Tranh cãi xung quanh “nạn cống vải”

 nghiencuulichsu.com : từ bài viết của GS Phan Huy Lê : Khảo cứu lại cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan , Trang đăng thêm những ý kiến khác xung quanh Hội thảo Mai Thúc Loan với Khởi nghĩa Hoan Châu để rộng đường dư luận

 

Bài 1 : Bác bỏ mọi luận cứ của giới sử học cho rằng “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan

Lê Mạnh Chiến

Nội dung của bài này đã được công bố lần đầu tiên trên tạp chí Thế Giới Mới, số 526, 527 và 528 (từ 10/3 đến 24/3 năm 2003), với tiêu đề “Phải chăng “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan năm 722”. Đầu năm 2008, tác giả bổ sung một ít tư liệu, cắt bỏ vài đoạn rồi sắp xếp lại nhưng vẫn giữ nguyên tiêu đề như cũ và đăng trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 2/2008. Bài này, tác giả đã bỏ bớt đoạn nói về lệ cống quả vải lẻ tẻ bằng ngựa của các dịch trạm thời Hán (có trong bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển) rồi đổi lại tiêu đề như hiện này và đã đăng trên tuần báo Văn nghệ của thành phố Hồ chí Minh số 65, 66, 67 (ngảy 4, 11 và 18/6/2009)

I. “Nạn cống vải”, theo các sách lịch sử hiện nay

Đầu năm học 2002-2003, tôi có mua cho cháu quyển sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam lớp 6 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành (4/2002). Sách dày 84 trang, khổ 16x24cm, các tác giả là: Phan Ngọc Liên (Tổng chủ biên), Trương Hữu Quýnh (Chủ biên) Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Sĩ Quế. Giở ra xem mấy trang thì tôi thấy có chuyện lạ:

Bài 23, nhan đề ” Những cuộc khởi nghĩa lớn trong các thế kỷ VIII -IX”, có đoạn viết:

“…..Hàng năm, nhân dân ta phải cống nạp những sản vật quý hiếm như ngọc trai, ngà voi, sừng tê, đồi mồi, vàng, bạc…Đặc biệt, cứ đến mùa vải, nhân dân An Nam phải thay nhau gánh vải (quả) sang Trung Quốc nộp cống ” (trang 63).

Cuối mục lớn “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722)”, các tác giả viết:

” Khoảng cuối những năm 10 của thế kỷ VIII, nhân phải tham gia đoàn người gánh vải (quả) nộp cống, Mai Thúc Loan đã kêu gọi những người dân phu bỏ về quê, mộ binh nổi dậy.

Ở Nghệ An, nay còn truyền lại một bài hát chầu văn kể tội bọn đô hộ nhà Đường:

Nhớ khi nội thuộc Đường triều,
Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai.
Sâu quả vải vì ai vạch lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon….”

Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, có lần tôi đã đọc hay đã nghe ở đâu đó, rằng, “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Lúc bấy giờ, tưởng đó chỉ là lời của những kẻ bạo gan nói liều nên tôi chẳng cần để ý đến. Nhưng nay thấy nó hiển hiện trong một quyển sách giáo khoa được in mỗi lần đến 550 000 bản, do 4 tác giả viết, vì vậy, tôi không thể coi thường nên phải tìm đọc thêm những sách lịch sử khác nữa để biết rõ hơn.

Sách Lịch sử Việt Nam tập 1 (Ủy ban KHXH Việt Nam, NXB Khoa học Xã hôi, Hà Nội, 1971) viết: “Cũng như mọi người dân đất Việt, Mai Thúc Loan phải đi phu, quanh năm phục dịch vất vả cho bọn đô hộ nhà Đường. ….Năm 722, Mai Thúc Loan hiệu triệu những người dân phu phải đi gánh vải quả nộp cống cho chính quyền nhà Đường nổi dậy khởi nghĩa” (trang 129)

Giáo trình “Lịch sử Việt Nam “, tập I (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, HN 1991; các tác giả: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh) cũng có một đoạn y như ở sách “Lịch sử 6” (đã trích dẫn}, ngoài ra, còn cho biết thêm:

“Nhân dân ta đời đời nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Một bài thơ chữ Hán còn ghi trong “Tiên chân bảo huấn tân kinh” để ở đền, ca tụng công đức ông như sau (tạm dịch):

Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
Vạn An thành luỹ khói hương xông.
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
Trăm trận Lý Đường phục võ công.
Lam Thuỷ trăng in tăm ngạc lặn,
Hùng Sơn gió lặng khói lang không.
Đường đi cống vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung

Tương truyền, từ sau cuộc khởi nghĩa lớn lao này, nhà Đường không dám bắt nhân dân ta nộp cống vải quả hàng năm nữa” (trang 287).

Trong quyển “Đại cương lịch sử Việt Nam, toàn tập”, (khổ 16x24cm,1175 trang, tái bản lần thứ 5, NXB Giáo dục ấn hành năm 2002, do Gs Trương Hữu Quýnh, Gs Đinh Xuân Lâm, Pgs Lê Mậu Hãn chủ biên cùng 7 giáo sư và phó giáo sư khác chấp bút), khi viết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, các tác giả cũng khẳng định:

“Nhân dân hàng năm còn phải vận chuyển nhiều thức ngon vật lạ, nhất là nhãn, vải tươi nộp cho nhà Đường. Nhân dân ta rất căm phẫn, đó là lý do dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan” (trang 90).

Quyển “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1884” của Gs Phan Quang và Ts Vũ Xuân Đàn (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000), ở trang 73 cũng viết:

“Năm 722, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân đã cùng ông đi phu gánh vải nộp cống nổi dậy khởi nghĩa. Từ một nhóm quân mấy trăm người, Mai Thúc Loan phát triển cuộc khởi nghĩa ra khắp vùng Hoan -Diễn- Âi (Thanh-Nghệ-Tĩnh)”.

Sách “Việt Nam – Những sự kiện lịch sử từ khởi thuỷ đến 1858” của Viện Sử học (Nxb Giáo dục, HN 2001; các tác giả: Đỗ Đức Hùng, Nguyễn Đức Nhuệ, Trần Thị Vinh, Trương Thị Yến), viết về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan:

“Hàng năm, chúng bắt nhân dân Phong Châu phải cống loại tơ “bát tàm” (tơ của loại tằm một năm tám lứa), tàn nhẫn hơn nữa là bắt hàng ngàn nhân dân Hoan Châu phải đi cống nạp vải quả. Quả vải tươi phải gánh bộ sang kinh đô nhà Đường. Nhân dân cả nước căm giận, đặc biệt là nhân dân Hoan Châu, Phong Châu. Mầm khởi nghĩa của nhân dân ta bắt đầu từ những vùng này” (trang 39, cột bên phải)

“Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” của Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức (Nxb Văn hoá-Thông tin,HN 2001), ở trang 34 ghi:

“Năm 722, Mai Thúc Loan kêu gọi những người dân phu gánh vải quả nộp cống cho nhà Đường (Dương Quý Phi rất thích ăn quả vải đất Giao Châu) nổi dậy khởi nghĩa, nhân tài khắp các châu Hoan, Diễn, Ai theo về tụ hội dưới cờ nghĩa và suy tôn Mai Thúc Loan làm Mai Hắc Đế, đóng đô ở thành Vạn An (Nghệ An)”.

“Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng (Nxb Thanh Niên, HN, 2001) thì kể tường tận như chính tác giả là người trong cuộc:

“Châu Hoan ngày ấy luôn bị giặc Chà Và (Gia-va), Côn Lôn (Mã Lai) cướp phá, nhất là ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ. Đặc biệt, nạn cống quả lệ chi (quả vải) là một gánh nặng khôn cùng đối với nhân dân Hoan Châu. Nguyên do, ở Trường An, vua Đường có một nàng ái phi, thường gọi là Dương Quý Phi, nhan sắc tuyệt vời mà tính tình cũng thật thất thường. Dương Quý Phi thích ăn thứ quả lệ chi xinh xắn, chỉ ở An Nam mới có. Nên vua Đường bắt dân An Nam phải cống vải.

Mùa vải năm Nhâm Ngọ (722) – (phải là năm Nhâm Tuất mới đúng – LMC) – Mai Thúc Loan cùng đoàn phu gánh vải đi nộp cống. Đoàn người gánh vải đầm đìa mồ hôi mà vẫn phải lê từng bước trên đường. Gần trưa, -Mai Thúc Loan cho mọi người nghỉ chân bên rừng. Cái khát cháy cổ hành hạ đoàn phu. Một dân phu có tuổi bứt lấy một quả vải ăn cho đỡ khát. Quả vải chưa kịp đưa lên miệng đã bị một tên lính Đường đi áp tải xông tới, vung cán mã tấu đánh vào đầu. Khi tên lính Đường lần nữa định đánh ông già thì hắn đã bị đánh chết tươi. Sự việc xẩy ra nhanh như chớp. Bọn giặc cậy có binh khí hò hét vung đao kiếm xông vào Mai Thúc Loan. Nhưng những người dân phu theo lệnh Mai Thúc Loan đã rút đòn gánh chống lai. Lũ giặc không địch nổi đoàn dân phu, đều phải đền tội. Đánh tan lũ giăc Đường trong một cơn phẫn nộ, Mai Thúc Loan lập tức thổi bùng khí thế cuộc bạo động thành một cuộc dấy nghĩa” (trang 52-53).

Qua 8 quyển sách của 25 tác giả, đủ mặt các nhà sử học “tai mắt”, trong đó có cả quyển sách “mẫu mực” của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, độc giả đã thấy rõ sự nhất trí tuyệt đối của giới sử học khi nói về “nạn cống vải”. Thật vậy, rất khó tìm thấy một quyển sách lịch sử Việt Nam được viết trong hơn bốn chục năm gần đây mà không coi chuyện hàng ngàn dân phu gánh quả vải nộp cống như một sự thật lịch sử và là nguyên nhân dẫn đến khởi nghĩa Mai Thúc Loan..

Hẳn rằng, thành tích “phát hiện” này là của các nhà sử học đương đại, bởi vì, các sách lịch sử trước đây như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ (cuối thế kỷ 18), Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn (cuối thế kỷ 19), Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (in lần đầu tiên vào năm 1921 và đã được tái bản rất nhiều lần) đều nói đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan nhưng không hề nhắc đến “nạn cống vải” .

II Những lời khẳng định “như đinh đóng cột”

Qua những đoạn trích dẫn nguyên văn trên đây rút ra từ các sách về lịch sử Việt Nam , các tác giả đã nêu ra rất nhiều lý lẽ và chứng cứ để khẳng định rằng, “nạn cống vải” (với hàng ngàn dân phu gánh quả vải một mạch đến kinh đô nhà Đường) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khỏi nghĩa của Mai Thúc Loan. Những điều khẳng định đó là:

1. Quả vải là một thứ đặc sản chỉ có ở Việt Nam, mà vùng Hoan Châu – quê của Mai Thúc Loan – là nơi có thứ vải ngon nhất và nhiều nhất. Vì vây, nhân dân vùng này là nạn nhân đầu tiên của “nạn cống vải”

2. Dương Quý Phi – người đàn bà được hoàng đế Huyền Tông nhà Đường sủng ái nhất – rất thich ăn quả vải. Để thỏa mãn nỗi thèm muốn của Dương Quý Phi, Huyền Tông đã bắt nhân dân Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) phải vận chuyển thứ quả vải ngon ở vùng này đến kinh đô Trường An để cống nạp .

3. Chính Mai Thúc Loan là một trong vô số dân phu phải gánh vải sang kinh đô nhà Đường để phục vụ Dương Quý Phi, cho nên, khởi đầu từ một hành động chống đối bột phát, ông đã trở thành người lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho đất nước.

4. Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan tuy bị dập tắt một cách nhanh chóng nhưng nhờ có Mai Thúc Loan mà cái “nạn cống vải” phải chấm. dứt từ đó.

Theo các nhà sử học cốt cán thì những điều khẳng định này đều có chứng cứ đầy đủ và chắc chắn, đó là:

1. Bài hát chầu văn còn được truyền tụng ở Nghệ An, trong đó nói rõ về cái “nạn cống vải” trong thời kỳ nhà Đường xâm chiếm nước ta

2. Bài thơ chữ Hán ghi trong “Tiên chân bảo huấn tân kinh” đặt ở đền thờ Mai Hắc Đế trên núi Vệ Sơn (trong thung lũng Hùng Sơn thuộc huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An) cũng xác nhận về “nạn cống vải” và về sự chấm dứt cái đại nạn này sau cuộc khởi nghĩa của Mai thúc Loan.

Lý lẽ và chững cứ của các nhà sử học về “nạn cống vải” xem ra có vẻ chặt chẽ và hợp lý! Có lẽ vì thế mà nó lập tức được họ ghi vào tất cả các sách viết về lịch sử Việt Nam từ khoảng trước năm 1970 trở đi

Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét các luận cứ kể trên của các nhà sử học

III. Cây vải ở Nghệ – Tĩnh và ở Việt Nam

Đã từng sống nhiều năm trong vùng quê của Mai Thúc Loan, tôi biết rằng, ở khắp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chỉ có loại vải cùi mỏng và chua, hạt to, rất ít người trồng, người lớn ít khi ăn, và cũng rất ít quả.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (cuối thế kỷ 19) là một bộ sách địa lý lịch sử nghiêm túc và đáng tin cậy, trong đó ghi chép rất đầy đủ các sản vật của từng địa phương. Về các sản vật của Nghệ An và Hà Tĩnh, sách này không hề kể đến quả vải, mặc dầu đã liệt kê 40 sản vật: vỏ quế, nam sâm, trầm hương, vỏ gai, sắt chín, vải thổ, võng gai, dầu, muối, nhựa thông, nón, lụa, chiếu cói, cau, vừng, ngô, sắn, củ mài, chè, lá cọ, cỏ ất, củ nâu, gỗ lim, tê tê, voi, nai, hoãng, chim công, lông chim chả, rươi, hàu, nước mắm, cá chình, thạch quyết minh, sò, ngao, thốc ngư, chim cu núi, quán chúng thảo (theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Khoa học xã hội, HN 1970, tập 2, các trang 193,194, 195 và 101).

Hiện nay, đã có người đem giống vải Thanh Hà về trồng ở Nghệ Tĩnh nhưng quả thì ít và chua, hạt to và không ngon như quả vải ở các tình Bắc Bộ. Nguyên do là vì, càng đi xuống phía nam, số ngày lạnh trong một năm càng ít dần, số ngày nắng nóng càng tăng lên nên không thích hợp với nhu cầu sinh lý của cây vải.

Rõ ràng là, ở vùng đất Hoan Châu, quả vải vừa hiếm lại vừa chua. Cũng không có chứng cứ nào cho biết rằng, ở thế kỷ 8, vùng này là nơi có quả vải rất nhiều và rất ngon. Cũng không thể nói rằng, tuy là trong mấy thế kỷ vừa qua, quả vải ở vùng này vừa ít lại vừa chua, nhưng ở thế kỷ 8, nơi đây vẫn rất có thể là xứ sở của những vườn vải trĩu quả và ngọt lịm. Giả thuyết đó chỉ có thể là sự thực nếu như ở thế kỷ ấy khí hậu ở đây lạnh hơn bây giờ, thời gian mát lạnh kéo dài hơn, mà nếu như thế thì ở thế kỷ 8 về trước, vùng Hoan Châu phải gần với cực bắc hơn hiện nay nên khí hậu ở đó lạnh hơn bây giờ, và sau đó đã xẩy ra sự di chuyển đột ngột của hai địa cực khiến cho vùng này gần xích đạo hơn trước và nóng hơn trước. Nhưng khoa học về trái đất hoàn toàn không xác nhận biến cố như vậy.

Còn ở Bắc Bộ thì sao? Về thổ sản của tỉnh Hải Dương, “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi rõ:

“Vải: xã Hoà Nhuệ, huyện Tứ Kỳ và xã Tử Nham, huyện Đông Triều; vải ngon thì ở xã Yên Nhân huyện Đường Hào” (tập 3, trang 40). Huyện Đường Hào nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Sách “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn (cuối thế kỷ 18) có nói về quả vải: “Nước Nam sản xuât trái lệ chi nhiều nhất. Thứ trái lệ chi ở xã An Nhơn (tức là Yên Nhânt) huyện Đường Hào là ngon, ngọt và thơm không thể nào tả được” (Bản dịch của Tạ Quang Phát, tập 3, Nxb Văn hoá-Thông tin, HN,1995, tập 3, trang 215). Tuy ông nói là nước ta sản xuất nhiều trái lệ chi nhưng không nêu rõ một địa phương nào cả, có lẽ chữ “nhiều” chỉ có nghĩa là dễ tìm thấy mà thôi. Ông cũng không hề nói đến “nạn công vải” hồi thế kỷ 8 để chứng tỏ mức độ nhiều và quý của cây vải ở nước ta, cũng không nói đến vải ở châu Hoan thưở trước và cũng không nói đến vải thiều ở Thanh Hà, vì hồi đó giống vải này chưa được du nhập vào nước ta. Tuy nhiên, cũng ở trong sách ấy của Lê Quý Đôn, ông đã viết rằng, khi đi sứ sang Trung Quốc, ông đã được ăn quả vải sấy khô và cả quả vải dầm muối nữa.

Ở nước ta chưa thấy nòi vải nào ngon hơn vải thiều ở huyên Thanh Hà tỉnh Hải Dương, kể cả nòi vải ở Yên Nhân mà Lê Quý Đôn đã nói tới. Nòi vải ở Yên Nhân ngày nay vẫn còn. Nó có quả to hơn nhưng hạt cũng to và chua hơn vải thiều ở Thanh Hà, quả cũng thưa hơn. Tuy vậy, nó vẫn còn tồn tại là vì thời vụ của nó sớm hơn nên cũng dễ bán.

Cây vải thiều đầu tiên chỉ mới xuất hiện ở Thanh Hà cách đây không lâu. Hiện nay, cây vải tổ ấy vẫn còn và đang thuộc quyền sở hữu của cụ Hoàng Văn Thu (sinh năm Canh ngọ,1930) ở thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Trong những năm cuối thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, ông nội của cụ Thu là cụ Hoàng Phúc Thành từng làm phu khuân vác ở cảng Hải Phòng. Thấy mấy ông lái buôn người Trung Quốc quê ở Thiều Châu[1] ăn quả vải rồi vứt hạt đi, cụ Thành đã nhặt được 6 hạt, đem về quê ương giống và mọc được 3 cây. Khi dọn cỏ, cụ bà sơ ý làm chết mất 2 cây, chỉ còn 1 cây. Đó chính là cây vải thiều đầu tiên ở nước ta. Rồi từ đó, chiết cành ra để trồng thêm, số cây vải và số vườn vải càng ngày càng tăng thêm. Con cháu và họ hàng nhớ ơn cụ Thành nên đã xây dựng miếu thờ cụ bên cạnh cây vải tổ. Vì có nguồn gốc như thế nên nó có tên là vải thiều, nhưng chưa hẳn là nòi vải ở Thiều Châu.

Chúng tôi đã đến thăm cây vải tổ và miếu thờ cụ Hoàng Phúc Thành. Tấm bia bằng bê tông mới làm hồi có chủ trương “giao ruộng cho nông dân”, trên đó ghi tên cụ là Hoàng Văn Cơm. Cụ Thu giải thích rằng, vì cụ Thành đem được giống vải thiều về trồng ở quê nhà, cũng là đem cơm gạo về cho dân làng nên mọi người gọi cụ là cụ Cơm.

Dễ dàng đi đến kết luận: rằng, ở nước ta trước đây không có nơi nào có quả vải thật ngon và thật nhiều như vải thiều hiện nay; ở Nghệ An và Hà Tĩnh thì quả vải vừa hiếm lại vừa chua; giống vải Thanh Hà khá ngon hiện nay là từ Trung Quốc mới sang chưa lâu, nếu coi là từ năm 1900 thì cũng chỉ sai lệch vài năm.. Kết luận này chỉ cốt rõ sự liều lĩnh của những kẻ nói rằng “quả vải ở Hoan Châu là ngon và nhiều nhất, còn ở Trung Hoa thì không có” rồi coi đó là một trong những nguyên do của “nạn cống vai”. Thế mà đầu năm nay (2009), GS Phan Huy Lê và 1- 2 người ủng hộ ông đã vin vào kết luận này rồi xuyên tạc và nói đại ý rằng, “ai đó” nói Nghệ An không có quả vải để phủ nhận “nạn cống vải” là “không có cơ sở khoa học”. Rồi họ loay hoay “chứng minh” rằng, ở Nghệ An cũng có quả vải và rất có thể là “xưa kia quả vải ở đây rất nhiều và rất ngon” (tuy chưa chứng minh được) để rồi tự coi mình đã “bác bỏ” mọi lý lẽ của Lê Mạnh Chiến.

IV. Tìm hiểu về cây vải

Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, cây vải có tên là litchi. Đó chính là do chữ “lệ chi” được phiên âm một cách khá chính xác theo cách đọc của người Trung Quốc. Tên khoa học của cây vải là litchi chinensis nghĩa là ‘lệ chi Trung Quốc”. Điều đó cho biết rằng, các nhà thực vật học phương tây thấy cây vải có mặt ở Trung Quốc nhiều nhất, sớm nhất. Các bộ từ điển lớn như Encyclopedia Britanica của Anh và Grand Larousse Encyclopédique của Pháp đều xác nhận điều đó và cho biết thêm một số nét quan trọng nữa như sau: cây vải không thích hợp với những vùng nóng ẩm quanh năm mà chỉ thích hợp với những nơi có một mùa lạnh ngắn rồi mới tiếp đến mùa nóng, tức là vùng á nhiệt đới (từ vĩ độ 20 đến 30); nó có thể sống hàng trăm năm và cao đến 20 mét, có gỗ rất tốt, dùng để làm đồ gia dụng và làm thùng xe. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng, vì các tỉnh phía bắc nước ta tiếp giáp với vùng này (Thanh Hà: 21 độ; Lục Ngạn: 21, 5 độ) nên có thể trồng vải và thu hoạch tuy không thể bằng ở Quảng Đông nhưng cũng khá, còn từ Thanh Hóa trở vào thì không thích hợp nữa.

Cũng theo các bộ từ điển ấy, cây vải đã được đưa từ Trung Quốc đến Jamaica từ năm 1775 và đến Florida từ năm 1916, cho thu hoạch cao và phẩm chất tốt. Sau đó, cây vải cũng đươc trồng ở các nước gần Địa Trung Hải, ở Nam Phi, Ấn Độ và ở rất nhiều nơi khác.

Các bộ từ điển lớn của Trung Quốc như “Từ Hải”, ”’Từ Nguyên” và “Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc” (phần Sinh vật học) cho biết: cây vải là loai cây gỗ lớn, cao đến 20 mét, sống rất lâu, gỗ rất tốt, có nơi trồng thành rừng để chắn gió, thích hơp với khí hậu á nhiệt đới và là đặc sản của miền nam Trung Quốc, chủ yếu là ở đông nam tỉnh Phúc Kiến, trung nam tỉnh Quảng Đông; các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên, Đài Loan đều có. Đặc biệt, trong “Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc’”, soạn giả La Hiến Thụy còn cung cấp những thông tin khá lý thú về lịch sử, đại để như sau:

Trong thư tịch cổ của Trung Quốc, Tư Mã Tương Như (179-118 trước Công nguyên) là người nói đến cây vải lần đầu tiên trong bài “Thượng Lâm phú” (Bài phú về vườn Thượng Lâm, nội dung chủ yếu là tán tụng sự cường thịnh của đế chế nhà Hàn và ca ngợi Hán Vũ Đế – LMC), nhưng trên thực tế thì cây vải đã được trồng từ trước đó rất nhiều năm. Ở Trung Quốc đã có hơn 100 tác phẩm chuyên khảo về cây vải, mà các từ điển Từ nguyên và Từ hải gói đó là loại sách “Lệ chi phả”. Đầu thế kỷ 10, Trịnh Hùng đã viết sách “Quảng trung lệ chi phả” (Chuyên khảo về cây vải ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây), nay đã thất truyền. Hiện nay vẫn còn giữ được sách “Lệ chi phả” (Chuyên khảo về cây vải) của Thái Tương (1012-1067), chủ yếu viết về các nòi vải ở Phúc Kiến. Cuối đời Thanh, Ngô Ứng Quỳ viết sách “Lĩnh Nam lệ chi phả” (Chuyên khảo về cây vải ở phía nam núi Ngũ Lĩnh, tức là vùng Lưỡng Quảng), trich dẫn hơn một chục tài liệu lịch sử rất quan trọng.

Hiện nay, ở Trung Quốc còn giữ được khá nhiều tư liệu cổ về các nòi vải. Ngoài sách ‘Lệ chi phả” của Thái Tương (biên soạn xong năm 1059) và sách “Lĩnh Nam lệ chi phả” của Ngô Ứng Quỳ thời Thanh, cần phải kể đến “Mân trung lệ chi phả” (Chuyên khảo về các nòi vải ở Phúc Kiến) của Đồ Bản Tuấn và “Mân trung lệ chi thông phả” (Chuyên khảo tinh tường về các nòi vải ở Phúc Kiến) của Đặng Khánh Thái thời Minh, “Lệ chi phả” (Chuyên khảo về các nòi vải) của Trần Đỉnh, thời Thanh.

Như vây, rõ ràng rằng, vùng đất phía nam của Trung Quốc chính là quê hương của cây vải, ở đó có rất nhiều vườn vải, với nhiều nòi vải rất ngon. Theo Từ điển Bách khoa thiếu niên nhi đồng Trung Quốc thì ở nước này có hơn 70 nòi vải quý. Xin nêu một số vị dụ:

Nòi vải “Trần Tử” ở huyện Phủ Điền tỉnh Phúc Kiến, quả to bằng trứng gà, vỏ màu tím (‘tử’ nghĩa là tím), được nhân giống từ cây vải của Trần Kỳ, môt quan chức thời Tống.

Huyện Phủ Điền có một cây vải 1300 tuổi (hiện do Phòng văn hoá huyện này chăm sóc và quản lý), có tên là Tống Hương hoăc Tống Gia Hương (nghĩa là cây vải thơm của nhà họ Tống, vốn là của gia đình Tống Hàm trồng từ thời nhà Đường), hạt nhỏ, cùi dày, có mùi thơm đặc biệt.

Nòi vải “Trạng Nguyên Hồng ” ở tỉnh Phúc Kiến vốn là của trạng nguyên Từ Đạc thời Tống, ở phủ Hưng Hoá (gồm huyện Phủ Điền và huyện Tiên Du ngày nay). Ban đầu, Từ Đạc đặt tên là Diên Thọ Hồng. Sau khi ông mất người ta mới gọi là Trạng Nguyên Hồng để nhớ tới ông.

Huyện Tăng Thành thuộc tỉnh Quảng Đông có nòi vải Quải Lục ngon nổi tiếng, quả to, cùi dày, hạt nhỏ, mùi thơm. Đặc biệt, vỏ ở phía trên có màu đỏ như son nhưng ở phía dưới lại có màu lục đậm.

Vùng Phật Sơn (phía bắc tam giác châu sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông) có nòi vải Phi Tử Tiếu, ngon nổi tiếng. Theo từ điển Từ Nguyên, nòi vải này có “cùi trắng và dày, hạt cũng trắng, nhỏ như hạt đỗ, vị ngọt hơi chua, ăn từ chập tối mà đến sáng hôm sau vẫn còn thơm trong miêng”. Trong quyển Hán Việt từ điển, soạn giả Đào Duy Anh cho rằng, Phi Tử Tiếu là danh từ chung để chỉ quả vải. Đó là một sự nhầm lẫn cần phải đính chính. Còn cái tên “Phi Tử Tiếu” thì hẳn là lấy từ lời của nhà thơ Đỗ Mục thời nhà Đường, trong bài thơ “Quá Hoa Thanh cung” mà chúng tôi sẽ nói tới ở mục “Dương Quý Phi và quả vải” dưới đây.

Ở Quảng Đông, ngoài “Phi Tử Tiếu” và ‘Quải Lục’ còn có nhiều nòi vải quý khác nữa như Thuỷ Tinh Cầu, có vỏ trắng, cùi trắng, hạt trắng nhưng nước lại đỏ như máu; Tam Nguyệt Hồng thơm ngon, chín sớm; Nhu Mễ Từ, thơm ngon, chín muộn, v.v.

Nhà thơ Tô Thức (1037-1101) lúc cuối đời từng bị giáng chức và đưa đi làm quan nhỏ ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Ở đấy có rất nhiều quả vải ngon, ông ăn mãi không chán nên đã sáng tác bài thơ “Thực lệ chi” (Ăn quả vải), như sau

罗 浮 山下 四 時 春,
La Phù sơn hạ tứ thời xuân.
芦 橘 杨 梅 次第 新。
Lư quất dương mai thứ đệ tân
日 啖 荔 枝 三 百 颗,
Nhật đạm lệ chi tam bách khoả,
不 辞 长 作 岭 南 人
Bất từ trường tác Lĩnh Nam nhân.

Nghĩa là:

Dưới núi La Phù, xuân suốt năm,
Quả ngọt luân phiên, tha hồ ăn.
Ngày xơi vải ngon ba trăm quả,
Chẳng ngại biến thành người Lĩnh Nam.

Ở tỉnh Tứ Xuyên cũng có những vùng khá nổi tiếng về quả vải ngon, ví dụ như ở Lô Châu, Nhung Châu, hiện nay quả vải vẫn là một đặc sản quan trọng.

Trong chùm thơ “Giải muộn” gồm 12 bài của nhà thơ Đỗ Phủ (712-770), ở bài thứ 10, đã nói đến việc hái vải ở Lô Châu (nay là thành phồ Lô Châu, ở đông –nam tỉnh Tứ Xuyên, chỗ hội lưu của sông Trường Giang và sông Đà Giang) và Nhung Châu (ở đông-nam thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên).

憶 過 瀘 戎摘 荔 枝
Ức quá Lô, Nhung, trích lệ chi
楓 隱 映 石 逶 迤
Thanh phong ẩn ánh, thạch uy di
京 華 膺 見 無 顏 色
Kinh hoa ưng kiến vô nhan sắc
紅 顆 酸 甜 只 自 知
Hồng khỏa toan điềm chỉ tự tri

Tạm dịch:
Nhớ xưa hái vải đất Lô, Nhung,
Cây xanh đường khuất núi chập chùng.
Kinh thành nên biết quên màu sắc,
Quả đỏ ngọt chua tự mỗi lòng .

Đến đây, chúng ta vẫn chưa khẳng định về việc Đường Minh Hoàng ra lệnh chở quả vải tươi từ phương xa về kinh đô cho Dương Quý Phi ăn, nhưng trong bài thơ này, qua hai câu cuối, Đỗ Phủ có nhắc đến việc đó và đã bộc lộ lòng thương xót của mình đối với những người dâng quả vải..

V. Dương Quý Phi và quả vải

Dương Quý Phi là một trong những người đàn bà nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. là một trong “tứ đại mỹ nhân” – bốn người đàn bà đẹp nổi tiếng nhất (ba người kia là Tây Thi thời Chiến quốc, Vương Chiêu Quân cuối thời Tây Hán, và Điêu Thuyền cuối thời Đông Hán). Bà ta được vua Đường Huyền Tông (còn gọi là Đường Minh Hoàng, ở ngôi hoàng đế Trung Hoa từ năm 712 đến năm 755) yêu quý chiều chuộng hết mức, đòi gì được nấy. Đỗ Mục (803-852), một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, có lần đi qua cung Hoa Thanh (cung điện sang trọng dành riêng cho Dương Quý Phi thuở trước) đã sáng tác bài thơ “Quá Hoa Thanh cung” (Qua cung Hoa Thanh):

长安回望绣成堆
Trường An hồi vọng, tú thành đôi,
山顶千门次第开
Sơn đỉnh thiên môn thứ đệ khai.
一骑红尘妃子笑
Nhất kỵ hồng trần, Phi Tử tiếu
无人知是荔枝来
Vô nhân tri thị lệ chi lai.

Tương Nhu đã dịch như sau:

Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu,
Đầu non nghìn cửa mở liền nhau.
Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cuời nụ.
Vải tiến mang về, ai biết đâu!

Hai câu cuối của bài thơ này được coi là bằng chứng về việc Đường Minh Hoàng bắt thuộc hạ phải đưa quả vải từ phương xa về để thỏa lòng mong muốn của Dương Quý Phi. Tác giả Đỗ Mục đã cho chúng ta biết rằng, quả vải được đưa đến Trường An bởi các chàng thiện kỵ.

Bài thơ này quá hay nên trong thư tịch Trung Hoa, hễ nói đến lệ chi (quả vải) hoặc nói đến Dương Quý Phi là người ta lại nhắc đến nó. Người ta đã dùng ba chữ “phi tử tiếu” để dặt tên cho một nòi vải ngon ở Quảng Đông, mà chúng tôi đã nói ở mục “Tìm hiểu về cây vải” ở trên.

Đương nhiên, chỉ những người nhẹ dạ mới vội coi thơ văn, ca dao, truyền thuyết là bằng chứng lịch sử. Nhưng trong trường hợp này, người ta tin vào lời thơ của Đỗ Mục. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, đã từng đỗ tiến sĩ, nhưng không phải vì thế mà người ta tin vào lời thơ của ông. Cũng không phải vì ông là cháu nội của Đỗ Hựu (735-812), một vị tể tướng, một nhà sử học từng viết bộ sách “Thông điển” nổi tiếng gồm hai trăm quyển! Lý do chủ yếu là, lời thơ của ông có cơ sở thực tế. Qua lời ông, người ta hiểu rằng, quả vải được đưa tới tay Dương Quý Phi bằng ngựa vốn được dùng để chuyển công văn hoả tốc lần lượt từ trạm này sang trạm khác, liên tục ngày này qua ngày khác.. Hệ thống “dịch trạm” (trạm chuyển công văn hoả tốc) đã được hoàn thiện từ thời nhà Tuỳ (581-617) nên vua nhà Đường có thể sử dụng một cách thuận lợi..

Chúng tôi không sử dụng bài thơ này làm bằng chứng để phản bác luận cứ của các nhà sử học, bởi vì, không thể coi thơ văn là sử liệu, mà phải tra cứu các bộ sách lịch sử Trung Hoa viết về triều đại nhà Đường, trước hết là Cựu Đường Thư và Tân Đường Thư, để xác minh mối liên quan giữa Dương Quý Phi và “nạn cống vải” ở thời Mai Thúc Loan mà các nhà sử học “tai mắt” hiện nay đã khẳng định.

Cựu Đường Thư là một bộ sách biên khảo lịch sử về triều đại nhà Đường (618 -907) gồm 200 quyển, hoàn thành năm 945, triều Hậu Tấn (936 – 947), do tể tướng Lưu Hú 劉昫 (887 – 946) giám tu – tức là chủ biên (bản in năm 1975 của Trung Hoa thư cục gồm 16 tập dày). Ban đầu, nó có tên là Đường Thư, nhưng, đến năm 1060, thời Bắc Tống, nó bị thay thế bởi một bộ sách mới có tên là Tân Đường Thư gồm 225 quyển (bản in năm 1975 của Trung Hoa thư cục gồm 20 tập dày) do Âu Dương Tu và Tống Kỳ chủ biên. Từ đó trở đi, sách Đường Thư được gọi là Cựu Đường Thư và không được in lại nữa. Mãi cho đến năm Gia Tĩnh thứ 10 (1538) triều Minh, bộ sách này được học giả Văn Nhân Thuyên biên tập lại và ông nhận thấy nó cũng rất có giá trị nên đã cho in lại. Từ đó đến nay, nó được nhiều người tham khảo và được xếp vào “nhị thập tứ sử”, nghĩa là trở thành một trong 24 bộ sách lịch sử chính thức ở Trung Quốc.

Trong Cựu Đường Thư, hành trạng của Dương Quý Phi được ghi ở cuối quyển 55, tức là quyển thứ nhất của phần Liệt truyện (sau các phần Bản kỷ và Chí), có tên là Hậu phi thượng, là quyển thứ nhất của đoạn viết về các hoàng hậu và hoàng phi. Ở đây không thấy dòng nào nói về việc cung cấp quả vải tươi cho Dương Quý Phi. Nhưng chúng ta không vì thế mà kết luận là không có việc cống nạp quả vải cho Dương Quý Phi ăn. Còn phải tiếp tục tìm sử liệu ở những chỗ khác nữa.

May mắn thay, Tân Đường Thư có chép về việc này. Trong đoạn nói về Dương Quý Phi (quyển 76, cũng là quyển thứ nhất của phần Liệt truyện và cũng có nhan đề là Hậu phi thượng), có một câu như sau: Phi thị lệ chi, tất dục sinh trí chi, nại trí kỵ truyền tống, tẩu sổ thiên lý, vị vị biến dĩ chí kinh sư (妃嗜荔支,必欲生致之,乃置骑传送,走数千里,味未变已至京师), nghĩa là: (Dương Quý) Phi thèm lệ chi nên muốn có quả tươi mang đến, (vua) bèn sai kỵ sĩ đưa về, đi hàng ngàn dặm, đến kinh đô mà hương vị vẫn nguyên.

Như vậy là, cái cảnh “nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu (Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ) trong thơ của Đỗ Mục đã được Tân Đường Thư xác nhận là một sự thật lịch sử. Đúng là Dương Quý Phi rất thich ăn quả vải nên Đường Minh Hoàng đã tìm mọi cách đưa quả vải thật tươi về Trường An để thỏa lòng mong ước của giai nhân này. Nhưng cách thực hiện của Đường Minh Hoàng là dùng sức của những con tuấn mã và của các kỵ sĩ . Mà như thế thì làm gì có chuyện Mai Thúc Loan và đồng bào của ông phải đi phu gành vải sang tận kinh đô Trường An?

Nhiều học giả Trung Quốc, trong đó có Tô Thức, cho rằng, cây vải có mặt ở Tứ Xuyên sớm hơn ở Phúc Kiến, và Dương Quý Phi đã ăn loại quả vải ở Tứ Xuyên là chính, vì từ Tứ Xuyên đến Trường An (thuộc tỉnh Thiểm Tây, tiếp giáp tỉnh Tứ Xuyên) thì gần hơn rất nhiều so với từ Quảng Đông hay Phúc Kiến.

Trong chùm thơ “Giải muộn” của Đỗ Phủ gồm 12 bài mà chúng tôi vừa nhắc đến ở mục “Tìm hiểu về cây vải”, ở bài thứ 9, ông đã gián tiếp xác nhận việc đưa quả vải từ phương xa về cho Dương Quý Phi, và cho biết rằng, sau khi Dương Quý Phi (719 – 756) và Đường Minh Hoàng (685 – 862) qua đời, quả vải tươi vẫn được mang đến để phục vụ cho cung đình nhà Đường.

先 帝貴 妃 今 寂 寞
Tiên đế, Quý phi kim tịch mịch,
荔 枝 還 復 入 長 安
Lệ chi hoàn phục nhập Trường An
炎 方 每 續 朱 櫻 獻
Viêm phương mỗi tục chu anh hiến
玉 座 膺 悲 白 露 团
Ngọc tọa ưng bi bạch lộ đoàn

Tạm dịch:
Tiên đế, Quý phi, tuy đã khuất
Lệ chi vẫn cứ nhập Trường An.
Mỗi độ phương xa dâng quả hiếm
Điện ngọc nên thương kẻ nhọc nhằn.

Cần biết rằng, Đỗ Phú (712 – 770) ra đời trước Dương Quý Phi 7 năm, mất sau bà này 14 năm, và ông đã sống ở Trường An hơn 10 năm, trùng với thời gian ân ái mặn nồng giữa Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng, rồi ông cũng theo hai vị ấy chạy loạn An – Sử. Bởi vậy, bài thơ này cùng với bài thơ của ông mà chúng tôi đã nêu ở mục trước đều có giá trị sử liệu rất cao.

Nhìn vào năm sinh của Dương Quý Phi (năm 719) quý vị độc giả sẽ thấy ngay một điều buồn cười là, khi Mai Thúc Loan bại trận thì bà này mới 3 tuổi, và khi bà ta trở thành sủng phi của Đường Minh Hoàng (năm 744) thì Mai Thúc Loan đã chết từ 22 về trước.Thế mà các nhà sử học ưu tú của chúng ta dám coi bà như là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan!, và họ tin rằng, “từ sau cuộc khởi nghĩa lớn lao này, nhà Đường không dám bắt nhân dân ta nộp cống vải quả hàng năm nữa” (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991, trang 287). Quả là một chuyện hài hước.

VI. Có thể gánh vải từ Hoan Châu đến Trường An hay không?

Ở Nghệ An và Hà Tĩnh (mà xưa gọi là Hoan Châu), quả vải vừa hiếm lại vừa chua, điều đó thì ai cũng biết. Nhưng cũng có nhà sử học cãi rằng, ngày nay thì như vậy, nhưng ở thế kỷ 8 thì Nghệ An là “đất vải”, bài hát chầu văn và bài thơ mà các giáo sư sử học đã nêu chẳng phải là minh chứng rành rành đó sao?

Vâng, cứ tạm cho rằng, vì một nguyên nhân nào đó mà khoa học hiện nay chưa thể giải thích được, Hoan Châu hồi thế kỷ 8 là nơi sản sinh quả vải rất nhiều và rất ngon, và chúng ta cũng bỏ qua câu chuyện hoang đường về việc Dương Quý Phi đã ăn những quả vải Nghệ An do Mai Thúc Loan và những người đồng hương của ông gánh sang. Chúng ta cũng bỏ qua cả sự thực là, miền nam Trung Quốc là quê hương của cây vải trên toàn thế giơi, rồi tưởng tượng rằng, quả vải ở Nghệ An có những phẩm chất đặc biệt mà ngót trăm nòi vải ở Trung Quốc không có, cho nên Dương Quý Phi phải đòi cho được thứ quả vải này. Nhưng chúng ta hãy đặt câu hỏi: liệu có thể gánh vải từ Hoan Châu đến Trường An để nộp cống hay không?

Trong những năm gần đây, nòi vải thiều ở huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương đã phủ xanh vùng đồi núi huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Nhờ vậy, cứ đến mùa vải chín, trên đường phố Hà Nội đâu đâu cũng thấy quả vải, tha hồ ăn. Nhưng, quả vải rất khó bảo quản, nhiều khi bán không kịp, phải vất đi vì ôi thiu, để rồi vài ngày sau đó thì hết vụ, lại không có mà ăn. Quả vải Thanh Hà và Lục Ngạn được tiêu thụ ở Hà Nội là chính. Nếu đưa nhiều vào miền trung hoặc miền nam thì nhiều khi chưa kịp bán, quả vải đã biến chất, không còn giá trị gì nữa. Ngày nay, tuy có ô tô, máy bay, máy ướp lạnh, và nhiều biện pháp kỹ thuật khác mà việc bảo quản và tiêu thụ quả vải tươi vẫn là việc rất khó khăn. Vậy mà từ đầu thế kỷ 8, từng đoàn dân phu hàng ngàn người đã gánh quả vải tươi từ châu Hoan sang tận kinh đô Trường An được ư?

Quãng đường từ Nghệ An đến Trường An dài không dưới 4000km. Sức người thì có hạn, dù bị bức bách cưỡng ép thì cũng không thể đi bộ được 50km mỗi ngày liên tục. Kinh nghiệm trong mấy cuộc chiến tranh vừa qua cho thấy rằng, những thanh niên khoẻ mạnh mà không phải mang vác gì cả, lúc đầu có thể đi được chừng 30-35km trong một ngày nhưng về sau thì khó vượt nổi 30km/ngày. Còn những người dân phu như Mai Thúc Loan thi chỉ đi được 30km/ngày trong vài ngày đầu tiên, và nếu họ cứ khoẻ như vâm chứ không bị chết dọc đường và không bị ốm ngày nào thì cũng phải mất vài trăm ngày mới lê bước tới đất Trường An, và phải mất hơn một năm mới lê có thể lê gót về nhà. Chưa kể là họ lấy gì mà ăn để đi đường. Dầm mưa dãi gió nhiều tháng trời nhu thế thì củi tuơi cũng mục nát hết, nói gì đến quả vải. Quả vải từ Nghệ An chưa ra đến Hà Nội thì đã thối rồi, lám sao có thể đi tiếp hơn sáu tháng nữa để đưa tới miệng Dương Quý Phi?

Như vậy, việc vận chuyển quả vải tươi về Trường An chắc chắn phải được thực hiện bằng sức ngựa, đúng như Tân Đường Thư đã ghi và thi nhân Đỗ Mục đã viết. Chúng ta hãy làm một phép tính hoàn toàn dựa theo “lý thuyết suông” như sau.

Tốc độ kỷ lục của ngựa hiện nay là 69km/giờ. Các chú “dịch mã” (ngựa của dịch trạm) đều được tuyển chọn rất kỹ, đủ sức chạy với tốc độ 30-35 km/giờ trong vài giờ liên tục.Trong một ngày đêm (24 giờ), thời gian vận chuyển quả vải có thể đến 20 giờ nhờ 5-6 con ngựa chạy tiếp sức nên có thể vượt được quãng đường dài 600-700km. Quả vải thì có thể lấy ở Quảng Đông, cách Trường An khoảng hơn 2000km. Như vậy, cũng phải mất chừng 4 ngày thì quả vải hái từ trên cây mới có thể tới miệng Dương Quý Phi.

Tuy nhiên, để bảo đảm cho quả vải từ phương xa về tới Trường An kịp thời và không bị dập nát, mỗi con ngựa chỉ chở được ít thôi, và các chùm vải phải được bọc lót thật cẩn thận. Việc chuyên chở quả vải với biết bao khó khăn vất vả chỉ cốt để thoả mãn sự đòi hỏi của Dương Quý Phi. Họạ chăng, một số người thân cận Dương Quý Phi mới được “ăn theo” mà thôi. Nghĩ đến cảnh cả một hệ thống dịch trạm phải ngày đêm vất vả để đáp ứng đòi hỏi ngông cuồng của một người đàn bà, Đỗ Mục liền phác hoạ thành bài thơ nổi tiếng. Chính vì nói lên nghịch cảnh đó nên bài thơ này mới được người đời sau nhắc tới mỗi khi nói đến quả vải hoặc nói đến Dương Quý Phi. Nếu quả vải được chở về đủ cho văn võ bá quan đều được ăn thì Dương Quý Phi cũng ăn là lẽ đương nhiên và là điều quá bình thường, hẳn Đỗ Mục chẳng thấy có gì lạ để làm thơ, mà nếu có làm (hẳn ông phải đổi “nhất kỵ hồng trần” thành “bách kỵ hồng trần”) thì cũng chẳng ai nhắc đến.

Theo cách tính toán dựa trên “lý thuyết suông” của chúng tôi thì quả thật là người và ngựa rất khó có thể chịu đựng được cường độ làm việc như thế, Bởi vậy, nhà thơ Tô Thức, một một học giả lớn, cũng là một ông quan lớn thời Bắc Tống, với rất nhiều kinh nghiệm thực tế, cũng chưa tin hẳn rằng, những quả vải mà Dương Quý Phi ăn là được chở từ Quảng Đông, tuy là bằng ngựa kế tiếp nhau.

Tóm lại, việc Dương Quý Phi (và cả các triều đại phong kiến Trung Quốc trước và sau bà ta) bắt thuộc hạ của mình chuyên chở quả vải từ phương xa về cho mình ăn là điều đã được ghi chép trong sử sách. Quả vải để cung phụng cho Dương Quý Phi được lấy ở miền nam Trung Quốc, có thể là từ Quảng Đông, Phúc Kiến hoặc Tứ Xuyên và hoàn toàn chẳng liên quan gì đến Hoan Châu hoặc An Nam. Việc chuyên chở quả vải tươi được thực hiện bằng ngựa chạy từng quãng tiếp nối nhau qua các trạm chứ không phải bằng sức gồng gánh của nông dân “đi một mạch”, dù là ở trên đất Trung Quốc..

VII Không thể coi thơ văn và truyền thuyết là bằng chứng lịch sử

Dựa vào những câu hát chầu văn và bài thơ ca ngợi công ơn của Mai Thúc Loan mà các nhà sử học hiện thời đã sưu tầm được ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, họ đã đồng loạt coi chúng là bằng chứng về việc bọn quan lại nhà Đường bắt dân ta phải gánh quả vải tươi sang kinh đô Trường An để nộp cống. Mặc nhiên, họ đã vội coi thơ văn hoặc truyền thuyết là bằng chứng lịch sử, là chỗ dựa cho “phát kiến” khoa học của họ.

Cần phải biết rằng, ca dao, thơ văn, truyện cổ tích, truyền thuyết, v.v. có thể gợi ý cho nhà sử học trên đường tìm tòi phát hiện sự thật lịch sử, nhưng không thể coi chúng là sự thật lịch sử. Khi đã tìm ra sự thật lịch sử phù hợp với nội dung của ca dao, thơ văn, truyện cổ tích hoặc truyền thuyết, thì những thứ này có tác dụng rất tốt để minh hoạ cho việc giảng dạy và truyền bá kiến thức lịch sử, giúp cho bài học lịch sử trở nên sinh động, có hồn, thấm sâu vào lòng người. Nếu không phản ánh sự thật lịch sử thì chúng vẫn cứ là ca dao, thơ văn … và vẫn rất có giá trị nếu chúng có lời hay ý đẹp. Kể cả thơ văn của những nhân vật nổi tiếng cũng vậy, vẫn có thể không sát đúng với sự thật lịch sử, vì họ cốt chú trọng đến chủ đề trong thơ văn của mình. Không ít tác phẩm văn học nổi tiếng đã mượn đề tài lịch sử để chuyển tải ý tưởng của tác giả. Xin nêu một ví dụ.

Chúng ta biết rằng, Dương Quý Phi có tên là Dương Ngọc Hoàn, nguyên là vợ của Thọ Vương Lý Mạo, con trai thứ 18 của Đường Minh Hoàng. Năm 25 tuổi, bà xuất gia làm nữ đạo sĩ (tu sĩ của Đạo giáo, mà ở ta thường gọi là đạo Lão), với pháp danh là Thái Chân, để từ đó bước vào hậu cung của Đường Huyền Tông cho khỏi mang tiếng loạn luân. Chẳng bao lâu, bà được phong làm Quý Phi, địa vị chỉ kém hoàng hậu một bậc nhưng được hưởng thụ và sủng ái hơn hẳn hoàng hậu. Lai lịch của bà ta như thế, ai cũng biết, nhưng ở bài “Trường hận ca”, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Bạch Cư Dị, nhà thơ vĩ đại này đã viết, nguyên văn bằng chữ Hán, như sau:

汉皇重色思倾国,
Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc
御宇多年求不得。
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc
杨家有女初长成,
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành
养在深闺人未识。
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức
天生丽质难自弃,
Thiên sinh lệ chất nan tự khí
一朝选在君王侧。
Nhất triêu tuyển tại quân vương trắc.
……………………………….

Nhà thơ Tản đà đã dịch như sau:

Đức vua Hán mến người khuynh quốc,
Trải bao năm tìm chuốc công tai.
Nhà Dương có gái mới choai,
Buồng xuân khoá kín chưa ai bạn cùng.
Lạ gì của tuyết đông ngọc đúc,
Chốn ngai vàng phút chốc kề bên.
…………..
Cứ theo lời thơ này thì trước khi vào cung, Dương Ngọc Hoàn là cô gái đồng trinh. Bạch Cư Dị (772-864) là một nhà thơ vĩ đại có học vấn uyên bác, từng đỗ tiến sĩ, kém Dương Quí Phi 53 tuổi. Hẳn ông chẳng lạ gì lai lịch của bà ấy.Trong bài thơ nổi tiếng này, chủ yếu ông chê trách thói ăn chơi hưởng lạc hiếu sắc của Đường Minh Hoàng để đến nỗi sắp sụp đổ cơ đồ, và ông có phần thương xót cho số phận của Dương Quý Phi khi bà bị quân lính và các tướng lĩnh đổ tội rồi bắt phải thắt cổ ở Mã Ngôi . Vì vậy, ông bỏ qua những nét không đẹp trong lý lịch của bà ta để khỏi làm mờ nhạt chủ đích của bài thơ. Mọi người đều coi đây là một kiệt tác của Bạch Cư Dị và không ai chê trách ông về việc viết không đúng tiểu sử của Dương Quý Phi, bởi vì đây là bài thơ chứ không phải là bài giảng lịch sử.

Nay chúng ta hãy trở lại những câu hát chầu văn sưu tầm được ở Nam Đàn:

Sâu quả vải vì ai vạch lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon.

Các sách giáo khoa lịch sử ở Việt Nam hiện nay đều coi đây là bằng chứng về việc nhân dân châu Hoan, trong đó có Mai Thúc Loan, phải làm phu gánh vải sang kinh đô Trung quốc để nộp cống. Thực ra, tác giả của những câu này đã lấy ý từ thơ của Đỗ Mục và vẫn giữ nguyên nhóm từ ‘”ngựa hồng trần” chứ không hề nói đến đoàn dân phu còng lưng gánh quả vải. Tác giả sử dụng lời thơ của Đỗ Mục như một điển tích, phải biết điển tích đó thì mới hiểu được ý của hai câu hát chầu văn này là: người dân phải vạch lá tìm sâu để chọn những quả vải thật ngon, rồi con ngựa thì phải phi nhanh đến kiệt sức để đưa những quả vải ấy về Trường An. Nếu không biết bài thơ của Đỗ Mục thì không thể hiểu được mấy câu hát chầu văn kia. Tôi đã đem những câu ấy đọc cho hơn một chục người nghe, tuổi từ 60 đền 70, có vị là đại tá kỹ sư, có vị là tiến sĩ, ba vị là giảng viên văn hoc, các vị khác đều tốt nghiệp đại học trở lên và đều giàu kinh nghiệm xã hội, nhưng không một ai cắt nghĩa được. Vậy mà trong sách “Hỏi đáp lịch sử 6” của Trương Hữu Quýnh (Nxb Giáo dục, HN 2002), ở cuối trang 63 có câu hỏi và câu trả lời như sau:

– Hỏi: Theo em, những câu nào trong bài hát chầu văn (trong SGK) nói lên nỗi khổ của dân ta?
– Đáp:
Sâu quả vải vì ai vạch lá,
Ngựa hồng trần kể đã héo hon.

Khi giảng đến những câu này, không biết các thầy giáo hoặc cô giáo có giảng về điển tích lấy từ thơ của Đỗ Mục hay không? Hẳn là không, bởi vì các nhà sử học tai mắt vốn là bậc thầy của các cô còn chưa biết bài thơ quá nổi tiếng của Đỗ Mục thì làm sao mà các cô biết đựợc? Sao họ dám rằng, đây là bằng chứng về việc chính quyền nhà Đường bắt từng đoàn dân phu hàng ngàn người còng lưng gánh vải sang Trung Quốc, vì đây chỉ nói đến ngựa chứ có nói gì đến dân phu đâu? Thật là một kiểu suy luận “lấy dược”, rất gượng ép. Phải chăng, câu hỏi và câu giải đáp này chỉ cốt bắt học sinh lại như con vẹt để lấy điểm?

Nhũng câu thơ:

Đường đi cống vải từ đây dứt,
Dân nước đời đời hưởng phúc chung.

đã được các nhà sử học dụng làm bằng chứng để dứt khoát khẳng định “sự thật” về “nạn cống vải”. Những câu thơ này cùng với những câu hát chầu văn kia đều không có lai lịch rõ ràng, và cùng xuất phát từ một nguồn, mà rất có thể là của cùng một tác giả. Chúng không độc lập với nhau, làm sao có thể dùng cái này để khẳng định cái kia?

Vì bài viết đã khá dài và đã quá đủ cơ sở để bác bỏ cái gọi là “nạn cống vải” (trên quy mô rộng lớn, cần phải sử đụng hàng ngàn đàn ông gánh quả vải một mạch sang tận kinh đô Trung Quốc, như các nhà sử học đã mô tả) ở mọi thời đại, nên ở đây, chúng tôi bỏ bớt đoạn nói về “lệ cống quả vải” lẻ tẻ bằng ngựa của các dịch trạm thời Hán – cũng giống như ở thoài Đường.

VIII. Kết luận

Đến đây, chúng tôi đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận cứ mà giới sử học đã sử dụng để khẳng định rằng “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dấn đến Khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Cụ thể là, theo sự khẳng định của các giới sử học thì:

Quả vải là một đặc sản chỉ ở Việt Nam mới có, Trung Quốc không có nên triều đình bên ấy phải lấy quả vải từ nước ta về ăn. Vùng Hoan Châu (Nghệ – Tĩnh) thời thuộc Đường là nơi có quả vải ngon nhất và nhiều nhất nên phải hứng chịu “nạn cống vải”.

Dương Quý Phi – người đàn bà được Đường Huyền Tông sủng ái nhất – rất thích ăn quả vải, vì vậy, ông vua này bắt nhân dân Hoan Châu phải gánh sang kinh đô Tràng An nộp cống để cung cấp cho bà ta.
Mai Thúc Loan là một trong hàng ngàn dân phu phải gánh vải nộp cống, và, khởi đầu từ một hành động chống đối bột phát, ông đã trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa giành độc lập hồi đầu thế kỷ 8.

Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan tuy bị dập tắt nhanh chóng, nhưng nó đã làm cho “nạn cống vải” phải chấm dứt.

Nhưng chúng tôi đã chứng minh ngược lại, rằng:

Quả vải là đặc sản của miền nam Trung Quốc. Nước ta tuy có quả vải nhưng không ngon bằng và cũng không nhiều. Quả vải ở Hoan Châu càng ít và chua, vải thiều ở Hải Dương là giống của Trung Quốc, mới xuất hiện ở Hải Dương từ những năm cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.

Dương Quý Phi thích ăn quả vải, nhưng bà này sinh năm 719, mà khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị dập tắt năm 722, nên không thể có việc Mai Thúc Loan đi cống vải để cho Dương Quý Phi ăn.

Mai Thúc Loan và đồng bào của ông không thể gánh quả vải sang Tràng An vì đường quá xa (hơn 4000km – theo đường thẳng), nếu đi được thì phải mất ít nhất là 6-7 tháng, mà quả vải thì chỉ sau dăm ngày đã hỏng.

Sau khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị dập tắt, Dương Quý Phi vẫn ăn vải, có nghĩa là “nạn cống vải” vẫn còn, chứ không phải như các nhà sử học đã nói. Tuy nhiên, vải cống này lấy từ miền nam Trung Quốc, được các kỵ sĩ chở đến lẻ tẻ, không có chuyện hàng ngàn người (dù là trên đất nhà Đường) còng lưng gánh vải lũ lượt đi một mạch đến Trường An như các nhà sử học của chúng ta đã khẳng định rồi ghi hẳn vào sách giáo khoa và các sách tra cứu về lịch sử.

Những điều mà chúng tôi vừa chứng minh dã cho thấy rõ rằng, tất cả mọi luận cứ của các nhà sử học về “nạn cống vải” đều hoàn toàn bịa đặt theo ý muốn của họ cho phù hợp với những truyền thuyết, những câu thơ, những bài vè ca tụng công lao của Mai Thúc Loan mà các nhà sử học cho là “cứ liệu lịch sử” rồi tưởng lầm là mình đã “phát hiện được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan”. Sự bịa đặt này là điều rất xấu, tối kỵ trong công tác nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, còn có thể tha thứ một phần nếu chúng ta nghĩ rằng các tác giả của nó vốn quen tính hấp tấp, mang nặng tính chủ quan nên đã che lấp lý trí sáng suốt, và có thể tạm biện bạch cho họ bằng sự “nhầm lẫn đáng tiếc”. Nhưng, đến cái việc tự bịa đặt cứ liệu lịch sử như các nhà sử học Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trương Hữu Quýnh…..đã thực hiện trong sách Lịch sử Hà Tĩnh tập 1 (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội- 2000) khi họ dám viết rằng, “Theo sử cũ (Đường thư, Dương Tư Húc truyện), vào đầu thời Khai Nguyên vào một năm được mùa vải tươi, Mai Thúc Loan bị bắt làm phu gánh vải đi cống cho triều Đường” thì thật là ……hết chỗ nói.

Một sai lầm nghiêm trọng nữa của giới sử học là đã coi “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo. Vị anh hùng dân tộc từng lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa có quy mô to lớn khiến bọn xâm lược phải hốt hoảng, lại được các nhà sử học “dày công nghiên cứu” để rồi “phát hiện” ra rằng vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan chính là một trong hàng ngàn “dân phu tưởng tượng” phải đi gánh những sọt quả vải tươi ảo, đi bộ suốt hơn 4000km sang tận kinh đô Trường An để cống nạp cho Dương Quý Phi ăn, thế rồi ông “phẫn chí” nổi lên khởi nghĩa. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy các nhà sử học hàng đầu dám làm chuyện bịa đặt, xuyên tạc lịch sử rồi lại dám tầm thường hóa, hạ thấp giá trị của vị anh hùng dân tộc đến thế.

. Vấn đề mà chúng tôi đang thảo luận ở đây có liên quan đến sự hiểu biết về lịch sử dân tộc, đến việc trang bị tri thức lịch sử cho mọi người Việt Nam, nhất là cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Hội Khoa học Lịch sử sớm phản bác (nếu có thể, tuy đã muộn mất 6 năm) hoặc không phản bác được, nghĩa là những kết luận mà chúng tôi vừa nêu là đúng, thì Hội hãy thẳng thắn xin lỗi toàn dân, công bố rộng rãi trước công luân, sửa ngay sai lầm này trong sách giáo khoa lịch sử. Xin quý vị hội viên và ông chủ tịch Hội theo sát 4 điểm vừa được tổng kết ở đây để đánh giá điểm nào đúng, điểm nào sai, cố gắng bình tĩnh, đừng “chơi bẩn”, đừng nên loay hoay giở trò chứng minh rằng “nước ta cũng có quả vải” hay “Nghệ An cũng có quả vải”, thậm chí “rất có thể ở Nghệ Tĩnh trước đây có quả vải rất nhiều và rất ngon”, coi đó là cách gián tiếp “phản bác” lý lẽ của Lê Mạnh Chiến, như gần đây có một nhà sử học và vài người khác đã viết trên vài tờ báo hoặc tạp chí và trên mạng Internet.

Gần đây, trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2/2009, ông chủ tịch hội Khoa học Lịch sử có nhắc đến tác giả bài viết này (Lê Mạnh Chiến) trong bài “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xem xét” nhưng không đả động đến bất kỳ một luận cứ nào của chúng tôi, mà cố ý tóm lược bài này một cách qua loa. Cả một bài của chúng tôi dài hơn 10 000 chữ, đầy ắp cứ liệu chặt chẽ mà quý vị độc giả vừa đọc xong, chỉ được ông ta tóm gọn trong 1 câu gồm 94 chữ để triển khai việc “phản bác” trong mục Nguyên nhân khởi nghĩa và vấn đề cống quả vải (gồm hơn 2400 chữ) thì nhất định là phải có vấn đề rồi. Bởi vậy, chúng tôi rất mong quý vị độc giả bớt chút thì giờ để đọc bài “Khảo cứu lại cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan” của tác giả Phan Huy Lê trên tạp chí điện tử Diễn đàn (cũng chính là bài “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xem xét” trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử), đặc biệt là các mục 1 và 3 của bài này.
[1] Thiều Châu là tên một phủ cũ ở tỉnh Quảng Đông, giải thể năm 1911, địa phận gao gồm các huyện; Khúc Giang, Lạc Xương, Nhân Hoà, Nam Hùng, Ông Nguyên, và thành phố Thiều Quan hiện nay. Không nên nhầm lẫn Thiều Châu với Triều Châu, cũng thuộc tỉnh Quảng Đông.

Bài 2: Những sai lầm trong sách Lịch sử Việt Nam

( tháng 9/2012)

Lê Mạnh Chiến                                                                             

I. Sách mới, thêm tội lỗi mới

Gần đây, ở các hiệu sách có bày bán quyển LỊCH SỬ VIỆT NAM, tập I Từ nguồn gốc đến thế kỷ XIV. Các tác giả gồm: Phan Huy Lê (chủ biên) – Phan Đại Doãn – Lương Ninh – Nguyễn Quang Ngọc – Trần Quốc Vượng. Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, khổ giấy 16x24cm, 884 trang. In 600 bản. In xong và nộp lưu chiểu tháng 9 năm 2012.

Đây là tập I trong bộ sách LỊCH SỬ VIỆT NAM gồm 4 tập. Ở trang 4 (sau trang bìa trong) có ghi: Bộ sách được hoàn thành trên cơ sở đề tài độc lập cấp nhà nước”Lịch sử Việt Nam” do GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ quản.

Theo Lời nhà xuất bản in ở trang đầu, Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam hy vọng rằng, bộ sách sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập chuyên sâu của sinh viên chuyên ngành lịch sử thuộc các trường đại học, nhu cầu nghiên cứu tham khảo của độc giả trong và ngoài nước quan tâm và yêu mến lịch sử dân tộc.

Vì quan tâm đến lịch sử nước nhà nên khi nhìn thấy quyển sách Lịch sử Việt Nam mới biên soạn này, tôi chú ý ngay để xem thử sách giáo khoa lịch sử ở nước ta đã tiến bộ ra sao.

Khoảng một chục năm gần đây, tôi đã phát hiện và viết nhiều bài vạch rõ một số sai lầm trong các sách lịch sử được biên soạn từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay. Đặc biệt, tôi đã bác bỏ câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải” do giới sử học hiện thời dựng lên và coi đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722. Không một người nào bác bỏ được lý lẽ của tôi. Tuy nhiên, vì không chịu thừa nhận sai lầm, ông Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử đã nhặt nhạnh vài ý râu ria vụn vặt của tôi, gộp lại thành một câu rồi coi đó là toàn bộ lý lẽ và chứng cứ mà tôi đã viết trong vài chục ngàn chữ, trên cơ sở đó, ông ta đã “phản biện” và giành giật kết quả nghiên cứu của tôi. Hành động bất lương này đã bị tôi công khai vạch trần và cực lực lên án trong bài Đôi điều về “nạn cống vải”, đăng trên báo Đai biểu Nhân dân ngày 13/01/2011. Sau đó, ông Phan Huy Lê cũng viết bài Đôi điều cần trả lời và cũng đăng trên báo Đại biểu Nhân dân nhưng thực chất thì ông ta không hề trả lời được bất cứ điều gì trong bài tố cáo của tôi, nên ông ta đành quay ra “kể tội” tôi bằng những lời vu cáo, bịa đặt. Hiện tại, cả hai bài còn nằm trên mạng Internet, và độc giả có thể tìm thấy ngay (theo tên bài) để kiểm chứng.

Về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, ông Phan Huy Lê còn công bố một ”phát hiện mới” nhằm “sửa chữa sai lầm kéo dài nhiều thế kỷ” của nhiều thế hệ sử gia tiền bối. Theo ông Phan Huy Lê thì Khởi nghĩa Mai Thúc Loan đã bùng nổ và giành được thắng lợi từ năm Khai Nguyên thứ nhất, tức là năm 713, mở ra một thời kỳ độc lâp trong 10 năm (đến năm 722) chứ không phải là nổ ra và bị dập tắt trong năm 722 như mọi sách lịch sử xưa nay vẫn ghi chép. Dựa vào “phát hiện mới” này, tỉnh Nghệ An và ông Phan Huy Lê đã đề nghị Trung ương quyết định tổ chức đại lễ toàn quốc kỷ niệm 1300 năm ngày Khởi nghĩa Mai Thúc Loan thắng lợi vào dịp rằm tháng giêng năm Quý Tỵ sắp tới, cùng với việc xây dựng tượng đài và lăng miếu, khảo sát về quốc đô của vương triều họ Mai, viết lại sách lịch sử, phân chia lại các thời kỳ Bắc thuộc, v.v. .

Nhưng “phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê chỉ là một chuỗi những sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi đã chứng minh rất rõ điều đó trong bài Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê ? và đã gửi bài này cho các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Xưa & Nay từ đầu tháng 4 năm 2012.

Vì những sự việc như vậy nên khi thấy sách Lịch sử Việt Nam tập I do ông Phan Huy Lê chủ biên, tôi liền đọc ngay đoạn viết về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan và thấy như sau:

1. Về cái gọi là “nạn cống vải’, ông Phan Huy Lê hoàn toàn né tránh những kết luận của tôi bác bỏ những nguyên do và những chứng cứ về “nạn cống vải” mà giới sử học hiện thời đã rao giảng trong tất cả các sách lịch sử từ năm 1965 đến nay. Mặt khác, tuy đã thừa nhận “nạn cống vải” không xẩy ra ở thời thuộc Đường (tức là thời Mai Thúc Loan) nhưng ông ta vẫn khăng khăng cho rằng “nạn cống vải” đã từng tồn tại dưới thời Bắc thuộc, nhằm bào chữa cho những lý lẽ ngây ngô của giới sử học mà ông ta là đại biểu “cao giá” nhất.

2. Về “phát hiện mới’, mặc dầu ông Phan Huy Lê đã đọc bàì Phải chăng Khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê ?, (vì tôi đã gửi bài này cho các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Xưa & Nay vốn bị ông ta khống chế, thao túng, như quý vị dộc giả đã biết trong vụ mạo xưng Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp) và đã phải “ngậm tăm”, không thể chối cãi được nhưng ông ta vẫn đem vào “công trình cấp nhà nước” về Lịch sử Việt Nam, nhằm hợp pháp hóa một “phát hiện mới” đầy sai lầm, xuyên tạc lịch sử.

II. Ngoan cố không chịu từ bỏ “nạn cống vải”

1. Lê Mạnh Chiến bác bỏ câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải”

Về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, tất cả các sách Lịch sử Việt Nam được lưu hành từ năm 1965 đến nay đều cho rằng, “nạn cống vải “ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khởi nghĩa này. Những lý do và chứng cứ về “nạn cống vải’ do giới sử học nêu ram đã được Lê Mạnh Chiến tóm tắt lại như sau:

a. Quả vải là một đặc sản chỉ ở Việt Nam mới có, ở Trung Quốc không có nên triều đình bên ấy phải lấy quả vải từ nước ta về ăn. Vùng Hoan Châu (Nghệ – Tĩnh) thời thuộc Đường là nơi có quả vải ngon nhất và nhiều nhất nên phải hứng chịu “nạn cống vải”.

b. Dương Quý Phi – người đàn bà được Đường Huyền Tông sủng ái nhất – rất thích ăn quả vải, vì vậy, ông vua này bắt nhân dân Hoan Châu phải gánh quả vải tươi sang kinh đô Tràng An nộp cống để cung cấp cho bà ta, gây nên “nạn cống vải”

c. Mai Thúc Loan là một trong hàng ngàn dân phu phải gánh quả vải tươi đi nộp cống, và, khởi đầu từ một hành động chống đối bột phát, ông đã trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa giành độc lập hồi đầu thế kỷ 8.

d. Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan tuy bị dập tắt nhanh chóng, nhưng nó đã làm cho “nạn cống vải” phải chấm dứt.

Tháng 3 năm 2003, tôi (Lê Mạnh Chiến) đã công bố bài Phải chăng “nạn cống vải “ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Thế Giới Mới, số 526, 527, 528) để bác bỏ mọi chứng cứ và lý lẽ của các nhà sử học. Tôi đã chứng minh:

Quả vải là đặc sản của miền nam Trung Quốc. Nước ta tuy có quả vải nhưng không ngon bằng và cũng không nhiều. Quả vải ở Hoan Châu càng ít và chua, vải thiều ở Hải Dương là giống của Trung Quốc, mới xuất hiện ở Hải Dương từ những năm cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.
Dương Quý Phi thích ăn quả vải, nhưng bà này sinh năm 719, còn khởi nghĩa Mai Thúc Loan thì bị dập tắt năm 722, nên không thể có việc Mai Thúc Loan đi cống vải để đáp ứng nhu cầu của Dương Quý Phi.

Mai Thúc Loan và đồng bào của ông không thể gánh quả vải sang Tràng An vì đường quá xa (hơn 6000km), nếu đi được thì phải mất ít nhất là 7 – 8 tháng, mà quả vải thì chỉ sau dăm ngày đã hỏng.
Sau khi khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị dập tắt, Dương Quý Phi vẫn ăn vải, có nghĩa là “nạn cống vải” vẫn còn, chứ không phải như các nhà sử học đã nói. Tuy nhiên, vải cống này lấy từ miền nam Trung Quốc, được các kỵ sĩ chở đến lẻ tẻ, không có chuyện hàng ngàn người (dù là trên đất Trung Quốc) còng lưng gánh vải lũ lượt đi một mạch đến Trường An như các nhà sử học nước ta đã khẳng định và ghi hẳn vào sách giáo khoa cùng mọi sách tra cứu về lịch sử.

Như vậy, tất cả những nguyên do, những chứng cứ mà các nhà sử học đưa ra để khẳng định tính xác thực của “nạn cống vải” đều bị tôi bác bỏ hoàn toàn. Do đó, tôi khẳng định rằng, Mai Thúc Loan không hề đi phu gánh quả vải sang kinh đô nhà Đường, cuộc khởi nghĩa của ông chẳng liên quan gì đến “nạn cống vải”.

Muốn phản bác lý lẽ của tôi một cách đường hoàng thì ai cũng phải tuân thủ trình tự sau đây:

a. Xem xét việc tôi tóm tắt mọi chứng cứ và lý lẽ của giới sử học có đúng hay không? Có xuyên tạc không? Nếu có sự xuyên tạc thì có thể lên án ngay, không cần phải “phản biện” nữa.

b. . Nếu không có sự xuyên tạc thì phải lần lượt phản bác (hoặc thừa nhận) từng kết luận của tôi. Nếu không phản bác được thì giới sử học, mà cụ thể là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phải công khai cải chính, không thể quanh co; Bộ giáo dục phải ra lệnh xóa bỏ những phần nói về “nạn cống vải” trong sách lịch sử Việt Nam và phải thừa nhận luận cứ của tôi,

2. Lê Mạnh Chiến chứng minh rằng, “nạn cống vải” không xẩy ra trong lịch sử nước ta

Tôi đã chứng minh rằng, trong lịch sử nước ta, hoàn toàn không có “nạn cống vải” như giới sử học đã “sáng tác”, nghĩa là, không có chuyện hàng ngàn nông phu còng lưng gánh quả vải tươi đi một mạch từ Hoan Châu đến Tràng An, cách xa hàng vạn dặm. Độc giả cần nhớ kỹ điều đó, đừng để cho kẻ xấu lừa gạt khi chúng dẫn ra sách nọ sách kia nói đến việc dâng nạp quả vải, quả nhãn rồi lu loa lên rằng “nạn cống vải “ đã được ghi nhận trong sách cổ. Cống nạp quả vải với quy mô và trên cự lý hàng vạn dặm thì mới trở thành sự kiện đáng ghi vào sách lịch sử, còn nếu cống nạp lẻ tẻ tại chỗ cho cho các quan lại địa phương, hoặc dâng nộp vài hũ cùi vải ngâm mật ong thì có gì khác việc dâng nộp vài rổ khoai, rổ sắn, thuộc phạm vi “dâng nạp sản vật địa phương”, có gì đặc biệt đâu mà phải nêu lên thành một sự kiện để ghi vào sách vở hoặc dẫn đến những biến cố lịch sử.

a. Không thể xẩy ra việc gánh quả vải tươi đi bộ hàng trăm ngày.

Chỉ cần tính thời gian đi bộ từ Hoan Châu đến Tràng An, với khoảng cách hơn 6000 km, mỗi ngày đi được 30 km thì mỗi chuyến đi phải kéo dài 200 ngày, mà quả vảỉ thì chí sau 5-6 ngày đã hỏng, không thể vận chuyển đi xa như thế.

Đó là nói về quả vải, một thứ quả rất mau hỏng, không thể vận chuyển đi xa. Nhưng, nếu là vật cứng không hỏng, ví dụ như than đá, cũng chẳng bao giờ có chuyện hàng ngàn người lũ lượt gồng gánh đi từ đầu đến cuối con đường vạn dặm. Khi phải chở một khối lượng lớn than đá (hoặc đá quý, hoặc kim loại) trên quãng đường dài ấy, chẳng có bọn thống trị nào ngu ngốc đến nỗi phải sử dụng cách vận chuyển như vậy. Nếu làm như vậy thì bọn chúng rất khốn khổ vì phải tổ chức hàng trăm, hàng ngàn trạm nghỉ chân dọc đường, nào là nơi ăn chốn ngủ, bể chứa nước, bãi nấu nướng…., rồi phải chuẩn bị lương thực, củi đóm, chăn chiếu, lều quán, thuyền bè, v.v.. Cả một đoàn người lầm lũi nhếch nhác, đói rách cùng bị dồn vào cảnh khốn đốn trong nhiều ngày, đến một mức độ nào đó không thể chịu nổi, ắt sẽ phản kháng, liều chết. Họ có sức mạnh đáng kể, tuy khó có thể thể đánh đổ chính quyền nhưng thừa sức phá hủy hoặc vứt bỏ những thứ mà họ gồng gánh trên vai, và việc đánh giết những tên áp tải là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi phải vận chuyển trên quãng đường vài trăm dặm cũng chẳng có kẻ nào ngu ngốc bắt dân phu phải đi suốt quãng đường ấy. Thế mới biết sức tưởng tượng của các nhà sử học nước ta thật phi thường.

Cách vận chuyển như vậy vừa phiền phưc, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm, lại vừa chậm chạp. Có thể tránh được tất cả những điều đó bằng cách tổ chức vận chuyển từng chặng ngắn, vừa với khả năng vận chuyển của con người trong khoảng 6-7 giờ rồi giao lại cho lượt người kế tiếp. Bằng cách đó, những người vận chuyển chỉ phải tự lo cơm ăn áo mặc trong một ngày, họ hoàn toàn ngủ ở nhà mình. Vì chỉ phải làm việc vất vả trong một ngày, lại có sự chuẩn bị chu đáo nên cự ly vận chuyển hoặc trọng lượng vận chuyển sẽ đạt đến mức tối đa, thời gian cũng được tận dụng tối đa. Làm như vậy thì hiệu quả vận chuyển có thể gấp ba – bốn lần so với đoàn phu đi một mạch từ đầu đến cuối, nhà cầm quyền chỉ cần giám sát, không phải giải quyết việc ăn ở cho hàng trăm hoặc hàng ngàn người cùng vô số điều phức tạp khác trong một thời gian dài.

Theo cách chứng minh “bằng phương pháp vật lý” như chúng tôi vừa làm thì “nạn cống vải” (như giới sử học đã mổ tả) không những không xẩy ra ở thời thuộc Đường mà cũng không thể xẩy ra ở bất cứ thời đai nào khác.

b. Cứ liệu lịch sử về việc vận chuyển quả vải bằng ngựa qua các dịch trạm, thời Hán

Tôi đã tìm thấy cứ liệu lịch sử, xác nhận rằng, thời nhà Hán (nghĩa là bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc ở nước ta), việc dâng nộp quả vải từ Lĩnh Nam (thuộc miền nam Trung Quốc là chính) cho triều đình nhà Hán được thực hiện bằng ngựa thay phiên nhau theo hệ thống dịch trạm chứ không phải do con người gánh đi bộ một mạch suốt quãng đường dài hàng vạn dặm.

Sách An Nam chí lược安南志略của Lê Tắc黎崱(người Viêt ở thế kỷ 13, theo giặc Nguyên, viết sách ở Trung Quốc), ở quyển 5, mục Tiền triều chi sớ (nghĩa là Thư sớ của các đời vua trước) có ghi bức thư của Đường Khương yêu cầu Hán Hòa Đế bãi bỏ lệ cống quả nhãn và quả vải tươi. Nguyên văn chữ Hán do Lê Tắc viết như sau: (theoAn nam chí lược, phần chữ Hán, trang 398, Nxb Thuận Hoá, 2002)

(Phiên âm: Hán Hòa Đế Vĩnh Nguyên nguyên niên, Lĩnh Nam hiến sinh lệ chi, Đường Khương thướng thư gián viết: thần văn thượng bất dĩ tư vị vi đức, hạ bất dĩ cống hiến vi công, phục kiến Giao Chỉ thất quận hiến sinh lệ chi long nhãn đẳng, thập lý nhất trí, ngũ lý nhất hậu, trú dạ truyền tống, nam thổ viêm nhiệt, ác thú bất tuyệt ư lộ, chí ư xúc phạn tử vong chi hại; thử nhị vật thăng điện, vị tất diên niên ích thọ. Chiếu viết: viễn quốc trân tu, bản dĩ tiến phụng tông miếu, hà hữu thương hại, khởi ái dân chi bản. Lục thái quan vật phục nhập hiến.

Để độc giả dễ tra cứu, chúng tôi xin phép sử dụng lời dịch trong bản dịch sách An Nam chí lược do Viện Đaị học Huế xuất bản tại Huế năm 1961 và vài lần sau đó, rồi đến năm 2002 thì được Nhà xuất bản Thuận Hóa in lại:

Trong năm đầu niên hiệu Vĩnh Nguyên (89), đời vua Hán Hòa Đế, các quan Lĩnh Nam dâng những quả lệ chi tươi. Đường Khương dâng thư can rằng:

“Thần nghe người trên không lấy đồ ngon vật lạ làm đức, người dưới không lấy việc cống hiến đồ ăn làm công, chúng tôi thấy bảy quận ở Giao Chỉ dâng những trái long nhăn, lệ chi v.v. thì phải trong khoảng mười dặm để một trạm ngựa, năm dặm một nơi nghỉ để tiện ngày đêm chuyển đạt. Xét lại đất Nam nóng nảy, khắp các ngả đường đều có ác thú khiến cho nhiều người bị chết dọc đường; vả lại, hai vật này được dâng lên triều đình, vị tất có thể làm cho sống lâu thêm”. Vua bèn hạ chiếu nói rằng: “Của quý của nước xa lạ mà đem về vốn là để dâng lên phụng thờ tông tổ; nếu có sự tổn hại đến dân thì trái với lòng thương dân. Vì vậy, hạ sắc dụ cho các quan lớn không nên cống hiến lệ chi và long nhãn nữa”. (Sđd, trang 125)

Chúng tôi coi An Nam chí lược của Lê Tắc là tài liệu tham khảo, các sự kiện mà ông ta nêu ra là những sự gợi ý, chưa thể coi là cứ liệu lịch sử. Bởi vì, sách của ông ta chưa phải là sách đáng tin cậy. Hơn nữa, ông ta là một kẻ bán nước, một người có tư cách đáng khinh.. Nếu sự việc mà ông ta ghi chép là có thực thì ắt cũng được ghi chép trong các bộ sách chính sử đáng tin cậy. Vì vậy, tôi phải tìm đọc sách Hậu Hán- thư (là bộ chính sử về thời Đông Hán) để kiểm chứng. Tôi đã đọc quyển 4, tức Đệ tứ kỷ (ghi chép các sự kiện trong đời Hán Hòa Đế) để tìm hiểu về việc Đường Khương dâng thư khuyên vua bãi bỏ lệ dâng nộp quả vải và kiểm tra lời ghi chép của Lê Tắc.

Hán Hòa Đế lên ngôi khi mới 10 tuổi, trị vì từ năm 88, qua đời năm 105, sống được 26 tuổi. Việc của Đường Khương được chép ở đoạn cuối Đệ tứ kỷ, sau khi chép xong mọi sự kiện trong năm cuối cùng của đời vua Hán Hòa Đế, nguyên văn bằng chữ Hán như sau:

Phiên âm:

Tự Đậu Hiến tru hậu, đế cung thân vạn cơ, mỗi hữu tai dị, triếp duyên vấn công khanh, cực ngôn đắc thất…Cựu Nam Hảỉ hiến long nhãn, lệ chi, thập lý nhất trạm, ngũ lý nhất hậu, bôn đằng trở hiểm, tử giả kế lộ. Thời Lâm Vũ trưởng Nhữ Nam Đường Khương, huyện tiếp Nam Hải, nãi thướng thư trần trạng. Đế hạ chiều viết:“Viễn quốc trân tu, bản dĩ tiến phụng tông miếu, hà hữu thương hại. khởi ái dân chi bản, kỳ lai thái quan vật phục thụ hiến.” do thị toại tỉnh yên.

Dịch nghĩa:

Kể từ khi giết cả nhà Đậu Hiến (quyền thần, ngoại thích, bị tru di năm 92 –LMC chú), Hoàng đế tự mình trông nom mọi việc, mỗi khi có tai họa lạ lùng đều mời các quan đến để hỏi chuyện, nói hết mọi việc tốt việc xấu. Trước kia, vùng Nam Hải dâng hiến quả nhãn, quả vải, mười dặm phải đặt một trạm đổi ngựa, năm dặm phải đặt một trạm nghỉ, trên đường gặp nhiều nguy hiểm, nhiều người chết dọc đường. Lúc bầy giờ, một người tên là Đường Khương, quê ở Nhữ Nam (tỉnh Hà Nam) huyện trưởng huyện Lâm Vũ (tỉnh Hồ Nam) tiếp giáp vùng Nam Hải bèn dâng thư kể rõ tình hình. Hoàng đế hạ chiếu rằng: “Của quý từ phương xa đem về vốn là để dâng lên phụng thờ tông tổ; nếu có sự tổn hại thì trái với lòng thương dân, từ nay các quan lớn không được nhận đồ dâng hiến nữa” Vì thế, lệ dâng hiến quả vải và quả nhãn được bãi bỏ.

Về việc bãi bỏ lệ dâng nạp quả vải, cách ghi chép trong An Nam chí lược và trongHậu Hán thư không giống hệt nhau nhưng nội dung thì không hề khác nhau. Tuy nhiên, theo Hậu Hán thư thì sự việc này xẩy ra sau khi đã trừ khử tên quyền thần Đậu Hiến chứ không phải ở năm 89 như Lê Tắc đã chép. Chắc chắn là Lê Tắc đã ghi sai, bởi vì Hậu Hán thư là sách chính sử, đáng tin cậy hơn hẳn. Vả lại, Hán Hòa Đế sinh năm 79, năm Vĩnh Nguyên thứ nhất (năm 89) thì ông ta mới 10 tuổi. Lúc này, quyền bính nằm trong tay Đâu Thái Hậu (không phải là mẹ đẻ của Hòa Đế) và bọn ngoại thích họ Đậu. Ở năm ấy, Hòa Đế không thể quyết định được điều gì hệ trọng và chắc chắn là chẳng có ông quan nào dại dột dâng thư cho môt ông vua 10 tuổi vừa mới lên ngôi và còn nằm trong vòng kiềm tỏa của bọn quyền thần ngoại thích, mà bọn này lại không có quan hệ huyết thống với ông ta.

Theo sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang司馬光(1019–1086) thì sự việc này xẩy ra năm Vĩnh Nguyên thứ 15, tức là năm 103, lúc Hòa Đế 24 tuổi, đã làm vua được 15 năm, và hai năm sau đó thì ông ta qua đời.

Với cách làm việc thận trong và đúng nguyên tắc, từ chỗ coi sách An Nam chí lược của Lê Tắc là tài liệu tham khảo có giá trị mách bảo, tôi đã kiểm chứng, đã xác định được chỗ viết đúng và chỗ viết sai của tên Việt gian này.

Đoan trích từ sách Hậu Hán-thư trên đây là cứ liệu lịch sử xác nhận rằng, việc vận chuyển quả vải tươi từ Lĩnh nam về kinh đô nhà Hán được thực hiện bàng ngựa của các dịch trạm, với khoảng cách giữa các trạm đổi ngựa khá ngắn ( xấp xỉ 10 dặm, khoảng 5-6 km) chứ không phải bằng sức người gồng gánh đi bộ một mạch hết con đường vạn dặm

3. Ông Phan Huy Lê “bác bỏ” lý lẽ của tác giả Lê Mạnh Chiến để bênh vực tập thể tác giả của “nạn cống vải “

a. Thuật lấp liếm của ông Phan Huy Lê

Tất cả các sách lịch sử Việt Nam được lưu hành từ năm 1965 đến nay, khi nói về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, phần lớn chỉ nói về hoàn cảnh và nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa, với khoảng hai trang sách, chừng 1000 chữ, chủ yếu là nói về “nạn cống vải’. Còn về diễn biến của nó thì chỉ viết vài câu, vì quả thật là rất thiếu sử liệu, lấy gì để viết nhiều?

Trong sách Lịch sử Việt Nam tập I lần này, đoạn chính văn nói về hoàn cảnh và nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa chỉ dài nửa trang, chưa đến 300 chữ và không nhắc đến “nạn cống vải”. Tưởng chừng, đây là một sự tiến bô, là sự phục thiện. Nhưng không phải thế. Ngay dưới đoạn này, ông ta cho một cái “cước chú” (footnote) in bằng chữ nhỏ gồm 562 chữ, nghĩa là dài gấp đôi đoạn chính văn, chủ yếu là để khẳng định “nạn cống vải”. Xin trích dẫn :

….. Gần đây, cũng có một số ý kiến phủ nhận việc Mai Thúc Loan đi gánh quả vải tươi nộp cống cho nhà Đường ở Tràng An và coi đó là nguyên nhân khởi nghĩa…. Theo truyền thuyết, Mai Thúc Loan nhà nghèo, phải đi phu gánh quả vải đi nộp cống và đã hiệu triệu đoàn dân phu trên đường gánh vải, nổi dậy khởi nghĩa… Kết quả nghiên cứu gần đây cho hay, chế độ cống nộp sản vật nhiệt đới, trong đó có quả vải, đã có từ đầu thời Bắc thuộc Từ thời Triệu Đà đã “dùng làm sản vật địa phương đem tiến”. Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết năm Vĩnh Hưng 1 (305) đời Tây Tấn (265-317) cho biết rõ, năm Nguyên Đỉnh 6 (11 TCN), Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai xây cung Phù Lệ, đem 100 cây vải Giao Chỉ về trồng nhưng thất bại và từ đó bắt nộp cống hàng năm. Đây là quận Giao Chỉ vùng Bắc Bộ nước ta chứ không phải là bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong 5 (106). Cổ kim sử văn loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp. Đó là những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc, còn cách bảo quản vận chuyển dĩ nhiên cần nghiên cứu thêm. Đến thời thuộc Đường, chế độ cống quả vải vẫn tiếp tục nhưng lấy từ vùng Lĩnh Nam tức miền Nam Trung Quốc và vận chuyển bằng hệ thống ngựa trạm khẩn cấp, sau dùng biện pháp ngâm muối hay mật đẻ bảo quản…. Như vậy, vào thời Mai Thúc Loan khởi nghĩa không còn chế độ cống quả vải từ An Nam và truyền thuyết vùng Nghệ Tĩnh chỉ phản ánh chế độ lao dịch hà khắc chung của thời Bắc thuộc.

Tham khảo: Phan Huy Lê, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (394), 2009, tr. 3 – 22

Trong sách Lịch sử Việt Nam tập I lần này (lưu hành từ tháng 9/2012), ông Phan Huy Lê đã thừa nhận rằng, vào thời Mai Thúc Loan khởi nghĩa không còn chế độ cống quả vải từ An Nam. Theo ông ta thì “nạn cống vải” có cái lõi lịch sử của nó, Đúng thế. Cái lõi lịch sử ấy đã được Lê Mạnh Chiến vạch ra và đã công bố từ đầu năm 2003. Đó là việc đem quả vải từ phương nam đến Tràng An cho Dương Quý Phi mà nhà thơ Đỗ Mục杜牧(803-852)nói đến trong bài thơ Quá Hoa Thanh cung過華清宮(Qua cung Hoa Thanh – nơi hành lạc của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi), như sau:

 

长安回望绣成堆

Trường An hồi vọng, tú thành đôi,

山顶千门次第开

Sơn đỉnh thiên môn thứ đệ khai.

一骑红尘妃子笑

Nhất kỵ hồng trần, Phi Tử tiếu

无人知是荔枝来

Vô nhân tri thị lệ chi lai.

 

Bản dịch của Tương Như : 

Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu,

Đầu non nghìn cửa mở liền nhau.

Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cuời nụ.

Vải tiến mang về, ai biết đâu

 

Bài thơ này của Đỗ Mục đã gợi ý cho một nhà nho nào đó ở xứ Nghệ, và ông Trần Bá Chí, (giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã sưu tầm được 4 câu mà một cụ già còn nhớ được: 

Nhớ khi nội thuộc Đường triều,

Giang sơn cố quốc nhiều điều ghê gai.

Sâu quả vải vì ai vạch lá,

Ngựa hồng trần kể đã héo hon. 

Thế rồi, từ “ngựa hồng trần” (nhại theo ý từ câu “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu” của Đỗ Mục), giới sử học nước ta (không phải một mình ông Tràn Bá Chí) đã biến hóa thành sự kiện “mỗi năm, cứ đến mùa vải, hàng ngàn dân phu phải còng lưng gánh quả vải tươi sang Tràng An nộp cống, “nạn cống quả lệ chi (quả vải) là một gánh nặng khôn cùng đối với nhân dân Hoan Châu”.(trang 5 trong sách Các triều đại Việt Nam ” của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, Nxb Thanh Niên, HN, 2001).

Nhưng, theo ông Phan Huy Lê, cái lõi lịch sử của nó ấy có nghĩa là, trước Mai Thúc Loan, “nạn cống vải:” đã từng xảy ra, để nói với độc giả rằng, phát hiện về “nạn cống vải” vẫn có cơ sở khoa học, về thời đoạn thì có khác một chút xíu nhưng không cần cải chính. Ông Phan Huy Lê viết:

… Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết năm Vĩnh Hưng 1 (305) đời Tây Tấn (265-317) cho biết rõ, năm Nguyên Đỉnh 6 (11 TCN), Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai xây cung Phù Lệ, đem 100 cây vải Giao Chỉ về trồng nhưng thất bại và từ đó bắt nộp cống hàng năm. Đây là quận Giao Chỉ vùng Bắc Bộ nước ta chứ không phải là bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong 5 (106). Cổ kim sử văn loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp. Đó là những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc, còn cách bảo quản vận chuyển dĩ nhiên cần nghiên cứu thêm.

Phải chăng, Nam phương thảo mộc trạng và Cổ kim sử văn loại đã giúp ông Phan Huy Lê tìm thấy những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc ?

Việc sử dụng hai quyển sách này làm chỗ dựa để phản bác tôi (Lê Mạnh Chiến) chứng tỏ rằng ông Phan Huy Lê chưa biết cách dùng sách, làm việc một cách vô nguyên tắc, lại còn tìm cách lừa bịp độc giả. Điều này sẽ được mổ xẻ sau. Nay cứ hãy tạm cho rằng, việc khai thác sử liệu trong hai quyển sách ấy là đúng nguyên tắc và trung thực thì chúng cũng chẳng giúp gì cho ông Phan Huy Lê khẳng định được cái “nạn cống vải” mà giới sử học đã “phát hiện”. Tuy ông ta nói đến những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc, nhưng đó chỉ là cứ liệu về việc bọn quan lại nhà Đường vơ vét mọi sản vật địa phương mà thôi. Theo giới sử học thì trong “nạn cống vải”, mỗi năm, cứ đến mùa vải, hàng ngàn dân phu phải còng lưng gánh quả vải đi bộ hàng vạn dăm, từ Hoan Châu sang Tràng An để nộp cống, vậy mà Nam phương thảo mộc trạng và Cổ kim sử văn loại đều không nói đến điều đó. Hẳn là ông Phan Huy Lê đã có sáng kiến lấp liếm, dùng nhóm từ chế độ cống nộp quả vải để khiến độc giả hiểu lầm thành “nạn cống vải”. Chính ông Phan Huy Lê cũng viết rằng, còn cách bảo quản vận chuyển dĩ nhiên cần nghiên cứu thêm.

b. Ông Phan Huy Lê “phản biện“ và khai thác tài liệu một cách mờ ám và sai trái.

Trong những năm gần đây, bất cứ lúc nào nói đến nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan, ông Phan Huy Lê luôn luôn tìm mọi cách bóng gió với dụng ý rằng, những luận cứ mà “ai đó” dùng để phản bác lý lẽ minh chứng cho “nạn cống vải” đều thiếu cơ sở, đều sai. Ai cũng biết, và chính ông Phan Huy Lê lại càng biết rất rõ “ai đó” là một người duy nhất, chính là tôi, là Lê Mạnh Chiến. Nhưng ông ta chỉ một lần nhắc đến tên tôi trong một câu duy nhất ở tiểu mục 1. Cơ sở dữ liệu và những ghi chép khác nhau về khởi nghĩa Mai Thúc Loan trong bài Khởi nghĩa mai Thúc Loan – Những vấn đề cãn xác minh (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2, 2002), như sau: “Năm 2003 trên báo Thế giới mới đăng tải một số bài của Lê Mạnh Chiến chất vấn và phê phán các nhà sử học, cho việc cống vải trong thời Bắc thuộc là không có cơ sở khoa học vì vải vùng nam Trung Quốc ngon nổi tiếng, thời thuộc Đường việc vận chuyển quả vải tươi từ nước ta về kinh đô Trường An không thể thực hiện được, coi Mai Thúc Loan cùng đoàn phu chuyên chở vải cống bất bình nổi dậy là không đúng về nguyên nhân khởi nghĩa…”. Từ đó cho đến hôm nay (đầu năm 2013), ông ta không dám nhắc đến một chút nào trong luận cứ của tôi mà chỉ giả vờ tóm tắt ý kiến của “ai đó” bằng vài câu vu vơ để “phản biện” nhằm bảo vệ thành tích phát hiện “nạn cống vải” của giới sử học mà ông ta là đại biểu . Nếu nhắc đến tên tôi thì phải dẫn giải đúng lời của tôi, rất khó xuyên tạc, mà nếu xuyên tạc thì bị vạch mặt ngay, không có đường để lẩn tránh. Mặt khác, khi trưng ra sách này sách nọ, ông Phan Huy Lê chưa bao giờ dám trích dẫn một câu trong nguyên tác mà chỉ đưa ra vài ý theo cách hiểu chủ quan hoặc theo sự bịa đặt gán ghép của ông ta. Đó là cách phản biện gian dối mà tôi đã từng tố cáo trong bài Đôi điều về “nạn cống vải” (Báo Đại biểu Nhân dân, ngày 13/01/2011, độc giả có thể dễ dàng tìm theo tiêu đề này để đọc trên mạng Internet). Còn tôi thì bao giờ cũng đàng hoàng, minh bạch, viết gì, trích gì cũng đều có dẫn chứng cụ thể, có trích dẫn nguyên tác bằng chữ Hán hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v. Ông Phan Huy Lê không thể làm như thế vì yếu kém về ngoại ngữ đã đành, mà chủ yếu là vì ông chỉ mượn tên các tác giả viết bằng ngoại ngữ để luồn ý của mình vào, nhằm đánh lừa độc giả. Điều này đã được chứng minh khá rõ trong bài “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – nhầm lẫn kéo dài và sự tráo trở….” của Lê Hà và Thái Hoàng trên Tuần báo Văn nghệ thành phố HCM số 65 và 66, ngày 28/5 và 04/6/2009 . Bài này vẫn tồn tại trên mạng Internet, có thể tìm thấy một cách dễ dàng..

Khi tôi trưng dẫn cứ liệu trong Hậu Hán- thư xác nhận việc vận chuyển quả vải tươi từ Lĩnh Nam đến kinh đô nhà Hán theo hệ thống dịch trạm (bằng ngựa, kế tiếp nhau), người ta chỉ có thể bác bỏ cứ liệu của tôi nếu họ chứng minh được rằng tôi đã bịa ra cứ liệu đó. Ông Phan Huy Lê không thể làm như thế nhưng vẫn muốn “phản bác” nên đành phải làm liều, mượn tên các sách khác rồi gán cho chúng những “bằng chứng” mà ông ta muốn có để “phản bác” chính sử. Về nguyên tắc, ông Phan Huy Lê có quyền tham khảo bất cứ sách gì, nhưng phải biết phân biệt sách chính sử, sách lịch sử nhưng không phải chính sử, và sách thuộc các lĩnh vực khác. Muốn cãi lại chính sử thì phải tìm được những chứng cứ rất cụ thể, và phải tốn rất nhiều công sức. Trung Quốc có một số lượng sách lịch sử rất lớn, qua sự sàng lọc từ bao đời nay, người ta chọn được 24 bộ chính sử, gọi là “nhị thập tứ sử”. Vô số những sách lịch sử ngoài 24 bộ chính sử kia hẳn là không đáng tin cậy bằng chính sử, và ắt cũng có những sách ghi chép bậy bạ, trái ngược với chính sử, hợp với ý đồ của kẻ ngụy biện. Nay ông ta đi đào bới trong những sách không phải là chính sử để nhặt nhạnh những chỗ có thể hiểu khác với chính sử, dùng chúng để “phản bác” chính sử, đó có phải là cách làm việc của người ngay thẳng hay không? Việc sử dụng các sách Nam phương thảo mộc trạng và Cổ kim sử văn loại để khẳng định rằng “nạn cống vải’ đã từng tồn tại trong lịch sử nước ta, như ông Phan Huy Lê đã làm, là sự một sai phạm về nguyên tắc tìm kiếm sử liệu.. 

Nam phương thảo mộc trạng南方草木狀, được coi là của Kê Hàm嵇含(263-306. là một bộ sách rất có giá trị, viết về thực vật ở miền nam Trung Quốc và được coi là bộ sách sớm nhất thế giới trong lĩnh vực khoa học này. Đây không phải là sách về lịch sử nhưng vẫn có thể ghi chép chút ít về lịch sử liên quan đến một số thực vật ở Trung Quốc. Nếu những chi tiết đó có giá trị lịch sử thì chắc chắn là các nhà sử học đời sau đã tiếp thu để đính chính các bộ chính sử. Các bộ chính sử rất đồ sộ đều được viết theo thể kỷ-truyện (gọi là kỷ-truỵện thể, 紀 傳 體) nhưng không phải chỉ có phần Bản kỷ(ghi chép mọi sự kiện theo từng đời vua) và phần Liệt truyện (ghi chép về mọi nhân vật liên quan đến mọi sự kiện trong lịch sử) mà còn có các phần Chí, Chế, Biểu…, ghi chép toàn bộ mọi mặt trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, quân sự, ngoại giao, v.v dưới các triều đại. Bởi vậy, không phải đợi đến ông Phan Huy Lê khai thác các sách khác để đưa vào sách lịch sử hoặc để sửa chữa chính sử. Việc làm của ông ta là sai nguyên tắc và chắc chắn là không thể tìm ra điều gì có ích. Quả thật là như vậy. Hãy xem ông ta viết:

… Nam phương thảo mộc trạng của Kê Hàm viết năm Vĩnh Hưng 1 (305) đời Tây Tấn (265-317) cho biết rõ, năm Nguyên Đỉnh 6 (111 TCN), Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai xây cung Phù Lệ, đem 100 cây vải Giao Chỉ về trồng nhưng thất bại và từ đó bắt nộp cống hàng năm. Đây là quận Giao Chỉ vùng Bắc Bộ nước ta chứ không phải là bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong 5 (106 TCN).

(Sách Lịch sử Việt Nam tập I in là năm Nguyên Đỉnh 6 (11 TCN). Tôi cho là ông PHL đã nhầm hoặc do lỗi của “cậu đánh máy” nên tôi đã chữa lại là, năm Nguyên Đỉnh 6 (111 TCN); cuối câu tiếp theo, không biết GS Phan Huy Lê hay là “cậu đánh máy” viết là năm Nguyên Phong 5 (106), tôi phải chữa lại là năm Nguyên Phong 5 (106TCN), theo niên biểu Trung Quốc – LMC chú thích)

Trong bài Phải chăng “nạn cống vải” là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Khởi nghĩa Mai Thúc Loan năm 722? đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thế Giới Mới (số 526, 527, 528, ra ngày 10, 17 và 24/3/2004), tôi cũng trích dẫn một số câu trong sách Nam phương thảo mộc trạng nói về việc Hán Vũ Đế sai người gánh cây vải từ Giao Chỉ về trồng ở vườn Thượng Lâm nhưng mọi cây vải đều chết hết, nên về sau ông ta bắt phải dâng quả vải. Việc trích dẫn này là để nhắc độc giả lưu ý rằng, có việc gánh cây vải từ phương nam về kinh đô, và có việc dâng nộp quả vải, còn phương thức vận chuyển thì sách này không nói đến. Ông Phan Huy Lê cũng trích dẫn như tôi nhưng lại muốn bắt độc giả coi đó là sự khởi đầu của “nạn cống vải” mà giới sử học nước ta mới “phát hiện” ra từ năm 1964. Sách Nam phương thảo mộc trạng không nói đến phương thức vận chuyển quả vải nên không thể lấy nó làm bằng chứng về viêc hàng ngàn người phải gánh quả vải đi bộ một mạch hàng vạn dặm để nộp cống. Hơn nữa, Nam phương thảo mộc trạng không thể cãi được Hậu Hán thư, một bộ chính sử đã dược tin cậy từ khi nó r a đời đến nay, ngót 1700 năm. .

Nói tóm lại, sách Nam phương thảo mộc trạng không nói điều gì khác với chính sử. Ông Phan Huy Lê cố ý xuyên tạc nó, gán cho nó việc xác nhận “nạn cống vải” ở nước ta – như ông ta đã viết. Đó chỉ là ý đồ đen tối của ông ta mà thôi.

Như chính ông Phan Huy Lê đã chỉ dẫn, muốn hiểu rõ hơn nữa về đoạn “cước chú” dài gấp đôi chính văn, trong đó có trích dẫn Nam phương thảo mộc trạng và Cổ kim sử văn loại thì hãy đọc bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh, đăng ở Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (394), 2009, tr. 3 – 22.. Tôi đã tìm theo lời chỉ dẫn này thì thấy ở bài đó, tên tác giả của Nam phương thảo mộc trạng là Kế Hàm, cả ở hai chỗ chú thích cũng viết là Kế Hàm. Điều đó chứng tỏ là không có việc viết nhầm. Nhưng quả thật, phải đọc là Kê Hàm稽含(262~306)mới đúng. Kê Hàm là cháu của Kê Khang 嵇康 – danh sĩ nổi tiếng trong nhóm “Trúc lâm thất hiền”, đã sáng tác khúc nhạc “Quảng Lăng” thánh thót như tiếng mây bay nước chảy, mà Nguyễn Du đã nhắc đến ở câu “Kê Khang này khúc Quảng Lăng, / Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân” trong Truyện Kiều.. Cũng trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan …ấy, khi nói đến Cựu Đường-thư, soạn giả là Lưu Hú劉 昫 (888-947) thì ông Phan Huy Lê đã viết là Lưu Hướng (một học giả sống trước Lưu Hú gần 1000 năm!), mà cái sai này xẩy ra đến 5 lần, không có lần nào viết đúng. Trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – lầm lẫn kéo dài và sự tráo trở…”, hai tác giả Lê Hà và Thái Hoàng đã vạch rõ những sai lầm này của ông Phan Huy Lê. Có lẽ nhờ vậy mà ở đây ông ta đã chữa lại là Kê Hàm. Việc gọi sai tên tác giả như vậy cho phép chúng tôi nghĩ rằng, ồng Phan Huy Lê không thể đọc được (hoặc chưa hề đọc) sách Nam phương thảo mộc trạng mà chỉ chép lại mấy câu từ một bản dịch của “ai đó” mà thôi..

Ngoài sách Nam phương thảo mộc trạng, ông Phan Huy Lê còn lấy “sử liệu” ở sách
Cổ kim sử văn loai để khẳng định “nạn cống vải”. Ông ta viết:

Cổ kim sử văn loại của Chúc Mục đời Tống (960 – 1279) cũng chép Ngụy Văn đế (220 – 226) cho quả vải và long nhãn là loại quý lạ của phương Nam và lệnh hàng năm quận Giao chỉ, Cửu Chân phải cống nộp. Đó là những cứ liệu không thể phủ nhận về chế độ cống nộp quả vải đầu thời Bắc thuộc …

Nếu quả thật có sách Cổ kim sử văn loại ghi chép như thế thì việc khai thác “sử liệu” ở sách ấy để cãi lại chính sử cũng là một điều sai lầm, chẳng khác gì viêc ông ta sử dụng sách Nam phương thảo mộc trạng, như chúng tôi vừa phân tích. Nhưng, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, đây là một sự ngụy tạo cứ liệu lịch sử, nghĩa là không có quyển sách nào mang tên Cổ kim sử văn loại, và đương nhiên, không có quyển sách mang tên ấy thì cũng không thể có những “cứ liệu” như ông Phan Huy Lê đã gán cho quyển sách ảo ấy. Điều đó sẽ được chứng minh ở đoạn tiếp theo đây.

c. Ông Phan Huy Lê bịa đặt cứ liệu lịch sử để đánh lừa độc giả.

Trong bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh, ông Phan Huy Lê viết: 【…Cổ kim sử văn loại tùng còn chép thêm: “Ngụy Văn đế (220 – 226) hạ chiếu cho quần thần rằng, quả phương Nam, loại quý lạ là long nhãn, lệ chi, lệnh hàng năm nộp cống là xuất từ Giao chỉ, Cửu Chân (31). Sự kiện này cũng được chép trongNam phương thảo mộc trạng”】. Chú thích số (31) ghi: Chúc Mục: Cổ kim sử văn loại tùng, Q. 25, soạn vào đời Tống (960 – 1279), trong Tứ khố toàn thư. Như vậy, Cổ kim sử văn loại tùng và Cổ kim sử văn loại cũng chỉ là một quyển (hay một bộ) sách mà thôi. Chắc chắn là một trong trong hai tiêu đề ấy không đúng chủ ý của ông Phan Huy Lê, nhưng tôi không cần bận tâm đến điều đó, mà chỉ cần tìm hiểu nội dung của nó. .

Một căn bệnh có thể coi là cố tật của ông Phan Huy Lê, đó là, khi trích dẫn hoặc lược trích sách nọ sách kia, không bao giờ ông ta trưng dẫn nguyên văn . Tật xấu ấy là một điều tối kỵ đối với mọi người khảo cứu nghiêm túc, vì nó cản trở sự kiểm chứng của độc giả, nhất là đối với các tác phẩm bằng Hán ngữ. Bởi vì, dựa theo một câu bằng tiếng Việt để mò cho ra câu tương ứng trong nguyên tác bằng Hán ngữ là một việc không dễ chút nào, nhiều khi phải bó tay. Nếu phải sử dụng bản dịch thì phải ghi rõ là theo bản dịch của ai. Đối với tên tác giả cũng vậy. Trong Hán ngữ, có rất nhiều chữ cùng âm nhưng khác nghĩa và khác tự dạng. Người Trung Quốc xưng họ-tên với nhau cũng phải mô tả chữ viết .Trong bộ phim Bao công, chúng ta luôn luôn thấy hiện tượng đó. Chỉ một cái tên Chúc Mục, muốn tìm cho ra hình thù chữ Hán của nó cũng không dễ dàng gì, bởi vì, trong Hán ngữ có ít nhất là 10 chữ “chúc” (nếu kể cả dạng giản thể thì có đên 15 chữ “chúc”) và ít nhất cũng có 6 chữ “mục”, Lấy chữ “chúc” nào.ghép với chữ “mục” nào để tìm ra đúng tên của ông “Chúc Mục”? Hơn nữa, liệu ông Phan Huy Lê đã đọc đúng hay chưa?

Tên sách Cổ kim sử văn loại hay Cổ kim sử văn loại tùng thì dễ tìm đúng dạng chữ Hán hơn cái tên “Chúc Mục”. Bởi vậy, tôi đã tìm kiếm hai tên sách ấy trong các bộ từ điển Từ nguyên và Từ hải, nhưng không tìm ra. Tôi lại gõ các tên sách ấy trên máy tính rồi tìm kiếm theo Google. Nhưng, tuyệt nhiên không thấy một chỗ nào có cái cụm chữ như vậy. Lẽ nào một quyển (hay một bộ) sách lịch sử đáng chú ý (theo ông Phan Huy Lê) mà trong số hàng trăm triệu người sử dụng Internet ở Trung Hoa không có một ai nhắc đến, khiến cho tần suất của nó trên Internet bằng số không (zero)?. Trong khi đó, tần suất của sách Hậu Hán-thư theo chữ phồn thể (lưu hành ở Đài Loan, Hongg Kong) là 669.000, và theo chữ giản thể (lưu hành ở Hoa lục) là 4.160.000 (Đây là tần suất ở ngày 01/01/2013, càng về sau càng tăng lên). Điều đó cho phép tôi kết luận rằng, không có tác phẩm nào mang tên là Cổ kim sử văn loại hay Cổ kim sử văn loại tùng. Tuy nhiên, nói như vậy thì ông Phan Huy Lê và các thuộc hạ trung thành của ông ta như Đinh Văn Hiến hay Nguyễn Quang Ngọc vẫn có thể cãi rằng, tác phẩm ấy vẫn tồn tại (phải có thì thầy Phan Huy Lê mới đọc được chứ!), chỉ có điều là người ta ít đọc và ít trích dẫn nó, cho nên tần suất của nó trên mạng Internet chỉ bằng zero. Vâng, cãi cùn đến mức ấy thì ai cũng phải chịu thua thôi, nhưng tôi đã có kinh nghiệm với ba vị ấy rồi nên phải có cách chứng minh rằng nhận định của mình là chính xác..

Lần mò theo 10 chữ “chúc” để tìm cái tên “Chúc Mục” trong các từ điển Từ nguyên và Từ hải, tôi không thể tìm thấy ai có tên là “Chúc Mục”. Điều đó cho biết rằng, ông “Chúc Mục” nào đó, nếu có thì cũng không phải là nhân vật nổi tiếng lắm. Đương nhiên, về nguyên tắc, chẳng có ông “Chúc Mục” nào đủ tư cách để bác bỏ sử liệu trong Hậu Hán-thư (bằng chứng về việc vận chuyển quả vải từ Lĩnh Nam đến kinh đô Tràng An hoặc Lạc Dương bằng ngựa kế tiếp nhau qua các dịch trạm). Nhưng tôi phải tìm cho ra ông ấy để chứng minh rằng, tác phẩm mang tên là Cổ kim sử văn loại hay Cổ kim sử văn loại tùng chỉ là sản phẩm bịa đặt của ông Phan Huy Lê nhằm đánh lừa độc giả.

Cuối cùng, sau khi đã tốn khá nhiều thời gian, tôi cũng tìm ra được nhân vật Chúc Mục祝穆,với “lý lịch sơ yếu” (tại: http://zh.wikipedia.org/wiki/%E7%A5%9D%E7%A9%86) như sau:

Phiên âm: Chúc Mục, tự Hòa Phủ, sơ danh Bính, Kiến Dương nhân. Tiên tổ thị Tân An (kim An Huy Hấp huyện) nhân, Mục phụ Chúc Khang Quốc, tỉ cư Sùng An (kim thuộc Phúc Kiến), Dữ đệ Chúc Quý đồng tòng Chu Hy thụ nghiệp. Trứ “Cổ kim sự văn loại tụ” tứ tập, “Nam dư thắng lãm” thất thập quyển….

Dịch nghĩa: Chúc Mục, tên tự là Hòa Phủ, ban đầu tên là Bính, người Phúc Dương (thuộc tỉnh Phúc Kiến). Tổ tiên là người Tân An (nay là huyện Hấp, tỉnh An Huy), cha là Chúc Khang Quốc, di cư đến Sùng An (nay thuộc Phúc Kiến). Cùng với em là Chúc Quý theo Chu Hy để học tập. Từng biên soạn sách Cổ kim sự văn loại tụ gồm 4 tập, và sách Phương dư thắng lãm gồm 70 quyển…..

Như vậy, Chúc Mục đã biên soạn hai tác phẩm là Cổ kim sự văn loại tụ ( nghĩa làGóp nhặt các loại văn liệu về mọi sự kiện xưa nay, thường được gọi tắt là Sự văn loại tụ) và Phương dư thắng lãm. Có tác giả cho rằng, Chúc Mục mất năm 1255,năm sinh chưa rõ.

Thế là đã rõ nguồn gốc cái tên sách Cổ kim sử văn loại, hoặc Cổ kim sử văn loại tùng mà GS Phan Huy Lê đã “tra cứu” để khẳng định rằng ‘nạn cống vải” (với hàng ngàn người gồng gánh đi bộ hàng vạn dăm) kéo dài từ thời Hán đến thời Ngụy .

Về sách Cổ kim sự văn loại tụ, thường gọi là Sự văn loại tụ, từ điển Bách khoa bách độ của Trung Quốc trên mạng Internet (tạihttp://baike.baidu.com/view/1701601.htm) cho biết:

Phiên âm; Sự văn loại tụ. Tống đại Chúc Mục soạn, nhất bách thất thập quyển, phân tiền, hậu, biệt, tục tứ tập. Kỳ thư phỏng “Nghệ văn loại tụ” , “Sơ học ký” đẳng loại thư , thu thập cổ kim kỷ sự tức thi văn, hợp biên thành thư, cung tra kiểm điển cố chi dụng. Thư nội đột xuất nho gia tư tưởng, sưu tập tài liệu giảo phong phú, bao quát nhất ta kỷ kinh tán thất đích cổ thư trung đích tư liệu.

Dịch nghĩa: Sách Sự văn loại tụ, do Chúc Mục, người đời Tống biên soạn, gồm 170 quyển, chia ra phần trước, phần sau, phần chuyên biệt, ghép liền thành 4 tập. Sách ấy phỏng theo các sách phân loại tri thức như “Nghệ văn loại tụ” và “Sơ học ký”, sưu tập các các sự việc và thơ văn xưa – nay, tập hợp thành sách, dùng để tra cứu các điển cố. Nội dung của sách toát lên tư tưởng nhà nho, thu thập tài liệu khá phong phú, bao quát một số tư liệu trong các sách cổ đã mất mát.

Chú thích của LMC: “Nghệ văn loại tụ” là sách phân loại thư tịch cổ, do Âu Dương Tuân 歐昜 詢(557-641chủ biên, theo lệnh của vua Đường Cao–tổ, hoàn thành năm 624; “Sơ học ký” là sách phân loại các tác phẩm thời Đường, do Từ Kiên徐堅(659-729)biên soạn.

Trên đây là bằng chứng hiển nhiên về việc ông Phan Huy Lê bịa đặt cứ liệu để biện bạch cho việc ngụy tạo sự kiện “cống vải” thời Mai Thúc Loan (về sau thì ông Phan Huy Lê đẩy lên các thời đại xưa hơn) mà tôi đã bác bỏ hoàn toàn và đã công bố từ đầu năm 2003. Đến năm 2005, tôi đã tố cáo tội bịa đặt cứ liệu lịch sử (khẳng định rằng, sách Đường-thư đã ghi chép về việc Mai Thúc Loan làm phu gánh quả vải sang kinh đô nhà Đường nộp cống) trong sách Lịch sử Hà Tĩnh (Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000) mà tội phạm là các ông Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng (thể hiện ở sách Lịch sử quân sự Việt nam tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2001) cùng với Trương Hữu Quýnh, Hoàng Văn Khoán, Ngô Đăng Tri….Từ đó đến nay và mãi mãi về sau, ông Phan Huy Lê cùng các đồng nghiệp của ông ta không thể chối cãi. Đầu năm 2009 (khi công bố bài Khởi nghĩa Mai thúc Loan – Những vấn đề cẫn xác minh trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2/2009) ông Phan Huy Lê lại dùng cách xuyên tạc luận cứ của tôi để bảo vệ “thành quả nghiên cứu” phản khoa học của giới sử học (mà ông ta là “chủ trò”) rồi bị Lê Hà & Thái Hoàng vạch trần các “phản biên”gian trá (xem bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – nhầm lẫn kéo dài và sự tráo trở lịch sử, Tuần báo Văn nghệ Tp HCM ssố 64, 65, ngày 28/5 và 04/6/2009) cùng nhiều điều khác nhưng ông ta không thể chối cãi được. Vậy mà đến cuối năm 2012 ông Phan Huy Lê vẫn cố ý dùng lối ngụy biện để đem sự kiện “cống vải’ vào sách Lịch sử Việt nam (bộ mới – đề tài cấp Nhà nước). Không những thế, ông ta còn bịa đặt cứ liệu lịch sử thêm một lần nữa.

Tôi chợt nhớ đến lời ông GS Đinh Xuân Lâm, trong bài Cần một cuộc “cách mạng” về môn sử (http://tuoitre.vn/Giao-duc/449151/Can-mot-cuoc-%E2%80%9Ccach-mang%E2%80%9D-ve-mon-su.html, báo Tuổi trẻ, ngày 01/8/2011) có câu:

“Đơn cử như bài học về khởi nghĩa Mai Thúc Loan, sự việc dân ta phải cống nộp quả vải tươi, mà chuyên chở bằng cách gánh từ VN sang Trung Quốc. Các nhà khoa học đã tốn quá nhiều giấy mực và thời gian để chỉ ra tính phi lý của nó. Hội Khoa học lịch sử cũng tổ chức không ít hội thảo khoa học và đã đi đến thống nhất về vấn đề này nhưng SGK vẫn chưa được sửa”.

Ông Đinh Xuân Lâm đã thừa nhận tính chất phi lý của “sự kiện cống vải”, nhưng hẳn là ông có chủ ý đánh lừa độc giả và lừa Bộ Giáo dục nên mới viết rằng “Các nhà khoa học đã tốn quá nhiều giấy mực và thời gian để chỉ ra tính phi lý của nó. Hội Khoa học lịch sử cũng tổ chức không ít hội thảo khoa học và đã đi đến thống nhất về vấn đề này nhưng SGK vẫn chưa được sửa”.

III. Đem “phát hiện mới” đầy sai lầm vào sách lịch sử mới, mặc dầu đã bị phê phán và không thể chối cãi.

Khác hẳn với mọi sách lịch sử trước đây, sách LỊCH SỬ VIỆT NAM tập I mới lần này (phát hành từ tháng 9/2012) cho rằng, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra năm 713 và thắng lợi kéo dài đến năm 722 mới thất bại. Có một đoạn khá dài (chứng 1000 chữ) viết về diễn biến và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, với những chi tiết khá tỉ mỉ và cụ thể mà trước đây chưa hề thấy:

Mai Thúc Loan đã lợi dụng địa thế vùng Sa Nam là vùng núi rừng rậm rạp nằm cạnh sông Lam, xây dựng căn cứ chống giặc. Ông chọn núi Vệ Sơn làm trung tâm và đóng đại bản doanh ở đó. Ông cho xây dựng phủ điện và đắp một chiến lũy dài hơn nghìn mét dọc theo bờ sông Lam, mà dân gian gọi là thành Vạn An. Quanh khu vực trung tâm Vệ Sơn, ông tổ chức xây dựng một hệ thống đồn trại nương tựa lẫn nhau. Ông xưng đế (gọi ông là Mai Hắc Đế) và lấy thành Vạn An làm nơi đóng đô ….

Từ thành Vạn An, Mai Thúc Loan tổ chức lực lượng tấn công ra bắc. Nhân dân nhiều nơi ở Giao Châu cũng đồng thời nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Tại vùng Bình Hà (Thanh Hà, Hải Dương) có năm anh em họ Nguyễn hô hào dân chúng đánh chiếm huyên thành. Tại vùng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có người họ Phùng là Phùng Cai Hương (hay Phùng Hạp Khanh ?) lãnh đạo nhân dân nổi dậy và tham gia vào phong trào của Mai Hắc Đế. Nghĩa quân tập trung lực lượng đánh thẳng vào phủ thành Tống Bình khiến cho bè lũ đô hộ Quang Sở Khách bỏ thành chạy tháo thân về nước. Đất nước được giải phóng, nhân dân khắp nơi nô nức đi theo nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân phát triển đến hàng chục vạn người….

Nhưng chỉ ít lâu sau, nhà Đường cử Dương Tư Húc đem 10 vạn quân cùng Quang Sở Khách tiến sang đàn áp cuộc khởi nghĩa, Mai Hắc Đế đã tổ chức lực lượng đánh địch ở khu vực lưu vực ông Hồng rồi rút lui về khu vực lưu vực sông Lam, cố thủ ở thành Vạn An. Các tướng lĩnh chỉ huy các cánh quân thủy bộ đã phối hợp đánh địch rất quyết liệt, nhưng không giữ được Vạn An. Nghĩa quân phải bỏ thành Vạn An rút về Hương Sơn. Chẳng may, Mai Thúc Loan đã qua đời giữa lúc tình hình hết sức cam go này. Con ông là Mai Thúc Huy được quân sĩ suy tôn thay ông tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Nhưng Mai Thúc Huy còn nhỏ và đội quân mới tập hợp tuy số lượng đông nhưng thiếu kinh nghiệm chiến đấu đã không chống đỡ nổi đoàn quân thiện chiến do tướng nanh vuốt của nhà Đường, dày dạn kinh nghiệm chiến chinh chỉ huy. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng đã bị thất bại, nghĩa quân tan vỡ, một bộ phận rút vào rừng tiếp tục chiến đấu. ….

Độc giả ắt phải nghĩ rằng, chắc chắn phải có những phát hiện rất mới, với những cứ liệu rất phong phú và cụ thể thì mới viết được những dòng như thế. Nhưng, sự thực thì phần lớn những điều được viết ở đây đều chép lại từ truyện Hương Lãm Mai đế ký của Chư Cát-thị (một tác giả mà chưa ai biết gì về lai lịch, quê quán, tuổi tác, v.v.,), còn một phần thì lấy từ truyền thuyết thu thập được ở vài địa phương hoặc tự suy diễn để thêm thắt vào.

Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng (1774), một người mà chưa ai rõ lai lịch, tự xưng là Chư-Cát thị (nghĩa là người họ Chư–Cát, còn được đọc là Gia Cát, tức là cùng họ với Gia Cát Lượng) đã sửa chữa và thêm thắt các truyện trong sách Việt điện u linh (bộ sưu tập về các truyện thần linh trên cõi đất Việt) của Lý Tế Xuyên (một người sống dưới thời nhà Trần, chưa rõ lai lịch) rồi in thành sách mang tên là Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập. Trong số những truyện mà Chư Cát thị chép thêm, có truyện Hương Lãm Mai Đế ký, kể chuyện về Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông. Cũng như mọi truyện thần linh khác, tác giả đã dựa theo truyền thuyết để hư cấu rất nhiều tình tiết về cuộc đời và sư nghiệp của Mai Thúc Loan, trong đó, các tình tiết đều được gắn liền với những địa danh cụ thể, những mốc thời gian cụ thể. Đó là điều mà những người kể truỵện truyền thuyết dân gian thường làm., Truyện này đã được Đinh Gia Khánh dịch và chú thích. Khi đọc bản dịch này, các ông Đinh Văn Hiến và Phan Huy Lê chú ý đến việc Chư-Cát thị ghi chép năm nổ ra cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan là năm Quý Sửu, niên hiệu Khai Nguyên năm thứ nhất, tức là năm 713, chứ không phải là năm Khai Nguyên thứ mười (722) như mọi sách lịch sử xưa nay vẫn ghi chép. Ông Phan Huy Lê đã tra cứu một số sách khác để kiểm chứng, mà theo lời ông ta, trong đó có cả sách Tân Đường-thư. Kết quả nghiên cứu của ông Phan Huy Lê xác nhận rằng, đúng là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713. Do đó, ông ta cho rằng, những sự việc mà Chư Cát thị ghi chép là rất dáng tin cậy, đó chính là những “cứ liệu lịch sử” về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Rồi ông Phan Huy Lê cho biết rằng, sở dĩ các sử thần triều Lê (biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư) và các sử thần triều Nguyễn (biên soạn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục) viết rằng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ và thất bại trong năm Khai Nguyên thứ mười (722) là vì họ chỉ đọc phần Bản kỷ trrong Tân Đường-thư chứ không đọc phần Liệt truyện có đoạn chép về Dương Tư Húc ở sách ấy..

Việc khẳng định được tính chính xác rất đáng tin cậy của mọi tình tiết trong truyện Hương Lãm Mai Đế ký là “phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê, sửa chữa được sai lầm kéo dài nhiều thế kỷ về khởi nghĩa Mai Thúc Loan mà nhiều thế hệ sử gia đã mắc phải

“Phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê dã được khẳng định tại Hội thảo “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” tại Nghệ An trong hai ngày 08 và 099/11/2008 nhưng mãi đến ngày 02/3/2012 mới được thông báo trong bài Một số kết luận chính thức về kết quả hội tháo Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu (xem Website của trường Đại học Vinh; tại; http://www.vinhuni.edu.vn/Vinhuni/Display/6/0/1859/index.htm )

Tuy nhiên, “phát hiện mới” của ông Phan Huy Lê chỉ là kết quả của một chuỗi sai lầm nghiêm trọng mà ông ta đã mắc phải, do lầm lẫn về phương pháp nghiên cứu, lại không có năng lực tra cứu chữ Hán cộng với tính cẩu thả, hấp tấp và thiếu trung thực của ông ta.

Từ tháng Ba năm /2012,Tỉnh ủy Nghệ An đã gửi công văn lên Ban bí thư TW Đảng CSVN kèm theo bản Tổng kết Hội thảo “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” do GS.VS. Phan Huy Lê viết, đề nghị phát động tổ chức đại lễ toàn quốc kỷ niệm 1300 năm ngày thắng lợi của Khởi nghĩa Hoan Châu vào năm 2013, viết lại lịch sử về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan, cùng với nhiều công việc tốn kém khác. Trong tháng 4 /2012, tôi đã kịp thời viết bài Phải chăng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê, trong đó, tôi đã lần lượt bác bỏ từng luận cứ của ông Phan Huy Lê, rồi gửi ngay cho các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Xưa & Nay.

Toàn văn bài Phải chăng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê đã được được đưa lên mạng Internet. Độc giả có thể dựa theo tên bài để tìm đọc, và sẽ tìm thấy ngay. Tạp chí Văn Hóa Nghệ Anchỉ dám đăng một nửa bài ấy của tôi vì sợ đụng chạm quá mạnh đến ông Phan Huy Lê và chính quyền tỉnh Nghệ An Một nửa bài ấy cũng đã khiến cho nhiều cán bộ ở Nghệ An muốn hủy bỏ việc tổ chức lễ Kỷ niệm 1300 năm Khởi nghĩa Mai Thúc Loan thắng lợi, vào dịp rằm tháng Giêng năm Quý tỵ sắp tới, và chỉ tổ chức lễ kỷ niêm bình thường như mọi năm.. Tuy nhiên, một số người khác vãn muốn tổ chức lễ kỷ niệm 1300 năm thật to, theo ý kiến của ông Phan Huy Lê..

Ngày 12/12/2012, tôi đã gửi bài Phải chăng khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm 713 như “phát hiện mới” của GS Phan Huy Lê tới các ông chủ tịch UBND, giám đốc Sở Văn Hóa – Thông tin – Du lịch tỉnh Nghệ An bằng thư bảo đảm. Sau đó vài ngày, tôi cũng gửi thư và bài cho ông Phan Huy Lê. Tôi mong chính quyền tỉnh Nghệ An và ông Phan Huy Lê hãy suy nghĩ, hãy có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, với hiện tạị và với hậu thế, đừng làm những việc sai trái với lịch sử. Cho đến nay và mãi mãi về sau, ông Phan Huy Lê hoặc bất cứ người nào khác đều không thể bác bỏ được lý lẽ của tôi, bởi vì tôi có đầy đủ mọi chứng cứ cụ thể rất chặt chẽ.

IV. Vài lời cuối bài

Trong bài này, chúng tôi đã phân tích, phê phán việc ông Phan Huy Lê đã đưa những điều sai lầm phản lịch sử về Khởi nghĩa Mai Thúc Loan vào trong sách LỊCH SỬ VIỆT NAM tập I vừa mới phát hành cuối năm 2012. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là, những sai lầm này đã bị phê phán từ trước, và ông Phan Huy Lê đã không thể chối cãi được.

Trong những ngày cuối năm 2012, một độc giả cho tôi biết rằng, ông Phan Huy Lê đã âm thầm sửa chữa lý lịch, đã thừa nhận danh hiệu Thông tín viên nước ngoài của Viện Bi ký và Mỹ văn ở Pháp. Chứng cứ là, từ điển Wikipedia tiếng Việt trên mạng Internet đã ghi như thế. Tôi đã kiểm tra thì thấy đúng như vậy. Wikipedia cũng cho biết rằng, sự sửa đổi này được thực hiện ngày 15/12/2012, nghĩa là 11 ngày sau khi bài báo kia xuất hiện.

Chúng ta biết rằng, tại từ điển Bách khoa toàn thư mở Wkipedia, các bản lý lịch hay tiểu sử của những người còn sống có thể do chính người đó hoặc một người khác viết. Để tránh mọi sự sai phạm, người viết phải hỏi ý kiến của nhân vật mà mình viết tiểu sử, còn người có tiểu sử thì đương nhiên là phải đọc để ngăn chặn việc viết những điều ngoài ý muốn của mình mà không có chứng cứ. Nghĩa là, tiểu sử của một người đang sống, nếu tồn tại trên Wikipedia thì chắc chắn là phải được người đó chấp nhận.. Bởi vì, nếu có sự phản đối với lý do chính đáng thì bản tiểu sử ấy phải bị thay thế, không thể tồn tại. Vì vậy, tất cả những điều được viết trong tiểu sử của ông Phan Huy Lê tại từ điển Wikipedia đều đã được ông ta thừa nhận. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông Phan Huy Lê âm thầm thừa nhận sự dối trá của mình.

Xem tiểu sử của ông Phan Huy Lê tại từ điển Báck khoa toàn thư mở Wkipedia, khi nhìn thấy câu: “Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư – nhà văn hóa Phan Huy Vịnh”, tôi vô cùng ngạc nhiên. Trong Hán ngữ cũng như trong tiếng Việt, “hậu duệ” của một người nghĩa là mọi con cháu đời sau của người đó. Tiến sĩ Phan Huy Ích vốn sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng lấy vợ là con gái Ngô Thì Sĩ rồi lập gia đình, cư ngụ ở thôn Thụy Khuê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), sinh được 6 người con trai, trong đó có Phan Huy Thực, Phan Huy Chú; trong số nhiều cháu nội, có tiến sĩ Phan Huy Vịnh. Tôi tin rằng, ông Phan Huy Lê có cùng tổ tiên với Phan Huy Ích, nhưng không thể là hậu duệ của người này..

Để kiểm chứng, tôi đã đọc cuốn Phan gia công phả, Gia thiện, Hà Tĩnh (Nguyễn Ngọc Nhuận dịch và chú giải, Phan Huy Lê hiệu đính, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2006) và truy ngược từ đời ông Phan Huy Lê trở lên. Kết quả cho thấy như sau:

– Ông Phan Huy Lê là con của Tiến sĩ Phan Huy Tùng

– Tiến sĩ Phan Huy Tùng là con trai duy nhất của cụ Phan Huy Chỉ

– Cụ Phan Huy Chỉ là con trai thứ ba của cụ Phan Huy Tuấn

– Cụ Phan Huy Tuấn là con trai thứ ba của cụ Phan Huy Dương

– Cụ Phan Huy Dương là con trai thứ nhất của cụ Phan Huy Trị

– Cụ Phan Huy Trị là con trai thứ ba của cụ Phan Huy Đình

– Cụ Phan Huy Đình là con trai thứ ba của cụ Phan Văn Tĩnh

Mặt khác:

– Cụ Phan Huy Ích là con trai thứ nhất của cụ Phan Huy Cận

– Cụ Phan Huy Cận là con trai thứ sáu của cụ Phan Văn Tĩnh 

Như vậy, ông Phan Huy Lê không phải là hậu duệ của Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh. Tại sao ông Phan Huy Lê phải nhận xằng là hậu duệ của những người không phải là tổ tiên của mình? Điều này, chỉ có ông Phan Huy Lê mới biết đích xác.

Lê Mạnh Chiến

bài 3 : Trả lời Lê Mạnh Chiến về Nạn cống vải

Phan Huy Lê

Trên báo Đại biểu nhân dân số 13 (2492) ngày 13.1.2011, có bài Đôi điều về nạn cống vải của ông Lê Mạnh Chiến. Trước đây tôi có đọc một số bài viết của ông Lê Mạnh Chiến về nạn cống vải trên Thế giới mới và Văn nghệ tp Hồ Chí Minh. Tôi rất quan tâm đến vấn đề ông nêu lên, nhưng tôi tự thấy không thể thảo luận những vấn đề học thuật khá sâu, đi vào phân tích, giám định, xử lý những cứ liệu trong thư tịch cổ của ta và Trung Quốc trên những báo không chuyên môn. Còn ĐBND là “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân và cử tri”, có tòa soạn đặt ở Văn phòng Quốc hội 35 Ngô Quyền, thì tôi nghĩ rằng đây là một tờ báo chính trị xã hội của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân và chắc phải nghiêm túc, thể hiện thái độ trách nhiệm cao trước công luận và cử tri, cung cấp những thông tin đáng tin cậy cho nhân dân.

Vì tôn trọng tờ báo mà tôi thấy có trách nhiệm trả lời hết sức vắn tắt đôi điều cần thiết để làm sáng tỏ đúng sai, phải trái trước “tiếng nói của Quốc hội”.

Tôi xin gạt bỏ tất cả những lời lẽ không lấy gì làm văn hóa, những chuyện xa xôi bên Nga, bên Hàn, cố lọc lấy những thông tin cần thiết trả lời để người đọc thấy được thực chất của vấn đề và kết quả nghiên cứu khoa học cho đến nay.

1. Ông Lê Mạnh Chiến coi tôi là “người đứng đầu giới sử học mấy chục năm nay”. Tôi xin trả lời ngay trong giới sử học không có ai là người đứng đầu cả và cũng không hề có chức danh đó. Còn chủ tịch Hội KHLSVN mà đại hội bầu thì chỉ đứng đầu Ban CH Hội, sau nhiệm kỳ bầu lại. Hội hoạt động theo tôn chỉ, mục đích được quy định rõ trong điều lệ do Chính phủ phê duyệt và chỉ chịu trách nhiệm về những hoạt động của Hội, không thể gán mọi ấn phẩm về lịch sử của các cơ quan, các tác giả vào trách nhiệm của Hội hay chủ tịch Ban CH hội. Tục ngữ có câu “giơ cao đánh sẽ”, còn ở đây tôi biết dụng ý “nâng cao” để quy tất cả trách nhiệm vào một người mang tính đại diện rồi “hạ gục” hay “làm mất mặt” cả giới sử học như một “ngón võ” trên “đấu trường”. Cách “tranh luận” đó thật xa lạ với hành xử văn hóa trên diễn đàn khoa học chân chính.

2. Về thuật ngữ “thời đại đồng thau”, ông cho rằng đưa ra thuật ngữ sai lầm này là “công trình tập thể, trong đó có đóng góp to lớn của các GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê…”. Xin ông hãy dẫn chứng? Đây là thuật ngữ khảo cổ học do các nhà khảo cổ học đưa ra tương ứng với thuật ngữ “bronze age” trong tiếng Anh, từ những năm 1960. Tôi là một nhà sử học, không liên quan gì đến sự ra đời của thuật ngữ này. Đúng là thuật ngữ này được giới khảo cổ học sử dụng phố biến và khi khai thác các tư liệu khảo cổ học, người nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác, trong đó có tôi, cũng dùng theo. Tôi rất kinh ngạc, ông dựa vào đâu để cho rằng khi biên soạn Từ điển bách khoa VN, tôi đã “cương quyết đưa thuật ngữ sai trái này vào” và đã bị cố GS Nguyễn Văn Chiển ngăn cản. Sách TĐBKVN còn đó và trừ một ít nhà khoa học cao tuổi đã ra đi, phần lớn tác giả cùng ban biên soạn, ban biên tập còn đó, thế mà ông dám dựng lên chuyện bịa đặt 100% như thế. Ban biên soạn TĐBKVN có 36 tiểu ban với hàng trăm nhà khoa học trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có tiểu ban khảo cổ học. Các tiểu ban chịu trách nhiệm về các mục từ trong phạm vi chuyên môn của mình.

Trong T.I  có thuật ngữ “đồng thau” tương ứng với từ “brass” trong tiếng Anh hay “laiton” trong tiếng Pháp (TĐBKVN, T.I, tr. 876), do tiểu ban Hóa biên soạn. Tiểu ban Khảo cổ học lúc đầu biên soạn mục từ “thời đại đồng thau” tương ứng với thuật ngữ “bronze age”. Như vậy là có sự khác biệt về thuật ngữ giữa hai tiểu ban trong cùng một công trình. Chính GS Nguyễn Văn Chiển là người phát hiện ra vấn đề này và theo GS, nên dùng thuật ngữ “thời đại đồ đồng” tương ứng với “bronze age”. Tôi với tư cách Phó trưởng ban thứ nhất Ban biên soạn đã cùng GS Nguyễn Văn Chiển là Ủy viên Ban thường trực, mời đại diện tiểu ban Khảo cổ học lên làm việc và sau khi trao đổi, Tiểu ban đã chỉnh sửa lại thành mục từ “thời đại đồ đồng”, trong đó có ghi chú “trước đây trong ngành khảo cổ học VN quen gọi là thời đại đồng thau” (TĐBKVN, T.IV, tr.262). Theo tôi, tiểu ban Khảo cổ học chỉnh sửa lại như vậy là cần thiết để bảo đảm sự nhất quán trong bộ TĐBKVN và thêm ghi chú như vậy là thỏa đáng. Tuy nhiên, trong khi trao đổi, chúng tôi thấy cụm từ “thời đại đồ đồng” còn chung chung, chưa phân biệt được sự khác nhau giữa “đồng” (đồng nguyên chất hay đồng tự nhiên) và các hợp kim “bronze”, “brass” trong nghiên cứu khảo cổ học, nên cần tiếp tục nghiên cứu. Cho đến nay, trong các công trình khoa học hay bài viết về khảo cổ học vẫn có người dùng “đồ đồng”, có người dùng “đồng thau”. Tôi xin nói thêm, các thuật ngữ khoa học, nhất là về KHXH&NV, cho đến nay còn chưa được chuẩn hóa nên còn có sự khác biệt giữa các nhà khoa học và giữa các ngành. Trong Lời nói đầu của TĐBKVN tập IV có nhận xét: “Các thuật ngữ khoa học do các chuyên  ngành sử dụng chưa có sự thống nhất và chuẩn hóa mang tính quốc gia”. Công việc chuẩn hóa thuật ngữ khoa học không thể do một cá nhân quyết định mà cần được sự tham gia, đồng thuận trong giới chuyên môn và nên do một ủy ban hay hội đồng nhà nước nghiên cứu trình Quốc hội quyết định như nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Về “nạn cống vải” thời thuộc Đường liên quan đến nguyên nhân cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, ông Chiến đã viết nhiều bài và phê phán, thách đố cả giới sử học đủ điều với lời lẽ nào là “bịa đặt”, “xuyên tạc”, “tà thuật”, “đánh lừa độc giả”…, trong đó cũng quy trách nhiệm chủ yếu cho tôi. Tôi chỉ trả lời mấy điểm chính:

3.1. Ông đã dẫn ra 7 cuốn sách và bài trên ĐBND bổ sung thêm cuốn Lịch sử Hà Tĩnh, T.I rồi quy trách nhiệm chính cho tôi. Trong 8 cuốn sách đó, tôi có tên trong 2 cuốn: Lịch sử VN, T.I (Nxb ĐH&THCN, 1983) và Lịch sử Hà Tĩnh, T.I (Nxb CTQG, 2000). Trong cuốn thứ nhất, tôi là người chủ trì (không phải chủ biên) và tác giả từng chương được ghi rõ trong sách, tôi không viết về thời Bắc thuộc và khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Trong cuốn thứ hai, tôi không phải là chủ biên mà là một thành viên biên soạn được phân công viết các chương từ thế kỷ XV đến XIX. Điều này, trong Ban biên soạn ai cũng biết và tôi đã viết rõ trong Lịch sử và văn hóa VN, tiếp cận bộ phận (2007, tr. 564). Tôi không phủ nhận trách nhiệm liên đới trong một công trình chung, nhưng ông Chiến quy kết “là người “cao giá” nhất trong số tám nhà sử học viết Lịch sử Hà Tĩnh tập I, ông Phan Huy Lê không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ sáng tác sử liệu này” thì thật là áp đặt vô căn cứ. Như vậy là trước cuộc hội thảo về “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” ngày 8 và 9 tháng 11 năm 2008, tôi chưa hề viết một bài báo hay một chương nào trong bất cứ cuốn sách nào về nạn cống vải. Thế mà ông Chiến cố tình quy kết trách nhiệm cho tôi, vậy trung thực ở đâu và mục tiêu là gì, xin để mọi người phán xét.

3.2. Giới sử học, trong đó có tôi, không muốn tranh luận với ông trên các báo không chuyên môn nhưng không hề né tránh vấn đề khoa học ông đã nêu lên trước công luận. Cụ thể là ngày 8 và 9.11.2008, Viện sử học và Đại học Vinh đã phối hợp tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học mang tiêu đề “Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu” tại thành phố Vinh. Ban tổ chức nhận được hơn 30 báo cáo và số người tham gia hội thảo đến trên 100 người, trong đó có nhiều nhà sử học đến từ các viện, các trường đại học ở trung ương và địa phương. Sau hai ngày làm việc, nghe báo cáo và thảo luận về hầu như tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, trong đó có chế độ cống vải trong thời Bắc thuộc nói chung và thời khởi nghĩa họ Mai nói riêng. Hội thảo thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thu thập và xác minh tư liệu, nhưng đã thống nhất được nhiều vấn đề cơ bản, nâng hiểu biết về cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lên một trình độ mới so với trước. Một kỷ yếu tạm thời đã in, phát trong hội thảo và sau khi biên tập, ban tổ chức đã xuất bản thành sách mang tên Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc: Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu do Nxb KHXH in, nộp lưu chiểu tháng 3.2010.

Về các truyền thuyết đi phu cống quả vải, bản Tổng kết hội thảo nhận định và đánh giá: “Trong các truyền thuyết về Mai Thúc Loan có truyền thuyết đi phu cống vải và từ dạng truyền khẩu đã đi vào hát chầu văn, vào thơ, khá phố biến ở vùng Nghệ Tĩnh nhất là vùng Nam Đàn. Đó là một bộ phận trong kho tàng truyền thuyết dân gian mà giá trị của nó cần được nhìn nhận và đánh giá theo tiêu chí của thể loại văn học dân gian. Những truyền thuyết đó ít nhiều có xuất phát từ lịch sử và phản ánh những khía cạnh khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, thực tế lịch sử đã qua được lưu giữ hay ảnh xạ qua ký ức của nhiều thế hệ. Nhưng coi truyền thuyết như lịch sử là một sai lầm về nhận thức và phương pháp luận sử học. Một số tác giả khi biên soạn sách giáo khoa hay lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, không nghiên cứu, đối chiếu với các sử liệu đáng tin cậy, đem các truyền thuyết Mai Thúc Loan đi phu cống vải vào lịch sử là sai lầm” (Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 226).

Về chế độ cống quả vải thời Bắc thuộc, hội nghị xác nhận: “Căn cứ vào ghi chép của Kê Hàm trong Nam phương thảo mộc trạng thì năm 111 TCN, Hán Vũ đế sau khi chiếm Nam Việt, đã sai đem cây vải từ Giao Chỉ về trồng, nhưng thất bại nên bắt cống nạp hàng năm (tuế cống). Giao Chỉ ở đây là quận Giao Chỉ ở miền bắc nước ta, chứ không thể là bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền Lĩnh Nam (nam Trung Quốc) vì đơn vị này thành lập sau đó, vào năm 106 TCN (Tiền Hán thư, Q.6). Hơn nữa, Cổ kim sử loại văn tùng (Q.25) còn cho biết đến thời Tam quốc, vua Ngụy Văn đế (220-226) hạ chiếu bắt Giao Chỉ và Cửu Chân hàng năm phải cống nạp quả lệ chi (vải) và long nhãn (nhãn). Từ những cứ liệu đó, có thể xác định chế độ cống vải đã từng tồn tại ở nước ta, bắt đầu từ thời Tây Hán và ít nhất cho đến đầu thời Tam Quốc vẫn còn. Còn cách thức bảo quản và vận chuyển như thế nào, sử sách không ghi chép và chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. (Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 226-227). Xin lưu ý kinh đô nhà Tây Hán và nhà Đường đều ở Tràng An.

Về chế độ cống quả vải thời Đường, hội nghị kết luận: “Nhưng đến thời Đường, theo Tân Đường thư (Q.43 thượng), Tư trị thông giám (Q.250), Thông giám tổng loại (Q.6) thì vải cống lấy từ Lĩnh Nam, chủ yếu từ Nam Hải, và vận chuyển khẩn cấp bằng ngựa trạm. Sau đó nhà Đường cho ngâm vải vào nước muối hay mật để bảo quản. Đến đời vua Đường Ý Tông (860-874) thì có lệnh đình chỉ chế độ tiến vải (Đường đại chiếu lệnh tập, Q. 86). Như vậy vào thời nhà Đường, chế độ cống vải không còn thi hành ở nước ta nữa và dĩ nhiên, không thể dựa vào truyền thuyết để cho rằng Mai Thúc Loan đã từng đi phu cống vải và cũng không thể coi chế độ lao dịch cống vải là nguyên nhân, dù là nguyên nhân trực tiếp, của cuộc khởi nghĩa. Truyền thuyết này có thể phản ánh chế độ lao dịch hà khắc của thời Bắc thuộc nói chung” (Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 227).

Về chế độ cống vải, thái độ của giới sử học, ít nhất là tập thể những nhà sử học tham gia hội thảo ở Vinh rất rõ ràng. Nội dung quan trọng bậc nhất của hội thảo này là xác định năm mở đầu cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan là năm 713 và năm kết thúc là năm 722, chứ không phải cuộc khởi nghĩa bùng nổ rồi thất bại trong năm 722. Đây là một thành tựu lớn nhất của hội thảo và là một thành tựu quan trọng của sử học VN nói chung. Với thành tựu này, khởi nghĩa Mai Thúc Loan trước đây thường chỉ được coi là một cuộc khởi nghĩa địa phương giới hạn trong năm 722 thì nay được nhìn nhận là một cuộc khởi nghĩa quy mô lớn, có vị trí và ý nghĩa trọng đại trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thời Bắc thuộc. Sau khi nổi dậy ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh), nghĩa quân đã tiến ra Bắc, chiếm lĩnh phủ thành, giải phóng cả nước và xây dựng, bảo vệ chính quyền độc lập Mai Hắc Đế trong gần 10 năm. Đây là một trong bốn cuộc khởi nghĩa lớn nhất thời chống Bắc thuộc trước khi thành lập chính quyền của họ Khúc: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bý, khởi nghĩa Mai Thúc Loan, khởi nghĩa Phùng Hưng.

Hội thảo cũng đã thông qua kiến nghị gửi đến các cơ quan có trách nhiệm về khoa học và giáo dục, nhất là về biên soạn sách giáo khoa và lịch sử, trong đó kiến nghị thứ nhất như sau:

“a. Các cơ quan có trách nhiệm về biên soạn sách giáo khoa, về biên soạn lịch sử cần đính chính lại các sai lầm trước đây về khởi nghĩa Mai Thúc Loan như cho rằng cuộc khởi nghĩa bùng nổ và thất bại trong năm 722, về truyền thuyết đi phu cống vải, đồng thời cần viết lại cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (713-722) với quy mô to lớn, thắng lợi oanh liệt và ý nghĩa lịch sử trọng đại mà những tư liệu mới sưu tầm và xác minh đã cho phép khẳng định” (Kỷ yếu, Tổng kết, tr. 228).

Chế độ cống quả vải trong thời Bắc thuộc nói chung và thời thuộc Đường nói riêng, đã được một hội thảo khoa học của giới sử học giải quyết như thế từ tháng 11 năm 2008 và Kỷ yếu đã được xuất bản vào tháng 3 năm 2010.

4. Nhận thức lịch sử là một quá trình tiến dần tới chân lý, càng ngày càng tiếp cận sự thật lịch sử một cách khách quan và xác thực hơn. Trên con đường vạn dặm đó, mỗi nhà sử học, mỗi thế hệ sử gia có những tìm tòi, khám phá đóng góp vào sự phát triển chung và lúc này lúc khác, người này người khác, khó tránh khỏi những sai lầm, hạn chế. Trước một thành tựu, một bước tiến của nhận thức sử học được coi là công lao nhiều người, mỗi người tự nhìn vào đó để khắc phục những sai lầm và vui mừng về phần cống hiến của mình. Dĩ nhiên qua sự sàng lọc của thời gian và công luận, một số phát hiện, một số công trình có giá trị sẽ được nhìn nhận và tôn vinh bằng những giải thưởng khoa học. Đấy là chuyện khác, còn trong nghiên cứu và tranh luận, không nên vội vàng tự khẳng định mình rồi ồn ào thách thức, phê phán mọi người, đòi hỏi phải công nhận thành tựu của mình. Đó là động cơ và thái độ xa lạ với lao động khoa học chân chính và phẩm chất của nhà khoa học thực sự. Trong kết quả xác định lại quy mô và ý nghĩa lịch sử lớn lao của khởi nghĩa Mai Thúc Loan, dĩ nhiên có đóng góp của những nhà khoa học cụ thể qua báo cáo và thảo luận của họ mà ai cũng biết, nhưng trong bản Tổng kết được hội nghị thông qua không nêu tên tuổi cá nhân và cũng không có nhà khoa học nào đòi hỏi phải được vinh danh. Có lẽ ông Lê Mạnh Chiến, nếu muốn tham gia nghiên cứu, thảo luận những vấn đề lịch sử, cũng có thể nhìn vào kết luận của hội thảo và dễ nhận thấy phần đóng góp của ông và cả phần chưa đúng, chưa thỏa đáng của ông. Tôi cần nói thêm, tuy hội thảo đã đi đến một số kết luận được mọi người nhất trí, nhưng bên cạnh còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp và ngay cả kết luận đạt được đến lúc nào đó, với những tư liệu mới phát hiện hay với trình độ tiếp cận mới, cũng có thể đưa ra thảo luận để xác nhận, bổ sung thêm hay nhận thức lại. Trong khoa học không bao giờ có kết luận cuối cùng và mọi vấn đề luôn luôn để mở cho sự khám phá mới, nhận thức mới cao hơn. Trong khoa học, tranh luận, đối thoại, hội thảo rất cần thiết và cần được coi là một phương thức, một động lực của sự phát triển khoa học. Nhưng tranh luận, dù có thể bút chiến gay gắt, pha chút tiêu ớt không sao, chỉ có ý nghĩa và phát huy giá trị khi được tiến hành trong môi trường văn hóa với động cơ vì chân lý, thái độ khách quan, trung thực và tôn trọng nhau.

8 thoughts on “Tranh cãi xung quanh “nạn cống vải”

  1. Chào ngài Lê Mạnh Chiến,
    Tình cờ đọc bài viết của ngài, tôi rất khâm phục ngài là một sử gia uyên bác hiếm có, những luận điểm và minh chứng ngài đưa ra rất thuyết phục, thực là một tính cách hiếm có trong giới sử học Việt Nam vốn đa phần nghiên cứu bằng cảm tính.

    Tuy nhiên, tôi có cảm giác ngài đã xúc phạm nặng nề ngài Phan Huy Lê, theo tôi đó là điều không nên. Việc đúng-sai chỉ có thời gian mới trả lời được. Đặc biệt đoạn cuối của bài viết ngài đưa ra dẫn chứng về thân thế của ngài Phan Huy Lê để nghi ngờ về việc ngài Phan Huy Lê có phải là hậu duệ của Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, theo tôi đây là việc làm đã đánh mất nhân cách của ngài mà tôi đã rất khâm phục khi đọc những đoạn trên của bài viết.

    Đừng đụng chạm đến thân thế, nhà khoa học chân chính chỉ quan tâm đến kết quả và công trình nghiên cứu thôi.

    Kính chúc ngài mạnh khỏe và có thêm những nghiên cứu đầy uyên thâm để lại cho đất nước.

    Thích

  2. Chào ông Hoa Vien.

    Đúng như ông nói. Việc thân thế của ông Phan Huy Lê là một việc khác mà tôi nghĩ không nên gộp vào bài khảo cứu cũng như tranh luận này.

    Thích

  3. Pingback: Phụ chú về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan | Nghiên cứu lịch sử

  4. Nếu người ta bê nguyên gốc vải cho lên xe ngựa chuyển sang Trường An, tính toán thời gian làm sao cho khi đến nơi thì quả cũng vừa chín thì có lẽ vẫn ổn. Ngay cả hiện nay vải vẫn xuất sang TQ nhiều mà bác.

    Thích

  5. Tác giả viết dài giòng. Đó là điều bắt buộc để làm nên một công trình nghiên cứu.

    Tôi đồng ý với tác giả vài chỗ rằng: vải phải ăn tươi trong vòng vài ngày. Nếu không, thì phải ăn vải khô. Vì thế truyền thuyết Mai Thúc Loan Cống Vải chỉ là một giả thuyết không thật.

    Thế nhưng tác giả đã đi quá trớn khỏi lĩnh vực tác giả có hiểu biết. Tác giả đi vào lĩnh vực Sinh vật và Di truyền. Bàn về cây vải, tác giả đã nói liều rằng Trung Quốc là tổ gốc của cây vải. Cũng như giả thuyết cây lúa là tổ gốc ở Trung Quốc vậy. Có lý lẽ cho rằng tổ gốc của cây lúa là vùng Lưỡng Hà ở Trung Á. Có người cho rằng cây lúa gốc ở Campuchia. Thế còn Trầu Cau thì sao? Từ cổ, Đài Loan, Ấn Độ, Việt nam đều đã ăn Trầu. Vậy mà cứ cãi Vua Hùng là người đầu tiên ăn trầu từ cây của anh em Tân Lang? Thế thì bang Connecticut của Mỹ có cây Kim Ngân, còn bang Texas thì có cây Cỏ Gà, mặc dàu nó không hề có Gà? Còn cây Nho, tiếng Tàu gọi là cây Bồ Đào, đến nỗi có người nhầm rằng tổ của nó là ở nước Bồ Đào Nha gần Pháp? Cây mà vài người gọi là Sung Mỹ, thật ra là Vả Địa Trung Hải được mang đến Mỹ trồng. Sách sử ghi chép rõ ràng mà không biết. Thế nhưng Sung Việt nam, và Vải Việt nam thì từ đâu ra?

    Về Sinh Vật, tôi khẳng định rằng những cây: Trầu, Cau, Lúa, Kim Ngân, Cỏ Gà, Nho, và Vải là những cây có trên trái đất lâu đời, ở nhiều nơi, không thể xác định được đất tổ của chúng là ở đâu. Những cây này chính mắt tôi đã nhìn thấy trên rừng Việt Bắc, và trên đất Mỹ.

    Về Di truyền (Biến dị) thì là môn nghiên cứu về Gien. Môn này cho rằng Biến Dị có thể xảy ra bất cứ ở đâu, ở lúc nào. Vải Việt Nam ngon hơn vải Trung Quốc, là nhờ biến dị. Không vì thế suy ra rằng nguồn gốc tổ của Vải Việt Nam là Vải Tàu.

    Thích

Bình luận về bài viết này