Nguyễn Huệ anh hùng áo vải hay gian hùng áo vải?

quang trung.jpg

Trần Vũ Chung

Bài viết này đề cập tới “nhân vật Nguyễn Huệ” trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay còn gọi là An Nam Nhất Thống Chí của nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái, mọi sự kiện đều được trích dẫn từ tác phẩm này.

Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân xây dựng xiết bao công trình

Nguyễn Huệ hay còn được gọi là Quang Trung hoàng đế, là em trai của Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Nhắc tới Nguyễn Huệ đa số chúng ta đều nghĩ tới hình ảnh một người anh hùng áo vải có công dẹp loạn Bắc Hà, đánh đuổi hai mươi vạn quân Thanh…, tài năng của Nguyễn Huệ chắc hẳn không cần phải băn khoăn nhưng phàm đã là người ai ít nhiều cũng có tính gian hay có lúc nào đó gian, vậy người được cho là anh hùng như Nguyễn Huệ có khi nào thể hiện tính gian đó không ?

Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh”, chiến dịch thành công và được vua Lê Hiển Tông gả con gái là Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Huệ tuy là rể nhưng thực quyền ở Bắc Hà khi đó còn át cả vua.Tháng 7 năm 1786 Vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Chiêu Thống nối ngôi và chuẩn bị tang ma, lúc đầu định không mời Nguyễn Huệ đứng ra lo việc tang, Nguyễn Huệ giận và định phế bỏ Chiêu Thống, lập người khác lên nối ngôi vua. Huệ giữ quyền sinh quyền sát cả Bắc Hà mà không được mời đứng ra làm lễ nên Huệ cho rằng như thế là không được tôn trọng.

Hơn nữa, tuy tiếng “Phò Lê diệt Trịnh” nhưng dân Bắc Hà nhiều người vẫn nghi ngại và cho rằng Huệ là kẻ từ xa đến cướp nước, nay con rể lại không được thông báo tới tham gia lo việc ma chay cho bố vợ hẳn người thiên hạ sẽ cho rằng triều đình nhà Lê không ưa hay có điều nghi ngại với Nguyễn Huệ nên mới làm vậy. Vì thế tính chính nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh” ban đầu sẽ bị mất đi. Đó chính là lý do mà Nguyễn Huệ nằng nặc đòi phải đứng ra tổ chức tang ma cho bố vợ là vua Lê Hiển Tông, thể hiện lòng trung với vua và chứng tỏ mình không phải là quân cướp nước. Thêm một điểm, khi đứng viếng vua Lê Hiển Tông, Huệ hết sức cung kính, nhìn thấy một viên quan đứng tế có biểu hiện hơi cười đùa, Huệ sai người lôi ra chém luôn. Đây thực chất là “Phao chuyên dẫn ngọc”, ném đi một hòn ngói ( viên quan ) mà thu lại được viên ngọc ( lòng thiên hạ ).

Nguyễn Hữu Chỉnh là một nhân tài Bắc Hà, ông tự nhận rằng “ Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi” , quả thật là Chỉnh có tài. Khi kinh thành Thăng Long có biến, Chỉnh chạy vào Nam đầu quân cho Nguyễn Nhạc và được Nhạc trọng dụng, sau đó Nhạc lại giao Chỉnh cho Huệ sử dụng. Nguyễn Huệ cho rằng Chỉnh là kẻ xảo quyệt nên đã quyết tâm trừ bằng được Chỉnh. Chỉnh bày cho Huệ kế “Phò Lê diệt Trịnh” để Huệ mang quân ra Bắc, từ đó Chỉnh cũng mang tiếng với người Bắc là rước voi về giày mả tổ. Huệ biết người Bắc ghét Chỉnh vì lẽ đó nên đang đêm đột ngột rút quân bí mật từ Thăng Long về Nam, bỏ rơi một mình Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại. Huệ không muốn tự tay giết Chỉnh khi đó vì Chỉnh là người tài, giết Chỉnh sợ sau này nhân tài không dám đến với Huệ nữa và cũng sợ cái tiếng vắt chanh bỏ vỏ. Huệ đã dùng kế “Tá đao sát nhân”, mượn tay người Bắc để giết Chỉnh. Tuy nhiên Chỉnh không phải hạng người ngồi trói tay chờ chết, Chỉnh trốn thoát được, dong buồm đuổi theo anh em Tây Sơn và đến Nghệ An thì gặp được và xin Huệ thu nhận lại, Huệ đã phải thốt lên rằng “ Thằng chết tiệt này khéo tìm đường sống” . Liền đó, Huệ liền cho Chỉnh một ít vũ khí và 100 lính đi theo để hộ vệ cùng một ít tiền. Chỉnh chỉ lấy tiền và trả lại những thứ kia. Ở chi tiết nàythấy được một điều như sau, chắc chắn Nguyễn Hữu Chỉnh biết Huệ đã có ý không dung, 100 lính đi theo kia chẳng phải là bảo vệ Chỉnh mà thực ra là canh giữ và giám sát mà thôi, lính này không thể tùy ý sai khiến được, nhận vào chỉ mang thêm rắc rối. Đó là một cái thâm sâu của Nguyễn Huệ với âm mưu Tiếu lý tàng đao. Biết Chỉnh tài, Huệ còn sai Chỉnh ở lại giữ đất Nghệ An, phải thấy rằng nếu giữ được Nghệ An thì đất đó sẽ là của Huệ, còn như Chỉnh mà chẳng may chết thì Huệ coi như đã được giải thoát khỏi mối lo Nguyễn Hữu Chỉnh. Đúng là trai cò đánh nhau ngư ông đắc lợi.

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đã lập được thế lực riêng, làm chủ Bắc Hà, Chỉnh bèn cho Trần Công Xán đi sứ vào Nam gặp Nguyễn Huệ với mục đích xin lại đất Nghệ An. Tất nhiênNguyễn Huệ không bao giờ trả đất, Huệ cho Trần Công Xán 100 nén bạc nói của công chúa Ngọc Hân tặng rồi tiễn lên thuyền về nước, nhưng ngầm sai người đi theo đánh đắm thuyền cho đoàn sứ giả chết ngoài biển và về nói bị bão đắm. Trong thời gian đi sứ Trần Công Xán có nghe được tin về việc anh em Tây Sơn bất hòa, vua em Nguyễn Huệ đem quân đánh vua anh là Nguyễn Nhạc. Huệ sợ Xán biết được nội tình anh em Tây Sơn bất hòa mang về báo cáo lại cho Nguyễn Hữu Chỉnh sẽ làm mất uy và sợ người Bắc Hà lợi dụng cơ hội này đế đánh bất ngờ nên đã lập mưu giết đoàn sứ giả Trần Công Xán. Lần này Nguyễn Huệ lại sử ra chiêu tiếu lý tàng đao và ném đá giấu tay để tránh cái tiếng giết sứ giả.

Năm 1787, Võ Văn Nhậm một dũng tướng của Tây Sơn tiến quân ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh theo lệnh của Nguyễn Huệ, sau khi Nhậm đã đánh thắng, Huệ ra Thăng Long vào tận chỗ Nhậm ngủ, Nhậm vẫn ngủ say không biết, Huệ sai võ sĩ đâm chết Nhậm vì Huệ cho rằng Nhậm có ý đồ làm phản. Chuyện Võ Văn Nhậm có ý đồ làm phản hay không là do hai tướng Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở báo về cho Huệ, hai tướng này vốn được Huệ cho đi theo Nhậm để đề phòng Nhậm.

Tới đây mới thấy Nguyễn Huệ thật là một tay cáo già, võ tướng Tây Sơn rất nhiều người giỏi, tại sao Nguyễn Huệ không cử ai khác đi đánh Chỉnh mà lại cử Nhậm. Nguyên nhân sâu xa là ở đây: Võ Văn Nhậm là con rể của Vua anh Nguyễn Nhạc, nhưng được dưới quyền điều động và sử dụng của Nguyễn Huệ. Nhậm là một dũng tướng rất có tài nhưng nhãn quan chính trị của ông lại không tốt nên chuốc lấy cái chết thảm.

Đến như Nguyễn Nhạc là anh ruột của Huệ mà Huệ còn mang quân ra đánh thì cái thân của Nhậm – chỉ là cháu rể của Huệ làm sao tránh khỏi sự nghi kỵ, không biết sớm mà lo lấy thân mình?Nhậm và Chỉnh là hai người có tài cầm quân và cũng đều là hai người mà Quang Trung muốn giết, đẩy hai người vào thế giết nhau, Quang Trung chỉ việc “Cách ngạn quan hỏa” – đứng cách bờ mà xem lửa cháy, ai chết thì Quang Trung cũng là người có lợi. Kết cục Chỉnh chết dưới tay Nhậm, Nhậm lấy được Bắc Hà, Quang Trung giết Nhậm và có được Bắc Hà. Lại một lần nữa Nguyễn Huệ sử ra chiêu Tá đao sát nhân nhằm trừ bằng được những người mà ông cho là mối nguy hiểm với mình.

Nếu Nhậm tỉnh táo nhìn ra được điều đó, không bị mờ mắt bởi sự ghen ghét tài năng với Chỉnh thì cơ hội tốt của Nhậm chính là khi đem quân Bắc tiến thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nguyễn Huệ. Lịch sử không có chữ “nếu như” nhưng thực sự tại thời điểm đó Võ Văn Nhậm có cơ hội lựa chọntrừ khử hai tướng Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở, liên kết với Nguyễn Hữu Chỉnh( phải liên kết với Chỉnh bởi Bắc Hà lúc đó ít nhân tài, mình Nhậm khó chống nổi Nguyễn Huệ ) để tự lập ra thế lực riêng ở Bắc Hà, chống lại Tây Sơn, khi đấy Nhậm hay Huệ, ai là người phải thua thì còn chưa thể nói trước được. Cái thế của Nhậm khi ấy làm người ta không khỏi nhớ đến nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, Nguyễn Du cũng là một người sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này:

Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!

Bó thân về với triều đình

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

Sao bằng riêng một biên thùy

Sức này đã dễ làm gì được nhau?

Giả sử trong quá trình mưu lập thế lực riêng đó Võ Văn Nhậm có không may thất bại thì cái chết đấy cũng đáng hơn nhiều. Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt, chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ, nước địch phá xong mưu thần bị giết, Nhậm giết được Chỉnh rồi đắc chí mà không biết rằng số phận Nhậm cũng không hơn gì Chỉnh cả. Tuy nhiên cũng nên xét cho Võ Văn Nhậm một phần là vợ con, người nhà của Nhậm lại vẫn ở bên Tây Sơn, bị giữ ở đó khác nào con tin nên có thể Nhậm nhìn ra nhưng lại dùng dằng không quyết được vì sợ gia đình bị hại.Mỗi người có một lựa chọn riêng cho mình, để tên tuổi chìm lấp đi dưới lớp bụi thời gian như Võ Văn Nhậm hay vang danh sử sách như Quang Trung Hoàng đế đôi khi chỉ khác nhau ở một lựa chọn mà thôi.

Không thể phủ nhận tài năng và công lao của Quang Trung Hoàng đế, ông xứng đáng là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất với những chiến công lừng lẫy, đánh khắp thiên hạ không địch thủ nhưng bên cạnh đó cũng nên nhìn vào những nét tính cách chính yếu như là việc dụng mưu như thần góp phần làm nên thành công của nhân vật này. Vĩ những nét tính cách đó, có thể kết luận rằngNguyễn Huệ không những hùng mà còn rất gian!

24 thoughts on “Nguyễn Huệ anh hùng áo vải hay gian hùng áo vải?

  1. Pingback: Tham khảo: Nguyễn Huệ anh hùng áo vải hay gian hùng áo vải? | CÓP NHẶT

  2. Chỉ với những kế sách trên mà tác giả đã vội cho Nguyễn Huệ là không những hùng mà còn rất gian là quá phiến diện .Mưu kế tiêu diệt kẻ thù không cùng phe cánh hay có tiềm ẩn hiểm nguy cho mình ,thử hỏi trong lịch sử VN và thế giới có ai mà không có .Làm chính trị là thế không gian hùng thì suốt đời ở nhà đuổi gà cho vợ ,ngây thơ thì chỉ có chết ! Khi cầm quân đánh nhau ,không mưu kế xảo trá thì cầm bằng da ngựa bọc thây ! Tóm lại Nguyễn Huệ dù có gian trá quỷ quyệt thì vẫn là người anh hùng của dân tộc ,trong lịch sử có mấy ai được như ông ,bạn bè kẻ thù đều phải kính sợ .

    Thích

  3. Tất nhiên bài viết nào cũng thể hiện quan điểm cá nhân. Nhưng bài viết này thì tệ hơn: lấy nhãn quan cá nhân để xem xét lịch sử một cách phiến diện. Cứ gì Nguyễn Huệ, trước ông và đặc biệt là sau ông, còn gian, còn ác gấp nhiều lần mà có hùng được như ông đâu!

    Thích

  4. Bài này bàn về Quang Trung Nguyễn Huệ như một gian hùng, với việc giết Trần Công Xán, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm.
    Trước hết, bàn về trường hợp Trần Công Xán. Đó là một người, theo Hoàng Lê Nhất thống chí, rất cương cường. Khi Huệ ra Bắc Hà, không ai dám nhìn thẳng, trừ Xán. Song ông lại là người rất thủ cựu, nhất quyết phò Lê Chiêu Thống lên làm vua, với danh nghĩa chính thống. Dù đã biết rằng đó là một kẻ đớn hèn, qua chuyện suýt bị dìm chết. Một người như thế liệu có thể trị vì, chưa nói đến việc có thế quyền biến linh hoạt với thế sự trên cả nước ta thời đó. Khi mà ngôi vương của nhà Lê chỉ còn là hư vị. Mà cũng nên biết rằng, khi đó vùng đất do Tây Sơn kiểm soát, không chỉ bó gọn trên lãnh thổ Trung và Nam Bộ ngày nay, mà sang phía tây đã chiếm gọn vùng đất nay gọi là vùng Đông Bắc Thái Lan, sang phía tây bắc đã chiếm không ít lãnh thổ của nơi nay gọi là Mianma hay Miến Điện. Tuy nhiên, đất Bắc Hà (Bắc Bộ ngày nay) lại là cùng đất không chỉ trù phú, sản vật dồi dào, mà còn là vùng tinh hoa hội tụ của cả nước ta thời ấy.
    Chính vì lẽ đó, cả Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm khi ra Bắc Hà không tránh nổi lòng tham. Muốn sang đoạt vùng đất này làm riêng của mình, song vẫn giữ tôn chỉ phù Lê, với cái triều đình nhà Lê chỉ còn trị vì trên danh nghĩa. Họ cho rằng cái cát cứ tân thời đó là phù hợp với thời và thế nước ta bấy giờ.
    Không thể không thừa nhận rằng, cả hai Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm đều là những tướng tài ba. Và mặc dù, Nguyễn Hữu Chỉnh hiểu được phần nào sức mạnh và uy tín của Nguyễn Huệ trong quân Tây Sơn, qua việc từ chối nhận 100 quân bảo vệ Nguyễn Huệ chuyển giao cho. Song nói cho cùng, cả hai nhân vật này đều mờ mắt trước viễn cảnh thay quyền chúa Trịnh, phò Lê, làm một vương quốc hùng mạnh trong đế quốc Đại Việt khi đó. Họ đều chỉ tính tới quyền lợi riêng, mà không thấy được cái gốc, cái xu thế tất yếu của việc “nhất thống sơn hà.” Và thực ra, cũng chỉ đánh được từng trận, với toàn bộ hệ thống quân lực, voi thuyền, chiến cụ và lương thảo do Nguyễn Huệ cung ứng. Họ cũng không thể có mạng lưới tình báo đủ mạnh như anh em Tây Sơn để có thể nhanh chóng ra bắc vào nam, hoàn toàn đưa đối phương vào thế bất ngờ. Có thể thấy điều đó qua chiến dịch Thăng Long Kỉ Dậu 1789, khi mà Quang Trung hoàng đế tuyên bố mồng bẩy tháng giêng mở tiệc ở Thăng Long, song ngay từ mồng năm đã “vào cửa Tây Luông,” khiến quân Thanh chạy nhanh đến nỗi, đội quân vu hồi đến Phượng Nhỡn thì giặc đã chạy mất rồi.
    Nhân tiện cũng nói thêm về chuyện cống nạp cho Thanh triều. Người đời bất mãn khi thấy Nguyễn Huệ chuyển lệ triều cống từ bốn năm xuống hai năm. Vì như thế, ta tốn kém thêm nhiều quá(?). Thực ra đâu phải, trước đó Ngô Thì Nhậm đã thay mặt Nguyễn Huệ trao đổi thư từ với nhà Thanh, bỏ lệ cống “người vàng người bạc,” mà nhà Lê vẫn phải thực hiện, để “đền mạng Liễu Thăng.” Bỏ lễ vật này thì cống phẩm còn bao nhiêu? Lại nữa, việc bang giao còn gắn với việc xin cưới cách cách của Càn Long, với lễ vật là vùng Lưỡng Quảng. Điều đó còn được thực hiện với việc Nguyễn Huệ sử dụng cướp biển “Tầu ô” phong tỏa vùng biển tới tận Phúc Kiến của nhà Thanh. Và úp mở đe dọa cướp nghiến vùng đất này nếu Càn Long không đồng ý. Việc Càn Long mời Nguyễn Huệ đươc đáp ứng, với người giả. Càn Long có thể không biết, nhưng thần tử của ông vua này biết thừa. Mà vẫn phải mắt nhắm mắt mở đáp ứng, lại còn nhân cơ hội để vơ vét thêm, khiến dân tình oán thán. Với một loạt đòn ngoại giao ấy, Càn Long chỉ lo đối phó đã mệt. Sức đâu tính tới chuyện Nam Chinh.
    Đấy là chưa kể, đây cũng là giai đoạn các nước phương Tây bắt đầu bành trướng sang vùng Á Đông. Với hàng loạt tầu buôn dạng pháo hạm, của nhà nước cũng như tư nhân luôn nhòm ngó vùng đất vùng biển nước ta. Họ còn tham dự vào việc trang bị cho chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Họ cũng từng diễu võ dương oai, và không ít lần va chạm với quân Tây Sơn, nhất là quân thủy, và không phải bao giờ cũng giành phần thắng. Mà việc chiến hạm nước ngoài dự chiến trong phe chúa Nguyễn và bị đốt cháy trong chiến dịch đánh Gia Định của Tây Sơn là một thí dụ rõ ràng.
    Nói đến con người Nguyễn Huệ trong giai đoạn lịch sử ấy, thì phải ít nhất đặt nó trong bối cảnh nói trên.

    Thích

    • Nguyễn Hữu Chỉnh thực ra lúc ở Nghệ An, chính tự tay ông này xây dựng lực lượng và chiếm đóng nó. Một tay Chỉnh cũng dẹp tàn lực của Trịnh và nắm quyền hành nhà Lê bấy giờ. Nguyễn Huệ nếu như không có những diệu kế do Chỉnh bày ra thì e ông ta cũng không có cái gan tự xưng vua thay anh và đánh ra đến tận Bắc đâu. Ông ta là ngừoi tài, nhưng không có nghĩa người ta có quyền ôm hết mọi ông trạng lên người ông ta được. Tôi không hoàn toàn đồng tình với chủ post, nhưng cũng xin nhớ, sách sử không đúng trăm phần trăm. Ngay cả bộ sử kí của Tư Mã Thiên cũng bị Lý Thế Dân can thiệp, thế nên không có cuốn sách sử nào tuyệt đối. Kẻ thắng là kẻ viết sử, thắng làm vua thua làm giặc, dù cho thủ đoạn như nhau nhưng chỉ cần Nguyễn Huệ thắng, ông ta tự động trở thành anh hùng. Chúng ta cần phải chấp nhận mặt tối của Nguyễn Huệ, nói Nguyễn Huệ là gian hùng không sai, bởi thời giờ, anh hùng và gian hùng chỉ cách nhau có thắng và thua. Riêng về Nguyễn Hữu Chỉnh, ngay ban đầu, nếu người này không hàng Tây Sơn và đưa ra những kế sách quan trọng dẫn đến thắng lợi đầu cho Tây Sơn thì tôi e thế lực của anh em nhà Nguyễn cũng chưa chắc hùng mạnh đến như vậy. Chính Nguyễn Hữu Chỉnh là người khuyên nhủ vua Lê Hiến Tông gả Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ, vốn là cuộc hôn nhân quan trọng của lịch sử Việt Nam. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm giết Nguyễn Hữu Chỉnh, phần nhiều vì e sợ nếu Chỉnh hợp lực với Nhạc thì sẽ khó đối phó, vậy nên trừ họa về sau. Nếu thím tính bênh vực nhân cách của Nguyễn Huệ thì tôi xin nói luôn. Ngay khi Chỉnh chết, Nguyễn Huệ đã oán thán rằng mình cứu Chỉnh (nhưng thực ra ông ta tính bỏ rơi Hữu Chỉnh ở đất Bắc nhưng bất thành) mà không được trả ơn, lại còn bị cắn lại (thực ra Chỉnh đã có công rất nhiều với Tây Sơn) mà rằng: “chết cũng đáng”, vậy nhưng chẳng lâu sau ông ta lại xuất ra bài thơ thương tiếc cho Chỉnh (đây không phải hai mặt thì là gì? 🙂 ). Mà chốt lại, cả ý kiến của bạn và bạn chủ post tôi đều không đồng tình. Đã là lịch sử thì ta nên khách quan. Cũng không nên quá dựa dẫm vào một nguồn tài liệu, một ý kiến or một nhà sử gia, chúng ta chỉ nên bàng quan chứ không nên bênh vực hay bất bình, bởi, lịch sử không bao giờ mang tính tuyệt đối cả.

      Thích

      • Những nhân vật như Nguyên Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm làm gì mà phải
        mất công mất sức bàn luận lắm thế. Không đáng tầm đâu.

        Vào 13:58 2 tháng 4, 2018, Nghiên cứu lịch sử đã viết:

        > kohakublank commented: “Nguyễn Hữu Chỉnh thực ra lúc ở Nghệ An, chính tự
        > tay ông này xây dựng lực lượng và chiếm đóng nó. Một tay Chỉnh cũng dẹp tàn
        > lực của Trịnh và nắm quyền hành nhà Lê bấy giờ. Nguyễn Huệ nếu như không có
        > những diệu kế do Chỉnh bày ra thì e ông ta cũng không ”
        >

        Đã thích bởi 1 người

      • Như thế nào là không đáng tầm? Nói cho công bằng, xét về 3 nhân vật tiêu biểu tác động sâu sắc đến lịch sử VN thời kỳ đó thì có Nguyễn Huệ, Gia Long và Nguyễn Hữu Chỉnh, vậy mà không đáng tầm? Chưa kể họ có công có tài, bởi vì họ không thắng, không được thời thế ưu ái mà bạn có quyền lãng quên, gạt bỏ họ?

        Thích

      • “Nguyễn Hữu Chỉnh thực ra lúc ở Nghệ An, chính tự tay ông này xây dựng lực lượng và chiếm đóng nó. Một tay Chỉnh cũng dẹp tàn lực của Trịnh và nắm quyền hành nhà Lê bấy giờ. ”
        cho xin nguồn

        Thích

      • Hà Thanh à. Ý kiến này có lẽ không sai. Vì nó dựa trên Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Song thực ra, NHC cũng chỉ là một thế lực cát cứ trên đất Bắc Hà. Trong lúc đó, Tây Sơn đã vươn thế lực ra trên một vùng rộng lớn hơn nhiều. Nên nhớ, theo nhiều sử liệu bản doanh của Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu khi đó nằm ở nơi nay gọi là Viên Chăn.

        Vào 08:47 2 tháng 6, 2018, Nghiên cứu lịch sử đã viết:

        > hà thanh commented: “”Nguyễn Hữu Chỉnh thực ra lúc ở Nghệ An, chính tự tay > ông này xây dựng lực lượng và chiếm đóng nó. Một tay Chỉnh cũng dẹp tàn lực > của Trịnh và nắm quyền hành nhà Lê bấy giờ. ” cho xin nguồn” >

        Thích

      • Mình đã có dịp xem bản đồ về khu vực hoạt động của Tây Sơn. Có điều lâu rồi, không lưu lại. Cũng không nhớ ở chỗ nào nữa. Song chắc em Gu Gồ biết đấy. Thử hỏi xem.Ok?

        Vào 09:57 3 tháng 6, 2018, Nghiên cứu lịch sử đã viết:

        > hà thanh commented: “đại bản doanh của 2 cụ đó ở viên chăn? wow, lần đầu > nghe á, cho xin tư liệu” >

        Thích

  5. Chỉ xét hai việc đuổi Thanh phá Xiêm thì đã quá xứng đáng với tầm vóc Anh hùng dân tộc của Nguyễn Huệ rồi. Nguyễn Ánh thực sự có công lao to lớn trong mở cõi về Nam nhưng không bao giờ xóa được tội “cõng cắn cắn gà nhà”. Kể cả ở thời điểm bây giờ thì Thế giới vẫn tôn trọng quyền dân tộc tự quyết chứ không ủng hộ việc nhờ ngoại bang đánh lại người nhà mình.
    Nguyễn Huệ là anh hùng loạn thế sinh ra, việc quân sự, chính trị đương nhiên là phải quyền mưu ” Binh dĩ Trá lập ” mà. Triều Trần, Lê hay Lý thì cũng vậy thôi. Mục đích biện minh cho phương tiện, nếu cộng tất cả những “gian ” lại để mà chấm dứt loạn lạc cát cứ,mà thống nhất đất nước và đánh cho Càn Long phải nể mặt thì không chỉ Anh hùng mà Nguyễn Huệ thật là Vĩ đại.

    Thích

  6. Hà cớ gì khi chiếm được Phú Xuân lại cho quân lính phá tan và hủy hoại tất cả lăng tẩm nhà Chúa Nguyễn… đây cũng mối gieo thù hận mà bản thân Ng H phải trả sau này, hành động này của Ng H ko xứng là hào kiệt !

    Thích

    • thấy cũng ngộ, nhiều ng vốn thần thánh hóa nguyễn huệ thì sẵn sàng rủa xả nguyễn ánh vì ông trả thù tây sơn, nhưng sao không nhìn nhận lại do đâu nguyễn ánh lại trả thù nặng nề như vậy, giết gần như cả nhà ng ta, quật mồ chín đời liệng xuống sông thì bảo là “nhân vô thập toàn” còn nguyễn ánh trả thù thì mạ lị bỉ thử ông ta tàn ác mà k hiểu ông ta vì sao mà thù, thời phong kiến chuyện oán thù là thứ ăn vào xương tủy, mà gia long cả nhả bị giết, lăng mộ 9 đời bị quật, mình bị truy sát từ nhỏ tới lớn, k bt bn lần suyết chết. Tôi thừa nhận quang trung là con người tài ba về quân sự, một vị tướng đáng nể có tài cầm binh nhưng cái thói hiếu sát và đa nghi của ổng + vs nội bộ anh em lục đục cát cứ đã dần khiến ng dân chán ghét triều tây sơn, bằng chứng cảnh thịnh khi chạy trốn đã bị dân bắt lại nộp cho gia long. Còn chuyện gian hùng thì cũng k sai, cụ trần công xán sang xin lại đất nghệ an thì nhân lúc ông về thì cho lính đục thuyền nhận chìm ông rồi đổ là do bão, nguyễn hữu chỉnh đã muốn theo tây sơn thì lại bỏ rơi mượn tay dân bắc hà giết, cho 100 quân đi theo, 100 quân này nếu là quân lính bth thì thật vô lý vì đánh trận 100 quân ít ỏi làm đc gì, 100 quân này nói đúng ra là để giám sát chỉnh thì đúng hơn, đến khi chỉnh ngả theo lê chiêu thống thì lại cho nhậm ra giết chỉnh làm vua lê sợ quá mà phải cầu thanh, thử hỏi nếu quang trung không làm quá thì lê chiêu thống có tới nỗi phải cầu thanh không, nói nguyễn ánh cầu xiêm cõng rắn cắn gà nhà vậy nhìn xem quang trung cũng dùng hải tặc người tàu trấn các vùng biển đó sao, trước đây xiêm cho quân sang đánh chân lạp rồi nguyễn ánh cho nguyễn hữu thoại tức thoại ngọc hầu sang đánh giúp chân lạp, rama I lúc đó là tướng quân xiêm người nhà bị vua xiêm bắt giữ, tướng Thoại và rama I đã giảng hòa và hẹn sau này có gặp nguy biến thì sẽ gửi binh sang giúp, đây có khác gì hiệp ước an ninh hỗ tương, như mỹ đang làm vs nhật và hàn, chưa kể sau này nguyễn ánh ở xiêm đã có công đánh dẹp quân miến điện giúp xiêm năm 1786 vua xiêm có ý gửi binh sang giúp lần 2 thì nguyễn ánh đã từ chối, lần quân xiêm sang năm 1785, quân xiêm lúc đó sang dưới dạng đồng minh hỗ trợ do tướng của gia long là châu văn tiếp chỉ huy, nhưng sau khi châu văn tiếp tử trận thì quân xiêm mất kỉ luật mà hà hiếp dân chúng, vua xiêm sau khi bt chuyện này đã nổi giận định đem chém hai tướng đi theo trong quân xiêm nhưng nguyễn ánh đã ngăn lại, còn hiệp ước vec-xai 1787 tuy đã kí nhưng sử liệu bấy giờ đã chứng minh triều đình louis 16 đã chần chừ k có ý thực tâm gửi binh giúp đỡ, và mâu thuẫn giữa bá đa lộc vs bá tước de conway cộng thêm sau đó triều đình sụp đổ nên chẳng có một điều khoản nào đc thi hành từ phía pháp và chưa kể năm 1790 nguyễn ánh đã viết thư gửi sang triều đình pháp để hủy bỏ hiệp ước, vậy thì cõng rắn cắn gà nhà ở chỗ nào ở đây, thần thánh hóa quang trung mà đổ hết mọi sỉ vả lên nguyễn ánh liệu có công bằng, quang trung có tội thì bảo là nhân vô thập toàn còn nguyễn ánh thì đổ là cõng rẵn cắn gà nhà trong khi chuyện liên minh quân sự trong lịch sử là chuyện bth trong lịch sử, phía tây sơn sử dụng quân người tàu là tập đình, lý tài, cướp biển tàu ô vậy cũng là liên minh quân sự đó thôi. ngta thường thần thánh hóa nguyễn huệ vì chiến thắng quân thanh năm 1789 thâm chí còn cho rằng quang trung sẽ giành lại lưỡng quảng thời triệu vũ đế, nhưng sự thật mà nhiều ng thường lờ đi, trc khi quang trung tiến quân ra bắc, ông đã 4 lần mời nguyễn thiếp làm quân sư cho mình và kế đánh thần tốc dịp tết là kế của nguyễn thiếp chứ không ai khác, thêm nưa con số 29 vạn quân thanh ở đây cũng bao gồm cả dân phu, hậu cần, vậy số quân tác chiến còn đc bao nhiêu chưa kể quân tác chiến đều là quân địa phương do tôn sĩ nghị chiêu mộ từ lưỡng quảng chứ cũng chưa phải tới bát lộ quân của thanh, vậy thần thánh hóa quang trung lên như sử liệu bây giờ có công bằng hay không, chưa kể trong chiến dịch đánh thanh, chính sách lao dịch khắc nghiệt đến nỗi bắt cả đàn bà con gái phải giả trai, con nít đi phu đắp lũy vì nếu làng nào không cống nạp đủ người sẽ bị tàn sát sau khi chiến thắng rồi thì bỏ rơi để họ phải đi ăn xin để tìm đường về quê, đập phá chùa chiền để lấy chuông làm vũ khí, quang trung vì tranh vàng bạc cướp đc khi tiến ra bắc diệt trịnh vs nguyễn nhạc mà anh em lục đục đánh nhau đến nỗi nguyễn nhạc phải lên thành khóc xin nghĩ tình huynh đệ mà tha, nội bộ như vậy liệu có đủ sức mà đòi dc lưỡng quảng?? Chắc cái này cũng nhân vô thập toàn quá nhỉ.

      Chút suy nghĩ về chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh – Gia Long

      Việt Thanh chiến dịch

      Chính sách của vua Gia Long

      https://vi.wikipedia.org/wiki/Gia_Long#Quan_h%E1%BB%87_v%E1%BB%9Bi_Xi%C3%AAm_La ( đoạn quan hệ vs xiêm la)

      Thích

    • Bái của bạn rất hay, bạn đừng để ý đến những ý kiến chỉ biết dựa vào những điều đã học mà không tìm hiểu, và nghi vấn, trong đó có rất nhiều thông tin sai sự thực và tô vẽ. Điều bạn nói nhiều nhà sử học và nghiên cứu đã nói để giải ảo lịch sử, bạn không đơn độc đâu!

      Thích

  7. Gian hùng hay anh hùng tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người. Nhân vô thập toàn, Nguyễn Huệ cũng có mặt tối của ông ta. Làm chính trị, quân sự mà không biết xảo trá sẽ thất bại.
    Theo tôi, không nên nhìn nhận một cách quá khắt khe với Nguyễn Huệ. Với tôi, ông ta là một anh hùng dân tộc. Nguyễn Ánh cũng vậy.

    Thích

Bình luận về bài viết này