Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 21

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 21 : QUYỀN THỪA KẾ CỦA NIXON

1 Một Quân Đội Rệu Rã

Một buổi tối tháng 12 1968,  Frank Scotton bước vào Khách sạn Continental Palace để xem một nhóm người Việt tiếng tăm bị ba lính Mỹ say xỉn nhục mạ. Scotton khuyên họ hãy đi chỗ khác, nhưng một người Việt,  một thượng nghị sĩ,  hỏi với giọng phiền muộn, ‘Làm sao việc này có thể xảy ra, làm sao việc này có thể xảy ra?’ Scotton trả lời rằng đây là triệu chứng của một đất nước không thể tự bảo vệ mình. Bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm ăn Tết 1969 với một đơn vị bộ đội đi qua bệnh viện cô. Việc họ đến, vào năm mới thứ ba phục vụ ở Miền Nam này, làm dâng trào trong cô một nỗi niềm hoài cảm khiến cô phải đi bộ một mình trong suốt buổi chiều về khu tập thể: ‘Một cơn gió lạnh thở dài … Một nỗi buồn và nhớ nhà mênh mông khiến tôi dừng lại. Thay vì quen với nỗi cô độc phải sống trong một vùng đất xa lạ, thay vì cảm thấy vui trong sự nồng ấm và tình bằng hữu của đồng bào  … tôi cảm thấy như thể đây là ngày đầu tiên tôi đến đây. Mơ ước thực sự duy nhất của tôi là được sống với Mẹ và Bố trong tổ ấm gia đình ấm áp  … vẫn còn là cô gái nhỏ muốn được nuông chiều.’ Cách đó một ít dặm, hàng ngàn người đương thời của cô sống trong chế độ tư bản ắt hẳn đã không chịu nổi trước cơn dâng trào cảm xúc tương tự.

Không người Việt hoặc Mỹ nào phân biệt được nhiều thay đổi sớm sủa trong các tình huống chiến trường theo sau việc tổng thống Hoa Kỳ mới đăng quang và thay đổi các tư lệnh của MACV. Tổng thống Nixon muốn một thỏa thuận, nhưng không muốn bị dán nhãn hiệu là một tên bỏ chạy: trong bài diễn văn nhậm chức, ông không đề cập đến Việt Nam. Cố vấn an ninh quốc gia của ông, Tiến sĩ Henry Kissinger, sau này viết: ‘Vấn đề nổi trội là giữ lòng tin’ – đúng ra ông phải nói ‘làm ra vẻ như giữ lòng tin’ – ‘với mười triệu người, trông cậy vào các bảo đảm của người Mỹ, đã gắn liền số phận của họ với số phận của chúng ta.’

Cuộc chiến tiếp tục tiêu phí 2.5 tỉ đô la mỗi tháng và hơn 200 sinh mạng người Mỹ mỗi tuần  – một phần ba ít hơn trong năm 1968, nhưng vẫn còn hơn năm 1967. Các lực lượng Mỹ tiêu tốn trung bình 128,400 tấn đạn dược mỗi tháng qua hết năm 1969. Vào tháng 6, Dan Bullock từ Brooklyn, New York, trở thành thanh niên Mỹ trẻ nhất thiệt mạng  trong cuộc chiến. Đã khai đối để đăng lính, thiếu niên da màu 14 tuổi viết thư về nhà cho chị mình: ‘Em nghĩ em đã gia nhập TQLC vào một thời điểm sai lầm. Hãy cầu nguyện cho em, vì em chắc không về nhà.’ Đúng 21 ngày sau khi đổ bộ lên Đà Nẵng, cậu bị giết bởi một túi ghết thuốc nổ địch ném vào boongke của mình.

Tướng Creighton Abrams là một người xốc xếch luộm thuộm, tương phản với Westmoreland lúc này cũng bảnh bao chải chuốt.  Là một ngôi sao bóng bầu dục trường trung học ở Springfield, Massachusetts trước đây và lữ đoàn trưởng thiết giáp thời Thế chiến II dưới quyền chỉ huy của Patton, vị tướng 54 tuổi nhận được sự chào đón của giới truyền thông Mỹ như điều gì đó mới mẻ. Dù sao đi nữa,  thậm chí nếu ‘tìm và diệt ‘ được cho là được thay thế bởi  ‘quét và giữ’, việc xuất hiện của Abrams không báo hiệu thay đổi gì có ý nghĩa trong chiến lược. Người kế vị Westmoreland biết rằng, đối mặt với lòng quyết tâm đang dần dần phai nhạt trong nước, mọi thứ phải được thi hành nhanh chóng.  Nhiều đơn vị VC và bộ đội Miền Bắc khát khao tránh đụng độ trực diện với binh lính Mỹ, vì vậy  Abrams năng nổ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng mọi cơ hội. Ông ra lệnh bất kì sĩ quan Mỹ nào chỉ huy một đại đội trơ lên nếu mất liên lạc với địch phải tường trình lý do.

Ông xỉ vả các yêu cầu từ Washington phải giảm thiểu thương vong dân thường: trong năm 1968 nhịp điệu xuất kịch hàng tháng của B-52 chống lại các mục tiêu ở Miền Nam và Lào gần như tăng gấp đôi đến 1,500, và trong tháng 3 1969 các phi cơ khổng lồ này đã ném xuống 130,000 tấn bom. MACV vẫn thiếu thốn mãn tính tin tình báo chiến thuật:  Fred Weyand nhìn nhận rằng ‘các lực lượng đồng minh không có cơ sở thông tin trong dân chúng địa phương’. Vào tháng 4 1969 tuy vậy Abrams bảo với một phóng viên, ‘Khi chúng tôi duy trì thế tiến công  … tỷ số sát thương của chúng tôi rất ngoạn mục.’

Phụ tá hung hăng nhất, và là người nổi tiếng bất chấp lợi ích của người Việt, là Thiếu tướng Julian Ewell, một cựu binh Dù dữ tợn của Thế chiến II.  Vào năm 1968-69 Ewell chỉ huy Sư đoàn 9 trong vùng đồng bằng Cửu Long, sau đó nắm quyền chỉ huy Lực lượng Dã chiến II.  Ông viết: ‘Cách tiếp cận “trái tim và khối óc” có thể nói hơi quá. Trong vùng Đồng bằng cách duy nhất để khắc phục quyền kiểm soát và khủng bố của VC là bằng sức mạnh bạo lực.’ Ewell bác bỏ các phát hiện của tổng thanh tra MACV,  cho rằng có 7,000 dân thường thiệt mạng  trong Chiến địch Speedy Express kéo dài 6 tháng trong đội hình của ông.  Vào tháng 4 1969, thất thoát xăng dầu trái phép từ đường ống quân đội ở  phía bắc Phú Cát lên đến 600,000 ga-lông một tháng, và thiệt hại quốc gia chạm mốc 4.5 triệu ga-lông. Tại buổi họp tư lệnh MACV hàng tuần người ta thảo luận về việc trị tội bọn trộm cắp làm gương. Một sĩ quan phản đối, ‘Mình không thể bắn người vì tội trộm vặt.’

Ewell trả lời,  ‘Tào lao.’ Abrams bày tỏ sự khó chịu của mình về việc bắn giết bừa bãi. Ewell nói: ‘Tôi không đồng ý với ngài, thưa tướng quân. Ngài gặp một đơn vị đặc công đặt mìn trên đường  và ngài giết hai ba tên, thế là bọn chúng không làm chuyện đó nữa. Bọn này biết đếm. Và ôi thôi, khi ngài xếp hàng chúng (các thi thể) nhiệt tình chúng sụt giảm nhanh chóng. Đó là cách chúng tôi thông quang Xa lộ 4 – chỉ cần giết chúng.’ Abrams khiến mọi người cười lên khi nói, ‘Được rồi, chúng tôi sẽ nghiên cứu việc đó.’ Tuy vậy ông cũng kêu gọi thận trọng xử sự với dân thường: ‘Chúng ta không muốn tỷ lệ khủng bố của Mỹ cao hơn của VC.’ Ewell vẫn bất chấp coi như không. Một xạ thủ trực thăng Huey thấy mình làm việc cho một lữ đoàn trưởng của Sư đoàn 9, John ‘Mal Hombre’ Geraci: ‘Lệnh của ông ta là: giết mọi thứ di động.’ Geraci mang theo một cây gậy mà ông dùng để chọc vào ngực các sĩ quan nhằm nhấn mạnh ‘Tôi muốn người chết .’ Sư đoàn 9 hoàn thiện một kỹ thuật bịt kín một khu vực bằng bộ binh, rồi nghiền nát mọi thứ trong đó bằng không kích và pháo kích. Việc đếm xác chắc chắn là ấn tượng, nhưng không được khác xa với số vũ khí tịch thu được,  chỉ dấu đáng tin nhất cho thấy giết đúng người. 

Vào ngày 12 tháng 11 1969, các tin điện của Associated Press chứa báo cáo đầu tiên của một tay điều tra độc lập Seymour Hersh, chỉ ra việc các binh sĩ của Sư đoàn 23 đã tiến hành một cuộc thảm sát dân chúng ở Mỹ Lai, cách biển một vài dặm trong tỉnh Quảng Ngãi, và các phiên tòa án binh được nhóm họp. Trong những tháng và năm sau đó, nó tiết lộ sự việc là vào ngày 16 tháng 3 1968 Đại đội C, Bộ binh 1/20th đã tàn sát ít nhất 504 nông dân đủ mọi lứa tuổi và giới tính mà không bị khiêu khích  – hầu hết họ ở ‘thôn Mỹ Lai 4’, một thôn làng được lính Mỹ gọi là Pinkville. Vụ thảm sát được cho là lớn nhất trong cuộc chiến, mặc dù có những viện dẫn là binh lính Nam Hàn vi phạm nhiều vụ tồi tệ hơn. Đại uý Ernest Medina chỉ huy Đại đội C, trước đó đã lạnh lùng ra lệnh bắn hai ngư dân ngoài khơi, và các binh lính của đơn vị đã sát hại các dân thường khác mà không bị ngăn trở. Những tên hiếp dâm không chịu hình thức kỷ luật nào cả. Một ngày trước vụ thảm sát, tuyên úy Carl Creswell tham dự một buổi huấn thị của sư đoàn tại đó một thiếu tá chơi một điệu nhạc nền cho cuộc truy quét sắp tới bằng câu nói, ‘Chúng ta chuẩn bị đi vào đó và nếu tìm được một viên đạn chúng ta sẽ san bằng nó.’ Creswell nói một cách khó chịu, ‘Này anh, tôi không cho rằng chúng ta định làm chiến tranh kiểu đó.’ Viên thiếu tá nhún vai: ‘Đây là cuộc chiến cam go, thưa tuyên úy.’

Đây là quan điểm được mọi sĩ quan cao cấp trong vùng chấp nhận: trong những tháng tiếp theo vụ Mỹ Lai,  thậm chí có những vụ thảm sát gây sốc hơn đã được giấu nhẹm theo thể chế. Các chỉ huy phớt lờ một báo cáo ngay lúc đó của một phi công trực thăng W/O Hugh Thompson, dám liều lĩnh làm dậy sóng vào hôm đó về những gì anh nhìn thấy, và tiếp tục làm dậy sóng sau đó. Chỉ huy Lực lượng Tác chiến Trung tá Frank Barker bỏ ngoài tai các biểu lộ bất bình về tuyên bố của 1/20th đã giết được 128 quân địch mà không tịch thu được một vũ khí nào, nói rằng: ‘Đúng là bi thảm khi chúng ta giết các phụ nữ và trẻ em đó, nhưng đó là tình huống tác chiến.’ Vào tháng 3 1969 xạ thủ ở cửa trực thăng Ronald Ridenhour viết cho 30 thành viên trong Quốc Hội,  mô tả các trò tàn bạo được bạn bè kể lại rất đáng tin, khuấy động một cơn sóng nhỏ phẫn nộ ở trong nước mà khá lâu sau đó nổi lên thành một cơn lũ quét. Dù vậy, sĩ quan tham mưu của Sư đoàn 23 Thiếu tá Colin Powell, sau này là ngoại trưởng Hoa Kỳ, đưa ra cho sĩ quan quản trị cao cấp một bản ghi nhớ chẳng khác một sự che đậy trắng trợn, xác nhận rằng ‘Mối quan hệ giữa binh lính Mỹ và dân chúng Miền Nam là tuyệt vời.’ Powell không phỏng vấn binh nhì Tom Glen, một người gốc Tucson 21 tuổi đã viết một bức thư can đảm gửi Creighton Abrams kể về các hành động tàn bạo của binh sĩ Mỹ.

Các cuộc điều tra vụ Mỹ Lai phơi bày chứng cứ của các tội ác chiến tranh khác vi phạm cùng thời kỳ bởi Đại đội Bravo của Bộ binh 4/3rd, nhưng không ai bị truy tố. Khi Trung tướng William Peers tiến hành muộn màng một cuộc điều tra đầy đủ vào tháng 11 1969, ông truy ra được tên của 28 sĩ quan, trong đó có 2 tướng và 4 đại tá, mà ông kết án phạm 224 tội phạm quân sự nghiêm trọng, đi từ làm chứng dối và không báo cáo tội ác chiến tranh đến thông đồng dấu nhẹm thông tin, và tham gia hoặc không ngăn cản tội ác chiến tranh. Hơn 40 trong số 103 binh lính của Đại đội C đã tham gia vào vụ thảm sát,  và không có một binh sĩ nào ra tay ngăn cản họ hoặc các vụ hiếp dâm tập thể diễn ra đồng thời. Mặc dù tư lệnh sư đoàn 23 Thiếu tướng Samuel Koster bị hạ chức lữ đoàn trưởng muộn màng, không có truy tố qua tòa án binh nào đối với các vi phạm nghiêm trọng, trừ vi phạm của Trung đội trưởng 1 Trung uý William Calley, vào ngày 29 tháng 3 1971. Mặc dù Calley bị kết án tù, nhưng tổng thống ngay lập tức can thiệp ra lệnh cho y chỉ nên bị ‘quản thúc tại gia’.

Khi Đại uý  Medina được tha bổng, quan tòa còn chúc anh sinh nhật vui vẻ.  5,000 điện tín gửi đến Nhà Trắng về vụ truy tố Calley 100 người chống 1 đều hậu thuẫn gã trung uý lùn mập này, và chỉ huy quốc gia hội Cựu binh Chiến đấu Nước Ngoài nói: ‘Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà mà chúng ta xét xử một quân nhân vì thi hành nhiệm vụ.’ Nixon kêu lên vài lần với một phụ tá Nhà Trắng vào tháng 11 1969, khi báo chí chạy tít lớn về câu chuyện Mỹ Lai, ‘Chính bọn Do Thái bẩn thỉu ở New York đứng đằng sau chuyện này.’ Các lính mới tuyển mộ tại Đồn Benning hô vang ‘Calley … Calley … Người hùng của chúng ta.’ Thông tấn xã AF Saigon chơi đi chơi lại bài ballad được một nhóm ca Alabama thu âm đặt tên là Đại đội C: ‘Tôi tên là  William Calley/ Tôi là người lính của vùng đất này/Tôi đã thề làm tròn nhiệm vụ và nắm thế thượng phong/Nhưng họ biến tôi thành một gã côn đồ/họ đã đóng một nhãn hiệu lên người tôi.’ MACV cuối cùng ra lệnh cơ quan phải ngừng chạy đĩa nhạc đó nữa – vốn đã bán được 200,000 bản – nhưng không thể bôi xóa được những khẩu hiệu viết trên tường ở Sài Gòn như ‘Giết một tên gook vì Calley ‘. Vào tháng 9 1974 thẩm phán liên bang ra lệnh phóng thích Calley cho hưởng án treo trên cơ sở vụ  xét xử anh đã chịu thành kiến của công luận thù địch.  Anh được phóng thích sau khi thụ án đúng 42 tháng quản thúc tại gia. 

Vụ thảm sát Mỹ Lai đã trở thành biểu tượng của những gì tồi tệ nhất trong hạnh kiểm thời chiến của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Phe vận động chủ chiến trong nước không sai khi xác nhận rằng Calley là một con dê tế thần.  Gã trung uý đã không trung thực khi y xác nhận các hành động của mình ‘chỉ là làm theo lệnh’, nhưng y có thể đã xác nhận một cách hợp pháp rằng vụ thảm sát phản ánh một nền văn hoá giết người vô tư, một sự khinh miệt chủng tộc đối với người Việt, vốn đã lây nhiễm nhiều đơn vị Mỹ – và chỉ huy của họ. Công lý ắt hẳn đã phục vụ tốt hơn nếu áp đặt các án tù làm gương đối với vài sĩ quan cao cấp mà cuộc điều tra Peers đã nêu tên, trước tiên là Koster.

Trong khi đó, dường như không thể biện minh việc cho là Abrams nặng tội hơn các người tiền nhiệm MACV vì thất bại không thắng được cuộc chiến, bởi vì ông ít có lựa chọn. Ông được giao mệnh lệnh phải gặt hái thành công trên chiến trường với lực lượng đã sớm bắt đầu giảm sút. Ông làm những gì binh sĩ được cho là phải làm – giết địch  – nhưng không có khả năng sửa chữa cái thực tế rõ ràng không thay đổi được và không giải quyết được, là chính quyền Miền Nam không có quan hệ tốt với nhân dân mình. Với đường biên giới phía tây dài một ngàn cây số phải gìn giữ,  và bên kia là nhiều căn cứ của cộng sản, và cũng như Westmoreland ông than phiền việc Washington từ chối cho phép ông dấn sang Lào và Cao Miên.  Công ty vận tải Hak Ly do Quân đội Miền Bắc điều hành ở Cao Miên,  trong đó chính quyền Phnom Penh nắm một phần lợi ích, đang chuyển 14,000 tấn đồ tiếp tế mỗi năm từ cảng Sihanoukville đến các căn cứ Miền Bắc ở phía đông đất nước.

Abrams nổi dóa: ‘Để các đơn vị địch vỗ béo ở đó đúng là một tội ác.’ Nhưng khi ông đề xuất với Trung tướng Andrew Goodpaster rằng một số vụ dội bom của B-52 trong sứ mạng Vòng Cung Ánh Sáng có thể ‘tình cờ ‘ lạc qua biên giới, người phó của ông nghiêm nghị đáp rằng một quyết sách của Washington phải được tôn trọng. Abrams còn thịnh nộ hơn bởi một nghiên cứu của CIA cho rằng một hành động quân sự vào các khu căn cứ địa cộng sản sẽ không mấy tác dụng. Greg Daddis nhận xét rằng việc thay chỉ huy MACV chỉ biểu thị một sự xê dịch ngôn từ hơn là một thay đổi chiến lược. Dưới thời Abrams,  các cuộc hành quân của Dù 101, và các cuộc tấn công tháng 5 1969 vào Đồi 937 ở Thung lũng A Shau – điều sau này sẽ được biết dưới tên Trận Đồi Thịt Bầm, chỉ cách biên giới Lào một dặm – không thể phân biệt được với nhiều trận đánh diễn ra dưới sự theo dõi của Westmoreland.

Một tình huống khác cũng chịu tai tiếng như thế là Matterhorn, chủ đề của tiểu thuyết tự thuật của Karl Marlantes. Con trai của một chính khách Trung uý Landen Thorne, một trung đội trưởng với Marlantes trong Đại đội C của TQLC 1/4th, là một trong số tương đối ít thuộc tầng lớp trên chấp nhận phục vụ tại Việt Nam mà không do dự: ông nội anh từng là một TQLC chuyên nghiệp,  cha anh một sĩ quan truyền tin trên tàu sân bay Horner thời chiến,  và anh muốn khám phá liệu anh có thể theo kịp với họ không.  Trong những tháng cuối cùng trước khi chàng trai New York 25 tuổi tốt nghiệp Yale, bạn đồng học với anh đều băn khoăn có nên ra trận hay không, và phần đông đều chống lại: ‘Tôi càng lúc càng bối rối khi bắt đầu nghe tin nhiều hơn.  “Ê, mầy có nghe tin Charlie chưa? Nó vừa tử trận.” Nhưng một số người làm méo mó cuộc sống mình để tránh đi lính và đối với một số người nó trở thành một chuyến đi tội lỗi kéo dài.’ Tại San Francisco trong khi đợi xuống tàu, anh đồng hành cùng cô em gái Julia trên đường đến trạm xe buýt. Rồi sau đó cô khởi hành du học châu Âu, và trở thành một chiến sĩ phản chiến nhiệt thành.

Tại Đà Nẵng, Thorne và đồng đội mới đến được một đám cựu binh vừa hết hạn nghĩa vụ chào đón, nói với họ một cách u ám, ‘Chào mừng đến với bãi bùn xanh tươi nhất trên mặt đất. Các cậu sẽ hối tiếc.’ Anh đợi hai ngày mới đáp được trực thăng CH-46 đến căn cứ yểm trợ hỏa lực Argonne nơi anh thấy đại đội đang nhìn trân trân vào quận Miền Bắc trên một ngọn đồi chỉ cách đó 2 km bên kia biên giới Lào. Đêm đầu tiên người Mỹ bị tấn công: ‘Bạn có thể nghe tiếng đùm, đùm, đùm khi đạn súng cối khai hỏa, thăm dò vị trí của chúng tôi.’ Thorne khám phá ra rằng mình đã gia nhập một đơn vị khốn khổ: ‘Chỉ huy ra sức tìm kiếm cách thực thi những việc không hợp lý. Nếu các TQLC trẻ  ở với bạn, họ có thể làm những việc tuyệt vời.  Nhưng lãnh đạo kém có thể khiến mọi việc khó khăn hơn nhiều.’ Sau đó họ bỏ ra nhiều tuần càn quét ngọn đồi gần đó mật danh Neville, tại đó Thorne được cử làm quan sát viên tiền tiêu cho ba khẩu pháo 105mm. Anh đang vào vị trí, chỉ được hai trung đội phòng thủ, khi trong bóng tối của buổi sáng sớm ngày 25 tháng 2 hai trăm bộ đội Miền Bắc, chỉnh tề trong quân phục xanh lá cây và giày xăng đan, phát động một cuộc tấn công bất ngờ qua rừng rậm chạy thẳng đến hàng rào kẽm gai. ‘Chúng tôi bị tràn qua ba lần, hết sạch mìn Claymore không thể được tái tiếp tế bằng trực thăng, bị pháo kích bằng súng cối 60mm và 82mm.’ Địa điểm nghe ngóng địch được dặn: ‘Nằm lạnh’ – nằm yên và hy vọng địch không nhận ra bạn. Lửa bùng nổ, do các bao thuốc nổ chất quanh ụ pháo, một ụ pháo rơi vào tay địch

Các đặc công Miền Bắc bị đánh lui sau trận giao đấu 3 giờ đôi khi với công cụ đào hầm cũng như súng và lựu đạn,  nhưng 12 TQLC và 2 quân y tá hải quân phải bỏ xác, và nhiều người sống sót phải bị mất thính giác do những tiếng nổ quá gần. Quân địch tiếp tục quấy nhiễu vành đai Neville đã thu nhỏ nhiều ngày rồi, trong thời gian đó trực thăng không thể đáp và các quân nhu thả dù bay giạt đi không xuống đúng nơi. Thorne thấy quá sợ hãi không thể ăn uống được: ‘Có quá nhiều chất adrenalin chạy trong cơ thể. Bạn đã mất ổn định về xúc cảm, bởi vì bạn đã chấp nhận cái chết. Nếu bạn sống,  bạn sẽ trở thành con người khác sau đó. Đêm thứ hai vấn đề lớn là kỷ luật khai hỏa,  vì mọi người căng thẳng và hốt hoảng, nên có khuynh hướng bóp cò và nhấn nổ mìn Claymore. Ngay khi nghe động tĩnh là gọi pháo rót vào.’ Vào ngày thứ ba,  đã nhịn đi cầu hết nỗi, anh vừa ngồi xỗm trên một thùng giấy đựng quân nhu thì tiếng Đòong! Đòong! đáng ghét lại bắt đầu. ‘Nhưng đến lúc đó tôi sẵn sàng chết  để được xả ra.’

Các trận tấn công thưa dần.  Thời tiết vẫn còn xấu cho trực thăng hoạt động,  nhưng họ ra sức vá lại các lỗ hổng trong hàng rào. Một đại đội được phái đến tiếp viện buộc phải lội bộ, mất cả tuần.  Rồi trực thăng Sea Knight đến muộn màng.  Các hộ lý quân y phải rửa sạch vòi trên xác chết lính Mỹ và ném xác quân địch xuống đồi. Thorne được cử đến Đông Hà để trở thành quan sát viên phi hành. Ý nghĩ đầu tiên của anh là ‘Làm sao mình có thể rời bỏ bạn bè?’ Ý nghĩ thứ hai là ‘Làm sao ở bộ chỉ huy họ có thể ngu xuẩn đến nỗi đem đặt chúng tôi ra ngoài đây?’ Những vận xui tiếp sau đó của 1/4th được Marlantes mô tả sống động, phản ánh ý muốn cẩu thả nhưng quen thuộc của một số chỉ huy muốn đưa các lực lượng tương đối nhỏ đến những chỗ khó khăn nhường cho kẻ địch lợi thế quân sự.

Chiến đấu trong khu vực kéo dài đến tháng 4: vị đại tá của 1/4th, một trong các kiến trúc sư của nỗi thống khổ của họ, cũng nằm trong số nạn nhân, bị giết bởi một quả đạn cối. Mặc dù như thường lệ tổn thất của quân Miền Bắc vượt hơn nhiều tổn thất của Mỹ, nhưng chính Mỹ là người rốt cục cảm thấy như mình là kẻ thua trận. 

Điều nghịch lý là sau này phe cộng sản nhìn nhận năm 1969 là năm tồi tệ nhất của họ trong cuộc chiến,  được đo lường bằng tổn thất và tinh thần. Trong vùng núi của tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 6, thậm chí một con người trẻ nhiệt tình cách mạng như Bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn thổ lộ rằng cô và các đồng chí mình đã kiệt sức,  tinh thần sa sút,  nhiều người buồn rầu không thiết đến cả ăn uống: ‘Ngày đêm chúng tôi điếc tai vì tiếng bom nổ, tiếng phản lực gầm thét, tiếng súng  và tiếng trực thăng vần vũ trên đầu. Rừng cây bị cày nát và lên thẹo bởi bom, những cây còn lại ố vàng vì chất độc hoá học.  Chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Tất cả cán bộ đều rã rời tuyệt vọng.’

Bộ đội Bảo Ninh viết về ‘Khu rừng của những Lính hồn Gào thét’, một vùng nơi một tiểu đoàn đã gần như bị xoá sạch: ‘Tiếng thì thầm nức nở nghe từ rừng sâu vọng ra vào ban đêm,  Tiếng hú theo gió bay đi .. . Người ta có thể nghe chim kêu khóc như con người.  Chúng không hề bay,  chúng chỉ kêu khóc trong các vòm cây. Và không nơi đâu khác trong vùng Cao nguyên Trung phần này người ta có thể tìm thấy những măng tre có một màu kinh khiếp như thế … Về phần các con đom đóm, chúng thật to xác. Ở đây, khi đêm xuống, cây cỏ rên rỉ trong một hòa điệu đáng sợ. Khi âm nhạc ma quái trỗi lên nó tháo cửa âm hồn và toàn bộ rừng cây đứng chỗ nào cũng trông giống nhau. Không phải là nơi chốn cho người yếu bóng vía. Sống tại đây người ta có thể hóa điên hoặc sợ hãi đến chết .’ Chính ở nơi đây, những bộ đội cộng sản này dựng một bàn thờ Phật bí mật,  và cầu nguyện cho các đồng đội ngã xuống của họ.

Nhưng nỗi mệt mỏi chán chường của họ không đi đôi với ý thức nào về thành tựu của phe đồng minh. Trưởng tình báo Lữ đoàn trưởng Phil Davidson nói chua chát về Hoa Kỳ như là một chiến trường ‘nơi địch đạt thắng lợi to lớn nhất năm 1968’. Vào ngày 15 tháng 3 ông báo cáo với Abrams việc lưu thông quân xa trên Đường Mòn đã sút giảm. Vị tướng vẫy ngón tay nửa đùa nửa thật: ‘Hãy cẩn thận đừng nói nghe như có ý hy vọng trong chuyện này.’ Davidson: ‘Ồ, không, thưa ngài. Tôi không bao giờ hy vọng, thưa ngài.’ Ông tuôn ra: ‘Chúng ta phải phòng thủ căn cứ và các thành phố và vùng dân cư. Hãy nghĩ xem nếu địch phải phòng thủ những gì họ có được –căn cứ,  lãnh thổ và dân cư. Chúng ta sẽ thắng cuộc chiến trong vòng một tháng! Chúng ta sẽ đá đít chúng văng ra ngoài biển!’

Chỉ thị 55 Trung ương Cục Miền Nam ban hành vào tháng 4, ra lệnh một cách tiếp cận thực tiễn hơn, cảnh báo rằng các cấp chỉ huy không nên đặt cược toàn bộ lực lượng vào một chiến dịch nào ‘mà thay vào đó giữ gìn tiềm năng tác chiến cho hành động tương lai được bền vững.’ Chỉ thị 81 và 88, ban hành ngay sau đó xác định các mục tiêu của MTDTGP là ‘cưỡng bách kẻ địch chấp nhận đàm phán với chúng ta, rút quân, … chấp nhận một chính quyền liên minh’. Các lực lượng cộng sản tung ra đủ năng lượng và sức gây hấn để duy trì một số lượng tổn thất thương vong đều đặn cho Mỹ và QĐVNCH,  nhưng trong khi vào tháng 10 1965 Quân Miền Bắc chỉ đã đại diện một phần tư lực lượng chiến đấu ở Miền Nam, thì nay họ đóng góp 70 phần trăm và hơn nữa. 

Còn một điểm cấp bách hơn nữa. Dù cho lực lượng của Abrams có đạt được thành tựu chiến thuật nào đi nữa, thì Quân đội Hoa Kỳ đang rệu rã từ bên trong  – một tiến trình chậm chạp, không thể dừng được và chết  người đạt đến đáy trong năm 1973. Nó bị thúc đẩy bởi ba yếu tố liên quan và củng cố lẫn nhau: sử dụng ma túy; xung đột chủng tộc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào Quyền lực Đen trong nước Mỹ; và tình trạng sa sút kỷ luật và ý chí chiến đấu. Một tướng Mỹ sau này nói [với tác giả vào năm 1985]: ‘Chúng ta đến Triều Tiên với một quân đội thối nát, và ra khỏi đó với một quân đội hùng mạnh; còn chúng ta đi vào Việt Nam với một quân đội vĩ đại, rồi kết cục với một quân đội khủng khiếp.’

Khi Đại uý Linwood Burney đảm nhiệm một đại đội Dù vào cuối năm 1968, anh cảm thấy mình phải thường xuyên đi lục soát ma túy. Quân cảnh tiến hành 11,000 vụ bắt giữ ma túy vào năm sau  nhưng tỷ lệ binh sĩ hút cần sa tiếp tục tăng, đến gần 60 phần trăm trong năm 1971. Nhiều người sử dụng biến thể cực mạnh được gái bán ba gọi là ‘cỏ Phật’: một bịt giá 1 đô la. Vào năm 1969 chỉ có 2 phần trăm binh sĩ trải nghiệm heroin, nhưng trong hai năm sau tỷ số tăng vọt lên 22 phần trăm – một thống kê đáng sợ – với 700 con nghiện ghi trong sổ sách. Ma túy nhập về từ nước Lào láng giềng bởi Hàng không Hoàng gia Lào và Hàng không Việt Nam, rồi được QĐVNCH vận chuyển đi khắp xứ. Ít nhất một số người Mỹ tình nguyện phục vụ ở Việt Nam hai hay ba thời hạn là vì muốn có ma túy sử dụng thoải mái.

Trong năm 1969 tại MACV có 16 lính thiệt mạng  vì sử dụng ma túy quá liều, tiếp theo trong 18 ngày đầu của năm 1970 có 35 người chết. Abrams nhìn nhận mình không dám xử nặng những binh sĩ sử dụng, chỉ ra sức trừng trị bọn buôn bán ma túy. Đại đội trưởng Thiếu tá Don Hudson vẫn duy trì một niềm tin mãnh liệt vào binh lính mình,  và đổ lỗi hầu hết cho thiếu sót của cấp chỉ huy: ‘Chúng ta có được một số chàng trai trẻ tốt đẹp ở đó nhưng giới lãnh đạo, như tôi nhận thấy,  chính là những người làm họ hư hỏng  [một số, bởi] thiếu quan tâm đến họ.’ Anh mô tả có vấn đề với lương bổng,  thăng chức, và đôi khi cả tháng trời không có thư: ‘Đó là hành động tội lỗi. Vấn đề ma túy ám ảnh tôi … Bất cứ khi nào việc tái cung cấp ngừng trệ, tôi tìm thấy những viên thuốc heroin gói trong các túi nhựa rồi nhét bên dưới bình đựng nước.’ Hudson than phiền sự cho phép sử dụng ma túy có tính thể chế, phản ánh trong một trường hợp trong đó anh bắt được một binh sĩ giấu 500 viên heroin nguyên chất,  vậy mà việc cáo buộc bị hủy bỏ ‘vì thiếu chứng cứ’: ‘Tôi xin nói là mình biết được 5 tên chủ mưu thực sự phạm tội.’ Anh bắt gặp một tiểu đội phục kích đã giấu mình trong bụi rậm ba ngày để phê cần sa, ‘được một chỉ huy thiểu não cầm đầu  … Các diễn viên xấu đã bắt đầu đảm nhận tổ chức. Một lần tôi nhổ sạch các tên sử dụng ma túy nòng cốt,  những tên đang làm ra tiền bằng cách cung cấp ma túy ‘, tình hình được cải thiện. 

Bọn buôn ma túy đáp trả bằng cách đe dọa Hudson, rồi tìm cách đưa ra phản cáo buộc cho rằng anh đã say xỉn khi thi hành nhiệm vụ. Anh vẫn không lùi bước: ‘Cách thứ tôi nhìn vào việc đó là thế này, nếu họ muốn ném lựu đạn vào bạn, họ sẽ làm chuyện đó. Họ sẽ không bảo với bạn. Binh sĩ thích một người chiến thắng, và bạn có thể cứng rắn như bạn muốn miễn là bạn không đem lại thương vong cho họ và quan tâm đến họ một cách đúng đắn  … đừng lo lắng liệu binh sĩ có yêu quý bạn hay không.’ Trong những năm sau của cuộc chiến,  nhiều sĩ quan Mỹ Mỹ tiếp tục phô trương lòng quả cảm khi đương đầu với kẻ địch, nhưng tương đối ít người sánh kịp với quyết tâm của Thiếu tá Hudson trong việc kiểm soát binh sĩ của mình. Đội trinh sát toàn người da màu của Binh nhì Richard Ford nói đùa với nhau là họ là Hiệp sĩ Bàn Tròn. Một đêm một binh sĩ có tên Taylor, hút một cọng cần sa, và nhìn một thân cây rồi bắt đầu khăng khăng cho rằng mình nhìn thấy Tượng Nữ Thần Tự Do: ‘Này Ford, này  Ford. Bộ đó không phải là bả sao? Thế giới đang chuyển động, đúng không? Chúng ta đang tiến gần hơn đến New York, vì tao có thể thấy bà ấy.’ Các đồng đội phải trấn an y. Việc lạm dụng ma túy là một vấn đề bao trùm đối với binh sĩ nhập ngũ,  nhưng một số sĩ quan và hạ sĩ quan kỳ cựu cũng sa đà vào nạn rượu chè: một thiểu số không nhỏ đã trở thành kẻ nghiện rượu. 

Về phần kỷ luật, Đại uý David Johnson đảm nhiệm đại đội bộ binh vào tháng 10 1968 và kinh hoàng khi thấy binh sĩ không chịu ra mặt trận,  một hành vi chưa từng có trong thời hạn phục vụ trước đây của anh. Kết thúc một chiến dịch  binh sĩ ‘phè người ra’, không chịu vệ sinh vũ khí và trang thiết bị.  Các trung sĩ trung đội của anh không có khả năng điều khiển hỏa lực súng cối và pháo, và anh mất tin cậy về những gì đại đội sẽ làm, hoặc không làm dưới đạn lửa: ‘Nhiều người trong chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có nên ở đó. Binh sĩ liên tục  tự hỏi: “Mình có nên tiếp tục ở lại không? Mình có nên ở hết thời hạn hay không?” Tôi đang nói về cảm xúc riêng của mình cũng như của binh sĩ. .. Binh sĩ sẽ làm các điều kỳ quặc, điên rồ. Tôi có một binh sĩ thiệt mạng  vì nhai thuốc nổ dẽo C-4 … rơi xuống nước sâu 2 mét và đuối nước. Sự cố nhiều binh sĩ chúng tôi đạp trúng bẫy mìn mà không gây tổn thất gì cho kẻ địch  … là một nhân tố làm mất tinh thần. Tôi gặp 20 thương vong trong 60 ngày, 17 bởi bẫy mìn, trong đó có cả tôi.’

Nơi khác hai phi công giết nhau bằng cách xem ai rút súng bắn nhanh hơn như hai cao bồi Viễn Tây. Không lực cho rằng đây chỉ là trường hợp điên rồ cá biệt cho đến một ít tháng sau sự việc lại xảy ra lần nữa, dù lần này chỉ có một người thiệt mạng . Vị tướng báo cáo sự cố này suy ngẫm trong bối rối, ‘Tại sao họ làm thế được?’ Vào ngày 20 tháng 7 1969, một ca sĩ Úc 20 tuổi xinh đẹp, Catherine Anne Warnes, bất ngờ ngã xuống chết trên sân khấu trong khi đang biểu diễn trong một xô do  USO tổ chức tại một căn cứ TQLC. Cô là nạn nhân của một phát súng duy nhất bị bắn từ phía sau một màn phông nền với khẩu súng tự động .22 có gắn hãm thanh. Trung sĩ 28 tuổi, James Killen, bị kết tội giết cô gái trong một cơn say xỉn đến phát cuồng, bị ám thị tưởng nạn nhân là đại đội trưởng của y. Killen bị giam không đến hai năm sau đó được trắng án sau khi được xét xử lại.

Catherine Anne Warnes

Vào ngày 5 tháng 2 1970 hai quả lựu đạn được ném vào quán rượu Andy dành cho quân nhân, trong khi nhóm nữ tam ca Úc Chiffons đang hát. Một quả phát nổ, giết một hạ sĩ và làm bị thương 62 người khác. Được biết trước đó cùng ngày hơn 20 TQLC da màu gặp nhau tại một sân bóng rỗ trong trại để giải sầu. Một hạ sĩ hứa: ‘Tối nay chúng ta chuẩn bị trị bọn xúc vật đó [người da trắng].’  Binh sĩ da đen được cảnh báo không tham dự xô Chiffon. Tại phiên tòa sau đó, công tố viên nói: ‘Đây là một mưu mô cố ý, được dự trù cẩn thận nhằm giết được nhiều người  … chỉ vì vấn đề chủng tộc.’ Hai nghi can chính tuy vậy được tha bổng, khiến cho phiên tòa thứ ba bị hủy bỏ.

Không ai từng bị kêu án cho vụ ném lựu đạn tại quán Andy. Trong mọi cuộc chiến,  các sĩ quan bị thù ghét đã bị binh sĩ mình sát hại – thường bị bắn khi đang chiến đấu dưới vỏ che do trao đổi hỏa lực. Tuy nhiên,  ở Việt Nam một nhãn hiệu mới của việc tấn công máu lạnh, thường bằng lựu đạn miểng. Lịch sử của ngành pháp lý Quân đoàn TQLC ghi nhận rằng những hành động như thế ‘chưa bao giờ lan tràn quá mức như thế, được thực hiện quá nhẫn tâm như thế ‘. Ngành xác định hơn 100 sự cố như thế,  trong khi bộ binh trong khoảng 1969 và 1971 ghi nhận hơn 600 vụ ném lựu đạn, làm chết 82 người và 651 người bị thương. Một bác sĩ phân tâm nghiên cứu 28 trường hợp thấy rằng phần đông những người có trách nhiệm là nhân viên hỗ trợ,  và 87.2 phần trăm say rượu hoặc phê thuốc. Ít người tỏ ra ân hận việc mình làm.

Tình trạng thiếu hụt kinh niên các sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan có năng lực càng phức tạp hơn khi nhiều sĩ quan chuyên nghiệp ra đi vì tuyệt vọng: 148 trong số 596 sĩ quan tốt nghiệp khóa 1965 West Point từ bỏ binh nghiệp trong năm 1970. Thiếu tá Michael Barry, một bác sĩ quân y bất đắc dĩ phục vụ tại  bệnh viện Tản thương 95 tại Đà Nẵng, nói rằng mình đã quá mệt mỏi vì trách nhiệm xử lý liên tục các nạn nhân của các vụ ném lựu đạn.  Hơn nữa, chính ông không còn tin tưởng vào chính nghĩa: ‘Chúng ta đang hậu thuẫn không đúng người.’ Ma túy trở thành một ‘vấn đề rất nghiêm trọng  … chất heroin họ sử dụng rất tinh khiết,  khoảng 80 phần trăm so sánh với ở Mỹ chỉ có 5 phần trăm ‘. Một hôm sáu quân y da đen mang vào một anh bạn đã chết.  Barry nói: ‘Họ đang tổ chức tiệc heroin. Họ quá phê đến nỗi không ai nhận ra là anh ta đã ngừng thở.’

Tại Giáng sinh,  tướng chỉ huy Dù 101 chìa tay ra chúc mừng một binh sĩ da màu, sững sờ khi y chẳng màng bắt tay lại. Trung đội mà Thorne thừa hưởng là ‘một đám hoàn toàn bát nháo.  Họ là bọn trẻ ngoan,  nhưng họ đã tiến hóa thành ba nhóm chủng tộc – một nhóm toàn da màu, nhóm da trắng miền nam, và nhóm dân thành phố. Tôi chào thua chúng. Đó là khoảng thời gian nguy hiểm, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị ăn lựu đạn. Các trung đội và đại đội này trở thành giống như các băng đảng đường phố, rất chặt chẽ. Người mới đến dễ bị tổn thương, đặc biệt các trung uý.’ Trong khi binh sĩ da đen chỉ cấu thành 13 phần trăm quân số TQLC,  họ lại là bên bị trong phân nửa phiên tòa án binh của quân đoàn ở Việt Nam. Không có lý đó để cho rằng sự mất cân xứng này biểu thị sự ngược đãi chủng tộc: đúng hơn,  nó phản ánh mức độ tha hóa của người da màu. Tình trạng đào ngũ cũng trở nên cao nhất  trong lịch sử hiện đại, gấp hai lần ở Triều Tiên  và gần 4 lần ở Thế chiến II.  Năm 1969, 2,500 người bỏ ngũ lang thang trong xứ, hầu hết tham gia vào các hoạt động tội phạm.

Vào tháng 2 1969, Trung sĩ Pháo binh Joseph Lopez trở lại Việt Nam trong thời hạn thứ ba,  khiếp đảm trước tình trạng vô kỷ luật tràn lan: ‘Bảo một anh lính sắp xếp khăn trải gọn ghẽ lại, y nhìn bạn như thế sắp sửa giết bạn đến nơi.  .. Chưa bao giờ tôi thấy ai nhìn cấp trên bằng cái nhìn mà các binh sĩ trẻ ngày nay nhìn chúng ta.’ Giữa tháng 4 và 9 năm đó,  uỷ ban theo dõi giám sát những vụ căng thẳng chủng tộc ghi nhận trung bình có ‘một vụ bạo loạn quy mô lớn’ mỗi tháng trong khu vực hành quân của Quân đoàn TQLC, cũng như nhiều sự cố nhỏ hơn khác. Trung sĩ Harold Hunt, quân nhân da màu từ Detroit đã bị thương nặng gần Củ Chi  vào năm 1966, đã khẩn khoản xin trở lại quân ngũ,  và được gửi lại Việt Nam vào tháng 5 1969. Vết thương cũ thỉnh thoảng làm anh nhức nhối,  nhưng anh bị sốc khi chứng kiến quá nhiều thay đổi: ‘Binh lính bây giờ đã khác xưa. Trung đội tôi có 50 phần trăm lính nghĩa vụ.  Bạn đương đầu với xung đột chủng tộc, chơi ma túy, và vô kỷ luật. Thật khó để chỉ huy, ra lệnh cho họ và bắt họ làm theo.’

Hunt thật khác xa với hầu hết các binh sĩ da màu thời đó  và nơi đó,  vì lòng trung thành của anh đối với quân đội là dứt khoát chứ không đối với bất kì người anh em đồng chủng nào. Khi anh nghiêm khắc bảo họ là mình không dung thứ cho bất cứ loại rác rưởi nào, và đặc biệt không ma túy trên trận địa,  một hôm anh bắt gặp một tờ giấy ghim trên cửa phòng ngủ của mình: ‘Đ.M.  NHỮNG THẰNG NHƯ MẦY COI CHỪNG ĂN LỰU ĐẠN.’ Nhưng phần nào Hunt cũng xoay sở qua được, bằng cách thuyết phục họ rằng cơ hội tốt nhất để được sống là làm theo lời anh dặn. ‘Nhưng tâm điểm của tôi hoàn toàn khác với các thời hạn phục vụ trước. Tôi không còn ra sức để giành giữ tự do cho Miền Nam  – chỉ giữ mạng sống của mình và binh sĩ. TQLC chuyên nghiệp Walt Boomer nói: ‘Vấn đề chủng tộc gần như hủy hoại nền móng của Quân đội và TQLC Hoa Kỳ. Nó tệ hại, tệ hại, tệ hại  – xé nát các đơn vị. Chúng tôi luôn nói: một TQLC là một TQLC.  Nhưng thình lình TQLC da màu không chỉ khổ sở, mà họ còn uất hận vì ở Việt Nam.’

Sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Úc Andrew Freemantle trước đây rất khâm phục TQLC Mỹ, giờ đây như những người khác sửng sốt trước tình trạng vô kỷ luật mà ông chứng kiến vào năm 1970-71: ‘Thậm chí trong một số trại lính của lực lượng đặc nhiệm bạn có thể bắt gặp binh lính hút cần sa,  phụ nữ xếp hàng ở cổng.’ Trung uý Tim Rohweller chỉ huy một đại đội của 3/9th TQLC.  Quyết tâm siết chặt kỷ luật, anh biểu lộ nôn nóng với những người luôn viện cớ để ở lại căn cứ thay vì ra chiến trường. Binh nhì Reginald Smith và các lính da màu khác tin rằng trung uý chịu trách nhiệm trước những cái chết không cần thiết khi tác chiến. Vào cuối đêm 20 tháng 4 1969, khi Smith và lũ bạn chơi cần sa trong phòng, anh chàng TQLC tuyên bố là mình sẽ “thịt” tên đ.m đó ngay khi y lăn đùng ra ngủ’. Lúc 2:10 a.m. một quả lựu đạn miểng phát nổ dưới giường của Trung uý, gây nhiều vết thương khiến anh qua đời vào hôm sau. Một tên bạn của Smith sau đó khai rằng tên TQLC đã trở về phòng của họ quơ quơ một chốt lựu đạn, nói, ‘Tao đã thịt tên đ.m. đó. Nó sẽ không đ.m. với ai được nữa. ‘ Smith chết trong trại giam sau khi ở tù được 13 năm trong án chung thân của mình.

Mặc dù có những vụ ném lựu đạn, xung đột chủng tộc trầm trọng,  lạm dụng ma túy,  nhiều bộ binh và TQLC,  trắng cũng như đen, tiếp tục làm tròn nghĩa vụ, bảo vệ những gì mình tin tưởng trong một chuỗi dài bất tận các chiến trường Việt Nam.  Nhưng không nhân chứng nào nghi ngờ rằng từ 1968 trở đi,  hiệu quả của lực lượng Mỹ giảm sút không ngừng.  Trong khi kẻ thù vẫn luôn ở ngoài đó,  càng ngày càng khó thuyết phục những binh sĩ của Abrams sánh kịp với kẻ địch cộng sản lòng kiên trì và tài thiện chiến,  cho dù vì lợi ích sống còn của riêng họ.

2 Người Úc và người Tân Tây Lan

Khi một sử gia sau này nói với Trung uý Úc Neil Smith rằng vào lúc anh bắt đầu thời hạn nghĩa vụ của mình vào năm 1969 thì cuộc chiến rõ ràng đã là một sự hỗn loạn, người sĩ quan bộ binh trả lời với vẻ kinh ngạc: ‘Ở đâu hỗn loạn chứ ở chỗ chúng tôi thì không.’ Mặc dù ba tiểu đoàn bộ binh Úc phục vụ ở khu vực đông-nam Miền Nam với lực lượng yểm trợ, các lực lượng đặc nhiệm và một đạo quân Tân Tây Lan chỉ là một thành phần bé nhỏ của lực lượng đồng minh – đỉnh cao là 8,000 vào giữa năm 1969, với 543 binh sĩ Tân Tây Lan – họ giành được tiếng tăm nổi bật.   Creighton Abrams xem binh sĩ Úc và Tân Tây Lan ‘thực sự là những con người thượng hạng’ – đúng ra, đạo quân nước ngoài duy nhất đáng đồng tiền bát gạo: ‘ Trung uý John Harrison nói gần như với vẻ kính sợ đội Đặc nhiệm Không lực Úc chỉ huy một đại đội lính dân tộc miền núi trên khu vực của mình: ‘Họ thật không thể tin được  – được điều hành bởi các sĩ quan trung cấp. Họ không ngại bất cứ điều gì.’ Trong quá trình chiến tranh lực lượng đặc nhiệm tuyên bố đã giết được khoảng 500 quân địch mà chỉ thiệt mạng 7 người,  và các con số thống kê đó tin được. Họ cho nhờ quan tâm đến kỹ năng tác chiến nên mới đạt được thành tích ấn tượng đó.  Một sĩ quan đặc nhiệm hãnh diện nói: ‘Chúng tôi luôn nghe thấy họ’ – kẻ địch – trước khi họ nghe thấy chúng tôi.’

Một sĩ quan QĐVNCH viết rằng dân chúng Việt xem người Úc là đồng minh nhiều thiện cảm nhất, vì họ sử dụng hỏa lực có kỷ cương nhất: ‘Trận Long Tân 1966 – trong đó lính Úc giết được 257 cộng quân trong khi chỉ mất 18 người  – chứng tỏ tồn tại ít nhất một cách thức chiến đấu thành công trong cuộc chiến này.’ Cũng viên thiếu tá ấy nói rằng binh sĩ Úc và Thái là những binh sĩ nước ngoài duy nhất mà ông không hề nghe báo cáo về các vụ nổ súng bừa bãi vào dân thường.  Trung uý Úc Rob Franklin nói: ‘Tôi thực lòng lo lắng về việc giết hại thường dân. Đêm nọ một đội thợ rừng người Việt gan góc bước vào ổ phục kích của chúng tôi.  Nhờ Trời,  binh lính chúng tôi không khai hỏa  – tôi thực sự tự hào về họ.’

Vậy mà việc đưa quân tham chiến chia rẽ nước Úc sâu xa hơn mọi vấn đề khác trong lịch sử hiện đại của nó – đôi khi nhức nhối như cuộc chiến sâu xé nước Mỹ. Robert Menzies, thủ tướng cho đến tháng giêng 1966, thách thức lời khuyến cáo của viên chức dưới quyền và sự chống đối của Đảng Lao động để phái tới một đạo quân khiêm tốn, chia sẻ với Washington xác tín rằng Miền Nam là nơi để chận đứng ‘Trung Cộng thọc sâu vào khu vực giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương’. Một lệnh động viên được ban hành, và chẳng bao lâu sau khi một tiểu đoàn thứ hai đến Việt Nam,  lính nghĩa vụ đầu tiên bị tử trận: không ai được cho biết là binh nhì Errol Noack là nạn nhân của hỏa lực bạn. Ngay từ đầu đã có chống đối ồn ào từ trong nước.  Mỗi năm có 100,000 thanh niên Úc đến tuổi 20, và một phần mười trong số đó được bóc thăm chọn ra người đi nghĩa vụ quân sự.  Các bà mẹ Úc thành lập hội chống nhập ngũ, có tên SOS – Save Our Son (Cứu Con Trai Chúng ta). Bộ trưởng nội các  tương lai thuộc Đảng Lao động Jim Cairns xuất bản một quyển sách có tầm ảnh hưởng tựa đề Sống với Châu Á, lập luận rằng xứ sở ông phải học cách sống chung với các cuộc cách mạng và người cách mạng của lục địa, hơn là đánh nhau với họ. Khi Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Hoàng gia Úc diễu hành qua đường phố Sydney giữa đám đông dân chúng 300,000 người,  một phụ nữ phản đối tưới ướt đẫm thân mình bằng nước sơn đỏ, rồi ném mình ôm lấy viên thiếu tá chỉ huy và nhiều binh sĩ khác để vây bẩn.

Tiếp sau quyết định 1967 của Anh rút lực lượng vũ trang khỏi phía đông kênh đào Suez, một chính quyền Úc bị chấn thương quyết định rằng mình phải ràng buộc với Mỹ chặt chẽ nhiều hơn trước. Người kế vị chức thủ tướng của Menzies, Harold Holt đến viếng thăm Washington và ôm lấy LBJ theo nghĩa đen; ông chỉ trích nhà lãnh đạo Anh Harold Wilson khi ông này công kích hành động dội bom của Hoa Kỳ. Cuối năm đó, Canberra miễn cưỡng nhượng bộ yêu cầu đòi thêm quân của Washington, gửi thêm tiểu đoàn thứ ba và một số xe tăng.  Chính quyền nước Tân Tây Lan láng giếng cũng luôn khó chịu về vấn đề Việt Nam.  Tuy nhiên,  khi Úc gửi quân tham chiến, Tân Tây Lan cũng cảm thấy phải buộc lòng làm theo.  Tỉnh Phước Tuy, phía đông nam Sài Gòn trở thành sân cỏ được chỉ định cho họ. Phần đông dân cư ở đây hoặc là trung lập hoặc thân cộng, và cho đến khi quân Miền Bắc đến thì địch thủ của liên quân Úc-Tân Tây Lan là tiểu đoàn cơ động D445 VC, cùng với hai trung đoàn chính quy. Liên quân Úc-Tân Tây Lan thiết lập một căn cứ tại Núi Đất – từ đó có thể xoay sở đến bất kì quận lỵ nào – với trực thăng và hậu cần bên ngoài cảng Vũng Tàu. 

Phe chống đối lớn mạnh nhanh chóng ở Melbourne và Sydney. Mặc dù các thành phố nhỏ hơn và vùng nông thôn ít xao động hơn, hiệp hội thủy thủ Úc từ chối phục vụ các chuyến tàu đi đến vùng chiến sự. Khi Harold Holt chết đuối một cách bí mật vào tháng 12 1967, một số cho rằng ông đã tự tử vì căng thẳng trước vấn đề Việt Nam. 

Các cuộc biểu tình càng ngày càng trở nên rầm rộ, với phe Tả Mới vận động được sự hậu thuẫn đáng kinh ngạc của giới trẻ trong một xứ sở vốn có truyền thống bảo thủ. Câu lạc bộ Lao động Đại học Monash gây quỹ cho MTDTGP; bọn Mao-it Melbourne vỗ tay tán thưởng Cách mạng Văn Hoá Trung Quốc; sinh viên hát vang ‘Một bên đúng, mặt bên sai  – thắng lợi về phe VC!’ Các công nhân bưu điện có thời gian từ chối giao thư cho binh sĩ Úc. Vào tháng 8 1969 lần đầu tiên các cuộc thăm dò cho thấy đa số người được hỏi mong muốn rút quân khỏi Việt Nam; sau cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 10, một tiểu đoàn được rút về nước. 

Cho đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, tuy nhiên, số binh sĩ Úc còn vỏn vẹn trên chiến trường vẫn không mấy nao núng trước tình trạng rối loạn tại quê nhà, đúng ra, dường như quên phứt nó. Binh lính Úc thấy mình bị ném vào một số trận đánh khốc liệt: vào ngày 12 tháng 5 1968 quân đặc nhiệm Úc mới đến triển khai tại căn cứ yểm trợ pháo binh Coral với dàn pháo Tân Tây Lan yểm trợ. Trong đêm đầu tiên tiểu đoàn hứng chịu một trận đột kích bất ngờ của bộ đội Miền Bắc, mà họ thiếu tổ chức để đương đầu. Cộng quân bị đẩy lùi bởi đạn súng cối và pháo bắn vào các mục tiêu mắt họ nhìn thấy, giết chết 52 địch với giá 11 người chết và 28 bị thương. Ba đêm sau cộng quân đến lần nữa, gây thương vong 24 người Úc với tổn thất 34 người chết về phe mình. Sau lần chạm trán này người Úc trở nên ấn tượng với bộ đội Miền Bắc, mà họ mô tả là thuộc ‘đẳng cấp khác’ so với VC địa phương mà họ quen đương đầu ở dưới phía nam. Sau những năm trong đó Quân đội Úc tự hào tính tinh nhuệ trong việc chống nổi dậy, mài giũa bởi trải nghiệm ở Mã Lai và Borneo nơi gần như mọi giao tranh xảy ra đều ở cấp số đại đội, thình lình ở Việt Nam binh sĩ của họ hiểu ra rằng mình dính líu vào một cuộc chiến lớn hơn nhiều,  càng ngày càng mang tính quy ước.

Người Úc và Tân Tây Lan tiến hành theo cách riêng của mình, đội nón rơm thay vì mũ sắt; mang súng trường bán tự động 7.62mm mà họ thích ơn súng M-16 vì viên đạn nặng hơn có nhiều lực giảm tốc hơn. Trong khi mọi căn cứ Mỹ đều thuê mướn một lực lượng hùng hậu các đầu bếp, nhân viên giặt giũ và vệ sinh nhà cửa người Việt, người Úc không chấp nhận lao động Việt Nam bên trong hàng rào kẽm gai của mình  – vì lý do an ninh,  cho dù các công việc bẩn thỉu nhất cũng được nhân sự của họ đảm nhiệm. Họ xem một số đồng minh của họ trên chiến trường bất cẩn đến độ tự sát, nhất là về tiếng động. Neil Smith, ghé qua đêm trong một căn cứ Mỹ, ngạc nhiên khi phát hiện các sĩ quan ngủ tách biệt với binh sĩ của mình,  và thậm chí còn sửng sốt bởi tiếng huyên náo: Trong một căn cứ Úc ban đêm, bạn có thể nghe cả tiếng rơi của một cây kim ghăm.’

Đại uý Mỹ Arthur Carey, người đã từng làm việc với Úc năm 1968, ấn tượng trước kỷ luật sử dụng máy phát sóng của họ. Trong khi hầu hết đơn vị Mỹ cung cấp báo cáo quân tình mỗi vài phút, Carey cho biết với vẻ tán thưởng,  ‘Không phải hiếm khi mà mạng lưới truyền lệnh của Úc không nghe tiếng nói hai, ba giờ liền. Họ rất điềm tĩnh khi lên sóng. Tôi chưa hề nghe từ “đếm xác” suốt thời gian tôi làm việc với họ.’ Lý do cuối cùng này là một trong những lý do mà, trong khi người Mỹ trẻ như Carey cho là ưu điểm về người Úc, thì một số người lớn tuổi hơn thì cho là khuyết điểm.  Westmoreland than phiền thành tích giết địch khiêm tốn của họ và cho rằng cách quay vòng các đơn vị qua trận địa của họ là sai lầm,  lẽ ra phải châm thêm đều đặn những thay thế cá nhân. Lực lượng đặc nhiệm 7 của Úc ghi chép lại chuyến viếng thăm của Trung tướng Julian Ewell, người chỉ trích ‘lối tuần tra cần mẫn của đơn vị … Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của số thống kê và đếm xác. Không khí của buổi thảo luận của ông với giới chỉ huy tiểu đoàn Úc rất lạnh nhạt và bất hoà đến mức không chịu được. Chuyến viếng thăm của ông sẽ không được nhớ đến với niềm tôn trọng hoặc cảm tình.’ Người Úc tin rằng Ewell không quen với tranh luận thẳng thắn,  cởi mở: thay vào đó ông chỉ nhắm đến sự tuân phục không thắc mắc như cách quốc gia họ không hề tán thành,  ít nhất là trên chiến trường.

Các thành tích của người Úc không đạt được bằng sự phô trương dũng khí tự sát,  mà bởi các chỉ huy trẻ biết chọn lựa thời cơ. Giữa một trận thư hùng trước một hệ thống boongke của VC, chỉ huy đoàn tuần tra của lực lượng đặc nhiệm Úc Andrew Freemantle đưa ra quyết định: ‘Tôi nghĩ – nếu chúng tôi đứng lên và tiến tới, xung phong liều chết, sẽ có nhiều người thiệt mạng, và điều này có đáng không?’ Thay vào đó anh ra lệnh rút quân. Đêm đó, một binh sĩ của anh bước vào phòng anh và nói, ‘Xếp, em nghĩ xếp phải cảm thấy rất tệ về những gì xếp đã làm. Tụi em muốn xếp biết rằng tụi em thực sự biết ơn. Tụi em giờ này chắc không còn ở đây nếu xếp không làm như vậy.’ Viên sĩ quan trẻ thấy lòng được an ủi, nhưng đây là quyết định chiến thuật khiến một số tướng Mỹ ngờ vực người Úc là nhát gan.

Vào tháng giêng 1967 Chuẩn tướng Stuart Graham ít được yêu quý chuyển trọng tâm từ chiến thuật thận trọng bao vây-và-tìm sang chiến thuật hung hăng hơn tìm-và-diệt, gây tổn thất thương vong tăng vọt. Quân địch dễ dàng tránh né các trận càn quét tìm-và-diệt, như họ đã làm trong Chiến dịch Paddington tháng 7 1967, một nỗ lực bởi 9 tiểu đoàn Mỹ, Úc và Việt nhằm gài bẫy một trung đoàn VC. Mùa xuân sau, một chiến dịch lớn khác Pinnaroo, thành công trong việc hủy diệt các hệ thống boongke và tịch thu vũ khí, nhưng người Úc thiệt hại nặng nề vì mìn bẫy. Đạo quân của họ thiếu lực lượng để có thể quét sạch Khu Căn cứ Địa Minh Đạm trong vùng đồi Long Hải, khiến nó vẫn là khu cứ địa của VC cho đến hết chiến tranh.

Một người Úc mô tả một cuộc hành quân bằng những lời lẽ bất cứ binh sĩ Mỹ nào cũng nghe quen thuộc: ‘Luôn luôn là cùng một cuộc tuần tra kiệt sức và ảm đạm, mang trên vai ba lô nặng chịch đi trên những đường mòn cỏ gai, làm rơi nón hàng 50 lần, lạc mất số đếm bước, không bao giờ có đủ thời gian để pha trà, tiếp tục tìm kiếm những nơi các thần linh Bộ binh cho là những vùng “hứng thú”, và bị giẫm đạp trong cuộc lặn lội qua suối qua đầm 24 giờ một ngày.’

Câu trả lời định mệnh của Chuẩn tướng Graham cho việc thiếu hụt binh sĩ là tận dụng công nghệ để chia tách kẻ địch khỏi dân chúng và lương thực của họ: một rào cản,  dài 8 dặm, chạy dài từ vùng đồi xuống bờ biển.  Trong khoảng cách 100 ya giữa hai hàng rào kẽm gai song song,  các kỹ sư đặt 22,000 mìn. Graham ra lệnh cho người Úc tuần tra một bên, trong khi binh sĩ Miền Nam xử lý bên kia. Trong một vài tháng việc này cho thấy có hiệu quả: một số đơn vị VC, bị cắt đứt khỏi nguồn lương thực, phải ăn đến củ rễ và lá rừng. Nhưng rồi họ quan sát thấy bãi mìn được giám sát bất cẩn.

Du kích quân mò vào, và bằng sự khéo léo quen thuộc của mình lấy đi hàng ngàn mìn, rồi gài lại nơi khác. Trong các năm sau đó,  Liên quân Úc-Tân Tây Lan chịu đựng nhiều tổn thất  – một trong mười mọi thương vong  – từ các quả mìn này. Chỉ một tiểu đoàn đã dính đến 64 sự cố mìn, 48 trong số đó gây bởi khí tài của chính mình trong tay địch. Họ gặp thêm vấn đề khi nhận ra sự thất bại của bãi mìn, và tìm cách dẹp bỏ nó: xe tăng và kỹ sư thiệt hại quá nặng nề đến nỗi họ phải bỏ cuộc.  Thảm họa đáng sợ này trở thành tít lớn như một xì căng đan trong giới truyền thông trong nước. Các chính trị gia chống đối tố cáo việc này là ‘một minh họa bi thảm của sự hoang phí và vô vọng của việc Úc tham chiến ‘.

‘Đúng là nơi buồn cười, Việt Nam đó,’ Trung uý Rob Franklin trầm ngâm. ‘Trong Thế chiến I, bạn đi tới và bạn biết kẻ thù đang ở đó. Nhưng trong rừng rậm  bạn không hề biết chúng ở đâu.  Bạn có thể đi hàng tuần liền mà không nghe một tiếng súng.  Vô cùng khó khăn để có thể lúc nào cũng cảnh giác cao độ. Rồi thình lình, địa ngục đổ sụp xuống.’ Gần như ngay ngày đầu tiên của Franklin, một sứ mạng hoả lực trục trặc suýt gây ra thảm họa: súng cối 82mm mà anh có trách nhiệm khai hỏa nổ xuống khu vực chỉ cách đại đội Tân Tây Lan phối hợp với tiểu đoàn anh trong vòng 15 ya. Vị trung uý cảm thấy mình già hơn 10 tuổi sau khi biết được lỗi lầm kinh khủng của mình.  Anh nghĩ: ‘Tôi không tin là mình có thể đối mặt với việc này.’ Sau một đêm trăn trở,  đầu gối anh như khuỵu xuống khi được lệnh phải báo cáo với đại đội trưởng Tân Tây Lan. ‘Nhưng ông ấy thật tuyệt,  chỉ nói: “Hãy thận trọng.”‘ Và từ đó về sau, Franklin không dám sơ ý.

Mặc dù tiểu đoàn của anh đã chuẩn bị kĩ càng trước khi rời căn cứ Townsville trong nước, nhưng trong rừng rậm Miền Nam họ thay đổi chiến thuật.  ‘Khi huấn luyện,  nếu bạn gặp hoả lực súng máy nhảy sang phải, súng trường nhảy tót sang trái. Nhưng sau vài lần chạm trán chúng tôi xử lý hoàn toàn khác: triển khai bình sĩ trên một chiến tuyến rộng như có thể, với tất cả ba trung đội súng máy nhả đạn mỗi súng 100 viên đạn nhanh như có thể để dập tắt hỏa lực. Bạn học cách cắm quân vào bụi cây rậm rạp nhất có thể tìm được. Bạn càng ngày càng lanh lợi hơn,  gan lì hơn.’ Có một số người xông xáo hơn: một pháo binh  súng cối của Franklin xin được chuyển về trung đội súng trường vì anh muốn nhiều pha hành động hơn.  Anh nhanh chóng tử trận trong một cuộc chạm trán,  bỏ lại người bạn gái mang bầu.

Mặc dù có tình trạng căng thẳng truyền thống giữa nước Úc to lớn, xấc xược và nước Tân Tây Lan khiêm tốn trên vùng biển giữahai nước, trên chiến trường binh sĩ của hai quốc gia cùng theo đuổi một chính nghĩa,  như họ luôn thế. Quân địch được cho là đặc biệt sợ các binh sĩ người Maori, thổ dân Tân Tây Lan,  mà họ tin là dân ăn thịt người.

Các đơn vị Úc chứa nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan chuyên nghiệp đã từng phục vụ trong Thế Chiến II, Triều Tiên hoặc Mã Lai.  Cũng có một số người nước ngoài,  trong số đó có cựu binh Anh như Andrew Freemantle. Anh trải qua 3 năm với lực lượng đặc nhiệm Úc, một năm ở Việt Nam. Anh yêu thích nó – ‘một môi trường thực sự hào hứng cho một người chuyên nghiệp’. Anh đặc biệt tôn trọng kẻ địch,  nhất là sau khi vô tình phát hiện một trong nhiều hệ thống địa đạo của họ. ‘Chúng tôi ngồi xuống lắng nghe,  luôn là một điều tốt đẹp để làm trong một chuyến tuần tra, và rồi chúng tôi phát hiện ống thông hơi ló ra. Chúng tôi bỏ một quả lựu đạn khói xuống,  lấy nón đậy ống lại, và một vài phút sau thấy các lọn khói thoát ra khỏi một bụi cây gần đó. Anh và một đồng đội bước xuống cửa hầm và thám sát: may thay địa đạo không có người ở, nhưng đường hầm chạy dài 500 ya. Freemantle nghĩ: ‘Ôi trời, ai có thể làm được chuyện này chẳng phải là tay vừa.’ Phải mất đến hai tấn thuốc nổ C4 mới phá hủy được phức hợp.

Trong những ngày cuối của cuộc chiến đạo quân Úc cũng gặp một số vấn đề về kỷ luật như người Mỹ, mặc dù bị khích động do rượu hơn là do lạm dụng ma túy. Binh lính mỗi ngày chỉ được uống chính thức 2 lon bia,  nhưng vì quyền lợi này được tích lũy,  sau cuộc hành quân kéo dài 20 ngày họ được phép uống 40 lon bia. Một trong số tương đối ít tòa án binh Úc là phiên tòa xét xử một trung uý đánh một binh nhì bằng khẩu súng lục trong một cuộc tranh cãi vì bia. Vào ngày Giáng sinh 1970 một binh nhì say xỉn xả hết đạn vào đám trung sĩ hỗn loạn ở Núi Đất,  giết chết hai người và làm bị thương nặng người thứ ba. Các vụ ném lựu đạn trước đây đã giết chết 2 sĩ quan.  Gần như lập tức sau khi Neil Smith đến anh ngủ với một người bạn trong một căn lều kế cận căn lều của Trung uý Bob Convery. Một tiếng nổ như sấm làm hai người mới đến phải nằm sắp xuống đất, tưởng rằng bị pháo kích súng cối. Khi không nghe tiếng nổ tiếp theo,  họ chồm đây đi xem xét,  thì phát hiện một binh sĩ uất ức đã bỏ một quả lựu đạn lên giường của Convery, giết chết ông ngay lập tức.  Việc ném lựu đạn trong quân đội Úc cũng có xảy ra nhưng là một vấn đề ít nghiêm trọng hơn nhiều so với Mỹ.

Trở lại quê nhà Úc, bạo lực của nhiệt tình phản chiến dâng cao. Sau khi một lính bộ binh bị giết, những kẻ phản chiến gọi điện cho cha mẹ anh, nói, ‘Y chết là đáng.’ Cuối năm 1970, bộ binh Úc rút quân khỏi một chiến dịch trong vùng núi Long Hải sau khi chịu nhiều tổn thất do mìn, và do tình hình nhạy cảm trong nước đã lên cao độ.  Khi một đơn vị chuẩn bị trở về Úc vào cuối năm đó, Chỉ huy dặn dò các sĩ quan: ‘Hãy theo sát binh sĩ. Tôi không muốn binh sĩ nào của chúng ta ra tay với đám dân chúng chế giễu họ.’

Một trong những quân nhân của ông nói rằng khi họ trở về nhà và chứng kiến cơn phẫn nộ của nhóm vận động phản chiến, ‘Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Chúng tôi nghĩ mình làm đúng khi đã ra đi,  đúng khi làm những gì đã làm.’ Vào năm 1972, một trong những cương lĩnh của chiến dịch tranh cử thành công của lãnh tụ đảng Lao động Úc Gough Whitlam là kết thúc việc gọi nghĩa vụ, rút quân khỏi Việt Nam: những người lính Úc và Tân Tây Lan cuối cùng thực sự ra khỏi vào cuối năm. Xét chung,  có 60,000 người Úc phục vụ tại Việt Nam, trong đó có 521 người thiệt mạng; 37 trong tổng số 3,890 người Tân Tây Lan cũng ngã xuống. 

Tuy vậy,  tác giả Úc Peter Edwards bào chữa cho chính quyền 1965 của đất nước ông: ‘Việt Nam không phải là trường hợp tiến hành “cuộc chiến  của dân tộc khác”; mà trong tâm trí Menzies và các cố vấn chính của ông,  đó là tình huống được Hoa Kỳ tham chiến cho an ninh của nước Úc.’ Ông bổ sung một hệ luận,  rằng vị trí chiến lược của Úc, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia đối với mối đe dọa cộng sản vào năm 1975 mạnh hơn nhiều so với một thập kỷ trước đó.  Trong tâm trí một số người có suy nghĩ của các xứ sở này,  nỗ lực chiến tranh của đồng minh đã đóng góp quan trọng cho các thực thể chính trị đó bền vững hơn. Lý Quang Diệu của Singapore thường bảo với người Mỹ: ‘Nếu các ông không chiến đấu,  chúng tôi đã mất từ lâu. ‘

Liên quân Úc-Tân Tây Lan thi triển với sự tài tình ở Việt Nam,  nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng,  như một số người ngưỡng mộ họ, kết cuc cuộc chiến có thể đã khác nếu mọi người khác hoạt động như họ. Kẻ địch vẫn duy trì sự hiện diện vũ trang năng nổ trong vùng Úc hoạt động như ở mọi nơi khác, cho dù phải đổ máu để được đặc quyền đó. Hơn nữa,  trong số các chủ đề của quyển sách này là việc thách thức hàng đầu cho đồng minh không phải là đánh thắng các trận đánh,  mà là liên hiệp được với một trật tự xã hội và chính trị Việt Nam đáng tin cậy.  Bác sĩ Norman Wyndham, một nhà giải phẫu Úc 60 tuổi cầm đầu một đội y tế tình nguyện tại bệnh viện Vũng Tàu,  là một con chiên sùng đạo, tự học nói lưu loát tiếng Việt. Ông viết vào năm 1967 về người dân bản xứ: ‘Phần đông đều muốn một Việt Nam thống nhất, nhưng không phải do người cộng sản kiểm soát … Người ta càng cảm nhận mạnh mẽ …  rằng mọi thứ đều sẽ tốt hơn cuộc sống hiện giờ.’ Hai năm sau, thứ tình cảm như thế đã vững mạnh trên khắp Miền Nam. 

3 Các Thần Lính

Trong con mắt của lịch sử, và chắc chắn của Hollywood, cuộc chiến được xác định bởi trực thăng Huey. Dĩ nhiên cũng có Sea Knights và Jolly Green Giants, Chinooks, ‘Chuối Bay’ … và nhiều thứ khác, nhưng trực thăng Huey là hình ảnh lấn át. Đây là một trong những máy bay vĩ đại của mọi thời, do công ty Bell phát triển vào thập niên 1950 là chiếc Iroquois, được thiết kế đầu tiên là HU-1, rồi UH-1. Nó trở thành một biểu tượng của sức mạnh tuyệt vời và vô địch của Hoa Kỳ, rồi sau đó cũng là biểu tượng của sự yếu kém đi. Chiếc D, thông dụng nhất của các biến thể liên tiếp, là một quái vật 4 tấn bay đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1963, động cơ đẩy là động cơ  Lycoming với tốc độ tối đa 130 dặm/giờ. Khi nhận vai trò vận chuyển, nó mang được 9 binh sĩ vũ trang đầy đủ; trong sứ mạng tản thương chở được 6 cáng; khi tác chiến,  phối hợp nhiều rốc kết,  súng nhỏ và các vũ khí tự động khác. 16,000 chiếc cuối cùng được chế tạo, và trong các thời kỳ tồi tệ, mỗi năm 1,000 chiếc bị hỏa lực địch bắn rơi, hỏng hóc hoặc lỗi phi công. Thậm chí những người không ưa chiến tranh cũng yêu thích Huey; không khí lạnh thuần khiết thổi thốc vào khi họ ngồi tại cánh  cửa mở rộng với giày ống đặt trên rãnh trượt và một cánh tay lơ đãng choàng quanh cột chống, nhìn xuống Đông Nam Á theo cách tốt nhất có thể  – với tất cả màu đỏ, màu nâu mờ đục và màu xanh lá cây rực rỡ từ một độ cao hai ngàn bộ, mà it khi buồn thắt dây an toàn.

Cố vấn Mỹ Trung uý Brian Walrath viết: ‘Ngồi trên nền cứng của trực thăng,  chúng ta bị tràn ngập tiếng ồn. Tiếng động cơ phía sau, tiếng hộp số rên rỉ khi nó chuyển năng lượng từ động cơ đến các cánh quạt chính và quạt đuôi, cánh quạt quay lạch bạch và gió huýt sáo qua tai bạn. Chúng ta đặt sinh mạng trong tay các phi công, không có khả năng tự vệ với một kẻ địch muốn nhắm bắn chúng ta ngồi trong một vỏ nhôm mỏng. Bên dưới tấm chăn ghép bằng những mảnh ruộng và cánh đồng hình dáng khác nhau lướt qua, chẳng mấy chốc nhường chỗ cho vòm lá rậm rạp khi chúng tôi hướng về tây ra phía vùng núi.’

Những người dưới đất nhìn lên máy bay như những thuật sĩ, đôi khi như những vị cứu tinh. Trung uý Mel Stephens của Hải quân Mỹ không bao giờ quên được trải nghiệm một chuyến tản thương đêm từ các xuồng tấn công ven bờ sông trên đó anh đang bị thương,  lòng anh trỗi lên một niềm khâm phục và biết ơn đối với phi hành đoàn đến cứu nạn anh: ‘Những phi công đó đối với chúng tôi dường như là các thần linh.’ Ấn tượng này càng tăng lên bởi tính phi cá tính và các đặc điểm nhận dạng được che giấu dưới cặp kính mát của các phi công. ‘Tôi chưa hề nhìn thấy ánh mắt phi công,’ Brian Walrath nói, vốn chỉ thấy phần lưng trên của phi công từ khoang hành lý, nhô ra phía trên ghế ngồi góc cạnh bọc sắt màu xanh lá, bàn tay mang bao tay bấm nút và đẩy tới lui thanh điều khiển.  

Hầu hết phi công đều là những người trẻ hăm hở,  khéo léo,  gan lì,  dĩ nhiên không quan tâm đến sinh mạng mình như sinh mạng những người khác. Hạ sĩ Úc Roy Savage có lần đứng trên đường trượt của một chiếc Huey, vừa kéo xong một đồng đội cuối cùng của tiểu đội mình lên trực thăng,  thì bất ngờ nó bay vọt lên trời. Khiếp đảm khi mặt đất lùi xa bên dưới, anh thấy tấm áo lưới của mình bị giật mạnh bởi một xạ thủ da màu to con kéo anh trở lại vào khoang hành lí.  Chàng phi công ngoái đầu qua vai, hét lên vui vẻ, ‘Suýt chút nữa bỏ lại anh rồi nhé!’

Một phi công Huey ở đây phải làm nhiệm vụ cho hàng ngàn người.   Dan Hickman thoạt đầu lái trực thăng khi mới 20 tuổi vào năm 1967, và yêu chúng mãi mãi sau đó. Anh xuất thân từ một nông trại thuốc lá ở Bắc Carolina ‘nơi cha tôi đẩy tôi vào trường biệt kích’. Vào ngày đầu tại Đồn Walters, Texas, vị đại tá chỉ huy nói với 200 khóa sinh: ‘Nửa số các anh sẽ bị loại ra. Một trụ lại đây. 99 người khác sẽ đến Việt Nam.’ Họ trải 5 tháng tại Walters, và 120 giờ mỗi người với các huấn luyện viên chiếc Hughe nhỏ trước khi chuyển đến Savannah và chiếc Huey 1,300 mã lực.  Hickman nói: ‘Nó lớn và mạnh, trông đồ sộ so với Hughes – nó thật khủng khiếp. Học lái trực thăng giống như học cưỡi xe đạp: có giai đoạn nghiêng ngả, rồi thình lình vô khớp.’ Anh trải qua bốn tháng ở Savannah trước khí dự khóa chiến thuật kéo dài một tháng đưa anh vào một mạng chết chóc gồm các vũ khí trên trực thăng. 

Suốt khóa học, anh cứ nơm nớp cuộc chiến Việt Nam sẽ chấm dứt trước khi anh đến đó. Tất nhiên, nó chưa kết thúc. Hickman đến vào tháng 9 1968 và được cử đến Dĩ An, gần Tây Ninh.  Anh phấn khởi khi được ở giữa những người hiểu rõ việc họ làm, nhưng hơi choáng vì đột ngột bị đẩy vào tác chiến.  Một chỉ huy phi hành nói: ‘Anh có thể ngủ trên giường ở đây. Anh có muốn lãnh sứ mạng ngày mai không?’ Vâng, anh.muốn. ‘Vậy anh có thể phụ bay trên một trực thăng giải cứu Cobra.’ Sáng hôm sau khi anh bước ra đường bay với các đồng đội mới,  anh nghe người này hỏi người kia,  ‘Hôm qua giết được mấy tên?’ ‘Vâng, ba tên.’ Hickman nghĩ: ‘Các anh này điên rồi.’

Sau đó,  anh đôi khi bay 13 giờ một ngày: ‘Bạn luôn luôn bị quá tải, và đáp xuống luôn là vấn đề bởi vì trong vài bộ cuối cùng bụi bốc một lớp nâu vàng che mất mặt đất.  Bạn phải nhìn miếng kính chịu lực dưới giày bốt cho đến khi một lỗ xuất hiện.’ Trong lực lượng kỵ binh ở đó có 10 trực thăng giám sát nhẹ OH-6 trang bị súng nhỏ; 6 trực thăng binh vận cửa lắp súng máy MM-60 phun ra 550 viên đạn mỗi phút; 10 Cobra tấn công; 1 trung đội bộ binh không vận. Họ bay hoặc ở độ cao 1,500 bộ hoặc sát mặt đất, quét vòm lá và nhảy qua mái nhà. ‘Chúng tôi sống bằng phản xạ của mình  – tôi không sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Một thùng xăng phản lực J-4 giữ cho chiếc Huey bay được trong vòng 150 phút. Hickman nhận thấy trực thăng ở đây được bảo trì kỹ lưỡng hơn ở trường bay: các màng lọc động cơ, dễ bị nghẹt do bụi,  được kiểm tra mỗi ngày: máy mỗi 25 giờ bay được kiểm tra trung cấp và sau 100 giờ được kiểm tra toàn bộ – kiểm tra toàn bộ mất đến 8 tiếng. 

Họ sống bằng bột trứng, thịt bò muối,  bột sữa, bánh mì khô: uống rượu vào các buổi tối, khi rảnh rỗi. Về đêm Hickman thường viết thư cho một cô gái tên Carol back ở Savannah. Là một thượng sĩ không quân anh được trả lương $500 một tháng: đi Giải trí và Hồi phục ở Hồng Kông anh tiêu $1,700 trong bốn ngày,  một số dùng để sắm 6 bộ vét, 6 đôi giày và một dàn máy nghe nhạc nổi. Họ tắm nước lạnh buổi sáng, và ghét mùi đốt rác nồng nặc mỗi buổi sáng. Họ thèm thức ăn Mỹ, và khi nghe ở Sài Gòn có tiệm làm bánh mì kẹp thịt đúng điệu, một hôm một nhóm bạn liều lĩnh một cách điên rồ lái xe jeep đi 30 dặm để đến đó.  Ngày hôm sau họ một phen nôn mữa ra mật xanh, quặn thắt ruột phải ngồi suốt ngày trong nhà vệ sinh vì bị trúng độc. Hickman tưởng mình có thể chết đi vào hôm đó.

Khác với lính bộ binh, không ai đến gần trận địa hơn các phi hành đoàn Huey.  Một tỷ số không nhỏ các bạn đồng khóa bay của anh bị giết hoặc bị thương  – tóm lại, có 4,000 phi hành đoàn trực thăng thiệt mạng tại Việt Nam. Có lần, mũ sắt của đội trưởng Hickman bị bắn vỡ nát. Viên phi công tưởng ông ta đã tiêu đời, nhưng viên đạn chỉ sướt qua sọ đầu ông.

‘Bạn thân nhất của tôi là Jim Newman và Elmore Jordan, một người da màu ở Washington DC.  Chúng tôi giao ước bông đùa với nhau nếu ai biết mình không về được, thì ném chiếc ví tiền cho người kia.’ Một hôm, Hickman nghe tin Jordan trên sóng báo cáo trực thăng anh bốc cháy, rồi khi anh cố lết về căn cứ,  anh lại lên tiếng: ‘Tôi đã mất bộ phận thủy lực.’ Đội trưởng của anh chèn người vào ngồi cùng với các phi công, và chiếc Huey để lại một vệt khói đen sau đuôi. Cuối cùng Jordan đánh điện, ‘Động cơ chúng tôi hư rồi.’ Hickman khổ sở nghĩ: ‘Ôi, chắc Elmore sắp ném ví tiền cho mình rồi.’ Thình lình họ nhìn thấy một cột khói đen bùng phát ở phía sau một hàng cây, nơi chiếc Huey đâm sầm xuống cách đường bay vài trăm ya. Tuy nhiên, kỳ diệu thay Jordan vẫn sống sót: đội trưởng của anh nhảy ra khỏi trực thăng khi nó chạm đất, rồi chạy trở lại để kéo hai phi công ra khỏi máy bay đang bốc lửa.  Phí công tài giỏi nhất của đơn vị là Harley Goff,  nhưng mọi kỹ năng của anh cũng không cứu được anh khi bộ truyền động hư hỏng và trực thăng rớt xuống tan tành. Goff được lôi ra không còn nhận dạng được, gãy ba trong bốn chi và mất hết hàm răng- một minh chứng cho thấy may rủi đóng một vai trò lớn trong mọi sự cố của chiến tranh. 

Trên mỗi chiếc Huey đội trưởng sử dụng súng ở cửa, một bộ binh ở cửa kia. Họ là đôi mắt của chúng tôi,’ Hickman nói. Các M-16 thường kẹt đạn nếu không lau chùi tỉ mỉ, và người bên trái cần bảo vệ chống luồng  gió tạt thổi bay các băng đạn đi khắp xứ.

Mặc dù Cobra và Huey đều có tải trọng xấp xỉ 9,500 cân, Huey êm hơn và mướt hơn trong vai trò tiêm kích, mang được 62 rốc kết và 4,000 đạn mini. Không bao giờ trong lịch sử có quá nhiều trực thăng chiến thuật được triển khai như thế – tương lai chắc cũng không.’ Có lúc có hơn 100 chiếc vần vũ trên không chỉ trong một trận đánh,’ Hickman nói. ‘Khi bạn thấy một lần tung 10 chiếc vào trận đánh với 4 chiếc yểm trợ và một chiếc thả bom khói, đã thấy đáng sợ rồi.’ Thời tiết nóng rít của Việt Nam không làm bận tâm chàng trai Bắc Carolina, vốn lớn lên không quen máy điều hòa. Tuy nhiên, vào một đêm thả pháo sáng, sự tương phản giữa cái nóng lúc khởi hành với cái lạnh giá ở độ cao 6,000 bộ làm anh run rẩy. Hơn nữa, chở các pháo sáng Mk24 triệu-nến rất nguy hiểm.  ‘Tôi ghét các sứ mạng này,’ Hickman nói: vài tàu đã mất khi pháo sáng bốc cháy trong khoang hành lí.

Sau một thời gian tương đối im ắng trong mùa đông 1968, khi tìm kiếm địch rất khó, ‘vào tháng giêng cuộc chiến quay trở lại một lần nữa’. Đôi khi Hickman bay các sứ mạng ba ngày về hướng biên giới Miên, được hướng dẫn đáp xuống trong đêm bằng thùng cát tẩm xăng bốc cháy; ngủ trên mặt đất bên cạnh trực thăng. Rồi, thình lình, sự việc trở nên nghiêm trọng, và lần nữa họ trải nghiệm trong không trung điều họ gọi là ‘dội nước sôi ‘. Một đêm họ được gọi đi giải cứu một đội trinh sát đường dài, bị địch ép rất sát. Họ gọi điện một trực thăng Miền Nam đang bay vòng vòng hãy dập tắt hỏa lực áp đảo,  nhưng máy bay Không lực Việt Nam thoái thác đến gần. Hai Cobra cũng đang bay yểm trợ, nhưng vì cho dù chắc tay vũ khí của họ cũng có mức độ bắn sai đến 20 ya, họ không thể liều lĩnh giao chiến trong bóng đêm. Hickman mất một giờ bay vòng, cố gắng điều phối cuộc giải cứu.  Cuối cùng binh sĩ bị bao vây bật đèn hiệu dấu trong mũ sắt,  để hướng dẫn các Huey vào trong một khoảng hở nhỏ hẹp trong rừng: đội của Hickman bốc các lính Biệt kích ra khỏi. Một đêm khác họ đánh chìm 23 tam bản xuất phát từ Cao Miên: ‘Chúng tôi đánh dấu chúng bằng đạn chỉ đường,  rồi Cobra lao xuống từ phía trên và bắn rốc kết.  Tại các buổi thuyết trình, họ bảo với chúng tôi chúng tôi gây tổn thất cho địch nhiều hơn phần còn lại của Sư đoàn 9.’

Trong số 300 người ở đơn vị, khoảng 40 phi hành đoàn bay trong các sứ mạng.  Cấp bậc không quyết định ai là người chỉ huy: ‘Ít khi xưng hô thưa gởi – chúng tôi hầu hết những người 21 tuổi cố gắng làm những điều đúng đắn không cần sự giám sát của người lớn.’ Hickman bay hầu hết các sứ mạng ban ngày trên chiếc Huey, ban đêm trên Cobra. Có lần anh được gọi bay đi qua bóng đêm để cứu một đội thám sát lạc đường,  anh hỏi vị chỉ huy, ‘Tại sao tôi?’ Anh nở phồng mũi khi nghe trả lời: ‘Vì anh có cơ hội tốt nhất sống trở về.’ Cobras có tỉ suất thương vong nhỏ nhất, LOH cao nhất. ‘Chúng chiến đấu từ độ cao 20 bộ.’

Mặc dù đơn vị gặp một ít trường hợp bị thương tự mình gây ra và phi công yêu cầu được chuyển về phục vụ trên bộ, ‘Phần đông có thể gồng mình và làm những gì phải làm.’ Hickman vẫn giữ niềm tin Việt Nam sẽ thắng: ‘Nhưng vào năm 1969 rõ ràng là chúng ta hoặc phải tiến ra Miền Bắc, hoặc quên nó đi. Tôi cảm thấy thất vọng trước phong trào phản chiến. Chúng là một lũ sinh viên nhí không hiểu gì. Tôi tin tưởng vào quân đội.  Bên trong nó, còn nhiều cá nhân đang ra sức làm những điều đúng đắn. ‘

4 Việt Nam Hóa Chiến Tranh

Trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Nixon và các cố vấn của ông mày mò những tiếp cận mới để chấm dứt cuộc chiến. Bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird, một dân biểu Wisconsin trước đây, bảo với Creighton Abrams trong chuyến viếng thăm tháng 3 1969 đến Sài Gòn rằng nền hành pháp mới đã mang đến không gian dễ thở: ‘Tôi nghĩ chúng ta đã có thời gian, và … Chúng ta phải phát triển một quốc sách mà nhân dân Mỹ tán thành.’ Phải có một chương trình,  ông nói, ‘để giảm sự đóng góp của người Mỹ, không chỉ dưới dạng con người, mà còn dưới số thương vong  và vật liệu và tiền bạc  … Tôi chuẩn bị bị cật vấn nhiều về việc sử dụng các B-52.’ Abrams, hoảng sợ, lập tức biện hộ cho vũ khí cực kì hiệu quả này: ‘Không có vũ khí nào thực sự có tính đáp ứng như thế … Chỉ cần một vài giờ là có thể thay đổi toàn bộ cục diện và gọi nó đến bất cứ nơi nào bạn muốn, với bất cứ số lượng nào bạn muốn. ‘

Vai trò của cố vấn an ninh quốc gia nắm giữ tầm quan trọng chưa có tiền lệ, lúc đầu không được giới truyền thông và cả Washington nhận thức đúng. Cho đến kỳ bầu cử,  Tiến sĩ Henry Kissinger vẫn còn là người ủng hộ đối thủ của Nixon là Nelson Rockefeller thuộc Đảng Cộng Hoà. Giờ thì ông trở thành công cụ chính sách đối ngoại chủ yếu của tổng thống. Kissinger chưa bao giờ cho rằng Việt Nam có khả năng chiến thắng. Ông chia sẻ với Nixon niềm xác tín rằng dù giá trị của lý tưởng đồng minh thế nào,  cuộc chiến đang rút cạn quá mức mối quan tâm chính trị,  tài nguyên vật chất  và quyền hành đạo đức ra khỏi công cuộc theo đuổi các lợi ích sống còn của Mỹ ở nơi khác. Nhân vật xuất sắc, thu hút này chinh phục được ông chủ của mình vốn không ưa gì người Do Thái và trí thức bằng cách thể hiện trước nhất lòng trung thành của mình, rồi tính vô nguyên tắc có thể sánh kịp với phẩm chất đó của tổng thống.  Mặc dù về cơ bản là một con người lạnh như băng, ông có kỹ năng khơi dậy sự ấm áp và tình thân thiết. Arthur Schlesinger viết trong những ngày đầu đó của Nixon: ‘Tôi rất yêu quý Henry, và tôn trọng ông,  dù tôi không khỏi lo sợ rằng ông nói một điều với tôi và một số điều khác với chẳng hạn [nhà tư tưởng bảo thủ] Bill Buckley.’

Tham mưu trưởng Nhà Trắng H.R. Haldeman có lần lưu ý: ‘Henry nhấn mạnh rằng lộ trình tốt nhất của Tổng thống là tính bất ngờ tàn nhẫn.’ Đây là quan điểm  của Nixon mà ngay từ đầu Kissinger nhằm thực thi tại Hà Nội.  Ông tin tưởng rằng chỉ có thể dẫn dụ người Miền Bắc vào thỏa hiệp ‘bằng cách cho họ đương đầu những trở lực không thể vượt qua được trên chiến trường.’ Bước đầu tiên là phát động việc dội bom ồ ạt nhưng bí mật của B-52 vào các căn cứ địa của cộng sản. Vào chiều chủ nhật, ngày 16 tháng ba, Haldeman ghi chép không chút gì mỉa mai  rằng sau khi dự lễ nhà thờ, Nixon ra lệnh bỏ bom Cao Miên: ‘Ngày lịch sử,  “Chiến dịch Breakfast” của K[issenger] cuối cùng xảy ra lúc 2:00 p.m. giờ Mỹ. K thực sự phấn khích,  cũng như T[ổng thống].’

Trong ba năm tiếp sau Không lực Hoa Kỳ đổ xuống 108,823 tấn bom xuống đất nước bất hạnh của Sihanouk. Khi một phi hành đoàn B-52 phạm sai lầm khiến một ngôi làng Cao Miên gần như bị hủy diệt,  đại sứ Mỹ đến thăm khu vực và phát $100 mỗi người còn sống. Nhân viên phi hành tính sai tọa độ bị phạt $700.

Nhà Trắng nổi cơn phẫn nộ trước sự hung hăng của cộng quân khi làm mới lại cuộc công kích vào Tết 1969, khi hơn 100 thành phố và quận lị Miền Nam chịu các cuộc tấn công châm chích. Nixon xem các sự kiện này gần như là một sỉ nhục cá nhân, một cử chỉ được dựng lên để cho thấy Hà Nội dự tính đối xử với ông không khác với Lyndon Johnson. Vì thế dội bom trở thành điều Kissinger gọi là ‘ngoại giao cưỡng bức’. Trong tinh thần đó,  Hội đồng An ninh Quốc gia đề xuất giải pháp có tên Chiến dịch Duck Hook, một trận đánh chớp nhoáng phủ đầu kéo dài 4 ngày vào Miền Bắc  có thể sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Kissinger thông báo với đại sứ Xô viết Anatoly Dobrynin về khái niệm Duck Hook, và vào tháng 7 Nixon gửi một bức thư riêng cho Hồ Chí Minh, đe dọa ‘các biện pháp có hậu quả và sức mạnh to lớn’ nếu Hà Nội thoái thác thương thảo. Vào ngày 13 tháng 10 1969 ông khởi động một báo động hạt nhân đến khắp các lực lượng Hoa Kỳ trên khắp thế giới, được dựng lên để thuyết phục khối cộng sản rằng ông một tổng tư lệnh thích bấm nút hạt nhân, thích hành động nguy hiểm  – thậm chí không kềm chế  – nếu bị cản đường.  Nhưng người Nga không quan tâm nhiều đến báo động đỏ, và không có động thái nào khác của tổng thống có vẻ gây được ấn tượng với kẻ địch. Họ không nhận thức Nixon như một tên điên, nhưng là một chính trị gia biết suy nghĩ,  nhưng tuyệt vọng đi tìm cách tránh né không phải sự thảm bại của người Mỹ, mà tránh nhìn nhận dứt khoát là mình thảm bại.

Quá nhiều đã được nói về ‘thiên tài’ của Kissinger nhằm làm nổi bật sai lầm của ông ta và Nixon khi cho rằng con đường đi đến hoà bình phải đi qua Moscow. Tổng thống trong mùa thu đầu tiên nhậm chức bảo với Dobrynin: ‘Tôi muốn ngài hiểu rằng Liên Xô sắp sửa dính chùm với tôi suốt 3 năm và 3 tháng tới … Chúng tôi sẽ không ở yên để bị lừa gạt vào chỗ chết tại Việt Nam.’ Nhưng đó cũng là một nỗi bực dọc triền miên đối với người Xô viết khi tốn nửa tỉ đô la hành năm mà không dạy bảo được nhiều cho Hà Nội.

Trước khi Phạm Văn Đồng  bay sang Moscow vào năm 1970, đại sứ Xô viết tại Hà Nội tha thiết bày tỏ với người Miền Bắc ước muốn của Nga là phái đoàn Miền Bắc nên thể hiện mình ‘có tính xây dựng hơn nữa   …  và thành thật hơn nữa’ tại hòa đàm Paris.  Ông chỉ tốn nước bọt vô ích.

 Và thậm chí khi Nhà Trắng nhắm tìm điểm tựa để bẫy người cộng sản đi,  nó lại xác định một mệnh lệnh đối nội không thích hợp: giảm bớt quân số Mỹ tham chiến.  Trước Hội đồng An ninh Quốc gia,  Kissinger ra sức thuyết phục những thành viên khác, và có lẽ cả chính mình,  rằng một lộ trình như thế không biểu thị một sự nghịch lý với phần còn lại của chính sách hành pháp. Cắt giảm lực lượng,  ông nói, ‘bằng cách làm sự hiện diện của Mỹ bền vững hơn, có thể là một hình thức gây sức ép.’ Điều này là vô lý, mặc dù Kissinger đúng khi ông cũng xác tín rằng quốc gia của mình không thể chỉ quay lưng khỏi Miền Nam ‘như thể chúng ta chuyển một kênh truyền hình.’

Trong khi cả Nixon và cố vấn an ninh quốc gia của ông đối xử với Bộ trưởng quốc phòng không mấy trân trọng, nhưng chính Melvin Laird mới là người phát biểu rõ ràng sự thay đổi quyết định, thậm chí quyết liệt trong chiều hướng của Hoa Kỳ, và cũng đặt cho nó một cái tên chết luôn, cho dù người Miền Nam ghét nó: Việt Nam hóa. Hành pháp từ bỏ chiến lược đã vận dụng từ 1965, là giao việc giao tranh hệ trọng cho người Mỹ. Thay vào đó, MACV chỉ sẽ yểm trợ QĐVNCH trong cuộc chiến đấu riêng của mình.  Vào ngày 14 tháng 5 1969 Nixon lên truyền hình quốc gia đọc bài phát biểu trong đó ông xác đinh sẽ tiếp tục tham chiến để bảo đảm nhân dân Miền Nam có thể chọn lựa vận mệnh theo ý mình. Để thành tựu điều đó, và để bảo đảm hoà bình,  điều cần thiết là mọi lực lượng nước ngoài  – cũng có nghĩa là Quân đội Miền Bắc  cũng như người Mỹ – phải rời khỏi Miền Nam.  Những thành quả đầu tiên của cuộc Việt Nam hóa sẽ là việc rút từ 50 đến 70 ngàn binh sĩ Mỹ. Nhà Trắng chỉ thị số thương vong Mỹ phải giảm xuống ngay lập tức,  mặc dù tháng 5 1969 chứng kiến hành động điên rồ nhất của Chiến dịch Apache Snow, những trận tấn công liên tiếp vào Núi Ấp Bia  – tức Đồi 937, hay quen thuộc hơn là Đồi Thịt Băm – trong đó 72 người của Sư đoàn 101 bị giết chết, hơn 372 bị thương,  ngoài các tổn thất của QĐVNCH, chỉ để xác nhận quyết tâm của các chỉ huy Mỹ muốn giành ưu thế. Hậu quả chính yếu chỉ làm tăng cường cơn sốt phản chiến lên cao hơn nữa: Thượng nghị sĩ Edward Kennedy dán cho trận đánh nhãn hiệu ‘điên cuồng’.

Việt Nam hóa chính thức được phát động vào ngày 8 tháng 6 tại một cuộc họp giữa Thái Bình Dương giữa hai tổng thống,  Nixon và Thiệu. 25,000 binh sĩ Mỹ đầu tiên rút về nước được ấn định vào tháng 8. Nhà bình luận bảo thủ Joseph Alsop so sánh hành động này với việc làm đáng trách của một phụ nữ Nga ném còn mình ra khỏi xe trượt tuyết đang chạy băng qua tuyết trắng, để đánh lạc hướng đàn sói đang rượt đuổi.

 Henry Kissinger, Nguyen Cao Ky, Ellsworth Bunker, Nguyen Van Thieu and Richard Nixon in (VA004679, Douglas Pike Photograph Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech

University)

Creighton Abrams cất giọng lo âu tại một buổi họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tháng 9 1969 có Nixon tham dự: ‘Chúng ta nằm ở vị trí nào tại Việt Nam là do việc vận dụng một sức mạnh ác liệt  … Khi anh ngưng đi sức mạnh, anh có được một trận cầu hoàn toàn mới.’ Abrams nhìn thấy vào năm 1969 những gì sử gia Ken Hughes nhận xét lâu sau đó: Việt Nam hóa chiến tranh không phải là chiến lược mà Nixon theo đuổi một cách nghiêm túc; đó là một sự gian lận ông ta vi phạm.’ Vào ngày 19 tháng 11 Melvin Laird bảo với Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện rằng chính quyền Sài Gòn đã được tham vấn trước khí chính sách được đưa ra. Ông nói dối, như Kissinger cũng nói dối cùng nội dung: Thiệu chỉ được báo tin sau khi đã quyết định xong. 

Vào ngày 4 tháng 8 tại Paris, Kissinger bắt đầu điều sẽ trở thành vòng đàm phán bí mật kéo dài vô tận với Miền Bắc. Averell Harriman, vẫn còn tiến hành các đàm phán chính thức, không hy vọng một kết quả thỏa đáng chừng nào mà các hành pháp Mỹ kế tiếp vẫn bám vào chủ trương duy trì cả chế độ Thiệu và Quân đội Mỹ ở Miền Nam.  Kissinger gần như không nắm lá bài nào. Ông đã chống đối các cuộc rút quân đơn phương, bởi vì ông biết điều này ắt khiến người cộng sản không thấy bó buộc phải nhượng bộ. Nhưng vị cố vấn an ninh quốc gia không chịu trách nhiệm nào – ở giai đoạn này, dù sao đi nữa  – cho quỹ đạo chính trị trong nước của hành pháp, và do đó bị bác bỏ.

Kissinger trong phút chốc ôm lấy ảo tưởng rằng cái chết của Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 sẽ làm lung lay lòng tự tin, tính vững chắc  và tinh thần của người Miền Bắc.  Nhưng, trong khi người khai sinh đất nước này được than khóc tiếc thương, ông từ lâu đã không còn chỉ đạo vận mệnh của nó. Sự vĩ đại của ông dường như không thể tranh cãi, được đo lường bằng ảnh hưởng của mình lên các sự kiện lớn lao. Một phần điều này phát sinh từ thái độ,  sức thu hút và phẩm cách đã thuyết phục phần đông thế giới về lòng nhân từ của mình.  Tuy nhiên,  thật ra như với mọi nhà cách mạng thành công nào khác, tính nhẫn tâm của ông là tuyệt đối, năng lực ban bố lòng trắc ẩn của ông cần đem ra tránh luận, xét vì những trò tàn bạo, tình trạng thiếu thốn và việc tước đoạt quyền tự do cá nhân có hệ thống mà ông đã chủ trì từ năm 1954.

Lê Duẩn đã nắm vững quyền lực một cách chắc chắn. Tiếp sau các xáo trộn đẫm máu dịp Tết, ông không còn kỳ vọng đạt được thắng lợi quân sự trước khi người Mỹ rời Việt Nam. Nhưng ông tin ttưởng vào ý chí của nhân dân mình mạnh mẽ hơn của họ, nhất là sau các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ ngày 15 tháng 10 nhân danh Vietnam Moratorium, cao điểm của nó là cuộc tập hợp 100,000 người tại Boston Common. Một mảnh vụn nhỏ dễ chịu cho các viên chức đàm phán ở Paris là người Miền Bắc thôi không cố tình hành hạ  – mặc dù họ vẫn duy trì tình trạng thiếu thốn cho – các tù binh Mỹ bị giữ tại Hà Nội. Một tiêu chuẩn tối thiểu về phúc lợi sau đó được cho là thiết thực: số phận tù binh hiển nhiên là chìa khoá trong các cuộc đàm phán. Theo chỉ thị 10 tháng 6 MTDTGP  đổi tên mình là Chính phủ Cách Mạng Lâm thời (CPCMLT) – nhân sự hóa bằng một quy tụ các bộ trưởng đứng xếp hàng sâu trong rừng trên biên giới Cao Miên. Các cán bộ được bảo rằng cho dù sau khi Mỹ đã ký hiệp ước, ‘cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục’. Tóm lại, như lúc nào cũng vậy,  chỉ có thắng lợi cộng sản mới là đủ. 

Abrams nói: ‘Địch đang đổ thêm tài nguyên vào, còn chúng ta thì rút tài nguyên ra … Chỉ với sự kiện cơ bản đó họ chắc chắn làm tốt hơn,  và chúng ta chắc chắn làm tệ hơn. ‘ Trung uý Landen Thorne, giờ bay như một giám sát viên pháo binh trong một chiếc trinh sát L-19, thình lình thấy lượng quân nhu phân bố cho các khẩu súng của mình bị cắt giảm. Anh nghĩ: ‘Trong một cuộc chiến bạn được cho là phải thắng, bạn phải được mọi thứ mình cần.’ Hoàn toàn như thế.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s