Bàn về giai thoại chung quanh Đào Duy Từ

dao duy tu

Đền thờ Đào Duy Từ ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định

Tôn Thất Thọ

Trong lịch sử dân tộc, Đào Duy Từ có lẽ là nhân vật khá đặc biệt. Chính sử ghi chép về ông khá ít ỏi. Nếu có thì nhiều chỗ còn bất nhất, từ thời điểm ông bị cấm thi hay bị hủy kết quả thi, đến thời điểm ông theo chúa Nguyễn vào Nam; cũng như gia cảnhcủa ông nhiều điều chưa sáng tỏ.Nhưng bù lại, xung quanh ông đầy những giai thoại nhằm đánh giá và làm nổi bật vai trò của ông đối vớí xứ Đàng Trong. Có giai thoại mang tính chất hư cấu,  nặng “âm hưởng” truyền kỳ Trung Quốc , hoặc thiếu logic, nhưng tất cả đều đề cao ông, hâm mộ tài năng kiệt xuất của ông.Xin được bàn đến mấy giai thoại về ông nằm trong phạm trù đó.

Trước hết là câu chuyện kể về tình bạn của ông với Lê Thì Hiến được chép trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án (1770 – 1815). Tác giả kể rằng khi Đào Duy Từ thổ lộ ý định vào Nam  để tìm chủ mới với bạn thân của mình là Lê Thì Sĩ, thì bạn ông không cùng quan điểm, nhưng cũng không ngăn cản, lại còn tìm cách giúp đỡ cho ông đi trót lọt. Thời gian sau, Lê Thì Sĩ được cử vào trấn thủ vùng Nhật Lệ, Đào  Duy Từ nghe tin đã rút quân về, không giao chiến nữa để trả mối hàm ơn bạn ngày trước. Sự việc này ngoài tác giả Nguyễn Án ghi chép, không thấy sử sách nào ghi nhận.

Bàn về giai thoại này có người cho rằng nó xuất phát từ câu chuyện xảy ra dưới thời Chiến Quốc giữa Ngũ Tử Tư (Ngũ Viên) và Thân Bao Tự. Thân Bao Tự đã không ngăn cản Ngũ Viên, nhưng cũng kiên quyết tỏ rõ ý mình là nếu Ngũ Viên hành động làm cho nước Sở lâm nguy, thì mình sẽ cố sức bảo vệ  nước Sở. Cũng như câu chuyện tranh luận giữa Đào Duy Từ – kẻ chăn trâu với những nhà Nho đang đàm luận thế sự tại nhà phú hộ Chúc Trịnh Long cũng ảnh hưởng từ câu chuyện giữa Bạch Lý Hề và Nịch Thích.

 Nổi bật  nhất là giai thoại kể lại rằng khi chúa Nguyễn tiếp ông mà không mặc trang phục nhà Chúa, ông không chịu vào diện kiến, điều này tương tự như nhiều chuyện đòi hỏi các ông vua chư hầu phải biết lễ khi tiếp xúc với nhân tài. Giai thoại Đào Duy Từ đến núi Đầu Mâu gặp Hoàng Phủ Chân Quân; một vị tu sĩ đang tu luyện và viết binh thư ở một ngôi chùa trên núi và được Hoàng Phủ Chân Quân truyền cho binh thưcho  Điều này cũng xuất phát từ chuyện Trương Lương thời Chiến quốc được Hoàng Thạch Công trao cho tài liệu quý là Thái Công binh pháp, đồng thời dặn dò : “Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả. Mười năm sau, sẽ ứng nghiệm.Mười ba năm sau, con đến gặp ta. Hòn đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành ở phía bắc sông Tế là ta đó…” 

Một giai thoại khác truyền tụng về ông được phổ biến rộng rãi là câu chuyện ông bày cho chúa Nguyễn viết thư trả lời chúa Trịnh về việc từ chối nhận sắc phong. Chuyện kể rằng năm Canh Ngọ (1630), chúa Sãi nghe lời Đào Duy Từ đem sắc dụ ra trả lại cho vua Lê, rồi sai tướng đánh lấy phía Nam sông Gianh để chống với quân  Trịnh. Đồng thời,ông cho làm một mâm đồng có hai đáy, bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cớ trốn về. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn đi vội sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc trước kèm bài thơ: Mâu nhi vô dịch/ Mịch phi kiến tích/ Ái lạc tâm trường/ Lực lai tương địch!

Cả triều không ai hiểu, chúa Trịnh bèn cho mời Phùng Khắc Khoan (1528 -1613) đến hỏi thì mới vỡ lẽ, trong chữ Hán, chữ mâu viết không có dấu phết thì thành chữ dư. Chữ mịch mà bỏ chữ kiến là chữ bất. Chữ ái nếu viết thiếu chữ tâm thì ra chữ thụ. Chữ lực để cạnh chữ lai sẽ thành chữ sắc. Thế thì bốn câu trên là: dư bất thụ sắc (ta không nhận sắc). Chúa Trịnh hiểu ý trả sắc phong, nổi giận cho người đuổi theo sứ đoàn chúa Nguyễn thì cả sứ đoàn đã đi xa. Nội dung câu chuyện này đã được nhiều người nhận xét  có thể bài thơ đó là của Đào Duy Từ,  nhưng việc chúa Trịnh phải nhờ đến Phùng Khắc Khoan giải mã bài thơ là điều sai lạc, vì Phùng Khắc Khoan mất năm 1613, khi sự kiện được cho là xảy ra vào năm 1630 !

 Về sau đã xuất hiệnvà lan truyền một giai thoại khá lý thú. Cũng là giai thoại nhưng lại có chiều hướng khác. Người ta đã giải thích một câu ca dao chỉ có ý nghĩa thuần túy về văn chương biểu cảm để theo chiều hướng lịch sử. Giai thoại kể rằng sau khi nhận thư trả lời của chúa Nguyễn, Trịnh Tráng bèn cho người dò la biết được việc chúa Nguyễn không nhận sắc phong đều do Đào Duy Từ bày ra. Chúa tính kế để lôi kéo Duy Từ bỏ chúa Nguyễn  về với triều đình, vì thế  lập mưu sai người mang nhiều vàng bạc, bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng anh tiếc lắm thay!”.

Lời thơ nói đến chuyện anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ  là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán ông vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp :“Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?/ Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu/ Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra?” Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau: “Có lòng xin tạ ơn lòng/ Đừng đi lại nữa mà chồng  em ghen!”

 “Chồng” ở đâychắc có ý nói về chúa Nguyễn ! Nhiều người cho rằng giai thoại này xuất phát từ Đàng Ngoài để nói lên sự “ân hận” muộn màng của vua Lê và chúa Trịnh.

Thế nhưng, khi đọc toàn bộ bài ca dao, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là tâm sự của đôi lứa yêu nhau nhưng không còn cơ hội đến với nhau. Bài ca diễn tả nỗi buồn muôn thuở của những mối tình lỡ hẹn trong cuộc đời. Chuyện tình ngang trái dường như đã kết thúc, nhưng cả hai vẫn còn nhớ mãi,không chỉ là sự tiếc nuối, mà còn là cả một tấm lòng cảm thông lành mạnh, độ lượng, tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu của người xưa…Nếu gán cho hoàn cảnh Đào Duy Từ lúc bấy giờ thì thật khó hiểu, khi chính ông là người tự nguyện vào Nam với chúa Nguyễn và giúp đỡ chúa rất nhiềù. Hoàn cảnh của ông hoàn toàn không phải chịu cảnh cá chậu chim lồng như lời ca dao đề cập:“ Như chim vào lồng như cá cắn câu/ Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/  Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Nói thêm về giai thoại xung quanh gia cảnh của ông. Cha mất năm ông lên 5 tuổi, được mẹ là bà Vũ Thị Kim Chi nuôi ăn học. Năm 14 tuổi, ông vào học trường của Hương cống nhưng không được thi Hương vì luật lệbấy giờ cấm con nhà hát xướng đi thi. Do đó, mẹ ông phải nhờ viên xã trưởng khai đổi họ cho ông thành Vũ DuyTừ theo họ mẹ. Viên xã trưởng nhân thế ép mẹ ông phải lấy mình thì mới giúp, bà bèn lẩn đi bằng cách bảo khi nào Duy Từ thi đậu mới tiến hành cưới xin. Khoa thi Hương năm đó, Duy Từ thi đậu Á Nguyên; viên xã trưởng liền đòi cưới, nhưng mẹ ông viện lý do ông mới thi đậu mà mẹ đã tái giá thì xấu hổ mà từ chối, rồi bảo viên ấy rằng hãy cho con gái lớn về lấy Duy Từ thay thế. Giận dữ, viên xã trưởng nộp đơn kiện, làm lộ việc đổi họ của Duy Từ, viên quan huyện thụ đơn sau đi báo lại cho quan Hiến Sát. Bấy giờ, Duy Từ đang ở Hội văn trên Thăng Long dự thi, khi quan Thái phó đang phân vân chấm bài của Duy Từ, vì một số bài của ông bàn về cải cách chính trị hơi trái ý chúa Trịnh. Ngay lúc đó, bộ Lễ truyền lệnh xóa tên Vũ Duy Từ, đánh tuột Á Nguyên, lột mũ áo. Nghe tin này, bà Kim Chi đã tự vẫn.

Liên quan tới giai thoại này,  nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh trong sách Tiếp cận kho tàng Foklore VN cho biết: gia phả họ Đào do bà Trần Thị Liên sưu tầm ở Bình Định chép là vợ của Đào Tá Hân ( cha Đào Duy Từ) là bà Nguyễn Thị Mạch (không phải Vũ Thị Kim Chi), ngoài ra không thấy ghi chép gì về một bà vợ nào khác nữa.

Như đã nói ở trên, nếu chỉ căn cứ vào chính sử, ta thấy cuộc đời Đào Duy Từ từ khi sinh ra (1572) đến khi làm quan cho chúa Nguyễn (sau năm 1627) hầu như không có sự biên chép rõ ràng. Vì vì thế việc xuất hiện  nhiều giai thoại xung quanh ông là điều dễ hiểu. Điều đó có thể giải thích là nhân dân ta vốn ngưỡng mộ các danh nhân, muốn tìm các câu chuyện đặc sắc để truyền tụng. Chuyện thực hay hư, hay đã được thêm bớt  thì điều đó không quan trọng. Cho dù cuộc đời ông được bao phủ bởi một màn sươngthì nhân dân vẫn tìm được nét nào đó có khả năng tương ứng với tài năng, với đức độ và vị trí cuả ông trong lịch sửđể tạo nên. Những mẫu chuyện về các nhân vật nổi tiếng ngày xưa đem ghép cho ông không có gì xa lạ mà lại rất phù hợp, vì chính ông tự xem mình là Gia Cát Lượng !

Nhân dân quý trọng ông bởi ông là một kẻ sĩ biết chọn chúa mà thờ; một ẩn sĩ ở chốn lều tranh mà đã có cái nhìn chiến lược, biết cái thế phân định giữa thời cuộc rối ren.Cho đến khi được ra làm quan thì tỏ ra là một vị quan có tài năng về quân sự và một nhà chính trị lỗi lạc.Ông là một sĩ phu có hoài bão, có chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện tài năng để làm việc cho đời.Có thể nói rằng, những giai thoại lịch sử về Đào Duy Từ xuất hiện chính là để bù vào những chỗ trống chưa biết về cuộc đời  và hành trạng của ông. Nó cũng làm cho  người đời sau không phải nhiều băn khoăn về một nhân vật  tài đức và có thực.

Lịch sử dựng nước và mở nước của dân tộc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và bi thương để chúng ta có được đất nước trọn vẹn ngày hôm nay, trong đó có giai đọan Trịnh – Nguyễn phân tranh. Thế nhưng từ trước đến nay, nhân dân nhiều thế hệ đã không có ý gì chê trách ông không trung thành với vua Lê chúa Trịnh; cũng không một ai nghĩ rằng ông đã giúp chúa Nguyễn vì ý đồ cát cứ chia cắt giang sơn, tất cả đều quý trọng ông ở một điểm: ông là một tài năng kiệt xuất và là một vị quan có nhân cách hiếm có của lịch sử nước nhà. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương trong nước như ở làng Hoa Trai, Tỉnh Gia, Thanh Hóa;  làng Tùng Châu, Hoài Nhơn, Bình Định;  làng Lạc Giao, Buôn Ma Thuột nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ ông.

=========================

Tài liệu tham khảo:

–  Quốc Sử Quán Triều Nguyễn,  Đại Nam Thực Lục, 1, NXB Giáo Dục, 2007.

 –  Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ,Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Cao Tự Thanh dịch, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1995.

 – Dương Tụ Quán, Đào Duy Từ, tiểu sử và thơ văn, , Hà Nội, 1944.

 – Tôn Thất Bình, Mườ hai  danh tướng triều Nguyễn, , NXB Thuận Hóa, 2001.

– Vũ Ngọc Khánh, Tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999

1 thoughts on “Bàn về giai thoại chung quanh Đào Duy Từ

Bình luận về bài viết này