Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 25

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

 CHƯƠNG 25: CÁC ANH CHÀNG TO BÉO XẤU XA

1 ‘Nó Sẽ Tuyệt Đối, Hoàn Toàn, Loại Bỏ McGOVERN

Henry Kissinger đạt được vị thế siêu sao trong vai trò dàn xếp một cách giải quyết hứa hẹn rút nước Mỹ ra khỏi vũng lầy. Vào tháng 10 1972, cả nhân dân Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia đều tin rằng sách lược xuất sắc của ông đã đưa hòa đàm Paris đi gần đến kết quả. Tuy nhiên,  thực ra Hoa Kỳ cuối cùng chỉ giải quyết được điều khoản duy nhất mà Miền Bắc quan tâm, theo đó quân đội của họ vẫn ở lì tại Miền Nam, trong khi người Mỹ phải đi về nước. Gần như tất cả những điều khoản khác trong Hiệp định sau rốt không bên nào được cho là sẽ tôn trọng. Điều thay đổi duy nhất trong lập trường người cộng sản, điều làm cho Washington đỡ mất mặt để dọn đường cho Mỹ nhượng bộ,  là Hà Nội rút đi yêu cầu khăng khăng trước đây của mình là loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò lãnh đạo Miền Nam.

Hai nhân tố tác động ở đây: trong mùa hè người Miền Bắc nhận ra rằng Nixon chắc chắn là sẽ tái đắc cử.  Không những họ không thể hy vọng thỏa thuận với một chính quyền Mỹ khác có cảm tình hơn, mà một khi cuộc bầu cử đã xong,  Nhà Trắng có thể ra tay cứng rắn hơn. Hơn nữa,  Hà Nội tính toán một cách thực tiễn là thoát khỏi người Mỹ là mục tiêu duy nhất quan trọng: một khi ‘bọn đế quốc’ ra khỏi Đông Dương, việc phá tan chế độ Sài Gòn sẽ cho thấy không mấy khó khăn và không kéo dài quá lâu. Nhận thức này được chính quyền Miền Nam chia sẻ.

Những trao đổi tại Nhà Trắng giữa Nixon và Kissinger về Việt Nam được biên niên với các chi tiết không thể tranh cãi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, bởi vì chúng được thu băng nhựa. Hai người ôm ấp một ít ảo tưởng về những điều họ đang làm, mặc dù nhất quyết tin chắc nhân dân Mỹ tin tưởng chúng. Kissinger xem việc Hà Nội thay đổi ý kiến về Thiệu là một thắng lợi ngoại giao, bởi vì nó mở đường cho một ‘khoảng cách hợp lý’. Ông bảo Nixon vào ngày 3 tháng 8: ‘Nếu một hoặc hai năm từ bây giờ Miền Bắc nuốt trọn Miền Nam, chính sách đối ngoại của chúng ta coi như chấp nhận được, nếu việc đó trông như là hậu quả của một Miền Nam bất tài. Nếu chúng ta bây giờ bán tháo theo kiểu, chẳng hạn, trong vòng ba đến bốn tháng, chúng ta đã đẩy Tổng thống Thiệu ra bờ vực’, ông cho rằng thậm chí người Trung Quốc sẽ nản chí vì tính vụng về và yếm thế của người Mỹ. Mọi việc trong các đàm phán về sau đều tập trung đến việc canh thời gian cho kết quả để khiến mọi thứ trong có vẻ đúng đắn.

Tại Paris vào ngày 26-27 tháng 9, Lê Đức Thọ và Kissinger thấy mình đã gần đi đến nhất trí về một công thức trên giấy cho một ‘hội đồng bầu cử ba bên’ hay ‘Hội đồng Hòa Giải Dân tộc’ cho Miền Nam  – khoảng cách tiếp xúc theo yêu cầu của Miền Bắc cho một chính quyền liên hiệp ba bên. Kissinger giải thích điều này với Nixon vào ngày 29 tháng 9: ‘Ngài thấy đấy,  thưa Tổng thống, đây toàn là chuyện vớ vẩn,  bởi vì kết quả thực tế việc đề xuất của  chúng ta, cũng như đề xuất của họ, là việc ngừng bắn. Sẽ không bao giờ có bầu cử.’  Nixon hỏi, ‘Thế rồi chuyện gì xảy ra? Họ … họ sẽ tái tục cuộc chiến sau này, đúng không? Nhưng lúc đó chúng ta đi rồi.’ Kissinger nói, ‘Đúng vậy.’

Trong những ngày sau đó, Nixon thể hiện các cơn phẫn nộ đối với Miền Bắc  – có lẽ, ẩn kín bên trong là những quặn thắt vì mặc cảm có tội về kế hoạch bỏ rơi Miền Nam mà sứ giả của ông mưu tính. Ông nói về một chiến dịch oanh tạc mới khốc liệt: ‘Tôi đã quyết định tôi sẽ không ngồi yên đây và chủ trì một thảm bại với hơn 55,000 người Mỹ đã thiệt mạng.’ Nhưng vào sáng ngày 6 tháng 10, Kissinger đối đầu với ông chủ mình bằng một chọn lựa trần trụi: chính ông sẽ bay đến Paris,  nơi Lê Đức Thọ sẽ đưa ra một thực đơn gồm các đề xuất đi đầu là việc ngừng bắn tại chỗ, với các điều khoản rỗng tuếch khác đã thảo luận trước đây.  Liệu tổng thống có uỷ quyền cho đặc sứ mình bằng lòng chấp thuận các điều kiện này không? Trong cuộc đối thoại cam go, kéo dài sau đó,  Nixon dao động. Ông sợ tổng thống Miền Nam,  không đến một tháng là tới ngày bầu cử Mỹ, sẽ công khai vạch trần cuộc thương lượng như là một hành động bán đứng. Kissinger thừa nhận với Nixon: ‘Thiệu nói đúng, điều khoản của chúng ta cuối cùng sẽ hủy diệt ông ta.’ Hai ông bàn luận về khả năng sắp xếp một cú đảo chính tại Sài Gòn, để thay đổi chính quyền Miền Nam.  Cuối cùng bác bỏ lựa chọn này,  họ đồng ý rằng Thiệu phải là người chủ trì sự thoái trào gần như là chắc chắn của một đất nước đang đi vào quên lãng.

Kissinger xoa dịu nỗi lo lắng của tổng thống bằng cách nói rằng mình sẽ bắt người cộng sản hứa rút quân khỏi Lào và Cao Miên, bỏ không sử dụng  Đường Mòn Hồ Chí Minh. Nixon nói, ‘Tôi sẽ nhận được lời cam kết. Tôi sẽ không lo âu về chuyện đó.  Nhưng họ sẽ không bao giờ rút quân.’ Kissinger đồng ý: ‘Đúng, nhưng tôi bắt họ viết ra.’  Ông đưa ra lời vỗ về từ biệt ông chủ mình bằng cách nhắc lại de Gaulle, người đem Pháp ra khỏi Algeria vào năm 1962, và là người  mà ‘mọi người cho là nhân vật vĩ đại ‘. Ông nói rằng Hà Nội đã bày tỏ mong muốn ngoại trưởng hai bên ký vào thỏa thuận sắp tới, nói thêm, ‘Tôi không muốn ký thứ chết tiệt đó. Ngài nên ký là hơn.’ Nixon ngần ngừ: ‘Tôi không nghĩ chúng ta sẽ làm nó thêm trang trọng bằng chữ ký của tôi.’ Rồi tổng thống Hoa Kỳ uỷ quyền cho Kissinger chấp nhận các đề xuất của Lê Đức Thọ.

Lúc 4 giờ chiều ngày 8 tháng 10 1972 trong một biệt thự tại Gif-sur-Yvette ngoại ô Paris,  Lê Đức Thọ mở một bìa hồ sơ màu xanh lá cây và trình bày các điều kiện của Miền Bắc. Bản dự thảo của ông phù hợp với những kỳ vọng, và qua được ngưỡng cửa thấp lè tè của Kissinger: phóng thích tù binh Mỹ và ngừng bắn tại chỗ đối với các lực lượng Miền Bắc và Nam  đổi lấy sự rút quân toàn bộ lực lượng Mỹ. Hà Nội nhấn mạnh nguyên tắc thay thế cặp đôi vũ khí  – nếu người Mỹ tiếp tục trang bị cho QĐVNCH,  Miền Bắc sẽ làm tương tự đối với lực lượng của họ tại Miền Nam,  trong khi bày tỏ ‘sự tôn trọng nghiêm chỉnh’ chủ quyền của Lào và Cao Miên. Hiệp định đề xuất Hoa Kỳ phải bồi thường cho các thiệt hại chiến tranh tại Miền Bắc mà họ đã gây ra. Kissinger ra khỏi phiên họp hớn hở,  và nổi dóa khi John Negroponte của Bộ Ngoại giao dự đoán Saigon sẽ nổi cơn thịnh nộ.  Kissinger quát vào mặt ông: ‘Anh không hiểu. Tôi muốn thỏa mãn các điều khoản của họ … tôi muốn kết thúc cuộc chiến này trước bầu cử.’ Ngày 12 tháng 10 ông trở lại Washington báo tin với vẻ phấn chấn: người cộng sản đã sẵn sàng chịu ký, và vẫn còn một tháng trước ngày bầu cử. Ông bảo Nixon; ‘Thỏa thuận mà chúng ta đã đạt được, thưa Tổng thống, tốt hơn nhiều bất cứ thứ gì chúng ta mơ ước,  nó sẽ tuyệt đối,  hoàn toàn, loại bỏ McGovern.’

Thật là vận may cho Nixon khi đối thủ của ông thuộc Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ George McGovern của South Dakota, là một trong các ứng cử viên kém ấn tượng nhất trong thời hiện đại.  Nếu ứng viên Cộng Hoà bị buộc phải chiến đấu với Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, vốn tai tiếng đã bị lu mờ bởi vụ tai tiếng Chappaquiddick (Vụ Kennedy lái ôtô chở bạn gái đâm xuống cầu Chappaquiddick khiến cô gái thiệt mạng nhưng ông vẫn thoát ra được và sống sót), ông ắt hẳn cũng sẽ thắng, nhưng chính sách Việt Nam của ông hẳn phải đối mặt với sự  soi mói cặn kẽ hơn nhiều.  Kennedy lên án Việt Nam hóa là một trò đố chữ, đi trước sự vén màn của một thỏa thuận với người cộng sản ngay trước cuộc bầu cử.  Ông nói đúng: cuộc thảo luận riêng tư trong nội bộ hành pháp chỉ tập trung vào thời hạn tạm ngừng chấp nhận được về mặt chính trị trước khi cộng sản chiếm lấy Sài Gòn.  Kissinger cho rằng 18 tháng là đủ: ông đã bảo Nixon vào tháng 8, ‘Nếu chúng ta giải quyết xong, cho là tháng 10 này, thì tháng giêng 1974 chẳng ai thèm đếm xỉa (đến số phận của Sài Gòn).’

Giờ,  bàn về hiệp ước với Nixon, Kissinger gọi đề nghị bồi thường là ‘bảo đảm tốt nhất của chúng ta để họ tuân thủ thỏa hiệp’. Toàn bộ ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ không đến 2 tỉ đô la,  nhưng tổng thống nói một cách buông thả: ‘Cho họ 10 tỉ.’ Tại buổi ăn trưa với Haldeman và Haig, Nixon ra lệnh phục vụ suốt một lượt rượu vang Château Lafite Rothschild 1957. Đây là sự hào phóng: thường thường ông chỉ giới hạn rượu vang ngon nhất của Nhà Trắng cho ly rượu của mình, trong khi các phụ tá chỉ được rót rượu vang đỏ California. Ông chịu khó soạn một tờ chỉ dẫn cho Kissinger rằng  thời gian bầu cử sẽ không ảnh hưởng những gì được nói hoặc làm sau đó đối với Miền Bắc hay Miền Nam: tờ ghi chép này có thể có ích đối với sử gia, nếu nó không cho thấy có gì khác với mỗi ý tưởng bừng tỉnh bên trong Nhà Trắng. 

Trở lại Paris,  vào ngày 17 tháng 10 xảy ra việc nói nước đôi của người Miền Bắc về vấn đề tù binh: vượt quá khuôn khổ trao đổi tù binh chiến tranh,  Lê Đức Thọ nhắm đến việc phóng thích 30,000 người dân sự bị Sài Gòn bắt giữ bị tình nghi là cán bộ cộng sản. Kissinger cảnh báo rằng một đề nghị như thế chắc chắn sẽ khiến Thiệu  phá vỡ thỏa thuận, người mà giờ đây nhiệm vụ nặng nề của vị cố vấn an ninh quốc gia là thuyết phục hậu thuẫn một thỏa hiệp mà người Miền  Nam không dự phần,  nhưng sẽ quyết định số phận của xứ sở bị bao vây của ông. Nixon bảo với Kissinger,  ‘Về cơ bản, anh phải đối xử tàn tệ với y.’ Đặc sứ của tổng thống đáp xuống Sài Gòn được đón tiếp lạnh nhạt: trung tâm tình báo của Thiệu đã cảnh báo với ông về thỏa thuận Paris hiện ra lờ mờ rất lâu trước khi người Mỹ thấy thích hợp để báo tin. Đại uý Phan Tấn Ngưu, một sĩ quan ngành Cảnh sát Đặc biệt, nộp một báo cáo chính thức,  dựa trên thông tin từ một đặc vụ hai mang cộng sản có uy tín được biết dưới tên ‘Nguồn tin Tây Ninh’, cho rằng các cán bộ đều nhất trí một hiệp ước đang đến gần, và Thiệu chắc chắn sẽ chịu số phận nghiệt ngã cho chế độ mình. Nhưng Kissinger bảo đảm với Tổng thống rằng binh sĩ cộng sản sẽ dần dần rút khỏi xứ sở ông: ‘Giới quân sự chúng tôi phán đoán rằng lực lượng Miền Bắc hiện giờ không được tiếp viện cuối cùng cũng phải rút lui.’ Sẽ có một thác lũ vũ khí Mỹ mới, để hỗ trợ việc phòng thủ Miền Nam trước khi thi hành hiệp ước. Trong suốt một năm Kissinger đã bảo đảm với người cộng sản là, nếu nhận được một khoảng cách hợp lý, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào Miền Nam lần nữa sau khi hiệp ước được ký kết và lực lượng còn lại của Mỹ rút đi. Nhưng để bảo đảm sự hậu thuẫn của Thiệu ông lại đưa ra một hứa hẹn hoàn toàn tương phản,  là sẽ có một hành động quân sự tức thì nếu Hà Nội vi phạm điều khoản: ”Không thể nào tưởng tượng được rằng Tổng thống Nixon sẽ đứng yên nếu Miền Bắc tấn công một lần nữa.’

Creighton Abrams, mới tuyên thệ nhậm chức tham mưu trường lục quân,  tiếp tay với cố vấn an ninh quốc gia thuyết phục Thiệu rằng người Mỹ là người biết giữ chữ tín. Kissinger bảo với Thiệu: ‘Ngài phải tin tôi,’ và được vị tổng thống trả lời ông không thấy có lý do để phải tin như thế. Vị khách tuyên bố dối trá rằng chưa có văn bản tiếng Việt nào của hiệp ước dự thảo tồn tại . Nhưng Thiệu đã đọc một bản tóm tắt được lưu hành xuống tận cấp quận ủy cộng sản do ‘nguồn tin Tây Ninh’ cung cấp. 

Trong một buổi họp ngày 21 tháng 10, ngoại trưởng của Thiệu trình bày một danh sách 23 yêu sách thay đổi cho bản dự thảo hiệp ước Paris,  ưu tiên trong đó là việc rút quân mọi binh sĩ Miền Bắc ra khỏi Miền Nam.  Kissinger nói: ‘Tôi tin là không thể nào bắt họ đồng ý điều này.’ Nixon đánh điện, chỉ đạo Kissinger thúc ép Thiệu đến giới hạn,  nhưng tránh ‘cưỡng bách ông ta cắt đứt quan hệ công khai với chúng ta trước ngày 7 tháng 11’. Sáng hôm sau, ngày 22, Kissinger triển khai các lời đe dọa và tán tỉnh, trước khi bay đến Phnom Penh để chỉ đạo cho Tổng thống Lon Nol của Cao Miên. 

Trên chuyến trở về Sài Gòn của đặc sứ cuối chiều hôm đó,  Thiệu lên án hiệp ước là một thứ giả hiệu. Hội đồng bầu cử được đề nghị,  ông nói, chỉ là chính quyền liên hiệp ngụy trang: ‘Hoa Kỳ đã thông đồng với Liên Xô và Trung Quốc.  Bây giờ các ông chấp nhận sự hiện diện của quân Miền Bắc ở đây, người Miền Nam sẽ cho rằng người Mỹ đã bán đứng chúng tôi và Miền Bắc đã thắng cuộc chiến.’ Vài lần trong buổi họp, tổng thống rớt nước mắt.  Kissinger nói, ‘Tôi chỉ có thể biết bất mãn sâu sắc với ý kiến của ngài cho chúng tôi thông đồng với người Xô viết và Trung Quốc.’ Nổi bật nhất trong các chống đối của Thiệu là, bằng cách nhượng bộ lãnh thổ trên khắp Miền Nam, người Mỹ đồng ý tạo ra một chính thể ‘da beo’ mà it người nào cho là có thể sống còn; hơn nữa,  người cộng sản và người chống cộng được ban cho vị thế tương xứng trong hội đồng bầu cử được lên kế hoạch. Kissinger báo tin cho Nhà Trắng,  cảnh báo rằng sự cứng rắn của Thiệu tạo ra một khủng hoảng mới. Ông cũng điện ra Hà Nội bày tỏ sự giận dữ của mình về việc Phạm Văn Đồng đã tiết lộ hầu hết các điều khoản đề xuất cho phỏng vấn viên báo Newsweek, làm tồi tệ thêm tâm trạng hừng hực ở Sài Gòn.

Sau khi trở về Washington,  Kissinger lao vào ‘sự thông đồng’ gấp gáp hơn: việc đầu tiên là ông gọi đại sứ Xô viết Dobrynin, thúc giục người Nga giải thích với Hà Nội rằng hai tuần trước ngày bầu cử Mỹ, hành pháp phải hành động và nói công khai theo một cách tránh sự rạn nứt công khai với Sài Gòn. Ông cũng khẩn khoản yêu cầu một lực lượng Miền Bắc tượng trưng rút quân khỏi Miền Nam, và bảo với đại sứ: ‘Hà Nội có thể nghĩ là chúng tôi đang cố tình trì hoãn hiệp ước qua ngày 7 tháng 11 để chúng tôi có thể đánh bom họ hoặc làm gì đó.  Tôi đưa ra lời cam kết vững chắc của một tổng thống với ngài rằng điều đó không phải như vậy.’ Thậm chí khi Kissinger nói, phía cuối sảnh trong Phòng Bầu Dục Nixon đang nói với Alexander Haig: ‘Sau bầu cử,  chúng ta sẽ đánh bom cho chết hết chúng luôn.  Tôi sẽ không nói với Henry chuyện này,  nhưng đó là cách thức chúng ta sẽ tiến hành. ‘

Các tay chơi ở Nhà Trắng làm việc cật lực để thuyết phục nhau rằng sự phản bội Sài Gòn sẽ không bị đáp trả bằng sự phản bội,  bởi vì chế độ Sài Gòn trước hết chưa hề là một chính quyền đúng nghĩa. Haig nói với Nixon: ‘Nếu Thiệu không thể giải quyết cuộc chiến với một triệu người với tất cả trang thiết bị đó thế thì thây kệ, y không đáng được giải cứu.’ Kissinger bảo Nixon: ‘Tôi đã đi đến kết luận bất đắc dĩ,  thưa Tổng thống,  và nó làm tôi đau lòng phải nói ra điều đó,  rằng chế độ ở Sài Gòn được cơ cấu để theo đuổi một cuộc chiến mà chúng ta chống đỡ và rằng bọn họ không thể tưởng tượng rồi đây hoà bình sẽ như thế nào. Và rằng họ không khiếp sợ cộng quân quá nhiều. Họ khiếp sợ  – hòa bình.’

Khi Nixon và Kissinger thảo luận về mối hiểm họa là chế độ Sài Gòn có thể nhanh chóng thất thủ,  vị cố vấn nói: ‘Tôi nghĩ danh dự của chúng ta sẽ còn – còn nguyên vẹn. Họ sẽ không sụp đổ nhanh như thế.’ Vào ngày 24 tháng 10 ông bảo với đại sứ Trung Quốc với giọng điệu tự trách mang nét dí dỏm đặc trưng: ‘Tôi đã hoàn thành việc thống nhất Việt Nam  – nhưng cả hai bên đều không ưa tôi.’ Khi người của Mao đợi xe tới, y hỏi tùy viên của Kissinger liệu có hy vọng là thỏa thuận sẽ được ký kết trước ngày bầu cử hay không.  Y nhận được trả lời sự đình hoãn chỉ có lợi cho người cộng sản: nếu sự việc nổ tùng xòe với Sài Gòn trước ngày 7 tháng 11, tổng thống buộc phải đứng về phe chống Hà Nội; sau cuộc bầu cử,  tình hình thì ngược lại. Chính quyền Mỹ làm rõ với Moscow và Bắc Kinh rằng họ không mong đợi Miền Bắc sẽ tôn trọng các điều khoản của hiệp ước: họ chỉ nhắm tới bút tích của mình trên hồ sơ. 

Lãnh đạo nhiều quốc gia đã họp bàn về các vấn đề trọng đại này như các vấn đề giữa Nixon và Kissinger,  nhưng trước đây chưa từng được thu âm, phơi trần sự hoài nghi của họ. Câu hỏi duy nhất quan trọng với hậu thế là liệu họ đã chọn lựa đúng đắn hay chưa. Cuộc chiến gần như chắc chắn không thể thắng trước khi Nixon bước vào Nhà Trắng.  Tổng thống Thiệu và phụ tá không làm gì nhiều để phục vụ lợi ích cho xã hội mà họ trị vì, và chỉ có trải nghiệm mới cho thấy người cộng sản còn làm ít hơn. Tội ác của Nixon,  nếu có, trong đó Kissinger đóng vai trò công cụ,  là hy sinh sinh mạng 21 ngàn người Mỹ và số lượng lớn hơn nhiều sinh mạng người Việt trong quá trình thực thi một loạt các hoạt động quân sự và ngoại giao không nhằm đem lại phúc lợi cho nhân dân Đông Dương, Miền Nam và Miền Bắc,  mà chỉ cho lợi ích chính trị nội bộ của tổng thống. 

Trong một mức độ nào đó, cử tri Mỹ có thể coi như can tội đồng lõa: ngay cả trong những năm cuối cùng của chiến tranh, nhiều cử tri còn khao khát một kết cục không thể hiện rõ ràng sự đổ vỡ của ý chí quốc gia. Nixon và Kissinger ra sức xoa dịu thứ tình cảm ấy không bằng tài lãnh đạo thực chất,  mà thay vào đó bằng kỳ tích của nghề dàn dựng sân khấu – sáng tạo ra một cảnh trí vừa đủ thuyết phục để đưa họ qua một mùa trình diễn có hạn chế đi trước và sau cuộc bầu cử 1972. Các kỹ năng chiến thuật của họ nhằm mưu tính một kết cục như thế đáng được trân trọng, nhưng thật khó để mở rộng sự trân trọng ấy cho đạo đức của họ. Kissinger cho thấy ông không làm chủ trong nghệ thuật của chính sách thực dụng, như được đánh giá quá cao. Vào ngày 23 tháng 10 ông bảo Thiệu trực diện: ‘Hoa Kỳ không bao giờ hy sinh một người bạn tin cậy.’ Trở lại Washington hai ngày sau,  ông lại bảo với Bộ trưởng Thương mại Pete Peterson: ‘Tôi chỉ có một ước muốn  – thả xổng người Việt vào nhau trong hy vọng họ sẽ tiêu diệt lẫn nhau.’

Vào ngày 26 Miền Bắc tiết lộ với thế giới các điều khoản đề nghị của thỏa hiệp, yêu cầu người Mỹ kí tên vào ngày 31, như đã thảo luận trước đây giữa Lê Đức Thọ và Kissinger.  Thông báo của Hà Nội dấy lên một cơn xúc cảm trong nước Mỹ, và thúc đẩy Nixon ủy thác cho Kissinger xuất hiện lần đầu tiên trong vô số lần tiếp sau như một ngôi sao của làng giải trí truyền hình  – từ trước đến giờ ông hiếm khi nói trước công chúng. Sự thiếu kinh nghiệm của ông lộ ra, nhưng uy tín, tính dí dỏm, tính ra vẻ thẳng thắn và vị thế phi chính trị của ông đã lấn át tất cả. ‘Thưa quý bà và quý ông,’ Ông bảo với hội nghị các nhà báo tụ họp đông nghịch ở Nhà Trắng,  ‘rõ ràng một cuộc chiến đã diễn ra ác liệt trong 10 năm đang đi gần đến kết thúc.’

Hà Nội,  ông nói, đã từ bỏ yêu sách cho một chính quyền liên hiệp ở Miền Nam; trong khi đó, không có gì ngạc nhiên khi Sài Gòn nêu lên các vấn đề. Truyền hình ABC đăng tít đầu trong phóng sự lời phát biểu của ông ‘Hòa bình đang ở trong tầm tay ‘. Hai tuần trước ngày bầu cử,  Kissinger trao cho Nixon lời hứa hẹn khải hoàn. Tổng thống điện thoại ưu ái với ông đêm đó: ‘Họ tưởng anh đã có hoà bình hả?’ ‘Vâng phải.’ ‘Đó là điều họ nghĩ thôi.  Thế cũng tốt.  Để cho họ tưởng vậy đi.’ Những lời ca tụng đổ đống lên vị cố vấn từ mọi màu sắc chính trị. Thượng nghị sĩ James Buckley, em của William F., điện thoại khen tặng ông, mong tìm được sự trấn an biểu tượng: ‘Liệu tôi có thể giả định rằng những gì đã được thực thi sẽ không cắt đứt hậu thuẫn đột ngột cho bất cứ chế độ nào hay không? ‘Tuyệt đối, hoàn toàn,  100 phần trăm.’ ‘Thật tuyệt. ‘ James Reston của tờ the New York Times nói: ‘Đất nước nợ anh một món nợ lớn, Henry.’ Ứng viên Dân chủ George McGovern tiếp tục phạm một loạt các sai sót khác, tố cáo Nixon không chịu bỏ rơi Thiệu, quên sự kiện là ngay chính lúc đó đối thủ của ông đang ướp nước xốt nhà lãnh đạo Miền Nam để làm món ăn chính tại buổi thịt nướng với người cộng sản.

Sài Gòn tiếp tục thêm vài ngày nữa đứng qua một bên việc đoạn tuyệt công khai với Washington: Thiệu nói một cách ẩn ý rằng Miền Nam sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa hiệp đi ngược với lợi ích của nhân dân, không quên nói thêm rằng thỏa thuận của Kissinger biểu thị cho một hậu quả như thế. Ngày hôm sau, ông bảo với Quốc Hội rằng việc binh sĩ Miền Bắc rút lui là ‘yêu sách tối thiểu’ của ông, khiến tờ New York Times lên án Thiệu là ngoan cố. Ngày 27 tháng 10 tờ Los Angeles Times chạy tít lớn ‘Hoa Kỳ Khăng Khăng Đọi Hà Nội Phải Rút Quân: Yêu Cầu Rút 145,000 Binh Sĩ Trước Khí Ký Kết’. Điều này là không đúng, nhưng tiếng vang quốc gia của câu chuyện củng cố thêm tiếng tăm của Kissinger cho tính cứng rắn, nhấn chìm tất cả những diễn biến quan trọng trong vụ bê bối Watergate đang lớn mạnh –   đó là các báo cáo về hành vi phạm tội của các thành viên cao cấp trong đội vận động chiến dịch tranh cử của Nixon.(Vụ bê bối Watergate là vụ bê bối chính trị lớn ở Hoa Kỳ liên quan đến chính quyền của Tổng thống Richard Nixon từ năm 1972 đến năm 1974 dẫn đến việc Nixon phải từ chức. Vụ bê bối bắt nguồn từ việc chính quyền Nixon liên tục cố gắng che đậy sự dính líu của mình trong vụ đột nhập vào trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ tại Tòa nhà Văn phòng Watergate ở Washington, DC ngày 17 tháng Sáu năm 1972 để nghe lén hoạt động tranh cử của đối thủ họ: ND).

Gần như mọi bình luận ở Mỹ vào những ngày đó phản ánh một khao khát rộng khắp,  mạnh mẽ xem Tiến sĩ Henry Kissinger như một vị cứu tinh của quốc gia.  Ước muốn tha thiết thoát khỏi Việt Nam thuộc mọi sắc thái chính trị Mỹ, rằng hoà bình với một vài mảnh rách tơi tả của phẩm cách đều chấp nhận được, góp thêm mối quan tâm của một thiểu số về số phận của nhân dân Thiệu. Nhiều người đánh giá rằng bất cứ kết cục nào không có bom, đạn và napan đều tốt hơn những thứ đó.  Và ai có thể cho quan điểm đó là ô nhục?

Kissinger trước đây đã chống đối tiến hành không kích tiếp tục xuống Miền Bắc sau khi bầu cử.  Tuy nhiên,  giờ đây thịnh nộ trước sự ương ngạnh của Sài Gòn và thái độ khi dễ của Hà Nội, ông đâm ra ưng thuận tiến trình này. Vào ngày 31 tháng 10 ông bảo với Nixon: ‘Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu di chuyển các B-52 xa hơn về phía bắc.’ Tổng thống đồng ý: ‘Nhất định thế.’ Kissinger tiếp tục: ‘Vì đó là cách duy nhất mà bọn chó chết đó hiểu ra … Nếu sau một tuần chúng không trả lời,  chúng ta phải bắt đầu đội bom lần nữa.’ Ngày hôm sau,  Thiệu lên án công khai bản dự thảo hiệp định là ‘đầu hàng cộng sản ‘. George McGovern tấn công cả Nixon lẫn Thiệu vì không ký thỏa thuận dự thảo: ông kết án tổng thống lên kế hoạch thêm bốn năm chiến tranh nữa, để giữ Thiệu trong quyền lực – một sự xuyên tạc thực tế dễ buồn cười.

Theodore White, nhà viết biên niên về các cuộc  bầu cử tổng thống, lấy làm lạ về một hiện tượng: sau nhiều thập niên trong đó ứng viên Cộng Hoà từng là một trong số các chính trị gia không được ưa thích nhất ở Mỹ, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch 1972 , dân chúng bày tỏ lòng yêu quý đối với Richard Nixon. Vào ngày 7 tháng 11, Nixon đạt được chiến thắng lấn át mang tính lịch sử,  với 60.7 phần trăm số phiếu bầu so với 37.5 phần trăm của McGovern.

Câu chuyện về chính sách Việt Nam qua những tháng sau đó bị khống chế bởi các nỗ lực tiếp tục của chính quyền Mỹ nhằm làm nao núng lập trường cứng rắn của Sài Gòn, để thuyết phục Thiệu chấp nhận thỏa thuận dự thảo đã thống nhất ở Paris.  Trở lại ngôi biệt thự ở Gif- sur-Yvette vào ngày 20 tháng 11, Kissinger trình cho Lê Đức Thọ danh sách 69 điểm thay đổi do chính quyền Thiệu đề nghị,  ưu tiên trong đó là việc rút toàn bộ lực lượng Miền Bắc – mà Hà Nội không nhận là có lực lượng nào ở Miền Nam. Chắc chắn mục đích nhà thương thuyết Mỹ muốn nhắm đến là nhấn mạnh với người cộng sản chính ông phải đương đầu với các trở ngại trong việc bắt người Miền Nam phải thuần phục. Ngày hôm sau Lê Đức Thọ cho ý kiến về các điều khoản thay đổi Thiệu đưa ra: ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận chúng.’ Hà Nội thực sự không hiểu sự bất lực của người Mỹ trong việc bắt các con rối Sài Gòn của mình nhảy theo lệnh. Thọ lặp lại yêu sách phải thả 30,000 tù dân sự. Rồi Kissinger đọc một tờ ghi chép của tổng thống, hướng dẫn ông cắt đứt các đàm phán.

Sự mâu thuẫn về những gì tiếp theo là hành pháp của Nixon tập trung vào sự phẫn nộ của quần chúng đối với Hà Nội,  trong khi ở nơi riêng tư triển khai một hàng rào các lời hứa hẹn và đe dọa để  tranh thủ một thay đổi trong trái tim người Sài Gòn.  Lúc Nixon tiếp một đặc sứ Miền Nam tại Nhà Trắng vào ngày 29 tháng 11, ông nói thẳng một cách tàn nhẫn, đe dọa cắt đứt mọi hậu thuẫn: ‘Không có viện trợ, các ông không thể sống còn. Hiểu không?’ Nhưng Thiệu vẫn từ chối công nhận thỏa thuận Paris. Lê Đức Thọ rút lại yêu sách thả 30,000 tù chính trị, nhưng vào ngày 12 tháng 12 nói ông phải trở về Hà Nội để tham vấn.

Những gì xảy ra tiếp theo thuộc trong số những bước ngoặt kỳ cục nhất của cuộc chiến. Tổng thống Nixon ra lệnh một chiến dịch ném bom mới tàn khốc, được cho là để đáp ứng với sự ngoan cố của người cộng sản, và rõ ràng do họ không chịu giao lại tù binh Mỹ. Nhưng lập trường của Lê Đức Thọ trong tháng 12 vẫn không thay đổi nhiều so với tháng 11. Tất cả khác biệt chỉ là Miền Nam khước từ hậu thuẫn thỏa hiệp được đề xướng. Cách lý giải có vẻ hợp lý nhất của sự kiện sau này được biết dưới tên Chiến dịch đánh bom Giáng sinh của Nixon, Chiến dịch Linebacker II, là nó nhằm mục đích biểu dương sức mạnh để thuyết phục Sài Gòn và nhân dân Mỹ là Mỹ quyết tâm giữ vững sự cam kết của mình đối với Miền Nam,  và trừng phạt Miền Bắc dám kháng cự ý chí của Nixon trong 4 năm. Sức tàn phá không làm thay đổi chút gì về ý nghĩa ngoại giao, nhưng cho thấy đó là  hành động quân sự quan trọng cuối cùng của sự can thiệp Mỹ vào Việt Nam. 

2 ‘Chúng Ta Sẽ Đánh Bom Cho Chết Hết Chúng Luôn’

Lúc 11 thứ hai,  ngày 18 tháng 12 1972, trong phòng hướng dẫn của phi hành đoàn B-52 tại căn cứ không quân Andersen, Guam, Đại tá James McCarthy kéo bức màn cho lộ ra bản đồ đường xá  và tuyên bố một cách trịnh trọng,  ‘Thưa quý ông,  đêm nay mục tiêu của các bạn là .. . Hà Nội!’ Phí công Vince Osborne nói, ‘Tôi tưởng mọi người sẽ hoan hô  … nhưng phi hành đoàn ngồi đó với vẻ mặt rất nghiêm trọng và trong tâm trí thì hét lên “Ôi, đồ chết tiệt!’ Đại uý Ed Petersen hầu như không tin vào tai mình khi nghe anh và bạn lái phải hướng đến khu trung tâm thành phố: ‘Thoạt đầu tôi nghĩ đó chỉ là trò đùa.’ Các nhân viên phi hành đã đùa với nhau rằng,  đối với người Mỹ,  cuộc chiến đã hầu như đi qua.  Nhưng trong 11 ngày tiếp theo đó, 729 lượt xuất kích B-52 đã bỏ 15,237 tấn bom xuống Miền Bắc,  trong khi phi cơ chiến thuật thực hiện 5,000 lượt. Linebacker II biểu thị cuộc điều động B-52 hùng hậu nhất trong cuộc chiến,  với 155 oanh tạc cơ chen chúc trên 5 dặm bãi đỗ, trước khí cất cánh để tiêu thụ 2 triệu ga-lông lít xăng phản lực mỗi ngày. Mọi người thù ghét căn cứ Andersen; 12 ngàn người chen chúc trong các khoảng không gian chỉ đủ chỗ thoải mái cho phần tư số đó; khi một phi hành đoàn bị bắn rơi, đồng đội vội vàng chiếm lấy đồ đạc của họ. Đây là đỉnh cao của chiến dịch không quân to lớn kể từ năm 1965.

Các phi công trong mọi cuộc chiến đều cư trú trong một thế giới khác biệt với những binh sĩ trên bộ. Thay vì lán trại và lều võng bên dưới các tán cây rừng,  phi công B-52 sống trong các khu vực có máy điều hòa dựng trên các sa mạc bê tông nơi không nghe đến một tiếng súng hay tiếng nổ. Gần như mọi ngày họ tắm vòi sen và ăn điểm tâm Mỹ trước khi cất cánh đến lãnh thổ kẻ thù. Rồi khá lâu sau đó họ đáp trở lại, lái các con quái vật phì phò đến chỗ đỗ, rồi hướng tới câu lạc bộ sĩ quan nốc một ly cốc tai. Tuy nhiên, điều này không ám chỉ họ đang thụ hưởng một cuộc chiến nhung gấm: căng thẳng tâm lý thật là mênh mông, khi phải thay đổi liên tục giữa cái nhàm chán thường nhật trên đảo Guam với bầu trời chằng chịt tên lửa phía trên Miền Bắc.

Thế giới nghĩ về việc đánh bom Đông Dương chủ yếu theo ngữ cảnh của số nạn nhân của nó, điều này cũng đúng. Nhưng những ai cầm lái thường ít nghĩ về những người gần như vô hình trên mặt đất phía dưới họ rất xa; mà nghĩ nhiều hơn về các nguy cơ họ phải đương đầu.  Một số phi công có nghề hưởng thụ vai trò của mình, vì mỗi thế hệ liên tiếp các phi công trẻ tuổi say sưa với cái cảm giác mạnh của tốc độ cao, của tác chiến và thật ra của việc phá hủy. Nhưng nhiều người cũng ôm ấp nối sợ hãi, và không bao giờ nhiều hơn thế như trong chiến dịch đội bom Giáng sinh 1972. Chỉ huy hải quân John Nichols viết: ‘Không ai muốn mình là người cuối cùng chết trong một cuộc chiến không đánh thắng.’ Nhiều người không còn thấy xấu hổ khi tránh né nguy hiểm. Một người có thể tru tréo trước một nhiệm vụ hiểm họa, ‘Ê, đợi chút đã. Hôm qua tôi đã đi dập phòng không rồi mà. Chưa đến lượt tôi.’ Một số người bới móc các trục trặc kỹ thuật để khỏi cất cánh hoặc bay về sớm. Có các tin đồn ác mồm cho rằng phe địch cảm thấy mình đã có đủ tù binh rồi, nên không muốn nhận thêm nữa. 

Phi công tàu sân bay, cùng với chiến đấu cơ Không lực và các B-52 xuất phát từ U-Tapao, Thái Lan, đi và về chỉ mất 3 hoặc bốn giờ.  Các B-52 ở căn cứ Guam, ngược lại,  xuất phát gần như cách mục tiêu Miền Bắc gần 3,000 dặm về hướng đông. Phần đông phi hành đoàn chỉ ném được bom sau 9 giờ bay đến mục tiêu,  và đã đi hơn 8,000 dặm trước khi đáp trở lại sau ít nhất một lần lấy xăng tại căn cứ Okinawa. Mặc dù có thể sử dụng bộ phận lái tự động, thậm chí trước khi gặp địch việc thao tác một chiếc B-52 đòi hỏi trình độ khắt khe. Jim McCarthy viết: ‘Không giống một chiến đấu cơ cao cấp hoặc các mẫu B-52 mới, các B-52D không có bộ phận điều khiển chạy bằng năng lượng.  Phải cần nhiều sức cơ bắp để bay được theo đúng đội hình.’ Thao tác một chiếc D, phi công viết,  ‘có thể so sánh với việc lái một xe tải 18 bánh không có bộ phận lái chạy bằng năng lượng, thắng hơi hoặc chuyển số tự động trong khu thương mại Washington vào giờ cao điểm.’

Mỗi sứ mạng đều đi kèm một đội hình phi cơ thuộc nhiều loại và chức năng. Đi đầu các Siêu Pháo đài bay là các chiến đấu cơ đánh phá các dàn phòng không và tên lửa.  Phi cơ đối phó điện tử ra sức làm nghẽn các kênh liên lạc và tín hiệu ra đa địch. Các Phantom F-4 rải rắc ‘tro trấu’. Cùng với các oanh tạc cơ,  nhiều Phantom tạo lá chắn chống lại các MiG. Phi hành đoàn B-52 gồm 6 người: hai phi công; ‘đội phòng vệ ‘ hai người  gồm một sĩ quan tác chiến điện tử và một xạ thủ,  ngồi nhìn chăm chăm vào màn hình và các nút điều khiển trên các ghế đối diện phía sau buồng lái vài bộ; và một  ‘đội tấn công’ gồm phi hành viên và phi hành viên ra đa  – người sau trước đây được gọi là chuyên viên oanh tạc – ngồi trong khoang phía dưới.  Bốn súng máy cỡ 0.50 ở đuôi máy bay là di tích có từ thời Thế chiến II,  với 6 dặm cách mặt đất chúng ít gây hại cho địch,  mặc dù chúng đã từng bắn hạ hai MiG trong chiến dịch Linebacker II.

Trên đảo Guam các B-52 được bảo trì bởi 5,000 thợ mặt đất đạt căn cứ ở ‘Bicycle Works’. Thật là một công việc nặng nề để bảo trì một chủng loại được thiết kế vào năm 1949 và bay lần đầu tiên 4 năm sau đó – một số máy bay ném bom Hà Nội đã 17 năm tuổi.  Pháo đài Bay có 10 hệ thống thủy lực độc lập và 4 máy phát điện lớn được cung cấp năng lượng bởi các tuabin khí nóng, hút khí nén từ các động cơ, trong đó nhiệt độ lên đến 250 độ C. Một sự rò rỉ có thể là thảm họa,  vì các ống dẫn chạy bên cạnh các  cáp điều khiển, thùng xăng, ống dẫn dưỡng khí. 

Khi Andersen hoặc ‘U-T’ hoạt động ở cường độ cao,  một oanh tạc cơ có thể được bơm đầy xăng và chất đầy bom trong vòng 4 giờ – phân nửa thời gian nhà nước qui định  – và các mục thanh tra chính được hoàn tất trong 8 giờ.  Lượng tải đầy đủ gồm 84 quả bom 500 cân đóng gói trước trong các ‘khuôn’. Yêu cầu cho loại đạn dược xê dịch đó rất khắt khe trong nhiệt độ có thể vượt quá 100 độ, theo chu kỳ bị gián đoạn bởi các cơn bão nhiệt đới.  Nhân viên mặt đất thỉnh thoảng phô bày lòng tận tụy anh hùng: khi một oanh tạc cơ đã chất đầy ắp bom bị nổ lốp khi chạy cất cánh,  một bánh xe bình thường thay mất 150 phút được hoàn tất trong 15 phút, không cần tắt động cơ.

Trước mỗi sứ mạng,  bộ phận kế hoạch bỏ ra hàng giờ tranh luận các mục tiêu, cân bằng các điểm nhắm và trục tấn công tối ưu giữa các dàn SAM như tranh khảm và các trạm ra đa được đánh dấu trên bản đồ  và không ảnh do các phi cơ trinh sát bay cao SR-71 chụp. Hai ‘khuôn’ bom cho mỗi tổ ba chiếc B-52, mỗi chiếc mang đến 30 tấn bom khi các giá trên cánh cũng chứa đầy, có thể hủy diệt gần như mọi sinh vật sống bên trong ‘hộp’ – một hình chữ nhật trên mặt đất rộng ⅝ dặm, dài 2 dặm: đây là tính tinh vi ớn lạnh nhất trong ‘đánh bom trải thảm’. Trong ánh sáng của tình báo và tuyển chọn mục tiêu mới nhất, các mệnh lệnh riêng rẻ được phát ra cho phi hành đoàn.  Các mục tiêu tọa lạc  tại một trong hai vùng, theo thứ tự được nhận diện như mối đe dọa thấp-hoặc-cao, phụ thuộc vào mật độ của lực lượng phòng thủ trên mặt đất. Một mục tiêu ưu tiên tạo ra một sứ mạng được chỉ định là một ‘Press- On’, có nghĩa là phi hành đoàn phải hoàn thành nó, dù mức độ chống đối hoặc hỏng hóc hệ thống phi cơ họ gặp phải như thế nào.

Sau khi xong phần hướng dẫn,  các tuyên úy thực hiện nghi thức Thiên Chúa giáo cuối cùng,  mà một số người thấy hữu ích, nhưng một số khác thì không thích. Phi hành đoàn bước ra máy bay nặng nề với áo vét cứu sinh phồng to, vũ khí bên hông,  hộp khẩu phần và xách tay quá khổ chứa đầy các cẩm nang kỹ thuật, bảng tính oanh tạc,  dữ kiện phi hành hàng không và tài liệu hướng dẫn được phân loại. Họ cũng mang theo trang phục chống lạnh, sẽ thừa thãi nếu hệ thống sưởi ấm hoạt động,  nhưng rất hữu ích nếu nó trục trặc, nhấn buồng lái xuống đến nhiệt độ âm 56 độ C.

Các phi công chiến đấu cơ gọi các B-52 là các Buff– Big Ugly Fat Fellers (Anh Chàng  To Béo Xấu Xa. Bộ Tư lệnh  Không quân Chiến lược thích cụm từ ‘đoàn voi diễu hành’ để mô tả một đoàn oanh tạc cơ khổng lồ tiến xuống đường băng để cất cánh. Những lần phát động chiến dịch đều thu hút một đám đông khán giả, nhân sự làm việc trên mặt đất và phi hành đoàn đang rảnh rỗi, đứng từng cụm trên đường bay, bên ngoài văn phòng,  trên ban công.  Từng chiếc một các Buff tăng tốc để cất cánh,  khói đen phun ra các ống xả ở đuôi. 

Lấy cao độ họ băng qua tàu kéo lưới Nga do thám nằm ngoài khơi theo dõi và đếm số phi cơ.  Phi hành đoàn ấn định cho lộ trình dài về tây: hai phi hành viên có thể chơi cờ hoặc viết thư.  Một thành viên làm toán trong sách giáo khoa đại số; những người khác theo các khóa học hàm thụ, trong đó có một học viên nha khoa. Khi họ muốn thoải mái, nói khôi hài hoặc hỏi một thủ tục, họ ghi chép vào giấy rồi trao đổi,  để không bị dò xét bởi các thanh tra bộ Tư lệnh  không quân chiến lược giám sát bằng ghi âm lắp đặt trong buồng lái.

Khi băng qua biển, toàn thể phi hành đoàn thường an giấc. Cần phải tỉnh táo và khỏe khoắn trước khi bắt tay vào việc, vì bay ở độ cao trong giá lạnh căm căm, tai bị ù và xoang mũi đau đớn kinh khủng, đe dọa bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Khí hậu không dự đoán được gây ra thêm vấn đề: ngược gió làm tốn thêm nhiên liệu, đôi khi phải tiếp xăng thêm trên không. 

Không ai ngái ngủ khi oanh tạc cơ tiến gần đến mục tiêu.  Vào tháng 12 1972, Miền Bắc sở hữu loại MiG, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa khủng khiếp. Bộ phận SAM-2 bắt đầu phóng từng loạt tên lửa lên trời ngay lúc phi cơ Mỹ tiến vào trong tầm bắn. Phản ứng trong buồng lái khác nhau: phi công Robert Clark, người dẫn đầu đợt oanh tạc thứ ba vào ngày 18 tháng 12, nói: ‘Tôi đã sẵn sàng hành động; thành viên phi hành đúng là khiếp sợ; xạ thủ của tôi là một diều hâu; sĩ quan tác chiến điện tử thì vô cùng tò mò không biết liệu thiết bị mới của mình có hiệu quả không – anh phấn khích nhưng lo sợ.’ Les Dyer thì vô tư lự: ‘Tôi còn trẻ, không dính đạn, và không thể bị tổn thương.’ Bruce Woody mô tả mình ‘sợ đến mất vía’. Jerry Wickline nói: ‘Suốt thời gian tôi cứ nghĩ là mình sẽ chết ngay giây tiếp theo… Vài lần tôi lóa mắt vì một tên lửa nổ sát máy bay hoặc lửa lóe sáng từ đường bay tên lửa khi chúng bay vút qua tôi. Chiếc B-52 bay ngay sau tôi bị bắn hạ. ‘ Anh nói thêm: ‘Trong sứ mạng đó tôi tìm ra mình không phải là một kẻ hèn nhát. Tôi đã định xin phép quay máy bay đó lại và không bay qua các tên lửa đó, nhưng tôi sợ bị dán nhãn hiệu hèn nhát hơn là sợ cpphết.’

Ném bom chính xác đòi hỏi bốn phút bay thẳng và ổn định khi tiếp cận mục tiêu,  không đếm xỉa gì đến tên lửa phóng tới. Các tổ ba B-52 bay sát theo đội hình để gây bối rối cho ra đa: nếu một máy bay giạt ra hoặc do phi công bồn chồn lo lắng lái lệch đi, bao hình bảo vệ bị yếu đi.  Phi hành đoàn có thể nghe được những từ làm ngưng tim từ sĩ quan tác chiến điện tử: ‘SAM LIÊN KẾT LÊN!’ Một phi công sẽ hỏi,  ‘Chúng ta còn cách mục tiêu bao xa, Ra đa?’ ‘Chúng ta còn 10 giây. Năm. Bốn. Ba.  Hai.  Một. NÉM BOM ĐI! Bắt đầu … quay về, phi công. ‘

Cuộc tấn công mở màn này bắt đầu lúc 19:45 vào ngày 18 tháng 12, khi tổ đầu tiên trong một vệt dài các tổ thả bom. Máy bay hơi rùng mình khi 30 tấn bom rơi khỏi máy bay. Quay lại gắt tạm thời có thể làm tắt máy phát sóng ra đa,  che mất hoạt động phòng vệ máy bay trong một số giây có thể tỏ ra là chết người.

Đại tá Hendsley Conner, bay với vai trò chỉ huy sứ mạng, mô tả trải nghiệm khi phi công quành lại chiếc oanh tạc cơ một đêm trăng sáng: ‘KABOOM! Chúng tôi bị trúng tên lửa. Chúng tôi cảm thấy như mình ở ngay trung tâm một tiếng sấm. Âm thanh nghe điếc tai. Mọi thứ chói sáng trong một lúc, rồi tối tăm trở lại.  Tôi có thể ngửi thấy mùi ô-zôn của thuốc súng cháy, và cảm thấy vai phải hơi giật.’ Qua máy bộ đàm ông kiểm tra Cliff Ashley, phi công, và được anh đáp lại: ‘Tôi ổn, nhưng tình trạng phi cơ có vấn đề.’

Tên lửa địch nổ sát mạn trái máy bay, bứt ra hai động cơ và mũi cánh. Lửa đang phụt ra từ chỗ hư hại, máy điều áp khoang máy bay đã chết, cùng với hầu hết công cụ khác. Mặc dù có căn cứ ở Guam, họ ấn định lộ trình đến Thái Lan và kêu gọi máy bay hộ tống: hai chiếc F-4 trả lời gần như lập tức,  ‘Có chúng tôi đây,  bạn ơi.’ Họ bắt đầu hạ thấp nhanh từ 30,000 bộ, ráng sức tránh phải nhảy dù xuống Miền Bắc hoặc Lào: ‘Chúng tôi biết rằng ở Lào không giữ tù binh.’ Ba mươi phút sau , họ thở phào nhẹ nhõm khi bay vào không phận Thái Lan, và nghĩ rằng mình có thể đáp xuống. Rồi một phi công F-4 tháp tùng cảnh báo lửa đang bùng phát mạnh,  toàn bộ cánh trái bốc lửa: ‘Tôi không nghĩ là anh đáp được.’ Tất cả 6 thành viên phi hành đoàn cơ hữu đều có ghế phóng,  và một ít giây sau đèn hiệu  NHẢY TÀU cháy lên. BẦM! Viên phi hành biến mất. Conner, không có ghế riêng của mình,  bò qua đống đổ nát đến cái lỗ qua đó người cuối cùng đã biến mất,  và nhìn chầm chầm vào mặt đất xa tít bên dưới. Rồi anh nhảy xuống,  và vài giây sau kéo khóa bật dù. Anh ngước nhìn máy bay bốc cháy dữ dội khi nó lao xuống mặt đất.  Anh đặt chân xuống giữa một nhóm dân làng Thái Lan và được họ mời nước.  Hai mươi phút sau trực tháng TQLC bay đến rước anh. Sáu thành viên của B-52 cũng đã được  rước về.

Vào đêm đầu tiên của Linebacker II, Richard Jones đếm có 56 tên lửa SAM bắn vào đội hình của anh, và John Filmore Graham thấy 30 tên lửa trong khi tấn công vào sân bay Phúc Yên của Hà Nội.  Thiếu tá Don Aldridge, bay với vai trò phó kiểm soát không phận, viết nguệch ngoạc cảm tưởng khi nhìn vào bầu trời đêm: ‘Bắt đầu nhìn thấy pháo phòng không … phần đông pháo ở khoảng 20-25 ngàn bộ, nhưng khá ác liệt.  MiG hoạt động phía tây Hà Nội,  nhưng bị F-4 nghênh chiến.  Bắt đầu thấy SAM khai hỏa … một số rốc két không điều khiển 122mm … Xạ thủ báo cáo  … tổ bay như một chiếc phi cơ.  SAM khá dày đặc nhưng hầu hết đều bắn trật  ít nhất nửa dặm  … Còn 120 giây – 2 SAM ở vị trí 1 giờ trật mục tiêu  – nổ trên cao khoảng 1 dặm tầm ngang … 31 SAM tất cả bắn vào Tổ Green.’

Sau khi chiếc B-52 của Đại uý John Alward chịu thiệt hại nghiêm trọng từ một tên lửa suýt bắn trúng, với hai động cơ chết máy và thêm hai động cơ yếu hẳn đi anh hướng về phía nam băng qua vùng Phi Quân sự  hướng đến Đà Nẵng,  gần hơn nhưng có đường bay ngắn khá nguy hiểm đối với một oanh tạc cơ cồng kềnh đang bị thương tật.  Anh tiến đến trong thời tiết tệ hại, thấy rằng căn cứ đang bị súng cối và rốc két của cộng quân rót xuống. Alward, một phi công tương đối ít kinh nghiệm, bàn với phi hành đoàn liệu có nên nhảy dù xuống biển hay không. Họ đồng ý nên thử đáp xuống, nhưng phải đáp nhanh. Tuy nhiên,  khi phi công phụ kéo cần để kích hoạt dù hãm sau đuôi, không có gì xảy ra: dây cáp đã đứt. Lao dọc theo đường băng về hướng bãi mìn, Alward bấu vào cần điều chỉnh và kéo chiếc phi cơ khổng lồ bay trở lại lên không trung. Họ đánh vòng để tiếp cận lần thứ hai, và kì diệu thay thành công. 

Người Mỹ phân biệt khá rõ ràng mức năng lực trong các xạ thủ và đội tên lửa SAM. Một tiểu đoàn tên lửa Việt Nam bị chế giễu là ‘Binh lính F’, theo tên của một xô hài kịch trên TV, vì tỉ số bắn trúng rất thấp. Ngược lại,  một tiểu đoàn khác,  ở phía tây-nam Hà Nội,  được đặt tên ‘Địa điểm Sát Thủ-549’, và trở thành mục tiêu của nhiều cuộc không kích liên tục để hủy diệt nó. Các chiến đấu cơ MiG của Miền Bắc thường chiếm lấy vị trí bên sườn các B-52 và cách một khoảng an toàn: người Mỹ nắm biết ý định của họ là ‘đang chơi trò cảnh sát lưu thông cho các SAM’ – chuyển tiếp các điều chỉnh về cao độ của oanh tạc cơ để bộ đội tên lửa dưới mặt đất có thể bắn thậm chí không cần phải khóa mục tiêu trên ra đa. Đối với nhiều phi công lực lượng phòng không còn đáng sợ hơn tên lửa, vì phi hành đoàn không nhìn thấy pháo cho đến khi nó phát nổ: các khẩu 100mm của Miền Bắc hiệu quả trên 30 ngàn bộ.

Năm dặm bên dưới, một cố vấn chống phi cơ của Nga Trung uý Valery Miroshnichenko, nói: ‘Chúng tôi đang xem phim Giải Phóng, một bộ phim về Thế Chiến II trình chiếu lưu động.  Một phút trước xe tăng còn bắn nhau trên màn ảnh, thì phút sau bên ngoài cũng có tiếng nổ. Chúng tôi ngỡ là tiếng sấm . Rồi chúng tôi nhìn lên và trông thấy các B-52: chúng tôi chứng kiến một máy bay rơi, cháy bùng như một ngọn đuốc.’ Người Miền Bắc ngày nay gọi cuộc oanh kích tháng 12 1972 là ‘Điện Biên Phủ Trên Không ‘, ý nói họ đã giáng một trận thảm bại quyết định cho Không lực Mỹ. Chiến dịch theo sau một thời điểm tồi tệ sớm hơn trong năm, khi các thất bại của dàn tên lửa làm mất tinh thần chiến sĩ pháo binh. Một người viết: ‘Một số người thì thầm chúng tôi bất tài  và bất lực,’ trước các biện pháp điện tử chống lại mạnh mẽ của người Mỹ. Một hôm vào mùa thu đó Trung uý Nguyễn Kiên Định đã vừa phóng 2 SAM về hướng một phi cơ Mỹ ở tầm 6 dặm ‘thì tôi nghe ai đó la lên ‘Coi chừng, có Shride!’ Tiểu đoàn trưởng loại bỏ các thôi thúc của họ để giảm năng lượng,  để hạ mức thông tin  và do đó khó tổn thương hơn.  Kiên viết: ‘Hai ba giây sau đó một tiếng nổ phá vỡ thổi tôi bay vào màn hình. Khi quay lại tôi thấy cửa toa xe đã mở toác, và không khí đầy khói bụi. Hầu như mọi người trong toa điều khiển đều bị thương, và trang thiết bị đều hư hỏng.’ Trong xe tải phát điện của cứ điểm tên lửa,  Kiên phát hiện một đồng chí ngồi sụp xuống bất động tại dàn điều khiển.  ‘Tôi gọi anh nhưng anh không trả lời.  Thân thể anh mềm nhũn và một vài giọt máu xuất hiện trên ngực.  Một mảnh kim loại nhỏ của Shrike (tên lửa săn ra đa) đã xuyên thấu trái tim anh.’ Đó là lần đầu tiên trong 6 năm phục vụ mà Kiên nhìn thấy người chết, và anh bị sốc – cũng tràn ngập niềm hối tiếc,  bởi vì anh cảm thấy đội anh đã sai sót.

Mục tiêu thực sự trong cuộc tấn công Giáng sinh không phải là vật chất mà là tinh thần: những người lên kế hoạch nhắm gây ra tối đa khổ sở cho dân chúng bằng cách đánh phá ban đêm  – và đã thành công.  Khuya ngày 18 tháng 12, Kiên ngã xuống chiếu kiệt sức  ‘hy vọng được nghỉ ngơi một ít phút để hồi sức’ sau khi giao đấu với hai đợt tấn công của B-52. Anh không sao chợp mắt được khi một hồi còi báo động mới vang lên – lần này là các F-111. Khi chúng đi rồi, một lần nữa  Kiên nằm xuống mệt nhừ,  chỉ để nghe ngay trước 04:00 vào ngày 19 một đợt tấn công thứ ba của B-52, các băng tần làm nghẽn sóng của họ khiến màn hình Miền Bắc mất tác dụng. Lúc bình minh rét mướt đến,  bộ đội tên lửa kiệt sức ăn điểm tâm với vẻ chán chường: trung đoàn của họ đã giao tranh 6 đợt , và không bắn rơi chiếc máy bay nào, mặc dù các đơn vị khác tuyên bố bắn hạ 3 chiếc B-52. Vào sáng sớm ngày 21 tháng 12 ‘chúng tôi đã chịu đựng 4 hoặc 5 báo động tác chiến và mọi người đều kiệt sức vì thiếu ngủ và căng thẳng thần kinh.  Khi nghe tiếng kẻng mọi người tung chăn, xỏ giày và chạy đến trạm tác chiến bất chấp cả giá rét’: một ít ngày sau,  các bom chùm do các F-4 thả xuống quét sạch dàn tên lửa của anh.

Trong ‘Khách sạn Hilton Hà Nội’, tiếng bom nổ gây không khí phấn khởi cho các tù binh Mỹ. Họ nhảy cỡn và vỗ tay,  khiến một anh lính gác bối rối phản đối Đại tá Robinson Risner: ‘Nhưng các phi cơ này đang tính giết các ông mà!’ Người tù binh bướng bỉnh đáp lại: ‘Không,  không phải vậy, họ tính giết các ông đó!’ Về phần dân chúng, Nguyễn Thanh Bình sống cách Hà Nội nhiều dặm về hướng đông, nhưng trong chiến dịch Linebacker cô thường đứng với nhiều người khác,  chăm chăm nhìn về phía chân trời xa xăm, dường như đối với họ giống ‘một núi lửa phun trào’ Khi hết đợt này đến đợt khác trút bom xuống.  Người thiếu nữ trẻ nói: ‘Các B-52 dường như che kín bầu trời, che khuất vầng trăng,’ một mô tả chắc chắn là văn hoa nhưng không thực, vì các phi cơ bay quá cao để có thể thấy được trong màn đêm đối với ai nhìn lên bầu trời,  hoặc núp tại các hầm trú ẩn tối tăm. Điều chắc chắn là việc ném bom gây sợ hãi và cay đắng cho hàng triệu thần dân của Lê Duẩn. 

Trên cao nhiều dặm,  các sĩ quan tác chiến điện tử và phi hành viên ra đa trong các ‘lỗ đen’ của họ không thấy thành phố và làng mạc, nhà tù và dàn SAM. Họ cư trú trong một vũ trụ kỳ lạ, chỉ nhìn qua các kinh ngắm ra đa. Phi hành viên Phil Blaufuss nói hỏa lực địch là ‘tai họa bạn phải phớt lờ  … khi bạn kẹt trong bụng của một máy bay không cửa sổ để nhìn toàn bộ địa ngục đang mở ra, không có súng để bắn, không có trang bị Biện pháp Đối phó Điện tử để làm nghẽn sóng địch, và không có cột điều khiển hoặc van tiết lưu để thao tác ‘. Nhưng đối với sĩ quan tác chiến điện tử đó là một trải nghiệm u ám khi nhìn thấy nữ thần báo thù SAM-2 tiềm năng tiến gần đến máy bay anh như một chấm sáng trên ống nhắm. Một chấm như thế, Thiếu tá Allen Johnson, chỉ có thời gian hét lên ‘Chúng đã bắn chúng ta!’ trước khi một tiếng nổ long trời làm tê liệt máy bay và giết chết ông.

Trở lại mặt đất sau hoạt động  đầu tiên của chiến dịch,  gần như mọi phi cơ đều cho là mình đã đánh trúng mục tiêu: ba B-52 đã mất, hai bị hư hại nặng.  Các phi hành đoàn cảm thấy mất tinh thần khi họ phát hiện ra là nhiều người trong số họ được yêu cầu hoạt động lần nữa vào đêm sau,  và thêm một lần nữa họ phải buộc đi theo một lộ trình đơn lẻ, theo chỉ thị của các chỉ huy tại bộ Tư lệnh  Không quân Chiến lược ở Omaha. Thiếu tướng Pete Sianis, tham mưu phó hành quân,  đã nghe các đề xuất của sĩ quan mình nên tấn công Hà Nội và Hải Phòng bằng cách sử dụng nhiều lộ trình tiếp cận.  Rồi ông quyết định, ‘Đó không phải cách chúng ta tiến hành!’ Ông dời các băng dán màu khỏi bản đồ và ra lệnh: ‘Một đường vô và một đường ra!’ Chiến thuật của ông tỏ ra là đúng đắn vào đêm 19 tháng 12, khi dù có đến 2 trong số 93 B-52 tấn công bị hư hại nhưng không chiếc nào bị bắn rơi.

Khi các oanh tạc cơ tiến gần Hà Nội vào đêm sau, ngày 20, phần đông dàn SAM phòng thủ thành phố đều được lệnh giảm loạt tên lửa từ 3 đến 2, bởi vì số lượng tên lửa đang cạn dần và các cuộc đánh phá của Mỹ đang cản trở việc giao hàng; các SAM giờ đây cũng dành độc quyền cho các B-52. .

Dù có hạn chế này, khi cuộc tấn công diễn ra bộ đội tên lửa bỗng thấy nhiệm vụ của mình dễ dàng hơn bởi tính nghiêm ngặt của việc lên kế hoạch bay của Bộ Tư lệnh  Không quân Chiến lược. Trong ngày đột kích 20 tháng 12, 6 chiếc B-52 bị bắn rơi trong số 99 chiếc đánh bom. Theo lời một sĩ quan Miền Bắc,  ‘Không lực Mỹ đã hoàn toàn phơi bày kiểu dạng hoạt động của họ … và đường bay từ phía tây- đông bắc… lĩnh vực tiếp cận của địch, giờ giấc và đội hình bay vẫn không thay đổi.’ John Filmore Graham trong số các phi công phẫn nộ, nói: ‘Chúng tôi giống như các con vịt trong lễ hội hoá trang.’ Ngày 26 tháng 12, Bộ Tư lệnh  Không quân Chiến lược đồng ý muộn màng và miễn cưỡng thay đổi chiến thuật: 120 B-52 tiến đến Hà Nội và Hải Phòng trên 10 trục khác nhau,  và tất cả đều đánh bom trong thời hạn 15 phút. Hai phi cơ mất.

Trung tá Bill Conlee, một sĩ quan tác chiến điện tử bay trên một chiếc đêm đó, mô tả chuyến đi đến cảnh tù tội của mình sau khi 10 SAM nổ chung quanh tổ của ông trong những giây cuối cùng trước khi nó đến được điểm thả bom. Máy bay ông bị trúng hai tên lửa, làm bốc lửa ở cánh trái và làm bị thương 5 thành viên phi hành. Áp lực trong khoang máy bay sụp đổ và điện bị  mất. Đèn báo động bật sáng, phi hành đoàn phóng ra. Khi Conlee nhảy dù xuống, ông qua một trải nghiệm thất kính khi thấy 2 tên lửa SAM vút qua. Ông chảy máu rất nhiều do nhiều vết cắt khi tiếp đất, tại đó một tràng đạn súng cá nhân nhắm thẳng vào ông. Một đám đông người Việt khép chặt vòng vây, bắt tội nhân Mỹ và lột quần áo ông chỉ còn lại quần lót. Dân chúng địa phương đập ông túi bụi bằng công cụ làm nông và gậy khi ông bị giải đi về phía đường cái, khiến vài xương sườn bị gãy và đầu gối phải bị thương tích. Ông bị trói thúc ké nằm xấp xuống sàn xe tải trong chuyến đi dài 2 giờ đến Hà Nội, rồi bị ném xuống mặt đường,  làm trật khớp vai.  Hai người lính kéo ông vào một sân rộng hoá ra là Khách sạn Hilton, nơi ông bị giam một mình trong phòng. 

Trở lại căn cứ trong thời gian tạm nghỉ giữa các sứ mạng, nỗi  bực dọc, mệt rã người  và căng thẳng được khuây khỏa bằng những trò quen thuộc.  Vào ngày thứ hai của Linebacker, Robert Clark nói, khi một người bước vào câu lạc bộ sĩ quan Andersen ‘bạn có thể ngửi thấy mùi sợ hãi. Các gã lẩn quẩn bên nhau và tìm cách thể hiện sự kiện mình còn sống.’ Uống cho say và đôi khi đấm đá; cây Giáng sinh và đồ trang trí bị ném vào hồ bơi; pháo sáng được bắn trên sân golf; một phao cứu sinh được bơm căng để cho phát nổ trên sàn khiêu vũ. Jon Bisher nói: ‘Nếu bạn là tù nhân trong Bảng Tử Thần, bạn tự do được làm điều gì mình muốn  … Vấn đề là họ không thể làm gì với bạn,  họ không muốn gửi bạn về nhà.’ Mark Clodfelter đã viết rằng một nhân tố chủ chốt gây tình trạng tinh thần sụt giảm là ‘giới lãnh đạo quân sự và chính trị Mỹ thất bại trong việc xác định chính xác những gì phi hành đoàn cần làm để đạt được thành công  … họ không thể nhìn thấy cái cứu cánh đối với các sứ mạng họ bay’.

Báo cáo thương vong không phải lúc nào cũng được xử lý tế nhị. Katie Turner đến hồ bơi câu lạc bộ sĩ quan ở Andersen khi cô được báo tin chồng cô sẽ không trở về nhà. Một số bà vợ của phi hành đoàn được báo là ‘Mất tích’ hàng năm trời mà không nhận được tin gì thêm, và các chỉ huy ắt hẳn đã sai khi nuôi hy vọng cho người thân về sự sống sót của họ.’ Các góa phụ lởn vởn ở các trạm hàng không hải quân tại California cũng thấy mình ở trong một tình trạng chờ đợi mỏi mòn thống khổ kéo dài. Có một nỗi chua chát ở cả Không lực lẫn Hải quân cho rằng chính quyền Nixon không có lập trường cứng rắn với Hà Nội khi yêu cầu họ trả lời về người mất tích,  mặc dù chắc chắn nhất là cả người cộng sản cũng không xác định được nhân thân của một số thi thể cháy thành than hoặc thậm chí bốc hơi. 

Khi Linebacker II tiếp tục, các chỉ huy thấy cần phải khước từ giai đoạn nghỉ dưỡng của phi hành đoàn.  Hơn một tá người cáo bệnh sau hai sứ mạng đầu tiên, hơn là chịu đi một chuyến nữa.  Về cuối chiến dịch con số này tăng lên đến 40 – khoảng một phần mười số thành viên bay trong mỗi chuyến. Hai người đồng đội và bạn của Paul Munninghoff ‘đình công,  và tôi nghe đồn còn có vài người khác’. Phi công Ted Hanchett ‘cũng có thể làm chứng cho các vụ đào ngũ của phi hành đoàn  … Chúng tôi tiếp tục đặt sinh mang mình vào chỗ hiểm nghèo trong khi chúng tôi có thể kết thúc việc này một cách chóng vánh nếu các chỉ huy chúng tôi muốn vậy.’

Các chỉ huy binh chủng xử lý bọn làm reo nhẹ nhàng: họ không bị kỷ luật.  Cả phi công lẫn phe phòng thủ đều càng ngày càng thấm mệt và căng thẳng.  Một số phi công B-52 bất chấp lệnh phải tiếp cận mục tiêu bay thẳng và bình, thay vì bẻ lái để lẩn tránh tên lửa. Tổng cộng, trong 11 đêm đó khoảng 1,000 SAM được phóng đi, đôi khi từng loạt tỏ ra hiệu quả đáng kể.

 

Trước khi Washington ra lệnh ngừng chiến dịch Linebacker II vào ngày 29 tháng 12, 15 B-52 bị mất, và các phi hành đoàn không có cách nào biết được liệu họ có còn bị yêu cầu đánh bom nữa hay không.  Vào ngày 3 tháng giêng 1973, Tư lệnh Không quân Chiến lược Tướng John Meyer, một cựu phi công chiến đấu Thế Chiến II lừng lẫy,  làm một chuyến thăm đến Andersen nhằm nâng cao sĩ khí, gặt hái một kết quả thảm hại.  Meyer trước đây đã đến thăm Guam, tháp tùng có gia đình mình, đã gây xúc phạm cho những binh sĩ đau khổ vì phải xa cách người thân. Giờ đây, ông lại gây khó chịu khi gắn huy chương Thập tự Không lực lên ngực Đại tá McCarthy, tư lệnh binh chủng, người chỉ bay có hai sứ mạng Linebacker II, với tư cách một hành khách.  Trong buổi hỏi đáp sau đó với phi hành đoàn,  một phi công phàn nàn về mức độ căng thẳng mà các hoạt động cường độ cao tác động lên các mối quan hệ. Câu hỏi khiến vị tướng cười như nắc nẻ, ‘Một số cuộc hôn nhân không có ý muốn kéo dài.’ Rồi Meyer diễn thuyết cho phi hành đoàn về nhu cầu kỷ luật tổ bay trên các chuyến đánh bom, nói thêm về lời răn đe đem ra tòa án binh kẻ nào đi lạc đường. Những lời này bỗng gây ra các cảnh tượng đáng kinh ngạc,  chưa từng có tiền lệ giữa phi hành đoàn và một vị tướng không lực: một số người bước ra khỏi phòng với vẻ bất mãn,  người khác la ó, huýt sáo; ghế, lon Coca, cẩm nang hướng dẫn bị ném lên sân khấu, một số trúng Meyer. Một cụm sĩ quan cao cấp che chắn và đẩy vị khách ra ngoài.  Khi ông lên xe đi,  các phi công phẫn nộ ném vói theo đá sỏi. Đây quả là một trong các chương hồi bất thường nhất trong lịch sử của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược. 

Một số thành viên phi hành bối rối trước hành vi  tác tệ này, nhưng nhiều người tin Meyer đã tự chuốc lấy sự bẽ mặt cho mình.  Theo lời của James Rash, ‘Phần đông thành viên phí hành đã trải qua nhiều giờ trên không trung trong một lãnh địa thù địch  … Và một số không ít chúng tôi đang sống trong tình huynh đệ bạn bè một ít ngày trước và giờ một số đã ra đi.’

Về phần phản ứng của thế giới đối với việc ném bom Giáng sinh, cả trong nước Mỹ lẫn quốc tế, đều là sự phản đối rộng khắp. Hà Nội xử lý các hoạt động tuyên truyền của họ với sự xuất sắc lạnh lùng, phát hình những đoạn phim chiếu các trẻ em thiệt mạng và kêu khóc, bệnh viện bị tàn phá. Các mục tiêu của Không lực Mỹ phần lớn là trung tâm hỏa xa và nhà máy điện: năng lượng giảm từ 115,000 kilowatt xuống còn 29,000, và một phần tư trữ lượng dầu khí đất nước  bị phá hủy.  Nhưng chủ tịch Hà Nội tuyên bố các trận oanh kích đã giết hại 1,318 dân thường,  và thêm 305 người thiệt mạng ở Hải Phòng.  Tờ Washington Post tố cáo các cuộc tấn công là ‘hành động chiến tranh  dã man và điên cuồng nhất từng biết của một dân tộc có chủ quyền đối với một dân tộc  có chủ quyền khác.’ Tom Wicker của New York Times có bài bình luận mang tựa đề ‘Nỗi Hổ Thẹn trên Mặt Đất’. Tại London tờ Times nói vụ đánh bom ‘không phải là hành vi của một con người.khao khát hoà bình’, trong khi tờ Daily Mirror đăng tít ‘Cơn Đại Hồng Thủy Tử Thần Mùa Giáng sinh của Nixon’. Hamburg’s Die Zeit viết: ‘Thậm chí các đồng minh cũng phải gọi việc này là một tội ác chống nhân loại.’ Thượng nghị sĩ Edward Kennedy nói rằng các cuộc tấn công ‘phải gây căm phẫn cho lương tâm của mọi người Mỹ’. Ở Canberra chính quyền của Đảng Lao động Úc vừa mới thành lập  của Gough Whitlam tuyên bố ‘nghỉ chơi ‘ với Mỹ và lên án Linebacker II. Một bộ trưởng, Tom Uren, phê phán Nixon và Kissinger là có tâm lý côn đồ’. Một người khác gọi chiến dịch là ‘hành động quái đản nhất trong lịch sử nhân loại,  chính sách của bọn điên cuồng’.

Loại ngôn ngữ quá đà đó phản ánh sự pha trộn của nhiệt tình hoang dã phát sinh hơn một thập niên với một làn sóng ghê tởm đối với Nixon, gần như tăng cao mỗi ngày dưới ảnh hưởng của vụ bê bối Watergate bị bại lộ.  Nhiều người bảo thủ Mỹ vẫn tiếp tục giữ lòng tin đối với tổng thống và chính sách của ông: họ chấp nhận lời tuyên bố của ông cho rằng việc đánh bom là cần thiết để gây sức ép buộc Hà Nội phải trao trả tù binh. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, Linebacker II củng cố hình ảnh của người Miền Bắc như là những nạn nhân bất hạnh của bạo lực ngông cuồng Hoa Kỳ.  Ngôn ngữ được sử dụng để tố cáo vụ đánh bom là có tính khoa trương,  nhưng gần như nửa thế kỷ sau đó chứng cứ cho thấy vụ Linebacker II không được biện minh về phương diện chính trị lẫn quân sự, trừ ra để phục vụ cho các mục đích đảng phái của tổng thống Mỹ.

Các báo chí Hà Nội tuyên bố rằng, từ khi chiến dịch bắt đầu, lực lượng của họ đã bắn hạ 3,500 phi cơ,  mặc dù trong thực tế từ năm 1964 Hoa Kỳ đã mất trên đất Bắc 944 máy bay và 10 trực thăng. Tướng William Momyer của Không lực 7 rất lâu sau đó viết cho một người bạn: ‘Hối tiếc của tôi là chúng ta không đánh thắng cuộc chiến. Chúng ta có lực lượng,  kỹ năng và trí thông minh,  nhưng những chỉ huy dân sự của chúng ta không cho phép chúng ta toàn quyền hành động.  Chắc chắn không lực của chúng ta đã sống đúng theo mọi kỳ vọng … Nếu có một bài học rút ra từ cuộc chiến này, thì đó phải là một sự tái khẳng định tiên đề  – đừng lao vào một cuộc chiến trừ khi bạn sẵn sàng làm mọi thứ cần thiết để đạt chiến thắng.’ Trong khung cảnh hậu Thế Chiến II, lời nhận xét của ông cho thấy sự thiếu hiểu biết về chiến lược. Không có lý do để cho rằng sức mạnh không quân có thể đã thay đổi cục diện của chiến tranh Việt Nam trừ khi Momyer và binh tướng của mình được phép sử dụng vũ khí hạt nhân – như có một số muốn điều đó. 

Đánh bom Giáng sinh chẳng thay đổi một chút gì khung cảnh ngoại giao so với trước tháng 10. Một thỏa hiệp sẽ đến bất cứ khi nào có thể thuyết phục chế độ Sài Gòn nuốt trôi được nó. Hà Nội đã tin tưởng có thể đạt được tại bàn hội nghị hầu hết những gì họ muốn,  với phần còn lại tiếp theo là món nợ phải trả cuối cùng. 


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s