo sẽ chiếm cứ các nhà máy. Giới chủ nhân liền ra biện pháp đóng cửa không cho công nhân vào làm việc nữa. Họ hy vọng chính phủ đem quân đội can thiệp. Ngày 28 tháng 8, tất cả các nhà máy AlfaRoméo Ở Milan đóng cửa theo quyết định của chủ nhân và được canh giữ bởi cảnh sát.Ngày 30 tháng 8 , công nhân ở lì trong nhiều nhà máy tại Milan, phong trào ở lì “lây” sang Turin, khí thế mạnh hơn những lần trước khiến cho các chiến lược gia của giới chủ bị bất ngờ. Nhà máy Fiat, công nhân đã lập ra ủy ban điều động, nhà máy hội họp ngay trong phòng ban giám đốc, treo cờ đỏ búa liềm, công nhân tụ tập nơi hội trường để thảo luận mọi vấn đề lien quan đến sản xuất và cách mạng. Họ cũng đưa vũ khí vào, đồng thời xếp bao cát từng chỗ để làm những ổ chống cự. Khắp tường kẻ đầy khẩu hiệu : ” Sô viết muôn năm ! Cách mạng muôn năm !”
Đại sứ Pháp tại Ý trông tình hình gửi báo cáo về chính phủ Pháp nói: ” Kỹ nghệ luyện kim và cơ khí Ý tràn ngập bởi chủ nghĩa Bôn sê vich”.
Vùng thôn quê, chiến dịch chiếm ruộng đất bành chướng. Dân biểu Miglioli thuộc đảng Bình dân cầm đầu phong trào “bôn sê vich” trắng này, lên tiếng đòi phải thiết lập hội đồng quản trị đất ruộng. ( Consigli dicascina) để nông dântrực tiếp điều khiển việc phân phối đất ruộng canh tác. Phe “đỏ” thì phát động phong trào đòi công ăn việc làm cho nông dân nghèo khổ. Cả hai phe trắng đỏ tuy nhằm những mục tiêu khác nhau, nhưng cùng đến chung một điểm tạo bầu không khí tiền cách mạng trên nước Ý.
Mussolini thấy tình thế nghiêng nghiêng ngả ngả nên thận trọng. Trước hết, ông tìm cách móc nối để bày tỏ lập trường. Ông cũng gặp Buozzi và cho biết : ” Đảng phat xit chỉ can thiệp trong trường hợp cuộc nổi dậy hoàn toàn do bôn sê vich điều động. Chuyện nhà máy của công nhân hay của cá kỹ nghệ gia, đảng phat xit không lý đến”.
Còn Giolitti? Ông bám chặt lấy chính sách bất động, ngồi yên chờ tình hình ung thối. Ông lý luận : ” Như năm 1904, cứ m t ặc cho thợ thuyền tự tìm thấy kinh nghiệm tới một điểm nào đó,họ sẽ hiểu rằng họ đang theo đuổi mộng ảo, có như vậy họ mới thoát khỏi cơn bệnh ảo giác nguy hiểm”.
Nhóm kỹ nghệ gia nóng ruột vào gặp thủ tướng đòi sử dụng vũ lực đuổi thợ thuyền ra khỏi nhà máy.
Giolitti cười hỏi: ” Vậy quý ngài muốn tôi mang bom tới oanh tạc nhà máy của quý ngài hay sao? Tôi cũng có biện pháp đưa quân đội và cảnh sát chiếm các nhà máy nhưng chỉ thi hành biện pháp này đối với những nơi nào quan hệ sinh tử cho đời sống của xứ sở mà thôi”.
Thất ra, Giolitti đã âm thầm hạ lệnh quân đội bao vây nhà máy, tăng cường sức mạnh đàn áp cho các tỉnh kỹ nghệ và làm sẵn một sắc luật trưng dụng toàn bộ công nhân đúc thép, có chữ ký của vua. Nhưng ông vẫn chờ sự mòn mỏi mệt nhọc bên phía thợ thuyền.
Giolitti nghĩ đúng.
Ngày 10 và 11, tổng công đoàn họp tại Milan. Đề nghị của Aragona, tổng thư ký, đòi chính phủ và giới chủ nhân phải thừa nhận quyền kiểm soát của nghiệp đoàn trong các nhà máy, được thông qua bằng gần 600 ngàn phiếu thuận với hơn 400 ngàn phiếu chống.
Aragona biện minh cho đề nghị của mình như sau : ” Có thể chúng ta phạm lỗi lầm khi chấp nhận sự nhượng bộ lớn lao như thế. Tuy nhiên, danh dự và xứng đáng của chúng ta vẫn toàn vẹn ở chỗ chúng ta đã chống được sự bùng nổ cách mạng do bọn người quá khích súi dục”.
Ngày 12 tháng 9, thủ tướng Giolitti lặng lẽ lên xe lửa đi Aix les Bains gặp đại diện giới chủ nhân là Alexandre Millerand, sung sướng cho biết chính sách bất động của mình có hiệu quả tốt đẹp.
Ngày 15 tháng 9 , Giolitti tới Turin gặp Buozzi và Aragona, hai lãnh tụ công đoàn thảo kế hoạch đưa công nhân ra khỏi các nhà máy và làm dự thảo sắc luật về quyền kiểm soát xí nghiệp của nghiệp đoàn thợ thuyền.
Ngày 27 tháng 9, công nhân rút khỏi nhà máy.
Ngày 2 tháng 10, công nhân đi làm việc trở lại. Về các sắc luật kia, được biết rằng nó cứ nằm hoài trong tình trạng dự thảo cho đến lúc bị bỏ quên luôn.
Báo ” Corriera della Sera” số đề ngày 29 tháng 9 viết:
“Nước Ý bị đe dọa chìm ngập. Nếu cách mạng không xẩy ra hoàn toàn chỉ vì tổng công đoàn không muốn, chứ chẳng phải cách mạng không vượt nổi chướng ngại. Lãnh tụ Gramsci lên án cánh “reformist” của đảng xã hội và tổng công đoàn phải chịu trách nhiệm về sự thất bại”.
Lời bình luận phát hiện lên một điểm đáng chú ý là: Tâm lý toàn quốc lúc đó thật là nửa nạc nửa mỡ, có mạng thì lo mà không có cách mạng thì tiếc. Trên thực tế, người ta thấy thợ thuyền sau một thời gian mấy năm tranh đấu xoay vòng tròn mãi đã đâm chán, lòng nhiệt thành mất hẳn, chủ nghĩa hoài nghi tăng cao. Cùng trong thời gian này, phong trào công nhân trên toàn cõi Âu châu cũng suy sụp chẳng riêng gì Ý.
Vài ngày sau khi thợ thuyền trả nhà máy cho chủ, lãnh tụ xã hội Serrati đi đường bị một nhóm đảng viên trẻ tuổi bợp tai, rồi họ hùa nhau lấy kéo cắt bộ râu nhà lãnh tụ.
PHAT XIT NÔNG THÔN
Lựu đạn, dao găm, súng lục,bom, cả liên thanh nữa hàng ngày được dấu đút về tờ báo “Popolo”. Ngay bàn giấy của Mussolini, đặt vừa tầm tay với, cũng có súng và lựu đạn.
Phat xit tổ chức những tiểu tổ vũ trang.
Mussolini tuyên bố:
“Phat xit là “fascio di combattimento”, những nhóm người chiến đấu, danh từ chiến đấu này phải hiểu rằng hình tượng này rõ ràng là đánh nhau, đánh nhau với vũ khí hòa bình và cũng đánh nhau với vũ khí chiến tranh”.
( Le Fascio s’appenlle vaisceau de combat et le mot combat ne laisse aucun doute là dessus; combat avec des armes pacifiques, main aussi avec des armes guerrieres)
Qua tố cáo của quốc tế xã hội thì ngày 20 tháng 10, tham mưu trưởng quân Ý đã cho ra một thông tri lời lẽ có vẻ khuyến khích các sĩ quan quân đội nên gia nhập đảng Phatxit. Nhiều sử gia sau này còn cả quyết chính Bonomi, tổng trưởng quốc phòng Ý, trong nhiều cuộc đàm thoại đã gần như chính thức, rủ hơn 50.000 sĩ quan giải ngũ vào đảng phat xit.
Chưa hề thấy tài liệu nào chứng minh cho những lời tố cáo trên đây, chỉ biết rằng sự thực khi đảng phat xit mở rộng hoạt động thì chức quyền địa phương, cả quân đội lẫn cảnh sát, đều dành mọi dễ dàng cho đảng này.
Gần cuối năm 1920, đảng phat xit thành lập các phân khu bộ phat xit nông thôn.
Tình hình nông thôn Ý ở những vùng ruộng đất phì nhiêu, điền chủ đã bán lại ruộng đất cho tá điền rất nhiều. Số chủ ruộng tăng từ 21% lên 36%. Đám chủ nhân mới còn hăng hái bảo vệ ruộng đất của họ gấp mười lần đám chủ nhân cũ. Chủ nghĩa xã hội chẳng có chương trình nào thiết thực cho tình trạng khác hơn là chủ trương xã hội hóa hay hợp tác xã. Thành thử nông thôn vẫn còn cánh cửa ngỏ rộng để chủ nghĩa phát xit bước vào.
Chủ nhân mới cũ đoàn kết với nhau chống hoặc vờ nhượng bộ rồi kéo dài tất cả những đòi hỏi của Liên đoàn công nhân ruộng đất ( Fédération des Travailleurs de la Terre). Họ bỏ tiền để tổ chức những nhóm người đi đánh phá các cơ sở đầu não quần chúng nông dân đấu tranh như nhóm của Italo Balbo hay Arpiniti.
Tại Florence, một số đảng viên phát xit đã được kỹ nghệ gia và điền chủ ngầm giúp tiền để thành lập đoàn Liên minh Công dân tự vệ (Alliance de Défence civique).
Tại Pavie, Mortara, điền chủ ủng hộ nhóm chiến đấu cho giáo dục và bảo vệ xã hội bằng cách chịu đài thọ tiền lương hàng tháng.
Nhà văn Ivone Kirpatrick viết:
“Từng đoàn phát xit tràn về đồng quê tìm cách đánh các đảng viên xã hội nông thôn, giải tán mọi cuộc mít tinh hoặc đập phá trụ sở mà chỉ gặp sự can thiệp lờ phờ của cảnh sát. Chỉ trong thời gian ngắn, gần hết các tỉnh miền Bắc đều có tổ chức phát xit và đoàn võ trang phát xit gọi là ” Squadra”.
( bands of Fascists roamed the countryside beating up the Soviets, dispersing their meetings or destroying their premises without much interference from the police. Soon almost every northern town had its fascio and its detachment termed a Squadra).
Trong thời gian phát xit bành trướng thế lực ở vùng nông thôn thì Mussolini học lái máy bay, người dậy là viên phi công lỗi lạc tên là Cesare Redaelli. Tác dụng chính trị mà Mussolini nhằm qua việc học lại phi cơ là muốn mình thành một hình ảnh con người của thời đại tiến bộ. Cũng như ông từng tạo cho ông hình ảnh một lãnh tụ bất khuất vô địch, chất phác, oai vệ.
TRỞ CỜ CHỐNG ANNUNZIO
Chính phủ lại thi hành chính sách phong tỏa Fiume. Để sống còn, chính quyền Fiume phải làm cướp biển. Vào tháng 9, bọn giặc biển Fiume dưới quyền chỉ huy của đại úy Giuletti đã cho bắt tàu ” La Cogne” chở nhiều đồ quý báu.
Annunzio đích thân mở những chiếc vali đầy ắp bạc, rồi tự tay viết thư cho chủ tầu, dưới ký tên “Trùm giặc biển” cho biết tiền đã đến rất đúng lúc, Fiume đang bị khó khăn vì phong tỏa. Cũng trong tháng này, Annunzio tuyên cáo đặt quyền nhiếp chính của Ý ở đây và cưỡi ngựa đi duyệt binh, quân lính mang cờ nền đỏ trên có con rắn vàng quấn vòng tròn cắn lấy đuôi nó, tượng trưng cho sự vĩnh cửu.
Mussolini tuy chẳng mấy hài lòng trước ngôi sao sáng Annunzio nhưng cũng phải ca tụng:
“Hai năm trở lại đây chỉ có độc nhất một người đã làm cho tất cả mọi lực lượng trên thế giới phải khoanh tay chịu thua, đó là Gabtielle d’Annunzio. Chúng ta rất kiêu hãnh được đứng bên hàng ngũ của thi sĩ”.
Đến lúc Sforza, tổng trưởng ngoại giao Ý, mời Mussolini tới nói chuyện cho biết hiện Ý và Nam tư đi tới chỗ thỏa thuận thì Mussolini lại gật đầu đồng ý với chính phủ chống lại Annunzio.
Ngày 12 tháng 11 năm 1920, hiệp ước Rapallo được ký kết với Nam tư, Ý có quyền trên toàn vùng Istrie và phải trả Nam tư Dalmatie. Còn Fiume sẽ là một nước độc lập. Hiệp ước khá lợi cho Ý nhưng lại đi ngược ý muốn của những người quốc gia cực đoan.
Sau khi gặp Sforza về, Mussolini có ngay giọng điệu trở cờ với Annunio:
“Dân Ý chẳng nên tự thôi miên mình về vấn đề bờ biển Adriatique, đấy chẳng qua chỉ là một cái vịnh nhỏ bé. Nước Ý muốn phát triển đất sống cần phải hướng sang vùng Địa Trung hải”.
Sở dĩ Mussolini trở cờ là vì Fiume bây giờ không còn là trung tâm biến cố chính trị nữa, vả chăng cũng đã đến lúc phải dìm ngôi sao Annunzio xuống.
°
Mặc dầu đảng xã hội phạm nhiều sai lầm chính trị, nhưng trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh, thị xã, đảng này vẫn dẫn đầu số phiếu, uy danh của nó còn vang dội lại.
Ngày 21 tháng 11, hội đồng tỉnh Bologne sẽ họp khóa đầu tiên. Toàn thể dân chúng được mời đến tòa hành chính để ăn mừng đảng xã hội thắng cử.
Từ ngày 18 tháng 11, người ta thấy nhan nhản cáo thị đánh máy dán trên tường làm sởn tóc gáy người đọc, nội dung như sau:
“Chủ nhật 21, yêu cầu các bà và những ai yêu chuộng hòa bình và mong yên ổn làm ăn hãy ở trong nhà không nên ra đường. Nếu có lòng phụng sự tổ quốc thì treo ra cửa sổ lá cờ ba sắc Ý Đại lợi. Đường phố Bologne hôm ấy chỉ có các đảng viên phát xit và bọn Bôn sê vích. Đây sẽ là cuộc thử thách nẩy lửa nhân danh nước Ý”.
Cáo thị ấy là của đoàn phát xit chiến đấu do Leandro Arpinati cầm đầu.
Đúng ngày chủ nhật 21. Hội đồng thành phố khai mạc. Hơn 20.000 dân tụ họp để nghe đảng ca xã hội. Công nhân hỏa xa Gnudi được bầu làm thị trưởng bước ra bao lơn tòa thị sảnh vẫy tay chào đám đông và rừng cờ đỏ.
Bỗng hàng rào cảnh sát giãn ra, rồi tiếng súng nổ bắn vào đám đông, vào bao lơn tòa thị sảnh, lựu đạn quăng từ các cửa sổ xuống. Đám đông xô nhau chạy toán loạn. Trong phòng họp có tiếng kêu thét, các nghị viên đập lộn bắn nhau, hỗn độn, chẳng ai nhận ra ai hết. Luật sư Giordani, một phế binh kẻ thù bất động đái thiên của đảng xã hội, bị bắn chết, một người khác tên Colliva cũng là kẻ thù chẳng đội trời chung với đảng xã hội bị thương nặng. Tất cả có 9 người chết, hơn trăm người bị thương. Biến cố này được đồn đại ngoài đường phố như là âm mưu của đảng xã hội nhằm tiêu diệt đối lập. Sự thật ai đã giết Giordani? Mọi cuộc điều tra của chính quyền chẳng bao giờ cho biết. Bọn phát xit trà trộn vào phòng hội? không rõ. Tin tức mơ hồ.
Vụ Bologne dù sao cũng là biến cố chính trị quan trọng. Nó là bước nhảy vọt về sự bành trướng tổ chức và bạo động của đảng phát xit. Nó là ngày mà đảng xã hội mất hẳn đi một nửa.
Ông Paul Lombard viết:
“Ce sang une fois versé, il n’y a plus d’espoir pour le socialism de reprendre sur les masses son prestigieux pouvoir. Il est définitivement vaincu”. (Thứ sáu ấy đã đổ ra, không còn một hy vọng nào khả dĩ vớt lại quyền lực uy tín của đảng xã hội trong lòng quần chúng nữa. Đảng xã hội hoàn toàn là kẻ bại.)
Trong khi sức mạnh phát xít lớn thật nhanh, tháng 7 năm 1920 nó mới có 108 đội (fascio) mà tháng 10 nó đã tăng lên 800 và đầu năm 1921 thành 1600 đội.
Giới tư bản kỹ nghệ, giới điền chủ vui vẻ quăng tiền trợ cấp cho phát xit hoạt động nuôi quân.
Mussolini cho biết: ” Chúng tôi muốn nói cho thiên hạ biết, từ nay chúng tôi đã đủ đồ nghề (suffisamment outillés) để đẩy lui hoặc bẻ gãy bạo lực của tụi P.U.S. (đảng xã hội ) quá khích.
Đủ đồ nghề nghĩa là thế nào?
Là đủ súng ống do các trại lính mở kho súng đạn, ngầm cấp phát cho đảng phát xit, đôi khi còn cho mượn cả xe cam nhông để phát xít chuyển quân.
Mussolini bao giờ cũng dùng luận điệu tự vệ để biện bạch cho chiến dịch tấn công của đảng phát xit trên toàn nước Ý. Ông nói: ” Chúng tôi đâu phải là những kẻ uống máu người, chúng tôi đâu có ưa thích bạo động. Nhưng chúng tôi sẵn sàng nếu bị ép buộc chấp nhận nội chiến”.
Tại Bologne, một cán bộ phát xit trẻ tuổi, luật sư Dino Grandi, cho xuất bản tờ nhật báo lấy tên là ” L’Assalto” (Tấn công) để tuyên truyền đồng thời biện bạch cho mọi hành động phát xit.
Ngày 21 tháng 12, Italo Balbo mang đạo quân phát xit tấn công chiếm tòa hành chính ở Ferrare, rồi cai trị luôn tỉnh này. Họ mang theo cả súng liên thanh Saint Etienne.
Tại sao thủ tướng Giolitti không đả động gì đến những hành động của Phát xit?
Giolitti đã thỏa thuận cùng các đảng chính trị lập hiến, tự do v. v… để cho hành động bạo lực phát xít đập vụn thế chính trị đảng xã hội, dùng căm phẫn đối với chính sách đối ngoại quay ngược về giải quyết chính sách đối nội.
Max Gallo phê bình Giolitti, bảo:
“Machivelisme dangereux et bien théorique mais qui semble d’abord réussir”. (ông ta mang trong óc thứ thủ đoạn ” machiavelique ” rất nguy hiểm và rất đúng lý thuyết nhưng hình như nó chỉ thành công lúc đầu thôi).
Cuối tháng 12, 1920 chính phủ Giolitti quyết liệt giải quyết vấn đề Fiume, để giữ đúng cam kết với Nam tư trong hiệp ước Rapallo. Đô đốc Millo về tuyên thệ trước mặt hoàng đế Victor thề dứt khoát nhổ cái gai Fiume. Sau đó, đô đốc Millo mặt chan hòa nước mắt hạ lệnh cho quân rút khỏi vùng Fiume. Cùng một lúc, tướng Caviglia báo cáo cho Annunzio thời hạn buộc phải trả lại Fiume. Annunzio trả lời: ” Không thừa nhận quyền uy tướng Caviglia và không sợ phải đánh nhau với quân chính phủ”.
Mặt khác, Annunzio viết bức thư sai đại úy Arturo Marpicati cấp tốc đi gặp Mussolini. Thư có đoạn viết: “Bạn có sẵn sàng cho nổ các cơ sở cai trị và các bót cảnh sát, chúng ta cùng làm cách mạng. Xin bạn trả lời tôi có hay không?”
Mussolini đọc thư xong tỏ ra bực bội, bực bội với tất cả từ Giolitti đến Caviglia, đến Annunzio. Ông bảo với đại úy Marpicati:
“Nhà thi sĩ của chú thật là một đại thi sĩ nhưng ông ấy điên, điên, điên !”
Ông triệu tập một số cán bộ cao cấp phát xit. Thời gian thảo luận rất ngắn. Đảng từ chối lời yêu cầu của Annunzio.
Tối ngày 24 tháng 12, tướng Caviglia đưa quân tiến vào Fiume, quân đội lê dương của Fiume bố phòng chống cự. Nhưng quân ô hợp Fiume sao đối địch nổi với quân lính nhà nghề của chính phủ. Ngay loạt đụng độ đầu tiên, quân Fiume đã bị thiệt hại nặng. Annunzio mấy lần lên radio kêu cứu mà chẳng có lấy một tiếng vang dội lại. Fiume cứ việc chiến đấu đơn độc.
Ngày 26, pháo hạm Doria bắn một trái đại bác trúng dinh tư lệnh Fiume bên cạnh phòng làm việc của Annunzio.
Ngày 28, chính quyền Fiume đầu hàng. Annunzio bị buộc phải rời khỏi đây trong vòng một tuần lễ.
Hôm 31, trước đám tang tập thể với 35 cỗ áo quan, thi sĩ nói mấy lời ai điếu:
” Đêm đổ xuống một mầu đen ảm đạm, nhưng trong lòng chúng ta, mỗi người vẫn có ngọn lửa hồng. Ngày mai bước sang năm mới. Trên đầu kẻ chết đều được quấn vòng hoa vinh quang mà đôi hàm răng vẫn cắn chặt lấy con dao găm sáng quắc đưa tròng mắt sâu nhìn chăm chăm về nơi xa lạ, nơi đó dành cho ai, cho chúng ta…”
( La nuit est somber mais chacun de nous a la flame dans le poing. Bientôt le nouvel an commence. Une tête de mort couronnée de lautiers serre entre ses dents découverts le poignard nu et de ses profondes orbites regarde fixement vers l’inconnu. À qui l’inconnu? À moi, à nous…)
Sớm mồng một, thi sĩ âm thầm về nghỉ tại căn nhà bên hồ Garde. Cả nước Ý chẳng ai động đậy gì cả. Dân chúng đã quên Fiume. Những người quốc gia đã nguội lạnh vì còn bao vấn đề khác phải lo đến.
Tòan bộ lực lượng lê dương của Fiume bỏ theo đảng Phát xit xung vào các đại đội “Squadra” mặc đồng phục sơ mi đen mũ đen. Đảng phát xit người càng đông, vũ khí càng đầy đủ, càng tiến hành bạo lực mạnh hơn. Mục tiêu của đảng là những trụ sở đảng xã hội, những nông hội , những tổ chức hợp tác xã, những cơ cấu gây quỹ tương trợ lao động.
Giữa đêm khuya, phát xit đi từng đoàn tới vây đánh, đốt phá. Nếu nơi nào kháng cự, lập tức phát xit có điện thoại báo gọi và nhiều xe cam nhông đổ người xuống tiếp cứu. Có trường hợp cả làng hoặc cả khu vực bị dẫm nát. Báo chí thành thị được thu xếp một cách hệ thống chặt chẽ để đồng loạt lập luận coi bạo động phát xit là sự trừng phạt hợp lý đối với hành động ám hại của bọn bôn sê vich.
Tại Florence, hầu tước Compagui cầm đầu đội phát xit ở Grèmone là công tước Farinaci. Người ta đem lột trần chuồng cán bộ nông dân đỏ vào gốc cây rồi lấy roi “manganello” mà quất đến máu chảy thịt nát mới thôi.
Đoàn phát xit thường vừa đi vừa hát:
“Ils ont tue Giovanni Berta
Fasciste parmi les fascists
Vendetta, oui vendetta
Sur tous les communists”.
( Chúng nó đã giết mất Giovanni Berta
Người nữ chiến sĩ phát xit
Phải trả thù đúng phải trả thù
Đánh chết hết bọn cộng sản).
“Nous sommes les fascists
À mort les communists.”
(Chúng ta là đoàn quân phát xit
Đi tiêu diệt lũ “com-mu-nit)
Sự thật không riêng gì nhóm bôn sê vich đỏ bị đánh đập, cả những người bôn sê vích trắng cũng chịu chung số phận. Dân biểu Miglioli của công giáo đã một lần thoát chết.
Ngoài ra, còn nhiều cơ sỏa văn hóa, thư viện, báo chí liên quan đến cuộc đấu tranh của công nhân hay bị tình nghi dính líu với cộng sản cũng bị phá hoại. Nhiều cô giáo có tinh thần thiên tả bị cho uống dầu tẩy, váy buộc túm chặt vào đầu gối, rồi bắt nhẩy nhót lung tung cho đến khi nào dầu tẩy ngấm, bĩnh tung tóe ra váy giữa những tiếng cười riễu cợt thích thú.
Tính tổng cộng 400 hợp tác xã, trụ sở đảng xã hội, 29 tòa hành chính bị xâm phạm đập phá, 69 hội đồng thành phố phải từ chức, 250 người chết trong khi phát xit chỉ mất 40 đảng viên.
Ở vùng Pise, có anh bán thuốc tây tên là Sandro Carosi được phát xit tôn làm anh hùng chỉ vì hắn một mình dám xông vào tiệm cà phê nơi tụ tập quen thuộc của phe nông dân thiên tả, giơ súng bắn chết người và cứ thế trong vòng một tháng, hắn giết 15 mạng mà hắn tự nhận là đã giết người chính trị. Các đảng xã hội, bôn sê vich tổ chức kháng cự nhưng không lại vì phát xit nhiều phương tiện quá.
Trước sự thắng thế, Mussolini ngạo nghễ tuyên bố: ” Tụi P.U.S. chỉ là con khủng long vô tri vô giác”. (Le P.U.S. est un pachyderme énorme et sans âme).
Ngày 15 tháng 1 năm 1921, đảng xã hội mở đại hội ở Livourne. Các lãnh tụ cực tả như Togliatti, Gramsci, Bombacci, Terracine lên tiếng đòi khai trừ các phần tử “réformiste” ra khỏi đảng, thi hành 21 điểm của Lénine đã đề ra để lãnh đạo đảng. Phe ôn hòa, bảo thủ và réformiste liên kết với nhau chống lại không chấp thuận để đảng gia nhập đệ tam quốc tế.
Thất bại , nhóm Gramsci, Togliatti liền ly khai đảng, lập đảng cộng sản Ý, họ được một phần tư đảng viên đi theo. Sự chia rẽ nội bộ còn làm choi gần 100.000 đảng viên xã hội khác chán nản rút khỏi đảng chẳng theo phái nào.
Đảng xã hội như kẻ ốm bệnh mất máu.
DÂN BIỂU MUSSOLINI
Nay thì Mussolini đã được tổ chức ” Confindustria” ( Liên kiệp kỹ nghệ gia ) hoàn toàn tin cậy. Ông giao cho Cesare Rossi và Michèle Bianchi sứ mạng liên lạc với giới tài phiệt để Phát xit có thể đặt một đường lối chung với giới này.
Sau thời gian gần gũi tài phiệt, Mussolini hết lời ca tụng những đức tính tốt đẹp của hệ thống kinh tế tự do và quên đứt cái quá vãng cuồng tín chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa vô chính phủ của mình. Ông viết trên “Popolo” số đề ngày 14 tháng 1 năm 1921: ” Chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa có tôn ti trật tự…đã xây dựng nên nhiều giá trị từ ba bốn thế kỷ nay, Những giá trị ấy không thể thay đổi được”.
Củng cố thế đứng bên tài phiệt rồi Mussolini dòm dỏ cao hơn. Ngày 23 tháng 3 ông viết:
“Chủ nghĩa phát xit là một cuộc tổng động viên mọi lực lượng tinh thần lẫn vật chất. Nó sẽ làm gì? Cai quản quốc gia…Chỉ ít lâu nữa nước Ý sẽ đặt trong quyền lực chúng ta”.
Ngày 3 tháng 4, ông nói tại nhà hát lớn Bologne do luật sư Dino Grandi tổ chức để mừng việc chính phủ vừa ra lệnh giải tán toàn bộ cơ cấu hành chính trước đây đã lọt vào tay đảng xã hội. Cả hội trường reo hò tán thưởng lời huùg biện của lãnh tụ:
” Chúng ta buộc phải hành động mạnh, lửa và máu đi trước vì họ đã không chịu hiểu lại còn định vu cáo đặt điều cho chúng ta. Người ta có thể trách móc, phàn nàn đối với các hành vi bạo lực. Nhưng thử hỏi còn phương cách nào khác để đối phó cùng những cái sọ gàn bướng hung hãn ngoài gậy gộc để bảo vệ tư tưởng của chúng ta? Bởi vậy chúng ta cần giữ mãi chủ trương bạo động cần thiết, nó thật là một đường lối cao quý (aristocratique).”
°
Giolitti, vị thủ tướng cáo già, thấy Mussolini bắt đầu bước qua phạm vi mà ông định đặt hắn trong đó, nên tính kế kìm chân hắn lại. Kìm chân bằng gì? Giolitti lạc quan nghĩ hãy đưa hắn vào quốc hội, hãy nghị hội hóa (parlementariser) hắn ít lâu thì tính chất hung dữ của hắn sẽ nhụt đi. Quốc hội là sở trường của ông, Mussolini vào đây ắt hẳn bị ông bỏ rọ. Ông là quán quân về đa số, vậy phát xit cứ cử người làm dân biểu, đảng xã hội cứ có nhiều ghế. Rút cục, Giolitti vẫn là kẻ làm mưa làm gió.
Tuy nhiên, Giolitti trước khi định nắm cổ phát xit, ông đã phạm một lỗi lầm chính trị khá nặng là cho lập ủy ban điều tra về chi tiêu trong thời kỳ chiến tranh để lôi ra ánh sáng những mờ ám tiền nong của bọn bạo lợi làm giàu trên lưng chiến tranh. Điều này là điều cấm kỵ của tài phiệt Ý nằm trong tay tổ chức ” Confindustria”. Họ thấy Giolitti xưa là bạn, nay đang trở thành một chướng ngại.
Tự yên chí rằng mình có thể sử dụng cả cực tả lẫn cực hữu, chơi được cả với đảng xã hội đang cần bám lấy mình lẫn đánh phát xit mới tập tễnh học tập nắm chính quyền, Giolitti liền giải tán quốc hội và loan báo tuyển cử vào ngày 15 tháng 5 năm 1921.
Khi thấy Giolitti tỏ vẻ vồn vã với đảng phát xit, Sforza lo ngại. Giolitti cười hóm hỉnh vỗ vai người bạn mà nói : ” Cậu sẽ thấy mấy chú phát xit giống như cây pháo bông, ồn ĩ lắm nhưng rồi chỉ còn là một làn khói nhẹ tâng”.
Sforza bán tín bán nghi, Giolitti giải thích thêm: “Chỉ việc đem phát xit vào con đường hợp pháp rồi biến nó thành con thú ngoan hiền trong quốc hội, như ta đã từng làm với đảng xã hội thời kỳ 1914”.
Kết quả, bầu thêm lần nữa làm ngạc nhiên mọi người. Dẫn đầu vẫn là đảng xã hôi 122 ghế. Đảng cộng sản 16, đảng Bình dân 107, và đảng phát xit 31, số còn lại chia cho các đảng khác.
Mussolini nay thành một dân biểu quốc hội.
Giolitti hy vọng Mussolini sẽ giống như Turati cả đảng xã hội trong quốc hội trước đây.
Dân biểu phát xit hết thảy đều rất trẻ chưa ai quá 40. Mussolini mới 38 tuổi.
Giolitti nhìn họ đầy tự tin bước vào tòa nhà quốc hội, đã tấm tắc khen thầm trong nhật ký:
“Phần lớn trẻ măng, tinh thần hăng hái cho tôi cảm giác chủ nghĩa phát xit từ nay là một lực lượng chủ chốt của xứ sở”.
Sửa soạn đi họp quốc hội lần đầu tiên, Mussolini tuyên bố; ” Chúng tôi ở Quốc hôi sẽ không chỉ là mấy ông nghị mà là một đội hành động, một đội binh ở pháp trường”.
Ngày 11 tháng 6 năm 1921, quốc hội mới tề tựu đông đủ để hoàng đế nước ý đọc diễn văn.
Mussolini muốn phát xit không đến dự buổi họp này để minh định lập trường phát xit chống chế độ quân chủ. Nhưng Vecchi lại là người chủ trương bảo hoàng nên phản đối quyết định của Mussolini. Tranh cãi thu xếp bằng lấy ý kiến đa số, Mussolini thua.
Trong quốc hội, hàng ghế cực hữu bỏ trống chẳng ai chịu ngồi, khi phát xit vào đi thẳng luôn tới hàng ghế này, nét mặt đầy sát khí như một đội binh ở pháp trường.
Ngày 21 tháng 6, Mussolini bước lên diễn đàn quốc hội. Toàn thể im phăng phắc, các dân biểu vì tò mò muốn nghe lực lượng chính trị mới mẻ nói cái gì. Mussolini vẻ tươi cười, đứng chống nạnh ngạo nghễ nói:
“Tôi tuyên bố với quý vị mà bất chấp mọi khuynh hướng chính trị có mặt nơi đây rằng tôi hoàn toàn ủng hộ những đề nghị phản động hiện nay.
Hang ghế bên tả nổi tiếng cười ồ.
Mussolini nhíu đôi mày nhìn thẳng về phía đó rồi tiếp:
“Khả năng nhịn của tôi chỉ có hạn, tôi đoan chắc dù sao bài diễn văn của tôi cũng đem đến một vài lợi ích cho những ai chăm chú nghe nó. Vậy tôi xin quý vị đừng phá bĩnh nó…và bây giờ tôi xin vào đề…”
Mussolini thao thao bất tuyệt với luận điệu đơn giản, bộc trực pha chút ôn hòa, trước nhất ông công kích ngay Giolitti về chính sách đối ngoại do bá tước Sforza phụ trách là một chính sách đối ngoại mệt mỏi chán chường buồn ngủ chẳng sôi nổi, hào hứng…Rồi ông chuyển sang tấn công cộng sản với lời khẳng định đanh thép giữa phát xit với cộng sản chỉ có chiến tranh; phát xit sẵn sàng đối thoại với các đảng khác nhưng với cộng sản thì nhất định không. Quay qua đám dân biểu xã hội, Mussolini nói tiếp: ” Tôi phủ nhận cái lối giải thích lịch sử bằng quyết định luận kinh tế”. Ngỏ lời cùng đảng Bình dân, Mussolini xác định lập trường tuyệt đối không chống đối hệ thống tu sĩ. Ông kết luận bài diễn văn bằng câu: ” Thưa các quý vị đồng viện xã hội, chúng tôi không xem bạo động như một trò chơi thích thú. Chúng tôi sẵn sàng bỏ vũ khí lại nếu các bạn cũng cất vũ khí đi”.
Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào tán thưởng bài diễn văn rất chiến lược và thái độ ôn hòa của con người xưa nay vẫn hung hãn như hùm beo. Duy có hai lãnh tụ phát xit trẻ tuổi Dino Grandi và Farinacci lo ngại vì lực lượng nòng cốt của họ là những đội võ trang, nay Mussolini lại đề nghị bỏ vũ khí xuống thì rồi địa vị họ sẽ ra sao? Phải chăng họ sẽ bị bỏ rơi. Ai nghĩ thế nào mặc, trước mặt Mussolini bây giờ chỉ có hai chữ chính quyền. Dù phải đổi giá nào để đảng phát xit có thể giành thế đa số trong quốc hội Mussolini cũng đổi.
Giolitti không nắm nổi quốc hội nữa, ông rơi vào thế thiểu số, phải từ chức.
Ngày 4 tháng 7, Bonomi, bộ trưởng quốc phòng trong nội các Giolitti, kế vị lập chính phủ mới. Bonomi nổi tiếng là người thân phát xit.
Khắp nơi, các đạo quân phát xit (squadra) địa phương tiếp tục bạo động. Bằng khả năng tập trung mau chóng nên phát xit luôn luôn thắng trận. Bon phiêu lưu, du đãng đầu quân vào đảng phát xit rất đông đảo, họ tỏ ra say sưa cái trò du kích chiến này. Nạn nhân đau khổ lay lứt là dân chúng, sống trong sự lo sợ thường xuyên chẳng biết hôm nay chợ có họp không, tàu có chạy không hay ngoài phố lại đánh nhau lộn xộn. Dân chúng bắt đầu chán ghét bọn hung bạo phát xit. Mussolini biết rõ tâm lý oán hận của dân chúng hơn ai hết. Ông e ngại nếu tình trạng kéo dài tất có ngày phát xit đụng độ với quân đội và nếu đến nước ấy thì phát xit mất hẳn thế dung thân. Chỉ còn cách duy nhất là thỏa hiệp hợp tác với các đảng xã hội và bình dân.
Bonomi chộp ngay cơ hội, đứng trung gian cho phát xit và xã hội gặp nhau bắt tay giải hòa. Mussolini chấp nhận đề nghị của Bonomi ngay, chẳng cần đếm xỉa đến những lời phản đối nội bộ.
Ngày 2 tháng 8 năm 1921, hai bên đạt tới thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã quá lâu.
Tin tức về thỏa hiệp loan ra, gây xáo trộn mạnh trong nội bộ đảng phát xit. Mussolini bằng một giọng đanh thép trả lời những lời công kích từ phía các đồng chí:
“Tôi đem hết sức lực để bảo vệ thỏa hiệp hòa bình này, vì theo quan điểm của tôi nó có một tầm quan trọng lịch sử vô tiền khoáng hậu. Bởi vậy, tôi quyết định áp dụng câu phương ngôn: Ai không dùng đến roi vọt là người đó không thật lòng thương con mình. Đúng thế, chủ nghĩa phát xit là con tôi như mọi người đã biết. Tôi thề với cái roi của lời thề, của lòng can đảm, của ý say mê, tôi sẽ dạy dỗ nó hoặc không để nó sống nữa”.
( I will defend with all my forces this treaty of peace which in my view attains the importance of a historic event on account of its singularity without precedent. For this purpose I will apply the old and the very wise proverb: Whoever does not employ the rod, hates his own son. Well if Fascism is my son with the rods of my oath, of my courage, of my passion I will either correct him or I will make his life impossible).
Đảng phát xit chia làm hai khuynh hướng:
Khuynh hướng thứ nhất, đại diện bởi các “fascio” địa phương. Họ phải làm theo yêu cầu của chủ nhân trả tiền để tiêu diệt mọi hoạt động cộng sản đụng chạm đến quyền lợi giới chủ. Họ không thấy các vấn đề quốc hội liên quan gì đến họ, chỉ biết thỏa hiệp hòa bình phát xit – xã hội sẽ cản trở toàn bộ hoạt động của họ.
Khuyng hướng thứ hai, thiểu số mà đại diện là Mussolini, nhìn xa trông rộng hơn, phong trào phát xit không mãi mãi là lũ đánh mướn chống đảng xã hội. Nó cần lớn lên để thành một đảng quốc gia, để gây dựng lại nước, để rửa nhục với bên ngoài. Nếu phát xit chỉ mang nhiệm vụ chống đảng xã hội thì nếu có một ngày nào đảng xã hội bị tiêu diệt thì ngay lúc ấy đảng pháy xit cũng hết lý do tồn tại.
Tranh chấp nội bộ bắt đầu.
Ngày 16 tháng 8 năm 1921, 544 phân bộ đảng phát xit họp ở Bologne quyết định không chấp thuận thỏa hiệp hòa bình mà Mussolini vừa ký. Dino Grandi phân phát khẩu hiệu: ” Kẻ nào đã một lần phản bội sẽ phản bội nữa”. Ý chỉ vào Mussolini. Cùng với Grandi có Italo Balbo, Farinacci lên tiếng tố cáo Mussolini đã đi theo ăn bám vào quốc hội và bỏ rơi các đồng chí.
Khác với lần bỏ đảng xã hội đơn thương độc mã chiến đấu, lần này Mussolini có cả một cơ sở báo chí lớn, cộng thêm một phần ba phân bộ phát xít theo ông.
Lúc sóng gió nổi lên, Mussolini bình tĩnh chờ đợi, bình tĩnh chống lại mọi biến chuyển của phong trào nội bộ chống lại mình thành hình ra sao?
Ngày 17 tháng 8, Mussolini xin từ chức nói:
“Không phải tôi tự ý bỏ đi mà chính người khác đã ép tôi phải bỏ đi”.
Cesare Rossi cũng từ chức để tỏ thái độ ủng hộ Mussolini.
Ngày 19, ủy ban trung ương đảng không chấp thuận sự từ chức của Mussolini và Rossi.
Ngày 7 tháng 9 năm 1921, Mussolini đổi chiến thuật, triệu tập các đại biểu đảng trong quốc hội rồi đề nghị biến phong trào phát xit thành một chính đảng theo đúng nghĩa.
Phản ứng của nhóm Farinacci, balbo là tổ chức một cuộc hành quân vĩ đại ở Ravenne tập trung 3.000 đảng viên phát xit đi đánh tứ tung, nhiều tu sĩ công giáo bị hành hung tàn nhẫn.
Ngày 25 tháng 9, tại Mola di Bari, nơi dân biểu xã hội Vagno đang tổ chức buổi diễn thuyết, quân phát xit do Arpinati cầm đầu ập tới bắn và ném lựu đạn giết chết dân biểu Vagno. Cái chết của Vagno cốt để làm cho thỏa hiệp hòa bình trở nên vô giá trị.
Ngày 27, chính phủ vội vã ban bố sắc luật trừng phạt những kẻ cầm giữ vũ khí gây rối trị an. Mussolini phàn nàn: ” Sẽ khó lòng có yên ổn nếu phát xit cứ chơi mãi trò hung đồ đánh thuê, chém mướn”.
Tại Madena, 8 đảng viên phát xit bị quân chính phủ bắn chết. Mussolini dự đám tang, trong bài điếu văn, ông nói mặc dầu ông phản đối hành động vô kỷ luật nhưng trái tim vẫn là của đảng phát xit. Bài ai điếu được kể như lời hòa giải với đảng, với những lãnh tụ phát xit mà ông đã công kích cách đó 6 tuần. Hai phe trong nội bộ lại sẵn sàng ngồi nói chuyện với nhau. Giữa lúc ấy thì Mussolini nhận được lá thư của một người tên Francesco Ciccotti thách ông song đấu bằng gươm hoặc súng. Ciccotti là chủ nhiệm tờ Paese ủng hộ cựu thủ tướng Nitti. Cuộc đấu súng kết thúc không ai chết vì bác sĩ của Ciccotti nửa chừng ra phản đối, nại cớ Ciccotti mang bệnh đau tim nặng.
Giải hòa nội bộ thành công với giải pháp hai bên đồng lòng thành lập một đảng lấy tên là Đảng Quốc gia Phát xit ( Partito Nazionale Fascista viết tắt là P.N.F.) Grandi và Mussolini ôm nhau than thiện, toàn hội trường cất cao tiếng hát bài Giovinezza (thanh niên ca).
“Jeunesse, jeunesse
Printempe de Beauté
Dans le Fascisme est le salut
De notre Liberté.”
Cùng trong thời gian này, đảng xã hội cũng triệu tập đại hội. Khuynh hướng quá khích chiếm ưu thế, khuynh hướng ôn hòa hoàn toàn bị lép vế
Mussolini nhân cơ hội này, đổ tội cho đảng xã hội đã vi phạm thỏa hiệp hòa bình trước, bọn quá khích đang chiếm ưu thế là bằng chứng rõ ràng.
Đảng quốc gia Phát xit do Mussolini làm lãnh tụ. Nhóm Grandi, Balbo vào ban chấp hành, Michèle Bianchi là tổng thư ký đảng.
Mussolini khi đứng ra để cho đại hội đảng hoan hô ông nói: ” Chúng ta sẵn sàng thay thế nhà nước nếu chúng ta thấy nhà nước không còn đủ khả năng chiến đấu”.
Mussolini trở mặt nhanh quá khiến cho thủ tướng Bonomi ngỡ ngàng nên ông định quật lại. Nhưng trong quá khứ Bonomi đã liên hệ quá mật thiết với phát xit nên hiện tại ông bị đặt vào cái thế há miệng mắc quai. Đảng phát xit có đủ bằng chứng, tên tuổi những tay chân của Bonomi đã cung cấp vũ khí, tin tức cho phát xit để phát xit đốt nhà, giết người.
Cho nên khi thấy có tin đồn Bonomi định giải tán tất cả các đội phát xit trên toàn quốc, đảng Quốc gia Phát xit liền ra lệnh hết thẩy đảng viên nhất loạt gia nhập các đội (Squadra) phát xit. Rồi Mussolini lên tiếng thách thức chính phủ Bonomi dám đặt đảng Quốc gia Phát xit ra ngoài vòng pháp luật. Đồng thời, ông cho phân phát vũ khí cho các người phát xít. Súng ống với đồng phục áo sơ mi đen, phát xit chờ đợi một cuộc nội chiến bùng nổ.
°
Đầu tháng 1 năm 1922, Mussolini đi Cannes để theo dõi hội nghị quốc tế đồng minh giữa hai vị thủ tướng Anh-Pháp. Trên tàu, Mussolini gặp Pietro Nenni, biên tập viên nòng cốt của tờ “Avanti”. Ông bảo Nenni:
“Các đồng chí xã hội nên biết điều một chút thì tốt. Còn tôi, chiến tranh cũng được, hòa bình cũng được”.
Nenni đáp:
“Bây giờ ông đã mất quyền chọn lựa rồi”.
Mussolini nói: ” Nếu vậy thì sẽ có chiến tranh”.
Nói xong, Mussolini đi ngay vẻ mặt cáu kỉnh, ông không bao giờ chịu nổi người đối thoại bốp chát với mình.
Tới biên giới, ông bảo cậu em mang 10.000 lire đổi lấy tiền quan Pháp, chỉ đổi được 5.200 quan
Mussolini cảm thấy tự ái bị tổn thương, lẩm bẩm nói: ” Đây là cái tát vào mặt tụi mình, nhục nhã quá”.
Thủ tướng Pháp Briand bằng lòng tiếp kiến Mussolini. Nhìn dôi giày cũ nát, ông đi tìm mua đôi khác. Trả giá mãi, cuối cùng ông đành mua đôi “ghệt”trắng phủ ra ngoài để che những vết rách. Từ đấy, ông đâm ra khoái “ghệt” trắng, ông mang nó cả trong những trường hợp không đáng mang chút nào.
Ở Cannes, ông quen một dân Ý giầu có dẫn ông vào các sòng bạc. Mussolini đánh bạc thường thua nhẵn túi, ưa la hét chửi rủa vận đen.
Mussolini đến Cannes làm gì giữa lúc tình hình chính trị Ý sôi nổi? Chẳng ai hiểu. Có lẽ để đặt liên hệ với các thế lực chính trị ngoại quốc.
Chính phủ Bonomi nguy ngập. Ngân hàng Banca di Sconto bị phá sản, ở các nơi dân chúng chen lấn chạy đến “guichet” rút tiền ra. Ngân hàng đành phải đóng cửa khiến cho đám dân dành dụm lâm vào cảnh khó khăn. Đây cũng là một đòn nặng của tài phiệt nhằm đánh chính phủ Bonomi. Họ cố tình để cho Banca Sconta chết.
Tháng 2, Bonomi và toàn thể nội các xin từ chức, chỉ riêng đảng Bình dân còn lưu luyến Bonomi thôi. Tất cả đều quay về ủng hộ Giolitti, nhưng Don Sturzo chống Giolitti kịch liệt thành thử Giolitti lúng túng mãi không thoát ra khỏi bế tắc. Đức vua lại phải vời Bonomi, cũng bế tắc luôn.
Đảng phát xit ở Rome, ở Florence tổ chức nhiều cuộc biểu tình rầm rộ hô khẩu hiệu : ” Đả đảo quốc hội”.
Ở Bologne, đám thanh niên phát xit gào thét:
“Ủng hộ chính thể độc tài quân sự”. (Dictature militaire).
Mussolini viết trên số báo ngày 12 tháng 2:
“Hôm nay dưới ánh sáng của những kinh nghiệm chính trị và quốc hội mới đưa người ta đến chỗ phải nghĩ đến sự ra đời của một chế độ độc tài. Có thể những tiếng hô của quần chúng biểu tình tại Bologne, ngày mai sẽ là ý nguyện chung cho cả nước”.
Thêm một biến cố trọng đại khác là Đức Giáo hoàng Benoit 15 từ trần hôm 22 tháng 1, ngày 12 tháng 2 trước nhà thờ Saint Pierre, cả trăm ngàn người tụ tập để dự lễ tấn phong Đức Giáo hoàng Pie 11.
Mussolini tìm mọi cách để tỏ thái độ nhiệt liệt hoan nghênh vị “lãnh đạo tôn giáo mới”. Ông cũng tỏ ra rằng ông sốt sắng với đám tang vị giáo hoàng mà cách đây mấy năm ông từng nặng lời công kích. “Thời thế đã đổi thay” Mussolini bảo vậy.
Phê bình thái độ sốt sắng của Mussolini, một vị tổng giám mục nói:
“Hắn bước nhanh lắm, sấn tới như một sức mạnh thiên nhiên. Mussolini ghê gớm thật, hắn có lòng hăm hở như người thanh niên mới vào nhà dòng. Tương lai chắc ở trong tay hắn mất”.
Được sự hài lòng của Tòa thánh nghĩa là có thể buộc Don Sturzo lãnh tụ đảng Bình dân phải nhận mình làm bạn đường chính trị
Ngày 17 tháng 2, đọc bài diễn văn tại quốc hội để đập cho Bonomi một đòn chí mạng, đồng thời để cảnh cáo người kế vị cần phải nể đảng phát xit: ” Thành lập nội các hay không thành lập nội các lấy tả phái làm lực lượng hay không lấy tả phái làm lực lượng thì người ta cũng phải tránh cái bước hụt nguy hiểm là xem thường đảng phát xit”.
Chiều cùng ngày, chính phủ Bonomi bị lật đổ bằng 295 phiếu thuận và 10 phiếu chống. Sau đó khủng hoảng chính trị không giải quyết nổi vì cứ gặp sự cản trở của đảng phát xit. Với thiểu số chẳng đáng kể mà Mussolini vẫn đứng “chình ình” ra ngăn trở được, chứng tỏ chế độ quả đã đến giờ phút hấp hối.
°
Khủng hoảng cũng được chấm dứt để chọn người làm thủ tướng. Vẫn ngần ấy khuôn mặt cũ Giolitti, Orlando, De Nicola. Giờ đến lượt Don Stuzio phủ quyết. Cuối cùng, tất cả đều thỏa thuận chọn Luigi Facta, vị thủ tướng cơm nguội, đàn em của Giolitti, nhỏ nhắn , mặt tròn hay cười và chân thật.
Ngày 3 tháng 3, nội các Facta chưa được tấn phong, thì rối loạn đã xảy ra ở Fiume, dân biểu phát xit Giunta cùng với các đảng viên phát xit và lực lượng cảnh sát bị tấn công tòa nhà chính phủ rồi ra tuyên cáo đòi sát nhập Fiume vào Ý quốc. Facta lúng túng đành tuyên bố chấp thuận để tỉnh Fiume đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Ý. Thế là Facta đã làm ngược hẳn chính sách của Giolitti trước đây.
Cái lợi chính trị quan trọng cho đảng phát xit trong vụ này là sự tăng vọt của số người xin gia nhập đảng. Công, tư chức, quân nhân giải ngũ, nông dân và cả triệu người thất nghiệp tìm thấy phát xit có đường lối rõ rệt hơn cả để đưa họ thoát khỏi tình trạng sống dở chết dở hiện thời.
Nay đảng phát xit đã có tới 700.000 đảng viên.
Ra đường nhan nhản những bộ áo sơ mi đen, tóc cắt ngắn đội mũ chuông ( chapeau cloche), hoặc mũ to vành.
Tiếp đấy, lại một chuỗi lộn xộn, đánh nhau biểu tình xảy ra. Ở Ferrare, ngày 12 tháng 5, Balbo hội tụ 65.000 đảng viên chiếm cứ luôn thành phố này và ra lệnh bãi công đòi bộ công chánh phải dành cho nghiệp đoàn công nhân phát xit việc làm. Balbo tuyên bố với các đồng chí: ” Chúng ta đã làm chủ tình thế. Không những chúng ta đã đập tan kẻ thù địch mà các cơ sở công quyền cũng chịu quyền kiểm soát của chúng ta”.
Ở Bologne, tỉnh trưởng Mori, người nổi tiếng chống phát xit, bị các đoàn viên phát xit bao vây đánh tơi bời.
Ngày 1 tháng 6, thấy quân đội phát xit có vẻ lộng hành nên Mussolini ra tay lập lại trật tự, dẹp mọi hành động quá khích của Balbo.
Mussolini vội vã đánh điện cho các đồng chí:
“Chers amis, il faut suspender pour un temps qui sera assez bref votre magnifique action”.
( Các bạn ơi, chúng ta phải ngưng một thời gian chắc không lâu đâu, những hành động đẹp mắt của các bạn)
Tuy vậy, chính phủ cũng vẫn nhượng bộ phát xit bằng việc cho đổi tỉnh trưởng Mori đi nơi khác.
Cái khôn khéo của Mussolini trong thời kỳ này là ông vừa đẩy cho các đội “Squadra” làm loạn, lại cầm cương giữ mực cho các “squadra” không đi quá trớn để đổi lấy ít bước lùi bên phía chính quyền. Mỗi thoái nhượng của chính phủ đều tạo cho đội quân phát xit thêm uy thế quân sự và Mussolini thêm uy thế chính trị. Từ đây, Mussolini có thể tính kế hoạch khởi nghĩa kết hợp với hoạt động nghị hội.
NỘI CÁC FACTA BỊ LẬT ĐỔ
Tháng 7, 1922 đạo quân phát xit gây rối loạn nhiều hơn.
Ở Cremone, Farinacci đem theo sáu bảy đảng viên xông vào tòa thị chính cướp luôn ấn dấu sổ sách, rồi đòi làm thị trưởng. Thủ tướng Facta phản ứng nhu nhược, chỉ ra lệnh giải tán hội đồng thành phố Cremone. Được thể, phát xit càng làm già, xông vào đập phá nhà ông Miglioli, dân biểu thuộc đảng Bình dân và Garibotti, dân biểu đảng Xã hội. Quốc hội nhao nhao lên công kích thủ tướng Facta, bảo ông hoặc là đồng lõa hoặc là một thứ quan hoạn bị thịt.
Ngày 18 tháng 7, đảng Bình dân liên kết với đảng Xã hội đòi lật đổ Facta. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là Mussolini cũng tuyên bố chống Facta. Ông có thái độ đó là để che đậy chính sách đảng phát xit chuyên dựa vào những thế yếu của chính quyền mà bành chướng thế lực.
Trên diễn đàn quốc hội, Mussolini nói:
” Nếu cuộc khủng hoảng hôm nay đưa đến việc thành lập một chính phủ dùng bạo lực chống phát xit, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng vũ trang khởi nghĩa. Chúng tôi chẳng có tham vọng nào khác, ngoài mong mỏi được tham dự vào việc nước một cách hợp pháp, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải lo đến biến cố có thể ngăn cản lòng mong mỏi ấy”.
Ông bước khỏi diễn đàn, tiếng vỗ tay hoan hô xen lẫn tiếng la ó phản đối.
Tối hôm ấy, nội các Facta bị lật đổ bằng 288 phiếu thuận và 108 phiếu chống.
Có chuyện đáng chú ý là dân biểu Francesco Boncompagni, người rất thân cận Tòa Thánh và là đảng viên đảng Bình dân, bỏ phiếu ủng hộ Facta, thất bại ông tuyên bố ra khỏi đảng Bình dân và chỉ trích đảng này đã gây khủng hoảng một cách vô chính trị.
Chuyện đáng chú ý thứ hai là trước khi Facta bị lật đổ, đức Hồng y Gasparri đã bí mật hội kiến với Mussolini ở nhà nghị sĩ bá tước Santucci, chủ ngân hàng Banco di Roma.
Facta đổ rồi, lại diễn ra như cũ việc thăm dò mời mọc người làm thủ tướng. Vẫn tên Orlando, Bonomi và thêm mấy tên mới: Meda của đảng Bình dân, De Nava của đảng Dân chủ Tự do. Chẳng đi tới đâu hết.
Nhà bỉnh bút thời danh Pierre Nenni bi quan viết:
“Quả tình giai tầng lãnh đạo Ý đang sa đọa tinh thần. Hoàn toàn không nhận được rõ ràng những tai họa đe dọa xứ sở. Họ chìm ngập trong nhỏ mọn tầm thường, ghen tức nhỏ nhen chứ không nhìn thấy hình ảnh lớn lao của khủng hoảng. Đất nước cần người lãnh đạo giỏi giang thì họ chỉ cống hiến loại người bù nhìn, lẩm cẩm như Facta. Cả nửa tháng khủng hoảng rồi mà chẳng có một điểm nào giải quyết. Cứ hết Quốc hội lại đến Hoàng cung rồi hết Hoàng cung lại tới Quốc hội,chỉ thấy diễn văn đao to búa lớn, chỉ thấy bàn suông cãi hão của bè này phái nọ…”.
Nhà vua chán nản, mật cho người mời Musslini đến hỏi ý kiến. Mussolini tới dinh Quirinal bằng chiếc xe thuê cùng với hai cán bộ thân cận Finzi và Bottai. Nét mặt hớn hở, Mussolini nhủ thầm trong bụng: “chính quyền sắp vào tay ta rồi”.
Bất ngờ, Liên hiệp Nghiệp Đoàn công nhân triệu tập đại hội các nghiệp đoàn dự định bãi công.
Hay tin, nhà vua vội vã tìm cách chấm dứt khủng hoảng nội các bằng cách mời Facta thành lập chính phủ lần thứ nhì.
Rome nóng bức, Mussolini đi nghỉ mát ở miền núi Abbaius, thêm một cuộc phiêu lưu tình ái nữa xảy ra trong đời ông, tình nhân mới là góa phụ rất giàu có, mặc kệ Facta với đe dọa đình công.
°
Đêm 31 tháng 7, lệnh bãi công được ban bố kèm theo lời hiệu triệu:
“Anh em công nhân hãy đứng lên bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của nhân loại văn minh: Tự do”.
Cuộc đình công lớn lao này bị một sơ hở là không giữ nổi bí mật tới phút chót thành thử đảng phát xit có được hơn 30 tiếng đồng hồ chuẩn bị lực lượng chống bãi công. Bản tuyên ngôn đề ngày 1 tháng 8, đảng phát xit kêu gọi :
“Anh em phát xit trên toàn quốc ! Bọn đảng phái phản quốc đã thách thức chúng ta và toàn dân. Anh em phát xit từ vùng Alpes đến Siciles được động viên lập tức. Chúng ta dành cho nhà nước 48 tiếng để lấy lại uy quyền, trật tự. Quá kỳ hạn đó, chúng ta , những người phát xit sẽ thay thế nhà nước giải quyết vấn đề”.
“Anh em có 3 sứ mạng phải hoàn thành:
a/ Động viên toàn lực đảng.
b/ Chiếm cứ ngay các nơi then chốt trong các tỉnh.
c/ Phát xit sẽ thay thế các chủ tỉnh điều động bảo vệ sinh hoạt quốc dân.”
Thế là phát xit lần thêm bước nữa, tự coi mình cùng nhà nước là một. Còn lực lượng công nhân đã cho đảng phát xit thêm cơ hội tốt tiến lên nắm chính quyền.
Công nhân ít vũ khí hơn lại kém kỹ thuật chiến đấu nên trận thế trông rõ ngay từ đầu.
Ngày 1 tháng 8 ở Milan, khi lệnh bãi công đã được thợ thuyền thi hành trọn vẹn, đảng viên phát xit đổ ra đường, ai nấy vũ trang đầy đủ, bắt các xe cộ dừng lại kể cả xe điện, rồi dùng các xe đó chuyên chở quân phát xit, hết mọi điểm trọng yếu, họ chạy qua chạy tới ồn ĩ, ca hát vang lừng bài Giovinezza.
Ngày 3 tháng 8, đội phát xit tập trung đông đảo trước tòa nhà ” Marino”, nơi ông thị trưởng Filipetti trú ngụ. Họ gào lên : ” Nước Ý của ai? Của chúng ta! Cái cột treo cổ của ai? Cho Filipetti !
Hô xong, một chiếc xe cam nhông húc đổ cổng chính, mấy người trèo luôn lên bao lơn treo cờ phát xit và cờ quốc gia Ý.
Sau đó, đội phát xit kéo đi tấn công tòa báo “Avanti” của đảng Xã hội. Tại đây, nhân viên tòa báo đã đào hầm bố trí sẵn, một hàng rào thép gai có truyền điện được dựng lên. Pietro Nenni, ông chủ bút đang đứng chờ bọn sơ mi đen.
Vị đại úy công lực bảo Nenni:
– Tôi chắc không bảo vệ nổi tòa báo đâu.
– Tôi chẳng bao giờ nghĩ các ông có thể bảo vệ nổi. Nenni đáp.
– Tôi nhận được lệnh không nổ súng.
– Tôi hiểu lắm chứ.
– Tôi khuyên ông hãy giao tòa báo cho cảnh sát chịu trách nhiệm thì tốt hơn.
Nenni im lặng không nói.
Đại úy cảnh sát cho quân rút đi, đội phát xit đông nghịt bên ngoài reo mừng, rồi khởi sự tấn công. Tòa báo bị đốt rụi.
Tổng bãi công yếu dần, nhiều công nhân bỏ cuộc xin đi làm lại.
Tờ ” Popolo” đắc thắng cho đăng bằng những cột dài các nơi bị phát xít đánh phá và viết:
“Cuộc phản công của phát xit mạnh như sấm sét, hầu hết các trụ sở đảng Xã hội , chính quyền tỉnh trong tay đảng Xã hội v.v… đều bị chiếm cứ…hành động trả đũa quyết liệt cũng được áp dụng đối với một vài tổ chức nghiệp đoàn”.
Toàn nước Ý đầy hỗn loạn, âm mưu bí mật bao trùm lên như màng lưới nhện. Chính phủ bất lực hoàn toàn nhưng vẫn tồn tại, sẵn sàng bắt tay thỏa hiệp với bất cứ ai.
Ngày 9 tháng 8, dân biểu phát xit đeo súng nghênh ngang vào quốc hội, dân biểu Lupi tuyên bố: ” Hoặc quốc gia sẽ nắm cổ phát xit hoặc phát xit sẽ nắm quyền quốc gia”.
Ngày 13 tháng 8, Mussolini đi Milan chủ tọa hội nghị trung ương đảng. Hội nghị này đòi giải tán quốc hội, bầu cử lại nếu không đảng phát xit bắt buộc phải khởi nghĩa. Hội nghị cũng thành lập một bộ chỉ huy tối cao đặt dưới quyền ba nhân vật lãnh đạo đảng với đầy đủ quyền hành điều động quân sự đảng.
Chỉ còn lại vài khó khăn là Don Sturzo, vị linh mục lãnh tụ đảng Bình dân, người vẫn nhiều uy thế, bên cạnh Tòa Thánh trong chính sách chống phát xit. Mussolini liền ngả trắng vấn đề này trên mặt báo. Ông viết:
“Don Sturzo trong tương lai có thể sẽ là kẻ chống Giáo hoàng, sẽ là công cụ của quỷ Satan. Ngay bây giờ người ta đã thấy nhiều đám mây đen báo hiệu giông bão cho nhà thờ nếu đảng Bình dân vẫn tiếp tục sa chân mãi vào con đường chính trị duy vật, phản thiên chúa giáo”.
Khó khăn thứ hai là những sĩ quan quân đội, họ vẫn một dạ trung thành với vua. Chủ nghĩa phát xit chỉ nên là phong trào quốc gia chống xã hội chủ nghĩa chứ không được bài quân chủ.
Để minh xác lập trường, Mussolini viết:
” Hoàng gia sẽ không bị lôi cuốn vào cơn bão tố chính trị sắp tới với điều kiện Hoàng gia đừng để bị lôi cuốn vào đó”.
Giữa lúc chính trị chẳng khác chi nồi vạc dầu đang sôi thì hai vợ chồng thủ tướng Facta đi nghỉ hè. Bà Facta muốn như vậy vì cần chứng tỏ mình chẳng thua kém bà thủ tướng Giolitti.
LA MARCHE SUR ROME
Chinh phục được Rome được xem là một truyền thống chính trị nước Ý. Có chinh phục được Rome thì mới nắm quyền được nước Ý.
Lịch sử đã thấy Cains Marius đem quân về Rome đánh kịp để dẹp thế lực chính trị của nguyên lão nghị viện. Rồi đến Pompée, César v.v…
Năm 1922 là năm đảng phát xit dùng bạo động một cách có phương pháp lấn chiếm dần dần tất cả những trung tâm đầu não của xứ sở để sửa soạn tiến lên cướp chính quyền.
Giữa tháng 9, ông bà thủ tướng Facta nghỉ hè về chủ tọa phiên họp nội các, bộ trưởng nội vụ báo cáo tình hình rất nguy ngập và đề nghị nếu cần sẽ phát súng cho công nhân chống lại phát xit. Nội các phản đối đề nghị này.
Ngày 14 tháng 9, bộ trưởng giáo dục Anile thuộc đảng Bình dân đến dự một bữ tiệc ở Ancôme. Khi ông sắp đứng lên nói vài lời thì mọi người nhốn nháo chạy tán loạn la hoảng đội phát xit tới, ông bộ trưởng bị xô đẩy tả tơi cả quần áo. Ancôme lọt vào tay phát xit.
Ngày 20 tháng 9, Mussolini tuyên bố : ” Chương trình của chúng ta rất rõ rệt đơn giản, chúng ta muốn cai trị nước Ý”.
Tiếng reo hò vang dậy hoan hô Mussolini:
“Viva Mussolini ! Evviva il Duce !”
Trung ương đảng quyết định tiến quân về Rome và đêm ngày thảo luận kế hoạch: Đem đến cho nước Ý một chính phủ không bị xâu xé bởi nghị hội thối nát; chấm dứt mọi hành động bãi công làm hại nền kinh tế; vẫn tôn trọng chế độ quân chủ; tranh thủ thái độ trung lập của quân đội.
Phần thủ tướng Facta, ông vẫn lạc quan không tin đảng phát xit có thể giở trò gì được. Hôm kỷ niệm 30 năm dân biểu, trước hơn ba ngàn quan khách, sau mấy lời của bộ trưởng tư pháp nhắc tới việc phải có chính sách quyết liệt với đảng phát xit, Facta cười nói : ” Thử xem Mussolini sẽ làm được trò gì, ông ta là con người chưa hề bước lên cấp bộ trưởng”.
Trong khi ấy thì tại Cremone, Mussolini đứng chủ tọa một cuộc diễu hành của hơn 30.000 đảng viên phát xit, khi thế lực dũng mãnh. Ai Ai cũng hiểu thanh niên Ý bây giờ đã chán ngấy khuôn mặt trang trọng quý phái kiểu Facta. Họ muốn thấy một khuôn mặt lãnh tụ mới. Chỉ mình Facta là không biết điều này thôi.
Toàn thành phố Cremone sặc sỡ cờ Ý, trên xe điện, xe ca, quán cà phê độc một màu sơ mi đen.
Đứng tại công trường Piazza del Commune, Mussolini nói với đám quần chúng phát xit đông đảo :
“Cuộc diễu hành mà các bạn vừa bắt đầu chỉ ngừng lại khi nào nó đi đến điểm tối hậu: Rome!”.
Ông ôm chặt lấy đồng chí Farinacci để tạo một hình ảnh tượng trưng cho tình đoàn kết trong đảng. Giờ phút này không thể có chia rẽ nội bộ được nữa.
Ngày 24 tháng 9, cựu thủ tướng Salandra và dân biểu Benni, chủ tịch hội các kỹ nghệ gia tuyên bố: ” Rất tiếc họ đã già nên không vào đảng phát xit được, tuy nhiên, họ cũng tự xem mình như là đảng viên danh dự”.
Ngày 28 tháng 9, quận công d’Aoste đích thân đứng duyệt các binh đoàn sơ mi đen. Đội quân nhạc trung đoàn bộ binh 231 chơi bài Giovinezza.
Ngày 3 tháng 10, hãng thông tấn “Agence des Informations” loan báo lần đầu tiên đầy đủ tin tức về cuộc tiến quân về Rome đang sửa soạn như thế nào.
Ngày 4 tháng 10, đại hội đảng xã hội thông qua quyết nghị khai trừ nhóm xã hội dân chủ (sociaux démocrats) vì nhóm này tự ý thành lập đảng xã hội thống nhất.
Tối ngày 3 tháng 10, đảng phát xit đưa ra một số hiệu lệnh về kỷ luật cho toàn thể chiến sĩ phát xit dưới ký tên Bianchi, Vecchi, Balbo và một tướng lãnh quân đội quốc gia Ý De Bono.
Ngày 4 tháng 10, lãnh tụ phát xit Stefani đứng trên bao lơn tòa nhà ” Belanzani” ở Trente loan báo quân phát xit đã chiếm tỉnh này. Dân chúng reo lên mừng rỡ.
Bầy binh bố trận để tạo thế rồi, Mussolini thì thụt điều đình đòi năm ghế tổng trưởng cho đảng phát xit.
Vua Victor Emmanuel nghe thấy nói nội các sẽ có nhiều bộ trưởng phát xit tỏ vẻ khó chịu. Khi tiễn chân ông tổng trưởng quốc phòng, đức vua bảo : ” Ông nên nhớ tôi không thích bọn đó làm loạn ở Rome, mấy ông hãy tìm biện pháp để khỏi xảy ra”.
Mặt khác, thủ tướng Facta bí mật thảo luận với Annunzio, địch thủ mà Mussolini gờm nhất, để dọa Mussolini buộc phải hạ bớt yêu sách. Facta mời Annunzio về Rome diễn thuyết nhân ngày Quốc khánh.
Annunzio ngần ngại vì nghe phong thanh Giolitti sẽ làm thủ tướng nên chẳng muốn làm nước cờ đệm cho kẻ đã đem hải quân bắn vào đầu mình ở Fiume.
Nhưng chỉ cần cuộc gặp gỡ giữa Facta và Annunzio thôi cũng đủ cho Mussolini chột dạ dù kết quả ra sao, nếu lần này Annunzio lại phỗng tay trên mình. Do đó, Mussolini quyết định huy động phát xit nổi dậy, không chú trọng mấy tới đường lối thương thuyết nữa. Ông họp mật tại Milan với Balbo, De Vecchi, Teruzzi, Michele Bianchi cùng ba vị tướng lãnh quân đội De Bono, Fara và Ceccherini. Chỉ mình De Bono đã vào đảng, hai tướng kia không, nên hội nghị lúc đầu hơi khó khăn vì De Bono đề nghị gạt hai tướng Fara và Cecchirini ra ngoài những vấn đề tối mật của đảng.
Mussolini nói mãi De Bono mới thôi. Mussolini nói:
“Trong hành động cách mạng, nếu có những bộ quân phục cấp tướng đứng trong hang ngũ nổi dậy được kể là điều rất hữu ích”.
Ông cho biết thương thuyết vô hiệu quả như vậy cần phải gây ngay một cuộc khủng hoảng bên ngoài quốc hội vì nếu chỉ gây khủng hoảng bên trong quốc hội thôi thì chẳng làm nổi trò gì cả. Điều đáng lo ngại là Giolitti có thể trở lại chính quyền, phải tìm cách ngăn chặn chứ lão cáo già ấy từng bắn vào đầu Annunzio, tất hắn cũng dám cho bắn vào biểu tình phát xit.
Tướng De Bono hỏi: ” Bao giờ thì chúng ta nổi dậy? Ít nhất phải có một thời gian đủ để vận động quân đội. Nếu để quân đội đi về phe chính phủ thì chỉ năm mười phút là phát xit đổ sụm”.
De Bono, Fara và Vecchi xin thời hạn 40 ngày. Nhưng Mussolini , Balbo không chịu, tình thế cần gấp rút, 40 ngày có nghĩa là không bao giờ.
Ngày 24 tháng 10 này là đại hội đảng ở Naples, nên nhân ngày đó mà làm vì người đã được tập họp sẵn sàng, lại có thể đánh lạc sự chú ý của phe địch.
De Bono, Balbo, De Vecchi được giao công tác thảo kế hoạch tiến quân về Rome. Theo kế hoạch của họ, Rome sẽ chia làm 12 khu, mỗi cán bộ trung ương một khu. Phát xit sẽ vào Rome qua ba cửa ô: Tivoli, Marinella, Montana. Bộ tư lệnh tối cao được đặt tại Pérouse với một sư đoàn dự bị chiến lược. Lúc khởi sự, nhân lực phải huy động tới mức tối đa, trong một thời gian càng mau càng tốt chiếm hết cứ hết mọi điểm chiến lược và tuyệt đối tránh đụng độ với quân đội.
Phân định công tác xong suôi, De Bono, Vecchi, Balbo nhận được thiệp mời của hoàng thái hậu Marguerite đến dự tiệc tại điện Bordighera.
Ra về, hoàng thái hậu ghé tai họ nói nhỏ: ” Tôi tán thành việc các ông đang làm, nó sẽ cứu được nước và đem vinh quang về cho Tổ quốc”.
°
Không khí chính trị lúc đảng phát xit sửa soạn tiến quân về Rome thật kỳ lạ. Một bên trông có vẻ nhất định đi tới cùng nhưng lại rất sẵn sàng chấp nhận giải pháp ăn một nửa thôi nếu thất có dấu hiệu nhượng bộ từ phía bên kia.Một bên tìm cách chống phát xit nhưng lúc nào cũng sẵn sàng cặp tay phát xit để giải quyết những mâu thuẫn lợi hay tức tối lặt vặt.
Hãy đọc cuộc đối thoại dưới đây giữa Corradini, tay chân của Giolitti và Don Sturzo, lãnh tụ đảng Bình dân.
Sturzo hỏi:
– Có phải Giolitti định lập nội các với sự tham dự của phát xit?
– Đúng thế.
– Nếu không có phát xit thì sao?
– Tôi nghĩ điều ấy khó khăn lắm, Corradino đáp.
– Còn vấn đề chống phát xit?
– Thưa ngài không thể được.
Sturzo lạnh lùng đáp:
– Nếu vậy thì sẽ không có việc Giolitti lập nội các.
Đụng vào thái độ chống phát xit cứng rắn của Sturzo, Giolitti liền tìm cách hòa dịu với Mussolini. Tình trạng lùng nhà lùng nhùng này tạo thế lợi cho Mussolini rất nhiều.
Ngày 19 tháng 10, đức Hồng y Gasparri ra chỉ thị cho các giám mục nhắc lại bổn phận của họ là đứng trung lập trong mọi cuộc đấu tranh chính trị. Chỉ thị này được coi như một quyết định bỏ rơi Don Sturzo.
Ngày 24 tháng 10, hơn 40.000 đảng viên sơ mi đen rộn rịp tập trung về Naples từ khắp nơi trên toàn quốc bằng xe lửa.
Buổi sáng tại nhà hát lớn San Carlo, trước sự hiện diện của ông chủ tỉnh và giáo sư triết học danh tiếng Benedetto Croce, Mussolini lên diễn đàn đọc bài diễn văn đe dọa:
“Nous, fascistes, nous nous n’entendons pas aller au gouvernement par l’entrée de service…le problème est un problème de rapports des forces”.
( Chúng tôi những người phát xit chúng tôi không gia nhập chính phủ qua cái cửa xin việc, vấn đề là vấn đề tương quan lực lượng)
Buổi trưa là cuộc diễu hành thị uy của lực lượng “sơ mi đen”. Học trò các trường đều được nghỉ để đi dự khán đại hội phát xit.
Mussolini áo quần đen tuyền, đeo trên ngực một băng vải màu cờ Rome nói với đoàn phát xit tề tựu tại công trường San Ferdinando.
” Tôi long trọng báo tin cho các đồng chí, giờ phút nghiêm trọng đã tới, hoặc chúng phải trao chính phủ vào tay chúng ta, hoặc chúng ta sẽ đến thẳng Rome mà giành lấy.”
Balbo hô to: “Roma ! Roma !” Toàn thể hô theo.
Mussolini tiếp:
” Kể từ nay chỉ còn vấn đề ngày, có thể là từng giờ…chúng ta phải túm lấy cổ giai cấp lãnh đạo tồi tệ hiện thời”.
Tối hôm ấy, thủ tướng Facta đánh điện về báo cáo với nhà vua: ” Cuộc tập họp của phát xit diễn ra rất bình lặng. Tôi nghĩ họ đã bỏ ý định tiến quân về Rome”.
Nửa đêm, Mussolini hop cùng ủy ban trung ương đảng ở Hotel Vesuvio. Họ quyết định tấn công Rome đúng ngày 28.
Xong suôi, Mussolini trở về Milan.
De Vecchi, Grandi cùng đi với Mussolini nhưng hai người ở lại Rome để quan sát tình hình tại chỗ. Salandra là người được phát xit nhờ báo tin cho Facta và nhà vua bức tối hậu thư: ” Một là chính phủ từ chức ngay tức khắc, hai là phát xit tiến về Rome”.
Buổi trưa ngày 26, gần hết các bộ trưởng đồng loạt xin từ chức. Mặc dầu Facta nhất định không từ chức, nhưng nội các ông lại chẳng còn ông bộ trưởng nào. Facta gọi điện cho Mussolini, nhà lãnh tụ phát xit không trả lời. Facta cấp tốc mời đức vua từ San Rossore về Rome.
Tới nơi, đức vua tỏ vẻ giận dữ trách bảo Facta ngay ngoài sân ga hãy ban bố tình trạng khẩn trương ngay. Facta quay lại nói với bộ trưởng Alessio : ” Tôi nhất định chẳng chịu lập nội các dưới áp bức. Chán ngấy đi rồi. Tôi bỏ hết, tôi sẽ về ngay miền quê nghỉ ít lâu”.
Facta đi luôn đến điện Quirinal để đệ đơn từ chức.
Mấy giờ sau, khắp nước Ý đảng phát xit động viên toàn bộ lực lượng vũ trang sơ mi đen. Quỹ đảng trích xuất 10 triệu đồng lires. Tuyên cáo phát xit được truyền đi:
” Anh em phát xit toàn quốc. Giờ quyết định đã điểm. Lực lượng vũ trang sơ mi đen xác định một lần nữa rằng chiến thắng của Ý chỉ là một chiến thắng què quặt…Yêu cầu quân đội đứng ngoài cuộc đấu tranh…”
11 giờ đêm 27, bộ quốc phòng nhận được tin phát xit bắt đầu tiến về Rome. Nhiều tỉnh rơi về tay phát xit dễ dàng. Các tỉnh như Trieste, Padone, Venise chức quyền quân sự địa phương công khai hợp tác giúp đỡ phát xit.
Tại Florence, Curzio Malaparte (sau này là nhà văn lớn của Ý) chỉ huy một đội Squadra.
Trời mưa như trút nước, đoàn quân phát xit vẫn rầm rập vượt nhiều quãng đường lầy lội vừa đi vừa hát vang.
Mussolini, Balbo, Vecchi, De Bono họp mặt đông đủ ở đại bản doanh chờ giờ hành động. Bỗng một tin đưa ra làm kinh hoảng bằng sét đánh ngang tai, chính phủ Facta ban bố tình trạng khẩn trương. Facta cho truyền đi lời hiệu triệu:
“Đối phó với âm mưu nổi dậy, chính phủ từ chức nhưng còn tạm quyền có bổn phận phải giữ gìn trật tự bằng mọi phương tiện và bằng mọi giá”.
Ở Rome, tướng Pugliese huy động 25.000 quân, súng ống đầy đủ, chặn các lối ngả đi vào thành phố.
9 giờ sáng, thủ tướng Facta tới bệ kiến đức vua xin nhà vua ký đạo dụ ban bố tình trạng khẩn trương mà nhà vua đã bảo ông làm. Facta nào có ngờ vua Victor Emmanuel lại từ chối không ký mà nói: ” Tình hình bây giờ khác hẳn”.
Tại sao đức vua đổi ý mau vậy?
Có nhiều động lực đưa nhà vua đến quyết định này. Đêm hôm trước ông gặp hai tướng Diaz và Picori để nghe họ trình bày quan điểm, ông biết rằng quân đội sẵn sàng thi hành nhiệm vụ, tuy nhiên, nếu tránh cho quân đội khỏi phải làm cái việc đàn áp lực lượng chính trị nổi dậy thì vẫn hơn. Vua cũng biết rõ việc quận công d’Aoste và vài ba tướng lĩnh đã đứng vào hàng ngũ phat xit. Đã chán ngấy trò cãi vã và thì thụt thỏa hiệp chia quyền lợi vụn vặt của tập đoàn chính khách, đảng phái, chính họ là những kẻ đưa đến nguy cơ nội chiến hiện thời. Còn cái ông thủ tướng Facta nữa, đức vua không tin rằng ông ta có thể điều khiển nổi một biện pháp mạnh.
Quyết định của nhà vua khác nào một cái tát vả vào mặt nội các từ chức Facta. Quân đội phat xit sẽ rút về trại, tình trạng khẩn trương vừa ban bố buổi tối trưa hôm sau đã bãi bỏ. Chính phủ trơ ra với mấy cơ sở hành chính chân tay không.
11 giờ 30 trưa, hãng thông tấn ” Stefani” loan tin sắc luật về tình trạng khẩn trương vô hiệu lực, các báo đưa tin này lên hàng tit lớn chạy bán khắp hang cùng ngõ hẻm. 18 giờ cùng ngày, đức vua ủy thác cho Salandra đứng ra thành lập nội các mới. thế là lại mất thêm khoảng thời gian nữa cho điều đình, thăm dò chia chác quyền lợi, hỗn độn như đàn kiến trong tổ kiến khi tổ bị chọc phá. Salandra đến Rome nói chuyện, Mussolini từ chối, nại cớ không thể rời Milan vào lúc này, chỉ gửi Costanzo Ciano đi gặp Salandra đưa điều kiện đòi năm bộ. De Vecchi phát ngôn viên chính thức của Phát xit được đức vua tiếp kiến.
Salandra chấp nhận đề nghị Ciano với điều kiện Mussolini đích thân tham gia nội các cực hữu mà ông sắp thành lập. Ciano đánh điện về hỏi Milan, Mussolini trả lời: ” Đảng phát xit không mất công động viên toàn lực đánh phá, tạo phong khí cách mạng chỉ để công kênh ông Salandra”.
Trong khi ấy, Salandra nhận được hai thông điệp, một của hội các kỹ nghệ gia tài phiệt ngân hàng và điền chủ, bảo nên giải quyết khủng hoảng bằng cách để Mussolini làm thủ tướng; một trong hai nghị sĩ Abertini và Conti cũng đưa ra ý kiến trên.
Ngoài ra, Salandra còn hay tin tài phiệt ngân hàng vừa ủng hộ phát xit 20 triệu động lires dùng vào việc tiến quân về Rome. Lần chót,Salandra gọi điện thoại cho Mussolini xin “biếu” phát xit bốn bộ trong nội các, không xin lại điều kiện nào hết. Bên kia đầu dây, Mussolini lạnh lùng nói: ” Tôi không chấp nhận” rồi đặt mạnh điện thoại xuống.
Ngày 29 tháng 10, Salandra tới điện Quirinal khuyên đức vua hãy mời Mussolini làm thủ tướng. Hôm ấy tờ ” Popolo” đăng tit lớn hàng chữ: ” Le fascism veut le pouvoir, il l’aura”.
Vòng quanh ngoại ô Rome, quân đội vẫn không cho đội Squadra của phát xit tiến thêm bước nào.
De Vecchi báo về Milan tin đức vua mời Mussolini tới Rome. Mussolini bảo Vecchi: ” Đấy là cái bẫy đó, xin đức vua hãy viết thư cho tôi”.
Lúc 14 giờ ngày 29, Mussolini ở Milan nhận được bức điện khẩn cấp gửi dân biểu Mussolini: ” Hoàng thượng muốn gặp ông, xin đến Rome gấp”. Dưới ký tên : tướng Cittadini.
Buổi sáng hôm ấy tờ “Popolo” đăng một bài báo khá dài do Mussolini viết:
” Tình hình đã rõ lắm. Phần Bắc ý lọt vào tay phát xít. Cả miền Trung Ý cũng ở vào tình trạng tương tự. Đạo quân phát xit chiếm hết các cứ điểm chiến lược mà không gặp khó khăn nào chứng tỏ phát xít là một phong trào được toàn dân ủng hộ nên khả năng công quyền trở thành bé nhỏ không thể đối phó nổi với lực lượng phát xit. Một phong trào lớn như vậy không phải chỉ được nổi lên để đi đôi với ông Salandra thành lập nội các, không phải chỉ làm cái việc thì thụt xin mấy ghế bộ trưởng. Chính phủ tương lai sẽ là chính phủ hoàn toàn phát xit.
“Đảng phát xit không lạm dụng thắng lợi của mình nhưng cũng nhất quyết không cho ai làm giảm cái quyền của thắng lợi đó. Phát xit đã hy sinh nhiều, thì thắng lợi dĩ nhiên phải tương xứng với những hy sinh đó. Tất cả mọi giải pháp đi ra ngoài ý nghĩa trên đều sẽ bị phát xit chối bỏ. Các người hiện ở Rome nên hiểu rằng thời kỳ nói chuyện thậm thụt âm mưu chia chác đã hết rồi.”
°
Hồi 15 giờ ngày 29, Mussolini gọi dây nói cho chủ tỉnh Milan sắp xếp cho ông một chuyến xe lửa đặc biệt chỉ có đầu tầu và một toa sang trọng duy nhất để ông đi Rome. Đồng thời, ông đánh điện tín yêu cầu Rome đình bản lập tức tờ ” Avanti”, lời lẽ như sau:
“L’Avanti ne doit pas paraitre, sinon ils me lancent demain une grève générale dans les jambes”
Đóng cửa tờ “Avanti” quả là vấn đề nan giải, đảng xã hội, đảng cộng sản, tổng công đoàn làm sao ngồi yên nhìn “Avanti” đóng cửa. Chính quyền Rome lúng túng trước yêu sách quá quắt này, đành nhắm mắt kệ cho phát xit xông vào đốt phá hết máy móc trong tòa báo. Được trớn, đội phát xit sang phá luôn cả mấy tòa báo khác xét ra không phải là bạn của phat xit.
Tại Milan giờ phút ấy, Mussolini về nhà thăm vợ con trước khi lên đường tới Rome.
Hãy đọc đoạn nhật ký của Rachèle tả lại giờ phút ấy:
“Benito ôm chầm lấy tôi nói vội vã: ” Rachèle chúng ta đã thắng trận”. Đức vua vừa gọi anh trao cho trách nhiệm lập chính phủ mới. Anh vui sướng vì bây giờ ngài đã hiểu tình thế. Như vậy, máu sẽ không phải đổ ra . Anh cám ơn em đã luôn ở bên săn sóc anh mà không làm anh sao nhãng tranh đấu. Lúc này hơn lúc nào hết, anh cần đến em. Anh biết là người chồng còn thiếu nhiều bổn phận nhưng chính trị gây nên thế, làm sao khác được”.
Chàng chỉ kịp thêm vài lời nữa cho con cái rồi bước nhanh xuống cầu thang.
Đứng lại một mình, tôi ôm mặt khóc nức nở, không phải chỉ khóc vì vui sướng thôi đâu. Sự thắng lợi của Mussolini đem đến cho tôi niềm kiêu hãnh nhưng tôi biết từ nay gia đình tôi sẽ mất hẳn Benito. Định mệnh giờ đây đã mang chàng đi, đưa chàng lên tới đỉnh chót của vinh quang. Nhưng trong tương lai đầy bất trắc, ai lường trước nổi cho nên tôi lo sợ”.
Trên sân ga xe lửa Milan, người ta dâng Musslini một bó hoa. Khi tàu chuyển bánh, tiếng hô vang dậy:
– Evviva il Duce ! Evviva il Duce !
Một giờ sau, xe lửa tới Rome. Mặc nguyên bộ quần áo phát xit, Mussolini đi thẳng tới điện Quirinal. Cuộc tiếp đón thật là thân mật. Đức vua chính thức ủy nhiệm nhà lãnh tụ phát xit lập nội các. Ai nấy có vẻ thoải mái với bầu không khí mới.
Vua bảo người hầu cận thân tín: ” Thế là qua cơn ác mộng. Ta chắc cả Giolitti, Salandra lẫn Orlando đều hài lòng. Hãy nhìn cả đống điện văn từ mọi nơi gửi về mừng ta quyết định đúng”.
Ở điện Quirinal ra về, Mussolini hạ lệnh cho các đoàn áo đen rút khỏi Rome. Buổi tối, Mussolini trở lại gặp hoàng thượng để đệ trình danh sách tân nội các trong đó Mussolini làm thủ tướng kiêm nội vụ và ngoại giao, tướng Diaz tổng trưởng chiến tranh, Stefani tổng trưởng tài chính. Tham dự nội các thấy cả những người các đảng khác như đảng Bình dân, Xã hội, Dân chủ, Tự do và cùng một số nhân vật không đảng phái. Kèm theo là danh sách phụ ghi tên các thứ trưởng. Tính tổng cộng chỉ có 14 đảng viên phát xit trong cả hai danh sách tới gần 40 tên.
Mussolini giải thích sở dĩ ông bỏ ý định lập chính phủ độc đảng vì ông muốn chính phủ ông trước hết hãy là một chính phủ ôn hòa tập họp mọi lực lượng chính trị quốc gia.
Chỉ riêng Grandi là hậm hực, ông chẳng được ghế nào trong nội các.
4. THỦ TƯỚNG MUSSOLINI
Nous voulons donner cinq ans de paix et
de travail fecund au people italien.
MUSSOLINI
KẺ XA LẠ
Mussolini bước vào chính quyền, một thế giới mà ông còn là kẻ xa lạ. Lại kiêm nhiệm luôn cả hai bộ quan trọng nhất, nội vụ và ngoại giao. Những ngày đầu chập chững, đầu óc Mussolini bị giằng xé giữa hai cảm tưởng, một mặt muốn cầm cái chổi quét sạch hết mọi vết tích cũ, một mặt cũng thấy hành động ôn hòa rất cần thiết lúc này.Quyền lợi danh dự nước Ý dĩ nhiên phải đặt lên trên hết nhưng quan hệ quốc tế đâu có kém phần quan trọng.
Bắt tay vào việc ngoại giao, hôm 1 tháng 11 năm 1922, Mussolini tiếp đại sứ anh quốc Sir Ronald Graham. Vị đại sứ anh cho biết lãnh tụ Mussolini rất bình tĩnh, ông ta cân nhắc nói năng rất kỹ càng. Sauk hi thảo luận rộng rãi các vấn đề quốc tế, ông thú thực chưa rành rẽ lắm về mặt này. Ông đưa ra trước đề nghị đặt quan hệ tốt đẹp và hợp tác chặt chẽ với nước Anh. Tôi ( đại sứ Anh) hỏi ông có buồn bực gì trước những lời phê bình về ông trên báo chí Anh, ông trả lời cũng đã quên hẳn mọi lời khi con người nói một cách vô trách nhiệm.Đại sứ Anh Graham tỏ vẻ hài lòng vì ông cứ đinh ninh rằng sẽ phải nói chuyện với con người nóng nẩy như lửa. Gặp Mussolini rồi, Graham thấy: ” Mussolini was a man with whom one could do business”.
Ngày 18 tháng 11, Mussolini rời Rome đi Lausanne để tham dự hội nghị quốc tế cho vấn đề Thổ nhĩ kỳ. Đây là một hội nghị khá quan trọng vì biến cố ở Chanak vừa xảy ra có thể đưa tới chiến tranh. Lord Curzon của Anh quốc cho hay, ông sẽ không đến hội nghị nếu chưa biết chắc Ý, Anh ,Pháp sẽ thỏa thuận lập chung một mặt trận. Tổng thống Pháp tuy khó chịu với yêu sách này nhưng vẫn gửi nó cho Mussolini, đồng thời, mời thủ tướng Ý đến Lausanne chiều ngày 19 thangs11 trước khi hội nghị khai mạc.
Chuyến xe lửa đi Lausanne, dọc đường cứ đến mỗi ga lại có dân chúng đứng đông nghẹt chờ đón reo hò hoan hô vị thủ tướng mới của nước Ý đi ra nước ngoài để tranh đấu bảo vệ cho quyền lợi tổ quốc mà trước đây bị quốc tế cướp đoạt. Lòng nhiệt thành của dân chúng lên cao độ khiến những chuyên viên ngoại giao tháp tùng Mussolini phải lo ngại không biết rồi ông sẽ lấy nổi được những gì ở Lausanne đem về cho dân chúng.
Tổng thống Pháp tới chẳng thấy Mussolini đâu cả, bèn hỏi các nhà ngoại giao Pháp: ” Mais où est ce qu’il est ce salaud?”
Mussolini không đến thẳng Lausanne, ông nghĩ ra một trò ngoạn mục, bảo tổng thư ký bộ ngoại giao gửi công hàm cho Poincaré và Lord Curzon mời hai vị nguyên thủ Anh – Pháp tới Lerritet gặp mình trước khi thật sự họp bàn ở Lausanne.
Nhận điện văn, cả Poincaré lẫn Curzon đều sửng sốt nhưng họ hiểu ngay Mussolini muốn gây cho mình chút uy tín với dân chúng Ý, nên hai ông cũng vui lòng “chiều” Mussolini. Territet chỉ cách Lausanne 20 cây số. Mussolini bận bộ đồ “redingote”, giầy đen, mang điểm them hai miếng “ghệt”màu trắng, tay cầm cái can vừa nặng, đang đứng chờ nơi đại sảnh trong Grand Hotel. Bên ngoài, đội quân nhạc ý chơi bài Giovenezza.
Mussolini chẳng hỏi chuyên viên lấy một lời, ông đề nghị luôn cùng tổng thống Pháp và thủ tướng Anh họp mặt riêng ba người thôi…các nhà ngoại giao Ý điếng hồn, Mussolini đã hiểu lắm gì về chính trị quốc tế đâu mà dám cả gan như vậy. Nhưng không, một điều lạ lung là Musslini lại đạt được những gì ông muốn. Anh Pháp nói chuyện với Ý trên tư thế bình đẳng, Ý một sớm một chiều đi ra khỏi tình trạng lép vế lưu cữu sáu bảy năm nay. Lần gặp gỡ thứ nhì, Mussolini vẫn chơi trò cũ nghĩa là đến muộn nhất. Poincaré cáu ra mặt, còn Lord Curzon chỉ mỉm cười yêu cầu hội nghị nhẫn nại ngồi chờ. Ông không chú trọng mấy đến cử chỉ mà chỉ cần Mussolini thật sự cộng tác với Anh thôi.
Qua nhận xét của Sir Harold Nicholson, ông thấy Mussolini kém thoải mái, luôn luôn ngọ nguậy , khó chịu với cái cổ cồn”cravate”
Nicholson viết: “Mussolini – a shade embarrassed by being thus confronted at his first diplomatic conference by such giants of the profession – chafed uneasily against his stiff white cuffs, rolling important eyes. He said little. Je suis d’accord was the most important thing he said”.
( Ông ta có một dáng dấp khá lúng túng khi phải đương đầu lần thứ nhất với một hội nghị quốc tế bên cạnh các chính khách nhà nghề – người ta thấy ông luôn luôn đảo mắt với một vẻ quan trọng và trườn trườn cái cổ vì cổ cồn “caravate” cứng quá làm ông khó chịu. Mussolini nói ít lắm. Chỉ có câu Je suis d’accord là được nghe thấy nhiều trên miệng ông.)
Lord Curzon nghĩ sao đối với Mussolini ? Căn cứ vào những bức thư viết về Anh thì Lord Curzon nguyên phó vương bên Ấn độ, một loại người quý tộc điển hình của Anh quốc, lại rất có thiện cảm với nhà lãnh tụ xuất thân bần cùng. Curzon bảo Mussolini là người trẻ tuổi mang cá tính vững mạnh.
Tờ ” Time” của Anh viết: “Phát xit là một sự phản động lành mạnh để chống chủ nghĩa Bôn sê vích” (Le fascism est une eaction salutaire contre le bolchevisme).
°
Tháng 12 năm 1922, Mussolini thăm viếng thành phố Luân đôn. Báo chí Anh tả hình dáng nhà lãnh tụ phát xit như một pho tượng hoàn mỹ: mắt sáng long lanh, nét mặt thép, thân hình nở nang.
Những vẻ vang bên ngoài nước làm cho uy tín Mussolini tăng lên. Nắm lấy cơ hội, ông củng cố thế lực của mình. Chính sách đối nội ban đầu đặt trên nền tảng hòa giải nhằm vãn hồi trật tự, chấm dứt bạo động, quyền lợi quốc gia đi trước quyền lợi đảng.Chính sách ấy khả dĩ thu gọn vào ba chữ :Kinh tế, Cần lao và Kỷ luật. Mussolini hứa thực hiện mọi chương trình của chính phủ ông với sự tôn trọng hiến pháp. Tuy nhiên, ông vẫn đưa cái giọng phát xit vào những bài diễn văn ở quốc hội:
“Cách mạng có quyền thế của nó và tôi đứng đây để bảo vệ cùng phát triển cuộc cách mạng của những người mặc áo sơ mi đen. Tôi đã từ chối không xử dụng biện pháp chinh phục mà tôi từng làm. Tôi cố gắng tự hạn chế trong mọi hoạt động. Với hơn ba trăm ngàn đảng viên vũ trang đầy đủ, dám làm, sẵn sàng tuân lệnh tôi có thể trừng phạt tất cả kẻ nào đã phỉ báng, vu khống, bôi nhọ phát xit. Tôi cũng có thể xua quân chiếm tòa nhà yếu ớt này, giải tán quốc hội để xây dựng một chính phủ hoàn toàn phát xit. Nhưng tôi đã không làm thế vì thế không phải là sự mong muốn của tôi…”
Để kết luận, ông xin Quốc hội trao toàn quyền tài chính và chính trị đến toàn bộ hệ thống thư lại cho mình, nửa đe dọa, nửa kêu gọi sự cộng tác. Ông nói:
” Tôi cố, hết sức tránh đến mức tối đa cái cảnh cai trị ngược lại ý muốn của quốc hội, tuy nhiên Quốc hội cũng phải xét tình thế đặc biệt hiện tại, không phải cứ mỗi lúc bằng lòng rồi lại bãi bỏ trong vài ngày hay vài tháng. Tôi đòi hỏi được toàn quyền vì tôi muốn gánh hết trách nhiệm. Nếu không được toàn quyền thì như quý vị đã rõ, chúng ta khó lòng chống nổi đà lãng phí khi chúng ta cần dành dụm từng xu”.
Sau khi trói tay Quốc hội, Mussolini khởi sự chiến dịch tuyên truyền thần thánh hóa cá nhân mình trên khắp các nẻo hang cùng ngõ hẻm nước Ý.
Tờ “Popolo” bây giờ giao cho người anh em của Mussolini là Arnaldo điều khiển. Số đề ngày 15 tháng 11, Đăng tải một bài ca tụng vị thủ tướng mới của cựu thủ tướng Giolitti với những ” sous titre” in chữ đậm: ” Nội các Mussolini là nội các duy nhất có thể mang lại hòa bình xã hội . Chúng ta phải ủng hộ nội các này. Đất nước đang cần một chính phủ mạnh, một chính phủ không sống lập lờ như những chính phủ trước. Đời sống chính trị Ý đang cần sức lực mới, bần máu mới.”
Cũng chính Giolitti là người đã đứng lên nói lớn trong quốc hội lúc Mussolini đòi toàn quyền: ” J’approuve pleinement le discours du president du Conseil” trong khi hai dân biểu xã hội Modigliani và Mattéotti la lên : ” Vive le Parlement” để đuổi Mussolini xuống.
Mặc dầu đảng xã hội cố gắng chiến đấu, nhưng Mussolini vẫn thắng 306 phiếu thuận 116 phiếu chống.
°
Ngày 15 tháng 12 năm 1922, Mussolini triệu tập tất cả các nhân vật lãnh đạo phát xit để thành lập một Hội đồng phát xit tối cao (Grand Conseil Du Fascisme). Hội đồng này cứ mỗi tháng họp một lần để bàn thảo mọi vấn đề đảng cũng như mọi vấn đề quốc gia.
Báo chí ngoại quốc gọi hội đồng tối cao này như một hành động nhằm phát xit hóa quốc gia.
Cùng trong hôm ấy còn tổ chức quan trọng hơn cả hội đồng tối cao nữa ra đời, đó là ” Đoàn chí nguyện bảo vệ an ninh quốc gia” ( Milice volontaire pour la sécurité nationale). Đoàn quân chí nguyện chỉ chịu mệnh lệnh của Mussolini thôi, chứ không tuyên thệ trung thành với nhà vua, những đội quân của đoàn chí nguyện được gọi là Squadristi.
Thành tích của nó có ngay hai ngày sau, tại tỉnh quê hương của lãnh tụ cộng sản Gramsci đã có cuộc xung đột chân tay vì bênh phát xit và chống phát xit. Hai đảng viên phát xit chết. Đoàn chí nguyện phát xit quyết báo thù bằng cách tấn công bằng dao, báng súng, gậy gộc giết hơn hai chục mạng người chống phát xit hay tỏ vẻ ghét hành động bạo lực của phát xit, nhiều trụ sở thợ thuyền bị đốt phá. Trả thù xong Brandimarte người cầm đầu tuyên bố : ” Chúng tao có đầy đủ danh sách 3000 thằng cần phải thanh toán. Đây chỉ là bài học nhẹ cho bọn chống phát xit”.
Ngày 8 tháng 1 năm 1923, Mussolini tỏ ra cứng rắn hơn nữa qua câu nói: ” Phát xit không chỉ chống đỡ mà còn tấn công, phát xit đã bước qua cái xác nữ thần Tự do, nếu thấy là tốt Phát xit sẽ quay lại dẫm lên cái xác đã thối rữa ấy lần nữa”.
Nhiều đảng viên đảng xã hội bị bắt, nhiều hiệp hội công nhân bị giải tán, những dân biểu chống phát xit bị hạn chế di chuyển.
Ddosnanf chí nguyện quân phát xit mặc đồng phục sơ mi đen, quần xanh xám, mũ to rộng vành, ăn lương tháng. Quân ngự lâm của nhà vua bị giải tán. Đảng phát xit người ghi tên mỗi ngày một đông đến nỗi đảng phải khóa sổ không kết nạp nữa.
Báo chí hang ngày dành một cột danh dự đăng những ý kiến của Mussolini về mọi vấn đề và truyền bá ý thức hệ phát xit.
Đảng Bình dân của Don Sturzo qua đại hội hop ở Turin, quyết định hoàn toàn tín nhiệm chính phủ. Nhưng Mussolini vẫn giữ mối thù Don Sturzo nên ông đẩy các bộ trưởng của đảng Bình dân ra khỏi nội các. Mặt khác, ông triệt để thi hành đường lối o bế tòa thánh bằng cách đem trở lại giáo lý công giáo vào cấp bậc trung tiểu học. Trường và tòa án phải treo thánh giá.
Ngày 10 tháng 7 năm 1923, Don Sturzo từ chức lãnh đạo đảng Bình dân. Diệt thêm được một kẻ thù nữa rồi, Mussolini liền đề nghị giải tán quốc hội tuyển cử lại.
Luật bầu cử do Mussolini chỉ định cán bộ phát xit cao cấp Acerbo thảo. Cho đến bây giờ, đại biểu phát xít ở trong quốc hội vẫn chỉ có 35 người.
Tuyển cử lại để phat xit giữ nửa số ghế hay hơn. Để áp đặt đề nghị, Mussolini cho tập trung đoàn chí nguyện an ninh quốc gia về Rome thật đông, rồi ông mới lên diễn đàn biện luận. Vừa bước lên, các dân biểu tả phái phản đối ầm ĩ. Mussolini quát vào tai họ:
“Các người quên một điều rất đơn giản là cách mạng có quyền tự bảo vệ. Còn các người chỉ biết ủng hộ chế độ Nga, các người chẳng có quyền gì phản đối chế độ của tôi”.
Mussolini thắng bằng 303 phiếu. Chống đối chỉ có 40. Từ đấy về sau, không ngày nào Mussolini không ký một sắc luật mới hạn chế dần dần tự do của Ý quốc.
Tính Mussolini thích trò rầm rộ đến độ quá lố, như vụ ông đem chiến hạm dàn trận để chiếm quần đảo Doescanèse mà từ 10 năm nay chúng vẫn thuộc về Ý, chỉ lơ thơ có mấy ngư phủ thú ngụ. Mở cuộc hành quân chiếm đảo, Mussolini mong sẽ chính thức tuyên sát nhập vào nước Ý để chứng tỏ một thắng lợi ngoại giao mới. Một nhân viên ngoại giao Ý, ông Guariglia, thấy sự việc buồn cười nên vào can thủ tướng. Mussolini đành bãi bỏ cuộc hành quân, nhưng đồng thời ông cũng tống cổ Guariglia ra khỏi bộ ngoại giao.
Lần khác, Mussolini lên tiếng với một vẻ nghiêm trọng ủng hộ Pháp Bỉ chiếm đóng hạt Ruhr rồi hô hào tổ chức khối Âu châu đại lục và thị trường chung về than và thép, chống lại sự xâm lăng của Anh quốc.
Chỉ chừng vài tháng sau, ông đã quên phứt cái khối đại lục Âu châu kia, tiếp đón cực trọng thể hoàng gia Anh viếng thăm Rome. Ông cùng Lord Curzon đọc những bài diễn văn hết sức thân thiện, hứa hẹn một sự hợp tác khắp các mặt giữa Anh và Ý.
Ngày 27 tháng 8 năm 1923, khoảng 9 giờ sáng, trên con đường từ Janina đi Santi Quaranta, còn ở lãnh thổ Hy lạp, một chiếc xe chở 5 sĩ quan Ý (do hội nghị các đại sứ gửi đi để điều tra tại chỗ vấn đề biên giới Ý và An ba ni) bị chặn lại và tấn công bằng súng. Những người trên xe chết hết trong đó có thiếu tướng Tellini, mặt nát bấy vì báng súng. Báo chí xôn xao cho rằng đây là một cuộc ám sát chính trị man rợ nhất lịch sử Âu châu văn minh. Biểu tình hàng loạt trước tòa lãnh sự Hy lạp.
Mussolini thức suốt đêm để xem xét vấn đề.
Ngày 29 tháng 8, Ý cho công bố bức tối hậu thư lời lẽ buộc Hy lạp phải chịu đầu hàng nhục nhã.
Ngày 31 tháng 8, đô đốc Solari mang đội pháo hạm tới bắn phá rồi chiếm cứ thành Corfon.
Hội Quốc liên (S.D.N.) bị báo chí Ý thóa mạ là một cơ cấu quốc tế chẳng ra gì, ấu trĩ và lỗi thời, phục vụ quyền lợi đế quốc Anh.
Mussolini duyệt xét tình hình với đô đốc Thaon di Ravel, đặt vấn đề nếu có chiến tranh giữa Anh và Ý. Thấy tương quan lực lượng thế yếu ngả về phía Ý nên ông đành ra lệnh rút quân khỏi Corfon, cũng ầm ĩ như lúc chiếm và nhận của Hy 50 triệu đồng lires tiền bồi thường. Dân Ý nhất là tầng lớp tiểu tư sản cũng rất sung sướng vì lãnh tụ phát xit đã trừng phạt đích đáng kẻ gây ra tội ác. Bây giờ tại chính trường quốc tế Ý có hạng lắm rồi, chẳng phải như thời kỳ Giolitti phải rút nhục nhã khỏi Valona.
Qua vụ Corfon, Mussolini biết được rằng các nước dân chủ đồng minh không bao giờ hoàn toàn hòa thuận với nhau. Nước Ý có thể qua mâu thuẫn này mà bành trướng thế lực thuộc địa.
°
Bên Đức có một người say mê theo dõi Mussolini và đảng phát xit đó là Adolf Hitler, lãnh tụ đảng Quốc xã Đức.
Cuối tháng 9 năm 1922, Hitler gửi Karl Ludecke qua Milan để liên lạc với lãnh tụ phát xit. Ludecke trở về tán tụng phát xit hết lời, đồng thời cho ý kiến anh em quốc xã nên bắt chước phát xit trong vụ tiến quân về Rome.
Hitler từ đấy có quyết định làm cú “putsch” kiểu Ý, khởi sự từ Munich trước rồi Berlin sau.
Tháng 8 năm 1923, Ludecke qua Ý lần nữa thỉnh cầu sự giúp đỡ tài chính của phát xit, đổi lại nếu Quốc xã thắng, sẽ trả lại toàn vùng Nam xứ Tyrol. Để đảm bảo, Hitler nhận lời cho báo “Corriere Italiano” phỏng vấn, ông nói rõ ràng về chính sách của Quốc xã về miền Nam Tyrol, ông cũng tỏ ý thán phục Mussolini vô cùng.
Ngày 8 tháng 11 năm 1923, A’dolf Hitler thất bại với cú “putsch” kiểu phát xit, ( Xin đọc : “Adolf Hitler và đảng Quốc xã” ) rồi bị bắt cầm tù. Ra tòa, Hitler còn không ngớt ca tụng Mussolini với những chính sách diệt Do Thái, chống Mác xit cùng bọn “Franc macon”.
Trong nhà tù Landsberg, Hitler viết cuốn ” MeinKamf” tiếp tục nhắc tới vấn đề Nam Tyrol, chính thức nhận Nam Tyrol là của nước Ý, Đức và Ý đừng nên vì mảnh đất nhỏ ấy mà gây thành chia rẽ. Nhờ đường lối hết lòng thân thiện với phát xit, nên sau vụ thất bại nhiều lãnh tụ Quốc xã tìm được chốn dung thân bên Ý. Goering và Frank ở Rome thường vào gặp lãnh tụ phát xit luôn.
°
Chính sách đối ngoại của Mussolini mang nhiều sơ hở nhưng không vì thế mà uy tín lãnh tụ bị sứt mẻ trong nước. Hầu hết dân Ý đều đồng ý với lời phê phán của đức Giáo hoàng Pie XI:
” Mussolini không phải là Napoléon hay Cavour, tuy nhiên, bây giờ chỉ có một mình ông ta là hiểu đúng những gì cần làm cho xứ sở để chống lại tình trạng hỗn loạn khiến chính sách nghị hội trở nên vô dụng từ ba năm nay. Mussolini đã kéo được cả nước đi theo ông ấy. Mong rằng ông sẽ có thể gây dựng lại quê hương. Cầu xin Thượng đế hãy soi sáng cho chúng ta.”
Cựu thủ tướng Nitti viết thư cho Amendola (Xã hội) :
“Hãy để cho phát xit yên ổn đối phó với thử thách lịch sử, đừng gây xáo trộn. Riêng phần chúng tôi không chống đối dù chúng tôi không gia nhập đảng phát xit”.
Ở Rome, Mussolini sống một mình. Ông để Rechèle và con cái lại Milan. Đau dạ dày nên cơm ăn rất đạm bạc do bà quản gia tên Carocci nấu nướng hầu hạ. Tới nhà tư của lãnh tụ phát xit, người ta có cảm tưởng đây là một thứ ” garconnière”, nếp sống của ông như nếp sống của chàng trai độc thân. Ông có khá đông người tình và thường tiếp họ tại nhà này. Trong tình ái, Mussolini chỉ có một lối chinh phục là sức mạnh tàn bạo. Nhiều lần, ông làm tình khi ông còn vận áo đen đeo đầy huy chương vì vừa đi dự một đại lễ về.
Mỗi lần rời lâu đài Tittoni, ông hay đi chiếc xe “sport” mầu đỏ mở hết tốc lực.
Rất say sưa với quyền bính đôi khi đến bàng hoàng bởi lẽ ông không thể ngờ rằng ông có một ngày đứng ngang hàng những người vĩ đại trên thế giới. Ông đích thân đọc danh sách những người nào bị báo cáo là không thân phát xit hoặc danh sách những người mua báo hàng tháng các loại báo phản phát xit. Xem xong , ông lấy bút đỏ gạch từng tên tùy theo địa phương gửi tới các phân bộ phát xit dưới ghi mấy chữ: Tỉnh này ghét phát xit rồi sao? Ông coi chính trị, đảng phát xit và quốc gia như của riêng. Kẻ nào chống đối phát xit, ông đều dùng một biện pháp là làm cho kẻ đó khó sống. Ông bảo chủ tỉnh Turin đối đãi với Gobetti, kẻ thù chính trị của ông rằng: Hãy về làm cho thằng Gobetti, kẻ thù của đảng phát xit và của chính phủ biết thế nào là khó sống !
Mussolini thường bảo mọi người: ” Mưu toan chia rẽ Mussolini với phát xit hay phát xit với Mussolini là mưu toan không bao giờ thành tựu nó cũng là mưu toan ngu xuẩn kệch cỡm ngoài sức tưởng tượng”.
°
Tháng 1 năm 1924, sau thời gian điều đình Nam Tư ký hiệp ước với Ý trả lại tỉnh Fiume, thêm một thành công rực rỡ cho Mussolini.
Ngày 25 tháng 1, Quốc hội bị giải tán, sẽ có cuộc bầu cử vào ngày 6 tháng 4, theo thể thức mới.
Hôm 27 tháng 1, đảng Bình dân ra tuyên cáo nói:
” Thể thức tuyển cử mới sẽ đặt các đảng viên độc lập vào một thế bí trói tay, như vậy ý dân sẽ chẳng còn trung thực nữa” ( Le nouveau système electoral place les partis indépendants en plein situation d’infériorité, la manifestation de la volonté populaire est travestie).
Thể thức tuyển cử mới là đầu mối cho sự hỗn loạn mới. Cũng như lần trước, phát xit lại sử dụng bạo lực đến mức tối đa theo lời truyền của Mussolini: ” Hãy làm một lần cho mãi mãi, kẻ nào chống chúng ta sẽ ăn đạn chì. Đứng trước vẫn đề liên quan đến vận mạng đất nước, liên quan đến đảng phát xit, chúng ta sẵn sàng giết và chết”.
“Prêts à tuer”, đảng viên phát xit gào lên.
Thế là ứng cử viên xã hội Piccini bị bắn ba phát vào lưng, các nhà báo bị sơi ” Ma trắc” vào đầu, các tỉnh bị đặt trong tình trạng giới nghiêm, các lãnh tụ xã hội như Turati, Amendola không còn chỗ đọc diễn thuyết. Dân biểu Mattéotti bị trùm mền lên người mang ra bỏ giữa cánh đồng hoang vắng, những ứng cử viên không có cách gì lấy được đủ giấy tờ hợp lệ.
Kết quả tuyển cử phát xit chiếm 275 ghế, người của chính phủ được 100 ghế, các đảng khác chia nhau số ghế còn lại như sau:
– Bình dân : 40
– Dân chủ : 25
– Danh sách Giolitti : 25
– Cộng sản : 19
– Xã hội : 29
– Cộng hòa : 8
Ngày 5 tháng 5, đứng trước quần chúng ở Palerme, mặc dầu phát xit đã toàn thắng trong cuộc tuyển cử, Mussolini vẫn giữ giọng đe dọa:
“Nếu cần, anh em có sẵn sàng quét sạch tất cả những gì hết lý do tồn tại trên đất nước chúng ta không?”
Bên dưới, đám quần chúng thét lên: ” Sẵn sàng !”.
CÁI CHẾT CỦA DÂN BIỂU MATTEOTTI
Ngày 24 tháng 5, Quốc hội mới họp phiên đầu tiên.
Ngày 30 tháng 5, trụ sở quốc hội sôi nổi lạ thường, trong ngoài dầy đặc những người mặc áo sơ mi đen trang bị vũ khí.
Ông chủ tịch Alfredo Rocco tuyên bố hai dân biểu Labriola và Mattéotti vừa đưa phản kháng cho kết quả cuộc bầu cử vô giá trị vì nhiều điểm pháp lý. Mattéotti lên diễn đàn, dáng dấp nhỏ nhắn nhưng vẻ mặt cương quyết, trán cao rộng. Tròng mắt sâu của nhiều đêm không ngủ và suy tư.
Mattéotti có một gia sản lớn ở vùng Rovigo nhưng ông lại là người hăng say với chủ nghĩa xã hội hơn hết cho nên Mussolini thường gọi diễu Mattéotti bằng cái tên “ông triệu phú”. Ông được bầu làm dân biểu qua nhưng lần tuyển cử năm 1919 – 1921 – 1924. Năm nay ông 39 tuổi.
Từ sáng sớm, Mattéotti đã cho phân phát cuốn sách nhỏ bé nhan đề: “Một năm dưới chế độ phát xit” do chính ông sưu tập tất cả những hành động bạo ngược của phát xit. Cuốn sách cãng có ghi lại những lời Mussolini nói khi lãnh tụ phát xit còn là một đảng viên vô chính phủ, đảng viên xã hội Mattéotti nói trên diễn đàn:
“Bây giờ chẳng còn ai được tự do nữa bởi vì mỗi công dân đều biết rõ rằng nếu có dám phát biểu chăng nữa dù họ có đa số chăng nữa thì họ cũng không dám đối lập vì sợ sự trả lời bằng bạo lực của chính phủ phát xit”.
Dân biểu phát xit Farinacci la lớn:
“vậy các anh hãy làm cách mạng đi !”.
Mattéotti đáp:
“Dưới bàn tay đầy máu của đoàn chí nguyện phát xit dân chúng đã kiệt sức để làm cách mạng”.
Một dân biểu phát xit khác nói:
“Các đoàn chí nguyện đỏ của các anh ở đâu?”
Mattéotti bình thản chờ cho sự la ó lắng xuống, lại tiếp tục tố giác những vi phạm trắng trợn luật bầu cử của phe phát xit như bắn phá, chém giết.
Farinacci bảo:
“Theo dân biểu Matteotti thì chúng tôi sẽ phải làm những gì từ trước đến nay chúng tôi đã không làm?”
“Bao giờ quý vị chẳng làm cái nghề của quý vị.”
Chủ tịch Rocco (thân phát xit) cảnh cáo:
“Dân biểu Matteotti nếu muốn xin hãy gìn giữ khôn ngoan lời nói”.
Mattéotti đáp:
“Ở đây tôi không xin được nói khôn ngoan hay không khôn ngoan mà chỉ xin được nói như một người trên diễn đàn quốc hội” ( Je ne demande pas à parler prudemment ou imprudemment mais parlementairement).
Các dân biểu phát xit đều tức sùi bọt mép, họ cùng nói lẫn lộn:
“Chúng ông sẽ dậy cho mầy bài học bằng bang sung đập vào lưng để mày biết phải trọng nể chúng ông như thế nào ! Cút về Nga đi !”
Mattéotti kết luận:
“Chúng tôi nhân danh chủ quyền tự do của nhân dân đòi hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử này”.
Mussolini ngồi lặng trên ghế suốt hai tiếng đồng hồ không nhúc nhích.
Khi ra về, Mattéotti nói đùa với bằng hữu:
“Kể từ hôm nay các bạn có thể sửa soạn viết cho tôi một bài điếu văn”.
Tờ “Popolo” xuất bản ngày 1 tháng 6 viết:
“Quốc hội đã có một sức chịu đựng phi thường trước bài diễn văn khiêu khích của dân biểu Mattéotti”.
Chưa thôi, hôm 4 tháng 6, Mattéotti còn nói nữa. Lần này, ông đưa ra nhiều chứng cớ khiến Mussolini không thể ngồi im được. Lãnh tụ phát xit đứng phắt dậy chỉ về phía các dân biểu cánh tả mà bảo:
“Ở bên Nga có nhiều vị thấy thật giỏi, rất tiếc tôi đã không bắt chước họ. Nếu tôi làm theo họ thì giờ đây các người đang ở trong tù hoặc chịu một viên đạn thủng ngực”.
Tiếng vỗ tay nổi lên. Mussolini tiếp:
“tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa can đảm để làm hơn như thế. Vả chăng hãy còn dư thời giờ để các người ngạc nhiên”.
Ngày 7 tháng 6, Quốc hội chấp nhận bằng 361 phiếu chống, 107 phiếu phản kháng.
Mussolini đè bẹp đối phương nhưng mối thù với dân biểu Mattéotti, vẫn chẳng thể quên đi được.
°
Ngày 10 tháng 6 năm 1924. Phiên họp chiều tại quốc hội vắng mặt dân biểu Mattéotti. Mọi người không mấy chú ý. Nhưng gia đình Mattéotti thì lo ngại vô cùng và cho Quốc hội biết, Mattéotti đã ra khỏi nhà từ lúc trưa, đi bộ tới Quốc hội.
Ngày 11 tháng 6 năm 1924, Fasciolo, viên thư ký riêng của Mussolini báo cho ông hay tin dân biểu Mattéotti bị ám sát chết.
Sự việc này ra sao?
Hôm 10, Mattéotti rời khỏi nhà số 40 đường Pisanelli để đến Quốc hội. Người công an chìm vẫn đi theo bảo vệ cho dân biểu đã không làm bổn phận thường lệ. Trời nóng bức, dọc bờ sông Tibre vắng hoe. Một chiếc xe hiệu Lancia mang số 55-12169 đậu sẵn bên đường chờ đợi. Khi Mattéotti vừa đi tới, mấy người trên xe nhẩy ra chộp lấy dân biểu. Ông này vật lộn chống trả kịch liệt giằng chạy nhưng bị đánh mạnh vào đầu rồi kéo lên xe phóng nhanh đi mất hút.
Mattéotti ngồi bên trong lấy chân đạp vỡ cửa kính xe thì cả chục nhát dao đâm mạnh xuống ngực ông. Máu chảy chan hòa trên xe, nhễu cả xuống mặt đường. Xe lao vun vút về hướng ngoại ô đến làng Quartarella cách Rome 23 cây số. Bọn sát nhân đào một cái hố chôn xác nạn nhân, hố nhỏ quá chúng lấy búa đập gãy chân nạn nhân để nhét vào hố cho vừa.
Fasciolo gặp đám giết Mattéotti ở quán cà phê Picarozzi ngay đêm ấy thấy có mặt Amerigo, Dumini, Volpi những tay anh chị quen thuộc trong đoàn chí nguyện phát xit, lại có cả tên Thierschwald, quốc tịch Balan vừa được lôi ở nhà tù ra để dùng vào sứ mạng đẫm máu này. Cũng đêm đó, Dumini đến tòa báo “Corrière Italiano” gặp chủ nhiệm Filippelli, một người bạn của Mussolini, đã cho mượn cái xe Lancia.
Nghe kể xong, Filippelli mặt chẳng còn hột máu vội gọi điện thoại cho tướng De Bono hiện làm tư lệnh cảnh sát. De Bono hứa thu xếp việc này không để Filippelli bị lôi thôi.
Sáng ngày 11 tháng 6, tất cả lãnh tụ phát xit đều được thông báo vụ Mattéotti để họ khôn ngoan trong lời nói. Riêng Mussolini rất bực bội vì sơ hở của bọn hành động đã không cho thay số xe. Ông bảo Fasciolo: “Nom de Dieu, il Suffisait de pisser sur la plaque”
Tối 11 tháng 6, toàn thể khối dân biểu đối lập lo ngại số phận của Mattéotti
Trưa ngày 12, cảnh sát ghi nhận lời khai của tên gác cổng cho biết số xe và tên chủ xe được tiết lộ. Đầu mối thò ra nên Dumini bị bắt ngay khi hắn định đào thoát.
Tối ngày 12, lên diễn đàn Quốc hội trấn an mọi người. Ông nói:
“Tôi hiểu toàn thể quốc hội đang nóng lòng muốn biết chi tiết số phận dân biểu Mattéotti vừa bị mất tích trưa hôm mồng 10 trong những trường hợp và địa điểm chưa được đích xác cho lắm nhưng cũng để đặt lên giả thiết cho một tội ác mà cả Quốc hội lẫn chính phủ đều căm phẫn và xúc động”.
Ngày 13 tháng 6, vụ ám sát không còn bưng bít được nữa, loan truyền miệng rất nhanh với nhiều chi tiết khá rõ. Quần chúng hết sức giận dữ . Mattéotti chết còn nguy hiểm gấp bội Mattéotti sống. Giết người giữa thanh thiên bạch nhật, nếu muốn hỏi thủ phạm thì chỉ việc hỏi kẻ nào thù ghét Mattéotti nhất.
Ngay buổi sáng, khối dân biểu đối lập quyết định rút khỏi quốc hội. Việc bỏ quốc hội, báo chí đặt tên là vụ “Aventin”, tên một ngọn đồi mà xưa kia thời đế quốc La mã, đám bần dân tụ họp để chống đối tội ác của bọn “patriciens”.
Buổi trưa, khối phát xit đã bỏ phiếu thông qua đề nghị tạm ngưng các phiên họp Quốc hội. Mussolini nói:
“Nếu có kẻ nào trong phòng hội này bị súc động nhiều nhất, chính là tôi. Chỉ có kẻ thù của chúng ta mới có thể gây nên một tội ác đáng tởm như vậy”.
Sắc mặt Mussolini tái đi, giọng ông hơi run run, ông nói tiếp:
“Nếu người ta mang ý định tạo một âm mưu chính trị để nhằm lật đổ chính phủ thì người ta cũng phải nhớ rằng chính phủ sẽ tự bảo vệ bằng bất cứ giá nào, chính phủ vẫn còn một lương tâm trong sạch và yên ổn để xử dụng mọi cách thức cần thiết”.
Nói cứng lắm nhưng thâm tâm Mussolini hiểu mình đang đứng trước một cuộc thử thách hết sức nguy kịch. Chẳng ai dám lại gần ông kể cả những người phát xit vì họ còn chờ đợi không muốn bị dây vào vụ này. Hơn nữa, Mussolini đã bỏ rơi những tay chân thân tín vừa nhúng tay vào tội ác. Filippelli bị bắt khi hắn bước chân lên cano chuồn khỏi Gênes. Volpi cũng chung số phận. Rồi đến Finzi thứ trưởng nội vụ phải từ chức, trát tòa cho lùng bắt Cèsare Rossi trưởng phòng báo chí phủ thủ tướng. Rossi đang tại đào mãi đến hôm 22 tháng 6 mới bị còng. Dư luận đổ tội lên đầu Mussolini, đồn ầm ĩ là có cơ quan mật vụ riêng của ông chuyên đi ám sát những chính trị gia mà ông thù ghét. Cuối cùng là Marinelli tổng thư ký đảng.
Mussolini cố phấn đấu để chứng tỏ mình không nhúng tay vào vụ giết Mattéotti nhưng chẳng ai tin cả. Các dân biểu quốc hội chưa ai quên những lời mà Cèsare Rossi và Marinelli nói giọng hậm hực ngay tại Quốc hội : “Đảng ta là bù nhìn hay sao mà để bọn đối lập hoành hành quá vậy ? Anh em chí nguyện áo đen đâu ?”.
Ngoài ra, bên ngoài ai cũng biết do sự khoe khoang của viên phát xit cái câu mà Mussolini nói với Rossi lúc Mattéotti bị mất tích: “Cho chúng nó đi tìm thằng khốn ấy ở dưới cống”.
Trong 4 ngày liền như con thú bị săn đuổi, ông ngồi hàng giờ cắn ngón tay suy nghĩ mung lung, hoặc đập đầu vào ghế tựa cả chục cái liền. Tin tức khắp nơi gửi về cho ông hay tại các công sở, trường học, làng xã, dân chúng xé bỏ dấu hiệu phát xit. Nhiều báo chí quay đầu lại chống Mussolini bên cạnh tờ “Avanti”, “Unita”, còn có “La Stampa”, “Corriere della Sera” cho điều tra và đăng lên những vụ giết người của phát xit ở Turin, Bologne, Milan trong quá khứ.
Theo các báo cáo của cảnh sát trưởng ở Rome thì khối dân biểu đối lập được quần chúng nồng nhiệt chào đón, đâu đâu đám đông cũng bàn tán và đòi rọi ánh sáng cho công lý “Luce a guistizia”. Nhiều nơi, chí nguyện quân phát xit đang manh nha khuynh hướng Mussolini nên từ chức để cứu vãn danh dự của đảng.
Rachèle Mussolini kể trong cuốn “Ma vie avec Benito” :
“Tôi không ý thức nổi tình thế bi thảm tới mức nào vì tôi chỉ liên lạc với chồng tôi qua điện thoại. Nhưng tôi biết chồng tôi đã nản hết sức. Nhiều lần, anh ấy bảo tôi rằng : anh đang bị những lực lượng đáng sợ chống lại. Một buổi chiều, anh ấy cho tôi hay đảo chính có thể xảy ra do nhiều bộ trưởng âm mưu và cầm đầu bởi Louis Federzoni buộc Benito từ chức. Trong lúc ấy chỉ có Constant Ciano là người duy nhất còn trung thành tuyệt đối với chồng tôi”.
Ở tình cảnh tuyệt vọng như vậy, tại sao Mussolini lại thoát ra được ?
Trước hết, Mussolini cứ bám thật chặt lấy chính quyền, ông hiểu rằng nếu rời tay ra có nghĩa là sẽ bị lôi cổ ra tòa kêu án.
Ông lảng sang một hướng khác nên bắt đầu từ ngày 11 tháng 6 thường nhắc đi nhắc lại việc đang có âm mưu đình công nhằm đánh phát xit và chính phủ, đồng thời để nhắc giới tư bản đừng bỏ rơi ông.
Chủ lực căn bản mà ông có thể trông cậy được là đoàn chí nguyện phát xit vì lực lượng này đã nhúng tay vào biết bao tội ác cũng sợ tòa án, sợ tù tội như ông trong trường hợp bị đánh quỵ .
Ở Crémone, Farinacci hôm 22 tháng 6 loan báo sẽ có một cơn sóng phát xit thứ hai nổi dậy, báo chí phát xit đồng loạt tỏ ý hối tiếc đã không dùng võ lực chiếm hết các tỉnh.
Trung tuần tháng 7, thủ tướng Arpinati đem mấy tiểu đoàn chí nguyện phát xit vào Rome để Mussolini bớt sa sút tinh thần.
Dinh thủ tướng, lâu đài Chigi vắng như chùa bà đanh, Mussolini cô quạnh bên bàn giấy, ông bảo với Arpinati:
“Địa vị tôi khó vững lắm. Người ta không thể cai trị khi chân bị vướng vào xác chết”. (Ma position est intenable, on ne peut rester au gouvernement avec un mort entre les pieds).
Arpinati khuyên Mussolini hãy đối phó đến cùng, hãy trừng phạt kẻ nào làm cái vụ ám sát ngu xuẩn và đừng nghĩ ngợi tới nó nữa.
Buổi chiều, đoàn chí nguyện của Arpinati đứng đón Mussolini trong đám đông để hoan hô lãnh tụ phát xit. Họ đã vỗ tay reo hò như những thằng điên vì xung quanh chẳng ai hưởng ứng còn quay lại nhìn họ với vẻ mặt quái dị.
Trông thấy hình ảnh ê chệ, Mussolini càng chán ngán. Cứu Mussolini không phải là đảng phát xit như ông nghĩ mà là nhà vua.
Ngày 16 tháng 6, Victor Emmanuel từ Tây Ban nha về. Ngài chẳng động tĩnh gì hết, cũng không trách móc Mussolini câu nào. Trái lại còn khuyên thủ tướng Mussolini hãy giao bộ nội vụ cho Féderzoni đừng kiêm nhiệm nữa, như vậy đỡ ngờ vực hơn, giảm bớt công phẫn của dư luận nếu cứ kiêm nhiệm tức là cố ý che dấu thủ phạm.
Ngày 24 tháng 6, Mussolini ra trước thượng viện ông đề cập đến những bạo động của các người xã hội, nhấn mạnh ý chí cương quyết của chính phủ dẹp tan bạo động.
Hai thượng nghị sĩ là Sforza và Albertini đứng phắt dậy phản đối, Mussolini đánh trống lảng.
Buổi tối, có mấy người lạ mặt đến nhà dọa bà Sforza nên bảo chồng bà câm miệng nếu bà không muốn trở thành góa phụ.
Bà Sforza lặng thinh chẳng nói gì với chồng. Hôm sau, Sforza đọc một bài diễn văn nảy lửa, mạt sát những hành động sát nhân côn đồ, rồi chỉ vào mặt Mussolini mà nói:
“Ông chỉ có thể chọn giữa hai con đường, một là nhận tội, hai là nhận mình bất lực”. (Vous pouvez choisir ou coupable comme ou ne le fut jamais ou incompetent comme on ne le fut jamais).
Nếu quốc hội chỉ tiến một bước nhẹ nữa thôi là sự nghiệp chính trị Mussolini đến đây phải chấm dứt nhục nhã.
Nhưng không, Mussolini có thêm vị cứu tinh nữa, đó là gáo sư Benedetto Croce, tức nhà triết học lịch sử Croce hiện làm dân biểu , ông đã đứng lên đỡ đòn cho Mussolini mà nói:
“Chúng ta hãy để trình tự thay hình đổi cốt của phát xit có đủ thời gian hoàn thành lúc đó sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của chúng ta mới thật là khôn ngoan và yêu nước.”
Chỉ một lời ấy cũng đủ để Mussolini sống lại. Croce là người không thân phát xit, sau này ông ta thành kẻ thù số 1 của phát xit là khác, nhưng ông ta cũng như bao phần tử trí thức bị mù quáng bởi cái triết lý bảo thủ, bởi những ảo tưởng, nên đã vô tình đem thuốc hồi sinh cho phát xit.
Bằng 235 phiếu thuận chống 21 phiếu nghịch, nguyên lão viện thông qua quyết nghị tiếp tục tín nhiệm chính phủ.
Thấy Quốc hội tín nhiệm chính phủ, vua Victor vịn vào đấy mà đẩy nỗ lực cứu vớt Mussolini mạnh hơn nữa. Vua Victor trong thâm tâm không muốn đuổi Mussolini vì ông nghĩ rằng chỉ có hắn là tay đủ khả năng bảo vệ chế độ quân chủ Ý. Bằng chứng là vụ Bonomi đưa lời khai của Cesare Ross trút tội trạng lên đầu Mussolini, đức vua xem qua rồi bảo Bonomi: “Tôi xin ông một ân huệ đừng bắt tôi phải đọc nó nữa và ông hãy cất nó đi”.
Vụ Sforza vào trình vua về việc Mussolini, đức vua gạt phắt đi : “Tôi đâu phải là ông tòa nên chẳng có thẩm quyền gì cả”.
Việc các đại diện cựu chiến binh vào đọc bản tố cáo Mussolini, thì vua không mấy vui. Vua đã tỏ thái độ như vậy, quân đội vốn trung thành với vua nên cũng bất động.
Khối dân biểu chống đối tuy nắm uy thế nhưng lại hạn chế uy thế ấy trong vòng kìm hãm của hiến pháp nên ưu thế cứ đứng ỳ một chỗ.
Trong khi tình thế bên ngoài sôi lên thì nơi Mattéotti bị bắt cóc, không biết ai đã kẻ lên đó một dấu thánh giá màu đen. Dân chúng tự động mang hoa đến đây phúng viếng, hoa chất cao lên như núi. Quần chúng toàn quốc chỉ đợi một tiếng gọi quyết liệt là nhất tề nổi dậy tiêu diệt phát xit nhưng tiếng gọi ấy đã không có, mặc dầu Sforza cố gắng thuyết phục khối dân biểu đối lập làm mạnh tràn vào dinh thủ tướng bắt Mussolini.
Nhóm “Aventin” bất lực dần chỉ vì cứ do dự mãi trước sự lựa chọn thế nào cho phải, chỉ vì lo sợ phát xit sụp đổ thì tất cả sẽ nhẩy vào một tương lai dầy đặc sương mù, chỉ vì những người trong cuộc đồng sàng dị mộng, đảng xã hội không tin nhóm tự do, người cộng sản ngờ vực, nhóm tư sản chống phat xit. Turati hối hận nói:
“Chúng ta mỗi người đều tự nhủ phải làm một cái gì, nhưng chúng ta đã chẳng làm gì cho ra làm hết. Chúng ta đều hiểu nếu kéo dài, kẻ thù sẽ lấy lại sức, nhưng chúng ta chỉ hiểu suông vậy thôi”.
Thế là Mussolini thoát nạn.
Mặt trận chống phát xit hoàn toàn thất bại.
°
Ngày 10 tháng 7 năm 1924, thủ tướng Mussolini kí sắc luật về báo chí. Theo sắc luật này thì bất cứ báo nào cũng có thể bị tịch thu do quyết định của chính phủ.
Ngày 1 tháng 8, đoàn chí nguyện an ninh quốc gia phát xit làm lễ tuyên thệ trung thành với đức vua nhưng vẫn đặt dưới quyền của Mussolini. Đức vua sung sướng và đảng phát xit cũng vui mừng vì đây là một bước tiến dài trên con đường phát xit hóa quốc gia.
Ngày 16 tháng 8, do một sự ngẫu nhiên, có xếp đặt, viên cảnh sát nghỉ phép tình cờ tìm thấy xác dân biểu Mattéotti chôn vùi trần trụi mất đầu. Dư luận súc động, tuy nhiên, khí thế dư luận chẳng còn mạnh như trước, nó đã trở nên tiêu cực cúi mặt buồn bã đi theo đám tang và đặt hoa đầy trên mộ người chất quá cố.
Tuần lễ sau, cảnh tượng năm 1922 tái diễn, phát xit khắp mọi tỉnh rầm rộ kéo về Rome trên những đoàn xe cam nhông dài dặc, súng ống gươm đao đầy đủ đi tuần hành khắp phố, đọc những bài diễn văn dọa nạt: “Muốn giải quyết dứt khoát vấn đề đất nước, cần phải them cả ngàn người chết vì nước”.
Lại có chỗ hô khẩu hiệu : Vive Dumini ! Dumini muôn năm !
Dumini là tên kẻ cầm đầu vụ giết dân biểu Matteotti.
Tại Milan, một công nhân đảng viên xã hội tên Oldani, bị ám sát mà hung phạm lại được trắng án hoặc trừng phạt rất nhẹ bằng lời khai tại vì sọ Oldani quá yếu (anormalement faible) nên hung phạm lỡ tay ngộ sát.
Nhà văn Curzio Malaparte làm thơ ca tụng những hành vi tàn bạo của phát xit:
“O Italiens tueurs de vivants
Le beau temps est de retour
………………………………………..
Les mauvais temps sont passés
Le traitre va payer
Paix aux morts, guerre aux vivants”.
Ngày 6 tháng 9, vua Victor Emmanuel III tiếp Mussolini. Thủ tướng tỏ ý lo ngại về những âm mưu của phe đối lập sắp đưa ra đợt tấn công thứ nhì. Đức Vua nói nhỏ vào tai Mussolini: “Ông cứ yên tâm đừng nên quá lưu ý đến những chuyện đã qua”.
Ngày 12 tháng 9, một công nhân rút súng bắn dân biểu phát xit Casalini trên xe điện giữa thành phố Rome. Thế là phát xit mượn cớ trả thù đánh phá lung tung, nhiều người có khuynh hướng chống phát xit bị đấm đá đập bằng gậy hay bằng dao.
Ngày 4 tháng 11, kỷ niệm chiến thắng chiến tranh 1914 – 1918, khởi sự cuộc xung đột giữa nhóm cựu chiến binh tự do với phát xit.
Ngày 11 tháng 11, Farinacci tuyên bố: “Phải hạ bọn đối lập, không thì phát xit bị hạ”.
Ngày 12 tháng 11, nhóm dân biểu đối lập lại đặt vấn đề Mattéotti với lời tố cáo của một nhà báo công giáo tên Donati rằng tướng De Bono là đồng lõa trong vụ ám sát.
Tờ “Il Mondo” của dân biểu Amendola cho đăng lời thú tội của Cesare Rossi nói rõ nội vụ hành động sát nhân trong đó có câu kết tội Mussolini:
“Tout ce qui s’est produit s’est toujours produit avec la volonté directe ou avec la complicité du Duce”.(Tất cả những gì đã xẩy ra bao giờ cũng xẩy ra do ý muốn hoặc do sự đồng lõa của lãnh tụ ).
Trận tấn công thứ nhì chẳng đem lại bao nhiêu kết quả vì vấn đề bây giờ quá muộn vì lẽ quần chúng đã tuyệt vọng với đường lối nhùng nhằng của phe đối lập, vì lẽ đức vua nay cũng đã nhúng tay hẳn vào thùng chàm, vì lẽ quân phát xit đã lấy lại tinh thần và họ mang về các đô thị lớn những lực lượng vũ trang đáng kể.
Ngày 31 tháng 12, bộ trưởng nội vụ Federzoni ra lệnh tịch thu các báo đối lập, đồng thời cho công an xông vào nhà các lãnh tụ chống phát xit để lục soát.
Đêm 31 tháng 12, hơn ba chục đại biểu đoàn chí nguyện tụ tập đi thẳng vào dinh thủ tướng để bày tỏ ý định quyết liệt của họ. Trong cuộc tiếp kiến không được báo trước này, đại biểu Giunta rút dao ném phập xuống giữa bàn rồi nói với Mussolini: “Nếu ông định lùi nghĩa là đưa chúng tôi xuống hố, chúng tôi sẽ chống trả đến cùng; đại biểu Tarabella cũng nói: “Hoặc tất cả vào tù hoặc tất cả đều tự do, nếu phải vào tù thì lãnh tụ cũng vào tù luôn”.
Mussolini vừa ngỡ ngàng vừa bực với thái độ chẳng coi ai ra gì này, ông nhấn mạnh đến kỷ luật đảng, đến trật tự, không thể lộn xộn như đảng ăn cướp được. Tarabella trả lời:
“Ông nói gì? Ông từng là người thổi ngọn lửa nóng vào trái tim tuổi trẻ, ông là người phiến động bọn giang hồ phiêu bạt chúng tôi nổi dậy làm anh hùng, mà ông còn nghĩ rằng bọn tứ cố vô thân chúng tôi sẽ ngồi im cho ông bảo sao thì làm vậy ư ? “
Mussolini đành đấu dịu nói trong thời gian qua ông đã bị đẩy vào thế cô lập bởi một xác chết buộc chặt lấy hai chân ông.
Tarabella giọng hằn học cãi:
“Một cái xác chết thối chẳng quan hệ bao nhiêu so với cuộc cách mạng, chẳng lẽ xác chết đó lại có thể ngăn nổi cách mạng sao?”
Sau cuộc gặp gỡ, các cán bộ cao cấp phát xit lãnh đạo chí nguyện bao vây chặt lấy Mussolini.
Ngày 3 tháng 1 năm 1925, Mussolini phải đọc diễn văn tại Quốc hội thì ngay buổi sáng, Orano đã vào gặp lãnh tụ yêu cầu cho xem nội dung bài diễn văn, đến nỗi Mussolini phát cáu nói để yên lòng họ:
“Je parlevai avec les c…sur la table”.
Rồi trước mặt các vị dân biểu hôm ấy, Mussolini đĩnh đạc lên tiếng:
“Thưa quý vị, những điều tôi sắp nói đây không có tính cách một bài diễn văn quốc hội…Tôi tuyên bố trước toàn thể quốc hội và toàn thể quốc dân rằng tôi nhận lãnh hết mọi trách nhiệm tinh thần và lịch sử về tất cả những gì đã xẩy ra. Nếu quả thực đảng phát xit là một tổ chức gồm có những người không lương thiện thì tôi đây chính là lãnh tụ của đảng đó, lỗi lầm gì hãy đổ lên đầu tôi…Nhưng tôi cũng nói với quý vị rằng cuộc nổi loạn của nhóm Aventin vừa rồi đã tạo nên một hậu quả tai hại là phục hồi chủ nghĩa cộng sản trên đất nước này. Tuy nhiên, phát xit kể cả đảng lẫn chính phủ vẫn thừa sức để dập tắt ngọn lửa cộng sản, bây giờ chính là lúc chúng ta phải quát lên bảo: “Thôi đi ! Đi theo tiếng quát là biện pháp bạo lực. Quý vị trong nhóm Aventin, quý vị đang rơi vào hố sâu đầy ảo tưởng”.
CON NGƯỜI LÃNH TỤ
Mussolini làm thủ tướng lúc ông mới 39 tuổi, một trường hợp hãn hữu trong lịch sử Ý. Những người trước ông như Giolitti được gọi là người lên ngôi vị này quá trẻ mà cũng từ 50 tuổi, Nitti 52 tuổi, Sonino 57 tuổi, Orlando 56, Salandra 61 và Grispi 67.
Ngoài lợi điểm sức mạnh thanh niên, Mussolini còn lợi điểm khác là ít người biết roc ông. Một nhà ngoại giao Ý ở ngoại quốc về sau khi Mussolini nắm chính quyền, có hỏi người bạn về thân thế vị tân thủ tướng, ông ta nhận được câu trả lời của bạn rằng : “Không ai biết rõ lắm, tôi cũng chỉ nghe nói “hắn” là dân miền Bắc, tính khí hung hãn”.
Mussolini mê say sự cường tráng nên ông sợ tuổi già, vì thế kể từ lúc bước vào tuổi 50, ông cấm không cho làm lễ sinh nhật, cấm không cho nhắc tuổi tác của ông trừ khi nào cần thiết lắm. Dáng dấp Mussolini bình thường, thấp, chỉ được cái vạm vỡ, bởi vậy ông ưa tìm đủ mọi cách làm cho mình cao hơn lên. Có hai điểm đặc biệt trên khuôn mặt là hai bên hàm bạnh ra và đôi mắt lồi với con ngươi luôn luôn động nhiều lúc nó đảo tròn trông rất lạ. Giọng nói oang oang nhưng trầm bổng. Trong các cuộc đàm thoại. Mussolini ăn nói lịch sự pha chút chất phác nông dân điểm thêm những nét hài hước.
Trước đám đông, lời lẽ của ông đổi thành loạt cơn sóng dữ vì muốn dựng một hình tượng sắt thép về con người ông trong đầu quần chúng,ai tinh ý sẽ thấy ngay Mussolini làm điệu.
Ông giỏi hùng biện trước đám đông và coi khả năng đó như thứ vũ khí căn bản cho cuộc đời chính trị. Tại sao ? Theo ông thì người lãnh đạo hiện thời phải làm cho quần chúng nghe mình mà hùng biện là một cái phương tiện hiệu quả nhất. Ông bảo cùng Emil Ludwig, nhà văn Đức nổi danh đương thời: “Mọi cuộc cách mạng đều phải sáng tạo được huyền thoại mới, hình thái mới, tập tục mới”.
Hùng biện có thể đưa ra những thứ ấy cùng một lúc và gây ấn tượng mạnh hơn cả.
Ông thừa nhận sự cần thiết của quần chúng, nhưng đồng thời ông cũng không dấu diếm quan điểm bỉ thị quần chúng, ông cho rằng chỉ có những phần tử ưu tú làm cách mạng chứ giai cấp vô sản chẳng bao giờ làm được cái gì hết. Những năm tháng hoạt động trong đảng xã hội đã dậy cho ông hiểu cái lề lối dân chủ bao giờ cũng đi tới kết quả bất lực, hễ cứ đám đông tham dự vào vấn đề lãnh đạo là hỏng việc. Lực lượng thợ thuyền trước sau chỉ nên coi như một sức mạnh để uốn nắn thành công cụ thực hiện kế hoạch chính trị của đám người có đầu óc. Không gì ngu xuẩn hơn và vô lý hơn là chủ trương cai trị bằng đa số. Emil Ludwig đăng nguyên văn lời Mussolini về vấn đề trên như sau:
“Với tôi, quần chúng chỉ là bầy cừu nếu nó cứ ở tình trạng vô tổ chức, quần chúng không thể tự mình cai quản được, phải có người dẫn dắt, người dẫn dắt chỉ cần đừng quên hai điểm: khuấy động lòng nhiệt thành và hiểu rõ quyền lợi để đem quyền lợi cho quần chúng. Quần chúng thật ra chẳng quan tâm đến Tự Do mà chỉ cần cuộc sống vật chất đầy đủ và mong được yên ổn làm ăn”.
Ludwig hỏi Mussolini:
– Nhà độc tài có bao giờ được yêu mến hay không?
Lãnh tụ phát xít đáp:
– Nếu nhà độc tài có được yêu mến thì điều kiện căn bản vẫn còn là được sợ nữa. Đám đông rất yêu người hùng. Đám đông giống hệt người đàn bà.
Rồi ông giảng thêm:
– Chỉ lòng cuồng tín mới gây được chuyện rời núi lấp sông chứ lý lẽ không làm nổi. Lý lẽ có thể dùng như một khí cụ chẳng bao giờ là sức thúc đẩy quần chúng. Ngày nay, con người đâu đủ thời giờ để mà suy nghĩ sự việc cần phải thế này hay thế khác. Trong khi khả năng cuồng tín của con người thuộc thời đại mới thì lại mạnh vô cùng. Khi đám đông kia đã thành một khối sáp trong bàn tay nhào nặn của tôi, khi tôi dấy động lòng cuồng tín ở nơi họ, thì tôi cũng tự hòa mình trong đó, bị tan biến vào nó. Cũng lúc ấy tôi lại cảm thấy một nỗi hằn học dâng lên như người thợ nặn đôi lúc bực bội với khối đất mình đang nhào nặn. Nhiều lần nhà điêu khắc muốn đập cho vỡ tan ra từng mảnh tảng đá “marbre” chỉ vì nó không hợp với hình tượng mà ông ta muốn tạc. Nhiều lần, vật vô tri có thể nổi loạn chống lại người sáng tạo. Tất cả vấn đề là người lãnh đạo có kiểm soát nổi quần chúng như điêu khắc gia đối với vật liệu tạc tượng hay không ?
Qua những lời trên, người ta thấy ở Mussolini một đức tính tự tin ghê gớm. Thế mà ông ta lại rất hay hoài nghi, do dự.
Khoảng 1913, Georges Sorel nhận xét con người Mussolini rằng:
“Hắn không phải là một đảng viên xã hội như ta thường gặp. Ngày nào đó bạn sẽ trông thấy hắn cầm đầu một đội quân cuồng tín đứng chào quốc kỳ Ý bằng dao găm đưa lên. Hắn đúng là loại người Ý của thế kỷ thứ 15, một “condottiere” (lính đánh giặc mướn). Hắn cũng là loại người dõng mãnh đủ khả năng sửa chữa những bạc nhược của chính quyền.”
Nhưng Angelica Balabanoff lại có nhận xét về Mussolini khác hẳn:
“Nhút nhát và đầy mặc cảm tự ti, tâm não bị giằng xé bởi một phía là lòng hăm hở, phía kia là tự thấy mình ít học, hiểu biết còn quá thiếu sót để có thể nhận thức mỗi khi đối đầu với một biến cố lịch sử trọng đại hay một tình thế khẩn trương. Hắn ta giống hệt đứa trẻ ăn cắp thuyền rồi lao bừa ra ngoài khơi mà chẳng biết lái đi đâu”.
Cái tài của Mussolini thật ra nó nằm ở chỗ ông ta quay trở theo nhu cầu tình thế rất nhanh. Đang là một đảng viên xã hội hăng hái với chủ trương hòa bình , bỗng vụt biến ra người quán quân đấu tranh cho đường lối can thiệp, tham chiến. Đang là chiến sĩ tiền phong của cộng hòa, ông ngoặt sang cổ võ cuồng nhiệt cho chế độ quân chủ. Hôm trước hết lòng tán thưởng hội Quốc Liên, hôm sau đã chửi rủa hết lời.
Năm 1919, ông ta còn cực lực đả kích tham vọng độc tài, một vài năm sau, ông coi độc tài như lẽ sống cho chính trị. Ông từng hung hãn chống nhà thờ và hô hào diệt đạo, rồi chỉ ít phút sau đã thành kẻ ngoan đạo kính cẩn cung nghinh thánh giá trở lại học đường, đứng giữa hòa giải Tòa thánh và Hoàng Gia.
Mussolini vẫn thú nhận mình là con người chẳng bao giờ có chương trình nhất định, chỉ hành động tùy theo trực giác, qua ý muốn từng lúc chứ không trên căn bản trí thức. Ông ta không muốn bị dàng buộc vào một quan niệm triết học về đời sống. Hành động, hành động và hành động đấy là toàn bộ lý thuyết của ông. Ông không thể đặt hành động vào một khuôn khổ lý thuyết vì luôn luôn nó bị vỡ khi ông đem nó đương đầu với thực tế.
Đầu óc chính trị của Mussolini hoàn toàn là đầu óc nhà báo mỗi ngày phải mang cái gì mới cho số báo mới chẳng cần biết phải nhìn xa trong tương lai, chẳng cần đào quá sâu vào chi tiết, chỉ cần đi thật sát bên cạnh biến cố, quá khứ, tương lai là vấn đề phụ. Nhiệm vụ báo chí là luôn luôn thay đổi giọng điệu. Có lần, cô bạn cùng làm báo “Avanti” là Margherita Sarfati hỏi ông sao thay đổi tư tưởng mau vậy? Mussolini trả lời: “Hôm qua là hôm qua còn hôm nay sang ngày khác rồi”.
Lối đọc sách của Mussolini cho thấy rõ tâm tính ông. Đọc rất nhanh bằng cách đọc đại khái, hiểu tổng quát là đủ. Những chính khách đối lập thường coi Mussolini như một tên vô học. Hầu tước Sforza bảo: “Hắn nói bịa đã đọc Nietzsche, Pareto và Sorel để che đậy mặc cảm dốt nát, sự thật ngoài mấy bài báo ra hắn chẳng đọc cái gì khác”.
Sforza nói xấu hơi quá, vì những người thân cận Mussolini đều công nhận ông đọc sách nhiều lắm, tuy nhiên, ông không để ý đến chi tiết hay bề sâu trong sách, ông chỉ muốn tìm những ý kiến hoặc tư tưởng nào đúng nhu cầu của ông mà thôi.
Một lần, giáo sư Cilibrizzi tới tận dinh biếu Mussolini cuốn sách viết về lịch sử Quốc hội Ý. Lãnh tụ cảm ơn lấy lệ, thái độ lơ là lật lật vài trang. Nhưng bỗng ông chú ý đến vài điểm, ông liền ngồi đọc luôn một mạch. Hôm sau, người ta thấy ông đưa vào bài diễn văn những điểm ông vừa chú ý trong cuốn sách hôm trước, khiến các bạn đồng viện ngạc nhiên không hiểu sao “hắn” lại sành cả lịch sử quốc hội Ý nữa.
Những câu chuyện dưới đây chứng tỏ cái hiểu biết đại khái của Mussolini:
Ludwig nói: “Quả là lạ, tôi có đi khắp các nước nhưng chỉ có nước Mỹ nhiều người quý mến ngài hơn cả mà nước Mỹ lại là nước ghét thậm tệ chế độ độc tài”.
Mussolini nói: “Vì ông nhầm nên ông mới lấy làm lạ. Dân Mỹ hiện bị cai trị bởi một nhà độc tài. Tổng thống Mỹ là người có đầy đủ quyền hành, đã thế quyền hành ấy còn được đảm bảo bởi một bản hiến pháp”.
Ludwig hỏi: “Ngày ông đọc nhiều lắm phải không?”
Mussolini đáp: “Tôi đọc mọi thứ. Tuy nhiên, tôi thường không có thì giờ để triết lý vì luôn luôn cần thì giờ để hành động”.
Trong cuộc đàm thoại, Ludwig đề cập đến tên Napoléon.
Mussolini bảo : “Tôi chẳng bao giờ coi Napoléon là gương vĩ nhân cho tôi noi theo, ông ta chấm dứt một cuộc cách mạng còn tôi là người mở đầu cho cách mạng. Tôi thích César hơn và tự coi như kẻ thừa kế lịch sử của César”.
°
Có những điều tương phản giữa tuyên truyền và sự thật về đời sống hàng ngày của lãnh tụ.
Ban đêm, dinh thủ tướng nơi phòng làm việc của Mussolini lúc nào cũng thắp đèn. Bộ máy tuyên truyền bảo Mussolini rất ít ngủ, làm việc không biết mệt, thường ngồi suốt đêm để giải quyết các chuyện quốc gia trọng đại, kỳ thực đêm nào Mussolini cũng ngủ rất say.
Sự thật thì mỗi sáng ông dậy khá sớm chừng 5 giờ 30. 6 giờ ông tập thể dục rồi ăn sáng gồm sữa, trái cây và bánh mỳ. 8 giờ, ông bắt đầu làm việc, trước hết đọc bản báo cáo của tổng thư ký đảng. 9 giờ đến 11 giờ, lần lượt tiếp:
a/ Tổng giám đốc cảnh sát
b/ Giám đốc mật vụ
c/ Bộ trưởng dinh thủ tướng
d/ Bộ trưởng ngoại giao
e/ Bộ trưởng văn hóa đại chúng
f/ Tổng thư ký đảng
g/ Bộ trưởng nội vụ
Tóm lại, ông quan tâm đến hoạt động cảnh sát, mật vụ hơn hết, nhân danh một nhà độc tài, ông đưa sự cần thiết của cảnh sát mật vụ lên hàng triết lý khi nói:
“Thưa quý vị, bây giờ chính là lúc ta nên coi việc cảnh sát mật vụ chẳng những phải được coi trọng mà còn được kính nể vinh quang nữa. Nhân loại trước khi có nhu cầu văn hóa thì đã có nhu cầu trật tự rồi. Trên ý nghĩa nào đó ta khả dĩ nói: “Cảnh sát đi trước giáo sư”.
(Messieurs, il est temps de dire que la police doit non seulement être respectée mais honorée. Messieurs, il est temps de dire que l’homme avant de ressentir le besoin de culture a éprouvé la nécessité de l’ordre. En un certain sens on peut dire que le Policier a précédé le Professeur)
12 giờ trưa, ông về dinh Torlia ăn cơm, đọc báo, ông ưa hoa quả và rau, rất ít ăn thịt cá rồi nghỉ ngơi chút đỉnh.
Từ 3 giờ chiều đến tối là giờ ông tiếp khách ở dinh Venezia. Không ngày nào ông không có khách, trước hết là các thượng khách ngoại quốc như Paderewski, Churchill, Gandhi v.v…rồi đến các nhà báo quốc tế, các kỹ nghệ gia, văn nghệ sĩ cỡ lớn. Theo thống kê, suốt thời gian ở chính quyền, ông đã tiếp đến mười ngàn người đủ mọi loại.
Đối với những quốc khách, Mussolini thường sửa soạn rất kỹ để mỗi vị ra về đều có cảm nghĩ đặc biệt về ông.
Ramsay Mac Donald thủ tướng Anh, lãnh tụ đảng Lao động, người đã từng mạt sát Mussolini thậm tệ, mà cũng bị Mussolini mê hoặc qua vài lần hội kiến.
Lãnh tụ phong trào bất bạo động, ông Gandhi tới thăm lãnh tụ phát xit, Gandhi dắt theo một con dê. Các con Mussolini trông thấy con dê bụm miệng cười bị bố nghiêm mặt quát mắng và câu mắng ấy đã thành danh ngôn lịch sử: “Người đó và con dê sẽ làm lung lay đế quốc Anh”. Từ đấy, dân Ấn rất có cảm tình với Mussolini.
Franz Von Papen, thủ tướng Đức, viết về lãnh tụ áo đen như sau:
“Hitler thường khi tỏ lộ trạng thái thiếu tự tin nhưng Mussolini thì rất vững tâm như người đã nắm chắc vấn đề đang thảo luận. Tôi nghĩ rằng ông ta có thể gây ảnh hưởng tốt cho Hitler, ông ta mang nhiều tính chất của một chính trị gia hơn là một nhà độc tài”.
Hitler, trong bài diễn văn đọc tại Bá linh đã nói về Mussolini rằng: “Ông là một trong những vĩ nhân không chỉ chịu sự thử thách của lịch sử mà còn tạo ra lịch sử”.
Sir Winston Churchill là người rất có cảm tình với lãnh tụ phát xit, ông nghĩ về Mussolini : “That he is a great man I do not deny”.
Và Lord Avon Anthony Eden, ngoại trưởng Anh nói: “He was a man whose personality would be felt in any company”.
°
Ngoài cái tài mê hoặc tân khách chính trị, Mussolini còn cái tài quyến rũ đàn bà nữa. Navarra, cận thần của thủ tướng kể: “Ít nhất mỗi ngày Mussolini phải tiếp tại dinh Venezia một người đàn bà”. Lời kể đó cũng không có gì quá đáng.
Các người tình của ông ta chẳng ai là không nhớ căn buồng mang tên là buồng Mappemonde, nơi mà họ thường bị lãnh tụ đè sấn xuống mà làm tình ngay trên thảm hoặc trên đi văng. Những cuộc “yết kiến” đặc biệt này có thói quen xẩy ra vào buổi xế trưa sang chiều. Mussolini chẳng hề mảy may mặc cảm về chuyện này, dù ông vừa tiếp quốc khách xong, liền đấy làm tình với một tình nhân ướt át nở nang ông cũng thản nhiên khoác tay tiễn nàng ra về khơi khơi trước mặt các kẻ hầu cận.
Phụ nữ Ý bạo dạn lắm, các nàng bảo nhau viết thư tự nguyện dâng tình yêu cho nhà lãnh tụ khỏe mạnh to con. Do đó dinh thủ tướng phải có cả một ban chuyên việc đọc thư các nàng rồi lại có một ban mật riêng điều tra lý lịch từng cô lập thành hồ sơ để thủ tướng chọn xem tiếp ai.
Mussolini ưa thích những người tình thuộc giai cấp tư sản giầu có, hoặc loại đàn bà nhiều học thức. Nếu “ngài” bằng lòng thì cô ta sẽ được biết số điện thoại riêng. Khi ngài đã chán thì cô ta đừng tiếp tục làm phiền nữa, như vậy nguy hại đến tính mạng. Dấu hiệu của sự cắt đứt là cô ta không được nghe Mussolini đích thân nói ở đầu dây nói bên kia nữa.
Đối xử với đàn bà, chinh phục tình yêu, Mussolini không phải là con người săn đón tế nhị bằng hoa, bằng bánh gato hay một bài thơ trữ tình nho nhỏ. Như ông đã nói với nhà văn Emil Ludwig : “Chẳng có đàn bà nào ảnh hưởng nổi những con người hùng. Đàn bà là phải phục tòng”.
Ông bỏ rơi đàn bà cũng tàn bào không kém, như vụ Margherita Sarfati, sau khi nàng bị Mussolini xua đuổi bỏ sang Paris sống trong cảnh cùng khổ, ôm theo một mối thù hận người yêu xưa. Mussolini chết rồi, Sarfati đã 61 tuổi, bà còn trở lại đất Ý viết hồi ký hơn 30 năm trước. Bản hồi ký ấy bán bản quyền được 60 triệu đồng lires.
Vụ Ida Dalser, người tình có đứa con với lãnh tụ phát xit. Lên ngôi vị thủ tướng cứ bị Dalser gây phiền mãi, Mussolini liền cho mật vụ bắt nhốt vào nhà thương điên để cho chết trong đó. Cả đứa bé con ông cũng chẳng tha, nó được ghi vào sổ khai tử vì mắc cùng một bệnh như mẹ nó.
Vụ môt nữ họa sĩ ngoại quốc sang Ý để họa chân dung nhà lãnh tụ tiếng tăm. Mussolini chỉ ngồi cho nàng vẽ vài lần là bà đã trở thành nạn nhân của ông ta. Kết quả bức tranh bỏ dở, nàng trở về xứ sở mang theo cái bụng bầu.
°
Cũng như tất cả mọi người Ý, Mussolini là ông bố của một gia đình đông con và rất mực yêu thương con cái. Lớn nhất là Edda cô chị, rồi đến Vittorio, Bruno, Romano ba đứa con trai, cô út là Anna Maria.
Năm 1930, Mussolini làm đám cưới linh đình gả Edda cho Galeazzo Ciano, trưởng nam của đô đốc Costanzo Ciano, người đồng chí phát xit duy nhất trung thành trong cơn hoạn nạn Mattéotti. Mấy tháng sau hôn lễ, Ciano được bổ nhiệm chức lãnh sự Ý tại Thượng hải Trung quốc.
Anna Maria bị mắc chứng tê liệt (poliomyelitis). Ông biết hung tin giữa hôm khánh thành trung tâm báo chí quốc tế tại Ý. Mặt chan hòa nước mắt nên đây là lần đầu tiên một buổi lễ quan trọng không có đáp từ của Mussolini.
Phần Rachèle, cũng như tất cả mọi người đàn bà Ý, sống rất chìm, hiếm thấy sự hiện diện của bà tại bất cứ đâu. Cả những lần bà tới Rome thăm chồng cũng vậy. Rachèle viết trong hồi ký:
“Tôi tới Rome gần như chẳng ai thấy, giới quý tộc đãi tiệc tùng, tôi hết sức khéo léo chối từ, tôi cũng nhất định không tham dự những buổi lễ có đông đảo dân chúng. Vả lại, Mussolini thường dục tôi về sớm Milan mà trông coi con cái đừng ở Rome lâu quá. Edda, Bruno, Vittorio học trường công như tất cả mọi đứa trẻ Ý khác, vì anh không chịu chúng học riêng biệt, có thể giỏi về mặt chữ nghĩa nhưng lại mất cái học quan trọng do sự sống chung với các loại thành phần xã hội đem đến”.
5. CỰC QUYỀN PHÁT XÍT
“Il ne faut examiner les effets de la
violence en partant des resultants immédiats
qu’elle peut produire mais de ses
consequences lointaines”.
GEORGES SOREL
VỨT QUỐC HỘI VÀO SỌT RÁC
Đợt sóng phát xit thứ nhì dâng cao, đoàn chí nguyện quân áo đen tràn ngập về Rome và các đô thị lớn, sung tiểu liên, dao găm, ma trắc với các khẩu hiệu: ” Mussolini cần phải độc tài ! Hãy diệt một lần cho hết bọn đối lập ! Lãnh tụ đừng buộc tay chúng tôi nữa !”.
Mussolini cũng không dấu diếm mưu định xây dựng cực quyền của mình, ông viết trên tờ ” Gerachia”: ” Chủ nghĩa phát xit không biết quốc hội là gì, không có bổn phận xây dựng chế độ nghị hội. Nước Ý cần những đoàn quân lê dương hơn là mấy ủy ban bầu cử”.
Để chứng tỏ chính sách cứng rắn đảng phát xit chọn Farinacci làm tổng thư ký đảng. Farinacci xuất than là một nhân viên hỏa xa, tham gia phát xit làm thủ lãnh đội quân áo đen ở Gremone và bây giờ là luật sư. Tấm bằng tiến sĩ luật giật được từ luận đề tiến sĩ chép lại nhưng ai dám tố giác vị hung thần phát xit này. Farinacci có bộ mặt nặng như chì, tính tình thô lỗ, phong thái tầm thường, năm nay mới 32 tuổi nhưng đầy tham vọng.
Chọn Farinacci, Mussolini muốn dung một tay đồ tể làm thịt phe đối lập trong giai đoạn hiện thời.
Mặt khác, Mussolini ra lệnh cho bộ nội vụ mở cuộc càn quét đại quy mô. Giải tán lập tức 109 hội đoàn lớn nhỏ tình nghi có lien hệ với phong trào nước Ý Tự do ( Free Italy Asociation). Khám xét 655 nhà và bắt giam gần 200 người. Tất cả các vụ trên đây hoàn tất trong 3 ngày.
Nhóm đối lập “Aventin” ra thông cáo kết án hành động khủng bố phát xit bảo chính phủ đã trà đạp lên luật pháp căn bản của quốc gia, độc đoán bóp chết tự do báo chí, tự ý hủy bỏ quyền hội họp, làm ngơ trước những vụ giết người, đốt nhà.
Nhưng bản cáo trạng chỉ gây nổi hiệu quả của một cái pháo xịt, mặc dầu người ký tên hàng đầu danh sách là giáo sư triết học và sử học danh tiếng Benedetto Croce.
Thấy cáo trạng chẳng ăn thua chi, nhóm “Aventin” đổi chiến lược vận động bên cạnh đức vua đuổi cổ Mussolini đi. Họ vẫn đầy chất “Ngây thơ chính trị” để mà không hiểu nổi rằng ông vua đã chán ngấy những lục đục bè phái của quốc hội. Còn điều quan trọng hơn nữa là bây giờ nhà vua đâu dám mang ngai vàng ra mà chống chọi với Mussolini đang đầy đủ quân quyền và uy tín trước nhân dân Ý.
Để trả lời nhóm “Aventin”. Phát xit đưa giáo sư triết học Giovanni Gentile ra triệu tập một đại hội các nhà trí thức phát xit ( Congres des Intellectuels fascists). Cùng ký tên trong giấy mời còn thấy những người danh tiếng như: Curzio Malaparte, Luigi Pirandello, Marinetti. Đại hội trí thức phát xit ra bản tuyên ngôn chống luận điệu chia rẽ của nhóm Aventin và ca tụng chủ trương kết chặt nước Ý thành một khối dưới sự lãnh đạo duy nhất.
Ngày 1 tháng 5 năm 1925, giáo sư Benedetto Croce thảo bản phản tuyên ngôn bên dưới có hơn trăm chữ ký bảo rằng: ” Không phải hết thẩy trí thức Ý đã quỳ mọp dưới gót giày hung bạo của phát xit”.
Mussolini giận lắm.
Ngày 22 tháng 6 năm 1925, trước đám đông họp mít tinh ở Rome, ông nói giọng cay cú:
“Tôi thú nhận cùng các bạn, tôi chưa hề đọc một trang sách nào của các ông Benedetto Croce. Hắn ta viết lảm nhảm những gì vậy?”.
Đám đông người rộ lên. Mussolini tiếp:
” Cái thời của mấy ông chính trị bé nhỏ đưa ra cả ngàn ý kiến mà không thành ý kiến nào trên nước Ý nay đã hết thời rồi…”
” Với tôi, bạo lực là một phẩm đức còn hơn là thì thụt thảo hiệp ngầm để phản bội”.
Sau bài diễn văn này là hang loạt khủng bố đánh thẳng vào đầu não nhóm Aventin. Đảng viên phát xit phục kích dân biểu Amendola, lấy gậy đập ông một trận nhừ tử, khiến ông phải đi Cannes dưỡng bệnh rồi chết tại đây. Nơi ở của Sforza và của Croce bị đốt. Đối lập phải rút lui vào bí mật hoạt động chống phát xit. Nhiều truyền đơn và áp phích in hình Mattéotti đêm tối được tung ra hay dán lên tường, nhất là ở tỉnh Florence.
Hoạt động bí mật chống phát xit càng làm phát xit hung dữ hơn. Thêm nhiều vụ giết người để khủng bố. Cứ chiều xuống là phố xá vắng tanh chỉ có đoàn quân áo đen ngông nghênh ngoài đường.
Ngày 4 tháng 11 năm 1925, một vụ mưu sát Mussolini bị phát giác. Cảnh sát bắt được tại trận dân biểu Zaniboni thuộc đảng xã hội với khẩu súng có gắn ống nhắm trong tay. Ngay hôm ấy, hết thẩy các đồng lõa của Zaniboni bị tóm hết.
Phát xit khai thác triệt để vụ này bằng cách đưa ra những sắc luật khắt khe thắt buộc:
a/ Công chức không có những đảm bảo chính trị sẽ bị sa thải.
b/ Thủ tướng chính phủ thêm nhiều quyền hạn, quyền tín nhiệm hay bất tín nhiệm nội các từ nay bãi bỏ.
c/ Báo chí cấm không được thâu nhận những phần tử đối lập.
d/ Quyền công dân sẽ bị tước đoạt đối với loại người thù địch của phát xit.
e/ Chính phủ kiêm nhiệm luôn quyền lập pháp.
f/ Quyền hành cai trị địa phương được nới rộng tối đa.
Alfredo Rocco, giáo sư kinh tế tại Đại học Padone một phần tử quốc gia quá khích là tác giả những bộ luật phát xit. Rocco nói luật pháp Ý nay được xây dựng trên phương châm:
” Tout dans l’Etat, rien hors d’Etat, rien contre, l’Etat” (Tất cả ở trong quốc gia, không có gì ngoài quốc gia, không có gì được chống lại quốc gia).
Hết tin cậy vào đức vua, phe đối lập bám víu vào hy vọng cuối cùng là Đức Giáo hoàng, nhưng họ lại thất vọng ngay vì Đức Giáo hoàng vừa tỏ thái độ ủng hộ gián tiếp Mussolini bằng việc từ chối không tiếp mẹ và góa phụ Mattéotti.
Hồng y Gasparri giải thích thái độ ấy với mọi người rằng : ” Ngài(chỉ Giáo hoàng) rất ân hận, tuy nhiên, ngài không thể bị lôi cuốn vào một “ma nớp” chính trị của đảng xã hội nhằm chia rẽ phát xit và Tòa thánh”.
Thế là hết. Phe đối lập đã cùng đường ít nhất là trong một thời gian khá dài. Họ tìm cách trốn khỏi nước Ý. Năm 1925, nước Pháp đón nhận hang ngũ dân chính trị Ý tự đi lưu đầy. Bị cô thế, bị săn đuổi họ tìm đến nhau và suy nghĩ những thất bại trong quá khứ.
Đại hội lần thứ ba của đảng Cộng sản Ý họp tại Lyon. Gramsci bình luận chủ nghĩa phát xit là sản phẩm của tư bản Ý nhằm bảo vệ địa vị thống trị.
Ở trong nước còn lại thành trì sau chót chống phát xit là những lực lượng nghiệp đoàn công nhân.
Đọc bản cáo trạng, Mussolini thấy nhà máy Fiat có 18.000 công nhân mà chẳng ai gia nhập đảng phát xit. Ông quyết định loại trừ hết các nghiệp đoàn và giao phó sứ mang này cho Alfredo Rocco, trước hết đưa ra chủ nghĩa hợp tác rồi sau đó là luật pháp quốc gia.
Chủ nghĩa hợp tác ( Corporatisme fasciste) thừa nhận vai trò lịch sử của tư bản và giai cấp tư bản đưa đến sự thành công cho kỹ nghệ, thành công kỹ nghệ tức là thành công của đất nước. Tư bản với lao động không hề là tương quan mâu thuẫn hay xung đột mà là tương quan trợ giúp nhau nên cần phải hợp tác.
Luật pháp quốc gia coi một giờ bỏ phí là một giờ gây tai họa cho xứ sở nhất định sẽ bị trừng phạt. Bãi công kể như trọng tội phản quốc.
°
Tại hội nghị quốc tế Locarno tháng 10 năm 1925, Mussolini được đón tiếp hết sức lanh nhạt. Vandervelde, tổng trưởng ngoại giao Bỉ, đảng viên xã hội, từ chối bắt tay lãnh tụ phát xit. Mussolini quay sang định thân mật trò chuyện với bộ trưởng ngoại giao Pháp, ông Briand, thì Briand cũng lạnh nhạt, lại còn nhắc khéo đến cái chết của Mattéotti. Briand nói:
“Il est difficile de traverse deux fois le Rubicon surtout s’il y coule de sang”.
Lời ấy làm Mussolini giận tím mắt.
Ông về Ý làm ngay chiến dịch chống Pháp. Mở đầu là câu tuyên bố của Farinacci: ” Ý quốc không để cho thiên hạ nhục mạ”.
Rồi đến Mussolini cảnh cáo: “Trong vài nước có một vài cá nhân và một vài nhóm chính trị mang tư tưởng phi lý muốn dùng quan điểm đạo đức của họ làm thành hàng rào dây thép gai bao vây quốc gia phát xit Ý. Họ phải hiểu sức mạnh của mấy triệu thanh niên Ý…”
Tháng 1 năm 1926, bộ trưởng ngoại giao Contarini đệ đơn từ chức. Contarini là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp rất thân với Sforza.
Mussolini bổ nhiệm Dino Grandi thay thế. Sau đối nội phát xit hóa, đến đối ngoại cũng phát xit hóa luôn.
Kể từ đấy đảng phát xit tìm mọi cách thổi cho cháy bùng lò lửa quốc gia cực đoan trong lòng mỗi người dân Ý. Tờ “Impero” viết:
” Chúng ta cần không khí để thở, cần đất đai để mở mang bờ cõi, cần than để luyện thép, cần sông nước đại dương để tỏ dạ anh hùng. Giống nòi chúng ta nay đang thừa khí lực để bành trướng giang sơn, chúng ta phải đòi quyền ấy như thác lũ và sông ngòi đòi quyền ra biển vậy”.
Tháng 4 năm 1926, Mussolini sửa soạn viếng thăm châu Phi, trước ngày đi, ông tới cắt băng khánh thành hội nghị quốc tế về giải phẫu. Giữa đám đông tiến lên một người đàn bà mái tóc hoa dâm, đó là Violette Gibson, quốc tịch Anh, 62 tuổi. Thấy bà giơ súng về phía mình, Mussolini vụt lùi lại, đạn nổ, ông bị thương nơi mũi. Mọi người đổ tới bao quanh lãnh tụ, vết thương nhẹ thôi. Trên mặt dán mảnh băng trắng, Mussolini nói: ” Nếu tôi tiến hãy theo tôi; nếu tôi lùi hãy giết tôi đi; nếu tôi chết hãy trả thù cho tôi” ( Si j’avance suivez-moi, si je recule tuez-moi, si je meurs vengez-moi).
Cảnh sát cho biết Violette Gibson bị loạn óc căn cứ vào lời khai của “cô” thì cô tới Rome với mục đích phải giết được Giáo hoàng hoặc Mussolini. Giữ mối giao hảo với Anh, Mussolini mất trao trả cô về cho Anh quốc.
Đảng phát xit khai thác vụ mưu sát bằng cách trưng bầy chiếc khăn tay đẫm máu của lãnh tụ dưới lồng kính để dân gian tới “chiêm bái”.
Hôm sau, Mussolini lên chiến hạm “Cavour” đi Phi châu, đến Tripolitaine. Trong cuộc viếng thăm, ông tuyên bố nhiều điều liên quan tới các thuộc địa Pháp khiến Pháp phải cho thao dượt hải quân rồi đổ bộ lên Bizerte đề phòng.
Tình hình quốc tế bỗng trở nên căng thẳng.
Ngày 11 tháng 9 năm 1926, xe thủ tướng vừa chạy qua đường Porta Pia, có người ném bom vào xe. Mussolini kêu lên: ” Chạy mau, nó vừa ném chất nổ vào xe !”.
Xe rú ga vọt lên phía trước chừng phút sau bom nổ tung làm 4 người bị thương. Lãnh tụ vô sự. Thủ phạm là một công nhâ tên Gino Lucetti, thành phần vô chính phủ. Hắn từ Pháp về không thông hành hợp lệ. Báo chí lập tức chửi rủa Pháp là ổ chứa bọn côn đồ bán nước Ý.
Ngày 30 tháng 9, thủ tướng Anh Chamberlain gặp Mussolini tại Livourne. Khi họ chia tay nhau, người nọ khen người kia một câu.
Mussolini đứng trên bao lơn nói to với nhân dân Ý : ” Chế độ phát xit vững như trái nói đá granite.”
Chưa được mấy ngày thì vụ mưu sát thứ tư xảy ra. Hôm đó là ngày 31 tháng 10 năm 1926, Mussolini đi xe mui trần trên đường phố Bologne. Một kẻ lạ mặt đã bắn vào ông, phần ngực áo rách toang, như có phép thánh, Mussolini lần này lại vẫn vô sự. Đám đông hai bên đường phố nhốn nháo, đội vệ sũ áo đen nhào tới đâm chết một chú bé 15 tuổi bị chỉ là kẻ vừa bắn súng, chú bé tên Antéo Zamboni..
Có phải Antéo là thích khách không? Làm sao chứng minh vì nó đã chết chẳng kịp khai điều gì hết. Chỉ có nhiều giả thiết được bàn tán. Người bảo thủ phạm là Farinacci vừa bị đẩy ra khỏi ghế tổng thư ký đảng nên tức giận rat tay, người nói đâu là cảnh sát ngụy tạo để lấy cớ đàn áp, người cho rằng chính bọn phát xit vì tranh chấp nội bộ mà tính cái kế giả thành thật.
Một tờ báo Pháp loan tin vụ ám sát, đã đặt bên dưới hàng “sous titre” như sau:
“Mussolini conspirateur conspirant contre le Duce! (Mussolini âm mưu ám hại lãnh tụ phát xit).
Thêm một lần nữa, lý thuyết gia phát xit Alfredo Rocco lại có dịp trổ tài, ông thảo gấp đạo luật bảo vệ quốc gia. (Lois de defence de l’Etat). Vụ ám sát ở Bologne cho Rocco danh chính ngôn thuận thực hiện chọn vẹn chế độ phát xit và cảnh sát trị trên đất Ý. Tất cả mọi đảng phái chính trị đều bị giải tán, kẻ nào manh nha ý định phản quốc sẽ bị bỏ tù hoặc bị đưa đi đầy, lập danh sách bọn người tình nghi phản quốc do nhân dân tố giác, tổ chức cơ quan O.V.R.A. với nhiệm vụ lùng và giết bè lũ chống phát xit, thiết lập tòa án đặc biệt để xử tử những người xâm phạm an ninh quốc gia.
Đạo luật trên ra đời, thêm mấy chục ngàn người nữa phải bỏ cửa bỏ nhà trốn khỏi nước Ý.
°
Trên tường, từ bức tường trong ngõ hẹp của làng xã đến bức tường lớn trong thành phố thủ đô đâu đâu cũng thấy kẻ những biểu ngữ: “Mussolini ha sempre ragione !” (Lãnh tụ Mussolini nói là phải ). “Credere ubbidire, combattere” (Tin tưởng, vâng lời và chiến đấu).
Hai nhà triết học Giovanni Gentile và Alfredo Rocco thi nhau tung tư tưởng biện minh cho chủ nghĩa phát xit. Hãy nghe Gentile, bộ trưởng giáo dục, nói với sinh viên, học sinh:
” Dân tộc Ý rầm rộ tiến bước không do dự không bàn cãi, mắt nhìn thẳng vào các vị anh hùng tài giỏi, các người lãnh đạo vĩ đại của mọi dân tộc…Mussolini đi hàng tiền đạo với ánh hào quang, như một huyền thoại vô địch, như một vị thần linh mà thượng đế sai xuống để xây dựng nền văn minh mới”.
Mussolini, cằm bạnh đưa ra phía trước, ngạo nghễ, tay chống nạng sườn, hai chân dang rộng hét lên giữa đám đông: ” Mười năm nữa toàn Âu châu sẽ thành phát xit hóa”.
Đảng phát xit nay lên tới 3 triệu đảng viên.
Nghiệp đoàn thợ thuyền phát xit gần 4 triệu người.
Đám thanh thiếu niên học đường dĩ nhiên là thành phần mà phát xit chú ý nhất. Sách vở từ vỡ lòng lên tới đại học đều phải chứa chất linh hồn phát xit. Họp, hát, tập diễu hành với đồng phục nhiều hơn thì giờ học chữ nghĩa. Alfredo Rocco nói: ” Thay đổi tận cỗi rễ tinh thần và dân tộc tính của nhân dân Ý. Có như vậy nước Ý sau nhiều thế kỷ hỗn loạn và lười biếng mới thành quân quốc gia thiện chiến”.
Trẻ em 6 tuổi đã làm quen với đồng phục và học tập. Từ 14 tuổi đến 18 tuổi phải chịu huấn luyện để sử dụng giỏi đủ loại súng. Thiếu niên từ 10 đến 14 tuổi phải tham gia công tác lao động.
Tất cả đều thuộc bài ca ” Le Credo du Ballila”:
” Chúng em tin tưởng nơi lãnh tụ và đảng phát xit”
……………………………………………………………………………..
Trước khi hội họp, thanh thiếu niên đồng thanh đọc hai câu: ” Chiến tranh ! Danh từ ấy không làm chúng ta sợ !”.
Riêng các mầm non tương lai của chí nguyện áo đen thì phải thuộc mười điều tâm niệm mà nội dung tổng quát là không tin có hòa bình lâu dài, sinh mạng lãnh tụ cần bảo vệ hơn mạng sống bản thân…
Báo chí ngày nào cũng in lên trang đầu câu nói của Mussolini : ” Thà làm sư tử một ngày còn hơn làm con cừu cả trăm năm”.
Chủ nghĩa phát xit chối bỏ quan niệm vật chất trong vấn đề hạnh phúc. Sung sướng hạnh phúc vật chất sẽ biến con người thành súc vật quanh năm chỉ biết một điều ăn cho no cho béo, cuộc sống chẳng khác chi cỏ cây.
THÁNH ĐƯỜNG VÀ QUỐC GIA
Cho đến năm 1859, Giáo hoàng được thừa nhận là vị nguyên thủ nước Thánh (Papal State) rộng 16.000 dậm vuông, dân số hơn 3 triệu người. Thời gian 1859-1870, lãnh thổ Giáo hoàng bị sát nhập vào vương quốc Ý. Quân quốc gia vào chiếm đóng nước Thánh chỉ để thừa lại Tòa Thánh rộng 500.000 thước vuông..
Năm 1871, đạo luật của những đảm bảo (Law of Guarantees)ra đời để xác định lại vị thế của Giáo hoàng và điều chỉnh quan hệ giữa Nhà Thờ với Nhà nước. Đức Giáo hoàng được tuyên cáo là một người bất khả xâm phạm, được hưởng đầy đủ mọi vinh dự của một vị nguyên thủ quốc gia. Về vấn đề canh phòng bảo vệ, Tòa Thánh có quyền giữ lại đạo quân phòng vệ vũ trang. Chính phủ Ý hoàn toàn vô quyền trên mặt tư pháp đối với Tòa Thánh. Nhà nước Ý hàng năm phải trợ cấp cho Tòa Thánh 3 triệu 225 ngàn đồng lires để Giáo hoàng chi dụng các phí khoản cho triều đình của ngài. Các hàng giáo phẩm được miễn , được coi là bất khả xâm phạm và Đức Giáo hoàng được tất cả những danh dự nghi vệ như một vị vua, các vị sứ thần Tòa Thánh được coi như sứ thần của một quốc gia.
Tuy nhiên, Giáo hoàng Pius IX cự tuyệt đạo luật trên, không nhận tiền trợ cấp, tự coi mình như kẻ bị tù tội và lên tiếng đòi lại tất cả những đất đai bị cướp. Giáo hoàng Léo XII kế vị vẫn theo đường lối người trước, coi đức vua như kẻ xâm lăng. Cả chục năm trường kéo dài cuộc xung đột giữa Nhà Thờ và Nhà nước. Nhưng rồi lâu dần cả hai đều cảm thấy cần phải sống chung với nhau, nên mỗi bên đều tự giảm bớt gay gắt cho quan hệ trở lại bình thường mà không hề có một sự ký kết nào thêm.
Mãi tới đầu thế kỷ 20, vấn đề mới lại được lôi ra để giải quyết cho xong tình trạng không rõ môn khoai bằng hai giải pháp: một là đạo luật ” Guarantees” đem quốc tế hóa, hoặc nó sẽ bị thay thế bằng một hiệp ước quốc tế. Hai giải pháp nêu trên chẳng bên nào chịu chấp nhận. Trước hết, Nhà Thờ phản đối việc để cho những cường quốc ký kết che chở như vậy, uy tín của các vị vua còn gì. Kế đó là triều đình Ý đâu có bằng lòng cho nước ngoài cai quản hay kiểm soát lãnh thổ Ý.
Sau đệ nhất thế chiến, thêm nhiều cố gắng nữa, vận động một giải pháp cho vấn đề này, Giáo hoàng Benedict là người cứng rắn hơn các vị tiền nhiệm, ngài tỏ ý mong mỏi thấy câu chyện được thu xếp ổn thỏa.
Năm 1919, cuộc thương thuyết bắt đầu. KHởi sự với thủ tướng Orlando và Hồng y Ceretti. Khi Orlando đổ thì Nitti kế tục đàm phán cùng Hồng Y Gasparri. Nitti từ chức đến lượt Giolitti tiếp nối bằng một thái độ lạnh nhạt hơn. Giolitti bảo với ông bộ trưởng ngoại giao: ” Không khí các cuộc nói chuyện đã rất cởi mở, tuy nhiên, điều tốt hơn là cứ để nguyên tình trạng cũ, hai đường đi song song êm ả chẳng cần phải tìm điểm hội tụ”.
Giolitti là người thuộc đảng Tự Do, ông ngả về Nhà Nước hơn, theo ông, Nhà Thờ không nên vượt quá phạm vi tế lễ của những ngày chủ nhật.
°
Mussolini lên nắm chính quyền, ông quyết làm cho xong cái vấn đề dây dưa cả nửa thế kỷ đó.
Tháng 6 năm 1921, trong bài diễn văn đầu tiên đọc tại quốc hội, Mussolini đã nhắc đến ý định hòa giải với nhà thờ, lời lẽ được Tòa thánh hài lòng.
Tháng 2 năm 1922, để chứng tỏ mình thân công giáo, ông đích thân đi đến công trường San Pietro và đứng đó suốt đêm chờ khói trắng dấu báo đã bầu xong vị Giáo hoàng mới. Đức Hồng y Achille Ratti nay là Giáo hoàng Pius XI cũng chứng tỏ thiện chí hòa giải bằng hành động đứng ra ban phép lành cho đám đông tụ họp nơi công trường, từ 1870 đến giờ, việc ban phép lành như vậy đã được các vị cũ bãi bỏ để phản đối nhà nước.
Năm 1923, thủ tướng đem thánh giá vào trường học và tòa án, thừa nhận trường đại học công giáo ở Milan, giải tán hội tam điểm, bí mật gặp Hồng y Gasparri cho biết sẵn sang nói chuyện vấn đề nhà thờ, yêu cầu Tòa Thánh cử người đàm phán rồi thành lập ủy ban gồm hai bên trông nom nhiên cứu các mặt của vấn đề.
Co kéo mãi mới đi tới thỏa thuận sơ khởi.
Năm 1926, Toà thánh cử Francesco Pacelli lãnh đạo phái đoàn đàm phán. Phe công giáo đặt 3 điều kiện:
a/ Chính phủ phải tỏ thiện chí hòa giải trước vì nhà thờ là nạn nhân của cuộc xâm lăng, nhà thờ bị vương quốc Ý cướp hết thế quyền.
b/ Chính phủ Ý phải tuyên bố không mang những điều khoản ghi trong đạo luật ” Guarantees” vào trong đàm phán.
c/ Việc thương thuyết phải tuyệt đối bí mật.
Bên chính phủ là Domenico Barone cầm đầu phái đoàn đàm phán, cho biết ba điều kiện ấy chẳng có gì khó khăn.
Pacelli và Barone làm việc gấp trong vòng một tháng họ hoàn thành một dự thảo thỏa hiệp gồm 16 điểm. Tháng 12 năm 1926, đức Vua cho phép Mussolini chính thức thương thuyết với Tòa thánh.
Mọi sự đang tiến hành êm ả thì bỗng nhiên tại 14 tỉnh trên toàn quốc, đảng phát xit tấn công nhiều cơ sở công giáo nên Giáo hoàng ra lệnh cho Pacelli dọa sẽ cắt đứt cuộc đàm phán nếu Mussolini không công khai xin lỗi và thi hành những biện pháp đảm bảo tương lai. Mussolini chấp thuận chỉ gửi thông tri đi các quận tỉnh cảnh cáo phần tử quá khích.
Tình hình càng găng hơn khi chính phủ đưa ra một pháp án độc quyền về mắt giáo dục tinh thần và thể xác để kiện toàn tổ chức giáo dục thanh thiếu niên.
Ballila, qua pháp án này thì hết thẩy mọi tổ chức thanh thiếu niên công giáo đều bị giải tán. Pacelli phản kháng kịch liệt đòi chính phủ không thi hành pháp án đó, ông đọc diễn văn nói đến sự đe dọa giáo dục công giáo và tố giác chế độ cực quyền. Hai phe cùng giận dữ. Nhóm phát xit chống nhà thờ nắm cơ hội đi phá phách tứ tung. Hồng y Gasparri bảo phái đoàn công giáo ngưng nói chuyện hòa giải. Mussolini sợ đổ vỡ nên kiểm soát rất kỹ báo chí, không cho báo chí tạo không khí bất lợi. Cuối cùng, tờ “Popolo d’ Italia” bắn tiếng hòa hoãn trước nên tình hình bớt căng thẳng, mặc dầu suốt năm 1927 thương thuyết không tiến thêm bước nào.
Cuối năm 1927, một linh mục dòng Tên, Cha Tacchi Venturi, người rất có ảnh hưởng với Mussolini đứng ra cáng đáng sứ mạng nối lại những cái gì đã đứt.
Tháng 2 năm 1928, Barone đệ trình một dự thảo hiệp ước thứ hai với đôi chút nhượng bộ của chính phủ. Tòa Thánh cũng nhượng bộ trả lại không đòi mở rộng khu vực Tòa Thánh nữa.
Đầu năm 1929, Barone từ trần. Mussolini đích thân lên thay thế Barone. Sau 15 lần họp bàn thêm tại Via Rasella, hai bên đi đến thảo thuận ấn định ngày ký kết vào tháng 2 năm 1929.
Thỏa ước ghi rằng : “Chính phủ Ý nhìn nhận chủ quyền của Tòa Thánh , Tòa Thánh cũng nhìn nhận vương triều Savoy trên nước Ý đặt thủ đô tại Rome. Giáo hoàng cai quản địa phận Tòa Thánh (Vatican City). Mỗi năm chính phủ phải bồi thường cho Tòa Thánh 750 triệu đồng lires tiền mặt và một tỉ đồng lires bằng chứng thư (bond). Chính phủ cam kết đưa vào chương trình trung thiểu học việc giảng dạy tôn giáo, các sách giáo khoa dậy ở hai cấp bậc này phải có sự chấp thuận của giáo hội. Chính phủ phải thừa nhận quyền giáo hội đối với vấn đề hôn nhân”.
Ngày 11 tháng 2 năm 1929, thỏa ước được ký kết bằng hai chữ ký, một bên là Hồng y Gasparri, một bên là thủ tướng Mussolini.
°
Ký kết thì ký kết, Nhà Thờ với Nhà Nước chỉ có thỏa hiệp giấy tờ mà ít thỏa thuận trên thực tế vì mỗi bên đều nhìn nội dung thỏa hiệp một cách khác nhau. Mussolini nghĩ nhà thờ phải cần mình để chống lại chủ nghĩa vô thần đang bành trướng ở Nga, Đức, Pháp, Tây ban nha nên nhà thờ phải triệt để ủng hộ chính sách ngoại giao của phát xit và không chịu hiểu vị thế quốc tế của Tòa Thánh. Ngược lại, nhà thờ không biết rõ lắm tính chất phát xit.
Chưa qua ba tháng “trăng mật” thì sóng gió nổi lên. Bị các phần tử quá khích trong đảng công kích dữ dội nên khi ra Nguyên lão viện, Mussolini phải đọc một bài diễn văn làm Giáo hội hết sức thất vọng. Ông nhắc tới công thức Cavour trước kia “một giáo hội tự do và đầy đủ chủ quyền” cho là lỗi…thời, bản thỏa hiệp mà ông ký với Tòa thánh không hề đặt trên tinh thần công thức ấy. Nhà thờ không thể đầy đủ chủ quyền cũng không thể hoàn toàn tự do. Rồi ông kết luận: ” Thỏa hiệp ký với Tòa Thánh chẳng hề phục hồi thế quyền cho Giáo hoàng vì lẽ rất đơn giản là chúng tôi đã chôn nó rồi”.
Nghe bài diễn văn, phe quá khích của đảng vỗ tay reo còn Giáo hội giận tím ruột, đức vua thích thú vì Mussolini nói rõ để giáo hội đừng sống trong ảo tưởng.
Ngày 22 thán 5, Pacelli đến gặp Mussolini chuyển lời giáo hoàng yêu cầu cải chính những lời tuyên bố tại Nguyên lão viện, Mussolini chịu cải chính vài lời nhưng thế cũng đủ làm hài lòng giáo hoàng rồi. Vì cả hai bên đều không muốn già néo đứt dây. Mỗi bên chỉ cần xoa dịu nội bộ để thỏa hiệp được trôi êm.
Ngày 7 tháng 6 năm 1929, Tòa Thánh cử Tổng Giám mục Borgonici Duca làm đại sứ bên Nhà Nước. Chính phủ Ý cử De Vecchi làm đại sứ bên Tòa thánh.
STARACE TỔNG THƯ KÝ ĐẢNG
Thỏa hiệp ký kết với Tòa Thánh cho đảng phát xit thêm mấy triệu phiếu của công giáo nên Mussolini càng vững thế làm mưa làm gió để tiến hành chính sách thủ tiêu chính trị dân chủ trên xứ sở này.
Achille Starace, tổng thư ký đảng là người chỉ biết nhắm mắt tuân lệnh Mussolini như một cái máy.
Công tác nổi bật ngay từ ngày đầu nhiệm chức của Starace là ấn định kiểu chào phát xit, cánh tay thẳng ra trước mặt, lối chào đế quốc La Mã xưa kia.
Mussolini khoe với nhà văn Ludwig: “Chào theo lối bắt tay rồi đây không còn trên đất nước tôi nữa, tôi thấy chào như thế đơn giản hơn, đẹp hơn, vệ sinh hơn”.
Hãy nghe Starace dạy đảng viên: “Chào “romain” nếu ngồi thì chẳng “romain” chút nào. Chào “romain” không bắt buộc phải bỏ nón…Từ nay cấm hồ bột cổ sơ mi đen…Tất cả cho đảng, tất cả cho lãnh tụ…Sống hay không, không thành vấn đề…quan trọng nhất là chiến đấu”.
Starace cho ấn hành hàng triệu cuốn sách nhỏ nhan đề “Vademecum du style fasciste” ngoài bìa in dấu hiệu xe tăng, trang đầu in mấy chữ đậm nét “Me ne frego” nghĩa là “Tôi cóc sợ cóc cần”, câu mà Mussolini quen miệng thường nói và coi câu ấy như một thái độ triết lý. Phần dẫn được kết thúc bằng câu sau đây:
“Il est beau de marcher encore, de combattre et si nécessaire; il sera encore plus beau d’avancer face à l’inconnu, illumine par la lumière d’une continuité idéale qui a dans la foi et dans l’intransigeance son plus glorieux emblème et en MUSSOLINI le condotière d’hier et d’aujourd’hui”.
Dân Ý ai cũng muốn có công ăn việc làm, Starace đòi họ trước hết phải có “thẻ đảng” (Tessera), nếu không có thẻ đảng thì hãy chờ. Bởi vậy, số người xin gia nhập đảng phát xit tăng gấp đôi gấp ba. Dân Ý gọi đùa thẻ đảng là “Tessera del pane” (thẻ cơm).
Thẻ đảng in nổi bó củi ôm quanh cái búa thợ rừng lại càng cần hơn đối với những thư lại cao cấp, ở chỗ ngon lành mà thiếu thẻ đảng là chuyện quái dị. Nhất là ngành tư pháp, quan tòa chỉ biết độc một loại công lý là công lý phát xit.
Đại học cũng vậy, giáo sư đều phải tuyên thệ:
“Tôi thề trung thành với vua, với chủ nghĩa phát xit làm tròn chức vụ giáo dục của tôi là đào tạo những công nhân hăng hái ngay thẳng, hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự chế độ phát xit. Tôi thề không gia nhập một đảng phái hay một đoàn thể nào có hoạt động đi ngược lại với sứ mạng của tôi”.
Toàn quốc chỉ có 13 giáo sư trên 1250 người không chịu thề và xin từ dịch. Còn tất cả các vị khác đều cúi đầu xin mặc áo sơ mi đen mỗi khi đi dự những ngày hội, phản đối chỉ với trạng thái âm thầm thận trọng mỉa mai chua xót thôi. Một vị giáo sư cười chỉ vào ba chữ “P.N.F.” (Parti National Fasciste) giảng trại ra là “Per Necessita Familiare” (Cho nhu cầu cơm áo của vợ con). Họ đành “gập lưng” để mong sống, nếu không cộng tác thì cũng nên nín miệng. Họ hiểu rằng chế độ phát xit còn đứng vững lâu nếu không biết thích ứng hoàn cảnh thì đói rách, tù đầy hoặc bị cô lập hiện ra trước mắt.
Nhưng đa số chạy theo phát xit vì mong được hống hách vơ vét như Mussolini đã phê bình Rossini nguyên là một cán bộ cách mạng của tổng công đoàn nay lại rất đắc lực cho phát xit rằng: ” Rossini người cách mạng, bây giờ hăng hái phụng sự đảng cầm quyền vì hắn ta yêu vàng”.
Đi sau kẻ yêu vàng là loại người mong chút vinh hạnh, chức tước thừa hay hư danh hư vị.
Mussolini biết thế nên cho tăng thêm số người trong Nguyên lão viện (Sènat) lên gấp hai để mời các chính trị gia, văn học gia, tướng lãnh tên tuổi vào ngồi đấy hưởng tý lộc, đổi lại phát xit chỉ đòi hỏi họ ngồi im đừng nói gì nữa. Với những nhân vật trên, chế độ phát xit giống như món “tạp pí lù” đến nỗi tướng De Bono phải thốt lên:
“Tôi thú thật không hiểu phát xit thế nào. Đủ loại giầu nghèo, sang hèn, phản động, cấp tiến được bầy ra trong cuộc triển lãm cách mạng”.
Mussolini liền giải thích:
“Quần chúng với tôi chỉ là một bầy cừu nếu nó chưa được tổ chức… khi người ta chăn dắt bằng hai sợi dây buộc nhiêt tâm và quyền lợi”.
Kể cả đối với Tòa Thánh, Mussolini cũng đem áp dụng kỹ càng cái dây quyền lợi. Chẳng vậy mà những người chống phat xit khi nhận định về thỏa hiệp Mussolini – Gasparri đã nói rằng:
“Le pape a cloué le couvercle du ceroueil de la liberté des Italienes”.(Chính Giáo hoàng ngài đã đóng những cái đinh trên nắp hòm đen, chôn Tự Do của người dân Ý).
Quyền lợi mà Mussolini đem áp dụng đối với Tòa Thánh ra sao?
Chỉ thu vào câu nói : ” Hãy trả Thượng đế cho nước Ý và trả nước Ý cho Thượng đế”.
Sau thỏa hiệp, Nhà thờ gần như tham dự hàng ngày vào sinh hoạt phát xit. Hầu hết các trụ sở phát xit đầu được ban phước lành, trong văn thư của giáo hội luôn luôn ghi lời ca tụng lãnh tụ.
Ở Milan, Starace tiếp kiến đức Hồng y Schuster ngay tại tòa nhà của Đảng. Các ngày hội hè phát xit, người ta thấy giới linh mục đi đông đảo và cùng giơ tay chào kiểu “rô manh”.
Ngày 9 tháng 1 năm 1932, Mussolini, một tên phóng đãng với cả chục vụ tai tiếng về tình ái, một tên chuyên môn làm loạn đã từng bài bác Thiên Chúa giáo, chính thức tới Tòa Thánh hội đàm cùng Giáo hoàng, hai người nói chuyện gần tiếng đồng hồ.
°
Củng cố xong vị thế chính trị rồi, Mussolini mở ba chiến dịch: chiến dịch lúa gạo, chiến dịch làm lại giá trị đồng “lire” và chiến dịch ruộng đất.
Mở đầu là chiến dịch lúa gạo (La Battaglia del Grano) với phươg châm: “Ý quốc sẽ không nhập cảng lúa gạo, Ý sẽ tự cấp đầy đủ”. Hình ảnh Mussolini mình trần bắp thịt nổi cuồn cuộn, đang đập lúa được dán khắp nơi. Một số huy chương bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng để thưởng cho cuộc thi đua sản xuất lúa gạo.
Mussolini làm một bài thơ để tặng chiến dịch này:
“Aimons le pain
Coeur de la masion
Parfum de la table
Joie du foyer
Respectons le pain
Honorons le pain
Ne gaspillons pas le pain de l’Italie”.
Chiến dịch lúa gạo thành công mỹ mãn.
Thứ nhì đến chiến dịch đồng “lire” (La Battaglia delle Lira). Mussolini nói lớn: ” Tôi sẽ bảo vệ đồng “lire” đến hơi thở cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng”.
Chiến dịch này cũng thành công tương đối.
Thứ ba là chiến dịch ruộng đất (La Battaglia della Bonnifa integrale) với những kế hoạch trồng lại cây trên rừng, khai phá vùng đất sình lầy, xây dựng thêm nhiều làng xã. Thôn xóm dầy đặc biểu ngữ : ” Cầy ruộng cho no ấm, đúc kiếm bảo vệ nước nhà”.
Tại thành phố, đường xá, cầu cống mở mang đến mức tối đa, các khu nhà bình dân mọc lên như nấm cộng với trường đại học Rome vĩ đại khiến cho nước Ý mang khuôn mặt mới của chế độ mới qua nét kiến trúc tân kỳ.
Năm 1933, Italo Balbo cưỡi máy bay đi vòng quanh thế giới, vượt đại tây dương làm cả thế giới chú ý. Đi tới đâu Balbo cũng được nghênh đón trọng thể.
Ở Nữu ƯỚc, Balbo nói với kiều bào Ý tại công trường Madison Square:
” Các bạn, tôi đem đến đây lời chào của dân tộc Ý và của lãnh tụ Mussolini. Các bạn hãy hãnh diện được làm dân nước Ý nhất là anh em thợ thuyền với đôi tay lực lưỡng và một trái tim đơn giản, Mussolini đã xóa bỏ thời kỳ tủi nhục để đem đến cho chúng ta thời kỳ làm dân nước Ý là một điều vinh dự”.
Hồng y Pacelli vâng lệnh Giáo Hoàng gửi điện văn từ Rome qua Nữu Ước khen ngợi chuyến bay vĩ đại của người hùng trên không Italo Balbo.
Lúc trở về, Balbo đi một thảm rải bằng hoa tươi khắp đường phố Rome. Mussolini đặc cách thăng thưởng cho Balbo lên chức thống chế không quân.
Được thể, Mussolini mở luôn chiến dịch thứ tư, chiến dịch tăng gia dân số (la bataille démographique). Mở đầu chiến dịch này là ngày lễ mừng chú Romane, con trai Mussolini vừa ra chào đời, một cán bộ phát xit nói lời xưng tụng: ” Đay là bằng chứng rõ ràng của sức mạnh cường tráng, một tấm gương cho mọi người Ý”.
Ngày 30 tháng 11 năm 1933, Mussolini cho tổ chức lễ mừng một đám cưới tập thể gồm 2600 cặp, mỗi cặp đều được quà mừng của lãnh tụ.
Hôm ấy,Mussolini nói: ” Mỗi năm chúng ta nên sản xuất cho nước Ý một “balilla” (chiến sĩ nhi đồng). Từ nay những kẻ nào sống độc thân sẽ phải chịu thuế độc thân.
°
Những năm gặt hái nhiều thành quả, các nhà văn nhà báo gọi là những năm mưa thuận gió hòa (the haleyon years). Tuy nhiên, những năm đó cũng có bộ mặt trái của nó.
Số người thất nghiệp tới cả triệu vì bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn thế giới năm 1929-1931. Quá nửa số xí nghiệp nhỏ vốn dưới một triệu đồng “lire” vỡ nợ. NHiều nhà Ngân hang bị đe dọa phá sản kêu cứu Nhà nước giúp đỡ.
Để đối phó những khó khăn kinh tế, chủ trương của Mussolini là chỉ cứu các xí nghiệp lớn thôi, nên ông thỏa thuận cùng giới đại tư bản thành lập những tổ chức như:
– SOFINDIT ( Sicieta Finanziara Industriale Italiane
– I.M.I. (I’Istituto Mobiliare Italiano)
– I.R.I (I’Istituto di Ricostruzione Industriale).
Chính sách này chỉ đem lại lợi cho giới đại tư bản, cho những xí nghiệp khổng lồ: “Fiat, Biella, Motecani”.Mọi xí nghiệp nhỏ phải tự tan biến vào xí nghiệp lớn dưới danh nghĩa tổ hợp.
Chính sách này làm cho thợ thuyền bị ép buộc hơn trước cho nên lần Mussolini đi thăm viếng nhà máy Fiat chỉ có ” đạo quân vỗ tay” vỗ tay thôi, còn thợ thuyền tỏ vẻ lanh nhạt.
Hoạt động chống phát xit không phải đã chết hẳn, bởi vậy biện pháp đàn áp cứ tăng lên chứ không thể giảm đi. Buổi tối, từ 21 giờ trở đi, cảnh sát chặn các ngả để hỏi xét giấy tờ, khả nghi một tí thôi cũng đủ bị đưa về giam suốt đêm để tra xét. Cho ra vẻ mẫn cán, cảnh sát mỗi khu đêm nào cũng bắt đại vài trăm người về để chứng minh hoạt động đắc lực của mình.
Nhà làm luật phát xit Alfredo Rocco định nghĩa một loại tội phạm gọi là loại nguy hiểm cho xã hội (socialement dangereuses) khiến ai cũng có thể bị bắt được.
Kẻ nào chống phát xit đều bị đưa đi đầy ở Ustica Lipari. Tới đây, họ bị xiềng hai chân, bước đi trong hai vòng xích sắt. Ăn uống thiếu thốn và chỗ nằm nhơ bẩn. Các lãnh tụ Gramsci. Roselli, các nhà văn nổi tiếng Carlo Levi, Cesare Pavese từng nếm mùi khổ cực của hai đảo tù ngục này.
Lực lượng chống phát xit ngày càng bành trướng, tuy nhiên, chỉ bành trướng trong thầm lặng. Cả hai đường lối đấu tranh: Ám sát hay tuyên truyền ( par l’attentat ou par la propaganda) đều đứng ở điểm chết vì bộ máy đàn áp và bộ máy sử dụng kẻ phản bội của phát xit quá mạnh.
Max Gallo viết:
“Có nhiều phần tử trí thức, cán bộ các đảng phải ngủ trong yên lặng, chịu nghèo khổ còn hơn chạy theo phát xit, họ sống âm thầm không tên tuổi, nhà báo trở thành thư ký kế toán hoặc nghiện ngập ma túy. Chính thành phần chống đối thầm lặng này đã là một lực lượng nổi dậy chống phát xit hăng hái nhất trước khi thế giới chiến đi vào giai đoạn tàn cuộc”.
(IL y a aussi tous les intellectuels, tous les cadres qui dormant dans le silence, refusant la gloire et acceptant la misère plutôt que la compromission foule d’ inconnus restés inconnus; journalists devenus comptables ou droguistes, toute cette base anti-fasciste inactive mais qui fera lever, après 1943 la majeure partie de l’Italie).
Trên toàn quốc Mussolini chỉ chấp nhận một tờ báo đối lập là tờ ” Critica” của nhà triết học sử gia Benedetto Croce, người trước đây ủng hộ Mussolini hết mình, tên tuổi Croce lớn quá nên phát xit không dám ra tay. Mặc dù sự chống đối của tờ “Critica” không mạnh mẽ bao nhiêu, nhưng đám thanh niên khao khát tự do tìm đọc nhiều lắm và tờ “Critica” cũng vũ trang cho họ được một ý niệm chống phát xít tương đối vững.
Họ thấy rằng chỉ đọc báo chống đối không thôi không đủ, họ muốn hành động. Nghĩ vậy nên Georgia Amendola cùng một số bạn bè khi qua Paris có tới viếng thăm lãnh tụ đảng xã hội Claudie Treves để mong tìm những lời chỉ dậy. Treves bảo họ rằng:
“Tôi rất sung sướng được thấy những người trẻ tuổi chống phát xit, mong anh em cứ tiếp tục cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, tôi xin thành thật anh em đừng trông cậy gì vào bọn chúng tôi, một bọn yếu hèn thất bại, anh em hãy tự mình khai phát đường mới, chúng tôi không thể giúp nổi anh em đâu”.
Treves vừa nói vừa khóc.
Thất vọng với các lãnh tụ thuộc lớp người trước, tổ chức thanh niên chống phát xit tự tìm lấy đường đi của mình. Khởi sự là bản tuyên ngôn ” Giustizia e Liberta” (Tự do và Công lý) do hai anh em Roselli và Lussu viết: ” Đây là phong trào cách mạng không đảng phái…Chúng ta, chính những người Ý chúng ta, phải đứng dậy đánh đuổi bọn phát xit…”.
Tiếp đấy là vài hành động khá ngoạn mục, nhóm Tự do và Công lý cử Rosa bắn vào hoàng tử Piemont khi ông này chính thức viếng thăm nước Bỉ. Bị bắt ra trước tòa, De Rosa dõng dạc khai: ” Thưa đúng, tôi muốn giết thái tử Piemont vì chính dòng họ nhà ông ta đã mở đường cho bọn đồ tể phát xit làm thịt Tự Do của xứ sở tôi”.
Ngày 11 tháng 7, phi công Bassanesi lái máy bay lượn trên thành phố Milan đổ xuống cả trăm ngàn tờ truyền đơn của phong trào Tự Do và Công lý rồi bay qua Thụy sĩ.
Hai vụ trên làm cho tiếng tăm nhóm Giustizia e Liberta nổi mau chóng. Nhưng vì những người lãnh đạo phong trào còn quá non, nên dần dần ” đầu não” bị mật vụ phát xit túm hết. Họ đều bị kêu án 20 năm tù.
Số người chạy thoát như Schirru, Venezia qua Nữu Ước mưu định ám sát Mussolini tại đây, việc chưa ra đâu vào đâu đã bị khám phá giải về Ý chịu chung số phận với các bạn hữu.
°
Tháng 4 năm 1932, trên con đường đi Ostie, Mussolini bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình ái mới. Ông phóng xe Alfa Romeo chạy như bay cùng với sĩ quan hầu cận vượt một chiếc xe chở khá đông người, bỗng có tiếng kêu trong trẻo của con gái: “Duce ! Duce !”
Mussolini thắng gấp, trên xe kia nàng cũng vừa vội nhảy xuống đường chạy tới hổn hển kể lể nàng là người gửi thư cho lãnh tụ nhiều nhất. Mussolini cười hỏi:
– Tên cô là gì?
– Claretta Petacci.
Vừa lúc có cả gia đình nàng cũng đến kính cẩn chào. Mussolini được biết cha nàng là Francesco bác sĩ của Tòa Thánh, người anh là Marcello cán bộ phát xit, cô chị là Myriam kich sĩ và sau chót là anh chàng vị hôn phu của Claretta, trung úy Frederici.
Sau mười phút thù tạc, Mussolini lên xe đi, còn gia đình Petacci đứng ngây ngất với cuộc hạnh ngộ vừa rồi.
Trở về Rome, Mussolini bảo văn phòng đưa hết tất cả những lá thư của Claretta Petacci cho ông coi, đồng thời gửi đến nàng một bó hoa hồng.
Ba ngày sau, Claretta nhận được lời qua điện thoại của “Monsieur d’ Ostie” mời nàng tới lâu đài Venezia.
Nàng cùng đi với chị, nhưng lúc về lai có một mình. Từ đấy, Petacci, người con gái hai mươi có đôi mắt xanh biếc, bộ ngực no tròn, tóc mướt như tơ tuần nào cũng đến viếng lâu đài Venezia để nói chuyện tình yêu lãng mạn ” Platonique” với nhà lãnh tụ năm mươi cường tráng.
Nàng ngây thơ khoe với cô bạn thân:
” Tuyệt quá mày ơi, Benito kể cho tao nghe hết cuộc đời đấu tranh những lúc nghèo khổ và mộng lớn của chàng. Benito nắm tay tao dạo bước trong vườn, trên trời nhạn bay, dưới chân hoa nở…”
Khác hẳn những mối tình trước, chỉ một mình Petacci được đi vào lịch sử phát xit.
°
Những năm 1930- 1932, hàng đoàn xe chở súng ống đạn dược từ biên thùy Ý đến Bavière giúp đỡ cho đảng Quốc xã.
Mussolini chấp thuận cho Quốc xã mượn một vài nơi làm chỗ huấn luyện đảng viên đưa về Đức hoạt động.
Năm 1933, Adolf Hitler lên làm thủ tướng nước Đức.
Năm 1934, đảng cộng sản Ý và đảng xã hội Ý bắt đầu giải hòa để thống nhất hành động chống phát xit.
6. CON ĐƯỜNG ĐẾ QUỐC
La guerre est à L’homme ce que la maternité est à la femme.
MUSSOLINI
VĨ NHÂN CỦA THẾ KỶ ?
Ngày 4 tháng 10 năm 1932, quận công Pompee Aloisi hiện là tổng trưởng ngoại giao mới của nội các Mussolini vào hội kiến riêng với thủ tướng. Trước kia, Aloisi là chánh văn phòng của Mussolini, nay thay Grandi.
Aloisi tỏ ý lo ngại một nước Đức tái võ trang, ông muốn đường lối ngoại giao của Ý nên đi với Pháp.
Mussolini bảo Aloisi : “Ông hãy cứ làm theo ý tôi về phía sông Rhin chúng ta cần phải chống Pháp, về phía sông Danube chúng ta có thể thân Pháp… Nói vậy để cho có đường lối thôi chứ bây giờ: chúng ta đã đủ sức để cóc sợ bất cứ nước nào”.
Mussolini gạt bỏ hẳn ý kiến của Aloisi, tiếp tục giúp đỡ Quốc Xã. Một nước Đức mạnh trở lại sẽ kiềm chế bớt đế quốc Anh-Pháp. Quốc Xã thắng có nghĩa là chủ nghĩa fát xít bành trướng.
Ngày 27 tháng 2 năm 1933, ở Berlin, tòa nhà Quốc Hội bị đốt cháy. Hitler mượn cớ này mở chiến dịch bắt bớ khủng bố
Mussolini gửi sang Đức đại tá Renzetti làm cố vấn trên các vấn đề hành động của đội xung phong quốc xã rập theo kiểu “Squadra” fát xít. Có nhiều sử gia nói Hitler và Goering khi thành lập nội các đã xin nhiều “lời khuyên” của lãnh tụ fát xít vì tình trạng quốc xã lúc ấy giống hệt tình trạng fát xít năm vừa cướp chính quyền (1992).
Đại sứ Ý tại Đức, ông Cerutti được tình báo Anh gọi bằng “Lord Protector ” của chế độ Quốc Xã khi mới phô thai.
Tại Ý, đảng fát xít chào mừng Quốc Xã như một chế độ chính trị mới, một tổ chức quốc gia mới cho Âu Châu do fát xít mở đường.
Phần Hitler, ông rất khâm phục Mussolini nhưng lạí bảo rằng Mussolini xứng đáng là một người Đức, tất cả hành động của Mussolini hoàn toàn có tính cách “prussien ” (Đức ).
Ngày 18 tháng 2 năm 1933, giữa đại hội của Liên Đoàn chống xã hội chủ nghĩa họp tại Queen’s Hall ở Luân Đôn, Winston Churchill tuyên bố :
“Thiên tài ‘romain’ thể hiện trên Mussolini là một gương tốt cho tất cả mọi quốc gia cho thấy đâu đâu cũng có thể chống lại áp lực xã hội chủ nghĩa, Mussolini đã vạch đường cho các quốc gia khác noi theo. Bằng chế độ fát xít, Mussolini xây dựng thành trung tâm cho các nước đang chiến đấu quyết liệt với chủ nghĩa xã hội hãy coi như đó là ngọn đuốc soi sáng”.
Trong cuộc phỏng vấn Emil Ludwig nói với Mussolini rằng:
“Hiện tại, thiên hạ xem ngài như một người sáng lập ra Âu Châu mới, nếu quả như vậy ngài sẽ là vĩ nhân số một của thế kỷ này”.
Mussolini không chút ngập ngừng, gật đầu nói :
“Đúng, tôi nghĩ như vậy từ đã năm năm nay, nhưng tội thấy lúc ấy chưa đi đến đâu. Còn phải đợi khủng hoảng chính trị sâu rộng hơn nữa. Hàng loạt cách mạng nổi dậy nữa, bấy giờ mới mong có Âu Châu mới được”.
Ngày 25 tháng 10 năm 1933, Mussolini nói chuyện tại đại hội đảng họp tại Milan: “Hôm nay, tôi nói chắc chắn với các bạn rằng thế kỷ này là thế kỷ của chủ nghĩa fát xít cũng là thế kỷ của cường quốc Ý, thế kỷ mà trong đó Ý sẽ trở lại lãnh đạo lần thứ ba nền văn minh của toàn thể nhân loại ngoài chủ nghĩa fát xít ra, cá nhân cũng như dân tộc chẳng còn lối thoát nào khác “. ( Today with a quiet conscience. I tell you that the 20th Century will be the century of fascism. It will he the century of Italian power, it will be the century in which Italy will return for the third time to be the leader of human civilization for outside our haith there is no salvation either for individuals or for peoples ).
Thực hiện mộng fát xít hóa Âu Châu, trước hết Mussolini đưa bạn đồng minh Đức Quốc Xã của mình vào sinh hoạt cường quốc. Khi thô tường Anh Ramsay Mac Donald cầm đầu phái đoàn sang Ý cùng với bộ trưởng ngoại giao Anh là Sir Saint Simon để nói chuyện với Ý về vấn đề tài giảm binh bị, Mussolini đột nhiên đề nghị lập một hiệp ước tay tư gồm Anh, Đức, Pháp Ý cộng tác bảo vệ hòa bình, đặt trên nguyên tắc mà hội Quốc Liên đã chấp thuận nhưng đã không thi hành với đầy đủ hiệu lực.
Đề nghị bị Pháp phản đối kịch liệt. Hitler tán thưởng ngay, còn Anh thì dư luận chia hai phe : Churchill và Chamberlain không chấp thuận, nhưng thủ tướng Mac Donald đầy cảm tình với Mussolini qua chuyến viếng thăm vưa rồi nên nhiệt liệt ủng
hộ và tìm mọi cách vận động cho Pháp bằng lòng.
Ngày 7 tháng 6 năm 1933, hiệp ước tay tư được ký kết tại lâu đài Venezia, bốn nước cam kết tin tưởng vào hòa bình và cố gắng xây dựng hòa binh.
Hôm ấy, nhân vật Mussolini chói lọi, ông đứng vẫy tay chào “đám đông mít tinh bên dưới, tiếng hoan hô dậy đất. Mussolini nói với các vị đạỉ sứ :
“Faites, Messieurs les Représentants de tous les gouvernements qu’à travers la brèche lumineuse qui vient de s‘ ouvrir tandis que les nuées s‘ accumulaieht à l’horizon passent non seulemenf les. espérances mais les certitudes des peuples “…
Mussolini ngây ngất với địa vị cao lớn của mình trên chính trường quốc tế.
°
Hiệp ước tay tư chỉ được mấy tháng ồn ào, những nước ký kết chẳng nước nào có ý định thành thực tôn trọng nó vì thật ra nó “rỗng ruột” chĩ là một sự lập đi lập lại cái gì mà hội Quốc Liên đã nói mà đã không làm, nó chỉ là một tập giấy dùng để tuyên truyền cho cá nhân Mussolini.
Ngày 14 tháng 11 năm 1933, Hitler tuyên bố rút khỏi hội nghị tài giảm binh bị của hội Quốc Liên, Mussolini cũng làm theo bảo nếu hội Quốc Liên không sửa lại các điều khoản thì Ý lập tức từ bỏ tổ chức quốc tế này. Làm thế Mussolini phủ nhận luôn cả cái hiệp ước tay tư, do chính ông thảo ra sao ? Đúng vậy. Mussolini chỉ cần dùng hiệp ước tay tư đó để tuyên truyền, nâng cao uy thế riêng mình thôi, ông nào có thiết gì nó. Vì chủ trương của ông là luôn luôn gây rối loạn và khủng hoảng quốc tế, fát xít đã chẳng dấy lên nhờ khủng hoảng và rối loạn đó ư.
Chống hội Quốc Liên, Mussolini một mặt muốn đòi chia đất đai thuộc địa nhưng mặt khác lại hô hào các nước thuộc địa chống đế quốc (chỏ vào Anh Pháp).
Ngảy22 tháng 12, ông cho mời sinh viên Á Phi đang họp đại hội ở Rome tới điện Capitol dùng tiệc trà. Ông nói với họ : “Tất cả đau khổ của anh em Á Phi, Ý quốc đều nếm trải qua. Nhưng bây giờ với chủ nghĩa fát xít, mọi vấn đề đã lật ngược lại”.
Sinh viên Á Phi đồng loạt vỗ tay tin tưởrng fát xít như một thể thức đấu tranh giải phóng cho thân phận thuộc địa của họ.
Năm 1933, khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng hơn tại Ý, xã hội bắt đầu sáo trộn trở lại vì đói khổ, vì thiếu công ăn việc làm, buôn bán thua lỗ. Muốn giải quyết, fát xít buộc phải tiến mau vào con đường đế quốc. Con đường ấy bao giờ cũng được mở ra bằng chiến tranh.
Tháng 5 năm 1934, Mussolini báo động cho thế giới biết sự thất bại của công cuộc tài giảm binh bị và chính trị đồng mình đứng thành khối đang tái sinh, sinh mệnh hàng triệu người Âu Châu bị đe dọa… Chiến tranh là tính thiên bẩm của nhân loại.
Mấy ngày sau, cả Âu Châu sửng sốt trước tin Mussolini và Hitler sẽ gặp nhau ở Venise vào tháng 6 tới, cả Âu Châu mang máng lo âu.
Đúng ngày 14 tháng 6, phỉ cơ chở Hitler tới phi trường San Nicole. Thủ tưởng Đức bước xuống ăn mặc si-vin, trùm ra ngoài áo “jaquette” mầu đen là chiếc áo mưa vàng đất, chiếc quần sọc quá dài trùm cả đôi giầy. Trông dáng dấp hơi tiều tụy và vụng về.
Trong khi Mussolini bận bộ nhung phục lớn, huy chương sáng chói trên ngực, đầu đội mũ “fez “, đôi bốt đeo cả cựa thúc ngựa, bên thắt lưng có chiếe đoản kiếm lủng lẳng vẻ mặt kiêu hãnh.
Hai nhà độc tài lên xe đi qua các đường phố giữa muôn ngàn tiếng hoan hô : “Duce ! Duce !”.
Khoảng 13 giờ cùng ngày, Mussolini dùng cơm trưa với Hitler tại lâu đài Stra, nơi mà khi xưa Napoléon đã ở. Từ 14 giờ đến 16 giờ, hai người ngồi thảo luận riêng không một ai thạm dự. 22 giờ, họ đi dự hòa nhạc, vẫn chỉ thấy những tiếng hoan hô: “Duce ! Duce !” mà thôi.
Ngày 15 tháng 6, Hitler chơi gôn với Mussolini đề thảo luận tiếp nhưng giọng điệu có vẻ ấu ó chứ không êm đềm như bữa trước. Buổi chiều, dân chúng rầng rầng kéo tới vạn tuế lãnh tụ. Vẫn không thấy một tiếng hô nào cho Hitler. Buổi tối, Hitler mở tiệc khoản đãi Mussolini, ăn xong thiên hạ khiêu vũ vui vẻ để chấm dứt cuộc viếng thăm.
Kết quả, Mussolini và Hitler chẳng ai chịu ai, mọi mưu định của mỗi bên đều hoàn toàn thất bại. Âu Châu thở dài nhẹ nhõm. Vấn đề không thể dàn xếp giữa hai người là Áo quốc. Hitler muốn Áo sát nhập vào Đức, Mussolini chống lại và triệt để ủng hộ chính sách của chính phủ Áo do thủ tướng Dollfuss lãnh đạo. Dollfuss là người chống quốc xã nhưng rất thân với fát xít. Mussolini thường đến Riccione gặp Dollfuss để bàn luận đường lối chung cho hai nước. Vợ Dollfuss, người đàn bà đẹp nổi tiếng ở Áo theo lời đồn đại dân thành Vienne, đã trở thành người tình của Mussolini. Bà luôn luôn ở Riccione để gần gũi nhà lãnh tụ fát xít.
Ngày 25 tháng 7 năm 1934, Dollfuss bị ám sát. Mussolini hay tin la hét om sòm : “Hitler chính là tên giết Dollfuss, thằng điên nguy hiểm, thằng sa đọa tình dục” (Hitler est l‘assassin de Dollfuss… c‘est un horrible dégénéré sexuel, un fou dangereux !)
Lập tức, Mussolini ra lệnh tập trung quân đến vùng Brenner, biên thùy Áo và Ý, rồi đánh điện chia buồn với hoàng thái tử Starhemberg và xác định lại việc sẵn sàng đưa quân ra bảo vệ nền độc lập Áo quốc. Mặt khác, ông cho báo chí nhất loạt đả kích hành động man rợ của Quốc Xã.
Về phía Bá Linh, ngày đầu dài phát thanh Đức loan tin vụ ám sát Dollfuss kèm theo những lời chào mừng : “Nhân dân nổi dậy kết án Dolfuss. Cái gì cần đến đã đến. Nhân dân Đức chia sẻ với nhân dân Áo lòng căm phẫn chống bọn thống trị bằng tù ngục và tra tấn”.
Tới khi thấy Mussolini làm dữ, thì Bá Linh đâm lúng túng không dám tiến thêm bước nào nữa vì sợ một cuộc chiến tranh bùng nổ giữa Ý và Đức.
Hitler bảo Von Papen :”Chúng ta đang vấp phải vụ Sarajeve khác”.
Để cho Mussolini nguôi cơn giận, đảng Quốc Xã liền cách chức Theo der Habicht, cán bộ cao cấp Quốc Xã hoạt động bên Áo và bỏ rơi nhóm người quốc xã Áo nhúng tay vào máu Dollfuss. Cử Von Papen qua làm đại s tại Áo với sứ mạng hàn gắn những đỗ vỡ đáng tiếc vừa xảy ra.
Thái độ của Mussolini đối với Đức quốc xã khiến nhiều chính khách Anh Pháp nẩy ra ý định dùng fát xít để chống lại “nazisme”.
Tháng 10 năm 1934, Louis Barthou, tổng trưởng ngoại giao Pháp bị nhóm người Croates (Nam Tư) bắn chết bên cạnh vua Nam Tư tại Marseilles. Dư luộn đồn ầm lên, Mussolini có bí mật liên hệ tới vụ án này.
Pierre Laval lên thay Barthou đẩymạnh chính sách thân với Ý.
Ngày 4 tháng 1 năm 1935 Laval chính thức viếng thăm Rome. Mussolini ra tận ga để đón ông tổng trưởng ngoại giao mới của nước Phap. Ở Pháp, lãnh tụ xã hội Léon Blum viết vài bình luận mỉa mai cuộc gặp gở này rằng :
“Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Pháp làm thượng khách của kẻ giết dân biểu Mattéotti, cũng là lần đầu tiên đại diện cộng hòa Pháp thừa nhận tên bạo chúa ở Ý như một nguyên thủ quốc gia.”
Bài bình luận trên không ai chú ý.
Pierre Laval trong bữa dạ tiệc nâng cao ly rượu chúc mừng Mussolini những lời đưa đẩy hết sức ngoại giao :
“… le grand homme qui préside aux destinées de l’italie. Vous avez écrit la belle histoire modern.
Ngày 7 tháng 1 năm 1935, tại lâu đài Venezia, Pháp Ý ký hiệp ước thân thiện. Pháp nhường quyền cho Ý môt số đất đai Phi Châu, chấp nhận nhiều đặc quyền cho kiều dân Ý bên Tunisie. Hai nước sẽ luôn luôn hỏi ý kiến nhau trước mỗi vấn đề quốc tế. Pháp Ý chung sức bảo vệ Áo quốc. Thấy Pháp Ý tụ hội, Anh cũng xin gia nhập hiệp ước.
Ngày 11 tháng 4 năm 1935, Anh Pháp Ý ký thêm với nhau một hiệp ước khác ở Stresa. Trước đấy một tháng, quốc xã xé bỏ hòa ước Versailles tái lập chế độ cưỡng bách quân dịch cho nước Đức.
ĐÁNH CHIẾM ETHIOPIE
Sau khi ký hiệp ước Stresa, Mussolini đưa thêm một bộ mới vào nội các đó là bộ thuộc địa, chính ông kiêm nhiệm luôn, cộng lại ông nắm trong tay tám bộ. Rồi Mussolini cử De Balbo làm cao ủy tại Phi Châu phía Đông.
Laval khi sang Rome đã thỏa thuận mặc cho Ý muốn làm gì ở Ethiopie là quốc gia Phi Châu duy nhất còn chủ quyền. Mussolini muốn trả thù trận Adona trước kia.
Ngày 6 tháng 2 năm 1935, một sư đoàn quân Ý tiến qua Ethiopie tiếp theo là hai sư đoàn quân chí nguyện nữa. Mussolini nói:
“Chúng ta sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ mà vận mạng lịch sử đưa đến… cả triệu lưỡi lê sáng chói trên vai những người fát xít với lòng thành khẩn cộng tác với các nước bạn Âu Châu… “
Chiến tranh xâm lược Ethiopie không phải là không gây khó khăn cho Anh Pháp. Ethiopie là hội viên hội Quốc Liên, Anh Pháp sẽ mất mặt nếu chẳng lên tiếng can thiệp bỏ mặc nó cho Ý dầy xéo. Mà lên tiếng thì vấn đề chống quốc xã sẽ gặp khó khăn vì Mussolini đối với Âu Châu trong tình thế này rất cần thiết.
Biết vậy nên Mussolini phải dùng cái thủ đọạn hối thủy chiến làm thật nhanh cho mọi chuyện đã rồi và không còn cách gì lùi bước nữa. Ông cương quyết từ chối giải pháp do nhà ngoại giao Anh Eden đưa ra. Ông dùng báo chí để đánh át lời kêu gọi của Giáo Hoàng.
Genève, trung tâm ngoại gịao nhộn nhịp, các nước tìm cách làm áp lực đễ Ý phải từ bỏ tham vọng xâm chiếm Ethiopie.
Suvich, thứ trưởng tại Genève trình bày tình thế. Mussolini đập xuống bàn nói lớn : “Tôi bất chấp, tôi chẳng thỏa thuận chi hết, nếu họ không nhuợng bộ tôi, nếu hoàng đế Ethiopie không chịu hàng. Tôi cóc sợ chiến tranh, nếu cần tôi sẽ khoét cho cuộc xung đột rộng ra”.
Làm sao Mussolini lùi được, cuộc chiến Ethiopie bây giờ là vấn đề uy tín của ông, lợi lộc chỉ là phụ thuộc.
Ngày 10 tháng 8, Mussolini nói chuyện cùng tổng trưởng ngoại giao Aloisi trước khi ông này lên đường đi Paris để gặp Laval cùng Eden, và dặn rằng :
“Tôi chẳng tin tưởng vào mấy cuộc thương thuyết lằng nhằng hoài. Sang bên ấy, ông nên giữ thái độ của một người chiến sĩ hơn là một nhà ngoại giao,- ông nên tỏ ra fát xít nhiều hơn là một kẻ đi thương thuyết”.
Thương thuyết Paris cũng thất bại luôn.
Chiến tranh bùng nổ hôm 3 tháng 10 năm 1935.
Ciano, con rể Mussolini và con trai Mussolini dẫn dầu phi đoàn oanh tạc thủ đô Eihiopie.
Ngày 6 tháng 10, Adona thất thủ. Cái nhục thua trận năm 1896 đã được trả.
Đại biểu Ethiopie lên tiếng trước hội Quốc Liên tố cáo Ý tàn sát đàn bà trẻ con.
Ngày 10 tháng 10 năm 1935, hơn năm mươi quốc gia hội viên hội Quốc Liên bỏ phiếu thông qua quyết nghị dùng biện pháp kinh tế trừng phạt Ý là kẻ xâm lược.
Khủng hoảng chính trị quốc tế mỗi ngày trầm trọng. Mussolini “cóc sợ “, “cóc cần”.
Giáo hoàng nói với nhà ngoại giao Pháp; “Mussolini tin rằng rốt cục sẽ có chiến tránh giữa Anh và Ý và cuộc chiến tranh đó sẽ lan ra khắp Âu Châu mau chóng, Noël này, quân đội Quốc Xã có thể ăn tết ở thủ đô Áo quốc… Mussolini nói chiến tranh một cách dễ dàng như ta uống tách cà phê buổi sáng vậy”.
Riêng đối với Pháp, Mussolini có đường lối ôn hòa hơn, ông bỏ ra 35 triệu quan cho báo chí Pháp ủng hộ Ý trong vụ Ethiopie. Cũng như báo chí quốc nội đồng loạt mở chiến dịch biện bộ cho cuộc chiến tranh Etbiopie trình bày nước Ý như một, quốc gia bị bao vây, sự trừng phạt kinh tế đối với Ý là bất công mà kẻ thủ tưởng Anh quốc, nước có nhiều thuộc địa nhất.
Toàn đảng fát xít được huy động làm thành bộ máy tuyên truyền khổng lồ.
Mussolini mời một tiệc trà 850 bà mẹ và góa phụ của các chiến sĩ tử trận để kêu gọi tất cả mọi người dân Ý hãy đóng góp công sức để chống lại chích sách bao vây kinh tế của các nước giàu có áp dụng với các nước nghèo khổ để đòi đất đai cho những quốc gia thiếu đất phát triển.
Ngày 1 tháng 12 năm 1935, Mussolini cho phát động tuần lễ tin tưởng (Le Rite de la foi) hay là tuần lễ vàng. Đàn bà trên khắp nước, để hưởng ứng tuần lễ tin tưởng đã tháo nhẫn cưới, hoa tai bỏ vào quỹ cứu nước để nhận lại một chiếc nhẫn bằng thép tượng trưng cho ý chí sắt thép. Tuần lễ vàng thành công mỹ mãn, riêng ở Rome, Mussolini đã thu được hơn 500.000 chiếc nhẫn hay bông tai, vòng xuyến. Thành phần hăng hái nhất là chị em lao động.
Bên cạnh không khí ái quốc ngụt lửa là tình cảnh khó khăn kinh tế, giá cả leo thang, đã thế dân còn phải bóp mồm miệng để dành tiền cho việc sản xuất súng đạn. Bọn con buôn và nhóm thư lại cao cấp fát xít lợi dụng chiến tranh làm giàu mau chống. Mặc ! Dân chúng vẫn tin tưởng vào lãnh tụ.
Quân Ethiopie yếu dần. Đảng fát xít thi đua nhau xung phong.
Ngày 5 tháng 5 năm 1936, quần Ý chiếm thủ đô Addis-Abeba, thủ đô của Ethiopia. Ngay buổi tối hôm ấy, Mussolini tuyên bố trước quốc dân: “Tôi trân trọng loan báo với ddồng bào và thế giới là hòa bình đã tái lập hòa bình của chúng ta, hòa bình theo kiểu “Romaine “, xứ Ethiopie từ nay là của ,Ý”.
Dân Ý hò hét reo mừng chiến thắng, reo mừng hòa bình.
Hội Quốc Liên khoanh tay dương mắt nhìn fát xít làm thịt xứ Ethiopie, cả thế giới chế riễu chê bai tổ chức quốc tế bù nhìn.
Titulesco, một đại biểu hội viên hội Quốc Liên cáu tiết, nói trước hội trường:
“Bọn Ý muốn chúng ta ăn phân. Thôi đàhh. Chúng ta sẽ nuốt. Nhưng bọn nó lại muốn chúng ta bảo đấy là mứt sen thì thật là quá lắm “. ( Les Italiéns veulent nous faire avaler de la merde. Soil. Nous l‘avalernos. Mars ils veulent aussi nous faire déclarer que c‘ est de la confiture de roses. Çà c’est un peu fort.)
Thế là hội Quốc Liên bị đem khai tử bởi hành động xâm lược của fát xít. Đức quốc xã thấy phản ứng yếu ớt từ phía quốc tế như vậy, đi theo vết xe fát xít ngày 7 tháng 3 đem quân chiếm lại Rhénanie bị cắt rời khỏi Đức sau thế chiến thứ nhất. Để trả ơn, cũng để lập thế đồng minh, trong suốt thời kỳ có biện pháp trừng phạt bằng kinh tế, Đức tiếp tế than cho Ý và cộng tác chặt chẽ với Ý trên cả hai mặt tài chánh , lẫn kinh tế. Bá tước Velpi, đại biểu giới kinh doanh Ý đã phảỉ nói: “Nước Ý không bao giờ quên thái độ chân thành cao đẹp của nhân dân Đức, khi Ý bị phong tỏa kinh tế”.
Tháng 3 năm 1933, Mussolini cho giám đốc cảnh sát Bocchini qua Berlin đặt quan hệ tình báo với ông trùm Gestapo Himmler.
Tháng 6 năm 1936, Hitler đích thân lái “canot” chở con gái Mussolini đi du ngoạn quanh bồ Berlin.
Tháng 7 năm 1938, với sự chấp thuận của Mussolini, thủ tướng Áo Schuschnigg và Hitler kỷ kết môt hiệp ước trong đó Áo bằng lòng cho Đức vào Áo và tự coi nước Áo như một phần của quốc gia Đức.
Biện pháp trừng phạt kinh tế do Anh đề xướng đưa tới kết quả fát xít đi gần lại quốc xã.
Chinh phục Ethiopie, khai tử hội Quốc Liên, phá tan biện pháp trừng phạt kinh tế khiến Mussolini say sưa với sức mạnh, với quyền lực. Ông nghĩ Ý phải thống trị luôn cả thế giới. Tại sao lại không nhỉ? Ý và Địa Trung Hải chẳng là trung tâm của thế giới là gì, nó với sạng cả Âu lẫn Á, cả Phi Châu nữa. Chẳng ngại Pháp. . vì cái ông Flandin bên Pháp chỉ là chính trị gia múa rối. Cũng cóc sợ Anh, bọn Anh đang mỗi ngày mỗi xuống dốc. Bọn chúng chưa nếm sức mạnh của Ý fát xít hả ? chúng cứ việc thử lửa. Khi nào thấy nước Ý chỉ trong một tiếng đồng hồ gọi ngay được 8 triệu người đứng dưới cờ, bấy giờ chúng hãy thất kinh.
Giấc mộng bá chủ của Mussolini bắt đầu bằng việc đưa con rể Galeazzo Ciano lên chức tổng trưởng ngoại giao. Các nhà ngoại giao chuyên nghiệp bỏ đi dần dần.
MỐI TÌNH VỚI CÔ NỮ KÝ GIẢ PHÁP
Tên thật của cô nữ ký giả ấy là Madeleine Cara- boeuf, con gái một họa sĩ nổi danh ở Paris qua những bức họa khỏa thân là Raoul Garraboeuf.
Mẹ nàng chết khi nàng mới mười tuổi, nàng quấn quit bên cha suốt ngày ở xưởng họa.
Năm 15 tuổi, thân hình Magda nẩy nở đều đặn, trông thấy mát mắt. Nàng xin cha cho mình đứng làm kiểu mẫu khỏa thân cho các sinh viên vẽ.
Cuộc sống nghệ sĩ khiến cha nàng không còn thì giờ đâu mà chăm sóc dậy dỗ con gái. 18 tuổi, Magda đã loạn lắm. Nàng ngủ với tất cả các chàng sinh viên. Chàng nào cũng yêu Magda mê mệt. Chẳng mấy chốc tên Madeleine vang lừng trong giới hội họa. Họ tìm kiếm nàng làm kiểu mẫu cùng một lúc với làm tình.
Năm 1925, Madeleine được bầu làm hoa hậu của dạ hội tục gọi là “Quatre Arts Ball) do sinh viên mỹ thuật tổ chức hàng năm. Trong số cảnh sát viên đến giữ trật tự cho dạ hội có chàng phó quận trưởng bảnh trai, say mê thân hình tuyệt mỹ của Madeleine. Hai người làm lễ thành hôn sau một tuần gặp gỡ. Rồi họ cũng ly dị nhau rất mau.
Madeleine bỏ nghề kiểu mẫu đi làm báo lấy bút hiệu là Magda de Fontanges, nhân viên của tờ “La Tribune des Nations). Công việc giao phó cho nàng chỉ là cuối tuần đi chơi với các chính khách thuộc đảng trợ cấp cho tờ báo.
Thấy Magda có khả năng, ông chủ nhiệm François, La Tour gửi nàng đi lấy tin Hạ Viện. Từ đấy, người ta thấy nàng lả lướt trong tay nhiều chính khách và lấy về cho tòa soạn được nhiều tin sốt dẻo. Nghệ thuật lấy tin của nàng là làm tình. Một nhà báo thâm niên trong nghề là Charles Freder đã phải thốt ra lời phê bình :
“Thông thường dân nhà báo đều là bọn đánh đĩ nhưng phải đợi Magda de Fontanges thì cái nghĩa đánh đĩ mới thật đầy đủ”.
Magda leo lên tột đỉnh của nghề nghiệp kể từ giữa năm 1930, khi nàng trở thành cô tình nhân bí mật của thủ tướng Pháp, Joseph Paul Boncour.
Năm 1935, thôi việc bên ‘‘Tribune des Nations” Magda sang làm cho tờ “Liberté” được gửi qua Genève viết bài về hội nghị của hội Quốc Liên đang họp bàn về vấn đề Ý xâm lăng Ethiopie.
Tháng 3 năm 1936, báo “Liberté” gửi nàng sang Rome làm đặc phái viên. Magda đến thủ đô Ý với thân hìnhquyến rũ, với tính tình lẳng lơ, với cử chỉ bạo dạn, với lời ăn tiếng nói bặt thiệp duyên dáng, nàng xông vào xã hội ngoại giao ở đây thật là dễ dàng.
Ngày 4 tháng 7 năm 1936, Magda xin gặp ông đại sứ Pháp tại Ý là bá tước Charles de Cbambrun, nhờ ông này thu xếp dùm cho nàng một cuộc phỏng vấn lãnh tụ fát xít Benito Mussolini.
Chambrun đáp : “Tôi không tin có thể được, Mussolini chưa bao giờ cho phép đàn bà phỏng vấn”.
Magda nở nụ cười đĩ thõa: “Xin đại sứ cố gắng tìm cách, em không quên ơn đâu”.
Chambrun nói : “Thôi được, ngày mai tôi sẽ gặp Aifieri, thứ trưởng ngoại giao Ý xem sao”.
Buổi trưa hôm ấy, Magda khôn ngoan gửi thư thẳng cho Alfieri xin phỏng vấn Mussolini. Kèm theo bức thư là tấm hình nõn nà của nàng.
Tấm hình ai ngờ có hiệu quả. Mussolini đã nghe khá nhiều giai thoại về cô ký giả tóc nâu Magda và chính mắt ông thỉnh thoảng cũng liếc mắt nhìn nàng trong các buổi tiếp tân. Mussolini liền bảo Alfieri thu xếp cuộc phỏng vấn.
Hai ngày sau, ý muốn của Magda thành sự thật.
Mussolini tiếp nàng tại lâu đài Venezia. Ngồi đợi chừng 20 phút thì tùy viên bảo chí ra mời, Y há hốc miệng ngạc nhiên khi thấy cô ký giả Pháp mặc áo hở cổ lộ bộ ngực đồ sộ trắng nhễ nhại.
Phòng làm việc của Mussolini rộng mên mông, dài hơn bốn mươi thước từ cửa vào, một tấm thảm bằng nhung đỏ chạy đến cuối phòng. Trên tường, đằng sau ghế Mussolini ngồi treo dấu hiệu bó củi và cây búa của đảng fát xít, ông mỉm cười nhìn nàng đi vào.
Lúc nàng đi đến gần bàn, ông đứng dậy chào hỏi bằng tiếng Pháp : “Tôi rất vui mừng gặp cô, xin lỗi đã để cho cô chờ đợi”.
Mussolini chỉ chiếc ghế bành đệm nhồi bằng lông chim mềm mại mời khách ngồi rồi chăm chăm nhìn khách từ đầu đến chân.
Magda đã quen lắm với cái nhìn đó. Cái nhìn của bọn đàn ông mà nàng gặp ở Via Veneto hay ở Champs Elysées. Dù sao nhà độc tài Ý cũng chỉ là một người.
– Thưa ngài, chúng tôi không dám làm mất thì giờ quí báu của ngài, nên có biên sẵn đây các câu hỏi.
Mussolini sua tay nói :
– Không sao thời gian nào còn nghĩa lý gì khi ta ngồi bên cạnh một người đàn bà nhan sắc.
Cuộc phỏng vấn bắt đầu. Cô ký giả Pháp ghi chép lia lịa.
Mussolini đi vòng ra phía sau ngồi lên thành ghế của nàng. Magda sung sướng tiếp nhận ly rượu Strega mà Mussolini tự tay rót mời. Rồi đến cuộc hỏi chuyện vẫn trời trăng, mây gió.
– Nơi làm việc của ngài gây ấn tượng sợ sệt cho người tới đây khi phải đi qua tấm thảm dài dằng đặc đó.
Mussolini cười nói .
– Đây là cái trò do một nhà tâm lý học bầy cho tôi để tạo thế bất lợi trong tâm lý khách. Còn nhân viên văn phòng thì vào bằng cửa phòng kia.
Vừa nói ông vừa chỉ hai gian buồng ở hai bên nách ông ngồi. Còn phòng kia ?
– À, đó là phòng riêng của tôi. Vì làm việc khuya tôi thường ngủ lại.
Magda âu yếm nhìn nhà độc tài rồi hỏi :
– Thưa ngài, tôi có thể vào xem qua được không ?
Câu hỏi bất ngờ làm Mussolini sửng sốt :
– Ồ được chứ, mời cô vào, tôi chắc cô sẽ thấy nó tồi tệ lắm.
Vài phút sau, Mussolini cho lệnh nhân viên canh gác cấm không ai được làm rộn.
Một giờ nữa, tùy viên báo chí gõ cửa nhè nhẹ thò đầu vào vẫn chưa thấy Mussolini ra khỏi phòng ngủ, y mĩm cười kín đáo rút lui. Thêm lần nữa,y vào thì Mussolini cùng cô thơ ký Pháp vừa ra khỏi buồng, cả hai người đang chải chuốt, vuốt lại quần áo cho phẳng phiu.
Mussolini nói :
– Mai tôi chờ cô ở Villa Ostia. Cô đến đấy sẽ gặp nhiều nhân vật quan trọng tha hồ mà phỏng vấn.
Magda hỏi nhỏ :
– Vâng, ngày mai em sẽ có mặt.
Họ bắt tay thân mật, Mussolini tiễn khách ra ngoài. Lúc quay vào, đầu óc ông chỉ loay hoay với những sắp xếp cuộc gặp gỡ ngày mai.
Magdã về hotel Quirinal vội vã đánh máy gấp nội dung cuộc phỏng vấn để gửi cho tòa báo. Nàng viết : “Ngài thật xứng đáng với cá tính cương cường luôn luôn ngài làm người khác phải qui phục. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ của ngài đều chứng tỏ sức mạnh phi thường ầm ầm như mưa bão chẳng khác gì vụ xâm chiếm Ethiopie”.
Khi tờ “Liberté” đăng bài phỏng vấn có một ngườí chăm chú theo dõi và rất bực bội, đó là nguyên thủ tướng Paul Boncour, ông già này còn thù hận Magda ghê gớm vì nàng đã cho ông rơi một cách nhục nhã, đã vậy nàng lại đi kể hết chuyện bí mật ái tình giữa nàng và ông lên trên mặt báo. Đại sứ Pháp Chambrun là bạn thân của Boncour nên ông muốn mượn tay Chambrun trả thù sui Chambrun úp mở cho mật vụ Ý biết Magda là gián điệp.
Vài tuần sau, các cơ sở mật vụ Ý đều báo cáo lên Mussolini về cái tội tầy trời của nàng. Nhưng Mussolini không tin nên vẫn tiếp tục gặp gỡ Magda de Fontanges. Tuy nhiên, để làm sáng tỏ, Mussolini đem chuyện hỏi thẳng Magda. Chỉ thấy nàng vật vã khóc lóc, chối mình không phải là do thám. Nàng đấm thùm thụp vào ngực Mussolini gào lên :
– Thế mà Benito cũng tin sao ?
Mussolini nửa đùa nửa thật nói :
– Làm sao chứng minh em không phải, là gián điệp ?
Nàng đáp ngay :
– Được chứ !
– Chứng minh thế nào ?
– Em sẽ về ngay Paris. Em rất nhiều bạn bè. Em sẽ cung cấp cho anh mọi loại tin tức anh muốn biết và cần thiết cho nước Ý.
– Cô dò xét cho tôi để phản bội tổ quốc của cô ?
Magda choàng tay ôm chặt lấy cổ nhà độc tài mà thủ thỉ:
– Sau những ngày tuyệt diệu như thế mà anh vẫn chưa tin em ư ? Em sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho anh.
Vở bi hài kịch Magda đóng tuy hơi dở nhưng đam mê đã làm cho Mussolini không nhận ra những điểm vụng về, vả lại ông nghĩ nào có thua thiệt chi, đương nhiên với con người như ông, Magda đừng hòng moi tim. Cho nàng về Pháp, nếu quả thật nàng là gián điệp, ắt hẳn nàng sẽ ở luôn không qua Rome nữa, nhược bằng không, nàng mang tới cho mình những tin tức bí mật của Pháp lại càng hay.
Ngày 3 tháng 8 năm 1936, Magda de Fontanges về Pháp. Vé khứ hồi của nàng do chính thứ trưởng ngoại giao Alfieri sai người đi mua.
Chẳng biết nàng soay sở thế nào mà khi trở về Rome, Magda lại mang cho Mussolini một danh sách điệp viên phòng nhì Pháp hoạt động tại đây, trong tổ chức có một người Ý tên Sortini, nhân viên bộ hải quân Ý.
Trong vòng chưa đầy tuần lễ, bộ ngoại giao Ý gửi văn thơ yêu cầu chính phủ Pháp triệu hồi tức tốc năm nhân viên ngoại giao Pháp về nước vì họ là gián điệp. Còn Sortini bị mật vụ bắt ngay, tra tấn hỏi cung ngày đêm rồi đem giam tại nhà ngục Coeli, Sortini vượt ngục nên bị bắn chết.
Dĩ nhiên, sở tình báo fát xít cũng như Mussolini có đặt vấn đề Magda là gián điệp đôi nhưng nhà độc tài vẫn yêu cô nữ phóng viên tóc hung nên tỏ ra hài lòng với những tin tức do nàng cung cấp, cái vấn đề đôi ba hãy tạm gác qua bên.
Đại sứ Chambrun vẫn chưa tha Magda, ông đến gặp nàng, yêu cầu nàng hãy cuốn gói rời khỏi nước Ý, xin đừng ở đây bêu xấu nước Pháp bằng những chuyện bẩn thỉu nữa.
Thấy khó lay chuyền, Chambrun dùng lá bài dọa nạt bảo : “Bọn Ý đang sửa soạn bắt cô về tội gián điệp đó. Tôi khuyên cô về ngay đi kẻo muộn lại hối không kịp.”
Magda biết rõ từ lâu cái chuyện gián điệp nay đã hết giá trị đối với nàng. Nhưng Chambrun nhắc lại làm nàng bỗng dưng tỉnh ngộ, thì ra chính tòa đại sứ Pháp đã tung tin này vào tai mật vụ Ý. Thảo nào Chambrun lúc nào cũng muốn tống cổ nàng ra khỏi Rome. Đúng rồi, báo cáo nàng làm gián điệp do lão này mà ra hết, Magda liền nổi cơn tam bành, sỉa sói vào mặt đại sứ Chambrun mà la hét :
– Ông mới là tên xấu xa. Chính ông làm chó săn cho Mussolini và báo cáo tôi làm gián điệp chứ ai? Đừng đứa nào hòng chia rẽ tôi với Benito.
Rồi nàng úp mặt vào hai lòng bàn tay vừa khóc nức nở vừa đuổi đại sứ Chambrun ra khỏi cửa.
°
Mussolini bắt đầu chán cô ký giả tóc hung. Lại thêm cuộc nội chiến Tây Ban Nha bung nổ, đảng fát xít cần giúp cho tướng Franco về nắm chính quyền, khiến Mussolini bận bịu tốỉ ngày, nào giải quyết hết vấn đề chính trị đến vấn đề quân sự, nào tìm cách chuyên chở vũ khí cho Franco. Ông quên luôn Magda, không vời đến cũng không cho gặp.
Uất hận, Magda uống luôn một ống thuốc ngủ tự tử tại khách sạn Quirinal để lại thư tuyệt mạng cho Mussolini. Nguời ta đưa nàng vào bệnh viện rửa ruột cứu sống.
Lúc tỉnh dậy, Magda thấy một nhân viên bộ ngoại giao Ý do thứ trưởng Alfieri sai đến giải quyết dứt khoát vụ này hầu tránh tiếng xấu cho chính trị fát xít. Người ấy đưa nàng tấm ngân phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ trên có ghi con số nhiều ngàn đô la. Magda hiểu ngay chẳng còn hy vọng nối lại cuộc tình nữa. Bây giờ chỉ có một mình cô bé thơ ngây Claretta Petacci ngự trị trái tim nhà lãnh tụ đa tình thôi.
NỘI CHIẾN TÂY BAN NHA
Ngày 18 tháng 7 năm 1936, tướng Franco ở Morocco cầm đầu cuộc binh biến rồi đem quân về đánh chính phủ Cộng Hòa Tây Ban Nha. Nội chiến bùng nổ.
Mussolini ủng hộ Franco tiêu diệt chế độ dân chủ mới phôi thai ở xứ này. Giúp Franco để tranh dành ảnh hưởng với Pháp tại đây đồng thời để bành trướng chính trị fát xít. Mussolini đã âm mưu với nhiều tướng lãnh Tây Ban Nha từ lâu. Franco về nước đem theo một số phi cơ oanh tạc của Ý và nhiều tiểu đoàn sơ mi đen do Bonaccorsi chỉ huy. Có tới gần 30.000 quân Ý tham dự nội chiến Tây Ban Nha, phần lớn đi tắt qua ngả Ethiopie.
Tuy nhiên, khi đại sứ Pháp Chambrun đề nghị với Ý ký vào bản cam kết của hai nước không can thiệp vào vụ Tây Ban Nha thì Mussolini chấp nhận ký.
Vở hài kịch ngoại giao bất can thiệp đưa đến sự cô lập trọn vẹn của chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha mà giới tư bản Âu Châu lúc đó lo ngại nó là một chế độ thiên cộng. Chính thể cộng hòa Tây Ban Nha chỉ còn trông cậy vào đoàn quân chí nguyện quốc tế từ khắp nơi đến từng cá nhân một để chiến đấu bảo vệ dân chủ chống fát xít.
Những người chí nguyện tiền phong là đám dân lưu vong do Carlo Roselli đứng lên hiệu triệu với khẩu hiệu : “Hôm hay là Tây Ban Nha, mai là Ý Đại Lợi. Hầu hết những lãnh tụ xã hội và đảng viên Ý đều có mặt, họ tới đây để tiếp tục cuộc chiến đấu đã bị bỏ dở từ năm 1922.
Phe fát xít càng mạnh hơn khi Hitler mặt sai đại sứ Von Hassel tới bàn với bộ trưởng ngoại giao Ciano về một hành động chung giúp Franco nhằm ngăn chặn không cho chính trị Sô Viết xâm nhập vào vùng Địa Trung Hải. Nhưng mưu định của Hitler có điềm khác biệt quan trọng với mưu định của Mussolini. Hitler muốn nội chiến Tây Ban Nha kéo dài để các nước Tây phương lo đối phó với nó mà tạm quên những hoạt động của Đức quốc xã.
Hitler bảo các tướng lãnh Đức :
“Sự thắng lợi hoàn toàn của Franco không phải là điều mong mỏi của chúng ta vì chúng ta muốn tình trạng căng thẳng ở Địa Trung Hải càng lâu càng tốt”.
Hitler còn lợi dụng luôn nội chiến Tây Ban Nha làm cơ hội bóp nghẹt và giết dần chủ quyền Áo quốc trong khi Mussolini đang bận bịu đối phó với nhiều chuyện.
Mussolini đã bắt đầu thấy sức khỏe của mình suy yếu, còn đường đế quốc quả là khó khăn đầy chông gai. Càng suy yếu hơn là cuộc tình triền miên với người đàn bà 24 tuổi Claretta Petacci. Sau một thời gian đến với Mussolini, nàng đã nghe thep lời khuyên của “chàng” kết hôn với trung úy phi công Frederick.
Năm 1936, Frederici đi Tokyo làm tùy viên quân sự, Clara ở lại Ý. Một buổi trưa, nàng tìm đến Mussolini gặp ngay cơn giận dữ của nhà lãnh tụ đánh cho nàng hai cái bạt tai về cái tội phản bội chồng. Clara chan hòa nước mắt không cãi lời nào, lặng lẽ gục vào vai Mussolini mà thổn thức. Mối tình già trẻ được nối lại thắm hơn xưa. Clara tiếp tục cứ mọi buổi chiều đều đặn đi bằng ngả cửa sau tới dinh Venezia, nơi dây Mussolini đã nằm trên đi văng chờ. Mussolini thao thao bất tuyệt trước đôi mắt bao giờ cũng thán phục một cách chân thành của Clara: Mussolini sung sướng vì nàng là người đàn bà phục tòng tuyệt đối. Clara đối với Mussolini bây giờ như một nhu cầu tâm lý, thiếu nàng ông cảm thấy mình cô đơn. Clara không giống những người đàn bà khác, nàng yêu Mussolini mà chẳng đòi hỏi điều gì trả lại cho mình, yêu Mussolini vì chàng đúng là một vị thần. Phần Mussolini, ông càng cho nàng rất nhiều để thầm trả cái ẩn “bất vụ lợi” của nàng trong cuộc tình. Theo lời đồn đại, nàng Claretta Petacci có tới 2000 đôi giầy, cái villa lộng lẫy trên đồi Monte Mario là của Mussolini xây cho nàng.
Clara sống với mộng đẹp nhưng gia đình nàng khác hẳn, họ đã mượn danh nghĩa con gái, em gái để biến nơi họ trú ngụ thành trung tâm tham nhũng nho nhỏ của chế độ fát xít đến nỗi nội bộ fát xít đã thành hình một phái mệnh danh là phái Petacci.
Chúng quanh dinh Venezia nay đã được bao bọc bởi màng lưới âm mưu. Bocchini cầm đầu mật vụ luôn luôn nghi ngờ ghen tị. Starace ngoan cố hẹp hòi. Guidi nghe lén điện thoại của bất cử ai v.v… Tất cả chạy đua giữ địa vị mình sẵn sàng ngầm hại những người khác, ai cũng là kẻ thù của nhau. Vượt lên trên hết là Ciano, ông rể của Mussolini. Bộ ngoại giao Ý toàn là tay chân riêng của hắn, bao nhiêu chuyên viên ngoại giao đều bị đầy đi hết ráo. Ciano tự coi mình là người kế vị Mussolini nên lập trước một triều đình riêng.
Dân biểu dần dần chán ghét chế độ fát xít, những bài bát chế riễu Starace, tên tổng thư ký đảng được truyền tai nhau, nhất là trong giới học sinh, sinh viên. Họ thường tụ tập bí mật vặn nghe đài Madrid và Barcelone để nghe những lãnh tụ chống fát xít.
TRỤC ĐỒNG MINH Ý – ĐỨC
Ngày 23 tháng 6 năm 1935, Hans Franck, bộ trưởng nội các Hitler chính thức viếng nước Ý và mời Mussolini sang bên Đức.
Mussolini nói với Franck : “Nước Pháp bây giờ là một quốc gia ốm yếu già nua. Họ chỉ nghĩ đến ăn, nghệ thuật nấu bếp đã trở nên một nghệ thuật trị quốc.. Dân số lại xuống kinh khủng, mỗi tuần có hai ngàn Pháp mất đi”.
Franck ngồi nghe rất khiêm tốn và hỏi : “Ý đã làm thế nào để binh thường hóa các quan hệ với Nhà Thờ?”
Mussolini đáp : “Đấu tranh chống tôn giáo thật vô ích vì tôn giáo mờ ảo như đám sương mù.” (La lutte contre la religion est inutile, la religion est insaississable comme la brume).
Ở cuộc nói chuyện này, lãnh tụ fát xít đưa ra thể thức cho mặt trận liên hợp Đức-Ý về vấn đề Tây-Ban Nha.
Nhưng cả Đức lẫn Ý vẫn còn ngờ vực nhau, nước nọ sợ nước kia sẽ bắt tay lén với Anh quốc. Mãi tới một năm sau, để đánh tan đám mây đen ngờ vực, Hitler tiếp bộ trưởng ngoại giao Ý Ciano tại tư dinh Berchtesgaden. Cuộc đàm thoại dài cả hơn hai tiếng đồng hồ. Hitler trầm ấm chỉ tỏ ra giận dữ mỗi khi nhắc đến nước Nga và chủ nghĩa bôn sê vích.
Ở Tây Ban Nha, Đức Ý đã cùng nhau đào cái hầm đầu tiên để chống chủ nghĩa bôn sê vích.
Ciano nói: “Ngay từ 1919, Mussolini đã trương cờ chống bôn se vích rồi”
Hitler ca tụng thêm : “Lãnh tụ Mussolini là một chính trị gia lỗi lạc không ai có thể so sánh nổi, dù là đứng ở xa mà so sảnh”. (Le Duce est le premier homme d‘État du monde, auquel personne n‘a le droit de se comparer même de loin).
Ciano trình bày lên Hitler tập hồ sơ mật do Dino Grandi, đại sứ Ý tại Luân Đôn sưu tập được. Hồ sơ ấy ở bộ ngoại giao Anh gồm 32 tài liệu bên ngoài đề chữ
“Họa Quốc Xã”. Bên trong có bản báo cáo của đại sứ Anh Eric Phipps tại Bá Linh bảo rằng nội các quốc xã toàn một bọn phiêu lưu nguy hiểm. Đọc xong, Adolf Hitler giận sôi lên nói :
– Theo nhận định của bọn Anh thì hiện tại có hai nước trên thế giới đang do những kẻ phiêu lưu cai trị là Đức và Ý. Nhưng chúng nó quên rằng Anh quốc khi mới thành đế quốc cũng cầm đầu bởi một nhóm phiêu lưu. Còn bây giở lãnh đạo Anh là lũ vô năng.
Hitler cho Ciano biết thêm :
– Đức cần ba năm nữa để sẵn sàng nói chuyện với bọn Anh.
Ciano về nước tường trình đầy đủ cuộc nói chuyện khiến Mussolini tin tưởng ở người bạn đồng minh quốc xã hơn.
Ngày 1 tháng 11 năm 1936, ông tuyên bố tại Milan :
– Đức và Ý nay là một cái trục cho các quốc gia Âu Châu qui tụ. Chẳng có gì là đáng kinh ngạc cả khi chúng tôi trương lá cờ chống bôn sê vích lên vì chúng tôi được sinh ra dưới lá cờ ấy.
Ngày 23 tháng 1 năm 1937, Mussolini tiếp bộ trưỏrng Đức Quốc Xã kiêm chủ tịch Quốc Hội Goering, có nhắc lại: “Mặt trận chung của hai nước Đức-Ý bầy tỏ đầy đủ ý nghĩa trên hoạt động quân sự tại Tây Ban Nha”.
Giữa lúc Mussolini sắp xếp thế đồng minh với Đức để yên chí mà bành trướng sang Phi Châu thì đoàn quân Quốc Tế bên Tây Ban Nha giáng cho fát xít một đòn đau. Fát xít thảm bại trong trận đụng độ ở Guadalajara. Các tướng lãnh Ý Roatta, Coppi bị các lãnh tụ chống fát xít Nenni, Pacciardi, Barontini đánh chạy tan tác, những đội Lửa Đen, Sơ Mi Đen, Tên Đen rnất hết nhuệ khí oai hùng.
Tức uất người lên với trận Guadalajara, Mussolini cho lệnh bắt nhốt hết tất cả những ai nghe đài phàt thanh Madrid, đập cho một trận thả cho về.
Tháng 4 năm 1937, bô trưởng ngoại giao Đức Von Neurath tới Rome. Tháng 6 năm 1937, bộ trưởng chiến tranh Đức, đại tướng Blomberg qua gặp Mussolini cùng dự một cuộc thao dượt hải quân vĩ đại.
Ngày 11 tháng 6 năm 1937, anh em Roselli hai xướng ngôn viên và bình luận gia của đài phát thanh Madrid bị ám sát chết bởi mật vụ Ý để trả thù cho vụ Guadalajara. Toàn bộ ủy ban hành động cách mạng chống fát xít bị đe dọa. Thua trận thì fát xít lùng diệt bọn đầu não. Tầu ngầm Ý Đức đánh chìm nhiều tầu tiếp tế của Anh và Nga chọ cộng hòa Tây ban Nha. Máy bay Ý oanh tạc ác liệt thành phố Barcelone để rửa nhục Guadalajara.
Ngày 23 tháng 9 năm 1937, Mussolini qua Berlin gặp Hitler lần thứ nhì, cùng đi có Ciano và Starace với hằng trăm cao cấp đảng, cao cấp chính phủ. Mussolini vận một bộ đồ may riêng cho chuyến đi này. Hitler cũng vậy, nghĩ tới lần gặp Mussolimi ở Venise (1934) mình trông tang thương quá, nên hôm nay chính là dịp tốt vớt vát uy tín, ông chú trọng từng chi tiết sao cho vĩ đại oai hùng. Một cuộc diễn binh khổng lồ được tổ chước chào đón lãnh tụ fát xít. Những bước chân ngỗng (pas d’oie), kiểu đi dũng mãnh của đoànSS. Những xưởng đúc thép mênh mông làm cho Mussolini chóa mắt.
Ngày 28 tháng 9 ở Berlin, hàng triệu người chờ đón Mussolini. Chưa bao giờ ông thấy số người đông đến như thế. Tiếng hoan hô vang dậy khi Hitler cùng Mussolini bước chận lên khán đài, cả đến 15 phút mới dứt.
Hitler giọng khàn khàn giới thiệu lãnh tụ fát xít :
– Đây là những con người hiếm có của lịch sử không do lịch sử tạo ra mà chính họ tạo ra lịch sử.
Mussolini đáp bằng tiếng Đức hãy còn non hớt: “Khi nào người fát xít có bạn thì hắn sẽ sát cánh với bạn để làm bất cứ một việc gì”.
Trời mưa như trút nhưng dân Đức ướt đầm đìa cũng vẫn vỗ tay tán thưởng bài diễn văn của vị quốc khách. Mussolini hân hoan sung sướng.
Ngay tối hôm ấy, ông gọi “phôn” cho Claretta Petacci bảo : “Anh sang đây thành công như điên”.
Sau chuyến viếng thăm cả Mussolini lẫn Ciano đều mang máng nhận thấy từ nay so với Quốc Xã, Ý chỉ là cường quốc thứ yếu.
Phần Hitler, ông biết lo sợ sự chống đối của Ý đối với chính sách sát nhập Áo vào Đức.
Ngày 5 tháng 11 năm 1937, Hitler cho hội họp tướng lãnh đưa ý định muốn thôn tính Áo và Tiệp Khắc. Ngày 6 tháng 11, ngoại trưởng Đức Ribbentrop đi gặp Mussolini đặt thẳng vấn đề Áo, được Mussolini trả lời :
– Vấn đề Áo từ nay không còn là vấn đề Ý và Đức nữa. Tôi đã chán làm tên lính canh gác nền độc lập của Áo quốc rồi. Ngay cả vấn đề Do Thái Ý cũng đồng ý luôn với Đức, chúng ta cần phải đi vào con đường của chủ nghĩa chủng tộc (racisme).
Ngày 6 tháng 11, Đức, Ý và Nhật ký với nhau một minh ước chống quốc tế cộng sản (Pacte antikominlern).
Nhất nhất cái gì fát xít bây giờ cũng bắt chước quốc xã, từ bước chân ngỗng đến câu chào ‘‘Heil Hitler”. Từ nay, cuối mỗi lá thư fát xít hay công chức gửi thư cho nhau đều phải ghi thêm hàng chữ “Viva il Duce” (Lãnh tụ muôn năm), mỗi lời diễn văn kết thúc, mỗi lời báo cáo xong đều kèm theo lời hô “Viva il Duce” ! Cho tới một lần được nghe thấy một cán bộ fát xít báo cáo cấp trên : “Thưa ông, tôi xin báo tin ông hay con trai ông vừa bị té gẫy chânViva il Duce”.
Mussolini ngượng chín người vì câu chào lô lăng nên ông bảo Starace dẹp bỏ lần lần.
Ngày 4 tháng 2 năm 1938, đài phát thanh Đức loan thông điệp của Hitler : “Kể từ giờ phút này tôi đích thân nắm quyền tư lệnh quân đội Đức”
Ngày 12 tháng 2, Hitler mời thủ tướng Áo Schuschnigg đến Berchtesgaden cho biết Đức muốn Áo phải quốc xã hóa. Để Mussolini không có thì giờ suy nghĩ cho mình rảnh tay giải quyết số phận Áo quốc, ngày 28 tháng 2 năm 1938, Hitler gửi điện tín sang Rome báo tin thượng tuần tháng 5, Hitler sẽ qua Ý đáp lễ. Thế là Mussolini bù đầu sắp xếp tổ chức nghênh đón Hitler mặc bỏ số phận Áo quốc.
Nhiều điện văn cầu cứu của Schuschnigg đều không được tận tình giúp đở. Điện văn chót Áo thỉnh cầu Ý ủng hộ mình làm cuộc trưng cầu dân Ý xem dân có muốn sát nhập vào Đức không ? Mussolini chỉ trả lời vắn tắt : “C’ est une erreur”.(Đó là sự lầm lẫn).
Ngày 11 tháng 3, quân đội quốc xã tiến vào lãnh thổ Áo, hoàng thân Philippe de Hesse, cán bộ cao cấp quốc xã, con rể vua Ý từ Áo bay qua Rome đưa cho Mussolini lá thư tay của Adolf Hitler, lời lẽ như sau :
“Thưa ngài,
Tôi đã nhất quyết đặt lại luật pháp và trật tự trên xứ sở quê hương tôi (Hitler sinh ở Áo quốc). Tôi trân trọng trình ngài rõ :
a) Xin ngài hãy coi quyết định của tôi như một biện pháp tự vệ.
b) Trong những giờ phút cam go nhất của Ý, Đức đã chứng tỏ mối thâm tình vững chắc với Ý. Tương lai đây, thái độ ẩv vẫn nguyên vẹn không thay đồi.
c) Tôi đã vẽ lại những đường ranh giới Đức Pháp, còn biên giới giữa quí quốc và nước tôi từ hay là vùng Brenner”.
Mussolini trả lời hoàng thân Hesse : “Số phận Áo bây giờ không liên hệ gì tới tôi nữa.”
Cảm động vì câu trả lời của Mussolini, Hitler gửi một điện văn sang hoàng thân Hesse :
“Xin nói lại với Mussolini rằng tôi sẽ không bao giờ quên dù cho có việc gi xảy tới chăng nữa. Nếu một ngày nào đó, ông ta có gặp nguy hiểm phải chống lại cả thế giới thì tôi vẫn mãi mãi là người bạn trung thành”.
Vụ Đức thôn tinh Áo quốc mà Mussolini phải làm ngơ, uy tín ông và uy tin đảng fát xít phải xuống giá nhiều lắm trong dư luận Ý nhất là giới trí thức.
Ngày 16 tháng 3, Mussolini muốn an lòng dư luận nên đọc bài diễn văn giải thích, giọng nói lúng túng quanh co :
“Khi một biến cố định mệnh xảy ra thì tốt hết hãy chịu để nó xảy tới với sự chấp thuận của ta còn hơn là để nó xảy ra chống lại ta… Đã đến lúc trục ggồng minh Ý- Đức cần xông vào thử thách”,
Đại biểu quốc hội fát xít vỗ tay thật lớn hoan hô lời giải thích mong xóa nhòa thất bại thực tế. Báo chí Ý theo lệnh fát xít gọi vụ Áo là một thắng lợi ngoại giao.
Bắt chước Hitler, Mussolini vận động Nguyên lão viện trao quyền tư lệnh quân đội cho mình. Costanzo Ciano liền đứng lên đề nghị một đạo luật đặt ra chức Đại thống chế (premier maréchal de l’Empire). Chức này được trao cho hoàng đế và lãnh tụ fát xít Benito Mussolini.
Starare công kênh đạo luật bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình hoan hô quyết định sáng suốt của quốc hội. Riêng đức vua thì ngài khó chịu lắm vì Mussolini dám dở cái trò ngang tàng với ngài. Phản đối rồi cũng nhượng bộ. Thấy thái độ của đức vua, Mussolini cáu bảo con rễ : “Tao chán lão già ấy lắm. Xong việc. Tây Ban Nha sẽ liệu cho lão”.
°
Thượng tuần tháng 5, Hitler chính thức qua thăm nước Ý.
Reinhardt Heydrich và Walter Schellenberg bay sang trước phối hợp với cơ quan tình báo Ý sắp xếp vấn đề an ninh, mang theo 500 nhân viên.
Đúng ngày giờ, bằng chuyến xe lửa đặc biệt, Hitler đi cùng với Ribbentrop, Goebbels, Hess, Keitel, Franck, Himmler và một tiểu đoàn S.S. do Sepp Dietrich chỉ huy tới Rome.
Ra đón Hitter có đức vua và Mussolini.
Điều bực bội cho Hitler là vấn đề nghi lễ, ông là khách của nhà vua chứ không phải của Mussolini. Vừa bước xuống sân ga, đức vua đi tới còn Mussolini đứng đằng xa. Vua Ý vốn chẳng ưa cả Hitler lẫn đảng quốc xã nên rất lễ độ, rất lịch sự mà cũng rất lạnh nhạt.
Lúc đi về dinh Quirinal, hai bên đường dân chúng đứng đón tiếp với cử chỉ vui mừng như cái máy thiếu hẳn, vẻ chân thành.
Hitler ở điện Quirinal 6 ngày đêm và ông ghét nó từng phút một. Lâu đài Quirinal buồn như cái nhà mồ, lủng củng như một bảo tàng viện. Chủ của nó đối đãi với khách nhạt nhẽo. Bọn quí tộc vô công rỗi nghề kiêu hãnh vô lối trông thật ngứa mắt.
Phần vua Victor Emmanuel, ông thấy Hitler thô lỗ, tâm hồn bại hoại luôn luôn cáu kỉnh đáng ghét. Hắn lại có tật kỳ quái mất tư cách là đêm nào cũng đứng trân trân nhìn mấy cô gái bồi phòng trải giường làm nệm.
Sang đây, Hitler không bàn chuyện gì được với Mussolini vì lúc nào theo nghi lễ Mussolini cũng đứng sau lão vua xác ướp ấy.
Ngày 9 tháng 5 năm 1938, Hitler về nước. Chuyến viếng thăm Ý Hitler chỉ vừa lòng cái lần đi Florence thôi, dân chúng Florence nồng nhiệt chân tình hơn cả.
Sau chuyến viếng thăm của Hitler, Mussolini đẩy mạnh chính sách chủng tộc diệt Do Thái.
Mỗr đầu bằng bản Tuyên ngôn về Chủng Tộc (Manifeste de la Race)do 10 giáo sư thảo, gồm những điềm :
1) Có vấn đề chủng tộc trong nhân loại
2) Dân tộc Ý là giống Aryenne, nền văn minh Ý là văn minh Aryenne.
3) Từ nay phải làm cho người Ý thuần giống lại .
4) Bọn Do Thái không phải là giống Y thuần túy.
Thế là trên toàn lãnh thổ Ý, tất cả những người gốc Do Thái đều bị đánh đuổi bạc đãi hoặc bị bỏ tù hoặc bị gửi sang Đức quốc xã tống vào lò thiêu tập thể.
ĐỨC CHIẾM TIỆP KHẮC
Từ tháng 5 năm 1938, Hitler đã thảo xong kế hoạch Crun, ấn định đến ngày 1 tháng 10 phải giải quyết xong việc thôn tính Tiệp Khắc.
Mượn cớ vùng Sudètes của Tiệp có nhiều gốc Đức vậy Sudètes phải trả lại cho Đức. Tiệp nhượng bộ một bước, Đức đòi thêm bước khác mà Tiệp không thể nhượng bộ được nữa.
Ngày 22 tháng 9. Đức gửi tối hậu thư cho Tiệp hẹn trong vòng 6 ngày, giải quyết các yêu sách của Đức.
Ngày 28 tháng 9, lúc 14 giờ, hết hạn ghi trong tối hậu thơ. Tiệp Khắc ban lệnh tổng động viên. Chiến tranh đe dọa Âu Châu.
Ngày 28 tháng 9 lúc 10 giờ, thủ tướng Anh Chamberlain gửi điện văn cho Mussolini nhờ đứng làm trung gian về vụt Sudètes, nói dùm Hitler hoãn thời hạn chờ Chamberlain sẽ tới Bá Linh ngay.
Ngày 28 tháng 9 lúc 11 giờ 05 phút, Rome gọi cho tòa đại sứ Ý tại Bá Linh, Mussolini bảo đại sứ Attolico hãy xin gặp Hitler gấp nói Ý hoàn toàn ủng hộ Đức nhưng trước hết nên chấp nhận đề nghị của Chamberlain.
Ngày 28 tháng 9 lúc 11 giờ 40, Hitler hội đàm với đại sứ Pháp tại Đức, ông André Poncet đúng lúc đại sứ Atlolico xin gặp. Hitler liền chấm dứt luôn cuộc hội đàm với Poncet để tiếp Attolico. Vừa trông thấy Hitler, Attolico nói ngay: «Thưa ngài, tôi có điệp văn khẩn của thủ tướng nước chúng tôi gửi đến ngài ».
Ngày 28 tháng 9 lúc 12 giờ, Hitler bảo Attolico hãy bảo cho Mussolini hay ông chấp nhận điều Ý yêu cầu. Lệnh tổng động viên được hoãn lại để thu xếp hội nghị Munich.
Ngày 29 tháng 9, Hitler gặp Mussolini và Ciano ở Kufstein. Trên chuyến xe lửa chở họ tới Munich, Ciano ngay tại tư dinh Hitler nói : «Đã tới lúc chúng ta sát cánh nhau chiến đấu chống Anh-Pháp».
Ngày 29 tháng 9 lúc 12g45, hội nghị nhóm họp giữa Mussolini, Hitler, Daladier, Chamberlain, Ciano tại tư dinh Hitler ở Koenigplatz. Ciano, Hitler, Mussolini vận quân phục hăm hở, Chamberlain bơ phờ, Daladier mệt mỏi.
Mussolini lên tiếng trước, ông lấy ra tập giấy mà Attolico vừa trao cho mình để đọc những điều kiện Đức đòi hỏi. Rồi ông ngồi xuống với thái độ bất vụ lợi trước cuộc tranh luận giữa Anh-Pháp-Đức.
15 giờ bội nghị tạm đình.
17 giờ 45, hội nghị lại nhóm họp. Hitler thường ngồi lặng thinh chỉ có Mussolini nói huyên thuyên, ông hiểu tàm tạm ba thứ tiếng nên tự cho mình là cái gạch nối, tự cho mình nhiệm vụ cứu vớt nền hòa hình của thế giới.
Ngày 30 tháng 9, lúc 1 giờ 30 sáng, các phe thỏa thuận ký kết. Ai nấy hân hoan vui vẻ vì hòa bình không còn bị đe dọa nữa. Chỉ có đại sứ Tiệp Khắc Mastuy ngồi khóc xứ sở ông mà thôi.
°
Trở về Rome, Mussolini được đón tiếp như một ngày hội lớn. Starace cho làm một khải hoàn môn rực rỡ hình cành hoa nguyệt quế «lauriers» đề mấy chữ «Salvatore della pace» (người cứu hòa bình). Vừa trông thấy khải hoàn môn, lãnh tụ nổi quạu liền gọi Starace tới mắng. Ông không muốn dân Ý say mê hòa bình, chắc đâu đã có hòa bình, hãy sửa soạn tâm lý chiến tranh, nước Ý fát xít cần chiến tranh.
Ngàv 21 tháng 10 năm 1938, quân Lê Dương Ý từ Tây Ban Nha ca khúc khải hoàn, dân chúng được tập hợp đông đảo hai bên đường hoan hô đoàn quân chiến thắng. Báo chí đăng tải đầy đủ những thiệt hại tốn phí của Ý tại Tây Ban Nha bằng luận điệu kiêu hãnh. Ý đã trả một giá đắt để đưa Franco lên cướp chính quyền.
Chính sách của Anh là muốn tách rời Ý khỏi Đức cho bên sau vụ ký kết Munich, thủ tuớng Anh Chamberlain loan báo sẽ qua Rome vào đầu năm 1939.
Đức biết vậy mới bắn tiếng với Ý là không hài lòng hiệp ước Munich, chuyện chiến tranh chống Anh Pháp chắc chắn phải xảy ra, đồng thời hối thúc Ý thu xếp ký kết với Đức một hiệp ước liên minh quân sự.
Ngày 28 tháng 10 năm 1938, ngoại trưởng Đức Ribbentrop bay sang Ý gặp Mussolini và Ciano. Tới nơi Ribbentrop cho biết : « Quốc trưởng Đức thấy rằng lúc này là lúc thuận tiện hơn hết để cái trục Ý- Đức biến thành thế đồng minh qua các hành động rõ rệt hơn».
Mussolini do dự nói: « Nhưng mà nhâ dân Ý chưa sẵn sàng cho một liên minh quân sự».
Ribbentrop đáp ngay : «Rồi họ sẽ sẵn sàng rất mau ».
Ribbentrop đưa Ciano bản dự thảo hiệp ước bảo mình sẽ ở lại Rome thêm vài ngày chờ trả lời.
Cuối cùng Ý bị Đức kéo đi. Mussolini bằng lòng ký hiệp ước liên minh quân sự với Đức và chỉ đòi hỏi lại Đức một điều kiện :phải lui ngày thi hành lại.
Ribbentrop chẳng mong gì hơn nữa nên mỉm cừời gật đầu ngay.
Căn cứ vào lời hứa của Quốc xã thì nếu chiến tranh xảy ra, Ý, sẽ phụ trách mặt trận Phi Châu, Ý sẽ chiếm ngay Albanie cả Pháp nữa.
Qua hội nghị Munich, qua chuyến viếng thăm cấp tốc của Ribbentrop, Pháp thấy rằng Rome hiện đang là cái chìa khóa của vấn đề Âu Châu nên quyết định cử đại sứ André François Poncet từ Berlin qua đó.
Poncet tới nơi thì ở đây cũng bắt đầu chiến dịch tuyên truyền chống Pháp. Giữa quốc hội, ngoại trưởng Ciano công khai nhắc tới những khát vọng thiên nhiên của Ý, rồi các dân biểu đưa những vấn đề Tunis, Djibouti, Corse, Nice ra thảo luận.
Poncet vẫn giữ thái độ thân thiện, ông chỉ nói nhỏ cùng một nhân viên tòa đại sứ Đức rằng: « Các dân biểu Ý đã quên mất đường tới Tunis phải bước qua 45 triệu người Pháp » ( Les députés ont peut- être oublié le chemin de Tunis doit passer sur 45 millions de Français ).
Từ sau cuộc hội đàm Ribbentrop, cả Mussolini lẫn Ciano đều mang ám ảnh chinh phục nước Pháp, cắt đất của Pháp để trả thù mối hận tổ tiên. Mussolini nói : « Chúng ta cần thanh toán nhiều chuyện với Pháp. Bọn Pháp chỉ biết kính trọng người nào đánh cho chúng quị xuống ».
Trên tờ báo «Tevere » đăng tải một hồi ký nhan đề « Francia da Sputti» ( nghĩa là nước Pháp đáng phỉ nhổ), người ta đồn tập hồi ký này do chính tay Mussolini viết.
Bầu không khí miệt thị Pháp quốc, Poncet ghi trong sổ tay.: « En Allemagne, je devais traiter avec de grands seigneurs, ici au contraire, je traite avec des laquais devenus patron » (Ở Đức tôi được nói chuyện với những người sang cả, còn ở đây toàn là một phường nô dịch nay lên làm ông chủ).
Tuy nhiên, Pháp vẫn phải bấm bụng chiu nhịn, trong mọi bài viễn văn Pháp không hề có lời lẽ nào tỏ vẻ hằn học trước thái độ miệt thị của Ý. Thủ tướng Pháp Daladier, ngoại trưởng Pháp Bonnet vẫn tình nguyện thương thuyết cùng Ý. Trước nguy cơ Quốc xã các chính khách Pháp cũng như Anh đều nhìn Ý là lực lượng đáng kể ngăn chặn Đức làm dữ. Bởi vậy, mặc dầu bang giao Pháp-Ý căng thẳng mà Chamberlain vẫn cùng ngoại trưởng Halifax sang viếng thăm Rome mong thuyết phục Mussolini chỉ nên dừng chính sách liên kết với Đức ở cái trục đồng minh mà đừng tiến xa hơn nữa. Nhưng Chamberlain đã phí công, Ý lờ mọi đề nghị từ phía Anh-Pháp.
Ciano bảo các nhân viên ngoại giao Ý : « Đức tái vũ trang là một đe dọa trên đầu trên cổ bọn Anh. Chúng ta cần phải thành lập ngay liên minh quân sự Ý, Đức, Nhật. Bằng thế mạnh đó chúng ta sẽ đòi được hết những gì chúng ta cần. Bọn Anh không muốn đánh nhau, chắc chúng sẽ lùi dần »
Mussolini và Ciano càng đắc chí hơn khi Chamberlain nhũn nhặn gửi tới họ bản diễn văn mà ông sẽ đọc trước quốc hội tương trình chuyến công du bên Ý để hỏi xem Mussolini có không bằng lòng điểm nào chăng? Mussolini cười sằng sặc bảo với ông con rể : « Đây là lần đầu tiên một vị thủ tướng Anh hạ mình đưa trước bản diễn văn,cho một chính phủ nước ngoài. Triệu chứng của sự đi xuống ».
°
Giáo hoàng PIE XI thấy fát xít mỗi ngày mỗi quá khích tiêu diệt Do Thái, sửa soạn chiến tranh ; được sự ủng hộ của giới tư bản thúc đẩy nên giáo hoàng định nhân ngày kỷ niệm hiệp ước Latran sẽ đọc diễn văn chống lại đường lối sai lầm của fát xít. Nhưng ngày 10 tháng 2 năm 1939 thì ngài từ trần. Hồng y Pacelli được bầu lên thay là giáo hoàng Pie XII.
Tờ ‘‘Observatore Romano” của công giáo đăng tải nhiều bài bình luận chỉ trích fát xít,dân chúng tranh nhau mua đọc. Phần fát xít, thái độ chính trị đối với giai cấp tư sản cũng thay đổi. Starace tổ chức một cuộc triển lãm chống tư sản (Mostra antihorghese) có nhiều bức hí họa chế riễu xã hội tư sản. Nhưng giai cấp vì còn nhiều liên hệ kinh tế với chế độ fát xít nên không thể ra mặt phản kháng, chỉ ngấm ngầm đứng đằng sau cái lực lượng khác thôi.
Ngày 14 tháng 1 năm 1939, để cho hàng ngũ đồng nhất, Mussolini quyết định giải tán quốc hội thay bằng Viện đại biểu của các đội fát xít và các xí nghiệp ( La Chambre des faisceaux et des corporations ). Như vậy cán bộ đảng, bộ máy thư lại và đại diện sí nghiệp kinh doanh, kỹ nghệ hợp lại làm một dưới lãnh đạo fát xít. Trong chích sách « hợp lại làm một » giới tư bản lớn càng thủ lợi nhiều. Benini kỹ nghệ gia ngành sắt thép được bổ nhiệm chức thủ trưởng ngoại giao.
NẾM MÙi CAY ĐẮNG
Ngày 15 tháng 3 năm 1939, hoàng thân Philipps de Hesse đến Rome mang theo điệp văn mời của quốc trưởng Đức cho biết quân đội quốc xã đã tiến vào xứ Bohême, phần lãnh thổ quan trọng của Tiệp Khắc, tối nay Hitler sẽ ở lại thủ đô Prague nước Tiệp, đãi tiệc quân sĩ mang lá cờ « chữ Vạn ».
Mussolini đọc xong điệp văn gắt om sòm : « Ông bạn đểu thật, bao giờ cũng làm xong rồi mới thông báo, dân Ý sẽ cười vào mặt mình ».
Liền mấy đêm không ăn không ngủ, Mussolini trông già sọm đi, ông tự hỏi rồi một ngày nào đó, Đức xâm chiếm luôn cả vùng Địa Trung Hải thì Ý cũng đành dương mắt lên nhìn sao ? Ông đứng cả giờ suy nghĩ mông lung vẫn không tìm ra Iối thoát, miệng lẩm bẩm : « Không ! không ! ta đâu phải là con điếm mà cứ thay đổi đường lối chính sách chiều hôm sớm mai hoài;».
Ngày 21 tháng 3, Mussolini cải nhau với Italo Balbo giữa buổi hội trung ương fát xít, Balbo chỉ vào mặt lãnh tụ nói :Vous léchez les pieds de l’Allemagne ( Anh đang liếm gót giầy tụi Đức ).
Ciano đứng phắt dậy bênh vực bố vợ, bảo Balbo : « Còn anh, anh vẫn là con heo ăn máng nhơ của bọn dân chủ như hồi nào đến giờ !
Bầu không khí ngột ngạt của fát xít do vụ Bohême gây nên may mắn được phá tan bằng một biến cố chính trị khác.
Ngày 28 tháng 3, tướng Franco chiếm xong thủ đô Madrid. Mussolini ngay buổi tối hôm ấy xuất hiện trên báo lan dinh Venezia tay cầm quyền Atlas về địa đồ nước Tây Ban Nha nói: «Chúng ta đã mở trang sử mới cho Tây Ban Nha và cho cả vùng Địa Trung Hải, chúng ta sẽ mở một trang sử khác trong thời gian gần đây»;
Tiếng hoan hô Duce ! Dace ! vang lên dậy đất.
Trang sử mới đây là Albanie. Hitler chiếm Tiệp Khắc thì Ý phải nuốt Albanie, thế là chẳng ai kém ai. Albanie còn là nút chặn sự bành trướng của Đức nữa.
Cuộc xâm lăng Aibanie không gặp khó khăn nào hết. Vua Zog cùng gia đình chạy trốn sang Hi Lạp. Albanie chống trả rất yếu ớt nên mấy ngày sau thủ đô Tirana thất thủ.
Ngày 16 tháng 4, tướng lãnh Albanie xin hàng, mời vua Victor Emmanuel III lên ngồi trên ngai vàng xứ Albanine, Mussolini và Ciano đứng hai bên. Từ nay Albanie chỉ là một tỉnh của Ý.
°
Ngày 15 tháng 4, Mussolini nhận được bức thông điệp của tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt đề nghị các nước Âu Châu ký với nhau một hiệp ước hòa bình mười năm. Đọc xong thông điệp, Mussolini chề môi khinh bỉ nói: ‘‘C’est un effet de paralysie progressive.”
Chiến thắng Albanie, bức thông điệp ve vuốt của tổng thống Hoa Kỳ càng làm cho Mussolini vững tin nơi sức mạnh của trục đồng minh Ý Đức, chỉ cần tiếp tục như thế này một thời gian ngắn nữa Đức Ý sẽ chia nhau làm bá chủ Âu Châu, ông quyết định dấn thân vào con đường mà Đức vạch ra và mời mọc Ý.
Tháng 5 năm 1939, Ciano – Ribbentrop gặp nhau ở Milan. Họ chúc tụng những chiến thắng của nhau và cùng ký với nhau thêm một minh ước thép (Pacte d‘Acier) trong đó hai bên cam kết sát cánh nhau ngay cả trên quan niệm về một tương lai cho Âu Châu. Điều khoản 3 ghi rõ không nước nào sẽ làm hòa bình riêng rẽ dù phải đương đầu với nhiều cường quốc cùng một lúc. Ý và Đức phải tự động tham chiến trong trường hợp một trong hai nước đi vào chiến tranh.
Theo các chuyên viên ngoại giao, minh ước trên chưa bao giờ có trên lịch sử ngoại giao.
Minh ước được phê chuẩn ngày 22 tháng 1939 tại Berlin với tất cả mọi sự rầm rộ.
Ký rồi về Rome, Ciano cảm thấy lo ngại, Ý làm sao đối phó nếu một cuộc đại chiến xảy ra sớm ? Nỗi lo ấy người ta đọc được trên trang nhật ký đề ngày 29 tháng 5 của Ciano:
«Sư đoàn quân Ý thật ra chỉ có khả năng trung đoàn, thiếu quân nhu đạn dược, thiếu vủ khí phòng không và vũ khí chống chiến xa, pháo binh thì cổ lỗ ».
7. CHIẾN TRANH
Il faut que les homes supériors
déclarent la guere.
NIETZSCHE
ĐÁM MÂY BÁO HIỆU CƠN GIÔNG TỐ
Từ tháng 4 năm 1939, Đức quốc xã đã cho thảo một kế hoạch đặt tên là “kế hoạch trắng” (Plan blanc) với lệnh Quốc Trưởng giao phó cho quân đội sửa soạn đầy đủ kể từ 1 tháng 9 năm 1939 lúc nào cũng phải sẵn sàng đánh chiếm Ba lan.
Ngày 17 tháng 6 năm 1939, bộ trưởng Goebbels tới Danzig, một hải cảng thương mại của nước Ba Lan bên bờ bể Baltique, có rất nhiều dân Đức lập nghiệp,ông đọc một bài diễn văn nẩy lửa công kích Ba lan đã có những hành động bạc đãi người Đức ở đây. Thế giới Âu Châu rùng mình, coi bài diễn văn đó như đám mây báo hiệu cơn mưa giông tố chiến tranh.
Đại sứ Anh tại Ý, ông Percy Loraine, vội vàng tới gặp Mussolini mang theo bức thông điệp của thủ tướng Anh nhắc lãnh tụ phát xit lưu ý hành động gây chiến của Hitler và hãy dùng ảnh hưởng của mình đưa quốc xã trở lại lẽ phải trên vấn đề Danzig.
Mussolini nói gay gắt: ” Xin ông hãy nói với Chamberlain nếu Anh quốc sẵn sàng bảo vệ Ba lan thì Ý sẽ đứng bên cạnh Đức mà nghênh chiến”. ( Tell Chamberlain that, if England is ready to fight in the defense of Poland, Italy will take up arms with her ally Germany)
Ngày 11 tháng 8, Ciano bay tới Salzbourg gặp Ribbentrop, họ nói chuyện cả mười tiếng đồng hồ liền.
Ciano hỏi: ” Này Ribbentrop, các anh định chỉ chiếm Danzig thôi hay cả cái hành lang dọc theo bờ biển đó?”
Ribbentrop đáp: “Hơn thế nữa. Chúng tôi muốn chiến tranh”.
Ciano sững sờ, hiểu rằng chẳng cách gì ngăn cản quyết định của quốc xã nữa. Bữa cơm chia tay, cả hai đều im lặng, thỉnh thoảng mới thấy vài câu xã giao khen món này món kia ngon. Ciano ghé vào tai Magistrati, ông anh rể hiện là cố vấn tòa đại sứ Ý bên Đức nói nhỏ: ” Thôi mọi người đã rút gươm ra khỏi vỏ rồi”.
Để an ủi Ciano, Ribbentrop nói: ” Ông bạn yên chí, vụ Ba lan không làm chiến tranh lan rộng đâu, bọn Anh Pháp chắc chả dám can thiệp, đụng vào chúng sẽ bị đè bẹp ngay. Tôi xin đánh cuộc nếu Anh Pháp làm to chuyện, Đức sẽ mất cho ý một bộ sưu tập đầy đủ về vũ khí từ cổ xưa đến nay, ngược lại nếu Anh Pháp nhượng bộ Ý phải mất cho Đức một họa phẩm quý giá”.
Ngày 12 tháng 8 năm 1939, Ciano gặp quốc trưởng Hitler, ông đang đứng cùng Ribbentrop, Martin, Bormann, một họa sĩ cao cấp S.S. trước bản đồ nước Ba lan được phóng ra cực lớn. Hitler nói: “Mùa này thuận tiện nhất cho hành quân, từ bây giờ tới 15 tháng 10, số phận Ba lan sẽ giải quyết xong”.
Để Ciano thêm tin tưởng, Hitler đưa cho Ciano bức điện văn của Mac Tư khoa lời lẽ hòa hoãn xin mở cuộc thương thuyết với Bá Linh về vấn đề Ba lan. Chiều hôm đó, Ciano hội họp bộ tham mưu của mình trong buồng tắm dinh quốc khách, các vòi máy nước mở lớn đề phòng máy thu âm của mật vụ Gestapo, cho biết tình thế trầm trọng.
Ngày 13 tháng 8, Ciano gặp Hitler lần thứ nhì. Lần này giọng Hitler đanh thép hơn, Hitler nói rõ hạn cuối cùng cho cuộc hành quân Ba lan là cuối tháng 8.
Tối ngày 13, Ciano bay ngay về Rome. Cha con bàn nhau, cuối cùng kết luận tình thế này Ý không thể lùi bước được nữa, bây giờ chỉ còn đặt vấn đề ăn chia chiến lợi phẩm với Đức thôi. Mussolini đòi Hitler trao cho Ý vùng Dalmatie và Croatie.
°
Ciano ghi trong sổ tay: “Tôi quay về Rome với sự chán ghét tụi Đức, những lãnh tụ của chúng, lối làm ăn trịch thượng của chúng. Chúng đã phản bội người Ý, chúng toàn nói dối trá. Bây giờ chúng kéo người Ý vào cuộc phiêu lưu mà người Ý chẳng mong muốn chút nào…Đồng minh Ý Đức kiến tạo trên những lời hứa láo, tụi Đức phản bội hoàn toàn, nếu có thể chôn chúng được tôi chẳng ngần ngại gì”.
Ciano sợ chiến tranh. Mussolini cũng sợ chiến tranh nhưng đôi lúc ông còn chia sẻ sự căm giận Anh Pháp với Hitler.
Nhưng kẻ sợ chiến tranh hơn hết là cái thực tế phũ phàng của phát xit. Quân đội hầu hết vác trên vai loại súng cổ lỗ sĩ kiểu 1891. Mười lăm sư đoàn Ý lương thực chỉ đủ ăn không quá hai tháng, quần áo lôi thôi rách rưới đến quá nửa. Sau chiến tranh Ethiopie và chiến tranh Tây Ban nha, quân đội Ý như người mất máu đã lâu ngày. Chiến xa nặng có 3 tấn rưỡi, máy bay tối tân nhiều chiếc không bay được. Sức công phá của lựu đạn rất yếu. Mặt nguyên liệu, Ý chỉ còn 14 ngày thép, 180 ngày sắt và chừng 20 ngày kền. Tiêu thụ hết số đó rồi, kỹ nghệ không biết tìm đâu ra nguyên liệu.
Các tướng lĩnh trước sau vẫn áp dụng chính sách nịnh bợ, chuyên thổi phồng sức mạnh quân đội. Duy nhất một người dám nói sự thật là tướng Dallolio nên ông phải từ chức ngày 28 tháng 8 năm 1939. Còn tất cả đều đồng ý với tướng Roatta: “Chúng ta sẽ thắng lớn”.
Nền kỹ nghệ Ý càng thảm hại hơn, giới kỹ nghệ gia ủng hộ phát xit để thủ lợi, họ không chịu tối tân hóa vì sợ tốn kém, giữ máy móc ở tình trạng cũ rich nên kỹ nghệ cung cấp cho quân đội toàn những dụng cụ dễ hư cả từ đôi giày lính mang mới đi vài ngày đã long đinh há mõm rồi, tấm áo lính mặc không đủ chống rét với mùa đông.
Đức vua có lần buồn rầu bảo Ciano : “Quân đội Ý nom thảm hại quá chừng”.
Phần đảng phát xit dưới sự cai quản của Starace nó trở nên một cái thùng “tono” rỗng, kêu thì lớn mà thực ra chẳng ra gì.
Ciano có ghi vài nét phê bình Starace trong sổ tay: “Hắn là tên vô học nên mới có lần hắn nói với lãnh tụ rằng đàn bà Ý thích chiến tranh lắm vì họ nhận mỗi ngày thêm 6 đồng “lires” mà lại còn đẩy được anh chồng đi cho rảnh mắt”.(Starace avec son incapacité intellectuelle n’a pas craint de déclarer au Duce que les femmes italiennes sont heureuses de la guerre parce qu’elles recevront une allocation de six lires pax jour et seront débarrassées de leus maris)
°
Ngày 22 tháng 8, Hitler ấn định đến 26 hồi 4 giờ 40 sáng, Đức sẽ tấn công vào lãnh thổ Ba lan.
Ngày 23 Ribbentrop ký tại Kremlin bản hiệp ước hòa bình Nga Sô.
Ngày 23 tháng 8, Mussolini gửi Ciano sang tòa đại sứ Anh đưa đề nghị Anh hãy nhường Danzig cho Đức để làm quà cho một hội nghị hòa bình tương lai.
Ngày 23, Hitler tiếp Sir Nevill Henderson tại tư dinh Berchtesgaden, ông này tới với lá thư của Chamberlain cảnh cáo Đức nói bất chấp hòa ước Nga Đức nếu Đức động đến Danzig, Anh sẽ quyết liệt bảo vệ Ba lan, đồng thời kêu gọi Đức hãy tìm một giải pháp hòa bình thương thuyết cho vấn đề Ba lan. Hitler từ chối.
Ngày 24, Mussolini hội họp với các tướng lĩnh.
Ngày 25, Mussolini bảo sửa soạn lệnh động viên gọi quân trừ bị nhập ngũ.
Ngày 25 hồi 15 giờ 20, đại sứ Đức Von Mackensen trao tay cho Mussolini bức điện văn của Hitler thông báo việc tấn công Balan, mong sự thông cảm của Ý.
Ngày 25 hồi 18 giờ, Hitler nhận được tin Anh sẽ ký hiệp ước tương trợ với Balan, như vậy chiến tranh sẽ lan rộng.
Ngày 25 hồi 18 giờ, đại sứ Attolico mang thư của Mussolini gửi cho quốc trưởng Hitler nói: ” Nước Ý chưa thể tham chiến vì tình trạng thiếu thốn của quân đội Ý hiện thời. Nếu Đức đợi đến 1942 như Ý từng đề nghị thì Ý mới đủ sức”.
Ngày 25 hồi 20 giờ 30, kế hoạch trắng tấn công Balan được lệnh đình lại.
Ngày 25 hồi 21 giờ 30, đại sứ Von Mackensen đưa thư Hitler gửi cho Mussolini yêu cầu Ý gửi qua Đức một bản liệt kê những gì Ý cần.
Ngày 26 tháng 8 năm 1939, vụ tấn công Balan không xảy ra.
Ngày 26 hồi 10 giờ, tại lâu đài Venezia, các tướng lãnh tham mưu nhóm họp để thảo bản liệt kê gồm 1 triệu 700.000 tấn vừa vũ khí phòng không, nhiên liệu , thép.
Ngày 26 hồi 15 giờ, Ribbentrop hỏi đại sứ Attolico bao giờ cần những thứ đó. Attolico đáp ngay sau khi chiến tranh bùng nổ. Attolico là người chống chiến tranh nên ông trả lời như vậy, ông ta cũng thừa hiểu muốn vận chuyển số lượng viện trợ ấy ít nhất phải có 17 ngàn chuyến xe lửa. Trong tình trạng chiến tranh, Đức và Ý đào đâu ra nhiều chuyến xe lửa như vậy.
Ngày 26 hồi 17 giờ, Hitler gửi thư cho Mussolini nói: ” Dù phải đương đầu khó khăn với phía Tây thì tôi cũng nhất định giải quyết mặt phía Đông”.
Đọc xong, Mussolini buồn rười rượi và bối rối.
Ngày 27 tháng 8 hồi 9 giờ, Mussolini nhận them một điệp văn nữa của Hitler chấp nhận để Ý đứng trung lập như sau: ” Duce, tôi rất tôn trọng những lý lẽ và lý do khi ngài quyết định không tham dự chiến tranh. Chỉ xin ngài bí mật gửi giúp Đức một số thợ thuyền cần thiết”.
Ngày 31, Luân đôn đột nhiên cắt hết mọi đường điện thoại liên lạc với Ý. Ciano mời đại sứ Anh Loraine bảo: ” Các ông muốn chuyện đáng tiếc sao? Các ông muốn tạo chuyện không thể hàn gắn được nữa à? Các ông có hiểu rằng chúng tôi không bao giờ gây can qua với Anh Pháp trước”.
Đại sứ Lorane lặng thinh.
Tại Bá linh, Hitler ra lệnh 4 giờ 45 sáng ngày 1 tháng 9 ào ạt tấn công Balan.
Ngày 1 tháng 9 hồi 16 giờ 40, đài phát thanh Ý tạm ngưng chương trình phát thanh thường nhật để loan đi thông cáo của hội đồng nội các nói: ” Ý không phát động chiến tranh”. Liền đó, đài phát thanh Đức cũng cho đọc bản diễn văn của Hitler gửi cho Mussolini chư sau:
“Duce… Tôi chân thành cảm tạ sự giúp đỡ của ngài trên ngoại giao và chính trị đối với Đức những ngày gần đây…Hiện tại tôi nghĩ Đức chưa cần Ý giúp về mặt quân sự. Tôi cũng xin chân thành cảm tạ ngài trước tất cả mọi giúp đỡ trong tương lai cho đường lối chung của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã”.
Ngày 3 tháng 9 hồi 11 giờ, Anh tuyên chiến với Đức, đến 17 giờ Pháo tuyên chiến với Đức. Ý đứng ngoài cuộc xung đột.
Ngày 3 hồi 21 giờ, trước khi Hitler đi thăm mặt trận Balan, ông còn gửi Mussolini một điện văn khác viết:
“Dù ngày hôm nay chúng ta đi theo hai con đường riêng rẽ, cuối cùng số mệnh cũng sẽ ràng buộc chúng ta. Nếu Đức quốc xã bị tiêu diệt thì nước Ý phát xit chắc sẽ chẳng có một tương lai tốt đẹp bao nhiêu. Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ thế nào rồi chúng ta cũng phải đi chung một con đường…”.
ÔNG MUTOLINI
XUỐNG HÀNG PHỤ THUỘC
Bên Anh, tướng De Gaulle được Âu châu coi như lãnh tụ kháng chiến Pháp, hàng ngày kêu gọi dân chúng Pháp nổi dậy đánh xâm lược Đức. Nếu Đức không tạo cho chính phủ Pétain một chút uy quyền thì người Pháp sẽ theo De Gaulle hết. Pháp bây giờ còn quan trọng hơn Ý thành thử Hitler không thể chia sẻ một tí gì trên đất Pháp cho Ý được.
Lần gặp Hitler ở Munich hôm 18 tháng 6 năm 1940, Mussolini biết mình đã bị tình thế đẩy lui xuống hàng phụ thuộc. Ông trở về Rome nguyền rủa thầm bọn Đức một ngày nào đó sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Mặt trận Pháp im luôn tiếng súng. Mussolini chờ mãi chẳng thấy Hitler cho biết Đức làm những cái chi nữa, có nói chuyện hòa bình với Anh không? Ý có nhiệm vụ gì trên các chiến trường? Sốt ruột, Mussolini gửi Ciano qua Berlin. Tới đây, sự đón tiếp vẫn trọng thể như trước nhưng Hitler vẫn không đả động đến kế hoạch tương lai của Đức.
Ciano hỏi Đức có định tấn công sang bên kia biển Manche không thì Hitler trả lời vấn đề đó hết sức tế nhị và khó khăn, khi nào bộ tham mưu chưa nghiên cứu xong thì chưa định được gì cả. Ciano đề cập đến Bắc Phi, Hy lạp, Hitler bảo vùng Địa Trung hải, Ý nên tự giải quyết lấy vì nơi ấy đã giành cho Ý toàn quyền hành động, riêng Nam tư, Đức yêu cầu Ý chưa nên đụng tới vội sợ Nga sinh lòng ngờ vực mà xóa bỏ hiệp ước hòa bình với Đức.
Ngày 9 tháng 7, hải quân Ý ào ạt dồn xuốn Địa Trung hải với mưu định làm bá chủ vùng này. Các báo chí Ý loan tin những trận đánh long trời lở đất, chỉ trong ba hôm, hải quân Ý tiêu diệt hơn 50% lực lượng hải quân Anh.
Sự thật, báo chí Ý đã nói bố láo. Qua báo cáo của đô đốc Cavignari tham mưu trưởng hải quân gửi cho Ciano thì ở trận Stilo chiều ngày 9 tháng 7 , máy bay Ý đã ném bom nhầm xuống các chiến hạm Ý gây nên thiệt hại khá nặng, ở trận Spada, phi đội Ý chỉ bay đến oanh tạc vào các thuyền cấp cứu của Anh đang vớt thủy thủ Ý thuộc chiến hạm Colleone bị Anh đánh chìm. Đô đốc Cavignari nhắc lại vụ thống chế không quân Italo Balbo bay đến Tobrouk bị ngay đội phòng không Ý bắn hạ vì tưởng lầm máy bay thống chế là máy bay địch.
Trên bộ, tình trạng quân sự Ý càng bết bát hơn, tướng Graziani tư lệnh Bắc Phi cả ngày nghe điện thoại Mussolini thôi thúc tiến vào Ai cập, Somalie, Soudan mà ông ta không tiến thêm một bước. Đã thế tranh chấp nội bộ giữa các tướng lãnh từ khi Ý tham chiến bỗng trở nên dữ dội. Họ phá lẫn nhau để hại uy tín nhau bên cạnh Mussolini.
Tháng 6 năm 1940, Nga Sô gửi tối hậu thư cho chính phủ Lỗ Mã Ni yêu cầu nước này nhượng cho Nga tỉnh Bessarabia và phía Bắc Bukovina. Căn cứ vào hiệp ước Nga Đức thì vùng Đông Lỗ Mã Ni, Đức chấp nhận nó thuộc ảnh hưởng Nga. Trước đòi hỏi của Nga, Đức không còn làm gì khác hơn là khuyên chính phủ Lỗ Mã ni hãy tạm nhượng bộ Nga. Tuy nhiên, từ đấy Bá Linh lo ngại Nga sẽ chiếm trước những giếng dầu của Lỗ.
Ngày 20 tháng 9, Hitler mật lệnh bộ tham mưu đặt một kế hoạch hành quân bảo vệ Lỗ Mã Ni và đề phòng nếu có xảy ra cuộc chiến tranh ngay với Nga Sô.
Đầu tháng 10 năm 1940, thể theo lời yêu cầu của Tướng Antoneseu, quân Đức tiến vào Lỗ Mã Ni để bảo vệ khu dầu hỏa cho mình.
Hay tin này Mussolini giận lắm nói: ” Lúc nào hắn(Hitler) cũng đặt mình trước sự đã rồi. ta phải chiếm Hy lạp ăn miếng trả miếng hắn mới xong”.
Ngày 15 tháng 10, Mussolini cho mời các tướng Seddu, Roatta, Visconti, Prasca và thống chế Badoglio cùng Ciano tới dinh Venezia để bàn thảo chiến lược tấn công Hy lạp.
Thư bảy 26 tháng 10, tòa đại diện Ý ở thủ đô Hy lạp mở tiệc khoản đãi con trai nhạc sĩ Puccini sang đây dự buổi trình diễn đầu tiên vở nhạc kịch “Madame Butterfly” thì có bốn bức điện văn khẩn từ Rome tới.
Ngày 28 hồi 3 giờ sáng, lãnh sự Ý Gazzi gọi cửa nhà Métaxas, bộ trưởng ngoại giao Hy lạp, khi ông này còn đang ngủ để đưa tối hậu thư của chính phủ Ý. Đến 6 giờ, quân Ý vượt qua biên giới Hy. Hồi 11 giờ trưa thủ đô Athènes inh ỏi còi báo động , máy bay Ý oanh tạc.
Cũng như ở mặt trận Pháp và ngoài khơi Địa Trung hải, quân Ý trên chiến trường Hy Lạp lúng túng chẳng biết làm gì vì hoàn toàn không có sự phối hợp chặt chẽ giữa cánh quân này với cánh quân kia.
Ngày 11 tháng 11, hàng không mẫu hạm Anh, chiếc Illustrions vào cửa bể Tarente miền nam nước Ý phóng hai đợt tấn công bằng phi cơ đánh một hơi ba chiến hạm Ý, chiếc Cavour bị chìm, hai chiếc Littorio và Duilio bị hư hại nặng. Làm rối loạn một hồi rồi chiếc Illustrions rút êm không gặp sức kháng cự nào.
Ngày 13, hải cảng Durazzo ở Albanie; máy bay Anh phá trọn một kho nhiên liệu lớn của quân đội Ý.
Bị thua thiệt tứ tung, Mussolini lồng lộn mắng chửi mọi người, ông chửi luôn cả Ciano về cái tội bưng bít không cho ông biết sự thật.
°
Thất vọng với Ý, Hitler định kéo Tây Ban Nha đứng về phe mình tham dự chiến tranh nên ngày 23 tháng 10, ông thân chinh bay tới Hendaye giáp biên giới Pháp để gặp tướng Franco. Hitler cho biết Đức đã thắng lợi ra sao, Anh bị đánh quị thế nào rồi yêu cầu Tây Ban Nha cai quản vùng Gibraltar và một số thuộc địa ở Phi Châu.
Franco chỉ im lặng nghe, tiếp đãi hết sức lịch sự sau đó hoặc từ chối khéo hoặc đưa ra những điều kiện khó khăn Đức không thể nào kham nổi để cuối cùng lờ luôn đề nghị tham chiến của quốc xã. Nhưng Franco cũng không dám chọc giận Hitler nên xin gia nhập minh ước phe Trục. Gia nhập mà không tuyên chiến thì nào có ích gì, tuy nhiên, nó đã che đậy được sự thất bại của Hitler trong việc thuyết phục Franco. Thế mà lúc lên đường trở về Hitler cũng nẩy ý định làm cỏ luôn Tây ban nha.
Hitler đến Montoire gặp Pétain mong co kéo Pháp tham chiến luôn. Lần nữa Hitler cứ ngồi nói một mình, Pétain như người điếc, thoái thác hẳn việc nhân danh nước Pháp dự vào chiến tranh bên cạnh Đức.
°
Những thất bại quân sự ngay từ đầu làm lung lay thêm chế độ phát xit. Thống chế Badiglio, tướng Pavolini đổ mọi lỗi lên đầu Mussolini đã không điều khiển giỏi việc quân, thà Mussolini cứ để mặc quân đội giải quyết còn hơn ông ta cứ xía vào một cách lộn xộn.
Tinh thần Mussolini sa sút trông thấy, ông chán nản bảo Ciano: ” Hết thuốc chữa. Có lẽ phải nói với Hitler đứng làm trung gian chấm dứt các vụ xung đột đi cho rồi. Nghe có vẻ nghịch lý và thô thiển nhưng chính là phải vậy”.
Ngày 10 tháng 12 năm 1940, quân đội Anh dưới quyền tướng O’Connor tấn chiếm luôn một hơi những căn cứ Ý ở Lybie như Tobrouk, Sidi, Barani, Bardia. Quân Ý tan rã bị Anh bắt 27.000 người, mất 87 chiến xa, 208 khẩu đại bác. Tổng cộng trên chiến trường Phi Châu, Anh bắt của Ý hơn một trăm ngàn tù binh mà số binh sĩ chết và bị thương của Ý không quá hai ngàn.
Mussolini đập bàn la hét:
“Khốn nạn đến 5 ông tướng bị bắt làm tù binh, một ông chết lăn quay, khả năng quân sự của Ý như thế đó ! còn quá tệ hơn cả năm 1914. Hừ kết quả của 20 năm phát xit !”.
Tướng Carboni trong một buổi gặp gỡ với hơn 200 sinh viên sĩ quan, đã nói:
“Chiến tranh đang bất lợi cho chúng ta và các anh em nên nhớ rằng trách nhiệm thiếu chuẩn bị là của phát xit”.
Đại sứ Alfieri về Rome gặp Mussolini thấy lãnh tụ mặt chảy dài xuống hai mắt sưng húp, hàm râu lở chởm bốn ngày chưa cạo. Tuy Alferie đau những vẫn phải đi Bá linh ngay, Mussolini trao cho ông sứ mạng cầu viện với Đức. Trước khi đi, Alferie ghé qua Ciano để hỏi cầu viện những gì? Chỉ thấy Ciano bảo:
“Tình thế lúc này cái gì cũng cần, vài ba khẩu súng, ít máy bay, một hai tiểu đoàn quốc xã cũng đủ thay đổi nhiều lắm”.
Lúc yết kiến Ribbentrop thì bộ trưởng ngoại giao Đức lại đòi hỏi Ý phải đưa một danh sách xin viện trợ thật rõ ràng chứ chỉ nói viện trợ không thôi nghe mơ hồ quá, Đức không sao giải quyết.
Hôm sau Alfierie được Hitler tiếp, từ đầu tới cuối Hitler chỉ nói đến sự bất mãn của ông đối với quân đội Ý, ông hỏi tại sao Mussolini không đem lũ tướng tá vô năng ấy ra bắn hết đi.
Thế là Alferie về Ý với cái thơ tay của Hitler gửi cho Mussolini kể lể việc Franco đã vỗ ơn Đức Ý mà ông cho rằng rồi đây Franco sẽ hối hận, còn việc viện trợ Ý thì Hitler chẳng nhắc tới dù một chữ.
Muốn làm đẹp lòng Hitler, Mussolini thu xếp một cuộc hội kiến với tướng Franco để thuyết phục lôi Tây Ban Nha vào chiến tranh. Nếu Tây Ban Nha phụ trách vùng Gibratar chia sẻ lực lượng Anh thì Ý có thể đỡ bị áp lực quân sự nặng nề của Anh. Mussolini tự nghĩ mình sẽ thuyết phục được sở dĩ Hitler thất bại vì Đức không hiểu rõ tâm lý người Tây Ban Nha.
Họ gặp nhau vào tháng 2 năm 1941. Kết quả, Franco trả lời thẳng: ” Tây Ban Nha hiện tại không muốn tham chiến và cũng sẽ không nhảy vào chiến tranh”.
Thất vọng, Mussolini đi thăm mặt trận An Ba Ni. Tướng tư lệnh mặt trận muốn có một chiến thắng làm quà tặng lãnh tụ nên mở chiến dịch phản công. Kết quả mấy chục đợt tấn công đều bị thua, Mussolini nét mặt buồn thảm đến an ủi các chiến thương trên chiến trường lửa đạn còn ngùn ngụt máu mê và rên la. Mussolni nói: ” Tôi là Duce đây, tôi mang tới anh em lời chào của Tổ quốc”.
Quân sĩ và chiến thương cười ồ, họ đáp: ” Thế ư ! Bravo ! Bravo !” Rồi họ thì thầm vào tai nhau: ” Hắn chỉ là kẻ mang tai họa đến chứ mang sao được lời chào của Tổ quốc”.
Về Rome, chán nản chồng chất lên chán nản, lãnh tụ phát xit ngồi lặng hàng giờ trong phòng để hồi tưởng những ngày oanh liệt cũ, để xua đuổi những hình ảnh điêu tàn nhục nhã của chiến tranh. Giờ đây ông chỉ còn độc một nơi có thể gây lại cho ông chút tinh thần kiêu hãnh hoặc đem đến cho ông vài tia sáng hạnh phúc, đó là Claretta Pétaci. Nàng vừa xảy thai, ngày nào ông cũng đến thăm nàng, có khi ngồi trò chuyện cả nửa buổi.Nàng bảo chi ông nghe nấy.
Cánh phát xit Pétacci bảo nhau lấn quyền, nội bộ đảng nát bét. Starace bị đuổi khỏi chức vụ vì Pétacci tố cáo đã dùng đảng viên phát xit chăm sóc mấy con chó giữ nhà. Starace ức quá, đến bộ ngoại giao gào khóc với Ciano…
Rachèle , bà vợ hiền lành của Mussolini bây giờ cũng đổ đốn xen vô chính trị, bà nghe theo tên kỹ sư Pater đàng điếm xúi bậy, chỉ trích hết nhân vật này đến nhân vật kia, bà ăn mặc giả chị em buôn thúng bán bưng hay thợ thuyền đi khắp phố Rome dò xét.
KẾ HOẠCH BARBEROUSSE
Cuối tháng 2 năm 1941, chính phủ Bảo Gia lợi (Bun ga ri) trước đe dọa của quốc xã chịu cho Đức mượn đường mang quân sang Hy lạp. Bốn ngày sau, Hitler cho gọi nhiếp chính vương xứ Ba tư tới Berghof, ông này liền cử thủ tướng và ngoại trưởng đi thay mình qua Vienne ký luôn vào minh ước phe Trục với sự chứng kiến của Hitler, Ribbentrop và Ciano. Lập tức một hoàng thân Nam tư cầm đầu cuộc nổi dậy lật đổ nhiếp chính vương, tự lập làm vua trao quyền thủ tướng cho tướng Simovic. Hitler như điên cuồng, hạ lệnh đánh cho tan nát Nam tư.
Ngày 6 tháng 4 năm 1941, thủ đô Nam Tư Belgrade bị máy bay Đức ném bom dữ dội. Quân Đức ầm ầm kéo vào từ hai ngả biên giới Nam Tư và biên giới Hy Lạp. Ngày 13, Belgrad thất thủ. Ngày 23, quân đội Hy lạp xin đầu hàng. Hơn 50.000 quân viễn chinh Anh phải rút khỏi Hy lạp.
Trên chiến trường Bắc Phi, tướng Rommel đẩy lui nhanh chóng quân ở nhiều nơi. Trong vòng vài ba tuần lễ, vị thế Anh ở toàn Địa Trung hải sụp đổ hoàn .
Quân Ý trước đoàn quân chiến thắng quốc xã nay chỉ là một lũ ăn hại, bị khinh bỉ, Đức tập trung họ vào các trại cho ăn uống khổ sở, hoặc bảo đi gác đường. Nước dùng mỗi người Đức được 5 lít, mỗi lính Ý chỉ được ¼ lít. Quân Ý không được phát than củi để đun nóng đồ ăn.
Chẳng riêng gì quân sĩ Ý, luôn cả Mussolini cũng cảm thấy chính mình bị Hitler đối đãi nhục nhã. Lúc nào muốn “ hội đàm” với Mussolini, Hitler đều nhấc điện thoại réo chuông gọi. Mussolini sôi tiết nguyền rủa thầm, ông bảo Ciano: “ Tao chán ngấy thằng cha đó rồi với cái lối đối xử của nó. Những cái thứ hội nghị gọi bằng chuông tao ghét quá, gọi chuông chỉ có chủ gọi tớ mới gọi thế, mà hội nghị chó gì đâu. Cả năm tiếng đồng hồ liền tao bị nghe nó độc thoại toàn chuyện dông dài trống rỗng. Lúc này chúng ta làm sao khác được ngoài việc nhắm mắt hùa theo chó sói. Tao cứ phải vuốt ve bọn Đức mà lòng chat đắng như sung.”
Mussolini vừa nói với con rể như vậy, chỉ ba ngày sau, thủ tướng Anh Churchill cũng nói trước hội đồng tối cao cảu đồng minh rằng: “ Hitler và tên đầy tớ rách mướp Mussolini luôn luôn chạy theo đuôi chủ”. (Hitler with his tattered lackey Mussolini at his tail).
Ngày 3 tháng 4 năm 1941 lại thêm một thất bại sâu cay nữa cho phát xit, quân Ý đầu hàng quân Anh sau 8 tuần lễ chiến đấu ở Ethiopie. Mussolini bây giờ mới hiểu lính Ý không quá hèn nhát như ông tưởng. Cuộc chiến tranh chẳng có một mục tiêu nào rõ rệt, phương tiện thiếu thốn thì giải pháp tốt nhất cho họ là đầu hàng, đầu hàng để biểu lộ sự chối bỏ chiến tranh phát xit, nói khác đi đó là một cuộc bãi công của binh sĩ.
°
Vùng Địa Trung hải, Đức quốc xã đương thắng lớn chẳng hiểu nghĩ sao lại bảo các tướng lãnh gấp rút lui thi hành kế hoạch Barberousse đánh sang Nga sô viết.
Ngày 22 tháng 6 là ngày Đức quyết định tràn vào thành trì của những người bôn sê vích để tiêu diệt hết “ bọn cộng sản” theo lệnh quốc trưởng. Đúng hôm ấy, khoảng 3 giờ sáng, đại sứ Đức tại Ý là Hoàng thân Otta Von Bismarck, đem thư đến bộ ngoại giao đưa Ciano để ông này báo tin ngay cho Mussolini hay. Nội dung bức thư như sau:
“Thưa ngài. Tôi gửi ngài thư này vào giờ phút mà sau nhiều tháng suy nghĩ bàn thảo, tôi đã quyết định một việc quan trọng nhất trong đời tôi là chấm dứt cái trò giả dối của bọn ngồi trong điện Kremlin”.
Mussolini bị Ciano gọi dậy lúc nửa đêm, ông làu nhàu qua điện thoại: “ Tao chưa hề đánh thức bọn bồi bếp nửa đêm bao giờ, thế mà tụi Đức nó lại thường lôi cổ tao dậy như vậy để mà nói chuyện không dính dấp gì đến mình cả”.
Nói thế đấy thôi, ngay sáng hôm sau, ông đã hò hét bảo phải đưa ngay mấy sư đoàn Tridentine mà ông cho là thiện chiến nhất sang Nga giúp Đức. Ai ngăn sao cũng không được. Mussolini lần này muốn Ý được chia sẻ vinh quang quân sự với Đức thật sự, sau bao ngày tủi nhục.
Ngồi trên lưng ngựa duyệt những sư đoàn Tridentine, ông đắc ý nói: “ Những sư đoàn này có thể hơn cả những sư đoàn quốc xã’.
Sau đó, ông cho in hàng trăm ngàn tờ áp phích cỡ lớn ba màu xanh, trắng, đỏ trên có đề chữ “ Vinceremo” nghĩa là “ Chúng ta sẽ thắng” đem đi dán các hang cùng ngõ hẻm.
Trong hội đồng tướng lãnh cũng như trong hội đồng nội các mọi người nín thinh để một mình Muussolini thao thao bất tuyệt ba bốn tiếng đồng hồ.
Mùa đông năm 1941, tuyết rơi xuống dày cả thước, góa buốt thấu xương, nhưng sư đoàn ưu tú Tridentine muốn chết cóng luôn bên chiến trường Nga. Không những chỉ rét thôi mà còn đói nữa, quân sĩ anh nào anh nấy muốn mặc quần khỏi tụt phải gài khóa dây lưng tới cái lỗ cuối cùng. Họ gọi đùa lỗ đó là “ Foro Mussolini” tức là cái lỗ Mussolini.
Ngay tại nước Ý, nạn đói cũng chớm dậy.
Đài phát thanh Luân Đôn đều đều rót vào tai nhân dân Ý đủ điều, đủ mọi tin tức hãi hùng. Hàng ngàn nhóm chống phát xit trên khắp lãnh thổ Ý xúm nhau nghe, phong trào chống phát xit bành trướng rất nhanh.
Tháng 7 năm 1941, đảng cộng sản gửi người vượt biên giới Ý về nước vào “ nằm vùng” trong các báo phát xit, viết nhiều bài chửi Mỹ và chống tư bản, đề cao cách mạng phát xit. Những bài báo này đầu được cắt gửi cho các ký giả Mỹ. Mục tiêu của họ là làm rối lọan tinh thần chính trị phát xit.
Nga Sô chiến tranh với Đức tạo cơ hội cho sự kết hợp giữa đảng cộng sản cùng các đảng xã hội thành một mặt trận diệt phát xit.
Đường lối chính trị của các đảng chống phát xit là đuổi Mussolini khỏi chính quyền, ký hòa bình riêng rẽ với Anh Nga, hủy bỏ minh ước Trục Đức Ý.
Truyền đơn in hàng chữ “Via Mussolini del Potere” tung vào đất Ý cả triệu tờ.
Cán bộ phát xit cũng đâm chán ghét luôn vị lãnh tụ. Bottai, một cao cấp phatxit tỏ ra bi quan nói với Ciano: “Tao nhớ lại lời Balbo bảo Mussolini là thứ sản phẩm của bệnh giang mai, tao đã chửi nó hết lời. Bây giờ tao thấy lời nó nói nếu không đúng hoàn toàn thì ít nhất cũng gần đúng sự thật”. (Je me souviens que Balbo définissait Mussolini comme un produit de la syphilis et que je réagissais à ses paroles. Je me demande à présent si son jugement n’était pas exact ou du moins très près de la realité)
Bottai nói thêm: “Lãnh tụ lúc này đã xuống cả tinh thần lẫn thể xác. Ông ta hết quyến rũ rồi. Mất sức mạnh của nghị lực, ông ta chỉ còn là người vô định kiến muốn được vuốt ve phỉnh gạt”.
°
Ngày 3 tháng 12 năm 1941, đại sứ Nhật bản báo cho Ý biết Nhật sẽ tuyên chiến với Mỹ. Mussolini cho đó là một liều thuốc hồi sinh chữa bệnh tuyệt vọng của Ông. Ông tươi cười soa tay nói với đại sứ Nhật:
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn chiến tranh giữa các Châu ( guerre entre continents) như tôi đã từng tiên đoán năm 1939”.
Quả tình ông không biết tí gì về Hoa kỳ, không biết rằng Hoa kỳ mà tham chiến thì cán cân lực lương sẽ nghiêng lệch như thế nào.
Ngày 7 tháng 12, Nhật bản tới tấp tấn công bất thần Trân châu cảng đánh chìm quá nửa hạm đội Mỹ ở Thái bình dương. Mussolini nhảy lên vì vui mừng, cả đức vua cũng sung sướng lây.
Ngày 11 tháng 12, Mussolini vận quân phục chải chuốt, tươi cười đứng trên bao lơn dinh Venezia đọc bài diễn văn ngắn ngủi tuyên chiến với Hoa kỳ. Ông gửi lời chào mừng xứ Mặt trời mọc, ông ca tụng sức mạnh của gần 300 triệu người trong khối Trục, ông kết luận: “ Hỡi nhân dân Ý, hãy đứng dậy một lần nữa, chúng ta sẽ thắng ! Vinceremo !”
°
Buffarini Guidi, người thân cận của Claretta Petacci đưa tay chân bao vây chặt chẽ Mussolini thao túng đảng. Hắn sui nguyên dục bị cho bộ trưởng canh nông với tổng thư ký đảng phát xit đấm đá nhau túi bụi trước mặt Mussolini ngay trong dinh Venezia.
Ngày 26 tháng 12, Aldo Vidussoni được cử làm tổng thư ký đảng. Aldo trẻ măng mới có 26 tuổi, tuổi đảng chẳng có bao nhiêu, hắn bị cụt ở trận Tây ban Nha, kém trí thức nhưng thừa trung thành.
Khi bổ nhiệm Aldo Vidussoni, lãnh tụ nói trước ủy ban trung ương đảng gồm những đảng viên kỳ cựu cả: “Chúng ta bây giờ thuộc thế hệ già nua, đau ốm sau khi hoàn thành cách mạng, chúng ta hãy nhường chỗ cho thế hệ trẻ hăng hái đang lên”.
Vidussoni như con gà non mới trường đầu đá bậy tứ tung. Hắn tuyên bố sẽ cho đóng cửa những sân “gôn” những câu lạc bộ của giới tư sản ăn chơi phè phỡn, nếu cần, hắn sẽ bắn bỏ một triệu người để cho cách mạng được thở không khí tốt lành trong sạch.
Hắn bị cô lập khinh bỉ, mọi người giăng bẫy để cho hắn ta sa chân, gây tai tiếng kéo luôn uy danh đảng vào đống bùn nhơ.
Cánh phat xit Pétacci lộng hành, cậu Marcelle Pétacci, em Claretta vận động đuổi giám đốc nhà ngân hàng Bauca de Lavoro chỉ vì ông này cản trở những áp phe của cậu. Tỉnh trưởng Venise gửi báo cáo lên Mussolini kể tội cậu Marcello làm bậy bạ tùm lum, bao nhiêu báo cáo đều bị Guidi ỉm luôn. Một vụ buôn vàng sang Tây Ban Nha vỡ lở mà thủ phạm là gia đình Pétacci gây thiệt hại cho Ý cả chục tỉ đồng lires mà không một ai của dòng họ Pétacci bị trị tội.
Dư luận Đảng, dư luận công chúng công kích dữ dội Mussolini che chở bọn Pétacci. Ông bắn tiếng biện bạch: “ Đừng ai xâm phạm vào đời sống riêng tư của người khác”.Nhưng Mussolini lại ưa dùng phương tiện chung vào chuyện riêng tư.
Tháng 6 năm 1942, ngày 22 là đám cưới của Myriam Pétacci, cô em Claretta kết duyên với bá tước Boggiano, Mussolini ra lệnh cho báo chí phải viết đám cưới này thành một thiên tình sử tuyệt vời để quảng cáo cho Myriam vì cô là đào chiếu bóng. Tất cả mọi phim do Myriam đóng, báo chí không được chê bai. Mussolini ngầm bảo toàn thể cán bộ đảng và hầu hết những quan to chức trọng của chế độ phải gửi quà mừng thật đắt. Phần ông, ông cho Myriam một bộ bát đĩa bằng bạc chạm trổ tinh vi rất quý giá.
Hôm ra mắt phim “ Les voies du coeur” của Myriam do Claretta Pétacci cắt băng khánh thành đã biến Venise thành một ngày hội tưng bừng suốt cả tuần lễ. Sự sa hoa chướng tai gai mắt như muôn ngàn lời chửi rủa vào mặt đám dân nghèo khổ đói rét vì chiến tranh.
Piva tổng thư ký phân bộ phát xit Venise uất giận, nói giữa buổi họp đảng: “ Muốn giải quyết mọi sự thì trước hết phải giết chết con nhà thổ ấy đi”.
Lãnh tụ buồn rầu ra lệnh cảnh sát dùng “ma trắc” giải tán các cuộc biểu tình.
Biểu tình càng dữ dội hơn, tại Matera cả chục ngàn đàn bà con gái xông vào đòi đập tan câu lạc bộ phát xit hô khẩu hiệu đòi bánh, cảnh sát chỉ bắn chỉ thiên. Khắp mọi nhà ga xe lửa, dân chúng bu nghẹt lên tàu mong về đồng ruộng kiếm chút rau khoai. Đám người không bám lên tàu được ở lại chờ chuyến sau, tụ tập chửi rủa chính quyền phát xit. Dân quê cự tuyệt không bán cho cán bộ thu mua nông phẩm. Bất mãn tràn lan vào các trại lính. Các đạo binh Alpini nghe tin họ sắp bị đưa sang mặt trận Nga, sĩ quan buồn chán hội họp uống rượu cất cao giọng ca bài “Bandiera Rossa” (Cờ đỏ). Khi tầu chuyển bánh đưa họ đi, suốt dọc đường bài oán ca vang lên:
“Bandiera near, drapeau noir
C’est le deuil des Alpini qui s’en vont à la guerre
La belle jeunesse est couchee sous la terre !”
(Cờ đen, màu cờ đen
Lá cờ tang cho đoàn quân Alpini ra trận
Tuổi thanh niên chôn sâu trong lòng đất).
Nhìn thảm cảnh, Mussolini bĩu môi nói: “Dân Ý chưa đủ khả năng và dũng cảm để chịu thử thách lớn lao của thời đại. Chiến tranh này chỉ xứng đáng với dân tộc Nhật Bản, dân tộc Đức”.
Hy vọng cuối cùng của Mussolini là Đức Nhật. Đức Nhật mà thắng thì phát xit Ý chẳng đến nỗi nào. Bên Á châu, Nhật đánh dốc từ miền Bắc nước Tầu xuống phía Nam, từ biển Thái Bình Dương , Nhật chiếm Phi luật tân, Nam dương, đổ lên Miến điện. Bên Châu Âu, quân Đức tràn qua vùng Caucase. Nếu hai đàng cứ tiếp tục tiến thì quân Nhật Đức sẽ bắt tay nhau ở Miến điện. Ý dù ít dù nhiều sẽ ăn theo chiến thắng của những người bạn.
Nhưng hy vọng cuối cùng này cũng tiêu tan nốt. Chiều ngày 20 tháng 7, ở El Alamein, quân Đức Ý chạm vào sức phản công mãnh liệt của quân đồng minh. Hầu khắp các mặt trận Bắc Phi sau khi có chiến dịch đổ bộ “Torch” của đồng minh, phe Trục đều thua sút. Bên Nga, trận Stalingrad chuyển dần về thế bất lợi cho Đức. Thời kỳ tấn công của Đức đến đây là hết vì Đức kiệt quệ quá rồi.
Người bạn Ý kể từ Mussolini trở xuống đến các chức vụ phát xit nhỏ, lớn đã bắt đầu nói những lời oán thán Đức. Mussolini trách Hitler đâm đầu vào đánh Nga nên mới ra nông nỗi . Tướng Đức Arthur Schmidt, tư lệnh xứ Lybie, trả lời cuộc phỏng vấn của báo “The Daily Herald” nói: “Sở dĩ tôi phải đầu hàng là vì dưới trướng tôi toàn là quân sĩ Ý chẳng biết gì về chiến trận hết”. Tướng lãnh Ý chửi lại Schmidt rằng quân đội quốc xã là một lũ sát nhân giết người không gớm tay.
Gián điệp Đức bên Ý gửi về Hitler nhiều bằng chứng oán ghét của người Ý với Đức. Mức độ oán ghét ấy càng lên cao khi tiếp tế càng khó khăn và các tỉnh bị oanh tạc đổ nát điêu tàn.
Ngày 11 tháng 10 năm 1942, giữa lúc Mussolini lâm bệnh nặng, bao tử đau nhức đêm ngày, chân tay thường bị những cơn co rút, thì Himmler trùm mật vụ Đức tới Rome. Ông được đại tá Dollmann, gián điệp Đức hướng dẫn đi thăm nhiều nơi để đặt kế hoạch chiếm toàn bộ nước Ý vì sợ Ý trở cờ.
Ngoại trưởng Ciano ngây thơ nghĩ: “ Chắc Himmler cần thở chút ít không khí văn minh sau những thời gian khắc khổ ngoài trận mạc nên mới tới đây”.
Ngày 24 tháng 10, tướng Montgomery và tướng Auchinleck mở cuộc tấn công vào El Alamein. Tướng Rommel nhận được lệnh triệt thoái, trong khi Mussolini chẳng nhận được gì cả,lại lệnh cho quân Ý phải chống giữ tới cùng. Tới lúc hiểu ra thì đã quá muộn.
Ngày 8 tháng 11 năm 1942, lúc 5 giờ 15 sáng, Ribbentrop gọi điện thoại cho Ciano hay quân đồng minh đã đổ bộ lên Marco và Algerie. Buổi trưa, tướng Amé tư lệnh cục tình báo Ý trình bày với Mussolini về sự nguy ngập của tình thế, tinh thần quân đội sút kém đến mực thấp nhất và mục tiêu sắp tới của đồng minh là Ý. Ở Turin, các đảng xã hội , đảng cộng sản, đảng dân chủ thiên chúa giáo và đảng hành động ( Parti d’Action) bắt tay nhau thành lập Mặt trận dân tộc hành động (Front national d’action) để chống phát xit.
Tâm lý bi quan bao trùm đầu óc Mussolini, bệnh bao tử khiến ông mỗi bữa ăn chỉ ăn mấy trái cây tươi và vài thức ăn lỏng, má ông hóp lại, da vàng ệch. Ông chẳng còn tha thiết một cái gì nữa kể cả Claretta Pétacci. Có lần ông bảo với bà bá tước Gangi: “ Cái chuyện tình duyên ấy bây giờ chỉ là chuyện buồn”. Nào anh nào em Calaretta ông đã chán ngấy, sở dĩ Mussolini chưa bỏ được vì sợ bọn chúng làm “săng ta” bêu xấu.
Vua cũng thấy cần bỏ rơi Mussolini. Tướng lãnh kết tội Mussolini đủ điều. Họ nghĩ ông bị ung thư bao tử như vậy tất hơn ông nên chết sớm mới là phải.
Giới kỹ nghệ tư snar bắt đầu xa cách Mussolini, họ lũ lượt rủ nhau đi Thụy sĩ để bắt lien lạc với các tài phiệt Anh –Pháp, họ đã trông thấy thắng lợi rơi vào tay đồng minh.
Trước biến chuyển quá nhanh, Mussolini muốn quay sang giải pháp ngoại giao. Ông khuyên Hitler nên kết hòa bình riêng rẽ với Nga. Ông cũng tính đến nước cờ rủ Lỗ Mã ni, Hung Gia lợi gây áp lực bên cạnh quốc xã để buộc Đức chịu giảng hòa với Anh.
Nhưng Mussolini đâu còn quyền như xưa, Đức quốc xã hiện nay thao túng luôn chính trị nội bộ Ý . Nhiều cán bộ cao cấp phát xit theo Đức, chửi rủa kẻ chống quốc xã là phản bội.
Trận Stalingrad đang đi vào thời kỳ thê thảm, đợt phản công đầu tiên Nga nhằm đánh vào điểm yếu nhất là quân đội Ý trấn giữ dọc theo dòng sông Don. Quân Ý giải mỏng 7 thước mới có 1 binh sĩ, cả cây số mới có một khẩu liên thanh, đạn dược lương thực cạn gần hết, chỉ được phép bắn khi nào có lệnh của chỉ huy. Trời lạnh buốt 30 dưới không độ.
Quân Nga bao vây không chịu nổi nữa, quân Trục đành phải mở đường rút. Cuộc rút này được mệnh danh là tiến bước vào tử lộ (la marche à la mort) kẻ bị thương bỏ lại dọc đường, người tiếp tục đi hai chân máu cứng lại vì đôi giày rách nát mà phải dẫm ngày đêm trên tuyết.
MỐI TÌNH TAN VỠ
Giáng sinh năm 1942, Mussolini nằm bẹp trên giường trong biệt thự Torlina. Đầu năm 1943, đáng lẽ ông phải vào dinh Quirianal ăn tết, ông lại bỏ đi La Rocca delle Caminate tĩnh dưỡng. Mãi tới 24 tháng 1 năm 1943 ông mới trở về Rome.
Chung quanh Mussolini đã hoàn thành một cái lưới bao chặt từ vua đến thống chế Badoglio, Granri, Faderzoni cả con rể ông là Ciano nữa đang đợi cơ hội làm lại nước Ý mà không có Mussolini. Ông hiểu số phận mình chỉ còn con đường duy nhất gắn chặt với quốc xã, thắng hay bại sẽ theo quốc xã nếu thua hay được. Nhưng phải ra tay phá tan cái lưới kia đi đã. Việc đầu tiên Mussolini đưa tướng Vittorio Ambrosio lên thay tướng Cavallero ở chức Tổng tham mưu trưởng, đuổi Ciano khỏi ghế tổng trưởng ngoại giao sang làm đại sứ bên Tòa Thánh.
Ngày 9 tháng 2 năm 1943, đài phát thanh loan tin cải tổ toàn bộ nội các. Mussolini kiêm nhiệm thêm nhiều chức nữa. Bottai hết là tổng trưởng giáo dục. Grandi mất chỗ tổng trưởng tư pháp. Buffarini bị đá văng ra ngoài chính phủ vì đã dính líu quá nhiều với gia đình Pétacci.
Chấn chỉnh nội bộ Mussolini muốn chứng tỏ với mọi người ông vẫn ở thế mạnh, ông cũng muốn chấn chỉnh này sẽ đánh lạc hướng phần nào dư luận dân chúng đang quá chú ý vào những thất bại của phe Trục về mặt quân sự.
Quá muộn !
Tin chính phủ cải tổ vừa loan báo buổi sáng cùng với cái tin bịa đặt quân Ý đánh đắm bốn chiến hạm Anh thì buổi chiều tin thành phố Tripoli lọt vào tay quân đồng minh. Thế là đâu lại vào đó.
Tuyệt vọng hơn hết là sự đói khổ. Tiền mất giá, mãi lực sụt nhanh như ngựa phi trong khi vật giá leo thang gấp bội. Một công nhân ngành dệt muốn mua chai dầu ăn phải làm việc cả tháng trời mới đủ tiền.
Ngày 5 tháng 3 hồi 10 giờ, công nhân Fiat, Mirafioni bãi công, con số lên đến hơn một trăm ngàn người, kỹ nghệ chiến tranh tê liệt.
Giới quý tộc, kỹ nghệ, tư sản, quân nhân lo ngại phong trào bôn sê vich sẽ trở lại mạnh hơn trước nếu không loại trừ ngay Mussolini để ngăn chặn.
Ngày 15 tháng 3, thống chế Caviglia thúc dục nhà vua hãy quyết liệt loại trừ phát xit ngay. Nhiều nhóm phát xit khác thân cận với hoàng cung như Bonomi, Gasperi, Salvatorelli ủng hộ ý kiến của thống chế Caviglia. Vua Emmanuel III muốn lật Mussolini lắm nhưng ông không dám động thủ một mình cứ do dự mãi. Nhà vua giống như pho tượng râu tóc bạc phơ ngồi lặng thinh trên ghế, tiếng nói yếu ớt bảo mọi người: “Tôi không muốn dẫm chân lên hiến pháp, các đại biểu quốc hội Viện trên Viện dưới hãy đứng lên trước đi tôi sẵn sàng đi đằng sau”.
Ngày 6 tháng 10 năm 1943, Mussolini đi cùng đại tướng Ambrosio trên chuyến xe lửa đặc biệt đến Salzbourg gặp Hitler. Họ nói chuyện trong lâu đài Kteisseim, trần thiết huy hoàng với những tấm thảm quý báu mang từ Pháp về.
Hai nhà độc tài đi bên nhau, người nào cũng xanh xao gầy ốm, đôi mắt trĩu xuống vì mệt mỏi, bước đi nặng nề. Một nhân viên ngoại giao Ý thì thầm vào tai bạn: “Đúng là hai anh khặc khừ”. Người bạn trả lời: “Khặc khừ gì nữa, hai cái xác chết thì đúng hơn !”.
Ở cuộc hội đàm, quốc xã tỏ ra lo ngại tinh thần dân Ý, Himmler khuyên Mussolini nên thành lập ngay một sư đoàn phòng vệ kiểu S.S.quốc xã đề phòng mọi bất trắc phản phúc. Đức sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí tối tân cho sư đoàn này.
Về Rome, Mussolini thực hiện lời khuyên của Himmler. Ông đuổi tư lệnh cảnh sát Senise lấy cớ không trấn áp nổi phong trào đình công, cảnh sát từ nay do ông trực tiếp điều khiển.Lực lượng chí nguyện Squadra được biến chế gấp rút thành sư đoàn phòng vệ. Tổng thư ký đảng Vidussoni bị thay luôn, Carbo Scozra thế Vidussoni cai quản đảng.
Âm mưu của tướng Ambrosio với tướng Castellano dự định bắt Mussolini không thi hành được nữa, vì sư đoàn phòng vệ làm cho kế hoạch đã vạch ra bị chệch hết.
Trước khí thế mới, Mussolini làm luôn cả cuộc “cách mạng” bản thân. Hôm 1 tháng 5 năm 1943, Claretta Petacci như thường lệ, nàng tới dinh Venezia mật vụ phát xit ngăn cản không cho vào. Claretta la hét ầm ĩ, chửi rủa lung tung, cuối cùng nàng cũng vào được để gặp mặt Mussolini. Nhưng Mussolini tiếp nàng rất lạnh, ông nói: “Thưa bà, hết rồi chẳng còn gì nữa” (Le cycle est clos) . Mặc cho Claretta kể lể than khóc và ngã sỉu trên sàn đá hoa.
Ngày 5 tháng 5, Mussolini tươi tắn hơn, đứng trên bao lơn đọc một bài diễn văn dọn ghẽ, rồi kết thúc nó bằng câu khá lạc quan:
“Nghe tiếng hoan hô của các bạn, tôi thấy ý chí sắt thép của phát xit tin tưởng vào thắng lợi tương lai mạnh như khí thế dội trở lại của một cơn sóng dữ. Vinceremo !”.
Tiếp theo sau là lời nhắn nhủ như anh em phát xit của ông tổng thư ký đảng Scorza: “Nếu chúng ta có phải ngã gục xuống thì chúng ta sẽ ngã một cách oai hùng”.
Ngày 12 tháng 5, toàn thể quân Ý ở Tunisie bỏ khí giới đầu hàng.
Ngày 12 tháng 6, căn cứ phòng vệ quan trọng trên đảo Pantelleria với lực lượng 12 ngàn người, sau khi chiến đấu mới có 35 binh sĩ tử thương đã kéo cờ trắng.
Ngày 19 tháng 6, bộ trưởng Cini đại diện cho giới kỹ nghệ tư sản, xin gặp Mussolini trình bày tình hình và yêu cầu Mussolini hãy tìm giải pháp thỏa hiệp. Mussolini lắc đầu.
Ngày 22 tháng 6, lãnh tụ kiểm điểm lại sức mạnh phát xit, Scorza đưa lên bản tường trình ghi đảng hiện có 4 triệu 800 ngàn đảng viên, 1 triệu 300 ngàn nữ hội viên các hội đoàn phát xit và hơn 4 triệu người thân phát xit trong các tổ chức ngoại vi. Mussolini rất sung sướng với một lực lượng ghê gớm như vậy.
Ngày 9 và 10 tháng 7, đơn vị nhẩy dù đồng minh trong đêm tối đã nhảy xuống Sicile miền nam nước Ý sửa soạn cho cuộc đổ bộ.
Rachèle viết vào cuốn hồi ký:
“Tôi viết những dòng chữ này, tâm trí như quay cuồng. Tôi chưa bao giờ ngờ một tai họa ghê gớm thế đến với xứ sở. Benito đánh thức tôi dậy sớm lắm, giọng chàng run rảy nói: “Bọn Anh Mỹ đã đổ bộ lên Sicile rồi”. Thoạt đầu, tôi tưởng là tôi nghe những lời đó trong giấc mơ. Nhưng không chồng tôi đứng kia, vẻ mặt sầu não…”
8. MUSSOLINI TÊN TỬ TỘI
Vous vous ferez une vie nouvelle. Ne perdez plus de temps. Adieu Rachèle, adieu !
MUSSOLINI
TỰ ĐƯA MÌNH VÀO MẠT LỘ
Thành phố Rome hơn một tháng nay chịu những vụ mưa bom trở nên hoang tàn đổ nát.
Sáng, ngày 10 tháng 7, Mussolini đến Sette Vene, cách Rome 40 cây số, cùng với bộ tham mưu huy chương sáng rực trên áo đứng bên cạnh nhiều sĩ quan Đức quốc xã để xem “sư đoàn M” diễn hành. Đó là sư đoàn phòng vệ mang tên Mussolini viết tắt bằng chữ M hoa, có 32 chiến xa tối tân của Đức loại “Tigre”, có những huấn luyện viên ưu tú của S.S.
Tướng Ambrosio vẻ mặt đầy tin tưởng, nói với lãnh tụ hãy gửi sư đoàn M tới chiến tuyến Sicile thử lửa cho đồng minh hiểu thế nào là sức mạnh fát xít. Chẳng biết hứng chí thế nào, Mussolini chấp thuận luôn đề nghị của tướng Ambrosio, quyết định tự đưa ông vào mạt lộ. Tuần lễ sau, do lệnh Mussolini, sư đoàn M được đặt dưới quyền chỉ huy của quân đội.
Grandi bây giờ đã theo hẳn phe âm mưu bắt Mussolini, tất cả chỉ còn chờ nhà vua gật đầu nữa là xong. Công chúa Marie José, hoàng tử Piemont mở rộng tiếp súc với các hàng tướng tá kéo họ vào cuộc âm mưu. Mọi người thỏa thuận cử thống chế Badoglio kế vị Mussolini. Nhưng nhà vua vẫn chưa chịu, trong khi tình thế hết sức cấp bách.
Phải đợi mãi tới ngày 15 tháng 7, Vua Victor Emmanuel III mới cho mời thống chế Badoglio và Bonomi tới dinh Savoia để nghe họ trình bày về một chính phủ đoàn kết (Le gouvernement d’ Union ) sau khi lật đổ chế độ Mussolini. Hôm ấy, nhà vua cũng được biết Grandi đã rủ thêm Ciano, Battai, Federzoni nhập cuộc.
Ngày 16 tháng 7, chừng 15 cán bộ trung ương đảng fát xít đến dinh Venezia yêu cầu Mussolini triệu tập đại hội đồng trung ương đảng. Mussolini ngờ vực nhìn họ nói: “Tôi sẽ triệu tập. Bên ngoài thiên hạ sẽ nói chúng ta hội hộp để bàn chuyện đầu hàng. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ triệu tập”.
Ngày 20 tháng 7, tướng Đức Rintelen sang Rome vào điện Venezia yêu cầu Mussolini trả lời trong vòng 2 ngày 3 điểm của đại tuớng Keitel, mà điểm quan trọng nhất là Đức quốc xã đòi đưa quân vào kiểm soát nước Ý. Tướng Ambrosio phản đối quyết liệt rồi lập tức xin từ chức. Còn Mussolini sau mấy giờ suy nghĩ chấp thuận.
Ngày 21, Farinacci lãnh tụ cánh fát xít thân Đức, gặp tướng Tintelen báo cáo đầy đủ tình hình nguy ngập của chính trị nội bộ Ý.
Ngày 22, Mussolini vào điện Quirinal, nhà vua chau mày bảo Mussolini : “Không thể nào kéo dài chiến tranh thêm nữa, tinh thần quân đội vỡ rồi. Đức quốc xã thế nào cũng phản bội Ý. Hãy cho Đức biết tình thế khốn khó của Ý để mà chọn đường lối chính trị mới kẻo không kịp”.
Khi Mussolini rời điện Quirinal, nhà vua nói với tướng Puntoni : “Hắn nhất định không chịu hiểu và chẳng muốn làm như thế, lời tôi đã trở thành cơn gió thoảng bên tai hắn”.
Phe âm mưu nhất quyết hành động ấn định giờ khỏi sự nhằm ngày 26 tháng 7. Grandi, Bottai, Federzoni, Albini hội với nhau thảo nhật lệnh.
Farinacci và Scorza báo cho Mussolini biết nhiều tin tức quan trọng về cuộc âm mưu của các tướng lãnh Grandi, Bottai với hỗ trợ của nhà vua chống lại Mussolini. Nhưng lãnh tụ cười sặc sụa bảo : “Các chú mày kể chuyện trinh thám cho ta nghe hay sao vậy ?”.
Ông nhất định không tin. Rachèle lo sợ khuyên chồng nên bắt ngay bọn phản bội. Mussolini gạt đi.
°
Thứ bảy ngày 24 tháng 7, lúc 17 giờ 30, đại hội đồng trung ương sẽ họp tại dinh Venezia.
Hôm ấy, các ngã đường chung quanh dinh vắng teo vì cảnh sát đã dựng hàng rào cản từ xa.
Grandi tới đúng 17 giờ đã có một số người đến trước rồi. Dần dần các người khác tề tựu đông đủ. Họ là 28 vị cao cấp trung ương đảng fát xít. Ai nấy mặc bộ đại lễ mầu đen. Họ đứng chờ lãnh tụ.
Lúc 17 giờ 10, Mussolini bước vào. 28 người đứng lên giơ tay chào kiểu fát xít đồng thanh hô: “Saluto ! Al Duce” đi bên cạnh Mussolini là Quinto Navarra, chánh văn phòng ôm cặp hồ sơ. Nét mặt Mussolini không vui, bằng một giọng chua chát, khô khan và kiêu ngạo, tay lật những trang giấy trong tập hồ sơ, ông duyệt xét lại toàn bộ tình hình chính trị, quân sự, phê phán gắt gao tướng lãnh quân đội. Cuối cùng, ông chỉ trích chủ trương của Grandi muốn ký hòa bình riêng rẽ với đồng minh có thể làm nguy hại tới sinh mệnh chính trị fát xít, ông cũng cho biết chỉ năm bảy ngày nữa, Đức quốc xã sẽ tung ra nhiều vũ khí bí mật có thể làm đảo lộn tình thế quân sợ hiện nay.
Mussolini ngồi xuống, ông vừa nói liền một hơi một tiếng 55 phút đồng hồ. Sau đó, cuộc thảo luận bắt đầu.
Thống chế De Bono biện hộ cho quân đội, Farinacci chồm dậy lên án bộ tổng tham mưu quân đội nhất là tướng Ambrosio, Bottai nêu câu hỏi hòa bình. Grandi đứng lên nói câu mở đầu: “Chính trị độc tài đã làm chúng ta thua trận, không phải lỗi chủ nghĩa fát xít cũng như không phải lỗi quân đội”. Rồi ông đả kích Mussolini kịch liệt, vạch vòi những lỗi lầm của Starace và Scorza trong chức vụ cai quản đảng. Để kết thúc, Grandi nhắc lại lời Mussolini nói năm 1924: “Các đảng kể cả đảng fát xít của chúng ta nếu cần sẽ phải chết đi cho đất nước này sống”. Sau đó Grandi đọc bản nhật lệnh rõ ràng từng điểm mà điểm quan trọng nhất là nhân danh đại hội đồng trung ương đảng và thủ tướng chính phủ thỉnh cầu nhà vua trở lại nắm quyền tổng tư lệnh quân đội.
Nhìn thẳng vào bộ mặt bất mãn vì bị tước quyền tổng tư lệnh của Mussolini, Grandi nói : “Đồng chí tưởng mình là một nhà quân sự sao ? Xin nhớ nước Ý sụp đổ kể từ giờ phút đồng chí đeo trên vai cái lon thống chế”.
Mussolini chỉ ngồi yên gật gật cái đầu. Bottai, Ciano ủng hộ Grandi trình bày trước hội đồng những hành động của Đức quốc xã đối với Ý. Farinacci hò hét bênh vực Đức quốc xã.
Nửa đêm, Mussolini đề nghị dời đến hôm sau, Granđi không chịu. Mussolini nhượng bộ, cuộc thảo luận nghỉ 15 phút rồi sẽ tiếp tục.
Scorza, Buffarini, Alfieri, Galbiati đi với Mussolini ra khỏi phòng họp. Granđi ở lại thuyết phục những người còn giữ thái độ do dự.
Buffarini nói với Mussolini: “Hãy bắt hết chúng ngay, đấy là một âm mưu nguy hiểm”.
Mussolini chỉ nhún vai không nói gì, ông tin vào nhà vua vẫn ủng hộ ông, ông tin Grandi nếu bỏ phiếu hắn chỉ là thiểu số, ông tin hiện tại chẳng ai đủ uy tín để lãnh đạo nước Ý cho nên ông không nghe lời Buffarini. Đầu óc Buffarini như đàn bà khác gì nỗi lo lắng hão huyền của Rachèle.
Thảo luận tiếp tục lúc 12 giờ 15 đêm. Bastianini đứng sang phe Grandi lên tiếng chỉ trích lãnh tụ Mussolini nói: “Tôi nay đã 60 tuổi rồi, trong quá khứ tôi có 20 năm dài cho một cuộc phiêu lưu thích thú. Tôi sẵn sàng chấm dứt nó, nhưng tôi không thể làm được vì nhà vua và dân chúng vẫn còn tin cậy nơi tôi. Ngày mai đất nước này sẽ ra sao nếu đêm nay tất cả mọi người ở đây chống lại tôi ?”. .
Tướng Galbiati và Tringali Casanova ủng hộ Mussolini. Hai ông gào lên : “Các anh sẽ mất đầu do sự phản bội này”. Galbiati dọa sẽ gọi đoàn phòng vệ vào bắt hết. ‘
Thấy tình thế gay gắt, Grandi dịu giọng hướng về phía Mussolini nói : “Duce ! Chúng tôi bao giờ cũng vẫn theo ông vì ông là lãnh tụ của chúng tôi, ông là người tài giỏi hơn hết trong chúng ta. Xin ông hãy vứt bỏ bộ quân phục dấu hiệu con ó để trở về mặc chiếc áo sơ mi đen của cách mạng”.
Mussolini thở dài ngao ngán bảo Scorza sửa soạn cho phiếu lấy đa số quyết định bản nhật lệnh của Dino Grandi. Phòng hội bỗng im phăng phắc. Scorza đọc kết quả, Grandi được 19 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Mussolini giận xanh mặt đứng dậy tay nắm thành hai nắm đấm đặt trên bàn nhưng vẫn chưa hết vẻ mệt mỏi. Ông bảo Grandi: “Chính bạn là người gây ra khủng hoảng cho chế độ”. Rồi ông rời phòng họp.
Scorza định hô mọi người chào theo truyền thống fát xít. Mussolini ra hiệu bảo đừng chào.
Tringali, Casanova đến bên Ciano nói : “Chú mày chắc sẽ phải trả bằng máu các việc làm chiều nay”.
Mọi người lần lượt ra về, ai nấy ngạc nhiên không hiểu tại sao mình chưa bị bắt.
Vài tháng sau, Mussolini nói với Marinetti giải thích thái độ nhu nhược kỳ lạ hôm đó:
“Chỉ có bạn hiểu được tôi thôi vì bạn đã rõ cơn bệnh của chúng ta đau đớn nhường nào. Ngay đêm 24, bao tử tôi bỗng nhức nhối ghê gớm. Nó hành tôi 2 tiếng đồng hồ trước khi đại hội đồng nhóm họp. Tội nói như người mất hơi và tâm thần lơ
đảng. Tôi càng thấy cơ thể khó chịu hơn dưới ánh đèn chói chan thành thử tôi cứ phải luôn luôn che tay lên mắt. Sau khi đưa lập luận của tôi để mở đầu cuộc thảo luận, tôi ngồi xuống với cảm tưởng như đứng trước một phiên xử án mà mình vừa là tội nhân lại vửa là kẻ tới luận tội. Đầu óc tôi vẫn sáng suốt, tôi nghe rõ tất cả những lời Grandi đả kích nhưng sức lực tôi đột nhiên tiêu tan đi đâu mất. Bạn từng đau như vậy và bạn biết cái đau ấy khiến ta kiệt sức ra sao chứ?”
Điều Mussolini nói với Marinetti là sự thật không phải ông tìm cớ che đậy vì có một nhân chứng là Buffarini kể lại rằng: “Tôi trông rõ Mussolini hôm ấy, ông ta hệt như hình ảnh của César ngày xưa đưa tay áo lên che đỡ khi những nhát đao của nhóm âm mưu đâm tới tấp vào người”.
°
Rachèle chờ Mussolini suốt cả đêm thao thức lo âu, khi chồng vừa bước chân vào, bà đã hỏi ngay:
“Ông đã cho bắt nhốt hết chúng chưa?”
– Chưa, nhưng tôi sẽ cho bắt.
Bộ dạng tiều tụy, Mussolini lên giường nằm lòng nặng trĩu buồn phiền.
Còn Grandi ở phòng hội ra đến thẳng nhà quận công Acquarone, bổ trưởng hoàng gia, rủ ông này tới gặp hầu tước Zamboni rồi kể cho họ nghe tất cả những diễn tiến cuộc thảo luận vừa qua. Kể xong quay sang phần chính trị, Grandi đưa ý kiến vua nên chọn thống chế Caviglia làm thủ tướng chính phủ đoàn kết. Grandi xin giữ sứ mạng thương thuyết với Đồng minh. Acquarone cho biết nhà vua đã chọn thống chế Badoglio rồi. Bấy giờ Grandi mới hiểu rằng vua Victor Emmanuel cũng có một kế hoạch hành động riêng.
Tám giờ sáng, Mussolini đã có mặt tại bàn giấy tiếp tướng Balbiati đến để đề nghị bắt hết 19 người đã ký vào nhật lệnh của Grandi. Mussolini từ chối nói:
“Lát nữa tôi vào gặp nhà vua, bàn tính với ngài xem sao đã”.
Lúc nói chuyện cùng đại sứ Nhật Bản thì Mussolini nhận được bức điện văn của Bá Linh báo tin Goering sẽ tới Rome để ăn mừng sinh nhật Mussolini nhằm ngày 29 tháng 7.
Ngày 25 tháng 7 hồi 10 giờ 30, tại dinh Savoia, tướng Puntoni vào gặp nhà vua. Vua Victor Emmanuel cho biết đã quyết định cất quyền Mussolini dự tính vào thứ hai 26 tháng 7. Lúc 12 giờ 15, thư ký của Mussolini gọi điện thoại tới xin nhà vua cho Mussolini gặp sớm thay vì thứ hai thì gặp ngay chiều chủ nhật hồi 17 giờ. Như vậy, mọi kế hoạch phải chuẩn bị sớm hơn 24 tiếng. Sau mấy phút do dự, nhà vua và quận công Acquarone trả lời chấp thuận.
Các tướng Castellano, Cerica, Ambrosio, Carboni họp với Acquarone duyệt xét lại các điểm trong kế hoạch như: chiếm ngay các trung tâm điện thoại, các phủ bộ, đài phát thanh,vô hiệu hóa lực lượng chí nguyện fát xít. Nhà vua không đưa ra đề nghị bắt giam Mussolini nhưng ông phản đổi việc này. Còn các tướng lãnh cùng nhau quyết định bắt ngay Mussolini tại dinh Savoia, ban đầu nhà vua bảo đừng nên bắt hắn trong dinh mà nên làm ở ngoài, ông không muốn chứng kiến vụ đó. Nhưng sau khi nghe tướng lãnh trình bày nhu cầu kỹ thuật buộc phải vậy thì nhà vua chỉ chấp thuận bằng cái gật đầu nhẹ chứ không nói gì.
Lúc 3 giờ chiều, nhà vua cho gọi tướng Puntoni bảo: “Tôi không thể ước đoàn nỗi những phản ứng của Mussolini, ông hãy ở lại đây, nếu cần thì can thiệp”.
Cùng lúc 3 giờ chiều, Mussolini đi với tướng Galbiati đảo quanh thành phố Rome thăm thú tình hình.
Trên xe, Galbiati hỏi: “Tình thế này ông nói chuyện với nhà vua làm gì nữa?”
Mussolini đáp: “Trong gần 20 năm nay, tôi chưa làm gì mà không cho nhà vua biết hoặc không cố sự thỏa thuận của ông ta từ quốc sự đến việc riêng tư. Tôi chắc nhà vua vẫn luôn luôn đồng ý với tội”.
Về nhà Mussolini còn dặn với theo Galbiati chớ nên hành động quá sớm để hư hết việc.
Vào phòng ăn Mussolini bảo Rachèle: “Chiều hay tôi sẽ vào gặp nhà vua”. Đàn bà thường có linh tính bén nhậy nên vừa nghe dứt câu, Rachèle lo sợ khẩn khoản nói với chồng: “Tôi xin ông đừng đi tới đó, đừng đi tới đó”, Mussolini lặng thinh.
Trong lúc hai vợ chồng dùng cơm trưa, ba lần có chuông điện thoại reo, nhân danh bộ nghi lễ của hoàng cung nhắc đi nhắc lại lời yêu cầu Mussolini không mặc quân phục trong buổi hội kiến chiều nay.
Cơm xong thì viên bí thư của Mussolini là De Cesare vừa tới. Rachèle nói riêng với Cesare: “Tôi ngại quá chú ơi, tôi có cảm tưởng là chiều nay nhà tôi không về nữa đâu”..
De Cesare nói: “Làm chi mà xảy ra chuyện như thế được”!
Trước khi Rachèle ôm chặt lấy chồng thật lâu, bà còn nhìn theo xe mãi mãi.
Lúc 5 giờ kém 10, xe Mussolini đi vào cổng chính của tòa lâu đài hoàng gia, ông bựớc xuống đằng sau là De Cesare, ông chợt nhìn thấy hôm nay quân canh gác có vẻ nghiêm mật hơn, tuy nhiên, chẳng có gì là khác lạ lắm. Đức vua trong bộ võ phục thống chế, đứng ngay trên thềm để đón Mussolini. Rồi họ đi thẳng tới phòng khách.
Cuộc đàm thoại hôm nay mang vẻ “trầm trọng” hơn hẳn các lần trước. Mussolini trình bày cho nhà vua tình hình quân sự, kể lại vụ đại hội đồng trung ương đảng fát xít đếnchuyện bỏ phiếu đa số ủng hộ nhật lệnh của Grandi, Mussolini cho rằng vụ ấy chẳng đáng kể vì nó là việc đảng không dính gì đến hiến pháp quốc gia.
Mussolini cố làm vẻ bình tĩnh nhưng tay ông vẫn run run mỗi lẫn đưa cho nhà vua những tài liệu quốc sự. Sau đó, tới lượt nhà vua cho. Mussolini biết rằng:
“Không thể cứ tiếp tục thế này mãi được, quân sĩ đã chán ghét chiến tranh, chán ghét Mussolini lắm rồi”.
Để kết luận, nhà vua nói thẳng vào để khuyên Mussolini nên từ chức, nhà vua đã chỉ định thống chế Badoglio lập nội các mới. Mussolini muôn nói quyết định ấy sẽ đưa đến những hậu quả tai hại thì nhà vua liền cắt ngang lời ông bảo:
“Tôi rất buồn vì không có giải pháp nào khác”.
Nhà vua tiễn chân Mussolini ra tận cửa, khi bắt fay Mussolini, tay nhà vua nóng ran ( lời Mussolini kể trong hồi ký).
Bên ngoài, giữa khi vua và lãnh tụ fát xít ngồi nói chuyện, tài xế của Mussolini bỗng thấy có người gọi vào nghe điện thoại, hắn ta ngay tính chạy vào thì bị bịt miệng trói luôn. Một chiếc xe bít bùng đậu sẵn vừa đúng chỗ để nạn nhân bước lên mà không gây nhiều chú ý.
Khi Mussolini và De Cesare vừa xuống hết bực thềm, có hai sĩ quan cảnh sát mặc sắc phục (Carabinieri) tiến đến bên cạnh nói: “Thưa ngài, đức vuara lệnh cho chúng tôi phải bảo vệ ngài”.
Mussolini vẫn còn chưa tĩnh ngộ nói: “Điều ấy đâu có cần”, rồi ông săm săm đi tới chỗ xe ông đậu. Hai sĩ quan cảnh sàt Iiền dõng dạc bảo: “Ngài bị bắt giữ rồi vậy xin ngài hãy lên xe của chúng tôi”.
Mussolini lặng thinh ngoan ngoãn bước lên phía sau chiếc xe bít bùng, cả De Cesare nữa. Bên trong, ba cảnh sát sắc phục, tay cầm tiểu liên ngồi chực từ bao
giờ. Cửa xe sập kín bưng, chạy như bay qua các phố vắng.
Vài tiếng đồng hồ sau, xe bít bùng dừng lại. Nơi đây là trại cảnh sát ở Trastevere. Mussolini bị đưa vào một phòng kín canh phòng cẩn mật. Mussolini từ chối không ăn uống.
SAU KHI MUSSOLINI BỊ BẮT
Sẩm tối, không khí Rome ngột ngạt những tin đồn, các quán cà phê đầy người tụ tập, thì thầm.
Đêm đến thành phố tối đen chìm trong im lặng.
Lúc 22 giờ 45, đài phát thanh đang ở chương trình nhạc nhẹ, bỗng cúp ngang, thay vào nhạc là giọng nói quen thuộc của Giambattista Arista mà dân chúng thường được nghe trong những dịp đại lễ hay những khi có biến chuyển lớn. Arista nói: “Hoàng thượng vừa chấp nhận đơn xin từ chức của thủ tướng Benito Mussolini và đã chỉ định thống chế Pietro Badoglio lập nội các mới”.
Sau đó, Arista đọc hai lời tuyên cáo, một của Đức vua nói từ nay ngài đảm nhiệm quyền tổng tư lệnh quân đội, tất cả mọi hành động bất tuân trảá đường lối hay phản đối đều bị trừng phạt. Tuyên cáo của thống chế Badoglio nói: “Chiến tranh vẫn tiếp tục. Ý vẫn ở bên cạnh Đức quốc”.
Lời Arista vừa dứt thì dân chúng ùa ra đường reo hò sắp hết chiến tranh, sắp hòa bình. Tại các xóm bình dân, nhiều trụ sở fát xít bị tấn công, tượng Mussolini bị đập phá, ảnh Mussolini bị xé nát. Những tiếng hò hét: “A mort Mussolini! Đả đảo fát xít! Eviva il Rè (Hoan hô quân dội!) vang dậy.
Chân người chạy rầm rầm xen lẫn với còi xe, thiên hạ tìm bắt tổng thư ký đảng fát xít Carlo Scorza nhưng hắn đã biệt dạng rồi.
Farinacci và Pavolini xin tị nạn chính trị trong tòa đại sứ Đức.
Grandi, Bottai, Ciano trước cơn giận dữ của dân chúng cũng trốn mất. Họ đều tuyệt vọng, họ không ngờ có chuyện bắt giữ Mussolini. Âm mưu của họ nay có một âm mưu khác đi kèm bên cạnh. Ciano kêu trời: “Khốn nạn chưa, thế là tiêu tan hết. Bây giờ đến lượt chúng ta phải đưa tay vào còng.”
Grandi vò đầu bứt tai:
“Cần gì phải làm thế, vô chính trị, vô chính trị”!
Không một người nào đã đứng lên bênh vực Mussolini và chế độ. Tướng Balbiati ngoan ngoãn giao quyền tư lệnh đạo quân phòng vệ của đảng cho quân đội. Scorza, sư đoàn M, các tỉnh trưởng lục tục qui thuận nhà vua. Đụng độ giữa fát xít và dân chúng ở khắp nơi chỉ gây bị thương chứ không ai bị chết.
Nạn nhân duy nhất của biến cố 25 tháng 7 là thượng nghị sĩ Morgagni, bạn thân Mussolini, giám đốc hảng thông tấn Stefani. Khi hay tin Mussolini bị bắt, Morgagni bắn vào thái dương tự sát sau khi vìết mấy chữ:
“Mussolini đã từ chức. Đời ta thế là hết. Vạn tuế Mussolini !
Morgagni là người bạn đường chính trị của Mussolini từ lâu.
Ngày 26 tháng 7 vui như một ngày hội, sáng sớm xe cộ và người đã đông, đi lại nườm nượp. Trước cửa dinh Venezia, dân tụ tập như kiến, bọn thanh niên leo lên hàng rào cổng hò nhau giựt bảng hiệu cây búa bó củi quăng xuống đất.
Milan, Turin và nhiều nơi khác, người ta đều thấy cùng một quang cảnh. Ảnh dân biểu Mattẻotti ; được giơ cao trong đám biểu tình. Trụ sở phân bộ fát xít ở Turin bị phá tan tành, hàng ngàn thợ thuyền xông vào các trại giam thả hết tù chính trị. Dân chúng reo lên: “Bọn fát xít đã bị lật đồ! Hoan hô quân đội”!.
Nhưng chỉ một ngày reo mừng thôi.
Ngay buổi chiều tại lâu đài Torino, quân đội đã bắn vào đám người biểu tình. Ở Milan, lệnh giới nghiêm được thi hành gấp rút, hai đại đội binh sĩ đi theo một chiến xa lưỡi lê cắm trên đầu súng xông tới giải tán một cuộc mít tinh. Ở Rome, nhân viên công lực đã bắt đun làm mạnh.
Luật sư Galimberti, một trong những thủ lãnh đảng Hành Động, diễn thuyết trước hàng ngàn người, ông nói: “Chiến tranh tiếp tục nhưng phải là cuộc chiến tranh chống bọn Đức quốc xã. Muốn thế, dân chúng phải nổi dậy”
Galimberti bị nhà cầm quyền mới coi như phần tử nguy hiểm.
Toàn quốc giới nghiêm sau 21 giờ 30, mọi hình thức tụ họp đều bị cấm. Tướng Roatta ra thông tư cho toàn thể quân đội như sau:
“Trước những cuộc biểu tình, quân đội đều phải sẵn sàng súng ống kể cả súng cối như đứng trước quân thù. Không bắn chỉ thiên mà sẽ bắn thẳng như một trận chiến. (En cas de manifestations, il faut procéder en face de la population comme contre l‘ennemi, avee mortiers artillerie. Que l‘on ne tire jamais en l’air mais pour atteindre, comme dans le combat).
Ngày 28 tháng 7 đã có 23 nạn nhâm chết và 70 bị thương. Những biến cố này thật dễ hiểu, vì đức vua và đa số tướng lãnh quân đội mười mấy năm trời dàng buộc với fát xít tất nhiên họ phải sợ có thể bị tràn ngập rồi bị cuốn theo tình trạng tan vỡ. Họ cần giữ uy thế trấn áp. Bên cạnh họ là những lực lượng chính trị bảo thủ e ngại sự tràn lấn của phe tả. Cả chục tổ chức chống fát xít dấy lên.
Bonomi gặp thống chế Badoglio, nhân danh sáu chính đãng: Dân chủ, Thiên Chúa giáo, xã hội, hành động, cộng sản v.v… yêu cầu chấm dứt chiến tranh, cắt đứt mọi liên hệ với Đức quốc xã.
Thống chế Badoglio chÌ trả lời vắn tắt: “Chiến tranh tiếp tục”.
Ngày 28 tháng 7, đảng fát xít, hội đồng trung ương đảng, tòa án đặc biệt, những hợp tác xã fát xít đều bị giải tán.
°
Mussolini trong chỗ giam giữ không có một hành động chống đối dữ dằn nào cả, ông nói chuyện với bất cứ ai, người lính gác hay vị bác sĩ triết lý hời hợt về dân tộc Ý, rồi đi ngủ.
Lúc 1 giờ sáng ngày 27 tháng 7, tướng Ferone đánh thức Mussolini dậy trao cho ông bức thư của thống chế Badoglio như sau:
“Gửi ngài Benito Mussolini,
Tôi là thủ tướng chính phủ, xin thưa lại để ngài rõ tất cả những biện pháp mà chúng tôi hiện áp dụng đối với ngài đều là vì lợi ích cá nhân ngài. Tôi cũng rất ân hận báo thêm một tin khác, là chúng tôi đang sửa soạn đưa ngài đến nơi nào tùy ngài chọn”.
Xem xong, Mussolini viết vào tờ giấy trả lời Badoglio:
a) Tôi rất cảm ơn thống chế đã có những sự săn sóc quá chu đáo đối với cá nhân tôi.
b) Nơi duy nhất mà tôi muốn ở là Rocca della Caminate và mong được tới đó ngay.
c) Tôi xin xác định với thống chế, tôi vẫn nhớ những ngày chúng ta cộng tác cùng nhau, phần tôi, tôi không gây khó dễ gì cho thống chế, trái lại còn vui lòng cộng tác.
d) Tôi rất sung sướng hay tin quyết định của chính phủ vẫn tiếp tục chiến tranh. Tôi thành thật chúc thống chế thành công trong xứ mạng mà Đức Vua giao phó, đức vua mà tôi đã phụng sự 21 năm nay, cả bây giờ nữa tôi vẫn trung thành với người.
Mussolini ký tên mình xong, bên dưới còn viết thêm “Nước Ý muôn năm”.
Lời lẽ của lá thư chứng tỏ ông đã bó tay chịu hàng, từ bỏ hết mọi tham vọng. Nó có phần nào khôn ngoan nhưng vẫn không che dấu nổi trạng thái mệt mỏi, mất khí thế, nó chỉ mong được nhẹ gánh trước một hoàn cảnh vướng vít.
Chiều ngày 27, Mussolini bị giải đến nhà tù Gaète trên đảo Ponza nơi Mussolini dùng làm chỗ giam bọn chống fát xít. Trên con tầu đưa ông đi đảo, Mussolini nói rất nhiều với hạm trưởng Maugeri, trách Badoglio phản bội lời hứa nên mới đầy ông ra đây.
Ngày 29 tháng 7, Mussolini ăn sinh nhật mình trên hòn đảo lưu đầy. Hôm ấy ông gặp cựu dân biểu Zamboni, người từng âm mưu ám sát ông nên đã bị ông giam ngoài này.
Ngoài đảo, Mussolini say mê đọc “Cuộc đời chúa Jésus” của Ricciolti. Tất cả điều ông nghĩ hay ông định làm bây giờ đều quay về quá khứ, giải thích tự biện hộ cho những gì ông đã làm. Cô quạnh, ông tự ví minh như Nã Phá Luân trên Saint Hélène.
Ngày 7 tháng 8 năm 1943, Mussolini bị đưa qua đảo Maddalena gần Sardaigne, ở đây ông nhận được quà tặng của Hitter 24 cuốn toàn tập tác phẩm của nhà triết học Nietzsche đóng rất đẹp.
Biện pháp cảnh cáo đầu tiên của Đức đối với Ý là cúp không tiếp tế than. Than hạn chế, ngoài đường phố chỗ nào cũng có hàng dẫy người xếp hàng dài để mua một hai kí lộ than, hay bánh mì, rau cỏ. Lòng nhiệt thành trông đợi chính phủ Badoglio chưa mấy ngày đã nguội lạnh.
Bom “khủng bố” của không lực đồng minh vẫn rơi đều trên các đô thị Milan, Turin, Rome, Gênes, Bologne. Báo chí đầy những trang bình luận công kích cuộc chiến tranh vô nghĩa.
Ngày 17 tháng 8, chính phủ Badoglio ban bố lệnh điều tra, tịch thu tài sản của những cán bộ cao cấp fát xít và gia đình họ nếu có dính líu đến những chuyện lợi dụng quyền thế.
Lần lượt Starace, Bottai, Buffarini, Pollastrini, Biccardi, De Cesare, tướng Soddu, tướng Gabbiati, tướng Terruzzi, thống chế Cavallero đều bị bắt. Chỉ có Muti cựu
tổng thư ký đảng bị bắn chết vì toan trốn chạy. Badoglio cử tướng Carboni phụ trách việc “chém rắn chém đầu” fát xít. Gia đình Claretta Pétacci cũng cùng chung một số phận, chỉ riêng một mình Marcello Pétacci thoát, còn tất cả đi vào nhà tù ở Novare, một lâu đài cổ kính. Khi đến lục soát nhà Claretta, chính quyền mới bắt được khá nhiều thư từ của lãnh tụ fát.xít gửi cho người yêu viết toàn những lời nồng nàn thương yêu.
Gia đình Ciano định trốn qua Tây Ban Nha, nhưng đại tá Dollmann được lệnh của Himmler tìm cách thuyết phục cho Ciano hãy sang Đức trước rồi từ Đức đi Tây Ban Nha dễ dàng hơn. Ciano nghe lời, đút chân vào cái bẫy của Gestapo.
Sự bắt bớ quá trớn tưởng để củng cố chính quyền đã thành kết quả trái ngược, chính phủ Badoglio đã gây nhiều khó khăn bất lợi cho mình.
Bẳng 20 năm chính quyền, lực lượng fát xít có nhiều liên hệ dăng mắc như tơ nhện không thể sớm chiều quét sạch hết. Rút dây động rừng, chính nhà vua là người đầu tiên đưa fát xít vào chính quyền nếu đẩy mạnh công việc chống fát xít đến một cao độ nào đó có nghĩa là đổ hết tội lên đầu nhà vua. Do đó, trong hội nghị, tướng Puntoni đã lên tiếng phê bình thống chế Badoglio: “Chính phủ đang lao đầu vào việc bắt bớ vô ích”. Rồi đến nhà vua gửi văn thư bảo :
“Yêu cầu hãy ngừng ngay tất cả mọi hoạt động nhằm xóa bỏ sinh mệnh chính trị của những người fát xít.
Mặt khác, chính phủ Badoglio lại phải đối phó với công nhân, khi chưa có chính sách rõ rệt thì Badogliỉo cho đặt súng liên thanh ngay trong các nhà máy. Tại nhà máy Fiat, hơn 50 công nhân bị đưa ra tòa án quân sự, nhiều binh sĩ và sĩ quan được tưởng thưởng vì đã xã súng bắn vào đám thợ thuyền nỗi loạn.
Mặt khác nữa là việc bang giao với Đức quốc xã. Chính quyền mới đứng kẹt giữa hai khuynh hướng. Một đòi hòa bình ngay, kêu gọi dân chúng nổi dậy chống Đức. Một bảo nên khôn khéo sợ Đức làm mạnh. Nhà vua là người sợ Đức quốc xã nhất, ông không muốn đời mình sẽ như vua nước Bỉ, cho nên nhà vua đã cho sắp xếp kỹ càng trong trường hợp phải trốn khỏi Rome đi lưu vong. Việc Hitler cử đặc sứ Rudolf Rahn qua Rome, Rahn là chuyên viên về các nước bị chiếm đóng, lại càng làm tăng sự lo sợ của nhà vua hơn lên.
MỘT NGƯỜI TÊN SKORZENY
Chế độ fát xít, bị lật đổ với Hitler có nghĩa là Ý sẽ trở mặt chống Đức và bắt tay Anh Mỹ.
Lật đổ fát xít theo thống chế Badoglio có thể đưa tới cái họa Đức quốc xã sẽ đem quân váo xâm chiếm nước Ý để chặn không cho Ý trở mặt.
Cả hai người đều phải tranh thủ thời gian nhưng cũng lại phải khôn khéo không gây kinh động Badoglio khi tuyên bố chiến tranh tiếp tục để Đức khỏi ra tay, Hitler không tỏ vẻ giận dữ lắm về vụ Mussolini để Badoglio khỏi chạy vội sang phe đồng minh.
Sáng sớm ngày 27 tháng 7, Hitler cho gọi đại tá chỉ huy đoàn “com măng đô” đến gặp ông. Đại tá tên Otto Skorzeny được quốc trưởng giao cho công tác tìm cách giải cứu Mussolini.
Tối ngày 27, hai sư đoàn S.S. âm thầm tập trung ở biên giới Brenner, sứ mạng của họ: chiếm Rome, tái lập chế độ fát xít.
Chính sách đối với Ý sẽ làm theo bốn kế hoạch: kế hoạch một mang tên Eiche có nhiệm vụ cứu Mussolini ; kế hoạch hai mang tên Student có nhiệm vụ chiếm cứ Rome đưa đảng fát xít trở lại chính quyền ; kế hoạch ba mang tên Schwarz có nhiệm vụ chiếm bằng quân sự toàn bộ nước Ý ; kế hoạch bốn mang tên Achse có nhiệm vụ tìm bắt hoặc phá hủy hạm đội của hải quân Ý.
Ngay tuần lễ đầu của tháng 8, 7 sư đoàn quân Đức quốc xã đã hoàn thành kế hoạch Schwarz, các nhà ga, đường hầm, trung tâm thủy điện đều do quân Đức bảo vệ, quân Đức mua bán trên đất Ý đều trả bằng “mác”(mark) của Đức gọi là đồng “mác” của quân đội chiếm đóng (marks d‘occupation).
Ngày 8 tháng 8, đại tá Otto Skorzeny bay lên đỉnh núi Gransasse, nơi mà tin tức tình báo cho biết là chỗ giam mới nhốt vì cứ năm ba ngày Chính phủ Badoglio lại dấu Mussolini đi một nơi khác.
Cùng ngày 8 tháng 8, đài phát thanh Ý loan tin chính phủ Badogilo xin đầu hàng đồng minh vô điều kiện sau khi có cuộc gặp gỡ bí mật của tướng Castellano với đại sứ Anh Hoare bên Tây Ban Nha.
Dân chúng Ý và Âu Châu nghe rõ ràng giọng nói run run của vị thống chế già đọc tuyên cáo xin hàng:
“Chính phủ Ý nhìn nhận không thể tiếp tục cuộc chiến đấu mà lực lượng đôi bên quá chênh lệch nện xin với đại tướng Eisenhower cho ngừng bắn. Điều thỉnh cầu này đã được chấp thuận.
“Mọi hành động của quân đội Ý nhằm chống lại quân Anh Mỹ đều phải ngưng tức khắc.”
Trên Gransasso, Mussolini ngồi lặng nghe tuyên cáo đầu hàng không nói một lời nào.
Khắp các ngả đường thành phố, người người gặp nhau hoan hô hòa bình, binh sĩ ôm nhau hát rồi chạy đến giật mũ cảnh sát tung lên trời.
Vào nửa đêm, dân chúng ở Rome nghe thấy nhiều tiếng súng đại bác nổ rất gần. Quân quốc xã đã ra tay dùng sức mạnh tước khí giới quân Ý ở bất cứ chỗ nào.
Năm giờ sáng, toàn thể hoàng gia và thống chế Badoglio rời bỏ Rome chạy trốn. Trên đường đi, thống chế thúc dục mọi người: “Nếu bọn nó tóm được chúng ta, bọn nó sẽ chém đầu hết”.
Đức vua bình tĩnh hơn, nhưng ngài lại cáu tiết khi nhìn thấy khá đông sĩ quan cao cấp bỏ chạy theo ngài. Tướng Roatta ăn mặc dân sự vác trên vai khẩu tiểu liên khiến nhà vua chán ngán lắc đầu thở dài.
Vua đến lánh nạn ở Brindisi cách chỗ chiếm đóng của quân Đức khá xa, tiếp tục lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Đức, chống fát xít. Nhờ thế, hạm đội Ý không rơi vào Đức, kéo về vịnh Malte theo lệnh vua.
Nhưng trên bộ, sự ra đi đột ngột của nhà vua và thủ tướng chính phủ, chính quyền bỏ trống, quân đội Ý đổ sụp trong một vài giờ đồng hồ. Quân đoàn 4 đang trú đóng ở miền Nam nước Pháp tự ý bỏ chạy. Chỉ nghe thấy kêu đùa “Y Tedeshi” (quân Đức tới) cũng đủ làm cho các sĩ quan Ý sám xanh mặt. Nhiều kho lương thực của quân đội bị dân chúng xống vào cướp phá. Chỉ cần 10 quân quốc xã là thừa đủ để tước khí giới của cả một trung đoàn Ý. Đức bắt quân sĩ Ý lên xe lửa, ngoài mỗi toa kẻ chữ vôi trắng “Badoglio Truppen” (Lũ Badoglio phản bội), đưa về Đức cho làm lao công.
Vài nơi khác, mỗi ngày thường có xe đi kêu gọi người Ý hãy mang súng ra nộp cho quân chiếm đóng. Các đảng phái liên kết nhau lập mặt trận thống nhất để vũ trang đấu tranh với bọn quốc xã, ném lựu đạn, nổ mìn phá cầu, đường v.v…
Ngày 9 tháng 9, quân đồng minh tăng viện đổ bộ lên miền Nam nước Ý, cùng ngày tại Rome, chính phủ fát xít được thành lập do Vittorio Mussolini, Pavolini, Farinacci và Preziozi. Nhưng Hitler không mấy hài lòng vì ông chỉ tin một mình Benito Mussolini thôi.
°
Ngày 12 tháng 8, Skorzeny lên đỉnh Gransasso giải cứu Mussolini. Làm thế nào cho quân canh không bị hoảng sợ mà giết mất tù nhân quan trọng đó? Gransasso là một khách sạn do một người Anh xây trên đỉnh núi. Muốn lên đấy phải đi bằng tàu điện móc vào dây cáp (funicular railway).
Hai giờ sáng, tiểu đội S.S. do Skorzeny nhảy dù xuống chiếm ga xe điện. Để chặn phản ứng của lũ quân canh phòng có thể giết tươi Mussolini, Skorzeny liền bắt cóc luôn tướng Soleti đem lên Gransasso. Soleti là vị tướng trực tiếp chỉ huy khu vực Gransasso. Mussolini đang đứng bên cửa sổ trầm tư, bỗng thấy tướng Soleti xuất hiện đằng sau có năm bảy viên sĩ quan Đức. Quân canh ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bởi vậy khách sạn Gransaso bị chiếm rất lẹ làng, bọn lính Ý người thì bỏ chạy, người thì đầu hàng. Vài phút sau, đại tá Skorzeny đã đứng trước mặt lãnh tụ fát xít. Ông rất đỗi ngạc nhiên vì Mussolini trông già sọm, đôi mắt không còn lấy chút tinh anh, vẻ mặt chán nản như đành cam chịu số kiếp, râu tóc mọc lờm sờm. Lãnh tụ cười bắt tay Skorzeny, cảm ơn và xin đưa mình về Rocca della Caminate, biệt thự mà Mussolini ưa thích. Nhưng chiếc máy bay Cigogne đã hạ cánh ngay trên sân khách sạn Gransãsso, phi công Gerlach đưa Mussolini và Skorzeny đi.
Kế hoạch Eiche hoàn toàn thành công. Câu tuyên bố: “Mussolini sẽ không thể ra khỏi đất Ý mà còn là người sống” của thống chế Badoglio lúc này là câu tuyên bố láo khoét.
Đổi máy bay Mussolini sang chiếc máy bay Heikel tới Vìenne rồi Munich gặp lại tất cả gia đình ông. Rachèle và các con bị quản thúc tại Rocca della Laminate mất hơn một tháng.
Ngày 14 tháng 9, Hitler tiếp Mussolini với thái độ vui sướng thân mật, họ thảo luận các vấn đề dưới nhà hầm cốt sắt, bản doanh của quốc trưởng Đức tại Rastenburg.
Ngày 15 tháng 9, hãng thông tấn D.N.B. của Đức loan tin: “Mussolini trở về lãnh đạo fát xít ở Ý”. Kèm theo bản tin này là nguyên văn 5 nghị định mới do Mussolini vừa ký.
Thứ nhất gửi cho các bạn trên khắp lãnh thổ Ý. Kể từ hôm nay 15 tháng 9, tôi nắm lại quyền lãnh đạo fát xít Ý cho năm thứ 21 của thời đậi fát xít.
Thứ hai, tôi chỉ định Alessandro Pavolini làm tổng thư ký đảng quốc gia fát xít (P.N. F.) nay đổi là đảng fát xít cộng hòa ( P.F.R. Partito Fascists Republicano ).
Còn ba nghị định khác nữa đều liên quan đến việc tái lập đảng fát xít.
Ngày 17 tháng 9, Mussolini về Munich, nới ông trú ngụ, línhS.S. canh phòng nghiêm mật. Chỉ có một mình Anfuso được ra vào dễ dãi mà thôi. Muốn liên lạc với bên ngoài, Mussolini phải dùng hệ thống điện thoại của Gestapo.
Người đến thăm Mussolini đầu tiên là Ciano. Nhờ Edda, con gái Mussolini khóc lóc với cha dàn hòa nên mới có cuộc gặp gỡ này, vì thương Edda, Mussolini nguôi giận ông con rễ bội bạc.
Sau Ciano là Farinacci cùng nhiều nhân vật fát xít khác.
Ngày 18, Mussolini nói trên đài phát thanh Munich
“Những người anh em nam nữ sơ mi đen, sau thời gian khá lâu im lặng bây giờ tiếng nói của tôi lại đến với anh em, chắc anh em đã nhận ra nó… Đức quốc xã là người bạn chân thành của chúng ta… Chúng ta hãy tiêu diệt bọn nhà giầu ăn bám, hỡi anh em thợ thuyền nông dân, anh em tiểu công chức, nhà nước vừa xây dựng là của anh em”.
Tiếng nói Mussolini nghe nhạt nhẽo, bài diễn văn nội dung nghe nghèo nàn, mị dân một cách kệch cỡm.
Cùng ngày 18, hồi 21 gìờ 30, Claretta Pétacci vừa được quân Đực giải phóng, ngồi đợi ở phi trường Ghedi chờ máy bay đi Munich, lắng nghe tiếng nói của người yêu, nàng khóc nức nở vì mừng tủi.
NỀN CỘNG HÒA PHÁT XÍT
°
Đức không thể trả lại quyền cho Mussolini ở Rome bây giờ được coi là thành phố mở ngõ (ville ouverte), chế độ cộng hòa fát xít đành phải đặt thủ phủ ở Salo. Nội các Mussolini mới có thống chế Graziani điều khiển bộ quốc phòng, Buffarini giữ chức tổng trưởng nội vụ v.v… Mỗi bộ trưởng hay nhân vật quan trọng bên cạnh Mussolini, ai cũng có mưu đồ chính trị riêng, ai cũng thu thập nhiều tay chân võ trang để bảo vệ mưu đồ chính trị riêng tư của mình. Bọn tay chân thành phần lung tung vì tổ quốc có, vì đói có, vì muốn trả thù có, vì mong cướp bóc có, đa số dưới 20 tuổi, ưa gây gỗ, hiếp tróc, sợ ra trận.
Ngày 2 tháng 10 năm 1943, cộng hòa fát xít Salo công nhận một đồng “mác” chiếm đóng của Đức ăn 10 đồng “lires” Ý.Đoàn S.S dưới quyền đại tá Wolff kiểm soát chặt chẻ nhất cử nhất động của cộng hòa fát xít, mọi sự giao dịch điện thoại đều phải qua trung tâm điện thoại S.S.
Mussolini gửi thơ cho Hitler đòi cho mình quyền tự trị nhiều hơn nữa, lời lẽ như sau:
“… Chính phủ cộng hòa mà tôi được hân hạnh lãnh đạo chỉ có một nguyện vọng và một mục tiêu đưa nước Ý vào vị thế chiến tranh của nó. Nhưng muốn đạt tới kết quả ấy, điều quan yếu là chức quyền quân sự Đức ở đây phải hạn chế hoạt động trong phạm vi quân sự, phần còn lại hãy giao phó hoàn toàn cho chức quyền quân sự Ý.
“Không được như vậy thì cả dư luận trong nước lẫn ngoài nước sẽ coi chính phủ là bất lực, bản thân chính phủ tôi sẽ rơi vào sự hỗn loạn để trở thành một trò cười. Tôi xin ngài sớm thực hiện những điểm mà tôi vừa trình bày. Sự quan trọng không chỉ liên quan với Ý mà còn với Đức nữa”.
Hitler đọc thư nhưng không trả lời.
°
Mùa đông 1943 thật thê thảm, mưa ngày mưa đêm tầm tả, đâu đâu cũng chỉ thấy bùn bầy nhầy nhớp nhúa. Quân Anh Mỹ củng cố trận tuyến suốt từ Cassino đến Orsona.
Nhân dân sống trong vùng tạm chiếm của quân Đồng Minh rất tự do nhưng nhà cửa nếu không bị bom đạn đồng minh phá nát thì cũng bị mìn Đức đánh sụp. Hàng đêm máy bay quốc xã tới bắn đốt liên miên. Bệnh sốt chấy rận thành dịch lan tràn khắp thành phố chỉ sống bằng nước hồ ao. Tìm cho ra miếng ăn là chuyện hết sức khó khăn, đường giao thông đầy hố mìn kẽm gai, đường xe lửa không còn sử dụng được nữa. Ở Lucanie, xe lửa mất đường rầy trật bánh ngay trong hầm núi, hành khách bị ngạt thở chết mấy trăm người. Dân chúng buôn bán với nhau qua lối đổi chác, người thành thị mang đồ vật, quần áo đổi cho nông dân lấy rau trái. Ăn cắp, ăn cướp, gái điếm là nghề kiếm sống đông đảo nhất. Đâu dâu cũng chỉ thấy đói khổ, tuyệt vọng và thối nát.
Anh Mỹ chưa thừa nhận nhà vua và chính phủ của thống chế Badoglio nên nhân dân trong khu vực Anh Mỹ vẫn chịu thân phận nhục nhã của một nhân dân nước thù địch bị bại trận, sống hay chết chẳng ai quan tâm.
°
Mussolini và gia đình trú ngụ tại biệt thự Feltninelli rộng lớn, có 30 lính S.S. của Đức canh giữ dưới quyền chỉ huy của trung úy Dykernoff.
Từ 8 giờ 30 sáng, Mussolini tiếp khách tớí 14 giờ 30 trưa, sau khi nghỉ để dùng cơm khoảng 1 tiếng đồng hồ. Từ 16 giờ lại làm việc đến 21 giờ.
Làm việc gì?
Max Gallo viết: “Chẳng có việc gì làm cả, ông chỉ ngồi đọc hết các báo, lấy bút chì xanh gạch tứ tung, hoặc viết bài cho báo “Corriere della Sera” tố giác sự thực trong âm mưu và bội phản của nhà vua”.
Khách là những ai !
Max Gallo viết: “Phần lớn là người nhà”.
Thời kỳ này Mussolini ưa nói huyên thuyên với bất cứ ai về mọi chuyện lịch sử, văn học, chính trị. Có hai kẻ phải chịu cực hình tối nào cũng phải ngồi nghe là Morell và Zacbariae, hai nhân viên tâm phúc của Gestapo.
Người Đức hết sức hạn chế sự đi lại của Mussolini lấy cớ có thể gặp bọn khủng bố sát hại.
Max Gallo viết:”Nền công hòa fát xít hệt như một đức hí họa vẽ lại thời huy hoàng của chế độ fát xít ngày xưa bằng những nét rất ư là hề và nhăn nhố. ( La République semble ainsi la caricature, une caricature bouffonne et grimaçante du régime fasciste du temps de la splendeur).
Quyền lực của nền cộng hòa ấy khi ra khỏi bàn giấy của Mussolini và các bộ trưởng là chẳng còn gì.
°
Claretta Petacci đến Salo, nàng ở Vìlla Fiordaliso khu Gardone. Biệt thự này do quân SS. canh giữ. Tầng trên là tòa đại sứ Nhật. Nàng được tới đây vì Hitler muốn thế, nàng đã bị cầm tù do những liên hệ với Mussolini vậy thì Mussoilni không có quyền bỏ rơi nàng.
Mussolini cũng đã nguôi dàn cái ý chí kiên quyết cho một sự đoạn tuyệt. Ông muốn quên đời trong vòng tay người tình cũ. Mỗi buồ trưa ra bằng cổng sau với chiếc xe nhỏ ông phóng nhanh đi tìm Claretta.
Ban đầu, toàn thể cán bộ fát xít đều phản đối, lấy cớ rằng con yêu nữ sẽ làm ô danh chế độ thêm lần nữa, cô Claretta nghĩa là có cả gia đình điếm đàng vớì Marcello Myriam…
Nhưng rồi chính những vị cán bộ cũng quên luôn”con yên nữ”, mà trở lại cái bản chất “thủ đoạn vặt” để thì thụt mách nước sủi bẩy Claretta mong làm hại kẻ thù chính trị.
.
Tháng 3 năm 1944, Mussolini tiếp kiến một cô gái tóc bạch kim tên Elena Curti. Được tin, Claretta ghen lồng lộn. Nghe đâu Elena là đứa con rơi của lãnh tụ.
Tháng 10 năm 1944, Rachèle xông đến Vìlla Fiordaliso gặp con đĩ Claretta, bà la lên chửi rủa hết điều, còn Claretta thì khóc sướt mướt, nàng tự biện bộ bằng cách đưa Rachèle coi những bức thư tình thấm thiết mà Mussolini ghi cho nàng. Buổi tối hôm ấy, Mussolini thấy tốt hơn là không về nhà, ông ngũ lại sở.
Ngày 13 tháng 10 năm 1943, nội các quyết định thành lập một tòa án đặc biệt sử tội những người của đại hội đồng trung ương đảng đã phản bội lãnh tụ. Nghị đinh thành lập tòa án viết rằng:
“Chính biến ngày 25 tháng 7 là vụ phản bội lớn lao trong lịch sử nước Ý. Một âm mưu nhẫn tâm của nhà vua cùng với vài tướng lãnh, vài cao cấp đảng, các bộ trưởng họ là những người đã từng được hưởng lợi lộc của chế độ fát xít, đã đâm sau lưng chế độ tạo thành hỗn loạn cho xứ sở đang lúc lâm nguy khi quân thù vừa dẫm bước lên quê hương. Sự phản bội của nhà vua hãy để cho lịch sử và nhân dân phán xét, nghị định này chỉ xét xử những kẻ đã bội phản nhiệm vụ công dân và bội phản lời thề fát xít, chúng sẽ bị lên án nặng nề”.
( The coup d’ Etat of July 25 has faced Italy with the greatest betrayal in recorded history. A sinister plot involving the King, certain generals, party leaders who more than any others had derived advantages from fascism, struck the regime in the back, creating disorder and confusion in the country at the agonizing moment when the enemy was setting foot on thè soil of the Fatherland. The treachery of the King can be left to the judgment of the people and of history; it is however, only right that the treason of these who violated not only their duty as citizens but also their oath as fascism should be severely repressed ).
Thành phần tòa án đặc biệt gồm những người fát xít đã chứng tỏ dạ trung kiên. Chủ tịch là Ado Vecchini, các người khác do Pavolini đề cử.
Ngày 14 tháng 11, đại hội đầu tiên của đảng fát xít cộng hòa họp tại Vérone, một tỉnh còn mang vết tích thời trung cổ.
Mussolini không tới dự, chỉ gửi thông điệp cho đại hội để Pavolini tuyên đọc thôi. Câu mở đầu của đức thông điệp như sau:
“Toàn dân một lần nữa nổi dậy vũ trang để đấu tranh cho nền cộng hòa xã hội, nghĩa là giai đoạn chuyển hình đầu tiên của fát xít cách mạng”.
Cả hội trưởng đứng lên hoan hô “Duce! Duce” như truyền thống. Rồi tổng thư ký đảng đọc diễn văn, rồi đến phút mặc niệm Ettore Muti, vị tổng thư ký đảng bị chính quyền Badoglio bắn chết.
Xế trưa, thảo luận đang tiếp diễn thì một số đồng chí giao cho Pavolini một phong thư yêu cầu đọc cho đại hội nghe. Hội trường yên lặng. Pavoiini bằng một giọng trầm đọc:
“Đồng chí ủy viên vùng Ferrare, ba huy chương bạc, hai huy chương đồng đã bị ám sát bằng sáu viên đạn súng lục. Chúng tôi đòi hỏi một sự trả thù đích đáng cho ủy viên Ghisellini”.
Thế là toàn hội trường vang lên tiếng hò hét:
“Hãy đến Ferrare trả thù cho đồng chi Ghisellini. Tất cả hãy đến Ferrare lập tức”.
Sau mấy phút yên lặng, Pavolini ra lệnh cho đồng chí fát xít ở Ferrare hãy đem các đội “Squadra” đi trả thù. Ngay buổi tối hôm đó, gần 20 người dính líu đến vụ giết Ghisellini bị fát xít đuổi bắt đánh đập đến chết.
Ngày thứ nhì, đại hội đảng thông qua chương trình 18 điểm, đặt trên ba phương châm: “Đấu tranh, nỗ lực làm việc và chiến thắng” (Combattre – Travailler – et Vaincre).
VỤ ÁN VÉRONE
Tháng 10 năm 1943, Ciano con rể Mussolini, cựu tổng trưởng ngoại giao đã phản bội cha vợ trong vụ bỏ phiếu truất phế ngày 25 tháng 7, hãy còn ở Đức và cho vợ là Edda về Salo để vận động. Ciano hy vọng mình sẽ được Mussolini mời vào nội các.
Đột nhiên ngày 19 tháng 10, do sự can thiệp của Đức, Ciano bị giải về Ý như một trọng phạm sẽ đưa ra tòa án xét xử. Trên chuyến xe lửa từ Munich đến Vérone, Ciano đi với Frau Beetz, mật vụ Gestapo và hai đội viên S.S Tới Vérone, Ciano bị tống giam ngay, nơi giam là nhà tù Scalzi.
Danh sách tội phạm tất cả là 18 người đều là những cao cấp đảng có chân trong đại hội đồng trung ương đảng đã theo phe Grandi chống lại Mussolini nhưng chỉ có sáu người bị bắt là Ciano, Gottardi,Marinelli, Pareschi, Cianette và De Bono. Một mình De Bono được nhốt riêng không phải chịu chế độ nhà giam. Grandi trốn đi Lisbon, những người khác biệt tích.
Sỡ dĩ có vụ án Vérone là vì từ lâu, Đức quốc xã để ý thù hận Ciano đã tỏ ra chống quốc xã.
Frau Beetz, người đi áp giải Ciano về Vérone là một nữ mật vụ nhan sắc. Biết Ciano là tay hiếu sắc nên cơ quan mật vụ Đức đã giao phó cho Beetz sứ mạng dùng nhan sắc của cô moi cho bằng được cuốn “sổ tay chính trị” mà Ciano viết bao lâu nay. Nhưng Ciano đã giao cuốn đó cho vợ đem đi Thụy Sĩ dấu cất rồi.
Ngày 23 tháng 12 năm 1943, Ciano ở trong sà lim viết tiếp vào tập số tay chính trị những dòng sau đây: “Mấy hôm nữa một tòa án của lũ tay sai sẽ dựng lên do quyết định của Mussolini đi xử một vụ án lịch sử. Mussolini và tập đoàn có mồi đĩ điếm đã đầu độc chính trị của xứ sở này, đã đưa đất nước vào con đường nguy vong”.
Ngày 8 tháng 1 năm 1944, 6 trọng phạm gặp lại nhau tại một phòng xử cổ kính. Hai tên S.S. mở cửa sà lim, vừa trông thấy Ciano, đã nói lớn: “Ta ngửi thấy mùi thối tha của sự chết đây rồi” (Oh puanteur de la mort).
Phiên xử kéo dài hơn hai ngày mới xong. Tất cả các tội phạm đều tỏ ra bình tĩnh. Chỉ có Marinetti lê lết khóc lóc.
Ngày 10 tháng 1 năm 1944, hồi 10 giờ 45, ông chánh án đứng tuyên đọc bản án. xử 17 người tù binh, riêng Cianette 30 năm cấm cố. Như vậy, Ciano, De Bono, Gottardi, Pareschi, Marinelli sẽ lãnh án tử. Marinetti điếc nặng không nghe rõ bản án mới hỏi Ciano.
Ciano trả lời: “Đồng chí cũng bị tử hình như tôi”. Marineltti ngất xỉu ngay trong phòng xử.
Bên ngoài, đoàn viên “Squadra” áo đen la hét: “Giết chết hết tụi nó, giết hết!”.
Hay tin chồng bị kêu án tử, Edda chạy đến Frau Beetz hứa nếu Beetz cứu thoát Ciano, bà sẽ giao cho cô ta tập sổ tay chính trị, mặt khác Edda quì xuống chân Mussolini vật vã xin tha. Nhưng cả Edda lẫn Beetz đều gặp bộ mặt lạnh như băng của Mussolini với câu nói rắn đanh: “Đối với tôi thằng Cianó đã chết từ lâu rồi”
Ngày 11 tháng 1 năm 1941, hồi 5 giờ sáng, các tử tội bị gọi dậy. Trời rét. Người ta còng tay các tử tội đem lên xe bít bùng chạy tới ngôi thành cổ San Procolo. Ở đấy 25 binh sĩ fát xít túc trực sẵn. Các tử tội mỗi người bị trói vào một chiếc ghế quay lưng vào đội quân xử bắn. Marineili vùng vằng la hét. De Bono nói với cha Zilli lời vĩnh biệt gia đình. Gottardi và Pareschi kêu: “Nước Ý muôn năm!”
Tiếng hô bắn nghe lạnh buốt xương.
Bốn chiếc ghế đổ xuống, môt chiếc vẫn đứng nguyên. Phải bắn thêm một loạt đạn nữa vào chiếc ghế vững đứng nguyên đó, nó mới chịu ngã ra.
Rồi mỗi tữ lội bị bắn một phát súng ân huệ vào đầu cho chết hẳn.
Toàn bố cuộc xử hắn được quay phim.
9 giờ sáng, đài phát thanh loan tin những kẻ phản bội đã đền tội nơi pháp trường. Đài phát thanh vang lên bài ca: “Giovinezza, jeunesse printemps de beauté”.
°
Cùng lúc với vụ án Vérone, khắp nơi có nhiều lãnh tụ fát xít bị dân chúng hoặc đảng phái ám sát như Resega ở Milan, giáo sư Bucati, ký giả Capelli, tướng Parodi, đại tá Gobbi, lãnh sự Marabini và lý thuyết gia fát xít Giovanni Gentile, nhà triết học tiếng tăm qiiốc tế
VIA RASELLA
Ngày 22 – 1 năm 1944, sáng sớm dân Ý thấy hàng đoàn công voa chở lính nhảy dù Đức ầm ầm chạy qua Rome đi về phía Anzio cách Rome gần trăm cây số. Tin quân Anh Mỹ đổ bộ lên Aozio lan từ tai người này sang tai người khác thật nhanh. Ai nấy hy vọng giờ giải phóng sắp tới. Nhưng hy vọng tiêu tan ngay vì quân Đức kịp thời đổ xuống ngăn chặn. Aazio thu hẹp lại thành một đầu cầu chưa thể mở rộng mặt trận ra được.
Mùa xuân năm 1944, cuộc kháng chiến chống Đức của dân Ý phát triển mạnh, đánh phá khắp nơi làm cho quân quốc xã tức điên cuồng triệt để dùng chính sách khủng bố man rợ để trả thù.
Tháng 3 năm 1944, thợ thuyền bất chấp sự cùm kẹp của fát xít và quốc xã phát động phong trào bãi công.
Chính thể cộng hòa fát xít càng ngày càng bị cô lập. Togliatti lãnh tụ đảng cộng sản từ Mạc Tư Khoa về nước chấp thuận gia nhập nội các Badoglio, kéo theo nhiều đảng phái chống fát xít khác.
Giữa lúc Mussolini phải đối phó với trăm ngàn chuyện khó khăn thì vụ Rasella xảy ra.
Ngày 12 tháng 3, đức giáo hoàng Pie XII nói chuyện với dân chúng trước công trường Saint Pierre, tiếng hoan hô “Pace Pacelli, Pace Pacelli” dậy đất bỗng có nhiều tiếng hô khác xen vào: “. Bọn Đức cút đi”. rồi truyền đơn bay như bươm bướm.
Ngày 23 tháng 3, ở đường Via Rasella, một người phu quét đường đang đẩy chiếc xe rác, vừa tới đầu phố thì gặp một đội lính Đức, hắn liền châm ngòi nổ trong xe rác và chạy trốn thật mau. Mìn nổ tung; độ năm chục lính Đức nằm la liệt xuống đất.
Thế là lập tức khu phố Via Rasella và mấy khu chung quanh bị lính S.S xông vào lục soát đánh đập. Tướng Đức Maelzer toàn quyền Rome đánh điện về thỉnh ý quốc trưởng, Hitler ra lệnh làm cỏ cả khu đó. Cuối cùng, biện pháp giết con tin được đem áp dụng, cứ mỗi người Đức bị thương thì mười con tin sẽ bị đem bắn. Trước hết là những tù chính trị, những dân Do Thái, Đức lôi ở các nhà tù ra tổng cộng 335 người bịt mắt đưa lên xe tới mội hầm đá, bắn cho mỗi nạn nhân hôm ấy có đại tá Montezemolo, mấy vị tướng, vài nhà báo, ba bốn chuyên viên điện ảnh. Cuộc tàn sát kéo dài từ tối 24 đến 9 giờ sáng ngày 25.
Toàn thể Rome chìm trong không khí hãi hùng. Không một ai dám ho hen động đậy. Quốc xã chỉ mong có vậy thôi. Rome cách mặt trận chưa đầy trăm cây số hãy cứ nằm im chịu trận, đừng nói chuyện nổi dậy.
Vụ tàn sát Rosella làm lòng yêu nước của Mussolini vùng lên, ông gắt om tỏi trong dinh trách móc Hitler bây giờ coi rẽ tính mạng người Ý như đã coi rẽ tính mạng dân Ba Lan, ông quyết chẳng chịu nhịn mãi.
Ngày 22 tháng 4, Mussolini đến Klasseim gặp Hitler để hỏi cho ra nhẽ. Hai người thảo luận ở lâu đài mà trước đấy Ciano và Ribbentrop vẫn ăn cơm với nhau. Hitler bây giờ già yếu lắm, hay cáu kỉnh chốc chốc lại phải uống thuốc. Mussolini ngồi kể lể những nỗi khổ cực của mình, Hitler im nghe không buồn ngắt lời. Thống chế Graziani trình lên một danh sách ghi đủ thứ cần thiết xin viện trợ. Hitler chỉ đảo mắt nhìn qua.
Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà độc tài lần này thật hờ hững vô vị, không một vấn đề gì được giải quyết.
°
Ngày 11 tháng 5 năm 1944, chiến trận lan tới Rome. Đồi Cassin bị chiếm hôm 18. Tới 23 tháng 5, sư đoàn 5 của Mỹ đổ bộ lên Anzio. Tướng Juin chỉ huy quân Pháp chọc thủng Carigliano.
Ngày 2 tháng 6, quân Đồng Minh chỉ còn cách Rome mười mấy cây số. Tướng quốc xã Maelzer suốt ngày uống rượu say khướt. Fát xít bảo nhau chạy trốn, hàng đoàn xe lục tục kéo lên hướng Bắc. Điện bị cúp.Cảnh sát fát xít vứt bỏ dấu hiệu fát xít đi đeo dấu “Stelletta”, ngôi sao năm cánh của quân đội nhà vua.
Rome vẫn im lìm không có nổi dậy. Các đội S.S. quốc xã rút đi mang theo tù nhân rồi hạ sát tất cả bằng súng tiểu liên bỏ xác ngoài khu ngoại ô thành phố.
Ngày 4 tháng 6 năm 1944, Rome được giải phóng.
Ngày 17 tháng 6, cờ Pháp bay trên lâu đài Incisa, nơi cách đây bốn năm, Pháp ký đình chiến.
Ngày 6 tháng 6, Đồng Minh đổ bộ lên Normandie.
Ngày 10 tháng 6, chính phủ Bonomi được thành lập với 6 lãnh tụ của C.L. N. Liên ủy ban giải phóng quốc gia trong đó có Bernedetto Croce, De Gasperi, Saragat Togliatti. Vua Victor Emmanue lIII thoái vị nhường ngôi cho thái tử Umberto.
Fát xít cầm cự, toàn thể đảng viên vũ trang chống xăm lược Anh Mỹ, nhưng sức cứ đuối dần, quân Đồng Minh thến hư chẻ tre.
Ngày 15 tháng 7, Mussolini từ Ciargnauo sang Đức cùng với đứa con trai Vittorio và thống chế Graziani bằng chuyến xe hỏa đặc biệt.
Trên đường đi chốc chốc bố con ông ta lại phải nhảy khỏi xe lửa núp xuống hầm hộ vệ đường vì bị máy bay Đồng minh tấn công.
Mussolini gặp Hitler ở Goelitz lúc 16 giờ ngày 20 tháng 7 năm 1944. Hitler cùng đứng với Himmler, Ribbentrop và Bormann, mặt nhợt nhạt, tay băng bó. Mussolini ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì Hitler đã bước tới vỗ vai nói: “Chúng vừa cho mìn nổ ám hại tôi”. Đó là vụ đại tá Von Stauffenherg âm mưu với một vài tướng lãnh giết Hitler.
Tối hôm ấy, Mussolini dự họp với các cao cấp quốc xã, ông ngạc nhiên thấy họ cãi nhau inh ỏi. Ribbentrop chửi Goering. Đô đốc Doenitz lên án không quân và lục quân bất lực. Còn Hitler vẫn buồn bực việc ban trưa hét lên: “Ta sẽ cho cả gia đình vợ con ông già bà già của chúng vào trại tập trung ráo”.
Lần đầu tiên Mussolini nhìn rõ sự sợ hãi và sự hằn học oán ghét lẫn nhau giữa các Iãnh tụ quốc xã. Nhưng Mussolini lại vững dạ ngay khi nghe Hitler cho biết về sức mạnh, của những vũ khí bí mật mà quốc xã sắp tung ra mặt trận.
Trở về Gargnano, Mussolini gọi điện thoại cho Caaretta Pétacci giọng vui vẻ nói: “Em ơi, cả Hitler cũng bị phản”.
Các tỉnh Arezzo, Sienne, Livourne, Pise lần lượt rơi vào tay đồng minh. Tỉnh Florence, quân kháng chiến vũ trang nổi dậy đánh quân Đức, họ phá đổ cây cầu Arno, nước và lương thực trong thành phố thiếu và quân kháng chiến đảm nhiệm việc tiếp tế.
Ngày 11 tháng 8, Florence được giải phóng. Liên ủy ban giải phóng quốc gia (C.L,N. ) chỉ định vị thị trưởng là người của đảng xã hội, khi quân đồng minh đến nơi thì mọi sự đã sắp xếp xong xuôi.
Mussolini và Pavolini bàn luận quyết định di tản nền cộng hòa fát – xít ra các vùng rừng núi, điều quan trọng là tồn tại để chờ phe đồng minh Anh-Mỹ Pháp xung đột cấu xé nhau rồi hãy tính.
Dấu hiệu về sự mâu thuẫn nội bộ đồng minh tỏ lộ vào ngày 13 tháng 11 năm 1944, tướng Anh H.B. Alexander gửi lời hiệu triệu tới các tổ chức yêu nước kháng chiến Ý kêu gọi:
a) Hãy ngưng ngay tất cả các cuộc hành quân đại qui mô, đừng trông đợi đồng minh sẽ tấn công mùa đông này, cũng đừng trông đợi những tiếp tế võ khí và thực phẩm do máy bay đồng minh thả dù xuống nữa.
b) Đợi lệnh mới trong vị thế phòng thủ.
Lời hiệu triệu của tướng Alexander rõ ràng là một mệnh lệnh “giải ngũ” toàn thể quân kháng chiến Ý. Sở dĩ Anh Mỹ làm vậy là vì lo ngại đảng xã hội cùng những đảng khuynh tả thân Nga có thể đoạt mất nước Ý.
Chỉ có ủy ban giải phóng vùng cao nguyèn Ý không chịu trả lời tướng Alexander rằng: “Chiến tranh du kích kháng chiến của nhân dân Ý đâu phải là một trò chơi xa xỉ hay một hành động tùy hứng để rồi lúc nào muốn thôi cũng được. Trước sau nó là một nhu cầu”. ( La lutte des partisans pour le peuple Italien et pour chaque combattant n’a pas été un caprice ou un luxe auquel on puisse renoncer quand on veut. Elle a été une nécessité).
Sự bướng bỉnh đã làm cho phe đồng minh Anh Mỹ Pháp nhượng bộ mà thừa nhận kháng chiến quân với điều kiện mỗi khi giải phóng chỗ nào xong, kháng chiến quân phải trao lại quyền tư lệnh cho giới chức quân sự đồng minh.
Ngày 26 tháng 12, chính phủ Bonomi thừa nhận luôn uy quyền của ủy ban giải phóng cao nguyên Ý và coi ủy ban này làm đại diện chính thức cho chính phủ ở đây.
Tuy có những giải pháp chính trị để giữ khỏi đổ vỡ nhưng đời sống kháng chiến quân hết sức cơ cực, chịu đói rét, chịu sự tấn công nặng nề của Đức, khiến lực lượng bị tổn hại nặng đồng thời nó làm uy tí fát xít tăng lên.
Ngày 16 tháng 12, Mussolini đọc diễn văn tại Milan giữa hội trường ầm ĩ tiếng hoan hô:”Các,đồng chí thân mến. Bọn Anh bị đánh bại rồi bởi vì quân đội Nga hiện tại đã ở bên bờ sông Vistule và sông Danube. Ông kể chuyện kháng chiến quân Hy Lạp đang nổi lên chống đế quốc Anh, chuyện Nhật Bản vẫn tiếp tục đánh thẳng trên mặt trận Thái Bình Dương, chuyện Đức sắp có nhiều vũ khi bí mật. Rồi ông kết luận: “Lý tưởng fát xít không thể bị hủy diệt. Lòng tin tưởng của chúng ta là tuyệt đối, hãy nhớ lại 20 năm oanh liệt, xiết chặt hàng ngũ sẵn sàng đòi lại những gì chúng ta vừa mất”. Cả hội trường đứng dậỵ hò hét “Duce! Duce! Duce!”
Hơn tuần sau, toàn bộ Pháp quốc được giải phóng, ở nước Ý các tỉnh Gênes, Venise, Bologne, Turin và Milan vẫn còn nằm trong tay fát xít. Hàng triệu cuốn sách in hình vụ nhân dân Varsovie nổi dậy chống Đức bị tàn sát, thây chất đống cao như núi. Fát xít đặt đề cho cuốn sách này là : “Nên nổi dậy chống Đức không?”
Ngày 1 tháng 1 năm 1945, Milan chìm trong sương mù lạnh buốt. Ngoài đường thưa người đi lại, vài mươi chiếc xe quân đội hoặc mật v quốc xã, đèn che lờ mờ. Mọi người sống lo âu, cay đắng. Lúc 19 giờ, các rạp Ciné mở cửa chiếu cho kịp giờ giới nghiêm. Rạp nào cũng đông vì trời lạnh, vì hôm nay là Tết dương lịch, vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục sống. Bất thần cùng một lúc tại nhiều rạp, đám đông nhốn nháo nhiều du kích quân kháng chiến bịt mặt, tay cầm súng, lăm lăm xuất hiện, họ về hô hào dân chúng nổi dậy và ca tụng kháng chiến.
Ở Gargnano, quân kháng chiến đột kích cách dinh Mussolini chưa đầy cây số.
Hy vọng một biến cố thay ổi ngược hẳn lại bằng chính trị quốc tế hay bằng vũ khí bí mật sắp tung ra bây giờ thành ảo vọng.
Cả Mussolini cũng biết vậy. Ông nói với một nhà báo đến phỏng vấn: “Đời tôi thế là hết. Ngôi sao của tôi tắt rồi, tôi đang đợi thảm kịch xảy đến. Tôi đã lầm và sẽ trả nợ nếu sinh mạng nghèo nàn của tôi có thể trả được.”
Tướng Wolff, tư lệnh S.S. bên Ý sai người đi Thụy Sĩ điều đình với Allen Dulles, người lãnh đạo các sở tình báo Mỹ xin đầu hàng. Wolff còn liên lạc với Đức Hồng Y Schuster, tổng giám mục Milan để thả tù, quà ra mắt của Wolff là lãnh tụ kháng chiến Ferrucio Parri.
Ngày 7 tháng 3, phòng tuyến Đức ở sông Rhin bị phá vỡ, quân đồng minh sang bờ bên kia bằng cây cầu Romagen. Hồng quần Nga chỉ cách Bá Linh hơn một trăm cây số.
Ngày 13 tháng 3, Mussolini sai con trai là Vittorio tìm đến hồng y Schuster, người mà Mussolini rất tin tưởng vì đức hồng y đã từng ca tụng Mussolini như những hoàng đế “ro manh” ngày xưa. Hồng y Schuster niềm nở đón tiếp và nhận những đề nghị thương thuyết của Mussolini gửi cho đồng minh nhờ ngài chuyển hộ. Mussolini đề nghị gì?
Trước hết lấy vùng Pô làm nơi thương thuyết. Chỉ có quân Anh Mỹ được đến đây thôi, quân của thống chế Badoglio, quân kháng chiến không được xâm nhập.
Mussolini muốn gặp các nhà lãnh đạo Anh Mỹ đem cái họa cộng sản ra, mong Anh Mỹ sẽ cộng tác với fát xít đễ Ý khỏi rơi vào tay cộng sản. Ông tin rằng Anh Mỹ không thù hận fát xít như dân Ý thù hận, hơn nữa thủ tướng Churchill là người bạn cùng chí hướng diệt bôn sê vích.
Đề nghị đưa đi, không thấy câu trả lời nào từ phía bên kia, cũng chẳng hiểu Đức hông y Schuster có làm công tác chuyển hộ hay không?
Ngày 9 tháng 4, Anh Mỹ mở cuộc tổng tấn công trên khắp tỉnh miền Bắc Ý,
Ngày 10 tháng 4, đảng cộng sản Ý truyền đi chỉ thị tổng khởi nghĩa. Ủy ban giải phóng cao nguyên đổi thành ủy ban khởi nghĩa.
Ở Đức, quân đội tan rã,sư đoàn 9 Mỹ tới Elbe.
Ngày 13 tháng 4, thành Vienne thất thủ. Ngày 16, Nuremberg thù phủ đảng quốc xã rơi vào quân Mỹ.
Vẫn nuôi hy vọng thương thuyết,vẫn tin hồng y Schuster, Mussolini đưa chính phủ cộng hòa fát xít về Milan, dù tỉnh này đã bị kháng chiến quân vây chặt, nhưng nếu thương thuyết xong thì mọi sự sẽ xong.
Tới Milan, Mussolini ở tòa tỉnh trưởng Via Monforte. Trông tình cảnh thật thê thảm. Kẻ què, người cụt chân, quân sĩ fát xít ăn mặc lem luốc nằm ngồi ngả nghiêng. Phòng Mussolini làm việc có lính S.S Đức đứng gác. Ông nói chuyện huyên thuyên, rồi ghi ghi chép chép, rồi đi đi lại lại suy nghĩ xem nếu minh lại lãnh đạo nước Ý nữa thì sẽ chia cho đảng xã hội bao nhiêu ghế, dán chữ thiên chúa giáo bao nhiêu ghế v.v…
Ngày 15 tháng 4, trong bữa cơm trưa, đại sứ quốc xã là Rahn biếu thống chế Graziani một khẩu “pistolet”. Đó là cử chỉ thay cho lời khuyên sau cùng của quốc xã cho fát xít.
Ngày 21, quân Anh Mỹ chiếm Bologne, ngày 24 spezia cùng chung số phận.
Ngày 23, 24 nhân dân Gênes vũ trang khởi nghĩa.
Ngày 25 tháng 4, hồi 8 giờ 30 Sáng, các đảng phải trong hàng ngũ kháng chiến họp đại hội thông qua một đậo luật gọi là “đạo luật giải phóng” có điều 5 ghi rằng: “Tất cả mọi nhân viên trong chính phủ fát xít; mọi cán bộ cao cấp fát xít có tội phá bỏ những bảo đảm hiến pháp, đã hủy hoại tự do, đã xây dựng chế độ fát xít, đã phản bội tổ quốc, đã gây nên thảm họa ngày nay đều bị tuyên xử tử hình, nhẹ hơn sẽ bị phạt tu khổ sai”.
CHẾT
10 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 4, kỹ nghệ gia Celle gặp các lãnh tụ kháng chiến tại tòa tổng giám mục để thảo luận những điều kiện mà Mussolini xin hàng nhờ Cella làm môi giời.
Kháng chiến quân bằng lòng gặp Mussolini. Ba đại diện được cử đi gặp Mussolini là tướng Cadorna, Marazza lãnh tụ đảng dân chủ Thiên chúa giáo và Lombardi thuộc đảng hành động. Họ nhận chỉ thị đòi đầu hàng vô điều kiện.
Lúc 15 giờ, Hồng y Schsuter đưa xe đón Mussolini. Ông đi cùng với bộ trưởng Zerbino, thống chế Graziani. Mussolini tới trước phái đoàn Cardorna.
Chừng mười phút sau, Cardorna tới. Hai bên thảo luận chẳng đem kết quả nào. Mussolini đứng dậy từ chối không chịu đầu hàng vô điều kiện. Ông trở lại tòa tỉnh trưởng. Trong khi Wolff để mặc cho quân kháng chiến tự do sắp xếp cuộc khởi nghĩa. Mussolini giận dữ nắm lấy cổ áo một tên lính S.S. la lớn: “Tướng Wolff của chúng mày đã phản bội tao”. Rồi ông ra lệnh sửa soạn thật mau xe cộ chuồn khỏi Milan ngay đi Côme lên miền Bắc, hoặc qua vùng Alpes hoặc sang Thụy Sĩ.
Đêm ấy, sau khi lãnh tụ fát xít bỏ đi, lực lượng tát xít Milan mạnh ai nấy trốn. Sức mạnh fát xít bây giớ còn lại không quá 30 chiếc xe cam nhông sốc xếch chạy trong nỗi lo âu trên đường đi Côme.
Nửa đêm thì Mussolini tới Côme, một tỉnh nhỏ vùng Bắc Ý ở chân đặng núi Alpes, nơi có nhiều nhà thờ đẹp và nổi tiếng ngành dệt lụa. Tiều tụy, mệt nhọc ông buồn bã nhìn sự vật, nhìn quá khứ huy hoàng đang rời rã dưới chân. Chỉ còn lại may man cuối cùng, đợi Pavolini tổng thư ký đảng sẽ đem lên đây cho ông 10.000 thanh niên fát xít sẵn sàng chết cho lãnh tụ như hắn đã hứa, tuy nhièn, cái may mắn ấy rồi cũng chỉ là một ý nghĩ để bấu víu thôi.
Buồn bã, Mussolini ngồi viết thư cho Rachèle:
“Rachèle yêu quí,
“Đây là quãng đường chót của đời anh, một trang sách cuối cùng. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ gặp nhau nữa, vì vậy anh mới viết cho em thư này. Anh xin em tha thứ cho tất cả những điều đau buồn anh đã gây ra cho em, anh đâu muốn thế. Nhưng em phải hiểu rằng chỉ có em, người đàn bà duy nhất anh yêu thiệt tình. Anh thề trước mặt thượng đế, anh thề trước linh hồn Bruno. Anh sẽ đến vùng Valteline. Còn em hãy mang con cái quá Thụy Sĩ họ sẽ không từ chối đâu bởi vì anh đã từng giúp đỡ họ, hơn nữa, em và các con nào có dính dấp gì đến chính trị. Trong trường hợp bị từ chối, em hãy ra đầu hàng quân đồng minh, chắc chắn người Anh Pháp Mỹ sẽ rộng lượng với em và các con hơn người Ý”.
Cuối thư Mussolini đề ngày 25 tháng 4 năm thứ 23 của kỷ nguyên fát xít và ký tên mình bằng mực đỏ.
Thư vừa được dán keo thì bên ngoài Clarettta Pétacci cũng vừa tới, nàng nhất quyết theo người tình. Mussolini lầu bầu khó chịu.
°
Sáng tinh mơ, đoàn xe lại sửa soạn lên đường, Rời khỏi Côme để đi tới Valteline. Mussolini không thể đợi Pavolini lâu hơn được.
Khỏi Côme 50 cây số, đoàn xe dừng trước hai ngả đường. Đi Valteline tổ chức chiến đấu? Nhưng chiến đấu bằng gì? Đi Thụy Sỹ lẫn trốn đợi thời, điều này thực tế hơn. Mussolini bảo dừng lại ở Menaggio để suy tính. Một chập sau là chiếc xe hiệu Alfa Roméo chất đầy vali trên xe có Marcello Pétacci và cô nhân tình của hắn ngồi với Claretta Pétacci, thêm hai đứa trẻ nhỏ con Marcello. Một chập sau nữa là xe của Pavolini tới chẳng có một ai đi theo cả.
Tiếng la hét, tiếng rồ máy, tiếng loảng soảng các đồ vật khênh lên vác xuống, người nào người nấy súng ống đạn dược đầy mình. Dân quận Menaggio hiếu kỳ mở cửa nhìn xuống hoặc đứng xúm xít trước cổng nhà nhìn tò mò và bàn tán.
Suốt ngày 26 tháug 4, Mussolini cứ tính đi tính lại mãi cho đến tối ông mới quyết định bỏ chương trình lập chiến khu lẫn trốn qua Thụy Sỹ chờ thời.
Mười hai giờ nấn ná, do dự ấy đủ cho kháng chiến quân bố trí bao vây khắp biên giới Thụy Sĩ, khí đã biết đầu đoàn fát xít chạy lên vùng này.
Tin tức cho biết đường bị bế tắc các ngả Mussolini tái mặt. Pavolini cúi mặt lo âu, Graziani lắc đầu thở dài. Cả đêm không ai ngủ, họ cố suy tính nghĩ ra một cách nào để thoát khỏi. Cho tới tảng sáng, họ nghe thấy nhiều tiếng xe cam nhông chạy rầng rầng, đó là đoàn xe quân đội Đức hướng về phía Thụy Sỹ. Mussolini chạy ra điều đình xin đi theo. Thiếu tá chỉ huy không từ chối. Đoàn xe quốc xã, fát xít lên đường. Mussolini cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn trong khi thế hùng dũng và hỏa lực sung túc của Đức, ông nghĩ phen này chắc qua nổi cơn đại họa.
Trong chiếc xe bọc sắt, Mussolini ngồi giữa chung quanh có Pavolini, Barracu, Bombacci với năm bảy thanh niên fát xít, mấy chú vô tư lự hát vang bài ca fát xít.
Ngày 27, hồi 6 giờ 30 sáng, tại làng Domaso, hai đại đội trưởng kháng chiến quân là Lazzaro và Pedro nghe máy vô tuyến truyền tin kêu cho biết có đoàn xe quân Đức đang đi về hướng Dongo, hãy chặn lại hết. Lập tức các chướng ngại vật tung ra đường, nào hàng rào kẻm gai, ụ đất, cây gỗ lớn ngổn ngang.
Hàng loạt súng liên thanh nổ rồn, xe bọc sắt hàng đầu bắn trả lại sối xả, một nông dân bị đạn rên la. Chừng độ chỉ có mấy chục phút ngắn ngủi thì đoàn xe Đức bắc loa xin nói chuyện. Họ vừa nghe tin quân Nga đã tiến vào thành phố Bá Linh, họ không muốn là những nguời chết cuối cùng của cuộc chiến, họ thấy đường đầy chướng ngại vật.
Pedro đưa ra những điều kiện sau:
A) Chỉ có lính Đức và xe quân đội Đức được đi tbôỉ. Những người Ý và các loại xe dân sự phải trao lại cho kháng chiến quân.
B) Tất cả các xe Đức phải chịu sự kiếm soát khi tới Dongo.
Viên thiếu tá xin nửa giờ để bàn thảo cùng bộ tham mưu của ông.
Lúc ấy là 12 giờ.
Tới 12 giờ 15, Bombacci đi tới bên cha xứ nói:
“Tôi là Bombacci tôi xin đầu bàng, xin cha gọi dùm một kháng chiến quân”. Tiếp đó là Barracu cũng nói câu tương tự,
Tới 12 giờ 30, thiếu tá Đức cho hay ông bằng lòng nhận hai điều kiện Pedro đã đưa ra.
Đoàn xe Đức chuyển bánh, lính Đức vẫy tay chào kháng chiến quân vui vẻ. Đoàn xe Ý bị chặn đứng lại. Đại tá Casalinuovo nhảy vọt ra khỏi xe bọc sắt hỏi kháng chiến quân: “Các anh sẽ quyết định thế nào đây? Các anh coi chừng chúng tôi dám làm bất cứ chuyện gì và chúng tôi không chịu đầu hàng đâu”.
Quân kháng chiến lờ đi không đáp lại. Nhùng nhằng một hồi lâu.
Khoảng 13 giờ, chiếc xe bọc sắt định vọt chạy thì một loạt súng nổ trước mũi xe, thêm mấy trái lựu đạn ném vào gầm xe không nổ vì chưa mở kíp. Những người fát xít đành chịu để kháng chiến quân bắt làm tù binh. Chỉ có Pavolini lao mình băng xuống triền đồi, chẳng ai thấy Mussolini đâu.
Ngày 27, hồi 15 giờ 30 tại Dongo, đoàn cam nhông dừng lại đễ cho kháng chiến quân kiểm soát. Giấy tờ lý lịch từng người đều phải đưa ra, mỗi xe đều bị lục xét.
Bỗng một kháng chiến quân chạy gọi Lazzaro bảo vừa nhận diện được cả Mussolini ăn vận quân phục giả làm lính Đức. Lazzaro liền đem theo mấy người khác đi thẳng tới xe nghi ngờ. Có tên lính Đức nằm dài trong ca bin, mũ úp sụp xuống mắt, cổ áo đưa lên cao, dáng dấp say sưa, có thể đó là tên lính Đức vừa nốc nhiều rượu.
Lazzato kêu: “Camerata”. Tên lính Đức nằm im. Lazzaro lại nói: “Excellence”. Tên lính Đức vẫn không nhúc nhích. Lazzaro quát to lên:’‘Benito Mussolini” rồi đưa tay hất ngay chiếc mũ rớt xuống sàn xe. Chiếc đầu nhẵn nhụi quen thuộc hiện ra, Lazsfaro tháo luôn chiếc kính đen đeo mắt. Mussolini chẳng cử động, chiếc súng tiểu liên cập giữa hai đùi bị kháng chỉến quân giật ra. Mussolini như một cái xác. Phải chăng cái sợ tràn ngập nó làm ông không nói được hay ông đã chán hết mọi sự trên đời mặc số kiếp muốn ra sao thì ra!
Lazzaro phải vực ông dậy. Người ta bu chung quanh. Tiếng la truyền đi: “Đã bắt sống được Mussolini ! Đã bắt sống được Mussolini!”
Ủy viên chính trị thuộc trung đoàn 52 kháng chiến quân tên Garibaldi dõng dạc ; “Nhân danh nhân dân Ý chúng tôi bắt ông”.
Họ dìu Mussolini từ trên xe xuồng đất, rẻ một lối đi trong đám đông ồn ĩ để đưa ông về tòa hành chánh.
Tới nơi, các cán bộ fát xít trên xe bọc sắt ban nãy đã được đưa tới đây; khi trông thấy lãnh tụ đều nhất loạt đứng dậy chào nghiêm chỉnh “Solvo Duce” Mussolini khẽ gật đầu.
Bên ngoài đám đông hét lên inh ỏi.
Xẩm tối. Pavolini tổng thư ký đảng, mặt bê bết máu, đôi mắt sợ hãi, sau lưng là hai kháng chiến quân bước vào tòa hành chánh.
Lần lượt Marcello, Claretta Pétacci cũng tề tựu đông đủ.
Nửa đêm, Mussolini bị bịt mắt đem đi chỗ khác, chỗ ấy là làng Germanésio, chỉ có một mình Claretta đi theo Mussolini do lời kêu nài van xin của nàng.
Đêm 27 tháng 4 tại Milan. Tin đã bắt được Mussolini báo về Milan khiến toàn bộ hàng ngũ kháng chiến xôn xao, nhất là những phần tử thiên tả là đảng cộng sản và đảng xã hội. Hai đảng này lo sợ Anh Mỹ đoạt mất lãnh tụ fát xít mang đi, vì Anh Mỹ trong cuộc thương thuyết ngày 8 tháng 9 năm 1941 với fát xít đã từng đưa điều kiện giao Mussolini cho đồng minh.
Phe tả họp hội nghị thông qua yêu cầu của lãnh tụ đảng xã hội Pertini:”Mussolini phải bị bắn chết như một con chó ghẻ”.
Nhưng quân đồng minh đang tiến rất mau lên hướng Bắc, cần hành động gấp. Đã có một sĩ quan Mỹ gốc Ý tên Daddario vừa từ Thụy Sỹ đến Milan, thống chế Grazziani ra đầu thú với hắn nên thoát chết.
Phe tả quyết định đặt Anh Mỹ trước chuyện đáng tiếc. Họ cử đại tá Valerio rồi vận động Daddario cùng các chức quyền quân sự kháng chiến cấp thông hành và những giấy tờ cần thiết khác cho Valerio lên đón Mussolini,
Daddario thật tình không hiểu rõ âm mưu của phe tả, còn tướng Cadorna thì nhìn thấy ngay. Nhưng phần quá bận công việc tiếp thu, phần khác ông cũng như tất cả mọi người kháng chiến muốn Mussolini bị trừng phạt xứng đáng, nhân dân Ý phải có quyền trả thù. Cho nên ông không làm gì để cản ngăn Valerio
Ngày 28 tháng 4 năm 1945, hồi 2 giờ 30 sáng, Valerio rời Milan bằng xe Fiat 1500, đem theo 15 quân kháng chiến trên xe cam nhông.
Họ tới Dongo lúc 13 giờ 30, Valerio vào tòa hành chánh gặp Pedro cho biết mình lên đây với sứ mạng xử tử Mussolini và Claretta. Ban đầu Pedro không chịu, Valerio phải thuyết phục mãi mới xong.
Pedro cho người dẫn Valerio đến chỗ giam Mussolini và Claretta.
Valerio gặp Mussolini nói: Tôi được lệnh tới đây giải cứu ngài. Chúng ta hãy đi ngay Milan, ngài sẽ gặp những người Anh Mỹ ở đó”.
Mussolini và Claretta không một cử chỉ kháng cự, ông đội chiếc “cát két” của thợ thuyền, nàng ngồi ngả vào vai người tình.
Xe chạy đến quãng đường vắng thì dừng lại, Valerio xuống trước bảo Mussolini và Claretta: “Các người hãy đứng ra chỗ kia”.
Trong khi Mussolini còn đứng ngơ ngác thì một loạt súng nổ, Mussolini quị xuống. Claretta thét lên kinh hãi, một loạt súng khác Claretta cũng gục xuống, máu trùm lên đám cỏ xanh.
Mussolini và Claretta cùng chết lúc chiều ngày 28 – 4-1945.
Valerio trở lại Dongo, cắt hai kháng chiến quân ở lại canh sác Mussolini. Đại tá đem luôn 15 cán bộ cao cấp fát xít ra trước tòa hành chánh bắn nốt. Trông thấy cả Marcello cùng đi, các cán bộ fát xít la lên: “Đuổi nó cút đi, nó không có quyền chết bên cạnh chúng tôi. Nó là tên phản bội”. Thế là Marcello bị tách khỏi.
Tiếng hô bắn! Những người fát xtt cao cấp ngã vật xuống co quắp dật dật vài cử động cuối cùng.
Marcello lừa lúc bất ý, tháo chạy nhảy xuống sông, quân kháng chiến trên bờ xả súng, bơi được mươi sải Marcello chìm nghỉm luôn.
°
Người ta quăng cả 18 xác lên cam nhông của Valerio.
Ngày 29 tháng 4 năm 1945, xe xác về Milan đi tất cả xuống công trường Loreto, đúng ngay chỗ mà lính Đức đã tàn sát mấy chục con tin hôm 14 tháng 8 năm 1944. Đống xác lại có thêm một xác khác nữa, đó là Starace vừa bị hành quyết,
Dân chùng ùn ùn kéo tới, kẻ đá người nhổ. Có người trong đám đông nói: “Hãy treo xác chúng lên như chó lợn”. Thế là 19 cái xác được treo tức khắc toòng teng đâu dộng xuống đất, mỗi cái xác đeo một tấm bảng viết bằng phấn ghi tên tuổi từng nhân vật đã một thời làm mưa làm gió.
Xác Mussolini thứ hai nhìn từ trái, Claretta thứ ba
Lời của Mussolini còn vẳng bên tai những người ngày nay còn nuối tiếc chế độ và chủ nghĩa fát xít: “Tôi không đến nỗi ngu ngốc để nghĩ rằng thiên hạ sẽ cho tôi yên nghỉ sau khi tôi chết. Chung quanh nấm mồ các lãnh tụ tạo công nghiệp lớn lao đảo lộn lịch sử mà chúng ta gọi là cách mạng không thể nào có sự bình yên”