Truyền bá tri thức ở Giao Châu thời Hán- Tấn

Đỗ Ngọc Giao 

   20-Dec-2023

1.     Giới thiệu

Như ta biết,[1] từ thời trào Hán qua trào Đường đã có những nhóm dân nói tiếng Sinitic bên Tàu chạy loạn sang miền bắc Việt Nam (lúc đó gọi là Giao Châu và An Nam), ở chung với dân bổn xứ.

Bởi quá trình tiếp xúc và pha trộn giữa hai nhóm dân đó với nhau, mà tiếng Việt ngày nay có hai lớp ‘từ’ Sinitic, gọi chung là Sino-Vietnamese (viết tắt ‘SV’):

  1. Early Sino-Vietnamese (viết tắt ‘ESV’): mượn của dân gốc Tàu ở Giao Châu hồi trào Hán-Tấn (1–400 CE).
  2. Late Sino-Vietnamese (viết tắt ‘LSV’): vốn là kho ngữ vựng của dân gốc Tàu ở An Nam hồi trào Đường, mà họ đem qua tiếng proto-Viet-Muong của dân bổn xứ, khi họ bỏ tiếng mẹ đẻ đổi qua nói tiếng của dân bổn xứ, từ đầu trào Tống (1000 CE).

Thí dụ:

chữ Hán ESV LSV
búa phủ
bùa phù
Bụt Phật
phước
祿 lộc
thọ

Cách đọc mọi ‘từ’ ESV và LSV, thí dụ bùa, phù,… nêu trên, đều là cách đọc chữ Hán bằng tiếng Sinitic của cư dân gốc Tàu ở miền bắc Việt Nam trong hai thời Hán-Tấn và Đường, chớ không phải là cách đọc chữ Hán bằng ‘tiếng Việt’ của ‘người Việt’, như đại chúng lầm tưởng.

Những ‘từ’ ESV, thí dụ búa, bùa,… nêu trên, cũng là bằng chứng của những mẩu tri thức mà di dân người Tàu thời Hán-Tấn đã truyền lại cho dân bổn xứ.

Ở bài này, ta khảo sát một ít ‘từ’ ESV trong dữ liệu của Phan,[2] thử coi di dân người Tàu thời Hán-Tấn đã chuyển giao cho dân bổn xứ những mẩu tri thức gì.

2.     Khảo sát

  1. ngài

Ngài (moth) là tên gọi chung một nhóm ‘insect’ trong bộ Lepidoptera mà không phải bướm. Ở đây muốn nói loài ngài Bombyx mori mà ‘sâu’ (larva) của nó, tức là ‘tằm’, biết nhả nước miếng làm tơ để kéo ‘kén’, sau đó trở thành ‘nhộng’ (pupa) nhả ‘enzyme’ làm lủng kén chun ra ngoài thành ngài.

Miền bắc Việt Nam ngày nay có loài ngài hoang Antheraea assamensis,[3] cho tơ để dệt một thứ ‘đũi’ (tussar silk). Dù vậy, không có loài ngài nào cho tơ tốt hơn Bombyx mori để dệt lụa. Người ta đã phải dày công gây giống Bombyx mori từ một loài ngài hoang bên Tàu là Bombyx mandarina, cách nay ít nhứt 4600 năm,[4] rồi giữ giống của nó cho tới ngày nay và đưa đi khắp thế giới. Hình 1 là chữ 蠶 ‘tằm’ (LSV tàm), trong ‘giáp cốt văn’ cách nay hơn 3000 năm.

Hình 1.[5]

Dân ta tôn bà Lã Thị Nga thời trào Đường làm tổ nghề dệt lụa, ông Nguyễn Phục và bà Quỳnh Hoa thời vua Lê Thánh Tông làm tổ nghề tàm-tang.[6] Song le, như đã nêu trên, muốn làm hai nghề đó thì bắt buộc phải có Bombyx mori. Vậy dân ta có con này bằng cách nào và có từ khi nào?

Xin trả lời: ngài trong lớp từ ESV là bằng chứng rằng di dân Tàu thời Hán đã đem con Bombyx mori qua miền bắc Việt Nam, mà họ gọi là ngài, và truyền lại nghề nuôi tằm cho dân bổn xứ. Đó là nghề quý, nên dân bổn xứ đã giữ giống ngài từ thời Hán cho tới thời mấy ông/bà tổ nghề kia, và cho tới thời nay không chừng. 

  1. 瓦 ngói

Janse (1892–1985), nhà khảo-cổ-học người Thụy Điển,[7] khi khảo sát mộ Tàu ở Thanh Hóa hồi những năm 1930, đã tình cờ tìm ra di tích một số lò gốm ở làng Tam Thọ, lúc đó là phủ Đông Sơn (hình 2). Những lò này làm đồ gốm kiểu Hán, từ đầu công nguyên tới thời ‘lục trào’ (220–587); trong vùng còn có những lò của người Việt hồi thời trào Tống, làm ra kiểu gốm riêng cho người bổn xứ.

Hình 2. địa điểm khảo cổ Tam Thọ.7

Lò gốm Tam Thọ xưa cũng đúc mấy kiểu ngói lợp nhà, thí dụ kiểu ngói có một đầu tròn như cái dĩa, trang trí hình vẽ hoặc chữ Hán ngụ ý chúc cho chủ nhà sớm được làm quan hoặc sống lâu muôn tuổi (hình 3).

Hình 3.

Chữ Hán ở hình 3, đọc theo LSV:

  1. lạc 2. 宫 công 3. 宜 nghi 4. 萬 vạn 5. 得 đắc 6. 千 thiên 7. 萬歲 vạn tuế 8. 君 quân

Vậy, ngói trong lớp ‘từ’ ESV là bằng chứng rằng di dân Tàu thời Hán đã truyền lại cho dân bổn xứ nghề làm một thứ vật liệu mà họ kêu bằng ngói.

  1. bùa

Đoạn văn trích bên dưới cho biết đại khái lịch sử Đạo giáo ở Việt Nam.[8]

Giáo phái có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam thời Bắc thuộc … là phái Chính Nhất … phát triển mạnh ở miền nam Trung Quốc từ thế kỷ 2 …

Chúng tôi tạm đưa ra 5 đặc điểm chính yếu sau đây để nhận diện phái Chính Nhất ở thời Bắc thuộc: 1) Tôn sùng các thiên sư là giáo chủ. Vị thiên sư đầu tiên là tổ sư Trương Đạo Lăng (con cháu nối đời lãnh chức thiên sư); 2) Coi trọng phù lục và ngoại đan. Phù lục … tức là cúng bái, thực hành bùa chú, thực hành phép thuật. Ngoại đan có nghĩa chế biến thuốc và uống thuốc ấy để cầu trường sinh; 3) Coi trọng truyền thống thờ cúng trời đất và thờ cúng tổ tiên; 4) Bản thân đạo sĩ thì không cần xuất gia và không bị cấm kỵ việc hôn thú; 5) Không coi trọng nội đan (tu luyện tâm tính).

… Đến thế kỷ 4–5, đã thấy sự xuất hiện của giáo đoàn thiên sư ở Giao Châu…

Đạo giáo hưng thạnh dưới trào Lý-Trần, tới trào Lê-Nguyễn thì ‘nát’ ra thành một thứ tín ngưỡng dân gian, và ngày nay còn lại 4 nét: bùa chú, cầu cơ, lên đồng, Liễu Hạnh.[9]

Hình 4 là bùa 開心辟妄 khai tâm tích vọng làm cho đầu óc sáng suốt không còn vọng tưởng, xài bên Tàu thời ‘lục trào’.

Hình 4. Huang.[10]

Vậy, bùa trong lớp ‘từ’ ESV là bằng chứng rằng di dân Tàu thời Tấn đã đem Đạo giáo sang miền bắc Việt Nam, trong đó có một thứ mà họ kêu bằng bùa, truyền cho dân bổn xứ.

  1. buồm lái

Từ thời Tây Hán, người Tàu đã chế ra buồm, lái, và đôi chèo 櫓 (LSV đọc lỗ) để đi sông/biển cho lẹ.[11] Hình 5 là kiểu buồm truyền thống của người Tàu (Chinese lugsail), 4 góc, treo ngang, có nan giống như cái quạt giấy.

Hình 5. Worcester.[12]

Buồm kiểu Tàu, xưa nay người Việt ở miền duyên hải từ Móng Cái vô Hà Tĩnh vẫn xài,[13] gọi là ‘buồm mành’ (hình 6).

Hình 6. buồm mành ở vịnh Hạ Long trước 1954.[14]

Vậy, buồm lái trong lớp ‘từ’ ESV là bằng chứng rằng di dân Tàu thời Tấn đã truyền lại cho dân bổn xứ hai ‘bí kíp’ gọi là buồm lái, để giúp dân bổn xứ cải tiến nghề đi sông/biển.

Tất nhiên, lúc đó dân bổn xứ mới gắn buồm lên nốc (proto-Vietic *ɗoːk), tức là ghe, chớ chưa có thuyền 船.

Nhơn đây nói thêm, Kỳ Anh 耆英 là chiếc thuyền buôn đầu tiên xài buồm Tàu chạy từ Hongkong sang Mỹ và Anh hồi 1846–1848. Trên thuyền, theo thói tục, thủy thủ người Tàu thờ Chuẩn Đề Phật Mẫu 準提佛母 với 18 tay (hình 7), hai tùy tòng và một con vịt. Chuẩn Đề là một ‘version’ của bồ tát Cundi trong Phật giáo bên Ấn đưa qua Tàu hồi trào Đường, đôi khi cũng coi như ‘hóa thân’ của một vị bồ tát khác kêu bằng Quán Thế Âm trong lớp ‘từ’ LSV.

Dân chài miền tây nước ta xưa nay có tục thờ Bà và [hai] Cậu. Theo thiển ý, Bà-Cậu đây là một ‘version’ của Chuẩn Đề và hai tùy tòng, mới đưa sang Việt Nam vài trăm năm gần đây.

Hình 7.[15]

  1. Bụt

Sau khi Phật giáo truyền sang Tàu hồi thế kỷ 1 BCE, người ta bắt đầu ‘sinicize’ từ ngữ Indic để dịch kinh, theo nhiều cách; bảng dưới là thí dụ của cách ‘phiên âm và giữ nghĩa gốc’.[16]

Sanskrit (Phạn) chữ Hán đủ chữ Hán gọn ESV LSV
Buddha 佛陀 Bụt Phật
Bodhisattva 菩提萨埵 菩萨 Bồ tát
Arhat 阿罗汉 罗汉 La hán

Trần Văn Giáp (1902–1973) cho rằng ‘đạo Phật đã du nhập Việt Nam vào thế kỷ 2–3 [CE], một mặt do những người Trung Hoa sang lánh nạn ở Bắc Kỳ sau khi [vua] Linh Đế băng năm 189, mặt khác do những nhà sư du hành của Ấn Độ.’[17]

Hình 8 là những nơi có đông người theo Phật giáo từ thế kỷ 1 tới cuối thế kỷ 3 CE, cho thấy Phật giáo dường như đã truyền từ Quảng Châu sang Giao Châu hồi cuối thế kỷ 3 CE.

Hình 8. Zurcher.[18]

Tóm lại, Bụt trong lớp ‘từ’ ESV là bằng chứng rằng di dân Tàu đã đem Phật giáo, trong đó có vị ‘giáo chủ’ tên là Bụt, sang miền bắc Việt Nam truyền cho dân bổn xứ hồi đầu trào Tấn (200–400 CE).

Song le, tới sau năm 1000 CE dân bổn xứ mới biết đọc kinh Phật viết bằng chữ Hán, nhờ có kho ngữ vựng LSV. Vậy, thực ra, hồi thời Tấn, di dân Tàu đã đem thứ gì trong Phật giáo qua truyền cho dân bổn xứ?

Số là những năm 65–420 CE bên Tàu, Phật giáo và Đạo giáo có ảnh hưởng qua lại với nhau, trong cả cách tu và giáo lý. Thí dụ Kinh 42 chương 四十二章經, dịch qua tiếng Tàu thời Đông Hán, mô tả Bụt như một vị thần bất tử trong huyền thoại Tàu: cũng sống lâu, cũng có phép biến hình, và cũng biết bay. Kinh này, giống như kinh của Đạo giáo, cũng dạy người ta ‘tĩnh tâm’ và ‘trừ dục’. Ngược lại, Phật giáo bên Ấn không coi Bụt là thần/tiên gì hết.[19]

Vậy, thứ ‘Phật giáo’ mà di dân Tàu thời Tấn đem qua truyền cho dân bổn xứ, có lẽ là những gì ghi trong Kinh 42 chương hoặc tương tự.

Cho nên ông Bụt trong dân gian người Việt, tới ngày nay, vẫn giống ông tiên nhiều hơn đức Phật.

  1. Một số ‘từ’ khác

Những ‘từ’ ESV bên dưới là bằng chứng của một số tri thức mà di dân Tàu truyền cho dân bổn xứ thời Hán-Tấn.

Phan2 Alves[20] tri thức
蠶 tằm 繭 kén nghề tàm tang
伯 bác 嫁 gả 嬸 thím quan hệ gia đình
斧 búa 鋸 cưa 鉸 kéo 鑷 nhíp nghề rèn đồ sắt
房 buồng 閣 gác 梁 rường 檐 thềm xây cất nhà cửa
幅 bức 畫 vẽ nghề vẽ
販 buôn 價 cả nghề buôn
芥 cải 茶 chè 槐 hòe nghề trồng tỉa
盞 chén 箸 đũa 牙 ngà nếp ăn uống
夏 hè thời tiết
膠 keo 炭 than đồ dùng trong nhà
巧 khéo tay nghề
驢 lừa 午 ngựa 雁 ngan nghề chăn  nuôi
卯 mẹo 辰 thìn 卦 quẻ nghề bói
繡 thêu nghề thêu

3.     Thảo luận

Ở trên tôi quên ghi rằng buồn 煩 cũng là một ‘từ’ ESV mượn của tiếng Sinitic thời Tấn. Ắt bạn lấy làm lạ lắm, nhưng đó là kết quả khảo cứu khoa học.

Nếu tính thêm những ‘từ’ ESV như buồn chẳng hạn, thì tổng số ‘từ’ SV trong tiếng Việt ắt là nhiều lắm, cỡ 80%. Dù vậy, như tôi đã trình bày ở một bài khác,1 tiếng Việt vẫn giữ cái lõi Austroasiatic.

Đó là nhờ cư dân gốc Tàu ở An Nam đã tự nguyện bỏ tiếng mẹ đẻ đổi sang nói tiếng proto-Viet-Muong của dân bổn xứ.

Nói thêm chuyện truyền bá tri thức. Ngày xưa ông bà ta mượn ‘từ’ búa của người Tàu để học nghề rèn đồ sắt của họ, thì cũng như ngày nay ta mượn ‘từ’ operating system của người Mỹ để học nghề IT của họ. Vậy thôi. Kém thì phải học. Chẳng có chi đáng trách.

Đáng trách hay chăng, là ta ép cho ông bà ta phải đội một cái nón ghi như vầy: giỏi hơn người khác.


[1] https://nghiencuulichsu.com/2023/11/27/nguon-goc-nguoi-viet-bai-15/

[2] John Dương Phan (2013) Lacquered words: the evolution of Vietnamese under Sinitic influences from the 1st century BCE through the 17th century CE.

[3] Bùi Minh Hồng, Quyền Thị Sen. Đa dạng thành phần loài bướm đêm (Lepidoptera) ở Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 34, Số 3 (2018).

[4] Sun W, Yu H S, Shen Y H, et al. Phylogeny and evolutionary history of the silkworm. Sci China Life Sci, 2012, 55: 483–496.

[5] https://hanziyuan.net

[6] Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo (2014) Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề.

[7] Olov R. T. Janse (1947) Archaeological research in Indochina, vol II.

[8] Chu Xuân Giao. Đạo giáo thời bắc thuộc: tổng quan, con đường du nhập và giáo phái chính yếu. Nghiên cứu tôn giáo số 7(199) 2020.

[9] Nguyễn Duy Hinh (2007) Một số bài viết về tôn giáo học.

[10] Shih-shan Susan Huang (2017-2018) Daoist Seals. https://www.academia.edu

[11] Han Qing, Liu Yingchun. 2019, Boat/Ship building in traditional China from: The Routledge Encyclopedia of Traditional Chinese Culture Routledge.

[12] G.R.G.Worcester (1966) Sail and sweep in China.

[13] Charlotte Pham, Lucy Blue, Colin Palmer. The traditional boats of Vietnam, an overview. The International Journal of Nautical Archaeology (2010) 39.2.

[14] https://baoquangninh.vn/buom-manh-la-mot-dac-san-cua-ha-long-huyen-bi-2469071.html

[15] A description of the Chinese junk Keying. London 1848.

[16] Noel Dassanayake. Sinicization of Indic loanwords in Chinese language: foreignization to domestication. Macrolinguistics, Vol.9 No.2 (Serial No.15) 2021.

[17] Trần Văn Giáp. Le Bouddhisme en Annam, trans Tuệ Sỹ. Viện đại học Vạn Hạnh 1968.

[18] E. Zürcher (1959) The Buddhist conquest of China: the spread a nd adaptation of Buddhism in early medieval China.

[19] Jiahe Liu, trans Dongfang Shao. Early Buddhism and Taoism in China (A.D. 65-420). Buddhist-Christian Studies, Vol. 12 (1992).

[20] Mark Alves. Lexical evidence of the Vietic household before and after language contact with Sinitic, in Vietnamese linguistics: state of the field, JSEALS special publication no. 9, 2022.

3 thoughts on “Truyền bá tri thức ở Giao Châu thời Hán- Tấn

  1. Chỉ phản ánh được 1 góc nhỏ trong việc vận hành xã hội xưa trong việc vay mượn từ, nhưng lại phán như đúng rồi đó là sự thay đổi lớn quy mô toàn xã hội. Thiếu sót nhiều về mối quan hệ tôn giáo, sự giao thoa tôn giáo văn hóa Việt, Chăm (tiền Ấn giáo), Ấn giáo thực sự xâm nhập xã hội ta thời tiền đạo Phật mà phán trên đời chỉ có “bụt” là “phật”. Tiền Phật giáo từ Bụt là những người tu hành Ấn giáo “đắc đạo” cũng được gọi là “Bụt”, “bụt” không xuất hiện đồng thời với Phật giáo, mà là có trước. Còn nghề biển là nghề phổ biến của dân Nam, cụ thể là cư dân ven biển, nhất là người Chăm, việc người Chăm ngày nay mai một nghề biển, nhưng văn minh nghề biển nó ảnh hưởng đến Giao Chỉ thế nào lại mù tịt, nhưng cổ sử người Hời (Hồi, Hồ hay La) nghề biển nó phát triển và đương nhiên gây ảnh với cái phát minh La bàn (La chứ không phải từ gì khác) để chỉ 2 hướng La, Canh, sau có thêm từ “kim chỉ Nam” nào phải chỉ Bắc để chỉ hướng người La – người gọi biển là Hồ. Cái đầu chỉ để về phương Bắc, nên làm cái bài thiển cận như vậy.

    Thích

  2. Pingback: Truyền bá văn hóa ở Đại Việt: Đường thi | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này