Việt Nam thời Pháp đô hộ (bài 2)

Phần thứ nhì: CHẾ-ĐỘ THUỘC-ĐỊA

Annamese_kowtowing_to_French_soldiers.jpg

GS Nguyễn Thế Anh

CHƯƠNG I: SỰ TỔ-CHỨC GUỒNG MÁY CAI TRỊ 

  1. – CHÍNH-SÁCH THUỘC-ĐỊA.

Đệ Tam Cộng-hòa đã đem lại cho nước Pháp một đế-quốc rộng lớn, vì sự thiết lập nền đô-hộ của Pháp trên đất Việt-Nam đã được thực hiện đồng thời với sự củng cố sự thống-trị của Pháp tại Phi-châu. Guồng máy cai trị mà mẫu-quốc Pháp tổ chức tại Việt-Nam, cũng như các biện pháp xã-hội và kinh-tế đem áp dụng tại đây được quyết định bởi những chính sách chung vạch ra để đáp ứng cho các quyền lợi của người Pháp trong mọi miền bảo-hộ. Nhưng các lý thuyết không đồng lòng về quan điểm, và chia thành hai khuynh hướng chính: khuynh hướng đồng-hóa (assimilation) và khuynh hướng liên-hiệp (association).

Quan điểm của chính-sách đồng-hóa là các thuộc-địa không thể phát triển với tư cách là những cơ thể độc-lập, mà chỉ là những phần phụ thuộc của mẫu-quốc mà thôi, nghĩa là phải có một sự thống nhất càng ngày càng chặt chẽ giữa mẫu-quốc và thuộc-địa. Tuy nhiên, có nhiều tranh luận về nội dung thật thụ của sự thống nhất này: một phái nghĩ rằng sự đồng-hóa chỉ cần đưa đến một tình trạng đồng nhất về mặt pháp-chế là đủ, mặt phái khác muốn rằng chính-sách đồng-hóa phải hướng tới sự cải thiện xã-hội và đời sống của dân chúng thuộc-địa, để khiến sớm hay muộn họ có thể chấp nhận ngôn ngữ và các tập quán của mẫu-quốc để mà hoàn toàn trở thành những công-dân của Pháp-quốc.

Phái chủ trương chính-sách liên-hiệp cho rằng, trong thực tế, khó có thể thực hiện một chính-sách đồng-hóa, vì chỉ nguyên việc nâng cao đời sống và xã hội thuộc-địa cũng đã đòi hỏi những chi phí mà riêng tài nguyên thuế má địa-phương không tài nào cáng đáng nổi. Jules Harmand ([53]) chứng minh rằng các giống dân bản-xứ không thể đồng-hóa được vì quá khác biệt với dân Pháp: chỉ có một chính-sách liên-hiệp mới thích đáng, một chính-sách nhắm tới sự phối hợp giữa các chủng tộc và các thể chế sẽ có lợi cho cả hai bên, và bao hàm sự tôn trọng các phong-tục tập-quán, sự cai trị gián tiếp, sự phát triển tinh-thần và kỹ-thuật sẽ làm các thuộc-địa trở thành những lợi khí thế lực và ảnh-hưởng. Sự thực dân chỉ có thể được biện chính nếu nó đưa hạnh phúc tới cho cả thuộc-địa lẫn mẫu-quốc. Sự thống trị không thể được áp dụng và duy trì ngược với ý muốn của các dân-tộc.

Song sự thật, chính-sách liên-hiệp này bao hàm một sự lien kết giữa các nhà hành-chánh có trách nhiệm về chính-sách của mẫu-quốc và các kiều-dân Pháp (colons) ở thuộc-địa, hơn là một sự liên kết giữa các chủng-tộc ([54]). Các kiều-dân Pháp muốn sự khai thác thuộc-địa phải hiến cho họ những lợi ích trực tiếp, trong khi các nhân-vật chịu trách nhiệm về chính-sách thuộc-địa, bị dằng kéo giữa các ảnh hưởng và các quan niệm mâu thuẫn với nhau, đã không lựa chọn một lý-thuyết độc nhất, mà đi vay mượn của nhiều lý-thuyết những yếu-tố mà họ cho là thích đáng để giải quyết các vấn-đề hành-chánh hay nhân-sự. Công thức thường được áp dụng nhất là: “rất nhiều phụ thuộc, rất ít tự trị, một chút đồng hóa” ([55]). Mối chuyên tâm chính của mẫu-quốc là làm sao bảo toàn uy quyền của mình.

Trên nguyên tắc, chính-sách đồng-hóa đã được áp dụng đối với xứ Nam-kỳ, đã trở thành thuộc-địa thật thụ từ năm 1862, còn đối với hai miền bảo-hộ Bắc-kỳ và Trung-kỳ, vẫn duy trì các thể-chế chính-trị và hành-chánh của nhà Nguyễn, không thể áp dụng một chính-sách nào khác chính-sách liên-hiệp. Nhưng trong thực tế, chính-phủ Pháp cho thấy ý chí chỉ giữ lại bề mặt của chế-độ bảo-hộ và buộc triều-đình Huế phải chấp nhận một sự thống trị hoàn toàn, mặc dầu lãnh-thổ không bị sáp nhập.

  1. a) Chính-sách thuộc-địa ở Nam-kỳ.

Sự cai trị của Pháp ở Nam-kỳ được tổ chức qua hai giai-đoạn, giai-đoạn Súy-phủ Nam-kỳ (Gouvernement des Amiraux) từ năm 1861 đến năm 1879, và giai-đoạn chính-phủ dân-sự từ năm 1879 trở đi, với sự bổ nhiệm Le Myre de Vilers làm thống-đốc Nam-kỳ.

Đầu năm 1861, khi quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ, các quan lại do triều-đình Huế bổ nhiệm tại đây đều từ bỏ chức vụ để rút vào bóng tối cầm đầu sự kháng-chiến chống người Pháp. Để giải quyết các nhu cầu cấp bách, đô-đốc Charner phải tổ chức một cơ-cấu hành-chánh mới: ông bổ nhiệm một số sĩ-quan hải-quân vào các chức giám-đốc bản-xứ-vụ (directeurs des affaires indigènes) để duy trì trật tự ([56]).

Vào cuối tháng 11 năm 1861, khi đô-đốc Bonard tới Saigon để thay thế đô-đốc Charner, ông đã có sẵn một đường lối: vào lúc ấy, thuộc-địa quan trọng duy nhất của Pháp là xứ Algérie, và chính-phủ Pháp, với mục đích giảm thiểu các phí-tổn chiếm cứ thuộc-địa này, đã áp dụng tại đây một chế-độ bảo-hộ mềm dẻo, dựa trên sự qui thuận của các tù-trưởng các bộ-lạc; Bornard muốn đem chính-sách này thí nghiệm tại Nam-kỳ. Ông viết cho Bộ-trưởng Hải-quân như sau: “Sự cai trị do người bản-xứ dưới sự kiểm soát của chúng ta, theo ý tôi là phương sách độc nhất để giải quyết vấn đề. Nếu, để lo cho các chi tiết của nền hành-chánh an-nam-mít, ta đem tới đây một số sĩ-quan mà đa số không am hiểu ngôn-ngữ và phong-tục bản-xứ thì ta sẽ tạo nên một tình trạng hỗn lọan”.

Đường lối của Bornard được Chasseloup-Laubat tán thành; ngay từ năm 1861, Bộ trưởng Hải-quân Pháp đã xác định vai trò mà theo ông, nước Pháp phải giữ ở Việt-Nam: xứ này phải được cai trị bởi các công chức bản-xứ, dưới sự kiểm soát của những vị biện-lý người Pháp đặt tại vài địa điểm chọn lựa cẩn thận. Và, để cho sự đô-hộ có thể đạt được những thành quả tốt đẹp, Chasseloup-Laubat khuyên Bornard phải làm thế nào để ngôn ngữ hết là một chướng ngại vật giữa các sĩ-quan Pháp và dân bản-xứ. Lời khuyến cáo của Bộ-trưởng Hải-quân đã được đô-đốc Bornard thực hiện: trong giới thân cận của vị thống-đốc Saigon có một số sĩ-quan trẻ tuổi đã bị cảm hóa bởi văn-minh Việt-Nam; những người này đã tập trung các sự cố gắng của họ vào việc nghiên cứu phong-tục, ngôn-ngữ và các thể-chế Việt-Nam. Như chúng ta đã thấy, Aubaret dịch quyển Gia-định thông-chí và bộ Hoàng Việt luật lệ ra tiếng Pháp; ông còn soạn một quyển tự-điển và một quyển văn-phạm Pháp-Việt nữa. Philastre làm công cuộc chú giải bộ luật của vua Gia-Long, còn Luro nghiên cứu tổ-chức hành-chánh và xã-hội Việt-Nam ([57]). Landes nghiên cứu ngôn-ngữ Chàm và Việt. Legrand de la Liraye cho xuất-bản quyển Notes historiques sur la nation annamite.

Do đó, đầu năm 1862, các giám-đốc bản-xứ vụ bắt đầu được thay thế bởi những vị quan huyện người Việt; những vị quan này được giám sát bởi những vị thanh-tra người Pháp, lựa chọn trong số những sĩ-quan thông hiểu ngôn ngữ và phong tục Việt-Nam nhất. Bonard còn muốn tái thiết chế độ học-chính truyền thống, để có thể đào tạo những nhà hành-chánh bản-xứ. Nhưng chính-sách của Bornard vấp phải hai sự cản trở:

  • Cản trở của các nhà truyền đạo, sợ rằng sự trở lại các thể-chế cũ sẽ có hại cho công cuộc giảng đạo ([58]).
  • Cản trở của giai cấp sĩ-phu Việt-Nam, không muốn cộng tác với người Pháp.

Chính-sách của Bornard chỉ có thể thành công với sự hợp tác của giai-cấp thượng-lưu Việt-Nam. Ngay từ tháng 8 năm 1862, nhận thấy giới sĩ-phu không hưởng ứng đường lối cai-trị gián tiếp của Soái-phủ Nam-kỳ, Bonnard phải giao phó tất cả mọi quyền hành cho các vị thanh-tra người Pháp. Sự cai trị trực tiếp này được hệ thống hóa bởi đô-đốc La Grandière vào năm 1863, với sự tổ chức chế-độ Thanh-tra bản-xứ vụ (Inspecteurs des affaires indigènes). Các vị thanh-tra này là những sĩ-quan hải-quân được giao phó nhiều quyền hạn trong các lãnh hạt hành-chánh, tư-pháp và tài-chánh; trong mỗi đơn-vị hành-chánh thường được cử ba vị thanh-tra bản-xứ vụ hiệp sức với nhau để cai trị, họ đều có quyền hạn giống nhau. Phải từ năm 1873 trở đi, các vị thanh-tra này mới hết là sĩ-quan biệt phái mà là những công-chức hành-chánh thật thụ; trước khi nhận việc, họ phải qua một thời gian học tập tại trường Tập-sự (Collège des Stagiaires) để làm quen với các khía cạnh của văn-hóa Việt-Nam.

Chính-sách trực-trị này đặt vào trong tay các vị thanh-tra những quyền hành rộng lớn, mà lại không dự trù một sự kiểm soát nào. Do đó, sự cai trị chỉ tốt đẹp nếu các vị thanh-tra là những công chức thanh liêm; song, tập trung quá nhiều quyền hành, các vị thanh-tra này có khuynh hướng lạm dụng quyền hạn của họ. Một vị cựu thẩm-phán ở Saigon đã có thể nói là họ chỉ chú trọng tới sự trừng phạt chứ ít khi nghĩ đến việc dự phòng ([59]). Hậu quả của sự lạm quyền này là làm phát sinh các cuộc nổi loạn của dân chúng: năm 1872 trong các tỉnh Bến-Tre, Trà-Vinh, Vĩnh-Long, Cà-Mâu; tháng ba năm 1873 ở Long-Xuyên; tháng hai năm 1874 ở Trà-Ôn, tháng ba và tư năm 1895 ở Châu-Ðốc, v.v…

Giai đoạn cai trị bởi Soái-phủ Nam-kỳ chính thức chấm dứt ngày 14-5-1879, khi chính-phủ Pháp đặt xứ Nam-kỳ dưới quyền một vị thống-đốc dân-sự (gouverneur de la Cochinchine), Le Myre de Vilers. Vị thống-đốc này không phụ thuộc Bộ Hải-quân nữa, mà phụ thuộc Bộ-trưởng Bộ Thuộc-địa. Được chồng lên chính-sách trực-trị một chính-sách đồng-hóa sẽ bao gồm, theo quan điểm của các cơ quan chính-phủ ở Paris, sự áp dụng pháp chế và các luật lệ của Pháp tại Nam-kỳ.

Trong đường hướng đồng-hóa này, công việc đầu tiên của Le Myre de Vilers là phân biệt quyền hành-chánh và quyền tư-pháp: các viên thanh-tra bản-xứ vụ chỉ còn giữ quyền hành-chánh mà thôi, còn quyền tư-pháp đươc giao phó cho các quan tòa chuyên môn. Tổ-chức tư-pháp gồm một tòa thượng-thẩm ở Saigon, và bảy tòa sơ-thẩm ở Saigon, Biên-Hòa, Mỹ-Tho, Bến-Tre, Vĩnh-Long, Châu-Ðốc và Sóc-Trăng. Các thẩm-phán xét xử theo pháp-qui của Pháp, tuy pháp-qui này được sửa đổi đôi chút để thích ứng với các tập tục địa-phương.

Cũng trong đường hướng đồng-hóa, năm 1880 được thành lập Hội-đồng Quản-hạt (Conseil Colonial), gồm 10 hội-viên người Pháp và 6 hội-viên người Việt bầu bởi các đại-diện của các hương-chức Nam-kỳ, và có nhiệm vụ thảo luận ngân-sách địa-phương. Đạo luật ngày 28-7-1881 còn dành cho xứ Nam-kỳ một ghế dân biểu trong Hạ-nghị-viện Pháp (vị dân biểu này được bầu theo chế độ phổ-thông đầu phiếu bởi 1.142 cử-tri có quốc-tịch Pháp) ([60]). Ngoài ra, kể từ năm 1870 cũng đã được thành lập Hội-đồng đô-thị Saigon, gồm 12 hội-viên người Pháp và 2 hội-viên người Việt. Như vậy, phần dành cho các đại-biểu người Việt trong các hội-đồng rất là hạn chế; nhận xét về Hội-đồng Quản-hạt, sử gia Cultru đã có thể nói như sau: “Tệ hại của cải cách này là nó đặt dưới quyền sử dụng của một thiểu số người Pháp một ngân-sách 14 triệu, mà sẽ còn lên đến 20 triệu, cung cấp phần lớn bởi các loại thuế má bản xứ ; nhưng các kinh phí không phải bao giờ cũng được chuyên dùng cho các lợi ích của khối dân chúng phải trả thuế” ([61]).

Chính-sách trực-trị và đồng-hóa chứa đựng nhiều khuyết điểm và sai lầm, nhưng nó hiến cho xứ Nam-kỳ một khuôn mặt đặc biệt, một sắc thái Pháp-hóa” ([62])

  1. b) Quan-niệm của người Pháp về chế-độ bảo-hộ:

Theo các hòa-ước Quí-Mùi và Giáp-Thân, chính-sách ngoại-giao, các lực-lượng quân-sự và các cải cách tài-chính được giao phó cho cường-quốc Pháp là cường-quốc bảo-hộ, nhưng không có một sự dung hợp hay một sự hợp nhất nào giữa hai quốc-gia Pháp và Việt. Nhưng quan niệm sơ khởi này được mở rộng dần: những biện pháp liên tiếp làm chủ-quyền nội-bộ mà hiệp-ước bảo-hộ nhìn nhận cho vua Việt-Nam mất dần hết thực chất của nó.

Vua Đồng-Khánh không có nhiều uy tín cho lắm vì nhà vua đã bị trách là đã chấp thuận lên ngôi trong những điều kiện quá nhục nhã đối với thể-thống quốc-gia. Bị cô lập và thiếu kinh nghiệm chính-trị, nhà vua phải thừa nhận nhiều sự nhượng bộ nặng nề để đổi lấy sự giúp đỡ hành-chánh và quân-sự của người Pháp. Ngay sau khi kinh-đô thất-thủ, một qui ước đặc biệt đã cho phép người Pháp đặt các vị công-sứ trong tất cả các tỉnh miền Trung. Vì được bảo-hộ, xứ Trung-kỳ và Bắc-kỳ phụ thuộc Bộ Ngoại-giao Pháp ([63]); nhưng năm 1887, được tổ-chức khối Đông-Pháp (Union Indochinoise) gồm thuộc-địa Nam-kỳ và hai xứ bảo-hộ Việt-Nam và Cao-mên đặt dưới sự điều khiển của một vị toàn-quyền. Phủ toàn-quyền chỉ được coi như là một cơ quan phối hợp hành động của các thống-đốc và công-sứ địa-phương, nhưng các sắc luật công-bố vào tháng 10 năm 1887 để tổ chức khối Đông-Pháp xác định rằng tất cả các lãnh-thổ thuộc Pháp ở Đông-Dương sẽ được đặt dưới quyền quan toàn-quyền, là “đại diện trực tiếp của chính-phủ Pháp trong mọi lãnh-thổ sáp-nhập hay bảo-hộ”, và chỉ chịu trách nhiệm trước Bộ-trưởng Thuộc-địa ([64]). Vua Việt-Nam từ nay phụ thuộc một vị công-chức cao cấp của Bộ Thuộc-Địa Pháp. Năm 1888, vua Đồng-Khánh còn nhường cho Pháp mọi quyền sở hữu trên Hà-Nội, Hải-Phòng và Đà-Nẵng: ba tỉnh lỵ này trở thành thuộc-địa của Pháp.

Quyền hành của vua Việt-Nam còn bị hạn chế thêm khi Paul Doumer được cử làm toàn-quyền Đông-Pháp. Trong vòng 5 năm (1897-1902), Doumer đã áp dụng một chính-sách cai trị độc tài ([65]); ông tổ chức lại chính-phủ toàn-quyền, hiến cho chính-phủ này những cơ quan hành-chánh và một tổng ngân-sách Đông-Dương. Chức Kinh-lược Bắc-kỳ, đại diện cho triều-đình Huế từ năm 1886, được bãi bỏ vào năm 1897; quan lại hàng tỉnh phụ thuộc trực tiếp quan Thống-sứ Pháp, từ nay trở đi cai trị xứ Bắc-kỳ nhân danh vua Việt-Nam, nhưng không bao giờ tham khảo ý kiến của nhà vua hết. Các quan lại cũng phải thỉnh giáo huấn-thị của các vị công-sứ và bắt buộc phải tuân theo các huấn-thị này; họ phải nhường cho công-sứ Pháp quyền đề cử hay bổ nhiệm các hương chức.

Tại triều-đình, Cơ-mật Viện được thay thế vào tháng 9 năm 1897 bởi hội-đồng Nội-các mà phiên họp phải được đặt dưới quyền chủ tọa của quan Khâm-sứ Pháp ở Trung-kỳ; các quyết định của chính-phủ Việt-Nam chỉ có hiệu lực với sự phê chuẩn của nhà cầm quyền Pháp. Một số công chức Pháp được biệt phái tới cạnh các vị Thượng-thư để phụ tá họ trong công việc hành-chánh. Vua Việt-Nam thoái nhượng cho quan Toàn-quyền Pháp quyền đặc hứa các khoảng đất bỏ trống hay vô chủ. Từ nay, cơ quan hành-chánh Pháp phụ trách việc thu thuế và mỗi năm sẽ giao cho ngân-khố của triều-đình một ngân-khoản cần thiết cho việc cung dưỡng nhà vua và triều-đình.

Như thế, Paul Doumer đã thay thế chế-độ bảo-hộ bằng một chế-độ trực-trị. Không những triều-đình Huế không có quyền kiểm tra nền ngoại-giao và quân đội, mà từ nay trở đi chỉ còn giữ lại những hình thức bề ngoài của quyền hành-chánh mà thôi. Sự bất lực của triều-đình cũng cho phép người Pháp cướp đoạt các quyền hành cuối cùng của nhà vua một cách dễ dàng: vua Thành-Thái quá trẻ tuổi (khi nhà vua lên ngôi năm 1889, nhà vua mới có 10 tuổi); thêm nữa, các quan lại làm việc bên cạnh chính-phủ bảo-hộ là những kẻ dễ sai bảo, mà lại không có quyền hành gì ngoài quyền hạn mà người Pháp giao phó cho họ. Với những nhân vật này, không thể đòi hỏi ở người Pháp một chính-sách liên-hiệp, vì họ chỉ là những dụng cụ của người Pháp, như Hoàng Cao Khải, vị Kinh-lược Bắc-kỳ, đã có thể leo lên một địa vị cao là nhờ triệt để phục vụ nhà cầm quyền Pháp. Họ không được người Pháp kính nể cho lắm; Doumer đã viết những lời sau về quan Kinh-lược Bắc-kỳ: “Hoàng Cao Khải không xuất thân từ một gia đình được biết đến vì cao quý hay vì nổi tiếng; ông ta cũng không phải là một sĩ-phu mà các sự thành công có thể làm khối quần chúng kính phục ông; ông ta chỉ là một kẻ bộ hạ của chúng ta. Sự tín dụng của nước Pháp đã hiến cho ông ta quyền hành và thế lực” ([66]).

Như thế vẫn chưa đủ: ngày 6-11-1925, lợi dụng cái chết của vua Khải-Định, quan toàn quyền Pháp đòi Phụ-chính-viện (ông hoàng Bảo-Đại mới 12 tuổi và đương theo học tại Pháp) phải ký một thỏa-ước chuyển giao cho quan Khâm-sứ Pháp các quyền hạn chính-trị và tư-pháp cuối cùng của vua Việt; từ nay, nhà vua không còn có thể lựa chọn các vị thượng-thư và bổ nhiệm các công-chức. Năm 1932, quan Khâm-sứ còn trở thành chủ tịch của hội-đồng hoàng-tộc nữa. Các sự kiện này hoàn toàn trái ngược với điều-khoản thứ 16 của hòa-ước Giáp-Thân: “Hoàng-đế nước Đại-Nam tiếp tục điều khiển như trong quá khứ nền hành-chánh nội bộ của vương quốc”. Nhưng chế-độ bảo-hộ theo đúng nghĩa của nó đã nhường chỗ từ lâu cho chế-độ trực-trị, và tổ chức hành-chánh của Pháp đã choán chỗ của tổ-chức hành-chánh Việt-Nam. Nước Việt-Nam trở thành ba mảnh, mỗi mảnh có một đời sống riêng và có những thể-chế đặc biệt: xứ Nam-kỳ sáp-nhập vào nước Pháp, xứ Bắc-kỳ thành gần như một thuộc-địa, và xứ Trung-kỳ mà qui-chế bảo-hộ chỉ là lý thuyết.

II.-GUỒNG MÁY CAI TRỊ.

Sự cai trị khối Đông-Pháp hoàn toàn trong tay tổ chức hành-chánh. Mọi chức vụ đều được giao phó cho các vị công-chức; ít khi một chính-trị-gia lại được cử giữ chức toàn-quyền

  1. Chế-độ hành-chánh.

Sự cai trị ba miền Việt-Nam đuợc thực hiện bởi một vị Khâm-sứ (résident supérieur) ở Trung-kỳ, một vị thống-sứ ở Bắc-kỳ, một vị thống-đốc ở Nam-kỳ, dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của vị toàn-quyền Đông-Pháp. Quyền-hành của các vị công-chức cao cấp này gần như vô-hạn: Paul Mus đã có thể nói là tất cả các sinh hoạt chính-trị và hành-chánh Vịêt-Nam đã bị tịch thu ([67]).

Toàn-quyền vừa đại diện cho Chính-phủ Pháp trước dân chúng và các quốc-gia bảo-hộ, vừa đại diện và bảo vệ các quyền lợi tổng quát của các lãnh-thổ mà ông phụ trách. Là nguyên-thủ chính-trị và hành-chánh, toàn quyền còn nắm trong tay hai quyền hành thường chỉ được dành riêng cho một quốc-trưởng: ông là người độc nhất có đủ tư cách để ban hành các đạo luật và các sắc-lệnh, tuy các đạo luật này có thể bị phủ nhận bởi Bộ-trưởng Thuộc-địa; ông được hưởng quyền ân-xá đối với các công dân Việt-Nam bị kết án bởi các tòa án bản-xứ. Trên nguyên tắc, vua Việt-Nam có quyền bác nghị hành-động lập-pháp của toàn-quyền, và trong vài trường hợp còn có quyền phê chuẩn nữa (ví dụ, pháp-chế lao-động), nhưng nhà vua không có quyền đề khởi dự-luật, ngoại trừ với đề nghị của Khâm-sứ. Nếu nhà vua vẫn tiếp tục ban bố những đạo dụ để qui định hành-chánh xứ Trung-kỳ, các đạo dụ này không có hiệu lực của những đạo luật thật thụ.

Về mặt tài-chính, quyền hạn của toàn-quyền cũng rất rộng rãi: ông thiết lập tổng ngân-sách Đông-Dương, mà ông cũng là chánh chuẩn-chi-viên, và các ngân-sách địa-phương. Chịu trách nhiệm về an-ninh nội-bộ và quốc-phòng của khối Đông-Pháp, toàn-quyền tùy ý sử dụng các lực-lượng quân-sự và có quyền công bố lệnh giới nghiêm. Bên cạnh toàn-quyền được đặt một Hội-đồng chính-phủ (Conseil privé), nhưng sự hiện diện của Hội-đồng này không hạn chế chút nào quyền hành của toàn-quyền, vì đây chỉ là một cơ-quan tư-vấn gồm 37 hội-viên trong số đó có 5 hội-viên người Việt mà Phủ toàn-quyền đã chỉ định ba rồi.

Quyền lực của toàn-quyền còn được thể hiện bởi sự tập trung các tổng-nha chuyên-môn (services généraux de  l’Indochine), dưới quyền điều khiển trực tiếp của Kinh-tế vụ, Nha Canh-nông, Nha Công-chính, Nha Bưu-chính, Nha Thương-chính, v.v…Các nha chuyên môn này bao trùm lên tất cả khối Đông-Pháp và được giao phó cho các vị Tổng Giám-đốc do toàn-quyền bổ nhiệm; các công-chức phục vụ trong các nha này được gồm vào một ngạch duy nhất cho tất cả Đông-Pháp, mà người Pháp gọi là “cadres des services civils de  l’Indochine”.

Quyền hành-chánh địa-phương ở trong tay các Thống-sứ, Khâm-sứ và Thống-đốc, chỉ chịu trách nhiệm trước Toàn-quyền mà thôi; trong lãnh hạt của họ, Thống-sứ Bắc-kỳ, Khâm-sứ Trung-kỳ và Thống-đốc Nam-kỳ có những quyền hành rất rộng rãi về mặt chính-trị, và tài-chính. Trong phạm vi mỗi xứ, các tỉnh được điều khiển bởi tỉnh-trưởng (chefs de province) ở Nam-kỳ, bởi các vị công-sứ (résidents de France) ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Nhưng đây chỉ là khác biệt về danh-từ mà thôi: khắp mọi nơi, các công-chức người Pháp nắm quyền hành thật thụ. Các tỉnh được chia thành những đơn-vị nhỏ hơn, giao phó cho quan-viên người Việt, nhưng họ không có thực quyền và không là gì hơn những thuộc-chức của chính-quyền hàng tỉnh Pháp. Các đô-thị thì hoàn toàn thuộc quyền kiểm tra và hành-chánh của người Pháp.

Mặc dầu trên nguyên tắc quyền tư-pháp đuợc phân biệt rõ rệt với quyền hành-chánh, chính-quyền xác định những trường hợp ngoại lệ còn cho phép gia tăng quyền hành của các nhà chức trách Pháp nữa. Toàn-quyền có thể quyết định thành lập những hội-đồng đề-hình đặc biệt (commission criminelles) tại Bắc-kỳ và Trung-kỳ để xét xử những tội trạng của dân an-nam-mít lien quan đến an ninh của xứ bảo-hộ hay đến sự khai thác thuộc-địa của người Pháp ([68]). Nếu ủy-ban hình-sự này gồm vị biện-lý của quản-hạt trong đó sự phạm pháp đã xảy ra, nó cũng còn gồm một sĩ quan và vị công-sứ của tỉnh nữa. Ngoài ra, Toàn-quyền có thể câu lưu trong vòng 10 năm những người Việt bị coi là “phá rối trật tự”; các nhà hành-chánh có quyền phạt những người trốn sưu thuế bằng những trừng phạt lên đến 5 ngày tù ở và 100 phật-lăng tiền vạ mà không cần  phải xét xử.

Song, chế-độ hành-chánh có tính cách một chế-độ cai trị gián tiếp ở ba trình độ: thôn-xã, các bang Hoa-kiều và các xứ đạo.

  • Chế-độ tự-trị truyền-thống của các đoàn-thể thôn-xã vẫn được duy trì. Các đặc điểm chính của sự cai trị bởi các hương-chức, cùng sự phân chia giữa dân làng các trách nhiệm về thuế má, sưu-dịch và quân-dịch vẫn tồn tại như trước khi người Pháp đến Việt-Nam.
  • Chế-độ tự-trị mà vua nhà Nguyễn dành cho Hoa-kiều truớc kia cũng được giữ lại: chính-phủ thuộc-địa để mặc các Hoa-kiều tự cai quản lấy qua tổ-chức ngũ-bang của họ (dịch ra tiếng Pháp là congrégations). Hình như các nhà hành-chánh Pháp ở Nam-kỳ không bận tâm lắm về sự tồn tại của các hội kín (như Thiên-địa hội) mà chế-độ tự-trị đặc biệt này cho phép có ([69]).
  • Các xứ đạo cũng được tự-trị một phần nào trong thực tế; những vấn đề về đất đai, về tổ-chức vệ-sinh hay giáo-dục, cũng như những vấn đề thuế má hay công sưu thường được giải quyết qua trung gian các vị cha sở. Trong hai vùng ở Bắc-kỳ tại đó đạo Thiên-chúa đuợc tổ chức vững chắc, là hai địa-phận Bùi-Chu và Phát-Diệm, các vị giám-mục thực sự điều khiển công việc hành-chánh thế tục.
  1. b) Các hội-đồng tư-vấn.

Ở mỗi trình độ chính-trị và hành-chánh, đuợc thiết lập những hội-đồng tư-vấn, mà nhiệm vụ không là gì ngoài việc cho ý kiến về những vấn đề hành-chánh.

Ở trình độ thấp nhất, nguyên-tắc tuyển-cử được áp dụng cho việc thành lập các hội-đồng kỳ-mục kể từ năm 1921 trở đi; năm 1927 ở Nam-kỳ, 1941 ở Bắc-kỳ và năm 1942 ở Trung-kỳ, các hội-đồng kỳ-mục được hiến những qui-chế rõ rệt, với mục đích cải thiện nền hành-chánh thôn-xã: biện pháp chính là giới hạn số hương-chức và hào-mục trong mỗi xã nhưng giao phó cho họ những trách nhiệm đích xác. Bổn phận chính của hội-đồng kỳ-mục là thu các loại thuế trực thâu cho chính-phủ trung-ương. Nhưng cuộc thí nghiệm này đã không thành công cho lắm, vì nó đã làm gia tăng nạn tham nhũng và nạn bè phái, là hai tệ đoan truyền-thống của sinh-hoạt thôn xã Việt-Nam ([70]).

Các hội-đồng hàng tỉnh được thành lập rất sớm (năm 1882 ở Nam-kỳ, 1886 ở Bắc-kỳ, 1913 ở Trung-kỳ); qui-chế của chúng nhiều lần được sửa đổi để hiến cho chúng một vai trò hữu ích trong tổ chức hành-chánh. Nhưng tuy các hội-đồng này có chút thực quyền trong việc biểu quyết các loại thuế má của tỉnh, chúng cũng vấp phải những khuyết-điểm căn-bản như các hội-đồng kỳ-mục.

Ở một trình-độ cao hơn, cũng có những hội-đồng có danh là đại-biểu nhưng sự thật chỉ có một vai trò hạn chế. Tại Hội-đồng Quản-hạt của xứ Nam-kỳ, các hội-viên người Pháp vẫn chiếm đa số (14 ghế trên 24); các hội-viên người Việt không đại diện cho toàn thể dân Nam-kỳ, vì họ chỉ được bầu bởi một cử-tri-đoàn hạn chế (chỉ khoảng một vạn người mới có đủ điều kiện thuế suất và học-thức để có tư cách tuyển-cử). Tại Bắc-kỳ và Trung-kỳ, cũng có hai hội-đồng dân-biểu, gọi là Bắc-kỳ và Trung-kỳ nhân-dân đại-biểu viện (Chambre des représentants du peuple), nhưng vai trò của các hội-đồng này hoàn toàn là một vai trò tư vấn; thêm nữa, chính-phủ bảo-hộ kiểm tra chặt chẽ các phiên họp: nội-qui phải được sự chấp thuận của chính-phủ, các sự thảo luận có tính cách chính-trị bị cấm đoán, các cuộc bàn cãi không thể được đăng tải trên báo chí và thời gian của khóa họp chỉ vỏn vẹn có mười ngày.

Trên đỉnh, được thành lập năm 1928 một Đại hội-đồng Kinh-tế và Tài-chính Đông-dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de  l’Indochine) để đại diện các dân chúng Đông-Dương bên cạnh Toàn-quyền. Hội-đồng gồm 51 hội-viên:

  • 28 hội-viên bầu bởi các công-dân Pháp.
  • 23 hội-viên bầu bởi các “dân bản-xứ” (thường 17 hay 18 hội-viên Việt-Nam, số còn lại là Cao-Mên và Lào). Nhưng chính-phủ thuộc-địa có thể vững dạ về “sự trung thành” của các đại diện bản-xứ này, nhờ cách thức đề cử họ – 18 hội-viên được bầu bởi các hội-đồng địa-phương ([71]) và các đoàn-thể nghề nghiệp ([72]), và 5 được chỉ định bởi Toàn-quyền – và nhờ sự kiểm tra chặt chẽ hoạt động của hội-đồng. Đại Hội-đồng Kinh-tế và Tài-chính có quyền bầu văn phòng và soạn thảo nội-qui, nhưng quan Toàn-quyền có thể tuyên bố triển hạn kỳ họp, nghĩa là không khác gì giải tán hội-đồng. Toàn quyền bắt buộc phải tham khảo ý kiến của Đại-hội-đồng về những vấn đề thuế-khóa, công-chánh và ngân-sách; nhưng các điều thảo luận muốn có hiệu lực phải được phê chuẩn bởi quan Toàn-quyền. Về mặt ngân-sách, Đại Hội-đồng không có thể gia tăng các kinh-phí rồi nâng cao các khoản thu để đáp ứng cho các kinh-phí này; ngược lại, Đại Hội-đồng cũng không thể cắt bỏ vài khoản chi tiêu không cần thiết trong ngân-sách và giảm bớt thuế má cho phù hợp với những sự cắt xén đó. Sau cùng, nếu có thể phát biểu nguyện vọng về mọi vấn đề tài-chính và kinh-tế, Đại Hội-đồng không được quyền phát biểu nguyện vọng chính-trị.
  1. c) Tổ-chức tư-pháp.

Trong một thời gian dài, tình trạng pháp-luật rất hỗn độn, và thủ-tục tố tụng trước các tòa án đại-hình cũng như dân-sự rất phức tạp và thường có khuynh hướng triển hoãn. Khi xứ Nam-kỳ mới bị chiếm cứ, hành-chánh quân-sự để cho các quan lại tiếp tục áp dụng pháp-luật nhà Nguyễn; cả các nhà hành-chánh người Pháp cũng sử dụng pháp-điển của vua nhà Nguyễn qua bản dịch của Aubaret, mặc dầu họ được phép áp dụng luật Pháp nếu họ nghĩ rằng như thế sẽ công bằng hơn. Với sự thiết lập chính-phủ dân-sự, nhiều cải cách về mặt tư-pháp được thực hiện: quan lại Việt-Nam được thay thế bởi những nhà hành-chánh Pháp, và hình-luật của Pháp trở thành căn bản của hình-pháp cho đến 1912, khi nó được sửa đổi để thích hợp hơn với các điều kiện địa-phương. Dân-luật của Pháp cũng được áp dụng bởi các tòa án, với vài sửa đổi ngay từ năm 1883.

Tình-trạng pháp-luật hỗn độn kéo dài hơn ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ; các luật lệ thời xưa để lại vẫn tồn tại bên cạnh luật lệ Pháp, cho đến khi một hình-sự tố-tụng-pháp được công-bố ở Bắc-kỳ vào năm 1917, một hình-luật năm 1921, một dân-luật năm 1931. Ở Trung-kỳ, nhà vua cũng công bố những sách luật do các nhà chuyên-môn Pháp soạn thảo: một hình-luật với một tố-tụng-pháp năm 1933, và một dân-luật gồm ba phần giữa năm 1936 và 1939. Tuy nhiên, đây chỉ là những luật lệ địa-phương và chỉ có thể áp dụng cho dân địa-phương mà thôi, còn người ngoài (ví dụ: một sinh-viên Trung-kỳ theo học trường Đại-học Hà-nội là một người ngoài đối với Luật Bắc-kỳ) phụ thuộc luật lệ riêng của xứ họ về những vụ tố-tụng, và luật lệ Pháp nếu là bị cáo trong những vụ hình-sự tố-tụng.

Về những khía cạnh đặc biệt của đời sống mới, như những vấn đề thương-mãi chẳng hạn, luật lệ nhà Nguyễn rất thiếu sót, trong khi luật lệ của Pháp thì lại không thích ứng với các điều kiện địa-phương; do đó, được ban hành những luật lệ tổng quát, có thể áp dụng cho toàn cõi Đông-Pháp, như pháp-chế điền-địa năm 1925 và pháp-chế lao-động năm 1936 ([73]).

Tính cách nhị-hợp của chế-độ pháp-luật cũng đưa tới tính cách nhị-hợp của chế-độ tài-phán. Bên cạnh các tòa án Việt-Nam, có những tòa án Pháp đặt dưới sự điều khiển của công-sứ. Các tòa Nam án là những tòa điều khiển bởi các quan tỉnh theo tổ chức tư-pháp của triều  Nguyễn ([74]); ở Nam-kỳ, cũng như trong ba nhượng-địa Đà-Nẵng, Hà-Nội và Hải-Phòng, các nhà hành-chánh ngồi xử án là người Pháp. Tuy nhiên ở Nam-kỳ kể từ năm 1921 trở đi, được bổ nhiệm nhiều vị thẩm-phán người Việt để xét xử theo hình-luật Pháp nhưng bằng tiếng mẹ đẻ của các nguyên và bị cáo.

Các tòa thượng-thẩm là những tòa án Pháp, vì thủ tục phúc thẩm duy nhất dưới chế-độ truyền-thống là thỉnh-nguyện kháng-cáo trình lên tới nhà vua. Có một thượng thẩm-viện ở Hà-nội, mà quyền quản hạt bao gồm Ai-Lao, Bắc-kỳ và miền bắc Trung-kỳ cho đến đèo Hải-Vân, và một thượng-thẩm viện ở Saigon, với quyền quản hạt bao gồm miền nam Trung-kỳ, Nam-kỳ và Cao-Mên. Một kháng-tố viện cho tất cả xứ Đông-Dương họp tại Saigon. Bên cạnh cũng có những hành-chính pháp-viện để xử những vụ tố tụng về hành-chánh; tham-chính viện của Pháp (Conseil d’Etat) là thẩm quyền tối cao để xét về sự vi phạm các quyền-lợi cá-nhân bởi chính-phủ thuộc-địa. Quyền tài-phán tối cao thuộc Đại-thẩm-viện ở Paris (Cour de Cassation).

Trừ ở Trung-kỳ, tại đấy quyền tài-phán của triều-đình đối với thần dân người Trung thường được tôn trọng bởi các tòa án Pháp, các phe tranh tụng có thể lựa chọn giữa các thẩm-phán người Pháp hay Việt; tuy nhiên, nếu một trong hai người tranh tụng không có Việt-tịch, quyền tài-phán bắt buộc phải thuộc tòa án Pháp. Ngoài ra, đối với những vấn đề hình-sự, các tòa án Nam-án chỉ có thẩm quyền đối với những người quê quán trong vùng mà thôi. Như thế, trong thực tế, người Pháp kiểm tra tổ-chức tư-pháp, và sự tham gia của người Việt trong lãnh vực tư-pháp rất là ít ỏi ([75]).

Để hỗ trợ cho các tòa án đại-hình, được tổ chức hai nha chuyên-môn cho tất cả khối Đông-Pháp: sở Hiến-binh (Gendarmerie) và sở Mật-thám Đông-Dương (Direction des Affaires Politiques et de la Sûreté Générale). Nhưng các nhiệm vụ cảnh-sát thường được giao phó cho sở Mật-thám; trên nguyên tắc, đây là một cơ quan công an, nhưng trong thực tế, công việc của sở Mật-thám không phải là điều tra các hình-phạm, mà là kiểm tra các vụ dính líu đến chính-trị. Nhân viên của sở tự coi là có bổn phận bảo vệ các quyền lợi của chính-phủ Pháp ([76]).

  • – CHẾ-ĐỘ THUẾ-KHÓA.

Để tổ chức sự cai trị, cần có tài-nguyên: chính-sách thuế-khóa của nhà cầm quyền Pháp ở Việt-Nam có mục đích đầu tiên là tỏ cho dư-luận Pháp, nhất là Hạ-Nghị-Viện, thấy rằng sự cai trị này có thể thực hiện được mà không cần đến sự tài-trợ của nước Pháp.

Ngay từ đầu, các đô-đốc Nam-kỳ đã đánh nhiều loại thuế lên xứ Nam-kỳ, và các loại thuế này phần nhiều đều nặng hơn thời xứ Nam-kỳ còn thuộc vua nhà Nguyễn. Thuế điền-thổ là 5 phật-lăng một mẫu vào năm 1864 đã tăng lên gấp đôi mười năm sau: 10 phật-lăng một mẫu vào năm 1873; thuế thân trên nguyên tắc là 2 phật-lăng mỗi dân đinh sẽ tăng lên 10 phật-lăng (16 nếu người dân muốn được miễn sưu-dịch). Bên cạnh các loại thuế chính thâu này còn một số thuế khác như thuế đánh lên thuyền bè, thuế môn-bài, thuế muối, thuế lưu-trú của Hoa-kiều, v.v…Các đô-đốc cũng lập những ngạch thuế mới như thuế rượu, thuế nha-phiến và thuế cờ bạc. Nhờ tổ chức thuế-khóa này mà xứ Nam-kỳ đã có thể đáp ứng rất sớm các khoản chi phí và vào năm 1876 còn có thể nộp cho công-khố Pháp một số thặng thu là 2.200.000 phật-lăng. Song, vì chế độ thuế má quá nặng, Le Myre de Vilers đã cố gắng thực hiện một sự phân phối công bình hơn: thuế điền-thổ được giảm xuống 3 phật-lăng và 1 phật-lăng tùy theo các hạng ruộng, và thuế thân được định là 3 phật-lăng mỗi người. Để bù đắp cho sự thất thu ngân-sách, một loại thuế được đánh lên sự xuất cảng gạo; thuế xuất cảng này không có ảnh hưởng nào đối với giới tiểu-nông, vì chỉ những đại thương-gia xuất cảng gạo mới phải trả mà thôi.

Từ năm 1885 đến đầu năm 1887, ngân-sách của chính-phủ Pháp cáng đáng mọi kinh-phí của các cơ quan dân-sự ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Nhưng kể từ 1-1-1887 trở đi, tất cả các kinh-phí này phải do ngân-sách địa phương đảm trách, chính-phủ Pháp chỉ cung hiến mỗi năm một khoản trợ-cấp nhất định cùng những bổ-sung-phí mà thôi. Sau năm 1892 bắt đầu một chế-độ mới: ngân-sách địa-phương không được hưởng trợ cấp nữa, nhưng chính-phủ Pháp chịu đựng mọi phí tổn quân-sự. Song, mặc dầu các thuế suất được nâng cao, ngân-sách của chính-phủ bảo-hộ vẫn luôn luôn thiếu hụt ([77]).

1888 1892 1894 1896
Thuế trực thâu 1.235.000$ 2.066.000$ 2.450.000$ 2.995.000$
Quan thuế 1.133.000$ 2.040.000$

(năm 1888, một đồng bạc ăn 4 đồng phật-lăng, năm 1897 chỉ còn ăn 2,45 phật-lăng mà thôi).

Để bù đắp cho các sự thiếu hụt, các vị Đại Trú-sứ sau Paul Bert đã phải đánh những loại thuế gián-thâu như ở Nam-kỳ và cho lãnh trưng các công tác chính-phủ.  Nhưng vào cuối năm 1895, chính-phủ Pháp phải đề nghị với Hạ-nghị-viện chấp thuận cho chính-quyền bảo-hộ vay một ngân-khoản 80 triệu để giải quyết tình trạng tài-chính.

Sự thiết lập chính-phủ toàn-quyền Đông-dương đòi hỏi phải có một tổ chức tài-chính thích ứng với thể-chế mới. Theo Sắc-luật 31-7-1898, tổng ngân-sách Đông-Dương sẽ cáng đáng các kinh-phí có lợi ích chung cho toàn khối Đông-Dương, còn các ngân-sách địa-phương sẽ được sử dụng cho các lợi ích riêng của mỗi xứ.  Để cung cấp tài-nguyên cho các ngân sách này, được quyết định rằng các ngân-sách địa-phương sẽ được thiết lập với các loại thuế trực-thâu cũ của triều Nguyễn, còn tổng ngân-sách của chính-phủ toàn-quyền sẽ do các loại thuế công-quản và thuế đoan.

a) Tổng ngân-sách Đông-Dương.

Được thiết lập 3 loại công-quản: thuốc phiện, rượu và muối. Công-quản nha-phiến dành cho chính-phủ bảo-hộ độc quyền mua và bán; sau khi được chứa trong những hộp gắn chặt và đóng dấu, thuốc phiện ty này được giao cho giới bán lẻ để phân phối cho người tiêu thụ. Số tiêu thụ được ước lượng là 160.000 kg, nhưng chính-phủ chỉ bán có 60.000 kg thôi, tức là có một sự buôn lậu rất hoạt động. Hầu hết thuốc phiện ty được tiêu thụ bởi Hoa-kiều và giai cấp giầu, cho nên công-quản nha-phiến không thất nhân-tâm cho lắm ([78]).

Trước năm 1898, dân chúng được tự do chưng cất rượu; năm 1902, hành-chánh bảo-hộ bắt buộc các nhà sản xuất, sau khi đã được Nha Thương-chính cấp cho giấy phép nấu rượu, phải đưa hết số rượu nấu ra bán cho cơ quan hành-chánh theo giá định bởi chính-phủ. Chính-phủ giữ độc quyền bán lại rượu ty, nhưng độc quyền này rất sớm được đặc nhượng cho những tư-nhân. Sự cung cấp rượu cho các tiệm bán lẻ ở Bắc-kỳ và miền bắc Trung-kỳ được giao phó cho hai công-ty Pháp: Société française de distillerie d’Indochine và Société des distilleries du Tonkin; hai công-ty này nhờ vậy đã có thể chiếm độc quyền nấu rượu. Việc bán rượu được tổ chức như sau: công-ty là tổng-cục; tại các tỉnh, mỗi tỉnh có một cục tổng phát hành (débitant général) đại diện công-ty; cục này bán rượu cho “cờ bài lớn” (débitant de gros), cờ bài lớn bán cho các “cờ bài nhỏ” (débitant de détail) là nơi bán lẻ cho giới tiêu-thụ. Những người được phép nấu rượu phải đem hết số rượu bán cho công-ty ([79]). Còn ở Nam-kỳ, rượu cũng được nấu bởi công-ty Pháp, nhưng do chính-phủ bán. Như thế, chính-phủ kiểm soát việc nấu rượu qua trung gian vài công-ty; nhưng do đó, chính-phủ đã giúp cho những công-ty có đặc quyền này thu được những món tiền rất lớn, trong khi dân chúng nấu rượu lậu bị trừng phạt nặng nề. Vì nhu cầu tài-chính, chính-phủ bảo-hộ ra lệnh cho các công-chức phải thúc đẩy sự tiêu thụ rượu ty: các công-sứ được cho điểm tốt nếu số rượu tiêu thụ trong tỉnh hạt của họ cao.

Công-quản muối được thiết lập năm 1903. Các người nấu muối phải đem toàn số nộp bán cho chính-phủ; giới tiêu thụ phải mua muối nhà nước sau khi muối này đã được đánh thuế (5 hào 100 kí-lô năm 1897, lên tới 2$25 100 kí năm 1907). Sự chở, dùng, mua muối lậu đều bị trừng phạt nặng-nề ([80]).

Số thuế thu được nhờ các loại công-quản này rất khả quan, như chúng ta có thể thấy qua bảng kê các nguồn tài-nguyên của tổng ngân-sách ([81]):

Năm Quan-thuế Công-quản Thuế trước-bạ Bưu-chính
1919 5.806.000 $ 33.944.000 $ 2.025.000 $ 1.115.000 $
1920 6.358.000 38.523.000 2.377.000 1.183.000
1921 11.205.000 42.473.000 2.740.000 1.365.000
1922 11.771.000 45.732.000 2.969.000 1.766.000
1923 10.800.000 47.881.000 2.965.000 1.948.000
1924 9.985.000 47.043.000 4.112.000 2.200.000

Trung bình, ba loại thuế công-quản cung cấp 70% số thu. Nhưng địa vị của các loại thuế này giảm đi nhiều qua các sự cải-tổ thuế khóa năm 1926, với sự gia tăng các thuế đoan, thuế trước-bạ, thuế bưu-chính và với sự thiết lập một sắc thuế tổng quát đánh lên các loại hàng nhập cảng: năm 1931, công-quản chỉ còn đưa về một số thu là 30.100.000 đồng trên một tổng ngân-sách là 110.000.000. Tổ chức công-quản đã làm lợi cho một số nhà kinh-doanh: nhờ lợi tức gia tăng đều đặn, Société francaise des distilleries de  l’Indochine đã có thể tăng lên gấp 16 lần tư-bản của nó trong vòng 20 năm (2.000.000 phật-lăng năm 1902, 33.000.000 năm 1924). Các công-ty này có một cường lực rất lớn, khiến chính-phủ bảo-hộ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện phế bỏ chế-độ công-quản. Năm 1928, toàn-quyền Pasquier đặt mua của một công-ty muối Pháp 450.000 tấn muối, và phải trả 4,50 $ một trăm kí, trong khi nhà nước chỉ trả 2,60 $ cho giới sản xuất muối Việt-Nam mà thôi.

  1. Ngân-sách địa-phương.

Ba xứ Bắc-kỳ, Trung-kỳ và Nam-kỳ đều có ngân-sách riêng, cung cấp bởi các loại thuế thân, thuế điền thổ, thuế môn-bài, thuế tư-ích, thuế thuyền bè. Số thu tăng lên đều đặn hàng năm ([82]):

1911 1916 1920 1926 1930
Bắc-kỳ 5.184.770 $ 7.829.500 $ 8.566.559 $ 10.505.595 $ 11.939.000 $
Trung-kỳ 2.731.456 3.611.151 3.834.668 4.908.445 5.811.513
Nam-kỳ 4,803.085 5.050.333 6.217.340 8.408.497 10.075.479

Hầu hết các loại thuế chính-cung, thuế thân và thuế điền-thổ là do dân Việt trả. Về thuế thân, cho đến năm 1921, chính-phủ bảo-hộ vẫn duy trì sự phân biệt giữa hạng nội-tịch (đồng niên mỗi đinh tráng 2$50) và hạng ngoại-tịch (đồng niên mỗi người 0$30). Kể từ năm 1921, sự phân biệt này được bãi bỏ, tất cả các đinh tráng từ 18 đến 60 tuổi phải trả 2$50 ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ, 7$50 ở Nam-kỳ. Trong thực tế, số thuế thu được tính gộp cho mỗi làng.

Thuế điền-thổ vẫn duy trì những đặc điểm truyền thống của nó. Các loại ruộng được chia làm nhiều hạng ở Bắc-kỳ:

  • ruộng nhất đẳng mỗi mẫu          1,50 $

ruộng nhị đẳng            “                      1,10 $

ruộng tam đẳng           “                      0.80 $

Các loại đất cũng được chia làm bốn hạng:

  • đất trồng thuốc lá, trầu, cau, dừa, mía mỗi mẫu          2,00 $
  • đất trồng dâu, vừng, chè, bông “                      0,50 $
  • đất trồng ngô, sắn, khoai, đậu, hoa quả, rau “                      0,30 $
  • đất hoang, bùn lầy, hồ ao “                      0,10 $

Nói chung, giới nông-dân phải chịu thuế nhiều nhất. Gourou ước lượng rằng một gia-đình Bắc-kỳ gồm 5 người và có 3 mẫu ruộng, nghĩa là thuộc hạng tương đối khá giả, phải chi tiêu đồng niên 80 đồng bạc vào năm 1934 ([83]); các chi phí được phân phối như sau:

  • thực-phẩm 50 $ (63% các chi phí)

Tết nhất                       12 $ (15%       “          )

Thuế má                      10 $ (12%       “          )

Còn trong vùng Thái-Bình, tại đó dân chúng rất nghèo khổ, một chủ gia-đình có 6 con mỗi năm phải chi tiêu 45$, trong số đó có 4,20 $ tiền thuế.

  1. – THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH-PHỦ BẢO-HỘ ĐỐI VỚI DÂN VIỆT-NAM.
  2. a) Qui-chế cá-nhân.

Mặc dầu xứ Nam-kỳ có một qui-chế khác với hai xứ Bắc-kỳ và Trung-kỳ – qui-chế thuộc-địa –, về qui-chế cá nhân không có gì khác biệt giữa dân chúng ba xứ này cả. Mỗi người dân Việt-Nam đều ở trong phận vị thổ trước (régime de I’indigénat); trong xứ, mỗi nguời đều phụ thuộc chế-độ sưu-dịch, và chỉ được quyền di chuyển nếu có thể xuất trình giấy căn-cước cấp bởi chính-quyền hàng xã. Mỗi người có thể bị bắt bỏ tù đến 5 ngày, bởi bất cứ một nhân-vật nào có quyền tài-phán, và thủ tục này được coi như có tính cách hành-chánh chứ không phải tư-pháp, nên không thể bị xét lại hay kháng cáo. Mỗi người có thể bị câu lưu vô hạn định và bị tịch thu tài-sản theo lệnh của quan Toàn-quyền, tuy trường hợp này có thể được xét lại bởi Bộ-trưởng Thuộc-địa ([84]).

Cả đối với những người sinh đẻ trên đất Pháp, qui-chế công-dân Pháp chỉ có thể đạt được bằng một thủ-tục nhập-tịch. Muốn có đủ tư cách để xin nhập Pháp-tịch, ứng-viên phải chứng tỏ là mình có một trình độ đồng-hóa cao. Được coi là đồng-hóa, những người được nhận làm con nuôi trong một gia-đình Pháp, hay kết hôn với một công dân Pháp, hay có một chứng chỉ của một trường trung học Pháp, hay sau hết phục vụ trong quân-đội Pháp. Sự sinh đẻ trong một xứ đạo (chrétienté) hay sự cải giáo theo đạo Thiên-chúa, cũng được coi là những chặng trên con đường đồng-hóa. Các chức vụ cao cấp trong nền hành-chánh xứ Nam-kỳ và trong các nha sở chuyên môn Đông-Dương, cũng như chức hội-viên các hội-đồng đại-biểu, chỉ được dành cho những người có qui-chế công-dân (citoyen). Nhưng các sự nhập-tịch rất là ít ỏi: năm 1937, chỉ có 29 người được nhập Pháp-tịch và năm 1938, 58 người; năm 1937, trong cả ba xứ Việt-Nam, chỉ có 2.555 người nhập Pháp-tịch (naturalisés français) mà ba phần năm ở Nam kỳ ([85]).

b) Địa vị của người Việt trong các cơ-quan hành-chánh.

Phần mà chính-phủ bảo-hộ dành cho người Việt trong sinh hoạt hành-chánh rất là hạn chế. Cho tới năm 1927, người Việt chỉ có thể lựa chọn giữa hai tình trạng: hoặc nhận những chức vụ hạ cấp trong các cơ quan hành-chánh Pháp, như tham-biện, phán-sự, thông-ngôn, ký-lục, lính cảnh-sát, thuộc viên thương-chính, v.v…, hoặc gia nhập ngạch quan lại truyền-thống. Số các thuộc-viên người Việt trong các cơ quan hành-chánh của chính-phủ bảo-hộ đã tăng từ 12.200 người năm 1914 lên 23.600 người năm 1929; nhưng họ chỉ lập nên một ngạch nhân-viên đặc biệt, bổ túc cho ngạch công-chức Pháp mà thôi ([86]). Đa số các thuộc-viên này lại có học thức kém cỏi và ít thanh liêm; họ không quan tâm đến việc giữ một vai trò trung gian đứng đắn giữa dân Việt và người Pháp, chứ đừng nói đến chuyện bảo vệ quyền lợi nước nhà.

Sự bổ nhiệm vào ngạch quan lại truyền-thống từ đầu căn cứ trên sự tín nhiệm của chính-phủ bảo-hộ, chứ không căn cứ trên khả năng. Vả lại, chính-phủ bảo-hộ cũng không ngần ngại ban phẩm hàm của ngạch quan lại này cho các viên thông-ngôn hay thư-ký trung thành với chính-quyền: nhà cầm quyền Pháp muốn “Âu-hóa ngạch quan lại bằng cách ban chức quan cho các người giúp việc của mình” ([87]). Sự thật thì các quan viên đã mất tất cả quyền hành; chính-phủ bảo-hộ cố ý loại bỏ những người có khả năng và bản lĩnh, có thể cản trở ảnh hưởng hành-chánh của Pháp. Những người được giữ lại thường là những kẻ vô tài và chỉ được coi như là những “hộp thư” hành-chánh. Ở Nam-kỳ, chế-độ trực-trị chỉ chấp nhận sự hiện diện của những “chức-vụ hành-chánh bản xứ” trong phạm vi các tỉnh mà thôi: các đốc-phủ-sứ, tri-phủ, tri-huyện chỉ là những phụ tá của nhà hành-chánh Pháp. Ở Trung-kỳ nền hành-chánh truyền-thống bị kiểm tra ở các tỉnh-lỵ bởi các vị công-sứ Pháp, và ở Huế, triều-đình chỉ là một dụng cụ trong tay vị Khâm-sứ. Ở Bắc-kỳ, nền hành-chánh Việt-Nam còn phụ thuộc hành-chánh Pháp chặt chẽ hơn nữa; tuy các tổng-đốc và tuần-phủ tiếp tục điều khiển công việc của tỉnh, người cầm quyền thật thụ là công-sứ Pháp: công-sứ trực tiếp kiểm tra các tri-phủ và tri-huyện, chứ những quan viên này không thuộc quyền quan tỉnh nữa.

Trong tất cả giai-đoạn bảo-hộ, một nguyên tắc chính được áp dụng là không một người dân Việt nào, dù cho có đầy đủ khả năng chuyên môn mấy đi nữa, lại có thể giữ một chức vụ cao cấp trong tổ-chức hành-chánh Đông-Dương: có trường hợp những người tốt nghiệp với thứ hạng cao sau khi theo học các trường danh tiếng ở Pháp, khi trở về đã phải làm việc dưới quyền những người Pháp có kiến thức chuyên môn thấp kém hơn, và chỉ được trả lương bổng bằng một phần năm lương trả cho một người Pháp làm cùng một việc ([88]). Mặc dầu có sự cố gắng dành cho người Việt một địa vị xứng đáng hơn với khả năng của họ trong sinh hoạt hành-chánh, như dưới thời các toàn-quyền Varenne, Pasquier, hay Brévié, chính-quyền bảo-hộ có khuynh hướng bổ nhiệm công-chức người Pháp ngày một nhiều, kể cả vào những chức vụ trung-cấp và hạ-cấp nữa. Năm 1937, để cai trị một dân-số Đông-Dương không tới 30 triệu người, chính-phủ bảo-hộ đã dùng đến 4.654 công-chức người Pháp, trong khi Anh-quốc đã chỉ có 1.400 công-chức người Anh để cai trị một xứ Ấn-Ðộ có một dân số đông gấp mười lần ([89]). Người ta có cảm tưởng là chính sách của nước Pháp nhằm mục đích tìm việc làm cho các phần-tử của giai-cấp trung-lưu Pháp, hơn là thực hiện lợi ích chung của thuộc-địa và mẫu-quốc ([90]).

Người dân Việt không có gì để đối chọi lại quyền hành của các cơ-quan hành-chánh: chúng ta đã thấy những giới hạn đối với sự tham dự của người Việt vào sinh hoạt chính-trị ([91]); các quyền tự do căn bản cũng lại vắng mặt. Không có tự do báo chí; muốn ra báo phải xin phép trước và phải có bảo chứng; các tờ báo lại phụ thuộc chế-độ kiểm-duyệt và có thể bị đình bản bất cứ lúc nào. Không có tự do hội họp và lập hội; không có tự do di chuyển giữa các xứ Đông-Dương; sau cùng, cũng lại không có tự do tư tưởng nữa.

Nhưng sự tập-trung quyền-hành quá rộng lớn cho thấy tổ-chức hành-chánh chứa đựng nhiều nhược điểm. Trước hết, số công-chức quá đông khiến các ngân-khoản dành cho lương bổng và các phụ-cấp chiếm một phần lớn của ngân-sách. Sau nữa, nhiều khi sự bổ nhiệm là kết quả của một sự gửi gắm, và người được bổ lại không có khả năng tương ứng với chức vụ. Thiếu chọn lọc, có một số công-chức không đủ khả năng đã đành, mà lại còn coi thời gian phục-vụ tại Việt-Nam như là cơ hội để làm giàu. Một trường hợp thường được nhắc tới là trường hợp của công-sứ Darles, đã cai trị một cách tàn bạo đến nỗi tất cả tỉnh Thái-Nguyên đã nổi loạn. Song, cũng có những nhà hành-chánh Pháp thành thật nghĩ đến quyền lợi của dân Việt, như kỹ-sư Minault đã được một nhóm làng ở Bắc-kỳ lập miếu thờ sau khi ông chết, vì nhờ công trình dẫn thủy nhập điền của ông mà họ được sung túc.

  1. Đường lối cai trị của các vị toàn quyền.

Trước khi rời Việt-Nam vào năm 1902, Paul Doumer đã để lại cho xứ Đông-Dương thuộc Pháp một tổ-chức hành-chánh vững chắc; nhưng trong chương-trình hoạt-động của ông đã không có một phần nào được dành cho các mối chuyên tâm xã-hội: trong quyển hồi ký L’Indochine française của Paul Doumer, không có lấy một hàng đề cập đến chính-sách đối với người bản-xứ. “Đây là một giai đoạn thống-trị trong đó vấn đề dân bản-xứ không được đặt” ([92]).

Sau Paul Doumer, đường lối cai trị của chính-phủ bảo-hộ trên đất Việt-Nam cũng không phải là một chính-sách mạch lạc và lien tục, mà là một sự luân phiên giữa những giai đoạn tương đối tự do và những giai đoạn đàn áp, dưới ảnh hưởng của các biến cố bên ngoài và các sự dao-động nghị-viện ở Paris ([93]).

  • Paul Beau (tháng 10/1902-tháng 2/1908) muốn lấy lòng giai cấp thượng-lưu Việt-Nam bằng một sự chinh phục tinh-thần (conquête morale). Ngày 28-3-1905, ông tuyên bố là: “bây giờ đã đến lúc phải thay thế chính-sách thống-trị bởi một chính-sách liên-hiệp”. Ông tạo lập năm 1907 Hội-đồng tư-vấn bản-xứ ở Bắc-kỳ và các hội-đồng hàng tỉnh. Ông cố gắng phát triển ngành y-tế, cho đến bấy giờ chưa được tổ chức, và giáo-dục, cho đến khi đó chỉ giới hạn trong việc đào tạo các thư-ký và thông-ngôn. Một Ty Y-tế bản-xứ được thành lập với nhiều nhân-viên chuyên môn. Một Nha Học-chính (Direction de l’Enseignement) cũng được thiết lập và, đồng thời, Paul Beau quyết định mỗi năm sẽ gửi qua Pháp du-học một số quan-viên và công-chức. Năm 1906, được khánh thành Đại-học Đông-Dương (Université Indochinoise), có nhiệm vụ giúp giai cấp thượng-lưu bản-xứ làm quen với tư tưởng Pháp.

Nhưng trong nhiệm-kỳ của Paul Beau, nhiều khó khăn kinh-tế hiện ra, vì mất mùa lien tiếp, bão lụt, đồng bạc Đông-Dương mất giá và ngân-sách thiếu hụt. Giới người Pháp ở Việt-Nam đổ lỗi những khó khăn này cho chính-sách bản-xứ của toàn-quyền.

  • Klobukowski (tháng 9/1908-tháng 1/1910) áp dụng một chính-sách dùng cường quyền: Đại-học bị đóng cửa, các hội-đồng đại-biểu và Nha Học-chính bị bãi bỏ.
  • Albert Sarraut (1911-1919). Sự đe dọa của Nhật bản khiến chính-phủ Pháp huớng tới một chính-sách rộng rãi hơn ở Đông-Dương, và giao phó sự thực hiện chương-trình này cho toàn-quyền Albert Sarraut. Do các sắc luật ngày 20-10-1911, Sarraut được hiến những quyền hành rộng rãi, và có thể cai trị bằng những nghị-định do chính ông ban hành. Chính-sách của Sarraut căn cứ trên “nguyên tắc lien kết và sự thực thi chế-độ bảo-hộ một cách trung thực” ([94]). Hội-đồng cao-đẳng đặt bởi Doumer bên cạnh quan toàn-quyền trở thành Hội-đồng chính-phủ (Conseil de Gouvernement) và có 5 hội-viên người bản-xứ. Đồng thời, Sarraut cũng thiết lập Hội-đồng tư-vấn và các Hội-đồng hàng tỉnh ở Trung-kỳ, cùng tổ chức lại các Hội-đồng ở Bắc-kỳ bằng cách mở rộng thêm cử tri đòan. Để phát triển ngành y-tế, nhiều bệnh-viện, nhà hộ-sinh, nhà chẩn-y, được xây cất khắp nơi. Sarraut cũng tổ chức lại nền học-vấn: nếu các kỳ thi hương được bãi bỏ năm 1915 ở Bắc-kỳ và năm 1918 ở Trung-kỳ, tổ chức học-vụ mới muốn thay thế nền giáo-dục truyền-thống bằng một sự phổ biến chương trình học bằng tiếng Pháp. Trường Trung-học ở Hà-Nội được mở cho học-sinh người Việt, và Đại-học Hà-Nội hoạt động lại kể từ năm 1917.

Chính-sách rộng rãi của Albert Sarraut vấp phải sự chống đối của giới kiều-dân Pháp. Một chiến dịch đả kích Sarraut được cầm đầu bởi một nhà trồng đồn-điền có nhiều thế lực, de Montpezat, đại biểu Trung-kỳ tại Hội-đồng Chính-phủ. Điều mà người ta trách cứ Sarraut nhiều nhất là ông đã hiến điều kiện dễ dãi cho người Việt theo học Trung-học và Đại-học, và như thế chuẩn bị cho sự loại người Pháp ra khỏi Việt-Nam.

Trước khi rời Đông-Dương, Albert Sarraut trong các bài diễn-văn đã hứa sẽ có nhiều cải cách quan trọng; do đó, dư-luận Việt-Nam chờ đợi ở chính-phủ một chính-sách mới.

  • Maurice Long (1920-1922) tiếp tục đường lối cai trị của Sarraut, nhưng một cách rụt rè hơn. Ông để ý nhiều đến giáo-dục: ông phát triển các trường sư-phạm và đem các giáo-sư thạc-sĩ từ Pháp qua dạy. Ông cũng tổ chức lại Hội-đồng Quản-hạt Nam-kỳ bằng cách gia tăng số đại-biểu người Việt từ 6 lên 10 người; các chức vụ hành-chánh được mở cho người Việt nhưng, với mục đích trấn an giới kiều-dân Pháp, các công-chức người Việt không được nhập ngạch công-chức Pháp, mà một ngạch tương đương (cadres latéraux) được thành lập cho họ; mặt khác, các phụ-cấp của công-chức Pháp được gia tăng.

Đường lối mặc dầu rất ôn hòa của Maurice Long cũng gặp sự chống đối của người Pháp, nhất là sự chống đối của các công chức các Nha chuyên-môn. Sự phản ứng này được thuận lợi vì có một giai đoạn xử-lý thường-vụ toàn-quyền rất dài, từ tháng tư năm 1922 đến tháng tám năm 1923.

  • Martial Merlin (1923-1925) tượng trưng cho sự trở lại một chính-sách chật hẹp: vì giai-cấp thuợng-lưu Việt-Nam bắt đầu xác định các nguyện vọng và đòi hỏi, cơ-quan hành-chánh cho rằng tổ chức trung-học và đại-học đã không đáp ứng được mục tiêu của nó, nên phải phát triển giáo-dục tiểu-học mà thôi, để đào tạo các thuộc viên của các cơ-quan hành-chánh. Sự mưu toan ám sát toàn quyền Merlin nhân một bữa tịêc ở Quảng-Châu cũng đưa đến những biệnpháp đàn áp.
  • Alexandre Varenne (1925-1928) trở lại một chính-sách cai trị rộng rãi: các hội-đồng tư-vấn ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ được đổi thành hội-đồng dân-biểu; người Việt có bằng cấp được giao phó ngang hàng với người Pháp những chức-vụ điều hành trong tổ-chức hành-chánh bảo-hộ. Nhiều biện pháp được ban hành để giúp đỡ và che chở giới nông-dân và thợ thuyền, nhất là công-nhân các sở đồn-điền. Để thống nhất chương trình học vấn, một nha Thanh-tra học-chính được thành lập; ở cấp tiểu-học, chữ quốc-ngữ thay thế tiếng Pháp trong việc giảng dạy. Đại-học Hà-Nội được tổ chức lại, với một trường Luật đào tạo các cử-nhân luật-khoa, và một trường thuốc đào tạo các y-sĩ. Y-tế hoạt động mạnh: năm 1928, các viện Pasteur tổ chức một chiến dịch chủng ngừa dịch-tả đã có thể tiêm thuốc cho 12 triệu người trong vòng vài tháng.

Chương trình quảng đại của Varenne lại gây một phản ứng mạnh trong các giới thuộc địa, và họ đã phát động một phong-trào báo chí rộng rãi để đả kích toàn quyền.

  • Pierre Pasquier (1928-1934) đã là một công-chức của các Nha chuyên-môn của nền hành-chánh Đông-Dương; sự bổ nhiệm ông được coi như là sự thắng thế của phe thuộc-địa. Tuy nhiên, vào năm 1928, ông thiết lập Đại hội-đồng Kinh-tế và tài-chính Đông-Dương, để thực hiện sự đại-diện của các dân chúng bên cạnh quan toàn-quyền. Song, về mặt xã-hội, nhiều biện pháp nghiêm khắc được công bố: thể-chế thanh-tra lao-động thiết lập bởi Varenne bị phế bỏ và thay thế bởi một sở Kinh-tế vụ; mọi công-nhân bản-xứ phải xuất trình một tiểu-bạ mang dấu khán của công-an và chữ ký của cơ-quan hay công-ty sử-dụng; năm 1933, được quyết định là các phu đồn-điền bỏ sở làm trước khi khế-ước mãn hạn sẽ bị bỏ tù hai tháng. Cũng vào năm 1933, sự cấm đoán việc kết lập hội-xã trở nên chặt chẽ hơn trước.
  • Robin (1934-1936) được cử làm toàn-quyền kế tiếp Pasquier là nhân vật đã thẳng tay đàn áp phong-trào nông-dân Nghệ-An những năm 1930-1931. Sự bổ nhiệm này chứng tỏ rõ rệt rằng mục tiêu chính-trị của chính-phủ Pháp, hơn bao giờ hết, là sự củng cố chế-độ thuộc-địa.
  • Brévié (1936-1939) trở lại một chính sách rộng rãi hơn. Ngay từ đầu, ông ân xá và trả tự do cho một số những tội nhân chính-trị. Khai mạc khóa họp của Đại-hội-đồng Kinh-tế và Tài-chính Đông-Dương năm 1937, ông công bố quyết định cải tổ chế-độ thuế-khóa cho phù hợp với tình-trạng xã hội hơn. Thuế thân đồng hạng cũ được thay thế bởi những loại thuế lợi-tức: ở Bắc-kỳ, thuế ấy là 1$ cho những lợi-tức dưới 120$ và lên tới 220$ cho những lợi-tức trên 6000$. Năm 1939, trên số 2.196.932 người nộp thuế ở Bắc-kỳ ([95]).

   483.136 người chỉ trả 1$ tiền thuế

                  1.502.447 người trả 2,50$

                            114 người trả 250$

Dân chúng cũng được quyền tự do nấu rượu, với điều kiện được cơ-quan hành-chánh cho phép và bán rượu với điều kiện được cơ-quan hành-chánh cấp môn bài. Các thể thức nhập Pháp-tịch được mở rộng: những người dân Việt tốt nghiệp trường Polytechnique hay có bằng tiến-sĩ và cử-nhân văn-chương, khoa-học, luật-khoa, hay bác-sĩ y-khoa, cùng các sĩ-quan bộ-binh và hải-quân đương nhiên có quyền nhập Pháp-tịch. Riêng ở Nam-kỳ, quyền tự do báo chí và quyền tự do kết xã được nhìn nhận.

Nhưng, khi đệ-nhị thế-chiến sắp sửa bùng nổ, tình hình chính-trị ở Việt-Nam đã trở nên sôi nổi.

THƯ-MỤC SƠ-LƯỢC

BAUDRAIS G., La politique coloniale française en Indochine. Paris, 1920, 191 tr.

BETTS Raymond F., Assimilation and association in French colonial theory, 1890-1914. New York. Columbia U.P., 1960, ix-224 tr.

BRUNSCHWIG H., La colonisation française. Du pacte colonial à l’Union française. Paris, Calmann-Lévy, 1949, 301 tr.

BRUNSCHWIG H., Mythes et réalités de l’impérialisme colonial français, 1871-1914. Paris, A. Colin, 1960, 204 tr.

DECAUX F., Les pouvoirs du gouverneur général de l’Indochine. Lille, 1919, 107 tr.

DOUMER P., L’Indochine française.  Souvenirs. Paris, 1905, xvi-392 tr.

DUBREUIL L., Paul Bert. Paris, Alcan, 1935, 288 tr.

ENNIS Thomas E., French policy and developments in Indochina. Chicago, Univ. Of Chicago Press, 1936, vi-230 tr.

GALEMBERT  J. de, Les administrations et les services indochinois. Hanoi, 1924, 888 tr.

HARDY G., La politique coloniale et le partage de la terre aux XIXè et XXè siècles. Paris, A. Michel, 1937, 500 tr.

LEBEL G., Deux aspects de I’évolution du protectorat français en Annam-Tonkin. La représentation et I’administration indigène. Paris, 1932, 200 tr.

PINTO R., Aspects de l’évolution gouvernementale de l’Indochine française. Accès aux fonctions publiques. Institutions représentatives. Libertés individuelles. Constitution. Lois, règlements. Saigon-Paris, 1946, 201 tr.

ROBERTS Stephen H., History of the French colonial policy, 1870-1925 London, 1929, q. II.

SALAUN L., L’Indochine. Paris, 1903, xxxv- 436 tr.

TOUZET A., Théorie du régime législatif indochinois. Paris, 1932, x-92 tr.

TOUZET A., Fédéralisme financier et finances indochinoises. Paris, 1935, 190 tr.

***
CHƯƠNG II

SỰ KHAI-THÁC KINH-TẾ

Sự đô-hộ của người Pháp đã cho phép ghép vào tổ chức kinh-tế truyền-thống những hình thức khai-thác tài-nguyên thiên-nhiên mới có tính cách tư-bản. Nhưng sự can thiệp của Pháp vào đời sống kinh-tế Việt-Nam được thể hiện dưới hai khía cạnh:

  • một khía cạnh công: nhà cầm quyền Pháp, với những phương-tiện tài-chánh mà thuế-má và các khoản công-trái hiến cho, đặt hạ-tầng cơ-sở kinh-tế (hệ-thống giao-thông, hải-cảng, công-trình thủy-nông, v.v…)
  • một khía cạnh tư: tư-nhân xuất vốn để kinh doanh trong các lãnh-vực nông-nghiệp, kỹ-nghệ, ngoại-thương, và do đó, tạo nên những hoạt-động kinh-tế mới.

 

  1. – CÔNG-CỤ GIAO-THÔNG.

a) Hệ-thống giao-thông.

Đường xe lửa, ngay từ đầu, được coi như là dụng-cụ cần thiết cho sự khai-thác xứ Đông-Dương. Chương-trình thiết lập năm 1898, gọi là chương-trình Doumer, dự trù sự thực hiện một hệ-thống chung gồm một đường xe lửa xuyên Đông-Dương (Transindochinois) nối liền Hà-Nội với Nam-Vang, và một đường xe lửa xâm nhập tỉnh Vân-Nam. Song, xứ Đông-Dương không đủ tài-nguyên để tự cáng đáng lấy các kinh-phí gây nên bởi sự thiết lập hệ-thống đường hỏa-xa này; công-trình hỏa-xa chỉ có thể thực hiện với những công-trái mộ ngay tại Pháp. Sự thực hiện rất là chậm chạp, năm 1902, mới chỉ có hai khúc hoạt động – khúc thứ nhất nối Saigon với Mỹ-Tho, và khúc thứ hai nối liền Hà-Nội với Lạng-Sơn. Phải đợi đến năm 1921, sau khi một đạo luật cho phép phát hành một khoản công-trái 6.000.000$, các công tác mới tiến hành mau hơn được.

Năm 1939, hệ-thống đường xe lửa có một chiều dài tổng công là 2.997 km ([96]), chia làm hai phần:

–    phần thứ nhất, dài 2.136 km do chính-phủ bảo-hộ quản-trị, và nối liền Hà-nội với Saigon qua Vinh, Huế, Đà-nẵng và Nha-trang; ngoài ra, còn có hai nhánh đưa tới Đà-lạt và Lộc-ninh, để giải-tỏa các đồn điền cao-su tại đây.

  • phần thứ hai, có một chiều dài là 850 km, nhưng chỉ có 384 km trên lãnh-thổ Việt-Nam mà thôi, nối liền Hải-Phòng và Hà-Nội với Lao-Kay và Vân-Nam phủ; con đường xe lửa Hải-Phòng – Vân-Nam này được đặc nhượng cho một công-ty tư-nhân thành lập năm 1901, Compagnie française du Chemin de Fer du Yunnan.

Song song với đường xe  lửa, cũng được thiết lập một hệ-thống đường sá, mà chiều dài vào năm 1939 là 23.987 km gồm có 17.500 km lát đá và 5.000 km trải nhựa ([97]). Cho đến năm 1912, hệ-thống đường sá bị bỏ quên vì chính-quyền chú trọng tới đường xe lửa hơn, và sự phát triển của hệ-thống này chỉ có thể có được với sự cố gắng dưới thời toàn-quyền Albert Sarraut: một kế hoạch tổng quát được vạch ra để phối hợp các công-tác công lộ với nhau, và năm 1918, một nghị-định phân biệt hai loại lục lộ: 21 đường thuộc-địa (routes coloniales) bảo trì và thiết lập với Tổng ngân-sách Đông-Dương, do các kỹ-sư của Nha Công-chánh, và các đường địa-phương (routes régionales) do mỗi xứ Bắc-kỳ, Trung-kỳ và Nam-kỳ phụ trách.

Đường thuộc-địa số 1, được vạch theo con đường thiên-lý của nhà Nguyễn, là bộ-phận chính của hệ-thống đường sá này, và nối Hà-Nội với Saigon. Ở Bắc-kỳ, các đường thuộc-địa số 2, 3, 4, cho phép Hà-Nội lien lạc với miền thượng-du, đường thuộc-địa số 5 đi từ Hà-Nội đến Hải-Phòng. Ở Trung-kỳ, 6 đường hoành-lộ chính xuyên qua dãy Trường-sơn để đưa sang Ai-Lao và Cao-Mên. Ở Nam-kỳ, ba đường thuộc-địa nối liền Saigon với Vũng-Tàu, Dalat, Mỹ-Tho, Vĩnh-Long, Bạc-Liêu và Cà-Mau. Bên cạnh hệ thống đường thuộc-địa, các con đường địa-phương, rất trù mật trong hai vùng châu-thổ Bắc-kỳ và Nam-kỳ, cho phép các tỉnh lỵ của các đơn vị hành-chánh lien lạc với các trung-tâm đô-thị quan trọng.

Chính-phủ bảo-hộ, như thế, đã cố gắng phát triển hệ-thống giao-thông đường bộ. Từ 1900 đến 1935, một ngân khoản là 145.800.000 đồng đã được sử dụng cho sự thiết lập đường xe lửa, còn 44.900.000 đồng đã được dành cho đường sá. Nhưng, khi lập những hệ-thống giao thông này, chính-phủ bảo-hộ đã chú trọng đến các nhu cầu chính-trị nhiều hơn là đến lợi hại kinh-tế: hoạch-đồ của các đường xe lửa hay đường cái nhiều khi không hợp lý và thường trùng với các giang-lộ. Giá chuyên chở hàng-hóa bằng đường biển rất rẻ, thành thử đường xe lửa và đường cái không giữ vai trò quan trọng trong việc vận-tải hàng-hóa. Tổng-số hàng hóa chuyển vận bởi hỏa-xa là 450.000 tấn năm 1913 và chỉ lên tới 1.118.000 tấn năm 1929 ([98]). Số hành khách dùng xe lửa tuy đông nhưng giới hạn trong không-gian; lộ-trình trung bình của mỗi hành khách chỉ là 39 km năm 1913, và 46 km năm 1936. Vì thế, sự khai thác đường xe lửa không đưa lại nhiều lợi tức cho lắm, trừ đường Hải-Phòng – Vân-Nam  từ đầu đã có một cán cân thương-mãi tốt đẹp. Sự thiết lập và bảo trì hệ-thống đường xe lửa đã là một gánh nặng tài-chính.

Song, mặc dầu ít lợi về phương diện kinh-tế, tổ-chức hỏa-xa lại hiến cho dân Việt nhiều lợi ích về phương diện xã-hội. Sự quản trị các đường xe lửa gần như được đặt trong tay người Việt (20.149 nhân-viên người Việt, 281 nhân-viên người Pháp); lương bổng rất cao, chiếm phần lớn các kinh-phí khai-thác, qui-chế lao-động được áp dụng khá sớm trong lãnh-vực hỏa-xa (ngày làm việc 8 giờ được quyết định từ năm 1936). Sau hết, từ 1936 đến 1940, số lượng vận tải tăng lên gấp ba lần: số hành khách tăng từ 291.000 lên 795.000 hành-khách/cây số và số hàng-hóa chuyển vận từ 52.550 lên tới 237.000 tấn/cây số.

Kinh-phí bảo-trì hệ-thống lục-lộ (6.600.000$) là một trong những điều mục nặng nhất của ngân-sách; để bù lại, chỉ có những loại thuế đánh lên nhiên-liệu tiêu thụ bởi các loại xe hơi. Các loại xe du-lịch đều thuộc người Pháp, cho nên người ta đã có thể nói là các con đường bộ này được thiết lập cho người Pháp sử dụng. Nhưng khối dân chúng cũng lợi dụng được các sự chuyên chở công cộng. Năm 1933, vào khoảng 2.000 xe chuyên chở công cộng đã vận chuyển từ 40 đến 50 triệu hành-khách ([99]).

b) Các hải-cảng.

Sự thiết lập hệ-thống giao-thông đường bộ đã củng cố và phát triển vai trò của các trung-tâm đô-thị cũ, chứ không tạo nên những trung-tâm mới. Song, tới Việt-Nam bằng đường biển, người Pháp cần phải thiết-trí những hải-cảng có thể tiếp nhận các tàu biển; tuy nhiên, hai thương-cảng mà người Pháp tạo nên lại được đặt ở trên những con sông: Saigon cách biển 80 km và Hải-Phòng, 40 km ([100]).

Saigon được mở ra cho sự thong thương từ năm 1860, khi quân Pháp bắt đầu chiếm cứ Nam-kỳ và đã trở thành một trong những thương-cảng quan trọng nhất ở Viễn-Đông ([101]); với những sự bố trí của nó, Saigon có thể tiếp nhận cùng một lúc 40 chiếc tàu trọng tải nặng.

Năm 1939, Saigon đứng hàng thứ bảy trong số các thương-cảng của đế-quốc Pháp, với sự vận chuyển 3.000.000 tấn hàng và với 2.000 sự xuất nhập của tàu biển thuộc mọi quốc-tịch.

Hải-Phòng là một đô-thị mới; được mở cho sự thong thương bởi hiệp-ước 1874, thương-cảng này đã được sử dụng làm nơi đổ bộ và tiếp tế của quân-đội viễn chinh. Dần dần, được xây cất các bến tàu và kho hàng, và thương-cảng được nối liền với tỉnh Vân-Nam bởi đường xe lửa: năm 1939, Hải-Phòng thực hiện 23% các sự xuất nhập cảng của xứ Đông-Dương. Song thương-cảng này có nhiều bất tiện vì ra vào khó khăn và quá nhiều bùn lầy: việc vét bùn mỗi năm chiếm một kinh-phí quan trọng ([102]).

Sự phát triển của hai thương-cảng Saigon và Hải-Phòng làm giảm hoạt-động của các thương-khẩu như Đà-Nẵng, Qui-Nhơn, Hội-An, Nha-Trang, v.v…trước kia mậu dịch trực tiếp với Trung-Hoa và Mã-Lai. Vai trò của chúng bây giờ giới hạn trong việc hải-hành cận duyên. Hòn-Gay và Cẩm-Phả mỗi năm xuất cảng 1.700.000 tấn than đá.

Tuy nhiên, Hải-pPòng cũng như Saigon chỉ là những thương-cảng có tính cách địa-phương, vì chúng nằm quá xa các con đường hàng-hải chính miền Viễn-Đông. Chính-phủ bảo-hộ muốn tìm trên bờ biển Trung-kỳ môt địa điểm thuận tiện cho các tàu bè đi lại giữa Tân-Gia-Ba, và Hương-Cảng dừng nghỉ. Ngay từ đầu thế-kỷ thứ XX, người ta đã để ý vị trí tốt đẹp của vịnh Cam-Ranh, nhưng kinh-tế khủng hoảng năm 1930 và đệ-nhị thế-chiến không cho phép thực hiện gì cả.

c) Các công-trình thủy-nông.

Các công-trình thủy-nông cho phép hoặc chiếm thêm đất mới cho sự canh tác, hoặc điều hòa và gia tăng năng-suất trên những loại đất đã sản xuất. Các công-trình này gồm ba khía cạnh: vét sông và tháo nước ở Nam-kỳ, củng cố hệ-thống đê điều và đắp thêm đê mới ở Bắc-kỳ, dẫn thủy nhập điền cả ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ.

  1. Việc vét sông và tháo nước.

Vào giữa thế-kỷ XIX, phần lớn xứ Nam-kỳ còn bị chiếm cứ bởi đầm lầy, không thể trồng trọt được. Ngay từ khi chiếm xứ Nam-kỳ, chính-phủ thuộc-địa đã cho đào nhiều kênh lạch: tác dụng của các kênh đào này khi đầu là để binh-sĩ di chuyển dễ dãi qua các miền sình lầy trong các cuộc hành-quân, nhưng sau này chúng được sử dụng để tháo nước và để chuyên chở các nông-phẩm. Kể từ năm 1893 trở đi, các công-trình đào kênh, vét sông, tháo nước được lập thành kế-hoạch và được giao phó cho các công-ty tư nhân lãnh thầu, dưới sự kiểm soát của Nha Công-chánh ([103]). Thể-tích đất vét hàng năm trung bình là 824.000 m3 trong giai đoạn thập-niên 1890-1900, lên tới 7.233.000 m3 trong giai đoạn thập-niên 1920-1930 ([104]). Được đào cả thảy 1.300 km kênh chính và 2.500 km kênh phụ. Các công-trình đã tốn 48.000.000$ nhưng cho phép sinh-địa tăng thêm 35.000 ha mỗi năm; đồng thời, các kênh đào cũng hiến điều kiện thuận tiện cho sự lập dân và sự chuyên chở số lúa gạo sản xuất. Diện-tích trồng lúa tăng gấp 421 % và dân-số Nam-kỳ tăng gấp 267 % trong vòng nửa thế-kỷ:

Năm Diện-tích trồng lúa Số lúa gạo xuất cảng từ Saigon Dân số Nam-kỳ
1880 522.000 ha 284.000 tấn 1.679.000
1900     1.175.000  “         747.000   “ 2.937.000
1937     2.200.000  “      1.548.000   “ 4.484.000
  1. Các công-trình hộ-đê và dẫn thủy nhập điền.

Trong các miền đồng-bằng Bắc-kỳ và Trung-kỳ, mục đích không phải là chiếm những khoảng đất bỏ hoang, mà là bảo đảm cho những ruộng nương đã được canh tác từ lâu một năng-suất cao hơn và đều đặn hơn. Ở Bắc-kỳ, hệ-thống đê điều do triều Nguyễn để lại dài đến 2.400 km, nhưng năm 1926, một trận lụt lớn làm  hư hại 160.000 ha ruộng. Cho đến khi ấy, chính-phủ bảo hộ chưa chú trọng đến vấn đề hộ-đê cho lắm; trận lụt năm 1926 khiến nhà cầm quyền phải cố gắng nhiều hơn trong lãnh vực này: từ 1917 đến 1920, chỉ một ngân-khoản là 1.300.000$ đã được sử dụng cho các công-tác hộ-đê; trong khoảng 1924-1930, ngân-khoản ấy lên tới 10.800.000$ ([105]).

Để chống lại nạn hạn-hán, Nha Công-chính đã xây đập và nhà máy bơm nước để thiết lập những hệ-thống dẫn thủy nhập điền: từ năm 1906 đến 1928, các hệ-thống lập trong miền Sông-Cầu, Vĩnh-Yên và Sơn-Tây cho phép dẫn thủy vào 66.700 ha ruộng; từ năm 1931 đến 1939, cả thẩy 280.000 ha được dẫn thủy trong miền Thái-Bình, Hưng-Yên, Hà-Ðông và Phủ-Lý.

Ở Trung-kỳ, các đập và kênh ngòi cho phép dẫn thủy vào 92.000 ha ruộng trong các châu thổ Thanh-Hóa, Phú-Yên và Phan-Rang. Sau cuộc nổi loạn của nông-dân vùng Nghệ-Tĩnh vào năm 1930, 23.000 ha cũng được bố trí ở Nghệ-An, và 40.000 ha ở Hà-Tĩnh.

Các công-tác này cho phép số lượng sản xuất gia tăng một cách rõ rệt, nhưng vẫn không đủ để giải quyết vấn đề thiếu ăn và nghèo nàn trong các miền châu thổ Bắc-kỳ và Trung-kỳ, bị đe dọa bởi nạn nhân mãn.

 

  1. – CÁC HỌAT-ĐỘNG KINH-TẾ.

Xứ Đông-Dương không bao giờ được chính-phủ Pháp coi như là một thuộc-địa lập dân (colonie de peuplement), nghĩa là một thuộc-địa tại đó kiều dân Pháp tới lập cư vĩnh viễn, như tại xứ Algérie chẳng hạn. Do đó, sự khai thác các tài-nguyên thiên-nhiên của xứ Việt-Nam hoàn toàn thuộc lãnh-vực tư-nhân và được đặt dưới chế-độ tự-do kinh-doanh; nó không khác gì sự kinh-doanh của các công-ty hỏa-xa Anh ở Á-Căn-Ðình, hay của các công-ty Hoa-Kỳ khai-thác các mỏ đồng ở Chí-Lợi hoặc mỏ dầu ở Mễ-Tây-Cơ ([106]). Hoạt động kinh-tế, phát khởi bởi tư-nhân, chỉ được tiếp tục nếu các nhà tư-bản Pháp thấy là sẽ được lợi. Ngoài ra, hoạt động kinh-tế của người Pháp và hoạt động kinh-tế của người Việt không được phối hợp chặt-chẽ với nhau cho lắm: chúng có thể bổ túc lẫn nhau, tuy nhiên chúng lại gần như xa lạ với nhau.

a) Lãnh-vực tư-bản

Nông-nghiệp là khu vực trong đó vốn của tư-nhân Pháp được đầu tư trước hết: sự sáp nhập xứ Nam-kỳ cùng sự chiếm cứ xứ Bắc-kỳ đã làm nông-dân bỏ làng đi lưu lạc khắp nơi, khiến cho nhiều vùng đất rộng bị bỏ hoang. Dựa trên nguyên-tắc thuế-khóa của nhà Nguyễn là tư-điền sẽ bị sung công nếu chủ đất bỏ hoang và không đóng thuế, chính-phủ bảo-hộ tịch-thu các khoảng đất bỏ hoang này và phân chia chúng thành những lô đất trung bình rộng từ 1.500 ha, mà chính-phủ phát không cho tư-nhân (concessions). Ở Bắc-kỳ, từ 1890 đến 1896, 32.202 ha đã được đặc nhượng như thế cho kiều-dân Pháp, và từ 1897 đến 1901, 155.449 ha ([107]). Tuy nhiên, cho đến khi đệ-nhất thế-chiến bùng nổ, Pháp-kiều đã bỏ dần các nhượng-địa này; một số nhỏ tiếp tục canh tác đất này với tá-điền người Việt, nhưng không được nhiều lợi-tức cho lắm: năm 1930, diện-tích ruộng lúa trong tay địa-chủ Pháp ở Bắc-kỳ chỉ còn là 30.000 ha. Sự thật, vào đầu thế-kỷ XX, nông-nghiệp không lôi cuốn nhiều tư-bản; năm 1906, vài Pháp-kiều lập cư tại Nam-kỳ mới hùn vốn để lập nên một công-ty trồng cây cao-su và không bao lâu, họ được bắt chước bởi các nhà tư-bản ở Pháp.

Ngay từ đầu, các nhà kinh-doanh Pháp đã để ý đến các loại mỏ ở Bắc-kỳ: trong khoảng thời gian 1888-1916, đến 9 triệu phật-lăng được đầu tư trong kỹ-nghệ than đá, một công-ty được thành lập (sau này trở thành công-ty Charbonnages du Tonkin) để khai thác các mỏ than Hòn-Gay, Kế-Bào và Đông-Triều. Năm 1901-1902, được thành lập hai công-ty với số vốn là hai triệu phật-lăng để khai mỏ thiếc trong miền Cao-Bằng. Năm 1906, ba công-ty khác xuất hiện để khai mỏ kẽm trong miền thượng du Bắc-kỳ.

Vài kỹ-nghệ biến chế cũng đã xuất hiện vào đầu thế-kỷ XX, với sự thiết lập cơ-sở của những công-ty xi-măng Portland ở Hải-Phòng, Société française des Distilleries de l’Indochine ở Hà-Nội. Năm 1900, xưởng máy dệt đầu tiên bắt đầu hoạt động tại Hải-Phòng. Đồng thời, cũng được xây cất những nhà máy điện để cung cấp khí điện cho các đô-thị. Các hảng thầu lợi dụng các công tác chính-phủ trong giai đoạn xây dựng hạ-tầng cơ-sở kinh-tế này. Với sự phát triển của các sự mậu-dịch nhiều hãng buôn cũng bành trướng.

Tuy nhiên, cho đến năm 1918, ảnh hưởng của tư-bản Pháp chỉ giới hạn trong lãnh-vực của vài sản-phẩm đặc biệt như than đá, thiếc, kẽm, cao-su, và của vài kỹ-nghệ được lợi nhờ những độc-quyền, như kỹ-nghệ nấu rượu, kỹ-nghệ dệt và kỹ-nghệ xây cất. Trong khoảng thời gian 1888-1918, số vốn của tư-nhân đầu tư tại Việt-Nam là 492 triệu phật-lăng, được phân phối như sau ([108]):           

Kỹ-nghệ và mỏ ……………. 249 triệu.

Vận-tải…………………………….. 128 triệu

Thương-mãi ……………………..   75 triệu

Nông-nghiệp……………………..   40 triệu

Số tư-bản này không phải là không quan trọng, nếu chúng ta so sánh với số tiền công mà chính-phủ bảo-hộ đã sử dụng: trong khoảng thời gian 1896-1914, chính-phủ bảo-hộ đã đặt tại Đông-Dương một số tiền là 514 triệu phật-lăng.

Song, sau thế-chiến thứ nhất, tư-bản Pháp mới được đổ nhiều vào Việt-Nam, vì nhiều lý do:

  • được thiết lập tại Paris vào năm 1917 một cơ quan gọi là Kinh-tế cục Đông-Dương (Agence économique de l’Indochine), có nhiệm vụ quảng cáo cho xứ Đông-Dương bằng cách phát hành sách báo về xứ này, và bằng cách tổ chức những cuộc triển lãm.
  • tình trạng lạm phát ở Pháp cho phép đồng bạc Đông-Dương tăng giá so với đồng phật-lăng (1$ ăn 16,50 phật-lăng năm 1920, và 27,50 năm 1926), cùng với sự tăng giá của các nguyên-liệu đã là những động cơ thúc đẩy sự đầu tư của tư-bản Pháp tại Việt-Nam.

Chỉ trong vòng sáu năm (1924-1929), số vốn Pháp đầu tư tại Đông-Dương đã lên tới 3 tỷ phật-lăng ([109]). Một số tư-bản lớn huớng tới sự sản xuất các nông phẩm: miền Tây xứ Nam-kỳ được khai thác bởi vài công-ty, trong khi giá thị-trường cao-su tăng khiến một số vốn là 700 triệu phật-lăng đã được đầu tư vào các đồn-điền cao-su trong vùng đất đỏ (terres rouges) phía Đông Bắc Saigon; diện tích các đồn điền này tăng từ 15.000 ha năm 1920 tới 90.225 ha năm 1929. Đồng thời, các nhà kinh-doanh cũng chú trọng tới các nông-phẩm khác như trà, cà-phê, mía và dừa.

Mặt khác, các khu-vực kỹ-nghệ và thương-mãi cũng được hưởng những món vốn kếch xù, cho phép chúng phát triển mạnh: riêng năm 1929, cơ-quan hành-chánh đã cấp đến 11.587 giấy phép cho các công-ty hay tư-nhân xin đi tìm mỏ (năm 1925, chỉ có 1.815 giấy phép được cấp). Năm 1928, số vốn bỏ vào việc khai mỏ lên tới 140 triệu phật-lăng.

Có thể nói rằng thời kỳ từ 1924 đến 1930 là thời kỳ thịnh nhất của công cụôc đầu-tư của tư-bản Pháp Việt-Nam. Số vốn khổng lồ mà các công-ty Pháp đưa vào Việt-Nam  trong những năm ấy đã đem lại mhững kết quả sau, vào năm 1930:

  • trong khu-vực nông-nghiệp, nhiều đại đồn-điền được thiết lập, nhờ sắc-luật 4-11-1928 bãi bỏ mọi hạn chế diện-tích đối với những lô đất công mà chính-phủ muốn đặc nhượng cho tư-nhân. Các đồn-điền này sản xuất những loại nông-phẩm sẽ được xuất cảng: cây cà-phê chiếm một tổng diện-tích là 000 ha trong vùng Sơn-Tây, Ninh-Bình và trong nhiều tỉnh miền Trung, nhất là Thanh-Hóa, Nghệ-An và Quảng-Trị. Các đồn-điền trồng trà được đặt tại miền cao nguyên đất đỏ Nam Trung-kỳ, và có một diện tích là 3.000 ha; nhưng số lượng sản xuất mới chỉ là 1.000 tấn, chưa đáng là bao.

Tại Nam-kỳ, trên một tổng diện-tích canh tác là 2.200.000 ha, các ruộng lúa thuộc các công-ty hay tư nhân Pháp rộng 100.000 ha. Các đồn-điền cao-su phủ một diện-tích là 98.000 ha trong những miền đất đỏ và đất xám phía bắc Saigon, và 2.000 ha tại Tung-kỳ. Nhưng năm 1930, mới chỉ có 32 500 ha sinh lợi và sản xuất 10.000 tấn cao su.

  • trong khu-vực kỹ-nghệ, thành quả của sự khai mỏ là khả quan nhất: số than đá sản xuất, chỉ là 501.000 tấn vào năm 1913, lên tới 1.890.000 tấn năm 1930. Số lượng kẽm sản xuất trung bình hàng năm là 60.000 tấn kể từ 1926 trở đi. Số thiếc sản xuất chỉ là 44 tấn năm 1.913, lên tới 1.904 tấn năm 1930.

Nhưng sự phát triển của các ngành kỹ-nghệ mới không được đồng đều cho lắm. Trong số những ngành kỹ-nghệ tân thời mà tư-bản Pháp thiết lập tại Việt-Nam, các kỹ-nghệ chính chỉ nhắm tới mục đích biến chế các nông-phẩm mà thôi: các nhà máy xay gạo, các xưởng nấu rượu, các công-ty đường, các xưởng làm thuốc lá, các xưởng chế dầu và xà-phòng mọc lên xung quanh những đô thị lớn, Hà-Nội, Hải-Phòng, và Saigon – Chợ-Lớn.

TƯ-BẢN CỦA CÁC ĐẠI XÍ-NGHIỆP PHÁP TRỰC TIẾP KIỂM TRA BỞI ĐÔNG-DƯƠNG NGÂN-HÀNG 

CÔNG-TY Công-xưng tư-bản

(triệu)

Cổ-phần tư-bản

(Phật-lăng)

Banque de l’Indochine……………………

Crédit Foncier de l’Indochine……………..

Chemin de Fer Indochine – Yunnaun………

Messageries Fluviales de Cochinchine….

Chalandage et Remorquage de l’Indochine.

Charbonnages du Tonkin…………………..

Le Nickel…………………………………..

Etains et Wolframs du Tonkin……………..

Eaux et Electricité de l’Indochine…………

Indochinoise de plantations d’Hévéas……..

Distilleries de l’Indochine………………….

Sucreries et Rafineries de l’Indochine…….

Indochinoise de Cultures Tropicales………

Ciments Portland Artificiels de l’Indochine.

Indochinoise de Cigarettes………………….

Indochinoise Forestìere et des Allumettes…

157,5

132,5

   57,75

            15

   7,3

 100,64

 345,24

            36

            95

          100

          100

27

50

     42,75

12

    13,5

        3.780

            447,85

         165,165

     133,2

       58,4

  1.200

         1.898,762

       218,5

   755

   900

      226,8

   250

          305,661

      133,8

            83,025

 1.292,18         10.556,127

                                (Pierre NAVILLE, La guerre du Việt Nam, Paris, 1949, tr. 109)

Những nhà máy lớn nhất là những nhà máy dệt ở Nam-Ðịnh và Hải-Phòng và nhà máy chế tạo xi-măng ở Hải-Phòng năm 1929 đã sản-xuất 183.000 tấn xi-măng.

Để đáp ứng các nhu cầu địa-phương, một số xí-nghiệp hoạt động với những kỹ-nghệ nhẹ: xưởng đóng và sửa tàu ở HảiPphòng và Saigon, kỹ-nghệ thủy-tinh ở Hải-Phòng, xưởng chế ống nước ở Hải-Phòng, Hà-Nội và Saigon, nhà máy làm diêm, nhà máy giấy ở Việt-Trì, xưởng chế tạo các loại sơn, v.v…

Tóm lại, các ngành chế tạo không hoạt động cho lắm, so với các công-ty khai mỏ; các xưởng máy, hầu hết tập-trung xung quanh Hải-Phòng, và Saigon – Chợ-Lớn chỉ dùng có 86.000 công-nhân vào năm 1929. Nhưng các ngành chế tạo cũng như ngành khai mỏ đều ở trong tay những nhóm tài-chính có nhiều thế lực, và đều đem nhiều lợi tức về cho họ cả.

  • trong khu-vực thương-mại, hoạt động của các thương-gia người Pháp cũng bành trướng song song với sự phát triển nông-nghiệp và kỹ-nghệ dưới ảnh hưởng của tư-bản Pháp. Một số nhà xuất nhập-cảng chiếm ưu thế trong khu-vực này: Denis Frères d’Indochine, Société Marseillaise d’Outre-Mer, Etablissements Boy Landry, Dumarest d’Indochine Descours et Cabaud, Poinsard et Veyret, Comptoirs Généraux de l’Indochine, Lucien Berthet et Cie, v.v…là những công-ty buôn bán chiếm độc quyền điều khiển các sự mậu-dịch với mẫu-quốc. Một số đã có mặt tại Nam-kỳ đến gần nửa thế-kỷ vào năm 1930.

Như thế, các số vốn mà các công-ty tư-bản Pháp đưa vào Việt-Nam được sử dụng cho những hoạt động kinh-tế mới mẻ ([110]); chúng được đặt nhiều nhất vào sự khai thác các đồn-điền, các mỏ. Nhưng chúng lại càng làm cho sự mất thăng bằng kinh-tế giữa lãnh-vực tư-bản và lãnh-vực truyền-thống mạnh thêm.

  1. b) Lãnh-vực truyền-thống

Lãnh-vực kinh-tế truyền-thống vẫn giữ một địa vị quan trọng và vẫn tiếp tục hoạt động như xưa, gần như hoàn toàn biệt lập với lãnh-vực tư-bản tân thời: đây là lãnh-vực tượng trưng bởi các tiểu đơn-vị canh-tác, bởi ngành tiểu-thương trong các thành thị cũng như ở thôn quê.

Lãnh-vực truyền-thống vẫn bảo đảm cho dân chúng phần lớn số nông-phẩm sản xuất, đặc biệt số thực-phẩm dành cho thị-trường quốc-nội (lúa, gạo, ngô, khoai, sắn, đậu, v.v…). Ở Nam-kỳ, năng-suất của nông nghiệp đã gia tăng rõ rệt, nhưng trên toàn diện, nông-nghiệp truyền-thống có khuynh hướng đình trệ. Trừ lúa và ngô, sự sản xuất của nông-dân gần như không tiến thêm chút nào từ đầu thế-kỷ XX. Trong những vùng được hưởng các lợi ích của công-trình thủy-nông ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ, sự gia tăng dân-số làm tiêu hết các số thặng dư và không cho phép nâng cao trình độ sinh sống của nông-dân. Ở Nam-kỳ, phần lớn lợi tức của dân quê bị trích thu bởi các địa-chủ, nên đời sống của họ cũng không cải thiện được. Mặc dầu số lúa gạo xuất cảng tăng đều hàng năm, năng-suất kém cỏi của nông-nghiệp đã đưa đến một sự thoái bộ của số gạo tiêu thụ tính theo đầu người : 262 kg mỗi năm vào năm 1900, 182 kg vào năm 1937 ([111]).

Như thế, mặc dầu có sự phát-triển kinh-tế, hoàn cảnh của nông-dân trở nên trầm trọng; nông-dân không thể lợi dụng được các sự tiến bộ của nền kinh-tế thị-trường, vì bị ngăn chặn bởi những điều kiện cố hữu của hoàn cảnh xã-hội: hiện tượng này đã được D. THORNER gọi là built-in depressor hay là cái vòng lẩn quẩn của tình trạng khốn khổ, khi đề cập đến nông-dân Ấn-độ thời Anh-thuộc; chúng ta cũng có thể dùng danh-từ involution của C. GEERTZ để chỉ định sự diễn biến đã đưa tới tình trạng sa sút của nông-dân này ([112]).

Cơ cấu điền-thổ là một trong những nguyên nhân ngăn chặn sự phát-triển kinh-tế của các miền nông thôn: kích thước quá chật hẹp của các đơn-vị canh-tác không cho phép nâng cao năng-suất. Áp lực nhân-khẩu cùng với tình trạng mắc nợ kinh-niên của nông-dân (nông-dân phải vay nợ nặng lãi để sống những năm mất mùa, để trả thuế, để giải quyết những bó buộc xã-hội như cưới gả, tế lễ, v.v…) khiến các địa-sản càng ngày càng bị chia vụn, đến nỗi vào năm 1930, hai phần ba các địa sản ở Bắc-kỳ, Trung-kỳ có một diện tích không quá 0,30 ha ([113]). Sự tập-trung đất đai trong tay một số người có tiền cho vay lại không phải là một điều lợi về mặt kinh-tế, vì những người này chỉ là những nhà lý-tài, không thông thạo về những vấn đề canh-nông ([114]). Đồng thời, số nông-dân vô sản tăng lên gấp bội, và phải sinh sống bằng sự cấy thuê làm rẽ.

Ở Nam-kỳ, đất cầy còn thừa thãi, nhưng lại được tập trung trong tay một thiểu-số địa-chủ, còn đa số nông-dân là những người phân canh hay tá-điền. Những địa-chủ được chính-quyền thuộc-địa phát cho những địa sản rộng lớn, thay vì canh tác những đơn-vị này với những phương-pháp khoa-học, lại phân chia chúng thành những tế-phân nhỏ để giao cho tá-điền. Giai cấp trung-lưu tỉnh thành có xuất vốn để mua đất cũng chỉ nhắm mục đích làm lợi bằng cách cho tá-điền thuê đất để thu địa-tô: trong nhiều trường hợp, một tá-điền khai thác 5 ha chỉ giữ lại có một phần hai mươi hoa lợi, và phải tìm thêm công việc phụ để sinh sống ([115]). Bảng kê sau cho thấy rõ tình-trạng chia vụn của đất-đai:

Tiểu địa-sản

(dưới 5 ha)

Địa-sản trung-bình (5-10 ha) Đại địa-sản

(trên 50 ha)

Bắc-kỳ 882.000 (98%)      17.500 (2%) 180 (0,02%)
Trung-kỳ 646.700 (99%) 8.900 (1%)     50 (0,008%)
Nam-kỳ 183.000 (72%) 65.750 (26%)     6.300 (2%)

Chế-độ kinh-tế này không cho phép cải thiện các kỹ-thuật canh-tác và nâng cao số-lượng sản-xuất. Nông-dân quá khốn khổ không đủ khả năng và tài nguyên để cố gắng gia-tăng năng-suất. Mức độ sinh sống quá kém cỏi của họ lại hạn chế thị-trường quốc-nội, làm cho kỹ-nghệ tỉnh thành không phát triển được, vì không có tiêu-trường.

Hoạt-động tiểu công-nghệ truyền-thống không những đình trệ, mà trong vài lãnh-vực còn suy đồi nữa. Chúng ta không thể đánh giá một cách chính xác sự suy đồi này, vì các sản-phẩm của ngành tiểu công-nghệ này chỉ lưu thông trong một phạm vi rất hẹp hòi, thành không thể kiểm-tra bằng những con số thống-kê được ([116]); do đó, chỉ có thể phân-tích những khuynh hướng tổng quát căn cứ trên những ví-dụ địa-phương.

Cũng như tại các quốc-gia thuộc-địa khác, ngành tiểu công-nghệ truyền thống của Việt-Nam bị thiệt hại bởi sự cạnh tranh của các chế-phẩm kỹ-nghệ nhập cảng, bởi sự cạnh tranh của các sản-phẩm chế tạo ngay tại chỗ bởi các xưởng máy tân thời, và bởi các biện-pháp hành-chánh của nhà chức-trách thuộc-địa. Sự thoái bộ của tiểu công-nghệ góp phần vào sự hóa nghèo tổng quát của nông-dân, vì các sự chế tạo thủ-công là những hoạt-động cho phép nông-dân có thêm những lợi tức bổ túc.

Sự cạnh tranh của các loại vải nhập cảng từ Pháp đã làm nghề dệt giảm hoạt động trong vùng Phát-Diệm, tại đây năm 1930 có 2.500 khung cửi, nhưng chỉ hoạt động có hai tháng trong năm mà thôi. Các sự khó khăn của nghề nấu đường truyền thống là do sự hiện diện của các sở làm đường mà Công-ty Raffineries d’Indochine thiết lập tại nhiều nơi. Nghề làm muối và nghề nấu rượu bị thiệt hại bởi các loại thuế chuyên mãi về muối và rượu mà chính-phủ bảo-hộ đặt ra; nghề đánh cá cũng bị thiệt lây, vì không thể mua muối rẻ để muối cá nữa.

Tuy nhiên, sự suy đồi của tiểu công-nghệ là một sự suy đồi tương đối: trình độ sinh sống thấp kém của nông-dân cho phép các ngành tiểu công-nghệ tồn tại, vì các chế-phẩm của kỹ-nghệ Pháp quá đắt đối với túi tiền của nông-dân. Chính sự khai thác thuộc-địa của người Pháp, vì nó ngăn chặn mọi tiến-bộ kinh-tế cho phép nâng cao mãi-lực của dân chúng, đã lại là một yếu-tố giúp cho các ngành tiểu công-nghệ không bị hoàn toàn tiêu diệt ([117]). Các con số thu nhập được nhờ các cuộc điều tra của P. Gourou chứng tỏ cho ta điều này: vào năm 1934, trong miền châu-thổ Bắc-kỳ, còn có 250.000 nông-dân có những hoạt động thủ-công (7% dân số hoạt động), trong số này, có 54.000 thợ dệt, 42.000 thợ đan tre và mây, 32.000 thợ mộc, v.v…([118]).

Nói chung, nông-dân không lợi dụng được sự xâm nhập kinh-tế Tây-phương; bảng kê lợi-tức đồng-niên (năm 1931) của dân-số hoạt-động ở Việt-Nam cho ta thấy rõ sự kiện này ([119]):

Giai-cấp Số người Lợi-tức tổng-quát (triệu $) Lợi-tức đồng-niên mỗi người ($)
Người Pháp dân-sự 12.342 61 5.000
Người Pháp quân-sự 10.400   6   600
Dân bản-xứ giàu   8.600  52 6.000
Dân bản-xứ trung lưu        810.000 134   168
Dân bản-xứ nghèo     8.300.000               400                  49

Theo bảng kê trên, khối lớn dân chúng có một lợi tức đồng-niên quá kém cỏi; nông-dân không đủ điều kiện để thỏa mãn những nhu-cầu cấp-bách nhất: nếu phải đối phó với những chi-phí bất ngờ (đau ốm, tai nạn), nông dân không có giải pháp nào ngoài sự vay nợ nặng lãi.

c) Khủng-hoảng kinh-tế năm 1930, và các hậu-quả của nó.

Khủng-hoảng kinh-tế quốc tế, đánh dấu bởi sự sụt giá của các nguyên-liệu và các nông-phẩm, có ảnh hưởng trầm trọng đối với kinh-tế Việt-Nam vì thị-trường quốc tế đóng lại trước những sản-phẩm của Việt-Nam: gạo, than đá và cao-su ([120]).

Giá gạo trên thị-trường sụt một cách nhanh chóng:

một tạ trị giá 13,10$ vào tháng  4/1930

                        ____      10,60$    ____      9/1930

                        ____        7,10$    ____      3/1931

                        ____        5,62$    ____      7/1932

                        ____        3,20$    ____    11/1933

Các nhà ngân-hàng khi trước đã ứng trước nhiều món tiền lớn cho các nhà buôn gạo, bây giờ rút lại những món tiền ấy: nhiều kẻ đầu-cơ bị phá sản. Số gạo xuất cảng giảm từ 1.797.000 tấn năm 1928 xuống 959.000 tấn năm 1931; vì gạo sụt giá, mãi-lực của giới sản-xuất cũng giảm xuống : giới sản-xuất gạo không trả nổi số lãi của các món nợ của họ. Diện-tích trồng lúa ở Nam-Kỳ giảm từ 2.028.000 ha năm 1928 xuống 1.961.000 ha năm 1933.

Cao-su bị khủng hoảng sớm hơn, vì ngay từ năm 1927 số cao-su sản xuất trên thế-giới đã trội quá các nhu cầu. Giới sản-xuất ở Việt-Nam lại càng bị thiệt hại vì vào năm 1930, chỉ mới có một phần ba diện tích trồng cao-su sinh lợi mà thôi. Các nhà trồng đồn-điền không có trữ-kim, trong khi giá cao-su trên thị-trường không ngớt giảm đi:

20 phật-lăng một kí-lô năm 1929
 5 1930
 4 1931

Hoạt động của lãnh-vực mỏ cũng chậm lại. Các sản-phẩm xuất-cảng trị giá 18 triệu $ năm 1929, chỉ còn là 10 triệu $ năm 1934. Các số lượng sản xuất năm 1929 là 1.972.000 tấn, chỉ còn là 1.592.000 tấn năm 1933 ([121]).

Sự sản-xuất đình trệ đã có ảnh hưởng trầm trọng đối với nền ngoại-thương:

NHẬP-CẢNG XUẤT CẢNG
Năm Số lượng(tấn) Giá-trị(triệu $) Số lượng(tấn) Giá-trị(triệu $)
1928

1930

1931

1932

530.000

520.000

400.000

250

181

129

  94

3.400.000

2.860.000

2.600.000

300

184

112

102

Các công-ty thương-mãi, nhất là ở Nam-Kỳ, bị tổn hại rất nhiều, nhất là trong giai-đoạn trước họ đã thiếu thận trọng đến nỗi đã ứng trước cho các trung-gian Hoa-kiều những món tiền lớn mà không đòi hỏi một bảo đảm nào; với sự suy sụp của các dịch-vụ, các sự đầu cơ mạo hiểm này đã làm nhiều nhà xuất nhập-cảng vỡ nợ. Riêng ở Saigon, toà án thương-sự đã công-bố 101 vụ phá sản năm 1930, và 126 vụ năm 1931.

Sự trì trệ của nền ngoại-thương làm cho các số dự thâu của ngân-sách giảm mất nhiều, vì các loại thuế gián-thâu là căn-bản của ngân-sách này. Năm 1931, số thất thâu của tổng ngân-sách Đông-Dương được ước lượng là 11 triệu $, và năm 1932, 16 triệu $. Các khoản công trái tăng từ 3.355.000$ năm 1931 lên 7.261.000$ năm 1932, và 9.415.000$ năm 1933. Để giải-quyết các khó khăn tài-chính, phủ toàn-quyền phải áp dụng nhiều biện pháp giảm chi, và nhất là phải vay của chính-phủ Pháp đến 1.620.000.000 phật-lăng ([122]).

Khủng-hoảng kinh-tế đe dọa hoạt-động của các công-ty tư-bản: năm 1932, trong số 570 công-ty hiện-diện ở Việt-Nam, chỉ có 26 công-ty còn có thể chia lãi cho các cổ-phần mà thôi(2). Kể từ năm 1929, các sự xuất vốn không ngớt giảm đi: 50 triệu $ năm 1929, 7 triệu $ năm 1932. Một số lớn xí-nghiệp không cầm cự nổi đã phải đóng cửa, trong khi một số khác phải tiết giảm tư-bản.

Để đối phó với khủng-hoảng kinh-tế, chính-phủ bảo-hộ đã phải áp dụng một chính-sách giúp đỡ nông nghiệp tư-bản. Ngay từ năm 1930, chính-phủ dùng chuẩn bị kim của công-khố để cho các chủ đồn-điền cao-su vay; một quĩ bổ-sung được thiết lập vào năm 1931 với một loại thuế đặc biệt đánh lên các loại cao-su nhập cảng vào Pháp: quĩ này cho phép chính-phủ cấp tiền tưởng lệ cho các nhà sản-xuất cao-su ở Việt-Nam. Các đồn điền cà-phê cũng được hưởng những món tiền cho vay bởi chính-phủ. Để giúp các nhà trồng lúa ở Nam-Kỳ, chính-phủ thuộc-địa cho họ vay những ngân-khoản lớn, nhưng họ phải dùng địa-sản của họ làm bảo-đảm: chỉ có các đại địa-chủ mới lợi dụng được sự tài-trợ này, chứ còn các tiểu địa-chủ và các tá-điền, bị thiệt hại nhiều nhất sau cơn khủng-hoảng, đã không được giúp đỡ chút nào cả.

Để điều-hoà các sự mậu-dịch giữa Việt-Nam và Pháp, đồng bạc Đông-Dương được định giá lại theo đồng phật lăng vào năm 1930: đồng bạc Đông-Dương từ nay trị giá 10 phật-lăng. Chế-độ ưu-tiên mà chính phủ Pháp dành cho các sản-phẩm Việt-Nam cũng khiến cho phần tham-dự của đế-quốc Pháp trong nền ngoại-thương Việt-Nam gia tăng, trong khi phần của các quốc-gia Đông-Nam-Á giảm đi. Năm 1938, số hàng nhập-cảng từ Pháp chiếm 57,2% tổng-số nhập-cảng (50% năm 1929), và số sản-phẩm xuất cảng sang Pháp chiếm 54% tổng số xuất cảng (45% năm 1929).

Các xí-nghiệp thương-mãi và kỹ-nghệ cũng đã có thể thanh toán dần các khoản phụ trái của họ, nhờ thái độ dễ dãi của các ngân-hàng: suất lãi giảm, kỳ hạn trả nợ được gia hạn v.v… Song, khủng-hoảng kinh-tế đã đưa đến một sự tập-trung tư-bản mạnh mẽ hơn trước. Để giảm thiểu các phụ-đảm, nhiều xí-nghiệp đã hợp nhất lại. Năm 1933, Công-ty đồn-điền trà Đông-Dương (Société des plantations indochinoises de thé) được thành lập do sự nhóm họp của 3 đồn-điền cũ. Năm 1935, sự tập trung của 4 công-ty trồng cây cao-su cho phép thành-lập Công-ty Société Indochinoise de plantations d’hévéas, với một số vốn là 61 triệu đồng. Năm 1939, 19 công-ty kiểm tra 2/3 số lượng cao-su sản xuất ở Việt-Nam. Trong lãnh-vực mỏ, trên 90% tổng số sản xuất là do 6 công-ty lớn.

Kề từ năm 1936 trở đi, thị-trường quốc-tế hoạt động lại cho phép có một sự tái hưng kinh-tế. Giá trị các sản phẩm của các mỏ rơi xuống 9.500.000$ năm 1934, tăng lên 19.500.000$ năm 1937. Các đồn-điền cao-su sản xuất 60.000 tấn năm 1938, và số lượng gạo xuất-cảng lên tới 2.200.000 tấn. Các hãng xây cất và các kỹ-nghệ biến-chế đạt lại tình trạng thịnh vượng trước khủng-hoảng của chúng. Tư-bản lại chú trọng đến việc kinh-doanh ở Việt-Nam: năm 1939, số tư-bản Pháp đặt vào Việt-Nam là 38.458.000 phật-lăng ([123]).

Như thế, các đại công-ty tư-bản đã lấy lại địa vị của chúng và không bị thiệt hại lắm bởi khủng-hoảng kinh-tế. Nhưng, cuộc khủng-hoảng này đã đè nặng trên khối dân chúng. Sự định giá đồng bạc năm 1930 đã làm vật giá gia tăng; các xí-nghiệp trong giai-đoạn khó khăn đã sa thải một số công-nhân, và đã hạ thấp lương bổng của những người được giữ lại. Do đó, trình-độ sinh sống của dân chúng lại càng thêm thấp kém, tình trạng nghèo khổ lại càng trở nên quẫn bách. Khủng-hoảng kinh-tế có những hậu-quả xã-hội rất là hệ trọng.

III.- CÁC ĐẶC-ĐIỂM CỦA NỀN KINH-TẾ THUỘC-ĐỊA.

  1. Cơ-cấu tư-bản của sự khai-thác kinh-tế.

Cơ-cấu của nền kinh-tế mà người Pháp thiết-lập ở Việt-Nam là một cơ-cấu tư-bản: các hoạt-động kỹ nghệ và thương-mãi được điều khiển bởi những công-ty đặt trụ-sở tại những đô-thị lớn. Sự liệt-kê các công-ty chính cho thấy rõ đặc-tính ấy của tổ-chức kinh-tế ([124]).

Các loại mỏ đều được khai-thác bởi các công-ty tư-bản Pháp. Hai công-ty Société des Charbonnages du TonkinSociété des Charbonnages du Đông-Triều kiểm tra gần hết số lượng than đá sản-xuất. Các mỏ kẽm được đặc-nhượng cho Compagnie minière et métallurgique de l’Indochine ; sự khai-thác các mỏ thiếc được giao phó cho hai công-ty Société des mines d’étain du Haut-Tonkin, và Etains et Wolfram du Tonkin. Các mỏ lân-toan phía Nam Lạng-Sơn và ở Thanh-Hoá trong tay Société nouvelle des phosphates du Tonkin.

Sự phân phối điện nước cho sự tiêu thụ của các thành-thị là độc-quyền của những công-ty giàu mạnh : Société Indochinoise d’ElectricitéCompagnie des Eaux trong vùng Hà-Nội Hải-Phòng ; Compagnie des Eaux et d’Electricité de l’Indochine (C.E.E); Société coloniale d’énergie ở Nam-Kỳ ; Société Indochinoise pour les Eaux et l’Électricité (S.I.P.E.A.) ở Trung-kỳ.

Rất nhiều công-ty hoạt động trong lãnh-vực kỹ nghệ chế biến: chúng ta chỉ có thể qua vài hội-danh làm ví-dụ mà thôi, như Công-ty xi-măng Société des ciments Portland artificiels de l’Indochine có xưởng máy tại Hải-Phòng ; Société des chaux hydrauliques du Long-Thọ khai thác vôi đá và chế tạo gạch lát và đồ sứ; Société des Verreries d’Extrême-Orient sản-xuất chai và kính; công-ty bông sợi Đông-Dương (Société Cotonnière de l’Indochine) có nhà máy ở Nam-Định với 140.000 mũi sa kéo sợi và 1.318 khung cửi dệt ; hai nhà máy giấy của Société des Papeteries d’Indochine ở Đáp-Cầu và Việt-Trì năm 1938 sản xuất 3.540 tấn giấy các loại. Société des Brasseries et Glacières de l’Indochine (B.G.I.) có nhiều nhà máy ở Hải-Phòng, Hà-Hội và Chợ-Lớn, và sản xuất rượu bia, nước ngọt và nước đá. Société des Distilleries d’Indochine có bốn nhà máy lớn ở Hà-Nội, Nam-Định, Hải-Dương và Chợ-Lớn, và thống trị thị-trường rượu. Công-ty đường Société des Sucreries et Raffineries de l’Indochine đặt nhà máy ở Hiệp-Hoà và, vào mùa mía, dùng tới 6.000 công nhân. Nhiều công-ty xay gạo như Rizeries d’Extrême-Orient hay Société anonyme des riz d’Indochine Denis frères tập trung các nhà máy xay gạo của họ trong vùng Saigon-Chợ Lớn.

Trong lãnh-vực chuyên chở, nhiều đại xí-nghiệp đã đặt những số vốn lớn tổng cộng trên một tỷ rưỡi phật-lăng :

  • Commpagnie des Messageries Maritimes, Chargeurs Réunis, Transports maritimes et fluviaux de l’Indochine, v.v…, phụ trách các sự vận-tải bằng đường thuỷ.
  • Compagnie française des Chemins de Fer de l’Indochine et du Yunnan, Compagnie francaise des tramways de l’Indochine, v.v… khai thác các đường xe lửa và xe điện.
  • Société des transports automobiles indochinois, Société des transports et messageries de l’Indochine, phụ trách các sự vận-tải bằng đường bộ.

Lãnh-vực nông-nghiệp cũng không tránh khỏi sự tập-trung tư-bản. Các đồn-điền trồng trà trong tay 3 công-ty : Société agricole du Kontum, Société des plantations du Kontum, Compagnie agricole des thés du Kontum-Annam. Phần lớn các đồn-điền trồng cà-phê thuộc Société des cafés de l’Indochine.Các đồn-điền trồng lúa hay cây cao su lớn nhất cũng do các công-ty nặc-danh kiểm tra.

Đa số các công-ty nặc-danh này lập nên những nhóm tài-chính liên-hệ chặt chẽ với nhau. Trên tổng-số vốn 38 tỷ rưỡi phật-lăng đặt ở Việt-nam vào năm 1939, 34 tỷ thuộc những công-ty kiểm tra bởi ba nhóm tài-chính Société financière française et coloniale, Société financière des caoutchoucs, Union financière d’Extrême-Orient. Sự liên-hệ tài-chính giữa các công-ty mật thiết đến nỗi cùng một nhân vật có chân trong các hội-đồng quản-trị của nhiều công-ty khác nhau: Octave Humberg, quản-lý ngân-hàng Đông-Dương cũng là quản-lý của sáu xí-nghiệp khác và đồng thời là giám-đốc 15 công-ty nặc-danh. Tổng-giám-đốc ngân-hàng Đông-Dương, Thion De La Chaume, là hội-viên của hội-đồng quản-trị của 18 xí-nghiệp ([125]).

Các hoạt-động tài-chính được điều khiển bởi hai đại ngân-hàng, Ngân-hàng Pháp-Hoa (Banque Franco-Chinoise), và nhất là ngân-hàng Đông-Dương (Banque de l’Indochine). Thành lập năm 1873, Ngân-hàng Đông-dương đã được chính-phủ thuộc-địa hiến cho đặc-quyền phát hành bạc giấy khi đồng bạc Đông-Dương thay thế cho đồng phật-lăng năm 1878 để làm chỉ-tệ của xứ Đông-Dương. Nhờ đặc quyền này, Ngân-Hàng Đông-Dương có thể cho vay những món tiền cao hơn tổng số vốn và chuẩn-bị-kim của nó. Ph. Devillers đã có thể nói rằng Ngân-hàng Đông-Dương là « tâm và não của nền kinh tế Đông-Dương » ([126]), vì nó nắm một phần tư-bản hay kiểm tra sự điều hành của hầu hết các xí-nghiệp quan trọng. Hoạt-động chính của ngân-hàng là tài-trợ cho ngành ngoại-thương, nhưng nó cũng không bỏ quên nông-nghiệp trồng lúa.

Song, các nhóm tài-chính khai-thác kinh-tế Việt-Nam vừa đại diện cho các quyền lợi ngân-hàng, vừa đại diện cho các quyền lợi của giới kỹ-nghệ Pháp. Một mặt, các sự đầu-tư của tư-bản Pháp không phù hợp với các nhu-cầu kinh-tế thực thụ của Việt-Nam, mà chỉ nhắm mục đích làm sao cho tư-bản này sinh lợi nhiều và mau chóng. Các số vốn được đặt nhiều ở Việt-Nam năm 1926 (xem phụ bản số 7), không phải vì nhu-cầu kiến-thiết ở Việt-Nam gia tăng vào năm ấy, nhưng vì đồng phật-lăng sụt giá khiến cho tư-bản Pháp phải chạy trốn ra ngoài. Vì tư-bản từ Pháp tới, hàng năm các công-ty hồi hương một phần quan trọng các lợi-tức để phân phối giữa các cổ-phần. Mặt khác, các nhóm tài-chính cũng phải tìm tiêu-trường cho kỹ-nghệ Pháp: họ muốn giữ Việt-Nam trong tình trạng một thị-trường dành riêng cho các chế-phẩm của họ. Do đó, tư-bản Pháp không được dùng để kỹ-nghệ hoá Việt-Nam, mà được đặt vào sự sản xuất những sản-phẩm có thể xuất cảng ngay mà không cần biến chế: quặng sắt, than đá, cao-su, v.v… Nhưng cũng vì thế mà tư-bản Pháp bị đặt trong một tình trạng mỏng mảnh, dễ bị ảnh hưởng bởi các sự dao động giá cả trên thị-trường quốc-tế. Chúng ta đã thấy, với sự khủng-hoảng kinh-tế 1930, là các xí-nghiệp tư-bản Pháp, mặc dầu hoạt động dưới chế-độ tự-do kinh-doanh, đã phải nhờ đến sự bảo-vệ và sự giúp đỡ vật chất của chính-phủ thuộc-địa mới có thể đối phó nổi với các sự khó khăn mà sự khủng-hoảng gây ra cho họ ([127]).

Tổ-chức tư-bản này bắt đầu bị chỉ trích bởi các nhà ái-quốc Việt-Nam, nhất là bởi những phần-tử tả khuynh. Những người này chủ trương rằng Việt-Nam có thể tự tạo cho mình một nền kỹ-nghệ tân thời mà không cần đến tư-bản ngoại-quốc: “chế-độ tư-bản là một con đỉa có hai miệng hút, một miệng bám vào giai-cấp vô sản ở mẫu-quốc và một miệng bám vào giai-cấp vô-sản ở thuộc-địa. Nếu muốn giết chết con đỉa ấy, thì phải cắt bỏ cả hai miệng hút cùng một lúc” ([128]).

Với mỏ than đá Quảng-Yên và các mỏ sắt miền Thái-Nguyên, xứ Bắc-kỳ có đủ điều kiện để thiết lập một kỹ-nghệ luyện thép. Cao-su sống của các đồn-điền ở Nam-kỳ có thể cho phép phát sinh một kỹ-nghệ biến chế quan trọng. Nhưng giới tài-chính cho rằng sự phát triển kỹ-nghệ Việt-Nam sẽ làm các nhà máy ở mẫu-quốc mất tiêu-trường mà chúng có tại Đông-Dương. Một phát ngôn viên của giới kỹ-nghệ gia Pháp đã viết như sau: “Trong một tổ-chức hoàn hảo, sự sản-xuất thuộc-địa phải tự giới hạn trong việc cung cấp cho mẫu-quốc những nguyên-liệu hay những sản-phẩm không có ở mẫu-quốc. Nhưng nếu từ bỏ nhiệm vụ ấy để cạnh tranh với chúng ta, sự sản-xuất thuộc-địa sẽ trở thành một địch thủ đáng sợ” ([129]).Tuy nhiên, sự kỹ-nghệ-hoá chứa đựng nhiều điều lợi : nó có thể hiến cho kinh-tế Đông-Dương một tình trạng bền vững hơn, làm cho kinh-tế này bớt bị ảnh hưởng bởi các sự biến đổi thời giá trên thị trường quốc-tế ; nó sẽ tạo nên nhiều việc làm mới cho dân chúng của các miền châu-thổ nhân mãn.

Giới trí-thức Việt-Nam, được chứng kiến các sự thành công của Nhật-Bản trong lãnh-vực kỹ-nghệ, bắt đầu cho rằng chính-quyền thuộc-địa đã không nghĩ tới quyền lợi bản-xứ khi từ chối việc kỹ-nghệ-hoá xứ Đông-Dương ([130]). Vấn-đề kỹ-nghệ-hoá trở thành một vấn-đề chính-trị thường được nêu lên bởi báo chí. Nhưng, vì chính-phủ bảo-hộ không có một chính-sách kinh-tế, nên đã không bao giờ nghĩ đến chuyện tạo cho Việt-Nam một nền kinh-tế tự-trị, mặc dầu vài trí óc sáng suốt đã đề nghị điều này : “Sự kỹ-nghệ-hoá sẽ tạo nên những luồng trao đổi tinh-thần, kỹ-nghệ và tài-chính giữa các cấp điều-khiển Pháp và An-nam-mít mạnh đến nỗi mà vấn đề chủ yếu của sự hội-nhập của giai-cấp thượng-lưu an-nam-mít trong môi-trường Pháp sẽ được giải quyết”([131]).

b) Đặc-tính của nền ngoại-thương.

Nền ngoại-thương là bộ phận chủ yếu của kinh-tế: tất cả hạ-tầng cơ-sở kinh-tế được thiết lập để đáp ứng các nhu cầu của nền ngoại-thương chứ không phải để đáp ứng các nhu cầu riêng của xứ Đông-Dương.

Đây là một nền ngoại-thương có tính cách thuộc địa, trong đó các sản-phẩm xuất-cảng là những nguyên-liệu, và những sản-phẩm nhập-cảng là những chế-phẩm của kỹ-nghệ mẫu-quốc. Xứ Đông-Dương được đặt trong cùng một chế-độ quan-thuế với lãnh-thổ Pháp: cùng một quan-thuế-biểu được áp dụng đối với các loại hàng hoá chở đến Saigon, và các loại hàng hoá chở đến các hải-cảng Pháp như Bordeaux hay Marseille. Quan-thuế-biểu áp dụng năm 1892 đã cao, nhưng còn được nâng cao thêm vào năm 1920 bởi quan-thuế-biểu Kircher. Nhờ quan-thuế-biểu này, các chế-phẩm của kỹ-nghệ Pháp được ưu đãi trên thị-trường Đông-Dương vì các loại thuế đánh lên các chế phẩm ngoại-quốc cho phép các chế phẩm Pháp gần như hoàn toàn độc chiếm thị-trường và làm giới tiêu thụ phải trả rất đắt các loại hàng nhập cảng: năm 1931, thuế nhập-cảng là 50% đối với các loại sắt và thép, 66% đối với các loại vải bông, 90% đối với tơ lụa, 180% đối với các loại xe hơi ([132]).

Nhìn vào các con số thống-kê của nền ngoại-thương, người ta có thể thấy ngay là nền kinh-tế thời Pháp-thuộc vẫn còn sơ khai, chưa biến hoá; nó vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn nông-nghiệp và khai-thác mỏ. Các sản-phẩm xuất-cảng chính là gạo, ngô, than đá và cao-su (gần 80% tổng số xuất-cảng năm 1912, 74.5% năm 1924).

GIÁ TRỊ CÁC SẢN-PHẨM XUẤT-CẢNG, SO VỚI GIÁ TRỊ TỔNG SỐ XUẤT-CẢNG ([133]).

Trung-bình

1913-17

Trung-bình

1928-32

1938
Gạo………………….   65.3 %   62.6 % 35.0 %
Cao-su……………… 0.8 3,0      21,8
Ngô………………… 2,9 4,1      17,8
Than đá……………. 2,1 5,5 4,4
Cá khô, cá muối…… 3,7 4,4 3,4
Thiếc……………… 2,6
Xi-măng………….. 0,9
Bông gòn…………. 0,8
Hạt-tiêu…………… 1,0 2,1 0,6
Cùi dừa khô………… 0,7 0,7 0,6

Các loại hàng nhập-cảng phần lớn là các chế-phẩm. Năm 1931, máy móc, khí-cụ, các loại kim-thuộc nhập-cảng là 26.8% giá trị của tổng-số nhập-cảng, các loại vải là 16.3%, các chế-phẩm đủ loại là 30.6%, các xa-xỉ-phẩm là 13.2%, dầu hoả và xăng là 8.6%.

Nhưng 49% số nhập-cảng là những chế-phẩm đắt tiền (vải sang, xa-xỉ-phẩm, xe hơi, v.v…), dành cho người Pháp, Hoa-kiều và một thiểu số nhỏ nhà giàu bản-xứ ([134]).

42% số nhập-cảng là những sản-phẩm có thể tiêu thụ bởi khối dân chúng (vải thường, phân bón, hoá-phẩm, dầu hoả, v.v…), nhưng hàng năm, người dân Việt trung bình không dùng quá 3.40$  để mua đồ nhập-cảng, vì mãi-lực của họ quá yếu ớt, ([135]).

Giá trị của các sự xuất-cảng và nhập-cảng gia tăng đều, trừ trong những năm khủng-hoảng kinh-tế:

Năm Nhập-cảng Xuất-cảng
1899-1903

     1920

     1928

     1929

     1930

     1931

     1932

     1936

     1937

  78.000.000 $

138.000.000 $

250.000.000 $

227.000.000 $

181.000.000 $

129.000.000 $

 94.000.000 $

100.000.000 $

150.000.000 $

  62.000.000 $

180.000.000 $

300.000.000 $

228.000.000 $

184.000.000 $

112.000.000 $

102.000.000 $

200.000.000 $

250.000.000 $

Nói chung, cán cân thương-mãi thường thặng dư, ngoại trừ vào năm 1931. Nhưng sự thặng dư này không phải là thành quả của một cơ-cấu thuận lợi, mà lại là một triệu chứng khác của trình trạng chậm tiến của nền kinh-tế ([136]): nếu không có sự thặng dư này, kinh-tế Việt-Nam không thể nào đối phó được với các mục phụ trái của cán cân chi-phó (ngoại trái-khoản, tiền lời của những người xuất vốn ngoại-quốc). Theo P.Bernard, số tư-bản xuất-ngoại hàng năm có thể được ước lượng như sau ([137]):

Tiền để dành của các công-chức Pháp…………… 15.000.000 $
Lợi-tức của các nhà ngân-hàng Ấn-Độ…………… 2.000.000 $
Lợi-tức của Hoa-kiều……………………………… 6.000.000 $
Tiền lời các công-ty gửi về Pháp………………   13.000.000 $
Tiền lời còn thiếu của các khoản công-trái……….. 3.000.000 $
   39.000.000 $

***

Chính-phủ bảo-hộ sự thật đã không bao giờ chuyên tâm đến việc định hướng cho hoạt-động kinh-tế Việt-Nam: các vị toàn-quyền đều đã giao phó sự khai-thác kinh-tế cho sáng kiến tư-nhân và cho sự tự do kinh doanh và không bao giờ kiểm soát các sự đầu-tư. Các sự đầu-tư này lại đã chỉ chú trọng đến sự sản-xuất các thổ-sản đắt giá trên thị-trường quốc-tế, như cao-su, trà, cà-phê, hay các sản-phẩm của các mỏ. Sự đầu tư này là kết quả của sự đầu-cơ của các nhà tư-bản Pháp, chứ không đáp ứng thực thụ cho nhu-cầu kinh-tế của xứ Việt-Nam. Trong khi ấy, giới tiêu-thụ ở Việt-Nam “mỗi năm phải trả cho các nhà xuất-cảng mẫu-quốc một loại thuế thập phân là 12 triệu đồng, với mục đích duy nhất là để hiến cho họ một địa vị ưu đãi trên thị-trường Đông-Dương” ([138]).

Năm 1938, các loại hàng xuất nhập-cảng là:

NHẬP-CẢNG XUẤT-CẢNG
Các loại vải……………….. 23,2 % Thóc gạo………. 35,0%
Máy móc, xe cộ…………… 9,8 Cao-su………… 21,8
Hóa-phẩm……………….. 5,5 Ngô…………… 18,0
Dầu hỏa…………………. 5,4 Than đá…………   4,3
Thực-phẩm……………… 5,3 Cá………………   2,8
Sắt và thép……………… 4,8 Các loại quặng….   2,6
Các loại kim loại khác…. 4,6 Súc-vật và các loại da   1,2
Bông vài thô…………. 4,1 Xi-măng……….   0,9
Giấy………………….. 3,2 Bông gòn………   0,8
Thuốc lá……………… 2,0 Trà……………..   0,8
Các loại rượu………… 1,6 Trứng………….   0,7
Gỗ…………….   0,7
Cùi dừa khô…..   0,6
Hạt tiêu……….   0,6

(Phỏng theo Ch. Robequain, L’Indochine, Paris, A. Colin, 1952, tr. 198 và Field F.V. ed.  An economic survey of the Pacific area, part II, New York, 1942, tr. 185. 186).

 

THƯ-MỤC SƠ-LƯỢC

BERNARD Paul, Le problème économique indochinois. Paris, Nouv. Ed. Latines, 1934, lxii-424 tr.

BERNARD Paul, Nouveaux aspects du problème économique indochinois. Paris, F. Sorlot, 1937, 177 tr.

BOURBON André, Le redressement économique de l’Indochine (1934-37). Paris, 1938, 520 tr.

BRENIER Henri, Essai d’atlas statistique de l’Indochine française. Indochine physique, population, administration, finances, agriculture, commerce, industrie. Hanoi-Haiphong, 1914, viii-256 tr.

Bureau International du Travail. Problèmes du travail en Indochine. Genève, 1937, vii-332 tr.

EMPIS Philippe, La colonization et ses perspectives d’avenir en Indochine. Paris, Predone, 1940, 148 tr.

GAUTHIER Jean, L’Indochine au travail dans la paix française. Paris, 1949, 323 tr.

GOUROU Piere, L’utilisation du sol en Indochine française. Paris, Hartmann, 1940, 466 tr.

GRANDEL Auguste, Le dévelopment économique de l’Indochine française. Saigon, Imp. Ardin, 1936, 236 tr.

HENRY Yves, Economie agricole de l’Indochine. Hanoi, 1932, 696 tr.

MOREUX René ed., L’Indochine. Ses trafics et ses ports. Paris, Journal de la Marine Marchande, 1929, 200 tr.

PHẠM CAO DƯƠNG, Thực-trạng của giới nông-dân Việt-Nam dưới thời Pháp thuộc. Saigon, Khai-Trí, 1967, 254 tr.

ROBEQUAIN Charles, L’évolution économique de l’Indochine française. Paris, Hartmann, 1939, 397 tr.

ROBEQUAIN Charles, Les richesses de la France d’Outre-Mer. Structure économique et problèmes humains. Paris, Payot, 1949, 222 tr.

SIMONI Henri, Le rôle du capital dans la mise en valeur de l’Indochine. Paris, 1929, 190 tr.

TOUZET A., L’économie indochinoise et la grande crise universelle. Paris, M. Giard, 1934, xvii-426 tr.

TRẦN VĂN TRAI, Les chemins de fer de l’Indochine. Paris, L. Rodstein, 1941, 231 tr.

Ngoài ra, các tài-liệu và các số thống-kê có thể được tìm trong các tập-san như: Annales des Travaux publics de l’Indochine, Bulletin de l’Agence Economique de l’Indochine, Bulletin Economique de l’Indochine, và đặc biệt: Gouverment Général de l’Indochine, Annuaire statistique de l’Indochine. Hanoi, Imp. d’E.-O., 1927-1939, 8 tập.

CHƯƠNG III

CÁC SỰ BIẾN-ĐỔI XÃ-HỘI

 

Lịch-sử xã-hội Việt-Nam thời Pháp-thuộc chưa được nghiên cứu sâu rộng cho lắm, và việc phối hợp lịch-sử các sự kiện chính-trị (sự diễn biến của chính-quyền thuộc-địa, các phong-trào đấu-tranh giải-phóng quốc-gia, trào lưu tư tưởng) với các sự phân tích hay điều tra xã-hội là một việc chưa được thực hiện. Do đó, các tác-giả của những quyển sách về Việt-Nam thường có những quan niệm khác nhau, đôi khi mâu thuẫn với nhau nữa. Những ai đi tìm những đặc tính hằng cửu của xã-hội Việt-Nam qua các thời-đại cho rằng thực thể của xã-hội này đã không bị ảnh hưởng bởi các sự đổi thay đi đôi với chế-độ thuộc-địa. Paul Mus đã có thể viết là ([139]): “(Chế-độ tư-bản) đã chỉ đem đặt trong các vùng này những hình-thức bổ-sung của nó mà thôi, và rất xa vời với một chế-độ tư-bản phát-triển toàn diện…Xã-hội địa-phương nói chung không bị xáo trộn sâu rộng bởi tổ-chức rời rạc được ghép thêm vào ấy…Trên tất cả lãnh-thổ Việt-Nam,…xã-hội ấy được xếp đặt theo một địa-lý nhân-văn thích-ứng với tình trạng chia ngăn của nông-nghệ…”.

Nhưng Joseph Buttinger, tác-giả quyển sử tổng quát về Việt-Nam xuất bản gần đây nhất ở Tây-phương, lại công nhận rằng “các hậu-quả xã-hội của sự thay đổi kinh-tế đã phá hủy xã-hội truyền-thống Việt-Nam một cách cũng hữu hiệu như là sự chinh-phục xứ Đông-Dương đã phá hủy cơ-cấu chính-trị  của xứ Việt-Nam thuộc các quan lại…Về mặt lịch-sử, sự diễn biến này vừa là một sự thoái bộ vừa là một sự tiến triển xã-hội. Đặc điểm thoái bộ của nó là sự phát sinh của một giai-cấp đại địa-chủ bán phong-kiến một bên, và một giai-cấp đông đảo tá-điền và thợ cầy vô-sản một bên khác. Đặc điểm tiến triển là sự phát triển, trên một qui-mô nhỏ hẹp và theo những hình thức phù hợp với sự đô-hộ của người ngoại-bang, của những loại giai-cấp xã-hội mà thương-nghiệp và kỹ-nghệ đã tạo nên ở Tây-phương…”([140])

Phải nhìn nhận rằng, dưới ảnh hưởng của sự đô-hộ bởi người Pháp, xã-hội Việt-Nam đã có thêm những sắc-thái mới mẻ. Sự diễn biến kinh-tế đã đảo lộn cơ-cấu truyền-thống, cho phép giới trung-lưu đạt một vai trò quan trọng hơn trong tổ-chức xã-hội. Sự diễn biến chính-trị cũng đưa tới nhiều sự đổi thay: sự phế bỏ các khoa thi Hương năm 1918 để cải cách nền Đại-học theo lối Tây-phương đã chấm dứt ưu thế cũ của giới sĩ-phu. Tiêu chuẩn nhân-chủng cũng dự phần trong việc phân chia đẳng cấp mới: qui-chế xã-hội cũ căn cứ trên địa-sản, qui-chế mới căn cứ trên chủng-tộc; ở trên hết là Pháp-kiều từ mẫu-quốc tới, rồi tới người Việt nhập Pháp-tịch, người lai Tây, người Á-đông được hưởng qui chế đặc biệt (Hoa-kiều trong tổ-chức ngũ bang, Ấn-kiều), dân được “bảo-hộ” (protégé) hay “phụ-thuộc” (sujet). Những yếu tố khác nhau này làm cho sự diễn biến xã-hội trở nên phức tạp, trong khi các lưu-phẩm truyền-thống không biến đi ngay lập tức: giai-cấp sĩ-phu vẫn giữ lại uy tín cũ của nó.

  1. CÁC BIỆN-PHÁP XÃ-HỘI CỦA CHÍNH-PHỦ BẢO-HỘ.

Sự thay đổi có thể được đánh giá một cách rõ rệt nhất là sự gia-tăng dân-số, mặc dầu các con số thống kê thiếu vững chắc vì trong suốt thời Pháp-thuộc đã không bao giờ có được những sự điều tra nhân-khẩu chặt chẽ và đứng đắn. Tuy nhiên, giữa năm 1870 và 1945, dân-số Việt-Nam nói chung đã tăng lên gấp đôi.

Nam-kỳ Trung-kỳ Bắc-kỳ
1870 dưới 2 triệu dưới 4 triệu dưới 5 triệu
1943 4,2 “ 6,2 ” 9,6 ”

Dân-cư Nam-kỳ gia tăng mạnh hơn cả nhờ sự di dân từ các vùng khác tới; sự di dân này được thúc đẩy bởi sự khai-thác kinh-tế, và nhiều khi được tổ chức bởi chính-quyền thuộc-địa: mỗi năm, trung bình có 25.000 người từ Bắc-kỳ hay Trung-kỳ tới lập cư trong những vùng đất mới của miền Nam ([141]).

Với sự đô-hộ của người Pháp, số người ngoại-kiều tới lập cư tại Việt-Nam cũng trở nên đông đảo. Năm 1937, số Pháp-kiều ở Việt-Nam vào khoảng 30.000 người ([142]). Ấn-kiều hoạt động ở Nam-Kỳ với nghề buôn vải lụa và nghề cho vay tiền (Séc-ty); một số cũng phục vụ trong các cơ-quan hành-chánh thuộc-địa. Số Hoa-kiều ở Nam-kỳ lên tới hơn 400.000 người vào năm 1931, khủng hoảng kinh-tế khiến một phần lớn trở về Trung-Hoa. Phải đợi đến 1936 trở đi, số Hoa-kiều nhập cư vào Việt-Nam mới tăng trở lại, để đạt đến con số 466.000 người vào năm 1943 ([143]). Trong suốt thời Pháp-thuộc, Hoa-kiều có thêm điều kiện thuận lợi để củng cố ưu-thế của họ trong sinh-hoạt tài-chính và thương-mãi của Việt-Nam; họ hiện diện ở mọi nơi họp chợ, cả trong những làng mạc xa xôi hẻo lánh nhất.

Sự gia tăng dân-số được nhiều tác-giả coi như là một thành quả tích cực của sự cai trị của người Pháp: “nước Pháp đã đưa đến cho xứ này an-ninh nội-bộ với sự bảo toàn tài-sản và tính mạng của người dân, cùng với sự loại bỏ nạn tặc khấu…Nếu không thể trị nổi các cơn bão, ngược lại người ta bảo vệ nhiều tỉnh trước những cơn lụt của các con sông lớn, mà những mùa nước lũ giết hại đến hàng trăm người…Nhất là nhờ sự phát triển của y-học phòng chứng và trị-liệu và các sự tiến bộ của vệ-sinh, nước Pháp đã ngăn chặn các bệnh phong-thổ và truyền nhiễm…”([144]).

Ngay từ năm 1864, đã được thành lập bệnh-viện chính-phủ đầu tiên, bệnh-viện Chợ-Quán ở Saigon. Nhưng phải đợi đến thời toàn-quyền Paul Beau (1905) và nhất là thời toàn-quyền Albert Sarraut (1914), tổ-chức y-tế và vệ-sinh mới được hệ-thống-hóa. Năm 1939, có 25 bệnh viện toàn-khoa, 104 trung tâm y-khoa, 170 bệnh xá, 105 chẩn-y-viện, 221 nhà hộ-sinh, 43 trung-tâm chuyên-môn(nhà thương điên, nhà thương hủi, v.v…) ([145]). Tuy nhiên số y-sĩ vẫn còn ít ỏi: năm 1939 chỉ có 951 y-sĩ ở Việt-Nam (171 bác-sĩ người Pháp phục vụ cho sở y-chính, 200 bác-sĩ Pháp và Việt-Nam có phòng bệnh tư và 580 “y-sĩ Đông-Dương”); nếu tính cho một dân số là 18 triệu người thì chỉ có 1 y-sĩ cho 20.000 người dân, trong khi ở Phi-Luật-Tân cứ 3.200 người dân là có 1 y-sĩ ([146]). Phần lớn các bệnh-viện lại thiếu nhân-viên và dụng-cụ và đều đặt tại các trung-tâm thành-thị: nông-dân không thể hưởng được các lợi ích của tổ-chức y-tế.

Tổ-chức vệ-sinh được điều khiển bởi các Viện Pasteur ở Saigon, Nha-Trang, Hà-Nội và Đà-Lạt. Các cơ quan này có nhiều thực hiện đáng kể trong việc chống các bệnh truyền-nhiễm và bệnh dịch: riêng trong năm 1938, trên phân nữa dân chúng được chủng đậu và chích ngừa bệnh dịch-tả ([147]). Song, vì thiếu nhân-viên y-tế, tử-suất vẫn còn quá cao: 24‰ ở Sài-Gòn trong khi ở Nhật tử-suất chỉ là 16.5‰, ở Phi-Luật-Tân 19‰ và ở Ấn-Ðộ 21‰ ([148]).

 Tuy nhiên, mặc dầu có những khiếm khuyết kể trên, các cơ-quan y-tế và vệ-sinh là những cơ-quan miễn phí, mà không một tổ-chức y-tế nào ở Đông-Nam-Á thời bấy giờ có thể bì kịp ([149]). Sự chống chọi các loại bệnh tật có hiệu-quả rõ rệt: số người chết vì các bệnh truyền-nhiễm và dịch giảm đi nhiều và kể từ năm 1930 trở đi, dân cư miền Trung-châu Bắc-Việt mỗi năm tăng thêm 100.000 người. Sự gia tăng dân-số làm cho nạn nhân-mãn trở nên trầm trọng thêm trong những vùng thừa người thiếu đất: theo sự ước-lượng của P. Gourou, nhân-khẩu mật-độ nông-thôn trong miền châu-thổ Bắc-kỳ trung bình là 430 người mỗi cây số vuông, khiến miền này là một trong những miền đông dân-cư nhất thế-giới([150]). Phải giải quyết vấn đề sinh nhai cho số dân mỗi năm một gia tăng này: suất gạo tiêu-thụ tính theo đầu người ở Bắc-kỳ không bằng nửa suất tiêu-thụ ở Nam-kỳ. Mặc dầu các công-trình thủy-nông cho phép gia tăng năng-suất, sự sản-xuất không tài nào bắt kịp đà gia-tăng nhân-khẩu: những năm gặp mùa xấu, chính-phủ phải nhập-cảng gạo từ Nam-Kỳ để phòng ngừa nạn đói (năm 1940, số gạo Nam-kỳ đưa vào Bắc-kỳ lên tới 100.000 tấn).

Chính-phủ bảo-hộ đã muốn giải quyết vấn đề bằng cách đưa nông-dân Bắc-kỳ vào định cư trong miền châu thổ sông Cửu-Long, nhưng giải pháp này không thành công mấy vì vấp phải những tập-tục cổ-truyền quá vững mạnh. Sau cuộc khủng-hoảng kinh-tế năm 1931, nhiều vùng đất rộng trong miền Rạch-Giá và Hà-Tiên được dành cho sự định-cư nông-dân Bắc-kỳ, nhưng đã chỉ lôi cuốn có vài ngàn người. Do đó, thời Pháp-thuộc đã làm mạnh thêm các sự tương-phản xã-hội và kinh-tế giữa miền Bắc và miền Nam: sự khác biệt về nhân-khẩu mật-độ giữa hai vùng châu-thổ Bắc và Nam đã được phản ảnh trong sự phát-triển của hai nền kinh tế khác nhau, một phải tìm cách tự cung tự cấp và một căn cứ trên sự xuất cảng các nông-phẩm. Cũng vì thế mà sự khai-thác kinh tế miền Bắc bởi người Pháp có những đặc-điểm tương tự với sự khai-thác kinh-tế Trung-Hoa bởi người Tây-phương, trong khi ở miền Nam, kinh-tế có tính cách thuộc-địa hơn, y hệt như trong các thuộc-địa khác của người Tây-phương trong vùng Đông-Nam-Á ([151]). Vì nạn nhân-mãn, cũng có sự khác biệt về đồng lương trả cho thợ thuyền giữa miền Bắc và miền Nam; giữa 1930 và 1940, lương công-nhật trung bình được tính như sau:

Bắc-kỳ                        Nam-kỳ

Thợ không chuyên-môn……………………..0.29$                          0.28$

Thợ chuyên-mộn…………………………….0.53$                          1.20$

                       

Đồng thời, miền Nam hiến nhiều điều kiện hoạt-động cho Hoa-kiều hơn là miền Bắc quá đông dân-cư và có nhiều hoạt-động tiểu công-nghệ. Do đó, 85% Hoa-kiều sinh sống tại Nam-Kỳ, và tập trung nhiều trong các đô-thị lớn :100.000 Hoa-kiều ở Saigon – Chợ-Lớn, trên một tổng số dân là 256.000 người (chỉ có 19.000 Hoa-kiều trong số 124.000 người dân ở Hải-Phòng, 5.000/128.000 ở Hà-Nội, 1.500/23.000 ở Nam-Định). Charles A.Fisher đã có thể nói là xã-hội Nam-kỳ là một xã-hội phức-hợp, đặc điểm của xã-hội Đông-Nam-Á ([152]).

Chính-phủ bảo-hộ cũng chú trọng đến việc cung hiến phương-tiện giáo-dục cho dân-số ngày một gia-tăng này. Để tổ chức nền giáo-dục, toàn-quyền Paul Beau thiết lập năm 1906 Hội-đồng Cải-thiện Giáo-dục bản-xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène). Nguyên tắc giáo-dục căn bản là “giáo-huấn khối quần-chúng và trích ra một thiểu-số ưu-tú”; chủ trương chính là dân bản-xứ phải bắt đầu sự học-vấn trong những trường tiểu học dạy tiếng quốc-ngữ và chỉ những phần tử thong minh nhất mới lên học những lớp cao-đẳng tiểu-học trong các trường “franco-annamites” để sau này có thể theo học những trường trung-học mà chương-trình giảng-huấn hoàn toàn là chương-trình Pháp. Chế-độ giáo-dục này được áp dụng trước tiên ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ, rồi mới được phổ biến ở Nam-kỳ kể từ năm 1909 trở đi. Vào năm 1913, số học-sinh là 49.399 người ở bậc sơ-đẳng tiểu-học, và 12.103 người ở bậc cao-đẳng tiểu-học ([153]). Sau đệ-nhất thế-chiến toàn-quyền Sarraut cho soạn thảo một pháp-chế giáo-dục (Code de l’Instruction publique), nhấn mạnh lên địa vị quan trọng của Pháp-ngữ; chính-phủ bảo-hộ muốn áp dụng một chính-sách khứ cựu đồ tân, bằng cách phổ biến sự giảng dạy Pháp-ngữ ngay từ bậc sơ-đẳng tiểu-học và đem vào nền giáo-dục các phương-pháp và khoa-học Tây-phương. Đồng thời, cũng được thiết lập những trường kỹ-thuật, song sự thật những trường này chỉ là những trường dạy nghề mà thôi (trường Bách-khoa ở Hà-Nội, trường dạy làm đồ gỗ ở Gia-Định, trường dạy làm đồ gốm ở Biên-Hòa, v.v…).

Giáo-dục trung-học còn phát triển chậm hơn nữa. Tiếng Pháp được dùng làm chuyển- ngữ, vì giáo-dục bậc trung-học là trách nhiệm của chính-phủ toàn-quyền, và vì nó có mục đích đào tạo các “công-dân”. Ở Trung-kỳ, kể từ khi các trường Nho-học bị đóng cửa năm 1918, và cho đến sau năm 1930, không có một trường trung-học nào, nhưng nhà cầm quyền gửi những học-sinh tuấn-tú nhất đi học ở Hà-Nội. Tuy nhiên, tại trung-học Albert Sarraut vào năm 1927 chỉ có 341 học-sinh người Việt trên tổng số 731 học-sinh, và trường Chasseloup-Laubat ở Saigon chỉ có 180 học-sinh người Việt và Mên([154]).

Năm 1939-1940, số học-sinh trung-học và tiểu-học được phân phối như sau ([155]):

 Số trường                                                            Số học-sinh

Bậc trung-học………………….4                                      553

Bậc cao-đẳng tiểu-học………..19                                   5.637

Bậc sơ-đẳng tiểu-học…………477                           149.805

Bậc sơ-học………………….3.521                            236.720

Các loại giáo-huấn khác……3.143                            132.212

  • 927

Trong lãnh-vực Đại-học, trường Đại-Học Y-Khoa đã được thành lập ở Hà-Nội từ năm 1902, và Viện Đại-Học Đông-Dương (Université Indochinoise) chính thức thành hình năm 1907 với 2 phân-khoa Y-khoa và Luật-khoa. Nhưng Viện Đại-Học đã bị đóng cửa ngay vì những sự náo động trong giới sinh-viên; phải đợi đến năm 1917 nó mới hoạt động lại, và có thêm những phân-khoa mới, như Khoa-học và Cao-đẳng Mỹ-thuật. Chính-phủ bảo-hộ muốn trình độ học-vấn phải tương đương với trình độ của các Đại-Học Tây-phương và có lẽ vì nguyên nhân này mà số sinh-viên tốt-nghiệp rất ít so với tổng số theo học; các y-sĩ đào tạo bởi trường Đại-Học Y-khoa lại chỉ được coi là những “y-sĩ Đông-Dương” chứ không được đồng hóa với các bác-sĩ Y-khoa tốt-nghiệp tại các trường Đại-Học ở Pháp. Ngoài ra, hàng năm chính-phủ còn cấp học-bổng cho một số sinh-viên Việt-Nam đi du học ở các trường Đại-Học hay Cao-Đẳng ở Pháp.

Các tác-giả không đồng lòng với nhau về sự phê phán chính-sách giáo-dục của chính-phủ bảo-hộ. Theo Dennis J. Duncanson ([156]), sự thiết lập các trường học, cùng với trường Viễn-Đông Bác-Cổ (Ecole Française d’Extrême-Orient) để bảo tồn các di-tích lịch-sử của xứ Đông-Dương chứng tỏ rằng chính-sách giáo-dục này đã dành cho giới thanh thiếu-niên Việt-Nam nhiều cơ hội thuận tiện và là một chính-sách rộng rãi. Nhưng Lê Thành Khôi lại nghiêm khắc lên án chính-sách này ([157]): “Trong  khi ở Việt-Nam thời xưa, mặc dầu lối viết Hán-tự rất phức tạp giáo-dục được truyền bá trong những làng hẻo lánh nhất và đồng thời còn có giá trị một sự giáo-huấn đạo-đức, nền giáo-dục mới hướng tới một sự đồng-hóa tách rời khỏi hoàn-cảnh truyền thống, và chỉ giới hạn cho một thiểu-số mà nó muốn làm trở thành những nhân-viên thừa hành. Năm 1944, giáo dục tiểu-học dạy dỗ không đến 900.000 học-sinh (3.6% dân-số), giáo-dục trung-học 4.000, Đại-Học Hà-Nội 1.500 sinh-viên mà 77% là người bản-xứ, 80% dân chúng ở trong tình trạng mù chữ…” Có tác-giả còn đi xa hơn nữa: “năm 1930, chỉ có 4.806 trường học trong tất cả xứ Đông Dương…Giữa năm 1930 và 1941, nhà nước mở thêm 850 trường mới. Nhưng nếu số trường học còn quá ít ỏi, số các tù-lao lại đã tăng lên mau chóng…20.852 năm 1941, 14.350 năm 1939…Như vậy, vào năm 1941 có một trường học cho 3.245 người dân và một tù-lao cho không tới 1.000 người ([158]).

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng sự thay thế Hán-tự bởi chữ quốc-ngữ kể từ năm 1919 trở đi đã hiến cho nước Việt-Nam một “lợi khí giải phóng tinh-thần và phổ biến văn-hóa”([159]). Nhiều nhà văn-hóa như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Nguyễn  Văn Vĩnh (1882-1936), Phan Kế Bính (1857-1921), Phạm Quỳnh (1892-1945), Nguyễn Khắc-Hiếu (1889-1939) v.v…, đã làm cho chữ quốc-ngữ trở thành một dụng cụ có khả năng phát biểu mọi tình tự, mọi quan niệm văn-chương và khoa-học. Năm 1939, có 48 nhật-báo, 68 tập-san và 292 tác-phẩm xuất-bản bằng chữ quốc-ngữ, cho phép hoàn thiện và phổ cập nền quốc-văn mới này ([160]).

  1. CÁC SỰ ĐỔI THAY TRONG TỔ-CHỨC XÃ-HỘI.

Một trong những hậu-quả của sự đô-hộ bởi người Pháp là sự xuất hiện của những giai-cấp xã-hội mới; một giai-cấp thượng-lưu tư-bản mà phần lớn là ngoại-quốc, nằm ngoài xã-hội Việt-Nam; một giai-cấp trung-lưu không đông đảo cho lắm, căn cứ một phần trên địa-sản và một phần trên những nhiệm-vụ kinh-tế hay xã-hội mới; một giai-cấp trí-thức không còn đồng hóa với giai-cấp sĩ-phu cũ nữa; và một giai-cấp lao-động gồm các thợ mỏ, phu đồn-điền, các phu thợ được dùng trong các công-tác chính-phủ, và các công-nhân kỹ-nghệ.

Trong số ba giai-cấp mới mà sự xuất hiện làm biến đổi cơ-cấu xã-hội, giai-cấp trung-lưu tư-bản và giai-cấp vô-sản kỹ-nghệ lien hệ với sự diễn biến kinh-tế và có thể được xác định bởi địa vị của chúng trong hệ-thống sản-xuất. Nhưng sự phát sinh của tân giai-cấp trí-thức thì lại phản ảnh sự diễn biến của guồng máy chính-trị và hành-chánh, của các tập-quán, của sinh-hoạt tinh-thần và của nền giáo-dục. Buttinger coi các luật-sư, y-sĩ, dược-sĩ, giáo-sư, nhà báo và cả những công-chức hạ cấp và trung cấp trong các nha sở của chính-phủ bảo-hộ như là những phần-tử của giai-cấp trung-lưu ([161]), nhưng Dumarest có lý hơn khi ông cho rằng giới trí-thức lập nên một giai-cấp riêng biệt ([162]). Giai-cấp lãnh-đạo cũ, giai cấp sĩ-phu, trở nên tê liệt dưới bóng của chính-quyền bảo-hộ, nhưng nó cũng góp một phần trong sự tạo lập giai-cấp trí-thức mới. Sự tra cứu các sổ ghi danh của các trường cao-đẳng cũng như các tiểu-sử của các lãnh-tụ chính-trị hay các nhà trí-thức nổi tiếng có thể cho thấy sự cải hoán của con cháu giới quan lại theo đời sống mới ([163]); sự cải hoán này đã rõ ràng ngay từ đầu thế-kỷ XX với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và những nhân vật khác của phong-trào Duy-tân; nó lại càng rõ rệt hơn với các thế-hệ của những Phạm Văn Đồng hay của một số người hưởng ứng phong-trào của Thanh-niên Cách-mệnh Đồng-chí Hội. Vì chế-độ kinh-tế thuộc-địa loại họ khỏi các hoạt-động kỹ-nghệ và thương-mãi, giới thượng-lưu cũ quay sang các nghề tự do, các hoạt-động hành chính hay chính-trị, ngõ hầu thích ứng với đời sống tân thời. Đối với tân giai-cấp trí-thức này, vấn đề tiến bộ, vấn đề canh tân theo gương của Tây-phương trở thành một vấn đề quan trọng: chúng ta sẽ có dịp trở lại điều này.

  1. Sự biến chuyển của các giai-cấp liên-hệ với sự sản xuất truyền-thống.

Sự kiện trọng đại của sự diễn biến của các miền nông-thôn kể từ cuối thế-kỷ XIX là sự tương phản giữa hai giới địa-chủ và nông-dân nghèo. Đây không phải là hậu quả trực tiếp của sự thiết-lập chế-độ thuộc-địa; dưới thời các vua triều Nguyễn, đã có một sự khai thác sức lao-động của các bần-cố-nông bởi các địa-chủ. Nhưng tình trạng tương phản này hiện ra rõ rệt hơn với sự đô-hộ bởi người Pháp. Sự phát triển của nền kinh-tế tiền tệ trong các vùng nông-thôn là một nguyên nhân làm nâng cao suất địa-tô, và cũng đưa tới thói quen đòi tiền thuê đất bằng tiền mặt nữa. Nạn nhân-mãn ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ lại làm cho đất cày càng ngày càng trở nên đắt giá: tại hai miền này, mỗi năm tá-điền phải dành cho địa-chủ đến phân nửa số thu-hoạch của mình. Trong khi ấy, các điều kiện khai thác kinh-tế lại không cho phép nông dân hưởng một cách xứng đáng kết quả của sức lao-động của mình; vào năm 1938, khi xuất-cảng 100 kg gạo trắng, tiền thu được phân phối như sau ([164]):

  • Phần người sản-xuất…………………………… 12,75 %
  • Phần giới trung-gian…………………………… 22,95 %
  • Phí-tổn chuyên-chở………………………………45  %
  • Thuế xuất-cảng………………………………… 11,37 %
  • Các phí-tổn khác……………………………….. 7,93 %

Tình trạng kinh-tế này không cho phép nông-dân có một số dự trữ dồi dào, mà trái lại sự sản-xuất của nông-dân không tài nào đủ để đáp ứng các loại chi-phí như nuôi sống gia-đình, trả thuế chuộc sâu, mua phân bón và hạt giống, thuê súc vật cày, cùng những chi phí không sinh lợi như chạy làm lý dịch, ăn khao, đánh bạc, v.v…Do đó, hầu hết các tiểu nông phải đi vay nợ, nhưng với những điều kiện hết sức nặng nề: các phân lãi rất cao, trung bình vào khoảng 30 đến 40 % (đấy là không kể lối cho vay góp, mà phân lãi có thể lên đến trên 200 % mỗi năm), làm nông-dân không tài nào trả nổi tiền vay và không thể nào thoát khỏi tình trạng mắc nợ.

Những người có tiền cho vay là Hoa-kiều, thường đòi hỏi nông-dân phải dành trước cho họ mùa màng; đến mùa gặt, họ lại đánh giá các hoa mầu thấp hơn là giá thật của số-lượng sản-xuất. Nhưng các tá-điền không có đủ phương tiện để canh tác đất đai và để sinh sống cho đến khi bán được vụ mùa, thường phải vay tiền của các địa-chủ và do đó, lại càng lâm vào một tình trạng phụ thuộc chặt chẽ hơn.

Các nhà chức trách đã cố gắng tìm cách ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi; ngay từ năm 1899, vua Thành-Thái xuống dụ ấn định phân lãi là 8 % mỗi năm ([165]); phân lãi sẽ còn được hạ xuống 5 % với dụ năm 1934 của vua Bảo-Đại. Nhưng những biện pháp này đã không đưa lại kết quả khả quan nào. Để bài trừ nạn cho vay nặng lãi, chính-phủ bảo-hộ thiết lập những tổ-chức nông-tín để giới tiểu-nông có thể vay tiền với những suất lãi phải chăng. Năm 1913 được lập ở Nam-kỳ những Hội Nông tín Hỗ-tương Bản-xứ (Sociétés indigènes de crédit agricole mutuel – S.I.C.A.M.), và năm 1927, được tổ chức ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ những Ngân-Hàng Nông-tín Bình-dân (Banques de crédit populaire agricole – B.P.C.A.). Các tổ chức này được điều khiển bởi những hội-đồng quản-trị gồm toàn hội-viên bản-xứ, dưới sự kiểm tra của chính-phủ. Nhưng chúng đã không giúp gì cho giới tiểu-nông, vì đa số các hội-viên đều là những đại địa-chủ. Các S.I.C.A.M. gồm 15.000 hội-viên, và các B.P.C.A. 90.000 hội-viên; tổng số 105.000 hội-viên của tổ-chức nông-tín này không nghĩa lý gì khi số nông-dân lên tới hàng triệu người ([166]). Trái lại, các hội-viên lại sử dụng những món tiền ứng trước bởi chính-phủ để cho giới tiểu-nông vay lại với những phân lãi cao; tuy muốn chặn đứng nạn cho vay nặng lãi, chính-phủ lại đã cung cấp những lợi khí mới cho giới cho vay nặng lãi.

Nạn nhân-mãn cùng tình trạng khổ cực của nông-dân làm cho đất đai ngày một chia vụn ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ ([167]). Trong miền châu-thổ Bắc-kỳ, diện-tích đất canh-tác là 1.200.000 ha, nhưng được phân chia thành 16 triệu tế phân; địa-sản đựợc phân-phối như sau ([168]):

586.000 nông-dân có dưới         0,36 ha.

283.000     “         có giữa           0,36 ha – 1,80 ha.

60.000      “             “                              1,80 ha – 3,60 ha.

20.000      “             “                              3,60 ha – 18 ha.

800           “             “                18,00 ha – 26 ha.

250          “          có trên           36,00 ha.

Tình trạng mắc nợ của nông-dân đưa đến sự cầm cố hay bán đợ đất đai, khiến đất cày ngày một tập trung trong tay các phú-nông, các chủ đất cũ trở thành tá-điền, phải thuê đất trước kia thuộc mình để canh tác. Theo Isoart ([169]), ở Bắc kỳ có 275.000 tá-điền (24 % dân số nông-thôn) và ở Trung kỳ có 100.000 tá-điền (13 % dân số nông-thôn); những con số này có lẽ còn xa với thực tế nhiều.  Ngoài ra, có 968.000 dân đinh Bắc-kỳ hoàn toàn vô-sản, mà hoàn cảnh ngày một trở nên xấu xa, với sự khủng hoảng của nền kinh-tế nông-thôn. Những người này, cùng với các nông-dân làm chủ vài sào đất, phải đi làm thuê làm mướn để có thể sinh sống: tình trạng khiếm-dụng và thừa thãi nhân-công ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ duy trì đồng lương ở một mức độ rất là thấp kém.

Sự tập trung đất đai trong tay một số điền-chủ là một sự kiện ngày một phát triển dưới thời Pháp-thuộc; nhưng, ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ, nó bị che dấu một phần nào bởi kích thước bé nhỏ của các đơn-vị canh-tác và bởi sự rải rác của các tế-phân. Trong khi ấy, xứ Nam-kỳ trở thành một miền trong ấy các đại địa-sản chiếm phần lớn: các địa-sản trên 50 ha chiếm 45% diện-tích canh-tác và ở trong tay 6.300 điền-chủ (2 % dân-số), những địa-sản dưới 5 ha chỉ chiếm có 15 % diện-tích canh-tác, nhưng các số tiểu địa-chủ là 183.000 người (72 % dân số). Chính-sách điền-thổ của chính-quyền thuộc-địa đã thuận lợi cho sự thành lập các đại địa-sản: trong những vùng mới được khai khẩn nhờ công-trình thuỷ-nông, chính-quyền cho bán những lô đất rộng với giá rẻ, nhưng khi đất được bán, giới tiểu-nông không có tư-bản bị loại bởi các điền-chủ giàu hay bởi các thư-ký hay thông-ngôn toà công-sứ am hiểu các thủ tục hành-chánh hơn. Các tiểu điền-chủ lại dần dần lâm vào cảnh mắc nợ và giới có vốn cho vay dần dần nắm lấy đất ruộng của họ. Nông-dân vô-sản được ước lượng là 354.000 gia-đình (57% dân-số), nhưng các số thống-kê không đề cập tới những người thợ trồng chỉ được sử-dụng một vài tháng trong năm và sống trong một hoàn cảnh rất chật vật ([170]).

Vì đa số các đại điền-chủ không trực tiếp canh-tác đất đai của họ, 80 % đất ở Nam-kỳ (1.800.000 ha) được phân chia thành những tô-địa rộng từ 5 đến 10 ha để giao cho tá-điền cày. Điền-chủ cung cấp đất và trả thuế, còn tá-điền phải góp sức lao động, ngưu canh điền khí, và mỗi năm trả cho điền-chủ trung bình một nửa số thóc gặt được. Tuy nhiên, tình trạng của các tá-điền Nam-kỳ tương đối tốt đẹp hơn tình trạng của các nông-dân miền Bắc, và ngân-sách gia-đình của họ ước lượng vào khoảng 154$, tức là gần gấp đôi ngân-sách của những gia-đình nông-dân tương đối khá giả ở Bắc-kỳ ([171]).

Vào năm 1939, số các đại điền-chủ ở Việt-Nam là 6.800 người, 6.300 ở Nam-kỳ và 500 ở Bắc-kỳ và Trung-kỳ; có những người có những địa-sản rộng mênh mông, như Trương Văn Bền, làm chủ 18.000 ha đất, hay Trương Đại Danh, làm chủ 8.000 ha đất ([172]). Họ lập nên một giai-cấp thượng-lưu, một giai-cấp phú-hào, chứ không phải một giai-cấp trung-lưu như một số tác-giả Tây-phương đã tưởng (3), tuy trong chế-độ thuộc-địa họ không có nhiều thế-lực chính-trị cho lắm. Đại đa số không sống trên đất của họ, nhưng sống tại các đô-thị lớn, như ở Saigon; họ giao phó sự canh-tác đất đai cho các tá-điền, họ cho nông-dân vay tiền với những phân lãi cứa cổ, và họ bán lúa gạo mà các địa-sản của họ sản xuất cho các nhà xuất-cảng Pháp hay Hoa-kiều. Như thế, lợi tức của họ lien hệ với chế-độ kinh-tế truyền-thống, và họ tích luỹ tư-bản chứ không góp phần vào sự phát triển kinh-tế, vì họ không tham dự những hoạt-động kinh-tế tư-bản tân thời. Tuy nhiên, nếp sống của họ lại là một nếp sống mới, nên họ có thể giữ một vai trò trung-gian giữa giai-cấp địa-chủ truyền-thống và giai-cấp trung-lưu mới.

Giữa giới đại điền-chủ và các tá-điền của họ, ta có thể gặp một giới trung-gian xuất vốn trong nông-nghiệp và sản-xuất cho thị-trường, với những nhân-công mà họ trả lương và sử dụng quanh năm. Chúng ta thiếu công trình khảo-cứu về giới người này, nhưng vài dữ kiện cho thấy hoạt động của họ đáng được chú ý tới; cả trong lãnh-vực sản-xuất cao-su sống, ngay từ đầu đã là một lãnh-vực dành riêng cho tư-bản Âu-châu, cũng có một số đồn-điền trồng cao-su nhỏ thuộc người Việt. Sự kiện này cho thấy là trong xã-hội nông-thôn Việt-Nam thời Pháp thuộc, nông-nghiệp cũng chứa đựng những tiềm-năng biến chuyển theo hướng tư-bản.

  1. Sự xuất hiện của những giai-cấp mới dưới ảnh hưởnh của sự diễn biến kinh-tế.

Trong khung cảnh của tổ chức kinh-tế mới, đã xuất-hiện một giai-cấp trung-lưu tư-bản; chính-quyền thuộc-địa cho phép tiền tệ được sử dụng và lưu thông một cách dễ dãi hơn trước bằng cách tạo nên những nhu cầu mới. Tuy khuynh-hướng của người dân Việt là ưa thích đầu-cơ với đất đai hơn là hoạt động thương-mãi và kỹ-nghệ, và tuy vấp phải sự cạnh tranh của người Trung-Hoa và người Âu-châu, một số người đã đứng ra xuất vốn, nhất là ở Bắc-kỳ, để lập nên những hãng chuyên chở vận-tải, những nhà máy cưa, những nhà máy dệt v.v…Nhưng chúng ta cần phải phân biệt hai giai-đoạn trong những hoạt-động kinh-doanh này; trước và sau thế chiến thứ nhất.

Sau năm 1907, với cuộc vận động duy-tân của nhóm Đông-Kinh-Nghĩa-Thục, nhiều nhà buôn hô hào lập hội kinh-doanh ([173]). Phong-trào khuếch trương thương-nghiệp đưa tới sự thiết lập trong giai đoạn này nhiều hiệu vừa buôn bán vừa làm công-nghệ; ở Hà-nội có hiệu Đồng-lợi-tế bán hàng nội-hoá, hiệu Hồng-tân-hưng làm đồ sơn, hãng Quảng-hưng-long do nhiều nhà buôn hùn vốn, hiệu Đông-thành-xương chế tạo xuyến bông đại-đoá và do các nhà nho Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền quản lý, v.v…Ở Nghệ-An, Ngô Đức Kế tổ chức Triệu-dương thương-quán, còn ở Quảng-Nam, công-ty Quảng-Nam hiệp-thương phát triển từ năm 1907 với một số vốn khoảng chừng 200.000$; công-ty mua lâm thổ-sản đem đi bán ở Hà-Nội, Saigon, Hương-Cảng, rồi lại mua hàng ở các nơi đó về. Ở Phan-Thiết, công-ty buôn bán Liên-Thành, thành lập năm 1908, xuất cảng đường, quế, tơ, và sẽ mở thêm hai chi-điểm lớn ở Saigon và Hội-An. Khi thế-chiến thứ nhất bùng nổ, một số những hội buôn này lợi dụng hang hoá bên Pháp không chở sang được để phát triển hoạt động của họ: hãng Quảng-hưng-long thành công trong lãnh-vực xuất nhập cảng, mặc dầu các quyền lợi của người Âu rất mạnh mẽ trong lãnh-vực này; công-ty Vũ Văn An chuyên môn buôn bán các loại tơ lụa đắt giá; Nguyễn Hữu Thu tức Sen, trước làm chủ hãng xe ở Hải-Phòng, trở thành chủ hãng tàu thuỷ chạy giữa Hương-Cảng và Hải-Phòng trong những năm thế-chiến. Đồng thời, nhiều nhà máy in được mở, như nhà máy in của Ngô Tử Hạ, Lê Văn Phúc ở Hà-Nội, Bùi Huy Tín ở Huế.

Sau thế-chiến thứ nhất, các công-ty doanh-nghiệp Pháp hoạt động nhiều ở Việt-Nam. Số các xí-nghiệp tư-bản của người Việt cũng tăng thêm, nhưng gặp nhiều trở ngại hơn về phía chính-quyền, cũng như không đủ sức để cạnh tranh với các hãng Pháp. Trong số những nhà tư-bản đáng kể nhất của giai đoạn này, phải nói tới Bạch Thái Bưởi trong năm 1923-24 cầm đầu một hãng tàu thuỷ chở hành-khách với một số vốn khoảng 10 tirệu đồng và sử dụng đến trên 3.000 công nhân; ngoài việc kinh doanh chạy tàu, Bạch Thái Bưởi còn khai mỏ than Bí-chợ ở Uông-Bí nữa. Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó-khăn về mặt hành-chính, năm 1925, Bạch Thái Bưởi đã phải bán tất cả số tàu của ông cho hãng chuyên chở Pháp Sauvage.

Nhà máy của hãng sơn Résistanco của Nguyễn Sơn Hà ở Hải-Phòng rộng đến gần 5 mẫu và có kỹ thuật khá cao. Nhưng hoạt động của hãng chế sơn này, cũng như của các hãng chế tạo khác, bị cản trở bởi đạo luật quan thuế bổ xung ngày 13-4-1928, đánh thuế rất nặng lên các loại hàng các nước khác đưa vào bán ở Việt Nam; Nguyễn Sơn Hà phải mua nguyên-liệu của hãng sơn pháp Poinsard-Veyret.

Mặc dầu bị đặt trong những điều kiện không thuận lợi lắm, nhiều công-ty mới vẫn xuất hiện; ví dụ vào năm 1926, một số nhà tư-bản và địa-chủ ở Saigon góp vốn thành lập Việt-Nam ngân-hàng (Société annamite de crédit); năm 1925, Trương Văn Bền mở xưởng chế sà-phòng ở Saigon.

Sự liệt kê một số nhà tư-bản điển-hình này không thể làm chúng ta quên rằng giai-cấp trung-lưu Việt-Nam rất là yếu ớt; sự phát triển của giai-cấp này đã bị cản trở bởi tính cách chế tài của sự khai-thác thuộc-địa của người Pháp, và họ đã không được hưởng những dễ dãi kinh-tế như chính quyền thuộc-địa Anh đã dành cho giai-cấp trung-lưu Ấn-Độ. Về mặt kinh-tế, giới tư-bản Việt-Nam phải phụ thuộc vào tư-bản Pháp, vì trong nhiều lãnh-vực, tư thế của họ quá yếu kém không cho phép họ cạnh tranh với các xí-nghiệp ngoại-quốc. Do đó, kinh-doanh của tư-bản Việt-Nam sự thật thu hẹp trong phạm vi tiểu công-nghiệp và tiểu thương-mại; trong suốt thời Pháp-thuộc, những xí-nghiệp tư-bản Việt-Nam dùng trên 200 công-nhân rất là hiếm. Theo thống-kê năm 1938, ở Bắc-kỳ trong số 67.761 hãng buôn phải nộp môn-bài, chỉ có 173 trả môn-bài trên 100$, nhưng không ai phải trả trên 800$ cả; ở Nam-kỳ, trong số 57.215 người nộp môn-bài thì 152 trả môn-bài trên 100$, song không ai phải trả quá 400$ ([174]).

Giai-cấp trung-lưu chấp nhận các tập tục và lối sống Tây-phương, và thường gửi con cái đi du-học ở Pháp. Nhưng ý thức được tình trạng thấp kém về mặt chính-trị của họ, giai-cấp trung-lưu đã đấu tranh trên báo chí để đòi tự do và dân-chủ và cổ động dân chúng dùng nội-hoá, không tiêu thụ ngoại-hoá; ở Saigon, họ hưởng ứng phong-trào lập-hiến của Nguyễn-Phan Long và Bùi Quang Chiêu. Nhưng giai-cấp trung-lưu đã không có đủ phương tiện kinh-tế để thể hiện các tham vọng chính-trị của họ.

Sự hiện diện của các xí-nghiệp tư-bản ngoại-quốc cùng với sự phát triển của các hình thức khai-thác kinh-tế tư-bản đã làm nảy nở trong những năm 1890-1919 một giai-cấp lao-động vô-sản mà xã-hội truyền-thống Việt-Nam chưa bao giờ biết đến. Sự phát triển của giai cấp thợ thuyền này không thể được đánh giá một cách xác đáng, vì các số thống kê của cơ quan chính quyền không phân biệt rõ ràng giữa các xí nghiệp nhỏ của Hoa-kiều hay người Việt có tính cách bán thủ công và những nhà máy thật thụ; sau nữa, các xí-nghiệp ngoại-quốc lại thường không biết rõ số nhân công họ sử dụng, mà chỉ biết những người cai thầu mộ thợ cho họ; tất cả tiền lương của thợ thuyền làm việc trong xí nghiệp đều được giao cho cai thầu chứ không trả thẳng cho công nhân. Vì thế, những con số dẫn ra bởi các tác giả chỉ có một giá trị tương đối mà thôi: Zinkin ([175]) cho rằng số thợ thuyền ở Việt-Nam vào khoảng 1940 là 120.000 người. Nhưng sự ước lượng của Zinkin chỉ bao gồm số công nhân của kỹ nghệ tư bản mà thôi; sự thật, phải tính chung số thợ làm việc trong những xí nghiệp của tư bản thuộc địa cả tư (nhà máy, mỏ) lẫn công (công ty hoả-xa, sở lục-lộ), và những phu khuân vác trong các thương khẩu cùng phu đồn điền: hoạt động của loại công nhân này không có tính cách kỹ nghệ về mặt kỹ thuật, nhưng cũng nằm trong cơ chế của sự đại sản xuất kỹ nghệ. Các sự ước lựơng của Isoart ([176]) cho thấy giới lao động được phân phối như sau :

1905 1930 1938
Công nhân mỏ……………………… 5.000 53.240 54.950
Công nhân kỹ nghệ và thương mãi 12.000 86.624 61.025
Công nhân nông nghịêp………………… 81.188 70.000
221.052 185.975

Những con số nêu trên chỉ có một giá trị tương đối: chúng chỉ bao gồm số công nhân được dùng trong các xí nghiệp tư bản Pháp chứ không kể đến số người làm việc trong những xí nghiệp kỹ nghệ, thương mãi hay nông nghệ của Hoa kiều hay của người Việt; chúng lại không bao gồm số công nhân giao thông công chính, hầu hết là các phu bắt ở các địa phương, trả theo công nhật. Mặt khác, đa số công nhân không phải là thợ chuyên nghiệp, mà chỉ làm phu làm thợ theo từng giai đoạn mà thôi.

Tuy nhiên, mặc dầu không có đầy đủ thống kê, ta cũng có thể xác định những đặc điểm tổng quát của giai cấp công nhân. Trước hết, vì giới bần dân của các thành thị chưa phát triển, giai cấp này xuất phát từ giới nông dân. Do đó, giữa người thợ và làng quê vẫn tồn tại những giây liên lạc chặt chẽ: người thợ không đem gia đình tới nơi làm việc, mà để gia đình ở lại làng và gửi về làng một phần đồng lương kiếm được; họ thường trở về làng, không những trong các trường hợp đình công hay thất nghiệp, mà còn để làm công việc đồng áng hay trong những dịp lễ lạc hội hè nữa. Chính vì giới công nhân còn dính liền với làng mạc một cách mật thiết như vậy mà giai cấp này rất bất định: trong một trung tâm khai mỏ ở Bắc- kỳ, trong số 24.825 phu mỏ được dùng vào năm 1936, chỉ có 422 người đã làm việc trên 300 ngày, còn 18.645 người đã làm việc dưới 150 ngày; để duy trì cho các đồn điền một số phu thường xuyên là 22.000 ngườ, đã phải mộ đến gần 75.000 phu đồn điền trong giai đoạn 1925-1930 ([177]). Như vậy, sớm hay muộn, đa số các công nhân sẽ lại trở về với sinh hoạt nông thôn. Chỉ một phần nhỏ các công nhân mỏ hay kỹ nghệ mới trở thành những phần tử thường xuyên của một giai cấp lao động thực thụ; tuy nhiên, vì các điều kiện sinh sống ở nông thôn quá chật vật, có thể nói là giữa năm 1910 và 1940, hàng triệu nông dân đã phải bỏ làng để sống một đời sống vô sản lao động trong các mỏ, các đồn điền hay các xưởng máy trong một thời gian hoặc dài, hoặc ngắn. Do đó, sự phát triển của chế độ tư bản ở Việt-Nam đã có một ảnh hưởng rộng lớn đối với một phần lớn dân chúng ([178]).

Nguyên nhân chính giải thích tại sao nhiều công-nhân bỏ sở làm để trở về làng là các điều kiện lao-động vô nhân-đạo, hơn là vì họ quyến luyến với làng quê. Chế-độ lao-động được tổ chức dưới hình thức tự do hay khế-ước. Chế-độ lao-động tự do dưới hình thức làm thuê cho một thời hạn ngắn (từ một ngày đến một năm) được qui định bởi nghị-định ngày 26-8-1899: nghị-định này bắt buộc phải cấp cho công-nhân một quyển tiểu-bạ sẽ vừa là giấy phép cư-ngụ, thẻ kiểm-tra và khế-ước làm thuê; nếu không có được quyển tiểu-bạ này, người thợ không được phép làm việc ở bất cứ một nơi nào. Sau đệ-nhất thế-chiến, sự phát triển của các đồn-điền cao-su đòi hỏi phải di chuyển xuống miền Nam một số lớn nhân-công của xứ Bắc-kỳ và Trung-kỳ: các khế-ước lao-động không được ký kết cho một thời-hạn ngắn nữa, nhưng trở thành những khế-ước dài hạn, thường là ba năm. Sự tuyển mộ phu đồn-điền được tổ chức qua trung gian các sở mộ phu: nhân-vật nổi tiếng trong việc mộ phu đồn-điền này là Bazin, đã có thể mộ 18.000 người phu năm 1927 với những người cai bản-xứ mà ông ta sử dụng. Vì được trả từ 10 đến 20$ cho mỗi người phu mộ được, các người cai này đã dùng đủ mọi cách, thường là những sự đe doạ, để bắt phu. Nhưng các điều kiện làm việc trong các đồn-điền rất nặng nhọc: phu thợ không đủ ăn, bị đe doạ bởi bệnh sốt rét ngã nước, bị bóc lột bởi các cai thợ, và bị trừng phạt nặng nề nếu phá khế-ước ([179]). Vì vậy mà số phu đồn-điền bỏ trốn tăng lên nhiều (846 năm 1924, 4.484 năm 1926).

Tổ-chức lao-động này giải thích trình-độ chuyên môn thấp kém của các công-nhân: tỷ-suất của các người thợ tạm thời và những người thợ phụ quá cao, trong khi số thợ chuyên-môn không có là bao. Tuy nhiên các xí-nghiệp không chú trọng đến năng-suất của nhân-công, vì nhân-công này quá rẻ và thừa-thãi. J. Chesneaux ([180]) đã có thể nói là giai-cấp lao-động này chưa được tuyển mộ và trả lương trong khung cảnh của thị-trường lao-động tư-bản, mà vẫn còn bị ràng buộc bởi những liên hệ phụ thuộc cá-nhân có tính cách tiền tư-bản : người thợ ở một địa vị gần như nô-lệ đối với những người cai mộ phu hay những người đốc-công; họ phải có quà cáp cho những người cai này hoặc phải làm việc nhà cho họ; các cai thợ lại có toàn quyền sa thải, trừng-phạt hay đánh đập những công-nhân không vừa lòng họ.

        Trước những sự lạm dụng này, chính-phủ bảo-hộ kể từ thời toàn-quyền Varenne trở đi đã có những cố gắng quy định chế-độ lao-động trong các đồn-điền cao-su, cùng cải thiện các điều kiện lao-động. Nghị-định công bố ngày 25-10-1927 hạn chế thời gian làm việc một ngày là mười giờ; tất cả các công-nhân phải được nghỉ một ngày mỗi tuần; tình trạng vệ-sinh cùng các điều kiện vật-chất và tinh-thần của sự sinh sống của các công-nhân phải đựơc cải thiện.

Giữa năm 1930 và 1933, một số nghị-định khác được công bố với mục đích xác định pháp-chế lao-động : sự làm việc của trẻ con, vị thành-niên và đàn bà được qui định, cũng như các điều kiện vệ-sinh và an-ninh của các công-nhân trong thương-nghiệp và kỹ-nghệ, các uỷ-ban hoà-giải được thành lập để giải quyết những vụ tranh chấp lao-động, quyền hạn của các thanh-tra lao-động được mở rộng.

Hai nghị-định ngày 13-10-1936 và 30-12-1936 cho thấy có thêm được nhiều tiến bộ mới: ngày làm việc 8 giờ, chủ nhật bắt buộc là ngày nghỉ, cấm không dùng đàn bà và trẻ con làm việc ban đêm, bồi thường trong trường hợp tai nạn xảy ra trong khi làm việc; chủ xí-nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu các cai thợ vi phạm luật-lệ lao-động. Song le, các tổ-chức nghiệp-đoàn vẫn tiếp tục bị cấm đoán.

        Vào khoảng 1939, nếu giai-cấp công-nhân vẫn không đông đảo lắm, sự biến chuyển kỹ-thuật đã đưa đến một trình độ chuyên nghiệp cao hơn trước; sự khai thác dưới đất đòi hỏi phải có những người thợ mỏ thật thụ; các nhà máy dệt, nhà máy xi-măng Hải-Phòng, các xưởng làm thuốc lá, các xưởng đóng tàu, v.v… càng ngày càng dùng nhiều công-nhân chuyên môn hơn. Tuy nhiên, năng-suất của người thợ Việt-Nam vẫn còn thấp kém: trong các mỏ than, năng-suất trung bình của mỗi người thợ mỗi ngày là 207 kg, nghĩa là 1/4 năng-suất của thợ mỏ Nhật-Bản (802 kg); trong kỹ-nghệ dệt ở Nam-Định và Hải-Phòng, năng-suất của công-nhân Bắc-kỳ chỉ bằng 70 % năng-suất của công-nhân Pháp. Các chủ xí-nghiệp đã viện năng-suất thấp kém này để duy trì các lương bổng ở một mức độ thấp; ngoài ra, nạn nhân-mãn ở Bắc-kỳ cũng khiến người thợ Bắc-kỳ được trả lương ít hơn người thợ Nam-kỳ. Trên toàn diện, đồng lương của giới thợ thuyền đã tăng đều cho tới năm 1930; khủng-hoảng kinh-tế đã làm cho các xí-nghiệp sa thải một số công-nhân trong khi những công-nhân được giữ lại được trả lương ít hơn :

Lương công-nhật 1931 1934 1936 1939
Thợ mỏ Đông-Triều…. 0,70$ 0,40$ 0,38S _
Phu không chuyên-môn ở Bắc-kỳ…. 0,37$ _ _ 0,36$
Thợ đàn bà ở Hải-phòng…. 0,31$ 0,21$ 0,17$ _
Thợ chuyên-môn ở Saigon….. 1,50$ 1,22$ 1,13$ _
Phu không chuyên-môn ở Saigon…. 0,70$ _ _ 0,75$

Nếu so sánh số lương thợ với tiền lời của các xí-nghiệp, ta sẽ thấy rằng tiền lương trả cho công-nhân không thấm vào đâu: lợi tức của các công-ty cao-su năm 1929 lên đến 309 triệu phật-lăng, nhưng tổng số tiền lương phải trả chỉ là 40 triệu ([181]).

Sau cùng, phần lớn giai-cấp công-nhân làm việc cho các xí-nghiệp ngoại-quốc: những người thợ này ở trong một tình trạng đặc biệt, vì mọi tranh chấp xã-hội, kể cả những tranh chấp gây nên bởi những đòi hỏi sơ đẳng nhất (tăng lương, giới hạn giờ giấc làm việc, v.v…) đều có thể đượm màu sắc của một sự tranh đấu quốc-gia. Cho tới đệ-nhị thế-chiến, nhiều cuộc đình-công hay biểu tình của công-nhân thường xảy ra ở Saigon, Hải-Phòng, trong các đồn-điền cao-su hay tại các thương-cảng miền Trung; các phong-trào thợ thuyền này chỉ có tính cách đòi hỏi quyền-lợi xã-hội, nhưng, vì chúng nhắm vào giới chủ-nhân các xí-nghịêp thuộc-địa, chúng trở thành một khía cạnh đặc biệt của sự tranh-đấu quốc-gia. Phong-trào thợ thuyền rất hoạt động thời chính-phủ của Mặt-trận Bình-dân (Front Populaire) cầm quyền ở Pháp, khi mà sự thắng thế của các phái tả ở Pháp bắt buộc chính-quyền thuộc-địa phải giảm bớt chính-sách đàn áp ở Việt-Nam.

c) Sinh-hoạt tỉnh thành.

Cho tới khi người Pháp đặt nền bảo-hộ lên xứ Việt-Nam, các tỉnh-lỵ chỉ là một hình thức quần tụ vài làng xóm xung quanh một thành-trì, nơi sở tại của nền hành-chánh dân-sự và quân-sự. Hoạt-động kinh-tế phát sinh với sự đô-hộ của người Pháp, và sự thành lập những hệ-thống giao-thông đã hiến nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sinh-hoạt tỉnh-thành. Song, phát triển này mới chỉ được đề cập tới một cách tổng quát, chứ chưa có một công-trình khảo-cứu nào phối hợp tất cả các đặc tính của một đô-thị lớn: gia-tăng nhân-khẩu, tổ-chức kỹ-thuật và hành-chánh, cơ-cấu xã-hội, hoạt-động kinh-tế, sinh-hoạt văn-hoá, v.v…Cũng cần phải phân biệt giữa những đô-thị đã có một quá khứ lâu dài và những trung-tâm tỉnh-thành mới xuất hiện cùng với sự xâm nhập của người Pháp (như Hải-Phòng), chính trong những trung-tâm thành-thị mới này mà hiện tượng tỉnh thành có thể được nghiên-cứu một cách rõ rệt nhất. Sau nữa, trong số các đô-thị cũ, Hà-Nội có thêm những hoạt động mới lien hệ với sự diễn-biến kinh-tế và chính-trị, trong khi Huế ít bị ảnh hưởng bởi các tiến bộ kỹ-thuật hơn.

Dân-số tỉnh thành, tuy nhiên, vẫn còn ít so với dân-số nông-thôn. Ở Bắc-kỳ, dân tỉnh chỉ là 5 % tổng dân-số, ở Nam-kỳ, 15 %. Năm 1936, Việt-Nam có 18 tỉnh-lị có trên 10.000 người dân: khoảng 800.000 người trên một tổng dân-số chừng 19 triệu người sống trong các tỉnh-lị ấy ([182]). Ở Bắc-kỳ, các tỉnh thành chính là Hà-Nội (125.000 người dân), Hải-Phòng (80.000 người dân), và Nam-Định (30.000 người dân). Ở Nam-kỳ, Saigon và Chợ-Lớn nhóm họp 600.000 người dân, còn ở Trung-kỳ Huế có 65.000 người dân ([183]). Trong các tỉnh thành này, ta chưa biết rõ tỉ-lệ dân-cư sống với những hoạt-động kinh-tế tân-thời, tỉ-lệ dân-cư sống với những hoạt-động truyền-thống, và tỉ-lệ dân-cư không có việc làm nhất định hay gần như thất nghiệp; nhưng điều chắc chắn là trong số dân tỉnh có một số nông-dân phá sản đã kéo vào tỉnh để chạy trốn tình trạng bần cùng của họ ở nông-thôn.

Giữa Hà-Nội và Saigon, gần như có một sự cạnh tranh: Saigon đã là trung-tâm đầu tiên của nền hành-chánh Pháp, vẫn nuôi mối oán hận sau khi Hà-Nội trở thành thủ-đô của khối Đông-Pháp vào năm 1902, và nghĩ rằng các quyền lợi của xứ Nam-kỳ phải phụ thuộc quyền lợi của hai xứ Bắc-kỳ và Trung-kỳ. Hoạt động của hai đô-thị này lại khác nhau: Saigon gần như đã được hoàn toàn tạo nên bởi người Pháp, là một thương-khẩu mà các hoạt động chính lien hệ với thương-mãi và các loại đồn-điền, trong khi Hà-Nội, đã là kinh-đô của Việt-Nam trong bao nhiêu thế-kỷ và lại được mở rộng thêm bởi chính-phủ bảo-hộ, là một trung-tâm hành-chánh và văn-hoá hơn là kinh-tế, với các cơ-sở hành-chánh của chính-phủ toàn-quyền, các viện bảo-tàng, trường Đại-học và trường Viễn-Đông Bác-Cổ.          

Trong các đô-thị lớn, sự phân chia rõ rệt thành những khu người Pháp và những khu bản-xứ phản ảnh sự phân biệt chủng-tộc. Số Pháp-kiều ở Việt-Nam không đông lắm: 30.000 người vào năm 1937, mà một nửa gồm những quân-nhân (sĩ-quan và hạ sĩ-quan của các đội lính khố xanh, khố đỏ; sĩ-quan điều khiển các cơ-quan chuyên môn như Nha Địa-Dư; sĩ-quan chỉ-huy các đồn binh). Nhưng vai trò quan trọng ở trong tay các công chức người Pháp và các tư-nhân hoạt-động trong những lãnh-vực kỹ-nghệ, thương-mãi và ngân-hàng (được gọi chung dưới danh-từ colons): năm 1937, có khoảng 4.700 công-chức và 5.800 colons ở Việt-Nam phân-phối như sau ([184]):

Administrateurs des Services…………………………………………. 450

Công-chánh…………………………………………………………… 507

Y-tế …………………………………………………………………… 313

Giáo-dục ……………………………………………………………… 590

Thương-chính ………………………………………………………… 723

Tư-nhân hoạt-động trong nông-nghiệp ……………………………….. 705

            “                      “                      mỏ và kỹ-nghệ ……………………… 1.172

            “                      “                      chuyên-chở vận-tải ……………………. 419

            “                      “                      thương-nghiệp ……………………….. 1.517

            “                      “                      ngân-hàng và bảo-hiểm ………………… 249

            “                      “                      nghề nghiệp tự do …………………… 1.785

Pháp-kiều sống trong những khu riêng biệt ở các đô-thị lập nên một xã-hội đóng chặt, có những thành kiến và những định-quy riêng của nó. Họ rất ít tiếp xúc với dân Việt, ngoài những sự tiếp xúc kinh-tế hay hành-chánh cần thiết. Chính vì vậy mà dần dần, người Pháp đã coi những người bồi, người bếp của họ (mà Louis Malleret gọi là những sản-phẩm lạ lùng nhất của hiện tượng đứt rễ của dân Việt-Nam ([185])) như là những tiêu chuẩn điển hình của xã-hội Việt-Nam, và họ gán cho xã-hội này tất cả những nết xấu cuả các người bồi, người bếp. Từ nhận định đó, đa số người Pháp ở Việt-Nam đã tiêm nhiễm một mặc-cảm tự tôn khiến họ khinh bỉ dân bản-xứ: đối với một người Pháp, sự sỉ-nhục nặng nề nhất là bị gán danh-hiệu “thân bản-xứ” (indigénophile). Sự kỳ thị chủng-tộc này cũng khiến những người lai Tây (Eurasiens) bị xã-hội Pháp ruồng bỏ. Tuy nhiên, cũng có một số người Pháp thuộc nhiều thành phần khác nhau đã hiểu rõ các phong-tục tập-quán của nền văn-minh Việt-Nam và kính nể nền văn-minh này, như Gosselin, Diguet, Dumoutier, P. Huard, Léopold Cadière, v.v…

THƯ-MỤC CHỌN LỌC

AZAMBRE G., “Hanoi, notes de géographie urbaine”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 1955, tr. 355-363.

BOUCHOT Jean, “La naissance et les premières années de Saigon, ville française”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, 1927, tr. 63-138.

Bureau International du Travail, Problèmes du travail en Indochine. Genève, 1937, vii-332 tr.

DELAMARRE E., L’émigration et I’immigration ouvrière en Indochine. Hanoi, IDEO, 1931, 52 tr.

DUMAREST André, La formation des classes sociales en pays annamite. Lyon, 1935, 267 tr.

Exposition Coloniale Internationnale, Paris, 1931. Indochine francaise, Le service de I’Instruction publique en Indochine en 1930. Hanoi, IDEO, 1930. 142 tr.

FEYSSAL Pierre de, L’endettement agraire en Cochinchine. Hanoi, IDEO, 1933, 104 tr.

FURNIVALL  J.-S., Educational progress in Southeast Asia. New York, 1943.

GOUROU Pierre, L’utilisation du sol en Indochine française. Paris, Hartmann, 1940, 446 tr.

JACOBY Erich H., Agrarian unrest in Southeast Asia. New York, 1949, 287 tr.

LÂM NGỌC HUỲNH, La naissance et l’évolution du prolétariat au Viêt-Nam sous I’effet de la colonisation francaise. Paris, 1962, 394 tr. đánh máy.

“Les œuvres culturelles en Indochine”, Education, 31-12-1949, 157 tr.

McGEE T.-G., The Southeast Asian city. A social geography of the primate cities of Southeast Asia. New York, F.A. Praeger, 1967, 204 tr.

PEGOURIER Y., Le régime du travail au Vietnam. Saigon, Imp. Française d’Outre-Mer, 1954, 86 tr.

PHẠM CAO DƯƠNG, Thực-trạng của giới nông-dân Việt-nam dưới thời Pháp-thuộc. Saigon, Khai-Trí, 1967, 254 tr.

POUVOURVILLE Albert de, L’Annamite. Paris, Larose, 1932, 107 tr.

THOMPSON Virginia, Labor problems in Southeast Asia. New Haven, Yale University, 1947, 283 tr.

VIAL Francisque, Le problème humain de l’Indochine. Paris, Delagrave, 1939, 279 tr.

WERTHEIM W.-F., East-West parallels, sociological approaches to modern Asia. The Hague, 1964, 284 tr.

OOo

Không khí xã-hội còn được phản ảnh qua một số những tác-phẩm của các văn-gia thời tiền-chiến, vì các tác phẩm này không phải chỉ là cách thức phát biểu văn chương của giới trí-thức, mà còn là một cách thức phát biểu các quan-niệm chính-trị nữa. Do đó, các tác-phẩm như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay những phong-tục tiểu-thuyết và luận-đề tiểu-thuyết của phái Tự-lực văn-đoàn, là những tài-liệu giá trị về các vấn-đề xã-hội Việt-Nam thời Pháp thuộc.  

Bình luận về bài viết này