Rick Fields
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG BA : KHO BÁU SANSKRIT (PHẠN NGỮ)
I
Châu Á đóng một vai trò trong nước Mỹ ngay từ thuở ban đầu. Cho dù chúng ta bỏ qua những chuyến đi xuyên Thái Bình dương xem như huyễn hoặc hoặc phớt lờ những cuộc di cư của người Á châu qua Eo biển Bering xem là sự kiện tiền sử không đáng kể, thì chúng ta vẫn còn có thứ để bắt đầu với Christopher Columbus, mà chuyển đi dự tính đến Ấn Độ của ông đã vô tình đến được Tân Thế Giới. Mặc dù sự kiện này chỉ được xem là sự trùng hợp lịch sử kỳ cục, một sự trùng hợp để lại cho chúng ta không gì khác hơn là sự mỉa mai từ ngữ rằng dân tộc ông gọi là indios vẫn còn mang tên đó [Columbus ngỡ mình đã đến được Ấn Độ tức India nên gọi dân Da Đỏ là Indios, tiếng Anh là Indian, và tên này chết luôn đến nay:ND], nó còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn, bởi vì đằng sau chuyến hải hành đó, và các động lực ngoại thương đã tài trợ cho chuyến đi, là một châu Á đã từng là mục tiêu săn tìm như bảo vật trong ước mơ dài ngàn năm.
Có thể cho rằng sự tồn tại của những nền văn minh Á châu phong phú và thâm thúy – mặc dù có thể là ngoại đạo – chứng minh khả năng thay thế được xã hội Âu châu. Châu Á và châu Mỹ đồng chia sẻ nét quyến rủ vì tính phi-Âu châu, và nhiều hình ảnh mà người Âu hình dung về châu Á, như của cải, kiến thức cổ bí truyền, các trinh nữ bị giam mình, đều có thể hình dung tương tự dễ dàng ở châu Mỹ. Theo cùng cách thức, sự xuất hiện của utopia (thiên đường hạ giới) trong văn chương vào thế kỷ 16, 17 có thể truy nguyên đến các cảm hứng do các chuyến lữ hành đến cả hai lục địa mang lại. “Chúng tôi giong buồm từ Peru,” tác phẩm New Atlantis xuất bản năm 1627 của Bacon bắt đầu, nơi chúng tôi trải qua một năm ròng để đến Trung Quốc và Nhật Bản theo Nam Hải. . .”
Tất nhiên có sự khác biệt quan trọng. Cả hai châu Á và châu Mỹ đều chia sẻ một quy mô cỡ lớn, nhưng châu Á thể hiện một truyền thống theo thời gian đã trở nên cố định, chuyên chế, còn châu Mỹ xuất hiện như một vùng đất mới, vô hạn trong đó con người có thể sáng tạo một nền văn hoá tùy thích. Châu Mỹ đó, cũng như châu Á, đã sở hữu nhiều nền văn hóa sơ khai đa dạng, là điều gì đó hiếm có người Âu châu nào buồn chú ý đến. Có thể có một số ít người mới đến định cư tỏ ra cảm tình với dân bản địa, nhưng họ bất lực trong việc ngăn chặn cuộc thảm sát. Trong bất kì tình huống nào, có ít các dấu hiệu thấy được về “văn hoá, như văn bản chữ viết, mà nếu có – như trong dân tộc Mễ – chúng đều bị dán nhãn là dị giáo – và bị đốt sạch.
Văn hoá Á châu mấy mắn hơn. Châu Á có nền văn hoá tinh hoa, một lịch sử lâu đời tiếp xúc với châu Âu, và một kỹ năng ngoại giao khiến nó có thể đối kháng với thói tham lam tồi tệ nhất của bọn man rợ Âu châu. Điều này đúng nhất đối với Trung Quốc và Nhật Bản, những xứ có một nền văn hoá có học thuật, tỉnh thức về mặt lịch sử, khiến người châu Âu cảm thấy chúng song hành với nền văn hoá của riêng mình. Những nhà duy lý của thế kỷ 18 bắt gặp ở Trung Quốc một nhà nước trật tự, văn minh và hợp lý.
Các bản dịch tác phẩm của Khổng tử, được các nhà truyền giáo dòng Tên cung cấp, giúp tạo ra và khẳng định quan điểm này. Đối với các triết gia và nhà thần luận thì Khổng tử là một nhà hiền triết, người đã khám phá các qui luật của tự nhiên và luân lý và lý trí mà không nhờ cậy đến mặc khải Thần thánh hoặc uy quyền Giáo hội. “Chúng ta thấy ở đây các kiệt tác luận văn luân lý,” tác giả cuốn Luân Lý của Khổng tử viết vào năm 1687. “Mọi điều trong đó đều vững chắc; bởi vì lý trí đúng đắn đó, chân lý nội tại đó vốn gắn chặt vào linh hồn của con người, mà nhà triết gia của chúng ta không ngừng tham vấn một cách công tâm nhằm lèo lái mọi lời dạy của mình.” Đây là chứng cứ của niềm tin hữu thần cho rằng lý trí cư ngụ trong mọi con người.
Một số người Âu còn đi quá xa xem Trung Hoa, với hệ thống tuyển chọn nhân tài bằng lề lối thì cử, là kiểu mẫu của một xã hội công bằng, được điều hành tốt – một xã hội dựa vào nhân tài hơn là vào sự quen biết và vọng tộc để bổ nhiệm chức vụ.
Khi Eustace Budgell nhận xét vào năm 1731 rằng người Trung Quốc thực hành một “phương châm mà mỗi nhà nước tổ chức tốt đều nên noi theo; đó là mọi Chức cao Lộc Trọng trong Khối Thịnh vượng Chung phải được đãi ngộ cho các bậc Nhân tài,” ông thường trích dẫn Trung Quốc và thường gặp chống đối cho rằng hệ thống đó sẽ chứng tỏ là không thực tế. “Nếu có chính trị gia hiện đại nào,” ông viết, “khư khư cho rằng phương châm này, tuy có hoàn hảo, không thể áp dung cho một vương quốc to lớn và đóng dân cư như Vương quốc Anh, tôi xin thưa chính trị gia đó rằng ngay giờ phút này phương châm vi diệu đó đang được áp dụng nghiêm cẩn tại một Đế chế to lớn nhất, đông dân nhất, và được cai trị tốt nhất trên toàn thế giới: tôi muốn nói Trung Quốc.”
Tại Pháp Voltaire ca ngợi Trung Quốc đã hoàn thiện nền đạo lý, kinh tế chính trị và nông nghiệp, trong khi Vua Louis XIV của Pháp, hướng đến học thuyết trị nước của Khổng tử để vỗ yên dân chúng chỉ muốn ngày càng làm loạn, bắt chước một hoàng đế Trung Hoa cầm cày mở màn lễ hạ điền mùa xuân. Những ông vua khác kém nhiệt tình hơn. Khi Christian Wolf nói trước Đại học Halle, ca ngợi các hoàng đế Trung Quốc như Nghiêu Thuấn đã “bỏ qua các con trai mình” và chọn người kế vị “có tài năng và phẩm hạnh có thể đảm đương nhiệm vụ nặng nề,” vua Phổ cho ông 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi xứ nếu không bị xử tội chết.
II
Vua Phổ cùng với em họ mình Vua George III có lý do để lo lắng, không phải vì các hàm ý cách mạng của Khổng tử, mà vì các rối loạn báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Năm 1773 Công ty Đông Ấn, lúc đó trên bờ vực phá sản, do tình trạng hối lộ và tham nhũng của các viên chức, bắt đầu chở trà trực tiếp đến Mỹ, tránh phải đóng tiền thuê các kho hàng Âu châu. Tuy nhiên, dân thuộc địa không quan tâm đến các vấn đề của Công ty Đông Ấn. Mặc dù phương thức này làm giảm giá trà, nó không giải quyết được vấn đề đánh thuế của Anh đối với hàng hoá bán đến thuộc địa Bắc Mỹ, và vào ngày 6 tháng 12 năm 1773, một nhóm người hóa trang thành dân da đỏ leo lên con tàu chở trà từ Quảng Đông, và ném toàn bộ bao tải trà xuống nước tại Cảng Boston. Người Anh đáp ứng với sự khiêu khích bằng bạo lực, và chẳng bao lâu họ thấy mình đang lao vào một cuộc chiến thuộc địa quy mô.
Tại London một nhóm người trong đó có một luật sư và nhà ngôn ngữ trẻ kiệt xuất tên William Jones, cực lực chống đối “giải pháp quân sự ” cho vấn đề Bắc Mỹ. Jones được bạn bè gọi là Jones “Đông phương”, Jones “Ba Tư”, và cũng do bề rộng kiến thức và tính tình khiêm nhượng, ông cũng có biệt danh Jones “Hài Hòa”. Tuy nhiên từ quan điểm chúng tôi, biệt hiệu mà nhà Đông phương học A. J. Arberry gán cho ông dường như là thích hợp hơn cả. Arberry gọi ông đơn giản là “Nhà Sáng Lập.” Những người trước ông đã kể lại, ít nhiều chính xác, những gì mình thấy ở phương Đông, nhưng chỉ đến khi William Jones hoàn tất công trình minh ở Ấn Độ thì việc nghiên cứu khoa học về nghệ thuật và triết lý Đông phương mới có thể gọi là đã bắt đầu. Trong số các thành tựu có giá trị lâu dài của William Jones có việc thành lập Hội Á châu Hoàng gia, việc phát hiện rằng tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) và ngôn ngữ Âu châu có chung nguồn gốc trong ngôn ngữ Ấn-Âu xa xưa, và những bài tiểu luận có hệ thống đầu tiên về tôn giáo và thần thoại đối chiếu. Cũng quan trọng không kém là công trình dịch thuật và truyền bá văn chương Đông phương, nhất là tiếng Ba Tư và Sanskrit. Jones xuất bản bản dịch đầu tiên tác phẩm của thi hào Ba Tư Hafix và Rumi, và cũng giới thiệu kịch tác gia vĩ đại của Ấn Độ cổ đại Kalidasa, không chỉ đến châu Âu mà còn đến Ấn Độ thế kỷ 18.
Đỉnh cao thành tựu của Jones là tầm nhìn của ông về sự quan trọng của các nghiên cứu Đông phương đối với phương Tây. Tại một thời điểm khi gần như mọi người đều coi những gì đến từ phương Đông chỉ là vật lạ kỳ gây thích thú, thì Jones nhìn thấy sự tương đồng lịch sử mang tính tiên tri, rằng việc dịch thuật và nghiên cứu văn học Á châu sẽ đóng cùng một vai trò trong thế giới hiện đại như việc phát hiện lại các tác phẩm cổ điển Hy Lạp và La tinh đã làm đối với thời phục hưng của châu Âu thế kỷ 15, 16. Trong khi nhiều nỗ lực tiên phong của Jones đã bị thay thế, thì tầm nhìn của ông về “sự phục hưng Đông phương” (mặc dù ông không sử dụng thuật ngữ đó) vẫn còn quan trọng đối với việc tìm hiểu cuộc sống tâm linh và tri thức của phương Tây. Chúng ta chỉ vừa bắt đầu ý thức được sự hiện diện của phương Đông trong thế giới chúng ta không chỉ như sự u tối, sức mê hoặc, trí tuệ cổ đại, hoặc bất kì khuôn mẫu tối tăm nào mà các nhà tâm lý của chúng ta đưa ra cho chúng ta, mà còn như là chất kích thích, chất men – ta có thể nói là hạt sạn cho viên ngọc trai của cuộc sống và văn hoá chúng ta. Tầm nhìn này về sự phục hưng của phương Đông xuất hiện trong Emerson, Thoreau và Fenollosa, và khi nhà sử học Lynn G. White nói việc giới thiệu tác phẩm của D. T. Suzuki vào phương Tây có thể một ngày được xem là quan trọng không kém việc phát hiện lại Aristotle, hoặc khi Ezra Pound kêu lên rằng Trung Hoa chính là Hy Lạp của chúng ta, thì cả hai người quả đang làm đẹp và tái xác nhận lại ý tưởng cốt lõi này.
III
William Jones sinh năm 1736. Cha ông, một thành viên của Hội Hoàng gia, là một người tự thân lập nghiệp chuyển đến vùng West Indies và viết một quyển sách chuẩn mực về hải hành. Ông mất khi Jones còn là một đứa trẻ, và được mẹ nuôi dưỡng. Người ta kể rằng mỗi khi đứa trẻ tò mò hỏi câu gì, bà mẹ liền trả lời, “Hãy đọc, và con sẽ tìm được câu trả lời.” Cậu bé nhỏ con, có phần mảnh khảnh, và dễ xúc động. Cậu phải bỏ học một năm vì gãy xương đùi trong một tai nạn, nhưng điều này chỉ khiến cậu học hành cực lực hơn, và năng khiếu ngoại ngữ sớm bộc lộ. Tại Harrow, ngoài hai ngoại ngữ bắt buộc là La tinh và Hy Lạp, cậu học thêm tiếng Pháp và Tây Ban Nha, và rồi tiếng Do Thái để có thể đọc Kinh Thánh bản gốc.
Tại Oxford ông lặn hụp trong đống bản thảo tiếng Ả Rập trong thư viện Boldeian. Tiếng Ả Rập dẫn ông đến tiếng Ba Tư và tiếng Thổ, và những thành tựu ngôn ngữ khiến ông nổi danh đến nỗi khi Vua Christian VII xứ Đan Mạch nhờ người Anh dịch tiểu sử Nadah Shah tiếng Ba Tư ra tiếng Pháp, chính quyền bèn cho dời ông.
Lúc đầu nhà học giả trẻ từ chối. Ngôn ngữ Ba Tư thế kỷ 18 rất khác với tiếng Ba Tư cổ điển mà ông đã học. Hơn nữa, ông không ưa làm một việc tư lợi cho tiểu sử của một tên độc tài khát máu. Tuy nhiên, khi vua Đan Mạch nói bóng gió rằng nếu ở nước Anh không có ai xử lý được công việc thì ông ta sẽ quay sang nhờ người Pháp, ông liền ưng thuận. Sau một năm làm việc tẻ nhạt, Jones gửi nhà vua bản dịch đóng dấu vàng, và khi Christian VII hồi âm với vua George ca tụng Jones, tên tuổi ông nổi như cồn chỉ qua một đêm.
Tầm vóc quan trọng của công cuộc nghiên cứu Đông phương được ông xiển dương qua tác phẩm Luận Về Thi Ca Đông Phương. Ông lập luận rằng việc bắt chước máy móc các hình tượng và chủ đề cổ điển, đã biến thi ca Âu châu trở nên nhạt nhẽo và thiếu sức sống. Ông hy vọng việc giới thiệu hình tượng và chủ đề rút ra từ thi ca Ba Tư sẽ phục sinh nền thi ca Âu châu. “Các bài thơ mang tính anh hùng ca của Ferdust cũng có đầy tính biểu cảm như Iliad,” ông viết sau đó trong tác phẩm Luận Bàn về Văn Chương Đông Phương, “và tôi thấy không có lý do tại sao Chinh Phục Ba Tư của Cyprus không phải là một chủ đề hấp dẫn đối với chúng ta, như Cơn Thịnh Nộ của Achilles hoặc chuyến lang bạt của Ulysses.”
Các bản dịch thơ của các thi nhân Ba Tư như Firdausi, Attar, và Hafix mang lại cho ông tiếng tăm nhưng không cho ông kế sinh nhai. Số lượng bản sách bán ra rất khiêm nhượng, và trong các trường đại học vẫn chưa có các khoa ngôn ngữ Đông phương. Ông còn gặt hái thêm tiếng tăm trong giới học thuật qua tài dịch thơ của các thi hào Ả Rập.
Năm 1783 ông lên tàu từ cảng Portsmouth trong chuyến đi biển kéo dài 6 tháng đến Ấn Độ. Ông bắt đầu học tiếng tiếng Phạn và tiến hành dịch các tác phẩm viết bằng tiếng Phạn. Trong cuốn “Văn Học Ấn Giáo Viết Bằng Phạn Ngữ”, ông viết: “Bất cứ khi nào chúng ta hướng chú ý về văn học Ấn giáo, ở đó ý niệm về vô hạn tự mở ra; và toàn bộ cuộc đời dù dài đến mấy cũng không đủ để đọc hết 500 ngàn khổ thơ trong cổ văn Ấn giáo Puranas, và có thể hơn 1 triệu trong các tác phẩm khác . . .” Ông phát hiện sự giống nhau giữa các thần linh Ấn giáo và Hy Lạp. Ông cho rằng không thể đọc kinh Vệ Đà, cội rễ của nền văn minh Ấn Độ, mà không tin rằng Platon và Pythagotas cũng đã xây dựng nền thần học siêu phàm của mình từ cùng suối nguồn với các hiền triết Ấn Độ.
IV
Jones đã tiến xa trong công cuộc tìm hiểu về Ấn giáo, nhưng về Phật giáo tất nhiên ông rất mơ hồ vì Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn vào cuối thế kỷ 12. Nếu Jones muốn đối thoại với các học giả Phật giáo thì ông phải đi về phía bắc đến Tây Tạng hoặc về phía nam đến Sri Lanka, về phía đông đến Xiêm, Miến Điện. Thật ra việc người Tây phương nghiên cứu Phật giáo vẫn chưa bắt đầu. Cuốn Văn phạm tiếng Pali đầu tiên của Eugene Bournouf chỉ được in vào năm 1826, và việc phát hiện và dịch thuật bản kinh Phật Bắc tông bằng tiếng Phạn phải đợi viên chức Brian Hodgson gửi các bản thảo tiếng Phạn đến Calcutta, London, và Paris từ văn phòng của ông tại một ngọn đồi heo hút ở Nepal, một trong bản thảo này là Kinh Liên Hoa. Rồi sau đó được Eugene Bournouf ở Paris dịch ra tiếng Pháp. Bản dịch tìm đường đến Raph Waldo Emerson và Henry David Thoreau ở Concords, Massachussett. Nhưng tất cả điều này xảy ra ở tương lai. Khi thế kỷ 18 khép lại các nhà Đông phương học uyên bác nhất thế giới vẫn chưa biết Ấn Độ là quê hương của nền văn minh Phật giáo vĩ đại. Phát hiện này sẽ không xảy ra cho đến năm 1837, khi James Prinsep, của Cơ quan Đúc tiền Calcutta và Hội Á châu do Jones sáng lập giải mã chữ viết Brahmi cổ trên chiếu chỉ đá của Vua Ashoka.
Khi Jones thăm Bồ đề Đạo tràng vào năm 1784, không có chùa chiền, bản khắc, tu viện, hoặc khách hành hương nào ở đó. Lord Teignmouth cho biết nơi đó “nổi tiếng là nơi sinh của Phật, tác giả của một hệ thống triết lý, phải gánh chịu sự quy kết là chủ nghĩa vô thần.”
Jones mất vào năm 1794 khi chỉ mới 48 tuổi vì làm việc quá độ. Ông chỉ ở Ấn Độ 12 năm nhưng kho báu Phạn ngữ đã được mở, và bảo vật đã được trình diện trước thế giới. Chuyến đi đến Mỹ mà ông mơ ước nhưng chưa đến được thì giờ đây các tác phẩm của ông sẽ đi thay ông.
Sir William Jones