Nguồn gốc người Việt – Bài 15

15.        Tiếng ta phủ sơn Tàu

Đỗ Ngọc Giao
24-Nov-2023

Thời đồ đồng Đông Sơn là một chương có lắm điều lạ trong câu chuyện nguồn gốc người Việt. Ta qua chương tiếp theo, cũng dài lối một ngàn năm, với hai nhóm người: dân bổn xứ [Đông Sơn] nói tiếng proto-Viet-Muong và di dân nói tiếng Sinitic. Trong bối cảnh đó, xảy ra hai biến cố quan trọng:

  1. di dân bỏ tiếng Sinitic đồi sang nói tiếng proto-Viet-Muong;
  2. dân bổn xứ nhận thêm DNA của di dân nói tiếng Siniti

Hai biến cố đó đi đôi với nhau. Trước hết, ở bài này, ta tìm hiểu biến cố 1.

15.1.    Giới thiệu

15.1.1.  Sinitic

Sinitic là tên gọi chung mười nhóm ‘phương ngôn’ (topolect) bên Tàu mà mỗi nhóm gồm nhiều thứ thổ ngữ khác nhau.[1]

  1. Mandarin 北方話 miền bắc
  2. Jin 晉 Sơn Tây,…
  3. Xiang 湘 Hồ Nam
  4. Kan 赣 Giang Tây
  5. Hui 徽 An Huy
  6. Wu 吳 Chiết Giang,…
  7. Min 閩 Phước Kiến,…
  8. Hakka 客家 miền nam
  9. Yue 粵 Quảng Đông,…
  10. Pinghua 平話 Quảng Tây và Tuhua 土话 Hồ Nam,…

Cái gốc xưa nhứt của mười nhóm trên là một thứ ‘tiếng’ giả định kêu bằng Old Chinese (viết tắt ‘OC’) có date lối 2982 BP, thời trào Châu bên Tàu.[2] Nếu lấy 100 hoặc 200 ‘từ’ phổ thông để so mười nhóm đó với OC, thì Yue là nhóm gần OC hơn hết, nhưng lấy 35 ‘từ’ thôi thì Min mới là nhóm gần OC hơn hết – nói cách khác: Min là nhóm phương ngôn xưa nhứt (coi thêm hình 5 bên dưới).[3]

Dân ta gọi chung những thứ tiếng Sinitic là ‘tiếng Tàu’ và người nói tiếng Sinitic là ‘người Tàu’. Tiếng nói chánh thức (official language) của người Tàu thời nay là một thứ tiếng ‘nhơn tạo’, mà họ quy định gồm 3 thành phần: cách đọc của thổ ngữ Mandarin ở Bắc Kinh, từ vựng của những thổ ngữ Mandarin phía bắc, và văn phạm của lối nói bình dân.1

15.1.2.  Phân biệt tiếng Sinitic với tiếng Việt

Tiếng Việt mượn nhiều từ ngữ Sinitic lắm, điều đó dễ gây hiểu lầm rằng tiếng Việt là một thứ tiếng Sinitic. Dưới đây giải thích rõ hơn.

Szeto[4] khảo sát 32 đặc điểm (thí dụ: phân biệt tên gọi ‘bàn tay’ với tên gọi ‘cánh tay’) ở 352 mẫu tiếng nói:

  • 237 mẫu Đông Á: gồm 206 Sinitic (hình 1) + 31 Altaic,
  • 115 mẫu Đông Nam Á đất liền: gồm 55 Tai-Kadai + 33 Austroasiatic + 27 Hmong-Mien.

Hình 1. bốn nhóm phương ngôn Sinitic.4

Kết quả (hình 2) cho thấy hai nhóm tiếng khác hẳn nhau:

  • Đông Nam Á đất liền (‘MSEA’, màu hường),
  • bắc Đông Á (‘Altaic’, màu lam),

và một nhóm tiếng ở lưng chừng.

Hình 2. Szeto.4

Gọi 32 đặc điểm khảo sát là cái ‘lõi’ của 352 mẫu tiếng nói, ta có:

  • lõi MSEA: ở những nhóm tiếng Tai-Kadai, Hmong-Mien và Austroasiatic (thí dụ 3 mẫu tiếng Việt AA14, AA15, AA16);
  • lõi Altaic: ở nhóm tiếng Northern Sinitic (thí dụ Mandarin) và nhóm tiếng Altaic (thí dụ Mongolic).

Ba nhóm tiếng Sinitic còn lại thì mang cái lõi Altaic pha MSEA vừa đủ để không giống MSEA mà cũng không giống Altaic.

Một số ít thứ tiếng trong nhóm Far Southern Sinitic (thí dụ Min và Yue) bị ‘lạc’ vô nhóm MSEA: những thứ tiếng đó đã mất cái lõi Altaic vì pha với MSEA nhiều quá.

Tóm lại, bất kể tiếng Việt có mượn từ ngữ Sinitic nhiều hay ít, thì tiếng Việt [mang lõi MSEA] vẫn không phải là tiếng Sinitic [mang lõi Altaic].

Ta sẽ gọi chung những ‘từ’ Sinitic mượn trong tiếng Việt là Sino-Vietnamese (viết tắt ‘SV’), không phân biệt những ‘từ’ đó mượn hồi nào và bằng cách nào.

Bài này tìm hiểu hai lớp SV: một lớp mượn sớm (early Sino-Vietnamese, viết tắt ‘ESV’) và một lớp mượn trễ (late Sino-Vietnamese, viết tắt ‘LSV’). Lớp ‘từ’ LSV xưa nay đại chúng quen gọi là ‘Hán-Việt’, nhưng tôi không dùng cách gọi này, vì ‘Hán-Việt’ dễ gây hiểu lầm là ‘Hán gốc Việt’, hơn nữa, ESV và một số ít ‘từ’ mượn hồi thời Đông Sơn, thí dụ lúa (bài 12), cũng đều là SV (Hán-Việt).

Các mốc thời gian đều lấy số tròn, cho dễ nhớ.

15.2.    Lớp ‘từ’ ESV

15.2.1.  Dữ liệu

Paul Serruys (1912–1999), linh mục – học giả người Bỉ,[5] khảo sát cuốn Phương ngôn 方言 của Yang Xiong 揚雄 (53 BCE – 18 CE), nhận ra 6 miền thổ ngữ Sinitic bên Tàu hồi thời trào Hán (hình 3).

Hình 3.[6]

Bài 14 cho biết người Tàu đã có mặt sanh sống ở nước Cổ Loa từ thời trào Hán (100 BCE – 200 CE), và đồ gốm tráng men chôn trong mộ Tàu ở nước Cổ Loa thì giống với thứ cùng loại chôn trong mộ ở miền nam xứ Tàu (hình 4).

Hình 4. Tsiang.[7]

Vậy, theo hình 3 và 4, ta đoán rằng số người Tàu qua nước Cổ Loa hồi thời trào Hán nói thổ ngữ Southern Sinitic miền nam nước Tàu.

John Dương Phan, nhà ngôn-ngữ-học người Mỹ gốc Việt,[8] nhận ra 8 ‘từ’ ESV mượn hồi thời trào Hán (bảng 1).

 

 

Bảng 1.

chữ ESV OC[9]
1.            墓2.            簿

3.            呂

4.            蛾

5.            舵

6.            磨

7.            個

8.            瓦

mảbạ

ngài (tằm)

lái

mài

cái

ngói

*maːɡs*baːʔ

*ɡ·raʔ

*ŋaːl

*l’aːlʔ

*maːl

*kaːls

*ŋʷraːlʔ

Những mả, bạ, ,… nêu trên có thể là dấu tích của cách đọc chữ Hán theo thổ ngữ Sinitic miền nam nước Tàu mà nay còn lại trong tiếng Việt.

Qua thời trào Tấn (200–400 CE) xảy ra ‘loạn Vĩnh Gia’ năm 311 làm kinh đô Lạc Dương tan tành và dân chúng bỏ chạy xuống miền nam, một số cũng dạt sang nước Cổ Loa.

Theo hình 3, ta đoán rằng số người này nói thổ ngữ Central Sinitic miền trung nước Tàu.

Phan8 nhận ra 54 ‘từ’ ESV mượn hồi thời trào Tấn, dưới đây là 20 ‘từ’ làm thí dụ (bảng 2).

Bảng 2.

chữ ESV OC9 chữ ESV OC9
1.            伯2.            斧

3.            符

4.            婦

5.            幅

6.            縛

7.            帆

8.            販

9.            煩

10.        房

bácbúa

bùa

bu (vợ)

bức [tranh]

buộc

buồm

buôn

buồn

buồng

*praːɡ*paʔ

*bo

*bɯʔ

*pɯɡ

*baːɡs

*bom

*pans

*ban

*baŋ

11.        佛12.        價

13.        芥

14.        遮

15.        茶

16.        斬

17.        盞

18.        主

19.        貯

20.        箸

Bụtcả

cải

che

chè

chém

chén

chúa

chứa

đũa

*bɯd*kraːs

*kreːds

*tjaː

*rlaː

*ʔsreːmʔ

*ʔsreːnʔ

*tjoʔ

*taʔ

*das

Những bác, búa, bùa,… nêu trên có thể là dấu tích của cách đọc chữ Hán theo thổ ngữ Sinitic miền trung nước Tàu mà nay còn lại trong tiếng Việt.

15.2.2.  Nhận xét

Với 8 ‘từ’ ESV mượn hồi thời Đông Hán, ta đoán rằng di dân người Tàu ở nước Cổ Loa bấy giờ chưa đông; dù vậy, những ‘từ’ ESV đó là bằng chứng cho thấy họ đã đem lại cho dân bổn xứ đôi điều hữu ích trong cuộc sống, thí dụ:

  • ngài 蛾: nghề tằm tơ,
  • ngói 瓦: lợp mái nhà.

Qua thời trào Tấn, 54 ‘từ’ ESV cho thấy hồi này di dân người Tàu dường như đông hơn; bởi vậy, họ đã đem lại cho dân bổn xứ nhiều điều hữu ích hơn nữa trong cuộc sống, thí dụ:

  • búa 斧: rèn đồ sắt,
  • bức 幅: nghề thủ công,
  • buồm 帆: đi biển,
  • buôn 販, cả 價: mua bán,
  • buồng 房: nếp ở,
  • Bụt 佛: đạo Phật,
  • cải 芥: trồng rau,
  • chè 茶: trồng chè,
  • chén 盞, đũa 箸: nếp ăn,
  • chứa 貯: kho lúa.

Bụt 佛 cho thấy đạo Phật đã truyền sang nước Cổ Loa theo chưn di dân người Tàu hồi thời trào Tấn, và học giả Trần Văn Giáp (1902–1973) có nêu một ý gần giống như vậy, rằng đạo Phật đã du nhập Việt Nam cuối thời trào Hán, một mặt do những người Tàu sang lánh nạn, mặt khác do những nhà sư du hành của Ấn Độ.[10]

(Tìm hiểu những từ ESV nêu trên, ta có thể nhận ra nhiều điều hay lạ trong lịch sử người Việt khoảng 400 năm đầu công nguyên, mà tôi sẽ nói rõ hơn ở một bài khác nếu có dịp.)

Hai thứ thổ ngữ Sinitic đem sang nước Cổ Loa trong thời Hán-Tấn thì ắt là khác nhau, vì Phan8 ghi nhận một ‘từ’ ESV 墓 mà di dân thời Hán đọc giống như mả và di dân thời Tấn đọc giống như mồ.

Chót hết, số ‘từ’ ESV nêu trên cho thấy Cổ Loa là một nước yên ổn suốt thời Hán-Tấn và dường như không bị mất chủ quyền.

15.3.    Lớp ‘từ’ LSV

Sau thời trào Tấn, nước Tàu bị chia năm xẻ bảy suốt hai trăm năm 400–600 CE; ta không rõ lúc này nước Cổ Loa ở miền bắc Việt Nam còn giữ chủ quyền hay chăng, nhưng tới thời trào Đường (600–900 CE) thì nước Cổ Loa, trên danh nghĩa, đã trở thành ‘phủ An Nam’ trong hệ thống hành chánh của họ.

15.3.1.  Dữ liệu

Có một giả thiết hay dùng để giải thích cái gốc của những nhóm phương ngôn Sinitic bên Tàu: đó là một thứ ‘tiếng’ giả định kêu bằng Middle Chinese hồi đầu trào Đường (hình 5).

Hình 5. Handel.[11]

Phan8 cho rằng tiếng Sinitic của dân Tàu ở An Nam tới cuối thế kỷ thứ 7 cũng trở thành một thứ na ná như Middle Chinese, mà ông gọi là Annamese Middle Chinese (viết tắt ‘AMC’). Đàng khác, trước đó, lối 500 CE, dân bổn xứ đã bắt đầu nói tiếng proto-Viet-Muong (viết tắt ‘PVM’).[12]

Sau đó, qua thế kỷ thứ 10, ở An Nam xảy ra một biến cố quan trọng kêu bằng ‘language shift’: dân Tàu bỏ tiếng AMC đổi sang nói tiếng PVM. Họ làm vậy theo 2 bước:

  1. vừa nói tiếng AMC, vừa nói tiếng PVM,
  2. bỏ tiếng AMC, nói tiếng PVM.

Hai bước đó không phải cần vài năm là xong, mà cần mấy thế hệ là ít, để rồi tới một thế hệ nào đó dân Tàu đẻ ra thì nói tiếng PVM luôn. Tất nhiên, đó không phải thứ tiếng PVM ‘nguyên chất’ của dân bổn xứ, mà là PVM đã bị ‘sinicized’ (viết tắt ‘PVMs’), nghĩa là tiếng PVM đã bị AMC thay đổi chút ít, hoặc, nói màu mè, đó là tiếng ta có phủ thêm một lớp sơn Tàu – ‘lacquered words’,8 mà tôi mượn tạm để làm nhan đề bài này.

Bạn hỏi nếu vậy thì PVMs có bị mất cái lõi MSEA hay chăng, xin đáp rằng PVMs vẫn giữ nguyên lõi MSEA và truyền cái lõi đó cho tiếng Việt sau này, như ta thấy ở hình 2.

Giả sử quá trình đổi tiếng AMC qua tiếng PVM ở An Nam cần ít nhứt 5 thế hệ (lối một trăm năm), ta có bảng 3.

Bảng 3.

năm (CE) tiếng nói của dân Tàu tiếng nói của dân bổn xứ
500– thổ ngữ Sinitic PVM
700 AMC PVM
900–1000 AMC và PVM PVM
1000– PVMs PVMs

Trong quá trình ‘language shift’, tiếng nói AMC mất đi, nhưng văn tự AMC vẫn còn và trở thành lớp ‘từ’ LSV (hình 6).

Hình 6. vẽ lại theo Phan.8

Lớp ‘từ’ LSV, nói nôm na, cũng như một cái kho chứa hết thảy ngữ vựng của AMC [kèm theo cách đọc] mà người Việt tha hồ mượn xài, muốn lấy luôn cũng được, muốn trả lại cũng được. Thí dụ:

  • 8 ‘từ’ ESV đã mượn thời trào Hán.
chữ ESV LSV
1.            墓2.            簿

3.            呂

4.            蛾

5.            舵

6.            磨

7.            個

8.            瓦

mảbạ

ngài

lái

mài

cái

ngói

mộbộ

lữ

nga

đà

ma

ngõa

  • 20 ‘từ’ ESV đã mượn thời trào Tấn.
chữ ESV LSV chữ ESV LSV
1.            伯2.            斧

3.            符

4.            婦

5.            幅

6.            縛

7.            帆

8.            販

9.            煩

10.        房

bácbúa

bùa

bu

bức

buộc

buồm

buôn

buồn

buồng

phủ

phù

phụ

phước

phược

phàm

phiến

phiền

phòng

11.        佛12.        價

13.        芥

14.        遮

15.        茶

16.        斬

17.        盞

18.        主

19.        貯

20.        箸

Bụtcả

cải

che

chè

chém

chén

chúa

chứa

đũa

Phậtgiá

giới

già

trà

trảm

trản

chủ

trữ

trứ

  • những ‘từ’ mang nghĩa trừu tượng, thí dụ 福 phước, 祿 lộc, 壽 thọ;
  • những ‘từ’ giúp đặt câu nói (functional/grammatical words).
tại chỉ loại [người] lại
như nhưng điều [hay] quá
tuy [rằng] phong [thơ] thực
bị cái phần [trăm] các
được cuốn [sách] đang mỗi

Xin lưu ý rằng những mộ, bộ, , phủ, phước, lộc, thọ, tại, như,… nêu trên đều là dấu tích của cách đọc chữ Hán theo AMC mà nay còn lại trong tiếng Việt.

Vì sao dân Tàu bỏ tiếng mẹ đẻ AMC đổi sang nói tiếng PVM của dân bổn xứ? Phan8 cho rằng ta có thể tìm ra nguyên do ở ‘đế quốc’ Nam Chiếu (c738–902) trên miệt Vân Nam nước Tàu.

Nam Chiếu thì bạn ắt chẳng lạ gì, vì sử Việt có ghi; hình 7 tóm lược chiến sự giữa Nam Chiếu với những cái ‘đế quốc’ xung quanh, kể cả xứ An Nam của đế quốc Hán lúc đó có một nhúm quân Tàu đồn trú lấy lệ.

Hình 7. Lempert.[13]

Trong khoảng 861–866 CE, Nam Chiếu mấy lần đánh An Nam và dễ dàng chiếm được xứ này, trước khi trào Đường rề rà phản công. Theo sử Việt, dân An Nam bị quân Nam Chiếu ‘vừa giết vừa bắt gần 15 vạn người’,[14] mà không rõ số nạn nhơn đó là người Tàu nói tiếng AMC hay người bổn xứ nói tiếng PVM. Với quân Nam Chiếu thì có lẽ người Tàu mới là ‘mục tiêu’ (target), và họ dễ dàng nhận ra tiếng AMC của người Tàu (vì quân Nam Chiếu nói tiếng Tibeto-Burman cùng ngữ hệ Sino-Tibetan với tiếng AMC); bởi vậy, trong số ‘15 vạn’ bị quân Nam Chiếu ‘vừa giết vừa bắt’, nhiều nhứt có lẽ là người Tàu.

Rốt cuộc, dân Tàu ở An Nam, còn sống sau vụ Nam Chiếu, nhận ra rằng nếu xảy ra một vụ Nam Chiếu nữa thì họ chớ mong trào Đường kịp thời qua cứu mạng.

Vậy họ phải làm sao?

Họ phải trở thành dân bổn xứ, nói tiếng bổn xứ. Không còn cách nào khác.

15.3.2.  Nhận xét

  • Ta để ý rằng ESV và LSV là hai lớp ‘từ’ khác nhau:
  • ESV: dân bổn xứ mượn của dân Tàu, được bao nhiêu xài bấy nhiêu,
  • LSV: dân Tàu tình nguyện đưa cho dân bổn xứ, muốn xài bao nhiêu cứ lấy xài.

Đó là lý do vì sao hơn một ngàn năm qua dân ta dễ dàng vô kho LSV lấy bất cứ ‘từ’ nào [kèm theo cách đọc] ra làm những việc sau:

  • xài với nghĩa cũ trong AMC,
  • xài với nghĩa mới trong tiếng Việt,
  • đặt ra ‘từ’ mới trong tiếng Việt, khác với ‘từ’ cùng nghĩa mà người Tàu đã đặt bên Tàu,
  • thay cho những ‘từ’ cùng nghĩa trong PVM, thí dụ: người miền bắc đã thay bông (proto-Vietic *poːŋ) bằng hoa 花, thay trái (proto-Vietic *p-leːʔ) bằng quả 果.
  • Những ‘từ’ LSV thí dụ như sau:
  • cuốn [sách]
  • phong [thơ]
  • điều [hay/dở]
  • phước
  • 祿 lộc
  • thọ

cho thấy dân bổn xứ khi bắt đầu nói tiếng PVMs từ năm 1000 thì mới có dịp học chữ Tàu để biết nho, y, , số và đủ thứ mới lạ trong văn hóa Tàu, chớ trước đó thì không hề biết.

Bởi vậy, tới năm 1075 ta mới thấy sử Việt ghi trào Lý mở khoa thi Nho học,14 dường như là khoa đầu tiên, dành cho người bổn xứ.

Và cũng từ hồi đó mà người bổn xứ, trước hết là giới học trò, mới có họ tên theo kiểu Tàu [để được đi thi].

  • Dữ liệu bảng 3 cho thấy hai nhóm nói tiếng PVM và AMC ở An Nam:
  • trước 900 CE vẫn là hai nhóm riêng rẽ;
  • trong khoảng 900–1000 CE mới pha trộn với nhau, theo cái nghĩa ‘dân bổn xứ nhận thêm DNA của di dân nói tiếng Sinitic’ – mà ta sẽ bàn ở bài sau.
  • Dù sao, tiếng PVMs cũng chưa phải là tiếng Việt, mà ta phải đợi vài trăm năm nữa cho tới thời trào Trần (1200–1400) thì tiếng Việt mới bắt đầu nảy ra.

15.4.    Thảo luận

Khi quá trình ‘language shift’ xảy ra, ở An Nam cũng nảy ra những nhơn vật quan trọng trong sử Việt, với họ tên theo kiểu Tàu, từ Ngô Quyền (898–944), Đinh Bộ Lĩnh (924–979), Lê Hoàn (941–1006), cho tới Lý Công Uẩn (974–1028). Đó hẳn cũng là những vai chánh trong quá trình ‘language shift’: ta hiểu họ là dân Tàu nói hai thứ tiếng AMC và PVM.

Và nhờ họ nói tiếng PVM nên mới được dân bổn xứ ủng hộ. Thiếu điều đó, dù có kiệt hiệt tới đâu chăng nữa, họ cũng khó tạo nên lịch sử.

Từ dữ liệu bên trên, ta rút ra mấy ý sau:

  1. Cuộc chiến do nước Nam Chiếu gây ra hồi 750–900 CE với những nước xung quanh, nói chung, và An Nam, nói riêng, chính là tác nhơn gây ra biến cố ‘language shift’ nơi người Tàu ở An Nam hồi 900–1000 CE.
  2. Biến cố ‘language shift’ đã góp phần lớn để tạo ra nước ta ngày nay, bắt đầu từ nước Đại Cồ Việt mà trào Tống đã công nhận năm 973.14

15.5.    Kết luận

Tới nay, giới khảo cứu trong nước vẫn chưa biết rõ vì sao và khi nào trong tiếng Việt có một lớp ‘từ’ Sinitic mà đại chúng quen gọi là ‘Hán-Việt’ (viết tắt ‘LSV’ trong bài). Phan8 giải thích lớp ‘từ’ LSV bằng biến cố ‘language shift’ xảy ra ở An Nam trong khoảng 900–1000 CE, khi dân Tàu bỏ tiếng Sinitic đồi sang nói tiếng proto-Viet-Muong của dân bổn xứ (viết tắt ‘PVM’ trong bài), và, nhơn dịp đó, bê lớp ‘từ’ LSV qua PVM.

Trong bài, tôi đã nêu lại vừa đủ dữ liệu để độc giả có thể hiểu cách giải thích như trên. Từ dữ liệu đó, tôi cũng rút ra đôi ba ý mới, liên quan tới lịch sử nước nhà, cho độc giả suy gẫm.


[1] Hilary Chappell and Li Lan. Mandarin and other Sinitic languages. Routledge Encyclopedia of the Chinese language, ed Chan Sin-Wai, 2017.

[2] Eric W. Holman et al. Automated dating of the world’s language families based on lexical similarity. Current Anthropology vol 52, no 6, 2011.

[3] Mahe Ben Hamed. Neighbour-nets portray the Chinese dialect continuum and the linguistic legacy of China’s demic history. Proc. R. Soc. B (2005) 272.

[4] Szeto Pui Yiu (2019) Typological variation across Sinitic languages: Contact and convergence. Ph.D. thesis.

[5] Paul Serruys (1959) The Chinese dialects of Han time according to Fangyen.

[6] By Kanguole – This file was derived from: Eastern China blank relief map.svg Dialect areas from Coblin, W. South (1983), A Handbook of Eastern Han Sound Glosses, Hong Kong: Chinese University Press, ISBN 962-201-258-2, pp. 19–22.Serruys, Paul L-M. (1959), The Chinese Dialects of Han Time According to Fang Yen, University of California Press, OCLC 469563424, pp. 98–99., CC BY-SA 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=59040847

[7] Katherine Tsiang (1976) Glazed stonewares of the Han Dynasty. MPhil dissertation.

[8] John Dương Phan (2013) Lacquered words: the evolution of Vietnamese under Sinitic influences from the 1st century BCE through the 17th century CE.

[9] https://en.wiktionary.org/wiki

[10] Trần Văn Giáp. Le Bouddhisme en Annam, trans Tuệ Sỹ. Viện đại học Vạn Hạnh 1968.

[11] Zev Handel (2010) Old Chinese and Min. https://www.academia.edu/3500703/2010_Old_Chinese_and_Min

[12] Paul Sidwell (2015) A comprehensive phylogenetic analysis of the Austroasiatic languages. Diversity Linguistics: Retrospect and Prospect.

[13] David Lempert. Nan Zhao invasions and Buddha idols of Northern Thailand and Laos in the 7th to 9th centuries. The Journal of Lao Studies, vol 6, no 1, 2018.

[14] Đại Việt sử ký toàn thơ.

3 thoughts on “Nguồn gốc người Việt – Bài 15

  1. Pingback: Truyền bá tri thức ở Giao Châu thời Hán- Tấn | Nghiên Cứu Lịch Sử

  2. Pingback: Truyền bá văn hóa ở Đại Việt: Đường thi | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này