Việt Nam thời Pháp đô hộ (bài 3)

Phần  thứ  ba 

PHẢN – ỨNG CỦA DÂN VIỆT – NAM ĐỐI VỚI CHẾ – ĐỘ THUỘC – ĐỊA

 nhung_nguoi_bi_bat_trong_vu_ha_thanh_dau_doc_400_01.jpg

GS Nguyễn Thế Anh

Ai về địa phủ hỏi Gia-Long,

Khải-Định thằng này phải cháu ông?

Môt lễ tứ-tuần vui lũ trẻ,

Trăm gia ba chục khổ nhà nông.

Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến,

Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng!

Bảo-hộ trau giồi nên tượng gỗ:

Vua thời còn đó, nước thời không!

ù

Nước thời không có, có vua chi?

Có cũng như không, chả ích gì!

Người vét đinh điền còn bạch địa,

Ta khoe dụ chỉ tự đan trì!

Cấp tiền nguyệt bổng vinh nào có,

Ăn của quan trường, tệ lắm ri!

Thọ lắm lại càng thêm nhục lắm,

Nhỏ cu li, lớn cũng cu li!

Thơ NGÔ ÐỨC KẾ, 1923

(dẫn bởi NGUYỄN HIẾN LÊ, Đông-Kinh Nghĩa-Thục. Saigon, Lá Bối, 1968, tr.124-125).

CHƯƠNG I: NHẬN XÉT TỔNG QUÁT

            Câu nói của Henri Brunschwig, vào lúc sự đô hộ của người Pháp ở Việt-Nam đã bị lay chuyển, vẫn còn có giá trị hai mươi năm sau : “Ngày nay chưa thể có được một sự nghiên cứu khách quan về sự đối lập quốc gia. Ai sẽ viết cho chúng ta những quyển tiểu sử phê bình về ông hoàng Cường-Để và Phan Bội Châu, hiện thân của những sự phát biểu đầu tiên của những phong-trào quốc-gia ở Nhật-Bản và ở Trung-Hoa? Ai có thể tìm manh mối của những sự lien hệ giữa phe đối lập Đông-Dương và Trung-Hoa Quốc-Dân-Đảng, giữa phong trào quốc-gia Việt-Nam và phong trào quốc-tế cộng-sản? Chúng ta chưa có được tất cả những dữ kiện cần thiết cho một sự nghiên cứu khoa học. Chúng ta mới chỉ có thể phác hoạ những nét chính của sự diễn biến mới đây” ([186]).

Sự thật, chưa có tác giả nào nghiên cứu một cách tường tận và khách quan phong-trào quốc-gia Việt-Nam trong giai đoạn Pháp-thuộc, bằng cách đặt phong trào này vào trong phối cảnh của sự diễn biến kinh-tế, sự xuất hiện của những giai cấp xã-hội mới (đặc biệt giai cấp trung lưu và giai cấp lao động), và sự đổi thay tổng quát của Á-châu. Ô. Nguyễn Văn Trung đã muốn làm công việc này khi ông phân tích và phê bình chủ-nghĩa thực-dân Pháp ở Việt Nam ([187]); tiếc thay, quan điểm của ông Trung đã là một quan điểm triết-lý, vì ông đã muốn nêu rõ tầm quan trọng của hai vấn đề nòng cốt “huyền thoại và bạo động” trong nhân-sinh-quan, và, để chứng minh cho quan điểm của ông, ông đã đưa ra những sự giải thích có tính cách chủ quan, nhiều khi gượng gạo và cưỡng ép.

    Để đạt được một cái nhìn tổng hợp về phong-trào quốc-gia Việt-Nam, chúng ta cũng cần phải có những quyển tiểu sử của các nhân-vật chính-trị và những tác phẩm biên khảo về các tổ-chức đấu-tranh chính-trị mà mục tiêu là giành độc-lập quốc-gia. Song, những sách viết về những nhân-vật đã giữ một vai trò chính-trị lại chú trọng đến các giai thoại và chi tiết vụn vặt hơn là đến chủ trương và sự diễn biến tư tưởng của các nhân vật này. Chúng ta biết khá rõ về ngày tháng của sự hoạt động của các chính đảng; nhưng chúng ta lại thiếu tài liệu về tổ chức và sinh hoạt nội bộ của chúng, về căn bản xã-hội của các lãnh-tụ và các đảng-viên, về ảnh hưởng của chúng đối với dư-luận, và về các phương pháp xách động của chúng ([188]). Sự so sánh giữa các phong trào khác nhau có thể cho ta thấy chúng có những khuynh hướng trái ngược: một khuynh hướng cực đoan và bao hàm một tổ-chức bí mật và ngăn vách cùng với sự hoạt động bằng những cuộc bạo động thình lình (ví dụ: Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng); một khuynh hướng ôn hoà với sự tham gia của các nhân-sĩ (ví dụ : đảng Lập Hiến ở Saigon vào khoảng 1925).

Sự kiện quan trọng là, trong khoảng thời gian 1858-1945, luôn luôn có những sự nổi loạn, những cuộc dấy binh hay những vận động chính-trị hiện ra để phát biểu ý chí của dân Việt muốn giành lại nền độc lập đã mất. Phong-trào giải-phóng quốc-gia này trải qua những giai đoạn khác nhau; sự tranh đấu giành độc-lập được thực hiện dưới những hình thức khác nhau, với những mục tiêu chính-trị khác nhau, với những ý thức hệ khác nhau. Trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên phác hoạ qua các giai đoạn khác nhau của phong-trào quốc-gia Việt-Nam cùng những đặc điểm chính yếu của mỗi một giai đoạn, ngõ hầu có được một khái niệm sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn sự diễn biến của các vận động đòi tự-trị hay độc-lập.

  1. Giai đoạn đầu của phong-trào quốc-gia.

Sự kháng cự của các thành-phần quốc-gia đã bắt đầu ở Nam-kỳ ngay từ khi quân đội viễn-chinh Pháp đặt chân tại đây, và tiếp tục trên toàn cõi lãnh-thổ Việt-Nam với sự chiếm cứ miền Bắc. Trong giai đoạn này, sự lãnh đạo chính-trị và tinh-thần được đảm nhiệm bởi các phần-tử của các giai-cấp thượng-lưu cũ: giới sĩ-phu cầm đầu các cuộc nổi loạn kháng Pháp (phong-trào Cần-Vương, Văn-Thân). Đây là một cuộc kháng chiến mãnh liệt nhưng vô vọng: các sĩ-phu không đặc biệt mong muốn một sự cải-cách xã-hội hay chính-trị nào, mà chiến đấu cho danh dự, với hoài bão khôi phục một quá khứ không thể nào trở lại. Thêm nữa, họ đề cao nguyên tắc trừu tượng của chính-thể quân-chủ truyền-thống, trong khi nhà vua và triều-đình ở Huế lại chấp nhận hợp tác với người Pháp; sự kiện này đặt các sĩ-phu vào một tình thế khó xử: hoặc họ phải qui phục chế-độ mới, hoặc họ phải kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng để tái lập một chế-độ đã tự ý đầu hàng quân xâm lăng.

    Các phong-trào kháng Pháp cầm đầu bởi các sĩ-phu được hưởng ứng rộng rãi bởi dân chúng chứ không phải không; điều này được chứng minh bởi tính cách mạnh mẽ và lâu bền của chúng. Song, chúng chỉ có một tầm quan trọng địa-phương, kể cả khi chúng được điều khiển bởi những nhà lãnh-đạo táo bạo và kiên gan (như trường hợp Đề Thám, đã chống chọi với quân Pháp trong vùng Yên-Thế cho đến tận năm 1913). Tính cách địa-phương và cá-nhân này giới hạn ảnh hưởng của các phong-trào văn-thân và kết cục không cho phép chúng đạt được những thành công dài hạn ([189]).

    Giai-đoạn đầu của phong-trào quốc-gia chấm dứt vào khoảng 1895-1900. Vào lúc này, giới sĩ-phu phân chia thành nhiều khuynh-hướng. Đối với một số người, nhà vua mặc dầu bị bảo-hộ, vẫn là nhân-vật tượng trưng cho truyền-thống và biểu hiện của quốc-gia; cần phải bảo vệ các đại-quyền của nhà vua và nhờ vậy mà nước Việt-Nam có thể duy trì những gì là chủ yếu, đồng thời cũng lợi dụng được các lợi ích của sự canh-tân nhờ ở sự hợp tác với người Pháp. Đối với một số người khác, nhà vua đã phản-bội dân-tộc, vương-quyền đã phá sản. Kể từ khi vua Hàm-Nghi phải lưu vong, nhà vua chỉ còn là một bức bình-phong cho các nhà chức trách người Pháp ([190]). Nếu sự tranh đấu giành độc-lập vẫn là mục tiêu tối hậu của những nhà lãnh-đạo này, sự tái thiết tổ-chức cũ sẽ không còn quyến rũ họ nữa.

  1. b) Giai đoạn thứ nhì của phong-trào quốc-gia.

Trong khoảng một phần ba thế-kỷ sau năm 1900, phong-trào quốc-gia Việt-Nam có nhiều hình trạng hơn. Với sự chiến thắng của Nhật-Bản sau chiến-tranh Nga-Nhật năm 1905, ý thức quốc-gia của người Việt và phong trào quốc-gia Việt-Nam được phối hợp với một phong trào rộng lớn hơn, phong trào Liên-Á. Đông-Kinh, thủ đô của cường-quốc Á-Châu đầu tiên đã thắng được người da trắng, trở thành hy vọng và biểu tượng của các nhà cách mạng: năm 1905, Kỳ-Ngoại-Hầu Cường-Để tới Đông-Kinh với Phan Bội Châu và trong lâu năm, có một xu hướng chờ đợi ở sự giúp đỡ của Nhật-Bản và đặt mọi tin tưởng vào chủ-nghĩa Liên-Á. Do đó, phong-trào Đông-Du phát triển, muốn làm cho nước mạnh dân giàu theo kiểu Nhật-Bản, vì, với Phan Bội Châu, sự giải phóng quốc gia phải đi đôi với sự canh-tân, chứ không phải với sự sung bái một quá-khứ lỗi thời nữa.

            Một số các nhà cách-mạng khác lại không tin tưởng ở hoạt-động chính-trị bằng ở hiệu năng của giáo-dục và y-học tân thời. Phan Chu Trinh và các đồng chí của ông trong phong-trào Đông-Kinh Nghĩa-Thục vận động bằng những bài giảng dạy ở trường, những cuộc diễn thuyết, những bài xã-thuyết đăng trên mặt báo, những thơ ca lưu hành trong nhân dân, để khai thông dân-trí, đề cao dân-quyền, chống lối học khoa-cử và tinh thần hủ-nho thủ-cựu, chấn hưng công thương trong nước, và cổ động lòng yêu nước cùng với sự kết đoàn để đi tới sự tự cường, tự lập. Đối với những người này, sự giáo hoá khối dân chúng là điều kiện tiên quyết của sự giải-phóng dân-tộc; vì thế, họ nhấn mạnh lên vấn đề mở mang dân-trí và bồi-dưỡng dân-khí.

            Kể từ năm 1920 trở đi, các nhà cách-mạng Việt-Nam hướng về phía Trung-Hoa nhiều hơn: với Tôn Dật Tiên và Trung-Hoa Quốc-Dân-Đảng, phong-trào cách mạng Trung-Hoa trở thành gương mẫu đối với các nhà ái-quốc Việt-Nam. Trong các trung-tâm thành-thị, và nhất là trong các giới tiểu trung-lưu, ảnh hưởng của tư tưởng của Tôn Dật Tiên rất mạnh. Được tổ chức theo tiêu chuẩn của Trung-Hoa Quốc-Dân-Đảng một đảng phái quốc-gia, Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng; đảng này hoạt động theo chiều hướng chống đối chính-quyền thuộc-địa, nhưng bị loại ra ngoài sinh-hoạt chính-trị sau khi cuộc nổi loạn đảng tổ chức ở Yên-Báy vào năm 1930 bị mật-thám Pháp khám phá. Những đảng-viên thoát được sự đàn áp của chính-quyền thuộc-địa đã bỏ trốn qua Trung-Hoa, và sẽ chỉ trở về năm 1945 với các đội quân của Trung-Hoa Dân-quốc được giao phó nhiệm-vụ chiếm cứ các lãnh thổ Việt-Nam phía Bắc vĩ-tuyến 16.

            Không phải tất cả giới trí-thức và giới trung-lưu đều chủ trương xung đột với chính-quyền bảo-hộ; cũng có một khuynh-hướng ôn-hoà, với những nhóm như Đảng Lập-Hiến (Parti Constitutionnaliste) của Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu ở Nam-Kỳ, hay nhóm Nam-Phong của Phạm Quỳnh. Khuynh-hướng này không đòi hỏi gì ngoài sự hoà-giải với chính-quyền thuộc-địa, và thoả mãn với những sự nhượng bộ nhỏ bé mà nhà cầm quyền Pháp đôi khi chấp thuận cho.

            Nhưng hoạt-động chính-trị của giới trí-thức và giai cấp trung-lưu hoàn toàn bị cắt đứt với các từng lớp bình-dân của các đô-thị và các vùng nông-thôn. Các điều kiện sinh sống của các từng lớp này càng trở nên khó khăn thêm ([191]). Nhưng, về phía quần chúng, vì thiếu sự tiếp xúc chặt chẽ với giới lãnh-đạo của phong-trào quốc-gia, ý thức chính-trị vẫn chưa thức tỉnh; khối quần chúng vẫn kính nể thế lực của người Pháp, cái thế lực quỉ sợ thần kinh mà cây cầu Doumer (Long-Biên) là biểu hiệu. Tuy nhiên, các loại thuế má thiết lập bởi chính-quyền thuộc-địa rất thất nhân tâm, và vì thế có một sự bất mãn ngấm ngầm phát sinh và được nuôi dưỡng bởi những bài ca-dao, những bài vè. Sự bất mãn này được biểu lộ bằng những cuộc bạo động có tính cách ngẫu sinh ở thôn quê hay những cuộc đình-công bất ngờ tại các trung-tâm đông thợ thuyền. Năm 1907-1908, nông-dân các tỉnh miền Nam Trung-kỳ biểu tình chống đi phu và nộp thuế; những người biểu tình cắt tóc để chứng tỏ ý muốn thoát ly với các tập-quán xã-hội của quá-khứ. Ở Saigon vào khoảng 1910-1915, nhiều hội kín như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Hội, tổ chức dân chúng trong sự chờ đợi một vị tân vương giáng thế để đuổi người Pháp đi khỏi Việt Nam. Trong những năm 1927-1929, cũng có nhiều cuộc đình công của giới thợ thuyền ở Saigon.

Ở Nam-Kỳ, cũng xuất hiện những phong-trào tôn giáo có liên hệ mật thiết với hoạt động của các hội kín ([192]). Đạo Lành hay Đạo Phật-đường hiến cho các lãnh-tụ của các cuộc phiến loạn nơi giấu khí-giới trong các đền chùa, và nhiều khi còn có những tu-sĩ đứng ra cầm đầu những cuộc nổi loạn nữa; nếu cần phải chiến đấu, các đồ-đảng của các vị lãnh-tụ này tin tưởng là tính mạng không thể nào bị tổn thương, nhờ những bùa gòng mà các nhà sư phân phát cho họ. Từ đạo Phật-đường, sẽ xuất phát những đạo giáo hỗn dung nhu Hòa-Hảo và Cao-Đài, mà các thể thức gia nhập được toa rập theo các thể thức nhập hội của các hội kín. Vì lập trường của các đạo giáo mới này là chống đối chính-quyền, phong-trào Hòa-Hảo và Đại-đạo Tam-kỳ Phổ-độ (Cao-Đài) cũng có tính cách kháng Pháp ([193])

Những yếu tố khác nhau này khiến phong trào quốc-gia trong giai đoạn thứ nhì của nó có tính cách phức tạp. Trong khi giới trí-thức hiểu rằng phải thay thế Nho-giáo bằng một ý-thức hệ tiến bộ, trong khi được tổ chức những đảng phái chính-trị theo lối Tây phương, thì các hội kín lại hướng về quá-khứ và chủ nghĩa ái-quốc của họ chỉ nhắm tới mục đích khôi-phục một nền quân-chủ độc-lập căn cứ trên thiên-mệnh.

  1. c) Giai đoạn thứ ba của phong-trào quốc-gia

Khủng hoảng kinh-tế năm 1930 đánh dấu một khúc quanh quan trọng: sự sụt giá của các nguyên-liệu và các nông-phẩm trên thị-trường, như chúng ta đã thấy, đã có ảnh hưởng nặng nề đối với công-nhân các mỏ và các đồn-điền, cũng như đối với giới tiểu-nông. Tất cả đã bị thiệt hại nhiều bởi tình trạng thất-nghiệp, mắc nợ, hay bởi những sự sa thải thợ thuyền. Các hậu quả xã-hội của khủng hoảng kinh-tế đã hiến thêm sức mạnh cho phong-trào quốc-gia; giới thợ thuyền và giới bần-cố-nông hướng phong-trào đấutranh vào một con đường khác hẳn với giai đoạn trước, khi phong-trào còn hoàn toàn được điều khiển bởi giai-cấp trung-lưu. Tuy số công-nhân các mỏ và các kỹ-nghệ còn ít ỏi, họ đã có một ảnh hưởng quan trọng; đối với họ, chủ nhân các xí-nghiệp có thể bóc lột họ là nhờ sự ưu đãi của chính-quyền thuộc-địa và vì vậy, độc-lập của xứ sở sẽ đi đôi với sự cải-thiện đời sống của họ. Ngoài ra, giới thợ thuyền có thể lôi cuốn giới nông-dân hưởng ứng phong-trào quốc-gia một cách hữu hiệu hơn giới trí-thức và trung-lưu, vì lợi ích của họ không khác gì lợi ích của giới nông-dân, và họ cũng đã xuất thân từ giới nông-dân.

Như vậy, các lực lượng bình-dân giữ một vai trò quyết định hơn trong giai đoạn thứ ba này, qua trung gian của các nghiệp-đoàn và đảng Cộng-sản. Năm 1930, nông-dân và thợ thủ-công ở Nghệ-An được vũ trang bởi đảng cộng-sản, nổi loạn; ở miền Nam, nhiều phong trào đòi hỏi bộc phát trong giới công-nhân các xưởng máy và phu khuân vác ở thương-cảng Saigon, trong giới phu đồn-điền cao-su, trong giới tá-điền ở lục-tỉnh Nam-Kỳ.

Đảng Cộng-sản, thành lập trong những năm 1928-1929, muốn phối hợp hoạt động của giai-cấp bình-dân với hoạt động của giới trí-thức. Song mục-tiêu của đảng Cộng-sản không phải là mục tiêu quốc-gia: cuộc đấu tranh cách-mạng của đảng nhắm vào chế-độ thuộc-địa thiết lập bởi người Pháp, vì đây là sự biểu lộ địa-phương của chủ-nghĩa thực-dân nói chung. Do đó, cuộc đấu tranh này nằm trong khung cảnh do người Pháp lập nên, nghĩa là khối Đông-Dương, tổ chức chính-trị bao gồm cả Ai-Lao, Cao-Mên và ba xứ Bắc-Kỳ, Trung-Kỳ và Nam-Kỳ. Điều quan hệ là tấn công đối phương để góp phần vào sự thắng lợi của phong-trào cộng-sản quốc-tế, hơn là vận động cho sự chấn-hưng quốc-gia Việt-Nam. Vì vậy, đảng Cộng-sản lấy tên là đảng Cộng-Sản Đông-Dương mặc dầu hầu hết các đảng-viên là người Việt.

Bị ngăn chặn trong một thời gian bởi chính-quyền thuộc-địa, phong-trào quốc-gia gặp được những điều kiện thuận tiện hơn khi liên-minh Mặt Trận Bình-dân của các phái tả ở Pháp thắng thế trong các cuộc bầu cử năm 1936. Khuynh hướng chính-trị mới ở Pháp bắt buộc các cơ-quan hành-chánh thuộc-địa, nhất là sở Mật-thám, phải nới lỏng sự kiểm-tra. Nhiều tù-nhân chính-trị bị giam ở Côn-Đảo được phóng thích. Ở Việt-Nam đã có thể có được một sinh hoạt chính-trị tương đối hợp pháp: báo chí được hưởng nhiều dễ dãi, quyền tự do hội họp được chấp nhận ở Nam-Kỳ. Hội-đồng Đô-Thành Saigon và các Viện Dân-biểu Bắc-kỳ đã có thể trở thành diễn đàn của phong trào quốc-gia. Những nguyện vọng được phát biểu là đạt cho dân Việt những quyền chính-trị có tính cách dân-chủ, chứ còn vấn đề độc-lập chưa được đặt một cách rõ ràng. Tuy nhiên, khi đệ-nhị thế-chiến bùng nổ, quyền lực của người Pháp ở Việt-Nam vẫn chưa bị sứt mẻ chút nào.

Với sự chiếm cứ của quân-đội Nhật-Bản, phong trào quốc-gia Việt-Nam, sau sự thất bại của các cuộc nổi loạn năm 1940, phải tổ chức lại trong một khung cảnh mới, thích ứng với các nhu-cầu mới của sự đấu tranh. Việt-Nam Độc-lập Đồng-minh Hội được thành lập năm 1941, liên kết tất cả các đảng phái và các thành-phần ái-quốc, với một chương trình gồm có sự chấm dứt tình trạng thuộc-địa và các hậu quả của nó (chậm tiến kinh-tế, chế-độ thiếu dân-chủ, v.v…) và sự đánh đuổi quân-đội Nhật-Bản ra khỏi Việt-Nam. Tuy nhiên, khuynh hướng cộng-sản của Việt-Minh càng ngày càng bộc lộ rõ rệt, đưa tới sự ly khai của các phần-tử quốc-gia chân chính, mặc dầu cho đến năm 1945 các nhà ái-quốc thuộc mọi khuynh hướng đã tham dự phong-trào giải-phóng quốc-gia trong một tình trạng đoàn kết vững chắc.

oOo

Trước sự phát-triển của phong-trào quốc-gia Việt Nam, chính-quyền thuộc-địa đã không bao giờ tìm một kẻ đối thoại có giá trị, theo kiểu đảng Quốc-Đại ở Ấn Độ, mặc dầu ở Việt-Nam hiện diện một giới trí-thức lãnh-đạo chịu ảnh hưởng của Tây-Phương và có đủ khả năng phát biểu nguyện vọng của dân Việt. Ngoại trừ trong vài giai-đoạn ngắn ngủi (thời toàn-quyền Varenne hay trong những năm 1936-1938), chính-sách của chính quyền thuộc-địa đã là một chính-sách đàn áp. Phan Bội Châu bị bắt bởi sở Mật-Thám năm 1925, chết năm 1940 trong trình trạng quản thúc tại gia. Các làng Nghệ-An nổi loạn năm 1930-1931 bị oanh tạc bởi không-quân, và hàng ngàn người hoạt-động chính-trị bị bắt gửi đi giam giữ trong những tù-lao ở Côn-Đảo hay Sơn-La.

Ta cũng phải nhìn nhận là hiệu năng của phong-trào tranh-đấu quốc-gia bị suy giảm bởi những mối bất hòa nội bộ. Các phe phái khác nhau, tuy đều có tinh-thần ái-quốc, thường tranh chấp với nhau để tìm cho riêng mình thế lực và ảnh hưởng. Đối với các vị lãnh-tụ của các phe phái này, sức mạnh là lợi khí độc nhất để đạt ảnh hưởng chính-trị chứ không phải là những phương thức hợp pháp, dù chính-quyền thuộc-địa có hiến cho họ những phương thức này đi nữa ([194]). Ngoài ra, các phe phái này chỉ trích chính-quyền bằng cách phô bày tình trạng khổ cực của giới hạ-lưu, nhưng không đề nghị một biện pháp nào để giải quyết tình trạng ấy cả. Các đảng-phái như Đại-Việt, Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, Đồng-Minh Hội, kêu gọi sự hưởng ứng của toàn dân, nhưng bỏ quên những vấn đề như sự lien hệ giữa các giai-cấp xã-hội, hay chế độ kinh-tế sẽ thay thế sự đô-hộ của người ngoại-quốc. Trong bản tuyên-ngôn của Đảng Cộng-Sản năm 1929, được đề cập đến việc cải cách điền-địa và việc quốc-hữu hóa các ngân-hàng và các đồn-điền cao-su, nhưng “đây chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, không đi vào chi tiết và không viện chứng, và hình như là để dành cho người Pháp đọc” ([195]).

 

THƯ-MỤC CHỌN LỌC

CHESNEAUX Jean, “Stage in the development of the Vietnam national movement, 1862-1910”, Past and Present (London), 1955, no. 7, tr. 63-75.

CHESNEAUX Jean, L’Asie orientale aux XIXè et XXè siècles. Paris, P.U.F., 1966, 371 tr.

DEVILLERS Philippe, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952. Paris, Ed. du Seuil, 1952, 480 tr.

EMERSON R., MILLS L., THOMPSON V., Government and nationalism in Southeast Asia, New York, 1942, 242 tr.

GRIMAL Henri, La décolonisation, 1919-1963. Paris, A. Colin, 1965, 408 tr.

HOLLAND W.-L., Asian nationalism and the West. New York, Macmillan, 1953, viii-449 tr.

LANCASTER Donald, The emancipation of French Indochina. London, Oxford U.P., 1961, xiii-445 tr.

MUS Paul, Viêtnam, Sociologie d’une guerre. Paris, Ed. du Seuil, 1952, 374 tr.

ROMEIN Jan, The Asian century. A history of modern nationalism in Asia. London, George Allen and Unwin, 1962, 448 tr.

SMITH Ralph, Vietnam and the West. London, Heinemann, 1968, ix-206 tr.

***

 CHƯƠNG II

CÁC PHONG-TRÀO QUỐC-GIA TRONG GIAI-ĐOẠN 1900-1930. 

  1. CÁC YẾU TỐ TỔNG QUÁT CỦA SỰ DIỄN BIẾN CHÍNH-TRỊ.

Những năm đầu của thế-kỷ XX đánh dấu một sự chuyển hướng chính-trị của giai-cấp lãnh-đạo Viêt-Nam: sau những năm dài chống cự sự cai trị của người Pháp bằng khí-giới mà chỉ gặp toàn thất bại, giới sĩ-phu ý thức được các khuyết điểm của tổ-chức chính-trị và xã-hội truyền-thống, và bắt đầu bị quyến rũ bởi các hình thức cai trị mới. Hiểu rằng các thể-chế chính-trị xuất phát từ Nho-giáo khó lòng đương đầu nổi với sự tiến triển về tinh-thần và kỹ-thuật của Tây-phương, giới trí thức nhận thấy cần phải có một sự canh-tân mới mong thoát ách đô-hộ của người Pháp được. Mặc dầu phong trào cải-cách năm1898 ở Trung-Hoa đã không thành công, tư tưởng của các nhân-vật cầm đầu phong-trào, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, có rất nhiều ảnh hưởng đối với giới trí-thức Việt-Nam, và khiến giới này hưởng ứng theo chủ-nghĩa tiến-bộ. Do đó, một trào lưu tư tưởng phát triển, cho rằng cần phải bổ túc tri-thức thánh hiền để lại với kiến-thức khoa-học và kỹ-thuật Tây-phương và cả với những tư tưởng chính-trị Tây-phương nữa. Để làm quen với các học thuyết của Âu-Tây, các nhà Nho tiếp xúc với các tác phẩm của các triết-gia danh tiếng Âu-Tây, qua các bản dịch từ Trung-Hoa đưa tới: Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Diderot, v.v..

Trường hợp của Nhật-Bản trở thành một cái gương sáng đáng noi theo: Nhật-Bản đã mượn của người da trắng bí quyết của cường-lực Tây-phương, và nhờ vậy đã đánh bại Trung-Hoa năn 1895; với sự thắng trận vẻ vang này, Nhật-Bản đã chứng minh rằng khoa-học Âu-Tây có thể được đồng hóa trong môi-trường Á-Châu. Hơn nữa, Nhật-Bản là quốc-gia Ðông-phương độc nhất có thể đối thoại ngang hàng với các quốc-gia Âu-Tây. Năm 1905, Nhật-Bản lại thắng Nga một cách vẻ vang; sự thắng trận này chứng tỏ là các đế-quốc thực-dân không phải là vô địch, và gây một tiếng vang rộng lớn ở Á-châu. Nó hiến cho những dân-tộc bị trị ở Á-Đông hi vọng một sự giải phóng gần kề. Uy tín của người da trắng sẽ còn giảm thêm, khi đệ-nhất thế-chiến tỏ cho người da vàng thấy sự chia rẽ giữa các cường-quốc Tây-phương. Cách-mạng cộng-sản tháng 10/1917 cũng làm nhiều người Nga tới lánh nạn tại nhiều nơi ở Á-Đông: để sinh sống, những người lưu vong này phải làm nhiều công việc được coi là đê tiện: một số phụ nữ Nga trở thành gái mãi-dâm, trong khi đàn ông làm nghề phu thợ trong những thương-cảng như Thượng-Hải, Hương-Cảng v.v… Gương mẫu của Nhật-Bản và sự “thất danh” của Tây-phương ([196]) gây nên một chủ nghĩa Á-tế-á, (asiatisme) coi Nhật-Bản như là quốc-gia lãnh-đạo các thuộc-địa Á-châu chống lại sự đô-hộ của Tây-phương. Tất nhiên các nhà ái-quốc Việt-Nam không thể nào lạnh nhạt với phong trào này.

Gương mẫu của Nhật-Bản cũng chứng tỏ rằng không thể trở lại các hình thức chính-trị và xã-hội của quá-khứ nữa, mà phải thích ứng với các tư tưởng mới sẽ giúp cho sự giải-phóng dân-tộc. Những người tán thành chủ-nghĩa tiến-bộ rất cảm phục nước Nhật và muốn tìm hiểu tại chỗ bí-quyết mầu nhiệm nào đã làm cho nước Nhật trở nên giàu mạnh: Đông-Kinh trở thành trung tâm lôi cuốn thanh-niên Việt-Nam; Phan Bội Châu tổ chức phong-trào Đông-du để bí mật đưa những người trẻ tuổi có tài qua Nhật-Bản du học.

Trong khoảng một phần tư đầu của thế-kỷ XX, giới Nho-học vẫn giữ vai trò lãnh-đạo trong phong-trào quốc-gia. Nhưng, với sự phế bỏ các kỳ thi Hương năm 1918, vai trò này bắt đầu giảm đi nhiều, và dần dần phát triển một giai-cấp trí-thức mới, giáo dục theo các phương-pháp Âu-Tây và rất nhạy cảm trước các tư tưởng cách mạng của học-thuyết Âu-Tây. Nhờ được tiếp xúc chặt chẽ hơn với văn-hóa Tây-phương, họ hiểu rằng người Tây-phương có được ưu thế là chỉ nhờ ở tổ-chức và kỹ-thuật của họ; muốn chấm dứt sự đô-hộ chính-trị và sự khai thác kinh-tế bởi Tây-phương, thì phải noi gương người Tây-phương trong lãnh vực tổ-chức kỹ-thuật. Giới trí-thức mới lại càng bất mãn đối với chính-quyền thuộc-địa vì họ bị loại khỏi các chức-vụ điều khiển, mặc dầu giàu khả năng. Chủ-nghĩa quốc-gia của họ có nhữnh hình thức mới mẻ và cực đoan hơn: họ muốn có những cải cách chính-trị sẽ trao trả quyền điều khiển xứ sở cho một chính-phủ quốc-gia. Mục tiêu của Việt-Nam Quốc Dân Đảng sẽ là giành lấy quyền độc-lập cho nước Việt-Nam và tổ chức nước nhà thành một quốc-gia dân-chủ và đại-nghị theo kiểu các quốc-gia Tây-phương.

Đối với khối quần chúng, có một thái độ kháng cự thụ động trước các sự đổi thay mà các cơ-cấu hành-chánh và kinh-tế của người Pháp đã đem vào nếp sống truyền thống. Sự đô-hộ của người Pháp ở Việt-Nam quá mới mẻ, và người dân Việt chưa hiểu rõ lợi ích của các con đường xe lửa hay của hệ-thống đường sá, mà chỉ thấy rằng người Pháp đã thiết lập những hệ-thống giao-thông này với công lao và tiền của của người Việt. Sự chống đối của khối quần chúng thường chỉ được phát biểu một cách tiêu cực, nhưng thỉnh thoảng cũng bộc phát thành những cuộc nổi loạn tuyệt vọng; chính-quyền thuộc-địa có thể dẹp những cuộc nổi loạn này một cách dễ dãi, nhưng sự đàn áp lại làm tăng thêm nỗi bất-mãn của dân chúng.

 

  1. CHỦ-NGHĨA QUỐC-GIA VIỆT-NAM TỪ ĐẦU THẾ-KỶ XX

            ĐẾN ĐỆ-NHẤT THẾ-CHIẾN.

Giới sĩ-phu cựu-học điều khiển phong-trào quốc-gia trong hai mươi năm đầu của thế-kỷ XX; nhưng ta phải phân biệt hai trào-lưu khác biệt với nhau về mục tiêu cũng như về phương-pháp hoạt-động.

  1. Phong-trào của Phan Bội Châu ([197]).

Hoạt động của Phan Bội Châu và những đồng-chí của cụ nhằm vào sự khôi phục một chế-độ quân-chủ độc-lập với sự trợ giúp của những nước bạn, như Trung-Hoa và Nhật-Bản. Muốn tổ chức trong vòng bí mật cuộc cách-mạng sẽ lật đổ chính-quyền thuộc-địa, phong-trào hoạt động dưới hình thức những hội kín.

Giữa năm 1900 và 1905, sau khi đỗ thủ-khoa trường Nghệ ([198]), Phan Bội Châu cố gắng lôi cuốn các nhà nho miền Trung hưởng ứng sự chống đối nền bảo hộ của Pháp. Các nhà chí-sĩ này đồng ý lựa chọn Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để, hậu-duệ vua Gia-Long, làm lãnh tụ của phong-trào quốc-gia, để sau này lên ngôi vua trong một nước Việt-Nam độc-lập và cải-tân. Đồng thời, Phan Bội Châu cũng soạn cuốn Lưu-cầu huyết-lệ tân-thư (1903) để tả cái nhục mất nước, và để cảnh tỉnh nhóm quan lại Nam-triều. Cuối năm 1904, Phan Bội Châu gặp Tăng Bạt Hổ vừa mới ở Nhật-Bản trở về; cuộc gặp gỡ này mở đầu một giai-đoạn mới trong đời sống cách-mạng của Phan Bội Châu.

Năm 1905, Phan Bội Châu quyết định cùng với các đồng-chí của cụ đưa Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để qua Đông-Kinh, để tổ chức tại đó bản-dinh của phong-trào quốc-gia; cụ bắt đầu kêu gọi đưa thanh-niên Việt-Nam xuất ngoại qua Đông-Kinh (Phong-trào Đông-du), để tại đây họ được huấn luyện về mặt quân-sự và chính-trị, ngõ hầu sau này có thể giữ vai trò lãnh-đạo trong việc chống Pháp và việc cổ-đông dân-tâm, nâng cao dân-trí. Để góp phần vào công việc vận-động này, Phan Bội Châu soạn nhiều quyển sách được bí mật đưa về Việt-Nam phát hành: Khuyến thanh-niên du-học, Việt-Nam vong quốc-sử ([199]), Hải-ngoại huyết thư, Tân-Việt Nam kỷ niệm lục, Ai cáo Nam kỳ phụ lão, Việt-Nam sử khảo, v.v… Năm 1906, Phan Bội Châu thành lập tổ chức chính-trị đầu tiên của cụ, Việt-Nam Duy-tân hội; cụ cố gắng phối hợp qua trung gian của hội các hoạt động của các đồng-chí trên lãnh-thổ Việt-Nam. Chương trình của hội gồm có 3 điểm chính: giải-phóng quốc-gia Việt-Nam, phục-hưng một chính-thể quân-chủ thoát ách đô hộ của người Pháp, công bố một hiến-pháp theo gương Nhật-Bản. Như vậy, thời gian ở Nhật đã khiến Phan Bội Châu từ bỏ lập-trường cần-vương lúc ban đầu của cụ để chủ trương quân-chủ lập-hiến, rập theo kiểu Nhật-Bản.

Ở trong nước, Duy-tân hội lập ra nhiều cơ quan để tổ chức và dẫn đạo du học-sinh sang Nhật. Sự tuyên truyền của hội cũng gây nên những cuộc phiến động trong khắp ba Kỳ.

Ở Bắc-kỳ, hãng buôn Đồng-lợi-tế tại Hà-Nội vừa hiến phương tiện để gửi học-sinh du-học Nhật-Bản, vừa cổ động tinh-thần phát-triển kinh-doanh. Sự kêu gọi phiến loạn chính-trị của Duy-tân hội được hưởng ứng bởi nhiều thành phần xã-hội khác nhau: các nhà nho, các thầy phong-thủy, các thong ngôn và viên chức của các cơ-quan hành-chánh hay các hội buôn, các hạ sĩ quan của các đội lính khố xanh, khố đỏ. Nhiều nhóm bí mật tổ chức cuộc tranh-đấu và liên lạc chặt chẽ với Hoàng Hoa Thám để thực hiện các âm mưu chống Pháp. Năm 1908, nhân danh Phan Bội Châu, ông Đồ Đàm và một thầy cúng mưu toan với Hoàng Hoa Thám đầu độc quân lính Pháp ở Hà-Nội; âm mưu này bị phát giác vì không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Những người lien hệ bị đàn áp nặng nề, và năm 1909 quân Pháp được phái đến vùng Yên-Thế để phá chiến-lũy của Đề Thám; năm 1913, Hoàng Hoa Thám bị hạ sát.

Ở Nam-Kỳ, sự tuyên truyền chống Pháp có một tính cách đặc biệt, dưới sự điều khiển của Trần Chánh Chiếu, tức Gilbert Chiếu, còn gọi là Phủ Chiếu nữa: xứ Nam-kỳ là một xứ giàu, nên chủ trương của Duy-tân hội ở đây là làm phương tiện tài-chính cho hội và kêu gọi dư luận tôn phò Cường Để, qua trung gian của các hội kín như Thiên-Địa-Hội, Nhân-Hòa-Ðường, Lương-Hữu-Hội, Ðồng-Bào Ái-Chưởng v.v…([200]). Tại Saigon–Chợ-Lớn, Gilbert Chiếu lập Minh-Tân Công-nghệ xã và Nam-Trung khách-sạn; một khách-sạn khác cũng được mở ở Mỹ-Tho. Công-nghệ xã và các khách-sạn này cho phép Gilbert Chiếu kinh tài cho Duy-Tân hội, và cũng cho phép các đồng-chí đi lại và tụ họp mà không bị nghi ngờ. Nhờ hoạt động của Gerlbert Chiếu mà các sách cách-mạng của Phan Bội Châu được truyền vào Nam, và một số đông thanh-niên được đưa qua Nhật: Năm 1908 trong số 200 du học-sinh thì có 100 học-sinh ở Nam-Kỳ. Tờ Lục-tỉnh Tân-văn do Gerlbert Chiếu làm chủ bút cũng hô hào dân chúng chống Pháp bằng những bài “Hợp quần giữa các đồng bang”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, “Khuyến nông”, v.v… Hoạt-động của Gilbert Chiếu khiến chính-quyền thuộc-địa e ngại: tổ-chức của ông bị phá hủy khi ông bị bắt cùng 92 đồng-chí; song, vì những người bị bắt đa số có Pháp-tịch, họ đều đã được tha bổng tại vì pháp-luật Pháp đã không tìm ra lý do để kết án họ.

Nhưng sau năm 1907, chính-phủ Nhật không còn ủng hộ các nhà chính-khách Việt-Nam lưu vong trên đất Phù-tang nữa. Vì gặp nhiều khó khăn tài-chính sau chiến tranh Nga-Nhật, chính-phủ Nhật phải nhìn nhận tất cả các thuộc-địa của Pháp ở Á-Châu với hiệp-ước ngày 10-7-1907, để đổi lấy một ngân-khoản là 300 triệu phât-lăng mà Pháp cho Nhật vay. Không bao lâu sau, chính-phủ Nhật tỏ ý không muốn dung nạp các du học-sinh Việt-Nam nữa; một số phải bỏ qua Trung-Hoa, một số khác tới Xiêm-La. Năm 1910, để lấy lòng chính-phủ Pháp, chính-phủ Nhật trục xuất Cường Để và Phan Bội Châu; Kỳ Ngoại-Hầu đi Hương-Cảng, còn cụ Sào-Nam thì tới Xiêm trú ngụ. Nhưng khi cuộc cách-mạng Tân-Hợi bùng nổ ở Trung-Hoa, cả Cường Để và Phan Bội Châu đều tới Quảng-Châu. Phan Bội Châu cải tổ phong-trào của ông, vì Duy-Tân hội không những mất sự ủng hộ của Nhật, mà cũng mất cả một số đồng-chí không còn tán thành các mục tiêu bảo-thủ của hội nữa. Dưới ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên và của Trung-Hoa Quốc-Dân Đảng, Phan Bội Châu quyết định từ bỏ quan-niệm quân-chủ cải cách cũ của cụ. Tổ chức mà cụ thiết lập năm 1912, Việt-Nam Quang-Phục Hội, công bố rằng sẽ lập một cộng-hòa dân-chủ sau khi thắng người Pháp. Phan Bội Châu cũng thành lập một chính-phủ lưu vong, với Cường Để là Tổng Đại-Biểu; bộ bình nghị của Việt-Nam Quang-Phục Hội gồm có những người tiêu biểu cho cả ba kỳ: Bắc-kỳ có Nguyễn Thượng Hiền, Trung-kỳ có Phan Bội Châu, Nam-kỳ có Nguyễn Thành Hiến.

Tuy phong-trào của Phan Bội Châu có mục tiêu mới, nó thiếu một chương trình thích đáng. Phan Bội Châu là một nhà cách-mạng hoạt-động, nhưng cụ không phải là một lý-thuyết-gia chính-trị, và cụ không nghĩ đến việc dự thảo những cải cách chính-trị cụ thể và những biện-pháp kinh-tế, vừa để làm chương trình hoạt động một khi đạt được độc-lập, vừa lôi cuốn khối quần chúng hưởng ứng sự tranh đấu quốc-gia. Trái lại, Cường Để và Phan Bội Châu vẫn chờ đợi ở sự giúp đỡ của ngoại-quốc để thực hiện sự giải-phóng Việt-Nam: giúp đỡ của Trung-Hoa, và giúp đỡ của nước Đức nữa (khi đệ-nhất thế-chiến bùng nổ, Cường Để đi Bá-Linh để xin viện trợ, còn Phan Bội Châu gặp vị lãnh-sự Đức ở Vọng-Các và được giúp một số tiền 10.000$).

Tuy nhiên, Phan Bội Châu được người Pháp coi như là nhà cách-mạng đáng sợ nhất. Cho đến khi đệ-nhất thế chiến chấm dứt, không một hành động kháng chiến nào xảy ra mà không có sự nhúng tay của các uỷ-viên mà Việt-Nam Quang-Phụng Hội phái về vận động trong nước hay thực hiện những kế-hoạch bạo động:

  • Năm 1913, nhiều cuộc bạo động xẩy ra trên khắp lãnh-thổ Việt-Nam; Việt-Nam Quang-Thục Hội gửi về nước nhiều trái bơm mua ở Thượng-Hải. Đặc biệt ở Nam-kỳ, các hội kín nhận mệnh lệnh của hội để gây xáo trộn; ngày 24 tháng 3, tám quả bom nổ ở Saigon và Chợ-Lớn; ngày 28 tháng 3, 600 nông-dân mặc áo trắng và mang bùa biểu tình ở Saigon với hy vọng Phan Xích Long, một thầy phù-thủy tự xưng là con vua Hàm-Nghi, sẽ từ trên trời xuống để hướng dẫn họ đánh đuổi quân Pháp. Ở Bắc-kỳ, quan tuần-phủ Thái-Bình bị ám sát ngày 12 tháng 4 với một quả tạc đạn; ngày 26 tháng tư, một quả bom khác được liệng vào nhà hàng Hanoi-Hotel. Song, tất cả những vụ khủng bố nói trên không nằm trong một phong-trào nổi loạn tổng quát, và chính-phủ thuộc-địa đã có thể cho thi hành những sự trừng phạt một cách dễ dãi: ở Nam-kỳ Phan Xích Long bị bắt giam; ở Bắc-kỳ, có 254 người bị bắt, 7 người bị xử tử trong khi Cường Để và Phan Bội Châu bị kết án khiếm diện ([201]).
  • Năm 1914-1915, nhiều cuộc nổi loạn của dân miền núi xẩy ra trong vùng Yên-Thế và Phú-Thọ, và các đồn biên-giới vùng Lao-Kay bị tấn công. Những cuộc nổi loạn này, mặc dầu chưa phối hợp lực lượng được với nhau, hầu hết đều có dính líu với Việt-Nam Quang-Phục Hội. Riêng về việc tấn công những đồn biên-giới như đồn Tà-Lùng, nó nằm trong kế hoạch quân-sự và chính-trị của hội.
  • Vào tháng giêng-hai năm 1916, các tù-nhân chính-trị bị giam ở Biên-Hoà nổi loạn, chiếm khí giới, tràn ra các vùng lân cận và được tiếp ứng bởi những đoàn nông-dân võ trang và tổ chức bởi các hội kín. Ngày 15-2-1916, khoảng 300 người tấn công nhà khám lớn ở Saigon để giải phóng Phan Xích Long, đã bị kết án khổ sai chung thân từ năm 1913. Đồng thời, nhiều cuộc bạo động cũng xẩy ra tại Vĩnh-Long, Sa-Ðéc, Gia-Định, Mỹ-Tho, Chợ-Lớn, Bà-Rịa, Tây-Ninh, Cần-Thơ, Trà-Vinh, Châu-Đốc, Long-Xuyên, Thủ-Dầu-Một; các cuộc bạo động này đều có những đặc điểm y hệt nhau, chúng đều được tổ chức bởi các hội kín và chúng có mục đích tiếp tay phong trào nổi loạn ở Saigon. Cho đến khi ấy, chính quyền thuộc-địa còn coi thường hoạt động của các hội kín, tưởng rằng ảnh hưởng của các hội này không sâu rộng lắm; phong-trào rộng lớn năm 1916 khiến chính quyền thuộc-địa phải áp dụng những biện-pháp trừng phạt rất nặng nề.
  • Việt-Nam Quang-Phục Hội cũng có nhiều ảnh hưởng đối với vua Duy-Tân, đã nối ngôi vua Thành-Thái năm 1907. Vốn có tinh thần nhiệt thành yêu nước, nhà vua lại căm tức hành động ngang tàng của khâm-sứ Mahé đã đào lăng-tẩm vua Tự-Đức để tìm vàng. Vào tháng năm năm 1916, được biết Trần Cao Vân khởi nghĩa ở Quảng-Nam, nhà vua mưu toan trốn khỏi Huế để cầm đầu phong trào; nhưng, cơ mưu bại lộ, vua Duy-Tân bị bắt, và bị Pháp đầy sang đảo Réunion. Chính-phủ bảo-hộ đặt con vua Đồng-Khánh là Khải-Định lên ngôi ([202]).
  • Tháng 8 năm 1917, Lương Ngọc Quyến, một trong những người đầu tiên qua Nhật và đã được Phan Bội Châu phái về nước hoạt động nhưng bị Pháp bắt giam ở Thái-Nguyên, mưu với viên đội khố xanh Trịnh Văn Cấn phá ngục và chiếm đồn Thái-Nguyên. Các đội lính tập nổi loạn đã có thể chiếm nhà tù, thả tù nhân, cướp phá kho súng và kho bạc, trước khi rút ra khỏi tỉnh lỵ trước các đội quân được phái từ Hà-Nội tới để dẹp loạn. Cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn lúc đầu được nông-dân ủng hộ, vì họ thù ghét viên công-sứ Darles đã cai trị tỉnh Thái-Nguyên một cách tàn-bạo. Nhưng Đội Cấn cũng chỉ cầm cự được đến cuối năm mà thôi ([203]).
  • Tháng hai năm 1918, tù-nhân ở Côn-lôn, được tuyên truyền rằng quân-đội Đức thắng thế ở Âu-Châu bởi những nhân vật chính-trị bị lưu đầy ra tù-lao này, nổi loạn. Viên quản ngục ra lệnh nổ súng; kết quả, có 83 tù-nhân bị bắn chết ([204]).

Sau đệ-nhất thế-chiến, ảnh hưởng của Việt-Nam Quang-Phục Hội giảm đi nhiều, nhất là cách-mạng cộng-sản ở Nga gây nên một sự chuyển hướng của các lực-lượng cách-mạng Việt-Nam; phải đợi đến năm 1925, khi Phạm Hồng Thái mưu sát toàn-quyền Merlin nhân một bữa tiệc ở Quảng-Châu, phong trào của Phan Bội Châu mới lại được để ý đến nhiều. Tuy nhiên, tầm quan trọng lịch-sử của Việt-Nam Quang-Phục Hội không phải là do những kết quả trực tiếp mà hội gặt được, mà là do sự giúp đỡ của hội đối với những nhóm hoạt-động khác, kể cả nhóm cộng-sản. Nhờ sự bí mật giúp đỡ phương-tiện của hội, nhiều sinh-viên Việt-Nam đã có thể qua Trung-Hoa du học và, kể từ năm 1920 trở đi, được huấn luyện quân sự tại trường võ-bị Whampoa (Hoàng-Phố) gần Quảng-Châu, hoặc được gửi đi xa hơn nữa, tới Paris hay Mạc-tư-khoa. Hội cũng gửi về nhiều truyền đơn, và chính nhờ những truyền đơn này mà nhiều nhà cách-mạng tương lai đã học hỏi những tư tưởng chính-trị đầu tiên của họ.

Năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng-Hải bởi mật-thám Pháp và được đưa về Hà-Nội; Hội-đồng Đề-Hình Pháp kết án cụ khổ sai chung thân. Nhưng trước áp lực của dư luận, toàn-quyền Varenne ân xá cho cụ, và đem cụ về giam lỏng tại Bến Ngự (Huế). Cuộc đời chính-trị của Phan Bội Châu chấm dứt tại đây, mặc dầu cụ còn sống thêm 15 năm nữa: cụ tượng trưng cho một giai-đoạn của phong-trào quốc-gia đã thuộc về quá khứ.

Sự thất bại của Phan Bội Châu cũng là sự thất bại của một phong-trào cách-mạng chỉ căn cứ trên các nguyện vọng chính-trị của giới thượng-lưu trí-thức. Việt-Nam Quang-Phục Hội không phải là một đảng-phái chính-trị thật thụ, mà là một liên-minh mưu bạn, tin tưởng ở hiệu năng chính-trị của hoạt động khủng bố bởi một tổ-chức bí mật. Hội đòi hỏi các hội-viên phải có kỷ-luật và phải bảo mật; các hội-viên phải trả những món tiền nhập hội khá cao, và điều này loại bỏ khối quần chúng nghèo. Các quan niệm tổ chức này, cùng với các tư tưởng Tây-phương của Phan Bội Châu khiến phong-trào của cụ trở nên xa lạ với khối quần chúng, và chỉ giới hạn trong giới học-thức và có khả-năng tài-chính. Các tác-phẩm của Phan Bội Châu cũng chỉ nhắm tới giới trí-thức và chỉ đề cập tới những ước-vọng chính-trị của giai-cấp thượng-lưu; sự thật, cụ đã không phân tích xã-hội Việt-Nam, cụ đã không đặt vấn đề về những mâu thuẫn quyền lợi giữa giới trí-thức và khối bình-dân mù chữ; cụ đã không phát biểu những đòi hỏi cụ thể về cải-cách xã-hội và đã không vạch ra một chương trình có thể khiến khối quần chúng hiểu rằng có độc-lập quốc-gia mới có thể cải thiện đời sống của họ. Tóm lại, chủ-trương của Phan-Bội-Châu có thể tóm lược trong một điểm độc nhất: đuổi người Pháp ra khỏi Việt-Nam.

Đường lối hoạt động của Phan Bội Châu cũng phản ảnh một phần nào sự mâu thuẫn trong con người của cụ: cụ đã tiếp xúc với các nhà cách-mạng Nhật-Bản và Trung-Hoa, cụ đã mong muốn dùng khoa-học và kỹ-thuật Âu-Tây vào việc lật đổ sự đô-hộ của người Pháp, nhưng cụ lại hay để ý đến những điểm tốt xấu, và luôn luôn hỏi ý kiến những pháp-sư, những phù-thủy, trước khi hành động. Mặc dầu đã đề xướng phong-trào duy-tân, Phan Bội Châu vẫn còn là con người của quá khứ.

b) Phan Chu Trinh và nhóm Đông-Kinh Nghĩa Thục ([205]).

Chúng ta cần lưu ý là hai nhà chí-sĩ họ Phan, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, là người của cùng một thế-hệ; hoạt động của cả hai đã xảy ra đồng thời và đôi khi có nhiều liên-hệ với nhau. Tuy nhiên, phong trào của Phan Chu Trinh có nhiều điểm khác biệt với phong-trào của Phan Bội Châu.

Sinh năm 1872 ở Quảng-Nam, đậu cử-nhân năm 1900 và phó-bảng năm 1901, Phan Chu Trinh được bổ làm thừa-biện bộ Lễ năm 1903. Thấy đời làm quan của Nam-triều quá vô ích, cụ đã từ chức để lien lạc với những nhà nho đồng chí hướng để mưu tìm cho xứ Việt-Nam một sự canh-tân. Đầu năm 1906, cụ qua Nhật cùng với cụ Phan Bội Châu, nhưng ngay từ đầu cụ đã bất đồng quan điểm với cụ Sào-Nam. Phan Chu Trinh nghi ngờ thiện-chí giúp đỡ của Nhật-Bản, vì chủ-nghĩa đế-quốc của Nhật-Bản đương được biểu lộ ở Triều-Tiên và Đài-Loan, và cũng nhằm vào sự đô-hộ tất cả Á-Đông; cụ cũng nghi ngờ lòng dạ của Hoàng Hoa Thám, và cụ tiên đoán rằng cuộc kháng Pháp của Đề Thám sẽ thất bại. Cụ tin rằng muốn thực hiện sự canh-tân nước Việt thì trước hết phải giáo-dục quần chúng, nâng cao dân-trí rồi mới đòi sự độc-lập cho xứ sở bằng một phong trào bất bạo động.

Quan điểm mà Phan Chu Trinh muốn đồng-bào cùng chia xẻ là chấp nhận nền bảo-hộ của người Pháp, vì tình trạng của nước Việt-Nam lúc bấy giờ không cho phép Việt-Nam có thể hoàn toàn tự trị, mà trái lại làm Việt-Nam bị đe dọa bởi những quốc-gia láng giềng đông dân cư. Từ Nhật trở về nước, cụ viết một bức thư ngỏ gửi toàn-quyền Paul Beau vào tháng 8 năm 1906 ([206]); trong bức thư này, cụ thẳng thắn tố cáo quan lại Nam-triều đã dựa vào chính-phủ bảo-hộ để mà hà hiếp dân chúng, và cụ đề nghị nhà cầm-quyền Pháp nên xích lại gần với giới trí-thức Việt-Nam trong một tinh-thần hợp tác.

Để khiến dư luận chú ý đến việc phát triển nền kinh-tế quốc-gia, để gột bỏ óc mê tín của dân quê, và gây tư tưởng mới, Phan Chu Trinh đi khắp nơi diễn thuyết; cụ chủ trương thiết lập nhiều trường học để giáo huấn dân chúng và nếu cần, giao các chùa chiền cho các thầy giáo làm nơi dạy học. Cụ thuyết minh cho giới sĩ phu thấy rằng sự phân chia xã-hội thành 4 cấp Sĩ, Nông, Công, Thương đã  lỗi thời, và phải chấn hưng công thương để làm cho nước giàu dân mạnh:

Người mình đã vụng về trăm thức,

Lại khoe rằng “sĩ nhất tứ dân”

Người khanh tướng kẻ tấn thân,

Trăm nghề hỏi có trong thân nghề nào?

………………………………….

Hỡi những người chí cả thương quê,

Mau mau đi học lấy nghề,

Học rồi ta sẽ đem về dậy nhau ([207]).

Để làm gương, Phan Chu Trinh đứng ra mở một hội buôn ở Đà-Nẵng, gọi là Quảng-Nam thương-hội, để buôn quế và dệt những thứ vải dầy, và khuyến khích dân chúng dùng đồ nội-hóa. Hưởng ứng lời kêu gọi của cụ, một số nhà Nho có nhiệt huyết cũng từ bỏ thái độ khinh công thương, lập hội buôn để khuếch trương thương-nghiệp và công-nghiệp. Phong-trào duy tân, tự cường nhờ vậy mà phát triển mạnh mẽ ở trong nước.

Với mục đích khai-trí cho dân, các đồng-chí của Phan Chu Trinh lập tại Hà-Nội vào đầu năm 1907 Đông-Kinh Nghĩa-Thục, sẽ mở những lớp dạy học miễn phí và tổ chức những cuộc diễn-thuyết để đề cao sự cần thiết phổ biến giáo-dục và khuyếch-trương thương-nghiệp. Ngay từ khi trường được mở, số người ghi tên học đã lên tới trên một ngàn; chương trình giảng dạy gồm cả Việt-văn, Hán-văn và Pháp-văn, và từ bỏ lối học từ chương để nhấn mạnh lên thường-thức và thực-nghiệp. Để truyền bá tư tưởng mới, trường cũng soạn sách và những bài ca ái-quốc hay có tính cách khai-trí ([208]).

Năm 1907, xẩy ra một cuộc khủng-hoảng chính-trị ở Huế, khi vua Thành-Thái bị buộc phải thoái vị và bị đầy qua đảo Réunion. Lợi dụng sự bất mãn gây nên bởi sự kiện này, phong-trào duy-tân chuyển sang việc chống nộp thuế: vào tháng 3-1908, nông-dân Quảng-Nam biểu tình trước dinh tổng-đốc yêu cầu giảm thuế; phong-trào lan rộng sang các tỉnh khác ở miền Trung; nông-dân tụ tập trước các toà công-sứ Pháp ở Hội-An; Quảng-Ngãi, Bình-Định, Hà-Tĩnh, Nghệ-An, Tuy-Hoà để đòi giảm thuế. Khắp mọi nơi, các cuộc biểu tình này là những cuộc biểu tình ôn hoà, trừ ở vài nơi dân chúng đã đi lùng bắt và đánh đập các lý-dịch thu thuế.

Tuy các cuộc biểu-tình miền Trung không có tính cách bạo động, nhà cầm quyền Pháp đã phản ứng bằng cách bắt giam nhiều nhân-sĩ nổi tiếng trong phong-trào duy-tân. Đông-Kinh Nghĩa-Thục bị đóng cửa, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Đức Ngôn, Ngô Đức Kế, v.v…đều bị kết án tù và đày đi Côn-Đảo. Trong thời gian ở Côn-Đảo, Phan Chu Trinh vẫn không ngớt hoạt động; cụ đã lợi dụng thời gian bị giam cầm này để viết quyển Tân Việt-Nam chi kế-hoạch và một số thơ văn. Năm 1911, nhờ sự can thiệp của Hội Nhân-quyền (Ligue des Droits de l’Homme), cụ được trả tự do và sang Pháp với thâm ý hoạt động chính-trị ngay tại Pháp. Chính trong những năm trực tiếp tiếp xúc với nền dân-chủ Tây-phương này mà Phan Chu Trinh bắt đầu từ bỏ những quan niệm quân-chủ của cụ để cải hoán theo chủ-nghĩa dân-chủ. Năm 1922, vua Khải-Định sang Pháp dự đấu xảo, cụ viết thư kể tội nhà vua đã quên bổn phận đối với dân ([209]). Về nước năm 1925, cụ tỏ rõ chiều hướng tư tưởng của cụ bằng cách đi diễn thuyết khắp nơi về chế-độ quân-chủ và dân-chủ, về luân-lý và đạo-giáo Á-Đông và Tây-phương ([210]). Song cụ lâm bệnh và mất ngày 24-3-1926.

 

III.- CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG TỪ NĂM 1918 ĐẾN NĂM 1930:

Đệ-nhất thế-chiến đã gây nhiều kỳ vọng cho dư luận Việt-Nam. Xứ Việt-Nam đã tham dự vào sự cố gắng chiến-tranh của mẫu-quốc bằng cách gửi qua Pháp đến gần 100.000 người lính và thợ. Giới trí-thức nghĩ rằng mẫu-quốc Pháp sẽ tỏ lòng biết ơn với thuộc-địa bằng cách dành cho họ một phần quan trọng hơn trong việc điều khiển công việc nhà nước. Họ tràn trề hy vọng vì toàn-quyền Albert Sarraut trước khi về nước cuối năm 1919, đã hứa hẹn là sẽ có nhiều cải cách rộng rãi trong các bài diễn-văn của ông.

Vào năm 1919, sự chống đối cũ của các nhà Nho cũng đã bắt đầu nguôi dần, có lẽ vì những nhà lãnh-đạo cực đoan đều đã bị lưu đày cả, hoặc thay đổi lập-trường sau khi nhận thấy sự kháng cự không có được kết quả cụ thể. Kể cả Phan Bội Châu sau khi bị bắt cũng tỏ ý sẵn sàng cộng tác với người Pháp: trong bài Pháp-Việt Đề Huề Chính Kiến Thư ([211]), cụ cho rằng không ích lợi gì thương tiếc một quá khứ không thể nào trở lại nữa. Các nhà trí-thức thuộc thế-hệ mới đặt tin tưởng nhiều hơn vào chủ-nghĩa tự-do của nước Pháp, họ không đặt quyền cai trị của nước Pháp thành vấn đề nữa, mà chỉ đòi hỏi được hợp tác chặt chẽ hơn với người Pháp trong sinh hoạt chính-trị và hành-chánh. Chính trong bầu không khí mới này mà các chủ-trương Pháp-Việt đề huề xuất hiện.

  1. Các chủ-trương Pháp-Việt đề huề

Kể từ năm 1922, Phạm Quỳnh cố gắng xác định một chính-sách quốc-gia thực-tế, có thể lôi cuốn mọi người chấp nhận chế-độ bảo-hộ, và “giải tán cái nghi ngờ nó phân lìa người Pháp với người Nam” ([212]). Để đặt căn bản cho một sự hợp tác thật thụ, lâu dài và phong phú giữa người Pháp và người Việt, Phạm Quỳnh đòi hỏi sự áp dụng một cách trung thực hiệp-ước bảo-hộ, và sự phế bỏ mọi phương thức trực trị đã làm Nội-Các của Nam-Triều trở thành một đồ chơi của quan Khâm-sứ Pháp ([213]). Vai trò của nước Pháp đã được xác-định bởi hiệp-ước 1884, người Pháp có thể hợp tác chặt chẽ với người Việt bằng cách chấp nhận cho thiết lập một chính phủ thực thụ, tổ chức bởi một hiến-pháp; quyền hành-pháp ở trong tay nhà vua, nhưng sẽ được thi hành bởi những vị bộ-truởng chịu trách nhiệm trước nhà vua, trước chính-quyền bảo-hộ và trước quốc-hội. Quốc-hội sẽ được bầu theo một chế-độ đầu phiếu hạn chế và sẽ có quyền thảo luận về một số vấn đề, nhất là về những dự-luật mà một Tham-chính-viện gồm những nhà chuyên môn Pháp và Việt soạn thảo sẵn. Nhà vua sẽ được phụ tá bởi một cơ-mật-viện gồm những đại nhân-vật Pháp và Việt.

Các quan điểm của Phạm Quỳnh đã không ngớt được ông trình bày trong tờ Nam-Phong mà ông làm chủ bút. Tờ báo này cũng được ông coi như là một diễn đàn để “giới thiệu những sự học hành, tư tưởng, dư luận, hành vi của người mình cho người Tây biết, sau nữa là lâm thời có thể đạt được ý kiến quốc-dân tới chính-phủ bảo-hộ…” ([214]). Song, sự hợp tác giữa Pháp và Việt không phải chỉ hạn chế trong lãnh vực chính-trị mà thôi, mà còn phải mở rộng trong các lãnh vực khác nữa: Phạm Quỳnh muốn dung hoà cái “quốc-tuý” trong nước với cái học-vấn tư tưởng của Tây-phương, nhất là của nước Pháp. Báo Nam-Phong sẽ luôn luôn trung thành với chủ trương này, còn được nhắc lại vào năm 1934: “Mục đích báo Nam-Phong là thể hiện cái chủ-nghĩa khai-hoá của chính-phủ, biên tập những bài bằng quốc-văn, Hán-văn, để giúp sự mở mang trí-thức, gìn giữ đạo-đức trong quốc-dân An-Nam, truyền bá các khoa-học của Thái-Tây, nhất là học-thuật tư tưởng Đại-Pháp, bảo tồn quốc-tuý của nước Việt-Nam ta, cùng bênh vực quyền-lợi người Pháp, người Nam trong trường kinh-tế” ([215]).

Chủ-nghĩa quốc-gia của Phạm Quỳnh, là một con người đã đồng hoá một cách sâu rộng tư tưởng Đông Tây và kim cổ, được phát biểu rõ rệt nhất trong những cố gắng của ông để xây dựng một nền quốc-văn. Ngay từ đầu, ông đã nêu lên điạ vị ưu tiên của chữ quốc-ngữ và đã không ngần ngại tuyên-bố rằng: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam ta hay hay dở là ở chữ quốc-ngữ, ở văn quốc-ngữ: Tôi quyết rằng vận mệnh chữ quốc-ngữ với vận mệnh tiếng An-Nam ta từ nay là liền hẳn với nhau…” ([216]).

Có một số trí-thức không chấp nhận quan-điểm của Phạm Quỳnh. Nhân một cuộc tranh luận về truyện Kiều, mà Phạm Quỳnh coi là tiêu biểu cho linh-hồn Việt-Nam ([217]). Ngô Đức Kế trong bài Luận về chánh-học cùng tà thuyết, đăng trong tờ Hữu Thanh (tháng 9-1924), đả kích cái xã-hội chủ trương bởi Phạm Quỳnh, muốn tiến hoá theo Âu-Tây không nổi, mà muốn duy trì nền văn-hoá cố-hữu dân-tộc cũng không được; Ngô Đức Kế cho rằng nền văn-học Việt-Nam cổ-điển đã làm cho nước Việt-Nam chậm tiến và đặt Việt-Nam ở một vị thế yếu kém trước các sự toan tính của người Pháp ([218]).

Song nhiều nhà trí-thức khác cũng tán thành chủ trương của Phạm Quỳnh, kể cả những nhà cách-mạng cựu-học như Huỳnh Thúc Kháng, và những người không đồng chính-kiến với Phạm Quỳnh như Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút tờ Trung Bắc Tân Văn. Hội Khai-Trí Tiến-Đức được thành lập năm 1919, nhóm hợp nhiều nhân-vật giữ một địa vị quan trọng trong nền văn-học của giai đoạn này ; hội tự cho mình trách nhiệm hoà-giải Đông và Tây, và phổ biến tư tưởng Âu-Tây bằng cách phiên dịch những tác-phẩm văn-chương Pháp. Dưới ảnh hưởng của Phạm Quỳnh và những người cùng chí hướng với ông, chữ quốc-ngữ được phổ biến một cách sâu rộng và trở thành căn-bản của nền quốc-văn mới.

Đối với vua Khải-Định, Phạm Quỳnh có nhiều ảnh hưởng. Tán thành chủ trương của vị chủ bút tờ Nam-Phong, nhà vua sang Pháp năm 1922 để đòi hỏi cho người Việt được tham gia nhiều hơn trong sinh-hoạt chính-trị, qua các thể-chế cải-tân dưới sự bảo-hộ của người Pháp ([219]). Nhưng cuộc hành trình này đã không đưa về kết quả nào, cũng như đề nghị thành lập một đảng lập-hiến của nhóm Nam-Phong bị bác bỏ bởi chính-phủ bảo-hộ ([220]). Trái lại, khi vua Khải-Định chết ngày 6-11-1925, Pháp lại hạn chế thêm chủ-quyền của nhà vua: vua nước Việt từ nay trở đi chỉ còn giữ lại quyền ân-xá và quyền ban hành những đạo dụ liên quan đến vấn đề lễ nghi mà thôi, còn mọi vấn đề dính dáng đến pháp-luật và hành-chính trong nước sẽ do toàn-quyền Pháp giải quyết. Chính-phủ bảo-hộ cũng giới hạn hoạt động chính-trị của các chính-nhân miền Bắc và miền Trung bằng cách không cho phép họ gia nhập đảng Lập-hiến của Bùi Quang Chiêu ở Nam-kỳ.

Đảng Lập-hiến (Parti Constitutionnaliste) được thành lập ở Saigon năm 1923 bởi một nhà báo, Nguyễn Phan Long, một luật-sư, Dương Văn Giáo, và một kỹ-sư, Bùi Quang Chiêu đã từ Pháp trở về năm 1913.  Cơ quan ngôn luận của đảng là tờ La Tribune Indigène mà Bùi Quang Chiêu ấn hành từ năm 1917 để ủng hộ chính-sách cải cách của toàn-quyền Albert Sarrant, và nhất là tờ l’Echo Annamite, mà Nguyễn Phan Long làm chủ bút. Sự tổ chức một chính-đảng có thể được thực hiện ở Nam-kỳ, vì Nam-kỳ là một thuộc-địa và được coi như là một phần của nước Pháp, nhưng với điều kiện các quan điểm phải được phát biểu bằng Pháp-ngữ và không đe dọa sự cai trị của người Pháp.

Chủ trương của đảng Lập-hiến được trình bày trong bản thỉnh-nguyện-thư (Cahier des vœux annamites) mà đảng chuyển đạt tới toàn-quyền Varenne ngày 28-11-1925: đảng đòi hỏi một chế-độ báo chí tự do hơn, một địa-vị xứng đáng cho người Việt trong các chức-vụ chính-phủ, một sự đối đãi bình-đẳng giữa các công-chức người Việt, một sự nới rộng các điều kiện hành nghề cho những người Việt muốn mở văn-phòng luật-sư, quyền tự do đi lại trong và ngoài Đông-Pháp, và quyền tự trị riêng cho xứ Nam-kỳ. Các lãnh tụ của đảng cũng muốn Hội-đồng Quản-hạt Nam-kỳ trở thành một cơ quan lập-pháp thực thụ; mặc dầu các điều kiện bầu cử vào Hội-đồng rất hạn chế, các ứng-cử-viên của đảng đều đắc cử, và Nguyễn Phan Long còn được bầu vào chức phó chủ-tịch của Hội-đồng Quản-hạt nữa.

Đảng Lập-hiến cố gắng làm cho chính-sách hợp tác trở thành thực tế: các lãnh-tụ của đảng không muốn đi tới một cuộc cách-mạng xã-hội, cũng như không chấp nhận sự đòi hỏi độc-lập, vì địa vị của những nhân-vật mà đảng đại diện lien kết chặt chẽ với chế-độ thuộc-địa ([221]). Năm 1926, Bùi Quang Chiêu qua Pháp để vận động cho quan niệm một sự cộng tác chặt chẽ giữa người Việt và người Pháp.

Nhưng các đòi hỏi ôn hòa của Đảng Lập-hiến, cũng như các đòi hỏi của nhóm Nam-Phong, vấp phải sự cản trở của các nhà hành-chánh và các nhà tư-bản Pháp, có một mặc cảm tự tôn quá cao và không muốn mất đi một mảy may đặc quyền nào. Ảnh hưởng của giới colons Pháp khiến toàn-quyền Varenne đã chỉ ban hành những cải cách chi tiết, chứ không giải quyết những vấn đề căn bản. Khi Bùi Quang Chiêu ở Pháp trở về Saigon, ông được đón tiếp bởi một cuộc biểu-tình chống đối tổ chức bởi giới người Pháp thù nghịch với đảng Lập-hiến.

Vì thiếu thành công và để có thể tồn tại, đảng Lập-hiến giảm bớt các yêu sách, chấm dứt sự đòi hỏi tự do chính-trị, và chỉ còn tranh đấu cho người Việt được nhập Pháp-tịch nhiều hơn mà thôi. Khi nộng-dân miền Trung nổi loạn năm 1930, các lãnh-tụ của đảng Lập-hiến đứng về phía chính-quyền thuộc-địa và tán thành sự đàn áp các phong-trào cách-mạng ([222]). Điều này giải thích tại sao một số người đã ly khai với đảng: trường hợp của Nguyễn An Ninh là một trường hợp điển hình. Là một nhà viết báo có chân trong đảng Lập-hiến, Nguyễn An Ninh bị nắt giam sau khi ông đăng trong tờ La Cloche Fêlée của ông, vào tháng 3-1926, một bài báo ca ngợi Phan Chu Trinh vừa mới chết. Sau khi được trả tự do, ông bí mật hoạt động cách-mạng để cuối cùng gia nhập đảng Cộng-sản.

b) Các chủ trương chống Pháp.

Trước sự thất bại của các phong-trào ôn hòa, trước sự từ chối cải-cách của chính-phủ thuộc-địa, giới trí-thức bắt đầu nghĩ rằng không thể chờ đợi gì ở người Pháp. Cả Phạm Quỳnh cũng phải thốt ra là: “Chúng tôi là một dân-tộc đương đi tìm tổ-quốc mà chưa thấy tổ-quốc ở đâu” ([223]). Nhiều người chán nản trước chính-sách thiếu thông-cảm của người Pháp, chuyển hướng sang hình thức hoạt động cực đoan, vì họ cho rằng sẽ không đòi hỏi được gì nếu không dung những biện pháp bạo động.

Kể từ năm 1924, nhiều đảng phái nhỏ, tổ chức như những hội kín, được thành lập ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ: Phục Việt, Hưng Nam, Việt-Nam Cách-Mệnh Đảng sau đổi thành Tân-Việt Cách-Mệnh Đảng; nhưng đây chỉ là những nhóm thanh-niên và trí-thức trẻ, thường không có đường hướng rõ rệt ngoài lòng mong muốn chống đối chế-độ hiện-hữu. Tân-Việt Cách-Mệnh Đảng không bao giờ nhóm hơn 250 đảng-viên; trong khi chờ đợi sự công bố một chính-thể cộng-hòa, đảng muốn hoạt động cho sự chấn-hưng tinh-thần và đạo-đức của người Việt. Nhân dịp Phan Bội Châu bị bắt năm 1925, hay nhân đám tang Phan Chu Trinh năm 1926, Tân-Việt Cách-Mệnh Đảng tổ chức nhiều cuộc biểu tình với sự tham dự của hàng ngàn người; nhưng, thiếu kinh nghiệm chính-trị và quá rụt rè, Tân-Việt bị lấn át bởi phong trào bạo động của những người đương chuẩn bị sự nổi loạn.

Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, thành lập vào năm 1927 theo kiểu Trung-Hoa Quốc-Dân Đảng của Tôn Dật Tiên, có một tổ chức vững chắc hơn nhiều. Mặc dầu sau thế-chiến thứ nhất, giới trí-thức ít biết Hán-văn hơn, các tư tưởng Trung-Hoa vẫn tiếp tục tràn qua Việt-Nam và Trung-Hoa Quốc-Dân Đảng có một uy tín rất lớn ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Vào đầu năm 1927, một nhóm trí-thức trẻ bí mật nhóm họp ở Hà-Nội và đặt mục tiêu là phổ biến trong khối quần chúng các tư tưởng mới, đặc biệt các tư tưởng của Tôn Dật Tiên; để che đậy hoạt động của họ, nhóm này thiết lập một nhà xuất-bản lấy tên là Nam-đồng thư-xã. Vào tháng 11-1927, với sự hưởng ứng của những nhà giáo, công-chức hành-chánh, viên-chức thương-mãi hay kỹ-nghệ, v.v…, nhóm này lấy tên là Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, và được đặt dưới quyền điều khiển của một nhà giáo trẻ, Nguyễn Thái Học ([224]).

Việt-Nam Quốc-Dân Đảng được tổ chức như một hội bí mật, cũng như Trung-Hoa Quốc-Dân Đảng đã được tổ chức theo kiểu Thiên-Địa-Hội. Đảng không phải là một phong-trào bình-dân mà các đảng-viên có thể tự xin gia nhập; cũng như những hội bí mật khác, các đảng viên được mời vào đảng vì đảng nghĩ rằng họ có ích cho một mục tiêu đặc biệt nào đó của đảng. Để có phương tiện tài-chính, đảng thường tống tiền những nhà giàu, nhưng tiền này thường được cho nông-dân vay để đổi lấy sự qui phục của họ. Việt-Nam Quốc-Dân Đảng cũng mượn chủ nghĩa Tam Dân (dân-tộc, dân-quyền, dân-sinh) của Trung-Hoa Quốc-Dân Đảng, và tự gán cho mình mục tiêu đánh đuổi Pháp với sự hỗ trợ của Trung-Hoa dân-quốc để thiết lập, sau một cuộc cách-mạng, một chính thể cộng-hòa. Phương thức hành động sẽ là sự tuyên truyền và bạo động, kể cả những sự khủng bố và những cuộc nổi loạn lẻ tẻ, để đưa tới một cuộc tổng khởi nghĩa.

Nhờ sự bất mãn gây nên bởi những khó khăn kinh-tế và xã-hội, sự tuyên truyền của Việt-Nam Quốc-Dân Đảng đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong giới công-chức, sinh-viên và học-sinh: đầu năm 1929, đảng có được 120 tiểu-tổ ở Bắc-Kỳ, với 1.500 đảng-viên. Song đảng cũng không tránh nổi những khuyết điểm đã khiến các phong-trào tới trước thất bại: chia rẽ trong nội-bộ, các lãnh-tụ thiếu kinh-nghiệm và trí phán-đoán, ảnh hưởng chính-trị không được truyền bá sâu rộng trong giới bình-dân. Những cuộc khủng bố của đảng, mà cao điểm là vụ ám sát Bazin, giám đốc một sở mộ phu cho các đồn-điền Nam-Kỳ và Nouvelle Calédonie, vào ngày 9-2-1929, khiến sở mật-thám theo dõi gắt gao các hoạt động của các vị lãnh-tụ. Do đó, mặc dầu thiếu chuẩn bị, đảng quyết định tổng khởi-nghĩa vào tháng 2-1930, với sự trợ giúp của các đội binh bản xứ. Nhưng sự thật, cuộc khởi-nghĩa, vì thiếu liên lạc, đã chỉ thành công ở Yên-Báy, tại đó các sĩ-quan người Pháp bị giết ([225]). Phản ứng của chính-phủ thuộc-địa, với các cuộc bố ráp của sở mật-thám, phá tan Việt-Nam Quốc-Dân Đảng một cách mau chóng. Những lãnh-tụ thoát được các sự bắt bớ và xử tử, như Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Tiến Lữ, Đào Chu Khải, Nguyễn Hoà Hiệp, v.v… phải trốn qua Trung-Hoa; đa số sẽ lưu lại đây cho đến đệ-nhị thế-chiến, và có người trở thành sĩ-quan trong quân-đội của Trung-Hoa dân-quốc. Việt-Nam Quốc-Dân Đảng lưu vong vẫn tiếp tục hoạt động, và những cơ sở đảng thiết lập ở Việt-Nam cũng sẽ tồn tại, mặc dầu sở mật-thám cố gắng tiêu diệt hoạt động của đảng ([226]).

Khi ấy, đã được thành lập đảng Cộng-Sản dưới sự điều khiển của Nguyễn Ái Quốc. Nhân-vật này đã sống ở Âu-châu từ năm 1910; ông đã gia nhập đảng Xã-hội Pháp ở Paris. Sau khi Đảng Xã-hội Pháp tách ra làm đôi, ông nhập đảng Cộng-Sản và được giao phó nhiệm vụ tuyên truyền các kiều-dân Á-châu và Phi-châu ở Pháp, cùng với việc điều khiển tờ báo Le Paria. Năm 1923, ông tham dự Hội-nghị Nông-dân Quốc-tế (Krestintern) ở Mạc-tư-khoa, với tư cách đại diện các thuộc-địa Pháp; sau đó, ông được huyến luyện thêm về đường lối sách động chính-trị (agitprop) tại Đại-học Công-nhân Cộng-sản Á-đông.  Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc theo phái đoàm Borodine tới Quảng-Châu; nhiệm vụ mà Đệ-Tam Quốc-Tế Komintern giao phó cho ông là gây nên một phong-trào cộng-sản trong giới kiều-dân Đông-Nam-Á lưu vong tại Quảng-Châu.  Như thế, ngay từ đầu, phong-trào cộng-sản Việt-Nam hoàn toàn khác biệt với các phong-trào quốc-gia khác: đây là một phong-trào phá hoại phát khởi ở ngoài nước Việt Nam bởi Nga-xô để gây khó khăn cho chính-phủ Pháp.

Nguyễn Ái Quốc đã có thể tuyên truyền chủ-nghĩa cộng-sản cho những thanh-niên Việt-Nam được những tổ chức bí mật đưa tới Quảng-Châu để được huấn luyện tại trường võ-bị quân-sự Whampoa. Với những người này, Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng-Châu một đảng gọi là Việt-Nam Cách-Mệnh Thanh-Niên Đồng-Chí-Hội ([227]). Vào năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã có được trên 200 cán-bộ mà ông gửi đi Mạc-Tư-Khoa để được huấn luyện thêm ([228]), hoặc phái về Việt-Nam để thiết lập cái “lưới nhân-dân” ngõ hầu thực hiện cuộc “dân vận”. Ngay trong giai-đoạn này, các lãnh-tụ cộng-sản đã có ý định đặt cơ-sở cho một tổ-chức để chiếm chính-quyền, hơn là để đề xướng một chủ-nghĩa xác định.

Mặc dầu Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng-Châu vào năm 1927, và Hồ Tùng Mậu cùng một số lãnh-tụ khác của Đảng Thanh-Niên bị công-an của chính-phủ của Tưởng Giới Thạch bắt giữ, đảng Thanh-Niên đạt được một số kết quả đáng kể ở ngay trong nước, với khoảng 1.000 đảng-viên. Các đảng-viên này lợi dụng dân chúng để vận động chống sự mộ phu Bắc-Kỳ đi làm việc trong các đồn-điền ở Nam-Kỳ, và tổ chức nhiều cuộc đình-công của thợ thuyền ở Hà-Nội, Hải-Phòng, Saigon, Bến-Thuỷ vào năm 1928.

Song giữa các đảng-viên cộng-sản, đã có những sự chia rẽ gây nên bởi những khuynh-hướng khác nhau: một số coi chủ-nghĩa cộng-sản như là một chế-độ tổ-chức kinh-tế và xã-hội, còn một số khác coi chủ-nghĩa cộng-sản như là một phương pháp để chiếm chính-quyền bằng cách mạng; thêm nữa, còn có những sự tranh chấp giữa những cán-bộ đã được huấn luyện ở Mạc-Tư-Khoa và những cán-bộ đã được huấn luyện ở Whampoa ([229]). Vì thế, năm 1929 đảng Thanh-Niên vỡ ra thành ba khối chống đối nhau:

  • Đông-Dương Cộng-Sản Đảng ở Bắc-kỳ, rất cực đoan.
  • An-Nam Cộng-Sản Đảng, chiếm đa số ở Trung-kỳ.
  • Đông-Dương Cộng-Sản liên-đoàn, có nhiều ảnh hưởng ở Nam-kỳ.

Ngày 6-1-1930, đại-diện của 3 nhóm khác nhau này họp hội-nghị ở Hương-Cảng dưới sự chủ toạ của Nguyễn Ái Quốc và đồng ý thống nhất lại thành một đảng Cộng-Sản Việt-Nam; nhưng Mạc-Tư-Khoa không chấp nhận ý-nghĩa quốc-gia của danh hiệu này, và chỉ thị cho Nguyễn Ái Quốc đổi lại là Đông-Dương Cộng-Sản Đảng. Đông-Dương Cộng-Sản Đảng được đặt vào trong phong-trào cộng-sản thế-giới, và được coi như là một chi-bộ độc-lập của quốc-tế Cộng-sản ([230]).

Ở trong nước, hạ-tầng cơ-sở của đảng được thiết lập dần dần. Cơ-quan trung-ương, hay Tổng-Bộ, đặt ở Hải-Phòng rồi ở Sàigon, điều khiển các phân-bộ địa phương (Bắc-bộ, Trung-bộ, Nam-bộ); mỗi bộ được chia thành tỉnh, khu và xã. Đơn-vị căn bản là chi-bộ, gồm các công-nhân trong cùng một xưởng máy, hay các dân cư trong cùng một khu phố. Nguyễn Ái Quốc là nhân-vật độc nhất thực hiện sự liên lạc với các tổ-chức khác nhau của Đệ-Tam Quốc-Tế.

Đảng Cộng-Sản Đông-Dương từ khi chính thức thành lập đã bắt tay vào việc phá huỷ guồng máy hành-chánh thuộc-địa để thể hiện chế-độ cách-mạng. Lợi dụng tình trạng khủng-hoảng kinh-tế và sự bối rối của chính quyền sau cuộc khởi nghĩa của Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng ở Yên-Báy, đảng Cộng-Sản ra tay hành động. Phối hợp các sự đe doạ với sự tuyên-truyền, cộng-sản đã có thể biến đổi trong những năm 1930-1931 khối nông-dân thường thụ động thành một khối có tổ chức và phấn khởi, nhất là trong những tỉnh miền Bắc Trung-kỳ, đương bị khổ sở vì mấy năm liên tiếp mất mùa. Những cuộc đình công và những sự khủng bố trong các đô-thị được tổ chức đồng thời với các cuộc biểu-tình của nông-dân; phong-trào đạt cao điểm của nó với sự công bố các “Xô-viết” Nghệ-Tĩnh và sự tấn công tỉnh Vinh bởi 6.000 nông-dân, ngày 12-9-1930 ([231]). Song ở Bắc-kỳ và Nam-kỳ, tại đó nạn đói không trầm trọng, cộng-sản đã không mấy thành công trong việc sách động các khối bình-dân.

Sự đàn áp của chính-quyền rất nặng nề và phong-trào cộng-sản bị phá tan. Tổ-chức của đảng tan rã vì một số lãnh-tụ bị bắt: tháng 12-1930, tỉnh-bộ Hà-Nội rơi vào lưới của sở Mật-Thám; năm 1931, xứ-bộ Bắc-kỳ cùng các đại-diện uỷ-ban trung-ương bị bắt giữ ở Hải-Phòng, và các xứ-bộ Trung-kỳ và Nam-kỳ bị phá huỷ. Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị cảnh-sát Anh bắt ở Hương-Cảng, và sẽ biến khỏi sân khấu chính-trị trong một thời gian. Năm 1932, số tù-nhân chính-trị bị giam giữ được ước lượng vào khoảng 10.000 người và toàn-quyền Pierre Pasquier có thể tuyên bố: “đảng cộng-sản với tư cách một lực lượng phá rối trật-tự công-cộng đã biến đi”.

Tuy nhiên, sự bành trướng rộng rãi và mau chóng của các phong-trào bình-dân cùng với các sự náo động chính-trị khiến dư-luận Pháp chú ý nhiều hơn đến xứ Việt-Nam. Một uỷ-ban bảo-vệ người dân Đông-Dương (Comité de Défense des Indochinois) được thành lập, gồm nhiều nhân vật tên tuổi như những nhà văn Romain Rolland và André Malraux, chính-trị-gia Marius Moutet, những nhà báo Andrée Viollis và L. Werth,v.v… Các đảng phái khuynh tả ở Pháp đã dùng vấn đề Việt-Nam làm một lợi khí để chỉ trích chính-phủ.

 

THƯ-MỤC CHỌN LỌC

BẠCH DIỆN, Nguyễn Thái Học và Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, Saigon, 1950.

CÂM ĐÌNH, Vụ án Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, Huế, Ng. Văn Bửu, 1950, 87 tr.

COULET G., Les sociétes secrètes en Terre d’Annam. Saigon, Ardin, 1926, 452 tr.

ĐÀO VĂN HỘI, Ba nhà chí-sĩ họ Phan, Saigon, 1957, 159 tr.

DEMARIAUX J.-C., Les secret de Poulo-Condore, le grand bagne indochinois. Paris, 1956, 287 tr.

ĐÔNG TÙNG, Bút chiến-đấu. Saigon, Hội Khổng-Học V.N., 1957, 78 tr.

DORSENNE Jean, Faudra-t-il évacuer l’Indochine? Paris, Nouv. Soc. d’Edition, 1932, 254 tr.

GOUVERNEMENT GÉNÉRAL DE L’INDOCHINE, Direction des Affaires politiques de la Sûreté générale, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française. I.- Le Tân-Việt Cách Mệnh Đảng, parti révolutionnaire du Jeune Annam (1925-1939). II.- Le Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, ou parti national annamite au Tonkin (1927-1932). III. – Le Việt-Nam Quốc-Dân Đảng ou parti national annamite des émigrés en Chine (1930-1933). IV.- Le Đông-Dương Cộng-Sản Đảng, ou parti communiste indochinois (1925-1933). V.- La Terreur rouge en Annam (1930-1931). Hanoi, IDEO, 1933.

HOÀNG VĂN CHI, From colonialism to communism. A case history of North Vietnam. New York-London, F.A. Praeger, 1964, XV-252 tr.

HOÀNG VĂN ĐẠO, Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, lịch sử đấu tranh cận đại, 1927-1954. Saigon, Giang-Đông, 1964.

“Le Chi bộ, méthode de travail d’une cellule communiste”, Extrême-Asie, 1933, n° 75, tr. 163-174.

LÊ VĂN HẢO và một số tác-giả, Kỷ-niệm 100 năm năm sinh Phan-Bội-Châu, 1867-1940. Saigon, Trình-Bày, 1967.

LÊ VĂN THỬ, Hội kín Nguyễn-An-Ninh. Saigon, Mê-Linh, 1961, 124 tr.

NGUYỄN HIẾN LÊ, Đông-Kinh Nghĩa-Thục (in lần thứ 2). Saigon, Lá Bối, 1968, 179 tr.

NGUYỄN KHẮC XUYÊN, Mục lục phân tách tạp-chí Nam-Phong. Saigon, Bộ Văn-Hoá Giáo-Dục, 1968, 461 tr.

NGUYỄN VĂN XUÂN, “Phong-trào Duy-Tân hay cuộc vận-động lớn về Tân văn-hoá”, Tân Văn, tháng 3-1969, tr. 47-56.

NHƯỢNG TỐNG, Nguyễn Thái Học. Saigon, Tân Việt, 1956, 84 tr.

PHẠM QUỲNH, Vers une constitution. Hanoi, Imp. Tonkinoise, 1930, 85 tr.

PHƯƠNG HỮU, Phong-trào Đại Đông-Du. Saigon, Nam-Việt, 1950.

TRAGER Frank, Marxism in Southeast Asia. Stanford, 1959, 381 tr.

TRÁNG LIỆT, Cuộc đời cách mạng Cường Để, Saigon, 1957, 140 tr.

TRẦN HUY LIỆU và NGUYỄN THANH LÂM, Cường Để với Việt-Nam Quang-Phục Hội. Hanoi, 1935, 47 tr.

*  *   *

CHƯƠNG III

 CÁC DIỄN BIẾN ĐƯA TỚI SỰ CHẤM DỨT CHẾ-ĐỘ THUỘC-ĐỊA

 

I.– TỪ KHỦNG-HOẢNG KINH-TẾ VÀ CHÍNH-TRỊ ĐẾN ĐỆ-NHỊ THẾ-CHIẾN.

Cuộc khủng-hoảng năm 1930-1931 đã được coi là hệ trọng đến nỗi Tổng-Trưởng Thuộc-Địa Paul Reynaud phải qua Việt-Nam kinh lý vào cuối năm 1931. Các biến cố cho thấy là lần đầu tiên được phối-hợp chủ-nghĩa quốc-gia truyền-thống, các nguyện vọng của giới thượng lưu trí-thức, và các đòi hỏi của giai-cấp lao-động. Để làm tan bầu không khí bất-an đi, các nhà ái-quốc ôn hoà lại lên tiếng đề nghị những cải cách ít nhất là hành-chánh. Vào tháng 11-1931, Phạm Quỳnh tuyên bố: “Sự diễn biến tinh-thần và đạo-đức của chúng tôi trong khoảng một phần tư thế-kỷ vừa qua… đã có kết-quả là khiến chúng tôi tự giác và ý thức được quốc-tịch của chúng tôi. Ý thức mới mẻ này không thuận ứng với một chế độ không đủ tư cách để thoả mãn nó. Cái bệnh của chúng tôi từ đó mà ra, và là một sự khủng hoảng nhân cách, cá-nhân cũng như quốc-gia…” ([232]). Ông đề nghị nên thành lập một vương-quốc Việt-Nam có một hiến-pháp, trong khung cảnh một xứ Đông-Dương cũng có một hiến-chương thích hợp, và đặt dưới quyền tối cao của nước Pháp: “Điều mà người Việt-Nam mong muốn là sự thành lập một liên-bang Đông-Dương trong đó mỗi quốc-gia, và đặc biệt vương-quốc Annam-Bắc-kỳ được tái lập y theo hiệp-ước bảo-hộ, sẽ được phú cho một qui-chế quốc-gia có thể thoả mãn các nguyện vọng của dân chúng”. Ông nhấn mạnh là sở dĩ nhà vua và quan lại bị chỉ trích, chỉ vì nhà vua không còn một quyền hành nào và quan lại thối nát. Điều kiện thiết yếu là trở lại tinh-thần thực thụ của chế-độ bảo-hộ, với một chính phủ Việt-Nam làm chủ nền hành-chánh quốc nội nhưng với một tổ-chức nhân-sự mới.

Ngày 8-9-1932, vua Bảo-Đại, sau 10 năm du học tại Pháp, về nước để nhận ngôi báu; đây là vị vua đầu tiên đã hấp thụ học-vấn Âu-Tây, và mong muốn cải-tân xã hội và quốc-gia Việt-Nam. Nhóm Nam-Phong đã chuẩn bị dư luận bằng cách đăng những bài bàn về việc cải cách, và tỏ rõ rằng “nguyện vọng quốc-dân là một chính-thể quân-chủ lập-hiến” ([233]). Vào tháng 9-1932, Phạm Quỳnh được nhà vua cử làm Thượng-Thư sung Ngự-tiền Văn phòng đổng-lý. Ngày 2-5-1933, Bảo-Đại quyết định tự mình chấp chính, và cử năm nhân-vật mới vào Hội-đồng Thượng-thư là Thái Văn Toản, Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn. Về sự kiện này, báo Nam-Phong đã loan tin là “việc cải cách tự nhà vua, chứ không phải Bảo-hộ có ý cưỡng ép vậy” ([234]). Ngay từ tháng 5-1933, nhà vua công bố một chương-trình cải cách rộng rãi, gồm có sự cải cách hành-chánh trong triều-đình, sự ban hành một hình-luật mới, sự qui-định quan-viên qui-trình mới và các thể lệ cùng chương-trình thi vào quan-trường, sự cải-tổ Viện Dân-biểu Trung-Kỳ, sự cải-tổ nền giáo-dục phổ-thông trong nước ([235]). Một “uỷ-ban cải-cách” gồm các quan thượng-thư và những viên-chức cao cấp Pháp được thành lập để lo về sự áp dụng các cải cách hứa hẹn.

Phong-trào cải cách khởi xướng bởi vua Bảo-Đại đã chết yểu. Trước hết, có một sự đối địch giữa các quan thượng-thư, nhất là giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm. Sau nữa, các sự cố gắng cải-tổ vấp phải sự chống đối của giới bảo-thủ và nhất là của các cơ-quan hành chánh của chính-phủ bảo-hộ. Ngay từ tháng 9-1933, Ngô Đình Diệm đã từ chức, để lien lạc mật thiết với nhà cách-mạng lão thành Cường Để. Còn vua Bảo-Đại, thông minh nhưng thiếu nghị lực, nản lòng rất sớm; cũng như các vị tiên-vương, nhà vua không có quyền hành và chỉ là một nhân-vật tượng trưng, tiêu khiển bằng những cuộc bơi thuyền hay săn bắn.

Chủ-trương quân-chủ lập-hiến và cải-cách, như thế, đã không đưa tới đâu hết; chính-phủ bảo-hộ đã tỏ cho thấy là không muốn nhượng bộ chút nào trước các đòi hỏi của chủ-nghĩa quốc-gia. Trái lại, ngày 28-2-1934, chính-phủ Pháp cử làm toàn-quyền Đông-Dương Robin, một nhân vật đã thẳng tay đàn áp phong-trào nông-dân của những năm 1930-1931, khi ông còn là khâm-sứ Trung-kỳ. Chính-sách của chính-phủ bảo-hộ có một hậu quả không mấy tốt đẹp là nó khiến những phần-tử ôn-hoà từ bỏ hoạt-động chính-trị vì không muốn bị khó khăn với chính-quyền; trái lại, những người không bị ràng buộc bởi những liên hệ hay quyền lợi xã-hội lại hướng tới các phương pháp bạo động của sự đấu tranh bí mật nhiều hơn trước. Tình trạng này làm cho nước Việt-Nam có nhiều cán-bộ cách-mạng hơn là chính-trị gia, nghĩa là thiếu những nhân-vật có khả năng nghiên cứu và giải quyết những vấn đề hành-chánh quốc-gia, một khi giành được độc-lập.

Năm 1932, một nhóm Trotskyste đã bí mật thành lập ở Saigon, dưới sự lãnh đạo của Tạ Thu Thâu; để tránh sự ngăn cản của sở Mật-thám, nhóm này hoạt động dưới hình- thức một phong-trào hợp pháp bằng cách cổ động sự giáo-dục giới lao-động. Một số đảng-viên cộng sản không bị bắt hay mới được thả cũng hợp tác với phong-trào, như Trần Văn Giầu, một cựu sinh-viên trường Staline. Để vận động cho các cuộc bầu-cử vào Hội-đồng đô-thành, nhóm Tạ Thu Thâu, Trần Văn Giầu ra một tờ báo Pháp-ngữ, La Lutte. Tháng 4-1933, mặc dầu có nhiều áp lực, hai ứng-cử-viên của nhóm La Lutte, Nguyễn Văn Tạo (cộng-sản) và Trần Văn Trạch (trotskyste) đắc cử Hội-đồng Đô-thành Saigon.

Sau các cuộc đàn áp năm 1932, đảng cộng-sản bắt buộc phải từ bỏ mọi chính-sách cực đoan để áp dụng một chủ-nghĩa “liên-minh tạm thời” với giai-cấp trung lưu. Bài học mà các nhà lãnh-tụ cộng-sản học được là các cuộc biểu tình, đình công và nổi loạn không đủ để lật đổ chính-quyền thuộc-địa, mà phải có sự tiếp sức của một biến-cố lớn lao, như đệ-nhất thế-chiến đã giúp Lénine thành công. Mặt khác, để chuẩn bị cho cách-mạng, cần phải tổ chức một hệ-thống liên-lạc và một hệ-thống tiếp vận ngõ hầu có đủ nhân-lực, lương-thực, khí giới và nhất là tiền bạc; vấn đề quan trọng không phải là giai-cấp xã hội nào sẽ cung cấp những nhu-yếu-phẩm này, mà cũng không cần thiết họ phải hưởng ứng chủ-nghĩa cộng-sản. Trái lại, điều cốt yếu là bằng đủ mọi cách tổ chức và võ trang guồng máy cách-mạng sẽ sống trên nền kinh-tế địa-phương để hoạt động một khi có cơ hội thuận tiện. Thành thử, các cố gắng của đảng Cộng-Sản trong những năm sau 1932 không phải là tuỵên truyền cho chủ-nghĩa cộng-sản, mà là bành trướng ảnh hưởng bằng cách thâm nhập vào các nghiệp-đoàn lao-động hiện có hay cổ động sự thành lập những nghiệp-đoàn mới. Trong các vùng nông thôn, nhất là những vùng nhân-mãn như các tỉnh Nghệ-An, Hà-Tĩnh, Quảng-Ngãi, các cán-bộ cộng-sản kêu gọi sự tổ chức những hiệp-hội hỗ-tương. Ở Bắc-kỳ, dọc theo các con đường từ Hà-Nội thâm nhập vào Trung-Hoa qua Cao-Bằng và Lao-Kay, đảng Cộng-Sản đăt nhiều cán bộ và bí mật chiếm lại căn-cứ du-kích cũ của Đề Thám trong miền Yên-Thế. Ở Nam-kỳ, Trần Văn Giàu điều khiển các hoạt động cộng-sản một cách hợp pháp, bằng cách thực hiện sự tuyên truyền trong giới thợ thuyền và đặt cán-bộ trong các vùng nông thôn, nhất là trong những làng mới được thành lập.

Dần dần, các ủy-ban địa-phương lại nối lại sự liên lạc đã bị cắt đứt sau các sự đàn áp của chính-quyền bảo-hộ. Tháng 2-1935, Đông-Dương Cộng-Sản đảng chính thức tái lập; nhưng, tuân hành chỉ thị của Ủy-ban trung-ương Cộng-Sản quốc-tế, đảng Cộng-Sản Đông-Dương tiếp tục đường lối bất bạo động: trước sự bành trướng của chủ-nghĩa đế-quốc Nhật-Bản, trước sự phát triển của các chủ-nghĩa phát-xít ở Đức và ở Ý, Cộng-sản quốc-tế đã ra lệnh cho Cộng-Sản Đông-Dương phải thiết lập một chiến tuyến chung với các đảng phái khác, và cổ động sự đoàn kết giữa các giai-cấp để bảo vệ hòa-bình và chống chủ-nghĩa phát-xít.

Một lực lượng mới cũng đã xuất hiện ở Nam-kỳ với sự bành trướng của đạo Cao-Đài, mà trung tâm đặt ở Tây-Ninh ([236]). Dưới sự điều khiển của Giáo-Tổng Lê Văn Trung, đạo Cao-Đài phát hiện như là một tổ-chức chính-trị tôn-giáo hơn là một đạo giáo. Sau khi Lê Văn Trung chết đi, đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc làm giáo phái Cao-Đài trở thành một lực lượng chính-trị đáng sợ, với 300.000 tín-đồ vào năm 1938. Vì giáo-phái Cao-Đài trở thành một quốc-gia thực thụ trong xứ Nam-kỳ, chính-quyền thuộc-địa rất e ngại trước sự phát triển của giáo-phái này, nhất là các vị lãnh-đạo của giáo phái không che dấu cảm tình của họ với Nhật-Bản. Nhưng chính-quyền thuộc-địa không dám can thiệp, vì muốn duy trì chủ-trương trung-lập về phương diện tôn giáo.

Năm 1936, sự thắng thế của mặt trận Bình-dân ở Pháp cho phép bầu không khí chính-trị ở Việt-Nam trở nên dễ thở hơn. Nhiều biện pháp ân-xá cho phép phóng thích những nhân-vật chính-trị đương bị giam cầm, nhất là một số lãnh-tụ cộng-sản. Tự do báo chí và tự do kết hội được nhìn nhận cho xứ Nam-kỳ ; nhờ vậy, nhiều đảng-phái mới thành hình. Giai cấp trung-lưu Nam-kỳ được kết hợp trong Đảng Dân-Chủ mà bác-sĩ Nguyễn Văn Thinh thành lập năm 1937. Chủ trương của Đảng Dân-Chủ là hợp tác chặt chẽ với người Pháp; đảng đề nghị nhiều cải cách hành-chánh, xã-hội và kinh-tế, và đòi hỏi cho xứ Đông-Dương một qui-chế tự trị. Đảng Cộng-Sản, dưới sự thúc đẩy của Trần Văn Giàu, khởi xướng một phong trào chính-trị có mục đích chuẩn bị một “Đông-Dương đại-hội” sẽ có nhiệm vụ soạn thảo một thỉnh-nguyện thư của dân chúng, để trình bày các nguyện-vọng cho một Uỷ-ban điều-tra mà chính phủ Pháp công bố sắp sửa phái tới Việt-Nam. Nhưng phái trotskyste của Tạ Thu Thâu không chấp nhận sự liên hiệp với giới trung-lưu và với “đế-quốc” ([237]); năm 1937, Tạ Thu Thâu đoạn giao với đảng Cộng-Sản.

Ở Bắc-kỳ và ở Trung-kỳ, chính-phủ bảo-hộ không cho phép một đảng-phái chính-trị nào được thành lập. Tuy nhiên, nhờ sự kiểm tra báo chí được nới lỏng một phần nào, những nhà văn có tên tuổi như Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam đã có thể bày tỏ các tư tưởng quốc gia của họ. Đảng Cộng-Sản, tuy bị cấm, đã có thể tạo nên một tổ chức hợp pháp, gọi là Mặt trận dân-chủ Đông-Dương (Front Démocratique indochinois).

Song song với các hoạt động chính-trị ấy, cũng có một hoạt động mạnh mẽ trong giới thợ thuyền để đòi hỏi qui-chế lao-động. Nhiều cuộc đình-công được tổ chức, như đình-công của công-nhân hãng dệt Nam-Định vào tháng 11-1936. Chính-phủ bảo-hộ đã nhượng bộ một phần nào trước những đòi hỏi này, bằng cách công bố vài biện pháp sửa đổi các điều kiện lao-động, vào tháng 12-1936 ([238]). Nhưng, vào năm 1937, phong-trào đình-công và biểu-tình lại tái phát, và vượt quá khung cảnh nghề nghiệp để mang nhiều tính chất chính-trị.

Trước những sự náo động chính-trị và xã-hội này, chính-phủ bảo-hộ tuyên bố là không thể chấp nhận chính-sách ủng hộ các phong-trào nổi loạn và, nếu sinh hoạt chính-trị có quyền hưởng một phần tự do nào đó, nó vẫn phải nằm trong giới hạn của an-ninh trật-tự ([239]). Các đòi hỏi của vua Bảo-Đại, nhân dịp nhà vua qua Pháp năm 1938, cũng làm cho chính-phủ Pháp lo ngại thêm: nhà vua đề nghị thống-nhất xứ Bắc-kỳ với xứ Trung-kỳ, sửa đổi hiệp-ước bảo-hộ và trả lại cho chính-phủ Việt-Nam chủ-quyền nội-bộ.

Chính-phủ bảo-hộ, hơn bao giờ hết, không muốn sửa đổi cơ-cấu chính-trị Việt-Nam; để chặn đứng các yêu sách của các đảng phái khác nhau, chính-phủ lại trở lại chính-sách đàn áp, sẽ mạnh thêm sau khi Mặt Trận Bình-Dân hết cầm quyền ở Pháp: sắc-luật ngày 26-9-1939 nghiêm cấm mọi tổ-chức trá hình của đảng Cộng-Sản trên khắp lãnh-thổ Việt-Nam ([240]). Ở Saigon, những lãnh-tụ trotskyste cũng như cộng-sản bị bắt giam, như Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu. Tổng-bộ của đảng Cộng-Sản, để tránh các sự trừng phạt, phải rút sang Trung-Hoa lánh nạn trong miền Quảng-Tây.

Vào cuối năm 1939, tình hình nội-bộ của Việt-Nam đã trở nên lắng dịu, và tất cả những kẻ “gây rối loạn” (danh-từ của nhà cầm quyền Pháp) đã bị bỏ tù hay đã phải lẩn trốn. Chế-độ thuộc-địa tỏ ra là còn vững mạnh; nếu các sự đối kháng còn tồn tại, chúng không đáng ngại lắm: các nhóm bảo-thủ và thân Nhật như nhóm của Cường Để hay giáo-phái Cao-Đài không có một ảnh hưởng rộng lớn trong khối dân chúng; các đảng phái quốc-gia không có thực lực, nhất là Việt-Nam Quốc-Dân Đảng vẫn chưa tái lập được thế lực sau vụ Yên-Báy, mặc dầu còn duy trì nhiều uy tín; đảng Cộng-Sản phải thận trọng hơn trong các hoạt-động, tuy vẫn giữ lien lạc với giới thợ thuyền và nông-dân qua hệ-thống các tiểu tổ mà đảng đã thiết lập tại nhiều nơi.

Song, sự đe dọa của Nhật-Bản đối với xứ Đông-Dương đã trở nên rõ rệt. Quân-đội Nhật-Bản xâm lăng Trung-Hoa năm 1937, chiếm Quảng-Châu năm 1938 và đảo Hải-Nam vào tháng 2-1939. Trước sự bành trướng của chủ-nghĩa đế-quốc Nhật-Bản, chính-phủ Pháp phải cử tướng Catroux xử-lý thường-vụ thay toàn-quyền Brévié về Pháp nghỉ phép (tháng 8-1939): lần đầu tiên kể từ năm 1880, quyền hành tối cao ở Đông-Dương mới lại được giao phó cho một nhân-vật thuộc giới quân-sự.

  1. – SỰ CHIẾM-CỨ QUÂN-SỰ CỦA NHẬT-BẢN.

Khi đệ-nhị thế-chiến bùng nổ, Nhật-Bản đã chú trọng nhiều tới Đông-Dương, và muốn đạt hai mục tiêu mà giới lãnh-đạo quân-sự và chính-trị Nhật đã vạch ra;

  • ngăn chặn sự tiếp viện từ bên ngoài tới cho Trung-Hoa bằng con đường xe lửa từ Hải-Phòng tới Kunming và, nếu có thể, dùng con đường xe lửa này để làm phương tiện xâm nhập miền Nam Trung-Hoa nữa. Vì Nhật-Bản đã chiếm Quảng-Châu và đã phong tỏa các hải-cảng khác miền Nam Trung-Hoa, sự lien lạc với các căn-cứ của chính-phủ Trung-Hoa dân-quốc chỉ còn có thể được thực hiện bằng con đường xe lửa Vân-Nam mà thôi.
  • mục tiên thứ hai dài hạn hơn, là loại tất cả các cường-quốc Tây-phương ra khỏi các thuộc-địa ở Đông-Nam-Á để thực hiện chính-sách Đại-Đông-Á và thiết-lập khu-vực “Thịnh-vượng chung” của Nhật-Bản.

Lợi dụng sự ký kết thỏa-ước đình-chiến giữa Pháp và Đức vào tháng 6-1940, khiến Đông-Dương không thể được tiếp viện từ Pháp nữa, Nhật-Bản đòi hỏi tướng Catroux phải chấm dứt mọi sự chuyên chở nhiên-liệu và khí-giới qua Trung-Hoa, và phải để cho một Ủy-ban quân-sự Nhật kiểm soát đường xe lửa Vân-Nam và biên-giới Việt-Hoa. Vì ở thế yếu, toàn-quyền Catroux phải chấp thuận các yêu sách của Nhật-Bản; ngày 29-6-1940, Ủy-ban kiểm-soát Nhật-Bản, cầm đầu bởi tướng Nishihara, tới Hà-Nội.

Toàn-quyền Decoux, được chính-phủ Pháp cử thay thế tướng Catroux, phải đối phó với những yêu sách mới của Nhật-Bản. Ngày 22-9-1940, được ký kết một thoả-hiệp cho phép quân Nhật dùng Hải-Phòng làm căn-cứ chuyển vận, sử dụng 3 phi-trường Gia-Lâm, Lao-Kay và Phủ-Lạng-Thương, và trú đóng ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ với điều kiện số binh-sĩ Nhật không quá 25.000 người, kể cả các đơn-vị không-quân và thủy-quân và những đơn-vị hành-chánh như đơn-vị an-ninh quân-đội Kempeitai. Để đổi lại, Nhật-Bản cam kết tôn trọng chủ-quyền của Pháp trên xứ Đông-Dương và không cản trở sự hoạt động của guồng máy hành-chánh hiện hữu. Nhưng, ngày 29-7-1941, toàn-quyền Decoux lại phải nhượng bộ thêm, bằng cách chấp thuận cho quân-đôi Nhật được tự do di-chuyển trên khắp lãnh-thổ Đông-Dương, trong khi tổng số binh-sĩ Nhật đóng ở Đông-Dương không bị hạn chế nữa. Chính-phủ Pháp cũng phải chấp thuận nguyên-tắc theo đó Pháp và Nhật sẽ chung sức bảo-vệ xứ Đông-Dương trước các sự xâm lăng từ ngoài tới. Với thoả-ước này, Nhật đã thực thụ kiểm tra xứ Đông-Dương, tuy trên giấy tờ, chế-độ mới này là một chế-độ hợp-tác giữa Nhật và Pháp.

Sự can thiệp của Nhật-Bản cho các nhà ái-quốc Việt-Nam thấy rõ sự suy yếu của chính-phủ bảo-hộ Pháp, và muốn lợi dụng sự suy yếu này để bắt đầu một cuộc khởi-nghĩa mới. Vào tháng 9-1940, nhiều nhóm Việt-kiều trước kia ẩn náu trong miền Quảng-Tây và phần lớn thuộc Việt-Nam Phục-Quốc Hội của Cường Để, xâm nhập vào miền Cái-Kinh và lôi cuốn lính Thổ mưu loạn; nhưng lính Lê-dương Pháp, với sự phụ lực của quân Nhật, đã phản ứng mạnh mẽ. Vào tháng 11-1940, khi quân Xiêm tấn công Lào và Cao-Mên, các lãnh-tụ cộng sản trong miền Đồng-Tháp-Mười tưởng có thể lợi dụng thời cơ để bắt đầu cuộc nổi loạn ([241]): các đồn cảnh-sát ở Mỹ-Tho và Cao-Lãnh bị tấn công. Nhưng chính-phủ thuộc-địa đã bao vây các vùng nổi loạn, cho dội bom xuống nhiều làng mạc; các người cầm đầu bị bắt giam ở Côn-Đảo hay bị xử tử.

Một mặt trừng phạt các cuộc nổi loạn, một mặt khác toàn-quyền Decoux cũng cố gắng lấy lòng giới công-chức Việt-Nam. Giữa năm 1940 và 1944, nhiều ngân khoản được dành cho sự xây cất 4.800 trường học mới, chữ quốc-ngữ được dùng nhiều hơn trong các cơ-quan hành-chánh, nhiều phương tiện thể-dục được dành cho giới trẻ (như phong-trào “Thể-thao và tuổi trẻ” cầm đầu bởi thiếu-tá Ducoroy). Đồng thời, Decoux cũng chấp thuận giao-phó nhiều chức-vụ hành-chánh quan trọng hơn cho người Việt, và dự định nâng lương bổng các công-chức người Việt lên ngang hàng với lương bổng các công-chức người Pháp.

Trong khi đó, Nhật-Bản cũng tìm các gây ảnh hưởng chính-trị ở Việt-Nam. Trước năm 1940, vị tổng lãnh-sự Nhật ở Saigon, Yoshio Minoda, và một thương gia Nhật, Matusita, đã tiếp xúc với lãnh-tụ Cao-Đài và Hoà-Hảo. Vào tháng 12-1941, tổ-chức an-ninh quân-đội Kempeitai ở Nhật-bản cũng được đưa vào Việt-nam, ngoài mặt với mục đích giữ gìn an-ninh cho quân-đội Nhật, nhưng sự thật là để hoạt động tuyên truyền chống Pháp. Một mặt, Nhật-Bản tiếp xúc với các nhân-vật chính-trị như Nguyễn Tường Long, Trần Trọng Kim, Ngô Đình Diệm, v.v…và đem Kỳ-Ngoại-Hầu Cường Để ra làm chiêu bài cho chủ-nghĩa ái-quốc Việt-Nam; nhiều phe nhóm thân Nhật được thành lập: ở Nam-kỳ, Trần Văn Ẩn cầm đầu phân cục của Việt-Nam Phục-Quốc Đồng-Minh Hội mà lãnh tụ là Cường Để; Nhật-bản cũng tài trợ cho những đảng phái xuất hiện khắp nơi ở Việt-Nam, như Đại-Việt Quốc Dân Hội và Đại-Việt Cách-Mệnh Đảng.

Mặt khác, lấy cớ vận động cho sự thống-nhất Phật-giáo Á-châu, chính-phủ Nhật-Bản phái tới Bắc-kỳ một số nhà sư để gây nên một phong-trào bài ngoại chống người da trắng ở đây. Ở Nam-kỳ, Nhật-Bản ủng-hộ các giáo-phái Cao-Đài và Hoà-Hảo: sau khi Phạm Công Tắc bị chính-phủ thuộc-địa bắt và đầy sang đảo Comores, cơ quan Kempeitai ủng hộ Trần Quang Vinh, giúp Trần Quang Vinh tổ chức lại ủy-ban lãnh-đạo của giáo-phái Cao-Đài và lập một quân-đội chống người Pháp ra mặt. Với sự giúp đỡ của Nhật-Bản, vị lãnh-tụ của giáo-phái Hoà-Hảo, Huỳnh Phú Sổ, cũng kiểm tra một lãnh-thổ rộng lớn, càng ngày càng thoát khỏi sự kiểm tra của chính-quyền thuộc-địa.

Vào tháng 7-1943, khi tướng Nhật Matsui được phái tới Saigon, phong-trào chống Pháp đã phát triển mạnh; trong một cuộc hợp báo, tướng Matsui tuyên bố chống người da trắng, và cam kết rằng Nhật-Bản sẽ giải phóng các quốc-gia Á-Đông nói chung, và Đông-Dương nói riêng, khỏi ách đô-hộ của Âu-châu. Trước sự tuyên truyền tai hại này, toàn-quyền Decoux phản đối. Nhưng cơ-quan Kempeitai dùng đủ mọi cách để ngăn trở các biện-pháp trừng phạt của sở Mật-Thám Pháp: che chở Trần Quang Vinh, Huỳnh Phú Sổ; đưa Trần Văn Ẩn qua Đài-Loan và Trần Trọng Kim qua Tân-Gia-Ba lánh nạn.

Nếu toàn-quyền Decoux hợp tác với Nhật-bản và nhìn nhận thống-chế Pétain là quốc-trưởng Pháp, thì một số người Pháp ở Đông-Dương lại không chấp nhận chính-phủ Vichy; họ liên lạc với bộ tư lệnh của quân-đội France Libre ở Calcutta, và với đơn-vị Pháp đặt bên cạnh bộ tổng tham-mưu của quân đội đồng-minh ở Côn-Minh. Phi-cơ của quân-đội đồng-minh thả xuống Bắc-kỳ và Nam-kỳ nhiều sĩ-quan liên lạc để tổ chức một phong-trào kháng-chiến; nhưng những sĩ-quan này lại chỉ liên lạc với Pháp-kiều, chứ không chịu phối hợp với các nhóm kháng-chiến Việt-Nam điều khiển bởi Việt-Nam Quốc-Dân Đảng và bởi đảng Cộng-Sản. Vịệt-Nam Quốc-Dân Đảng có một số tiểu-tổ ở Bắc-kỳ, và các lãnh-tụ đã lánh nạn ở Trung-Hoa kể từ năm 1931, thành thử đã mất lien lạc dần với nước nhà; nhưng, về mặt chính-trị , họ được Bộ Tổng Tư-Lệnh của quân-đội Trung-Hoa tin dùng. Các lãnh-tụ cộng-sản tụ họp trong tỉnh Quảng-Tây, khoảng 100 cây số phía Bắc Cao-Bằng; nhóm cộng-sản này làm chính-phủ Trung-Hoa dân quốc e ngại nhiều, song đã phải làm ngơ trước các hoạt động của họ, vì đương theo đuổi chính-sách liên hiệp với Cộng-sản Trung-Hoa để chống sự xâm lăng của quân-đội Nhật-Bản.

Áp dụng lý-thuyết của Staline về sự tranh đấu cách mạng trong các quốc-gia thuộc-địa, đảng Cộng-Sản Đông Dương muốn dùng chiêu bài quốc-gia để kêu gọi sự đoàn kết của mọi đảng-phái, mọi tầng lớp xã-hội để chiến đấu chống phát-xít. Vào tháng 5-1941, tổ chức Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh Hội được thành lập, mà chương trình chứa đựng ba mục tiêu cần phải đạt :

  • độc-lập, tức là chiến đấu chống Pháp và chống Nhật, với sự giúp đỡ của các quốc-gia dân-chủ như Trung-Hoa, Hoa-Kỳ, Nga-Xô.
  • thống-nhất xứ sở, với sự thành lập một chính-thể cộng-hoà dân-chủ, trong đó sẽ có sự tham gia rộng rãi của toàn dân vào công việc nhà nước.
  • cảicách, với những biện-pháp như bãi bỏ thuế thân và chế-độ sưu-dịch, cải-cách điền-thổ bằng cách phân chia ruộng công, giảm suất địa-tô, bài trừ nạn cho vay nặng lãi, nghĩa là phế bỏ tất cả những gì đã đã làm suy yếu nước Việt-Nam trong quá khứ.

Chương trình nói trên đã có thể lôi cuốn mọi thành-phần xã-hội và tạo cho Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh Hội một sự ủng hộ nhiệt thành, trong khi các đảng phái khác, như VIệt-Nam Quốc-Dân Đảng, đã không đưa ra một đề nghị cụ-thể nào. Trong nước, cộng-sản ra lệnh cho các tổ bí mật tổ chức những cuộc nổi loạn ở Trung-kỳ và Nam-kỳ; ủy-ban trung-ương của đảng Cộng-Sản giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức chiến-tranh du-kích trong vùng Cao-Bằng.

Chính-phủ Trung-Hoa cũng muốn ủng hộ phong-trào quốc-gia Việt-Nam với hi vọng sẽ có ảnh hưởng chính-trị một khi người Pháp bị đuổi ra khỏi Việt-Nam. Vào tháng 10-1942, chính-phủ Trung-Hoa đề nghị với các lãnh-tụ của các phe phái Việt-Nam lánh nạn trong tỉnh Quảng-Tây kết hợp với nhau thành một liên-minh duy nhất; Việt-Nam Cách-Mạng Đồng-Minh Hội được thành lập và được đặt dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần. Song các vị lãnh-tụ của các phe phái khác nhau muốn có tự do hành động riêng, và liên-minh mới thành lập tỏ ra không đủ khả năng giữ vai trò chính-trị mà chính-phủ Trung-Hoa muốn giao phó cho nó. Vì vậy, chính-phủ Trung-hoa phải nhờ đến Nguyễn Ái Quốc, bây giờ đổi tên là Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh được cử để điều khiển Việt-Nam Cách-Mạng Đồng-Minh Hội, với điều kiện phải giúp chính-phủ Trung-Hoa và phái-bộ Hoa-Kỳ ở Trung-Hoa thiết lập một hệ-thống tình-báo ở Việt-Nam. Nhờ vậy, Hồ Chí Minh không những lợi dụng được các phương tiện tài-chính cung hiến bởi chính-phủ Trung-Hoa, mà còn có thể cầm đầu một sự liên-minh giữa các đảng phái khác nhau nữa. Việt-Minh quyết định gia tăng hoạt động du-kích để tạo nên những “khu cách mạng” trên lãnh-thổ Việt-Nam. Vào đầu năm 1945, lực lượng du-kích-quân của Việt-Minh đã lên tới gần một vạn người, võ trang với khí giới Hoa-Kỳ, và huấn luyện bởi các sĩ-quan của quân-đội Trung-Hoa.

Vào đầu năm 1945, các dấu hiệu của sự bại trận đã hiện ra cho quân-đội Nhật-Bản. Tình hình kinh-tế ở Việt-Nam trở nên khó khăn, vì bờ biển bị phong toả bởi các hạm-đội Hoa-Kỳ, trong khi phi-cơ Hoa-kỳ oanh tạc các đường giao thông trong nội-địa: gạo Nam-kỳ không thể xuất-cảng, các tỉnh miền Bắc Trung-kỳ và Bắc-kỳ bị đói trầm trọng. Các lực lượng Pháp của tổ-chức France Libre được Đồng-minh tiếp tế súng đạn, chuẩn bị cuộc tấn-công các đồn binh Nhật-Bản, đồng thời với dự định một sự đổ bộ của quân-đội Hoa-Kỳ từ Phi-Luật-Tân tới. Những lý do ấy khiến Bộ Tư-lệnh Nhật-Bản thực hiện cuộc đảo-chính ngày 9-3-1945 : vào lúc 19 giờ 30 đại-sứ Nhật Matsumoto gửi một tối hậu thư cho toàn-quyền Decoux, bắt buộc ông phải đặt nền hành-chính Đông-Dương và tất cả quân-lực Pháp ở Đông-Dương dưới quyền tối cao của Nhật-Bản; hồi 21 giờ, các đơn-vị của quân-đội Nhật chiếm cứ tất cả các cơ-sở hành-chính và các đồn binh trên khắp lãnh thổ Đông-Dương. Các Pháp-kiều bị tước khí giới và tập trung trong các trại giam, trừ một đội quân do tướng Sabatier và tướng Alessandri hướng dẫn vượt rừng núi để rút sang Vân-Nam. Cuộc đảo chính này có một ảnh hưởng tâm-lý rất lớn: dân chúng được chứng kiến sự tước khí giới của binh-sĩ Pháp, cho rằng sự đô-hộ của người Pháp đã chấm dứt vĩnh viễn.

Ngày 10-3-1945, đại-sứ Matsumoto công bố Việt-Nam độc-lập; ngày 11-3, vua Bảo-Đại tuyên bố sự chấm dứt của chế-độ bảo-hộ. Với sự ủng hộ của đảng Đại-Việt và các nhóm thân Nhật khác, Trần Trọng Kim thành lập nội-các đầu tiên của nước Việt-Nam độc-lập ([242]); trên nguyên tắc, chính-phủ có tất cả tự do hành-động trong mọi lãnh-vực, trừ những vấn-đề quân-sự. Nhưng, trong thực tế, nền độc-lập mới của Việt-Nam chỉ là độc-lập trên giấy tờ; vị Tổng Tư-lệnh quân-đội Nhật sự thật giữ vai trò toàn-quyền Đông-Dương, đại-sứ Nhật-Bản điều khiển các vấn đề quan trọng, và mọi cơ-quan hành-chánh đều phải chấp nhận sự hiện-diện của các vị cố-vấn Nhật-Bản.

Xứ Nam-kỳ không được bao gồm trong lãnh-thổ đặt dưới quyền tối cao của vua Bảo-Đại. Ở đây, giới quân-sự Nhật đặt sĩ-quan của họ vào những chức vụ được coi là trọng yếu, còn những chức vụ hành-chánh khác được giao cho người Việt; những miền ít quan hệ về mặt quân-sự hay có ít lợi ích kinh-tế bị bỏ trống, mặc ai muốn làm gì thì làm.

Trong những tháng sau cuộc đảo-chính 9-3-1945, sự khiếm diện của một chính-phủ trung-ương có thực-quyền (các mệnh lệnh của chính-phủ Trần Trọng Kim chỉ đạt tới các đô-thị mà thôi), đưa tới một tình trạng mất trật tự tổng quát, mà đảng Cộng-Sản Đông-Dương lợi dụng để bành trướng ảnh hưởng chính-trị. Vì các cơ-quan cảnh sát không hoạt động nữa, các oán thù cá-nhân đựơc trả bằng cách tố cáo lẫn nhau là Việt-gian. Ở Nam-kỳ, Cao-Đài, Hoà-Hảo và Bình-Xuyên dùng khí giới cung-cấp bởi quân-đội Nhật-Bản để hung cứ mỗi phái một vùng; cộng-sản lợi dụng tình trạng hỗn loạn này để củng cố phong-trào thanh-niên của họ. Ở Trung-kỳ và Bắc-kỳ, cộng-sản được ủng hộ bởi dân chúng rất khốn khổ vì nạn đói hoành hành; ở Trung-kỳ các cán bộ Việt-Minh bắt đầu những phong trào khủng bố, kết án là Việt-gian tất cả những ai không chịu cộng tác. Ở Bắc-kỳ, cộng-sản tuyên truyền chống “chính-phủ bù nhìn”, và tuyên bố ngày 4-6-1945 một vùng giải-phóng gồm miền Thái-Nguyên và các đồi núi xung quanh miền châu-thổ ; trong miền châu-thổ, các cán-bộ Việt-Minh tung khẩu-hiệu Độc-lập và nhân danh các Uỷ-ban Nhân dân Cứu-quốc mà họ thành lập, khủng bố các thành phần chống đối. Các lãnh-tụ Việt-minh cũng tiếp xúc với các nhân-viên của các cơ-quan tình-báo Hoa-Kỳ, và với ủy-viên của chính-phủ lâm thời Pháp, Jean Sainteny ([243]) ;vào tháng 7-1945, Việt-Minh đề nghị với Sainteny một qui-chế tương lai cho xứ Đông-Dương: một quốc-hội bầu theo chế-độ phổ-thông đầu phiếu, một chính-phủ chịu trách nhiệm trước quốc-hội và điều khiển bởi một viên chức cao cấp người Pháp; nền độc-lập có thể được trao trả Việt-Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm. Chính-sách này có mục đích là cô lập chế-độ của vua Bảo-Đại vào lúc sự bại trận của Nhật-Bản gần kề.

Ngày 6-8-1945, hai quả bom nguyên-tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki; ngày 7-8-1945, chính-phủ Trần Trọng Kim từ chức. Một Ủy-ban giải-phóng nhân-dân mà chủ-tịch là Hồ Chí Minh, được thiết lập và ra lệnh cho dân chúng bắt đầu cuộc tổng khởi-nghĩa; các đội quân Việt-Minh trở thành Quân-đội giải-phóng quốc-gia. Khi Nhật-Bản chính thức đầu hàng ngày 15-8, trừ Hà-Nội, Hải-Phòng, Nam-Định và hai địa-phận công-giáo, xứ Bắc-kỳ lọt vào tay Việt-Minh. Ngày 18-8, các lãnh-tụ Việt-Minh thành lập ở Hà-Nội một Ủy-ban lãnh-đạo tạm thời và vị Khâm-sai của vua Bảo-Đại, Phan Kế Toại, trao quyền hành lại cho ủy-ban này ; ngày 19-8, Việt-Minh chiếm lấy tất cả các cơ-sở nhà nước ; ngày 20-8, một cuộc biểu tình chống Pháp vĩ đại được tổ chức. Dưới áp lực của Việt-minh, vua Bảo-Đại phải thoái vị để khỏi ngăn cản sự giải-phóng quốc-gia ; ngày 25-8-1945, nhà vua trao quốc-tỷ cho hai vị đại diện của Việt-Minh, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận. Trong các làng mạc Bắc-kỳ và Trung-kỳ, các chi-ủy nhân-dân được thành lập để thay thế các hương-chức cũ; các cuộc thanh trừng bắt đầu được thực hiện, với mục đích loại trừ các đối-thủ chính-trị của Việt-Minh: các nạn nhân đầu tiên của chế-độ mới là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi.

Ở Saigon, Nhật-Bản đã trao trả quyền hành, ngày 16-8, cho một “Mặt trận đoàn-kết quốc-gia” kết hợp các phe phái Cao-Đài, Hoà-Hảo, Phục-Quốc và Trotskyste. Nhưng mặt trận vấp phải các yêu sách của Việt-Minh, dựa trên các nhóm “Thanh-niên tiền-phong” điều khiển bởi Trần Văn Giàu. Ngày 22-8, các đảng phái thân Nhật phải nhượng bộ: ngày 25-8, một cuộc biểu tình được tổ chức để đánh dấu sự thắng lợi của cách-mạng, và một Ủy-ban hành-pháp tạm thời được thành lập cho Nam-bộ. Trong số 9 ủy-viên của ủy-ban này, 7 là cộng-sản. Song, ở Nam-kỳ, cộng-sản không có một địa vị vững chắc bằng ở Bắc-kỳ; Cao-Đài và Hoà-Hảo coi những vùng họ kiểm tra như là những vùng tự trị. Tình trạng vô trật-tự lan rộng, với những sự cướp bóc và những vụ ám sát chính-trị.

Ngày 2-9-1945, được công bố tại Hà-Nội nền độc-lập của nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hoà. Ba khuynh hướng được đại diện trong chính-phủ mới, cần đầu bởi Hồ Chí Minh :

  • Khuynh-hướng của các đảng-viên Cộng-sản đầu tiên, gồm những nhân vật đã sống lâu năm ở Trung-Hoa hay ở Nga, như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, v.v…
  • Khuynh-hướng của các cán-bộ trẻ, chịu nhiều ảnh hưởng của văn-hoá Pháp, như Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng.
  • Khuynh-hướng của giới trí-thức tốt nghiệp các trường Cao-đẳng hay Đại-học Pháp.

Sự thật, quyền-hành thực thụ ở trong tay Tổng Bộ của Ðảng Cộng-Sản; tại đây, chỉ có hai khuynh-hướng đầu là được đại diện mà thôi. Nhưng, để che đậy dụng ý thật thụ của họ, Việt-Minh tuyên bố giải tán Ðảng Cộng-Sản ngày 11-11-1945, và dành một số ghế nhỏ trong chính-phủ cho các đảng-phái quốc-gia, kể cả đoàn-thể công-giáo.

 

III- NGƯỜI PHÁP TRỞ LẠI VIỆT NAM. TỪ HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU ĐẾN THỎA-HIỆP 8-3-1949.

Để giải giáp quân đội Nhật-Bản ở Đông-Dương, hội nghị Potsdam phân chia xứ Việt-Nam thành 2 vùng, hai bên vĩ-tuyến 16; miền Bắc được giao cho quân-đội Trung-Hoa chiếm đóng, còn miền Nam được giao cho các lực-lượng của Lord Mountbatten, tư-lệnh khu-vực Đông-Nam-Á (South East Asia Command). Sự phân chia này có những hậu-quả chính-trị vô cùng quan trọng: kể từ lâu, các nhóm thương-mãi và tài-chính ở Quảng-Châu cố gắng kiểm tra đường xe lửa Hải-Phòng – Vân-Nam; họ muốn lợi dụng sự hiện diện của 180.000 binh-sĩ Trung-Hoa dưới quyền tư-lệnh của tướng Lư Hán ở Việt-Nam để đòi hỏi nhiều quyền lợi chính-trị và kinh-tế. Vì thế, quân-đội chiếm đóng Trung-Hoa muốn cản trở sự trở lại của người Pháp: mặc dầu tướng Leclerc được chính-phủ Pháp cử tới Hà-Nội vào cuối năm 1945, các lực-lượng của tướng Lư Hán không chịu trao trả các lãnh-thổ chiếm đóng cho quân-đội Pháp, mà chỉ rút về Trung-Hoa sau khi một hiệp-ước được ký kết giữa Pháp và Trung-Hoa ngày 28-2-1946, nhường cho Trung-Hoa quyền sở hữu trên đường xe lửa Vân Nam, và nhìn nhận cho hàng-hóa Trung-Hoa quyền tự do lưu-thông qua Bắc-kỳ, với một khu-vực miễn thuế ở Hải-Phòng. Chính nhờ thái độ thiếu thiện chí của quân đội Trung-hoa mà chính-phủ Việt-Minh vẫn có thể kiểm tra phần lớn xứ Bắc-kỷ, tuy các lực lượng Pháp đã chiếm lại các căn-cứ miền duyên-hải.

Phía Nam vĩ-tuyến 16, quân-đội Pháp đã đổ bộ theo các lực-lượng của Bộ Tư-lệnh khu-vực Đông-Nam-Á từ tháng 9-1945. Cấp chỉ-huy của các đội quân Anh này đã trao quyền hành-chánh lại cho người Pháp rất sớm. Ngay từ đầu, vị đặc-ủy của chính-phủ Pháp, Cédile, đã loại được Ủy-ban Nam-Bộ để kiểm tra lại Saigon. Từ tháng 10-1945 đến tháng 1-1946, quân-đội Pháp tái chiếm tất cả xứ Nam-kỳ, mặc dầu Nam-kỳ rơi vào một tình trạng rất hỗn loạn và Việt-Minh bắt đầu tổ chức chiến tranh du-kích.

Ở Pháp, chính-phủ cũng như dư-luận không hiểu rõ tình hình Việt-Nam cho lắm. Ngày 24-3-1945, chính phủ Pháp đã cho công bố một bản tuyên-cáo về qui-chế tương lai của xứ Đông-Dương: khối Đông-Dương vẫn được duy trì, nhưng được hưởng các quyền tự do dân chủ về mặt chính-trị và quyền tự trị về mặt kinh-tế; tuy nhiên, bản tuyên-cáo phủ nhận sự thống nhất của nước Việt-Nam và có vẻ muốn giữ lại sự phân chia Việt-Nam thành ba vùng. Chủ trương này không phù hợp với thực tế, nhưng vị cao-ủy mà chính-phủ Pháp cử đến Đông-Dương, Thierry d’Argenlieu, lại có nhiệm vụ thi hành chủ-trương ấy.

Thierry d’Argenlieu có thể lựa chọn giữa hai chính sách: hoặc tôn trọng tinh-thần của bản tuyên-cáo ngày 24-3-1945, hoặc tái lập tình trạng cũ, nghĩa là tình trạng thuộc-địa. Dưới ảnh hưởng của giới Pháp-kiều ở Đông-Dương, Thierry d’Argenlieu đã lựa chọn chính-sách thứ hai: ngày 4-2-1946, ông cho thành lập một Hội-đồng tư-vấn Nam-kỳ tạm thời, trên nguyên tắc có nhiệm vụ cho nhà cầm quyền biết tình hình dư luận và chuẩn bị một cuộc trưng-cầu dân-ý. Nhưng, trong thực tế, đây là một cơ-quan hành-chánh, không đại diện cho dân chúng chút nào, vì Cao-ủy Pháp chỉ định cả 12 hội-viên của hội-đồng, và trong số các hội-viên này, 4 là người Pháp chính cống và 7 là người Việt nhập Pháp-tịch.

Song vấn đề là phải đi tới một thỏa-hiệp với chính phủ Hà-Nội, khi bấy giờ được sự ủng hộ của công luận muốn duy trì nền độc-lập mới đạt được. Tướng Leclerc hiểu rõ sức mạnh của tinh-thần quốc-gia đang bộc phát trong lòng dân chúng, và biết là tất cả các tầng lớp dân chúng sẽ nổi dậy để bảo vệ độc-lập nếu người Pháp dùng vũ-lực để chiếm lại Việt-Nam. Do đó, một hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Sainteny ngày 6-3-1946, nhìn nhận Việt-Nam là một quốc-gia tự do trong liên-bang Đông-Dương và trong Liên-hiệp Pháp; hiệp-định dự trù là quân-đội Pháp sẽ trở lại Bắc-kỳ, nhưng sẽ rút đi sau một thời hạn là 5 năm; Nam-kỳ sẽ tự quyết định, bằng một cuộc trưng-cầu dân-ý, là có gia nhập vào quốc-gia Việt-Nam hay không ([244]).

Nhưng Thierry d’Argenlieu cố gắng biện minh cho các giới chính-trị Pháp thấy rằng các lãnh-tụ Việt-Minh chỉ là những kẻ phiến loạn và chống Pháp tới cùng; Hồ Chí Minh sẽ không tôn trọng thỏa-hiệp vừa được ký kết; tốt hơn là bảo đảm cho tương lai bằng cách đặt xứ Nam kỳ ra ngoài ảnh hưởng của Việt-Minh. Ngày 1-6-1946, vị Cao-Ủy Pháp tự ý công bố sự thành lập Cộng-hòa Nam-kỳ, mà không chờ đợi sự cho phép của chính-phủ Pháp, cũng như không tham khảo ý kiến dân chúng, như hiệp-định sơ-bộ 6-3-1946 đã dự trù.

Trong năm 1946, nhiều hội-nghị được tổ chức giữa chính-phủ Pháp và chính-phủ Việt-Minh để đi tới một thỏa-hiệp lâu dài hơn. Nhưng các hội-nghị này làm nổi bật sự bất đồng giữa hai quan-điểm: quan-điểm Việt-Nam coi Liên-Hiệp-Pháp như một khối quốc-gia liên kết, bình đẳng với nhau và ràng buộc với nhau bởi những hiệp-ước lưỡng-phương sẽ xác định các mối quan-hệ trên căn-bản luật-pháp quốc-tế. Quan-điểm Pháp chấp nhận sự tự trị nội bộ của các “quốc-gia tự do” nhưng trong một khối thuộc Pháp; vị Cao-ủy đặt trên đầu liên-bang Đông-Dương là nhân vật thụ nhiệm các quyền-hành của Liên-Hiệp-Pháp và, với tư cách ấy, có quyền lập-pháp cũng như có quyền điều khiển chính-phủ liên-bang Đông-Dương. Hội-nghị Dalat (tháng 5-1946), với Nguyễn Tường Tam cầm đầu phái-đoàn Việt-Nam và Thierry d’Argenlieu đại diện chính-phủ Pháp, không đưa tới một sự đồng lòng nào về các vấn đề đưa ra thảo luận. Hội-nghị Fonrainebleau (tháng 7-9/1946) cũng đưa tới kết luận là không thể tìm một căn bản để thỏa thuận. Ở cả hai hội-nghị Dalat và Fontainebleau, chướng-ngại-vật cho sự hiệp-định là thái độ của Pháp, cố tình gạt xứ Nam-kỳ ra ngoài một quốc-gia Việt-Nam độc-lập, và muốn nắm quyền tối cao trên nền hành-chánh Đông-Dương.

Với mục đích ngăn chặn mọi nhượng bộ mà chính phủ Pháp ở Paris có thể hiến cho Hồ Chí Minh, Thierry d’Argenlieu nhóm họp tại Dalat, vào tháng 8-1946, các đại biểu của Nam-Kỳ, Ai-Lao, Cao-Mên và của các bộ lạc miền cao-nguyên PMS; tại hội-nghị này, được chấp thuận một dự-án liên-bang soạn thảo bởi d’Argenlieu và không bao gồm xứ Việt-Nam.

Tuy hội-nghị Fontainebleau thất bại, ngày 14-9-1946 vẫn được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Moutet (Tổng-trưởng Thuộc-Ðịa Pháp) một hiệp-định duy trì tình trạng hiện hữu về các vấn-đề quân-sự và chính-trị, nhưng cho phép tái thiết các sự mậu-dịch của Pháp ở Bắc-kỳ và cho phép Pháp tiếp tục thu các thuế đoan. Song tình hình ngày một trở thêm xấu, làm cả hai bên cảm thấy sẽ không bao giờ đi đến một thỏa-hiệp chính-trị.

Trong mùa hè năm 1946, Việt-Nam Quốc-Dân Đảng và Đại-Việt cố gắng lập chiến-khu riêng dọc theo biên-giới Hoa-Việt để chống quân-đội Việt-Minh. Giữa người Pháp và Việt-Minh, nhiều đụng chạm cũng xẩy ra, liên quan đến việc thu thuế đoan và các cố gắng của Pháp để ngăn chặn sự khai thác bất hợp-pháp các mỏ than; các vị trí của hai bên đều được củng cố ở Hải-Phòng. Vài sự rắc rối xẩy ra giữa binh-sĩ Pháp và binh-sĩ Việt-Minh làm cấp chỉ-huy Pháp ước mong có dịp hiến một bài học cho người Việt: ngày 23-11-1946, chiến-hạm Suffren oanh kích Hải-Phòng, giết chết 6.000 người dân. Tình hình trở nên căng thẳng, với những sự đụng độ lẻ tẻ xẩy ra khắp nơi. Quan điểm của Thierry d’Argenlieu muốn tái chiếm Việt-Nam bằng sức mạnh thắng thế. Quân-đội Pháp đổ bộ ở Đà-Nẳng và Nha-Trang; để ngăn chặn sự tiến quân của Pháp, Việt-Minh cho đốt phá tỉnh-lỵ Qui-Nhơn và các cung điện trong Đại-Nội ở Huế. Ngày 19-12-1946, quân Việt-Minh tấn công quân Pháp ở Hà-Nội, làm vị đặc-ủy Pháp, Sainteny, bị thương. Cuộc tấn công này hiến cho chính-phủ Pháp một cớ để từ chối mọi đề nghị thương thuyết của Việt-Minh: vào tháng 5-1947, chính-phủ Pháp đòi hỏi Việt-Minh phải đầu hàng vô điều-kiện. Việt-Minh rút vào miền rừng núi và từ nay trở đi, tự coi là một chính-phủ lưu vong trong các chiến-khu và cố gắng tổ chức phong-trào “cách-mạng” trong các vùng kiểm tra bởi quân-đội Pháp.

Song song với các cố gắng chiến-tranh, người Pháp tiếp tục tìm một giải-pháp chính-trị cho vấn đề Việt-Nam. Giới hành-chánh Pháp ở Việt-Nam cổ xúy sự tái lập chế-độ quân-chủ truyền thống; quan-điểm này thắng thế khi các đảng-phái quốc-gia Việt-Nam họp hội nghị tại Quảng-Châu và quyết định đoàn kết thành một Mặt trận Quốc-gia, đặt dưới sự lãnh đạo của Bảo-Đại khi bấy giờ đương ở Hương-Cảng. Họ tuyên bố sẵn sàng hợp-tác với người Pháp, với điều kiện Pháp nhìn nhận nền độc-lập của Việt-Nam.

Để đổi lấy sự cộng tác của các thành-phần quốc gia chống Cộng, chính-phủ Pháp hiểu là cần phải dùng chiêu bài Bảo-Đại. Trong một bài diễn-văn đọc ở Hà-Đông ngày 10-9-1947, vị tân Cao-ủy Pháp, Bollaert, xác định chính-sách của chính-phủ Pháp: dự-án liên-bang Đông-Dương không được nhắc lại nữa, mà quan niệm một quốc-gia Việt-Nam trong đó ba Kỳ được thống nhất, được chấp nhận; chính-phủ Pháp sẵn sàng thương lượng với mọi đảng-phái, trừ “các tác-giả của sự công-kích ngày 19-12-1946”. Trước các sự nhượng bộ này, Bảo-Đại tuyên bố sẵn lòng thương nghị trên căn bản “độc-lập và thống nhất”.

Một cuộc tiếp xúc giữa Bảo-Đại và Bollaert được thực hiện trong vịnh Hạ-Long ngày 6-12-1947. Trong những tháng đầu năm 1948, Bảo-Đại cố gắg chuẩn bị để trở về nước với tư cách một vị quốc-trưởng đưa độc-lập và thống-nhất về cho quốc-gia, chứ không phải với tư cách một dụng cụ của người Pháp. Một mặt, nhà vua thúc đẩy sự thành lập một chính-phủ quốc gia (chính-phủ Nguyễn Văn Xuân sẽ được thành lập ngày 20-5-1948), sẽ thực hiện các cuộc thương-lượng và sẽ nhận các quyền-hành mà Pháp trao lại cho Việt-Nam; mặt khác, nhà vua đòi hỏi người Pháp phải long trọng công bố nền độc-lập của nước Việt-Nam.

Ngày 5-6-1948, một thỏa-hiệp được ký kết trong vịnh Hạ-Long: theo thỏa-hiệp này, nước Việt-Nam gia nhập Liên-Hiệp-Pháp với tư cách một quốc-gia lien kết mà nền độc-lập chỉ bị giới hạn bởi sự phụ thuộc với Liên-Hiệp-Pháp mà thôi. Song, phải đợi đến ngày 8-3-1949, một thỏa-hiệp được ký giữa tổng-thống Pháp, Vincent Auriol, và Bảo-Đại mới xác định thỏa-hiệp ngày 5-6-1948. Ngày 24-4-1949, Bảo-Đại về nước, và ngày 30-12-1949, nước Pháp bàn giao quyền hành cho nước Việt-Nam độc-lập trong Liên-Hiệp-Pháp

 

THƯ-MỤC CHỌN LỌC

AZEAU Henri, Hô Chi Minh, dernière chance. Conférence franco-vietnamienne de Fontainebleau, juillet 1946. Paris, Flammarion, 1968, 220 tr.

BARTHOUET Arnaud, La tragédie franco-indochinoise. Bordeaux, Delmas, 1947-1952, 5 q.

BLANCHET Marie-Thérèse, La naissance de l’Etat associé du Vietnam. Paris, Génin, 1945, 214 tr.

CATROUX Général, Deux actes du drame indochinois. Paris, Plon, 1959, viii-238 tr.

CELERIER P., Menaces sur le Vietnam. Saigon, IDEO, 1951, 295 tr.

CHEN C. King, “The Chinese occupation of Vietnam, 1945-1946”, France-Asie, no 196, 1er trim. 1969, tr. 3-28.

COLE Allan B., Conflict in Indochina and international repercussions. A documentary history, 1945-1955. Ithaca, Cornell U.P., 1957, xxix-265 tr.

ĐẶNG TRẦN XA, Les réformes de S.M. Bảo-Đại. Paris, 1939, 154 tr.

DAS Mohan, Ho Chi Minh, nationalist or Soviet agent? Bombay, Democratic Research Service, 1951.

DECOUX Amiral, A la barre de l’Indochine. Histoire de mon gouvernement général. Paris, Plon, 1949, 507 tr.

ELSBREE Willard H., Japan’s role in Southeast Asian nationalist movement, 1940-1945. Cambridge, Harvard U.P., 1953, v-182 tr.

FALL Bernard, Le Viet-Minh, 1945-1960. Paris, A. Colin, 1960, 396 tr.

FALL Bernard, Street without joy. Indochina at War. New-York, 1960, 400 tr.

FIFIELD Russel H., Southeast Asia in United States Policy. New York, F.A. Praeger, 1963, xi-488 tr.

GOUVERNEMENT GENERAL DE L’INDOCHINE, Direction des Affaires politiques, Continuité de la politique française du Protectorat en Annam-Tonkin avant et après l’avènement de S.M. Bảo-Đại. Hanoi, IDEO, 1935, 152 tr.

HAAS E., Frans Indo-China en de Japanse expansiepolitiek, 1939-1945. Leiden, 1956, ii-260tr.

HAMMER Ellen, The struggle for Indochina. Stanford, 1954, xvii-352 tr.

HOÀNG VĂN CHI, From colonialism to communism. A case history of North Vietnam. New York-London, F.A. Praeger, 1964, XV-252 tr.

“L’Amérique et l’Indochine, du débarquement japonais de 1940 à Điện-Biên-Phủ”, Chronique de Politique Etrangère, 1954, tr. 485-505.

LE BOURGEOIS Jacques, Saigon sans la France. Des Japonais au Viet-Minh. Paris, Plon, 1949-56 tr.

LEGRAND Julien-Joseph, L’Indochine à l’heure japonaise, Cannes, 1963.

LEVY Roger, La politique française en Extrême-Orient, 1936-1938. Paris, Hartmann, 1939, 181 tr.

LEVY Roger, l’Indochine et ses traités. Paris, Hartmann, 1947, 106 tr.

MARCHAND Général, Le drame indochinois. Paris, J. Peyronnet, 1954.

MARTIN Françoise, Heures tragiques au Tonkin. Paris, 1940, xxiii-285 tr.

NGUYỄN ĐẮC KHÊ, L’indépendance du Vietnam et l’Union française. Saigon, 1954, 76 tr.

O’BALANCE Edgar, The Indo-China War, 1945-1954. London, 1964.

O’HARROW Stephen, “Some background notes on Nhất-Linh (Nguyễn Tường Tam)”, France-Asie, no 193, 2è trim. 1968, tr. 205-220.

PHẠM QUỲNH, Essais franco-annamites. Huế, Bùi Huy Tín, 1937, 516 tr.

PHẠM QUỲNH, Nouveaux Essais franco-annmites. Huế, Bùi Huy Tín, 1938, 526 tr.

PHẠM QUỲNH, Redressement français et restauration annamite. Huế, 1941, 103 tr.

ROBERTS Owen, The French socialist party and its Indochina policy, 1946-1951. New York, 1955, xiv-356 tr.

SABATIER Général, Le destin de l’Indochine, souvenirs et documents (1941-1951). Paris, Plon, 1952, iv-467 tr.

SAINTENY Jean, Histoire d’une paix manquée: Indochine 1945-1947. Paris, Amiot-Dumont, 1953, 270 tr.

STAROBIN J.-R., Eyevitness in Indochina. New York, Camron and Kahn, 1954, 187 tr.

TANHAM Georges, Communist revolutionary warfare. The Vietminh in Indochina. New York, F.A. Praeger, 1961, 166 tr.

TRẦN TRỌNG KIM, Một cơn gió bụi (Kiến văn lục). Saigon, Vĩnh-Sơn, 1969, 222 tr.

***

ĐỂ THAY THẾ CHO MỘT KẾT-LUẬN 

Chiến-tranh Đông-Dương bùng nổ từ cuối năm 1946, khi đầu được coi như là một sự tranh chấp giữa hai chủ-nghĩa đế-quốc và quốc-gia, nhưng các biến cố xẩy ra về sau này đã sửa đổi quan-niệm ấy. Vì khuynh hướng cộng-sản của Việt-Minh trở nên rõ rệt, các đảng phái quốc-gia không còn ủng hộ chính-phủ của Hồ Chí Minh nữa và, cùng lúc Trung-Cộng hiến cho Việt-Minh một sự hậu-thuẫn trực tiếp, chính-phủ Pháp đã có thể lợi dụng sự cộng tác của Hoa-Kỳ, bằng cách nhấn mạnh lên vai trò của xứ Đông-Dương như là một chiến-tuyến của thế-giới tự do trước sự bành-trướng của chủ-nghĩa Cộng-Sản. Vì vậy, chiến-tranh Đông-Dương càng ngày càng gột bỏ tính chất của một cuộc chiến để tái chiếm thuộc-địa, và trở thành một chiến-tranh chống cộng-sản.

Tuy nhiên, tình hình quân-sự dần dần trở nên bất lợi cho quân-đội Pháp, đến nỗi mà vào cuối năm 1953, giới chỉ-huy thấy là không thể kéo dài chiến tranh được. Sau sự bại trận ở Điện-Biên-Phủ, chính-phủ Pháp phải nghị-hòa; hiệp-ước Genève ký ngày 21-7-1954 tạm thời phân chia nước Việt-Nam thành hai vùng ở hai bên vĩ-tuyến thứ 17. Sự phân chia này không những phản ảnh sự đối nghịch giữa các cường-quốc đã chi phối các cuộc hoà đàm ở Genève, mà cũng còn phản ảnh sự tranh chấp trong nội-bộ Việt-Nam giữa hai quan-niệm về tổ-chức chính-trị, đã xuất hiện từ những năm 1940-1945. 

* * 

 THƯ-MỤC TỔNG QUÁT

Ngoài các ấn-phẩm đề cập tới những khía cạnh đặc biệt của giai-đoạn Pháp-thuộc, đã được giới-thiệu ở phần cuối mỗi chương, các tác-phẩm kê sau là những tác-phẩm tổng quát, sẽ giúp cho người đọc có một cái nhìn chung về sự diễn biến lịch-sử từ giữa thế-kỷ thứ XIX trở đi. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự chọn lựa; muốn có đầy đủ chi tiết hơn về các sử-liệu về Việt-Nam thời Pháp-thuộc, độc-giả có thể tham khảo: NGUYỄN THẾ ANH, Bibliographie critique sur les relations entre le Viet-Nam et l’Occident (Ouvrages et articles en langues occidentales). Paris, G.-P. Maisonneuve et Larose, 1967, 310 tr

.

           1) VIỆT-NAM ĐẶT TRONG SỰ DIỄN BIẾN CHUNG CỦA ĐÔNG-NAM-Á.

BLET Henri, Histoire de la colonisation française. Paris-Grenoble, Arthaud, 1949-1950, q. II và q. III.

CHESNEAUX Jean, L’Asie orientale aux XIXè et XXè siècles. Paris, Presses Universitaires de France, 1966, 371 tr.

CHEVERNY J., Eloge du colonialisme. Essai sur les révolutions d’Asie. Paris, 1961, 373 tr.

EMERSON R., From Empire to Nation. The rise of self-assertion of Asian and African people. Cambridge, Mass., 1962, 446 tr.

FISHER Charles A., Southeast Asia. A social, economic and political geography. London, Methuen and Co., 1965, xix-831 tr.

HALL D.G.E., A history of Southeast Asia (2nd ed.). New York, St Martin’s Press, 1964, 973 tr.

HARRISON Brian, Southeast Asia, a short history. London, Macmillan, 1963, xi-270 tr.

PANNIKAR K.M., Asia and Western dominance. A survey of the Vasco de Gama epoch of Asia history (1498-1945). London, Allen and Unwin, 1954, 530 tr.

PRICE A.G., The Western invasions of the Pacific continents. A study of moving frontiers and changing landscapes. Oxford, at the Clarendon Press, 1963, vi-236 tr.

REICHAUER Edwin O., FAIRBANK John K., CRAIG Albert M., East Asia. The modern transformation. Tokyo, Charles E. Tuttle, 1969, xvi-955 tr., phụ-bản.

  • SỬ VIỆT-NAM TỔNG QUÁT.

ALBERTI J.-B., L’Indochine d’autrefois et d’aujourd’hui. Paris, Soc. Ed. Géog., 1934, 832 tr.

BUTTINGER Joseph, The smaller dragon. A political history of Viet-Nam. New York, Frederick A. Praeger, 1958, 535 tr.

BUTTINGER Joseph, Viet-Nam: a dragon embattled. London, Pall Mall Press, 1967, 2 quyển gồm 1.346 tr.

CHESNEAUX Jean, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne. Paris, Ed. Sociales, 1955, 324 tr.

DUNCANSON Dennis J., Government and Revolution in Vietnam. London, Oxford University Press, 1968, xiv-442 tr.

ENNIS Thomas E., French policy and developments in Indochina. Chicago, Univ. of Chicago Press, 1936, vi-230 tr.

ISOART Paul, Le phénomène national vietnamien. De l’indépendance unitaire à l’indépendance fractionnée. Paris, Lib. Gle de Droit et de Jurisprudence, 1961, 437 tr.

LANCASTER Donald, The emancipation of French Indochina. London, Oxford University Press, 1961, xiii-445 tr.

LÊ THÀNH KHÔI, Le Việt-Nam, histoire et civilisation. Paris, Ed. de Minuit, 1955, 587 tr.

LEVI Sylvain, Indochine. Paris, Soc. Ed. Géog. Maritime et Col., 1931, 2 quyển.

MASSON André, Histoire du Vietnam. Paris, P.U.F., 1960, 130 tr.

PHẠM VĂN SƠN, Việt-sử tân biên. Saigon, 1959-1968, 5 quyển.

PHAN KHOANG, Việt-Nam Pháp-thuộc sử. Saigon, Khai-Trí, 1961.

SMITH Ralph, Vietnam and the West. London, Heinmann, 1968, ix-206 tr.

TABOULET Georges, La Geste française en Indochine. Paris, Adrien Maisonneuve, 1955-1956, 2 q. gồm 935 tr.

THOMPSON Virginia. French Indochina. London, Allen and Unwin, 1937, 517 tr.

TRẦN-TRỌNG-KIM, Việt-Nam sử-lược (in lần thứ 7). Saigon, Tân Việt, 1964, 585 tr.

oOo

 HẾT

TỦ SÁCH SỬ-ĐỊA ĐẠI-HỌC LỬA-THIÊNG XUẤT-BẢN 1970

Chú thích:

([1]) Để có một ý niệm, xin tham khảo: Nguyễn Thế Anh, Bibliographie critique sur les relations entre le Việt-Nam et I’Occident. Paris, G.-P. Maisonneuve et Larose, 1967, 310 tr.

([2]) Lettres reçues des Missions Etrangères, Annales de I’Association de la Propagande de la Foi.

([3]) G. TABOULET, “Un engagement naval sur les côtes du Việt-nam: le combat de Tourane (15 avril 1847)”, Revue Maritime, 1957, trang 208-226.

([4])  J. Silvestre, “Politique française dans I’ Indochine”, Annales de I’Ecole libre des Sciences Politiques, janv. 1896, trang 55.

([5]) Đọc thêm: H. CORDIER, “La France et la Cochinchine 1852-1858: la mission du Catinat à Tourane”, T’oung-Pao, 1906, 36 tr.

([6]) Đọc thêm: TRƯƠNG-BÁ-CẦN, L’Action diplomatique de la France en vue de consolider son établissement en Cochinchine. Paris, 1963.

Kỷ-niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam-kỳ. Saigon, Trình Bầy, 1967.

([7]) John CRAWFURD, Journal of an Embassy from the Governor of India to the Courts of Siam and Cochinchina. London, 1828.

([8]) Xem: “Đặc khảo về Trương-Công-Định”, Sử Địa, số 3, 1966.

([9]) Xem thêm: NGUYỄN XUÂN THỌ, “Quan-điểm của Ba-lê, Madrid và Huế về hòa-ước Saigon 1862. Phản ứng của nhân-dân Việt-nam. Các giáo-sĩ”, SỬ ĐỊA số 12, 1968, tr. 99-121.

([10]) Ví-dụ: L.de GRAMMONT, Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine. Napoléon-Vendée, 1863, 502 tr.

([11]) G. AUBARET, Histoire et description de la Basse Cochinchine, Paris, 1863.

([12]) Annales de I’Association de la Propagande de la Foi, 1866, tr. 362.

([13]) Bản Triều Bạn Nghịch Liệt-truyện, tr. 151-171.

([14]) MONET DE LAMARCK, Lettres d’un marin. Evreux, 1871, 612 tr.

([15])  Paulin VIAL, Les premìeres années de la Cochinchine, colonie française. Paris, 1874, 2 q.

([16]) Xem thêm: TRƯƠNG BÁ CẦN, “Phan Thanh Giản với việc mất ba tỉnh miền Tây”, Kỷ-niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam-kỳ, sđd, tr. 181-206.

([17]) Dẫn bởi TRƯƠNG BÁ CẦN, sđd, tr. 205.

([18]) Dẫn bởi G. TABOULET, La Geste Française en Indochine, q. 11, tr. 575.

([19]) Paulin VIAL, Les premèeres années de la Cochinchine. Paris, 1874.

([20])  Xem: NGUYỄN THẾ ANH, Kinh-tế và xã-hội Việt-Nam dưới các vua triều Nguyễn. Saigon, 1968, tr. 183-200.

([21]) Quốc-triều chánh-biên toát-yếu, q.5.

([22]) Quốc-triều chánh-biên toát-yếu, q. 5.

([23]) T.Q.G., “Thái-độ triều-đình Huế đối với Phan Thanh Giản từ vua Tự-Đức đến vua Đồng-Khánh”, Sử-Địa, số 7-8, 1967, tr.157.

([24])  Xem bản tường thuật của phái-đoàn thám-hiểm: F. GARNIER, Voyage d’exploration en Indochine, effectué pendant les années 1866, 1867 et 1868. Paris, 1873.

([25]) Dẫn bởi J. DUPUIS, Le Tonkin de 1872 à 1886. Histoire et politique. Paris, 1910, tr. 125.

([26]) Xem: G. TABOULET, La Geste française en Indochine, q. 2, tr. 702-709.

([27])  Về vai trò của giám-mục Puginier trong việc người Pháp can thiệp vào Bắc-kỳ, đọc: E. LOUVET, Vie de Mgr Puginier, évêque de Mauricastre, Vicaire apostolique du Tonkin occidental. Hanoi, 1894.

([28]) J. MARQUET và J. NOREL, L’occupation du Tonkin par la France, (1873-1874). Saigon, 1936, tr. 50.

([29]) Xem hai văn-kiện này trong: G.TABOULET; La Geste française…, tr. 738-741.

([30])  H. PEYSSONNAUX và BÙI VĂN CUNG, “Le traité de 1874: journal du secrétaire de I’ambassade annamite”, B.A.V.H., 1920, tr. 365-384.

([31]) Jean DUPUIS, La conquête du Tong-Kin par vingt-sept Français commandés par Jean Dupuis … (Extrait du journal de J. Dupuis). Paris, 1880, 315 tr. và ROMANET DU CAILLAUD, Histoire de I’intervention française au Tonkin. Paris, 1880, 470 tr.

([32]) LEROY-BEAULIEU, De la conlonisation chez les peuples modernes. Paris, 1882.

([33]) F. PISANI-FERRY, Jules Ferry et le partage du monde, Paris, Grasset, 1962, tr. 147-222.

([34])  Xem thêm: André MASSON, La correspondance politique du commandant Rivière au Tonkin (avril 1882-mai 1883), Paris, 1933-1934.

([35]) Comte de SEMAILLE, Quatre ans à Pékin (août 1880-août 1884) : le Tonkin. Paris, 1933, 278 tr.; HUAN LAI CHO, Les origines du conflit franco-chinois à propos du Tonkin jusqu’en 1883. Saigon, 1938, 240 tr.

([36]) “On a attaqué les Annamites en violation du droit, et quand les gens, revenus de leur surprise se sont défendus, on a crié à l’assassin” (dẫn bởi Ch. GOSSELIN, L’Empire d’Annam. Paris, 1904, tr. 179).

([37]) E. BOUDET, “Une grande figure coloniale: le médecin de la Marine Harmand (1845-1921)”, Revue Maritime, déc. 1933, tr. 721-731.

([38]) Đọc thêm: PHẠM CAO DƯƠNG, “Một vài chủ trương của triều-đình Huế trong hòa-ước Quí-Mùi”, Tập-san Sử-Ðịa, 1966, số 2, tr. 52-60, số 4, tr.104-110.

([39]) Xem đầy đủ chi tiết trong: H. McALEAVY, Black Flags in Vietnam. The story of a Chinese intervention. The Tonkin war of 1884-1885. New York, Macmillan, 1968.

([40]) Đăng trong G. TABOULET, sđd, tr. 825-827.

([41]) Đại-Nam Điển-Lệ. Saigon, Đại-Học Luật-Khoa, 1962, trang 421- 431.

([42]) Capt. LECOMTE, L’armée française au Tonkin. Le guet-apens de Băc-Lê. Paris-Nancy, 1890, vi-212tr.

([43]) J. HARMAND, La vérité sur la retraite de Lang-son. Paris, 1892; Capt. LECOMTE, Lang Son: combats, retraite et négociations. Paris-Limoges 1895, 559 tr.

([44]) Dẫn bởi J. SILVESTRE, “Politique française dans L’Indochine”, Annales de I’Ecole libre des sciences politiques 1898, tr. 74-75.

([45]) Về việc Kinh-đô thất thủ, trong dân-gian còn lưu truyền nhiều bài vè. Một trong những bài vè ấy là: “Thất-thủ Kinh-đô tân truyện”, Tập-san Đại-học, tháng 8-1964, tr. 584-684.

([46]) Theo H. BLET, Histoire de la colonisation française. Grenoble-Paris, 1950, q. III, trang 216.

([47]) CADIERE L. và COSSERAT H., “Les postes militaires du Quảng-Trị et Quảng-Bình”, Bulletin des Amis du Vienx Huế, 1929, tr.126.

([48]) ĐÀO TRINH NHẤT, Phan Đình Phùng, Saigon. Tân Việt, 1950.

([49]) Xem thêm: Histoire militaire de l’Indochine française des débuts à nos jours. Hanoi-Hải-phòng, Imp. d’E.-O., 1931.

Gallíéni au Tonkin par lui-même (1892-1896). Paris, Berger-Levrault, 1948, x-227 tr.

([50]) Ví dụ: Col. FREY, Pirates et rebelles au Tonkin. Nos soldats au Yên-Thế. Paris, 1891, x-351 tr.

([51]) Nhiều tác phẩm bằng Pháp-ngữ đã được xuất bản về Hoàng Hoa Thám, vì nhân vật này đã để lại cho người Pháp một ấn tượng sâu rộng. .

               Xin xem:  P.CHACK, Hoàng Thám, pirate. Paris, 1933, 270 tr.

  1. BOUCHET, Au Tonkin. La vie aventureuse de Hoàng-Hoa-Thám, chef pirate. Paris, les Livres Nouveaux, 1939

               Capt. LIBERSANT, Opérations contre le Đề Thám en 1909. Paris, 1911, 95 tr.

([52]) Mgr OLICHON, Histoire d’un prêtre tonkinois: le baron de Phát-Diệm. Paris, Bloud et Gay, 1931, 140 tr.

([53]) J. HARMAND, Domination et colonisation. Paris, 1910, tr. 159.

([54]) Dennis J. DUNCANSON, Government and revolution in Vietnam. London, Oxford U.P., 1968, tr. 87.

([55]) Henri GRIMAL, La decolonization, 1919-1963. Paris. A. Colin., 1965, tr. 64.

([56]) PHẠM CAO DƯƠNG, “Một vài khía-cạnh đáng chú ý trong đường lối cai-trị của người Pháp ở Nam-kỳ từ 1861 1867”, Kỷ-niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam-kỳ. Saigon, 1967, tr. 75-97.

([57]) E.LURO, Le Pays d’Annam. Etude sur I’organisation politique et sociale des Annamites. Paris. 1878, 252 tr.

([58]) E.LOUVET, Vie de Mgr Puginier, sđd, tr.91.

([59]) R.POSTEL, A travers la Cochinchine. Paris, 1887, tr. 91.

([60]) Paul ISOART, Le phénomène national vietnamien. Paris, 1961, tr. 132

([61]) P. CULTRU, Histoire de la Cochinchine…, sđd,

([62]) G. TABOULET, La Geste française…, sđd, tr.522.

([63]) Sắc luật 27-1-1886.

([64]) Ph. DEVILLERS, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952. Paris, 1952, tr. 29.

([65]) H. LAMAGAT, Souvenirs d’un vieux journaliste indochinois. Hanoi, 1942, tr. 8.

([66]) P. DOUMER, L’Indochine française. Paris, tr. 142.

([67]) P. MUS, Le destin de I’Union française. Paris, 1954, tr. 317.

([68]) Sắc-luật 15-9-1896 và 14-4-1906. P. ISOART, sđđ, tr. 193.

([69]) Dennis J. DUNCANSON, sđd, tr.91.

([70]) R. PINTO, Aspects de I’évolution gouvernementale de L’Indochine française. Saigon-Paris, 1946, tr. 38-42.

([71]) Ba bởi Hội-đồng Quản-hạt Nam-kỳ, ba bởi Bắc-kỳ nhân-dân đại-biểu viện, hai bởi Trung-kỳ nhân-dân đại-biểu viện.

([72]) Các thương-hội và nông-hội.

([73]) Décret organique sur le Travail indigène. Xem Dennis J. DUNCANSON, sđd, tr. 95 và 389.

([74]) Về tổ-chức các tòa Nam án, xin xem: Đại-Nam điển-lệ, Saigon, Trường Đại-học Luật-khoa, 1962, tr. 497-531.

([75]) Dennis J. DUNCANSON, sđd, trang 97.

([76]) Xem: Gouvernement Général de l’Indochine. Direction des Affaires Politiques et de la Sûreté Générale. Contribution à I’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française. I.- Le Tân-Việt Cách-Mệnh Đảng, parti révolutionnaire du jeune Annam. II.- Le Việt-Nam Quốc-Dân Đảng, ou parti national annamite des émigrés en Chine. IV. – Le Đông-Dương Cộng-Sản-Đảng, ou parti communiste indochinois. V. – La Terreur rouge en Annam. Saigon-Hanoi (s.d.), 5 tập.

([77]) P. ISOART, sđd, tr. 162.

([78]) “Lệ năm Thành-Thái thứ 11 định rằng thuế nấu thuốc phiện và thuế bán thuốc phiện ở xứ Bắc-kỳ, thì việc bán thuốc và nấu thuốc đều do ty thuế ngoại ngạch ở Nha Thương-chính chuyên biện. Việc bán thuốc thì do nhà nước xếp đặt, hoặc do người ngoài có đơn xin giao cho bán, hoặc do người lĩnh trưng tự biện, hoặc chính-phủ tự ủy phái người”…Đại-Nam điển-lệ, sđd, tr. 205-207.

([79]) Đại-Nam điển-lệ, sđd, tr. 199-205.

([80]) Như trên, tr. 207-209.

([81]) P. ISOART, sđd, tr. 205.

([82]) P. ISOART, sđd, tr. 206.

([83]) P. GOUROU, Les paysans du Delta tonkinois. Paris, 1936, tr. 563-567.

([84]) R. PINTO, sđd, tr. 74.

([85]) Ph. DEVILLERS, sđd, tr. 33, n. 5.

([86]) P. ISOART, sđd, tr. 193.

([87]) A. METIN, L’Indochine et I’opinion. Paris, 1916, tr. 115.

([88]) R. PINTO, sđd, tr. 27

([89]) Dennis J. DUNCANSON, sđd, tr. 103.

([90]) J. CHESNEAUX, Contribution à I’histoire de la nation vietnamienne. Paris, 1955, tr. 158.

([91]) Xem ở trên II.b.

([92]) A. METIN, sđd, tr. 1.

([93]) LÊ THANH KHÔI, Le Việt-Nam, histoire et civilization. Paris, 1955, tr. 406.

([94]) H. MARC và P. CONY, Indochine française, Paris, 1946, tr. 142.

([95]) R. PINTO, “La réforme des impôts personnels dans les pays de I’Union indochinoise”, Revvue Indochinoise Juridique et Economique, 1939, tr. 426-449 và 627-654

([96]) J. MAILLARD, “Chemins de fer indochinois”, Encyclopédie mensuelle d’Outre-mer, no 32, 1953, tr. 123-128.

([97]) J. MAILLARD, “Réseau routier indochinois”, Encyclopédie mensuelle d’Outre-mer no 32, 1953, tr. 321-323; n° 41, 1954, tr. 30-32

([98]) P. ISOART, sđd, tr. 174.

([99]) Ch. ROBEQUAIN, L’évolution de l’Indochine française. Paris, 1939, tr. 129.

([100]) Indochine française. Section Economique. Les Ports autonomes de l’Indochine. (Hanoi), 1931, 60 tr.

([101]) P. TEXIER, Le port de Saigon. Bordeaux, 1909, xiii-199 tr.

([102]) J. GAUTHER, “Haiphong, port en eaux claires et profondes”, Annales des Ponts et Chaussées, 1940, tr. 21-113.

([103]) Ch. ROBEQUAIN, “Les dragages de Cochinchine”, Annales de Géographie. 1932, tr. 554-556. Quan trọng nhất là Société française de dragages et de travaux publics do Ngân-hàng Đông-Dương kiểm tra.

([104]) Một ví dụ: Inspection générale des Travaux Pulics, Dragages de Cochinchine: canal Rachgia-Hatien. Saigon, 1930, 82 tr.

([105]) P. ISOART, sđd, tr. 198.

([106]) Ph. DEVILLERS, sđd, tr. 46.

([107]) J. CHESNEAUX, sđd, tr. 147.

([108]) H. CALLIS, Foreign capital in Southeast Asia. New York, 1942.

([109]) H. CALLIS, sđd. Xem phụ bản số 7.

([110]) Xem thêm: T. SMOLSKI, “Les investissements de capitaux privés et les émissions de valeurs immobilières en Indochine au cours de la période quinquennale 1924-1928”, Bulletin Economique de l’Indochine, 1929, tr. 803-820.

([111]) LANOUE H., “La vérité sur les investissements français en Indochine”, Cahiers Internationaux, 1954, n° 61, tr. 83-90.

([112]) D. THORNER, Land and labour in India. Bombay, 1962, 297 tr.; C. GEERTZ, Agricultural involution, the processes of ecological changes in Indonesia. Berkeley, 1963, 176 tr.              

([113]) Y. HENRY, Economie agricole de l’Indochine. Hanoi, 1932, tr. 108-110.

([114]) P. GOUROU, L’utilisation du sol en Indochine française. Paris, 1940, tr. 230.

 

 

([115]) Y. HENRY, sđd, 102.

([116]) J. CHESEAUX, sđd, tr. 170.

([117]) K.L. MITCHELL, Industrialization of the Western Pacific. New York, 1942, 317 tr.

([118]) P. GOUROU, sđd, tr. 312-314.

([119]) P.BERNARD, Le problème éconnomique indochinois. Paris, 1934, tr. 20-24.

([120]) P. BERNARD, sđd, tr. 123-165 và A. TOUZET, L’économie indochinoise et la grande crise universelle. Paris, M. Giard, 1934, xvii-426 tr.

([121]) J. CHESNEAUX, sđd, tr. 207;  P. ISOART, sđd, tr. 281.  

([122]) J. CHESNEAUX, sđd, tr. 209.

([123]) P. ISOART, sđd, tr. 294.

([124]) P. ISOART, sđd, tr. 182-184.

([125]) P. ISOART, sđd, tr. 184.

([126]) Ph. DEVILLERS, sđd, tr. 46.

([127]) J. CHESNEAUX, sđd, chương XI.

([128]) NGUYỄN ÁI QUỐC, Le procès de la colonisation francaise. Paris, 1926, tr. 111.

([129]) Ch. ROBEQUAIN, L’évolution économique de l’Indochine française. Paris, 1939, tr. 146.

([130]) P. BERNARD, Nouveaux aspects du problème économique indochinois. Paris, 1937, tr. 172.

([131]) P. PERNARD, sđd, tr. 174.

([132]) P. BERNARD, Le problème économique indochinois, tr. 39.

([133]) Ch. ROBEQUAIN, L’Indochine française. Paris, A Colin, 1952, tr. 203. Cũng xem phụ bản số 9.

([134]) P. BERNARD, sđd, tr. 33.

([135]) Như trên, tr. 39.

([136]) P. ISOART, sđd, tr. 186.

([137]) P. BERNARD, sđd, tr. 44.

([138]) P. BERNARD, sđd, tr. 39.

([139]) P. MUS, Việt-Nam Sociologie d’une guerre. Paris, Ed. du Seuil, 1952, tr. 105

([140]) J. BUTTINGER, Việt-Nam: a dragon embattled. Vol. I. From colonialism to the Vietminh. London, Pall Mall Press, 1967, tr. 160-161.

([141]) Bureau International du Travail; Problèmes du travail en Indochine. Genève, 1937, tr. 47.

([142]) Ch. ROBEQUAIN, sđd, tr. 21-23. Theo J. GAUTHIER (L’Indochine au travail dans la paix francaise, tr. 17), năm 1936 có 43.000 người Âu ở Đông-Dương, trong số ấy được gồm những người nhập Pháp-tịch.

([143]) Annuaire statistique du Việt-Nam 1949-1950. Saigon, 1951, tr. 23.

([144]) P. ISOART, sđd, tr. 252-253.

([145]) P. ISOART, sđd, tr. 253

([146]) Lauriston SHARP, “Colonial regimes in Southeast Asia”, Far Eastern Survey, Feb. 1946, tr. 49.

([147]) Premier rapport de la Sous-commission de modernisation de l’Indochine. Paris, 1948, tr. 58.

([148]) LÊ THANH KHÔI, sđd, tr. 416.

([149]) DUNCANSON; sđd, tr. 107.

([150]) P. GROUROU, sđd, tr. 97.

([151]) Charles A. FISHER, Southeast Asia. London, 1965, tr. 548.

([152]) “plural society”, như trên, tr. 549.

([153]) J.S. FURNIVALL, Educational progress in Southeast Asia. New Yosk, 1943, tr. 82. Các con số thống-kê dân-số học-sinh không được thống nhất cho lắm; các tác-giả như  Chesneaux, Lê Thành Khôi, Isoart, Thompson, Ennis, v.v… đều cho những con số khác nhau. Theo Chesneaux, năm 1913 số học-sinh chỉ là 46.000 người (Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, tr. 196).

([154]) V. THOMPSON, French Indochina. London, 1937, tr. 295.

([155]) J. GAUTHIER, sđd, tr. 35.

([156]) DUNCANSON, sđd, tr. 106.

([157]) LÊ THÀNH KHÔI, sđd, tr. 416.

([158]) ANH-VAN và J. ROUSSEL, Mouvements nationaux et luttes de classes au Viet-Nam. Paris, 1947, tr. 27.

([159]) P. HUARD và M. DURAND, Connaissance du Việt-Nam. Paris-Hanoi 1954, tr. 33.

([160]) P. ISOARD, sđd, tr. 279. Cũng xem: DƯƠNG QUẢNG HÀM, Việt-Nam văn-học sử-yếu (in lần thứ 10). Saigon, 1968, tr. 404 và tiếp theo.

([161]) J. BUTTINGER, sđd, tr. 197-198.

([162]) A. DUMAREST, La  formation des classes sociales en pays annamite. Lyon, 1935.

([163]) J. CHESNEAUX, L’Asie orientale aux XIXè et XXè siècles. Paris, P.U.F, 1966, tr. 261.

([164]) PHẠM CAO DƯƠNG, Thực-trạng của giới nông-dân Việt-Nam dưới thời Pháp-thuộc. Saigon (1967), tr. 88.

([165]) Đại-Nam điển-lệ, sđd, tr. 279.

([166]) G. KHERIAN, “Le rôle de la coopération dans l’Union Indochinoise”, Revue Indochinoise juridique et économique, 1937, n° 1, tr. 44-45.

([167]) Xem ở trên, Chương II, IIb.

([168]) P.BERNARD, Nouvaux aspects du problème économique indochinois, Paris, 1937, tr. 163-164.

([169]) P. ISOART, sđd, tr. 257.

([170]) J. BUTTINGER, sđd, tr. 167.

([171]) P. BERNARD, sđd, tr. 37.

([172]) J. CHESNEAUX, sđd, tr. 280.

([173]) D. LANCASTER, sđd, tr. 66; Ch. ROBEQUAIN, sđd, tr. 86.

([174]) P. ISOART, sđd,, tr. 272.

([175]) M. ZINKIN, Asia and  the West. New York, 1935, tr. 27.

([176]) P. ISOART, sđd, tr. 264 và 268.

([177]) P. ISOART, sđd., tr. 269.

([178]) J. BUTTINGER, sđd, tr. 195.

([179]) Các điều-kiện lao-động tại các đồn-điền cao-su đã bị chỉ trích bởi nhiều tác-giả. Xem: G. GARROS, Les forceries humaines: l’Indochine litigieuse. Paris, 1926, 187 tr.

  1. MONET, Les Jauniers. Paris, Gallimard, 1930, 343 tr.
  2. ROUBAUD, Viêtnam. La tragédie indochinoise. Paris, 1931, 285tr.

([180]) L’Asie orientale aux XIXè et XXè siècles, sđd, tr. 275-276.

([181]) P. ISOART, sđd, tr. 270.

([182]) Charles A. FISHER, sđd, tr. 549.

([183]) P. ISOART, sđd, tr. 271.

([184]) Ph. DEVILLERS, sđd, tr 42.

([185]) Louis MALLRET, L’Exotisme indochinois dans la littérature française. Paris 1934, tr. 301.

([186]) H. BRUNSCHWG, La colonisation française Du pacte colonial à l’Union française. Paris, Calmann-Lévy, 1949, tr. 194.

([187]) NGUYỄN VĂN TRUNG, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt-Nam. Thực chất và huyền thoại. Saigon, Nhà Xuất-Bản Nam-Sơn, 1963.

([188]) Khi tôi viết những hàng này, Ô. TRƯƠNG NGỌC PHÚ sắp sửa hoàn thành tiểu-luận Cao-học của ông về Việt-Nam Quốc-Dân Đảng; mong rằng công-trình này sẽ hiến cho ta nhiều ánh sáng hơn về những điểm nêu ra ở trên.

([189]) Xem ở trên, phần thứ nhất, chương ba, III.

([190]) Ph. DEVILLERS, sđd, tr 30.

([191]) Xem ở trên, phần thứ nhì, chương III.

([192]) Xem G. COULET, Les sociétés secrètes en Terre d’Annam. Saigon, Lib. C. Ardin, 1926, 452 tr.

([193]) Gouvernement Général de l’Indochine. Direction des Affaires politiques et de la Sûreté générale. Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française. Le Caodaisme (1926-1934). Hanoi, IDEO, 1934, 112 tr.

([194]) DUNCANSON, sđd, tr. 137.

([195]) Như trên, tr. 148.

([196]) J. ROMEIN: “déglorification de l’Occident” (The Asian Century, London, 1962).

([197]) Nhiều tác phẩm đã được xuất bản về Phan Bội Châu. Xem: THẾ NGUYÊN. Phan Bội Châu, thân-thế và thi-văn, Saigon, Tân-Việt, 1956; CHU ĐĂNG SƠN, Luận-đề Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Saigon, Việt-Nam Tu Thư. 1968; BOUDAREL Georges, “Bibliographie des œuvres relatives à Phan Bội Châu en quốc ngữ à Hanoi depuis 1954”, trong Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, 1969, tr. 151-176.

Trong số những sách viết bởi Phan Bội Châu và mới được phiên dịch gần đây, có thể kể: Việt-Nam Vong Quốc Sử (bản dịch của NGUYỄN QUANG TÔ), Saigon, Tao-Đàn, 1969; “Mémoires de Phan Bội Châu (Phan Bội Châu niên-biểu)”, France-Asie, 1968, tr. 3-210.

([198]) Xem những sách đã dẫn trên và:

               PHAN BỘI CHÂU, Tự phán. Huế, Anh-Minh, 1956, 213 tr.

               NGUYỄN HIẾN LÊ, Đông-Kinh Nghĩa-Thục. Saigon, Lá Bối, 1968.

  1. BUTTINGER, sđd, tr. 144-158.

([199]) Xem bản dịch của SA-MINH TẠ THÚC KHẢI, trong Niên-san Đại Học Văn-Khoa Saigon, 1959-1960, tr. 3-34, và bản dịch của NGUYỄN QUANG TÔ, Saigon, Tao-Đàn, 1969, xviii-100-140 tr.

([200]) G. COULET, Les sociétés secrètes en Terre d’Annam, Saigon, 1926, tr. 12-13.

([201]) P. ISOART, sđd, tr. 270.

([202]) HÀNH SƠN, Cụ Trần Cao Vân. Paris, Minh Tân, 1952.

([203]) ĐÀO TRINH NHẤT, Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái-Nguyên 1917. Saigon, Tân Việt, 103 tr.;

ECHINARD, Histoire politique et militaire de la province de Thái-Nguyên. Hanoi, 1934, tr. 203-226.

([204]) J. C. DEMARIAUX, Les secrets des îles Poulo-Condor. Paris, 1956, tr. 71-75.

([205]) Về tiểu-sử của Phan Chu Trinh, xin xem:

  • HUỲNH THÚC KHÁNG, Phan Tây-Hồ Tiên-sinh lịch-sử. Huế, Anh Minh 1959, 58tr.
  • HUỲNH THÚC KHÁNG và LÊ VĂN SIÊU, Giai-nhân kỳ ngộ: Phan Tây-Hồ Tiên-sinh lịch-sử. Saigon, Hướng Dương, 1959, 275tr.
  • THẾ NGUYÊN, Phan Chu Trinh, 1872-1926. Saigon, Tân-Việt 1956.
  • HUỲNH KHẮC DỤNG, “Grandes figures du passé : Phan Chu Trinh”, France-Asie, n° 55, 1950, tr. 620-623.

([206]) Đầu Pháp chính-phủ thư, xem trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, 1907, tr. 166-175, và THÁI BẠCH, Thi văn quốc cấm, Saigon, Khai-Trí, 1968, tr. 348-365.

([207]) Tỉnh quốc hồn ca, dẫn bởi NGUYỄN HIẾN LÊ, Đông-Kinh Nghĩa-Thục, tr. 96.

([208]) NGUYỄN HIẾN LÊ, sách dẫn trên, tr. 41-83.

([209]) THÁI BẠCH, Thi Văn Quốc Cấm. Saigon, Khai-Trí, 1968, tr. 432-455.

([210]) Quân-trị chủ-nghĩa và dân-trị chủ-nghĩa, trong sách dẫn trên, tr. 456-482.

([211]) PHAN BỘI CHÂU, “Pháp-Việt đề huề chính-kiến thư”, Nam Phong, tháng 12-1922, số 101, tr. 72-84. Cũng xem: ANH MINH, Cụ Sào Nam mười lăm năm bị giam lỏng ở Huế. Huế, 1956, 100 tr.

([212]) PHẠM QUỲNH, “Thơ cho người bạn”, Nam Phong, tháng 10-1919, số 28, tr. 316.

([213]) “Hai bài diễn thuyết về chính-sách Pháp-Việt hợp-tác: bài của ông Phạm Quỳnh và bài của ông Varenne”, Nam Phong, tháng 4-1926, số 104, tr. 237-246.

([214]) “Kính cáo các bạn đọc báo”, Nam Phong, tháng 10-1922, tr. 250.

([215]) “Mục-đích báo Nam-Phong”, Nam Phong, tháng 1-1934, số 192, bìa tr. 2.

([216]) “Khảo sát về chữ quốc-ngữ”, Nam Phong, tháng 10-1627, số 122, tr. 337.

([217]) “Truyện Kiều”, Nam Phong, tháng 12-1919, số 30, tr. 480-580.

([218]) Xem: PHẠM QUỲNH, “Trả lời bài ‘cảnh-cáo các nhà học-phiệt’”, Nam Phong, tháng 7-1930, số 152, tr. 10-14; J. CHESNEAUX et G. BOURDAREL, “Le Kim Vân Kiều et l’esprit vietnamien aux XIXè et XXè siècles” trong Mélanges sur Nguyễn Du, réunis à l’occasion du bicentenaire de sa naissance (1765). Paris, E.F.E.O., 1966, tr. 153-192.

([219]) CƠ-MẬT-VIỆN, “Ngự giá sang Đại-Pháp: châu dụ”, Nam Phong, tháng 3-1922, số 57, tr. 239-243.

([220]) “Ông Bùi Quang Chiêu ở Nam-Kỳ. Vận-động đảng lập-hiến ‘Pháp-Việt đề huề và bình đẳng’”, Nam Phong, tháng 4-1926, số 104, tr. 313-314.

([221]) J. BUTTINGER, sđd, tr. 200.

([222])  J. BUTTINGER, sđd, tr. 201.

([223]) “Bức thư ngỏ trình quan Thuộc-Địa Tống-Trưởng”, Nam Phong, tháng 10-1931, số 166 tr. 225.

([224]) Xem: Contribution à l’histoire des mouvement politiques de l’Indochine française. II.-Le Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng ou Parti National Annamite au Tonkin (1927-1932). Hanoi, IDEO, 1933, 52 tr. (đã được phiên dịch bởi LONG ĐIỀN,  “Việt-Nam Quốc Dân-Đảng”, tập-san Sử-Địa, số 6, 1967, tr. 96-123).

([225]) Bốn Mắt, La nuit rouge de Yên-Báy. Hanoi, 1931, 212 tr.

([226]) Contribution à l’histoire des mouvements poltiques de l’Indochine française. III – Le Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng ou Parti National Annamite des Emigrés en Chine. Hanoi, IDEO, 1933. (Xem bản dịch của NGUYỄN-HUY, Tập-san Sử-Địa số 11, 1968, tr. 139-156).

([227]) Contribution à l’histoite des mouvements politiques de l’Indochine française. Le Đông-Dương Cộng-Sản Đảng ou Parti Communiste Indochinois. Hanoi, IDEO, 1933, 138 tr. (Xem bản dịch của NGUYỄN HUY, Tập-san Sử-Địa, số 14-15, 1969, tr. 167-211).

([228]) J. DORSENNE, “Le péril rouge en Indochine”, Revue des Deux Mondes, 1-4-1932, tr. 519-556.

([229]) Charles B. McLANE, Soviet strategies in Southeast Asia. Princeton, 1966, tr. 149-153.

([230]) Dennis J. DUNCANSON, sđd, tr. 144.

([231]) Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française. V-La Terreurrouge  en Annam. Hanoi, IDEO, 1933, 307 tr.

 

([232]) PHẠM QUỲNH, “Lettre ouverte à S.E. le Ministre des Colonies”, Essais Franco-Annamites. Huế, 1937, tr. 493-472.

([233]) PHẠM QUỲNH, “Đức Bảo-Đại về nước”, Nam Phong, số 174, tháng 7-1932, tr. 1-8.

([234])  “Việc cải cách trong triều-đình Huế”, Nam Phong, số 184, tháng 5-1933, tr. 436.

([235]) Xem “Công-văn về các việc cải-cách trong triều-đình Huế”, Nam Phong, số 186, tháng 7-1933, tr. 18-33, số 187, tháng 8-1933, tr. 149-176.

([236]) Direction des Affaires politiques et de la Sûreté générale, Contribution à l’histoire des mouvements potitiques de l’Indochine. Le Caodaisme (1926-1934). Hanoi, IDEO, 1934, 112 tr.

GOBRON Gabriel, Histoire et philosophie du Caodaïsme. Paris, Dervy, 1949, 214 tr.

ĐỒNG TÂN, Lịch-sử Cao-Đài. Saigon, Cao-Hiên, 1967.

([237]) P. ISOART, sđd, tr. 289.

([238]) Xem phần thứ nhì, chương III, tr. 106-107.

([239]) P. ISOART, sđd, tr. 301.

([240]) Ph. DEVILLERS, sđd, tr. 72.

([241]) J. DECOUX, A la barre de l’Indochine, Paris, 1946, tr. 240.

([242]) Trong quyển hồi ký Một cơn gió bụi (Kiến văn lục), Saigon, Vĩnh-Sơn 1969, cụ Trần Trọng Kim đã thuật lại hoạt-động chính-trị của cụ trong những điều kiện rất khó khăn của giai-đoạn này.

([243]) Xem J. SAINTENY, Histoire d’une paix manquée, Indochine 1945-1947. Paris, Amiot-Dumont, 1953, 260 tr.

([244]) Xem bản văn này trong: J. SAINTENY, sđd, tr. 182-184.

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này