Trần triều nghi vấn: Gia thế các Lệnh tộc

ktt_vihanh2_kienthuc.jpg

Đặng Thanh Bình

Dẫn nhập. Trong bài Trần triều nghi án: Cái chết của Trần Tự Khánh, tôi có đưa ra những sự kiện từ đó đặt nghi vấn về cái chết của Trần Tự Khánh. Sau cái chết của Trần Lý vào năm 1209, Trần Tự Khánh là người quản lĩnh mọi việc của họ Trần. Vào tháng 10/1222 con trưởng của Tự Khánh là Hiển Đạo vương Trần Hải, dâng lễ cầu hôn công chúa. Thế nhưng cả 2 nàng công chúa của vua Huệ Tông là Thuận Thiên và Chiêu Thánh đều không ai trở thành vợ của Trần Hải. Và nếu như cái chết của Kiến Quốc vương không có những uẩn khúc thì hẳn là với vai trò quan trọng của Tự Khánh thì Trần Hải cũng phải có địa vị trong Trần triều, nhưng rồi không thấy sách sử chép đến hành trạng của Hiển Đạo vương.

(1) Việt sử lược chép: “Bính Tý [1216] Mùa đông tháng chạp, tiến phong cho Thái Tổ tước Liệt hầu, Phùng Tá Chu và Lại Linh đều được phong tước Quan nội hầu. Dùng Trần Tự Khánh làm Thái úy (…) Con trưởng của Thái Tổ là Liễu làm Quan nội hầu. Con trưởng của Trần Tự Khánh là Hải làm tước Vương. Lại cho Thái Tổ làm Nội thị Phán Thủ (…) Canh Thìn [1220] Tháng giêng nhà vua cho quan Thượng phẩm phụng ngự là Trần Báo làm quan Nội hầu. Trần Hiến Sâm làm Liệt hầu. Nguyễn Tá Thời coi việc ở Thẩm hình viện (…) Giáp Thân [1224] Mùa xuân tháng giêng (…) cho Thái Tổ làm Phụ quốc thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội thị phán thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu là Hiển Thành”.

– Theo như Việt sử lược thì khi Kiến Quốc vương Trần Tự Khánh còn sống, Trần Thừa được phong Liệt hầu vào năm 1216 và Trần Hiến Sâm cũng được phong Liệt hầu vào năm 1220. Như thế Trần Thừa có chăng chỉ nhỉnh hơn Trần Hiến Sâm không đáng kể. Còn Trần Thủ Độ thì hoàn toàn không được nhắc đến. Sau khi Tự Khánh chết, Trần Thừa nắm chính sự, thì không thấy sách sử ghi chép việc thăng chức cho Trần Hiến Sâm, nhưng lại phong cho Trần Báo tước vương, cùng tước với Trần Tự Khánh. Qua việc thăng giáng chức tước trước và sau thời điểm Kiến Quốc vương mất, chúng ta có thể phỏng đoán, Trần Hiến Sâm cùng nhóm với Trần Tự Khánh, còn Trần Báo sau, cùng nhóm với Trần Thừa. Trần Hiến Sâm và Trần Báo là những nhân vật tầm cỡ trong buổi đầu nhà Trần và khi họ được giữ những chức tước quan trọng thì Trần Thủ Độ còn chưa được sử sách chép đến, như thế có thể phỏng đoán, Trần Hiến Sâm và Trần Báo là thế hệ trên của Trần Thủ Độ.

dai viet thoi ly

Việt sử lược chép: “Quý Hợi [1203] Tháng 9 (…) dùng quan Chi hậu phụng ngự là Trần Hinh làm Lãnh binh nguyên soái để đánh Đại Hoàng (…) Bính Dần [1206] (…) vua bảo kẻ tả hữu rằng: Ai có thể làm nước sông dâng lên chảy tràn vào trong hồ thì ta sẻ hậu thưởng cho. Có tên nịnh thần là Trần Túc thưa rằng: Tôi làm được việc ấy. Vua nghe nói làm được bèn sai thực hành cái phương pháp của hắn. Nhưng rồi chẳng có hiệu nghiệm gì”.

Toàn thư chép: “Kỷ Hợi [1179] Mùa hạ tháng 6 (…) Thái uý Tô Hiến Thành (…) nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng: Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông ? Hiến Thành trả lời: Trung Tá có thể thay được”.

– Như vậy cùng thế hệ với Trần Lý có quan chi hậu phụng ngự Trần Hinh cũng là người mạn phía đông kinh thành Thăng Long và quan Trần Túc. Thế hệ trên có Gián nghị đại phu Trần Trung Tá rất được thái úy Tô Hiến Thành coi trọng. Toàn thư chép rằng “nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng, cùng nổi lên làm giặc” và “có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá” nhưng theo tôi không hẳn như vậy. Chúng ta biết mối quan hệ giữa 2 họ Tô – Trần qua Tô Hiến Thành và Trần Trung Tá năm 1179. Năm 1209 lại xuất hiện mối quan hệ giữa 2 họ Tô – Trần qua Tô Trung Từ và Trần Lý. Tất nhiên mối quan hệ giữa 2 họ Tô – Trần cần phải đặt trong quan hệ thông gia truyền đời có tính phổ biến truyền thống dưới thời Lý Trần.

Việt sử lược chép: “Ất Sửu [965] Trần Công Lãm tên là Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (…) Trần Minh Công tên Lãm chiếm giữ Giang Bố Khẩu (…) Kỷ Dậu [1009] Lấy Trần Cảo làm tướng công”.

Toàn thư chép: “Đinh Mão [1027] Mùa xuân tháng 3 (…) vua lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế (…) Giáp Tuất [1034] Tháng 6, châu Hoan đem dâng con thú một sừng, sai Viên ngoại lang là Trần Ứng Cơ, Vương Văn Khánh đem sang biếu nhà Tống (…) Tân Mão [1051] Mùa xuân tháng giêng, đặt quân tùy xa long, nội ngoại, sai Tả kiều vệ tướng quân Trần Nẫm trông coi”.

Việt sử lược chép: “Giáp Ngọ [1054] Lấy Trần Cải làm Hữu Oai Vệ”.

An Nam chí lược: “Trần-Lãm. Quan cận-thị của Lý-Thánh-Vương. Vương làm nhà gác ở giữa sông để nghe Thảo-Đường Quốc Sư truyền pháp, Lãm nép mình dưới bè nghe trộm. Vua biết được, muốn lấy cây thương đâm Lãm. Sư Ông ngăn lại, nói rằng: Nó cũng có duyên, chớ giết nó. Bèn dạy thủy-pháp cho Lãm”.

Toàn thư chép: “Tân Sửu [1121] Mùa xuân tháng 3, nhà sư Vương Ái dâng cây cau một gốc 7 thân. Thái sư Trần Độ nói: Vật này không lấy gì làm điềm lành. Vua không nhận (…) Mậu thân [1128] Tháng 2, vua sai (…) Viên ngoại lang Trần Ngọc Độ và vợ đi đón con gái của Lê Xương là cháu chú bác của Thái úy Lê Bá Ngọc (…) Nhâm Tý [1132] Tháng 9, Lệnh thư gia châu Nghệ An là Trần Lưu dâng 3 người Chiêm Thành (…) Tân Dậu [1141] Tháng 2,  xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ đem quân (…) tiến đánh. Khi ấy Vũ Nhĩ sai tướng tiên phong là Thị vệ đô Tô Tiệm và Chủ đô trại Tuyên Minh là Trần Thiềm đem quân đi trước, đóng ở sông Bác Đà, gặp thủy quân của Lợi cùng giao chiến”.

Đại Nam nhất thống chí: “Trần Đăng Nguyên người huyện Chí Linh (…) Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 3 [1165] triều Lý Anh Tông, Đăng Nguyên đỗ đầu khoa thi Thái học sinh (…) làm quan đến thượng thư, tước công. Chết tặng Tư không, thụy là Trung Hiếu. Con là Nhữ Thính đỗ hoàng giáp đời Trần niên hiệu Kiến Trung”.

Đại Nam nhất thống chí: “Trần Đạo Căn người huyện Chí Linh, không ăn ngũ cốc, thường lập đàn cúng giúp người ta, lấy giấy phủ vào mặt lặn xuống nước, đợi hương tàn mới lên”.

– Như vậy là suốt từ thời Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu năm 965 đến khi Trần Lý tôn Lý Hạo Sảm lên làm vua năm 1209, thời nào cũng có người họ Trần làm quan. Trong những nhân vật đã dẫn ở trên, thì Trần Lãm và Trần Đạo Căn có mối liên hệ với sông nước. Và Trần Đăng Nguyên sống cùng thời với Trần Trung Tá.

article-table_clip_image002.gif

(2) Việt sử lược chép: “Kỉ Tị [1209] Mùa thu tháng 7, rước vương tử Thẩm lên ngôi, lúc bấy giờ gia thần của Sảm là Lưu Thiệu nói với nguyên tổ và người Giao Hào là Phạm Ngu rằng: Thẩm tuy lớn nhưng là con thứ, Sảm tuy bé nhưng là con cả, xin 2 ông lo liệu. Nguyên tổ bèn cùng Ngu rước Sảm về Mang Nhân lên ngôi, xương là Thắng vương (…) lấy nguyên tổ làm minh sự, Ngu làm thượng phẩm phụng ngự, Tô Trung Tự làm điện tiền chỉ huy sứ”.

– Trong bài Trần triều nghi án: Cái chết của Trần Tự Khánh, tôi cho rằng vợ của Kiến Quốc vương là Phạm thị, người đưa mẹ của Tự Khánh là Tô thị, vượt tường trốn khi Vương Thường và Phan Thế tấn công kinh sư năm 1213. Nên tôi ngờ: Phạm thị có mối quan hệ thân tộc với Phạm Ngu người Giao Hào. Việc cải lập Huệ Tông ngoài vai trò của Trần Lý, Phạm Ngu thì Lưu Thiệu giữ vị trí quan trọng. Thiệu vốn là gia thần của Sảm, lại có mối quan hệ với Trần Lý nên tôi phỏng đoán Lưu Thiệu là hậu duệ của Lưu Khánh Đàm.

– Về Thái úy Lưu Khánh Đàm do Toàn thư chép: “Bính Thìn [1136] Tháng 3, Thái uý Lưu Khánh Đàm chết (…) Tân Tị [1161] Tháng 11, Thái úy Lưu Khánh Đàm chết”. Nên có giả thuyết cho rằng: năm 1136 Lưu Khánh Đàm mất, năm 1161 em trai của Khánh Đàm là Lưu Ba mất. Tuy nhiên năm sinh năm mất của Lưu Khánh Đàm đã được tác giả Hoàng Văn Lâu xác quyết trong bài viết Về mộ chí thái phó Lưu Khánh Đàm. Tác giả Hoàng Văn Lâu dựa vào câu “Tân Tị trọng đông nhập tư mộ quynh” khắc trên Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí để xác định năm Lưu Khánh Đàm mất là năm 1161 và câu “niên đăng lục thập hữu cửu, phi chiết đoản đã” để xác định năm sinh của Thái phó Lưu công là năm 1093. Còn nhân vật Thái phó Lưu công trên bia chùa Hương Nghiêm, núi Càn Ni là Huy Triết Công, nghiêm khảo của Lưu Khánh Đàm. Tôi cho rằng khảo luận của tác giả Hoàng Văn Lâu là rất thuyết phục.

Mộ chí thái phó họ Lưu nước Hoàng Việt viết: “Thái uý quốc công thăng Thái phó, họ Lưu tên huý Khánh Đàm, người thôn An Lãng, giang Ngũ Huyện, quận Cửu Chân. Tổ khảo theo họ mẹ, sinh hạ 5 người con trai, trong đó có Huy Triết Công lập họ ở quê người (…) Đến đời thứ hai triều nhà Lý, được tiến phong Ôn lương chi hộ, sung vào chầu Nội thị, mới có tên tự (…) rất may mắn được tắm gội ân vua, mà theo tài năng được tiến lập, trải đến ba đời”.

Văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni viết: “Chùa Hương Nghiêm ở núi Càn Ni, là do Thiền sư Đạo Dung, huý Mỗ trùng tu vậy. Tiên tổ của Thiền sư là Trấn quốc bộc sạ Lê công, một lệnh tộc ở quận Cửu Chân, châu Ái, nước Việt, trong nhà giàu có, trữ trên một trăm mười đụn thóc, nuôi ba nghìn môn khách (…) đến đời vua Thái Tông [1028-1054] nhà Lý, tuần hạnh phương nam tới châu Ái, ghé thăm cảnh chùa (…) sắc ban cho cháu đích của ông là Trưởng lão Đạo Quang sung làm Thiền chủ và ban cho 5 người khác làm Đại hình tới trụ trì. Trưởng lão tức là nghiêm phụ của Thiền sư. Khi ấy, vua Thái Tông tuyển chọn người trong quận, người anh họ của Thiền sư là Thái phó Lưu công, có tướng mạo khác thường, nên được kén vào nội đình (…) Giữa năm Tân Mùi [1091] có hai vị Phò ký lang họ Thiều và họ Tô, tâu xin lại khoảnh ruộng của tiên tổ là Bộc xạ. Vua xét lời tâu, bèn trả lại số ruộng ở giáp Bối Lý cho họ hàng Lê công (…) Ngày 4 tháng 12 năm Giáp Thìn, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 [1124] sau tiệc chay dựng bia”.

– Theo như mộ chí của Lưu Khánh Đàm thì tổ khảo (ông nội) của Đàm lấy theo họ mẹ, theo văn bia chùa Hương Nghiêm thì tổ tiên của Lưu thái phó vốn người họ Lê, thôn An Lãng, giang Ngũ Huyện, quận Cửu Chân. Cũng lại theo văn bia chùa Hương Nghiêm thì gia tộc họ Lê quận Cửu Chân rất thế lực và vinh hiển, tiên tổ là trấn quốc bộc xạ. Nhưng với gia tộc như vậy vì sao tổ khảo của Khánh Đàm phải lấy theo họ mẹ ?

Toàn thư chép: “Ất Hợi [1035] Tháng 9, người châu Ái làm phản. Mùa đông tháng 10, vua thân đi đánh, cho Phụng Càn Vương lưu thủ Kinh sư. Quân đi từ Kinh sư, đến châu Ái. Vua ngự ở hành dinh, ban yến cho các quan hầu và tướng súy, ngầm chỉ Định thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng: Khánh thế nào cũng làm phản (…) Đánh được châu Ái, trị tội châu mục châu Ái, sai sứ đi phủ dụ dân chúng trong châu. Kinh sư lưu thủ là Phùng Càn Vương Nhật Trung cho chạy trạm báo tin bọn nhà sư họ Hồ, em nuôi của Định thắng đại tướng Nguyễn Khánh, Đô thống Đàm Toái Trạng, Hoàng đệ Thắng Càn, Thái Phúc mưu phản, quả đúng như lời vua nói (…) Tháng 11 ngày mồng 1, vua từ châu Ái về đến Kinh, làm tiệc rượu mừng việc trở về. Ủy lại các tướng sĩ có công dẹp châu Ái”.

– Sự kiện châu Ái làm phản vào tháng 9/1035 là rất đáng chú ý vì trước hết rất có thể kẻ làm loạn là châu mục châu Ái, qua chi tiết “phủ dụ dân chúng trong châu” thì rõ ràng vị châu mục châu Ái đã nhận được sự ủng hộ của người trong châu. Việc này đã buộc Lý Thái Tông phải thân chinh đi đánh dẹp và qua chi tiết “làm tiệc rượu mừng” và “ủy lại tướng sĩ có công” thì rõ ràng đó là trận đánh lớn. Sau cùng, việc các tướng lĩnh với đủ các thành phần (nhà sư họ Hồ, thuộc hạ Nguyễn Khánh, hoàng đệ Thắng Càn) làm phản xảy ra đồng thời, cho thấy rất có thể đã xuất hiện kế hoạch đảo chính, chứ không chỉ là châu Ái làm phản.

– Kế hoạch đảo chính thất bại, vài bại tướng đã phải bỏ đất tổ, đổi họ để trốn việc trừng phát của triều đình. Trong những người đó có tổ khảo của Lưu Khánh Đàm. Nếu để ý, chúng ta nhận thấy có chút sai khác trong văn bia chùa Hương Nghiêm và mộ chí của Lưu thái úy, ấy là theo bia chùa Hương Nghiêm thì khi Thái Tông thăm châu Ái đã lựa Huy Triết Công, nhưng theo mộ chí thì Huy Triết Công lập họ ở quê người, sau đó mới được cất nhắc vào cấm cung. Vì năm 1087 thiền sư Đạo Dung trở về Ngũ Huyện Giang, bàn với thái phó Lưu công Huy Triết dựng lại chùa Hương Nghiêm và nhận được sự giúp đỡ của thái úy Lý Thường Kiệt. Nên năm 1091 xuất hiện 2 vị Phó kỳ lang họ Thiều và họ Tô tấu xin khoảng ruộng của tổ tiên là Bộc xạ. Như vậy, sau sự biến năm 1035, hậu duệ của Trấn quốc bộc xạ Lê công không chỉ đổi sang họ Lưu như nghiêm khảo của Huy Triết Công mà còn đổi sang họ Thiều và họ Tô. Cả 2 vị họ Thiều và họ Tô đều là Phó kỳ lang, phải chăng là tên gọi khác của Phò mã ?

Toàn thư chép: “Tân Dậu [1141] Vũ Nhĩ thua trận, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về (…) Lưu Vũ Nhĩ dâng hươu trắng, lại dâng ngọc tân lang. Sử thần Ngô Sĩ liên nói: Bấy giờ Lưu Vũ Nhĩ có tội về sai quân luật mà bại trận, lại dâng những vật điềm lành để che lỗi, thế mà không một người nào dám bàn đến, có thể biết hình pháp chính sự bấy giờ nhiều việc sai trái. Nhâm Tuất [1142] Mùa xuân tháng 2, Lưu Vũ Nhĩ dâng ngọc thiềm thừ”.

– Theo Việt sử lược thì Gián nghị đại phu họ tên là Lưu Vũ Xứng, theo Mộ chí của Đỗ Anh Vũ thì chức tước họ tên là Tả gián nghị đại phu Lưu Cao Nhĩ. Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng việc Lưu Cao Nhĩ đã sai trong việc dùng binh, nhưng lại dâng vật điềm lành để che tội, là do luật pháp khi đó chưa nghiêm. Có phải thế hay do Cao Nhĩ là người họ Lưu vốn rất có thế lực, nên triều đình không nghị tội. Khi Lý Nhân Tông sắp băng, có di chiếu cho thái úy Lưu Khánh Đàm, khi Lý Thần Tông trị quốc thì tháng 8/1128, Lưu Khánh Đàm và Mâu Du Đô chọn các quan chức đô. Khi xảy ra loạn Thân Lợi năm 1139, Lý Anh Tông vừa lên ngôi, Đỗ Anh Vũ cũng mới nắm chính quyền, có lẽ vì thế mà triều đình không muốn luận tội của Lưu Cao Nhĩ, đúng hơn là không muốn có xung đột với gia tộc họ Lưu.

(3) Việt sử lược chép: “Giáp Thìn [1124] Mùa thu tháng 7 (…) Chủ đô giáp Nội tác giám là Tô Ông dâng con rùa mắt có 6 con ngươi, trên ức có hai chữ Thiện Đế (…) Bính Thìn [1136] Tháng 12 (…) Hỏa đầu đo Tả Hưng Thánh là Tô Vũ dâng rùa thần, ở ức có nét chữ Trựu, các quan nhận ra bốn chữ Nhất Thiên Vĩnh Thánh. Vua ngự đến phủ Thanh Hóa xem bắt voi”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Minh Trí. Chùa Phúc Thánh, Điển Lãnh. Người làng Phù Cầm [Yên Phong, Bắc Ninh] họ Tô. Sư bẩm tính thông tuệ, đọc khắp các sách. Đến tuổi 20, gặp Đạo Huệ thượng sĩ, bèn bỏ tục xuất gia, gõ trúng bảng huyền (…) năm Bính Thìn Thiên Tư Gia Thụy thứ 11 [1196] Sư yên lặng mà mất”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Tín Học. Chùa Quán Đỉnh, núi Không Lộ. Người châu Minh, phủ Thiên Đức, họ Tô. Đời đời chuyên nghề khắc kinh. Nhỏ thờ Thanh giới, không giao du bừa bãi. Năm 32 tuổi, theo Du thiền sư đến núi Tiên Du, thế phát với Đạo Huệ, hầu hạ 3 năm. Sư sâu hiểu tôn chỉ, nhân đó một mình chống gậy du phương, đến ở chùa Quán đỉnh (…) Ngày chín tháng giêng năm Canh thân, Thiên Tư Gia Thụy thứ 15 [1200] Sư cáo bệnh, gọi chúng đến đọc bài kệ (…) Nói xong sư tịch”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Trí Bảo. Chùa Thanh Tước, núi Du Hý, làng Cát Lợi Hy, Thường Lạc. Người Ô Diên [Hạ Mỗ, Hoài Đức, Hà Tây] Vĩnh Khương, họ Nguyễn, nguyên là cậu của Thái úy Tô Hiến Thành, triều vua Anh Tôn nhà Lý (…) Đến ngày 14 tháng 4 năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 [1190] triều vua Lý Cao Tôn, sư cáo bệnh rồi mất”. 

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Trí Nhàn. Am Phù Môn, núi Cao Dã, Yên Lãng. Người Phong châu, họ Lê tên Thước là miêu duệ của Ngự Man Vương triều Lê. Ông nội là Thuận Tôn làm quan với triều Lý đến chức Trung thư đại liêu ban, lấy công chúa Kim Thành. Cha là Đạc, làm quan đến chức Minh tự. Anh là Kiếm, xa nhận chức Tam nguyên đô tuần kiểm cùng được bổ làm Châu mục. Sư sớm lo việc học hành, thi đậu tiến sĩ, sung làm Cung hầu thư gia (…) Hai triều đại Anh Tôn và Cao Tôn, nhiều lần triệu thỉnh mà sư không đáp. Phụ quốc thái úy Tô Hiến Thành và thái bảo Ngô Hòa Nghĩa đem lễ thầy trò đến tìm, trải qua 10 năm chưa hề biết mặt. Bỗng một hôm, Sư cùng các vị ấy gặp nhau, họ vui mừng khôn xiết”.

– Theo Toàn thư thì năm 1127, Lưu Khánh Đàm đã là thái úy và là người nhận di chiếu của Lý Nhân Tông, theo khảo luận của tác giả Hoàng Văn Lâu, Khánh Đàm sinh năm 1093, như vậy Khánh Đàm giữ chức thái úy trước tuổi 34. Đây cũng là việc thường khi mà nghiêm khảo của Khánh Đàm là Huy Triết giữ chức thái phó.

– Theo Toàn thư thì vợ của Đỗ Anh Vũ là Tô thị, theo Mộ chí của Đỗ Anh Vũ thì người đứng ra thay mặt triều đình lo việc hậu sự của Đỗ thái úy là Tô thái úy, do đó tôi cho rằng Tô Hiến Thành là anh em vợ của Đỗ thái úy. Như thế Hiến Thành sinh khoảng năm 1113. Theo Toàn thư năm 1141 Tô Hiến Thành đã là thái phó, nên tôi cho rằng cũng giống như trường hợp của Lưu Khánh Đàm, Tô Hiến Thành có gia thế và tôi đang nghĩ đến vị Phó kỳ lang họ Tô trên bia chùa Hương Nghiêm.

– Toàn thư có ghi chép về nhân vật họ Tô khác vào thời điểm năm 1141, đó là Thị vệ đô Tô Tiệm và tôi đang nghĩ đến trường hợp tương tự đó là em trai của Lưu Khánh Đàm là Lưu Ba. Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam thì Tô Hiến Thành sinh năm 1102, quê làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Không rõ TĐBKVN căn cứ trên cơ sở nào để xác quyết về quê quán của Hiến Thành, xong theo Thiền uyển tập anh thì cậu của Tô thái úy người làng Hạ Mỗ, Hoài Đức thì xem ra TĐBKVN xác lập không phải là không có căn cứ.

– Theo thống kê (chưa rõ nguồn) thì Tô Hiến Thành được thờ ở nhiều nơi tại miền bắc Việt Nam, nhưng riêng Thanh Hóa có đến khoảng 72 đền thờ Tô thái úy. Thông tin này bổ sung cho giả thuyết Tô Hiến Thành là hậu duệ của vị Phó kỳ lang họ Tô trên bia chùa Hương Nghiêm.

(4) Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Mùa xuân tháng giêng, Phạm Bỉnh Di lại đốc xuất người ở Đằng Châu và Khoái Châu đánh Phạm Du (…) Nhưng đánh bị thua mấy trận, Phạm Bỉnh Di tức giận chém chết những người nào bỏ chạy để răn bảo quân sĩ (…) Phạm Du chạy trốn ở vùng Hồng. Phạm Bỉnh Di tịch biên nhà cửa của hắn mà đem đốt phá đi”.

– Theo sách sử thì thấy rằng Phạm Du có mối quan hệ rất tốt với Đoàn Thượng, năm 1207 khi quân triều đình vây Đoàn Thượng, thì chính Phạm Du đã tấu xin cho Thượng, năm 1208 khi Phạm Bỉnh Di lấy người Đằng Châu dẹp giặc, thì Phạm Du kéo quân từ Thanh Hóa về Hưng Yên, cùng với Đoàn Thượng chống lại Bỉnh Di, năm 1209 Cao Tông có ý liên kết với Đoàn Thượng để đánh Trần Lý, có lẽ cũng là mưu của Phạm Du. Nhưng trong bài Lý triều tân biên: Cao Tông và Huệ Tông, tôi xác định Phạm Du người Quốc Oai. Tuy nhiên còn khá nhiều thông tin mà chúng ta có thể khai thác để làm rõ hơn về nhân vật Phạm Du.

– Theo như Việt sử lược thì sau khi Du thua, phải chạy sang nương tựa Đoàn Thượng, Phạm Bỉnh Di đã tịch biên nhà cửa của Du đem đốt. Phạm Du đóng quân tại Cổ Miệt cả năm trời, thì việc có nhà cửa cũng là thường, nhưng hẳn là nhà cửa của Du phải lớn lắm thì sự kiện “đốt phá nhà cửa” mới được ghi chép lại ?

Việt sử lược chép: “Mậu Thìn [1208] Vua dùng Phạm Du làm Tri Châu Nghệ An lãnh đạo việc quân (…) Phạm Du mới chiêu nạp bọn vong mệnh, tụ họp lũ giặc cướp [do đó] Quốc Oai cũng đốc xuất đồ đảng của họ đến đóng ở Tây Kết. Người ở trại Văn Lôi ở sông Đà Mạc. Từ đó đường sá bị ngăn trở cắt đứt, ghe thuyền không đi lại được. Nhà vua sai quan Thượng phẩm Phụng ngự là Phạm Bỉnh Di đem người ở Đằng Châu đến ngăn giặc, thì Phạm Du lại kéo về làng Cổ Miệt rồi cùng với người ở vùng Hồng là bọn Đoàn Thượng, Đoàn Chủ hợp binh đánh Đằng Châu. Người Đằng Châu xin Phạm Bỉnh Di đánh Du nhưng không thắng bèn rút quân về”.

– Theo Việt sử lược thì khi Phạm Du chiếm giữ Thanh Hóa thì người 2 xứ là Quốc Oai và Văn Lôi nổi lên làm giặc. Trại Văn Lôi được xác định gần sông Đà Mạc [Tha Mạc] Theo Đại Nam nhất thống chí thì “Bãi Đà Mạc tức sông Thiên Mạc, bây giờ là bãi Mạn Trù” thuộc Khoái Châu, Hưng Yên. Như vậy là giữa Phạm Du và Hưng Yên có rất nhiều mối quan hệ, liệu rằng Phạm Du có phải người Hưng Yên không ?

Lời tựa và bài minh trên bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt viết: “Chùa Diên Phúc, do bà mẹ ông thái uý (…) sáng lập nên. Mẹ ông là cháu ngoại cụ Pháp Thi, là con gái út quan Phủ lại (…) Đến tuổi cài trâm về làm bạn cùng tướng công họ Đỗ (…) Người con gái của Mẫu là Quỳnh Anh (…) lấy Kim bộ viên ngoại lang họ Phạm, sinh một trai là Quốc Hiền. Khi Quỳnh Anh qua đời, Quốc công [Quốc Hiền] được Mẫu nuôi làm con nuôi (…) Thôn Cổ Việt, có lẽ do cụ tiên tổ là Đỗ Pháp Thi mở ra đầu tiên. Mẫu dựng nhà riêng, để từ kinh đô về đây nghỉ (…) Một hôm, Mẫu triệu Công Đàm tôi tới nói: Ta đã xây xong chùa này, lại phụ đặt ruộng thờ cho họ ta, tất cả giao phó cho Quốc Hiền, không để cho họ khác chiếm. Nhưng văn bia thì chưa có, ông hãy vì ta lược ghi năm tháng, để người sau được biết”.

Lời tựa và bài minh trên bia thái uý Lý công nước Đại Việt viết: “Ông thân sinh ra Thái uý họ Đỗ tên Tướng, tức cháu ngoại gọi Thái uý Lý công bằng cậu, nhà ở hương Tây Dự. Thiếu thời, đến kinh sư chơi, gặp người con gái một dòng họ lớn (…) bèn hỏi về làm vợ. Sinh hạ hai người con, người con trai tức là ông (…) người con gái tên Quỳnh Anh, gả cho người họ Phạm giữ chức Thị trung (…) Đưa thi hài về táng tại xóm Sùng Nhân, hương An Lạc, là đất của tổ tiên mẹ Thái uý”.

Chú thích: “Theo Văn khắc Hán Nôm Việt Nam – 1998, thì năm 1943, bia vẫn còn ở thôn An Lạc, huyện Đông An (nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) nhưng nét chữ đã rất mờ. Hiện tại bia và thác bản đều không còn. Bài văn bia do ông Hoàng Xuân Hãn chép lại từ một bản sao cũ của thôn An Lạc”.

– Trong bài Bàn về gốc tích của Lý Thường Kiệt, tôi cho rằng: ngài Đỗ Tướng, lấy mẹ của ngài Đỗ Anh Vũ không phải là ngẫu nhiên mà là có sự tình bên trong. Bây giờ chúng ta sẽ làm rõ hơn mối quan hệ chằng chịt ấy. Theo như Mộ chí của Đỗ Anh Vũ thì, ngài thái úy có 1 người em gái tên là Quỳnh Anh được gả cho thị trung họ Phạm, sinh được 1 người con trai tên xưng là Quốc Hiền. Cũng theo mộ chí thì khi Anh Vũ chết được chôn cất tại “đất của tổ tiên mẹ thái uý” là hương An Lạc nay là Mỹ Văn, Hưng Yên. Rõ ràng mẹ thái úy người hương An Lạc, việc này được xác thực qua bia chùa Diên Phúc với chi tiết, mẹ ngài thái úy là cháu ngoại cụ Đỗ Pháp Thi, con gái út của quan phủ lại ở kinh thành và thôn Cổ Việt do cụ tiên tổ là Đỗ Pháp Thi mở ra.

– Chúng ta tạm xác lập mối quan hệ như sau: Đỗ Pháp Thi thôn Cổ Việt sinh Đỗ thị. Đỗ thị lấy Quan phủ lại sinh Mẫu thị. Mẫu thị lấy Đỗ Tướng người Tây Dự sinh Đỗ Anh Vũ và Đỗ Quỳnh Anh. Đỗ Quỳnh Anh lấy Viên ngoại lang thị trung họ Phạm sinh Quốc Hiền. Theo đặc trưng hôn nhân lệnh tộc thời Lý thì rất có thể bà Mẫu thị người họ Phạm, tức là con gái của Đỗ Pháp Thị lấy Quan phủ lại họ Phạm. Chi tiết khá thú vị trong bia chùa Diên Phúc đã gợi ý manh mối rất quan trọng, đó là việc mẫu nuôi Quốc Hiền từ nhỏ và tất cả giao phó cho Quốc Hiền không để dòng họ khác chiếm. Như thế vị Quốc Hiền người họ Phạm, quê ở kinh thành được thừa hưởng tài sản của họ Đỗ thôn An Lạc.

– Chúng ta để ý chi tiết năm 1208, khi Phạm Bỉnh Di dẫn người Đằng Châu đánh Phạm Du nhưng không thắng, đến năm 1209 lại dẫn người Đằng Châu và Khoái Châu đánh Du, cũng không thắng do thuộc hạ bỏ trốn nên buộc Di phải chém để răn. Trong khi vào năm 1208, người Đằng Châu xin Bỉnh Di đánh Phạm Du. Tôi phỏng đoán Phạm Bỉnh Di người Đằng Châu và Việt sử lược có chép năm 1207, Phạm Bỉnh Di xuất quân từ đạo Khả Liễu tấn công Đoàn Thượng. Tôi hiện chưa khảo được địa danh Khả Liễu, nhưng tôi ngờ rằng nó thuộc Đằng Châu và nếu như vậy thì đúng là Bỉnh Di người Đằng Châu. Còn Phạm Du người Khoái Châu nên khi Bỉnh Di lấy thêm người ở Khoái Châu, những người bị bắt đi lính thuộc Khoái Châu đã bỏ trốn. Nhưng vì sao người Đằng Châu lại xin Bỉnh Di đánh Du, tôi cho rằng đó là vì người Đằng Châu và Khoái Châu có xích mích và vì xích mích [có lẽ liên quan tới tổ tiên họ Phạm của Di và Du] nên dưới thời Cao Tông đã tách Lộ Khoái thánh Đằng Châu và Khoái Châu.

Toàn thư chép: “Đinh Mùi [1127] Mùa xuân tháng giêng, cho Ngự khổ thư gia là Phạm Tín làm Phán sự phủ Thanh Hóa (…) Kỷ Dậu [1129] Tháng 12, Lấy Nội thường Đỗ Nguyên Thiện làm Tham tri chính sự, giữ phủ Thanh Hoá. Ngự khố thư gia Phạm Tín làm Viên ngoại lang (…) Mậu Ngọ [1138] Tháng 6, hạn (…) Chư vệ là Phạm Tín xin đến Vu đàn làm lễ cầu mưa. Vua y theo”.

– Triều Lý Thần Tông xuất hiện rất nhiều người họ Phạm, nên không rõ vị Viện ngoại lang thị trung kết duyên với Đỗ Quỳnh Anh là ai ? Tôi thấy có nhân vật Phạm Tín này là phù hợp nhất, bởi những lẽ sau: Đỗ Anh Vũ sinh năm 1113 vậy Quỳnh Anh sau muộn hơn không bao lâu. Nếu khoảng 15 tuổi nàng kết hôn thì sẽ rơi vào thời điểm năm 1130. Lúc này Phạm Tín đang làm Phán sự phủ Thanh Hóa. Không rõ vì cơn cớ gì mà sau khi sinh Quốc Hiền, nàng Quỳnh Anh mất. Nhưng chi tiết Quốc Hiền ở với bà ngoại thì hẳn là bên nhà chồng không có điều kiện chăm sóc Quốc Hiền. Điều kiện ở đây không phải là tài chính vì với Viên ngoại lang thị trung thì tài chính không phải đến quá nỗi. Rất có thể đó là do khoảng cách địa lý chăng. Ngoài ra, có chi tiết Phạm Du được cử vào dẹp loạn phủ Thanh Hóa năm 1208. Việc Cao Tông cử Phạm Du có phải là ngẫu nhiên không khi mà vào tháng 7/1203, tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục Nghệ An là Phạm Diên có liên quan tới rắc rối với người Chiêm Thành là Bố Trì. Nếu năm 1129 hai họ Đỗ – Phạm giữ Thanh Hóa thì năm 1203 vẫn hai họ Đỗ – Phạm giữ Nghệ An. Thanh Hóa và Nghệ An đừng ngoài nội chiến Đại Việt thời Lý mạt từ năm nào ? Chúng ta sẽ bàn trong Việt Chiêm trường trận tân biên.

Tiểu kết: Tôi cho rằng Phạm Ngu thuộc gia tộc họ Phạm, tổ tiên người Quốc Oai, rồi sau dời đến kinh thành, có quan hệ hôn nhân truyền đời với họ Đỗ ở Lộ Khoái, đến thời Phạm Quốc Hiền thì giữ tài sản của họ Đỗ thôn An Lạc. Phạm Quốc Hiền ước sinh khoảng năm 1130, đến năm 1209 tổng cộng khoảng 80 năm. Vào thời điểm 1209 giả sử Phạm Du khoảng 40 tuổi [vì nếu Du bằng tuổi Phạm Bỉnh Di mà Di có con trai là Phụ có thể cầm quân đánh giặc, thì Phụ cũng phải 20 tuổi] nếu vậy Phạm Du sinh khoảng năm 1170 và nếu khoảng 20 tuổi Phạm Quốc Hiền lập gia thất, thì đó là năm 1150. Như thế Phạm Du có thể là hàng cháu của Phạm Quốc Hiền.

Bình luận về bài viết này