Tả quân Lê Văn Duyệt

13230318_1108881559175778_3338918388165038265_n

Lê Văn Duyệt- tranh Nam Thanh Phan

Cao Tự Thanh

Gọi Lê Văn Duyệt là Tả quân hay Chường Tả quân chỉ là nói tắt, chứ nói đầy đủ thì quan hàm này của ông là Khâm sai Chưởng Tả quân Đô thống phủ phủ sự (có khi viết là Khâm sai Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự). Sau khi giết Đỗ Thanh Nhơn năm 1781, Nguyễn Ánh chia quân Đông Sơn thành bốn quân Tiền Hậu Tả Hữu, là tiền thân của các đơn vị bộ binh lớn được gọi là dinh tức Tiền quân, Hậu quân, Tả quân, Hữu quân về sau, lại lấy Tôn Thất Dụ làm Chưởng Trung quân tiết chế chư đạo bộ binh, đủ thấy trước khi chiếm lại được Gia Định lần cuối cùng năm 1788 quân đội của Nguyễn Ánh đã được chia làm năm dinh Tiền Hậu Trung Tả Hữu, đến 1788 sau khi tiếp nhận quân Kiến Hòa của Võ Tánh thì lập thêm dinh Tiên phong. Về sau mới có thêm các dinh như Thần võ quân, Chấn võ quân, Tượng dinh, Thần sách quân. Trung quân chủ yếu là thủy quân, là lực lượng cơ động nhất trong hoàn cảnh giao thông thời bấy giờ, Tượng dinh, Trung quân vừa là hai quân đoàn vừa là hai binh chủng. Tả quân là một quân đoàn bộ binh lớn, năm 1784 do Tôn Thất Huy làm Chưởng Tả quân. Qua 1792 Huy chết, đến 1793 Ánh phong hoàng tử Cảnh làm Đông cung, cho Cảnh làm Nguyên soái lãnh dinh Tả quân. Đầu năm 1801 Cảnh mắc bệnh đậu mùa chết, chức Chưởng Tả quân để khuyết một thời gian, trước khi đem quân ra Bắc năm 1802 Nguyễn Ánh đổi Tả quân cũ làm Chấn võ quân, giao cho Nguyễn Văn Nhơn quản lãnh, lấy Tả dinh quân Thần sách làm Tả quân, phong Đô Thống chế quản dinh này là Lê Văn Duyệt làm Chưởng Tả quân. Đây là viên Chưởng Tả quân nổi tiếng nhất trong quân đội Nguyễn Ánh đầu thế kỷ XIX.

Lê Văn Duyệt tổ tiên là người huyện Chương Nghĩa Quảng Ngãi, cha là Toại dời tới ở dinh Vĩnh Trấn, sinh được bốn con trai, Duyệt là con trưởng, sinh ra không có ngọc hoàn, thân thể thấp nhỏ, tinh hãn có tài lực. Năm 15 tuổi thường than thở rằng sinh ở đời loạn mà không dựng được cờ đại tướng, chép công danh vào sách sử không phải là trượng phu. Năm 1780 Nguyễn Ánh xưng vương, Duyệt 17 tuổi được tuyển làm Thái giám, đổi bổ làm Thuộc nội Cai đội, theo đánh dẹp từng cùng các tướng bàn việc binh, Ánh thấy là người lạ bèn hỏi “Ngươi cầm quân được không?”, Duyệt thưa “Được”. Ánh lại hỏi “Ngươi làm tướng được không?”, Duyệt thưa “Được”. Ánh nói “Dùng binh là việc lớn, ngươi sao nói dễ thế?”. Duyệt nói “Tây Sơn vô đạo, không bao lâu sẽ tự diệt vong. Ta lấy nhân thay bạo, thế dễ như chẻ tre, quả thật tôi không thấy có gì là khó”, nhân xin mộ binh lệ thuộc theo Tả quân, Ánh ưng thuận. Năm 1797 thăng làm Vệ úy vệ Điều Vũ, kế đổi làm Chánh thống Tả đồn quân Thần sách, trấn thủ thành Diên Khánh. Năm 1801 Ánh định đánh thủy trại Tây Sơn ở Thi Nại, chọn tướng cầm quân. Tống Viết Phước xin đi, Ánh nghĩ Phước dũng mà vô mưu nên không cho, mật triệu Duyệt về. Kế sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương đem thuyền nhỏ đi trước lẻn vào đốt thủy đồn Tây Sơn ở Tam Tòa, Duyệt cùng Vũ Di Nguy đem thuyền lớn xếp hàng một nối theo xông vào. Quân Tây Sơn giữ đồn trên núi bắn xuống, đạn bay như mưa, Di Nguy trúng đạn chết, Duyệt càng đánh hăng. Nguyễn Ánh xót vì tướng sĩ thương vong quá nhiều, sai thuyền tiểu sai tới truyền dụ tạm lui, Duyệt thề tử chiến, nói chỉ tiến chứ không lui, chỉ vào chứ không ra, thúc quân đánh gấp qua được cửa biển thuận gió phóng hỏa đốt hết chiến thuyền Tây Sơn, sử thần triều Nguyễn chép trận này là võ công đệ nhất thời trung hưng. Hôm ấy là ngày 16 tháng giêng âl., quân Nguyễn Ánh đánh từ giờ Dần (từ 3 đến 5 giờ sáng) đến giờ Dậu (từ 7 đến 9 giờ tối) mới vào được cửa Thi Nại, thương vong rất nhiều. Sau 1802, năm nào đến ngày ấy Duyệt cũng bày lễ cúng tế các tướng sĩ chết trận, đích thân vào tế, khóc lóc rất đau thương.

Cần nói thêm rằng từ 1778 trở đi, các lực lượng chống Tây Sơn ở Nam Bộ đã dần dần được hợp nhất lại dưới ngọn cờ của Nguyễn Ánh, song sống trên đất tranh chiếm quyết liệt trong hơn mười năm chiến tranh, những người đứng đầu các lực lượng này đều phải có năng lực thực tiễn cao, tức ngoài phần sức khỏe và lòng can đảm trời cho đều phải giỏi võ nghệ hay có thiên tư về việc hành quân đánh trận. Các danh tướng dưới quyền Nguyễn Ánh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức… đều là những người như thế. Và ngoài một vài trường hợp như Nguyễn Huỳnh Đức mà sử quan triều Nguyễn chép là “Tính Đức kính cẩn, Thánh tổ (tức Minh Mạng) từng nói trong hàng võ thần chỉ có Đức là biết lễ”, phần lớn bọn họ đều là những kẻ ngang tàng cao ngạo, lại phải treo tính mạng nơi hòn tên mũi đạn để lập công danh nên ngoài sự cậy tài đều có ý cậy công, ít ai chịu phục ai. Cho nên sử quan triều Nguyễn về sau cũng chép về một số vụ lục đục tương đối nổi cộm giữa các danh tướng dưới quyền Nguyễn Ánh trước 1802, trong đó có sự bất hòa giữa Nguyễn Văn Thành với Lê Văn Duyệt.

Nguyễn Văn Thành vốn là đại tướng của quân Nguyễn Ánh, còn Lê Văn Duyệt vốn là thái giám, tuy nhiều lần lập công nhưng so với Thành vẫn là tỳ tướng. Năm 1800 Thành là Khâm sai Chưởng Tiền quân điều bát chư đạo bộ binh, còn Duyệt chỉ mới là Đô Thống chế Tả đồn quân Thần sách. Trận Thị Dã, hai người và Tống Viết Phước phối hợp với nhau phá tan quân Tây Sơn, nhưng lại bất hòa vì một chén rượu. Trong trận này Thành và Duyệt đều cắm cờ tướng trên bành voi chỉ huy quân sĩ. Thành vốn thích rượu, sắp ra trận thì đem bầu ra tự rót uống, rót một chén đưa cho Duyệt. Duyệt không chịu uống, Thành cố ép, nói “Nay trời lạnh, uống một chén cho hăng thêm”. Duyệt nói “Ai nhát mới phải mượn rượu, còn tôi thì trước mắt không thấy có giặc nào mạnh, cần gì tới rượu”. Thành xấu hổ, từ đó căm Duyệt. Đến 1815 mâu thuẫn giữa hai người lên tới đỉnh điểm, Thành sai thuộc hạ lấy trộm ấn Tả quân của Duyệt, nên trong vụ án bài thơ phản của Nguyễn Văn Thuyên con Thành, Duyệt đã ra sức khép Thành vào tội chết. Cần nhắc lại rằng Lê Văn Duyệt từng có lần nói với Nguyễn Ánh rằng Tống Viết Phước dũng mà ít mưu, Nguyễn Văn Thành mưu mà ít dũng, không rõ lời bình phẩm ấy có tới tai Thành không, nhưng trong quân Nguyễn Ánh thì quả thật Duyệt thuộc hàng dũng tướng. Sử thần triều Nguyễn về sau cũng viết “Chư tướng thời trung hưng chỉ có Duyệt cùng Nguyễn Văn Trương đánh giặc không thua trận nào”, xem ra viên thái giám kiêu dũng này quả là tinh hoa não lòng của một thời loạn lạc trong lịch sử Việt Nam.

Năm 1802, Gia Long đem quân ra Bắc, thăng Duyệt làm Khâm sai Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân cùng Chưởng Hậu quân Lê Chất thống lĩnh bộ binh đi trước, tới đâu quân Tây Sơn tan vỡ tới đó, tiến vào Thăng Long. Từ đó trở đi Duyệt cầm quân ra Bắc vào Nam, liên tiếp phá quân Đá Vách ở Quảng Ngãi, trấn áp Xiêm Lạp, kinh lược Thanh Nghệ, hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành, oai vọng lừng lẫy, Xiêm La Diến Điện đều nghe danh, có thể nói là viên trọng thần bậc nhất của triều Nguyễn đầu đời Minh Mạng, cả Minh Mạng cũng phải e dè. Trong thời gian làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai, Lê Văn Duyệt nhiều lần chống lệnh cấm đạo Thiên chúa và có nhiều hành động đi ngược lại với chủ trương trọng nông ức thương của Minh Mạng, lại có lần vuốt mặt không nể mũi thẳng tay chém đầu Phó Tổng trấn Gia Định thành Hoàng Công Lý vốn là cha vợ Minh Mạng, nên Minh Mạng đã sợ lại ghét, để bụng căm hận. Đầu năm 1832 Duyệt nghe tin Bắc Thành đã chia hạt đặt quan thôi không đặt trấn, bèn xin nghỉ việc Gia Định thành để triều đình chia đặt tỉnh hạt theo lệ, Minh Mạng vẫn chưa dám nhận lời, ban chỉ sai Duyệt cứ giữ chức đợi lệnh sau. Cuối năm ấy Duyệt ốm chết, được tặng Thái bảo.

Theo truyền thuyết, Lê Văn Duyệt cầm tinh Hắc hổ (cọp đen), được ngưởi ta coi như thần từ lúc còn sống, nên sau khi chết có nhiều giai thoại về sự linh ứng, thật ra chỉ là những lời đơm đặt thêu dệt không đáng tin cậy. Như có truyện kể có lần Thành Thái vào nam đi ngang mộ ông, xe hơi bị chết máy, phải sai bỏ cái xiềng trên mộ ông mới nổ máy được vân vân, nhưng cái xiềng ấy đã được bỏ đi ít nhất là từ đầu đời Tự Đức.

Tuy nhiên xét từ một khía cạnh khác thì sự kính ngưỡng Lê Văn Duyệt của nhiều tầng lớp nhân dân địa phương lại ít nhiều phản ảnh tâm lý bất bình về hành động cạn tàu ráo máng của Minh Mạng, và từ 1862 trở đi họ còn kín đáo gói ghém vào tình cảm ấy cả lòng yêu nước, như một đôi câu đối cúng năm 1895 hiện còn ở Lăng Ông “Tá trung hưng phụ phượng phàn long, dữ quốc bách niên chiêu vĩ tích, Chế ngoại khổn an dân tức đạo, kim nhân thiên tải ngưỡng uy phong” (Cuộc trung hưng giúp phượng vin rồng, cùng nước trăm năm ngời sự nghiệp, Quyền ngoại khổn yên dân dẹp giặc, khiến người ngàn thuở mộ uy phong), nhắc tới công lao của Lê Văn Duyệt trong sự nghiệp trung hưng của nhà Nguyễn nhưng cũng gián tiếp kêu gọi lòng trung thành với đất nước của con người Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây.

Ngoài ra nhờ có chính sách kinh tế phù hợp với thực tế địa phương nên lúc sinh tiền Lê Văn Duyệt còn được nhiều thương nhân người Hoa mến mộ, có người như Lưu Hằng Tín còn tìm tới xin làm con nuôi của ông – trong cuộc binh biến thành Phiên An của Lê Văn Khôi người nghĩa tử phú thương quê Hải Nam này đã bỏ ra một ngàn quan tiền và hai mươi tấm áo thuê quân Hồi lương An Thuận (quân người Nghệ An chống triều đình được Lê Văn Duyệt thu phục đem vào nam sai phái) bắt sống Bố chánh Phiên An Bạch Xuân Nguyên để trả thù cho Lê Văn Duyệt “Tôi liền phát xuất gia tư, Tiền thì trăm chục áo thì mười đôi. Rằng này chẳng tiếc của tôi, Đam mua Nguyên sống đặng đôi mấy lời” (Bốn Bang thơ), trong cuộc binh biến thành Phiên An cũng có nhiều thương nhân người Hoa tham gia và bị nhà Nguyễn tàn sát thảm khốc sau đó, đây có thể là một lý do khiến nhiều người Hoa trước nay cũng thường tới cúng bái ở Lăng Ông…

Qua 1833 Minh Mạng giải thể Gia Định thành, sai Bố chánh Phiên An Bạch Xuân Nguyên bới móc những việc sai trái của Duyệt lúc sinh tiền, bắt giam các thuộc hạ thân tín cũ của Duyệt, dẫn tới việc Lê Văn Khôi làm binh biến ở thành Phiên An thời gian 1833 – 1835. Sau khi đàn áp được cuộc binh biến Lê Văn Khôi, Minh Mạng sai đình thần bàn định, kết án Lê Văn Duyệt có bảy tội đáng xử chém, hai tội đáng xử thắt cổ, một tội đáng xử sung quân, nhưng “còn cái xương khô trong mả không thèm gia hình” nên chỉ sai san phẳng nấm mộ, dựng bia đề tám chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi tên hoạn quan chuyên quyền Lê Văn Duyệt chịu tội). Thật ra với tính khí của Minh Mạng thì khó mà độ lượng như vậy, nên đó chỉ là bắt không được tha làm phước, bởi ngôi mộ thật của Lê Văn Duyệt đã được vợ là Đỗ Thị Phẫn dời đi khỏi chỗ từ lâu (*).

Năm 1848, Tự Đức vừa lên ngôi, theo lời tâu của đình thần khai phục cho Lê Văn Duyệt, từ đó nhân dân địa phương mới dựng miếu công khai thờ cúng. Năm 1894 Hoàng Cao Khải vào Nam có viết một bài văn bia chữ Hán tức bài Lê công miếu bi hiện còn ở Lăng Ông, toàn văn như sau (bản dịch):

“Công việc có khi không liên quan nhưng tình vì thế mà động, đó là lẽ tự nhiên của điều hay. Cảnh ngộ có khi không biết được nhưng thần vì thế mà cảm, đó là sự hạo nhiên của chính khí. Tôi đối với Tả quân Lê công rất là cảm phục. Mùa xuân năm Giáp ngọ (1894), quý Tổng thống Đông Dương Toàn quyền đại thần nước Đại Pháp La đại hiến (tức De Lanessan, được phong làm Toàn quyền Đông Dương từ 21. 4. 1991, chính thức nhậm chức ngày 26. 6. 1891, hết nhiệm kỳ ngày 29. 12. 1894. Trong thời gian giữ chức, De Lanessan có về Pháp công cán từ 10. 3 đến 26. 10. 1894. Hoàng Cao Khải vào tiễn De Lanessan là trong dịp này) phụng mệnh về nước, tôi tiễn đưa trú lại ở Gia Định. Gia Định là đất trung hưng của bản triều, từ khi thuộc về quý Đại Pháp quản hạt đến nay đã hơn ba mươi năm. Xe thuyền tới nơi, phong tục đều đổi, muốn tìm vết cũ cơ hồ không nhận ra được, nhưng riêng miếu mộ của công vẫn còn như xưa, phần mộ sâm nghiêm, khói hương nghi ngút. Hỏi dân quanh đó, họ nói quý Đại Pháp nghĩ tới công lao của công, làm thêm hàng rào sắt quanh mộ để biểu dương vậy. Ôi ! Kỳ lạ thay huân danh của công, rỡ ràng lúc đầu khai thác sáu châu, đến nay năm tháng xa vời, bể dâu dời đổi, thế mà tiếng tăm còn đó, cúng tế không suy. Từ đó thấy quý quốc giữ lòng nhân hậu, nên đối với người có công tuy xa đời khác việc vẫn tưởng niệm công lao mà coi trọng vậy.

Công tự Văn Duyệt, tổ tiên là người Quảng Ngãi dời vào ở Định Tường, năm mười bảy tuổi khảng khái có chí lớn, theo Cao hoàng đế ta ở Gia Định, công trận rất lớn, sau khi đại định lãnh cờ mao cầm tiết việt xử trị Tiêm La, kinh lược Thanh Nghệ, hai lần bình ác Man, đều giết kẻ đầu sỏ, tới đâu người ta cũng đều sợ phục. Trước sau trấn thủ Gia Định gần hai mươi năm, ơn với dân sâu nặng đã lâu. Khi công qua đời, anh linh ngưng kết, núi sông phù hộ, lúc trời mờ đêm vắng vẫn nghe có tiếng người ngựa trên mộ, người sáu tỉnh kính trọng gọi đền thờ công là miếu, mộ công là lăng, đặt ra hộ được miễn thuế để chăm nom, thờ cúng không dứt. Phàm kẻ anh hùng phấn thân lập nghiệp lúc gió mưa thảo muội, sống thì vinh danh, mất thì lưu danh, cho dù ngày sau thế cục đổi dời nhưng phong thái oai hùng để lại vẫn còn hiển hách trước tai mắt mọi người như thế không dễ mà có được nhiều. Tôi kính ngưỡng anh phong đã lâu, nay may được tận mắt nhìn thấy, nhân đó biết quý quốc không hề thay đổi lễ tục của bản quốc, tín nghĩa rõ ràng, tương lai đại cuộc thanh bình có thể nắm chắc, căn cứ vào sự thật thì tôi rất mừng rỡ. Bèn xin với quý Toàn quyền đại thần Sa đại hiến (tức Chavassieux, được phong làm Quyền Toàn quyền Đông Dương trong thời gian De Lanessan về Pháp công cán) làm bia ghi lại, đại thần vui vẻ nghe theo, khắc chữ vào đá, để lại muôn đời. Phu nhân là Đỗ thị qua đời sau công, nay cũng thờ chung. Phan công Lương Khê (tức Phan Thanh Giản) Kinh lược Nam Kỳ, vì nghĩ tới công lao nên cũng đưa vào phối hưởng trong miếu thờ công vậy.

Ngày 1 tháng 7 năm Thành Thái thứ 6 Hoàng triều (1. 8. 1894), Phụ chính đại thần Thái tử Thiếu bảo Võ Hiển điện đại học sĩ, Khâm sai Bắc Kỳ Kinh lược đại sứ Hoàng Cao Khải kính đề”.

 

Tuy nhiên cần lưu ý rằng trong vụ Lê Văn Duyệt Minh Mạng đã quá tay có phần vì thù oán riêng tư thật nhưng cũng có phần để làm chính trị nữa, điều này thì rất ít người đọc sử để ý.

Các viên Bình Tây đại tướng của nhà Nguyễn đều bị triều đình ngờ sợ, nhất là những người giữ chức Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành, vì với công lao trước 1802 họ rất có uy tín trong quân đội, còn với quyền lực Tổng trấn sau 1802 họ luôn luôn đặt triều đình vào mối nguy Đuôi to khó vẫy tức Trên bảo dưới không nghe.

Gia Long đã trừ khử Chưởng Tiền quân Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành giúp Minh Mạng, nhưng Minh Mạng vẫn phải coi Lê Văn Duyệt và Lê Chất như những người đại diện cho lực lượng quân phiệt trong quá trình xóa bỏ chế độ quân chính kéo dài từ chiến tranh Lê Mạc từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX ở Việt Nam để xây dựng chính quyền phong kiến quan liêu. Thật ra Lê Văn Duyệt rất biết phận vì sau khi nghe tin Bắc Thành giải thể đã xin về hưu, nhưng Minh Mạng sợ đám võ tướng quen nắm quyền thu thuế coi quân ở Nam Kỳ bất phục nên vẫn kiếm chuyện bôi nhọ sau khi ông chết, không ngờ quá tay làm nổ ra vụ Lê Văn Khôi.

Nhưng với kẻ làm chính trị giỏi thì tai họa cũng là cơ hội, nên sau khi thu phục được thành Phiên An, Minh Mạng liền nói Cái công lao này còn to hơn cả công lao bình giặc Tây Sơn, hạ thấp các võ tướng công thần trung hưng đời Gia Long tới mức không thể thấp hơn được nữa, lại nhân thắng lợi ở Phiên An xử luôn nguyên Chưởng Hậu quân lãnh Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất để dằn mặt đám võ tướng ở Bắc Kỳ mặc dù Lê Chất đã chết từ 1826, bản án phải nói vô cùng thảm khốc “truy thu hết cáo sắc phong tặng, đào mộ Chất phá quan tài chém xác bêu đầu, vợ Chất là Lê Thị Sa bị giải về nguyên quán làm nô tỳ, các con trai ngoài Lê Hậu lấy Trưởng công chúa Ngọc Cửu đã chết năm 1830 thì bốn người còn lại là Cận, Thương, Trường, Cơ đều bị xử chém, con gái Chất tiến cung sinh ra Quỳ Châu quận công Miên Liêu thì bị giam đến chết đói”!

Ai nói thời bình các bậc khanh tướng công hầu và gia đình của họ ít gặp bi kịch hơn thời loạn, chỉ e là lầm to…


 

(*) Tôi rất ngờ ngôi mộ song táng được giải tỏa trên đường Nguyễn Tri Phương mấy năm trước chính là mộ thật của Lê Văn Duyệt. Trước đó khi nghe phóng viên Lê Tường Vân báo Sài Gòn giải phóng mô tả quy mô ngôi mộ lớn tới mức bất thường – ước tính khoảng trên chục mét khối, tôi ngờ đây là một kho tàng nào đó của hoàng gia Đàng Trong lúc chạy vào Gia Định trốn lánh Tây Sơn, nhưng khi được các anh Phạm Hữu Mý và Nguyễn Văn Đường ở Ban Bảo vệ Di tích lịch sử vả Danh lam thắng cảnh thành phố cho tới tham quan hiện trường, biết là mộ song táng trong đó người đàn bà được chôn sau, tôi đã nghĩ tới khả năng này vì mấy lý do: 1. Ngôi mộ quá chắc chắn vì quá lớn, rõ ràng được xây dựng nhằm không bị đào lên. Đại Nam Thực lục chép trước khi phát động binh biến, bọn Lê Văn Khôi có tới bẩm với bà Đỗ Thị Phẫn vợ Lê Văn Duyệt, bà đã khóc ròng nói Các ngươi làm thế thì chắc chắn Thượng công sẽ bị đào mả thôi. Cần nhắc lại rằng bà Phẫn là một cung nữ được Minh Mạng ban cho Lê Văn Duyệt lấy làm vợ, Lê Văn Duyệt trời sinh có súng không có đạn mà bà Phẫn lại chịu theo tới tận cuối đời thì chắc chắn phải là hồng nhan tri kỷ của ông, mà cũng quá rõ về quan hệ giữa ông và Minh Mạng. Đáng chú ý là sau khi cuộc binh biến bị đàn áp năm 1835 bà Phẫn còn sống nhưng không hề bị Minh Mạng làm khó dễ. 2. Bộ xương người đàn ông trong ngôi mộ lúc khai quật đã bị xô lệch ít nhiều, tức đã được chôn lần thứ hai (cải táng). 3. Bộ xương người đàn ông trong mộ ngắn hơn bộ xương người đàn bà (chỉ khoảng 1,4 mét), sau khi khai quật anh Mý hỏi tôi có bao giờ mẹ con chôn chung không, tôi nói loại mộ nhất trũng song hồn luôn luôn là vợ chồng chôn chung, đây là chồng lùn hơn vợ thôi, mà Đại Nam Liệt truyện cũng chép Lê Văn Duyệt sinh ra thân thể thấp nhỏ.

Tóm lại tôi ngờ rằng trong thời gian 1833 – 1835 bà Phẫn đã cho xây ngôi mộ này và dời thi hài của Lê Văn Duyệt qua đó. Dĩ nhiên với tài sản của một vị Tổng trấn Gia Định thành thì việc xây một ngôi mộ phí phạm vật liệu và nhân công như thế không phải là vấn đề gì lớn, bởi mục đích tối hậu của nó là để người ta không đào lên được. Và chắc chắn sau vụ binh biến thành Phiên An bà Phẫn phải là một trong những người đầu tiên bị quan quân triều đình giải ra Huế cho Minh Mạng thẩm vấn, có điều sau khi biết bà đã chuẩn bị bảo vệ thi hài của Lê Văn Duyệt tới mức như thế thì Minh Mạng không tha cho bộ xương của ông cũng không còn cách nào, vì bới mả cũ không lấy được xương thì thành làm trò cười cho người thiên hạ, đào mả mới thì trong điều kiện kỹ thuật thời bấy giờ cũng giống như nằm mơ, mới ngậm đắng nuốt cay “không thèm gia hình” mà thôi.

Tháng 2. 2008

Nguồn bài đăng

3 thoughts on “Tả quân Lê Văn Duyệt

  1. Chào tác giả,
    Em tên Thư, em có thắc mắc muốn hỏi tác giả về hài cốt ở ngôi mộ song táng khai quật ở đường Nguyễn Tri Phương bây giờ ở đâu ạ? Các nhà sử học Việt Nam có tiếp tục nghiên cứu hài cốt ấy theo giả thuyết trên của tác giả không ạ?
    Trân trọng cảm ơn tác giả.

    Minh Thư

    Thích

Bình luận về bài viết này