Max Hastings
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG 22 : Thua Vì Các Loạt Bài Đăng Báo
1 Móc Câu và Mỏ Vẹt
Trở lại tháng 3 1969, Creighton Abrams và xếp tình báo của ông họp bàn về khả năng và triển vọng của việc được cấp phép tấn công các căn cứ địa của cộng sản ở Cao Miên. Một năm sau, Henry Kissinger cần cấp thiết mạnh tay hơn trong các cuộc đàm phán bí mật. Ông nói, ‘Chúng ta phải cứng rắn.’ Vào ngày 29 tháng 4 các lực lượng đồng minh, mà đỉnh cao lên đến 19 300 binh lính Mỹ và 29,000 binh lính Việt, phát động một chuỗi các mũi tiến công vào các vùng biên giới Cao Miên được biết từ hình dáng trên bản đồ như Mỏ Vẹt và Móc Câu. Abrams nhìn nhận rằng binh sĩ mình không mấy hồ hởi tham gia chiến dịch: ‘Phải vận động một ít để khiến binh sĩ Mỹ có tâm trạng tiến công.’ Trong khi đó một cuộc không kích mới bằng oanh tạc cơ được tiến hành ở Miền Bắc.
Những cuộc xâm nhập vào Cao Miên được đẩy nhanh nhờ cú đảo chính của quân đội tại Phnom Penh ngày 18 tháng 3 do Tướng Lon Nol cầm đầu cùng một nhóm sĩ quan thân tín trong khi Hoàng thân Sihanouk đang trên đường đến Bắc Kinh – mỉa mai thay, trong hy vọng nhờ vả Trung Quốc kêu gọi Miền Bắc kềm chế các hoạt động tại miền đông Cao Miên, mà họ đối xử như thái ấp của họ.
Thật ra, hành vi của Hà Nội bất chấp các biện minh đạo lý như hành vi của Washington: hai bên đều phớt lờ các lợi ích của nhân dân Cao Miên, vốn bị người Việt khi dễ. Không có chứng cứ về sự đồng lõa trực tiếp của người Mỹ trong vụ đảo chính, và lối cai trị thất thường và lệch tâm của Sihanouk đối với đất nước nhỏ bé thất thường, lệch tâm của ông nhiều năm liền đã rất bấp bênh. Lon Nol và nhóm quân sự đảo chính là một phần do căm phẫn trước sự chiếm đóng của Miền Bắc và các cuộc dội bom của Mỹ do bị họ khiêu khích, phần khác do hoàng gia Sihanouk chiếm đoạt quá nhiều tài sản của quyền lực, còn các tướng nhận được quá ít. Nếu Washington đã làm rõ đối với nhóm lật đổ rằng mình sẽ không ủng hộ họ, chưa chắc họ đã dám lật đổ ông hoàng.
Tuy nhiên, trong thời gian đó, cán bộ VC cao cấp Trần Bạch Đằng tình cờ đến Phnom Penh từ Trung ương Cục Miền Nam ngay sau khi đảo chính, và giật mình khi khám phá mình và các đồng chí, vốn nhiều năm qua đã đến và đi tùy ý, thì nay thình lình là kẻ bị truy nã. Chỉ sở hữu một áo thun và quần sọt, ông vào sứ quán Cuba lánh nạn, từ đó ông đi nhanh về Hà Nội qua ngõ Thượng Hải, đến đúng dịp dự khán cảnh các kỹ thuật viên Xô viết rã đông thi thể ướp lạnh của Hồ Chí Minh để ướp xác.
Các nhà cai trị mới của Cao Miên kêu gọi Mỹ viện trợ. Washington đáp ứng với vũ khí và tiền mặt đủ cho Lon Nol duy trì được chế độ của mình đến 5 năm sau đó, nhưng không đủ để đập tan Khmer Đỏ cộng sản trong xứ, mà dường như qua một đêm đã trở thành một lực lượng quân sự hùng mạnh. Quân đội rệu rã của Cao Miên, vốn chỉ có đúng 20 bác sĩ quân y, bị vồ một cách tàn bạo. Vào mùa thu Khmer Đỏ đe dọa Phnom Penh, nơi dân tị nạn trốn khỏi các trận đánh bom của Mỹ và khủng bố của VC cuối cùng làm dân số phồng lên hai triệu người cùng khổ. Sau hội nghị 24-25 tháng 4 tổ chức trên biên giới Viêt-Lào, Pathet Lào, Khmer Đỏ và Bắc Việt tuyên bố một cuộc đấu tranh chung. Sihanouk, với tất cả hạn chế của ông, có sẵn uy tín to lớn đối với nhân dân. Khi điều này được sắp xếp theo ý của người cộng sản tiếp theo sau việc ông bị lật đổ, ông hoàng trở thành một công cụ lợi dụng được.
Hoa Kỳ và Miền Bắc chia sẻ trách nhiệm tạo ra thảm kịch nhấn chìm Cao Miên hàng thập niên sau đó trong một cuộc đấu tranh không khoan nhượng thậm chí theo chuẩn mực duy trì ở Đông Dương từ năm 1945. Nhà báo Jon Swain mô tả cuộc gặp gỡ hai thương binh Miền Bắc, bị quân đội Cao Miên bắt gần Kompong Cham: ‘Bộ quân phục xanh ô liu tồi tàn của họ phủ các lớp bùn pha máu khô cứng. Thân thể bị chặt chém khủng khiếp, trong cơn thống khổ, họ rên rỉ như những con thú bị sập bẫy. Thình lình biết có người nước ngoài hiện diện, họ cựa mình, và quắc mắt nhìn tôi với vẻ căm thù dữ dội trong bóng tối lờ mờ.’ Swain hỏi một thiếu tá Cao Miên liệu y có thể đưa họ đến bệnh viện hay không. Viên sĩ quan chỉ chọc cây gậy của y vào vết thương của họ rồi nói, ‘Cứ để chúng chết. Chúng tôi không mời họ đến xứ sở chúng tôi.’ Một người là trung uý quân Miền Bắc tên Đào An Tuất. Swain lật qua các trang sổ tay của anh, lưu ý một bức ảnh đã phai mờ của Hồ Chí Minh, và những dòng chữ tiếng Việt nguệch ngoạc của chủ nhân cuốn sổ:
Sống là hy sinh thân mình cho tổ quốc,
Là hiến dâng cho đất nước, núi sông,
Là nghiến răng trước mặt kẻ thù chung,
Sống là giữ vững can trường khi gian khó,
Là cười lên trong thời khắc căm hờn.
…
Ta phải uống say sưa máu kẻ thù.
Tuất, tắt hơi thở trong túp lều hôi hám, hiển nhiên là một cán bộ trung kiên; người Miên đổ xăng ròi đốt thi thể của anh và người đồng chí trước khi ném xác cháy xuống sông Cửu Long. Nếu vận số cuộc chiến đảo ngược, những người Miền Bắc này có thể – còn Khmer Đỏ tàn bạo không kể xiết sẽ chắc chắn – cũng sẽ làm như vậy đối với tù binh gây chướng ngại của mình.
Về phần các cuộc xâm nhập của Mỹ và Miền Nam, dù một số binh lính Mỹ vui mừng vì đã hoàn thành một thế tấn công mà họ đã chủ trương nhiều năm rồi, các cuộc thăm dò cho thấy 60 phần trăm dân chúng Mỹ chống đối, trong đó có ngoại trưởng William Rogers. Số lượng đáng kể quân nhu và lương thực bị tịch thu: một báo cáo của MACV bảo với Abrams vào ngày 12 tháng 5 rằng bên xâm lược đến giờ đã chiếm được ‘số lượng gạo một người có thể sử dụng trong 6,500 năm’. Nhưng vị tướng bản thân ông không mấy dễ chịu: ‘vũ khí tịch thu được ngoài đó tôi thấy toàn là đồ bỏ . . . Những gì bạn tích luỹ được chỉ là một sự lừa gạt lớn, và đó là điều họ sẽ gán cho bạn. .. Đúng là bực mình khi ngồi quanh đây và thấm thía việc chúng tôi đang chiếm được một giỏ đựng sương mù.’ Như thường lệ, tình báo tiền trạm quá đỗi nghèo nàn – để giữ bí mật, quân đội Miền Nam không được tham dự vào quá trình lên kế hoạch. Mặc dù bộ đội Miền Bắc chịu đựng các tổn thất kha khá, nhưng số lớn lực lượng địch đã rút về tây, không thèm đọ súng với quân xâm lược.
Doug Ramsey, một tù binh của cộng sản, sau nay nhận xét là việc Mỹ xâm nhập dường như biểu thị ‘hoặc một cú nhảy vọt mù quáng vào cõi mộng hoặc một nỗ lực chộp lấy cơ hội đáng xấu hổ không phải để thắng cuộc chiến ở Việt Nam, mà chỉ để giúp đình hoãn tổn thất của Mỹ … với cái giá vô lương tâm cho người Cao Miên ‘. Ông cho rằng can thiệp có thể là nước đi hợp lý bốn hoặc năm năm trước, nhưng vào 1970 thì không: ‘Chúng ta đang hy sinh các lợi ích sống còn dài hạn của một đất nước bé nhỏ, xa xôi, trước đây quan ngại không muốn can thiệp vào xung đột Đông Dương, với những lợi ích thoáng qua, phiến diện của một hay hai thế hệ các nhà hoạch định chính sách của chúng ta … Chúng ta đã tự khoác cho mình quyền hành phi thường mà mình không hề cho.phép người khác làm thế.’
Ngay từ đầu hành pháp đã xác nhận rằng chiến dịch Cao Miên có hạn chế thời gian và không gian – rằng phe xâm lược sẽ không thọc sâu quá 18 dặm qua biên giới, và không dừng lại quá tháng 6. Nixon nói trên truyền hình quốc gia: ‘Tối nay các đơn vị Mỹ và Miền Nam sẽ tấn công các sở chỉ huy của toàn bộ chiến dịch quân sự của cộng sản tại Miền Nam.’ Nhưng Trung ương Cục Miền Nam chỉ là một nhóm các con người đi đây đó, chứ không phải là một phức hợp cơ sở như tổng thống có vẻ hình dung: những thành viên cầm đầu của CPCMLT chỉ bỏ lại một số nhà tranh để dựng lại cái khác vượt khỏi giới hạn tự ấn định của Mỹ. Phil Davidson u ám nói với Abrams vào ngày 19 tháng 5, ‘Tôi cho rằng rõ ràng ai cũng thấy là Trung ương Cục Miền Nam đã dời đi trước khi chúng ta vượt qua biên giới.’
Đúng là như thế: gần hai tháng trước, giới lãnh đạo cộng sản đã tiên liệu một trận càn như thế và đã chuyển sâu hơn vào đất Miên. Các cán bộ rút dọc theo các lộ trình đã sắp xếp trước, được sự yểm trợ của Sư đoàn 7. Cuộc rút chạy bị phi cơ Mỹ và các cơn mưa trút nước quấy rầy. Một bộ trưởng trong CPCMLT viết: ‘Các nỗ lực của chúng tôi thấm đẫm không chỉ nỗi tuyệt vọng của những người trốn chạy móng vuốt của quân thù không thương xót, mà còn nỗi lo sợ sự tồn vong của cuộc đấu tranh. ‘ Một lãnh đạo CPCMLT khác, Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, đang mang bầu 7 tháng: bà hạ sinh trong tình trạng căng thẳng của cuộc trốn thoát, được một hỏa lực pháo và vũ khí hạng nhẹ hộ tống. Hài nhi ra đời an toàn, nhưng chết vì sốt rét rừng vài tháng sau đó. Giới lãnh đạo đến thị trấn Kratie của Miên không có thương vong, mặc dù Trương Như Tảng nhận biết rằng ‘Toàn bộ sự việc gây cho chúng tôi nỗi sợ hãi, không kể một thời kỳ gian khổ cùng cực.’
Tảng mô tả cuộc phiêu lưu vào Cao Miên của Nixon là ‘một món quà lâu dài cho cách mạng Việt Nam … vì nó giúp chia cắt giới lãnh đạo Mỹ với quần chúng trong nước và tiêm nhiễm trong nhiều người Mỹ sự hoài nghi về khía cạnh đạo lý của chính quyền họ’. Chiến dịch hình thành một yếu tố trong chính sách ngoại giao cưỡng bức ‘ của Kissinger, nhưng lại không giáng cho kẻ thù nỗi đau chiến lược đủ để bù trừ cho tổn hại chính trị mà Nixon gánh chịu ở trong nước giữa một cơn bùng nổ ấn tượng các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, vào ngày 4 tháng 5 1970 tại Đại học Kent State của Ohio, Vệ binh Quốc gia bắn chết 4 sinh viên không vũ trang, hai trong số chỉ là người qua đường, và làm bị thương 9 người khác. Thêm hai sinh viên nữa bị giết bởi cảnh sát và 12 người bị thương tại Cao đẳng Jackson State tại Mississippi.
Tiếp theo đợt xáo trộn Đông Dương mới nhất, một MACV phân loại các cuộc xung đột riêng biệt nhưng có liên quan với nhau thành các vùng: nội chiến ở Bắc Lào; cuộc đấu tranh của bộ đội Miền Bắc nhằm giữ vững các tuyến đường hậu cần ở Nam Lào và Cao Miên; nội chiến Cao Miên; đấu trường biên giới Trung ương Cục Miền Nam ở Miền Nam; mặt trận ở đồng bằng; vùng chiến sự trung và bắc.
Sâu trong phía Nam, bác sĩ Miền Bắc Đặng Thùy Trâm viết: ‘Chó dại Nixon đã điên cuồng mở rộng chiến tranh … Ôi! Tại sao có những con người tàn bạo, khủng khiếp như thế chỉ muốn tưới những cây vàng của họ bằng máu của chúng ta? … Ôi, đất nước tôi! … Có nước nào trên mặt đất chịu đựng đau thương nhiều như thế? Có dân tộc nào chiến đấu ngoan cường, dai dẳng và không mệt mỏi như dân tộc chúng ta? … Tôi còn là một người lính trong cuộc đấu tranh này. Tôi luôn mỉm cười … cho dù tàu bay địch bắn rốc kết lên đầu tôi … nhớ lời nói của Lenin, “Những người cách mạng có trái tim nồng ấm nhất.” Đó là tôi.’ Vào buổi sáng ngày 22 tháng 6, một đội tuần tra bộ binh Mỹ 4/21st nghe tiếng nói và âm thanh của chiếc đài đang phát nhạc Việt Nam. Những thành viên của đơn vị lập tức báo động, sau đó bắt gặp gần đó bốn người đang tiến về phía họ dọc theo một đường mòn trong rừng. Đây là vùng oanh kích tự do nơi mà mọi di chuyển của con người đều được xem là thù địch: hai bộ đội tẩu thoát những loạt đạn M-16 bắn theo, nhưng hai người ngã xuống. Một trong hai, mặc pyjama đen và mang dép râu, là Trâm khi ấy vừa 27 tuổi. Lục tìm trong trong số đồ vật ít ỏi của cô là một đài Sony, một sổ tay y tế, hộp thuốc Novocain, băng y tế, một tấm ảnh của chàng đại uý yêu dấu của cô và các bài thơ anh viết, cùng với cuốn nhật ký của cô.
Những cuộc xâm nhập của Mỹ cùng với Chiến dịch Menu – ném bom bằng B-52 – gây khó khăn về hậu cần nghiêm trọng cho quân Miền Bắc. Tuy nhiên, họ không phải là người thay đổi cục diện mà Nixon và Kissinger nhằm tới: Kissinger tức tối chỉ trích sự bất lực của Không lực Mỹ trong việc phong tỏa Đường Mòn Hồ Chí Minh, Quốc Hội thoạt đầu dành cho Nhà Trắng của Nixon sự tôn trọng đáng kể, và hài lòng về quyết tâm của tổng thống không muốn được coi là kẻ bỏ cuộc. ‘Một quốc gia vĩ đại,’ ông phát biểu hùng hồn, ‘không thể đi ngược với lời cam kết của mình.’ Ông xác nhận lại lập trường quen thuộc của chính quyền Mỹ, rằng bỏ rơi Miền Nam sẽ dấy lên lòng ngờ vực khắp thế giới giữa cả bạn bè và kẻ thù của quốc gia. Melvin Laird nhắc lại các mục tiêu của hành pháp: tiến hành thành công công cuộc Việt Nam hóa, giảm tối thiểu thương vong Mỹ, tiếp tục rút quân, và thúc đẩy những đàm phán có ý nghĩa.
Tuy nhiên, trong suốt năm đó, chịu ảnh hưởng của kết quả không rõ ràng của việc đánh vào Cao Miên, càng ngày càng có nhiều người Mỹ khao khát ra khỏi Đông Dương gần như với bất kì điều kiện nào, hoặc thậm chí vô điều kiện. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Hatfield của Oregon và George McGovern của South Dakota dẫn đầu cuộc tấn công chống tài trợ tiếp tục cho chiến tranh. Đại sứ Ellsworth Bunker trở về từ chuyến thăm nhà để bảo với Abrams tại Sài Gòn vào ngày 23 tháng 5: ‘Điều khó nghĩ, theo tôi, là một số người từng hậu thuẫn tích cực’ – ông kể trường hợp của Dean Acheson – ‘giờ đây nói rằng, “Vâng nếu việc này sẽ sâu xé đất nước thì như vậy không đáng.”‘ Trên một bối cảnh như thế điều ngạc nhiên không phải là binh lính Mỹ trở nên miễn cưỡng hơn trong việc đánh liều mạng sống của mình, mà là một số vẫn còn muốn làm thế.
Nixon và Kissinger có thể đã được chút mảnh vụn thoải mái nếu họ biết nhiều hơn về các khó khăn của phía bên kia. Quy mô của bộ máy tình báo Mỹ thật hùng hậu, vậy mà thật kì lạ Washington lại biết ít xiết bao về Miền Bắc, và nhất là bộ chính trị Hà Nội. CIA phụ thuộc tình báo con người gần như độc quyền từ trạm SIS (Cục Tình báo Mật) của Anh đặt tại tòa tổng lãnh sự Anh tại Hà Nội, lúc đó được điều hành bởi Daphne Park, mỗi hai tháng bay xuống Sài Gòn để báo cáo với ‘anh em họ’. Người Anh không thể điều hành các đặc vụ, gửi điện mã hóa hoặc sở hữu máy truyền tin vô tuyến. Dù sao đi nữa họ có thể trò chuyện tự do với các chính khách Đông Âu, đặc biệt đại sứ Xô viết – Park có thể nói trôi chảy tiếng Pháp và Nga. Khi người Mỹ nhờ SIS tổ chức một hộp thư chết, họ nhận lời từ chối thẳng thừng: các nhân viên lãnh sự bị theo dõi rất gắt gao. Họ ít có dịp tiếp cận với các nhân vật chóp bu Miền Bắc, mặc dù có lần một thành viên bộ chính trị đến không báo trước, và nói chuyện trên ban công của tòa lãnh sự trong 6 giờ liền.
Các điệp viên Anh ngắm nhìn những người Việt ‘tụ tập quanh lò sưởi gia đình trên vỉa hè, ăn cơm, hoặc đang ngủ. Trong các tháng nóng bức nhất già trẻ, như các đống quần áo cũ, ngủ trên các bậc thang của Bộ Thương mại, trên vỉa hè, trong khung cửa, bất cứ nơi đâu ở bên ngoài sân nhà ngột ngạt và ngôi nhà nơi họ sinh sống, mỗi gia đình mội phòng. Chuột chạy qua người họ khi họ ngủ, cắn xé giành các mẩu rác thực phẩm và đôi khi chết chìm trong vũng nước tích tụ dưới các hố trú ẩn lộ thiên bằng bê tông. … Thậm chí trong rạp chiếu bóng cũng có chuột.’
Julian Harston, một sĩ quan SIS khác, mô tả cách thức họ thử ước tính số lượng của việc động viên quân nhân mới nhất bằng cách đếm những ống tiêm chủng đã dùng rồi trong các thùng rác bên ngoài quân y viện. Khi nhân viên người Việt của tổng lãnh sự Anh dám nhận quà của chủ, họ quá nghèo đến nỗi họ chọn bộ dụng cụ sửa xe đạp, dạo cạo râu, thuốc aspirin – thậm chí các chai không. Tất cả những điều này tạo thành dữ liệu mỏng từ đó tạo thành bức tranh tình báo, mặc dù thú vị thay, vào cuối năm 1970 Daphne Park là một trong số những người cho rằng chế độ đang gặp rắc rối.
Việc người Trung Quốc rút nhân sự về nước – dù các chuyến tàu chở hàng thì không – làm xứt mẻ uy tin của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, những người trung thành với Mao. Tại Hội nghị Toàn thể Ủy ban Trung ương lần thứ 18, một nghị quyết được thông qua xác nhận rằng đất nước ‘phải đáp ứng với những cuộc tấn công của kẻ thù không chỉ bằng đấu tranh vũ trang và hoạt động chính trị, nhưng cũng bằng chính sách ngoại giao ‘. Lời bình phẩm mơ hồ này không biểu thị sự đứt gãy ở thượng tầng – không có con chim bồ câu đủ lông đủ cánh nào dám cất cánh bay ở Hà Nội – nhưng cho thấy rõ là nhiều người Miền Bắc khao khát hoà bình. Căng thẳng tăng cao giữa bộ chính trị và người cộng sản Miền Nam. Những bộ trưởng trong CPCMLT như Trương Như Tảng và Nguyễn Văn Kiệt thấy mình bị ‘các vô sản’ Hà Nội nhạo báng là có nguồn gốc tư sản. Tảng bộc bạch: ‘Nhiều người trong chúng tôi xuất thân từ các gia đình giàu có và đã quen với cuộc sống đầy đủ trước khi gia nhập cộng sản. Động lực của chúng tôi thay đổi, nhưng chúng tôi tự xem mình là những người đã hi sinh nhiều cho đất nước, và sẵn sàng để hi sinh tất cả.’ Tảng tuyên bố mình không bao giờ xem mình là người cộng sản, nhưng nhận ra rằng ‘ngay từ 1920, đồng minh duy nhất mà chủ nghĩa dân tộc Việt Nam biết đến là Cộng sản Quốc tế. Hồ Chí Minh nhìn nhận sự hậu thuẫn của nó với tất cả hừng hực nhiệt huyết của một người sắp chết chìm.’ Dù vậy, Tảng càng ngày càng khó chịu với tính nghiêm ngặt ý thức hệ của Lê Duẩn và các đồng chí của ông ta, viết: ‘họ đã hy sinh lương tâm và tính thực tiễn cho các xác tín của tôn giáo chính trị của mình. Giữa tính xấc xược sắt đá của họ, không có chỗ trống cho sự thỏa hiệp.’
Quân đội Miền Bắc đang chịu khủng hoảng nhân lực, hậu quả của nó lan tỏa toàn bộ xã hội: công an diễn tập một vụ trấn áp theo định kỳ các biểu tình phản chiến. Tình trạng quân đội thiếu hụt các tân binh tuyển mộ nhiều đến nổi họ buộc phải chấp nhận vào hàng ngũ những người như Nguyễn Hải Định 33 tuổi, vốn hàng thập niên bị gạt bỏ vì là con trai của một điền chủ. Định chỉ có một tham vọng quân sự – đào ngũ: ‘Ở Miền Bắc, tôi không có gì.’ Anh ôm ấp một ước mơ xa vời là đi đến Mỹ. Anh chịu đựng gian khổ thường lệ trên Đường Mòn với Tiểu đoàn 28, và học tập chính trị cật lực đến nỗi được chỉ định làm quyền sĩ quan chính trị: ‘Tất cả ở trong đầu tôi, nhưng không ở trong trái tim tôi. Ai biết nghĩ cho mình và muốn sống còn trong một xã hội cộng sản đều phải trở thành một diễn viên tốt. ‘
Định bị lủng màng nhĩ trong một vụ đánh bom B-52 trước vụ rối loạn Cao Miên tạo cơ hội cho anh chuồn khỏi đơn vị và ẩn nấp trong một ngôi trường. Vào ngày 23 tháng 5, vẫy khăn trắng, anh thận trọng ló mặt ra đầu hàng Sư đoàn 25 Mỹ. Anh không ăn uống hai ngày rồi, nhưng khi được đưa cơm và thịt hộp, anh nuốt không vô. Được giao cho trung tâm chiêu hồi tại Sài Gòn, anh cảm thấy không thoải mái giữa đám nông dân chiếm đa số người cư trú tại đó: ‘Một số là người chống cộng thứ thiệt, nhưng nhiều người chỉ đơn giản sợ đánh nhau.’ Sau khi được cải huấn một năm, họ được trả tự do 6 tháng trước khi bắt buộc phải gia nhập QĐVNCH. Định không thiết đến việc chiến đấu tiếp cho phe này hoặc phe kia. Bị từ khước hi vọng di cư sang Mỹ, anh nhờ mối liên hệ gia đình được giới thiệu đến một chủng viện Công giáo. Tại đó bốn năm sau, phục vụ công việc lễ sinh và huấn luyện để trở thành một giáo sĩ. Một người làm trò hề, khi anh đọc Kinh Thánh, giờ đây anh đã quá quen thuộc, anh thích thú khi chủng viện tọa lạc sát phía sau nhà của xếp CORDS (Hoạt động Dân sự và Hỗ trợ Phát triển Nông thôn) Bill Colby. Quan trọng nhất, ‘lần đầu tiên từ năm 1954 tôi có đủ thức ăn’: Định tăng trọng đến 60 cân, biến anh trở thành một trong số ít người hưởng lợi từ cuộc phiêu lưu của Nixon vào Cao Miên.
2 Phản Khủng Bố
Đến năm 1972 có hơn 200,000 bộ đội Miền Bắc và Việt Cộng chiêu hồi, hầu hết trong tinh thần của Định, vì lý do muốn ra khỏi cuộc chiến, hơn là yêu mến chế độ Sài Gòn. Một buổi chiều Frank Snepp của CIA và một thông dịch viên dẫn một anh chiêu hồi mà ông đang dụ dỗ đến một quán ba ở Sài Gòn, nơi tấp nập gái gú và lính Mỹ say sưa. Một lúc sau, người cộng sản lẩm bẩm gì đó. Sau một phút do dự người thông dịch bảo với người Mỹ là y đã nói: ‘Tôi đã chọn sai. Tôi không thuộc nơi này.’ Snepp từ đó không bao giờ mắc sai lầm về việc đi đêm như thế nữa: ‘Y không muốn rượu, gái và nhạc. Trải nghiệm chỉ thuyết phục y là phía ta không có những gì y mong muốn.’
Một lực lượng hiệu nghiệm hơn trong việc làm suy yếu hệ thống giao liên là Phượng Hoàng do William Colby thai nghén như một chương trình tình báo/hoạt động, nhằm tăng cường sức mạnh bắt bớ và tàn sát các cán bộ chủ chốt cho người Miền Nam. Giữa 1969 và 1972 các chỉ huy Phượng Hoàng tuyên bố đã vô hiệu hóa 80 ngàn, một phần tư số đó bị giết. Các đơn vị gọi là Trinh Sát Tỉnh của Phượng Hoàng gồm toàn người Miền Nam do CIA tài trợ và trả lương cao gấp ba lương quân nhân. Một số người Mỹ xác nhận rằng nếu đồng minh tiến hành các chương trình như thế sớm hơn, đối chọi với chủ trương khủng bố có mục tiêu của Việt Cộng, họ có thể đã thay đổi cục diện. Đại uý TQLC Andy Finlayson yêu thích thời gian ông làm việc với Trinh Sát Tỉnh, đặt căn cứ tại một biệt thự tại Tây Ninh nơi thực phẩm và điều kiện sống ngon lành: ‘Tôi nghĩ mình đang sống như trong tiểu thuyết của Graham Greene.’ Các đội ‘tổ chức tình báo ở mức độ địa phương theo cách thức chưa từng được thi hành trước đó’, và khai thác việc này để phá vỡ các chi bộ của MTDTGP. Frank Scotton cũng nhất trí Phượng Hoàng rất hiệu quả, ‘mặc dầu tôi thích một cách tiếp cận ít gây chết người hơn’. Phượng Hoàng có tiếng là tàn nhẫn: Sĩ quan cục tình báo SAS Úc Andrew Freemantle mô tả họ đúng là ‘dã man tuyệt đối … Tôi có lần chứng kiến họ dùng kéo tỉa cây cắt ngón tay đeo nhẫn của một tù nhân.
Điều chắc chắn là khi các hành động thái quá của Phượng Hoàng bị bại lộ, chúng đóng thêm một chiếc đinh khác vào quan tài của lực lượng hậu thuẫn trong nước Mỹ.
Trước một uỷ ban Thượng viện vào tháng 2 1970, Colby phủ nhận đây là chiến dịch phản khủng bố, nhưng hiếm có ai tin ông. Frank Snepp nhất trí rằng nó ‘thực sự gây tổn thất cho người cộng sản ‘, nhưng ‘Colby nói dối và nói dối, khi ông tuyên bố rằng Phượng Hoàng chủ yếu bắt bỏ tù những người Việt. Nó luôn là một chương trình sát nhân.’ Có thể là đúng khi cho rằng VC còn làm những điều tồi tệ hơn: nhà nghiên cứu Mỹ Guenter Lewy tuyên bố rằng Ban An Ninh cánh tay ‘an ninh’ hoặc khủng bố của MTDTGP đã giết 36,725 người Việt và bắt cóc 58,499 người, và các con số này có thể tin được. Nhưng người Mỹ muốn tin rằng bên phía mình xử sự tử tế hơn. Như Trung uý Bob Kerrey, chẳng hạn.
Kerrey, một ngôi sao bóng bầu dục trước đây từ cao đẳng Nebraska, tự hào hợp lý khi anh tốt nghiệp là một thành viên của Đội 1 SEAL ưu tú của Hải quân Mỹ vào mùa hè năm 1968. Tuy vậy anh hi vọng cuộc chiến Việt Nam sẽ kết thúc trước khi anh buộc phải tham gia: ‘Lý do của tôi mang tính cá nhân và không có tính địa chính trị … Tôi chỉ muốn lỡ việc này mà không cần phải từ chối đi Việt Nam … Tham vọng lãng mạn thực sự của tôi là chỉ huy một khu trục hạm.’ Tuy nhiên, anh cũng chấp nhận làm nhiệm vụ. Kerrey 25 tuổi khi anh đáp xuống Vịnh Cam Ranh với trung đội anh vào đầu năm 1969. Chỉ huy của họ không biết phải làm gì với các chàng trai SEAL. Trung uý trẻ chỉ hiểu rằng anh được giao nhiệm vụ giúp đỡ chính quyền Sài Gòn đánh bại người cộng sản theo cách Phượng Hoàng đã làm đúng điệu, bằng cách giết người. Bằng sáng kiến của mình, Kerrey phát động một chương trình đổ bộ các thuyền Swift lên các bờ biển phía đông, từ đó họ tuần tra và nằm phục kích trong đất liền. Khi không có chạm súng, họ chuyển về đồng bằng Cửu Long, tại đó họ lên kế hoạch tuần tra từ Cát Lò vào địa phận tỉnh Kiến Hòa [ngày nay là Bến Tre] do VC kiểm soát. Tình báo cho biết, vào một ngày cho trước, các cán bộ cộng sản sẽ họp tại Thạnh Phong khoảng 75 dặm đông nam Sài Gòn, giờ được xác định là địa điểm nhận đồ tiếp tế của VC. Kerrey và đội mình đã ở trong địa phận 5 tuần : Mike Ambrose, một thành viên được tuyển mộ có kinh nghiệm từ thời hạn nghĩa vụ trước, khuyên đừng tiến hành chiến dịch – người thám báo/thông dịch viên của họ đang nghỉ phép. Kerrey quyết định cứ thế mà làm; anh sau này mô tả trong hồi ký của mình anh được quận trưởng bảo đảm rằng Thạnh Phong nằm trong vùng hỏa lực tự do.
Vào đêm 25 tháng 2 1969, một thuyền Swift chở nhóm SEAL theo một con kênh đến nơi đổ bộ cách thôn ấp 1,000 ya. Khi họ đến ngôi nhà đầu tiên, ‘Tôi chưa ra lệnh thì họ đã bắn giết rồi, đáng ra tôi có thể đã gọi ngừng lại nhưng tôi không làm. Thật ra, tôi nhớ rất ít về những gì đã xảy ra một cách rõ ràng và đáng tin cậy.’ Sau khi trừ khử những người ở túp lều thứ nhất, ‘Chúng tôi chắc chắn có cán bộ vũ trang núp trong ngôi nhà thứ hai giờ đang cảnh giác. Chúng tôi có hai lựa chọn: rút lui hoặc tiếp tục lục soát các ngôi nhà trong bóng đêm. Trước khi quyết định, thì có ai đó bắn ra về hướng các phụ nữ và trẻ em, khiến họ kẹt giữa lằn đạn. Chúng tôi bắn trả dữ dội, và bắt đầu rút lui. Chúng tôi nhìn thấy các phụ nữ và trẻ em ngay trước mắt bị bắn nát ra từng mảnh. Tôi nghe họ kêu thét pha lẫn với những tiếng nói khác trong bóng đêm khi chúng tôi lui quân.’ Người Mỹ đến điểm hẹn với thuyền, và trở lại Cát Lò trong vòng một giờ. Kerrey viết sau này: ‘Hành động của chúng tôi không được xem là ngoài lệ thường của một cuộc chiến kiểu du kích vốn gây nhiều thương vong.’ Anh nhìn nhận: ‘Tôi cảm thấy ghê tởm trong lòng cho việc chúng tôi đã làm,’ nhưng lại được xác nhận trong một báo cáo chính thức của hải quân sau trận đánh rằng anh và binh sĩ đã hạ được 21 VC, một chiến công giúp anh được thưởng Ngôi Sao Đồng.
Một tuần sau, đội SEAL nghe tin một VC chiêu hồi muốn dẫn lính Mỹ đến trại của nhóm đặc công đang cắm quân trên đảo Hòn Tầm, ngoài khơi Nha Trang. Họ đổ bộ trong bóng đêm dày đặc vào ngày 14 tháng 3, và sau đó leo một vực đá cao 350 bộ, tiến hành đúng kế hoạch. Người chỉ đường dẫn binh lính Mỹ đến một phân đội địch đang say giấc. Kerrey để 4 người ở lại canh giữ, còn anh dẫn 3 người còn lại đi tìm nhiều VC hơn họ biết ở gần đấy. Họ gặp địch tiến đến một vài phút sau đó, và Kerrey chỉ kịp bắn một phát đạn thì bị thổi ngã bởi một quả lựu đạn phát nổ. Anh rút lui, biết mình bị thương nặng. Trong cơn đau nhói, anh sờ soạng xuống chân phải, và biết rằng bàn chân đã bị cắt đứt. Quân y tá của anh cũng bị mảnh đạn bắn trúng một mắt, thành ra chỉ biết bó tay.
Viên trung uý buộc dây garô ở trên đầu gối trong khi đạn lửa và tiếng nổ gầm thét quanh anh, rồi với sự khó nhọc anh rướn người đứng dậy để chỉ đạo binh sĩ. Khi cuộc chạm trán cuối cùng giảm xuống, anh tiêm một mũi móc phin vào chân; một đồng đội gắn vào môi anh một điếu Camel. Lính truyền tin gọi một trực thăng cứu thương. Họ đợi trong bầu không khí im lặng chỉ thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng xe cộ từ Nha Trang vẳng lại. Khi cuối cùng trực thăng đến, một chiếc cáng được hạ xuống, và Kerrey được kéo lên. Đến bình minh anh đáp xuống nửa mê nửa tỉnh, mơ hồ biết rằng cuộc chiến của mình, sự nghiệp SEAL ngắn ngủi của mình, đã kết thúc chỉ sau 50 ngày.
Một buổi sáng tại Nhà Trắng hơn một năm sau, chàng trai Nebraska ít nói có mặt trong số 12 cựu binh nhận Huy chương Danh dự từ Tổng thống Richard Nixon. Anh viết rằng mình cảm thấy áy náy khi tổng thống gọi họ là các người hùng, bởi vì lúc đó cuộc chiến đối với anh dường như là điều lỗi lầm. Dù sao thì anh xác định cũng có điều gì đó anh hùng ‘về những người Mỹ còn muốn đi đến xứ sở xa lạ đó và chiến đấu cho tự do của một dân tộc họ không biết hoặc hiểu rõ’.
Quá nhiều bài tường thuật về Kerrey được in khi anh đã trở nên một người Mỹ rất nổi tiếng – cựu thống đốc Nebraska, Thượng nghị sĩ và người yêu của ngôi sao màn bạc Debra Winger. Người hùng đẹp trai này đã biến thành một chiến sĩ dày dạn lừng danh của phong trào phản chiến. Chỉ lâu sau đó phần ký ức bị đánh mất của Kerrey mới được phát hiện. Vào tháng 4 2001 tờ New York Times cho đăng, phối hợp với Đài CNS TV, một bài điều tra về sự kiện Thạnh Phong, khác nhiều với tuyên bố đương thời của Kerrey. Trước tiên, họ chứng tỏ rằng anh không trung thực khi cho rằng mình không biết về ngôi làng mà đội của anh đã tấn công: đội SEAL của anh đã trinh sát nơi này 10 ngày trước đó. Sau đó, hành động giết người có hệ thống dường như đã xảy ra, trong đó không có nỗ lực nào được thực hiện để phân biệt nạn nhân. Kerrey bảo với tờ New York Times: ‘Thủ tục Hành quân Tiêu chuẩn là loại bỏ những người chúng ta phát hiện.’ Binh sĩ anh đã giết những người ở trong túp thứ nhất bằng dao, để không gây tiếng động. Khi họ tiến đến thôn ấp đã dự tính một thành viên tuần tra gốc Đức Gerhard Klann khai rằng đội SEAL họp nhau giết thêm 15 cư dân khác, hầu hết là đàn bà và trẻ em. Một đứa bé khóc thét là người cuối cùng bị giết chết. Klann nói: ‘Máu me khắp mọi nơi.’ Một lính SEAL khác, William Tucker, bảo với New York Times rằng trên con thuyền về trại y đã quay sang Kerrey và khổ sở nói, ‘Tôi không thích chuyện này chút nào,’ và Kerrey đáp lại , ‘Tôi cũng không thích.’
Những thành viên tuần tra khác tranh cãi với tuyên bố của tờ báo cho rằng người Việt bị tàn sát khi không có hành động khiêu khích, xác nhận rằng họ đã nghe tiếng súng bắn tới trước khi bắt đầu trận tàn sát. Dù sự thật là gì, một báo cáo ngày 27 tháng 2 1969 được phát hiện, ghi chép trường hợp một ông lão người Việt đã đi đến trước các sĩ quan Mỹ yêu cầu được bồi thường cho hành động tàn bạo được viện dẫn ở Thạnh Phong, trong đó những người Mỹ không biết tên đã sát hại 24 người, trong đó có 13 phụ nữ và trẻ em. Cũng tài liệu quân sự ấy ghi nhận những SEAL hải quân được biết là đã hành quân trong vùng đó. Sau khi đối mặt với chứng cứ này, Kerrey nói: ‘Chuyện đó còn lớn hơn là tội lỗi. Đó là nỗi hổ thẹn. Bạn không bao giờ, không bao giờ trốn tránh khỏi nó. Tôi tưởng chết cho đất nước mình là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho bạn, nhưng giết người cho đất nước bạn có thể tồi tệ hơn nhiều.’ Trong sự nghiệp chính trị của Kerrey, các đồng nghiệp trên Đồi Capitol thường thắc mắc về các bí ẩn của anh mà họ không thể gỡ rối được. Ba mươi năm sau các sự kiện đó ở Việt Nam, một lời giải thích trở nên rõ ràng.
Các chi tiết chính xác về những gì xảy ra tại Thạnh Phong vẫn còn gây tranh cãi, nhưng cái cơ bản dường như rất đơn giản. Một nhóm các lính biệt kích xông xáo đột kích vào một cứ điểm VC trong một vùng mà họ biết sơ sài, và họ nhận được giấy phép giết người, thuộc loại không hiếm bị lạm dụng bởi các lực lượng đặc nhiệm thuộc đủ mọi quốc tịch trong mọi cuộc chiến. Họ sử dụng quyền này để sát hại dân thường, rồi khai dối về những gì họ đã làm. Hải quân Hoa Kỳ như một thể chế từ câu chuyện đó hiện ra tồi tệ hơn cả những người đã đột kích ngôi làng. Nó ban sức mạnh cho các SEAL của mình được hành động như họ đã làm, rồi ban bố huy chương theo kiểu đề cao người hùng hơn là hiến dâng cho việc đóng góp có trách nhiệm và văn minh vào các hoạt động chống lại kẻ địch.
Hơn nữa, những hoạt động như Thạnh Phong – và nhiều nơi khác – bắt phải trả giá bằng một tổn thất về chính trị cũng như đạo lý. Việt Cộng lợi dụng mạng lưới tình báo địa phương để loại bỏ kẻ địch, thường bằng hành động dã man. Nhưng không dân làng nào tụ họp để chứng kiến cảnh chặt đầu và chôn sống nghi ngờ nguyên do tại sao các nạn nhân bị giết: vì chống đối cách mạng. Ngược lại, khi người Mỹ hoặc quân đội Sài Gòn sát hại dân chúng, dù một số hoạt động hoặc có cảm tình với cộng sản – gần như chắc chắn là trường hợp ở Thạnh Phong – nhưng người khác thì không. Bản chất bừa bãi của hành động gieo rắc khiếp đảm do người Mỹ không biết nhận diện nhân dạng, nói chi đến lòng trung thành, của những người mà chiến binh Mỹ giết hại, giáng thiệt hại cho các mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ không kém cho tính hợp pháp đạo lý trong nỗ lực chiến tranh của họ.
Những hành động của đội SEAL của Kerrey được Đại uý Roy Hoffman thuộc Hải quân Mỹ giám sát, người có nhiệm vụ theo dõi biểu đồ treo trên tường ghi lại số quân địch bị giết. Theo lời của Kerrey, ‘họ cần thi thể’: các đô đốc đang tìm cách gia tăng cổ phiếu thị trường trong cuộc chiến, và trong bất kì vinh quang nào có được. Anh nói rằng anh gần như muốn trả lại Huy chương Danh dự của mình, cảm thấy không xứng đáng sau khi vụ lùm xùm về Thạnh Phong xảy ra trong năm 2001, nhưng nói thêm, ‘Tôi không cầu mong thông cảm. Tôi chịu đựng được.’ Anh cũng nhấn mạnh rằng dù bất cứ việc gì đội SEAL đã làm hay không làm ở Thạnh Phong, thì các thuyền tuần tra của Hải quân Mỹ cũng đang xuôi ngược trên vùng sông nước hỏa lực tự do của miền đồng bằng, bắn giết bừa bãi, còn trên đầu thì phi cơ Mỹ tiếp tay. Rõ ràng trong lời phát biểu này là ngụ ý việc lên án hành động quá trớn của anh và binh sĩ mình khi đối diện với kẻ thù là điều bất công, trong khi bộ máy chiến tranh Mỹ đang giết bừa bãi hàng trăm mạng người mà không ai ở bánh lái thuyền tuần tra hoặc buồng lái phi cơ bị cho là có trách nhiệm, còn anh thì cứ bị săn đuổi để gán tội suốt nhiều năm sau đó.
Khi Andy Finlayson thẩm vấn một tù binh cộng sản cao cấp bắt được tại Cao Miên, y mô tả sự khó khăn của người cộng sản là nghiêm trọng, đặc biệt do chiến dịch Phượng Hoàng. Người Mỹ hỏi liệu điều đó có nghĩa là các lực lượng Hà Nội sắp sửa bị thảm bại. Viên sĩ quan địch mỉm cười, lắc đầu và trả lời: ‘Ông quá xa nhà và không hiểu các thực tế chiến lược của đất nước này. Dân chúng nước ông rồi sẽ mệt mỏi khi họ thấy càng ngày càng có nhiều lính Mỹ chết mà không có triển vọng gì. Tổng thống ông cũng đã nói các ông đang rút đi. Chúng tôi sẽ đợi cho các ông đi hết rồi sẽ tấn công, tấn công, tấn công cho đến khi chế độ bù nhìn sụp đổ. Thắng lợi của chúng tôi không thể khác được.’
Vào tháng 11 1979, Fred Weyand tham dự lễ giao lại cho QĐVNCH bộ chỉ huy Sư đoàn 25 cũ của ông, và thú nhận nỗi buồn rầu sâu sắc: ‘Chúng tôi ra đi, và họ chưa sẵn sàng tiếp nhận. Chúng tôi không còn nhiều đòn bẩy đối với Miền Bắc một khi chúng tôi bắt đầu rút quân.’ Địa phương quân và Nghĩa quân gánh chịu tổn thất nặng nề hơn anh em chính quý của họ, mất đến 15,783 chết trong khi QĐVNCH chỉ mất 5,602 người trong năm 1970, và đến năm sau còn tệ hơn nữa. Lực lượng vũ trang Miền Nam lớn thứ tư thế giới, nhưng ý chí và kỹ năng của họ vẫn còn có vấn đề.
Tại mỗi bước ngoặt, người Mỹ dường như thế nào cũng gặp vận xui. Nixon tha thiết bày tỏ mối quan tâm đến số phận các tù binh bị bắt giữ tại Miền Bắc, một vấn đề càng ngày càng gây xúc động trong nước: ông sợ rằng một số gia đình các tù binh sẽ về phe với phong trào phản chiến. Vì vậy ông ra lệnh một trận đột kích xuống Sơn Tây vào tháng 11 1970, cách Hà Nội 20 dặm về phía bắc, hi vọng giải phóng được một số người Mỹ được cho là bị giam giữ ở đây. Ba ngày trước khi tiến hành sứ mạng giải cứu, máy bay giám sát cho thấy phức hợp trống rỗng – tù binh đã được chuyển đi. Washington tuy vậy cũng ra lệnh cuộc đột kích trực thăng phải được thi hành, vào đêm 20-21. Các nhóm đột kích trở về tay không.
Những người ngưỡng mộ Tướng Creighton Abrams xác nhận rằng vào cuối năm 1970 cuộc chiến đi theo đường lối Mỹ, và rằng chỉ có sự sụp đổ của ý chí chính trị quốc nội mới cản trở sự tận dụng của thế áp đảo mới được thiết lập trên trận địa. Sử gia Lewis Sorley, người cầm cờ tiên phong cho giới lãnh đạo MACV, đã viết: ‘Cuộc chiến chưa kết thúc, nhưng thắng lợi đã đến.’ Thậm chí ở lằn tên mũi đạn, còn có một số người tin tưởng chân thành. Trung uý Mel Stephens rời Việt Nam vào cuối năm 1969 đã được thưởng Ngôi Sao Bạc, Ngôi Sao Đồng, 2 huy chương Trái Tim Tím và nhiều bằng khen cho các chiến dịch ven sông của Hải quân Mỹ, và sau đó trở thành phụ tá riêng của Đô đốc Bud Zumwalt với vai trò chỉ huy các chiến dịch hải quân. Sau khi rời quân ngũ anh cùng với Kerrey và một số cựu binh khác công khai hậu thuẫn cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, và thật ra lên tiếng cho chủ trương đó trước uỷ ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện. Anh nói: ‘Đối với tôi, đó là một cuộc chiến tốt đẹp. Tôi đã trải qua các trải nghiệm phi thường, và hồ sơ tác chiến của tôi mở ra những cánh cửa phi thường cho tôi. Tôi tin Việt Nam hóa có thể thành tựu và tất cả đều sẵn sàng.’
Điều có thể đúng là với lực lượng VC teo tóp do chiến dịch Phượng Hoàng và bị tiêu hao trên chiến trường, Miền Nam có thể đã vững mạnh dưới quyền kiểm soát của chế độ không cộng sản, cho dù không được dân yêu mến, nếu không có sự tham chiến tiếp tục của quân đội Miền Bắc, cùng với sự vỡ mộng của nhân dân Mỹ.
Tuy nhiên, đối với chính quyền Nixon, Lê Duẩn và Quân đội Miền Bắc là các thực thể bất biến như gió mùa và bò cạp. Abrams, nhớ về các trải nghiệm 1944-45, phát biểu một cách buồn rầu rằng người Miền Bắc ‘giống như dân Đức – bạn cho họ 36 giờ và, quỷ tha ma bắt, bạn phải bắt đầu cuộc chiến lại từ đầu.’ Vào cuối năm 1970 ông đang tìm cách đạt được điều này với một quân đội nhỏ hơn nhiều so với quân đội ban đầu: 140,000 binh sĩ Mỹ đã về nước. Tại Paris, Kissinger rút lại yêu cầu Quân đội Miền Bắc phải rút quân tương xứng: ông không còn tin tưởng Ông già Noel.
3 Trận Lam Sơn 719
Có điều kỳ cục là trong khi Bắc Việt là một xã hội toàn trị kỷ luật sắt hiểm ác, nó lại được trị vì bởi một chế độ dân sự, thì Miền Nam, có chủ định là một nước dân chủ, lại do các tướng lĩnh cai trị, những người không có tài năng về chính trị lẫn quân sự. Lewis Sorley trong tiểu sử về Creighton Abrams đưa ra nhận xét nổi bật là Nguyễn Văn Thiệu ‘có thể nói là một con người lương thiện và tử tế hơn Lyndon Johnson, và – dù có sự khác biệt trong các tình huống tương ứng – hoàn toàn chắc chắn là một tổng thống hiệu quả hơn của đất nước mình’. Ông cũng so sánh với vẻ ưu ái tham mưu trưởng QĐVNCH thời 1965-75 Tướng Cao Văn Viên với Earle Wheeler, cho rằng người trước thích hợp hơn.’ Nhưng Thiệu thể hiện sự khéo léo trong việc duy trì sự tin cậy và thiện chí của người Mỹ, chủ yếu vì ông chìu theo ước muốn của họ, hơn của nhân dân mình. Viên là sĩ quan có năng lực hợp lý, nhưng không thể phát huy vì tổng thống của ông cứ khăng khăng bổ nhiệm những tư lệnh trung thành chứ không có tài năng chỉ huy.
Việt Nam hóa ấn vào tay hai người và vây cánh của họ một gánh nặng, thình lình họ được giao quyền cai trị đất nước mình và điều hành cuộc chiến thay thế người Mỹ. Vậy mà thật nghịch lý, ngay sự tồn tại tiếp tục của chế độ Thiệu vẫn còn đang được tranh cãi tại Paris giữa Miền Bắc và một người Mỹ – Henry Kissinger – mà không có bất cứ đại diện nào của Sài Gòn đủ tư cách để tham dự nghiêm túc: người cộng sản không hề chính đáng khi dán nhãn hiệu Thiệu và các phụ tá là ‘bù nhìn của Hoa Kỳ ‘. Trong khi đó, tuy quan điểm về bộ chính trị Hà Nội có khắt khe đến đâu, không ai ngoài Nhà Trắng và giới truyền thông bảo thủ Hoa Kỳ còn coi Lê Duẩn và các đồng chí của ông chỉ là tay sai của Xô viết và hoặc người Trung Quốc.
Không có gì ngạc nhiên khi việc tung QĐVNCH vào một kiểm tra chiến trường lớn không được quyết định tại Sài Gòn, mà tại Washington. Tuy tiền lãi từ cuộc xâm nhập vào Cao Miên năm 1970 là nhỏ nhoi, Washington vẫn khăng khăng ra lệnh duy trì áp lực quân sự vào quân đội Miền Bắc hòng có được hi vọng rút ra các nhượng bộ từ họ ở Paris. Kissinger bảo với Arthur Schlesinger: ‘Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc từ chức,’ nhưng rồi nói thêm ông đã tham gia vào một việc mà ông không thể nói ra, nhưng phải đi tới cùng.
Schlesinger giả định rất đúng việc này chính là các buổi hội đàm bí mật. Về bản thân Nixon, Kissinger nói ‘ông ta là một người rụt rè, cần lòng trắc ẩn’. Ông nói thêm rằng khi cuộc bầu cử 1972 sắp đến gần trong lúc phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đang rầm rộ, ‘Nixon có đủ hậu thuẫn để thắng cử, nhưng không đủ để trị vì.’
Hành động mới của Quốc Hội – luật sửa đổi Cooper- Church tháng 12 1970 – ngăn cấm hành pháp gửi thêm bộ binh Mỹ quá biên giới Miền Nam. Nhưng vấn đề đồ sộ vẫn là ngăn chặn dòng người và đồ tiếp tế đi xuống Đường Mòn Hồ Chí Minh. Năm 1970 Miền Bắc nhận được hàng tiếp tế tăng tốc, ước tính hai triệu tấn rưỡi, bao gồm 500 quân xa một tháng. MACV báo cáo: ‘Cuộc chiến hậu cần của nam Lào và đông bắc Cao Miên giờ được xem như là cuộc xung đột sinh tử đối với VC/Quân Miền Bắc.’ Vào đầu năm 1971, Chỉ huy Không Lực 7 Tướng Lucius Clay mô tả các chỉ thị từ Creighton Abrams: ‘Ông muốn Đường Mòn phải ở trong tình trạng mà một con quạ phải mang khẩu phần của nó khi bay qua đó.’ Tham mưu của Clay nhận diện 4 ‘nút chặn’ – đèo Mụ Già, Ban Karai và Ban Raving, cùng với một địa điểm khác ngay phía tây vùng Phi Quân sự. Các máy cảm biến chuyển động mới được lắp đặt, do máy bay không người lái giám sát. Mỗi ‘nút chặn’ được chỉ định để nhận mỗi ngày hoặc mỗi 60 ngày ít nhất 27 lượt xuất kích B-52 và 125 lượt của máy bay chiến thuật. Bom và mưa thật ra đã làm những đoạn Đường Mòn không thể đi xe được trong hàng tuần liền, vậy mà bộ đội Miền Bắc ở trong Nam vẫn nhận được vừa đủ hàng tiếp tế và quân nhu để tiếp tục chiến đấu.
Trong khi đó ý muốn tài trợ cho việc Việt Nam hóa của quốc hội mỏng dần, và các vụ xuất kích của Không lực Mỹ ngày càng bị hạn chế nhiều hơn – 14,000 mỗi tháng giờ đây được cho phép không bằng phân nửa chỉ tiêu 1969. Vào cuối năm 1970, Nixon và Melvin Laird đối mặt với viễn ảnh tài trợ cuộc chiến cho năm sau chỉ với 11 tỉ, so sánh với 30 tỉ năm 1969.
Trước bối cảnh này, hành pháp Mỹ quyết định liều lĩnh dấn sâu vào một chiến trường: tung ra một lực lượng lớn QĐVNCH, được hỏa lực không quân và pháo binh yểm trợ, chống lại quân Miền Bắc ở Lào. Vào tháng 12 1970 phụ tá quân sự của Kissinger, Chuẩn tướng Alexander Haig càng ngày càng có ảnh hưởng, được phái đến Sài Gòn để giải thích đề xuất này cho Abrams.
Việc tranh cãi vẫn còn tiếp tục xem ai là người đề xướng chiến dịch có phần vụng về mang mật danh Lam Sơn 719: Lewis Sorley, người tiên phong của Abrams, nói đó là Haig; Haig sau này xác nhận rằng nó xuất xứ từ Nixon và Kissinger.
Xếp của Abrams, Tổng tư lệnh Thái Bình Dương Đô đốc John McCain, người mà chủ trương chiến tranh càng thêm mạnh mẽ khi con trai phi công hải quân của ông bị bắt làm tù binh ở Hà Nội, đã ưng thuận việc xâm nhập Cao Miên, và giờ hậu thuẫn cho một cuộc thọc sâu vào Lào, dù ông bảo với Abrams, ‘Tôi nhận thấy chiến dịch có thể vướng nhiều vấn đề.’ Vị tướng đến báo cho Thiệu, và ông đồng ý tung QĐVNCH cho một mũi thọc sâu mà mục tiêu cuối cùng là thị trấn Lào Tchepone. Vào ngày 10 tháng 12 Đô đốc Thomas Moorer, người kế nhiệm Earle Wheeler trong vai trò chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân, chuyển cho Abrams lệnh của tổng thống cho chiến dịch. Moorer nói nó sẽ chống đỡ cho việc Việt Nam hóa: ‘Sự thiếu cơ động của địch khiến chúng ta có thể cô lập chiến trường và bảo đảm thắng lợi cho QĐVNCH.’ Người Mỹ tin rằng nếu quân đội Miền Nam có thể gây tổn thất cho các tuyến đường tiếp tế của quân Miền Bắc họ có thể được rảnh tay trong một năm. Abrams lo lắng quân Miền Nam không đủ năng lực thực thi chiến dịch, và cảnh báo rằng ở Lào ‘quân địch có thể được kỳ vọng sẽ phòng thủ khu căn cứ địa và các trung tâm hậu cần của họ, không như ở Cao Miên. Tuy nhiên, ông không tìm cách áp đặt một phủ quyết, và thật ra còn chấp nhận trách nhiệm toàn bộ. Abrams do đó phải gánh lấy sự đổ tội nặng nề cho những gì xảy ra.
Tại một cuộc họp các đại điện vùng tại Sài Gòn vào ngày 17, xếp trạm CIA Ted Shackley báo cáo rằng phe cộng sản mong đợi các đồng minh phát động một mũi tiến công vào căn cứ địa của mình. Quân đội Miền Bắc triển khai các lực lượng hùng mạnh ở nam Lào; trong khu rừng rậm, có ít chỗ để trực thăng đáp xuống được. Vào ngày 26 tháng 1 1971 CIA cũng nhận được tín hiệu địch được giải mã cho biết họ đã tiên liệu cuộc tấn công, và tín hiệu kết luận: ‘Sẵn sàng động viên và đánh trả địch mạnh mẽ. Hãy cảnh giác.’ Một nghiên cứu hậu chiến của Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận vị thế yếu đuối của họ tại Miền Nam vào thời điểm đó: ‘Năng lực phòng thủ của chúng ta đã sút giảm,’ các hoạt động du kích đã giảm bớt. Ở Lào, ngược lại – ngay trên ngưỡng cửa của mình – họ cảm thấy tự tin hơn nhiều: ‘Chúng ta nắm giữ thế tiến công chiến lược và mạnh hơn kẻ thù.’ Hà Nội, gần như chắc chắn được một người đưa tin trong quân đội Sài Gòn mật báo cho biết, tiên liệu là Saigon sẽ mở một chiến dịch với sự tham gia của 15 đến 20 tiểu đoàn. Bộ chính trị ra chỉ thị: ‘Đây sẽ là một trận có tầm quan trọng chiến lược quyết định.’ Sân Rồng xác định khu vực Bản Đông-Tchepone là chiến trường thuận lợi cho binh sĩ họ – sát với Miền Bắc, rừng rậm cho họ sự che chở an toàn trên đầu khỏi phi cơ Mỹ. Các nhà hoạch định Cộng sản tuyên bố mục tiêu giết được 12,000 binh lính Miền Nam và phá hủy 300 phi cơ và trực thăng.
Tại Sài Gòn, khi ngày tấn công ấn định vào tháng 2 1971 đến gần, Abrams trở nên càng lo lắng hơn, băn khoăn về QĐVNCH: ‘Chúng tôi hối thúc họ quá căng … đi quá xa quá nhanh.’ Vào ngày 29 tháng giêng ông cảnh báo với Moorer rằng địch đang chờ đợi, vậy mà vẫn không yêu cầu hủy bỏ chiến dịch. Sai lầm đau buồn nhất, trong đó toàn bộ giới lãnh đạo Mỹ là đồng lõa, là không nhận ra được nguy cơ của Lam Sơn 719 vượt xa bất kì lợi thế nào nếu có. Nếu người cộng sản đánh bại một cuộc tấn công quy mô này, như nhiều sĩ quan Mỹ nghĩ là chắc chắn, thì toàn bộ mặt tiền của công cuộc Việt Nam hóa phải nghiêng ngả. Việc này, tại một thời điểm khi khí hậu chính trị đang tồi tệ: vào tháng giêng Nixon đã ký Đạo luật Ngoại Thương được đính kèm lệnh bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ , mặc dù Nhà Trắng phủ nhận rằng đạo luật này không áp đặt hạn chế mới nào lên quyền tiếp tục chiến đấu bên trong Việt Nam.
Trong tầm với các cuộc thọc sâu dự kiến của Sài Gòn, quân Miền Bắc có thể tung vào khoảng 60,000 quân, với 8 tiểu đoàn đặc công, đầy đủ pháo, và thậm chí xe tăng. Quân đội Sài Gòn phải được trực thăng vận và chở xe bọc thép đến 9 mục tiêu kế cận, giữa 20 và 40 dặm phía tây Khe Sanh. Tư lệnh Quân đoàn I, Hoàng Xuân Lãm, mà năng lực yếu kém đã rõ ràng, nắm quyền chỉ huy tổng quát. Trung tướng ‘Jock’ Sutherland, dẫn đầu Quân đoàn XXIV, điều khiển lực lượng Mỹ yểm trợ chiến dịch, cùng với 53 trực thăng Chinook, 500 trực thăng Huey, 18 lựu pháo 155mm, 16 pháo 175mm, 8 lựu pháo 8-inch. Cách biên giới Lào 100 ya là một bảng hiệu: ‘CẢNH BÁO, KHÔNG CÁ NHÂN MỸ NÀO ĐƯỢC VƯỢT QUA ĐIỂM NÀY’. Thiếu tá Trần Ngọc Huê, người đã chỉ huy ‘Hắc Báo’ trong trận đánh Huế 1968, có linh cảm không tốt về chiến dịch quá tham vọng này: trước khi dẫn bộ binh 2/2nd vào trận địa anh nói nghiêm túc với Dave Wiseman, cố vấn tiểu đoàn ở lại phía sau: ông có nhận con cái mình làm con nuôi không?
Lam Sơn 719 khởi sự vào 8 tháng 2 1971. Một đoàn xe bọc thép gồm 62 xe tăng và 162 M-113 tiến theo hướng chính phía tây dọc theo Đường 9, trong khi lính Dù và Biệt động bảo vệ sườn phía bắc, Sư đoàn 1 Bộ binh phía nam. Huey được cả phi công Mỹ lẫn Việt cầm lái chở binh sĩ Sài Gòn vào trận địa. Người cộng sản quá tin chắc địch thế nào cũng mò tới đến nỗi họ đã chuẩn bị sẵn các đường mòn quanh chiến trường dự kiến, tích trữ quân nhu, củng cố một số ngọn đồi và cầu. Họ tiến hành thám sát địa hình cẩn thận, và một số đơn vị đã diễn tập ngay trên trận địa. Tuy vậy quân Sài Gòn cũng đạt được bất ngờ chiến thuật tạm thời: quân cộng sản choáng váng trước số lượng của đoàn trực thăng đang tiến đến, nên đáp ứng chậm chạp. Ít sĩ quan Miền Bắc nào đã trải nghiệm một trận giao tranh quy mô với đủ loại vũ khí: thiếu hụt máy truyền tin cũng gây trở ngại cho chỉ huy và kiểm soát.
Qua một ít ngày đầu tiên, không có gì khủng khiếp xảy đến cho bên tấn công; dưới thời tiết tồi tệ, các xe tăng Sài Gòn kết nối với một tiểu đoàn Dù tại Bản Đông (A Lưới trên bản đồ Mỹ), 12 dặm sâu vào đất Lào. Bộ binh thiết lập ụ pháo và đào hố. Hà Nội sau này nhận rằng một số chỉ huy của họ bị bất ngờ: ‘Chúng tôi không nắm vững tất cả hoạt động của địch … Nhiều đơn vị triển khai trận đánh quá sớm.’ Vào ngày 13, Tướng Viên bảo với Abrams rằng Tổng thống Thiệu đã chỉ thị các lực lượng không được tiến sâu hơn về phía tây. Tin đồn, không hề được kiểm chứng, cho rằng Thiệu cũng bí mật ra lệnh chiến dịch phải hủy bỏ nếu hoặc khi số thương vong của quân đội Sài Gòn vượt quá 3 000.
Tại Lào, cán cân trận địa từ từ nghiêng dù chậm nhưng luôn tiếp tục về phía bất lợi cho Sài Gòn khi cộng quân tập trung ngày càng nhiều hơn các lực lượng hùng mạnh chung quanh 16 tiểu đoàn của phe xâm lấn. Abrams thúc giục một cách vô vọng binh sĩ Sài Gòn tiếp tục dấn tới, cảnh báo rằng nếu họ chỉ ngồi túm tụm, kẻ thù có thể pháo họ tan xác dễ như chơi. Vào đêm 18 tháng 2, hai tiểu đoàn bộ đội đột kích vào tiểu đoàn 39th Biệt động, khiến tiểu đoàn này nhanh chóng rút lùi. Các ụ pháo của QĐVNCH bị hỏa lực địch đánh phá tơi bời – một ụ bị bỏ lại sau khi tất cả pháo ở đấy đều bị bắn lật. Ba trăm dặm về phía nam, vào ngày 23 tháng 2 vị tướng lĩnh đáng nể Đổ Cao Trí thiệt mạng trong tai nạn rơi trực thăng. Cái chết của ông tác động lớn đến Lam Son 719, vì người ta đồn rằng ông sẽ được cử đến để thay thế Tướng Lãm, mà sự bất tài của ông đã trở nên quá sức chịu đựng.
Một tuần sau, một Sutherland hốt hoảng bảo với MACV qua điện thoại: ‘Địch ở khắp mọi nơi trên khu vực chết tiệt đó và dường như ngày càng mạnh lên … Đúng là đụng độ lớn trên đó.’ Abrams nổi dóa với vị phụ tá của mình, người mà ông kết tội là không nắm vững một tình hình đang trở nên tồi tệ. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, xe tăng đấu với xe tăng. Yểm trợ không lực chỉ gặt hái hiệu quả hạn chế, vì thiếu các trinh sát tiền tiêu Mỹ ở mặt đất – ít có sĩ quan Miền Nam có đủ kỹ năng tiếng Anh để liên lạc với phi công Mỹ; lực lượng phòng không từng ngày càng tệ hơn, gây tiêu hao đến mức báo động; không ngờ đến nhất và gây bối rối nhất là khả năng phục vụ của trực thăng Mỹ xuống dốc thê thảm – chỉ một phần tư số trực thăng tác chiến Huey còn bay được. Trung tướng Fred Weyand bốc hoả: ‘Các ông được một tư lệnh quân đoàn trên đó chắc để theo dấu chân vịt chết tiệt hay sao mà chẳng làm nên trò trống gì. Ở trên đó chắc có gì sai rồi … Y chả biết tình hình chó má nào đang diễn ra.’ Abrams cũng nộ khí xung thiên với Sutherland: ‘Toàn bộ khái niệm chiến lược quốc gia đang lâm nguy ở đây!’
Nhà Trắng càng lúc càng báo động. Kissinger nói vào cuối tháng 2: ‘Tôi không hiểu nổi Abrams đang làm gì.’ Trung tướng Bruce Palmer, phó tổng tham mưu quân đội chua chát viết: ‘Kissenger muốn nắm quyền đại nguyên soái khi tình hình diễn biến thuận lợi, nhưng không hiểu rõ bản chất của chiến tranh và các bấp bênh khó lường của nó, cho nên mới tức tối và khó chịu khi Lam Son 719 sa lầy.’ Trong khi đó xếp của MACV còn níu kéo hi vọng: ‘Chúng ta có một trận đánh thực sự ác liệt. Chúng ta phải bám lấy nó và sẽ thắng … Chúng ta đã bị nhấn chìm bởi các tên tiên tri tai họa trước rồi.’ Tinh thần lạc quan của Abrams vẫn giữ vững vào ngày 9 tháng 3; ông ‘càng lúc càng tin tưởng rằng những gì bạn đã đạt được ở đây có lẽ là trận đánh quyết định duy nhất của cuộc chiến, có thể thắng được bằng hỏa lực vượt trội. Khó khăn chủ yếu cho các chỉ huy Mỹ là họ không thể chứng kiến những gì đang xảy ra trên thực địa, cũng không thể cử đi những người mà họ tin cậy biết quan sát theo ý họ.
Creighton Abrams đích thân đến Thiệu, người duy nhất có quyền thay đổi đội hình quân đội, thúc giục ông tung Sư đoàn 2 vào trận để xoay chuyển cục diện. Tổng thống trả lời: chỉ khi nào một đội hình Mỹ cũng được triển khai như vậy. Trong khi trận đánh tiếp tục gầm thét, các tướng lĩnh của Thiệu khuyên ông rút quân khỏi đất Lào.
Trái lại, Alexander Haig đến Việt Nam vào ngày 18 tháng 3 và bảo với Sutherland rằng Nhà Trắng muốn QĐVNCH giữ vững trận địa qua hết tháng 4. Tại Washington, tinh thần đang lên theo các báo cáo không lực đang gây tác hại cho quân địch. Mỗi tám phút một chiếc C-130 lại đáp xuống Khe Sanh chở quân nhu và đồ tiếp tế, trong khi ba máy bay thả pháo sáng và ba trực thăng tác chiến vần vũ trên mặt trận trong suốt đêm. Trong quá trình trận đánh phi cơ chiến thuật của Mỹ bay 8,000 lượt xuất kích, gần 150 lượt mỗi ngày, trong khi các B-52 1,280 lượt ném bom. Đại tá An Miền Bắc viết về khu vực chung quanh trạm chỉ huy của ông cạnh Sông Sa Mu: ‘Lau sậy và cỏ cao trên đồi bị bom napan đốt cháy rụi. Cánh rừng của chúng tôi trở thành một ốc đảo nhỏ cô lập giữa đại dương cháy đen điêu tàn.’
Nhưng Miền Nam đã chịu tổn thất 5,500 thương vong. Chuẩn tướng Haig đột ngột thay đổi ý định, nói rằng dường như đã đến lúc kết thúc chiến dịch. Vào ngày 18 tháng 3 quân Miền Bắc tấn công ráo riết để cắt đứt một số đơn vị Miền Nam không được che chắn. Một bộ đội của An, một tiểu đội trưởng từ Hà Nội, viết: ”Đêm đó trăng rất sáng. Chúng tôi lên đường ngay sau khi đêm xuống. Quân địch di chuyển hàng rào pháo từ con đường lên sườn đồi đến vị trí phòng thủ củng cố của chúng tôi, rồi đi xuống một lần nữa, rồi lên xuống hết lần này đến lần khác. Chúng tôi bị thương hai người, chỉ còn 7 người còn sức chiến đấu. Mỗi người đào một vị trí tác xạ nhanh như có thể, một số núp dưới hố bom hoặc hố cá nhân cũ mà địch đã đào trước đây. Rồi tôi nằm xuống, kéo võng choàng qua người, và ngủ như một khúc gỗ. Tôi tỉnh dậy ngay trước bình minh. Mưa đã thấm sũng nước quần áo tôi. Trời rét cóng đến nổi tôi không thể không nghiến răng run lập cập. Người càng lạnh, bụng càng đói cồn cào … Năng lượng của một nắm cơm to hơn nắm tay một chút, mà chúng tôi ăn chiều quá đã tiêu hết khi chúng tôi phóng mình qua hàng rào pháo.’ Rồi một người lính của ông chạy đến sau một cuộc săn lùng vội vàng ôm một mũ sắt đựng đầy cơm mà y đã tìm được trong một boongke bỏ lại của địch: ‘Tôi hạnh phúc tưởng như đánh thắng một trận!’
Đúng là anh đã thắng: cộng quân đang cô lập các vị trí liên tiếp của Miền Nam, rồi pháo kích họ tan tác, sử dụng pháo 122mm với tầm bắn gần 14 dặm, 130mm bắn tới 17 dặm; họ dường như thờ ơ với số thương vong của riêng mình. Quân Miền Bắc đang chơi trò phá sóng năng động, vừa làm nghẽn sóng liên lạc của địch vừa phát đi tuyên truyền: hai bên thóa mạ nhau trên máy truyền tin; TQLC Miền Nam hoang mang khi nghe giọng một phụ nữ truyền lệnh tác chiến. Một bộ đội mô tả làm thế nào anh bảo tiểu đội đi tìm các khẩu M-79, rồi vội vàng thực tập tác xạ với chúng. ‘Chúng tôi bắn khá chính xác.’ Trong một giờ họ say sưa nã các viên pháo 40mm vào đoàn hộ tống QĐVNCH. Chiến trường cuối cùng im tiếng sau khi quân Miền Nam rút lui. Cộng quân thận trọng tiến xuống con đường, đếm xác địch, giữa các quân xa bị bỏ lại máy vẫn còn nổ.
Sĩ quan Miền Nam Trần Ngọc Huê được thăng chức đại tá thậm chí khi tiểu đoàn của anh chịu một trận pháo kích của của Miền Bắc ngay vị trí trên Đồi 660. Chính anh cũng bị thương vì mảnh đạn súng cối, khi binh sĩ sống sót rút lui muộn màng anh bảo họ để anh ở lại phía sau – chỉ một đại uý và 60 lính quân dịch tẩu thoát được. Sau khi rơi vào tay địch Huê thất thiếu đi theo Đường Mòn Hồ Chí Minh thiếu mất vài ngón tay , vòi bọ gậm nhấm vết thương trên cơ thể anh. Anh 29 tuổi khi đến Hà Nội, và trải qua 13 năm tiếp theo trong chốn giam cầm, như nhiều người khác tham gia chiến dịch Lam Son. Thiệu đưa ra một quyết định cá nhân, vì lý do uy tín, khăng khăng lệnh cho binh sĩ phải đến cho bằng được mục tiêu đã định Tchepone, bằng một cuộc trực thăng vận mới phát động vào ngày 3 tháng 3. Sau một trận đánh ác liệt các mũi nhọn của quân Miền Nam đến được thị trấn, chỉ để nhanh chóng lui quân.
Trong lúc binh sĩ Miền Nam chiến đấu cho mạng sống của mình, các tướng lĩnh của họ thể hiện tính khí nóng nảy và vô tích sự quen thuộc. Lãm, tư lệnh quân đoàn, dường như tê liệt, và chỉ huy Dù chóp bu không thèm thảo luận về chiến dịch với ông ta; vị tướng TQLC cao cấp nhất từ khước rời Sài Gòn. Lam Sơn, Đại tá Nguyễn Duy Hinh viết, ‘bị tác hại bởi các mối bất hoà tiến gần đến tình trạng bất tuân giữa một số chỉ huy chiến trường. Tổng thống Thiệu và Tướng Viên ắt hẳn biết rõ những bất hoà, nhưng không có hành động sửa sai … có lẽ vì các tướng lĩnh này được xem là cột trụ của chế độ.’ Trên chiến trường, trong lúc 5 trong số 9 tiểu đoàn trưởng Dù bị giết hoặc bị thương, một vị không hề hấn gì lại xô đẩy để leo lên trực thăng tản thương ra khỏi trận địa. Vào ngày 27 tháng 3 Fred Weyand bảo trong một buổi họp các tư lệnh Mỹ rằng dường như đã đến lúc đối mặt với sự thật là thế giới xem Lam Sơn 719 như một thảm bại: ‘Chúng ta gặp một vấn đề về quan hệ quần chúng hoặc một vấn đề tâm lý … rất, rất là trọng đại.’ Abrams phùng mang trợn má với cách báo chí xét xử trận đánh: ông đặc biệt kích bác gay gắt Gloria Emerson của tờ New York Times – ‘còn ngựa cái đó’ – và nói gần như tuyệt vọng về mối quan hệ Mỹ-Việt: ‘Tồn tại một kẻ nứt văn hoá khá lớn, và đối với một số người Mỹ dường như không thể vượt qua được.’
Cuộc rút quân đầu tiên của Miền Nam ra khỏi đất Lào đã xảy ra vào 3 tháng 3, và tiếp tục cho đến hết tháng, trong sự hỗn loạn ngày càng tồi tệ. Không tới nửa số tăng và hơn một phần ba một chút số xe bọc thép chở quân của Sài Gòn còn hoạt động được: số còn lại bị hư hại, hết xăng hoặc bị hỏa lực địch phá hủy. Người Mỹ mất hơn 100 trực thăng, thêm 544 chiếc bị hư hại. Một phúc trình của họ nói nhẹ đi: ‘Khái niệm về tính cơ động của không lực nhận được một bài kiểm tra khắc nghiệt trong chiến dịch này.’ Vì cuộc di tản trở nên gấp rút do quân địch ép sát, nỗi hoảng loạn bao trùm nhiều binh sĩ Thiệu, thành ra hình ảnh lưu truyền mãi về Lam Sơn 719 phần lớn lấy ra từ các ảnh chụp những người trốn chạy bu quanh trực thăng, một số rơi xuống phải bấu vào càng đáp trực thăng. Lúc mà chiến dịch đã đi đến hồi kết tơi tả, xơ xác, thì Miền Nam đã chiến đấu ở Lào trong 42 ngày và mất gần nửa lực lượng tham chiến, khoảng 8,000 người, bao gồm nhiều người bị bắt làm tù binh.
MACV ước tính 13,000 bộ đội đã bị giết, nhưng điều này dường như là quá phóng đại. Miền Bắc thời hậu chiến xác nhận tổn thất gồm 2,163 người chết và 6,176 bị thương, những con số đáng tin lên đến 13 phần trăm lực lượng tham chiến. Tường thuật của người cộng sản gán cho nửa số thương vong là do pháo binh và súng cối; hơn một phần ba là do phi cơ oanh kích, bao gồm một tỉ số thấp đến kinh ngạc là 2 phần trăm là do bom napan, vốn rất ấn tượng đối với người Mỹ và binh sĩ Miền Nam; phần còn lại là do vũ khí nhẹ. Quân sử của họ cho biết gần phân nửa tổn thất gánh chịu phía sau mặt trận, ắt hẳn có nghĩa do quân đội Mỹ hơn là hỏa lực Miền Nam. Họ nhìn nhận tổn thất vật tư nặng nề: 670 súng phòng không, 600 xe tải, một phần năm súng cối, 88 xe tăng.
Sĩ quan CIA Merle Pribbenow đã trở nên thân thiết với hai binh nhì Dù Việt Nam, thường đến thăm căn hộ anh mỗi khi họ có dịp đến Sài Gòn. Sau trận Lam Sơn, chỉ có một người đến không báo trước, đượm vẻ đau buồn vì mất người bạn thân nhất và hầu hết đồng đội trong đơn vị ở Lào. Pribbenow nghĩ: nếu đây là tình cảnh của một quân nhân thuộc binh chủng ưu tú nhất giờ đây lâm vào ‘thì phần còn lại của QĐVNCH đủ biết phải ở trong tỉnh cảnh khó khăn thế nào’. Bob Destatte, nguyên là thẩm vấn viên tù binh nói tiếng Việt, hằn học nói: ‘Nếu có tội phạm nào trong trận Lam Sơn 719, thì đó không phải là những người lính bình thường, đã chiến đấu hết lòng, mà là những tên đã đẩy họ vào đó.’ Đại tá Nguyễn Duy Hinh buồn rầu viết: ‘Lực lượng Sài Gòn phải bỏ lại trên đất Lào rất nhiều người chết và bị thương. Điều này trở thành nỗi đau khủng khiếp cho những gia đình bất hạnh đó, vốn theo truyền thống thờ cúng và gắn kết với người thân quá vãng của họ, họ sẽ mãi mãi sống trong nỗi đau buồn và day dứt. Đó là hành động xâm phạm đến tín ngưỡng và lễ giáo gia đình mà người Việt sẽ không bao giờ quên hoặc tha thứ.’ Frank Snepp của CIA nói: ‘Lam Sơn 719 báo với chúng ta mọi thứ chúng ta cần phải biết về nơi Việt Nam hóa sẽ thực sự đi tới – và nó cũng báo cho Hà Nội điều tương tự.
Thảm bại dấy lên cơn phẫn nộ trong Nhà Trắng, mặc dù Nixon buộc phải làm mặt trơ trẽn, phát biểu trên truyền hình ngày 7 tháng 4: ‘Miền Nam đã chứng tỏ rằng không có các cố vấn Mỹ họ cũng có thế chiến đấu một cách hiệu quả chống lại binh sĩ thiện chiến nhất mà Miền Bắc có thể tung vào chiến trường.’ Tuy nhiên, trên thực tế kết quả của chiến dịch đảo ngược lại những gì đã được dự định: nó làm yếu đi thay vì làm mạnh thêm, cánh tay của Hoa Kỳ trong đàm phán Paris. Trong khi yêu cầu của chính trị nội bộ có nghĩa là rút thêm quân không dừng lại, niềm tin cậy vào chế độ Thiệu, và quân đội ông ta như là một lực lượng chiến đấu, đã bị đập vỡ tan.
Hành pháp tìm cách đổ lỗi một phần cho người Việt – tiêu điểm cơn thịnh nộ của Kissinger – nhưng chủ yếu lên giới quân sự Mỹ. Alexander Haig nói: ‘Tổng thống và những người chúng tôi ở Nhà Trắng liên quan đến việc lên kế hoạch đã rất khiếp đảm trước cách điều hành chiến dịch của Bộ Quốc phòng.’ Trong cơn giận dữ của mình, bản năng ban đầu của Nixon là cách chức Abrams và thay thế ông bằng một người thân cận bên mình. Ông bảo với Haig: ‘Bắt chuyến phi cơ sớm nhất và bay đến Việt Nam. Anh nắm quyền chỉ huy.’ Haig sau này nói rằng mình thuyết phục tổng thống kìm nén và hít thở cho sâu trong 24 giờ rồi hãy ra quyết định như thế. Sau đó, tất nhiên, Nixon dịu lại. Kissinger nghi vấn lời tường thuật của Haig, nhưng chuyện đó có thể tin được. Vị cố vấn an ninh quốc gia nói rằng mình sẽ không bao giờ tin một lời nào nữa từ miệng Abrams thốt ra.
Chiến dịch tranh cử tổng thống đang lù lù đến trong các tính toán của Nhà Trắng. Vào ngày 19 tháng 3 1971 Kissinger nói: ‘Chúng ta không thể để Miền Nam bị đánh đổ – một cách phũ phàng – trước cuộc bầu cử.’ Nixon: ‘Nói đúng lắm.’ Kissenger xác nhận rằng nếu tổng thống biểu lộ thái độ bỏ rơi Việt Nam trước khi người Mỹ đi bầu, ông sẽ không tái đắc cử được; ông ra sức chống lại ‘việc mọi người đồng tình’ là rút hết quân tham chiến về nước trong năm đó. Nixon, Kissinger và Haldeman không hề có vẻ là đã thảo luận liệu việc tiếp tục cuộc chiến qua hết ngày bầu cử vào năm 1972 sẽ ảnh hưởng có ý nghĩa gì đến dân tộc Việt Nam hay không. Nhà Trắng giờ đây đành cam chịu hi sinh họ. Thách thức là duy trì cho đến một thời điểm thích hợp để làm việc đó.
Vấn nạn của gần 600 tù binh Mỹ trong tay cộng sản vẫn không ngừng khống chế sự tranh cãi trong nước: người Mỹ mua 50 triệu nhãn dán và 135 triệu con tem bày tỏ sự hậu thuẫn đối với tù binh. Hành pháp liên tục kêu gọi Quốc Hội cung cấp ngân sách cho nỗ lực chiến tranh còn lại, vốn là điều duy nhất có thể gia tăng vị thế đàm phán tại Paris. Vậy mà sau một phiên điều trần tại Quốc Hội trước buổi phát thanh truyền hình quốc gia của tổng thống ngày 7 tháng 4, một thượng nghị sĩ yêu cầu được trả lời tại sao, nếu nửa triệu quân trước đây đã thất bại thuyết phục Hà Nội trao đổi tù binh, thì việc giờ đây giữ lại 50,000 quân phỏng có ích lợi gì cho ai. Ngày hôm sau Nixon bảo với Kissinger, ‘Tất nhiên tôi không thể trả lời với ông ấy , “Xem này, khi chúng ta rút xuống còn 50 ngàn, lúc đó chúng ta sẽ ra giá sòng phẳng – 50 ngàn đổi lấy tù binh chiến tranh” – và họ sẽ đồng ý ngay lập tức, vì họ muốn đá đít chúng ta ra khỏi đó cho rồi.’ ‘Nói đúng lắm,’ Kissenger nhất trí. Nixon cười lớn: ‘Anh biết hả? Ôi trời!’
John Paul Vann, xếp bình định hóa vủa mới được bổ nhiệm và là viên chức dân sự Mỹ cao cấp ở Cao nguyên Trung phần, có chức vụ tương đương với tướng hai sao, nói sau trận Lam Sơn: ‘Cuộc chiến dần dần chuyển đến các khu vực của hai quân đoàn phía bắc, và hướng đến một sự đối đầu quy ước hơn giữa Miền Bắc và Miền Nam.’ Đây là một đánh giá chính xác. Vào ngày 7 tháng 4, máy bay trinh sát cho thấy việc lưu thông xe cộ trên Đường Mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào phục hồi nguyên trạng mật độ như trước trận Lam Sơn 719.
Giữa cuộc giết chóc, cũng có vài phen khôi hài: Abrams được thuyết trình về việc triển khai tại Vịnh Cam Ranh năm cá heo, được huấn luyện để tấn công bọn phá hoại dưới nước. ‘Kẻ thù,’ người thuyết trình nói, ‘đã được hướng dẫn để tin rằng cá heo được huấn luyện để tấn công bộ phận kín của người bơi lặn nam giới. Thông tin mới nhất là kẻ địch lên kế hoạch phản công bằng cách sử dụng thợ bơi lặn phái nữ trong tương lai.’ Vị tướng được thông báo là có một cá heo bị xổng đi. Trong khi đó, sự sụp đổ tinh thần tại một trại lực lượng đặc biệt tại Bu Prang cho thấy do những căng thẳng giữa người thượng và người Miên đang phục vụ tại đó. Người thượng tôn thờ một con mãng xà sống trong khu rừng gần đó, mà họ cứ theo định kỳ lại đến dâng cúng vật tế cho đến một ngày bọn người Miên đến giết và ăn thịt. Các cố vấn Mỹ đứng ra hòa giải một cách khó khăn, cuối cùng đôi bên đồng ý người Miên bồi thường bằng việc hiến tế một con trâu trắng. Các sĩ quan lực lượng đặc biệt bèn đi lục soát khắp vùng đất cho đến khi tìm được một con vật thích hợp, họ mua lại, và vận chuyển về trại bằng cách treo nó bên dưới một trực thăng C-7.
Rủi thay dây treo quấn quanh bìu dái con vật, thành ra trong chuyến bay nó xiết con vật đến chết khi đến nơi và do đó không thể hiến tế được. Sau khi đàm phán tiếp tục rất công phu người thượng đồng ý chấp thuận vật tế thay thế là 200 con gà, được ‘trực thăng vận’ đến Bu Prang, được hiến tế và ăn thịt.
Một hôm không lâu sau trận thảm bại ở Lào, Abrams đi dự một lễ tưởng niệm tại nghĩa trang quốc gia bên ngoài Sài Gòn. Trực thăng của ông chưa quay lại đón ông trước khi buổi lễ kết thúc, và vì vậy ông phải nán lại chờ sau khi quan chức, binh lính, ban quân nhạc đã giải tán và ra về. Cuối cùng chỉ còn mình ông và cận vệ ở lại, nóng ruột vì phải chờ đợi. Rồi ông thấy từ xa bước đến nghĩa trang là một trung sĩ QĐVNCH, cùng với vợ và các con: ‘cô ấy đang có mang. Và họ có ba con nhỏ. Chú ấy đang bồng một đứa … Vâng đó là một đoạn đi bộ dài. Và rồi còn có cậu con trai. Tôi đoán cậu chừng 9 tuổi. Cậu bé đang mang một chiếc túi to, túi nhựa, một túi xách. Và có một bó nhang ló ra khỏi miệng túi, và tôi đoán bên trong túi có thức ăn cúng hay gì đó. Họ đang trên đường đến … tôi suy đoán, một người thân.’
Abrams, như nhiều chiến binh không phải lúc nào cũng chai đá, chợt thấy đột ngột dâng lên một niềm thương cảm sâu xa.