Tình thế của một dân tộc vay mượn (bài 4)

140901135924_tran_trong_kim_304x171_trantrongkim_nocredit

Nội các Trần Trọng Kim (báo Trung Bắc Chủ Nhật 20/5/1945)

Lê Văn Tích

Không thể có độc lập trong tình thế của một dân tộc vay mượn

Không chỉ chính phủ Hồ Chí Minh ở phía Bắc luôn trong tình thế của vay mượn, mà ở vào cái thời ly loạn đau thương ấy, dường như tất cả các chính thể khác như Chính phủ Trần Trọng Kim, Chính phủ Bảo Đại và sau đó là Ngô Đình Diệm đều tồn tại trong tình thế của một “dân tộc vay mượn” và nhờ vả. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đất nước chia rẽ, chia tách dẳng dai sau này? 

Đầu 1945, chiến tranh thế giới thứ hai đang bước vào giai đoạn suy tàn. Ngày 9 tháng 3  năm 1945, Nhật đổi chính sách, đảo chính Pháp, bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội Pháp ở Đông Dương.

Sau cuộc tập kích bất ngờ vào quân Pháp đêm 9/3/1945, vấn đề quan trọng  đối với quân Nhật là duy trì bằng được “trật tự và ổn định” xã hội Đông Dương nhằm tìm nguồn cung ứng vật chất tại chỗ cho hơn 6 vạn lính Nhật, cũng như để cung cấp cho việc phòng thủ nước Nhật trước đà tấn công của quân Đồng minh(wikipedia). Tuy nhiên, đúng lúc đó, bộ máy hành chính thực dân mà Nhật kế thừa từ Pháp đã tan rã, vì thế việc thành lập bộ máy cai trị bản xứ đặt ra như một đòi hỏi cấp bách và Đế quốc Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó. Nội các của Đế quốc Việt Nam ra mắt quốc dân ngày 19/4/1945, bao gồm phần lớn là những nhà trí thức, đứng đầu là GS Sử học Trần Trọng Kim ( một trí thức mà chúng tôi đánh giá là uyên bác nhất trong lĩnh vực KHXH của Việt Nam cho đến nay).

Người Nhật thì muốn lợi dụng Trần Trọng Kim như là một chính phủ tay sai để phục vụ mưu cầu ích kỷ của họ. Trần Trọng Kim đã nhiều lần khước từ cái “phường danh lợi” đó nhưng cuối cùng ông cũng đành lòng mà đi theo vì nỗi uất ức bấy lâu của đấng sỹ phu “ưu thời” mà chưa có cách gì để cứu được đời.

Nói là độc lập nhưng thực chất mọi chính sách kinh tế, văn hóa, quốc phòng đều nằm trong tay người Nhật, Chính phủ mà Trần Trọng Kim đứng đầu đến tháng 8/1945 chỉ còn mang tính biểu trưng.

Một chính thể lập ra được phát xít Nhật “chống lưng” thì làm sao có thể độc lập mà quyết định theo tinh thần và tư tưởng của dân tộc mình. Sự thất bại của chính phủ Trần Trọng Kim (sau khi Nhật đầu hàng, 14/8/1945), một lần nữa minh chứng cho nhận định: “Không thể có độc lập trong tình thế của một dân tộc vay mượn”.

Bản chất của con người vốn là tham lam và bẩn thỉu, khi nó vướng víu vào mưu cầu chính trị thì càng đểu hơn. Nhưng nó thối tha nhất là khi dính líu đến bàn cờ chính trị của thế giới. Bọn lái buôn chính trị xuyên quốc gia đó đã không từ một thủ đoạn độc ác nào để đạt được dã tâm của mình. Và những người Việt Nam chúng ta, hoặc là bất đắc dĩ, hoặc là không nhận ra nguyên lý này nên từ thời này qua thời khác mà vẫn không có cách gì tránh được cái vòng luẩn quẩn của sự vay mượn và lệ thuộc.

Đến lượt Vua Bảo Đại, sau khi làm lễ thoái vị trao ấn kiếm cho đại diện của chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(8/1945), trong chuyến tháp tùng sang Pháp, ông lại tiếp tục bắt tay với Pháp để rồi lập ra Quốc gia Việt Nam (1949) do ông làm Quốc trưởng.

Đến năm 1954, sau bảy lần mời, “năn nỉ”, Ngô Đình Diệm ra làm Thủ tướng cho Quốc gia Việt Nam. (Ngô Đình Diệm thực sự là người kỳ lạ. Mấy ai lại được mời ra làm thủ tướng đến 7 lần, làm thủ tướng khác gì làm vua? Xưa kia nói Trần Nhân Tông coi ngai vàng như đối dép rách là vì ông ta vứt ngai vàng đó cho con mình để đi tu chứ không phải là vứt cho thiên hạ? Vậy mà Ngô Đình Diệm nếu tính cả lần Hồ Chí Minh mời ra làm thủ tướng nữa là 8 lần. Đó là người mà trong lịch sử nhân loại không thể có). Để rồi sau đó, 1955, Ngô Đình Diệm được Mĩ hậu thuẫn làm cuộc “trưng cầu dân ý” truất ngôi Bảo Đại, lên làm Tổng thống, lập ra nền cộng hòa đệ nhất ở miền Nam Việt Nam.

Cuộc phế truất vua Bảo Đại (1955) như là hệ quả tất yếu của một chính quyền vay mượn giữa Bảo Đại và Pháp. Đến lượt mình, anh em nhà Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám hại (1963) như là quy luật khó tránh khỏi của một “nền độc lập” vay mượn?

Như vậy, Việt Nam trong khoảng 10 năm (1945 – 1954), có đến 4 chính thể nhà nước. Trong đó có chính thể chỉ tồn tại chủ yếu mang tính biểu trưng, nhưng có chính thể tồn tại với thực thể đại diện của một nhà nước.

Yếu tố chung nhất ta thấy là cả 4 chính thể này đều được dựng lên hoặc trong quá trình tồn tại đều bị chi phối yếu tố “nước ngoài”. Trần Trọng Kim thì Nhật chi phối; Bảo Đại thì Pháp chi phối; Ngô Đình Diệm thì Mĩ chi phối và Hồ Chí Minh thì Xô-Trung chi phối.

Nguyên tắc của của sự “giúp đỡ và chi phối” là các bên cùng “có lợi”, không ai cho không ai bao giờ. Xô-Trung giúp đỡ Hồ Chí Minh;  Nhật – Pháp – Mĩ giúp đỡ Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm không thể từ sự vô tư trong sáng mà đều xuất phát từ lợi ích “quỷ quái” của họ.

Điều mà chúng ta day dứt ở đây là, nếu mọi người đừng cố chấp, nếu mọi người có niềm tin lẫn nhau, nếu mọi người ý thức rõ được “nghĩa đồng bào” Việt Nam mà “nhìn” về một hướng? Cùng nhau đoàn kết, nỗ lực của toàn dân tộc mà đấu tranh như ẤN Độ thì cái họa của sự chia cắt tang thương ấy đã bớt được đi nhiều lắm.

Lịch sử không có “nếu”, nhưng cái “nếu” cần phải được nhận thức thấu đáo ở đây là: “Việc nhà ai, người ấy lo”; đất nước nào thì phải do chính con người của đất nước đó xây dựng mà đừng bao giờ “trông ngóng” vào một sự vay mượn nhờ vả bên ngoài dù cho sự vay mượn là “trong sáng” là thâm tình nào đó.

Chuyện của đất nước, ở một khía cạnh nào đó cũng giống như chuyện gia đình. Trong nhà có chuyện thì nên “đóng cửa bảo nhau” chứ ai lại đi nhờ anh em này, chú bác nọ đến “can thiệp”? Làm như thế chỉ có tan tành, nát bét mà thôi. Vậy mà lịch sử nước ta từng trải qua như thế và dường như đến nay họ vẫn đang tìm cách để đối xử với nhau như thế?

Trong bối cảnh nợ công quốc gia đã kịch trần,( khoảng 2,7 triệu tỷ), nhưng tình hình kinh tế đất nước lại đang “làm một đồng mà chi ba đồng” thì vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ “nợ nần” tiền bạc mà nguy cơ về độc lập chủ quyền cũng là chuyện không thể thờ ơ! Và “Không thể có độc lập trong tình thế dân tộc vay mượn” như là “đàn gãi tai trâu”

1 thoughts on “Tình thế của một dân tộc vay mượn (bài 4)

  1. ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI

    Con người chủ thể tự nhiên
    Còn như đất nước cái nền vậy thôi
    Người hay đất nước mới hay
    Người tồi đất nước làm sao không tồi

    Nên chi hiểu biết đứng đầu
    Thứ nhì đạo đức mới hầu văn minh
    Còn như chính trị linh tinh
    Tranh quyền đoạt lợi liệu mình hơn ai

    Vậy nên trước phải chân tài
    Làm người lãnh đạo mới đời đi lên
    Đương nhiên cần phải dân bầu
    Tự biên tự diễn có hầu giống ai

    Đồng thời độc lập tự do
    Người dân cũng vậy quốc gia khác gì
    Nếu toàn chỉ thứ cu li
    Dưới trên lệ thuộc hỏi gì hay đâu

    Dân không độc lập tự do
    Nước không độc lập đều là hiểm nguy
    Bởi vì đâu có con người
    Chỉ còn sản phẩm vật vờ người sai

    Nên chi từ đó mà suy
    Kể từ độc lập tới giờ ra sao
    Thế chiến xong tưởng thở phào
    Ai dè chiến tiếp hai lần tan thương

    Hỏi ai từng đã dẫn đường
    Ông Kim, Bảo Đại, hay là ông Minh
    Hay là ông Diệm, ông Nhu
    Ai làm đất nước chia đôi hai miền

    Vậy nên hiểu sử mới tài
    Còn toàn dốt nát quả hài vậy thôi
    Ngu dân là tội trên đời
    Tuyên truyền sai trái thành người ra chi

    Phan Chu Trinh đã nói gì
    Trước khai dân trí là điều đầu tiên
    Rồi thì dân khí dân quyền
    Cuối cùng hạnh phúc mọi điều dân sinh

    Còn như cốt lợi cho mình
    Ngu dân để trị thật tình ra sao
    Vậy nên tóm lại con người
    Chỉ người lành mạnh khiến đời mới hay

    Còn làm siễm nịnh tràn
    Chỉ vì độc đoán thì hay nỗi gì
    Dân thành toàn thứ cu li
    Thế thì lãnh đạo liệu mình vì ai

    Hiểu ra được thế mới tài
    Còn mà lấp liếm chỉ hài làm sao
    Cuối cùng kết lại thế nào
    Nước nhà hay dở đều do con người

    Bởi toàn đầu mối vẫn người
    Cả như sách lược cũng người làm ra
    Người mà nếu chẳng tài hoa
    Chỉ toàn bắt chước hóa ra hay gì

    Thành ra tài bộ ở đời
    Mọi phần sách lược tự mình mới hay
    Còn như bắt chước bên ngoài
    Ngàn năm cũng vậy huống gì trăm năm

    DẶM NGÀN
    (07/8/17)

    Thích

Bình luận về bài viết này