Lần theo dấu chân người Nhật trong lưu vực sông Cửu Long (P2)

Trần Thanh Ái

Như đã nói ở trên, các tên Japansche Rivier (Hà Lan), Rivière japonoise/japonaise (Pháp), Japanese River (Anh) và các dạng chính tả khác như Japante R…, có nghĩa là Sông Nhật Bản, được người phương Tây dùng từ nửa sau thế kỷ XVII để chỉ một nhánh sông nào đó ở vùng hạ lưu sông Mêkong. Nó có liên quan gì đến các địa danh Rạch Nhựt Bổn hay các Giồng/Cồn/Xứ/ cùng tên không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải khảo sát các ghi chép của người thời xưa nói về sông Nhật Bản, để xem họ xác định dòng sông này là sông nào.

  1. Sông Nhật Bản là sông nào?

Nếu việc xác định một cách tương đối thời gian xuất hiện tên gọi này không quá phức tạp, thì việc xác định vị trí địa lý của dòng sông lại gây không ít bối rối, bởi vì các tài liệu cung cấp nhiều kiến thức mơ hồ, thậm chí có không ít chi tiết rất khác nhau. Sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp các tài liệu phương Tây nói về sông Nhật Bản.

2.1. Mô tả sông Nhật Bản của Hagenaar

Để biết người Hà Lan đã dùng tên này để gọi sông hay nhánh sông nào, chúng ta cần phải đọc kỹ bản tường trình Hagenaar là văn bản đầu tiên nói đến sông Nhật Bản, mà bản tiếng Pháp viết là “rivière du Japon”. Do tác giả không dùng các đơn vị đo chiều dài trong việc ước lượng các chặn đường đã đi trên sông Mêkong để đến thủ đô Campuchia, nên độc giả khó xác định được vị trí được cho là bắt đầu của sông Nhật Bản. Vì thế, để giúp độc giả hình dung dễ dàng lộ trình, chúng tôi ghi lại các mốc thời gian di chuyển của đoàn thuyền từ khi họ rời biển Đông đi vào cửa sông Mêkong. Họ đến bờ biển vùng cửa sông Mêkong ngày 9 tháng 5 năm 1637, rồi đến ngày 12 họ đi vào một con sông mà họ ghi là Bassac, tên mà sau này người Pháp tiếp tục dùng để chỉ sông Hậu ngày nay. Ngày 14 thuyền của họ mắc cạn trên một dãi cát. Ngày 15 khi thủy triều lên họ lại lên đường. Ngày 16 họ đến sông Matsiam, lòng sông hẹp, hai bên bờ có nhiều cây cối. Sau đó họ đến sông Simmeding nơi mà năm ngoái chiếc Oudewater đã đi qua. Ngày 20 họ đi vào một dòng sông hẹp, cây cối vướng víu vì sông chỉ rộng gấp đôi chiều dài con thuyền. Ngày 23 tháng 5 con sông bắt đầu rộng hơn, đó là nơi mà người ta gọi là sông Nhật Bản, ở đó có rất nhiều ghe thuyền đi dọc hai bờ sông, và trông thấy nhiều đàn trâu gặm cỏ trên bờ (Hagenaar H., 1706, tr. 256-260).

Như vậy là sau 11 ngày đi ngược dòng sông Cửu Long thì họ đã đến nơi mà họ cho là sông Nhật Bản. Vậy nơi đó ở đâu? Vì Hagenaar đi vào bằng nhánh sông Bassac, nên chắc chắn đó phải là nơi giao nhau giữa một sông nhánh nối liền sông Bassac và sông Tiền. Nhiều chi tiết khiến chúng ta nghĩ đến lộ trình đi từ sông Hậu rồi rẽ vào sông Vàm Nao để ra sông Tiền, nơi mà ngày nay có một cù lao tên là Châu Ma. Theo Lê Quang Định, rạch Vàm Nao ngày xưa chỉ là một dòng chảy nhỏ, vì nó chỉ “rộng 9 tầm(1), sâu 2 tầm 3 thước, chảy 16.318 tầm thì thông ra rạch Vàm Nao Thượng rồi đổ ra Tiền Giang” (2005, tr. 330). Hoặc theo chú giải của Lý Việt Dũng, sông Vàm Nao xưa kia rất nhỏ, có thể đu cành từ bờ bên này để sang bờ sông bên kia: “Ngày xưa sông này hẹp, theo người cố cựu kể lại thì phu dịch đào sông Vĩnh Tế trốn về khi qua sông này chỉ cần đu ngọn tre là qua bờ bên kia. Nhờ ghe tàu chạy nhiều nay thành sâu rộng”. Điều này giống với mô tả của Hagenaar: “Ngày 20 họ đi vào một dòng sông hẹp, cây cối vướng víu vì sông chỉ rộng gấp đôi chiều dài con thuyền”. Hơn nữa, tên Onbequame River (sông Bất tiện) do người Hà Lan dùng để gọi đoạn sông Hậu từ Vàm Nao lên Campuchia vì nó không thuận tiện cho tàu bè viễn dương: tình trạng này vẫn còn có thể quan sát được qua cách thể hiện trên bản đồ Indochina Hypsometry do Office of Basic and Geographic Intelligence (CIA, Hoa Kỳ) xuất bản năm 1970:

Hình 7: Bản đồ J. Thornton (1701) ghi sông Onbequame từ Vàm Nao ngược lên Campuchia Hình 8: Bản đồ Indochina Hypsometry (1970) vẽ đoạn Vàm Nao – Phnom Penh là khúc sông hẹp

Sau 3 ngày đi trên sông Nhật Bản, họ gặp thuyền của Galen và Floris Jansz. Đến ngày 28 họ được một vị quan trong triều đón tiếp họ với nhiều sản vật địa phương làm quà tặng.

“Ngày 4 tháng 6 năm 1637 đoàn nhận được thư của Galen do một thuyền của Campuchia mang đến cùng với dự định về những điều cần trình lên nhà vua. Sau đó chúng tôi đi đến mũi đất của khu phố người Nhật, và 2 người Nhật lên thuyền chúng tôi” (Hagenaar H., 1706, tr. 261-262). “Ngày 10 chúng tôi kéo thuyền vô cùng khó khăn dọc theo bờ sông đến mũi sông Nhật Bản. Ngày 11 một cơn gió Tây mát mẻ thổi tới, nhờ đó chúng tôi tiếp tục kéo thuyền để tránh nơi mà sông Lau [tức sông Mêkong chảy từ Lào xuống] cuồn cuộn chia ra làm ba nhánh. Chúng tôi cử một hoa tiêu đi xuồng nhỏ để thăm dò đáy sông xem có thể đi dọc bờ sông Matsiam ở hướng Tây Bắc, phía bên kia bãi cạn.” (Hagenaar H., 1706, tr. 262)

Đoạn mô tả này phù hợp với bản đồ địa lý ngày nay về sông ngòi vùng Phnom Penh: khi đến thủ đô Campuchia, sông Mêkong chia ra làm ba nhánh, một nhánh chảy về hướng Tây Bắc vô Biển Hồ, hai nhánh còn lại là Sông Hậu và Sông Tiền, mà ghi chép này gọi là sông Matsiam và sông Nhật Bản, thì chảy chếch về hướng Nam và Đông Nam. Sau đó Hagenaar còn nhắc đến sông Nhật Bản mấy lần nữa.

2.2. Sông Nhật Bản được định vị trong các tài liệu sau Hagenaar

Nhiều tài liệu định vị sông Nhật Bản là nhánh sông Tiền chảy vào đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, một số tài liệu khác lại cho thấy cái nhìn không giống như vậy. Sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp các cách định vị khác nhau về sông Nhật Bản qua các tài liệu phương Tây.

2.2.1. Những tài liệu gọi sông Tiền là sông Nhật Bản

Nhiều tài liệu dùng tên sông Nhật Bản để chỉ đoạn sông Mêkong từ Phnom Penh chảy về hạ lưu ra biển Đông mà đoạn qua Việt Nam được gọi là sông Tiền. Có lẽ đầu tiên là bản đồ được ghi là của người Hà Lan Carte hollandaise des mers de Chine depuis Malaca jusqu’au Japon avec les îles de Bornéo et des Philippines được vẽ năm 1666, được số hóa và lưu trữ trong thư viện Gallica (Pháp). Các ghi chú trên bản đồ này bằng tiếng Hà Lan: dòng chữ Sapanse Rivier (thay vì Iapanse như nhiều bản đồ khác) nằm dọc theo sông Tiền, cuối nguồn có dòng chữ Crabbe Eylandt (đảo Cua) viết bằng bút chì, dường như được viết thêm vào sau này. Sau đó là bản đồ không rõ tác giả cũng như xuất xứ, tên là Carte plate du golfe de Siam, Malaya, Cambodia et Tsiompa, được Gallica cho biết là vẽ năm 1687. Các địa danh trong bản đồ bày được viết bằng tiếng Pháp, như Isle des Crabbes(2) (đảo Cua), Canal d’Orient (Kênh Đông), Cap de St-Jacques (Vũng Tàu).

Hình 9: Bản đồ Carte hollandaise des mers de Chine depuis Malaca… (1666) Hình 10: Carte plate du golfe de Siam, Malaya, Cambodia et Tsiompa (1687)

Năm 1717 Herman Moll xuất bản tại Luân Đôn bản đồ A Map of the East Indies and the adjacent countries, trong đó dòng chữ Iapanga R. ôm sát nhánh Đông của sông Cửu Long, còn dòng chữ Oubequaume R. được đặt ngay bên dưới nhánh Tây:

Hình 11: A Map of the East Indies and the adjacent countries (Herman Moll 1717).

Nhà nghiên cứu địa lý người Pháp d’Après de Mannevillette cũng kịp thời cung cấp thêm nhiều chi tiết về Sông Nhật Bản trong công trình khảo sát biển khi soạn hải đồ bờ biển Đông Ấn và Trung Hoa tên là Routier des côtes des Indes Orientales et de la Chine được công bố năm 1745, nhưng gọi nó là canal (kênh), trong khi bản đồ của ông Carte plate du Golfe de Siam avec une partie des côtes de Malaye et de Camboje thì ghi là rivière (sông). Trong đoạn liệt kê các cửa sông Mêkong từ phía Nam lên phía Bắc, ông cho biết:

“Sông Cambodia còn có nhiều cửa sông đổ ra biển ở phía Bắc. Sau cửa sông mà tôi vừa nói đến [Bassac], bờ biển uốn lượn về hướng Đông Bắc cho đến một cửa sông nhỏ được gọi là Kênh Đông [Canal d’Orient]; sau đó nó duỗi về hướng Bắc ¼ Tây Bắc cho đến một cửa sông khác tên là Kênh Japanse tức là Kênh Nhật Bản, trông thẳng ra hòn đảo nhỏ được gọi là Ile des Crabes.” (d’Après de Mannevillette 1745 tr. 172)

Tương tự như vậy, bản đồ Gulf of Siam, Cambodia, Vietnam, Malaysia… của William Herbert xuất bản năm 1760 tại London cũng xác định vị trí của sông Nhật Bản chính là sông Tiền:

Hình 12. Carte plate du Golfe de Siam avec une partie… (de Mannevillette, 1745). Hình 13.  Gulf of Siam, Cambodia, Vietnam, Malaysia… (W. Herbert, 1760)

Năm 1798, Dayot, một kỹ sư Pháp cộng tác với Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh đã vẽ xong bản đồ Carte d’une partie de la mer de Chine, nằm trong tập bản đồ phục vụ cho giao thông đường biển tên là Le Pilote de Cochinchine. Năm 1799, J. Noirie cũng vẽ bản đồ hàng hải Chart of the China seas, trong đó sông Tiền được chú thích là sông Nhật Bản.

Hình 14. Bản đồ Carte d’une partie de la mer de Chine (Dayot 1798) Hình 15: Chart of the China seas (J. Norie 1799)

Đến năm 1862 E. Cortambert đã xác định rõ ràng như sau: “Sông Mêkong khi vào Nam bộ chia ra thành hai nhánh chính, nhánh Tây có tên là sông Ba-sak và nhánh Đông tên là Sông Nhật Bản hay sông Mỹ-Tho, cả hai đều chảy về hướng Đông Nam (Cortambert E. & Rosny L. de, 1862, tr.9). Tuy nhiên, có tác giả còn tỉ mỉ hơn khi nói sông Nhật Bản là sông Cửu Long đổ ra Cửa Tiểu: trong một bài viết đăng trên tạp chí ở Hà Lan năm 1919, Cabaton cho biết:

Japansche Rivier (sông Nhật Bản) mà nhiều bản đồ cổ của chúng tôi gọi là Canal d’Est, Canal d’Orient (kênh Đông [của sông Mêkong]), và người Hà Lan gọi là ‘t Japanse of ‘t Noordelijckste gadt, nghĩa là nhánh Nhật Bản hoặc nhánh phía Bắc, có lẽ là nhánh chếch về phía Đông nhiều nhất, mà cửa sông của nó được người Việt gọi là Cửa Tiểu” (Cabaton A. 1919, tr. 608).

Được biết tuyến đường này vào đầu thế kỷ XX vẫn là tuyến đường của tàu thuyền đi lại từ Sài Gòn đến Phnom Penh, như ghi nhận của A. Pouyanne (1908, tr. 9).

2.2.2. Một số tài liệu cho sông Nhật Bản là một con sông trong khu vực Sài Gòn

Nhiều bản đồ do người Hà Lan vẽ vào nửa sau thế kỷ XVII thể hiện vị trí của sông Nhật Bản trong lưu vực sông Vàm Cỏ ngày nay. Thật vậy, trong bản đồ đầu tiên có sông Nhật Bản được vẽ năm 1658-1659 (Hình 3), hay bản đồ của Peter Goos năm 1662 (Hình 4), hay của Nicolaes Visscher I năm 1670 tại Amsterdam, dòng chữ Iapans Riv. được đặt chếch về hướng Bắc đổ ra biển Cần Giờ. Và như đã nói qua ở phần trước, có lẽ bản đồ đầu tiên được vẽ ở ngoài biên giới Hà Lan là bản đồ của linh mục người Ý tên là Coronelli xuất bản tại Paris năm 1687, về vương quốc Xiêm và các vùng lân cận, trong đó có tên sông Nhật Bản, nhưng dòng chữ R. Japante (?) lại viết lệch bên trên, sát với đường biên giới Cambodia và Champa thời bấy giờ (Hình 5). Thậm chí mãi đến năm 1753, bản đồ Carte des Royaumes de Siam, de Tunquin, Pegu, Ava, Aracan… của Jakob van Schley vẫn còn đặt dòng chữ R. Japante dọc theo một dòng sông bắt nguồn từ vùng đồi núi phía Nam Trung bộ chảy ra biển Cần Giờ, song song với đường biên giới Camboie – Cochinchine thời bấy giờ, còn sông Tiền thì được gọi với tên quen thuộc thời ấy là Riv. De Camboi, và sông Hậu là Rivière Onbequame.

Hình 17: Bản đồ Carte des Royaumes de Siam, de Tunquin, Pegu, Ava, Aracan… (J. van Schley 1753).

Cũng chính vì dựa vào bản đồ được vẽ năm 1658-1659 do Buch in lại mà P.Y. Manguin đã nhắc lại rằng năm 1637, người Hà Lan xác định sông Nhật Bản nằm gần với biên giới giữa hai nước Campuchia và Champa (Manguin P.Y. 1981, tr. 261).

2.2.3. Có tài liệu cho là sông Nhật Bản chảy từ Biển Hồ

Như đã nói ở trên, trước khi lên đường đi Campuchia, đoàn Hagenaar mang theo một tài liệu hướng dẫn đã được soạn sẵn, và Hagenaar cũng đã trích một số đoạn, qua đó họ cho biết sông Nhật Bản là một trong các nhánh sông nối với Biển Hồ:

“Đó là một đất nước màu mỡ nhưng lại thưa dân. Có rất nhiều sông suối, ao hồ bắt nguồn từ một hồ lớn hay một biển nội địa, hồ này không chỉ cung cấp nước cho sông Nhật Bản khá rộng, mà còn cho cả sông Matsiam và sông Camboi chảy lệch về phía Đông, nhiều đến nỗi thường khi nước phải tràn bờ.” (Hagenaar H. 1706, tr 282-283)

Đoạn mô tả trên đây nhắc đến 3 nhánh sông: nếu nhánh Camboi chính là con sông mà nhiều tài liệu phương Tây gọi là sông Camboja, Camboje, Camboya hay Camboge, Cambodge, Cambodia…, còn nhánh Matsiam, cả hai đều chảy lệch về hướng Đông trước khi ra biển, tức là sông Tiền và sông Hậu theo cách gọi của người Việt, vậy sông Nhật Bản trong đoạn trên là sông nào? Trên thực tế là ngã tư Phnom Penh có 4 nhánh sông, ngoài hai nhánh sông Tiền và sông Hậu vừa nói, còn có một nhánh mà một số tài liệu xưa gọi là sông Lào (vì đó là đường đi lên vương quốc Lào), một nhánh chảy về Biển Hồ (Tonlé Sap) mà một số tài liệu gọi là sông Oudong. Vì thế chỉ còn khả năng là đoạn văn trên đây gọi sông Nhật Bản là nhánh sông nối Biển Hồ và Phnom Penh. Tại sao lại có sự khác nhau giữa tài liệu hướng dẫn được biên soạn trước khi Hagenaar lên đường và quan sát tại thực địa của đoàn Hagenaar? Dường như chỉ có cách giải thích có thể chấp nhận được là trong những ghi chép của các nhà thám hiểm thường khi có sự sai lệch với nhau trong các chỉ dẫn địa lý, vì địa bàn thám hiểm lạ lẫm, họ không có hoặc có rất ít thông tin tham khảo nên phải dựa vào những cảm nhận cá nhân hoặc nguồn tin thứ cấp góp nhặt được. Vì thế, những xác nhận tại thực địa của Hagenaar đã góp phần điều chỉnh những kiến thức địa lý trước đó mà người Hà Lan đã tổng hợp.

Thông tin tương tự cũng được tìm thấy trong tài liệu mô tả vương quốc Campuchia xuất bản năm 1726 của F. Valentyn, một tác giả Hà Lan có nhiều ghi chép về các hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan (Valentyn F. 1726, tr. 38). Hoặc trong bộ từ điển Le Grand Dictionnaire Géographique et Critique của A. A. Bruzen La Martinière, nhà nghiên cứu địa lý đầu tiên không phải người Hà Lan, được xuất bản năm 1730 tại Amsterdam (Bruzen La Martinière A. A., 1730, tr. 100-101).

2.2.4. Đó là cả dòng sông Mêkong

Cũng có tác giả cho rằng sông Nhật Bản chính là con sông mà ngày nay ta gọi là Mêkong. Thật vậy, khi nói về sông ngòi trong khu vực Đông Nam Á trong bộ sách được tái bản nhiều lần vào đầu thế kỷ XIX của Morse J. & Morse S. E., hai tác giả này đã viết như sau:

“Các sông chính [của vùng Viễn Ấn bên kia sông Hằng] là sông Nhật Bản, sông Meinam [Thái Lan] và sông Irawaddy [Myanmar]. Sông Nhật Bản là một trong các con sông lớn nhất ở châu Á. Nó bắt nguồn từ vùng rừng núi Tây Tạng rồi chảy qua vùng Tây Nam Trung Hoa, và đi ngang qua Lào và Campuchia, và đổ ra biển Trung Hoa. Nó dài 2.000 dặm, và ở từng vùng sông chảy qua nó có tên khác nhau, như sông Campuchia, sông Mekong, sông Cửu Long, v.v. (Morse J. & Morse S. E., 1822, tr. 247-248)

2.2.5. Có tài liệu cho rằng sông Nhật Bản là nhánh sông Hậu

Đây là trường hợp duy nhất cho rằng sông Nhật Bản là sông Hậu. Khi điểm lại sách của F. Valentyn, A. Cabaton đã viết như sau:

“Đó là sông Bassac hay sông Hậu (là sông Châu Đốc, tiếng khmer là Tonle Kròi, tiếng An Nam là Hậu Giang). Nó mang tên ấy là vì có một cộng đồng người Nhật theo đạo Thiên Chúa bị xua đuổi khỏi quê hương vì tôn giáo, và đến định cư trên hữu ngạn sông Mêkong, gần Phnom Penh. Còn sông Cambodia, đó là một nhánh sông Mêkong, được gọi là sông Tiền (hoặc sông Banam hay sông Mỹ Tho, tiếng khmer là Tonlé Mŭk, tiếng An Nam là Tiền Giang), còn sông Matsian và sông Simmeding có lẽ là các sông nhánh hay tên các cửa của sông Mêkong.” (Cabaton A. 1914, tr. 158)

Cũng cần lưu ý rằng năm 1919 cũng chính A. Cabaton nói về sông Nhật Bản (xem trích dẫn bên trên) hoàn toàn khác với bài báo này mà không có đính chính nào, điều đó buộc chúng ta nghĩ là những thông tin cũ không còn giá trị nữa.  

*

*       *

Qua liệt kê bên trên, chúng ta thấy dù các tài liệu có không ít thông tin dị biệt, nhưng phần đông các tài liệu cho rằng tên gọi Sông Nhật Bản được dùng để chỉ tuyến đường thủy mà các thương nhân Á – Âu thế kỷ XVII thường đi lại trên sông Mêkong để đi từ biển Đông đến thủ đô Campuchia. Nếu những tài liệu đầu tiên trong cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII còn mơ hồ về vị trí con sông này, thì dần dần các nhà địa lý đều đi đến thống nhất đó chính là sông Tiền, nhánh sông chính của dòng sông Mekong một thời đóng vai trò huyết mạch cho tàu thuyền phương Tây và trong khu vực đến giao thương với Campuchia.

  1. Giồng/Cồn/Xứ Nhật Bản và Rạch Nhựt Bổn

Khảo sát trên đây cho thấy là tài liệu phương Tây nói về sự hiện diện của người Nhật trên sông Cửu Long rất sớm, mà dấu ấn nổi bật là chữ Nhật Bản được dùng để đặt tên cho dòng sông dẫn từ biển Đông đến kinh đô Campuchia. Trong khi ấy, tài liệu xưa nhất của Việt Nam có nói về các địa danh liên quan đến Nhật Bản thì cũng chỉ được biên soạn xong vào năm 1806 (Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí). Vậy tài liệu phương Tây có chút ảnh hưởng nào đến các tài liệu của Việt Nam đã nói bên trên không? Không có chút manh mối nào giúp chúng ta có thể trả lời bằng câu khẳng định, vì dường như các sử quan triều Nguyễn không có điều kiện tiếp cận với nguồn tư liệu này. Vì thế, xét trên nhiều khía cạnh, cách gọi tên Giồng/Cồn/Xứ Nhật Bản là cách gọi thuần túy của người Việt, dựa trên sự quan sát của họ trên bước đường đi lập nghiệp phương Nam, rồi được lưu truyền trong sách vở.

Như đã nói ở trên, các địa danh Giồng/Cồn/Xứ Nhật Bản trong Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí, Gia Định thành thông chí, Đại Nam Nhất thống chí hay Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí, được các dịch giả chuyển sang chữ quốc ngữ không giống nhau. Có người dịch là Nhựt Bổn như Phan Khôi và Thượng Tân Thị, có người dịch là Nhựt bản như Nguyễn Tạo, hay Nhật Bản như Phạm Trọng Điềm, Phan Đăng: sự khác biệt này là do thói quen ngôn ngữ của người dịch, và tùy theo thời đại mà các dịch giả đang sống, chứ trong nguyên văn đều ghi là 日本 (chẳng hạn như trong 日本洲 và 日本阜). Thế nhưng dạng chính tả Nhưt Bổn/Nhut Bon được ghi trên các bản đồ do người Pháp vẽ năm 1885 và 1889 (Hình 1 và 2) thì có lẽ đó là vết tích của đặc điểm phát âm của cộng đồng dân cư sở tại, chớ không phải là thói quen ngôn ngữ của các cá nhân biên soạn tài liệu. Thật vậy, các bản đồ năm 1885 và 1889 là sản phẩm của việc điều tra thực địa của các kỹ sư người Pháp nên chúng ta có quyền tin là nó đã ghi lại cách phát âm của người dân bản địa: cách gọi Nhựt Bổn hay Nhựt Bản ngày nay ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá thông dụng, còn Nhật Bản là từ ngữ đang thịnh hành trên cả nước. Cũng cần ghi nhận thêm là khi dịch Gia Định Thông chí ra tiếng Pháp, G. Aubaret đã viết “giong de Nhut-bôn” để dịch “giồng Nhựt Bổn” và “île de Nhut-bôn” để dịch “cồn/cù lao Nhựt Bổn” với giải thích chữ “giong” là “élévation de terrain” (gò đất) (Aubaret G. 1863, tr. 43 và 203).

Ngoài ra, thắc mắc sau đây cũng rất chính đáng, cần phải quan tâm: liệu có phải các kỹ sư người Pháp dịch chữ “rivière japonaise” của các tài liệu phương Tây đã nói ở trên ra chữ quốc ngữ “Rach Nhut bôn” không? Theo chúng tôi, có lẽ câu trả lời là không, vì như đã trình bày bên trên, tuy khái niệm “rivière japonaise” của các tác giả phương Tây tương ứng với nhiều vật quy chiếu khác nhau, nhưng trong tất cả bản đồ cũng như tài liệu của họ không có trường hợp nào nó được dùng để chỉ một lạch nước nhỏ dài khoảng mười cây số, bắt nguồn từ một khu rừng tạp mọc trên một bãi bồi ven biển phía Nam Cửa Đại, chảy theo hướng Đông – Tây. Và vì tàu thuyền đại dương không thể lưu thông trên con rạch này được, nên chắc rằng “Rach Nhut bôn” không hề có vai trò gì trong sự giao thương với Campuchia trong các thế kỷ trước. Nói cách khác, tên gọi Rạch Nhựt Bổn cũng giống như Giồng/Cồn/Xứ Nhật Bản, là sản phẩm của sự tương tác giữa người Việt với thiên nhiên tại vùng đất mới ở cửa Đại, chớ không liên quan đến người Hà Lan.

  1. Thay lời kết luận

Tóm lại, theo ghi chép trong các tài liệu phương Tây, sông Nhật Bản được các đoàn thương nhân người Hà Lan sử dụng đầu tiên vào những năm 1630, ban đầu nó xuất hiện trong các bản đồ vẽ tay rồi sau đó mới xuất hiện trong bộ sách tường trình về các chuyến đi của Công ty Đông Ấn Hà Lan VOC được xuất bản trong những năm 1702-1706 tại Amsterdam. Dù có nhiều thông tin khác nhau về việc định vị sông Nhật Bản, nhưng tựu trung lại đa số tài liệu cho là sông Nhật Bản chính là sông Tiền của dòng sông Cửu Long ngày nay.

Về các địa danh Giồng/Cù lao/xứ/Rạch Nhựt Bổn, không có chi tiết nào cho phép tin rằng Sông Nhật Bản mà người Hà Lan thế kỷ XVII đã gọi, chính là R. Nhut Bôn hay Rach Nhut Bôn trong bản đồ của người Pháp đã nói ở trên.

Về nguồn gốc tên gọi sông Nhật BảnGiồng/Cù lao/xứ/Rạch Nhựt Bổn chúng tôi sẽ cố gắng khảo sát trong một bài viết sắp tới.

Dựa theo các tài liệu đọc được, trên đây chúng tôi đã trình bày những kết quả tìm kiếm của mình về các địa danh mang dấu ấn của người Nhật trên lưu vực sông Cửu Long. Chắc chắn rằng còn không ít tài liệu khác đang nằm đâu đó trên thế giới có thể bổ sung cho việc tìm tòi này, và chúng ta hy vọng rằng sẽ có ngày nó được số hóa và được phổ biến rộng rãi để mọi người có thể đọc được và điều chỉnh những sai sót có thể có trong bài viết này.

(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 10/2022)


Tài liệu tham khảo

Aubaret G. 1863. Histoire et Description de la Basse Cochinchine. Paris: Imprimerie Impériale.

Bruzen La Martinière A. A., 1730. Le grand dictionnaire géographique et critique, Quyển 2, Phần 2. La Haye: Chez P. Gosse, & P. De Hondt.

Buch W.J.M. 1937. La Compagnie des Indes néerlandaises et l’Indochine. Tạp chí BEFEO, số 37.

Cabaton A. 1914. Les Hollandais au Cambodge au XVIIe siècle. Tạp chí Revue de L’Histoire des Colonies françaises, 2e trimester 1914.

Cabaton A. 1919. Les Hollandais au Cambodge et au Laos au XVIIe siècle. Tạp chí Tijdschrift van het Koninklijk Nederlandsch Aardrijkskundig Genootschap số 36. Leiden: Brill.

Cortambert E. & Rosny L. de, 1862. Tableau de la Cochinchine. Paris: Armand le Chevalier, Editeur.

D’Après de Mannevillette 1745. Routier des côtes des Indes Orientales et de la Chine. Paris: Chez J.B. Delespine Imp. & Lib. Ordinaire du Roy.

Hagenaar H., 1706. Voiage aux Indes Orientales. Trong quyển 5 bộ Recueil des voiages qui ont servi à l’établissement et aux progress de la Compagnie des Indes Orientales formée dans les Provinces Unies des Païs-bas. Amsterdam: Etienne Roger, Libraire.

Lê Quang Định 2005. Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí (Phan Đăng dịch). Huế: Nxb Thuận Hóa.

Manguin P.Y. 1981. Études cam. IV. Une relation ibérique du Campa en 1595. Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, No 70.

Morse, J. & Morse, S. E. 1822. A New System of Geography, Ancient and Moderne. Boston: Richardson & Lord.

Pouyanne A., 1908. Etude sur les voies d’eau de la Cochinchine. Saigon: Imprimerie Commerciale Marcellin Rey.

Quốc sử Quán triều Nguyễn, 1959. Đại Nam Nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, tập thượng (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch). Sài Gòn: Nha Văn Hóa, Bộ Quốc Gia Giáo dục.

Trịnh Hoài Đức 2005. Gia Định Thành Thông Chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải). Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai.

Valentyn F. 1726. Beschryvinge van onsen handel in Cambodia. Trong Omſtandig Verhaal van de Geschiedenissen en Zaaken het Kerkelyke ofte den Godsdienst Betreffende, zoo in Amboina…  quyển 3. Dordrecht & Amsterdam: Johannes van Braam, Gerard onder de Linden.

(1) Theo dịch giả Phan Đăng, 1 tầm dài 1,825 mét (2005, tr.8), nghĩa là sông Vàm Nao thời ấy chỉ rộng hơn 16 mét.

(2) Có lẽ tác giả bản đồ này dịch lại cách gọi Caranguejo của người Bồ Đào Nha. Bản đồ của Guillaume de L’Isle (1705) thể hiện đảo này rất lớn nằm ở cửa sông, có thể ngày nay đã thành đất liền. Trịnh Hoài Đức có nói đến cồn Tiểu Hải ở Cửa Đại, không biết đó có phải là Đảo Cua này không, tuy nhiên các bản đồ đầu thế kỷ XX thì không thấy Đảo Cua, nhưng tại vị trí cửa Đại có một đảo tên là Ilo Ilo. Hiện nay ở cửa Đại có một cồn tên là Cồn Ngang, tuy nhiên đây có vẻ là cồn mới nổi sau này.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s