Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 26

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 26 :  MỘT NỤ HÔN VĨNH BIỆT

1 Tù Nhân

Ít người bận tâm về kết quả của hòa đàm Paris nhiều hơn số lượng gần 600 tù binh Mỹ ở Miền Bắc. Phần đông là phi hành đoàn,  bị giam giữ trong hoặc quanh Hà Nội. Tuy nhiên,  khoảng 20 hoặc 30 bị bắt ở Miền Nam  – con số thay đổi giữa những năm 1965 và 1973 – được phân bổ tại các trại trong rừng quanh biên giới Cao Miên. Đứng đầu trong số này là sĩ quan ngoại vụ Doug Ramsey, nằm trong tay VC từ tháng giêng 1966. Trong thời kỳ đầu giam cầm ông ở trong một lồng tre ngắn hơn thân hình suy dinh dưỡng của mình, bị nhiễm trùng vì kiến cắn, bò cạp chích, mối mọt và muỗi mòng. Ông được phép cạo râu, lưỡi dao cùn nên khá đau rát, chỉ mỗi tháng một lần. Ông nhận được thư 2 lần trong 7 năm, và có lần 7 tuần liền không được dịp tắm. Có thời gian ông ở chung buồng với một con rắn cạp nong khoang vàng đen dài gần 2 mét mà ông bắt gặp trên giường. Cuối cùng nó bò ra ngoài, bị lính gác phát hiện và giết chết.

Thoạt đầu, Ramsey ra sức thuyết phục những người bắt ông rằng mình là một viên chức dân sự không quan trọng. Họ hỏi, không phải là không có lý: thế thì tại sao ông có khẩu cac-bin AR-15? Còn các quả lựu đạn trong thùng xe của ông thì sao? Về phần việc ông cho mình là không quan trọng,  người cộng sản phát hiện rằng tờ Washington Post đã mô tả ông là ‘người tù binh quan trọng nhất bị bắt từ trước đến nay ‘, cấp bậc trung tá. Hảng thông tấn AP cho rằng ông là ‘một trong các sĩ quan hiểu biết nhất trong hàng ngũ dân sự của sứ mạng Hoa Kỳ ‘. Ông là người có trình độ văn hoá cao,  có quan điểm chiến tranh chịu ảnh hưởng của Thucydides và Tôn Tử. Cha ông là một viên chức nhà nước hưu trí,  một người thuộc thời kỳ Chính sách Kinh tế Mới  (New Deal) đã kinh qua những khó khăn của thời Suy Thoái, và Doug bị lây nhiễm quan điểm yếm thế của cha mẹ đối với những viên chức được bổ nhiệm vì  chính trị trong ngành công vụ, so sánh họ một cách thiếu ưu ái với những người có nghiệp vụ liêm khiết. Theo học Trường Harvard Graduate, nơi ‘Mac’ Bundy là một trong số các thầy ông,  ông trải hai năm trong ngành tình báo Không lực Hoa Kỳ ở Nhật và Okinawa. Sau một thời gian làm việc trong tổ đặc trách Lebanon của Bộ Ngoại giao,  ông từ chối lời mời chuyển về CIA, vì ông luôn nghĩ không hay về James Bond. Nhưng phe bắt giữ ông mặc nhiên nhìn nhận ông là sĩ quan tình báo. 

Ramsey và các tù binh khác xen kẻ bị giam giữ cùng với ông được miễn tra tấn trong khi các tù binh ở Hà Nội vẫn bị hành hạ mãi đến năm 1969, nhưng chịu cảnh thiếu thốn tồi tệ hơn. Họ không hề biết khi nào mình sẽ bị hành quyết, như số phận của một số người Mỹ khác đã rơi vào tay VC. Ramsey nghe nói các tù binh Mỹ như Trung sĩ  Ken Roraback và Đại uý Humbert Versace đã bị hành quyết không lâu trước khi ông bị bắt. Họ bị dẫn đến bàn như thể đi dự tiệc, rồi bị bắn ngay ót từ phía sau. Ông xin, nếu phải chịu cùng cảnh ngộ, hãy cho ông 15 phút để viết thư cho cha mẹ. Trong hai năm đầu những người giam giữ ông luôn duy trì một tình trạng khủng bố có tính toán,  khiến ông luôn mất ngủ và gặp ác mộng bị hành hình: ‘Tôi không biết làm sao mình đã giữ vững được về mặt tâm lý.’

Ông bắt buộc phải xin phép lính gác mới được ngồi dậy, nằm xuống,  đánh răng: lệnh được nhấn mạnh bằng một hồi còi. VC bắn người Mỹ nào nhất định không chịu hợp tác. Nhờ biết nói tiếng Việt, Ramsey thường tạo dịp trao đổi, bảo với những người bắt giữ  – một cách chân thành  – rằng anh tán thành chủ nghĩa xã hội làng quê cho xứ sở mình. Khi ông cuối cùng ký tên vào một phát biểu tuyên truyền cho tác dụng này, có nhiều tranh luận trong số các cán bộ về việc liệu lời lẽ trong phát biểu đó có đủ khiêm tốn hay không.  Ramsey thường bị hỏi gặng nhiều lần về – chẳng hạn  – có bao nhiêu binh lính Mỹ có thể tung vào cuộc xâm lăng Miền Bắc.  Ông dự đoán 400,000 – 700,000, khiến một cán bộ hài lòng nói, ‘Giờ thì cho ông một con đường sống.’ Nhưng tình trạng gần như chết đói cứ luôn là chuẩn mực.  Một số tù binh chết vì họ không chịu nổi chế độ ăn – một tình trạng khó ăn chết người đã được biết đối với các tù binh Mỹ ở Bắc Triều Tiên. Thiếu tá TQLC Don Cook, ngược lại, tự ép mình phải ăn thức ăn mình đã nôn ra.

Ramsey mắc đủ thứ bệnh – sán móc, sưng phổi, xco-buýt (thiếu vitamin C), viêm gan, tê phù. Bệnh sốt rét rừng hành hạ cả hai bên đối thủ không phân biệt, và trại phó trong số những người chết vì nó; còn bản thân ông trải qua 123 cơn sốt rét. Tất nhiên,  cũng có tiêu chảy và các biến thể amip. Chỉ cần một vết thương nhẹ nhất cũng dễ bị nhiễm trùng.  Ramsey sau này viết về tình cảnh của chính mình và của bạn bè trong tù: ‘Mỗi chúng tôi đã rút lại chỉ còn da bọc xương, một bản sao đáng buồn quá ngỡ ngàng của con người bằng xương bằng thịt trước đây của mình … lúc này lúc nọ quá yếu đến nỗi phải được bạn tù dìu đi đến cầu tiêu – thường khi đã quá muộn. Cho đến khi đã trở nên quen với điều kiện cuộc sống trại tù, ít có chuyện gì có thể sỉ nhục hơn nữa đối với những con người đã trưởng thành – nhất là trong một nhóm người chỉ toàn là những TQLC dạn dày và các sĩ quan lực lượng đặc nhiệm gan lì. Tuy nhiên,  tệ hơn là nỗi nhục khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên bãi phân của chính mình hàng giờ liền hoặc thậm chí nhiều ngày vì bạn bị cùm và đang bị giam riêng.’ Một tù binh có lần đi cầu 84 lần chỉ trong một ngày đơn lẻ.

Ramsey mô tả trận lên cơn sốt rét, đi kèm với co rút, rét run dữ dội và mất kiểm soát đường ruột.  Dưới cơn mưa bão, ‘tôi ráng chầm chậm  lết qua bùn đi hết chiều dài dây xích, đoạn đào một lỗ nhỏ, phọt ra luồng tiêu chảy, rồi lảo đảo trở lại  – mọi thứ mà không bất tỉnh, nhờ bám vào một số thân cây hoặc cột.’ Rồi ông bắt hụt chiếc võng và té ngã xuống lớp nước bùn, ngồi đó đến 10 phút sau mới đứng lên nổi, ‘yếu đến nỗi không chửi thề nổi’. Suốt bốn ngày sốt cao ông không ăn uống gì được: giai đoạn ác tính dây dưa đến nửa tháng.  Một bạn tù, Binh nhì Charlie Crafts ở Maine, mô tả cảm giác: ‘Bạn cảm thấy như có ai đó đã ấn vòi của máy hút bụi vào hậu môn bạn rồi hút ra tất cả nội tạng của bạn.’ Tại một thời điểm trong một cơn sốt, Ramsey lên cơn co giật, khiến các bạn tù của ông ngỡ ông đã tận số rồi.

Họ mặc cùng một bộ pyjama đen như các lính gác,  và trải nhiều thời gian dài bị cột vào thân cây, ‘một dây xích nặng cọ sát mắt cá và một ống khóa lớn nện mạnh vào xương mắt cá bạn.’ Lao động tay chân trở nên nặng nhọc đối với những con người yếu nhớt này,  thành ra mỗi lần được lệnh bửa củi là Ramsey xây xẩm. Vào mùa đông 1969 các tù bình bị buộc phải dựng trại mới cho mình, một công việc phải mất đến 5 tuần.  Căng thẳng dâng cao khi các tù binh tranh luận ai làm và ai không làm phần công việc của mình. Vì họ không thể to tiếng với các VC, nên đổi lại họ xài xể nhau vì tiếng ngáy hoặc xì hơi. Nhưng Ramsey không để bụng lâu đối với các bạn tù dù cho một số it họ xử sự tồi tệ,  trong đó có hai chủ thầu dân sự. ‘Phần đông các tù binh chính mình đã chịu gian khổ cùng cực nên có khuynh hướng không phán xét nhỏ mọn với người khác, cho dù họ đã rạn nứt trong chốn lao tù.’

Tại một thời điểm Trung ương Cục Miền Nam chỉ thị nên thả Charlie Crafts. Các lính gác họp nhau chống đối, đề nghị nên thả Don Cook thay thế,  bởi vì anh đã ở tù 2 năm. Tuy nhiên,  Cook năn nỉ thành công nên cho Crafts là người cực kì may mắn thay mình, vì toàn bộ cơ thể anh đã bệ rạc. Sau một vài năm, một cán bộ cao cấp đến thăm trại bảo với Ramsey rằng trên đã quyết định ông được bảo toàn mạng sống, miễn là ông không tìm cách trốn thoát. Khi Cook bảo với quan chức Việt ấn tượng này chính mình là một tín đồ Công giáo,  người cán bộ nhanh nhẩu đáp lại: ‘Pax hominibus bonae voluntatis’ – ‘Bình an cho người thiện tâm.’ Khi Ramsey và Cook được phép nói chuyện, họ tranh luận say sưa về Cơ đốc giáo. 

Trong quá trình 7 năm, Ramsey chỉ được cho phép đọc 5 cuốn sách – Tom Sawyer, Ba Người Đàn Ông Trên Một Con Thuyền, David Copperfield và hai tác phẩm của tác giả cộng sản Úc Wilfred Burchett. Kinh Thánh bị công khai ngăn cấm, khiến một số tù binh lấy làm khổ sở. Có lần Ramsey và Cook nghe lóm được một chương trình hoà nhạc Bach trên đài BBC: ‘Cả hai chúng tôi bật khóc như một đứa trẻ.’ Trong năm bị giam cầm thứ 5 Ramsey kiếm được một bộ bài, và tha hồ chơi bài solitaire. Về phần những ước mơ của mình,  ‘Tôi thỉnh thoảng mường tượng mình đang mặc bộ vét bằng vải sakin của nhà Brooks Brothers có giá $600 và mang một đôi giày  Florsheim Imperials, đứng chụp ảnh bên cạnh một người mẫu hấp dẫn làm dáng trên mui một chiếc Mercedes 600 bên ngoài khách sạn resort lớn nhất ở Las Vegas Strip – rồi gửi một bức ảnh màu cỡ 16 x 20 in-xơ có đóng khung và ghi chú ‘ước gì anh có ở đây’ cho một lính gác VC mà các sở thích của y tôi tin là cũng hướng đến các điều ấy. Nhưng những hình ảnh này dường như không quan trọng bằng mặt trời của Van Gogh rực rỡ trên cánh đồng của Van Gogh, hoặc một bồn tắm nước ấm, Coca Cola,  đối thoại và nhạc cổ điển cao cấp cường độ 90 decibel.

Ramsey suy tư nhiều về triết lý và cơ học lượng tử: ‘Vì không thể kiểm soát được hoàn cảnh trong góc xó xỉnh này của tôi,  dường như là điều hợp lý để suy ngẫm  về vũ trụ.  Đó là trò thủ dâm trí tuệ.’ Cũng đôi khi có được ít khoảnh khắc tức cười trong những tháng năm khổ ải dằng dặc đó: tiếng cười bộc phát thường là vào những việc bất ngờ ngốc nghếch, chẳng hạn cảnh tượng một chú gà rơi xuống hầm cầu, vỗ cánh bay ra, rồi vẫy lông cánh bắn chất dơ vào người gã cán bộ không ai ưa.

Có lần một tù binh vắng mặt vì bịnh nặng, những người khác được cho ăn thịt khỉ. Một tù binh gắp lên một bàn chân khỉ trong đĩa mình và xem xét nó rất điệu: y nói y muốn biết chắc là mình không ăn phải người bạn tù bị ốm nặng. Thỉnh thoảng bệnh tật giết chết một tù binh, luôn gây cho bạn tù một cú sốc tinh thần lớn. Cook, mà Ramsey mô tả như là ‘người tù binh ấn tượng nhất tôi từng gặp  – tôi cần có anh để nâng đỡ tôi và cổ vũ tôi bằng cách làm gương’ – chết vì sốt rét rừng vào năm 1967. Ramsey mô tả bệnh hư thận là nguyên nhân Thiếu tá cố vấn John Schumann qua đời, mặc dù người quân nhân còn chính thức được ghi là mất tích.

May cho tinh thần của Ramsey khi chỉ rất lâu sau này ông biết được lẽ ra mình có thể được ra tù 18 tháng  trước thời hạn thử thách của ông, nếu Washington đồng ý. Vào tháng 12 1970 Nguyễn Tài trở thành một trong số các cán bộ cao cấp nhất bị lọt vào tay Sài Gòn, trong 6 năm trời y chỉ đạo tổ gián điệp và hoạt động khủng bố tại thủ đô Miền Nam.  Vào tháng 10 1971 CQCMLT đề nghị trao đổi: Tài và một cán bộ cao cấp khác đổi lấy Doug Ramsey.  Không quan chức nào của Thiệu hoặc CIA đồng thuận cách giải quyết đó. Đặc biệt là Tài, họ nói, là nhân vật quá quan trọng: y phải ở lại khám cho đến khi Sài Gòn thất thủ. Còn số phận của Ramsey thì phải đợi kết quả hòa đàm Paris. 

2 ‘Hòa Bình’

Đầu năm 1973, khi một tàu sân bay lớp Essex rời San Francisco trong chuyến triển khai cuối cùng tại Vịnh Bắc Việt, phi hành đoàn và thủy thủ nhìn chăm chăm với vẻ ngạc nhiên u ám dòng xe cộ tắc nghẽn ở hai bên đầu cầu Golden Gate (Cổng Vàng) hoang vắng. Cây cầu đã bị cảnh sát phong tỏa, đề phòng những người phản chiến bỏ đá hoặc thậm chí thuốc nổ xuống con tàu đi qua bên dưới. Nhưng giờ đây,  cuối cùng, người Mỹ đang tiến gần điểm khởi hành, cho dù nhân dân bất hạnh Việt Nam bị khước từ lối đi đến cùng cánh cổng đó. Vào năm 2013,  Henry Kissinger liệt kê các thay đổi trong dự thảo hiệp định Paris tháng 10 1972 đã đạt được, ông nói, do kết quả của vụ dội bom Giáng sinh: quyền vô giới hạn cho người Mỹ tiếp tục cung cấp quân nhu và trang thiết bị cho Miền Nam; cộng quân rút lui khỏi Lào và Cao Miên; củng cố bộ máy kiểm soát nội bộ (‘Tất cả các điều này là nhảm nhí, nói thật đó,’ Kissenger đã nói riêng với Nixon vào ngày 12 tháng 10 1972, ‘ … nhưng sẽ nghe khoái lỗ tại đối với những kẻ yếu lòng, đầu óc non nớt’); những sửa đổi kỹ thuật nhỏ nhoi.

Điểm đầu tiên đã được giải quyết từ bốn tháng trước. Các quy định khác hoặc là tầm thường, hoặc chắc chắn không bao giờ được người cộng sản tuân thủ. Kissinger cũng nhấn mạnh rằng, được cho là kết quả của vụ dội bom, vào tháng giêng 1973  Lê Đức Thọ, người đối thoại với ông, có động thái nhanh chóng đồng ý điều được biết đối với lịch sử là Hiệp định Paris. Vậy mà tháng 10 vừa qua, Miền Bắc đã rất tức tối khi người Mỹ không chịu ký tên vào dự thảo mà trên mọi phương diện quan trọng không khác gì thỏa thuận bây giờ.  John Negroponte thuộc Bộ Ngoại giao chua chát nói: ‘Chúng ta ném bom người Miền Bắc bắt họ chấp nhận các nhượng bộ của chúng ta.’

Sự thay đổi lòng dạ có tính quyết định vào tháng giêng xảy ra không phải ở Hà Nội,  mà tại Sài Gòn. Dưới sức ép từ hai diều hâu nổi tiếng, Thượng nghị sĩ Barry Goldwater và John Stennis, Tổng thống Thiệu miễn cưỡng nhượng bộ. Vào ngày 23 tháng giêng một thỏa thuận được thông báo từ Phòng Bầu Dục: Tổng thống Nixon bảo với nhân dân Mỹ rằng tiếp theo một cuộc ngừng bắn toàn diện, tù binh của chúng ta sẽ hồi hương trong vòng 60 ngày. Ông kêu gọi thực thi nghiêm chỉnh các điều khoản của Hiệp định. ‘Hoa Kỳ, ‘ ông nói, ”sẽ tiếp tục công nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hòa như là một chính quyền hợp pháp duy nhất tại Miền Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục viện trợ Miền Nam trong khuôn khổ của Hiệp định và chúng ta sẽ hậu thuẫn những nỗ lực của nhân dân Miền Nam nhằm giải quyết các vấn đề của họ một cách hoà bình. ‘

Ông mơ hồ một cách có tính toán về hậu quả của các vụ vi phạm: ‘Chúng ta sẽ làm mọi việc mà hiệp định yêu cầu chúng ta và chúng ta hy vọng các phe bên kia cũng làm theo những việc mà hiệp định yêu cầu họ.’ Phần đông người Mỹ tin rằng sự cứng rắn của Nixon,  phản ánh trong chiến dịch Giáng sinh,  đã tranh thủ được hoà bình vốn từ lâu đã lẩn tránh các chính quyền nối tiếp nhau. Tỷ số tán thành cá nhân Nixon tăng vọt đến 68 phần trăm.  Vào ngày 27 tháng giêng,  ngoại trưởng William Rogers ký tên vào hiệp ước Paris: 27,000 binh sĩ và cố vấn Mỹ cuối cùng bắt đầu hồi hương,  một tiến trình hoàn tất vào ngày 29 tháng 3. 21,000 người Mỹ đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của Nixon, nhiệm kỳ được cho là được trang bị một kế hoạch cho hoà bình. Các tù binh cộng sản được hồi hương xé quần áo mà chính quyền Sài Gòn  phân phát cho họ, ném xuống quân xa chở họ về phía bắc  qua Vùng PQS theo một cử chỉ biểu tượng giống với các tù binh Bắc Triều hồi hương sau đình chiến 1953. Tại Hà Nội, có bắn pháo hoa tưng bừng ăn mừng. 

Kissinger bảo với chủ nhân mình rằng ông sợ đến khiếp là quân Miền Bắc sẽ phát động một cuộc công kích chủ chốt để hoàn thành việc thống nhất ngay mùa thu đó, dấy lên một vấn nạn đầy ác mộng cho hành pháp là làm cách nào đáp ứng nếu điều đó xảy ra. Nixon nói với Haldeman chiều tối hôm đó ngày 14 tháng 3: ‘Vâng, Henry hoàn toàn đúng.  Chúng ta phải làm mọi việc có thể để bảo đảm Hiệp định được tuân thủ trong một thời gian,  nhưng qua vài năm kể từ bây giờ,  thì không ai còn màng đến những gì xảy ra ở Việt Nam. ‘ Rồi tổng thống bắt đầu bực dọc với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, mà ít biết rằng chính mình cũng sẽ bị trục xuất khỏi Nhà Trắng vì vụ bê bối Watergate vào tháng 8 1974, trước khi những chuyện này xảy ra.

Theo điều khoản của Hiệp định, Miền Nam phóng thích 26,508 tù binh cộng sản, trong khi Miền Bắc thả tự do cho 4,608 binh lính VNCH, 588 người Mỹ và 9 công dân của các quốc gia khác. Chuyến trở về của các tù binh Mỹ, gần như tất cả đều bay từ Hà Nội,  mở ra những cảnh tượng đầy xúc động ở quê nhà, càng tăng dữ dội khi những  đau thương của họ trong chốn giam cầm được phơi bày. Nhiều cảnh đời đã thay đổi kể từ lúc họ ra đi. Phi công chiến đấu Đại tá Fred Cherry, vắng mặt gần 8 năm, nhận ra vợ mình đã có con với một người đàn ông khác, và hai con trai ông đã bỏ học trường trung học; bà Cherry đã phung phí hết tiền tiết kiệm của gia đình.  Đại uý Norm McDaniel rất sùng đạo chịu đựng một cú sốc văn hoá: anh choáng váng trước cảnh tình dục trắng trợn trong phim ảnh,  việc công khai đồng tính luyến ái,  quần áo tô mầu loè loẹt và thắt lưng to bản của các ông,  giá hàng hoá dường như cao ngất ngưởng.  ‘Tôi trở lại với khung thời gian 1966. Chúng tôi biết rất ít về bạo loạn và các vụ ám sát.  Tôi gặp trục trặc về ký ức. Tôi học cách chọn lựa những gì cần tập trung.’

McDaniel tìm được tấm chăn thoải mái của sự thân thuộc bằng cách vẫn ở lại nhiệm vụ hoạt động cho không lực. Hơn nữa,  anh có đủ lòng độ lượng để cảm thấy thương hại cho người Miền Bắc mà anh bỏ lại phía sau: ‘Tôi trở về với tình trạng tốt đẹp hơn. Còn họ vẫn phải chịu đựng nhiều hơn trong cùng một cảnh ngộ.’ Anh mới 35 tuổi, nhưng việc thiếu vitamin đã khiến cấu trúc xương của anh xuống cấp như xương một đứa trẻ sáu tuổi.  Anh nói: ‘Nước Mỹ đối xử với những tù binh chúng tôi tốt hơn đối với cựu binh bình thường. Nhiều người cần chấp nhận quá khứ  – và không làm được.’ Một số các tù binh trước đây phục hồi hoàn toàn thể chất và tâm lý, và tiếp tục xây dựng những sự nghiệp thành đạt bên ngoài lực lượng vũ trang, nổi bật trong số đó là Thượng nghị sĩ John McCain. Những người khác không bao giờ trút bỏ được nỗi đau và ký  ức.

Trước khi Dough Ramsey và những người Mỹ khác bị bắt giữ ở Miền Nam được phóng thích,  chỉ huy trại lên lớp với họ. Sau khi được thả ra, ông nói, một thời kỳ cay đắng ắt hẳn không sao tránh khỏi, và trong một mức độ nào đó điều này là xứng đáng.  Mặc dù trong cảnh chiến tranh tình trạng thiếu thốn của các tù binh là không sao tránh khỏi,  còn những khiếm khuyết khác là do khuyết điểm trong hành vi của VC. Dù sao ông cũng hy vọng rằng , là những con người chín chắn,  những tù binh Mỹ nên nhận thức rằng mình may mắn mới được cho phép sống, trong khi bắn họ một phát là thuận tiện hơn nhiều.  Ông hy vọng rằng các tù binh sẽ thuyết phục các đồng bào mình đừng lặp lại ở nơi khác việc can thiệp như ở Việt Nam. Bản thân đã sống cuộc đời của những kẻ ‘vô sản’, họ có thể hiểu rõ cảnh ngộ khó khăn của những người buộc phải tồn tại mà thậm chí không còn hy vọng sở hữu. Đáp ứng tức thì của hầu hết người Mỹ lắng nghe là mỉa mai,  đúng ra là khinh thị: không ai sẽ đi về nhà và trở thành một ‘chiến binh của tự do’. Tuy nhiên, Ramsey sau này kết luận rằng những gì người cộng sản nói chứa một phần sự thật, ‘và thậm chí sự sáng suốt sâu sắc ‘.

Doug Ramsey được phóng thích năm 1973 sau 7 năm bị VC giam cầm gian khổ, bên phải là Frank Scotton

Họ được phóng thích, 27 người tất cả, vào ngày 12 tháng 2 1973 tại Lộc Ninh, tại đó đồ đạc cá nhân của ông được trả lại. Jim Rollins được trao lại một đồng hồ Seiko rẻ tiền, mà một cán bộ bảo với anh để thay thế cho đồng hồ Rolex vàng của anh, bị mất ‘do bất trắc của thời chiến ‘. Rollins liền nổi nóng, ‘Quỷ tha ma bắt! Tôi đã thấy chiếc Rolex ở trên tay của em họ cán bộ chỉ cách đây vài tuần!’ Một đại tá cộng sản tại buổi trao trả tù binh xin phép đại diện của họ, trong đó có cả bạn cũ  Frank Scotton của Ramsey, được quan sát buồng lái chiếc trực thăng to lớn của người Mỹ. Ông nói ông hy vọng con trai mình có thể một ngày đến du học tại Hoa Kỳ. Đối với các đối thủ của ông dường như đây là một phát hiện thoáng qua về nhận thức của người Miền Bắc biết rõ những hạn chế của xã hội mình. Các tù nhân sững sờ khi biết rằng, vào phút cuối cùng trước khi được phóng thích, một đứa con của một lính gác đã bị giết và một đứa khác đã mất một cánh tay trong trận oanh tạc Giáng sinh tại Hải Phòng.  Người đàn ông này tuy vậy vẫn bắt tay họ, chúc họ bình an, và tặng họ khẩu phần thuốc lá của mình. Ramsey nói rằng đây đúng là cử chỉ ấn tượng nhất mà y có thể làm cho chính nghĩa của mình: ‘Phần đông người Mỹ, dưới tình huống như thế, ắt phải bị kiềm chế để khỏi chộp lấy một khẩu AK-47 và tiến hành một trận tàn sát kiểu Mỹ Lai đối với các tù binh Mỹ tại chỗ.’

Đến hôm nay, một số diều hâu tin rằng nếu Nixon còn ở lại Nhà Trắng,  ông ta ắt sẽ tung ra sức mạnh của không lực để giải cứu chế độ Sài Gòn  khi quân Miền Bắc mở cuộc công kích cuối cùng.  Nhưng trong tháng 2 và tháng 3 1973, tổng thống đã làm rõ – trong một dịp gặp gỡ các tù binh hồi hương  – rằng ông xem việc khởi động lại hành động quân sự như là điều bất khả chính trị. Vào ngày 29 tháng 6, lãnh đạo thiểu số Hạ viện Gerald Ford làm sửng sốt Quốc Hội khi tuyên bố rằng Tổng thống sẽ ký một Dự luật ngăn cấm mọi hoạt động tác chiến của Mỹ trong, trên và ngoài khơi của bốn bộ phận Đông Dương  – việc này, chỉ hai ngay sau khi ông phủ quyết lập pháp cấm việc Mỹ đánh bom Cao Miên. Dự luật này được thông qua thành luật – với 278 phiếu chống 124 phiếu trong Hạ viện,  64-26 trong Thượng viện  – sau khi Ford nói qua điện thoại với Nixon tại San Clemente, để bảo đảm ông hiểu đúng ý định của vị tổng tư lệnh. Mặc dù sau này Nixon đổ tội cho Quốc Hội đã để cho Miền Nam sụp đổ, tài liệu ghi chép chứng tỏ rằng ông đã tự ý từ bỏ quyền tự do hành động của mình.  Không mấy nghi ngờ về động lực: nếu, hoặc một cách thực tiễn hơn khi,  cuộc công kích cuối cùng của Miền Bắc xảy ra, Nixon không muốn dự phần vào một vấn nạn là phải liệu tiến hành thế nào cho một cuộc can thiệp mới.

Mặc dù không có băng ghi âm cuộc đối thoại tại San Clemente,  vào ngày 29 tháng 3 tại Washington ông bảo với Kissinger: ‘Dội xuống Cao Miên, chúng ta phải dội bom cái nơi chết tiệt đó cho đến khi Quốc Hội rút lại quyền hành đó. Rồi chúng ta có thể đổ lỗi cho họ đã làm hỏng mọi chuyện.’ Vào tháng 6 ông thoái vị trách nhiệm về Đông Dương. Có hoặc không có vụ Watergate,  đây là một quyết định khôn ngoan. Hoa Kỳ và nhân dân Mỹ đã bị cuộc chiến xé toạc tan tác: Hiệp định Paris báo hiệu khởi đầu của một sự khép kín. Vào ngày 4 tháng 8, Nixon ký thành luật Dự luật mà chính ông đã khởi thảo, ngăn cấm Mỹ tiếp tục hoạt động tác chiến. Trong một động thái ngang tầm với Pilate (quan thái thú La Mã rửa tay tuyên bố không dự phần vụ hành hình Jessus: ND) , ông sau đó viết cho các lãnh tụ Quốc Hội,  cảnh báo rằng nếu kết quả là cộng sản sẽ xâm lăng Đông Dương, lỗi  là thuộc về Đồi Capitol.

Hơn hai năm trước, vào ngày 18 tháng 2 1971, Kissinger đã bảo với Nixon là mình dự định nói với Lê Đức Thọ: ‘Này, chúng tôi muốn cho ngài một hạn chót cố định sẽ rút hết quân về nước vào năm sau đổi lại việc thả hết tù binh và ngừng bắn.’ Với Tổng thống ông nói thêm: ‘Rồi chúng ta có thể bảo với người Miền Nam  – họ đã được một năm không có chiến tranh để củng cố.’ Trong nửa thế kỷ tiếp theo Kissinger đã thường xác nhận rằng ông đã đạt được một cách giải quyết êm đẹp, nhưng đã bị vụ Watergate, sự bội tín của người cộng sản và nhu nhược của Quốc Hội phá hỏng. Nhưng tài liệu, được lập ra bởi các học giả như Jeffrey Kimball và Ken Hughes từ chứng cứ của các băng thu âm Nhà Trắng,  cho thấy rằng cả Kissinger và Nixon luôn nhìn nhận số phận Miền Nam đã an bày.

Watergate không thay đổi điều gì. Thêm một lần nữa, hai người bị lên án không phải vì họ không thể giữ được chế độ Sài Gòn, một nhiệm vụ không thể hoàn thành qua đêm, nhưng là vì họ tìm cách thuyết phục nhân dân Mỹ tại thời điểm đó, và hậu thế, rằng họ luôn cho là mình có thể. 

Sáu tháng sau khi Nixon từ chức, Kissinger mô tả cá tính của ông ta với Arthur Schlesinger: ‘Ông ta vừa xấu hơn vừa tốt hơn người ta tưởng.’ Bộ trưởng Ngoại giao – chức vụ mà Kissinger nắm giữ vào tháng 12 1973 – mô tả ông chủ mình  biếng nhác kinh khủng,  lưu ý rằng ông ta ít khi đọc các giấy tờ quan trọng.  ‘Thói quen làm việc của ông ta,’ tay chân chủ yếu của Nixon nói, ‘giống Hitler rất nhiều theo mô tả của Speer … Mọi thứ đều kỳ cục trong không khí chiến đấu, hơi đồng tính của Nhà Trắng  … Bạn không thể tin một lời ông ta nói.’ Đó là Kissinger dạng tinh chất; tự tách mình ra xa đến nỗi cuối cùng hóa ra dường như suốt những năm tháng đó ở Nhà Trắng ông chỉ là một nhà thiên văn học cầu lợi, nhìn những hành vi của vị tổng thống lúc đó bị thất sủng qua một ống ngắm mặt trăng. 

Kissinger xứng đáng nhận được lòng tri ân của nhân dân Mỹ đã tháo gỡ cho họ khỏi cơn ác mộng dài, khoác một y phục xơ mòn của phẩm giá. Tuy nhiên, ông không có công lao gì với nhân dân Việt Nam: tiếng tăm của.ông sẽ mãi mãi bị vấy bẩn bởi Giải thưởng Nobel Hòa bình được chia sẻ  mà lòng tự phụ khiến ông nhận lãnh,  và Lê Đức Thọ thận trọng từ chối. Đến ngày hôm nay hầu hết dân Việt lưu vong còn thù hận Kissinger vì đã phản bội họ. Sử gia Miền Nam Nguyễn Kỳ Phong tính khí khá bất thường khi lên án ông: ‘Công việc của ông ta chỉ đơn giản là làm bất cứ thứ gì cần thiết để đem người Mỹ ra khỏi Việt Nam, và đó là những gì ông ta đã làm.’

3 Cuộc Chiến của Những Lá Cờ

Khi một phái đoàn quân sự Miền Bắc xuống máy bay ở Tân Sơn Nhất vào cuối tháng giêng 1973 để thiết lập văn phòng liên lạc, họ dừng lại ở cạnh đường băng, không chịu đi tiếp vì họ không chịu làm thủ tục nhập cảnh như những người nhập cư, vì điều này ám chỉ họ công nhận tính hợp pháp của Miền Nam. Một số người Mỹ khoái trá  chứng kiến cảnh tượng những kẻ thù trước đây của mình đang đổ mồ hôi hột dưới ánh nắng, nhưng cuối cùng các thủ tục cũng được miễn. Trung uý Nguyễn Khiêm, người chỉ huy đội an ninh của Không lực Việt Nam ngày hôm đó, nói về người cộng sản: ‘Họ bước đi và chuyện trò như thể mình là ông chủ.’ Một số binh sĩ của anh thắc mắc: ‘Trung uý,  sao họ toàn tướng lĩnh không vậy, Trung uý?’ Các ngôi sao có mặt khắp nơi trên quân phục bộ đội Miền Bắc thuộc mọi cấp bậc khiến người Miền Nam bối rối.  Trên khắp vùng cộng sản, không khí hân hoan tràn ngập. Theo một tiểu đội trưởng Quân Miền Bắc,  ‘tinh thần lên cao ngất trời vì chúng tôi tuyệt đối tin chắc rằng chúng tôi đang trên bờ của thắng lợi’. Đơn vị của anh ăn mừng náo nhiệt,  ‘bởi vì chúng tôi nghĩ tất cả sẽ được sống để trở về nhà’. Với việc ngừng dội bom Đường Mòn, khâu vận chuyển bộ đội Hà Nội – nhất là lương thực  – trở nên tốt hơn. Đại tá An viết: ‘Như thể có ai quay nút “off” trên máy cát-xét: mọi tiếng ồn thình lình ngừng lại.’ Bộ đội cộng sản vui mừng vì giờ đây có thể ngủ suốt đêm,  ăn uống ngoài trời,  ngắm nhìn trời mà không phải tìm xem có máy bay địch lảng vảng hay không. 

Các đoàn văn công được phái đến từ Miền Bắc để giúp vui cho bộ đội,  một số buổi trình diễn của họ được các binh lính Miền Nam đứng xa xa coi ké. Đơn vị của Bảo Ninh bắt đầu nhận được quà tiện nghi kể cả sách,  ‘tuy chỉ là sách tuyên truyền không đọc được’.

Cũng có một số biểu hiện của tỉnh huynh đệ. Trí, một sinh viên Đại học Hà Nội trước đây, bỗng thấy mình tán gẫu với một thanh niên Sài Gòn mà việc học hành của anh cũng bị gián đoạn.  Họ đồng ý rằng một người lính phải làm nhiệm vụ của mình,  dù y ở phe nào,  và việc trách cứ – nếu phải trách cứ – phải đổ xuống những ông lớn trên chóp bu. Trên khắp đất nước mọc ra như nấm những bảng tuyên truyền cạnh tranh nhau, như một bảng được dựng trong đám lau sậy tại biên giới lãnh thổ của VC: ‘Binh sĩ, chúng ta hãy gác lại hận thù. Giờ đây chúng ta cần tái thiết và xây dựng tình huynh đệ. ‘ Mai Elliott nói: ‘Có một không khí lạc quan bừng lên ngắn ngủi. Không phải là dân chúng không tin phe cộng cuối cùng sẽ chiến thắng, mà là họ nghĩ rằng việc đó phải mất thời gian dài.’

Merle Pribbenow thuộc CIA Sài Gòn ngạc nhiên khi thấy một số đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao tin rằng Miền Nam có thể sống còn. Vị xếp CIA trong các hoạt động ở Việt Nam bay xuống các quận lỵ để tìm hiểu quan điểm của các nhân viên trẻ: ‘Thực tình tất cả bọn tôi đều nhất trí Hà Nội không khi nào bỏ cuộc,’ Pribbenow nói. ‘Sẽ có một cuộc tổng công kích mới. Nhưng quan điểm chính thức của Cục là việc này có thể xoay sở được, rằng Miền Bắc đã bị tổn thất nghiêm trọng trong trận đánh 1972 và giờ đây đang rất cần viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ. 

Phe lạc quan rất đúng, trong những tuần đầu tiên sau Hiệp định Paris ở Hà Nội nhiều tiếng nói cất lên, kể cả tiếng nói của Giáp, kêu gọi nên tuân thủ các điều khoản của hiệp định. Vị tướng già tin rằng một thời kỳ ổn định,  và tiền mà Mỹ hứa hẹn, sẽ là các phần thưởng quý giá cho đất nước lụn bại của mình. Tuy nhiên,  như bao giờ,  Lê Duẩn bác bỏ thậm chí một hòa giải tạm thời.  Con người sắt đá này, quá kiêu căng bắt những con người yếu đuối phải phục vụ cho cách mạng,  bảo trong một buổi họp mở rộng của Bộ chính trị vào ngày 27 tháng 3 1973 rằng mục tiêu của họ phải là củng cố trên chiến trường, trong khi vẫn bảo đảm tai tiếng của việc phá vỡ lệnh ngừng bắn là thuộc phía bên kia. 

Quyết định then chốt của Hà Nội là cuộc chiến phải tiếp tục.  Mặc dù Xô viết và Trung Quốc cắt giảm viện trợ,  quân Miền Bắc vẫn còn các kho dự trữ thừa thãi vũ khí,  giờ không còn chịu tiêu hao bởi các trận không kích. Trong năm 1973, 27,000 tấn vũ khí và quân nhu, 40,000 tấn gạo, 6,000 tấn xăng dầu được chở về nam  – gấp bốn lần năm trước. 100,000 tân binh di chuyển xuống Đường Mòn, tăng cường lực lượng cộng sản phía dưới Vùng PQS lên đến 400,000 người.

Kissinger thúc giục có hành động quân sự để chặn đứng dòng lưu thông này, nhưng ngay cả trước khi bị Quốc Hội phủ quyết Nixon, vốn đang bị những người phanh phui vụ Watergate đập túi bụi, không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc tái oanh kích. 

Và không chỉ có Miền Bắc mới bắt đầu tỏ ra khinh thường các điều khoản Paris.  Vì những lý do có thể hiểu được, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cảm thấy không thể chịu được tình trạng mà phần lớn vùng lãnh thổ của xứ sở ông vẫn sẽ nằm trong tay phe cộng. Một số sử gia viết như thể Hiệp định Paris có thể là một đường lối giải quyết bền vững, nếu các điều khoản của nó đã được tuân thủ. Nhưng ít người biết lý lẽ có thể cho rằng một quốc gia giờ đây thể hiện trên bản đồ bởi một miếng chắp vá các cộng đồng  – rải rác các ốc đảo của người cộng sản được hình thành bằng việc ngừng bắn tại chỗ và chẳng bao lâu được vạch ra trên mặt đất bởi hàng vạn lá cờ của đối thủ  – có thể khả thi về phương diện kinh tế và chính trị. Hơn nữa,  Thiệu,  giờ đã 50 tuổi,  bỗng thấy mình rơi vào tình trạng nan giải bối rối.  Ông đã tạo dựng một sự nghiệp dựa trên sự phục tùng các ý muốn của người Mỹ, nhưng từ rày trở đi khao khát tha thiết nhất của nhiều đồng bào của Nixon là ông ta nên chui trốn vào một xó xỉnh nào đó. Clark Clifford, bộ trưởng quốc phòng trước đây của Lyndon Johnson, phát biểu công khai tổng thống Việt Nam là một trở ngại cho hoà bình, nói rằng nếu ông từ chức,  một  ‘chính quyền thực sự trung lập và có tính đại diện có thể được thành lập tại Sài Gòn sẽ đàm phán trong sự tin cậy với phía bên kia’. Ý kiến này là thiếu lý lẽ: cho dù Thiệu có từ chức, phe cộng không hề quan tâm đến một kết quả nào khác hơn là độc quyền làm chủ một Việt Nam thống nhất. Nhận xét của Clifford phản ánh khao khát có thể hiểu được nhưng xấu xa của nhiều người Mỹ không vì muốn thay đổi chính quyền,  mà vì muốn Việt Nam đáng nguyền rủa và chắc chắn bị đày đọa biến mất khỏi tâm thức họ. Thiệu không thể khoe khoang là mình đạt được thành tựu nào có ý nghĩa trong hai năm cuối cùng tồn tại của một quốc gia bị chia phần, nhưng khó tin có một đồng bào nào của ông có thể làm tốt hơn. Ông tiếp tục cuộc chiến một phần bởi vì Lê Duẩn ép ông phải làm thế, nhưng có lẽ cũng bởi vì  – như Kissinger có lần nhận xét ác ý – cuộc chiến đã trở thành lý do tồn tại của chế độ hỗn loạn của ông.

Tháng giêng 1973: các vùng tranh chấp quyền kiểm soát

Thiệu không nỗ lực để cải tổ quân đội,  cũng không giao quyền chỉ huy trong tay những sĩ quan tài năng mà trong tay những kẻ mưu cầu chính trị, dù trước một thực tế mới là tấm áo giáp thép của sức mạnh Mỹ có thể đã bị lột bỏ khỏi lồng ngực quốc gia.  Ông khá hấp tấp để tin rằng Washington sẽ giữ lời hứa, vốn được Kissinger thỉnh thoảng nhắc tuồng, là nếu Miền Nam đối mặt với cuộc gây hấn trở lại của cộng sản, không lực và pháo binh Mỹ sẽ một lần nữa tháo xiềng  – điều này, dù bất kì người Washington nào chỉ cần hiểu biết nửa vời cũng có thể cho tổng thống Miền Nam biết là sẽ không có chiếc B-52 nào bay đến dưới bất kì tình huống nào.

Theo sau lệnh ngừng bắn các cố vấn giã từ các đơn vị Miền Nam  mà họ từng chỉ đạo và – điều quan trọng hơn nhiều  – từng kêu gọi hỏa lực Mỹ giáng xuống mục tiêu mong muốn. Trung tá Gerry Turley bảo với người đồng cấp TQLC Miền Nam rằng sẽ không còn có yểm trợ hỏa lực  từ Hải quân Mỹ nữa. Vị trung tá kêu trời: ‘Vậy là anh đã chặt cánh tay phải của tôi rồi.’ Đưa mắt nhìn những lá cờ Miền Bắc và VC bay trên nhiều ngôi làng, Turley cảm thấy không nghi ngờ gì vị trung tá đã nói đúng, rằng ‘dân Miền Nam đang đi xuống ống thải’. Cố vấn tình báo Edward Brady nói: ‘Người Việt không bao giờ cảm thấy chúng ta đang đẩy họ vào tuyệt lộ, phản bội những lời hứa hẹn cho đến khi có …  Hiệp định. Trước đó họ nghĩ chúng ta là đồ đần, nhưng chúng ta về phe họ.’ Chỉ huy hải quân Nguyễn Trí sử dụng ngôn ngữ mà từ đó được nhiều người đồng hương trước đây của mình công nhận: ‘Người cộng sản không thắng. Người Mỹ chỉ đơn giản quyết định đi về nhà và bỏ mặc Miền Nam thua cuộc.’

Sài Gòn bị tước đoạt không gian dễ thở, ‘một năm không có chiến tranh’, mà Kissinger đã có lần khao khát. Chính ông cũng bay đến Hà Nội vào giữa tháng 2 để trao đổi có tính thăm dò, và nhận thức được rằng không có cơ sở cho mối quan hệ có hiệu quả. Trong ‘cuộc chiến của những lá cờ’ đang manh nha trên khắp Miền Nam, hai bên bắt đầu tiến hành các trận đánh địa phương dữ dội tăng dần  để chiếm đất và giữ đất. Các chỉ huy Miền Nam quay vòng các đơn vị ra khỏi các khu vực mà họ được cho là trở nên thân thiện với phe địch. Một bộ đội Miền Bắc một buổi sáng xuất hiện tại điểm hẹn mà anh quen đến để trao đổi trái cây với một những người Miền Nam  – và suýt thiệt mạng vì giẫm phải mìn do binh sĩ mới đến thay gài. Vào ngày 29 tháng 3, MACV chính thức hoàn thành sứ mạng: phần đông nhân viên đều cuốn gói, hoặc đúng hơn rời bỏ phòng ngủ có gắn máy lạnh.  Văn phòng của tùy viên quốc phòng, nắm những nhiệm vụ còn lại,  mướn 2,500 công nhân hợp đồng dân sự Mỹ và 400 lao động Việt,  nhưng chỉ 50 sĩ quan Mỹ phục vụ.

Phó tổng thống Kỳ sau này chua chát viết rằng khi người Mỹ ra đi, họ tự hào chỉ vào lực lượng quân sự Miền Nam khổng lồ mà họ đã tạo ra, nhưng ‘không thể nhìn nhận, dù với chính mình,  là một triệu người vũ trang được một nhóm kẻ xu nịnh hối lộ lãnh đạo, với Thiệu được lấy làm mẫu mực.’ Điều này đúng, mặc dù ngài phi công lẽ ra phải nhìn nhận mình cũng được đúc cũng một khuôn. Một đại uý Miền Nam nói về Hiệp định Paris: ‘Đó là bản án tử cho chúng tôi.’ John Vann bảo với một số thính giả Mỹ không lâu trước khi ông qua đời: ‘Đại đa số dân chúng  – đâu đó khoảng 95 phần trăm  – thích chính quyền Miền Nam hơn một chính quyền Cộng sản,  trong khi chỉ có một thiểu số người Miền Nam chào đón viễn cảnh thắng lợi của Hà Nội,  những người không ưa chủ nghĩa cộng sản thì lại yêu nước mình quá ít, khao khát hoà bình quá nhiều, nên không muốn kiên trì chiến đấu hơn nữa. 

Hai bên đua nhau tố cáo bên kia phá vỡ lệnh ngừng bắn.  Vào ngày 3 tháng 3 1973 QĐVNCH phát động một cuộc công kích lớn nhằm phong tỏa đường tiếp cận với căn cứ địa địch ở rừng U Minh, trong tỉnh Chương Thiện của vùng đồng bằng . Họ gặp sức kháng cự quyết liệt,  và cuối cùng bị đẩy lui.  Sau này Giáp tuyên bố rằng chính thế tiến công như thế của Miền Nam đã khiến ông ngừng hậu thuẫn cho việc tuân thủ điều khoản Paris. Nhưng không hề hợp lý khi cho rằng hai bên sẽ kiềm chế: Miền Bắc,  vì đã thấy thắng lợi cận kề; Miền Nam, vì cách xếp đặt của người Mỹ thì không bền vững.

Một tướng lĩnh VNCH viết rằng chiến tranh ‘đã mang Miền Nam đến bờ vực của sự băng hoại đạo đức và vật chất’. Phần đông dân chúng,  ông nói, không còn sức để hi sinh; họ bây giờ chỉ lắng nghe những bài hát mê hoặc của Trịnh Công Sơn, một du ca phản chiến Sài Gòn nổi tiếng.  Một đại uý nói: ‘Phần đông binh sĩ bình thường của chúng ta không có lý do để căm thù kẻ địch, bởi vì họ không nhìn thấy những gì chủ nghĩa cộng sản có thể làm.’ Trung uý Nguyễn Quốc Sĩ nói một cách rầu rĩ: ‘Ai điều hành chính quyền Sài Gòn cũng không thành vấn đề  – người Mỹ lúc nào cũng giật dây. Họ tham gia cuộc chiến quá lâu như thể họ cho đây là quyền lợi của họ, rồi họ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta.’ Anh nói về trải nghiệm chiến đấu hậu Paris: ‘Dân chúng không muốn chết, vì họ biết chiến tranh hầu như đã qua.’ Trong khoảng 1970-72 binh sĩ Miền Nam đã khẳng định ‘một tỷ lệ sát thương’ thuận lợi là 5 địch đổi 1 ta. Không biết con số này có trung thực hay không, trong năm 1973 nó giảm xuống còn 2 đối 1; và đến năm sau chỉ nhỉnh hơn 1:1 một chút. Lúc đó,  khi lượng quân nhu thiếu hụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đội hình chiến đấu,  binh sĩ được dặn dò bắn từng phát thay vì rải từng tràng tự động theo nhịp ‘rock-and-roll’.

Vào mùa thu 1973 một nhà báo đến thăm nghĩa trang quân đội Miền Nam,  chôn cất hơn 12,000 mộ của tử sĩ , một tỷ lệ nhỏ trong tổn thất quốc gia.  Dưới sự ban bố ‘hoà bình’ mới, mỗi ngày có thêm 10 ngôi mộ: 6,600 binh sĩ Miền Nam chết trong ba tháng đầu năm tiếp sau thỏa thuận Paris. Người khách viết: ‘Không khí nặng nề với tiếng kêu gào của quả phụ với tiếng khóc của trẻ con,  và qua tiếng nức nở có thể nghe thấy tiếng thình thịch của cuốc bổ xuống đào những hố huyệt mới cho các thi thể  sẽ đến ngày mai.’

Phủ lên những vất vả chiến trường,  đất nước Thiệu còn làm mồi cho những thống khổ về kinh tế. Trong một thập niên,  ngoài ruộng lúa hoạt động sinh lợi chủ yếu là từ việc phục vụ cho quân đoàn các khách ngoại bang giàu có không tưởng tượng được, những nhà tài trợ, kẻ chiếm đóng. Giờ,  hai triệu dân thành phố  – một phần ba lực lượng lao động  – bỗng thấy thất nghiệp.  Một chủ ôtô Sài Gòn than phiền ông giờ đây chỉ bán được một ôtô mỗi tháng, so với tháng 8 năm ngoái đến 100 chiếc.  TV, xe gắn máy,  thuốc lá nhập khẩu biến mất trên các cửa hàng. Giá gạo tăng gấp đôi.

Cuộc chiến Trung Đông tháng 10 1973, và hậu quả là giá dầu khí và phân bón tăng vọt, gây tai hại tàn phá, khiến việc trồng ‘giống gạo thần nông’ không còn lợi về mặt kinh tế như trước.  Vào tháng 12 một vụ tấn công của đặc công cộng sản phá hủy phân nửa cơ sở dự trữ dầu của Sài Gòn.  Lạm phát tăng đến 30, 40 phần trăm.  Một sĩ quan trẻ Miền Nam nói với một người bạn làm báo, Gavin Young: ‘Lý lẽ để chống lại chủ nghĩa cộng sản phải là vật chất và tinh thần,  có phải không,  Gavin? Nhưng điều kiện chúng tôi tìm thấy bây giờ chỉ là tình trạng thất nghiệp,  giá cả tăng vọt , và tham nhũng, có phải không? Vì thế không có lý lẽ tinh thần hoặc vật chất nào tồn tại; ý tôi là không có chủ nghĩa yêu nước thực sự ở Sài Gòn. Vì thế lấy gì chúng tôi kháng cự đây? Vậy mà chúng tôi vẫn muốn kháng cự  – phần đông chúng tôi,  anh biết đấy – và chúng tôi lại không thể. Như vậy không phải là bi kịch sao, Gavin?’

Đúng là bi kịch. Năm 1970 một chương trình cải cách ruộng đất, ‘Người Cày Có Ruộng’, đã được Sài Gòn phát động. Ba năm sau,  với chi phí gần nửa tỉ đô la, chương trình đã cấp cho 1.2 triệu gia đình quyền sở hữu ruộng đất mà họ khao khát hàng thập niên; chế độ điền chủ vắng mặt gần như đã cáo chung. Nhưng biện pháp triệt để đã đến quá muộn màng, cũng như việc thăm dò dầu khí ngoài khơi sẽ cuối cùng cung cấp sản lượng 1.5 tỷ thùng, trong vòng một thập niên biến đổi tình hình tài chính của Việt Nam.  Như thể một bệnh nhân bệnh nặng đến ngày chết được báo tin muộn màng là y sẽ nhận một tài sản thừa kế  … nếu y ráng sống đủ lâu.

Chế độ Thiệu vẫn tiếp tục kém hiệu quả mãn tính,  tinh thần binh sĩ bào mòn vì thiếu thốn vật liệu và quân nhu ngày càng tồi tệ. Điều này phản ánh sự bủn xỉn của Quốc Hội thì ít mà sự kiện người Mỹ đã tạo ra một bộ máy quân sự Miền Nam theo khuôn mẫu của họ thì nhiều, chỉ biết lệ thuộc vào công nghệ đắt tiền  –  trong năm 1974 vẫn còn tiêu thụ 56 tấn quân nhu cho mỗi tấn quân nhu địch sử dụng  – mà lại ít hiệu quả hơn kiểu tác chiến đơn giản của kẻ thù mình.  Hơn nữa,  nạn tham nhũng vẫn còn là định chế: Jacques Leslie của tờ Los Angeles Times phát hiện một vụ lừa đảo theo đó các chỉ huy Miền Nam đã bán các thùng đạn  – những thùng được sản xuất trước năm 1968 cho ra đồng phế liệu – với giá cả tuyệt vời tại Singapore, củng cố thêm xác tín của David Elliott rằng ‘không có số lượng viện trợ bổ sung nào trong năm 1973-75 sẽ làm lợi cho ai trừ cho các tướng lĩnh’. Sĩ quan chính trị sứ quán Mỹ Hal Meinheit nói: ‘Đó là một xã hội chia rẽ không nhận thức được lý lẽ dân tộc mình muốn đi về đâu.’ Một thiếu tá QĐVNCH viết: ‘Nhiều người bàng quang tiên liệu phe cộng sẽ chiến thắng  … Sự hậu thuẫn dân chúng dành cho Sài Gòn teo tóp nhanh chóng. Nhiều người trước đây ủng hộ chính quyền giờ quay sang phe cộng.’

Tổng thống Thiệu, cũng sĩ quan đó viết một cách khinh thị và không phải là không đúng, ‘không đủ mạnh để làm một kẻ độc tài  … Có xứ nào đang lâm chiến mà lại cho phép phê phán chính quyền một cách gay gắt đến thế? Có bao nhiêu những xứ thuộc thế giới thứ ba cho phép các nhà báo công khai lên án các bộ trưởng và tướng lĩnh tham nhũng và khiển trách tổng thống? Tính phản trắc đã hằn sâu vào xã hội Miền Nam.  Sam Adams của CIA viết một báo cáo hủy diệt với kết luận rằng hạ tầng cơ sở của chế độ giống như một miếng phô mai Thụy Sĩ: ước tính có đến 12,000 người đưa tin cho kẻ thù nằm vùng trong chính quyền hoặc lực lượng vũ trang.

Đại uý Phan Tấn Ngưu được cử đảm trách các hoạt động tình báo ngành Cảnh sát Đặc biệt tại Tây Ninh nhận xét người tài xế của mình, cứ lúc nào xong nhiệm vụ, là biến mất về hướng biên giới Cao Miên. Theo dõi mới phát hiện y tiếp xúc với các sĩ quan cộng sản, và khi bị thẩm vấn y khai được giao nhiệm vụ phải ám sát Ngưu. ‘Tôi lấy làm tiếc,’ người tài xế nói muộn màng,  trước khi bị nhốt vào xà lim.

Vào đầu năm 1974, các nhà phân tích tình báo Bộ Ngoại giao soạn thảo một báo cáo về triển vọng Miền Nam rút ra từ các nguồn tin mật bất hợp pháp trong giới sĩ quan công tác tại Sài Gòn  mà các quan điểm bi quan của họ vị đại sứ Mỹ mới Graham Martin, người đã thay thế Ellsworth Bunker vào tháng 7 trước, hẳn sẽ không cho phép điện về Washington. Hal Meinheit, một trong các tác giả của báo cáo,  nói: ‘Chúng tôi kết luận rằng trừ khi duy trì một mức độ viện trợ cao, triển vọng của chế độ rất tồi tệ. ‘

Cục CIA ở Langley, giờ được điều hành bởi William Colby, thách thức quan điểm này, mỉa mai lập luận rằng giọng điệu ảm đạm của Bộ Ngoại giao được dàn dựng chỉ để biện minh cho các yêu sách tài trợ quá đáng của vị đại sứ.  Khi cuộc chiến tăng cường, vào ngày 4 tháng giêng Tổng thống Thiệu đọc bài diễn văn tại Cần Thơ,  nơi trước đây ông là tư lệnh Quân đoàn IV, trong đó có đoạn: ‘Chúng ta không thể ngồi yên. Chúng ta phải có hành động thích hợp trừng phạt các hành động gây hấn của cộng sản.  Cuộc chiến đã bắt đầu lần nữa.’  Washington hốt hoảng trước những nỗ lực của Miền Nam nhằm mở rộng lãnh thổ của Sài Gòn cũng như của phe cộng ra sức thu nhỏ chúng, bởi vì hiện trạng bấp bênh của cả hai đều bị đe dọa

Hai buổi hội nghị chiến lược quan trọng được tổ chức tại phòng hội nghị tầng trên tại Sân Rồng Hà Nội vào tháng 3 và 4 1974.  Các sĩ quan vui mừng trước tin tức tốt lành quan trọng, rằng Đường Mòn Hồ Chí Minh giờ đây đã thông thoáng nhộn nhịp hơn nhiều  so với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cuộc chiến. Đường ống dẫn dầu dài 1,000 dặm đáng kinh ngạc đã được lắp đặt,  để tiếp dầu cho xe cộ vận chuyển bộ đội vào Miền Nam. Về phần mình lực lượng VC vẫn còn yếu  – đúng ra vẫn chưa phục hồi từ sau Tết  1968: vì vậy lực lượng cộng sản chỉ hiện diện một cách thưa thớt tại khu vực đô thị.  Nhiều trọng pháo và thiết giáp còn trong tình trạng nghèo nàn. Quan trọng nhất, sự phân vân vẫn còn ngự trị không chắc liệu người Mỹ có can thiệp trở lại nếu Hà Nội mở cuộc công kích chủ lực vào Miền Nam.

Trước đây trong cuộc chiến, phe cộng it khi lưu ý đến chính tình quốc nội Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây, Hà Nội và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, với ‘thủ đô’ tạm thời ở Lộc Ninh,  theo dõi sát sao tin tức từ Washington,  qua đài BBC và VOA, ‘với mức độ tò mò gần như là ám ảnh’, theo lời của một bộ trưởng CPCMLT. Phân tích các nguồn tin này phát sinh các đúc kết hồ hởi cho chính nghĩa của họ. Vào tháng giêng 1974 hải quân Trung Quốc tiến hành một cú đột kích chiếm đóng và xáp nhập các đảo Hoàng sa và Trường Sa ngoài khơi Miền Nam.  Hành động này không gây ra đáp ứng nào từ phía người Mỹ. Trong 18 tháng đầu tiên theo sau Hiệp định Paris,  26,000 binh sĩ Miền Nam thiệt mạng trên chiến trường, nhưng Quốc Hội Mỹ tiếp tục cắt giảm viện trợ quân sự. Tài trợ cho Sài Gòn giảm xuống phân nửa trong năm 1974, từ 2.1 tỷ xuống còn 1.1 tỷ, rồi lại giảm lần nữa còn 1 tỷ.

Quyết định chiến lược có nghĩa đầu tiên của Hà Nội trong năm 1974 là tiếp tục chiến đấu suốt mùa xuân ẩm ướt, theo truyền thống thường là thời gian tập kết và tái bổ sung.  Vào tháng 3 nổ ra một trận đánh lớn phía tây Sài Gòn do bộ đội Miền Bắc khởi động, nhưng gặp sức phản công mạnh mẽ cuối cùng của QĐVNCH trong cuộc chiến. Trận đánh này gây tổn thất cho cộng quân, nhưng cũng làm xói mòn ý chí chiến đấu của quân Miền Nam vốn đã suy yếu. Cũng kiểu dạng đó có thể nhận ra được hai tháng sau đó, khi Sư đoàn 9 Miền Bắc phát động một cuộc tiến công dữ dội vào phía tây Bến Cát, trong vùng Tam giác Sắt bị tranh chấp từ lâu, tại đó cả hai bên đều khai triển xe bọc thép. Qua các tháng chiến đấu ác liệt tiếp theo, các cuộc phản công của Miền Nam lấy lại phần lãnh thổ đã mất, và ngăn cản một trận đột phá của địch,  nhưng phải trả giá cao. Sư đoàn 18 của Sài Gòn thiệt mạng 275 binh sĩ,  và 1,000 người bị thương. Tư lệnh Quân đoàn địa phương bất mãn khi yêu cầu gửi 150,000 cấp số đạn, nhưng chỉ nhận được một phần ba số quân nhu. Lúc mà các trận đánh trên Đường 7 im tiếng dần vào tháng 11, một số tiểu đoàn bộ binh Miền Nam đã mất một phần tư quân số. Phe cộng cũng ít nhất chịu số tổn thất nghiêm trọng như thế, nhưng quan tâm ít hơn như thường lệ. Những kẻ hoài nghi trong bộ chính trị Hà Nội càu nhàu: ‘Anh Ba (Lê Duẩn) đang nướng binh sĩ chúng ta một lần nữa như ảnh đã làm hồi năm 1968 và 1972,’ nhưng lãnh tụ Miền Bắc vẫn không lay chuyển.

 Phía dưới vùng đồng bằng Cửu Long các lực lượng cộng sản duy trì liên tục sức ép, làm suy yếu hơn QĐVNCH và dân quân địa phương. 

Thật là bất công cho hàng vạn người Việt Nam đã chết khi các sử gia kể lại ít chi tiết về các trận đánh chết người năm 1973-74. Một phần vì có ít chứng cứ đáng tin cậy tồn tại – các bài tường thuật được in ra dường như do tưởng tượng.  Một phần cũng vì binh sĩ ở cả hai bên giờ đây dường như đang chơi vai trò của họ theo kịch bản thắng lợi cuối cùng của phe cộng gần như là chắc chắn. Các lực lượng Miền Nam mất 25,473 người chết trong năm 1973, gần 31,000 vào các năm sau. Trung uý Nguyễn Quốc Sĩ, một con trai 20 tuổi của một sĩ quan cảnh sát Sài Gòn cao cấp, được phái đến một đơn vị Nghĩa quân ở phía đông nam,  gần Vũng Tàu. Khu vực này trước đây là chốn bình yên, nơi VC bằng lòng sống chung hoà bình. Tuy nhiên,  giờ đây, khi chiến tranh đã hâm nóng trở lại Sĩ bỗng thấy mình đụng độ ngay trong ngày đầu trên chiến trường.  Trung đội của anh ít khi tập trung hơn 18 binh sĩ với vài khẩu M-16, phần nhiều là súng trường Garand M-1 cổ lỗ: ‘Bạn không thể địch lại AK-47 bằng các khẩu súng đó. Bạn chết chắc.’

Họ luôn thiếu hụt quân nhu, và trong một lần đụng độ anh thấy mình giao tranh với VC chỉ với một quả lựu đạn trong túi. Trực thăng cứu thương không còn hoạt động: thương binh phải được mang ra quốc lộ, nếu y may mắn còn sống đủ lâu. Binh lính của Sĩ là một ‘đám tạp nham’ – một số chống cộng quyết liệt,  vì oán thù gia đình; người khác chỉ lo tránh gặp rắc rối, muốn thoát ra nghĩa vụ không thể tránh khỏi đối với cả hai bên. Dân địa phương thỉnh thoảng tháp tùng đội tuần tra của họ, hy vọng nhờ vậy sẽ được an toàn hơn,  nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện. Ngày nọ một phụ nữ mang bầu đi theo phía sau binh sĩ của Sĩ. Thình lình họ nghe một tiếng nổ dữ dội đằng sau.  Cô gái đi lệch chỉ một mét khỏi vết chân của họ thì đã giẫm phải mìn bẫy. ‘Thiếu phụ đó đơn giản biển mất, bị bắn bay vào rừng. Toàn bộ phần dưới của cô đã biến mất. Thật là khủng khiếp không sao tin được  – hài nhi của cô lọt ra,’ chàng sĩ quan trẻ nói. Anh nói thêm, ‘Bạn thấy đấy chuyện gì cũng có thể xảy ra.’

Hạ sĩ đặc công Miền Bắc Vũ Quang Hiền bị bắn vào đùi trong một trận đánh vào thời điểm đó, rồi bị bỏ lại khi đơn vị anh rút đi.  Một phụ nữ địa phương nhỏ nhắn giúp anh loạng choạng trốn vào một bụi rậm cạnh một con ao. Hiền bảo với bà: ‘Cứ để tôi nằm ở đây, và nếu bà nghe có tiếng súng trong vài giờ tới, bà sẽ biết là tôi đã chết. Còn nếu không, đến tối làm ơn trở lại để dẫn dùm tôi ra.’ Bà nghe lời, cùng chồng ra phụ giúp, bởi vì Hiền là người đàn ông to con. Lính đặc công sau này cho biết: ‘Bà không về phe bên nào cả – bà chỉ không đành lòng nhìn thấy tôi chết mà không cứu.’

Vào ngày 18 tháng 7 1974, Giáp, sau khi duyệt xét báo cáo của Tham mưu trưởng ‘Nghiên cứu Phác thảo về Chiến dịch Đánh thắng Cuộc chiến Miền Nam’, ra lệnh chuẩn bị cho một cuộc công kích nhằm đạt đến thắng lợi cuối cùng vào cuối năm 1976. Chiến dịch bắt đầu bằng một trận tấn công vào Cao nguyên Trung phần; thời điểm những gì xảy ra tiếp theo sẽ được xác định bởi cục diện xảy ra trên chiến trường. Kế hoạch hoàn tất vào ngày 26 tháng 8, rồi được tán thành trong một phiên họp của Bộ chính trị vào tháng 10. Dù vẫn còn tranh cãi về vai trò của cá nhân  Giáp, có sự đồng thuận là sau khi trở về từ Moscow vào tháng giêng 1974 nơi ông chữa bệnh sỏi thận dường như rất nghiêm trọng suýt giết chết ông, vị tướng già đã chỉ đạo trận công kích cuối cùng,  mà nhiều năm nay ông đã không làm gì. Lý giải khả thi nhất cho việc ông phục hồi tạm thời quyền chỉ huy chiến dịch là rằng tiếp theo sau các thất bại 1968 và 1972 của cộng quân, Lê Duẩn bất đắc dĩ phải nhìn nhận rằng uy tín và tài năng của Giáp cần thiết cho quyết định ném hột xúc sắc này trên chiến trường. Việc ra quyết định của Hà Nội cũng bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi tổng thống Mỹ. Người cộng sản không tin rằng người kế vị của Nixon là Gerald Ford, cho dù với Henry Kissinger là ngoại trưởng, sẽ dám đầu tư bộ máy chính quyền còn yếu ớt của mình,  cùng với nhân dân Mỹ, vào chuyến phiêu lưu đầy khốn khổ vào trận tái giao tranh với Việt Nam. 

Vào ngày 10 tháng 8 1974 Ford đích thân viết cho Sài Gòn, bảo đảm với Thiệu ông sẽ giữ vững lời cam kết của Nixon; nhưng những hứa hẹn như thế có vẻ mong manh khi Quốc Hội đang tìm cách cắt giảm tiền viện trợ từ 1 tỷ xuống còn 700 triệu đô la,  và đúng ra tiếp tục cắt giảm sâu hơn nữa. Vào thời điểm khi tình hình lạm phát nâng giá quân nhu và nhiều vật liệu khác,  sức tác động lên QĐVNCH còn tệ hại hơn. Vào ngày 13 tháng 9 một Kissinger tức tối bùng nổ cho rằng ông không thể tưởng tượng được đất nước mình lại cho Israel đến một tỷ đô trong khi lại từ khước một số tiền tương tự với Việt Nam,  nơi quá nhiều người Mỹ đã bỏ mình. Nhiều điều đã được viết trước đây về chủ nghĩa thực dụng của ngoại trưởng.  Nhưng ở đây Kissinger đã nắm chắc luận điểm về tinh thần, vật chất  và chính trị, theo đó Quốc Hội và phần đông người Mỹ đã chọn cách quay mắt đi. Việc rút đi hậu thuẫn trực tiếp quân sự vừa không sao tránh được vừa đúng đắn. Dù sao đi nữa,  không thể biện hộ cho quyền lập pháp Hoa Kỳ từ thời điểm đó đã gần như bóp nghẹt ống dẫn viện trợ cho Sài Gòn,  trong khi Nga và Trung Quốc vẫn rộng mở hầu bao với Hà Nội.

Chỉ có tiền thôi,  vào thời điểm này,  chắc chắn không thể làm thay đổi tình hình. Lực lượng vũ trang Sài Gòn quá suy yếu để giữ khoảng cách an toàn.  Nhưng tiếp tục viện trợ hào phóng có thể thành công trong việc gìn giữ được danh dự của người Mỹ trong giai đoạn cuối cùng này của cuộc chiến, trong khi việc rút quân đã làm vấy bẩn nó. Quốc Hội đúng ra chịu trách nhiệm cho hành động đáng khinh này, cho dù có bất cứ phán xét sai lầm và sự phản trắc trước đây đã gán thích đáng cho Nhà Trắng.

Trong tính toán cuối cùng,  Sài Gòn nhận được 945 triệu đô trong năm 1974, nhưng số tiền còn xa mới đủ để nuôi dưỡng một quân đội triệu người được huấn luyện,  tổ chức, điều kiện hóa, tiến hành chiến đấu theo kiểu Mỹ. QĐVNCH  buộc phải cho nằm đất 224 phi cơ,  kể cả 65 trực thăng; giờ tác chiến cho số còn lại rút chỉ còn phân nửa. Phân nửa quân xa trùm mền vì thiếu xăng; bộ phận truyền tin bị ngưng hoạt động vì thiếu hụt pin máy phát sóng. Vào tháng giêng và một lần nữa vào tháng 4 1975, Quốc Hội bác bỏ những lời kêu gọi tuyệt vọng, được hậu thuẫn bởi các tham mưu trưởng, nhằm tài trợ để Miền Nam có thể mua sắm quân nhu,  xăng dầu và phụ tùng.  Nhiều binh lính Thiệu giờ phải sống và chiến đấu trong tình cảnh đói kém mãn tính,  lạm phát còn làm giảm sút khẩu phần khốn khổ của họ thêm bi đát hơn.

Nhắm tình hình của Sài Gòn vào cuối năm 1974, Merle Pribbenow của CIA nói: ‘Tôi đã tin tình hình này không kéo dài lâu.’ Bà vợ Việt Thúy của ông muốn mua một miếng đất cho bà mẹ ở phía bắc Biên Hòa.  Gia đình lái xét đến đó để xem đất. Khi đến gần,  họ tá hỏa khi không thấy cờ ba sọc bay trong thôn ấp kế cận.  Họ quay về lại Sài Gòn đổi ý định mua đất, thình lình nhận thức chế độ Thiệu đang thua ‘cuộc chiến của những lá cờ’. Vào tháng 11 Doug Ramsey đến Sài Gòn như một khách mời của chính quyền trong lễ kỷ niệm Quốc Khánh hóa ra là cuối cùng của Tổng thống Thiệu. Ramsey nhức nhối khi nhận ra người hướng dẫn của ông là người thân cộng: ‘Anh ta biết các thứ về phép biện chứng cộng sản mà bạn chỉ có thể nhận ra nếu bạn là một người của họ.’

Sĩ quan QĐVNCH Nguyễn Khiêm nói: ‘Chúng tôi biết sự việc không đi đúng hướng. Chúng tôi còn tiếp tục nuôi hi vọng, nhưng niềm tin của chúng tôi phai nhạt dần khi đánh thua hết trận này đến trận khác.’ Frank Scotton dự đoán tại một buổi ăn tối tại sứ quán Mỹ là chế độ không thể sống quá 1976. Phần đông các cựu sĩ quan tác chiến đều nhất trí Hà Nội sẽ thắng lợi trong năm đó hoặc trong năm 1977, ‘vấn đề tranh cãi duy nhất là liệu đoạn kết sẽ là cú trượt dài qua một liên minh chính trị hoặc qua một sụp đổ quân sự.’

Sếp tình báo hải quân Việt Nam bảo với Bob Destatte vào tháng giêng 1975: ‘Cộng sản sẽ không thắng được năm nay,  nhưng sang năm thì có thể,  còn năm sau nữa thì chắc chắn.’ Destatte gặp một trung sĩ Biệt động Miền Nam đã có tuổi hăm dọa sẽ giết anh – vì anh là người Mỹ. Ông nói mình vừa về từ một trận đánh ở biên giới Cao Miên trong đó đơn vị ông thiệt hại nặng nề và hết cả đạn dược,  chỉ vì người Mỹ ‘phản trắc’. Một tài xế taxi bảo với người Mỹ là y đã chán ngấy chiến tranh,  và chỉ muốn nhìn thấy đất nước mình thoát khỏi bình lửa với bất cứ giá nào  – đây là tình cảm lấn át bên trong tầng lớp dưới của xã hội Việt Nam.  Thiệu quá tuyệt vọng đến nỗi ông bắt đầu xem xét sự rút lui chiến lược khỏi lãnh thổ mà lực lượng quá dàn trải của mình không thể bảo vệ được, bao gồm toàn bộ phần phía bắc Miền Nam. Vị tổng thống lao đao và chua chát bám víu hi vọng rằng cho dù lãnh thổ của ông tiếp tục teo tóp , một số khu vực còn có thể chống giữ được. 

Không may cho những hi vọng hão huyền như thế, ý thức về tính khẩn cấp phải đưa ra hành động quyết định đang lên cao tại Hà Nội. Các lãnh đạo Miền Bắc chứng kiến tình hình bề bộn của nước Mỹ thời hậu Watergate,  Quốc Hội và công luận thế giới rõ ràng không có cảm tình với Sài Gòn. Nền kinh tế Miền Nam lâm vào cảnh túng bấn tuyệt vọng gần như ở Miền Bắc, trong khi thiếu hẳn bộ máy kiểm soát hiệu quả một cách nghiệt ngã. Hà Nội lưu ý các vụ náo động tăng dần trên đường phố,  các vụ phản đối chống tham nhũng do các giáo sĩ Công giáo cầm đầu. Một số bộ phận quân đội Miền Nam còn tiếp tục chiến đấu hiệu quả,  nhưng nhiều binh sĩ Thiệu đã bất mãn ra mặt. Trong các trận giao tranh dữ dội giữa tháng 8 và 12, quân Miền Bắc giành được vùng cao phía tây Đà Nẵng,  đẩy lùi các cuộc phản công của hai đội hình Sài Gòn. Sau 6 tuần đánh nhau ác liệt giành Đồi 1062, Sư đoàn Dù tinh nhuệ tổn thất 2,500 thương vong. 

Các sự kiện ở bắc Miền Nam thuyết phục Sân Rồng nếu đối đầu, giờ này quân đội của họ có thể thắng áp đảo trên chiến trường.  Các đội hình của họ được đặt vào tư thế sẵn sàng phát động các trận công kích từ thế cao thọc sâu vào lãnh thổ của Thiệu; một số đơn vị cộng sản chỉ cách Sài Gòn không đến 30 dặm. Lê Duẩn và các đồng chí của ông, lần này hoà hợp với Giáp,  kết luận rằng chưa từng có một thời điểm nào tốt hơn để tấn công.  7 trong số 11 thành viên của bộ chính trị Hà Nội được cho là hậu thuẫn đề xuất trong năm 1975 một cuộc ‘Tổng Tiến Công và Nổi dậy’ mới, để hoàn thành việc thống nhất Việt Nam.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s