Thế phong thủy của các kinh đô Việt Nam

trang an

Tràng An- cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

 GS.TS  Cao Ngọc Lân
(Đại học Quốc tế Thành công Đài Loan)

1. Phong Châu – Kinh đô của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương

Lộc Tục Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ, truyền ngôi cho con là Sùng Lãm Lạc Long Quân. Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ, truyền ngôi được 18 đời. Họ Hồng Bàng bắt đầu từ vua Kinh Dương Vương đến vua Hùng Vương thứ 18 gồm 20 đời kéo dài 2621 năm. Như vậy 18 đời Vua Hùng Vương nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu phải có ít nhất 2.000 năm. Một con số huyền sử không xác thực, nhưng ý nghĩa mà huyền sử muốn nói là nguồn gốc Rồng Tiên cao quý của dân tộc, thời đại lập quốc của nước Văn Lang thái bình thịnh trị qua hàng nghìn năm và kinh đô Phong Châu là một đại can long, đại long mạch

            Từ khi dựng nước, các vua Hùng đã chú ý đến nơi đóng đô. Nơi đặt đô đầu tiên là vùng đất giao lưu giữa sông Hồng và sông Đà, nằm giữa hai huyện Tam Nông và Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng nhưng chật hẹp nên vua Hùng quyết định dời đô về Phong Châu – cách đô cũ khoảng 20 km về phía bắc. Đó là Việt Trì ngày nay.

            Kinh đô Phong Châu là một long mạch lớn, hội đủ các tiêu chuẩn của một kinh đô ngàn năm. Nơi đặt đô là ngã ba Hạc – nơi giao của ba con sông lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Lô tạo thành một thế thủy bao ôm lấy thành Phong Châu. Phía bắc là dãy Tam Đảo bao bọc che chắn như tay thanh long, phía nam là các dãy núi kế tiếp của Hoàng Liên Sơn vùng Yên Lập, Thanh Sơn – đây là tay bạch hổ. Phía tây bắc là những dãy đồi trùng điệp hình 99 con voi chầu về núi Hùng (núi Nghĩa Lĩnh). Núi Hùng là một đầu rồng nhô lên. Đây là vùng đất cuối cùng của vòng cung Sông Gâm, chạy từ Tuyên Quang xuống Đoan Hùng – Phù Ninh. Trước mặt là vùng đồng bằng rộng lớn kéo dài của vùng tam giác châu thổ sông Hồng. Đây là chu tước. Trước mặt nổi lên ngọn núi cao 1281 mét, đó là nui Tản Viên làm Án sơn. Các dòng nước của sông Hồng, sông Đà, sông Lô dẫn mạch chảy vòng từ Tây Bắc xuống Đông Nam rồi vòng lên hướng Đông hợp lưu với sông Lô ở ngã ba Bạch Hạc tạo thế Thủy Viên Thành làm cho kinh đô có một vẻ hùng vĩ. Kinh đô Phong châu là một đại long mạch của Việt Nam vì nó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một thế đất đẹp là phải có thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ. Chính vì điều này nên kinh đô Phong Châu và triều đại Hùng Vương tồn tại hơn 2000 năm. Khi An Dương Vương dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa được 10 năm thì bị mất nước.

2. Cổ Loa – kinh đô nhà nước Âu Lạc

            Sau khi đánh thắng 50 vạn quân xâm lược nhà Tần, Thục Vương quyết định xây thành Cổ Loa. Loa Thành hay Cổ Loa Thành, còn có tên khác là Tư Long Thành, người Trung Quốc thường gọi là Côn Lôn Thành, chính là kinh thành của nước ta thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng, được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số. Loa Thành là công trình kiến trúc lớn nhất của nước nhà thời cổ đại.

Tục truyền rằng Thục Vương xây thành nhiều lần nhưng đều không thành công. Thành này cứ hễ đắp xong lại bị sụt lở, khiến nhà vua rất lấy làm lo. Nhà vua bèn trai giới sạch sẽ, khấn trời khấn đất và các vị thần núi, thần sông, rồi khởi công đắp lại. Mùa xuân, tháng ba, chợt có thần nhân đến trước cửa thành, chỉ vào thành rồi cười mà nói rằng:

            – Đắp như thế thì đến bao giờ mới xong?
            Vua liền mời vào điện để hỏi. Thần nhân nói:
            – Cứ đợi Giang sứ đến. Nói xong, thần nhân cáo từ đi ngay.
            Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, thấy có con rùa bơi trên sông, từ phía Đông đến, nói được tiếng người, xưng là Giang sứ, bàn được chuyện tương lai. Nhà vua mừng lắm, để lên mâm vàng rồi đặt mâm lên điện và hỏi về nguyên nhân khiến cho thành bị sụt lở. Rùa vàng đáp:
             – Ấy là bởi tinh khí núi sông của vùng này bị hồn thiêng của con vua thuở trước phụ vào để trả thù cho nước. Nó nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có con quỷ, ấy chính là hồn thiêng của người con hát thuở trước chết chôn ở đấy hoá thành. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không. Ông ta có đứa con gái và một con gà trắng, đó chính là hư khí của tinh, phàm ai là người qua lại và ngủ đêm tại đó đều bị chết vì bị quỷ ám. Chúng có thể gọi nhau, họp đàn họp lũ, làm cho đổ cả thành. Nay nếu giết được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền vững.

Nhà vua nghe vậy, liền đem rùa vàng đến quán, giả làm người xin ngủ trọ. Chủ quán nói:
– Ngài là bậc quý nhân, vậy xin đi ngay kẻo ở đây là mắc họa. Nhà vua cười nói:
            – Sống chết đều có mệnh số cả, ma quỷ mà làm gì nổi? Nói rồi, vẫn cứ ngủ lại quán. Đêm khuya, nghe tiếng quỷ từ ngoài vào gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng khiến lũ quỷ không sao vào được. Gần sáng, khi nghe tiếng gà gáy thì chúng bỏ chạy tan tác. Rùa vàng cùng vua đuổi theo chúng. Tới núi Thất Diệu, tinh khí của lũ quỷ biến mất. Nhà vua cùng rùa vàng bèn trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng nhà vua đã chết bèn gọi người đến khâm liệm để đem đi chôn. Thấy nhà vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán sụp lạy mà thưa rằng:
            – Ngài được như thế này ắt phải là thánh nhân. Nói đoạn, vua xin gà trắng đem giết để tế lễ. Gà chết, con gái của chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi Thất Diệu, thấy ở đó có nhạc khí cổ và xương người, liền sai đốt thành tro rồi đổ xuống sông. Yêu khí ma quỷ từ đó mất hẳn. Cũng từ đó, thành đắp chưa quá nửa tháng đã xong. Rùa vàng liền cáo từ ra về[1]. Nhà vua cảm tạ và hỏi rằng:
            – Đội ơn ngài đã giúp đắp thành vững chắc. Nhưng, nay mai nếu có giặc đến thì lấy gì mà chống giữ?
            Rùa vàng liền trút chiếc móng đem cho vua và nói:
– Nước yên hay nguy đều do trời định đoạt, nhưng người cũng nên phòng bị. Nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này mà làm lẫy nỏ, nhằm thẳng giặc mà bắn thì không lo gì. Vua sai bề tôi là Cao Lỗ chế nỏ thần, lấy móng rùa vàng làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ

            Thành Cổ Loa không những là một công trình đồ sộ, cổ nhất của cả dân tộc mà còn là một tinh hoa quân sự của người Việt. Xung quanh Cổ Loa, một mạng lưới thủy văn dày đặc, tạo thành một vùng khép kín, thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ thủy binh hùng mạnh.

Thời Âu Lạc, thành nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng trên một khu đất đồi cao ráo ở tả ngạn sông Hoàng, nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền con sông này với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình (qua nhiều thế kỷ sông Hoàng hiện bị phù sa bồi đắp trở thành một con lạch nhỏ). Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Người Trung Quốc gọi Cổ Loa là Côn Lôn thành.

Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ rệt và có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng hơn thời Vua Hùng.
Về mặt văn hóa, Cổ Loa hiện là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ.

Với vị trí thuận lợi ấy, với cách bố trí thành 9 lớp xoáy trôn ốc, 18 ụ gò cao nhô hẳn ra chân lũy để có thể từ cao bắn xuống. Với vũ khí nỏ thần và những mũi tên đồng lợi hại, sức mạnh quân sự tổng hợp của thành Cổ Loa thời ấy thật đáng sợ.

Năm 938 sau khi đánh tan quân Tống giành lại độc lập, Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa trong 27 năm.

3.  Hoa Lư (Ninh Bình) – kinh đô của triều đại nhà Đinh và Tiền Lê

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử. Nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ. Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13.87 km² thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Nằm trên địa bàn giáp ranh giới hai huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình, Kinh đô Hoa Lư xưa, thời Hồng Bàng thuộc bộ Quân Ninh. Dưới những chân núi đá vôi là 48 hang động thuộc hai huyện Gia Viễn và Hoa Lư. Các hang động này đi qua 31 huyệt mạch chính và 18 điểm tâm linh. Tỉnh Ninh Bình còn có đèo Tam Điệp, cách Hà Nội chừng 150 km về phía Nam. Phía Bắc của đèo Tam Điệp là những thung lũng lớn với những vách núi sừng sững. Phía Nam là đồng bằng Hà Trung. Dưới góc độ phong thủy, đèo Tam Điệp như một con rồng chầu về đất Hoa Lư. Như vậy là một mô hình lý tưởng trong phong thủy với tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ dường như đã hội đủ ở Hoa Lư. Nhờ những huyệt mạch này mà Hoa Lư trở thành một vùng đất linh thiêng, sinh ra nhiều hào kiệt (nhân kiệt).

Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo
Hoa Lư đô thị Hán Trường An

Đại Cồ Việt đương thời với nhà Tống bên Trung Quốc niên hiệu là Khai Bảo và Hoa Lư là một đô thị như Trường An là đô thị của nhà Hán. Nhà Hán cai trị nước Trung Quốc vào năm 206 trước Công nguyên và cố đô Trường An.

Khi mới lập quốc, bắt đầu thời kỳ độc lập và tự chủ, các nhà văn hiến thời Hoa Lư đã tự coi mình như nhà Tống bên Trung Quốc và coi kinh đô Hoa Lư như kinh đô Trường An của nhà Hán. Như vậy, đất Hoa Lư mở đầu thời kỳ văn vật hay văn hiến của nước ta, trong những năm tháng huy hoàng đầu tiên của lịch sử[2].

Thời nhà Ngô, vùng này là nơi cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh. Ông đã đẩy lui thành công cuộc tấn công của chính quyền trung ương Cổ Loa năm 951 do 2 anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn đích thân chỉ huy. Cho tới khi nhà Ngô mất, đây vẫn là vùng cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt. Từ năm 968 đến năm 1009, có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại đóng đô tại đây. Thời kỳ này, Hoa Lư là nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao giữa các triều đình nước Đại Cồ Việt với triều đình nhà Bắc Tống (Trung Quốc).

Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Từ đó đến thời Trần, vùng này thuộc lộ Trường Yên. Nhà Trần sử dụng thành Nam Trường Yên của cố đô Hoa Lư để làm cứ địa kháng chiến chống Nguyên Mông. Vua Trần Thái Tông xây dựng ở Hoa Lư thành cung Vũ Lâm, đền Trần thờ thần Quý Minh và chùa A Nậu. Cung Vũ Lâm là nơi các vua Trần xuất gia tu hành.

Đầu thời Lê sơ, vùng cố đô Hoa Lư nhập vào Thanh Hóa, từ thời Lê Thánh Tông lại tách ra, thuộc phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Qua thời Nam Bắc triều, từ thời Lê trung hưng tới thời Tây Sơn, vùng này thuộc phủ Trường Yên thuộc trấn Thanh Hoa ngoại. Từ cải cách hành chính của vua Minh Mạng năm 1831, vùng này thuộc tỉnh Ninh Bình.

 

Đinh Bộ Lĩnh là một vị tướng có công dẹp tan loạn Thập nhị Sứ quân và lập ra nhà Đinh. Ông là người ở động Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là con Đinh Công Trứ[3], thứ sử Hoan Châu về đời Ngô Quyền. Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh là người sở tại, người địa phương, ông không phải là người từ nơi khác đến Hoa Lư. Thân phụ của ông thì làm quan nơi khác nhưng thân phụ của Đinh Bộ Lĩnh mất sớm, ông theo mẹ về quê, ở với chú. Như vậy, có thể hiểu rằng Ninh Bình là quê ngoại của Đinh Bộ Lĩnh và người chú ruột của Đinh Bộ Lĩnh cũng ở tỉnh Ninh Bình.

Còn tại sao lại gọi là Hoa Lư? Hoa Lư tức là hoa lau, lau đọc trại đi thành lư. Theo Từ điển Việt Nam thì lau là một loại cỏ, lá như lá mía, có bông trắng, mỗi khi có gió thổi, bông trắng ở ngọn cây lau bay phất phới, trông chẳng khác nào một ngọn cờ.

Khi Ngô Quyền mất, nhà vua có di huấn là phải lập con mình là Ngô Xương Ngập lên ngôi vua. Dương Tam Kha bỏ lời di huấn đó mà cướp ngôi của nhà Ngô. Đất nước bắt đầu loạn. Vua chẳng ra vua, dân chẳng ra dân, mạnh ai người nấy xưng hùng xưng bá. Hơn nữa, vùng động Hoa Lư núi non hiểm trở, đi lại rất khó khăn cho nên các hào kiệt nổi lên cai trị mỗi người một phương, tạo thành loạn thập nhị sứ quân.

Không những chỉ ở vùng núi non hiểm trở như vùng Hoa Lư mới có những hào kiệt nổi lên làm Sứ quân, mà ngay ở những vùng đồng bằng như Thái Bình, cảnh hỗn quân hỗn quan này cũng đã hiện ra khiến cho toàn dân điêu đứng, chẳng biết nương cậy vào ai.

Người ta thường nói: Anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng. Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư ngay từ nhỏ đã tỏ ra là một anh hùng kiệt xuất. Sứ quân Trần Lãm nghe tiếng liền thâu nhận Đinh Bộ Lĩnh và giao cho giữ binh quyền. Khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về đóng ở Hoa Lư vì nơi đây không những là quê nhà mà địa hình địa vật ở khắp vùng gần xa cậu bé chăn trâu đều thuộc nằm lòng, như nắm trong lòng bàn tay.

Hậu duệ của Ngô Vương đem quân đến đánh, gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Đinh Bộ Lĩnh, liền rút lui một cách thê thảm. Họ có ngờ đâu rằng thời thế và địa linh đã tạo ra Đinh Bộ Lĩnh – người anh hùng cứu nước, để tiếng muôn đời về sau.

Các sứ quân chung quanh đều cùng nhau kéo về Hoa Lư để thử sức, nhưng đoàn quân nào cũng gặp chiến bại ê chề cho nên các tướng tài giỏi và các vị hào kiệt biết người biết của đều tôn Đinh Bộ Lĩnh là Vạn Thắng Vương, bách chiến bách thắng.

Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Bộ Lĩnh lấy hiệu là Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và đóng đô ở Hoa Lư, nơi ông sinh trưởng.

Theo các nhà nghiên cứu phong thủy thì Hoa Lư có cấu hình giống Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ. Tần Thủy Hoàng đã dùng sức người để nối lại với nhau những đoản thành nhỏ do các đời vua trước xây để bảo vệ và đề phòng quân nước nọ đánh chiếm nước kia. Các đoản thành nối lại với nhau thành một trường thành, gọi là Vạn Lý Trường Thành. Đinh Tiên Hoàng cũng xử dụng một cách thức như vậy để kiến thiết cố đô Hoa Lư.

Từ trên cao nhìn xuống toàn thể khu Hoa Lư, người ta thấy lô nhô nhiều ngọn núi đá cao chạy hình vòng cung, trông chẳng khác nào một trường thành thiên nhiên che chở cho một địa thế quan trọng. Những ngọn núi đá này như tay thanh long, tay bạch hổ ôm ấp, che chở cho vùng đất Hoa Lư. Dưới góc độ phong thủy thì địa thế này rất thuận lợi cho việc phòng thủ quốc gia. Chính nhờ vào vòng cung thiên nhiên này mà Đinh Bộ Lĩnh đã biến khu Hoa Lư thành kinh đô của Đại Cồ Việt. Cũng như Tần Thủy Hoàng ngày trước đã nối liền những đoản thành có trước thành một trường thành, gọi là Vạn Lý Trường Thành, thì Đinh Bộ Lĩnh cũng đã dùng gạch và đất để nối liền những ngọn núi lô nhô lại với nhau thành một vòng cung vững chắc, không có kẽ hở. Kết quả là những sứ quân khác không tài nào đem quân vượt thành cao xâm chiếm.

            Có thể thấy, chọn Hoa Lư để đóng đô là một sự chọn lựa đúng đắn lúc bấy giờ của Đinh Tiên Hoàng. Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên phục vụ cho con người. Kinh đô Hoa Lư là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Phía Bắc thành nằm bên sông Hoàng Long nên đường giao thông thủy rất thuận tiện. Khu vực Thành Ngoại, là cung điện chính, nơi vua Đinh cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên, vua Đinh Tiên Hoàng đã lấy núi này làm án sơn để chống lại các luồng tà khí xâm hại quốc gia.

Kinh thành nằm giữa những quả núi lớn bao bọc xung quanh, mang tính chất quân sự, vị trí kín đáo, thuận lợi cho việc phòng thủ, tiến công, lại xa biên thùy, khó khăn trong việc giặc phương Bắc tìm hiểu, mở những đợt tấn công chớp nhoáng.

Phía đông bắc thành có núi Cột Cờ, là nơi vua Đinh cắm cờ nước, gần đó là nơi vua đứng để duyệt thủy quân trên sông Sào Khê. Phía đông nam khu Thành Ngoại còn có động Am Tiên trên lưng chừng núi, xưa là nơi vua Đinh nuôi nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội, còn ngay dưới chân núi là Ao Giải, nơi vua nuôi giải để ném những kẻ có tội xuống ao cho giải ăn thịt. Ngoài ra còn có hang Muối, hang Tiền… là nơi vua cất giữ lương thực, ngân khố. Tất cả núi sông và khu vực thành cổ nhấp nhô do thiên tạo và nhân tạo, giống như một vịnh Hạ Long trên cạn đã hình thành một quần thể kiến trúc trang nghiêm, đồ sộ, khoáng đạt mà không một kinh đô cổ nào có được.

4. Huế – Kinh đô của triều nhà Nguyễn

hues-kinh-thanh-hue-nhin-tu-camera-bay.jpg

Nằm giữa dải đất miền Trung khí hậu khô cằn, hè nắng dội, đông mưa dầm, là một vùng non xanh nước biếc, phong cảnh kỳ tú trải dọc theo bờ con sông Hương xuôi ra biển Đông.

Gần 500 năm trước, khi biết dã tâm của người anh rể là Trịnh Kiểm sẽ sát hại cả gia đình mình, Chúa Nguyễn Hoàng đã đi cầu cứu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình nhìn đàn kiến leo trên hòn non bộ rồi nói: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Hiểu ý Trạng, Chúa Nguyễn Hoàng đã xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi xây dựng bản doanh luôn trong đó, nhờ đó mà bảo toàn được tính mạng, nhưng “Vạn đại dung thân” khác xa với “Vạn đại bá vương”. Huế có sông sâu, có núi hiểm, có Chùa Thiên Mụ và núi Ngự Bình che chắn, phù hợp cho một cuộc trốn chạy, phòng thủ.

Huế từ thời các chúa Nguyễn đã từng được chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong: Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần dựng phủ ở Kim Long năm 1635 – 1687; Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Khoát dời phủ về Phú Xuân trong những năm 1687 – 1712; 1739 – 1774. Huế còn là kinh đô triều vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn, rồi một lần nữa chính thức trở thành kinh đô của cả nước Việt Nam.

 Nhìn từ biển Đông vào Huế có dạng như một con ốc ngọc đang trườn vào Nam. Thuật ngữ phong thủy gọi đại địa đó là “Hải loa Thổ châu” (Con ốc nhả ngọc). Viên ngọc ấy chính là Thành phố Đà Nẵng ngày nay. Huế có sông lớn là sông Hương như minh đường tích thủy. Sông Hương uốn mình chảy về hướng Tây Bắc, đến Nguyệt Biểu lại uốn mình chảy về hướng Đông Bắc, ngang qua trước mặt kinh thành Huế, rồi nhằm hướng Bắc đổ vào cửa Thuận An. Lưu vực sông rộng đến 300 km2. Phía nam kinh thành là đồi núi chập chùng. Hai bên tả, hữu ngạn cuả sông là những cánh đồng màu mỡ. Kinh thành Huế thuộc dạng tọa Hợi hướng tỵ – một hướng cát trạch với vương triều nhà Nguyễn.

Kinh thành Huế xây dựng từ năm 1803 (thời Gia Long) và hoàn thành vào năm 1832 (thời Minh Mạng) trên diện tích 5,21 km2, bên bờ bắc sông Hương. Với bề dày lịch sử gắn liền với chín đời cha ông nhà Nguyễn ở đây, không có gì khó hiểu khi vua Gia Long chọn mảnh đất nằm ở trung độ đất nước để làm kinh đô cho triều đại mình.

Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc của phương Tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông. Kinh thành gồm ba vòng thành: phòng thành, hoàng thành và tử cấm thành. Bên trong các lớp thành cao, hào sâu là một tổng thể với hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tất cả các công trình này được xây dựng xung quanh một trục chính, theo hướng nam bắc. Khởi đầu là Kỳ Đài (cột cờ), tiếp đến là Ngọ Môn, sân Đại Triều nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Không Thái, điện Kiến Trung và kết thúc ở cửa Hòa Bình. Các công trình kiến trúc còn lại được xây đăng đối ở hai bên đường trục như tả hữu hộ vệ bảo vệ kinh thành.

Phòng thành là vòng ngoài cùng có chu vi 9950m, thành có 10 cửa đường bộ và hai cửa đường thủy, thành dày 21m và có 24 pháo đài. Hoàng thành là vòng thành thứ hai có tên là đại nội, chu vi 2450m. Hoàng thành có 4 cửa: Ngọ Môn (Nam), Hòa Bình (Bắc), Hiển Nhơn (Đông), Chương Đức (Tây). Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng Thành, cửa này xưa chỉ dùng cho vua đi. Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng có chu vi 1225m, có 7 cửa. Đây là nơi ở, làm việc của vua và gia đình. Như vậy nơi đây được tách biệt với thế giới bên ngoài.

Căn cứ vào các công trình kiến trúc hiện có ở cả ba vòng thành, có thể sắp xếp quần thể kiến trúc kinh thành Huế thành năm loại kiến trúc:

  – Nơi cử hành lễ, thiết triều gồm có Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Tả Vu, Hữu Vu.
  – Nơi thờ tự: Thái Miếu, Thế Miếu, triệu Miếu, Hưng Miếu, Điện Phụng Thiên, Am Phước Thọ
  – Nơi ở của vua và Hoàng tộc: Điện Càn Thanh, cung Không Khải, điện Kiến Trung, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, điện Trính Minh, điện Quang Minh, …
  – Nơi vui chơi giải trí: Duyệt Thị Đường, Trường An Tạ, Thái Bình Lâu, Ngự Điếu Đình, Lầu Tứ Phương vô sự…
  – Các công sở và công quán: Điện Văn Ninh, điện Võ Hiển, Đông Các phủ nội vụ, Thị vệ trực phòng, Thái y viện, Thượng viện đường, Ngự mã trại, Kỳ đài…

Khởi công xây dựng năm 1805, Kinh Thành Huế được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520 ha, có 10 cửa chính. Hai cửa bằng đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.

Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối đời Gia Long mới bắt đầu xây gạch. Kinh Thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học Trung Hoa cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban (tên một kiến trúc sư người Pháp cuối thế kỷ XVII). Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành… kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát năm 1803 (triều vua Gia Long) đến khi hoàn chỉnh vào năm 1832 (triều vua Minh Mạng).

Với mục đích phòng thủ là chính, mặt bằng của thành có dạng hình vuông hơi nhô ở phía trước theo địa hình dải đất dọc bờ sông Hương. Mỗi mặt có các cổng thành, trên có vọng lâu dùng để quan sát. Các mặt thành lại được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn… Thêm vào đó, hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài được đào gần 10 km chiều dài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương).

Dưới con mắt của các nhà địa lý phong thủy, Kinh Thành Huế nằm trên vùng “Vương đảo”, trong phạm vi được tạo ra bởi dòng chảy của sông Hương phía trước mặt và hai chi lưu gồm sông Bạch Yến, Kim Long chảy vòng mặt sau cùng hợp lại ở hạ lưu. Sông Hương đóng vai trò minh đường, cùng hai hòn đảo nhỏ Cồn Hến và cồn Dã Viên có vị thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) chầu về trước Kinh Thành. Bên kia sông, không xa lắm là ngọn Bằng Sơn được đổi tên thành Ngự Bình, che chắn mặt trước Kinh Thành như một bức bình phong thiên nhiên, giữ chức năng tiền án. Kinh Thành và mọi công trình kiến trúc của Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều xoay về hướng Nam, hướng mà trong Kinh Dịch đã ghi “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ).

Dựa trên các nguyên tắc của thuật phong thủy, các vua nhà Nguyễn đã kết hợp các yếu tố có sẵn trong địa hình tự nhiên như sông, núi, đảo… cùng sự can thiệp đúng chỗ của bàn tay con người khi lấp một số đoạn của sông Bạch Yến, Kim Long, đồng thời đào một loạt hệ thống sông, hào ở trong và ngoài Kinh Thành để phục vụ cho ý tưởng của mình. Tất cả những cố gắng trên không nằm ngoài ý nguyện định đô lâu dài của vương triều Nguyễn. Thật khó nhận ra sự sắp xếp gò ép trong một tổng thể hài hòa kiến trúc – thiên nhiên như thế. Không gây ấn tượng trấn áp tinh thần, cũng không có vẻ hoang sơ dã thảo, Kinh Thành Huế khiến cho người ta cảm nhận được đúng mức không khí tôn nghiêm nhưng không mất đi cảm giác êm đềm thư thái giữa thiên nhiên gần gũi. Bên cạnh đó, phong cách kiến trúc và cách bố phòng khiến Kinh Thành Huế thực sự như một pháo đài vĩ đại và kiên cố nhất từ trước đến nay ở Việt Nam mà Le Rey, một thuyền trưởng người Pháp đã từng đến Huế năm 1819 phải thốt lên: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng”[4].

Chú thích:

[1] Đại Việt sử ký toàn thư – quyển 1. 

[2] GS.TS Tưởng Vi Văn – GS.TS Cao Ngọc Lân, Từ Hoa Lư đến Thăng Long, Tạp chí Vân Phong (Khoa Văn học – Đại học Quốc tế Thành Công, Đài Loan), số 2/2011.

[3] Đinh Bộ Lĩnh không phải là con của Đinh Công Trứ mà là con của một con rái cá. 

[4] Le Rey, Hồi ký của những chuyến đi, Nxb. Paris, 1918.

Nguồn bài đăng

4 thoughts on “Thế phong thủy của các kinh đô Việt Nam

  1. Không biết từ khi học lịch sử đến bây giờ, em đã đi đúng hướng và tiếp cận được nguồn sử liệu chính thống chưa. Các cuốn Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Lịch sử lớp 10 có ghi sai không nữa, 938 NGÔ QUYỀN DẸP XONG QUÂB TỐNG Ư?

    Thích

  2. “Năm 938 sau khi đánh tan quân Tống giành lại độc lập, Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa trong 27 năm”
    Câu này có 2 lỗi sai :
    1- Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán (không phải quân Tống)
    2- Ngô Quyền chỉ làm vua được 6 năm rồi mất, nên nói “đóng đô ở Cổ Loa 27 năm” là sai.

    Thích

Bình luận về bài viết này