Áp lực nợ của Lào dấy lên bóng ma một nước chư hầu Trung Quốc

Lào nợ Trung Quốc hơn một nửa nợ nước ngoài, bao gồm cả “nghĩa vụ tiềm ẩn”, và các chuyên gia cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ phải đổi đất đai và tài nguyên để cứu trợ. © Minh họa bởi Hiroko Aida

Marwaan Macan-Markar, phóng viên khu vực Châu Á

Ngày 6 tháng Chín 2022

Biên dịch: GaD

Tiếng vọng Sri Lanka trên sông Mekong khi dư luận bị bóp nghẹt vì thảm họa kinh tế

NONG KHAI, Thái Lan – Tại các trạm xăng Nong Khai, một thị trấn Thái Lan yên tĩnh ở bờ Tây sông Mekong, dòng phương tiện tấp nập kéo đến tiết lộ những rắc rối trên tuyến đường thủy ở Viêng Chăn, thủ đô Lào.

Các tài xế xe biển số Lào đến với hai yêu cầu: một bình đầy và thêm xăng đầy các can 20 lít mà họ mang trên xe. Nhiều người lái những chiếc SUV cao cấp hoặc Mercedes-Benzes kiểu dáng đẹp, phổ biến trong những người giàu ở đất nước nghèo khó của họ.

“Một số tài xế là khách quen của chúng tôi, họ phàn nàn [xăng] giá cao hoặc nguồn cung thiếu hụt” ở Lào, Kiri Malaya, nhân viên trạm xăng cho biết khi anh đổ đầy bình một xe Range Rover đen và một can lớn màu xanh lam.

Kiri bận rộn hơn kể từ tháng sáu. Khi đó, giá xăng của Lào đã tăng 107,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhiên liệu không phải là mặt hàng duy nhất trong danh sách mua sắm của người Lào đi qua cây cầu gần đó nối hai nước. Một nhân viên văn phòng Vientiane cho biết cô sang mua hàng gia dụng thiết yếu như xà phòng, chất tẩy rửa, quần áo và thậm chí cả thực phẩm, vì “một số không sẵn trong cửa hàng hoặc nay đắt hơn trước.” Một thợ làm bánh, đang vật lộn với chi phí nguyên liệu tăng cao, nói, “Tôi phải tìm nguồn cung cấp mới rẻ hơn.”

Sống dưới một chế độ cộng sản khét tiếng đàn áp và mờ ám, họ và những người Lào khác tránh phàn nàn công khai, ngoại trừ những lời thì thầm và cơn giận dữ hiếm hoi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Nong Khai là một nơi thuận lợi giải quyết khó khăn của họ và những rủi ro mà đất nước phụ thuộc vào Trung Quốc của họ phải đối mặt.

Quang cảnh sông Mekong biên giới Thái Lan – Lào nhìn từ phía Thái tại Nong Khai năm 2019. Thị trấn này cung cấp một điểm thuận lợi cho cuộc khủng hoảng kinh tế Lào. © Reuters

Các chuyên gia đã cảnh báo những người có quyền lực của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào rằng, có rất nhiều trái mìn kinh tế đang hoạt động. Nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt của nền kinh tế trị giá 18 tỷ USD và nợ nước ngoài không bền vững – phần lớn nợ Trung Quốc bởi các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như tuyến đường sắt trị giá hàng tỷ USD –  đã khiến một số người so sánh Lào với Sri Lanka. Quốc đảo Nam Á bị phá sản đã cạn kiệt đô la để thực hiện các nghĩa vụ đối ngoại hồi tháng Tư, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực vỡ nợ trong nhiều thập kỷ.

Tại Lào, “tình hình kinh tế vĩ mô đang rất thách thức”, Alex Kremer, Giám đốc quốc gia tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết. Hồi tháng Năm, WB cảnh báo rằng nhiều người ở quốc gia khoảng 7 triệu dân này “có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói, đặc biệt là ở các thị trấn và thành phố”, do giá cả tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê chính thức, lạm phát tổng thể đạt 25,6% trong tháng Bảy.

Kremer nói rằng những điểm yếu về cấu trúc “đã trở nên trầm trọng hơn do tác động của đại dịch COVID-19, môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu xấu đi và đồng Kip Lào mất giá nhanh chóng”.

Một năm trước, tỷ giá hối đoái là khoảng 9.400 kip/USD. Giữa năm 2022, một số cửa hàng đổi tiền ở Viêng Chăn đã niêm yết tỷ giá khoảng 15.000 kip/USD. Trên thị trường chợ đen, con số này thậm chí còn cao hơn, vào khoảng 19.000 kip.

Đồ thị: Tỷ lệ lạm phát chính thức gia tăng của Lào

(Phần trăm thay đổi so với một năm trước đó)

Đồng nội tệ giảm giá đã khiến các nhà phân tích Thái Lan gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng dự trữ ngoại hối của Lào, hiện ước tính khoảng 1,3 tỷ USD. Con số đó chỉ đủ để trang trải cho 2,2 tháng nhập khẩu và Lào sẽ phải trả 1,3 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm nay.

Sathit Talaengsataya, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu Krungsri Thái Lan, cho biết đất nước đang “phải gánh chịu hai khoản thâm hụt – thâm hụt tài chính và thâm hụt tài khoản vãng lai – trong bối cảnh dự trữ ngoại hối mỏng”. Ông cho biết trong thập kỷ qua, Lào đã thâm hụt tài khóa tương đương 3 – 4% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm, đòi hỏi nguồn tài chính bên ngoài đáng kể và dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình hơn 10% GDP.

Sathit gọi đây là một “vấn đề kinh niên”, cần phải “thiết lập lại nền kinh tế” ngay lập tức.

Một số nhà lãnh đạo Lào bị chấn động, đã đưa ra những thừa nhận hiếm hoi về tình hình eo hẹp nghiêm trọng của đất nước. Bounleua Sinxayvoravong, người được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng trung ương hồi tháng Sáu sau khi người tiền nhiệm bị sa thải, ám chỉ về sự hoảng loạn trong một bài phát biểu trước bộ máy của đảng tại Quốc hội.

Từ đầu năm 2021 đến quý đầu ăm nay, Lào lẽ ra đã nhận được 9,81 tỷ USD, tuy nhiên, chỉ 32% số này vào hệ thống ngân hàng nước ta”, ông nói, theo báo cáo địa phương.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo tỏ ra khó hiểu việc đất nước họ mắc nợ Trung Quốc sâu sắc như thế nào, và những tác động tiềm ẩn.

AidData, một phòng nghiên cứu tại college William & Mary ở Mỹ, tính toán rằng Lào đã trả 5,57 tỷ USD nợ chính thức cho Trung Quốc trong thời gian vay mượn từ năm 2000 đến năm 2017. Thậm chí đó “chỉ là phần nổi của tảng băng”, giám đốc điều hành AidData Bradley Parks cho biết.

Ông nói: “Lào cũng có mức nợ công tiềm ẩn cao bất thường đối với Trung Quốc – thêm 6,69 tỷ USD, tương đương khoảng 35% GDP. AidData định nghĩa nợ ẩn là khoản nợ được ký hợp đồng bởi các thực thể do chính phủ Lào sở hữu toàn bộ hoặc một phần, nhưng không có bảo lãnh hoàn trả rõ ràng.

Do đó, “tổng nợ của Lào đối với Trung Quốc trị giá khoảng 12,2 tỷ USD, tương đương 64,8% GDP”, Parks nói với Nikkei Asia.

WB ước tính tổng số nợ công và nợ công có bảo lãnh là 88% GDP năm 2021. Nhưng vì con số của WB loại trừ các khoản nợ công ẩn của Lào đối với Trung Quốc, Parks nói, “mức độ nợ  công thực sự của nước này đối với tất cả các chủ nợ phía bắc rất có thể là 120% GDP.”

“Không có quốc gia nào khác trên thế giới có mức nợ công Trung Quốc cao hơn, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của nước chủ nhà”, ông nói thêm.

Không có gì ngạc nhiên khi nguy cơ của Lào – sau khi Sri Lanka vỡ nợ – ngày càng lớn, kể từ khi hóa đơn nợ nước ngoài hàng năm đạt trung bình 1,3 tỷ USD cho đến năm 2025, theo WB.

Sơ đồ: Lào dẫn đầu về tỷ lệ nợ ẩn và nợ có chủ quyền đối với Trung Quốc (Nợ quốc gia được chọn tính theo phần trăm GDP, dữ liệu 2000-17)

Các khoản nợ tiềm ẩn được định nghĩa là những khoản không được nhà nước bảo lãnh trả nợ rõ ràng, nhưng đó có thể trở thành nghĩa vụ của chính phủ trong tương lai. Nguồn: AidData

Hồi tháng Sáu, cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Lào xuống sâu hơn nữa. Moody’s cho biết: “Rủi ro vỡ nợ sẽ vẫn ở mức cao do quản trị rất yếu kém, gánh nặng nợ nần rất cao và dự trữ ngoại hối không đủ trả các khoản nợ nước ngoài đến hạn thanh toán”.

Điều này dấy lên một cuộc tranh giành ngoại giao giữa các nhà lãnh đạo Lào đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc cũng như Việt Nam và đồng minh lâu năm là Nga, theo các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm chính trị ở Viêng Chăn.

Hồi tháng Năm, chính phủ đã mời đại sứ ba nước đến thảo luận với các cơ quan và ngân hàng tư nhân liên quan để “giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay”, học giả Nhật Bản Norihiko Yamada, một chuyên gia về Lào từng làm việc tại nhiều bộ trong chính phủ ở đó cho biết.

Ông nói: “Chưa rõ kết quả và nội dung của các cuộc tham vấn, nhưng có thể không chỉ Trung Quốc mà cả Việt Nam và Nga cũng tham gia hỗ trợ Lào”.

Các chuyên gia khác cho rằng Lào có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi tư duy của Trung Quốc về gánh nặng nợ nần của các nước đang phát triển.

Trong khi Bắc Kinh tỏ ra lưỡng lự trong việc tái cơ cấu nợ của Sri Lanka, các nhà quan sát lưu ý rằng họ đã mang lại sức sống cho một số quốc gia châu Phi đang căng thẳng với các nghĩa vụ vay – phần lớn là nợ Trung Quốc – cho các dự án cơ sở hạ tầng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, như ở Lào.

Một tuyến đường sắt cao tốc nối Viêng Chăn với Côn Minh Trung Quốc, được đưa vào hoạt động tháng Mười Hai năm ngoái, đã góp phần khiến Lào gánh thêm núi nợ từ Trung Quốc. © Reuters

Mengdi Yue và Christoph Nedopil Wang thuộc Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh, một tổ chức tư vấn của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, cho biết trong một cuộc trao đổi qua email với Nikkei: “Các khoản cho vay không tính lãi, đặc biệt là đối với các nước châu Phi, đã bị hủy bỏ nhiều lần.” Trung Quốc đã nhiều lần chính thức bày tỏ lập trường rằng họ sẽ làm việc với các chủ nợ đa phương và song phương khác để giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển.”

Một số người cho rằng đối với Bắc Kinh, các nước như Lào – một trong 17 nước “kém phát triển nhất”, nơi Trung Quốc là nước cho vay song phương lớn nhất, theo Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh – quá vướng víu với lợi ích của họ nên không có lựa chọn nào khác ngoài việc giúp đỡ.

Đồ thị: Dự trữ ngoại hối của Lào (tỷ USD)

Dữ liệu hiện có mới nhất tính đến tháng Ba 2022. (Nguồn: Bank CHDCND Lào)

Patrick Mendis, giáo sư thỉnh giảng các vấn đề toàn cầu tại Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan và là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cho biết hoạt động cho vay của Trung Quốc theo mô hình phát triển “Đồng thuận Bắc Kinh” được thiết kế trên cơ sở “kết nối” với các lợi ích quốc gia và an ninh của Trung Quốc.

Mendis nói: Không hỗ trợ Lào “không phải là một lựa chọn của Bắc Kinh”.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực cứu trợ nào cũng chưa được kết thúc.

Jeremy Zook, giám đốc xếp hạng quốc gia trụ sở tại Hồng Kông và là nhà phân tích hàng đầu về Lào tại Fitch, cho biết: “Trung Quốc đã đề nghị giảm nợ 800 triệu đô la cho Lào trong hai năm qua và điều đó cho phép chính phủ Lào có cơ hội chịu áp lực tài trợ từ bên ngoài. Có những cuộc thảo luận khác đang diễn ra giữa Lào và Trung Quốc về bản chất việc xóa nợ trong tương lai hoặc tái cơ cấu nợ để giảm bớt gánh nặng ngắn hạn, nhưng rất khó để có được một con số chính xác.”

Việc xử lý các khoản Lào nợ chưa trả Trung Quốc trong quá khứ có thể cung cấp manh mối – và gợi ý về một gói cứu trợ có thể biến quốc gia Đông Nam Á thành một nước chư hầu kinh tế.

Chính phủ Lào đã giao một đầm lầy để xây dựng đặc khu kinh tế như một phần của thỏa thuận trả nợ cho Trung Quốc, người đã xây dựng Sân vận động Quốc gia trị giá 100 triệu USD cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2009 tại Viêng Chăn. © AP

Các phương án xóa nợ trước đây bao gồm từ hoán đổi lấy vốn cổ phần trong các thực thể nhà nước của Lào cho đến việc giành đất để làm yên lòng các chủ nợ Trung Quốc. Keith Barney, một học giả tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho biết: “Chắc chắn có một số tiền lệ lịch sử về việc trao đổi đất đai và tài nguyên thiên nhiên để trả nợ nước ngoài ở Lào hoặc để hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong nước.

Vientiane tự hào về sự hoán đổi như vậy. Chính phủ Lào đã bàn giao một đầm lầy để xây dựng đặc khu kinh tế như một phần của thỏa thuận trả nợ cho Trung Quốc, người đã xây dựng Sân vận động Quốc gia trị giá 100 triệu USD trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2009 mà Lào đăng cai.

Barney nói: “Đây là một phần của ý tưởng ‘biến đất đai thành thủ đô’, khẩu hiệu phát triển chính của Lào và là chính sách ngầm trong những năm 2000.

Nhưng liệu dư luận Lào có còn là những khán giả câm lặng nếu đất nước họ bị Trung Quốc đục khoét, nợ nần chồng chất?

Tình cảm của công chúng đã trở nên khó chịu đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa độc đảng khi nền kinh tế được quản lý sai lầm và sự suy thoái của USD khiến việc thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như nhiên liệu và khí đốt ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Một nhà tư vấn đầu tư Thái Lan có khách hàng ở Vientiane nói với Nikkei rằng: “Trao đổi ngoài phố giữa các nhà kinh doanh Lào là, đất nước đang trở thành một quốc gia thất bại. Chưa bao giờ dư luận Lào lại phẫn nộ với chính phủ như vậy. … Tính hợp pháp để cai trị của nó đang bị cắt vụn.”

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/Laos-debt-pressure-raises-specter-of-a-China-vassal-state

Bình luận về bài viết này