Sự phân chia và cai trị của Moskva : Biên giới Ukraina-Ba Lan là biểu tượng của cả sự đoàn kết quốc tế và mối đe dọa tiếp tục mà chủ nghĩa bài ngoại gây ra đối với dự án châu Âu

Một chiếc xe tăng của Hồng quân ở Rakov trong cuộc xâm lược của Liên Xô vào miền Đông Ba Lan, năm 1939 © akg-images/ Universal Images

Zbigniew Wojnowski

Xuất bản trong Lịch sử Ngày nay tập 72 Số phát hành ngày 5 tháng Năm 2022

Biên dịch:GaD

Sự ủng hộ đông đảo dành cho những người tị nạn Ukraina ở Ba Lan cho thấy hai quốc gia đã vượt qua hàng thập kỷ thù hận lẫn nhau vốn cho phép Nga phân chia và thống trị khu vực.

Thế Chiến 2 đã làm bạo lực sắc tộc lan rộng vùng biên giới Ukraina-Ba Lan. Sự phân chia của Đức Quốc xã-Liên Xô ở Ba Lan năm 1939 và cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô năm 1941 đã mở đường cho sự tiêu diệt dân Do Thái và sự chết đói hàng loạt của người dân Slav ở Ukraina. Việc phá bỏ nhà nước Ba Lan, vốn theo đuổi các chính sách đồng hóa tích cực đối với dân tộc thiểu số Ukraina trong những năm 1930, cũng dẫn đến các chiến dịch thanh lọc sắc tộc hàng loạt. Các chiến binh cực hữu Ukraina đã tàn sát hàng chục nghìn người Ba Lan; du kích Ba Lan đã sát hại hàng nghìn người Ukraina để đáp trả. Sau năm 1945, để dập tắt sự phản kháng, nhà lãnh đạo Stalin trục xuất người Ba Lan khỏi miền tây Ukraina và đưa người Ukraina ra khỏi miền đông Ba Lan. Hitler và Stalin đã phá hủy các vùng biên giới đa sắc tộc nhân danh quyền kiểm soát và trật tự.

Giới lãnh đạo cộng sản Đông Âu hậu chiến đã duy trì sự chia rẽ Ukraina-Ba Lan. Cũng như Putin khẳng định Ukraina phải nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga, những người kế nhiệm Stalin tại Kreml lo ngại việc Ukraina gần gũi biên giới Soviet có thể kéo nó quá xa so với Moskva. Họ huy động lịch sử để cho rằng Nga đã luôn bảo vệ Ukraina chống lại Ba Lan. Họ cũng dựa trên những định kiến ​​bài ngoại thô thiển để cô lập người Ukraina khỏi những ảnh hưởng ‘có hại’ của nước ngoài. Khi các nhà hoạt động của phong trào đối lập Ba Lan Đoàn kết buôn lậu các cuốn sách nhỏ về phía tây Ukraina vào những năm 1980, người dân địa phương đã tham dự các cuộc họp công cộng được dàn dựng cẩn thận, nơi họ nói về ‘người Ba Lan ngốc nghếch’, một ‘chủng tộc côn đồ’. Khách du lịch Ba Lan đã đổ thêm dầu vào lửa khi họ nhắc nhở cư dân địa phương rằng Lviv (hay Lwów) từng là một thành phố của Ba Lan. 

Người Ukraina gặp phải sự thù địch hoặc thờ ơ của phía Ba Lan ở biên giới. Trong thời kỳ hậu Stalin tan băng, các nhà xuất bản Soviet Ukraina đã phát hành nhiều bản dịch từ tiếng Ba Lan hơn bất kỳ ngôn ngữ nào khác bên ngoài Liên Xô, nhưng không một bản dịch nào từ tiếng Ukraina sang tiếng Ba Lan được đưa ra trong vài năm đầu tiên sau khi ‘Bài phát biểu bí mật’ của Nikita Khrushchev tố cáo Stalin năm 1956. Warszawa miễn cưỡng theo đuổi sự hợp tác văn hóa chặt chẽ với Kyiv. Năm 1960, khi báo chí Soviet phát động chiến dịch chống lại chủ nghĩa dân tộc ‘chống Liên Xô’, Đại sứ Ba Lan tại Moskva cảnh báo không nên thúc đẩy quan hệ giữa Ba Lan và Ukraina Soviet mà không có sự chấp thuận rõ ràng của Kreml. 

Moskva tiếp tục dựa vào chủ nghĩa bài ngoại trong chính sách bành trướng của mình. Theo cựu ngoại trưởng Ba Lan, Radosław Sikorski, Putin đã cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Ba Lan rằng Ukraina là một quốc gia ‘nhân tạo’ từ năm 2008, đưa ra ý tưởng rằng Warszawa có thể giành lại những gì từng là miền đông Ba Lan và bây giờ là miền tây Ukraina. Truyền thông Nga ngày nay vẫn lấy những lo ngại về Ba Lan để biện minh cho cuộc chiến ở Ukraina. Tháng Ba 2022, Pravda.ru đã so sánh Ba Lan với một con linh cẩu, sẵn sàng ăn xác chết Ukraina. 

Nhưng lịch sử gần đây cho thấy người Ukraina và người Ba Lan đã chống lại những nỗ lực của Nga để làm sống lại những thù hận cũ. 

Mặc dù được giám sát chặt chẽ, các cuộc tiếp xúc xuyên biên giới giữa Liên Xô và Ba Lan đã nối lại sau cái chết của Stalin. Ba Lan vẫn là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô, nhưng các nhà lãnh đạo của nó đã nới lỏng kiểm duyệt và bắt tay vào ‘con đường quốc gia đi lên chủ nghĩa xã hội’. Đối với các nhà sử học và nhà văn Ukraina, Ba Lan đã tạo cơ hội để giải quyết các chủ đề vốn vẫn là điều cấm kỵ ở chính Liên Xô. Tạp chí Przyjaźń (Tình bạn), xuất bản ở Ba Lan nhưng có ở Ukraina Soviet, đăng các bài báo về sự đàn áp của chế độ Stalin đối với giới trí thức Ukraina. Các nhà xuất bản Ba Lan đã hợp tác với các trí thức Ukraina, những người phải đối mặt với sự đàn áp ở quê nhà. Nhà thơ Lina Kostenko, người đã thúc đẩy giới hạn thể hiện được phép ở Soviet Ukraina trong những năm 1960, tiếp tục xuất bản các tác phẩm của mình ở Ba Lan trong thời kỳ Brezhnev đàn áp hơn. 

Chính những khu vực đang chứng kiến ​​dòng người tị nạn ngày nay là địa điểm của một số nỗ lực thành công nhất để xây dựng cầu nối giữa các nước láng giềng châu Âu. Tại các tỉnh miền tây Ukraina và miền đông Ba Lan, các nhà quản lý nhà máy và giáo viên đã thiết lập các mối liên hệ xuyên biên giới để cải thiện nền kinh tế và giáo dục địa phương. Cái gọi là ‘giao lưu biên giới’, trong đó người Ba Lan và Ukraina dàn dựng các vở kịch và buổi hòa nhạc ở các thị trấn của nhau, đã giúp hồi sinh đời sống văn hóa của các tỉnh bị bỏ quên trước đây của đế chế Soviet.

Du lịch cũng gây bất đồng quan điểm. Những người từ Ba Lan đến Ukraina buôn lậu các ấn phẩm bất hợp pháp liên quan đến các chủ đề như Nga hóa và vi phạm nhân quyền. Các nhà bất đồng chính kiến Ba Lan thời cộng sản đã công nhận chủ quyền của Ukraina trên các vùng lãnh thổ trước đây do Ba Lan cai trị, ủng hộ khái niệm độc lập của Ukraina và nhấn mạnh rằng biên giới Ba Lan-Ukraina trong tương lai phải dễ dàng qua lại. Chính sách đối ngoại của Ba Lan, dựa trên những ý tưởng được phát triển bởi các nhà bất đồng chính kiến ​​thế kỷ 20, vẫn kiên định bác bỏ bất kỳ yêu sách nào trên lãnh thổ Ukraina.

Ý tưởng châu Âu đã đưa người Ukraina và người Ba Lan xích lại gần nhau hơn. Một xã hội dân sự sôi động đã phát triển ở Ukraina trong thế kỷ 21, dựa trên quan điểm lý tưởng hóa về nền dân chủ và thịnh vượng của châu Âu, nhưng cũng là những ký ức về sự lạm quyền rất thực tế ở Liên Xô cũ. Kể từ năm 2014, Ukraina đã thiết lập các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị chặt chẽ với các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu. Trước tháng Hai 2022, hơn một triệu công dân Ukraina đã sống và làm việc tại Ba Lan. Cuộc đấu tranh vũ trang của Ukraina để duy trì ở châu Âu và sự xuất hiện của những người tị nạn hiện đã huy động xã hội dân sự Ba Lan trên một quy mô chưa từng có. 

Putin quay trở lại với một hệ thống chính trị dựa trên sự chia rẽ sắc tộc, nhưng cuộc xâm lược của ông chỉ khiến việc hình dung tương lai của cộng đồng châu Âu không có Ukraina trở nên khó khăn hơn./.

Zbigniew Wojnowski, Giảng viên Lịch sử cao cấp, Đại học Roehampton.

https://www.historytoday.com/archive/history-matters/Moskvas-divide-and-rule

Bình luận về bài viết này