Sai lầm của bản luận án về “NGHĨA VỤ CON NGƯỜI” – Bài 1

Bài 1 : LÀM RÕ VÀI KHÁI NIỆM GIÚP NHẬN RA SAI SÓT CỦA LUẬN ÁN

 Nguyễn Ngọc Lanh

Học sinh cấp II nước ta khi học môn Giáo dục Công dân đã được Tầy, Cô dạy về Quyền Con Người (nhân quyền). Bài này mong góp phần giúp các cháu nhận thức tốt hơn. Kính mong bạn đọc cùng chia sẻ mục tiêu này để thế hệ trẻ trở thành những con người đúng nghĩa.

 – Tên đầy đủ của luận án:

Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam”.

Có thể download toàn văn (Việt và Anh)

– Tác giả luận án:

Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, tức nhà sư Thích Chân Quang.

– Hai nhà khoa học hướng dẫn:

     – GS. TS Nguyễn Minh Đoan,

     – TS Thái Kim Liễu.

Câu hỏi từ cái tên của luận án1- Tuyên Ngôn phổ quát về Quyền Con Người (1948) khẳng định “con người” có những quyền bẩm sinh. Để được hưởng những quyền này, “con người” có phải thực hiện những nghĩa vụ (nào đó) để đánh đổi… hay không?

2- Những nghĩa vụ đó (nếu có), đã được đưa vào Pháp Luật Việt Nam chưa?

I. RA ĐỜI KHÁI NIỆM “CON NGƯỜI” LÀ BƯỚC TIẾN LỚN CỦA TƯ DUY NHÂN LOẠI

Luận án nói trên rất nhiều lần nhắc tới “con người”, “quyền con người” và “nghĩa vụ con người”, nhưng với cách hiểu chưa đầy đủ, mà có khi còn sai lệch.

Điều sơ đẳng: Muốn thảo luận một đề tài, trước hết phải thống nhất những khái niệm và những định nghĩa liên quan.

Phần I bài này xin nêu một vài hiểu biết cần thiết về “con người” đặng hiểu rõ hơn nội dung bản luận án có tên “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam” nói trên.  

Để giúp học sinh cấp II hiểu rõ hơn khái niệm “con người”, người lớn cần đặt nó bên cạnh khái niệm “con vật” để làm nổi bật sự khác biệt. Sự khác nhau quả là rất nhiều và rất lớn, nhưng vẫn có những khác biệt mang tính bản chất nhất. Để dễ hiểu với các cháu, chúng ta (người lớn) có thể đưa ra những cặp khái niệm trái ngược nhau, để so sánh. Ví dụ “cao và thấp”, “cứng và mềm”…

– Đúng vậy, khái niệm “cao” chỉ tồn tại song song với khái niệm “thấp”. Không có “thấp”, trên đời sẽ chẳng có cái gì đáng gọi là “cao”. Và ngược lại cũng vậy. Nếu mọi vật đều “cứng”, chúng ta sẽ không có khái niệm “mềm”… Cũng vậy, từ cái thuở mọi loài động vật đều “ăn lông, ở lỗ”, chưa biết dùng lửa, chỉ có tiếng kêu thay vì tiếng nói… thì chưa thể xuất hiện khái niệm “con người”. Thời đó, trên mặt đất này, bất cứ loài vật nào có khả năng tự “chuyển động” trong không gian đều có tên chung là “động vật” hết.

Khái niệm “con người” chỉ ra đời khi một loài động vật có khả năng tự ý thức về sự tồn tại của bản thân. Có lẽ đó là thời điểm con người bắt đầu biết trồng trọt và chăn nuôi nhờ khả năng chinh phục và thuần hóa các loài cây dại và thú hoang – mặc dù lúc này con người vẫn thua kém nhiều con vật khác về sức mạnh cơ bắp, độ tinh nhạy của các giác quan, khả năng tấn công và tự vệ… Dẫu vậy, con người vẫn tự thấy mình có những ưu thế về trí tuệ, đủ để khuất phục các con vật khác mạnh mẽ và dữ tợn hơn mình. Và tự ý thức rằng mình thuộc về một loài khác hẳn mọi loài. Con người cổ xưa đã biết tổ chức săn hổ, làm bẫy hổ, đồng thời cũng biết rằng không khi nào có chuyện loài hổ bàn nhau cách… săn người. Thời đó, con người đã thuần hóa cừu, trâu… mà không có chuyện trâu bò thuần hóa con người. Qua đó, ta thấy rất rõ vai trò lớn nhất của trí tuệ khiến “con người” tách khỏi phần còn lại của giới động vật. Té ra, ở người, tiến hóa ngoại hình rất chậm, nhưng tiến hóa tư duy lại rất nhanh. Ngoại hình con người thời Hùng Vương có lẽ không khác những con người đang đọc bài này, nhưng tư duy thì khác nhau xa. Không loài nào may mắn được Trời phú cho đặc điểm này.

Khái niệm “con người” ra đời là bước tiến lớn trong tư duy nhân loại. Nhưng để nhận thức sâu sắc hơn, mỗi khi nói về “con người” xin bạn đọc nhắc nhở các cháu học sinh cần ngầm đối chiếu với khái niệm “con vật”.

II. KHÁI NIỆM “QUYỀN CON NGƯỜI”: BƯỚC TIẾN NÀY MỚI THẬT KINH KHỦNG 

Chú thíchBài này không bàn đến “Quyền Động Vật” (Animal rights). Từ ngữ này tồn tại do quen dùng, nhưng nội hàm không tương xứng với “Quyền Con Người”.

Đứng trước con người, mọi động vật không có bất cứ “quyền” gì. Mà ngược lại. Còn cách thức con người đối xử với con vật trước hết vì lợi ích lâu dài của chính mình. Ví dụ, cấm hành hạ con vật thì mục đích chủ yếu là để đề phòng xuất hiện những con người tàn nhẫn với đồng loại. Con người chăn nuôi con vật chu đáo trước hết vì lợi ích vật chất và đề cao đạo đức của chính mình.  

 Cách nay ít năm, hãng CNN lấy ý kiến mọi người để chọn ra những ý tưởng vĩ đại có tác dụng “làm thay đổi thế giới”. Trong 10 ý tưởng được đa số đề nghị, ý tưởng về “quyền con người” được xếp ở vị trí thứ tư về tầm quan trọng.

Quá trình để nhân loại nhận thức đầy đủ về “quyền con người” kéo dài tới… ngàn năm. Ví dụ gần đây nhất, cụ John Locke (16321704) được ca ngợi là người đầu tiên đề xuất tư hữu là quyền con người, nhưng sau đó hàng trăm năm, bỗng dưng cụ Karl Marx nói ngược lại (cho rằng tư hữu là tai họa của con người) và đòi “xóa bỏ” nó (1848)… Cuộc cọ sát tư tưởng (có cả đổ máu, xảy ra năm 1917) giữa hai quan điểm kéo dài đúng 100 năm chẵn (1848-1948), kết thúc bằng sự kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức coi tư hữu là “quyền con người”, ghi hẳn hoi ở điều 17 trong một văn bản lịch sử. Tính ra, nhân loại tốn tới 3 thế kỷ, chỉ để xác định một quyền cụ thể của “con người”.

Vinh hạnh thay! Ngay trên đất nước Việt Nam đang có một vị sư dám theo đuổi một ý tưởng mới (ý tưởng vĩ đại thứ 11?) – hy vọng sẽ “làm thay đổi thế giới” – bằng cách đề nghị một văn bản đối trọng với “Bản Tuyên Ngôn về Quyền Con Người”, mang tên “Tuyên Ngôn toàn cầu về Nghĩa Vụ Con Người”.

Minh họa ở bảng dưới:

Tên tác giả Tên văn bản Năm đề nghị Thừa nhận Đánh giá
Đại hội đồng LIên Hợp Quốc Tuyên Ngôn về Quyền Con Người 1945 1948 Mất cân đối giữa Quyền và Nghĩa vụ
NCS tu hành Vương Tấn Việt Tuyên Ngôn về Nghĩa Vụ Con Người 2021 ? Có quyền, tất phải có nghĩa vụ

III. VĂN BẢN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG BẬC NHÂT CỦA NHÂN LOẠI

Văn bản khẳng dịnh “Con Người có những quyển bẩm sinh” chính thức ra đời lúc khuya ngày 10, rạng ngày 11 tháng 12-1948, với cái tên (tiếng Anh)  Universal Declaration of Human Rights (UDHR), đến nay đã được dịch sang > 500 ngôn ngữ (over 500 languages). Chưa có văn bản nào được dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ đến vậy – kể cả Kinh Thánh Cơ Đốc, Kinh Thánh Marx (Tuyên Ngôn CS), Kinh đạo Hồi của đức Ala, Kinh đạo Phật… Tất nhiên, văn bản tồn tại dưới dạng 500 ngôn ngữ là có mục đích, thể hiện ở tính từ universal.

Universal dịch sang tiếng Việt thành “quốc tế” là chưa lột tả được hết ý nghĩa. Tôi dịch là “phổ quát” cũng tự thấy chưa vừa ý. Bởi vì, các tác giả soạn thảo văn bản dùng universal với mong muốn bản Tuyên Ngôn này sẽ len lỏi tới khắp mọi “hang cùng, ngõ hẻm” trong mọi quốc gia để bất cứ ai, thuộc bất cứ nhóm nhỏ nào, sống ở nơi hẻo lánh nào, nói bất cứ thứ ngôn ngữ thiểu số nào… đều biết rõ: Cá nhân mình đương nhiên có những quyền gì, để xứng đáng là một “con người”.

IV- BỊA CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG: GIÚP HIỂU BẢN CHẤT “QUYỀN CON NGƯỜI”

Rõ ràng, câu chuyện dưới đây là tưởng tượng, nhưng óc tưởng tượng chính là bước tiến về khả năng tư duy của con người – mà không con vật nào có được.

     – Đại khái, câu chuyện thế này: Đấng Tạo Hóa (Creator) với quyền năng vô biên đã dùng đất sét nặn ra muôn loài. Phải tạo ra thực vật trước để làm thức ăn cho động vật. Tới khi nặn giới động vật, Ngài vẫn rất sáng tạo, nhưng cũng không kém lơ đãng và tùy hứng. Do vậy, mặt đất có vô số loài động vật khác nhau. Loài cuối cùng, tuy cũng là động vật, nhưng được Ngài dùng chính hình mẫu của mình để tạo ra (có lẽ, vừa soi gương, vừa nặn?)… Đó chính là loài người – một loài động vật có ngoại hình giống như hình mẫu của đấng Tạo Hóa; do vậy, nó được Ngài ban thêm:

     – trí tuệ: để ngày càng khôn ngoan, làm gì cũng có mục đích…

     – lòng tin: để tin rằng đấng Sáng Tạo là có thật và từ đó có Tôn Giáo.

     – quyền lực: để thống trị các loài khác.

Đó chính là Con Người, từ đó, tự biết viết hoa tên mình.

Đấng Tạo Hóa đã nặn gần xong giới động vật. Nay Ngài bắt đầu tạo ra loài động vật cuối cùng

Do vậy, khi đứng trước mọi động vật, thì quyền lực Con Người là bẩm sinh, vốn có, do Đấng Tạo Hóa ban cho, chứ không phải do các động vật khác tự nguyện chuyển nhượng cho. Con Người không cần có bất cứ nghĩa vụ gì với các động vật khác – để đánh đổi lấy những quyền lực này.

Con người không mang ơn con vật, mà ơn Đấng Sáng Tạo.

Con người không có nghĩa vụ với con vật, mà chỉ có nghĩa vụ với Đấng Sáng Tạo. Còn với đồng loại? Con người chỉ cần tôn trọng quyền của người khác và cũng đòi người khác tôn trọng quyền của mình. Như vậy, Quyền Con Người còn là tiêu chuẩn “cứng” để phân biệt con người với con vật. Vi phạm quyền con người là tước bỏ nhân phẩm (chất người), tức là xóa nhòa ranh giới “con người” – “con vật”.  

Theo chương trình giáo dục phổ thông, ở cấp II học sinh đã học về quyền con người và quyền công dân. Khi giúp các cháu thảo luận về “con người” và “quyền con người”, người lớn hãy nhắc nhở các cháu: Cần ngầm đối chiếu khái niệm này với khái niệm “con vật” để sự hiểu biết thêm thấu đáo.    

   – Nhưng chuyện dưới đây không phải do tưởng tượng, mà có thật. 

Một người Mỹ (có thật, thế giới đều biết: Thomas Jefferson) nói một câu “có thật” trong Tuyên Ngôn Độc Lập của nước mình năm 1776 (Lịch Sử còn lưu): “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên: Mọi người sinh ra bình đẳng, đều được Tạo Hoá ban cho những quyền tất yếu, bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Thế là  rõ: Quyền con người là tất yếu, hiển nhiên (không cần cắt nghĩa, chứng minh), và không cần đánh đổi bằng bất cứ nghĩa vụ nào, với ai… Đứa trẻ sinh ra, chỉ cần “oe oe” (tự lên tiếng về sự hiện diện của mình), chưa cần thực hiện bất cứ “nghĩa vụ” gì… đã có quyền sống, vì nó là “con người”.

Một người khác ở Việt Nam là Hồ Chí Minh, cũng có thật, cũng sử dụng ý tưởng của câu trên, cũng tuyên bố nhân ngày Độc Lập (năm 1945) của nước mình: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo Hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc“.

Đến đây, có lẽ, chẳng cần đai đi, đai lại cái câu: Quyền Con Người là bẩm sinh, mọi con người đương nhiên được thụ hưởng mà không cần đáp trả bằng bất cứ nghĩa vụ nào…

Chú thích– Từ xa xưa tới năm 1945, thế giới đã có rất nhiều bản Tuyên Ngôn Độc Lập nhưng chỉ có hai bản nói trên là dự báo sẽ có Tuyên Ngôn chính thức về Quyền Con Người. 

– Cùng ký tên trong Tuyên Ngôn Độc Lập với Hồ Chí Minh, có: Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Cù Huy Cận, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Trọng Khánh, Phạm Văn Đồng, Đào Trọng Kim, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến. Đến nay, các vị này không còn ai, nhưng tên tuổi vẫn trường tồn. Con cháu các vị, sau ngần ấy năm, vẫn suy nghĩ và hành động xứng đáng với thanh danh và vinh dự của cha ông.

 

 V. QUYỀN CON NGƯỜI LÀ QUYỀN CỦA MỖI CÁ NHÂN 

  1. Đây không phải là quyền tập thể, tức quyền dành cho một tổ chức, một dảng phái hay đoàn thể nào… mà là quyền phổ quát được đưa tới tận từng cá nhân con người, dù con người này chưa có cuộc sống xã hội, dù là một cá nhân lẻ loi, đơn chiếc, sống ở nơi hiu quạnh nhất, ít giao lưu nhất… vẫn đương nhiên có những quyền đó. Chỉ cần: đó là một thực thể mang tính người (human beings), mà không cần kèm theo bất cứ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc nghĩa vụ nào khác…

Ngay trong Điều 1 của Tuyên Ngôn phổ quát về Quyền Con Người (Universal Declaration of Human Rights), các tác giả văn bản đã dùng “all human beings” (không dễ dịch sang tiếng Việt) để chỉ tính phổ quát này. Còn từ điều 2 trở đi, nói về những quyền cụ thể, văn bản chuyển sang dùng everyone (rất dễ dịch đúng nghĩa sang tiếng Việt)

Chú thích. Article 1.All human beings are born free and equal in dignity and rights. They are endowed with reason and conscience and should act towards one another in a spirit of brotherhood.

Dịch sang tiếng Việt thế nào cho “chuẩn” có lẽ không đơn giản. Hẳn là các nhà ngôn ngữ học nước ra phải xác định nội hàm và vai trò ngữ pháp của từng từ trong các câu tiếng Anh, tìm nghĩa thích hợp và đặt chúng đúng vị trí của chúng trong câu tiếng Việt.

  1. Đây là quyền đương nhiên, do vậy không có chuyện Nhà Nước ban phát quyền con người cho đám dân mà mình cai trị. Nó vô nghĩa và lố bịch như câu nói: Từ nay, Nhà Nước cho phép mặt trời chiếu sáng khắp thế gian… Tuy nhiên, vẫn có chuyện những Nhà Nước độc tài đã hạn chế hoặc thủ tiêu quyền con người của chính dân nước mình.

Chỉ có điều, nay đã là thế kỷ XXI, không một Nhà Nước nào dám ngang nhiên làm điều đó. Muốn thực hiện ý đồ đen tối này, họ phải che dấu hành vi bằng nhào nặn câu văn, đồng thời lợi dụng tình trạng dân trí còn thấp. Một trong những cách thường được sử dụng là cố ý không phân biệt (làm lu mờ) ranh giới giữa quyền con người và quyền công dân. Một thứ, không kèm theo nghĩa vụ với bất cứ ai, còn thứ kia, quyền đi kèm nghĩa vụ (với Nhà Nước).

3- Đưa quyền con người vào pháp luật là cách công khai để mọi người thấy Nhà Nước đương quyền là chính nghĩa hay phi nghĩa.

Nếu dùng pháp luật để răn đe và chế tài mọi ý đồ vi phạm nhân quyền: Đó là Nhà Nước vì dân. Ngược lại, là dùng pháp luật để hạn chế quyền con người, hoặc đòi con người phải đánh đổi quyền bẩm sinh của mình bằng những nghĩa vụ nào đó với Nhà Nước… Thời nay, rất hiếm loại Nhà Nước này, vì làm như vậy là tự tạo ra những bằng chứng “giấy trắng, mực đen”, tồn tại lâu dài, không dễ lấp liếm, cãi xằng, mỗi khi bị dư luận vạch trần, lên án.

4- Khi những cá nhân “con người” tự ý liên kết

Con người sống trong xã hội, có thể tự ý liên kết với nhau để đem lại những quyền và quyền lợi nào đó trong nội bộ liên kết này. Trên thực tế, con người có thể liên kết theo quốc gia, theo chủng tộc, theo giới tính, theo nghề nghiệp, tôn giáo, lứa tuổi, hôn nhân… Đến lúc này mới xuất hiện nghĩa vụ để cân bằng với các quyền. Lúc này, muốn có quyền, phải thực hiện nghĩa vụ.

Dễ hiểu, ngay khi một liên kết chỉ gồm hai cá thể, là phải có những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ, nhưng tất nhiên chúng chỉ có giá trị trong nội bộ liên kết này mà thôi. Càng dễ hiểu, mọi Điều Lệ của các tổ chức đều nêu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ trong nội bộ các tổ chức đó. Chúng không được ảnh hưởng xấu tới quyền con người – là quyền bao trùm lên tất cả.

Do vậy, nói “nghĩa vụ công dân” rất dễ hiểu. Nghĩa vụ hội viên: cũng dễ hiểu. Nghĩa vụ các thành viên trong gia đình: dễ hiểu… Nhưng cụm từ “nghĩa vụ con người” lại không dễ hiểu.

VI. ĐIỀU 29 và 30 TRONG TUYÊN NGÔN QUYỀN CON NGƯỜI

  1. Điều 29 nói về “nghĩa vụ con người” đối với cộng đồng mà con người này đang sống trong đó. Nhưng với điều kiện, là cái cộng đồng này phải đảm bảo quyền tư do và sự phát triển nhân phẩm con người.

Sự đề phòng mà điều 29 thể hiện, quả là rất sáng suốt.

  1. Điều 30 đề phòng mọi thế lực (từ cấp Quốc Gia trở xuống) nại cớ để hạn chế thực hiện các quyền con người ghi trong Tuyên Ngôn này.

Quả là tầm nhìn đầy viễn kiến.

 

VII. SAU NỬA THẾ KỶ: 1948 – 1998

Sau 50 năm tiến hành phổ cập trên toàn cầu Bản Tuyên Ngôn Quyền Con Người (1948-1998), Liên Hợp Quốc có sự đánh giá vai trò của văn bản này trong việc cải thiện quyền con người trên toàn hành tinh. Thành tích là vĩ đại, nhưng vẫn có những cá nhân, những tập thể, thậm chí cả một cộng đồng, cả trăm triệu dân trong một quốc gia… ở đó nhân phẩm con người bị xâm phạm, bị chà đạp.

Tình hình trên đòi hỏi phải dự thảo những văn bản mới, quy định rõ Nghĩa Vụ của mỗi Con Người phải làm gì để mọi Con Người được hưởng đầy đủ các quyền đã ghi trong Tuyên Ngôn 1948.

Té ra, có nhiều văn bản đáp ứng điều này.

– Tại đây, chỉ xin đề cập tới một văn bản được coi là có ảnh hưởng lớn nhất.

A Universal Declaration of Human Responsibilities

(Tuyên bố quốc tế về trách nhiệm của con người) được dịch ra 40 ngôn ngữ để thăm do dư luận rộng rãi. Điều cuối cùng của văn bản này cũng nói rõ: Không ai (kể cả cấp quốc gia) được phép giải thích văn bản này để xâm phạm các Quyền Con Người ghi trong Tuyên Ngôn 1948.

– Ngoài ra, năm 2021, ở Việt Nam, một nghiên cứu sinh cũng đưa ra (ngay trong luận án của mình) một Tuyên Ngôn cùng tên. Tinh thần chung của văn bản này là “ai đã hưởng thụ quyền, dẫu là quyền con người, cũng phải trả nợ bằng nghĩa vụ tương xứng.

Rất cần làm rõ sự khác nhau (như ĐEN – TRẮNG) ở bài sau.


Advertisement

2 thoughts on “Sai lầm của bản luận án về “NGHĨA VỤ CON NGƯỜI” – Bài 1

  1. Tôi thấy hòa thượng Thích Chân Quang đã lẫn lộn quyền con người với quyền công dân.
    Con người có mọi quyền (đối diện với con vật)
    Công dân (đối diện với Nhà Nước): Hai bên đều có quyền và đều có nghĩa vụ.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s