Bản tuyên bố về lịch sử vương triều Mạc (bài 6)

vo-binh-dinh-noibat_wtqw

Thanh đại đao được cho là của Mạc Đăng Dung

Nguyễn Xuân Lung

Phần VI: Sự kiện số V

 

NHỮNG DIỄN BIẾN XUNG QUANH VIỆC NHÀ MẠC RỜI THĂNG LONG NĂM 1592 VÀ SỐ PHẬN VUA MỤC TÔNG MẠC MẬU HỢP

          Ở góc độ người đọc sử, sự kiện năm 1592 của nhà Mạc được sử ghi chép logic và hoàn chỉnh. Sân khấu chính trị của nhà Mạc đã khép lại sau 65 năm chấp chính, chính quyền trung ương nhà Mạc tan rã, một bộ phận triều đình nhà Mạc di chuyển lên cát cứ tại Cao Bằng, vị vua thứ 5 nhà Mạc bị bắt và bị hành quyết.

          Hơn 300 năm qua (1697 – 2017) chưa có một phân tích, đánh giá nào từ giới sử học mang tính phản biện, sự kiện thứ V của nhà Mạc. Những ghi bút của đời sau thường khai thác mặt trái từ sự kiện lịch sử này, thậm chí mô tả ngẫu hứng thiếu khách quan hình ảnh vị vua thứ 5 của nhà Mạc Mục Tông – Mạc Mậu Hợp.

  1. MỘT SỐ GHI CHÉP CỦA SỬ VỀ SỰ KIỆN LỊCH SỬ SỐ V

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép những diễn biến này như sau:

“Tiết chế Trịnh Tùng sai trà quận công Phạm Văn Khoái và bọn Liêm quận công, vũ quận công đem 3000 quân bộ và 2 con voi đánh dẹp sông Phố Lai.  Ba tướng chia quân đánh các huyện Yên Dũng, Vũ Ninh (Hà Bắc). Bấy giờ Mạc Mậu Hợp bỏ thuyền lên bộ đến chùa ở huyện Phượng Nhỡn ẩn tại đấy 11 ngày. Quan quân đến huyện Phương Nhỡn, có người thôn dân dẫn đường đưa quan quân vào trong chùa bắt được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quân. Vũ quận công sai người lấy voi chở cùng với hai kỹ nữ về kinh sư dâng tù bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, gởi đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hoa, đóng đanh vào hai mắt bỏ ở chợ”

[ĐVSKTT, tr707, q2, NXB VHTT, 2007]

“Thông sử”ghi chép sự kiện này tỉ mỉ chi tiết hơn:

“Khi quan tiết chế từ sông Tranh về kinh thành, nghe có người báo: “Mậu Hợp ẩn ở chùa Mô Khuê huyện Phượng Nhỡn. Bèn sai trà quận công Nguyễn Đình Luân và Liêm quận công Lưu Chản, dẫn quân đi bắt. Dân địa phương cho biết: “Hôm nọ Mậu Hợp giả làm sư ông, đến ẩn ở đây, đến nay đã 11 ngày”. Quân sỹ bèn đến chùa, thấy Mậu Hợp nghiễm nhiên ngồi xếp bằng bằng gạn hỏi, thì Mậu hợp ấm ớ đáp rằng:

“Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này, chén muối đĩa rau, hằng ngày trai dưỡng, thắp hương thờ phật, công đức chuyên làm”

Quân sỹ thấy nhà sư nói hoạt bát, khiêm tốn, biết là Mậu Hợp, bèn bắt giữ. Mậu Hợp tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực và nói rằng:

“Mấy ngày trước đấy, tôi chạy trốn ẩn núp ở trong rừng rậm, đã quá đói khát dám xin cho một bình rượu uống cho đã”. Quân sỹ bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, ngậm ngùi than rằng:

“Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vậy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế, để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn. Các tướng bèn sai dùng voi chở Mậu Hợp và 2 tên kỹ nữ giải về kinh sư.

Khi giải Mậu Hợp đến trước hành doanh, phủ tiết chế sai dàn binh mã cực kỳ uy nghiêm, rồi mới cho dẫn Mậu Hợp vào yết kiến. Mậu Hợp lễ dập đầu phủ phục ở ngoài sân, phủ tiết chế truyền hỏi tới 3 lần, mà Mậu Hợp vì quá sợ, cứ ấm ớ không thể đáp được, phủ tiết chế bèn sai dẫn ra ngoài cửa quan, giam tù tại đây. Tất cả các quan văn võ đều bàn: “Chiếu điều luật, những kẻ phạm tội thoán thí (giết vua cướp ngôi) thì xử theo luật “Lăng Trì”, “Tùng xẻo” để làm gương cho mọi người và đúng phép nước đem thủ cấp tế cáo nhà tôn miếu để rửa sự sỉ nhục của tiên vương và bớt cơn giận của thần dân”. Quan tiết chế không nỡ gia cực hình, bèn sai đem treo sống Mậu Hợp 3 ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp hiến hoàng đế ở hành tại Vạn Lại xứ Thanh Hoa, đóng đinh vào hai con mắt, rồi bêu ra ngoài”

[Thông sử, tr449 – 450, viện sử học xuất bản, 2007]

          Với những ghi chép của sử giai đoạn 1592 này của nhà Mạc là quá kỹ và rõ ràng. Nhưng người đọc sử không thấy sử chép một trận đánh cuối cùng để phân thắng thua giữa hai bên, có lẽ cũng là một câu hỏi giành cho những người nghiên cứu lịch sử chăng?

          Tại trang viết cuối luận án tiến sỹ sử học PGS – TS. Đinh Khắc Thuân viết:

“Chúng ta cũng chưa thể giải thích đầy đủ về sự thất bại nhanh chóng của nhà Mạc trước nhà Lê Trịnh vào năm 1592, trong khi trước đó, lúc này, lúc khác quân đội Lê Trịnh chỉ có thể vượt ra vùng nhà Mạc để cướp bóc thóc lúa rồi rút về.”

[Lịch sử triều Mạc – qua thư tịch và văn bia, tr348, NXB KHXH, 2001]

          Đây là câu hỏi nghi vấn đầu tiên của giới sử học Việt Nam đối với sự kiện của nhà Mạc năm 1592, được viết ra vào thời điểm trước năm 2000.

  1. SỰ CÂN NHẮC THẬN TRỌNG MANG TÍNH THÔNG BÁO TỪ NỘI BỘ NGƯỜI HỌ MẠC

          Xuất phát từ những ghi chép của quốc sử cộng với đánh giá mà PGS – TS. Đinh Khắc Thuân đưa ra, sự kiện lịch sử năm 1592 của nhà Mạc được chia ra hai hướng cần đi sâu tìm hiểu.

  1. Sự tan rã nhanh chóng của triều đình nhà Mạc năm 1592,sẽ được đánh giá ở góc độ nào? Nguyên nhân từ đâu?
  2. Số phận vị vua thứ 5 nhà Mạc xảy ra có đúng như sử chép không?

Đối với lịch sử, điều tối quan trọng là: Bằng chứng, đi tìm bằng chứng, khám phá bằng chứng để phục dựng sự kiện hay xác định sự thật lịch sử đó là nhiệm vụ bất kỳ nhà sử học nào cũng cần tới. Đứng trước việc phải cân nhắc mang tính thông báo, chúng tôi có những lý do sau đây cần phải tính tới:

          – Tuân thủ pháp luật hiện hành do nhà nước CHXHCNVN quy định

          – Có trách nhiệm lâu dài đối với lịch sử đất nước trong đó có lịch sử nhà Mạc

          – Có trách nhiệm cụ thể với nội bộ dòng tộc cùng với vấn đề bảo vệ lâu dài mồ mả cha ông tổ tiên chúng tôi. Vì những lý do ấy, xin được viết như một dạng thông báo như sau:

  1. Nội dung mang tính chất thông báo

          Ngày nay, một chính khách lớn như tổng thống, thủ tướng đương nhiệm để xảy ra những vấn đề thuộc phạm vi: Chính sách, chính trị, đạo đức, ảnh hưởng lớn tới xã hội, họ có thể xin từ chức một cách đơn giản. Cách ngày nay hơn 400 năm về trước điều đó chưa từng xảy ra và không thể xảy ra với bất cứ một vị vua nào trong chế độ quân chủ Đại Việt. Để có thể hình dung 1 cách tổng quát quá trình sự kiện năm 1592 này của nhà Mạc, có thể liên tưởng tới 1 quy luật tất yếu của tạo hóa (được mô tả theo một quy luật khép kín: [Thành – Thịnh – Suy – Hủy], quy luật bất thành văn này, không có biệt lệ cho bất cứ cá nhân nào, thể chế chính trị nào), đã buộc người đứng đầu nhà Mạc tiến tới một quyết định quan trọng vào thời điểm năm 1592.

          Một quyết định đầy đau đớn như gươm cắt ngang thân, chịu tất cả tổn thất ghê gớm cho dòng tộc, gia đình, cá nhân trước lợi ích của dân tộc, đất nước là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Đại Việt. Cũng có thể hiểu đó là chữ “thời” qua lời than của Nguyễn Quyện sau đây:

“Trời đã bỏ Mạc thì người anh hùng khó thi sức”

[ĐVSKTT, tr700, q2, NXB VHTT, 2004]

          Nhà Mạc còn có thể chấp chính tại Thăng Long vài đời vua nữa, nhưng ở bên kia cái đường trượt sẽ sớm xuất hiện “vua quỷ”, “vua lợn” như đã xảy ra từ nhà Lê trước đây. Chấm dứt nội chiến, chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy của người Việt, lánh đi để giữ lấy đức, vị vua thứ 5 của nhà Mạc đã quyết định đầy khó khăn và dũng cảm như vậy vào thời điểm năm 1592.                      – Giải tán quân đội chính quy nhà Mạc

          – Đưa một lực lượng nhỏ triều đình và lực lượng quân sự nhỏ lên 1 mảnh đất nhỏ: Cao Bằng (một hoàn cảnh mới, sẽ tạo ra một tình huống mới, khép kín chu trình thành – thịnh – suy – hủy).

          – Từ Cao Bằng vị vua thứ 5 nhà Mạc âm thầm rút lui vào lịch sử, làm một người thường dân tại một thôn quê bình yên sát tại thành Thăng Long.

          – Bí mật lịch sử chồng lên bí mật lịch sử các thế hệ về sau chi họ gốc Mạc có nhiệm vụ gìn giữ mộ phần, cúng giỗ húy kỵ vị vua thứ năm nhà Mạc cũng không hay biết đầu đuôi sự kiện lịch sử này, kể cả người dân địa phương cũng vậy.

          Đã có rất nhiều cuộc càn quét khốc liệt của nhà chúa hòng tìm ra nơi vị vua thứ 5 nhà Mạc ẩn mình, điển hình nhất là đợt tìm kiếm và đốt phá toàn bộ khu vực chùa Phú Mãn Quốc Oai Hà Tây và giết hại sư ông tại đây.

  1. Kết luận

          Từ mục đích nhằm thông báo sự kiện lịch sử số V, sự thật lịch sử sự kiện này hầu như còn bỏ ngỏ toàn cảnh, hy vọng một ngày gần đây, nội bộ người họ Mạc, gốc Mạc chúng tôi sẽ đáp ứng đúng, đủ và khách quan sự kiện lịch sử này cho dư luận xã hội.

Phần VII

KẾT LUẬN CHUNG

Vào năm 2017 (1697 – 2017) này, tác phẩm lịch sử “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”  con đẻ của chế độ quân chủ (cung vua – phủ chúa) Lê Trịnh tròn 300 tuổi. Lịch sử nhà Mạc ra đời từ những trang sử ấy, những trang viết này là sản phẩm tư tưởng, quan điểm chính trị do một thể chế quân chủ mới (bình mới rượu cũ) “thắng cuộc”  biên chép về bên “thua cuộc”  là nhà Mạc.

          Suốt 300 năm qua chưa từng xuất hiện một nghiên cứu nào phân tích kĩ lưỡng nội dung mang tính cảnh báo: Coi chừng sẽ xuất hiện “lịch sử nhận thức” nhằm vào lịch sử nhà Mạc từ phía giới chuyên môn. Trừ một bài viết ngắn của giáo sư sử học Hà Văn Tấn có nhắc tới tính thực dụng soạn sử của Phạm Công Trứ.

          Xin hãy trả lại sự thật lịch sử chân chính của nhà Mạc đó là đòi hỏi từ thực tiễn, lẽ công bằng tự nhiên và là mệnh lệnh của cuộc sống, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập toàn diện của đất nước chúng ta.    

Kính thưa Quý vị:

Đứng trước những tồn tại kéo dài của lịch sử nhà Mạc, chúng tôi xin được đồng kiến nghị như sau:

          – Viết lại lịch sử nhà Mạc: Bằng việc tổ chức một hội đồng các nhà sử học có “tâm”“tài” khai thác hết các tài liệu sử học có thể có trong nước, nước ngoài để định hướng cách viết mới khách quan và trung thực về lịch sử nhà Mạc.

          – Xin chấm dứt sử dụng những giáo trình giảng dạy tại các trường đại học trong nước như cách viết của các ông Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Phan Khoa hay nội dung giảng dạy của một số tác giả nữ: Nguyễn Thị Côi, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Thị Thế Bình. Trong sách “Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử lớp 10”, trong các cấp học phổ thông.

          – Xin chấm dứt những trang viết không đủ độ “chín” như bài viết của PGS – TS. Trần Thị Băng Thanh trên công luận về nhà Mạc.

          – Xin dừng phổ cập các bài viết thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, tư cách con người như trường hợp: Hoàng Thiếu Phủ vv…

          – Xin chấm dứt những bài báo giấy, báo điện tử  khai thác những tư liệu dập khuôn sử cũ để viết về lịch sử nhà Mạc, vẽ tranh châm biếm, dựng truyện, dựng tuồng, chèo, khai thác những tình tiết phản cảm về vị vua thứ 5 nhà Mạc: Mạc Mậu Hợp.

          Kính thưa quý vị!

Từ sự kính trọng tiền nhân, chúng tôi chưa hề sử dụng một câu một chữ nào trái lương tâm và không có văn hóa đối với lịch sử  nhà Lê trung hưng và nhân thân các vị Phạm Công Trứ, Hồ Sỹ Dương. Việc sử dụng nhóm từ “lịch sử nhận thức” trong suốt quá trình viết, thể hiện quan điểm đúng mức này từ phía chúng tôi. Kính nghĩ, lịch sử Đại Việt còn vô số bí ẩn làm đau đầu hậu thế, những người làm công tác khoa học lịch sử, nghiên cứu lịch sử gánh nặng đi xa… Sự đóng góp nhỏ nhoi này của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ một vài sự kiện lịch sử “nóng” của nhà Mạc đến đây xin tạm dừng và trân trọng cảm ơn các quý vị./.

  Kính

Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội

Tháng 3/2016

Người chấp bút

Nguyễn Xuân Lung


THỐNG KÊ SÁCH THAM KHẢO

 

– “Đại Việt sử ký toàn thư” NXB VHTT, 2004

“Đại Việt sử ký toàn thư” bản in nội các quan bản – Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), NXB KHXH – 1993

“Lê triều trung hưng công nghiệp thực lục” Hồ Sỹ Dương – Trần Lê Hữu dịch, Tư liệu lịch sử, khoa Sử  Trường ĐH KHXH&NV, KH: LS/TL 0233

“Việt sử thông giám cương mục” 20 tập, NXB Văn Sử Địa (1959 – 1961)

“Đại Việt thông sử”  Viện sử học Lê Quý Đôn, NXB VHTT, 2007

“Lịch triều hiến chương loại chí” 4 tập, Phan Huy Chú, NXB Văn Sử Địa, 1962

“Kiến Văn tiểu lục” , Viện Sử học xuất bản, 2007.

“Đại Nam nhất thống chí” NXB Lao động, 2012.

“Dư địa chí”  Nguyễn Trãi,  “An Nam vũ cống”  NXB Sử học, 1960.

“Hồng Đức bản đồ” Tủ sách viện khảo cổ Bộ quốc gia giáo dục, 1962.

“Tổng tập dư địa chí” 4 tập, NXB TN, 2012.

“Việt Nam quốc sử khảo” , Phan Bội Châu, NXB Khoa học xã hội, 1982.

“Việt Nam sử lược”, Trần Trọng Kim, NXB VHTT, 2008.

“Lịch sử Việt Nam”, q2, Đại học  Sư phạm Hà Nội, NXB Giáo dục, 1980.

“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX”, Lê Thành Khôi, NXB Nhã Nam, 2014.

“Lịch sử Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, 1976.

“Lịch sử Việt Nam thế kỷ XV – XVI”, Viện Khoa học xã hội, 2007.

“Phương trình dư địa chí” Nguyễn Văn Siêu, NXB Tự do Sài Gòn, 1960.

– Sách giáo khoa “Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 10”, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2006.

“Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, 1996

“Vương triều Mạc”  Viện Sử học, 1992.

“Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam”, Đinh Khắc Thuân, NXB Khoa học xã hội, 2012.

“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX” Đào Duy Anh, NXB Văn học, 2016.

“Chuyện đi sứ – tiếp sứ” Nguyễn Thế Long, NXB VHTT, 2001.

“Cao Bằng sự tích” , TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV

“Sử học bị khảo” Đặng Xuân Bảng, NXB VHTT, 1997.

“Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý”, Hoàng Xuân Hãn, NXB Hà Nội, 2010.

“Hải Đông chí lược” KH: A103 Thư viện khoa học xã hội.

“Tấu biểu đấu tranh ngoại giao của Nguyễn Trãi” – tác giả Nguyễn Văn Nguyên, NXB Thế Giới 2003.

“Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” Đinh Khắc Thuân, NXB Khoa học xã hội, 2001.

“Đại Nam liệt truyện”, NXB Thuận Hóa, 1994.

“Bình Tây, Bình Hưng, Bình Ninh thực lục” (thực lục của phủ chúa). KH: 0237, TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV.

“Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc”, Hội Sử học Hải Phòng, 2000.

 “Văn bia thời Mạc” Đinh Khắc Thuân, NXB KHXH, 1996.

“Nhìn lại lịch sử– nhiều tác giả, NXB VHTT, 2003.

“Từ điển chức quan Việt Nam” – Đỗ Văn Ninh, NXB Thanh niên, 2006.

“Các nhà khoa bảng Việt Nam” (1075 – 1919) – Ngô Đức Thọ, NXB Văn học, 2006.

* Sách nước ngoài

“Tống sử” đủ bộ, TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV

“Lĩnh ngoại đại đáp” Chu Khứ Phi soạn đời Tống, TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV

“Minh sử” đủ bộ, TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV

“Minh thực lục” NXB Hà Nội, 2010

–  “Thanh thực lục” NXB Hà Nội, 2010

“Việt Kiệu thư” đủ bộ, Lý Văn Phượng đời Minh soạn, TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV

–  “Thù vực chu tư lục” Nghiêm Tòng Giản nhà Minh soạn, TL/LS khoa Sử, Trường ĐH KHXH&NV

“An Nam chí nguyên” Cao Hùng Trưng soạn, KH: ĐVv 290 – Thư viện – Viện Sử học.

Bình luận về bài viết này