Nơi đâu có hồ, đàn thiên nga sẽ bay đến- Thuật sử Phật Giáo tại đất Mỹ (Bài 4)

Rick Fields

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG BỐN : NHÀ TIÊN PHONG KHÔNG MỆT MỎI

I

Vào mùa xuân năm 1846, khi chàng thanh niên tên Henry David Thoreau đưa mắt ngắm nhìn  gần 100 người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan từ trên Cambridge đến cưa các khối băng xanh trong hồ Walden gần nhà ra thành khối lớn chở sang Ấn bán. Anh thấy mình đang chứng kiến một hình thức kinh doanh rất lạ của Công Ty Đông Ấn, một hình thức kinh doanh đã mang người Đông phương đến sân nhà của mình. Anh viết trong tác phẩm nổi tiếng Walden của mình:

Như vậy là nhờ đó các cư dân đẫm mồ hôi ở Charlestone và New Orleans, ở Madras, Bombay và Calcutta, đã uống được nước hồ của tôi. Vào buổi sáng khi tôi đắm mình trong trí tuệ của nền triết lý vũ trụ tuyệt vời Bhagavad Gita, nếu so với nó, thế giới hiện đại và nền văn chương của chúng ta dường như nhỏ bé và không đáng kể  . . . Tôi đặt quyển sách xuống và đi đến hồ lấy nước, và kìa! ở đó tôi bắt gặp các tôi tớ của các bậc Bà la môn, của các đấng Phạm Thiên và thần Vishnu Indra, vẫn còn chễm chệ trong đền thờ trên bờ sông Hằng, đang đọc kinh Vệ Đà, hoặc ngồi dưới gốc cây cạnh một miếng bánh và bình nước. Tôi gặp tôi tớ của thần đến kéo nước cho chủ nhân mình.

Mặc dù hiện giờ Thoreau luôn nghĩ về người Đông phương, ông và Raph Waldo Emerson chưa từng gặp một người theo Ấn giáo hoặc Phật giáo. Những cư dân ở hạt Concord, Massachusetts, này luôn ở nhà. Họ chỉ biết Đông phương qua sách vở, phần lớn viết bởi những người Anh, nhà Đông phương học nghiệp dư, sang Ấn Độ làm công chức cho chính quyền thực dân, và chấp bút trong những giờ nhàn rỗi. Quyển Bhagavad Gita mà Thoreau đang đọc dưới tán cây mỗi buổi sáng ở Walden đã được dịch bởi Charles Wilkins – công trình đầu tiên được dịch trực tiếp từ tiếng Phạn ra tiếng Anh. Thậm chí quan trọng hơn đối với hai cư dân Concord là Sir William Jones. Chính từ các tác phẩm của Jones, nhất là bản dịch cuốn Bộ Luật Manu, và các bài tiểu luận trong tạp chí Nghiên Cứu Á Châu mà giới trí thức Mỹ, trong đó có Thomas Jefferson, thụ đắc được kiến thức về văn chương và tôn giáo đối chiếu Ấn Độ. Thật ra, ấn bản đầu tiên tại Mỹ của tác phẩm dịch từ tiếng Phạn là Sacontala của Jones, xuất hiện vào năm 1805 trong Nguyệt san Tuyển tập và Điểm sách Boston. Nguyệt san được một mục sư có tên William Emerson biên tập. Như nhiều thành viên trong mục sư đoàn cấp tiến vào thời đó, ông hy vọng rằng các kinh điển mới của Ấn có thể cung cấp một dạng bằng chứng về nền văn hoá giáo thoa vì tính lịch sử của các sự kiện thuộc Kinh Thánh.

Con trai của William Emerson, Ralph Waldo, chỉ lên 7 khi thân phụ cậu qua đời. Gia sản ông để lại chỉ là một thư viện (thậm chí cuối cùng cũng bị bán đấu giá) chứa một sưu tập kha khá các tác phẩm Đông phương.

Không biết cậu Ralph Waldo có đọc được bao nhiêu cuốn sách này, mà khi bước vào Harvard với học bổng  ở tuổi 14, cậu mang theo mình mối hứng thú đặc biệt đối với Ấn Đô.  Sau khi tốt nghiệp vào năm 18 tuổi, ba năm tiếp theo, Emerson đi dạy học ở Boston, và sinh sống với chức vụ hiệu trưởng tại một trường trung học phổ thông tư.

Năm 1825, ông theo học trường thần học Harvard Divinity School của Đại học Harvard. Năm sau, ông được chứng nhận là giáo sĩ giảng đạo, và bắt đầu rao giảng trong các nhà thờ ở Boston. Năm 1829, ông trở thành mục sư theo thuyết nhất vị, rồi cưới vợ, nhưng vợ ông qua đời 17 tháng sau vì bệnh lao. Năm 1832, vốn đang bất đồng với các chức sắc giáo hội về lễ thông công và không còn tin tưởng vào việc cầu nguyện Thượng Đế, việc vợ ông qua đời đột ngột khiến ông đau buồn và là lý do cuối cùng để ông từ chức việc giảng đạo, như ông đã viết: “Phương thức này để tưởng nhớ Đấng Kitô không phù hợp với tôi. Đó là lý do tôi từ bỏ việc làm đó.” Cùng năm này, ông đi châu Âu. Ông sống một thời gian ở Anh, gặp gỡ và giao thiệp với những nhân vật nổi danh như Walter Savage Landor (nhà thơ và cây bút viết văn xuôi, người Anh), Samuel Taylor Coleridge (nhà thơ dẫn đầu trường phái lãng mạn, cũng là nhà phê bình, người Anh), Thomas Carlyle (sử gia, nhà phê bình xã hội người Scotland), và William Wordsworth, nhà thơ nổi tiếng của trường phái lãng mạn, người Anh).

Sau gần một năm ở châu Âu, Emerson trở về Mỹ, rồi dời đến ngụ tại thành phố Concord, Massachusetts. Ông nhận được nhiều lời mời diễn thuyết về các đề tài đương đại. Ông sinh sống nhờ vào thù lao các bài giảng ở những nơi nào chấp nhận luồng tư tưởng của ông, và dần dà trở nên một diễn giả được ưa thích ở tiểu bang New England. Trong các buổi diễn giảng này, ông đề cập đến nhiều đề tài khác nhau.

  Năm 1835, ông kết hôn lần thứ hai. Năm sau, ông cùng vài nhà trí thức thành lập Nhóm Thuyết Siêu việt. Nhóm bắt đầu với các giáo sĩ theo thuyết nhất vị, biện bác sự bất mãn của mình với triết lý của Locke, nhưng về sau kết nạp thêm những nhà văn như Bronson Alcott, Margaret Fuller, Nathaniel Hawthorne và Henry David Thoreau.

Nhóm xuất bản tờ The Dial  và số đầu tiên ra mắt tháng 7, 1840. Trong đó Thoreau đóng góp bài thơ Khúc Bi Thương ký tên “T.” Từ lần gặp đầu tiên, Emerson đâm ra yêu quý đặc biệt người láng giềng Concord của mình, và thuê Thoreau làm những việc lặt vặt quanh nhà.

II

Tờ The Dial quay về phương Đông mạnh mẽ hơn khi Emerson và Thoreau tạm thời thay bà Margaret Fuller làm chủ biên vào năm 1842, và bắt đầu in một loạt bài về “Kinh Điển Đạo Đức.” Đây sẽ là “những tuyển chọn từ những bài viết về đạo đức và tôn giáo của các tác giả,  không kể các kinh điển Do Thái và Hy Lạp. Emerson đầu tiên giới thiệu cho nhóm độc giả tinh hoa của The Dial tuyển tập các bản dịch Hitopadesha (Truyện ngụ ngôn cổ Ấn Độ) của Charles Wilkins. Năm 1843 bản dịch đầu tiên của Bhagavad Gita đến Concord. Trong bức thư ông gửi cho một người bạn, ông gọi nó là “quyển sách quá nổi tiếng của Phật giáo, trước đây tôi đã ngưỡng mộ những trích dẫn của nó nhưng chưa bao giờ cầm được nguyên bộ sách trong tay.” Việc Emerson lầm lẫn Bhagavad Gita là công trình của Phật giáo là triệu chứng của căn bệnh lầm lẫn phổ biến giữa Ấn giáo và Phật giáo.

Ấn tượng của ông đối với Phật giáo, nếu cho là nhẹ nhất, cũng được xem là khắt khe. Nguồn gốc của sự hiểu lầm này xuất phát từ ngữ nghĩa: sử dụng từ “hủy diệt” để dịch từ “niết bàn.” Hơn nữa,  Phật giáo không hề đề cập đến Thượng Đế như là một Đấng Sáng tạo, và càng tệ hơn khi cho rằng linh hồn mỗi người không hề tồn tại. Emerson có thể không dành chỗ cho một Chúa Trời mang tính cá nhân theo nghĩa đen hạn hẹp, nhưng ông còn chấp nhận “một đặc điểm bất khả phân ly của Chúa Trời.” Ý tưởng “hủy diệt,” “cái trống rỗng,” khiến ông lạnh mình với “ánh sáng lạnh giá” của nó., “Thứ đạo Phật không biết thương xót này,”  ông viết, vào năm 1842, nằm vất vưởng khắp nơi, đe dọa bằng cái chết và bóng tối . . . Mọi ý tưởng, mọi hành động,  mọi tình cảm, đều đi đến tiêu vong trong cái Vô Tận khủng khiếp này luôn bao vây chúng ta và chờ đợi chúng ta rơi vào đó. Nếu giết tất cả Phật tử có thể tạo ra điều tốt đẹp nhỏ nhất thì chúng ta hẳn sẽ sẵn sàng tàn sát những người vô tội. Ông đúc kết trong một bài báo khác: “Mùa đông. Ban đêm. Giấc ngủ, tất cả đều là sự xâm lấn của Phật vĩnh cửu, và mỗi ngày đều ghi điểm. Hãy mặc kệ, buông bỏ, giờ đã quá phổ biến trong triết lý và chính trị, đó là đạo Phật trần trụi; và với các mỹ từ nó che đậy sự hỗn loạn bên trong, cụ thể những trạng thái xuất thần, cực lạc, buông bỏ, ngây ngất – tất cả đều là Phật, Phật trần trụi.” Điều này thật quá đáng, hoặc đúng ra là quá thiển cận, hoặc quá ngô nghê đối với một triết gia và diễn giả của thời đại.

Tuy vậy,  có những thời khắc khác  ông có những phát biểu trân trọng hơn. Ông gọi những Phật tử là những người theo thuyết Siêu việt vì họ tin rằng mọi hành động tốt đẹp đều được tưởng thưởng. Và trong tiểu luận  “Thi Ca và Trí Tưởng Tượng”, ông đặt những gì ông coi là lý tưởng của Phật giáo đối nghịch với chú nghĩa vật chất thô thiển của một xã hội kỹ nghệ hóa: “Những con người tốt đẹp hơn đã nhìn thấy vũ trụ và trái đất; đã nhìn thấy những công cụ cao quý của các linh hồn cao quý. Chúng ta nhìn thấy đường ray tàu hỏa, nhà máy xay lúa, và ngân hàng, và chúng ta thương hại cảnh nghèo khó của các Phật tử mơ mộng này. Thuở đó cũng có nhiều năng lực sáng tạo như bây giờ,  nhưng nó tạo ra các địa cầu và các vũ trụ mênh mông, thay vì vải poplin và ly uống rượu vang.”

Chính trong các đoạn văn như thế này mà Emerson quên đi các nhận xét của  ông về thuyết hư vô của Phật giáo. Những nhân vật ở Concord bất đồng với thời đại của mình, và họ nhìn sang phương Đông để tìm các kiểu mẫu cho cuộc sống họ tin là tốt đẹp nhất.

III

Emerson chỉ nhận chức biên tập tờ The Dial một cách miễn cưỡng, và chẳng bao lâu ông giao trách nhiệm điều hành mục Kinh Điển Đạo Đức cho Thoreau. Thoreau rất hào hứng với nhiệm vụ mới. Kết quả đầu tiên là ông cho đăng các loạt bài trích ra từ Bộ Luật của Manu do Jones dịch, và những lời dạy của Khổng tử. Và đến năm 1844 tờ The Dial đăng “Giáo huấn của Đức Phật,” được trích ra, theo lời của Thoreau, từ “một trong các tác phẩm của Phật giáo Nepal, có tựa đề HOA SEN TRẮNG CỦA THIỆN PHÁP (tức Kinh Diệu Pháp Liên Hoa). Thoreau đã đi một đoạn đường vất vả để trình bày bộ Kinh Đại thừa trọng yếu này cho độc giả tiếng Anh. Ông đã dịch một số đoạn từ bản tiếng Pháp của Eugene Bournouf trong tác phẩm Giới Thiệu Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ vừa ra mắt ở Paris.

Thật khó để tưởng tượng các ấn tượng mà các độc giả Mỹ vốn không quen với kinh điển Phật giáo có thể đón nhận từ các hình tượng phức tạp và choáng ngợp trong đoạn kinh mà Thoreau đã dịch. Chẳng hạn, họ nhận định như thế nào về lời phát biểu này của Đức Phật: “Những điều Như Lai nói là chân lý tối thượng; mong thay chúng hội đạt được quả duyệt tuyệt, mong thay chúng hội đi theo con đường thiện xảo dẫn đến  được Phật giới, mong thay mọi hội chúng, lắng nghe Như Lai, đều trở thành Phật. “

IV

Điều có ý nghĩa là Thoreau đã vận dụng Kinh Liên Hoa, “đi theo con đường thiện xảo dẫn đến được Phật giới,” con đường đó là mặc định và tu tập. Ông học được điều này từ sách vở. Bản chất của ông luôn là bản chất một con người trầm mặc.

Vào tháng 4, 1844, không còn gì giữ ông ở lại. Số cuối cùng của tờ The Dial đã xuất bản. Emerson đã bỏ ra 300 đô cuối cùng trong một nỗ lực vô vọng để giữ nó tiếp tục sống. Thêm một lần nữa Emerson có một nghĩa cử đối với Thoreau. Ông xây cất một căn nhà gỗ 10 x 15 bộ trên mảnh đất Emerson đã mua vừa khuất tầm mắt Hồ Walden.

Trải nghiệm của Thoreau ở Walden có nhiều đặc điểm của một người  sống trọn với nó. Chắc chắn một trong các mục đích của ông là để nhận ra mức nhu cầu ít ỏi tới đâu con người cần có mà vẫn có thể sống tốt. Phương pháp của ông hoàn toàn đơn giản:

Thỉnh thoảng, vào các buổi sáng mùa hè, sau khi tắm táp thường lệ, tôi ra ngồi trước hiên nhà từ lúc mặt trời mọc đến trưa, thả hồn trong giấc mơ màng, giữa các cây thông,  cây hồ đào và các bụi sumac, trong cõi cô độc và sự tĩnh mịch không bị quấy rầy, trong khi lũ chim hót chung quanh hoặc liệng vút qua nhà, cho đến khi mặt trời ló dạng trong khung cửa sổ phía tây, hoặc tiếng xe ngựa của một lữ khách từ đường cái ở xa vọng tới, nhắc nhở cho tôi thời gian dài đã trôi qua. Tôi mọc lên trong những mùa đó như cây bắp vươn lên trong đêm, và chúng tốt hơn công việc của bàn tay nhiều. Chúng không phải thời gian bị phí phạm mà còn như tăng hơn nhiều so với thời gian đã trải qua. Tôi nhận ra được điều mà người Đông phương muốn nói qua sự mặc định  và buông bỏ công việc.

Ta có thể nói ông là người Phật tử tiềm năng tương tự như các môn đệ của Lão giáo Trung Hoa.  Ông chắc chắn không phải là người Mỹ duy nhất của thời đại mình sống cuộc đời trầm mặc, nhưng dường như là một trong số ít người sống theo đường lối Phật giáo. Điều đó muốn nói,  ông có thể là người Mỹ đầu tiên khám phá phong cách chiêm nghiệm mang tính vô thần vốn là dấu ấn đặc thù của Phật giáo. Trong lòng Thoreau có nhiều thần thánh, điều vốn bình thường thường đối với tất cả những người ngoại đạo.  Nhưng tính thần thánh không thành vấn đề cách này hay cách khác đối với ông; nó chỉ là vấn đề chức năng hơn là một nguyên tắc hay sự hiện hữu tuyệt đối. “Tôi tin hẳn có nhiều người nghĩ không tốt về tôi khi họ nghe Đấng Christ của họ được gọi tới bên cạnh Đức Phật của tôi,” ông viết trong Một Tuần Trên Sông Concord và Merrimack, “nhưng tôi chắc chắn là mình muốn họ nên yêu quý Đấng Christ của họ hơn là Đức Phật của tôi, vì tình yêu mới là điều chính yếu.”

Ông còn viết, “. . . . Có tính Đông phương trong người tiên phong không biết mệt mỏi, và nơi phương Tây xa nhất cũng là nơi phương Đông xa nhất.”

Thoreau mất vào năm 1862. Khi một người bạn hỏi ông  trước lúc lâm chung, liệu ông còn có điều gì lấn cấn với Chúa Trời không. Ông trả lời, giống như một Thiền sư hơn là một thành viên nhóm Siêu việt, rằng ông nhớ mình và Chúa Trời chưa hề xích mích nhau.

Mô hình ngôi nhà nhỏ của Thoreau gần Hồ Walden, bức tượng bên phải là Thoreau, giờ là di tích lịch sử.

(Ta cũng không quên Thoreau là một nhà hoạt động tích cực tham gia phong trào kháng thuế, bãi nô; ngoài ra ông còn để lại dấu ấn khi chỉ trích mạnh mẽ sự phát triển của công nghệ. Khi chính quyền chủ trương nô lệ và tiến hành chiến tranh Mexico, ông phản đối bằng cách không đóng thuế và viết báo chống đối. Nổi tiếng nhất là tiểu luận Bất Tuân Dân Sự, trong đó ông hô hào công dân có quyền không tuân phục các mệnh lệnh của nhà nước, biểu thị bằng hành động dễ dàng nhất là không đóng thuế. Ông bị bỏ tù vì tội trốn thuế. Ông viết: “Dưới một chính quyền thi hành bất công, chủ trương nô lệ, bỏ tù phi lý, thì chỗ đứng thực sự của một người liêm chính và trọng danh dự là nhà tù… nơi mà Nhà nước dùng để giam giữ những kẻ đối lập  và phản kháng . . .  Điều duy nhất không buộc phải tuân theo luật đa số là lương tri con người.”

V

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1855, Emerson nhận được bản sách giấy mềm của ấn bản đầu tiên tập thơ Lá Cỏ. Ông chưa từng nghe đến tên tác giả, Walt Whitman, nhưng ông cảm nhận rằng cuối cùng một nhà thơ Mỹ vĩ đại, thoát khỏi thiên kiến của Cựu Thế giới, đã xuất hiện. Emerson có lần nhận xét Lá Cỏ là pha trộn giữa Bhagavad Gita và New York Herald. Vậy mà khi Thoreau, gặp Whitman ở New York năm 1857, ca tụng tác phẩm ông mang hơi hương văn học Đông phương một cách tuyệt vời,” và hỏi liệu ông có đọc chúng không, câu trả lời của Whitman khá cụt ngủn là: “Không. Kể cho tôi nghe về chúng đi.”

Có thể đúng, như các học giả cho biết, là Whitman không sở hữu cuốn Bhagavad Gita nào cho đến khi Thomas Cockburn Thomson gửi biếu ông một bản làm quà giáng sinh vào năm 1958., nhưng điều đó không hẳn có nghĩa là ông chưa đọc nó. Whitman đã từng thổ lộ trong Một Cái Ngước Mắt Nhìn Sau Lưng là trong khi chuẩn bị cho tác phẩm vĩ đại ông đã “nuốt trọn . . . các thi phẩm Ấn Độ cổ đại” cùng với Shakespeare, Aeschylus, Homer, Sophocles và Dante.

Trong bài thơ Hành Trình Đến Ấn Độ Whitman quay khỏi New York mà ông thường lui tới để ca tụng “sự vĩ đại vô biên của quá khứ.” (Bởi vì hiện tại, suy cho cùng, là sự trưởng thành từ quá khó?”) Ấn Độ của Whitman trước tiên là điều có thực. Có những dòng sông Ấn và sông Hằng cùng những phụ lưu của chúng.  . . . Văn chương tuôn chảy, nhũng thiên hùng ca dữ dội, tôn giáo,  đẳng cấp.” Và rồi cụm từ tuyệt vời diễn tả tinh tế mối liên hệ giữa tôn giáo cũ và mới của Ấn: “Các đấng Phạm Thiên trong quá khứ vô cùng,  và Đức Phật dịu dàng và trẻ trung . . . ”  Hành Trình Đến Ấn Độ không “chỉ đi đến các miền đất, vùng biển” mà còn đến “tư tưởng nguồn cội . . . . Trở về, trở về nguồn khai sinh trí tuệ, những trực giác trinh nguyên.” Đó là hành trình nội tâm trong đó linh hồn đã trở thành Ấn Độ, “ánh sáng của ánh sáng.”

Ra khơi – đến các vùng nước sâu đang chào mời,

Những tâm hồn liều lĩnh, khám phá,  tôi với anh, và anh với tôi,

Chúng ta đi đến những nơi không thủy thủ nào dám bén mảng,

Và đánh liều với con tàu, có tiếc gì sinh mạng.

VI

Năm 1878 cha vợ của Edwin Arnold, tác giả cuốn Ánh Sáng Châu Á hay Sự Buông Bỏ Vĩ Đại, Cuộc Đời và Giáo Huấn của Thích Ca, Thái Tử Ấn và Nhà Sáng Lập Phật Giáo, gửi tặng bản sách mới in cho Bronson Alcott, chủ Trường Triết Học Mùa Hè ở Concord, để nhờ bạn bè ông giới thiệu trên mặt báo.

Alcott đã bị tác phẩm thu hút và lao vào việc lo liệu in lại nó ngay tại Boston. Ông tiên đoán, “Quyển sách sẽ được hầu hết đón nhận với nỗi kinh ngạc lớn lao và nêu lên những câu hỏi tò mò trong tâm trí người Cơ Đốc giáo nói chung.”

Trong vòng 6 ngày sau khi Alcott nhận được sách, F. B. Sanborn đã có bài điểm sách trên tờ Republican: “Giá trị thi ca của nó thật đáng kể, nhưng càng có giá trị cao hơn vì đã phơi bày trong một tinh thần cảm thông về một lý tưởng đích thực đã tạo cảm hứng cho các nền tôn giáo vĩ đại đầy tính từ bi của châu Á.”

Tính phổ biến rộng rãi của Ánh Sáng Châu Á ở Mỹ (nó đã được tái bản 80 lần và được bán với số lượng từ 500,000 đến 1 triệu bản) là nhờ vào tài năng của Arnold biết kể lại cuộc đời của Đức Phật theo khẩu vị của người dân Anh. Đức Phật của ông vừa là một người hùng lãng mạn, vừa là một con người tự lực, vừa là Christ mà không phải là Christ. Arnold đã từng đến Ấn Độ, và ông đã sử dụng tối đa bối cảnh của đất nước kỳ lạ. Thật ra thi phẩm của ông kết hợp một cách tài tình tính biểu cảm nghệ thuật và tính nghiêm túc  tôn giáo.  Ông khêu gợi độc giả bằng những đoạn thơ mô tả chi tiết cuộc sống cung điện của Tất Đạt Ta, nơi “các mỹ nữ da nâu đậm dịu dàng.  .   . quạt cho đôi mắt say ngủ của vị thái tử hạnh phúc,” và khiến họ rơi lệ với cảnh Sĩ Đạt Ta tạm biệt vợ và con.

Đồng thời Arnold tóm lược khá đầy đủ tư tưởng Phật giáo như được các học giả thời đó hiểu biết. Ông dệt thành thơ các giáo lý của nghiệp quả, Tứ Diệu Đế, và Bát Chánh Đạo. Có lẽ Arnold đi quá xa khi mô tả Niết Bàn quá hấp dẫn đối với độc giả. Thật ra những câu thơ

. . . Ngài là một với sự sống

Nhưng không từng sống, ngài bước vào cực lạc, không còn tồn tại

ÁN MA NI BÁT MÊ HỒNG!

Giọt Sương rơi vào biển cả chói lòa

nghe có vẻ là Ấn giáo hay Cơ Đốc giáo hơn là Phật giáo. Dù sao thì từ Ánh Sáng Châu Á hơn bất kỳ tác phẩm nào khác mà dân Mỹ lần đầu tiên biết về câu chuyện và lời dạy của Đức Phật.

Trong số những thành viên Concord, từ một nhân vật ít tiếng tăm nhất, nhờ sự xuất bản quyển sách này mà Alcott được nhiều người biết đến. Việc giới thiệu Ánh Sáng Châu Á vào nước Mỹ qua Concord đánh đấu đỉnh cao tự nhiên của một quá trình đã bắt rễ từ một trăm năm trước với một người Anh khác, Sir William Jones, và bây giờ, trong phút chốc, Phật giáo đã trở thành một từ ở cửa miệng. Đó là lúc bánh xe Pháp quay thêm một lần nữa.

Ralph Waldo Emerson

Henry David Thoreau

Bronson Alcott tại Trường Triết Học tại Concord,  Massachusetts.

Sir Edwin Arnold, tác giả Ánh Sáng Châu Á.

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s