Lê Tư
Cái chết của Phan Thanh Giản gắn liền với sự kiện mất sáu tỉnh Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường vào năm 1862, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào năm 1867.
Về hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông, lời bàn xưa nay rất nhiều, chỉ xin tóm gọn các nhận xét hợp lý nhất so với dữ kiện và tình huống có thực, như sau:
– Phan Thanh Giản không đứng tên bằng khoán nước Đại Nam, chủ bằng khoán chính là Hoàng đế Tự Đức. Quan Phan chỉ thương thảo theo chỉ đạo từ vua chứ không có quyền tự quyết định vận mệnh lãnh thổ. Văn bản cụ ký với phó Đô đốc Louis Adolphe Bonard và Đại tá Palanca y Guttierez(1) chưa có giá trị mà chỉ hiệu lực khi triều đình ba nước Phú Lãng Sa, Y Pha Nho và Đại Nam chuẩn y. Trong thực tế, Tự Đức đã đồng ý và phê duyệt. Nhiệm vụ chính của quan Phan trong vụ này là nhận trách nhiệm thất bại thay cho Hoàng đế.
– Hiệp định năm 1862 phản ánh đúng cán cân chiến trường. Pháp đã liên tiếp đánh lui hai đạo quân chủ lực mạnh nhất của triều đình Huế dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Bá Nghi, thực chiếm bốn tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long. Đòi hỏi cụ Phan, trên bàn hội nghị, giành lại những gì Đại Nam không giữ được bằng quân lực thì vô lý và vô nghĩa.
Những ai nghĩ rằng bộ trưởng ngoại giao hay trưởng đoàn đàm phán có thể ký nhượng đất đai không cần chấp thuận của chính quyền trung ương, hoặc những ai nghĩ rằng cương thổ bị mất vì thua trận có thể thu lại được qua bàn đàm phán thì xin vui lòng nghĩ lại.
Về trường hợp mất ba tỉnh miền Tây, nếu cụ Phan lâm thế yếu phải nương vào luật pháp, ở đây là hòa ước Nhâm Tuất, thì thực dân Pierre-Paul de la Grandière(2) chẳng bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn đạo đức hay pháp lý nào. Sự biến ghi lại trong Đại Nam Thực lục cho thấy người Pháp đã hộ tống Phan Thanh Giản từ soái thuyền quay lại rồi nhân cơ hội tràn vào thành. Hành vi khống chế một ông lão để chiếm mục tiêu khác gì hành vi của tên vô lại cặp cổ phụ nữ để khiến người chồng theo ý muốn? Phía Đại Nam chủ quan vì cố giữ niềm tin vào thỏa thuận, phía Pháp hoàn toàn không tin vào chữ ký của nguyên thủ nước mình.
De la Grandière cùng cộng sự bằng nhiều cách đồng bộ tung tin quan Kinh lược tự ý đầu hàng và nộp thành,(3) nhằm nhiều mục đích:
– Tránh khiển trách từ Paris vì Bộ trưởng Hải quân & Thuộc địa Rigault de Genouilly,(4) theo thư từ chính thức, chưa cho phép Thống soái Nam Kỳ gây rắc rối ở ba tỉnh Long An Hà.
– Gây nhiễu phản ứng dự kiến sẽ mãnh liệt của dân chúng Nam Kỳ nếu họ biết thực chất vụ lật lọng chính trị.
– Tung hỏa mù với Huế. Về mặt chính thức, cố Trường đến Huế thông báo Pháp sáp nhập 3 tỉnh Tây vào 3 tỉnh Đông chứ không nói Phan Thanh Giản đầu hàng.
– Hợp lý hóa hoạt động quân sự theo kiểu bất xứng với địa vị cường quốc văn minh.
Sách vở Pháp đầy những lời được cho là của Phan Thanh Giản, người bị họ bức tử, ca ngợi nước Pháp.(5) Cách tuyên truyền chính trị dù thô thiển vẫn hấp dẫn những “học giả” nhẹ dạ. Chưa rõ tại sao nhiều tác giả Việt lại tin tưởng các ghi chép cá nhân của sĩ quan Pháp hơn tin vào sử liệu chính thức như Đại Nam thực lục hay Châu bản. Thông điệp từ cụ Phan sẽ rất thuyết phục nhưng khó biết chính xác cụ nghĩ gì trong những ngày làm tù nhân tại Vĩnh Long. Trong vòng giam lỏng quan Kinh lược chỉ để lại di biểu nhiều hàm ý và hai bài thơ gợi suy tưởng. Chúng ta tìm hiểu các văn bản này sau. Tuy nhiên có thể cảm thấy phần nào tâm nguyện của cụ qua cuộc nổi dậy của Phan Liêm-Phan Tôn không lâu sau ngày cụ mất.
Những ai đinh ninh vào thư tịch Phú Lãng Sa mà bỏ qua khâu kiểm chứng, hoặc những ai tin vào bình phẩm của bọn người cách chiến tuyến hằng nghìn cây số thì, thay vì nghiên cứu, xin vui lòng tham gia hội trà dư tửu hậu.
Vấn đề Phan Thanh Giản rất cũ, từng được nhìn qua nhiều lăng kính nên hình ảnh hiện ra cũng khác nhau, từ khuôn mặt vị thần trung trinh đến bóng dáng kẻ hèn bán nước. Mâu thuẫn như vậy bởi tư liệu về ông rất dồi dào, có nguồn chính thống được ghi chép theo phương pháp nghiêm ngặt, có tự sự cá nhân ít nhiều thiên kiến, có chứng từ giả được tạo ra với mục đích chính trị, có cả tưởng tượng được mô tả như sự thật… Bài viết này chủ yếu khai thác sử liệu từ nhà nước Đại Nam vì sử gia chỉ ghi nhận sự việc mà không bình luận; nhằm kiểm soát các ghi chép đó, chúng tôi sẽ đối chiếu chúng với thông tin từ người đương thời có dính líu đến nội vụ. Về ký sự của các sĩ quan thực dân, thiển nghĩ, chúng chỉ ở tầm giá trị như gia phả Việt Nam. Nếu phả hệ có ngày giỗ kỵ là đúng nhất thì bút ký cũng vậy, chỉ đáng tin nhất vào ngày tháng của sự kiện. Nhiều chi tiết quan trọng về Phan Thanh Giản được viết bằng tiếng Pháp nhưng không ít có vấn đề về tính xác thực. Câu chuyện phía Pháp thuật lại thường pha trộn giữa dữ kiện thật và bịa đặt vô bằng nên chúng tôi chỉ dùng những thông tin có đối ứng từ các nguồn khả tín khác.
Điếu Phan Thanh Giản(6)
Non nước tan-tành, hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao-châu.
Ba triều công-cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương-thường một gánh thâu.
Trạm bắc ngày chiều tin điệp vắng,
Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Minh-sanh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thu.
Tác giả không chỉ khóc quan Phan, ông còn khóc phận mình, một thần dân mất nước mất vua. Phan Thanh Giản như chiếc cầu nối giữa triều đình và giới sĩ phu mà Nguyễn Đình Chiểu là thành viên. Nhịp cầu gãy, đất bằng trôi dạt. Đó là đoạn khi nhắc đến khiến “anh hùng rơi lụy mãi!” Xin lắng tâm nghe rung động sâu xa. Sẽ vĩnh viễn lạc loài với văn chương Đồ Chiểu nếu lấy bụng toan tính để đo tấm lòng của con người chân thành hết mực này.
Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao-châu.
Ngao-châu là quê cụ Phan với tên dân dã “Gãnh Mù U”, do đó có dị bản của Nguyễn Liên Phong ghi rằng “Ngùi ngùi mây trắng cõi Mai-châu”. Có thể hiểu “mây bạc” dựa theo hai điển tích, một như Phan Văn Hùm đã hiểu là chỉ “người chết về trời”; hai như câu chuyện Địch Nhân Kiệt đời Đường chỉ đám mây mà nói: “nhà cha mẹ ta dưới đám mây trắng kia”. Nó ám chỉ lòng kính trọng của dân chúng đối với vị quan phụ mẫu họ Phan, đồng thời thể hiện cảm giác lẻ loi của đứa con xa lìa cha mẹ.
Ba triều công-cán vài hàng sớ
Sáu tỉnh cương-thường một gánh thâu.
Pháp chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên lần lượt vào các ngày 20-6-1867, 23-6-1867, 24-6-1867. Quan tướng An Hà được tàu Pháp đưa về tập trung tại dinh Tổng đốc Vĩnh Long vào ngày 27-6-1867. Ngày 7-7-1867 Pháp trả các quan về Bình Thuận. Niết ty An Giang Phạm Viết Chánh đang bệnh nặng xin về quê tĩnh dưỡng, chỉ còn Phan Thanh Giản ở lại trong căn nhà nhỏ gần tỉnh thành. Tại đây, sau khi thu xếp lấy lại được một số tài sản công, ông gửi tất cả về Huế kèm theo phẩm phục, sắc phong, ấn triện và tờ sớ nhận trách nhiệm việc không giữ nổi bờ cõi.
Lời sớ ghi trong Thực lục như sau: “Nay đang lúc gặp vận bĩ, giặc nổi lên ở ngoài Kinh kỳ, yêu khí khắp biên giới, việc bờ cõi ở Nam Kỳ nay đến như thế, nhanh chóng có thể không thể ngăn được, tôi nghĩa nên chết không dám tạm sống, để hổ thẹn đến vua cha. Hoàng thượng rộng biết xưa nay, xét kỹ trị loạn, thân công hiền thần trong ngoài cùng lòng giúp đỡ, kính cẩn Trời, Phật, vỗ thương dân nghèo, lo trước tính sau, thay đổi đường lối, thế lực còn có thể làm được, tôi đến lúc sắp chết nghẹn lời không biết nói gì, chỉ ứa nước mắt trông về Kinh mà mến tiếc, mong muốn vô cùng mà thôi.” (Thực lục 7, 1058-59)
Theo nội dung trên, thời điểm viết sớ phải vào cuối tháng 7-1867, sát ngày Phan Thanh Giản uống thuốc độc. Điều quan trọng nhất cụ dâng lên Tự Đức là đề nghị triều đình thay đổi đường lối, quan tâm tầng lớp dưới. Cụ Phan quan niệm sự nghiệp canh tân không chỉ vua quan làm được mà phải cần sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Hai câu thực ca ngợi tinh thần tự nhiệm đến mức xả kỷ của quan Kinh Lược. Công nghiệp trải ba đời vua được chấm dứt bằng cách hoàn trả mọi ân sủng. Ngược lại, cụ Phan dưới tư cách nho thần xin một mình nhận trách nhiệm việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ.
Trạm bắc ngày chiều tin điệp vắng,
Thành nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Rơi vào tay Pháp nên liên lạc giữa 3 tỉnh và triều đình bị đứt. Nguyễn Đình Chiểu cực tả cái ngơ ngác quạnh quẽ của khu vực khi bị cắt khỏi sự trông nom của vua Đại Nam. Chúng ta từng biết tâm trạng chơi vơi của nhà nho khi thiếu vương chủ qua thơ văn Nguyễn Trãi. Nỗi lòng tương tự của ông Đồ nổi rõ khi đối chiếu cặp luận với hai câu trong “Văn tế Trương Định” bên dưới. Cách bức càng buồn khi mỗi đêm chỉ còn tiếng chim kêu ai hoài nước cũ.
Một kỳ nhân ẩn danh khái quát hoạt động của Phan Thanh Giản trong thời gian còn lại tại Vĩnh Long qua văn phong hùng tráng. Ngôn từ sắc sảo khiến ta phải nghĩ tác giả là trí thức Minh Hương hoặc gốc Hoa, có lẽ ông ấn tượng mạnh với công việc cụ Phan tiếp tục như thu gom tài sản, vũ khí để gửi về Huế mặc dù nằm trong kiềm tỏa của giặc Pháp. Ông có nhận xét rất “Hoa” về tư cách người tù đặc biệt:
Trương Lương dựa vào Hán nhưng chẳng phải bầy tôi nhà Hán
Quan Vũ trú đất Tào nhưng không xem Tào là đế của mình.
Trương tiên tá Hán phi thần Hán
Quan thánh cư Tào bất đế Tào.(7)
Minh-sanh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ đây mặc gió thu.
Về “minh sanh chín chữ”, nên đọc quyển Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “quan Phan” Phan Thanh Giản của Winston Phan Đào Nguyên.(8) Chúng tôi đồng ý với ông Nguyên nên lập lại nhưng có bổ sung chút ý riêng.
Quan Phan là nho sĩ, không tin dị đoan, thậm chí cụ còn định bỏ minh sanh trong đám tang của mình. Đồ Chiểu cũng thế, ông ghét triết lý ngoài Nho giáo. Dù con cháu họ Phan còn giữ tờ hoa tiên ghi lời cụ dặn đề 11 chữ lên lá triệu nhưng chúng tôi vẫn nghĩ cả hai vị đều không chú trọng ngay bản thân lá triệu huống hồ số chữ. Riêng “chín chữ” của Đồ Chiểu thì thuần ngôn ngữ thơ, biểu trưng phẩm chất người đã khuất. Nó giống tấm da ngựa bọc thây võ tướng Trương Định. Hàm nghĩa “tấm da ngựa” và “minh sanh không ghi chức tước” tương thích với hoàn cảnh từng chủ nhân. Dăm cây bút mãi lẩn quẩn trong “quỷ, khốc, linh, thính” do thuộc ngoại vi văn hóa Đồng Nai-Gia Định. Họ sơ sài về ngôn ngữ lẫn vốn sống nên không hiểu rằng một cách diễn đạt được bên này núi ngưỡng mộ vì thâm thúy, nhưng bên kia núi nó có thể bị coi rẻ vì khôn vặt. Đồ Chiểu thương ghét rõ ràng, đọc văn ông không tìm nổi câu từ nào bộc lộ ý xiểm xúc vòng quanh. Bức bách chi đó có thể hại nhau ngoài đời nhưng người bình thường sẽ không lợi dụng đám tang để bôi bẩn hương linh. Dám làm vậy, thậm chí nghĩ nông nổi như vậy, chỉ có phường đê tiện.
Thơ ca xưa thường gọi gió xuân là “đông phong”, gió thu là “tây phong”. Tây phong ở đây chỉ giặc Pháp như câu cảm thán Nguyễn Thông viết về cái chết của Nguyễn Duy trong trong trận Chí Hòa: “Tây phong phiêu đại thụ, Gió Tây thổi ngã cội cây lớn.” Vậy câu 8 tỏ ý lo lắng giặc Tây sẽ thả sức tung hoành khi cụ Phan không còn nữa.
Bài điếu hiển nghĩa rõ ràng qua so sánh với trích đoạn “Văn tế Phó Quản cơ Trương Định” dưới đây:
Khóc là khóc: nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi;
Than là than: bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại.
Tướng-quân còn đó, các nơi đạo-tặc thảy kiêng-dè;
Tướng-quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa-binh thêm bái-xái.
Nào đã đặng mấy hồi [nơi] thích-lý, màng (màn) hùm che mặt rằng xuê;
Thà chẳng may một giấc chốn trường-sa, da ngựa bọc thây mới phải.
Ôi!
Trời Bến-nghé mây mưa sùi-sụt, thương đứng anh-hùng gặp lúc gian-truân;
Đất Gò-công cây cỏ ủ-ê, cảm niềm thần-tử hết lòng trung-ái…”(9)
Chúng ta tạo các đẳng thức sau:
Trời Bến-nghé mây mưa sùi sụt, đất Gò-công cây cỏ ủ ê = Non nước tan tành, hệ bởi đâu? Dàu dàu mây bạc cõi Ngao-châu.
Thương đứng anh-hùng gặp lúc gian-truân = Ba triều công-cán vài hàng sớ
Cảm niềm thần-tử hết lòng trung-ái = Sáu tỉnh cương-thường một gánh thâu.
Than là than: bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại = Trạm Bắc ngày chiều tin điệp vắng
Khóc là khóc: nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi = Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Thà chẳng may một giấc chốn trường-sa, da ngựa bọc thây mới phải = Minh-sanh chín chữ lòng son tạc
Tướng-quân còn đó, các nơi đạo-tặc thảy kiêng dè; Tướng-quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái = Trời đất từ đây mặc gió thu.
Hi vọng các đẳng thức trên khiến ý nghĩa vài câu thơ quá ngắn gọn được sáng tỏ hơn.
Trở lại thời điểm trước khi các bên ký kết hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862.
Khi Nguyễn Tri Phương trúng thương phải bỏ đại đồn Chí Hòa để lui về Thuận Kiều, Tây Thới rồi Biên Hòa (2-1861), vua Tự Đức liền sai Nguyễn Bá Nghi vào chỉ huy quân tăng viện. Nghi thường bị chê là chủ hòa, tuy nhiên, xem lời tâu về thực lực hai bên thì thấy ông suy nghĩ khá khoa học:
“Tôi vẫn nghe người nhà binh nói: người Tây dương tàu thì chở đi như bay, súng thì bắn suốt được thành đá vài nhận, bắn xa hơn 10 dặm. Có được vài thứ binh khí ấy, muốn đánh khó lòng đánh được họ, muốn giữ cũng khó lòng giữ được họ. Nhưng lòng tôi vẫn chưa tin. Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 7, thuyền Tây dương đến Đà Nẵng bắn phá 5 chiếc thuyền bọc đồng lớn của ta mà không đầy vài khắc. Lúc ấy tôi quyền Bố chính Quảng Nam, chính mắt đã trông thấy, mới tin là thật. Từ 3 – 4 năm nay, lính ta không phải là không dũng cảm, súng ta không phải là không mạnh, thành lũy của ta không phải là không bền, thế mà không đánh được Tây dương là vì thuyền súng của họ rất tốt, đạn súng bắn đi xa mà mạnh đấy thôi. Nhưng các quan ở quân thứ, không biết tính sức mình sức giặc, miễn cưỡng đánh mãi, đến nỗi nay lại có việc thất bại ấy.” (Thực Lục 7, 715)
Hãy xem loại trang bị chủ yếu Pháp đã dùng để tiêu diệt hạm đội hoàng gia tại Đà Nẵng năm 1847 và phá hủy đồn Chí Hòa năm 1861.
Loại vũ khí đánh đắm nhanh chóng 5 chiến thuyền Đại Nam được mệnh danh là pháo Paixhans. Đây là loại hải pháo đầu tiên trên thế giới phóng đầu đạn nổ. Trước khi đến Đà Nẵng, pháo Paixhans trên khinh hạm Gloire từng buộc pháo đài San Juan de Ulúa đầu hàng và sau đó hỗ trợ thủy binh Pháp đột kích hiệu quả thành phố Veracruz ở Mexico (1838). Pháo Paixhans cũng chính là loại được lắp trên các chiến hạm USS Mississippi và USS Susquehanna dưới quyền Đô đốc Hoa Kỳ Matthew Calbraith Perry, chúng góp phần quan trọng trong màn trình diễn vũ lực ở vịnh Edo (1853) khiến Nhật Bản phải mở cửa thông thương. Tầm bắn chính xác của Paixhans vào khoảng 3500 mét.
![]() Khinh hạm Gloire tại Mexico https://bit.ly/3eFX9we |
![]() Pháo Paixhans |
Vũ khí phá vỡ hệ thống phòng thủ của Đại đồn Chí Hòa là hai cỡ đại bác bắn được nhiều loại đầu đạn nổ nặng khoảng 4 kg và 12 kg. Ngoài ra còn có sơn pháo bắn loại đạn 4 kg. Theo Léopold Pallu, sĩ quan hải quân Pháp tham gia trận đánh, nòng đại bác có khương tuyến nên việc tác xạ rất hiệu quả.(10) Tầm bắn của pháo nòng rãnh vào khoảng 3.000 mét. Pallu không nói rõ bộ binh Pháp trang bị súng loại gì nhưng có thể đoán được họ dùng súng trường tiêu chuẩn Minié, là loại súng cá nhân nạp đạn qua nòng rãnh,
bắn xa được 1.200 mét, tốc độ bắn trên dưới 3 phát mỗi phút.
![]() Pháo nòng rãnh nạp tiền |
![]() Súng trường nòng rãnh Minié (1853) |
Thần công quân Đại Nam chủ yếu bắn đạn viên tròn hoặc đạn bươm bướm, tầm bắn khoảng 1.000 mét đến 1.200 mét. Lính đại đồn dùng súng điểu thương nòng trơn(11) tầm bắn dưới 300 mét và gươm, giáo.
![]() Súng nòng trơn Saint Étienne (1840) |
![]() Thần công thành Điện Hải Đà Nẵng (1847) |
Như vậy, cuộc đối đầu giữa hải quân hai nước tại Đà Nẵng năm 1847 thuần túy là cuộc tàn sát tiến hành đơn phương bởi người Pháp. Trận Chí Hòa kéo dài được hai ngày nhờ các lũy đất cốt tre, tuy nhiên, quân Pháp đã vô hiệu hóa từ xa các cụm hỏa lực chủ yếu của Đại Nam để tiếp cận chân thành. Bá Nghi tự nhận quân Nam dũng cảm, Pallu cũng công nhận điều đó. Nhưng khoảng cách hiệu quả chiến đấu giữa hai bên, tiếc thay, lại sinh ra từ khoảng cách công nghệ. Súng Pháp bắt đầu có nòng khương tuyến, súng ta thì không. Pallu ngạc nhiên vì quân Việt rút lui khi lính Tây lọt vào đồn chứ không đánh ở khoảng cách gần. Ông nghĩ cách nhau mươi bước thì súng nòng loe lạc hậu vẫn sát thương tốt như súng trường hiện đại.(12) Các tác giả Pháp vẫn thường có những nhận xét “sến sẩm” như thế, tương tự như Paulin Vial “ngạc nhiên” không hiểu sao triều đình Huế lại thình lình đồng ý ký hiệp ước năm 1862.(13) Pallu không màng đến việc Bộ tư lệnh quân Đại Nam hầu như bị xóa sổ với vết thương của Tổng thống Nguyễn Tri Phương và cái chết của Tán lý Nguyễn Duy, Tán tương Tôn Thất Trĩ.… Nguyễn Duy tử trận chỉ còn lại chiếc áo, dường như một quả đại bác nào đó đã rơi trúng vị trí các chỉ huy và quyết định số phận Đại đồn.
Nhà Nguyễn đã chống xâm lược Pháp một cách kiên quyết, tận lực dù việc đó quá sức họ. Không kể đến các tiểu quốc Đông Nam Á nội lực mỏng manh, dễ bị đàn áp bởi phương Tây, một số vương quốc hạng trung và lớn ở châu Á có nhiều lựa chọn để đương đầu. Nhưng vì sao Nhật Bản và Xiêm La có thể “ngoại giao cây tre” thành công để tìm cơ hội còn Đại Nam và Đại Thanh chỉ biết đánh mãi cho đến khi kinh thành thất thủ? Thiển nghĩ, đó là do cả Đại Nam lẫn Đại Thanh đều sở hữu hệ thống cai trị chuyên chế ở mức cao và cũng do quan niệm nguồn gốc quyền lực đến từ trời. Bộ máy điều hành Nhật Bản nằm trong tay Mạc phủ nên người ký hiệp định với đô đốc Perry chỉ là Tướng quân Tokugawa Iesada. Có lẽ cả Thiên hoàng lẫn Tướng quân đều không cảm thấy bản thân tượng trưng cho quyền lực tuyệt đối vì tồn tại những giới hạn mà mỗi bên khó thể vượt qua nhằm duy trì trạng thái cộng sinh. Triều đình Xiêm La lại ảnh hưởng thể chế kiểu Ấn Độ, trong đó quý tộc võ sĩ phải có sự tôn kính nhất định đối với giới tăng lữ mà vào giữa thế kỷ 19 là các sư sãi Phật giáo. Môi trường phân quyền như thế khiến các nhà lãnh đạo nhạy bén hơn khi cần thiết phải điều chỉnh hành vi để hướng đến lợi ích chung. Ngược lại, vua Việt và Tàu nắm cả thế quyền lẫn thần quyền, nhà vua chỉ huy các tướng, điều khiển trăm quan, lại chủ trì cả lễ tế giao. Tinh thần duy ngã độc tôn thâm căn cố đế khiến các vị quốc chủ khó cam tâm lắng nghe ý kiến của di rợ đến từ phương Tây. Họ ngạo nghễ, hoang đường, cuồng chiến nên chỉ dừng lại khi quân đội rệu rã tới mức bất lực trong việc bảo vệ ngai vàng.
Phan Thanh Giản và Trương Định là hai mặt của một chính sách chống xâm lăng chủ trương bởi vua Tự Đức. Cụ Phan thuộc mặt nổi nên có thể mù mờ, chứ không hẳn là không biết, về việc nhóm kháng chiến được ủng hộ bởi triều đình; nhưng Trương Định thì không thể nhầm, ông lấy vợ lẽ là em cô cậu của Thái hậu Từ Dụ, lại nhận chi viện kín đáo từ nhà vua nên hiểu rõ nhiệm vụ giải thể nghĩa quân trớ trêu của quan Phan hơn ai hết. Đại Nam Thực lục, vào mùa đông năm 1862, có chép lời Tự Đức từ chối tiếp tục ra dụ răn Trương Định bãi binh. Châu bản tháng 10 năm 1863 ghi nhận sự kiện Chủ sự bộ Lại Phạm Tiến Túc đề nghị triều đình giao cho Bình Tây nguyên soái một số công tác.(14) Gắn câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” lên cờ Trương Định chỉ là bịa tạc của kẻ ngoài cuộc vì khẩu hiệu đó thể hiện ý chí đập phá, ly tâm hơn là lòng ái quốc.(15) Ngôn từ kích động gây hại cho chính quyền như thế nếu không phải xuất hiện khá muộn vào thời thịnh hành khái niệm đả thực bài phong, thì nhiều khả năng đến từ chính người Pháp, họ muốn gieo rắc ngộ nhận để kích thích hoang mang trong lòng nước Đại Nam vốn chưa đủ thời gian gắn kết, góp phần đẩy nhanh sự phân rã của vương quốc trước cuộc tiến công nhiều mặt vừa kiên trì vừa thâm hiểm. Chúng tôi không tìm thấy nhóm nổi dậy nào vừa chống Pháp vừa chống triều đình trong quãng 1862 – 1884 để gắn kết với câu tuyên án trên.
Mẫu “đề cờ” hết sức lạc điệu nếu đối chiếu với lời Nguyễn Đình Chiểu khen ngợi tinh thần trung quân ái quốc cho đến chết của bầy tôi Trương Định như đã dẫn ở trên:
Đất Gò-công cây cỏ ủ-ê, cảm niềm thần-tử hết lòng trung-ái.
Để tránh hiểu nhầm xin diễn giải rõ ràng ý tứ câu văn của ông Đồ: Cây cỏ đất Gò Công buồn thảm vì cảm được lòng trung với Tự Đức và tình yêu với Đại Nam của kẻ tôi con Trương Định.
Đồ Chiểu lập lại ý “ái quốc trung quân” với bài “Điếu Phan Công Tòng”:
Cơm-áo đền-bồi ơn đất nước
Râu-mày giữ-vẹn phận tôi con.(16)
Hầu hết nho sĩ Lục châu đều tự hào về đức trung hiếu của bản thân hoặc của các anh hùng đáng nể trọng. Như Hồ Huân Nghiệp đánh đổi cả mạng sống để thể hiện lý tưởng:
Thấy việc nghĩa lẽ nào cam chịu, không can đảm đứng ra làm?
Vẹn tròn trung hiếu xứng đáng là đấng nam nhi.
見義寧甘不勇為 Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi,
全憑忠孝作男兒 Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi.(17)
Huỳnh Mẫn Đạt tán tụng sự hi sinh điềm tỉnh để đền đáp ơn vua-cha của Nguyễn Trung Trực:
Việc phi thường xảy ra trong một sớm, nêu cao tiết nghĩa,
Lẫm liệt báo ơn vua và ơn cha, toàn vẹn hiếu trung.
一旦非常標節義 Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa,
兩全無畏報君親 Lưỡng toàn vô úy báo quân thân.(18)
Một nhà thơ khuyết danh khóc sĩ dân bỏ mình vì nước, vì vua:
Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu?
Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà nên đống.(19)
Đôi liễn treo tại đền thờ Nguyễn Hữu Huân, tương truyền do ông tự đặt, khẳng định cái chết để đền đáp ơn vua.
Chí hướng không bày tỏ được, uổng cả đời giải dị nghị của thiên hạ
Công nghiệp chẳng viên thành, chỉ còn đem cái chết để báo ơn vua.
有志難伸空枉百年昭物議 Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị,
雖功不就亦將一死報君恩 Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân. (cạnh trái bia mộ Nguyễn Hữu Huân)
Nguyễn Đình Chiểu chưa bao giờ hết hy vọng vào đấng quân phụ:
Bao giờ thánh-đế ơn soi thấu?
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.(20)
Trong buổi điên đảo, nhờ nhuần thấm ý thức Nho giáo nên sĩ dân sáu tỉnh đa số đồng lòng đoàn kết ủng hộ nhà nước. Họ xả thân bảo vệ cương thổ vương quốc. Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân…đều được Tự Đức quan tâm hỗ trợ ngấm ngầm, hết mức trong khả năng có hạn của triều đình, cả trước lẫn sau hòa ước. Cuộc tranh đấu chung chính là để bảo vệ lối sống ngàn đời của dân Việt.
Thời gian sau hòa ước 1862 quân chủ lực Đại Nam đã làm gì? Nguồn lực quốc gia rót về đâu? Chúng ta hãy nghe lời nhân chứng Phạm Phú Thứ.
Bấm đốt tính, việc động binh kéo dài năm năm.
(Đã) khiến người chết, kho tàng tiêu phí, nước hầu như trống rỗng…
Giặc phía bắc lại bất ngờ trổi dậy
Tụ tập như ong ở các xứ Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh
Khi đó sao chổi xuất hiện cùng hạn hán lũ lụt
Từ năm Ngọ (1858) đến năm Tuất (1862) không năm nào không có
Đường vận chuyển đều bị nghẽn
Đúng lúc giặc biển bùng lên như lửa cháy
Mở đường núi, cải tiến cách vận lương đường thủy đều không hiệu quả
Gạo hết, dân đói, loạn không ngừng
Triều đình thiếu lính giỏi để khắc phục lũ hung ác
Then máy lỏng lẻo có thể bị lợi dụng để làm việc khuynh đổ không?
屈指軍興五稔申 Khuất chỉ quân hưng ngũ nẫm thân
殺人糜帑國幾空 Sát nhân mi thảng quốc cơ không…
北匪乘虛蠢動 Bắc phỉ thừa hư xuẩn động
海安西北處處如屯蜂 Hải An Tây Bắc xứ xứ như đồn phong
是辰星孛兼旱水 Thị thời tinh bột kiêm hạn thủy
自午至戌無歲止 Tự ngọ chí tuất vô tuế chỉ
運道倂為梗 Vận đạo tính vi ngạnh
洋氛正如燬 Dương phân chính như hủy
通山改漕更不效 Thông sơn cải tào cánh bất hiệu
向匱民饑亂未弭 Hướng quỹ dân cơ loạn vị nhị
朝廷服暴非佳兵 Triều đình phục bạo phi giai binh
機苟可乘利傾否 Cơ cẩu khả thừa lợi khuynh phủ?
Như vậy, hai chiến dịch đề kháng tại Đà Nẵng và Gia Định đã rút kiệt tài nguyên đất nước. Miền bắc bị đói do thiên tai nhưng trung ương không cứu trợ nổi vì đường vận lương tắc tị, phiến loạn tiến đánh quan phủ, đồ sát quan lại trong khi binh lính không đủ và cũng không có phương tiện để chuyển ra điểm nóng. Nguyễn Bá Nghi từng tâu vua về hoạt động ngưng trệ trên biển, được ghi nhận trong Đại Nam Thực lục như sau:
“Vả lại, bờ biển của nước ta dài suốt, mà từ lúc đánh nhau với họ đến nay, những lính thủy thuyền quân, vì tránh cái sở trường của họ đã bỏ đấy không dùng, thế là binh lực của ta đã giảm đi một nửa, chỉ cậy có súng lớn và thành lũy làm kế đánh giữ, mà việc đánh giữ lại khó làm lắm.” (Thực lục 7, 715)
Thủy binh nhà Nguyễn bị hạn chế hoạt động do hải quân Pháp kiểm soát mặt biển. Điều này dẫn đến việc hoành hành của hải phỉ và sự bất lực của chính quyền trong điều chuyển nguồn lực quốc gia. Đại Nam Thực lục phản ánh tình trạng bi đát trước khi ký hòa ước:
Tháng 6 niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859): “Thuyền Tây dương đốt thuyền vận tải (5 chiếc), thuyền buôn (3 chiếc) ở ngoài biển Quảng Trị, Quảng Bình (khi ấy thuyền Tây dương thường đi lại ở ngoài biển, gặp thuyền vận tải và thuyền buôn, thuyền đánh cá đều bắn và đốt cháy). Việc ấy đến tai vua. Chiểu cấp khẩn lương cho bọn thuyền buôn (76 tên, mỗi tên 10 uyển gạo).” (Thực lục 7, 621)
Tháng 3 niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860): “Hộ đốc Bình – Phú là Bùi Quỹ tâu nói: Hiện nay đường biển bị nghẽn, gạo miền Nam ít chở đến, giá gạo mỗi ngày càng đắt hơn lên. Xin tạm thôi lệnh cấm. Trừ xét ra kẻ gian thương nào có tình trạng chở trộm gạo định đem đi Hạ Châu, ngầm đến các đảo để bán, sẽ chiểu luật trị tội thì không kể, còn như có thuyền nào chở đi Nam Kỳ mua gạo đem về bán, thì không cần hỏi có giấy cho phép hay không, đều cho đem gạo ra bán. Đợi khi việc chiến tranh ngoài biển yên hẳn, sẽ theo lệ trước thi hành.” (Thực lục 7, 652)
Tháng giêng niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862): “Khi ấy những thuyền chở lương thực và khí giới phần nhiều bị thuyền Tây dương đốt cháy. (Từ tháng chạp năm ngoái tới nay cộng mất 25 chiếc thuyền và hơn 20.080 phương gạo). Vua sai dồn những thuyền nhanh nhẹ thành từng đoàn, đêm thì lừa khi thuận tiện chở đi, ngày thì tùy phương ẩn đậu vào chỗ yên ổn. Về tiền gạo thì do Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, liệu thu chứa, thuê thuyền chuyển tải đi, về súng lớn súng nhỏ thì do tỉnh Bình Thuận tải đi đường bộ.” (Thực lục 7, 758)
Chỉ riêng việc thất bại trong duy trì an ninh tuyến vận tải ven biển cũng đủ khiến nước Đại Nam với mạng lưới đường bộ thô sơ dần chìm đắm không thể nào ngoi lên được.
Theo cảm nhận của Phạm Phú Thứ, rối loạn ở miền bắc có thể đẩy vương quốc đến bờ nghiêng đổ. Giữ lại Bắc Kỳ là hy vọng tha thiết của Tự Đức vì đó là nơi còn thu thuế được nếu mất Nam Kỳ. Người Pháp hiểu rõ tâm tình Đại Nam hơn nhiều “sử gia” Việt hiện đại. Mùa hè niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), họ dong thuyền đến cửa Thuận An đánh tiếng xem Huế có muốn nghị hòa không (có tài liệu cho rằng Pháp đến theo yêu cầu của Đại Nam). Triều thần lập tức ủng hộ, Tự Đức nhanh chóng đặt cọc tiền bồi thường quân nhu 1.000 lạng bạc thay vì 100.000 quan tiền, đồng thời sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp vào Sài Gòn đàm phán. Hiệp ước được ba bên ký kết vào ngày 5 tháng 6 năm 1862. Cụ Phan chính là con cờ thí của vua nhằm đạt hòa hoãn tại Nam Kỳ, dành sức cho đại sự bình định Bắc Kỳ. Phạm Phú Thứ nói thẳng tuột vai trò quan Phan trong thương nghị như sau:
Năm trước hòa ước lập thành
Đành làm tội nhân để thư hoãn mối khẩn cấp.
昔年和約立 Tích niên hòa ước lập
甘作罪人紓緩急 Cam tác tội nhân thư hoãn cấp
Vụ này cả cụ Phan lẫn Tự Đức đều diễn rất sâu. Mất đất vì trưởng đoàn đàm phán sai, vua ta không bao giờ sai.
Phiến loạn phía Bắc gồm những ai, động cơ và mục đích là gì? Hãy theo dõi ghi chép trong Đại Nam Thực lục:
Tháng 5 niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861): “Nước Y Pha Nho phái một chiếc tàu máy hơi nước đến quân thứ Biên Hòa đệ thư yêu cầu. (Trong thư nói xin các khoản: đến ở một khu ở Đồ Sơn tỉnh Hải Dương, lập sở tuần ở cửa huyện Nghiêu Phong tỉnh Quảng Yên để thu thuế, sau 10 năm trả lại nước ta. Nếu không được như lời xin, thì sẽ sinh sự ở Bắc Kỳ, các ý như thế).
Quan quân thứ đem thư ấy tiến trình. Vua bảo là nó yêu cầu phi lý, không nên cho. Sai giao trả lại thư của họ. Rồi chiếc tàu ấy từ cửa biển Cần Giờ tỉnh Gia Định đi ra khơi. Việc ấy tâu lên. Vua sai quan cơ mật liệu tính xem chủ ý họ làm sao? Cơ mật tâu: cứ như tin gần đây, họ hoặc sinh sự ở Cát Bà, tỉnh Quảng Yên, cốt làm cho ta phải chia sức quân ra, để đúng lời nói trong thư.” (Thực lục 7, 721)
Người Y Pha Nho nói thẳng với Đại Nam rằng phải cho họ thành lập “đặc khu” tại hai địa điểm quan trọng trong 10 năm, nếu không sẽ gây sự ở đất bắc. Viện Cơ mật dự đoán chính xác rắc rối sẽ phát sinh từ vùng biển Cát Bà. Chuỗi sự kiện tiếp diễn như sau:
Tháng 12 niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861): “Giặc ở trên mặt nước thuộc hạt Quảng Yên (tên Trường là Đạo trưởng làm mưu chúa của giặc, suy tôn tên Tạ Văn Phụng [奉] (có bản viết là Phụng [鳳], làm Minh chủ của giặc mạo xưng là Lê Duy Minh dòng dõi nhà Lê; bọn giặc Ước, giặc Đạc làm đầu sỏ của giặc. Sau chúng cùng với các thổ phỉ ở Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và bọn giặc ở hạt nước Thanh cùng thông đồng với nhau). Từ đầu mùa thu gọi nhau tụ họp ở các vùng biển châu Tiên Yên phủ Hải Ninh, cướp bóc các dân ở trên cạn dưới nước.” (Thực lục 7, 747)
Tháng 3 niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862): “Nguyễn Thịnh ở Bắc Ninh (người huyện Phượng Nhãn, nguyên làm Cai tổng, theo đạo Gia tô) tự xưng làm nguyên súy, suy tôn tên giặc trốn là Huân lên làm Minh chủ. (Huân về năm Tự Đức thứ 8, mạo làm dòng dõi nhà Lê, tự xưng là Minh chủ. Sau bọn lũ bị tan trốn lánh, nhiều lần treo giải tìm bắt chưa được) thông đồng với bọn giặc ở mặt sông hạt Quảng Yên, tụ họp bọn lũ vài nghìn người, xâm đánh phủ hạt Lạng Giang.” (Thực lục 7, 763)
Lãnh đạo phiến quân gồm hai nhân vật theo đạo Gia Tô, cả hai nhóm đều tuyên bố mục đích tái lập nhà Lê. Họ đã khai mở vết rạn lương-giáo, nam-bắc thành đổ vỡ tầm quốc gia. Như vậy, bên cạnh kỹ năng khai thác tính cuốn hút tôn giáo, người Tây còn am tường dị biệt tâm lý giữa Đàng Trong – Đàng Ngoài nên khơi gợi cực kỳ hiệu quả não trạng khu vực. Đốm lửa đói kém nhiều khả năng bùng thành cơn hỏa tai thiêu rụi Đại Nam vừa nhất thống chưa bao lâu sau 170 năm phân ly. Nhóm nổi dậy này không nghĩ ra tuyệt cú “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” vì quốc của Phan-Lâm là nước Đại Nam cai trị bởi họ Nguyễn, nó chẳng liên quan đến quốc là nước Đại Việt cai trị bởi họ Lê được hình dung như một nước của Thiên Chúa bởi cặp đôi giáo đồ Phụng-Thịnh. Phiến quân lại sẵn sàng hợp tác với người Tây và người Thanh để cướp bóc, hãm hại con đỏ của triều đình. Cơn địa chấn chính trị đúng bản chất là một mũi tiến công của thực dân thông qua người Việt chứ chẳng phải thuần nội loạn. Nó được kích động, tư vấn, thậm chí bỏ rơi đều bởi Tây dương.(21) Chẳng còn cách nào khác, Tự Đức buộc phải chia sức quân đúng như dự đoán của giặc. Quyết định mang tính chiến lược rất hợp lý vào thời điểm đó. Người Pháp chỉ muốn củng cố vùng tạm chiếm vì chưa hội đủ tiềm lực bành trướng, quân Việt sau vài lần thử lửa biết trước mắt khó thể đánh đuổi thành công đạo quân trang bị hiện đại. Nhà vua đã chọn chiến trường có triển vọng hơn đối với quan binh đang xuống tinh thần của ông. Phạm Phú Thứ tường thuật như sau:
Binh khỏe tướng mạnh chuyển ra bắc
強兵猛將轉而北 Cường binh mãnh tướng chuyển nhi bắc
Có thể người Pháp sẽ mất nhiều thời gian hơn, thậm chí sẽ không bao giờ đủ sức, để khống chế toàn bộ Đại Nam nếu chính quyền Việt, ngay lúc tiến trình chống ngoại xâm đạt cao trào, không phải rút đại quân về để dẹp giặc người Việt. Điều đó vô cùng đáng tiếc. Một cộng đồng chia rẽ đành nhất thất túc thành thiên cổ hận. Cách đánh chính quy của quan quân dễ bị vô hiệu bởi hỏa lực hùng hậu của pháo binh Pháp nhưng ít ra họ sẽ thu hút được một phần lực lượng thù nghịch để sĩ dân mở rộng không gian khuấy động hậu phương. Từ sau hiệp ước, người ba tỉnh phải góp lương cùng nhau “giáo tre ngàn dặm đánh Tây”. Có lẽ nhằm ứng phó đe dọa của Y Pha Nho về biến loạn Bắc Kỳ, cuối năm 1861, Tự Đức đã cử Khâm phái Đỗ Thúc Tịnh vào nam tìm cách “Dùng binh lính, lương thực vùng Lục tỉnh để giành lại đất đai, không tốn của triều đình một binh sĩ, một hột gạo”.(22) Vua chưa bao giờ chủ hòa nếu còn nắm chút nội lực nào đó, ông chỉ tạm thời chuyển cuộc tranh chiến từ quy ước sang du kích trong thời gian đối phó với mưu toan ly khai ở miền bắc. Ý định dứt sữa chiến phí Nam Kỳ cho thấy dự án trấn áp cuộc bạo loạn mạo danh nhà Lê hứa hẹn ngốn sạch dự trữ khiêm tốn của vương quốc. Hẳn Tự Đức cũng biết “nghĩa dân” khó lật ngược thế cờ nhưng vẫn hi vọng quân Pháp mòn mỏi, tạo điều kiện cho Đại Nam chuộc lại cương thổ thông qua thương thuyết. Phan Thanh Giản là sứ giả duy nhất trong lịch sử, không phải trong truyện kiếm hiệp, được tin là có khả năng giữ chân rồi đẩy lùi xâm lược mà chẳng cần đến đại binh. Dù khá ảo tưởng nhưng phải nhấn mạnh một điểm cho thật công bằng là Tự Đức chưa bao giờ thôi nghĩ đến sáu châu. Vùng cực nam luôn khiến ông dằn vặt đau khổ, đến tận cuối đời. Vua đánh mất nó chỉ vì không còn sức để gìn giữ nó.
Sau chiến tranh, Lục châu còn lại gì để có thể đương đầu với giặc?
Tháng 8 niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863): “An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long dân khó kiếm gạo ăn. Sai phát thóc kho để phát chẩn. Vua nhân dụ rằng: 3 tỉnh này thóc gạo nhiều nhất trong nước. Gần đây có loạn, ruộng bỏ hoang, gạo giá đắt, đường sá ngăn trở, tình dân đau khó, khó biết khắp được. Nay việc phòng bị đã hơi thư, dân dần dần trở về yên ở. Nên dóng dả việc cấy lúa, trồng dâu, liệu cho dân dõng trở về cày cấy. Tỉnh thần An Giang là bọn Lê Đức tâu xin đi quyên để cứu giúp. Vua bảo: Từ Quảng Nam trở về phía nam, tài lực của dân đã hết, nay lại đi quyên, thành ra làm khổ cho dân. Không cho.” (Thực lục 7, 818)
Sáu tỉnh tiếp tục chiến đấu trong điều kiện nhân dân phía nam đèo Hải Vân đã kiệt quệ như vậy.
Nhờ triều đình Huế tập trung quân ở Bắc Kỳ, cũng nhờ thời gian hòa hoãn chờ kết quả chuyến đi Tây của Phan Thanh Giản, nên người Pháp có phần thuận lợi trong việc củng cố nền cai trị tại ba tỉnh miền Đông. Năm 1864 chính quyền Pháp thay đổi chính sách, đột ngột từ chối những thỏa thuận ban đầu với sứ đoàn Đại Nam tại Paris. Nghĩa là hòa ước 1862 vẫn hiệu lực. Từ đó, Pháp bắt đầu sinh sự. Năm 1865, phía Pháp yêu cầu Đốc thần Vĩnh Long Trương Văn Uyển phải giao nộp Ong Bướm (Ang Phim, chống chính quyền Cao Miên được Pháp bảo trợ). Mong ước giảm căng thẳng vì tài lực chưa thư và triều đình nhiều việc, Tự Đức điều viên quan văn Phan Thanh Giản giữ chức Kinh lược Đại thần 3 tỉnh Long An Hà để đối phó. Vua không điều Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết hay Hoàng Tá Viêm nghĩa là ông không muốn xảy ra chiến tranh.
Phạm Phú Thứ nói về tình cảnh trước khi cụ Phan nhậm chức mới như sau:
Tù trưởng Khiết Đan nơi biên giới chiếm cứ U Kế
Biết rõ thế người Tống không thể chấn hưng được
(Nên) muốn bỏ thời gian và công sức bác hòa ước mới
Ta lại điềm nhiên không chất vấn lại
Biên thùy phía nam từ đó sinh nhiều việc
契丹邊酋據幽薊 Khiết Đan biên tù cứ U Kế
情知宋人勢不振 Tình tri Tống nhân thế bất chấn
要功力駁新約書 Yểu công lực bác tân ước thư
我亦恬熙不復問 Ngã diệc điềm hy bất phục vấn
南陲從此事更多 Nam thùy tòng thử sự cánh đa
Tháng 3 niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866): ‘Chủ suý nước Pháp phái thuyền đến cửa biển Thuận An, đưa thư nói: “Ba tỉnh: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, địa thế xa cách, không tiện cho ta, mà quân gian đi lại, không tiện cho họ, xin cho cai quản cả các nơi ấy, vì ta dẹp hết giặc biển và đình hết các số bạc bồi thường”. Vua bèn sai bọn Phan Huy Vịnh và Phạm Phú Thứ đi đến sứ quán thưởng cho, uý lạo và thương lượng giữ mãi ước cũ. Lại tư cho Kinh lược thần là Phan Thanh Giản đến Gia Định cùng với chủ suý người Pháp thương lượng giảng giải. Thuyền của Pháp phái đến đấy đỗ lại vài hôm, rồi xin chở đến Quảng Bình để đáp Giám mục là Ngô Gia Hậu đi Nghệ An, rồi trở về.’ (Thực lục 7, 989)
Người Pháp nói rằng thành phần quấy rối ẩn nấp trong ba tỉnh Long An Hà nên Đại Nam phải giao đất ấy cho họ, ngược lại, họ giúp triều đình dẹp giặc biển đồng thời ngưng thu tiền bồi thường chiến tranh. Triều đình từ chối.
Tháng 9 niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866): “Quan Khâm sứ thượng thư nước Phú Lãng Sa ở Gia Định là Vy An cùng với cố đạo là tên Dương về Kinh, lại đòi lấy đất 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đình thần nói hình thế 3 tỉnh ấy cheo leo, cũng khó giữ được, nhưng việc quan hệ đến đất cát nhân dân, đâu có thể một chốc dễ dàng, xin sai quan nha Thương bạc viết thư đem tình lý hiểu bảo, đợi tính ký nghĩ định. Vua bảo rằng: Việc ấy rất là trọng đại, không khinh thường được, tất phải đi lại bàn luận vài bốn lần, đắc thể hợp pháp mới được, sai Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ cùng đi đến sứ quán tuỳ cơ ứng phó cho khéo, Huy Vịnh, Phú Thứ thường thương thuyết với Vy An. Vy An nói nay không chịu cùng nhau giảng định, sợ bọn mộ nghĩa ngày càng làm càn, tướng nước Pháp bất nhật gây ra việc chiến tranh mà thôi. Vy An về rồi; vua sai thân phiên, đình thần hội bàn và các tỉnh bàn lại tâu lên. Lại báo cho Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển mật bàn với quan 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên, xét xem sự thế nhân tâm ra sao, nếu cử động ngay, cũng phải nghĩ cách đối đãi, nếu nhường nên châm chước cốt được hoà bình, tính kỹ mật bàn tâu lại.” (Thực lục 7, 1016-1017)
“Cử động ngay” tức kháng cự. “Nhường” tức rút khỏi 3 tỉnh miền Tây.
Thân phiên và đình thần tâu nói: “3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên là bờ cõi của ta, trong hoà ước đã định, đâu được thay đổi, mà đất cát nhân dân đâu có lẽ triều đình lại bỏ, nay nước Pháp muốn định điều khoản mới, mong ta nhường giao cho ba tỉnh, thì nước ấy liệu tha số bạc bồi thường, xét về tình lý rất là trái ngược, duy thế đất cheo leo, muốn giữ cho không lấn cũng khó, tưởng không nên lấy việc bắt tên Soa, tên Dương giao cho nước Pháp làm đáng trông cậy, thế của ta tính chưa thể đánh nhau với chúng được, nếu yêu cầu ta phải làm, nên 2 bên đều phải châm chước, ta lấy 3 tỉnh ấy giao cho nước Pháp, nước Pháp phải lấy Gia Định, Biên Hoà giao cho ta; và chớ đặt lãnh sự ở 3 cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên; khu trừ giặc biển cho ta; tiền bồi thường đều phải đình chỉ; những sĩ dân 6 tỉnh muốn dời đến ở thì đều theo ý muốn; trong hoà ước cũ có điều chưa thoả, đều bàn định lại cho được ổn thoả, tất bất đắc dĩ mới dùng kế kém ấy mà thôi.” (Thực lục 7, 1017)
Vậy thân phiên và đình thần muốn đổi 3 tỉnh Long An Hà lấy hai tỉnh Định Biên, từ chối đặt lãnh sự ở 3 cửa biển. Họ yêu cầu Pháp ngừng thu tiền bồi thường đồng thời dẹp giặc biển giúp Đại Nam. Riêng người dân có quyền chọn chỗ cư trú bất kỳ trong 6 tỉnh. Điều kiện nhóm này đưa ra có lẽ chỉ để dành cho kẻ khác chứ không phải do chính họ thực hiện. Người Pháp không lý do gì từ bỏ bến cảng Sài Gòn, địa điểm thuận lợi cho giao thương quốc tế, khi “thế của ta tính chưa thể đánh nhau với chúng được”. Tại sao phe mạnh hơn lại chịu đổi khu vực đầu mối thương mại lấy vùng đất nông nghiệp hẻo lánh đồng thời khuyến mãi thêm việc dẹp giặc biển và xóa bỏ bồi thường? Tây dương đang thua trận chăng? Có vẻ nhà vua dùng đám quý tộc quan liêu như một sức ép dư luận lên Phan Thanh Giản.
Viện Cơ mật tâu nói: “Tướng Pháp hoặc uỷ điều ước, bức lấy 3 tỉnh, thì đối với ta đã là vô tình, tưởng cũng không thể trách bằng giấy tờ được, chỉ khiến 3 tỉnh ấy một lòng chống giữ, hoặc sinh việc ngại khác, xin tư cho quan Kinh lược không đánh nhau với quân Pháp, tự phải rút lui, việc đã là rõ ràng, thì lấy ngay việc ấy cũng đủ làm cớ nói, nếu người Pháp bức lấy tỉnh Vĩnh Long, thì hãy còn 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên, có thể dời đóng, hoặc bị người Pháp bức lấy tất cả, thì tất phải chuyển về Bình Thuận để đợi lệnh triều đình, đến khi ấy sĩ dân sáu tỉnh tức giận lũ lượt nổi lên, bấy giờ ta sẽ tuỳ cơ định liệu, lũ tôi nghĩ đi nghĩ lại, sự thế đến thế, tưởng phải nên như thế.” (Thực lục 7, 1017)
Thứ nhất, Viện Cơ Mật đề nghị lệnh cho 3 tỉnh hết sức kháng cự nếu bị tấn công. Với ý tưởng đó, triều đình phải bổ sung nhân lực, hỏa lực. Xét vụ Giặc chày vôi xâm phạm cung thất mới xảy ra tháng trước thì để răn đe những kẻ tà tâm còn lẩn khuất, nhà vua khó nảy ý định điều Nguyễn Tri Phương cùng quân thứ vừa trở về từ Hải Yên vào Vĩnh Long. Hơn nữa, giặc Khách dọc biên Trung Hoa vẫn râm ran đe dọa nên cũng vô phương chia binh sĩ từ khu vực này. Đó là chưa nói đến địa thế ngăn cách, đường bộ vướng 3 tỉnh Đông, đường biển bị hải quân Pháp chế ngự. Vậy Đại Nam không đủ tài nguyên thực hiện giải pháp cứng, nếu không khéo dễ dẫn đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh không chỉ ở Long An Hà mà còn ở nơi khác, như vụ Tạ Duy Phụng, khiến trung ương không cáng đáng nổi. Do đó các quan đưa ra đề nghị thứ hai là cho phép quan binh lui về An Giang, Hà Tiên nếu Pháp chiếm Vĩnh Long. Trường hợp Pháp chiếm cả 3 tỉnh thì lui về Bình Thuận đợi lệnh. Viện Cơ Mật tin rằng khi 3 tỉnh thất thủ dân chúng sẽ nổi dậy, lúc đó, triều đình tùy cơ can thiệp. Phía Đại Nam quá biết việc đánh chiếm dễ hơn việc cai trị rất nhiều. Dường như các quan còn thầm có ý chuyển tài nguyên còn lại của ba tỉnh miền Tây ra Bình Thuận, giúp triều đình thêm chỗ dựa để điền khuyết khoảng trống do Nguyễn Tri Phương để lại ở Bắc Kỳ. Nghĩa là bỏ hẳn cái gì không cách nào giữ được để nắm chặt lấy những gì còn hy vọng giữ được. Nếu quan sát hoạt động của Phan Thanh Giản vào những ngày cuối đời chúng ta sẽ lờ mờ thấy được mục đích này.
Vua bảo rằng: “Lúc Kinh lược họ Phan vào từ tạ xin đi, trẫm đinh ninh uỷ thác, phải hết sức đợi cơ hội theo tình thế mưu lấy lại 3 tỉnh, viên ấy cũng xin đảm đương để bù lỗi trước, từ khi đến Nam Kỳ đến nay, thăm thẳm không được việc gì, lại hầu thua thiệt, vì chưa từng để ý mà thôi, nhiều người nói rằng người Pháp tin trọng viên ấy lắm, chắc hắn biết luồn lọt chờ cơ hội một lời nói hơn 10 vạn quân, chuyên trách viên ấy hết sức tính liệu, đi lại nhắc nhở, cốt khiến cho nghe theo, được chuộc lại là nhất, người Pháp có xin buôn bán ở tỉnh nào cũng cho, không thì đổi trả tỉnh khác là thứ nhì, để cho cùng được liên lạc, hoặc chia thêm thuế, là thứ ba, làm thế nào cho có ích lợi yên ổn lâu dài, ngõ hầu rửa được lỗi trước, để tiếng về sau rất tốt.” (Thực lục 7, 1017 – 1018)
Dù Paulin Vial báo trước khả năng phía Pháp khởi chiến, Tự Đức vẫn nghĩ họ phải tôn trọng hòa ước và Phan Thanh Giản có thể nương vào đó để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông bằng cách nhân nhượng thương mại trên toàn miền Tây. Theo ông, nếu không được thì xin đổi 3 tỉnh Tây lấy các tỉnh liền với lãnh thổ Đại Nam. Nếu không được nữa thì cho phép Pháp thu thuế theo tỉ lệ nào đó trên các tỉnh còn thuộc Huế. Ông chung một hoang tưởng với các nhà nho thất bại khi cho rằng lời nói của thuyết khách có thể mạnh hơn 10 vạn quân. Ở cương vị Hoàng đế, Tự Đức dù chỉ đạo mơ hồ nhưng rõ ràng ở chỗ không bao giờ lộ ý cắt đất. Ông rất kỹ lưỡng về vấn đề này, nếu có ai để mất lãnh thổ thì phải là cụ Phan chứ không phải ông. Kỳ lạ là vua không tin rằng Pháp cương quyết lấy 3 tỉnh còn lại bằng vũ lực, ông không lệnh quan binh phải tử thủ nếu bị khiêu khích, cũng không cho phép rút lui nếu thất lợi.
Theo Phillippe Devillers, vào tháng 2 năm 1867, còn một phái đoàn nữa đến Huế lập lại yêu cầu nhượng 3 tỉnh miền Tây nhưng cũng bị từ chối. Ngược lại, triều đình còn đề nghị cho chuộc 3 tỉnh miền Đông.(23)
Tháng 6 niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867): “Người Pháp bức lấy 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Lúc bấy giờ tướng Pháp đem rất nhiều binh thuyền đến bến sông tỉnh Vĩnh Long (ngày 19 tháng 5) [20-6-1867] sai người đưa thư mời quan Kinh lược là Phan Thanh Giản đến nói chuyện, (trong thư nói các ý năm trước nước ấy muốn nước ta nhường giao cho 3 tỉnh ấy, cho tình hoà hiếu lâu dài, nhưng nước ta có ý trở ngại, việc không được thành, nên người ở 6 tỉnh thường thường quấy rối, phải lập tức nhượng giao ngay, không thì quân đến dưới thành, có hại đến tình lân hiếu). Thanh Giản đến ngay thuyền nước ấy để cùng biện thuyết, vẫn không chịu nghe, bèn khuyên viên ấy chớ nhiễu hại nhân dân và tiền gạo hiện chứa ở trong kho vẫn do ta coi giữ, viên tướng ấy bằng lòng nghe, một lát trở về, thì quân Pháp liền 4 mặt vào thành rồi, tướng ấy lại sai quân chia đi 2 tỉnh An Giang, Hà Tiên, đi đến đâu cũng đại khái như thế (ngày 20 lấy An Giang, ngày 23 lấy Hà Tiên)[ 21-6-1867 / 24-6-1867] rồi đem quan 3 tỉnh đều cho ở dinh Tổng đốc Vĩnh Long, lại phái tàu thuỷ đến cửa biển Thuận An báo để vua biết. Vua sai quan viện Cơ mật và nha Thương bạc viết thư để bàn và yêu cầu hộ tống quan 3 tỉnh ấy về Kinh, Phan Thanh Giản tự nghĩ không có công trạng gì, đã đem hiện số tiền gạo 3 tỉnh, chiểu khấu vào tiền bồi thường năm ấy 1.000.000 đồng bạc) liền đem mũ áo chầu và ấn triện làm sớ để lại nộp về,…..rồi không ăn mà chết, còn các quan tỉnh, tướng ấy đều phái thuyền đưa về.” (Thực lục 7, 1058 – 1059)
Ghi chép đoạn quân Pháp chiếm thành có điều gì đó mơ hồ. Hiểu đơn giản thì cụ Phan xuống tàu yêu cầu Pháp không được làm hại dân chúng đồng thời phải tôn trọng tài sản Đại Nam rồi trở về, cụ chưa đến nơi quân Pháp đã ùa vào thành. Những binh lính chực sẵn chưa biết thông tin của cuộc trao đổi vẫn hành động nên cú đột kích bất ngờ phải là một kế hoạch được sắp xếp chu đáo. Kế hoạch đó không lệ thuộc vào kết quả thương nghị giữa hai bên. Còn nếu Phan Thanh Giản thật sự đầu hàng thì cần gì phải hấp tấp? Lẽ ra phải có một nghi thức nhất định để bàn giao nếu sự chuyển giao quyền lực là tự nguyện. Về phía ta, tại sao đề nghị hai điểm được đưa ra trong lúc cụ Phan vẫn kiểm soát 3 tỉnh? Cụ không muốn nắm quyền kiểm soát nữa chăng? Theo chúng tôi hai yêu sách được đề xuất theo tinh thần mật lục của triều đình và không hiệu lực ngay. Nếu De la Grandière chấp thuận, cụ Phan sẽ báo cáo về Huế xin chuẩn y rồi mới tiến hành. Chủ súy Pháp lại theo phương án chuẩn bị từ trước. Xét kỹ Châu bản chúng ta sẽ thấy suy tính mỗi bên diễn ra đúng như thế.
Ghi chép trong Thực lục chủ yếu dựa vào tập tâu của các quan trở về từ 3 tỉnh Tây nhưng có chọn lọc để không mất uy tín vua và triều đình. Một số thông tin đáng chú ý trong bộ chứng từ nộp bởi các quan có thể kể đến:
Tập tâu của Nguyên Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển: “Ngày 19 tháng 5 năm ngoái (20-6-1867), vào khoảng giờ thìn thấy viên quan Tây đem số lớn tầu binh đến bến tỉnh-thành thả neo, kỳ thủy 1 viên quan 3 cùng 1 người tên là Cố-Trường đưa đến 1 phong thư, trong thư nói rằng: viên quan Tây nhận thấy bọn giặc quấy rối lâu nay phần nhiều dân của tỉnh Châu-Đốc, nay y muốn rằng quí quốc nhường lại 3 tỉnh để y kiểm soát, thì chúng không dám quấy rối như xưa v.v…Thần đẳng xem xong bức thư, cùng nhau thương nghị, rồi Kinh-lược sứ lập tức đem các viên Niết-Ty Võ doãn-Thanh theo xuống dưới Tàu cùng viên chúa tàu đàm thoại, trách y đã vin vào cớ nhỏ mọn mà đã vội làm thương tổn đại nghĩa v.v….
Y trả lời rằng: bổn ý thế nào, đã nói ở trong bức thư? Nói đoạn y cho chiến thuyền tiến sát vào phía ngoài thành rồi cho bộ binh vào thành đóng giữ.”(24)
Nội dung tranh luận với De la Gandière hẳn đã được thống nhất trong “thương nghị” giữa các quan, chủ yếu là yêu cầu tôn trọng hòa ước 1862 chứ không thể bác bỏ thỏa thuận vì những đám giặc nhỏ mọn. Lời khai của Võ Doãn Thanh, người đi theo cụ Phan, cũng tương tự lời khai của Trương Văn Uyển. Không có việc xin đầu hàng gì cả.
Nguyên Lãnh binh Vĩnh Long Hoàng Chiêu khai: “Hôm ấy vào khoảng giờ Thìn thấy bọn quan Tây kéo chiến thuyền đến bỏ neo ở bến tỉnh. Kỳ thủy có viên quan 3 cùng với tên Cố-Trường đem thư lên mời tỉnh quan xuống tàu nói chuyện, thì quan Kinh-lược và Án-sát theo bọn chúng xuống, còn y thì trèo lên mặt thành để coi sự thể, chẳng ngờ chỉ trong chốc lát đã thấy bọn quan binh kia xô đẩy các viên tỉnh thần vào thành rồi chúng chiếm đóng các sở…”(25)
Hoàng Chiêu chỉ thấy lính Pháp khống chế các quan để vào thành. Ông chẳng biết gì về vụ đầu hàng do De la Grandière tuyên bố sau đó.
Nguyên Tổng đốc An Hà Nguyễn Hữu Cơ khai: “….Tỉnh thần nghĩ rằng: bọn chúng kéo tới lần này, hoặc giả lại vin vào cớ nghĩa binh mà trách móc ta; nếu mình không xuống sợ rằng bọn chúng lại thêm nghi hoặc, âu là thử xuống xem sao? Chẳng ngờ khi thoạt bước xuống thì chúng kéo ùa cả lên chiếm cứ tỉnh thành, binh sĩ coi giữ dinh thự kho đạn và các quan lại các sở đều chạy tán loạn. Tỉnh thần cũng bị bọn chúng bắt giam, không làm thế nào được nữa.
Kế đó ngày 27 (28-6-1867) về tới Vĩnh Long, tường trình với quan Kinh-lược và quan Kiêm-tri, thì quan Kinh-lược bảo rằng: hãy tạm lưu lại Vĩnh-long để thảo sớ tấu trao cho Tây quan chuyển hộ về kinh. Hoặc giả chiếu theo các lẽ trong bản mật lục của cơ-mật viện đề ngày tháng 9 năm Tự-Đức thứ 19 mà rút lui về Bình Thuận sẽ đệ sớ tấu có lẽ ổn hơn v.v….”(26)
Pháp yêu cầu Nguyễn Hữu Cơ xuống tàu mục đích để xem thông tư của Phan Thanh Giản, cái mà họ bảo rằng là thư ra lệnh đầu hàng. Cụ Cơ lại báo cáo như sau: “Vì thế Đốc-thần phải cùng Viết-ty (Niết-ty, tức Phạm Viết Chánh) lập tức xuống tàu, thì viên quan Tây đem bức thông tư mở ra cho coi, rồi đem lý lẽ tranh luận, chúng vẫn không nghe; Và ngay lúc ấy đã thấy phủ-thần Hà Tiên là Trần-Hoán đương ngồi ủ rũ ở đó… Một lát sau thần đẳng cáo từ ra về thì bọn quan Tây cũng cầm tay nhau cùng bước lên bờ, viên nào cũng có mang theo súng ống, rảo bước vào thành chia nhau đóng giữ các ngã, bao nhiêu sổ sách chúng đều thu lượm; riêng có các bản mật tư mật lục thì đã châm lửa đốt hết, cho nên mới phải quay về Bình Thuận để soạn tờ tâu.”(27)
Báo cáo của Nguyễn Hữu Cơ có hai điểm cần soi tỏ. Một là, thông tư của quan Kinh lược, nội dung chưa rõ là gì nhưng chắc chắn không có ý ra lệnh tỉnh thần đầu hàng. Các quan đọc xong vẫn tranh luận với tướng Tây và không ai chịu nghe ai. Nó chỉ là mồi nhử để dẫn dụ tỉnh quan xuống tàu nên, sau cùng, phía Pháp phải dùng mưu mẹo để vào thành. Nếu thông tư yêu cầu An-Hà hạ vũ khí thì Nguyễn Hữu Cơ đã vin vào đó để biện minh sự vô tội của mình khi bị triều đình xét xử. Hai là, mật lục tháng 9 năm Tự Đức thứ 19, hẳn được chuyển đến sau đình nghị giữa thân phiên, đình thần, Viện Cơ mật và hoàng đế để giải quyết yêu cầu giao 3 tỉnh Tây của Paulin Vial mà chúng tôi thuật lại bên trên. Hai chi tiết này rất quan trọng, được phổ biến bằng chữ Hán từ năm 1941 bởi Pierre Daudin và Lê Văn Phúc, bằng chữ Việt từ năm 1967 bởi Tô Nam, nhưng cũng không hiểu lý do gì, trừ cụ Trương Bá Cần, mà các sử gia ít khai thác. Chúng quá đủ để biết rõ Phan Thanh Giản không hề đầu hàng, không hề biên thư yêu cầu các tỉnh nộp thành, và việc bỏ thành lui về Bình Thuận là được phép của triều đình trong tình huống nhất định. Tình huống đó thực ra không khuất tất vì đã được giả thiết và ghi lại trong Thực lục. Theo miệng lưỡi Pháp 3 tỉnh đều đầu hàng do lệnh quan Kinh lược mà thực tế chẳng một lễ đầu hàng nào diễn ra ở bất cứ nơi đâu? Sổ sách như cụ Cơ báo cáo bị Pháp “thu lượm” chứ chẳng bàn giao gì. Rất nhiều người tin sách Tây vì Thực lục và Châu bản chỉ số ít người được phép tiếp cận, dân chúng, thậm chí đa số quan lại cũng chẳng biết sự việc đã xảy ra thế nào. Chính quyền Huế thường ít thông báo cho quan dân về hoạt động của mình. Chúng ta xem một ý kiến của đình thần dưới đây thì rõ:
Tháng giêng niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865): “Các đại thần lại nói: Nghị lớn về hoà ước từ trước đến nay vẫn giữ bí mật, chưa có công bố cho mọi người nghe biết, nên người ở thôn quê chưa biết, sinh ra ngờ vực. Xin do tỉnh thần ở 3 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên đem sao lục 12 điều ước cũ, đưa đi treo dán để hiểu bảo cho sĩ dân đều biết, khiến đều yên ở làm ăn. Đến như việc thu xếp cho sau này được thoả thiện, nên xin thong thả sẽ bàn định. Vua y cho.” (Thực lục 7, 897)
Chỉ dưới áp lực nặng nề của De la Grandière, triều đình mới tạm hạn chế, trong nỗi áy náy tuyệt vọng của Tự Đức,(28) phong trào khởi nghĩa bằng cách công khai “nghị lớn về hòa ước”. Ngày trước Tự Đức giữ kín vì hòa ước Nhâm Tuất có khoản Nam triều phải giải tán các nhóm nổi dậy ở 3 tỉnh Đông để nhận lại thành Vĩnh Long. Khoản đó đi ngược chủ trương nuôi dưỡng chiến tranh du kích của nhà vua. Cũng theo hòa ước, Pháp có quyền di chuyển trên sông để sang Campuchia nên người Nam Kỳ vốn quen thuộc với cảnh tàu chiến Pháp đi lại. Công bố này bất ngờ có tác dụng như liều thuốc ngủ tăng cường để khi Pháp hành quân cướp chính quyền thì dân chúng bình thản đổ ra xem. Quan binh thủ thành cũng mất cảnh giác. Họ tin vua nên không nghĩ Tây dương làm gì hại đến thỏa thuận. Chúng ta thấy mưu mô thực dân hao hao giống thủ đoạn của các cường quốc hiện đại khi buộc Lybia hay Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để sau đó nhẹ tay đưa họ vô lò xẻ thịt.
Mật lục cũng xuất hiện ở phần điều kiện giảm khinh trong bản án dành cho quan viên 3 tỉnh:
“Nhưng còn cứu xét tới nguồn gốc, thì bọn phạm kia, đối với công việc trinh sát bí mật đâu phải dễ dàng? Hơn nữa địa thế 3 tỉnh lại rất xa xôi cách trở, tin tức khó thông. Huống chi bọn Tây ôm ấp lòng phản trắc, hiệp ước còn đầy đủ đó mà chúng trở mặt xé ngay; việc làm của chúng sự thực không ai có thể liệu tính trước được? Đối với sự thể bấy giờ, các phạm viên kia ở vào địa vị khó xử, triều đình bao phen huấn thị thực đã xét thấu từ lâu. Chỉ vì 3 tỉnh thần kia tuân theo mật lục, trọng chữ tín nghĩa không muốn tranh biện đến cùng, thì tình cũng nên lượng xét.”(29)
Đến cùng của tranh biện chính là chiến tranh. Nhà vua đã ngầm lệnh tránh điều đó. Có lẽ thâm tâm vua muốn bảo toàn nguyên khí lực lượng 3 tỉnh để dùng vào việc khác.
Lời biện hộ của các đại thần phơi bày rõ hơn mật lệnh oái ăm này:
“Bài tấu của Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ xét trình tội trạng của Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ, Trần Hoán… trong vụ Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Những người này đã bỏ thành không kháng cự trước sức tấn công của quân Pháp là vì có lời thẩm nghị trước đây của đình thần: các quan chức phải bỏ thành không được kháng cự, nếu quân Pháp tấn công. Nếu quân Pháp chiếm Vĩnh Long thì rút về An Giang, Hà Tiên… Tuy nhiên bọn họ cũng không tiên liệu trước được tình thế.”(30)
Chúng tôi hình dung nếu vua ra lệnh chống giữ đến cùng thì Phan Thanh Giản sẽ từ chối gặp tướng Pháp đồng thời ra lệnh tháo bạt che các khẩu thần công. Hoặc mềm mỏng hơn thì trước lúc xuống tàu gặp De la Grandière cụ Phan sẽ dặn Trương Văn Uyển đóng chặt cửa thành. Thành chỉ mở theo ám hiệu nào đó khi nhóm đi thương nghị trở về. Diễn biến sẽ là trận pháo phủ đầu bởi phía Pháp. Sau một hai ngày khi Đại Nam đã mất những chiến binh ưu tú nhất, quân trong thành sẽ rút theo đường bộ hoặc các rạch nhỏ về An Giang để đoàn tàu Pháp khó truy lùng. Phan Thanh Giản và Võ Doãn Thanh trở thành tù nhân. Nhưng triều đình đã không cho phép kháng cự vũ trang thì mở cửa thành để tỏ thiện chí sẽ thuận tiện hơn cho việc thuyết phục. Hơn nữa do chứng kiến nghi thức ký kết và phê duyệt hòa ước một cách long trọng giữa ba quốc gia, có thể cụ Phan tin rằng không ai dám đơn phương xóa bỏ nó. Cụ không ngờ rằng hòa ước kiểu phương Tây chỉ có giá trị tại thời điểm phê chuẩn, nếu nguyên thủ quốc gia mất quyền, thỏa thuận có thể bị vô hiệu như Cách mạng Pháp hủy hiệp ước hỗ trợ Nguyễn Ánh đã được chấp nhận bởi vua Louis XVI. Hoặc theo thời gian, nếu lực lượng các bên thay đổi thì bên ưu thế hơn sẽ ném hiệp định vào sọt rác, như Quốc Xã Đức xé bỏ hiệp ước Hitler-Stalin, như Liên Xô xé bỏ Điều ước trung lập Xô-Nhật. Nó thua xa lời cam kết “nhất ngôn ký xuất” của một cá nhân quân tử phương Đông.
Câu chuyện Pháp nhập thành do Thực lục hay Châu bản thuật lại gần giống câu chuyện ông Thái Hữu Võ kể lại sau này trong Phan-thanh-Giảng truyện (1927).
Theo Thái Hữu Võ, cụ Phan trả lời yêu cầu giao thành của La Grandière như sau: [“…tôi đây chỉ có quyền trấn thũ, mà chẵng có quyền nhượng giao, thà tôi đem cái mạng sống của kẽ lão thần nầy mà giao cho Pháp-quốc tùy ý thi hành chớ tôi chẵng dám tự chuyên mà nhượng giao một rẽo đất cũa quốc vương cho ai hết. Nếu Nguyên-soái muốn cho tôi nhượng giao ba tỉnh nầy, thì xin để tôi đệ sớ về triều hỏi lại vua tôi, rồi sau tôi sẽ trã lời cho quan Nguyên-soái rỏ”. Hai đàng cải lẩy nghị luận cùng nhau một hồi, rồi quan Nguyên-soái chịu theo lời ngài nói.
Đến khi ngài trỡ vào thành thì binh Đại-Pháp bốn phía đã vào thành rồi, kế tin báo, An-giang, Hà-tiên, hai tỉnh, Đại-Pháp cũng đều làm như vậy, chẵng đầy năm ngày mà ba tỉnh đều mất hết. Ngài không biết nói sao, bèn đem tiền lương trong ba tỉnh, hiện số chiếu trừ trong năm đó, bạc bồi thường cho nhà nước Đại-Pháp đặng một trăm muôn đồng. Rồi ngài nói với quan Nguyên-soái Đại-Pháp xin những đồ châu báu, cùng đồ binh khí trong ba tĩnh đặng trả lại cho vua. Quan Nguyên-soái Đại-Pháp chịu cho, rồi hỏi ngài còn muốn xin đều (điều) chi nữa hay không?…]…[Đó rồi ngài niêm sớ và đồ triều phục, ấn truyện (triện) với 23 điều đạo sắc của vua phong cho ngài cùng đồ châu báu khí giái (giới) trong ba tĩnh giao cho chiếc tàu Mẩn-Thỏa đem về dâng lại cho vua](31)
Thái Hữu Võ từng thu thập thông tin về quan Phan qua người hầu của cụ là ông Bùi-tấn-Đức và qua hai vị học-sanh tỉnh Vĩnh Long Nguyễn-trọng-Tổn, Nguyễn-hà-Thanh nên nội dung trên nhiều khả năng rất gần sự thật, khác với câu chuyện cản bánh xe vua ở Quảng Nam mà ông không tường do lưu truyền qua nhiều miệng đã hóa thành giai thoại. Thực lục bỏ chi tiết châu báu và binh khí cùng được gửi theo tàu Mẫn Thỏa về Huế nên chúng ta có quyền ngờ rằng đây là phần kín và cũng là phần quan trọng của câu chuyện.
Nguyễn Thông có bài thơ với hai câu như sau:
Chinh phạt phía bắc, nhọc nhằn chuyển lương qua muôn trùng núi
Đến từ phương nam, các tướng e ngại bàn bạc việc binh.
北伐重山勞轉餉 Bắc phạt trùng sơn lao chuyển hướng
南來諸將畏談兵 Nam lai chư tướng úy đàm binh (32)
Bài thơ này có nêu tên Bút Phong, ngọn núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Việc chuyển lương rầm rộ chỉ có thể xảy ra hoặc năm 1862 khi Tự Đức điều 6 vệ binh ra dẹp giặc Lê Duy Phụng, hoặc năm 1867 khi Đại Nam tập trung 27 cơ binh sẵn sàng ứng phó với Pháp tại duyên hải miền Bắc sau khi mất 3 tỉnh miền Tây. Bình thường khi không có chiến tranh hay hạn lụt, lương được chuyển theo chiều ngược lại. Xem tiểu sử Nguyễn Thông, chúng ta thấy năm 1862 ông chỉ chạy đến Phước Tuy thì gặp cụ Phan Thanh Giản và được đề cử làm Đốc học Vĩnh Long nên quay lại nhậm chức. Vậy bài thơ có thể được sáng tác lúc Nguyễn Thông cùng nhóm quan tướng Long An Hà trên đường ra Huế trình diện để nhận án hoặc nhận công việc khác vào năm 1867. Các võ quan u uất hẳn vì họ chịu mất thành dù chưa đánh trận nào. Thời điểm đó, tài vật quốc gia vẫn tuôn ra bắc để níu kéo chỗ dựa cuối của Đại Nam, không chỉ chuẩn bị kháng Pháp mà còn tiếp tục ổn định biên giới. Phan Thanh Giản đã thực hiện nỗ lực sau cùng để bảo vệ đất nước khi thu hồi được một số tài sản và binh khí, chúng rất quý giá cho cái triều đình ngày càng nghèo mạt.
Vũ khí quý đến mức nào? Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của chúng qua lời Tự Đức phê tấu của bộ Lễ trong Châu bản:
“Nay các sổ sách văn án bị quân Lang-Sa cướp đoạt cũng ở trong khoản lúc tỉnh thành ấy thất thủ; tưởng nên giao cả cho bộ thần, chiếu luật xử trị bằng cách gia trọng v.v…Điều này vâng lời châu phê Tiết thứ đã có mật tư mật lục cứu xét về các sổ sách, chẳng biết xử trí ra sao? Và có trở ngại gì chăng? Súng đạn có thể lấy lại được không? Bọn chúng quả thật vô dụng! Vậy đình thần phải đem tội trạng 3 tỉnh đồng thời xét xử. Khâm thử.” (33)
Ngoài số vũ khí thu lại được từ trước, triều đình vẫn mong muốn Pháp hoàn trả thêm nữa. Đoạn này còn cho thấy sổ sách bị cướp đoạt thay vì được bàn giao.
Trong bài viết “Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản với sự chiếm cứ ba tỉnh miền Tây” vốn khai thác nhiều tư liệu Pháp của Trương Bá Phát (1967), việc đòi trả vũ khí bởi Huế được đề cập rõ ràng hơn:
“Sau khi Hà Tiên thất thủ [một hay hai ngày]. La Grandière phái Cố Trường (Legrand de la Lyraie) đi trên chiếc tàu Le Monge ra Huế, cho Trào-đình Huế rõ là Chánh-Phủ Pháp ở Sài-Gòn đã ra lịnh cho sáp nhập ba tỉnh miền Tây Nam-Kỳ vào ba tỉnh miền Đông. Các quan Trào lộ sự bất bình, có pha lộn sự lo ngại và sự ngạc nhiên. Để cứu vớt danh-dự cho quốc-gia Đại-Nam các quan Trào Huế viết một công-điệp yêu cầu hoàn lại tất cả võ khí ở ba tỉnh mới bị chiếm và nhường một khu-vực: trọn tỉnh Biên-Hòa, một phần hạt Sài- Gòn để đổi ba tỉnh miền Tây.”(34) (theo Châu Bản đoàn Pháp đến Huế ngày 6-7-1867)
Đối với Huế, De la Grandière thông báo sáp nhập miền Tây vào miền Đông chứ không dám bịa chuyện quan tướng 3 tỉnh đầu hàng vì ông biết triều đình đủ điều kiện tái thẩm tra sự cố. Trước sau chính quyền Huế vẫn cho rằng việc thất thủ xảy ra chỉ bởi người Tây “ôm ấp lòng phản trắc”.
Phạm Phú Thứ bình luận sự kiện mất 3 tỉnh như sau:
Việc cương thổ cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ
(Mặc cho) Nhiều người tin rằng ông đã làm lỡ việc nước
疆事終須歸洞燭 Cương sự chung tu quy đổng chúc
衆人却作誤國看Chúng nhân khước tác ngộ quốc khan
Cụ Phạm không tin vụ “làm lỡ việc nước”, ông bênh vực quan Phan rất hùng hồn, như sau:
Khi còn sống, trong triều ngoài nội ai cũng biết công đức
Văn chương viết ra vô cùng cổ nhã
Bốn mươi năm làm quan, qua ba triều, đã bảy mươi tuổi
Luôn một lòng cung kính thận trọng bất kể ngày đêm
Huống hồ đã từng trải lịch duyệt
Sự chân thành, nghiêm cẩn được biết đến bởi cả Di (Pháp) lẫn Hạ (Việt)
Một người đọc sách để gầy dựng phẩm cách (hiếm hoi) trong thế gian như vậy
Không thể là kẻ gặp biến cố lại làm lỡ việc nước
Trên sân khấu được thua huênh hoang khoác lác
Lũ thấp kém làm sao nhìn thấu được!
平生德業聞朝野 Bình sinh đức nghiệp văn triều dã
發為文章絕古雅 Phát vi văn chương tuyệt cổ nhã
三朝四紀七袠身 Tam triều tứ kỷ thất trật thân
祗愼一心無夙夜 Chi thận nhất tâm vô túc dạ
况乎歷閱之所經 Huống hồ lịch duyệt chi sở kinh
信敬可行遍夷夏 Tín kính khả hành biến Di Hạ
世間眞個讀書立品人 Thế gian chân cá độc thư lập phẩm nhân
臨事應非誤國者 Lâm sự ứng phi ngộ quốc giả
嘐嘐得喪場 Hao hao đắc táng trường
矮人看不破 Nụy nhân khan bất phá
Phạm Phú Thứ xem cụ Phan là người trí thức kinh lịch, khiến hai nước Pháp Nam đều vì nể, không hề làm lỡ việc nước. Nói chắc như thế vì suốt thời gian căng thẳng ngoại giao 1865 – 1867, ông đang tòng sự tại Viện Cơ mật (tháng 11 ta 1865). Nghĩa là ông từng tham gia soạn mật tư mật lục gửi quan viên 3 tỉnh nên nắm rõ việc tránh xung đột để lui về Bình Thuận là một trong vài lựa chọn được cho phép. Chỉ đạo có phần rối rắm khiến quan Kinh lược cùng thuộc hạ thúc thủ trước trò xảo quyệt của thực dân. Những kẻ từ bên ngoài quan chiêm cái sân khấu chính trị nhốn nháo làm thế nào cắt nghĩa được việc gì đã xảy ra? Thay vì bỏ thành nay bị mất thành do phía Pháp thình lình đột kích kiểu khủng bố, Phan Thanh Giản vẫn cố gắng thực hiện hướng dẫn của mật lục chuyển nhiều chừng nào hay chừng nấy tài sản của 3 tỉnh về Bình Thuận hoặc Huế. De la Grandière cùng cộng sự khoác lác tuyên bố Phan Thanh Giản đầu hàng nhưng Phú Thứ không tiện lột mặt nạ họ vì sự việc ầm ĩ sẽ chạm vào tâm tư cực nhạy cảm của nhà vua, một người trong thời điểm bế tắc đành lòng nhượng bộ nhưng thiếu can đảm để chịu trách nhiệm. Thế khó xử được đẩy cho quan Phan theo cách tàn nhẫn nhất để tránh tổn hại danh dự hoàng gia. Phạm Phú Thứ dùng chữ “nụy” để chỉ bọn người mông muội trước cách xử lý của cụ Phan. Theo nghĩa đen đó là người lùn, riêng chúng tôi thấy họ rất đông, lùn cả hồn lẫn xác, cả kiến thức lẫn nhân cách. Một số lại khuyết tật bán phần, hoặc thiếu năng lực tìm hiểu vấn đề nhưng lại ưa phát biểu, hoặc đủ năng lực nhưng lại thiếu tố chất để làm người lương thiện. Ông Phạm khinh bỉ và không chấp nhất dạng người đó thì chúng ta cũng nên tôn trọng quan điểm của ông vậy.
Khác với chất tinh tế trầm hùng của Phạm Phú Thứ, Phạm Viết Chánh (còn gọi Phạm Hữu Chánh) phát ra lời biện minh thảng thốt. Ông Chánh giữ chức Án sát tỉnh An Giang, từng cùng Tổng đốc An Hà Nguyễn Hữu Cơ xuống tàu Tây để nhận thông tư từ quan Kinh lược trong ngày định mệnh. Sau cuộc tranh luận vô ích, ông cùng Tổng đốc cáo từ thì bị lính Pháp bám theo để vào thành y như trường hợp Vĩnh Long. Là một thành tố của sự kiện, ông hiểu hơn ai hết tình cảnh quan Phan bị bủa vây giữa những luồng dư luận thật và giả. Ông linh cảm sử sách sẽ không phản ánh trung thực biến cố bi thảm. Ông ấm ức vì sợ mình linh cảm đúng.
Phan-công tiết-nghĩa sánh cao dày,(35)
Thương bấy vì đâu khiến chẳng may.
Hết dạ giúp vua trời đất biết,
Nát lòng vì nước quỉ-thần hay.
Tuyệt lương một tháng rau xanh mặt,
Bị cách ba phen lửa đỏ mày.
Chỉn sợ sử-thần biên chẳng ráo,
Tấm lòng ấm-ức phải thày-lay.
Tiếng gào của Phạm Viết Chánh thật đau lòng lắm. Đối với hầu hết sĩ dân Nam Kỳ, không gì quí giá bằng tinh thần trung quân ái quốc. Vô vị thay khi gán ghép câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” cho “nhân dân Nam bộ”!
Phạm Phú Thứ và Phạm Viết Chánh là hai diễn viên tham gia trực tiếp vở bi kịch miền Tây. Vượt trên cơn bão công luận lẫn lộn thông tin chân ngụy cả hai đều cho rằng quan Phan vô tội. Chúng tôi nghĩ tiếng nói của họ, chứ không phải của bất kỳ ai khác, là tiếng nói có thẩm quyền.
Trên tư cách siêu cường văn minh chuyên nghề khai hóa như nước Pháp, De la Grandière lẽ ra phải tôn trọng thông lệ quốc tế, hẹn giờ khai hỏa và đảm bảo Phan Thanh Giản trở về thành an toàn. Dàn pháo tối tân từ đội quân thuyền sẽ tiêu hủy hệ thống phòng thủ thành tỉnh trong vòng một hai ngày như đã diễn ra ở Chí Hòa, Biên Hòa hoặc Vĩnh Long lần trước. Nhưng vị tướng quí tộc đã chọn phong cách maquereau đặc sắc Phú Lãng Sa. Khống chế cụ già nhằm cướp của sau đó tuyên bố nạn nhân tự nguyện. Nhờ nắm được báo chí và kỹ thuật in ấn hiện đại, thông tin phía Đại Nam đầu hàng dựng lên bởi nhóm De la Grandière lan truyền nhanh chóng trong công chúng Nam Kỳ cũng như dân chính quốc. Nó đặt nền tảng định kiến bất biến cho rất nhiều người đương thời cũng như hậu sinh. Đại Nam vừa thất bại trên thực địa, vừa trắng tay trên mặt trận truyền thông. Thật tuyệt vời chiến thắng toàn diện của đệ nhị đế chế Pháp và quí tộc Pháp!
Nói cho cùng dù khá báng bổ, làm chính trị thì phải hành động như De la Grandière hay Tự Đức. Chiến tranh đâu phải môi trường bàn chuyện đạo lý. Đứng đầu đạo quân viễn chinh cách quê nhà hàng chục nghìn dặm thì việc tiết kiệm xương máu, quân nhu phải đặt ở vị trí ưu tiên. Đứng đầu đất nước phải căng mình chống thù trong giặc ngoài thì việc trừng phạt người thất bại, bởi bất cứ lý do gì, cũng cần thiết để động viên ý chí chiến đấu. Phan Thanh Giản bị chẹt cứng giữa tinh thần gia trưởng Đại Nam và tinh thần thực dụng Đại Pháp. Tiếc rằng thế ta quá yếu, giả sử phe ta mạnh hơn, thì người đương đầu với chủ súy Pháp do Tự Đức bổ nhiệm hẳn không phải Phan Thanh Giản mà là một vị khác. Vận dụng trình độ gian manh, hạ cấp đúng chuẩn Kinh Việt, quan lại nào cũng thừa sức khiến tay bợm quốc tế De la Grandière phải ngàn năm uất hận.
Hãy đọc bài thơ Nôm cụ Phan sáng tác sau biến cố mất 3 tỉnh:
Tuyệt cốc (36)
Trời thời đất lợi lại người hòa,
Há dễ ngồi coi phải nói ra.
Lăm trả ơn vua đền nợ nước
Đành cam gánh nặng ruổi đường xa.
Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ
Vượt biển trèo non cám phận già.
Cũng tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.
Cụ Phan tóm tắt quá trình thương thuyết với chính phủ Pháp trong điều kiện khiếm khuyết thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Lời lẽ bộc lộ sự thất vọng khi chứng kiến phía Pháp phớt lờ hòa ước để chiếm 3 tỉnh miền Tây. Chẳng tồn tại ý niệm đầu hàng hay nộp thành gì ở đây cả, chỉ có sự hụt hẫng khi tình hình vượt tầm kiểm soát khiến công lao khó nhọc cuối cùng trở nên vô nghĩa. Tự Đức thất bại vì hay ép người dưới thực hiện nhiều việc bất khả thi. Nếu đằng sau cụ Phan có đội quân nào đấu pháo với Pháp được ròng rã 2 ngày mà không tan hàng thì tư thế của cụ đã rất khác. “Con trẻ” ở đây có nghĩa “dân chúng”, trong “Bài hịch Quản Định” Bình Tây Đại tướng đã dùng từ ghép “con trẻ dân đen” để chỉ người dân bình thường.
Trai cò tranh nhau ngư ông được lợi
Trong vạn vật từ xưa đến giờ hai loài không phạm đến nhau
(Nay) mỗi loài tùy theo kỹ năng “hớp” hoặc “mổ” bắt đầu tranh giành
Chim bay trên mây có tráng chí, sao phải nhún nhường?
Hàu sống dưới nước với hùng tâm, bất cần khoan nhượng!
Mở miệng không yên ổn như ngậm miệng
Chui đầu vào mới biết khó lấy đầu ra.
(Nếu) Sớm biết mối lợi thuộc về ngư ông
Chim cứ bay trai cứ lặn thì cả hai đều bình an.
蚌鷸相持漁翁得利 Bạng duật tương trì ngư ông đắc lợi (37)
萬物原來兩不干 Vạn vật nguyên lai lưỡng bất can,
只因飮啄起争端 Chỉ nhân ẩm trác khởi tranh đoan.
雲禽壯志何須讓 Vân cầm tráng chí hà tu nhượng,
水蛤雄心不肯寬 Thủy cáp hùng tâm bất khẳng khoan.
開口不如緘口穩 Khai khẩu bất như giam khẩu ổn,
入頭生覺出頭難 Nhập đầu sanh giác xuất đầu nan.
早知得利歸漁夫(甫) Tảo tri đắc lợi qui ngư phủ,
雲水飛潛各自安 Vân thủy phi tiềm các tự an.
Bài này cụ Phan sáng tác trước khi qua đời nên có thể là lời phân trần lặng lẽ về thất bại trong việc thủ giữ 3 tỉnh miền Tây. Tinh thần cụ lúc đó có dấu hiệu suy sụp vì trong bài dùng đến ba chữ “bất”, nỗi ám ảnh đau đớn về kết cục vô vọng.
Thay vì chủ hòa, giao thành để chấm dứt bồi thường, mượn tay Pháp dẹp giặc biển; hoặc chủ chiến bằng tăng cường binh lực để đánh một trận danh dự dù thuận lợi mong manh; Tự Đức lừng khừng với ước muốn hòa bình mà vẫn duy trì cương vực. Trai-cò dường như tượng trưng cho hai phe chủ chiến-chủ hòa trong triều đình khiến nhà vua phân vân bất nhất. Giải pháp rút lui khi Pháp tấn công khá mông lung vì khi súng đã nổ thì tiền bồi thường chiến phí vẫn phải trả và chuyện nhờ dẹp hải phỉ coi như xếp xó. Khi đó ngoài tổn thất binh lính vũ khí, châu báu tiền gạo trong kho đương nhiên thuộc về kẻ thắng. Nhưng chủ động nhường đất đổi hòa bình thì Tự Đức không dám lệnh công khai, ông để Viện Cơ mật đề xuất theo hướng nhượng bộ thụ động. Vua quan chẳng hèn nhát gì cả, họ cũng chẳng ngu mà chỉ quyết định dựa theo ngân sách quốc phòng, có lẽ lúc đó chỉ tạm đủ cho hoạt động ở trung và bắc nơi triều đình còn ưu thế. Với kinh phí nhất định trong điều kiện nhất định nhà điều hành sẽ giữ an ninh hiệu quả trên một không gian nhất định. Rất ngốc nghếch mới bảo nhà Nguyễn hèn nhát, giữa nỗi uất ức mất-đất-chung của quốc gia-dân tộc và nỗi căm phẫn mất-đất-riêng của gia đình thì cái nào tác động sâu đậm hơn? Khá chắc chắn trong cả 2 trường hợp khổ chủ đều phải liều mạng bảo vệ quyền sở hữu. Bài thơ đượm vẻ nuối tiếc vì trung ương thiếu một phương án dứt khoát được ủng hộ bởi cả hai phe. Trương Định vâng mệnh vua tiếp tục cuộc chiến, quan Phan cũng vâng mệnh vua đi giải tán nghĩa quân. Hậu quả cuối cùng là De la Grandière chiếm 3 tỉnh với lý do chính quyền địa phương chứa chấp quân mộ nghĩa. Hòa-chiến đều bất thành. Nhà văn Nguyễn Liên Phong tổng kết thế khó của quan Kinh lược bằng câu thơ tuyệt hảo:
Trăm tạ chuông vàng níu sợi dây.
Nghĩa là quan Phan thua cuộc vì ông không đủ nguồn lực tinh thần cũng như vật chất để giải quyết vấn đề đang đối mặt. Chỉ 7 chữ nhưng chúng giá trị hơn mọi tài liệu nói về Phan Thanh Giản. Dựa vào cơ sở đạo đức và khoa học nào để kết tội một người thất bại chỉ vì ông ta bị ép buộc phải kéo vật nặng 10.000 kg bằng một sợi dây?
Chúng ta đã lướt qua gần nghìn câu văn để tránh hiểu lệch lạc tám câu thơ dưới đây:
Viếng cụ Phan Thanh Giản
Làm quan trải ba triều vẫn giữ thân mình trong sạch,
Không có ông ai che chở người dân ở một phương?
(Đã) đành mang danh là ông già học trò đất Long Hồ,
(Nên) thần phách vị học sĩ chẳng bỏ công quay về Phượng Các.
Sống vững cầm cờ tiết, từng nhọc nhằn như Phú Bật,
Chết giãi hết lòng trung, há phải hận giống Trương Tuần!
Cơ sự sáu tỉnh mất hay còn có trời biết
Sao tìm được người bầy tôi thung dung tựu nghĩa (như ông nữa)!
吊藩公清簡(38) Điếu Phan công Thanh Giản
歷仕三朝獨潔身 Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
微公誰保一方民 Vi công thùy bảo nhứt phương dân
龍湖寕負書生老 Long Hồ ninh phụ thơ sanh lão
鳳閣空歸學士神 Phượng các không quy học sĩ thần
秉節曾勞生富弼 Bỉnh tiết tằng lao sanh Phú Bật
盡忠何恨死張巡 Tận trung hà hận tử Trương Tuần.
有天六省存亡事 Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự
安得從容就義臣 An đắc thung dung tựu nghĩa thần
Trong cụm thơ điếu-văn tế, chỉ bài này được Nguyễn Đình Chiểu viết bằng chữ Hán. Xét nội dung có thể đoán rằng nó được sáng tác sau bài thơ viếng chữ Nôm và trong thời gian triều đình chuẩn bị xét xử quan tướng 3 tỉnh Tây đứng đầu là Phan Thanh Giản. Toàn bài thơ toát lên niềm thương xót u ẩn lẫn chút hờn trách gửi đến các quan triều. Chính vì mục đích sau nên tác phẩm phải khoác hình thức trang nghiêm.
Làm quan trải ba triều vẫn giữ thân mình trong sạch,
Không có ông ai che chở người dân ở một phương?
Hai câu này rõ nghĩa không cần giải thích thêm.
(Đã) đành mang danh là ông già học trò đất Long Hồ,
(Nên) thần phách vị học sĩ chẳng bỏ công quay về Phượng Các.
“Ông già học trò đất Long Hồ” là một phần nội dung lá triệu trưng trong đám tang Phan Thanh Giản như chúng ta đã biết ở trên. Cụ tự xưng như thế sau khi gửi trả sắc phong, phẩm phục, ấn triện… về triều đình. “Ninh phụ” có hai cách hiểu, một là “đành phụ”, hai là “đành mang”. Chúng tôi hiểu “phụ” theo nghĩa thứ hai dựa theo thành ngữ “cửu phụ thịnh danh” tức “từ lâu đã mang danh tiếng tốt”. Đồ Chiểu muốn nói với tòa án rằng: “Quý ngài chẳng nhất thiết xử tệ với Phan công làm chi, ông ấy không về triều nữa đâu vì vĩnh viễn đã làm người học trò già nơi chôn nhau cắt rún.”
Sống vững cầm cờ tiết, từng nhọc nhằn như Phú Bật,
Chết giãi hết lòng trung, há phải hận giống Trương Tuần!
Phú Bật (1004 – 1083): là người đại diện Tống Nhân tông đi sứ Khiết Đan nhiều lần để thuyết phục Liêu Hưng tông ngừng chiến dịch nam chinh (1042). Kết quả thương thuyết là hòa nghị Trọng Hi. Theo thỏa thuận mới, hàng năm nhà Tống phải nạp cho Liêu 20 vạn lạng bạc và 20 vạn súc lụa để Liêu bãi binh. So với hòa ước Thiền Uyên trước đó (1005) phí nạp chỉ 10 vạn lạng bạc và 20 vạn súc lụa thì số bạc tăng nhiều nên đời sau gọi hòa nghị này là “Trọng Hi tăng tệ”. Nên chú ý hòa ước Thiền Uyên được ký kết sau khi Liêu thua to ở Thiền châu nhưng nhà Tống vẫn thỏa mãn vì Chân tông cho rằng tiền nạp vẫn ít hơn quân phí nếu tiếp tục chiến tranh. Do phải nạp thêm tiền để mua hòa bình nên sau đó khi Nhân tông cất nhắc Phú Bật lên chức Hàn Lâm học sĩ ông đã xin từ vì đi sứ không thành công.
Trương Tuần (709 – 757): tướng nhà Đường, người cùng Hứa Viễn giữ thành Tuy Dương để chặn đường quân Yên xuống Giang Hoài. Ông chỉ huy khoảng 7.000 quân giữa vòng vây hơn 100.000 quân của Doãn Tử Kỳ. Khi hết lương, ông giết thiếp yêu cho quân sĩ ăn thịt, sau đó đến thường dân, bắt đầu từ người già và trẻ con, tổng cộng hơn hai vạn nhân mạng bị dùng làm thực phẩm. Khi ra trận ông hay nghiến răng đến mức khi bị kẻ thù bắt chỉ còn 3 cái trong miệng. Thành thất thủ vào tháng 10-757, ông không đầu hàng nên bị sát hại. Vua Đường truy phong Trương Tuần chức Đại Đô đốc Dương Châu dù triều thần có người ngăn cản bởi tai tiếng ăn thịt người.
Hai nhân vật trên giống Phan Thanh Giản ở chỗ có đi sứ hoặc chết theo thành còn về chi tiết thì khác biệt nhiều. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không chọn nhầm điển tích. Cụ Phan tương đồng Phú Bật về sự đi lại nhiều lần gian nan không nản lòng, thể hiện qua “tằng lao bỉnh tiết” tức “từng lao nhọc cầm cờ sứ”. Cụ Phan tương phản Trương Tuần giữa cái thung dung tựu nghĩa với cái chết đầy căm hận do bị xử tử, thể hiện qua “tận trung hà hận” tức “vì tận trung sao phải hận”. Đồ Chiểu chỉ lấy hai nét tượng trưng đó để làm thơ điếu.
Cơ sự sáu tỉnh còn hay mất có trời biết
Sao tìm được người bầy tôi thung dung tựu nghĩa (như ông nữa)!
Đọc lướt qua ngỡ như tác giả cho rằng việc mất 6 tỉnh do số trời nên cụ Phan không chống chọi được. Cách nói rất mềm mại để bảo vệ quan Kinh lược. Nhưng gẫm câu 8 thì thấy “hữu thiên” không chỉ mang nghĩa “có trời” mà còn ngầm nghĩa “có triều đình”. Lời hờn dỗi sẽ là: “Các ngài lên kế hoạch, chỉ đạo thế nào để khi thất bại thì lôi người ta ra vùi dập quá mức? Làm vậy thì tìm đâu ra bầy tôi chịu hi sinh vì vua nữa!” Nhiều khả năng do nghe phong thanh triều đình xử nặng tay nên Đồ Chiểu đã sáng tác bài thơ này.
Sang thế kỷ XX do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc nên trí thức Việt Nam không còn thấu đáo quá khứ thuộc thế giới Nho giáo Hoa quyển. Sự diễn giải sai hai bài thơ viếng Phan Thanh Giản đến từ ảo ảnh về lịch sử hai thập niên 1850-1860. Gồm các điểm chính sau:
- Nhà Nguyễn hèn nhát # Nhà Nguyễn sẵn sàng đánh nhau khi còn sức đánh.
- Nghĩa sĩ 6 tỉnh tự giác nổi dậy chống Pháp # Tự Đức khuyến khích, hỗ trợ nổi dậy.
- Nhân dân chiến đấu vì mình, cho mình # Sĩ dân chiến đấu vì vua lẫn vì mình, cho vua lẫn cho mình.
- Phan Thanh Giản chuyên quyền giải quyết công việc # Triều đình nhúng tay vào mọi sự nhưng dấu mặt trong một số sự.
- Mất nước do hấp tấp hoặc khiếp nhược để Pháp chiếm 6 tỉnh, tạo bàn đạp lấn ra bắc # Mất nước do chia rẽ tôn giáo, vùng miền khiến chính quyền bị phân tán lực chống Pháp.
- Đại Nam đủ tài nguyên quốc phòng nhưng không dám đánh # Đại Nam vũ khí lạc hậu, tiền gạo eo hẹp, năng lực chiến đấu suy giảm dần.
- Nguyễn Đình Chiểu yêu nước nên ghét Phan Thanh Giản bán nước # Quan niệm “nước” của Nguyễn Đình Chiểu khác quan niệm “nước” hiện đại. Đồ Chiểu kính phục Phan Thanh Giản vì cụ Phan giữ vững phẩm chất trung-ái của nho thần.
Số lượng nhân vật lịch sử Việt Nam thừa phong phú để tuyển mẫu làm gương sáng hay gương tối, lựa chọn kém chiều sâu rồi miễn cưỡng gia công nâng cấp hoặc bỉ bôi nhân vật chỉ chứng tỏ một tư duy khoa học chưa trưởng thành. Nó chẳng mang lại lợi ích nào ngoài nhiễu loạn tri thức và khơi thêm nứt vỡ trong lòng dân tộc. Chúng tôi cảm nhận hai bài thơ như tiếng buồn thương của người-quân-tử khóc người-quân-tử. Nó thuần khiết nên chưa bao giờ vọng đến kẻ cơ tâm. Ai thiếu tự tin mà thừa dụng ý thì trước khi ngâm thưởng xin tắm gội sạch sẽ, khăn áo chỉnh tề, châm nén trầm thơm…
Chú thích:
(1) Louis Adolphe Bonard và Palanca y Guttierez: chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Pháp và Y Pha Nho tại Đại Nam (1862)
(2) De la Grandière là Thống soái Nam Kỳ (1867).
(3) (5) Xem Trương Bá Cần, “Phan Thanh Giản với việc mất sáu tỉnh Nam bộ vào tay thực dân Pháp (1862 – 1867)”, Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức – Tạp chí Xưa&Nay (2015), trang 44, 45. Có thể xem quyển “Le Pays D’Annam” (trang 104) của Hải quân Đại úy Éliacin Luro tại đây https://bit.ly/3Ualjzk, và quyển II bộ “Les premières années de la Cochinchine, Colonie Française” (trang 130, 143) của Hải quân Trung tá Paulin Vial tại đây https://bit.ly/3RyAYGT. Thông tin Phan Thanh Giản đầu hàng, bài hịch đọc trước dân chúng và thư gửi De la Grandière viết bởi cụ Phan dường như được ngụy tạo để định hướng công luận Pháp là chủ yếu. Thư tịch chính thức đồng thời từ Đại Nam không lưu lại dấu vết nào giúp chứng thực các sự kiện hoặc văn bản đã nêu.
(4) Phó Đô đốc Rigault de Genouilly từng chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm thành Gia Định vào năm 1859
(6) Phan Văn Hùm, Nỗi lòng Đồ Chiểu, Nxb Tân Việt (1957), trang 50, 51.
(7) Dẫn theo Nguyễn Bá Thế, “Phan Thanh Giản qua thơ phú công luận phẩm bình”, Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức – Tạp chí Xưa&Nay (2015), trang 260.
(8) Winston Phan Đào Nguyên, Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản, Nxb Nhân Ảnh (2022). Bản pdf https://bit.ly/3eEG99I
(9) Phan Văn Hùm, sđd, trang 101, 102.
(10) Léopold Pallu de la Barrière, Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1861, Imprimerie Berger-Levrault et Cie (1888), trang 64, 68. Bản pdf https://bit.ly/3qrSCA9.
(11) Léopold Pallu, sđd, trang 88. Pallu cho biết Pháp tịch thu được khoảng 2.000 súng Saint-Étienne cũ.
(12) Léopold Pallu, sđd, trang 93.
(13) Paulin Vial, Les premières années de la Cochinchine, Colonie Française, Imprimerie Briez, C. Paillart et Retaux (1874), trang 154. Bản pdf https://bit.ly/3BFr9S9. Nhận xét: Paulin Vial, làm việc trực tiếp với chủ súy tại Sài Gòn, thừa biết sự dính líu của Pháp trong vụ nổi dậy tại Bắc Kỳ nhưng vẫn vờ vịt khi viết sách.
(14) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn, Nxb Hà Nội (2019), trang 225, 226.
(15) “Quốc” và “triều đình (với vua đứng đầu)” hầu như là nhất thể trong tâm thức nhà nho. Câu khẩu hiệu đặc biệt ở chỗ phần trước có “quốc” đóng vai nạn nhân, phần sau có “triều đình” đóng vai thủ phạm. Sự phân biệt vai trò của từng khái niệm, một tích cực một tiêu cực, cho thấy nó ra đời tại địa điểm và vào thời điểm mà số đông không còn đồng nhất vua với nước. Có thể xem đó là dấu hiệu của chủ nghĩa dân tộc. Các cá nhân chế tác, cả tin hoặc lan truyền câu chuyện Trương Định đề cờ đã thể hiện lỗ hổng kiến thức về lịch sử tư tưởng – chính trị cũng như về phương pháp luận.
(16) Phan Văn Hùm, sđd, trang 54.
(17) Trích: Cao Tự Thanh tuyển dịch – Nguyễn Đình Thảng viết chữ Hán, “Lâm hình thời tác”, Việt Nam bách gia thi, Nxb Văn hóa Sài Gòn (2005), trang 92.
(18) Cao Tự Thanh – Nguyễn Đình Thảng, sđd, trang 79.
(19) Thái Bạch sưu tầm và giới thiệu, “Gia Định thất thủ phú”, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, Nhà sách Khai Trí Sài Gòn (1968), trang 226.
(20) Phan Văn Hùm, sđd, trang 47.
(21) Xem Phillippe Devillers, Người Pháp và người An Nam: Bạn hay Thù? (1998), Ngô Văn Quỹ dịch, NXB Tổng hợp TPHCM 2006, trang 131.
(22) Xem Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn, Nxb Hà Nội (2019), trang 58.
(23) Phillippe Devillers, sđd, trang 154.
(24) Tô Nam dịch, “Bản án của các đại thần nghị xử việc để thất-thủ 3 tỉnh: Vĩnh-Long, An-Giang, Hà-Tiên”, Tập san Sử Địa số 7-8 năm 1967, trang 239 – 240, Nhà sách Khai Trí Sài Gòn (1967). Bản pdf https://bit.ly/3Bsiimt
(25) Tô Nam dịch, sđd, trang 243 – 244.
(26) Tô Nam dịch, sđd, trang 241 – 242.
(27) Tô Nam dịch, sđd, trang 240.
(28) (Tự Đức) “Nhân bảo bọn Thanh Giản rằng: ý người Phú như thế là muốn dân ta dứt tình với ta, cho nên dân không nhịn được sự tức giận nhỏ ấy. Ta đã nhiều lần phái người mật đi hiểu bảo, nhưng có 1 – 2 kẻ hiếu sự không chịu nghe, đã để cho họ sinh ngờ, lại làm nhiễu hại dân ta. Vả lại, họ đương cố chấp lời ước, để gây hiềm khích, 3 tỉnh bị trơ trọi thì tất đến nguy. Nay dứt tình đi, thì sợ lòng dân ngày thêm lìa tan, nếu không dứt tình tuyệt đi thì việc chưa nên, mà lúc cấp khó cứu, nên bất đắc dĩ phải dứt tình đi, để cho dân 3 tỉnh ấy không còn trông nhờ vào đâu để bạo động nữa. Đó là đoạn tuyệt để mà bảo vệ, để làm kế sau này nảy nở sẽ mưu toan dần dần. Bèn xuống dụ cho tỉnh thần 3 tỉnh sức khắp các hạt biết, có ai mượn tiếng là mộ nghĩa thì không được vào trong địa giới, mà các quan phủ, huyện một khi trông thấy tức thì bắt ngay đem giải ; nhà dân có ai chứa chấp cũng bắt tội như kẻ phạm.” (Thực lục 7, 897 – 898) Hoặc, Tháng 7 Tự Đức 19 (1866): “Tuần phủ Thuận – Khánh là Hoàng Văn Tuyển tâu nói: Gần đây nghe nói Vũ Duy Dương và bọn Trương Tuệ (Tuệ là con Trương Định) ngầm đến thượng du hội với bọn còn sót lại của tên Bướm mưu khởi nghịch. Vua bảo viện Cơ mật rằng: Lũ tên Dương lòng hắn thế nào chưa dễ biết rõ, nhưng cũng là do lòng công phẫn mà ra, có thế mới có thể ràng buộc lòng người, để dùng về sau, cho đi tuần bắt cũng chẳng qua để cho vui lòng nước Pháp mà thôi, giết đi thì cũng đáng tiếc, người không biết thì bảo là phụ ân, trước bất đắc dĩ đã mất 1 Phan Huân, lòng trẫm vẫn áy náy, chưa biết quan kinh lược và quan tỉnh cũng đã biết rõ ý ấy làm cho thoả đáng hay không? Nếu nhận là việc thật, thì thất sách nhiều lắm. Bọn chúng quen đánh không sợ, tuy sức ít không làm nên việc, nhưng khí khái đáng khen, huống chi lũ tên Dương nếu được địa lợi, đủ quân đủ lương, biết đem dùng hắn thì người đã quen, tưởng cũng được việc, nếu vời hắn đến xử trí cho khéo, ngõ hầu là lưỡng toàn. (Huân là người Gia Định, đỗ Cử nhân ra ứng nghĩa).” (Thực lục 7, 1007)
(29) Tô Nam dịch, sđd, trang 246.
(30) Dẫn theo Phan Thị Minh Lễ, “Phan Thanh Giản”, Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Nxb Hồng Đức (2015), trang 68.
(31) Thái Hữu Võ, Phan-thanh-Giảng truyện, Nhà in Xưa-Nay (1927), trang 41 – 42.
(32) Nguyễn Thông, “Độc Tùng Đường ‘Thu hoài’ chi tác nhân thứ kỳ vận”, dẫn theo sucsongmoi.com.vn, https://bit.ly/3QvOiKJ.
(33) Tô Nam dịch, sđd, trang 173.
(34) Phù Lang Trương Bá Phát, “Kinh-lược Đại-thần Phan Thanh-Giản với sự chiếm cứ ba tỉnh miền TÂY”, Tập san Sử Địa số 7-8 năm 1967, trang 60. Nhà sách Khai Trí Sài Gòn (1967). Nhận xét: Phù Lang lấy thông tin này từ quyển II “Les premières années…” trang 142 của Paulin Vial.
(35) Trích theo Nam Xuân Thọ, Phan-thanh Giản (1786 – 1867), Nxb Tân Việt in lần 2 (1957), trang 95 – 96.
(36) Trích theo Nguyễn Duy Oanh, Chân dung Phan-thanh Giản, Tủ sách Sử học Bộ Giáo dục và Thanh niên (1974), trang 264. Bản pdf https://bit.ly/3xeFKBn.
(37) Nguyễn Duy Oanh, sđd, trang 266 – 267.
(38) Cao Tự Thanh – Nguyễn Đình Thảng, sđd, trang 86.
Ghi chú chung: Tháng đi theo niên hiệu Tự Đức là tháng âm lịch.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Sử học dịch, Đại Nam Thực lục tập bảy, Nxb Giáo dục (2002).
2. Phạm Phú Thứ, Nguyễn Duy Chính dịch và chú giải, “Ký Vãn Nguyên Nam Kỳ Kinh Lược Đại Thần Phan Lương Khê Công”, https://bit.ly/3eDFzsH