Thử lý giải về sự kiện Nam Tiến 1558 và mối quan hệ giữa Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm

 

img_2210a

Năm 1533, nghe tin Nguyễn Kim chiêu quân mãi mã chống nhà Mạc ở Sầm Châu, Trịnh Kiểm bèn lấy trộm một con ngựa của chủ, đang đêm cắt rừng, tìm đến căn cứ của Nguyễn Kim, xin theo về. Năm ấy ông vừa đúng 30 tuổi (tranh của Tô Hoài Đạt)

Trần Nguyễn Ngọc Sơn

  1. Đặt vấn đề

Chúng ta luôn biết rằng các chứng liệu lịch sử luôn có một mức độ chính xác tương đối do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi vì chính bản thân người viết sử cũng bị chi phối bởi chính hệ tư tưởng, chế độ và cả nhà nước mà họ sống và phục vụ. Từ đó mới nảy sinh vấn đề trong các chứng liệu lịch sử không đồng nhất hay thiên lệch để ca ngợi hoặc bôi xấu một đối tượng nào đó. Cũng từ đó trong khi khảo cứu các nhà nghiên cứu đôi khi dễ dàng chấp nhận một vài sử liệu như một công thức mà ít khi suy xét tính hợp lý và tổ chức đối chứng với các nguồn thông tin khác.       

Lệ thường, những ai muốn kiến công lập quốc đều phải có một lý do để mà lý giải thuyết phục thiên hạ rằng mình đang thực hiện “thiên ý” đang thuận theo “thiên mệnh” hay đơn giản hơn là vì kẻ thù bức bách quá nên mới làm phản mà trở mặt. Nói cho cùng, chính trị vẫn là chính trị, để đạt được mục đích thì phải có một lý do và lý do đó phải làm sao để người, để phe “mình” có lợi nhất.

Cơ nghiệp Đàng Trong gắn liền với công tích lớn lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng là điều không phải bàn cãi thêm nữa. Thế nhưng, về sự kiện năm 1558 Nguyễn Hoàng chính thức Nam tiến lại còn đó những vấn đề mâu thuẫn, mà cho đến tận bây giờ vẫn chỉ được giải thích theo một chiều, theo Nguyễn sử, hoặc theo các tác phẩm nửa văn nửa sử với những chứng liệu lịch sử mơ màng được viết nên bởi người đương thời là quan nhà Nguyễn hoặc thân Nguyễn nhưng liệu có trung thực có khách quan có đủ để tin tưởng và biến nó thành một sử liệu như người ta đã và đang làm hay không? Trong bài này, chúng tôi xin đưa ra một quan điểm khác để lý giải việc Nguyễn Hoàng nam tiến. Qua đó, chúng tôi muốn thử nhìn nhận lại vai trò của Trịnh Kiểm trong cuộc Nam tiến 1558, có hay không một sự dàn xếp giữa hai dòng họ Nguyễn – Trịnh để rồi sau đó là một chuỗi nhưng mưu tính chính trị mà kết quả cuối cùng là cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh tàn khốc trong lịch sử Việt Nam. Mối quan hệ chính trị giữa Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm cũng cần được nhìn nhận lại.

  1. Sử cũ đã viết những gì?

2.1. Về bối cảnh lịch sử

Sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài viết:

“Cách đây chừng một trăm năm vị tướng lãnh nhận trọng trách này cũng là cụ tổ chúa Đàng Trong, đã giao tranh với kẻ nghịch thần chúng tôi nói ở trên, trong miền ghi trên bản đồ giữa kinh thành và Lào, thấy mình bị địch bao vây và nguy hiểm cho tính mạng, thì đã công khai hứa gả con gái cho viên tướng nào giải vây được: nghe thấy vậy thì có một binh sĩ can trường và mạnh bạo cưỡi voi thúc quân hăng hái đánh về phía địch rất đông tiến đánh đạo quân yếu ớt của tướng, làm cho địch phải lùi, cứu viên tướng thoát vòng vây nguy hiểm, đưa lên voi đem về nơi an toàn, làm cho viên tướng có phương thế thu quân để mạnh bạo tấn công. Viên tướng lãnh chịu ơn binh lính, không những đã gả con gái cho như đã hứa mà còn giao cho một phần đạo binh. Thế là ông này đã đạt tới bậc cao danh vọng mà vận mệnh dành cho ông. Rồi sau khi viên tướng lãnh mất, con thì còn nhỏ dại, không được kế vị cha cầm đạo binh như nhà vua đã ban truyền, trái lại người con rể đã lập được nhiều chiến công  và  lấy  con  gái  út duy nhất, liền  nắm  hết việc  trị  nước  và  điều  khiển  quân  sĩ.  Thế nhưng được vua ưng chuẩn, ông vừa lên cầm quyền thì đã tỏ ra ganh tỵ và ghen ghét người em vợ, người em này tính tình khoan hậu mỗi ngày mỗi khôn lớn và có tham vọng chính đính, tìm cách với thời gian khôi phục sự nghiệp lẽ ra thuộc về mình do cha để lại, nhưng chỉ vì tuổi còn nhỏ mà chưa làm được. Thế là người anh rể quyết định ám hại tính mạng em vợ trước khi để cho em dấy nghiệp. Dự định đó (tôi không biết bằng cách nào), người vợ biết và vì thương em nên định cứu em thoát nạn và cứu chồng khỏi mắc trọng tội sát nhân. Bà liền khuyên chồng cho em vào Đàng Trong trấn thủ lãnh thổ đó, viện lý do cho em ra trận và giữ vững vùng đất mới chiếm”.1

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

“Tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu tâu xin sai con thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hoá để phòng giặc phía đông cùng với Trấn quận công ở Quảng Nam cứu viện cho nhau. Mọi việc của xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp”.2

Sách Nam triều công nghiệp diễn chí viết (1719):

“An Tĩnh hầu có con là Nguyễn Hoàng, bẩm tính thông minh mẫn tiệp, trí tuệ hơn người, nhưng vì tuổi nhỏ chưa thể cầm nắm việc quân. Rể của hầu là Trịnh Kiểm vốn người có sức có tài, được quân sĩ tuân phục. Bấy giờ Kiểm đang đóng quân ở nội đạo, Trang Tông tạm trao cầm giữ binh quyền, chuyên lo việc đánh dẹp. Nguyễn Hoàng lớn lên theo Kiểm đi chinh chiến, trong nhiều năm đều lập nhiều chiến công, được Tang Tông gia phong nhiều lần, làm quan đến chức hữu tướng. Kiểm thấy vậy, ngày càng thêm lo ngờ, cho rằng hữu tướng Nguyễn Hoàng ngày sau công danh không kém gì Kiểm, Kiểm bèn tâu với vua xin cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Trước đó đất Thuận Hóa do quân tướng nhà Mạc đóng giữ. Mưu của Kiểm sai Hoàng vào trấn thủ ở đó là có ý muốn mượn tay họ Mạc để giết Hoàng. Tâm địa của Kiểm như thế, nhưng đạo trời lại không  phải thế.

(…)

Lại nói năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị thứ nhất (1558), con của thái sư Chiêu Huân Tĩnh vương là hữu tướng Đoan quận công Nguyễn Hoàng đi đánh nhà Mạc lập nhiều công lớn, đi đến đâu quân địch đều kinh sợ tháo chạy, dân chúng ngưỡng mộ mến yêu. Từ sau khi Chiêu Huân Tĩnh vương qua đời, thái sư Minh Khang vương Trịnh Kiểm là con rể của Tĩnh vương cậy quyền cậy thế không nghĩ đến ân tình, chỉ ghen ghét muốn mưu tính làm hại Đoan quận công. Bấy giờ Thích quốc công là cậu ruột của Đoan quận công bí mật bàn với Đoan quận công sai người lén vào nội cung cầu cứu chị ruột là Nguyễn thị. Bà chính phi của Trịnh Kiểm nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu báo Nguyễn Hoàng giả điên, rồi vào thưa với Khang vương rằng: – Đứa em của tiện thiếp là quận Đoan bỗng dưng phát chứng điên đến nỗi ngu mê, như thế thì không thể giúp việc chính sự trong triều. Thiếp bị người trong triều chê cười phải xấu hổ nhiều phen. Nay thiếp nghe nói hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa là chỗ núi độc nước xấu, dân man hung dữ, người ta đều chê không muốn đến. Cúi xin tôn ông nghĩ đến công cha tình thiếp, cho quận Đoan em thiếp vào trấn thủ ở xứ ấy, làm bề tôi nơi phên giậu để được hưởng ơn sống suốt đời, tình nghĩa chị em nhờ thế may ra mới được trọn vẹn. Mong tôn ông thương xót ưng thuận cho. Thái sư Minh Khang vương nói: – Em Đoan là kẻ anh hùng tuấn kiệt, đủ trí nhiều mưu, có thể dùng vào việc lớn, nào phải là người đần độn đâu, Ta sao nỡ đặt em vào nơi đất xấu ấy? Phu nhân chớ lo, ta đâu có lòng nào.  Chánh phi nghe nói, nức nở quỳ khóc, hai ba lần khẩn khoản van nài. Thái sư Minh Khang vương thầm nghĩ: “Xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc, cứ cho y đến đó, kể như mượn tay họ Mạc, Ta khỏi phải mang tiếng không biết dùng người”. Nghĩ vậy Kiểm mới chịu ưng cho. Chánh phi vái tạ lui ra. Rồi đó thái sư vào tâu vua xin phong cho Nguyễn Hoàng làm thái úy Đoan Quốc công, giữ chức trấn thủ tổng quản binh dân hai xứ Thuận, Quảng, hàng năm theo thể lệ thu thuế mà dâng nạp”.3

Sách Đại Việt thông sử viết (1759):

“Tháng 10, Thái sư triều Hoàng đế ở nơi hành tại, bàn về kế sách đánh giặc Mạc, phát biểu ý kiến rằng: “Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, thời xưa, quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô. Xứ ấy, địa hình hiểm trở, dân khí cương cường, lại có rất nhiều nguồn lợi trên rừng núi và dưới bể sông. Về phương diện trọng yếu không có xứ nào có thể hơn. Gần đây, quan quân kinh lược hàng mấy chục năm mới lấy được. Vậy nên hết sức bảo thủ, để làm như một bức bình phong vững chắc…Hạ thần xét thấy con trai thứ của Chiêu huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, một người trầm tĩnh cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng, khoan dung giản dị. Vậy xin bổ ông làm Trấn thủ, để trị an nơi biên thùy và chống giặc phương Đông; và lại cùng với Trấn quận công ở xứ Quảng Nam, cùng làm binh cứu viện lẫn nhau. Hết thẩy các việc to nhỏ ở địa phương ấy, xin đều để cho ông được tùy nghi định đoạt; lại xin ủy ông thu các sắc thuế, nộp về triều đình đúng kỳ hạn, để thêm vào sự chi tiêu trong nước. Như vậy, thì một khoảng xứ Ô Châu, khỏi phải để ý lo tới, hạ thần sẽ khỏi phải phân tâm, mà chỉ dốc hết ý chí về việc đông chinh; Bắt đầu kinh lý xứ Sơn Nam và xứ Sơn Tây, rồi thứ đến khôi phục Kinh đô cũ, tiễu trừ thoán nghịch. Nghiệp trung hưng sẽ có thể sớm thành công”.4

Sách Phủ Biên tạp lục viết:

“Anh Tông, năm Chính Trị thứ 1 (1558), Mậu Ngọ, Thế Tổ Thái vương (Trịnh Kiểm) sai Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa để phòng giặc phía Đông, cùng với Trấn thủ Quảng Nam Trấn quốc công Bùi Tá Hán cứu giúp lẫn nhau, việc địa phương không cứ lớn nhỏ, dân quân thuế khóa đều giao cho cả. Họ Nguyễn có đất Thuận Hóa từ đấy”5

Sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục viết (1856-1884):

“Tháng 10, mùa đông. Sai Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta vào trấn đất Thuận Hóa. Từ khi Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta mất đi, bỏ dở công to nghiệp lớn, quyền bính trọng yếu trong nước đều do Trịnh Kiểm chuyên chế cầm nắm. Lãng quận công Uông làm tả tướng, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta thì cầm quân đi đánh dẹp, lập được nhiều chiến công, được phong đến Đoan quận công. Cả hai đều bị Trịnh Kiểm nghi kỵ. Rồi Tả tướng bị Kiểm làm hại. Còn Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta thì tự lắng xuống, kín đáo giữ mình. Bấy giờ đang có cuộc dụng binh luôn luôn với người Mạc, Thuận Hóa tuy là đất cũ nhà Lê, nhưng bè đảng nhà Mạc phần nhiều ra vào ẩn hiện ở đó, nhà Lê chưa rỗi kinh lý được. Gia Dụ bèn nhờ trưởng công chúa là Ngọc Bảo cầu xin cho vào trấn giữ đất đó. Trịnh Kiểm cho rằng đó là chỗ đất hiểm trở xa khơi, bèn muốn lợi dụng, nên cũng ưng thuận. Kiểm dâng biểu nói với vua Lê rằng: “Thuận Hóa là nơi có hình thế đẹp. Để làm nên sự nghiệp lớn, bản triều lúc mới khai quốc, phải nhờ vào sự đóng góp quân lính và tiền tài của Thuận Hóa. Có điều là Thuận Hóa bị giặc Mạc chiếm cứ đã lâu, lòng người hãy còn phản trắc; phần nhiều vượt biển đi theo Mạc, hoặc nhân dịp đưa giặc đến quấy ở phía sau chúng ta. Đó là điều rất đáng lo ngại. Vậy nếu không được tay lương tướng vào đấy trấn giữ vỗ về thì không xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài năng và mưu lược, nay nên ra lệnh cho hắn vào trấn áp đất ấy, gây thế ỷ dốc với Trấn quận công Bùi Tá Hán ở Quảng Nam, ngõ hầu không còn cái lo phải đoái đến miền Nam”.

Nhà vua nghe theo, bèn trao cho Gia Dụ cờ tiết để đi trấn thủ, công việc trong cõi thảy đều cho phép được tùy tiện xử trí, hằng năm chỉ thu lễ công và phú thuế mà thôi”.6

Sách Đại Nam thực lục viết:

“Đến khoảng năm Thuận Bình đời Lê Trung Tông, do quân công được tiến phong Đoan Quận công.  Bấy  giờ   Hữu  tướng  triều  Lê  là  Trịnh  Kiểm (bấy giờ  xưng là Lượng Quốc công) cầm giữ  binh quyền, chuyên chế  mọi việc.  Tả   tướng  là  Lãng  Quận  công  Uông  (con  trưởng  Triệu  Tổ ) bị Kiểm hãm hại. Kiểm lại thấy chúa công danh ngày càng cao nên rất ghét. Chúa thấy thế, trong lòng áy náy không yên, cùng bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ rồi cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh hết ngờ. Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am, xứ  Hải Dương,  đỗ  Trạng nguyên triều Mạc, làm  đến chức Thái bảo về  trí sĩ ) giỏi nghề thuật số, nên  ngầm  sai  người  tới  hỏi. Bỉnh  Khiêm  nhìn  núi  non  bộ trước sân ngâm lớn rằng : “Hoành sơn nhất  đái, vạn  đại dung thân” (nghĩa là: Một dải núi ngang có thể  dung thân muôn  đời được) Sứ  giả   đem câu  ấy về  thuật lại. Chúa hiểu ý. Bấy giờ xứ Thuận Hóa mới dẹp yên, tuy nhà Lê đã  đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) và phủ  huyện  để  cai trị , nhưng nhân dân vẫn chưa một lòng. Kiểm đương lấy làm lo. Chúa mới nhờ chị là Ngọc Bảo nói với Kiểm để xin vào trấn đất Thuận Hóa. Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo xa xôi cho ngay. Anh Tông lên ngôi, Kiểm dâng biểu nói: “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở , nhiều kẻ  vượt biển  đi theo họ Mạc, sợ có kẻ  dẫn giặc về  cướp, ví không  được tướng tài trấn thủ  vỗ  yên thì không thể  xong.  Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể  sai  đi trấn ở đấy,  để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng  nhau  giúp  sức thì mới  đỡ  lo  đến  miền Nam”. Vua Lê nghe theo và trao cho chúa trấn tiết, phàm mọi việc đều ủy thác cả, chỉ mỗi năm nộp thuế mà thôi”.7

2.2. Về nhân vật Trịnh Kiểm (1503 – 1570)

Sách Trịnh gia chính phả viết:

“Trịnh Kiểm mặt vuông, tai to, mồ côi cha từ năm lên sáu. Mẹ con nghèo đói, ai cũng khinh dể. Trịnh Kiểm phân tri, bỏ Biện Thượng lại về Sáo Sơn, thường nhật vẫn chăn trâu thuê trong núi Lệ Sơn, tụ tập trẻ mục đồng, lấy gà vịt làm lương thực, lấy trâu bò giả làm voi ngựa, bẻ bông lau giả làm cờ xí, bầy cơ ngũ, tập trận mạc…Lúc bấy giờ đức Hưng quốc công Nguyễn Kim tôn phủ nhà Lê đóng đồn ở đất Mường Sùng sứ Ai Lao đang toan tính khôi phục cơ đồ nhà Lê, thấy Trịnh Kiểm có dũng lược. Nguyễn Kim mới tâu cho làm chức Tri mã cơ Dục Nghĩa hầu ông lại gả con gái là Ngọc Bảo cho để cùng gia sức phù Lê”.8

Sách Đại nam thực lục viết:

“Bấy giờ có người xó Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc(huyện Vĩnh Lộc bây giờ) tên là Trịnh Kiểm đến yết kiến (Kiểm sau làm tổ họ Trịnh). Triệu Tổ thấy Kiểm có vẻ lạ, mới gả con gái lớn là Ngọc Bảo cho, sai coi mã quân và xin phong cho làm tướng quân. Năm Canh tý [1540], ông đem quân đóng giữ Nghệ An, hào kiệt theo rất nhiều. Năm Nhâm dần [1542] đi tuần hành trong đất Thanh Hoa, tiếng quân lừng lẫy, xa gần đều phục”9

2.3. Về nhân vật Nguyễn Hoàng (1525 – 1613)

Sách Đại Nam thực lục viết:

“Chúa tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bực phi thường. Khi Triệu Tổ tránh họ Mạc, chạy sang Ai Lao thì chúa mới lên 2 tuổi, gửi nuôi ở nhà thái phó Nguyễn Ư Dĩ (tên tự là Vô Sự, bấy giờ gọi là Uy Quốc công, anh ruột của Tĩnh hoàng hậu), Ư Dĩ hết lòng bảo hộ, khi đã lớn, thường đem chuyện xây dựng công nghiệp để khuyến khích.  Đầu làm quan ở triều Lê, được phong là Hạ Khê hầu. Đem quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn vua yên ủy khen rằng: “thực là cha hổ sinh con hổ”.10

Sách Phủ Biên tạp lục viết:

“trong đời Thuận Bình (1549-1556) Hạ Khê hầu vì có quân công nên được phong là Đoan Quận công”.11

2.4. Về nhân vật Nguyễn Uông (???? – ????):

Sách Đại nam liệt truyện Tiền biên viết:

“Hoàng trưởng tử Uông, sinh mẫu là ai không rõ (Năm Ất Tỵ, Lê Nguyên Hòa năm thứ 13) tập ấm phong làm Lãng Xuyên hầu, sau đó tấn phong Tả tướng quân, rồi bị Trịnh Kiểm làm hại, chết (không rõ năm)”.12

Sách Phủ Biên tạp lục viết:

“Bọn Lãng Quận công ngờ vua có mưu gì, toan làm loạn. Thế tổ (Trịnh Kiểm) bây giờ làm đại tướng quân Dực Quận công rước vua đến bản dinh, xin hết sức giúp đỡ. Lại dụ bọn Lãng Quận công bỏ hết hiềm khích. Vua bèn phong Thế tổ làm đề thống dinh trấn, lại phong đô tướng tiết chế thủy bộ chư dinh tổng nội ngoại Thái sư Lạng quốc công. Trong đời Thuận Bình (1549-1556) Hạ Khê hầu vì có quân công nên được phong là Đoan Quận công”13

  1. Mấy điều suy nghĩ

Về sự kiện Nguyễn Hoàng nam tiến (1558) cho đến nay sử ta vẫn lý giải rằng đó là cuộc đào thoát của họ Nguyễn để tránh sự tiêu diệt của Trịnh Kiểm. Vậy hư thực như thế nào?

Tác giả Li Tana trong Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỉ 17 và 18 viết: “Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã đi sai nước cờ. Và thay vì tống khứ, ông lại cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc”.14  Đây là một trong trong những ý kiến ít ỏi nhận xét về sự kiện 1558 trong lịch sử việt nam đã nhận định có thoáng hơn đôi chút nhưng chung quy vẫn trung thành với quan điểm “Nguyễn Hoàng Nam tiến là do sự bức hại của Trịnh Kiểm”. Tuy nhiên, nếu chúng ta đi sâu hơn vào các tình tiết và sự kiện lịch sử thì sẽ khơi gợi ra từ sự kiện này những quan điểm hoàn toàn khác biệt và nhiều chiều hướng.

– Thứ nhất, về nghi án của Nguyễn Uông mà sau này sử Nguyễn nhất mực đổ tội cho Trịnh Kiểm mưu hại, không bằng chứng, không cứ liệu nào được chép lại một cách rõ ràng, kể cả sử Nguyễn, một điều kỳ lạ là chính sử Nguyễn cũng chép rất sơ sài về Nguyễn Uông, một nhân vật được phong tới Tả tướng quân mà lại do tập ấm chứ chẳng có chút chiến công nào được nhắc đến thì việc một Hữu tướng như Trịnh Kiểm nắm hết binh quyền không phải là chuyện lạ, một chức Tả tướng hữu danh vô thực, bù nhìn thế thôi, liệu có đáng để Trịnh Kiểm phải ra tay loại trừ hay không? Nên nhớ, bản thân Trịnh Kiểm là kẻ hùng tài mưu lược, theo như sử chép thì đã từng tả xung hữu đột cứu mạng Nguyễn Kim, là một vị tướng tài và có mặt ngay từ buổi đầu trung hưng nhà Lê. Hơn nữa, trong Phủ Biên tạp lục có nhắc đến một chi tiết như sau:

“Bọn Lãng Quận công ngờ vua có mưu gì, toan làm loạn. Thế tổ(Trịnh Kiểm) bây giờ làm đại tướng quân Dực Quận công rước vua đến bản dinh, xin hết sức giúp đỡ. Lại dụ bọn Lãng Quận công bỏ hết hiềm khích. Vua bèn phong Thế tổ làm đề thống dinh trấn, lại phong đô tướng tiết chế thủy bộ chư dinh tổng nội ngoại Thái sư Lạng Quốc công”15.

Chi tiết này không hề được các bộ sử Nguyễn nhắc đến, phải chăng Lãng Quận công có ý làm phản, Trịnh Kiểm phò vua mới được cất nhắc lên vị trị như trên chứ hoàn toàn không phải do Nguyễn Kim chết mà binh quyền rơi vào tay họ Trịnh, xét trên thực tế lúc bây giờ Nguyễn Uông không có chiến công nào nổi trội mà vẫn được phong Tả tướng thì chứng tỏ rằng quyền binh vẫn nằm trong tay họ Nguyễn chỉ là Uông bất tài nên để mất thì đúng lý hơn. Liệu họ Trịnh có cần phải triệt tiêu một kẻ bù nhìn như vậy để mang tiếng tàn ác, bội ơn không? Trong khi đó, thuộc hạ của Nguyễn Kim trong quân doanh không phải là ít, đó dễ dàng là cái cớ cho một cuộc binh biến nhắm vào Trịnh Kiểm.

Thứ hai, Nguyễn Hoàng từng được vua Lê khen “thực là cha hổ sinh con hổ”, Đại Nam thực lục viết:

“Chúa tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rồng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả đều biết là bực phi thường…Đầu làm quan ở triều Lê, được phong là Hạ Khê hầu. Đem quân đánh Mạc Phúc Hải (con trưởng Mạc Đăng Doanh), chém được tướng là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn vua yên ủy khen rằng: “thực là cha hổ sinh con hổ”.16

Phủ Biên tạp lục viết: “trong đời Thuận Bình (1549-1556) Hạ Khê hầu vì có quân công nên được phong là  Đoan Quận công” 17

Tuổi trẻ mà đã có chiến công hiển hách như vậy thì Nguyễn Hoàng quả là người có hùng tài thao lược. Được sử sách chép lại rất rõ ràng về công tích và sự nghiệp chứ không hoàn toàn mù mờ như anh trai mình là Nguyễn Uông. Với sự giáo dục và cố vấn của cậu ruột Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng nhanh chóng trở thành một anh hùng thiếu niên trong cuộc hưng khởi vương triều Lê. Nói vậy để thấy rằng, với việc biểu hiện sớm tài năng của mình Nguyễn Hoàng làm sao có thể qua mắt Trịnh Kiểm, một tướng tài như họ Trịnh tuy tuổi nhỏ không được học hành nhưng chắc hẳn đã làm tướng soái thì không thể không biết đến chuyện Tôn Tẫn không khùng giả điên để gạt Bàng Quyên thời chiến quốc? Việt vương Câu Tiễn giả khờ nhẫn nhịn để đợi ngày phục quốc? Tích xưa có ngay trước mắt. Nếu họ Trịnh bị qua mặt thì chứng tỏ họ Trịnh quá ngây thơ chứ chẳng phải là tướng tài gì cả, hoặc giả họ Trịnh quá nghe lời vợ nên mới thả hổ về rừng. Trịnh Kiểm dâng biểu lên vua Lê có nội dung như sau: “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan Quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể  sai  đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng  nhau  giúp  sức thì mới  đỡ  lo  đến  miền Nam”18. Lẽ nào họ Trịnh nói mà không suy nghĩ trước sau chăng?

– Thứ ba, nếu chúng ta rập khuôn rồi kết luận rằng Trịnh Kiểm mưu hại Nguyễn Uông và trong một thoáng sơ ý đến độ “ngây thơ” để Nguyễn Hoàng đào thoát. Vậy thì, chúng ta sẽ giải thích như thế nào khi Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong lại có nguyên một đoàn tháp tùng đông đảo “Thế rồi nhiều người quê hương ở Tống Sơn và nghĩa dũng ở Thanh Nghệ đều dắt díu gia quyến, vui vẻ đi theo Gia Dụ.”, “Hương khúc huyện Tống Sơn và nghĩa dõng Thanh Hoa…, một số quan quân hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An cũng tình nguyện theo vào. Các ông Nguyễn Ư Kỷ,…Mạc Cảnh Huống đều đem con em và gia quyến vào Nam với Đoan Quận công”, “Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vái tạ trở về phủ từ biệt chị là Nguyễn phi. Rồi Đoan Quốc công cùng với các công tử thái bảo Hòa Quận công, Thụy Quận công và các tướng Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc ngay ngày hôm ấy đem một nghìn quân thủy ra cửa biển nhằm theo hướng hai xứ Thuận, Quảng mà tiến.19Liệu cuộc đào thoát đông tới nghìn người này có thể êm đẹp mà không đánh động họ Trịnh?

Chưa hết, Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

Mùa thu, tháng 9, trấn thủ Thuận Hoá là Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào chầu, lạy chào ở hành tại; lại đến phủ thượng tướng lạy mừng, giải bày tình cảm anh em, rất thương yêu quý mến nhau. Bấy giờ có viên phó tướng trung cơ là Bút Xuyên hầu thấy thượng tướng bị ốm, ngầm chứa mưu gian, việc bị phát giác, bỏ trốn, nhưng bị đuổi theo bắt về. Thượng tướng định tha tội, Hoàng cố can, mới giết.

Trước kia, Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim biết Thượng tướng tài lược hơn người, yêu quý như con, đem con gái thứ là Ngọc Bảo gả cho. Ngọc Bảo là chị ruột của Hoàng. Đến khi Kim chết, vua trao cho Thượng tướng trông coi việc nước, nên sai Hoàng làm trấn thủ Thuận Hoá, thu nộp tô thuế để chi dùng vào việc nước. Đến đây vào chầu. Ngọc Bảo sinh con là Trịnh Tùng, tài đức hơn người, anh hùng nhất đời, có thể nối được chí cha, giúp nên nghiệp đế. Công trung hưng của triều Lê thực dựng nền từ đấy.

(…)

Canh  Ngọ,  Chính  Trị  năm  thứ  13  (1570),  (Mạc  Sùng  Khang  năm  thứ  5;  Minh  Long Khánh năm thứ 4). Tháng giêng, Thượng tướng dâng biểu tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, thống suất binh tượng, thuyền bè, và trấn phủ dân địa phương để cõi phiên trấn được vững mạnh. Thượng tướng khuyên răn Hoàng rằng: “Nhà nước trao cho khanh chức nhiệm nặng nề này, khanh nên trước sau một tiết, dốc hết tâm sức như xưa để phò tá nhà vua”. Hoàng cảm tạ vâng mệnh đến trấn.20

Chứng tỏ rằng, mối quan hệ của Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm cho đến thời điểm hiện tại, 12 năm sau cuộc “đào thoát” vẫn khá là tốt đẹp, nếu không một “con hổ” Nguyễn Hoàng có cái gan quay lại chuồng sắt đã từng giam nó? Thậm chí Nguyễn Hoàng ra Bắc không những không gặp nguy hiểm mà còn có thể can dự vào việc quân chính của họ Trịnh nữa, đã thế thấy “con hổ” Nguyễn Hoàng trở về khỏe mạnh Trịnh Kiểm không những không dè chừng hay tìm cách ám hại mà còn đặt luôn vào tay Nguyễn Hoàng xứ Quảng Nam. Nếu trong sự kiện năm 1558, chúng ta nhận xét là cực chẳng đã phải đẩy Nguyễn Hoàng vào Nam hòng mượn tay nhà Mạc tiêu diệt đối thủ của mình, thì bây giờ họ Trịnh mưu tính gì mà lại chắp thêm cánh cho con hổ? Lại thêm một nước cờ ngây thơ nữa chăng?

anhtrinhkiem

tranh minh họa Trịnh Kiểm

Chỉ có thể giải thích rằng, Trịnh Kiểm chưa bao giờ ám hại chết Nguyễn Uông, dù chắc chắn là đã có những mâu thuẫn về quyền lực. Cuối cùng sự non kém và bất tài, Nguyễn Uông đã “tự giết” chính mình và tất nhiên sau đó không ai khác các phe cánh đổ hết mọi tội nghiệt lên đầu đối thủ nặng ký nhất của phe Họ Nguyễn trong triều đình. Cũng vì xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp quyền lực đang lớn dần giữa hai dòng họ mà cả Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm đều nhận thấy rằng rất dễ bộc phát bất cứ lúc nào.

Chính vì vậy, đặt trong mối quan hệ vừa gia đình vừa chính trị, có thể giữa hai dòng họ đã đi đến một thỏa thuận ngầm về sự phân chia quyền lực, bằng cách đó Nguyễn Hoàng có thể thuận lợi Nam tiến để tìm một chỗ dung thân mới cho mình và dòng họ Nguyễn với điều kiện chỉ cần vẫn quy phục triều Lê thì Trịnh Kiểm “mắt nhắm mắt mở” vẫn thừa nhận sự hợp pháp của xứ Đàng Trong và địa vị của Nguyễn Hoàng. Đó là một nước cờ sòng phẳng.

Về phía Trịnh Kiểm, ông nhận thấy rằng quyền lực của nhà Lê thực sự chưa hoàn toàn có thể vươn tới được vùng đất Thuận Quảng cho dù đã kiểm soát trên danh nghĩa, đặt phía Nam vào tay Nguyễn Hoàng thực tế mà nói họ Trịnh không hề lỗ vốn, bởi lẽ trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ kẻ nào nắm được thiên tử nhà Lê tức là nắm được thiên thời có thể dùng chiêu “nhân danh thiên tử để hiệu lệnh thiên hạ” họ Nguyễn muốn phản cũng chưa chắc dám phản. Mà thực tế đã chứng mình họ Nguyễn Đàng Trong chết trước họ Trịnh Đàng Ngoài. Mặt khác, Trịnh Kiểm có phần ưu ái cho Nguyễn Hoàng khi giao quyền Tổng trấn đã cho phép tự quyết mọi sự trong trấn mà không cần xin phép thiên tử, như lệ thường điều này chưa bao giờ được áp dụng cho một Tổng trấn cả, kể cả sau một ông Tổng trấn quyền lực được xem như Phó vương của Đại Nam là Lê Văn Duyệt cũng không có được ưu ái đến như vậy. Với quyền tự quyết thì chẳng khác chi đã trở thành Chúa của xứ Đàng Trong rồi. Chỉ là Trịnh Kiểm không ngờ được rằng mấy trăm năm sau ông trở thành kẻ tàn ác, bội ơn và ngây ngô trong suy nghĩ của hậu thế đến như vậy.

Dù là lấy lý do tống đi cho rãnh nợ hay là một sự thỏa thuận ngầm nhằm phân chia quyền lực thì mối quan hệ chính trị đó vẫn hoàn toàn tốt đẹp, Trịnh Kiểm dường như không có ý đề phòng Nguyễn Hoàng là mấy mà bằng chứng là sự ưu ái hiếm có khi giao quyền tự quyết cho xứ Đàng Trong và dù thấy họ Nguyễn đang lớn mạnh nhưng vẫn không hề tìm cách hạn chế mà còn tăng thêm quyền lực cho Nguyễn Hoàng khi để ông kiêm nhiệm trấn Quảng Nam. Giả sử, họ Trịnh vẫn để Quảng Nam trong sự kiểm soát của mình thì họ Nguyễn dễ gì mà cựa quậy được? Có muốn cựa quậy cũng thêm dăm ba chục năm nữa chưa chắc đã làm nên chuyện.

– Thứ tư, trong thời cầm quyền của mình Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng sử sách không hề ghi nhận một sự xung đột nào dù là nhỏ nhất. Thậm chí, Nguyễn Hoàng ra Bắc đã ở lại một thời gian rất lâu còn trực tiếp tham dự vào các cuộc hành quân tiễu trừ tàn vong nhà Mạc thì hà cớ chi mà ta cứ phải đi gán ghép một mẫu thuẫn trong mối quan hệ chính trị gia đình này.

“Tháng 5 [1593], Thái phó Đoan Quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hoá đích thân đem tướng sĩ, voi ngựa, thuyền ghe về Kinh lạy chào, đem sổ sách về bình lương, tiền, lụa, vàng bạc, châu báu, kho tàng của hai trấn Thuận Hoá và Quảng Nam dâng nộp. Tiết chế Trịnh Tùng dâng biểu tâu cho Hoàng làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chương phủ sử thái uý Đoan Quốc công, sai tổng đốc tướng sĩ bản dinh và thống lĩnh 300 chiếc thuyền lớn nhỏ của thuỷ quân các xứ Nam đạo đi đánh giặc biển ở các xứ Sơn Nam và Hải Dương.”21

 Và chỉ đến khi Trịnh Kiểm chết, binh quyền xứ Đàng Ngoài do Trịnh Tùng nắm giữ mới bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt.

Canh Tý, Thận Đức năm thứ 1 [1600], (Từ tháng 11 trở về sau là Hoằng Định năm thứ 1; Minh Vạn Lịch năm thứ 28)… Bấy giờ, Thái uý Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng ngầm sai bọn Kế Quận công Phan Ngạn, Tráng Quận công Ngô Đình Nga, Mỹ Quận công Bùi Văn Khuê mưu phản. Bình An Vương cùng các quan đương bàn việc đánh dẹp, Hoàng muốn kế của mình trôi chảy, giả vờ xin đem quân đuổi đánh, rồi đốt hết doanh trại, trốn về Thuận Hoá . Bấy giờ trong nước loạn lạc, lòng người dao động, Vương bèn hộ vệ hoàng thượng trở về [Tây Đô] để lo giữ đất căn bản.”22

Về phần họ Trịnh, Trịnh Kiểm đã chết Trịnh Tùng tuy có thế lực đấy nhưng Nguyễn Hoàng lại ngang bậc cha chú của Trịnh Tùng, với uy thế của Nguyễn Kim trước đây và uy tín của bản thân Nguyễn Hoàng hoàn toàn có thể là mối nguy hại với Trịnh Tùng.

Về phần họ Nguyễn, Nguyễn Hoàng ra Bắc lập được khá nhiều quân công, được thăng chức cũng trở thành một thế lực bên cạnh vua Lê. Và khi Trịnh Kiểm chết, ai dám chắc Nguyễn Hoàng không nuôi ý đồ gạt Trịnh Tùng ra khỏi ngôi tướng? Chỉ cần nắm được hiệu lệnh thiên tử, Nguyễn Hoàng sẽ thống nhất Nam Bắc dưới quyền mình. Họ Trịnh có thể không lo lắng điều đó chăng? Dã tâm quyền lực khiến con người ta tìm mọi mưu sâu kế hiểm để loại trừ lẫn nhau. Đúng lúc này mối quan hệ chính trị gia đình giữa hai dòng họ dường như đã lâm vào thế mâu thuẫn cực độ bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt và muốn triệt tiêu lẫn nhau. Nguyễn Hoàng là người sâu xa, thấy nước cờ của mình bị bắt bài thì ngay lập tức phản ứng nhanh trốn về Thuận Hóa ngay. Giả sử, nếu Nguyễn Hoàng ra Bắc mà bị quản thúc giam lõng thì cục diện sẽ thay đổi hoàn toàn. Thêm một lần nữa, Họ Trịnh vẫn không có chủ đích nghi ngờ nhắm vào Nguyễn Hoàng.

Và cho đến sau này khi họ Nguyễn đã phục hưng đăng đế, triều Nguyễn vẫn có những ưu ái cho dòng họ trịnh ở Thanh Hóa cũng như miền bắc. Nếu thật sự có thù xưa thì kể cả thù cũ lẫn tội mới họ Nguyễn có thể tránh tiếng xấu mà không truy cứu nhưng ưu ái để họ Trịnh vẫn là một danh gia vọng tộc ở xứ bắc lại còn đối đãi rất hậu như vậy thì có vẻ không được thuận lý cho lắm.

Sai chọn người dòng dõi họ Trịnh để giữ việc thờ cúng họ Trịnh. Trước là khi đại giá Bắc phạt, người họ Trịnh ai ai cũng sợ bị giết. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: “Tiên thế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ giữ việc thờ cúng, để giữ tình nghĩa đời đời”.23

Cấp ruộng thờ cho họ Trịnh, sai Trịnh Tư coi giữ việc thờ cúng. Chiếu rằng : “Tiên tổ nhà ngươi vốn là người thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi bờ cõi, đều là công việc đã qua. Từ khi nhà Lê mất ngôi, nơi thờ họ Trịnh bỏ nát. Nay ta một trận dẹp yên, bốn biển trong lặng, nói đến tình thân qua cát, nghĩ cũng nên thương. Vậy cho ngươi coi giữ việc thờ tự họ Trịnh, cấp cho ruộng 500 mẫu để thờ cúng”. (Hằng năm thu tô được 333 hộc lúa, 75 quan tiền). Lại tha binh dao, và thân thuế cho 247 người họ Trịnh.24

  1. Thay lời kết

Trong mối quan hệ chính trị gia đình giữa hai dòng họ Trịnh Nguyễn, Trịnh Kiểm không hề bức hại Nguyễn Hoàng cũng không phải quá ngây thơ để rồi đi sai nước cờ chết người như vậy. Đó chỉ có thể là một cuộc phân chia quyền lực vùng giữa hai dòng họ cầm quyền đương thời. Trịnh Kiểm sòng phẳng và Nguyễn Hoàng thì biết điều, họ Trịnh muốn giảm nhiệt mối mâu thuẫn Trịnh-Nguyễn thì phải “tống cổ” Nguyễn Hoàng đi, đơn giản thà rằng để cái xứ ác địa khó nhai đó cho họ Nguyễn còn hơn là rơi vào tay họ Mạc đang vùng vẫy khắp nơi. Sự phân chia này lúc đầu diễn ra khá êm đẹp nhưng lại chỉ có thể giải quyết mâu thuẫn quyền lực một cách tức thời. Để rồi thời cuộc biến đảo và những người kế nhiệm không còn tuân theo thỏa thuận chính trị đó nữa. Tất yếu sẽ phải giải quyết mâu thuẫn bằng chiến tranh, sự phân chia quyền lực bằng đối kháng kẻ mạnh thôn tính kẻ yếu để chiếm lấy bá quyền một khi nhà Mạc không còn là mối nguy cho cả hai dòng họ Trịnh-Nguyễn nữa.

T.N.N.S.

Chú thích:

1 Alexandre de Rhodes, Lịch Sử Vương Quốc Xứ Đàng Ngoài từ 1627 đến 1646, (Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch), (Nxb TPHCM, 1994), 5-6.

2 20 21 22  Đại Việt sử ký toàn thư, [bản dịch Hoàng Văn Lâu – Ngô Thế Long, tập 3] (Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1993), 124-137,

3 Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, [Ngô Đức Thọ giới thiệu, dịch và chú giải, Tập 1], Sở văn hóa thông tin Bình – Trị – Thiên, 1986, 44.

4 Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, bản dịch Ngô Thế Long, (Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 2007), 378-379.

5 11 13 15 17 Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Đào Duy Anh hiệu đính, (Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, 1977), 49-57

6 21 Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục, bản dịch Viện Sử học, (Hà Nội, Nxb Giáo Dục, 1998), 137, 227

7 9 10 16 18 23 24 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, [(bản dịch Viện Sử Học), Tập 1], (Hà Nội, Nxb Giáo Dục, 2007), 29-30, 541, 559-561.

8 Trịnh Như Tấu soạn, Trịnh gia chính phả, (Hà Nội, Nhà in Ngô Tử Hạ, 1934), 11-12.  

12 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, [(bản dịch Viện Sử Học), Tập 2], (Huế, Nxb Thuận Hóa, 2006), 30-34

14 Li Tana, Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, Nguyễn Nghi dịch, (Nxb Trẻ, 2013), 15-32.

19 Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài 1970, trang 135.

 

T.N.N.S

Thành Phố Huế, 2016

 

5 thoughts on “Thử lý giải về sự kiện Nam Tiến 1558 và mối quan hệ giữa Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm

  1. Tác giả nói Nguyễn Uông bất tài và “tự chết” thì cũng là suy luận chủ quan, giống như tác giả cho rằng sử cũ “suy luận” chuyện Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông để dành ngôi cao cho con mình là Trịnh Tùng (lúc ấy còn ít tuổi). Cứ cho là hai cách suy luận để có lý (và vô lý) tương đương nhau.
    Xin nhớ rằng khi Nguyễn Uông chết, cũng là lúc ông đã trưởng thành, có chức vị cao trong triều. Vị thế và xác suất cao là sẽ thay cha (Nguyễn Kim) nắm giữ binh quyền. Còn lúc ấy, Trịnh Kiểm đã già, con trưởng còn rất nhỏ tuổi. Hoàn cảnh như vậy, khiến sử cũ “suy luận” (rất có lý) là Nguyễn Uông bị anh rể bức hại.
    Khi họ Nguyễn gả con gái cho họ Trịnh (đây là lần thứ hai, cháu lấy cô) tưởng rằng 2 họ sẽ êm đẹp, nhưng Trịnh Tráng vẫn đích thân mấy lần đem đại quân vượt sông Gianh tấn công họ Nguyễn. Chính do vậy, sau hàng trăm năm, khi Gia Long thống nhất sơn hà, con cháu họ Trịnh rất lo bị khủng bố.
    Chuyện Gia Long không trả thù họ Trịnh là do (suy luận) khi ấy họ Trịnh đã tàn mạt mấy đời, lại còn bị Tây Sơn làm cho sụp đổ. Chấm dứt nguy cơ nhà Nguyễn sẽ bị họ Trịnh mưu phản, hòng giành lại địa vị xa xưa.

    Thích

  2. Lập luận về Nguyễn Uông “tự diệt” không vững. Lập luận về Nguyễn Hoàng vào Nam lần thứ nhất có vẻ hợp lý. Khi Nguyễn Hoàng quay lại Bắc sau gần 30 năm, nguy cơ ám hại đã không còn, lại được phong chức cao. Lập luận về nguyên nhân Nguyễn Hoàng quay lại Nam lần thứ hai chính xác. Tranh giành quyền lực, không nghĩ gì đến thống nhất đất nước. Có thể nói chuyến đào thoát này của Nguyễn Hoàng là nguyên nhân chính dẫn đến Nội chiến Bắc Nam 200 năm sau đó. Theo quan điểm “Thống nhất là chính nghĩa, ly khai cát cứ là phi nghĩa” của dân tộc Việt nam ngàn năm nay thì Nguyễn Hoàng có tội mà Gia Long lại có công!

    Thích

    • không có sự đào thoát của Nguyễn Hòang thì làm gì có một dải miền Nam từ Bình định Phú Yên vào đến Quảng Nam vậy bạn? Cục diện phân tranh là từ thời cuối Lê đầu Mạc rồi chứ không đợi đến thời đại Nguyễn Hòang mới phân tranh. Quan điểm “Thống nhất là chính nghĩa, ly khai cát cứ là phi nghĩa ” cũng không vững. Thống nhất mà làm lòng người ly tán, nghèo đói phải vượt biên đi đến nước khác để sinh sống thì thà đừng thống nhất.

      Thích

  3. * Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Nguyễn Hoàng “Hoành sơn nhất đái….”, không chỉ ngẫu nhiên nhìn hòn giả sơn trước sân nhà mình mà nói thôi đâu, vì, nhu cầu Làm Lại Nước Việt (Lại Việt) lúc ấy đã chín muồi. Thoát Việt là con đường mà những người Việt bất khuất luôn dùng mỗi khi đất nước hoặc cộng đồng phải đứng trước hiểm họa Hán hóa. Chính lần Thoát Việt ấy mà dân Việt tiếp xúc hoàn chỉnh với văn hóa Chăm để rồi tạo ra một nước Việt mới có thơ lục bát, có nón bài thơ và mạnh mẽ hơn nhiều cái Việt đã suy tàn trước đó.
    * Nhân đây, lại tiếc nuối về lần Thoát Việt không thành của Đinh Bộ Lĩnh khi ngài muốn Đại Cồ Việt “Bắc Môn Tỏa Thược” (Đóng Kín Cửa Bắc) vì sau này Lê Long Đĩnh và các triều đại tự hào có tổ tiên là “người phương Bắc” đã sa vào con đường Tầu nhái, quản lý đất nước theo mô hình Trung Nguyên với nền tảng cai trị Nho giáo, mà hậu quả là các triều đình ấy cũng chỉ là phiên bản không đầy đủ của mô hình Trung Nguyên mà thôi, cho nên, đã tạo ra một vương quốc Việt Đấy Mà Không Là Việt ở suốt các thời đại Lý, Trần, Hồ.

    Thích

  4. Hai dòng họ có gốc cùng nhau; chẳng ai đẩy ai hay hãm hại gì nhau cả, Tiên chúa sau khi vào Nam tạo ra cả vùng Nam bộ cho nước nhà còn dẫn quân ra bắc dẹp Mạc…. Họ làm đúng những gì phải làm trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử, minh chứng khi Vua Gia Long thống nhất không những không TIÊU DIỆT họ trịnh mà đều cấp đất, vườn, miễn sưu thuế cho con dân gốc Trịnh.
    Họ không có oán thù gì nhau ngoài câu chuyện của các học THẬT lỗn lận.

    Thích

Bình luận về bài viết này