Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 14

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

1 Thời Đồ Đá, Thời Tên Lửa

Trùm không lực Curtis LeMay không bao giờ sống mà quên được một câu viết trong hồi ký 1965 của ông: ‘Cách giải quyết của tôi  … sẽ là nói thẳng (với người Miền Bắc) rằng họ hãy rút lại sừng và ngừng gây hấn, nếu không chúng tôi sẽ ném bom đưa họ trở về Thời Đồ Đá.’ Sâu trong rừng rậm Miền Nam một độc giả của LeMay, Doug Ramsey, khao khát được gặp vị tướng để anh có thể chỉ ra rằng ‘Thật khó để ném bom nơi nào đó trở về thời đồ đá khi mà trước hết nó chưa hề rời bỏ nơi đó.’  Lyndon Johnson tung máy bay Mỹ đánh Miền Bắc trong một cố gắng tuyệt vọng phá vỡ vòng luẩn quẩn trong đó Washington dường như mãi mãi buộc phải nhảy theo nhịp điệu của kẻ thù. McGeorge Bundy viết cho ông vào ngày 30 tháng 6 1965: ‘Chúng ta có sức mạnh để đưa ra lời cảnh báo dữ dội hơn tới Hà Nội  … Nếu Tướng Eisenhower đúng khi cho rằng chính viễn cảnh một trận tấn công hạt nhân đã đưa đến sự đình chiến ở Triều Tiên,  chúng ta ít nhất nên xem xét mối đe dọa hiện thực nào chúng ta có thể sử dụng được.’ Fred Weyand, một trong các sĩ quan tài tình nhất của Mỹ, và sau này là xếp của  MACV, hậu thuẫn chiến dịch đánh bom Miền Bắc có tên ‘Sấm Rền II ‘ của Lyndon Johnson: ‘Nếu chúng ta muốn bẻ cong ý chí của họ theo ý chúng ta, thì đây là điều duy nhất chúng ta có thể làm.’

Trong thế kỷ vừa qua sức mạnh không lực đã tác động một sức mê hoặc đầy uy lực và thường có tính ảo tưởng đối với các chính quyền muốn tìm đến thứ sức mạnh đòn bẩy. Nó có vẻ ít rắc rối,  gớm ghiếc, đắt giá về phương diện chính trị trong việc gửi các phi cơ công kích từ các tầng trời trinh nguyên,  hơn là đem quân lội bì bõm qua các đầm lầy ngập mặn theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen. Hầu hết phi hành đoàn đều mặc nhiên xem như được xá tội về mặt đạo đức một cách giả tạo khi mình không nhìn thấy tận mắt những người vô tội mình đã giết.

Những kẻ hoài nghi đã nghiên cứu chút ít về lịch sử biết được hạn chế của việc đánh bom. Lúc nào nó cũng gây đau đớn cho người ngoài cuộc. Nó có thể hiệu quả, đúng ra có tính quyết định, đối với các binh sĩ và quân xa đang di chuyển, và đối với các cơ sở không gia cố. Tuy nhiên,  nó thường không mấy hiệu quả đối với binh sĩ có đào hầm trú ẩn và các mục tiêu kỹ nghệ và giao thông phức tạp.

Giữa 1950 và 1953 Không lực Hoa Kỳ tiêu tốn biết bao công sức nhằm cắt đứt các con đường tiếp tế giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, nhưng Chiến dịch Siết Cổ chỉ thành công có hạn chế.  Vào năm 1965 các ông trùm dội bom nói: ‘Sức mạnh không lực đã tiến bộ; công nghệ cho phép chúng ta ném bom trúng ngay một đồng xu.’ Lyndon Johnson mời Hải quân và Không lực Hoa Kỳ giáng những đòn trừng phạt đích đáng lên Miền Bắc. Chiến dịch Sấm Rền được tính toán để tháo xiềng cho sức mạnh Mỹ theo một phương thức hạn chế và do đó nhân đạo hơn, không chủ trương cưỡng chế sự thay đổi chế độ nào.

Điều này không làm vừa ý một số các viên chức không quân, nổi bật trong đó có LeMay, người luôn đề xuất một sự phá hủy toàn diện, và nhất là đóng cửa cảng Hải Phòng.  Trong mắt họ, đánh bom nương tay là điều họ ghét cay ghét đắng; thậm chí nó không có tính cách Mỹ: họ tin rằng phe Đồng minh đã làm đúng trong những năm 1944-45 khi đánh bom Đức và Nhật.  Vậy mà mặc dù Không lực Hoa Kỳ và các chỉ huy hải quân đùng đùng nổi giận chống lại các hạn chế có tính chính trị trong những năm 1965-68 về đánh bom, không ai nêu rõ là các hạn chế này đã khiến các lực lượng của họ không có khả năng phát hủy hiệu quả.  Họ cứ nghĩ xã hội của địch, một thứ làm bằng tre nứa và bông gòn, quá mong manh đến nỗi chỉ cần một liều lượng vừa phải chất nổ bỏ xuống từ phi cơ sẽ tàn phá cả ý chí lẫn các phương tiện của họ. Chỉ mãi về sau này, khi tính kiên cường cộng sản đã trở nên rõ ràng, thì các tư lệnh mới ồn ào đổ lỗi gây ra thất bại cho các ông xếp chính trị của họ. Họ vẫn khư khư mù quáng với sự kiện rằng trong một cuộc chiến có lựa chọn, Hoa Kỳ có thể duy trì sự đồng thuận của đồng bào và đồng minh, không cần biết đến kẻ thù Nga và Trung Quốc, chỉ nếu tồn tại một tỷ lệ nào đó giữa sức mạnh được sử dụng,  thương vong dân thường gây ra, và mục tiêu đang bị đe dọa.

Vào tháng 2 năm 1964 Nhà Trắng ra lệnh đánh bom như một biểu hiệu cho quyết tâm của Mỹ, hơn là để hoàn thành các mục tiêu quân sự xác định. William Bundy sau này nói: ‘Thực sự chính sách đang tự hình thành và, trong thực tế,  đang tự công khai thông qua các hành động của chúng ta. Và đây chính là điều  Tổng thống muốn.’ Vào ngày 8 tháng 3 Maxwell Taylor điện cho Johnson từ Sài Gòn,  yêu cầu một quả đấm mạnh hơn: ‘Tôi sợ phải nói rằng Sấm Rền đối với mắt người Miền Bắc chỉ là một vài tiếng sấm nổ lẻ loi.’ Một phi công viết một cách chua chát: ‘Dường như thể chúng ta đang ra sức xem chúng ta có thể bỏ bao nhiêu bom, mà không làm xáo trộn đời sống của đất nước.’ John McCone của CIA cảnh báo rằng sự thận trọng của Mỹ được Hà Nội lý giải là do họ yếu đuối. Sau đó ngày càng nhiều thuốc nổ được đổ xuống, hàng loạt mục tiêu ngày càng mở rộng, đến độ khoảng năm 1968, 643,000 tấn đã đánh xuống Miền Bắc. 

Nhưng trong cùng thời kỳ đó 2.2 triệu tấn bom rơi xuống Miền Nam: các lãnh đạo Mỹ lo lắng giết nhầm dân thường ở Miền Bắc thù địch nhiều hơn ở xứ láng giềng được coi là đồng minh của mình. ‘Chất thạch địa ngục’ – tức bom lửa napan – được sử dụng bừa bãi trên lãnh thổ Sài Gòn, không hề được phép sử dụng trên lãnh thổ Hà Nội. 

Các tranh luận về tính hợp pháp của việc đánh phá các cơ sở và hoạt động đặc biệt  trở nên bí ẩn và gây phẫn nộ.  Vào tháng 5 năm 1965 một trung uý không quân  bày tỏ sự hoang mang: ‘Một đoàn xe hộ tống quân sự là gì? Một đoàn xe cơ giới có bao nhiêu xe và kéo dài bao nhiêu đoạn đường mới gọi là đoàn xe hộ tống quân sự? Một quân xa đi một mình có phải là một mục tiêu được phép hay không? … Cách một lộ trình đặc biệt bao nhiêu xa thì chúng ta mới được phép đi theo một con đường phụ mà xe tải đi được?

Các mục tiêu ban đầu của Sấm Rền được quyết định trong các buổi ăn trưa thứ ba của Lyndon Johnson với McNamara và Rusk.  Trong lúc họ dùng bữa,  vị bộ trưởng quốc phòng đưa ra một thực đơn khó tiêu, đã được vị ngoại trưởng đồng ý. 

Tổng thống tán thành một số mục tiêu, bác bỏ một số khác, chủ yếu chịu ảnh hưởng do tính nhạy cảm về phương diện chính trị và ở quá gần Hà Nội, nơi mà trong những năm 1965-66 ông không muốn gặp sự khó chịu. Ông chỉ thị một vùng độn 30 dặm giáp với biên giới Trung Quốc và chung quanh các thành phố, trong đó các mục tiêu an toàn không bị tấn công trừ khi có sự cho phép tường minh. Trung tướng Bruce Palmer xác nhận rằng ‘trong phần đông nhiệm kỳ tổng thống của mình,  Johnson luôn là sĩ quan xác định mục tiêu’. Sự thân thiện trong các buổi thảo luận Nhà Trắng cho phép ba ông trùm nói chuyện thẳng thắn với nhau  – chỉ đến cuối năm 1967 thì các đại diện quân sự mới được tham dự  – nhưng vì các quyết định không được ghi chép lại, sau này có điều tiếng lùm xùm về điều đã được nhất trí. Trong thời gian đầu,  cầu cống chiếm đến 4 phần năm các mục tiêu được ra lệnh đánh bom,  vậy mà cầu lớn Paul Doumer của Hà Nội vẫn được chừa ra đến hai năm sau mới bị đánh.  Cơ hội tốt nhất để hoàn thành được một cú dội bom trên một nhịp cầu hẹp là bỏ một đợt bom theo một hướng thẳng góc với nó, nhưng chiến thuật ấy được xem gây quá nhiều tai họa cho dân thường, và do đó bom bỏ xuống thẳng hàng, tạo ra một tỷ lệ đánh trật mục tiêu rất cao. 

Các phi công bay với tốc độ khoảng 900 km/giờ được yêu cầu phải phân biệt được xe tải dân sự với quân xa từ một cao độ 3,000 bộ (khoảng 1,000 mét). Nhà máy sản xuất xe đạp Hà Nội,  một thành tố quan trọng của hệ thống giao thông Miền Bắc, được loại khỏi danh sách mục tiêu ra cho đến cuối chiến tranh.  Để xoa dịu những người quá nhạy cảm,  trong năm 1967-68 Bộ Ngoại giao đôi khi chỉ định các trọng tải bom cụ thể. Một nhân viên rầu rĩ nhận xét khi anh nhìn thấy Rusk, xếp của mình, chạy ù tới buổi họp Nhà Trắng: ‘Nếu bạn bảo với ông ta là mình biết một cách hiệu nghiệm để đánh bại Việt cộng và rút quân khỏi Việt Nam,  ông ta sẽ rên rỉ là hiện giờ mình quá bận bịu; phải lo xem tuần tới đánh bom tại mục tiêu nào.’

Chiến đấu cơ ném bom được sử dụng thường hơn các Pháo đài bay B-52, vốn chỉ bay 141 sứ mạng Sấm Rền, ngay phía bắc vùng DMZ (vùng phí quân sự). Vậy mà,  như hầu hết các máy bay của hải quân,  600 chiếc Phantom F-4 của Không Lực Hoa Kỳ và lực lượng tương tự của máy bay Thunderchief F-105 (hai loại chiến đấu cơ mà Miền Bắc dịch là Thần Sấm  và Con Ma) thiếu khả năng hoạt động mọi thời tiết.  Trong những tháng gió mùa cuối xuân khi tầng mây thấp trên bầu trời Miền Bắc ít khi tan,  gần phân nửa mục tiêu được chỉ định cho phi hành đoàn không thể tiếp cận được.  Hơn nữa,  sự phòng thủ quá năng nổ gây nên tổn thất ngày càng cao cho Mỹ. Trong năm 1965 người Mỹ mất 171 phi cơ trên Miền Bắc,  năm sau 280 chiếc,  và năm 1967, 326. Phe cộng sản triển khai vô số dàn phòng không, và các kiểu chiến đấu cơ MIG nối tiếp mới: người Nga cung cấp các hệ thống đánh chặn ra đa,  điều khiển từ mặt đất.  Trong vòng một ít tháng sau khi Khrushchev bị hạ bệ,  vào tháng 11 1964 người kế vị Leonid Brezhnev bắt đầu gửi các tên lửa SAM-2 cho Miền Bắc; hai năm sau, có đến 200 bệ phóng được dàn dựng. 

Đại tá Jack Broughton, chỉ huy phó Bộ phận Chiến đấu cơ Chiến thuật 355, đặt tên cho lãnh địa địch là ‘vùng địa ngục  với Hà Nội là tâm điểm.’ Cuối cùng, trong khi mức độ nhắm chính xác mục tiêu là khá tốt theo tiêu chuẩn thời đó, ‘các bom sắt’, khác với các bom được dẫn đường chính xác chỉ ra đời sau này, là những công cụ vụng về. 

Giữa tháng 3 1965 và tháng 7 năm sau,  Washington mở rộng Quy tắc Giao chiến cho phép các phi cơ Mỹ tập kích các vùng ngày càng rộng lớn hơn, dù các trung tâm thành phố vẫn không được đụng tới. Các dàn SAM đang xây dựng chừa ra: một chỉ huy phi đội F-4 bay qua nhiều lần một dàn phóng đang xây dựng, đến khi cuối cùng nó đã đi vào hoạt động, và bắn rơi ông.  Chỉ khi chiếc Phantom đầu tiên bị bắn hạ vào ngày 24 tháng 7 1965 tổng thống mới miễn cưỡng cho phép giáng trả vào một ít vị trí dàn phóng: ba ngày sau 54 chiếc F-105 đánh bom hai cụm dàn phóng. Học thuyết chiến thuật thời trước chiến tranh quy định rằng tên lửa,  chứ không phải pháo hoặc chiến đấu cơ,  mới là biểu thị mối đe dọa chủ chốt. Do đó các phi cơ bay tiến đánh ở cao độ 500 bộ, bên dưới vùng tác xạ của tên lửa  – lại gặp trận mưa của hỏa lực phòng không.  Các mục tiêu  cho thấy là những mồi nhử được phòng vệ dày đặc: lực lượng phòng thủ mặt đất đã chuẩn bị sẵn trận phục kích,  và bắn hạ 4 ‘Thud’ – tiếng lóng các phi công gọi chiếc Thunderchief, có nghĩa Rơi Cái Thịch: dải đồi đó được các phi hành đoàn biết dưới tên ‘Sườn đồi Rơi Cái Thịch’, bởi vì nó chứng kiến quá nhiều phi cơ bị bắn hạ. Thêm hai chiếc F-105 va chạm nhau trên đường về nhà, khiến cho cuộc đột kích này thành đắt giá nhất trong cuộc chiến đến nay. Sau đó  không lực sử dụng các chiến thuật tinh tế hơn,  phái đi phi cơ ‘Chồn Rừng’ trang bị tên lửa tìm diệt ra đa Shride của hải quân, đầu đạn có mang phốt pho (lân tinh) để các đợt tấn công sau đó có thể nhắm vào khói mà đánh bom.

Vậy mà giữa một phần ba và phân nữa dàn hoả tiễn của địch không hề hấn gì, vì chúng ở sát trung tâm khu dân cư. Người Miền Bắc dựng các dàn SAM ngay trong sân bóng đá của Hà Nội,  biết rằng địch không dám bắn. Không phải hiếm trường hợp đạn dược họ bắn ra và mảnh pháo phòng không rơi vào khu dân cư,  tất nhiên thiệt hại và thương vong họ đổ hết cho người Mỹ. Các tàu đậu trong cảng Hải Phòng,  một số của Nga và Trung Quốc, bắn vào các phi cơ Mỹ bay qua mà không bị trừng phạt.

Mặc dù hải đăng Hải Phòng là một.mục tiêu bị cấm, các phi công đôi khi cũng bắn vào nó cho hả cơn giận. Trong suốt chiến dịch, một sự tranh cãi quyết liệt và gây chia rẽ về sự lựa chọn mục tiêu luôn giằng co giữa các Tham mưu trưởng Liên quân,  Tư lệnh trưởng Thái Bình Dương,  Hải quân  và Không lực 7. Mark Clodfelter, nhà sử học uy tín của việc đánh bom, đã viết: ‘Sự vắng mặt của một tư lệnh không lực đơn lẻ đã sinh ra hỗn loạn’. Chỉ huy Không lực 7, William Momyer, đặt căn cứ ở Sài Gòn,  soạn thảo một danh sách gồm khoảng 4,000 khả năng, trong khi danh sách cạnh tranh của Cục Tình báo Quốc phòng có đến 5,000 mục. Tư lệnh Trưởng Thái Bình Dương kiểm soát các B-52 từ Honolulu. 

Momyer hồ hởi muốn phá hủy hệ thống đê sông Hồng, gây thiệt hại mùa màng cho vùng đồng bằng, nhưng Nhà Trắng bỏ ngoài tai các cuộc không kích có thể dẫn đến nạn đói.

Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch không kích Mỹ phải trả đắt nhất: vào tháng 3 1965 hải quân mất 15 đến 30 máy bay mỗi 1,000 lượt xuất kích, trong khi vào mùa thu và qua suốt  năm 1966 số này giảm xuống còn 7, sau đó còn 4. 58 phần trăm tổn thất tác chiến của hải quân là do hỏa lực dưới đất,  so với 73 phần trăm của Không lực Hoa Kỳ,  và 64 phần trăm của TQLC ‘: tổng cộng,  hỏa lực phòng không chiếm 1,600 trong số 2,300 phi cơ bị bắn rơi. Các lý thuyết gia thời trước chiến tranh đã đúng khi cho rằng pháo không thể theo dõi đường đi của máy bay tấn công tầm thấp,  nhưng họ đánh giá thấp hiệu lực của việc lấp kín những ‘vùng cấm địa’ trên bầu trời bằng hỏa lực đến độ bão hoà.

 

Nỗ lực của không quân Mỹ gia tăng trong nửa phần sau của năm 1965, lên từ 2,879 lượt xuất kích trong tháng 8 đến 3,553 lượt trong tháng 9. Vào cuối năm  các Tham mưu trưởng Liên quân rất thực tế nhìn nhận rằng năng lực lâm chiến của địch bị tổn hại rất ít ỏi. Họ giờ đây tập trung vào dầu khí như một mục tiêu chủ chốt,  mặc dù Cục Tình báo Quốc phòng nhận định rằng Miền Bắc có thể duy trì hoạt động thiết yếu mà chỉ dùng 32 ngàn tấn mét khối mỗi năm, trong khi lượng dự trữ là 179,000 tấn. Các người hậu thuẫn đánh bom kho xăng cũng đã lưu ý rằng các tàu hỏa Hanoi chỉ chạy bằng than và củi.

Việc cho quyền đánh phá kho xăng dầu đạt được nhờ cố vấn an ninh quốc gia mới Walt Rostow, người mà vào tháng 4 1966 thay thế một McGeorge Bundy đã kiệt sức và xuống tinh thần.  Đối với các đồng nghiệp Rostow ca tụng sự kiên cường của Johnson  và so sánh ông với Lincoln, nếu LBJ chỉ cần duy trì đà tiến công quân sự, tình hình sẽ sáng tỏ trong một ít tháng tới.’ Vào ngày 29 tháng 6, phi cơ hải quân đánh bom Hải phòng POL (kho phức hợp xăng dầu và nhớt). Một phi công trinh sát sau trận đánh nói: ‘Có vẻ như chúng ta đã quét sạch toàn bộ kho cung cấp dầu của thế giới.’ Tuy nhiên, vào ngày đó, kẻ địch đã phân tán dầu dự trữ của họ trong các thùng và hầm ngầm dưới đất. Vào mùa hè Washington cho phép các B-52 đánh bom các mục tiêu quân sự bên trong khu Phi Quân Sự, và khoảng 10 dặm về phía bắc trong lãnh thổ cộng sản. Mỗi phi cơ có thể chở gấp 10 lần số bom của một chiến đấu cơ: Pháo đài bay biến vùng đất thành một khung cảnh đầy hố như trên mặt trăng. Tuy nhiên, việc chuyển quân tiếp viện của địch dường như không hề giảm sút, vì họ vẫn còn đi xuống Đường Mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Thời tiết hạn chế hoạt động đánh phá vào cuối năm 1966, thành ra các mục tiêu chung quanh đồng bằng sông Hồng chỉ có thể đánh bằng các B-52, với viễn cảnh làm tăng thương vong dân thường,  một lựa chọn bị Nhà Trắng bác bỏ.  Giữa 2 và 5 tháng 12, tuy nhiên, các máy bay tiêm kích-ném bom tấn công đường tàu hỏa, trạm quân xa  và kho xăng dầu sát Hà Nội. 

Vào cuối năm Cục Tình báo Quốc phòng tính toán rằng tổng số 4,600 quân xa Miền Bắc đã bị hủy diệt,  cùng với 4,700 xuồng tiếp tế  bị đánh chìm và 8,700 bị hư hại,  800 toa tàu và 16 đầu máy tàu hỏa bị hư hỏng.  Không lực 7 chụp quá nhiều ảnh mục tiêu đến nỗi không đủ người giải thích xem xét hết, và tìm ra ý nghĩa của các phát hiện.  Vào tháng 4 1967, khi tấn công vào lưới điện của Miền Bắc,  Tình báo tính toán có bao nhiêu nhà máy điện bị phá hủy,  nhưng không đưa ra được ước tính đáng tin cậy còn bao nhiêu hoạt động  – điều mới thực sự quan trọng. 

Hầu hết mọi quân nhân có quyền đưa ra quyết định đều tán thành đánh bom và đặt mìn Hải Phòng, qua cảng này hầu hết hàng nhập khẩu quân sự chảy vào. Tuy nhiên,  tổng thống nao núng, sợ phải đối đầu với Moscow vì các tàu chở hàng Xô viết đậu ngoài khơi cảng. Hệ thống liên lạc của chính quyền Hà Nội không hề hấn gì, vì bộ phận vận hành chủ chốt  được đặt sát sứ quán Nga. Vào tháng 12 1966 tổng thống trình lên người Ba Lan qua uỷ ban ICC một đề xuất vô lý về việc hạn chế đánh bom trong vòng 10 dặm cách Hà Nội,  nếu phe cộng sản cũng thôi không tấn công cách Sài Gòn dưới 10 dặm.  Lời đề xuất này không được đáp lại, Hoa Kỳ áp đặt sự ngăn cấm đơn phương 10 dặm vào các mục tiêu quanh thủ đô của Hồ.

Mỉa mai thay,  Sấm Rền gây ra tác hại nhiều không sao so sánh được cho chính quyền Lyndon Johnson hơn cho chính quyền Lê Duẩn. Công luận quốc tế và một phần quốc nội chỉ cần nghe nói đánh bom là giật nảy mình, và không ấn tượng trước sự tiết chế của nó. Ngược lại, Johnson đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ phe diều hâu quốc hội muốn đánh mạnh hơn – ngay đúng yết hầu của đối thủ. Khi ông ra sức lấy lại tiếng tăm nhân đạo cho mình bằng cách ngưng dội bom trong mùa lễ giữa 24 tháng 12 1965 đến 31 tháng 1 1966, việc này Hà Nội đáp lại bằng sự câm lặng như đá theo thường lệ; sự khinh thị của giới không quân; sự lạnh nhạt của toàn thế giới.  Sự leo thang không kích từng  bước tạo cho người cộng sản một đường cong kiến thức thoai thoải, khiến họ có thể cải thiện từ từ khả năng phòng thủ,  phát triển phản biện pháp giữa các cuộc tấn công rỉ rả thay vì một trận gió mùa mà Không lực Hoa Kỳ và Hải quân Mỹ muốn dốc toàn bộ.

Khoảng năm 1967 Miền Bắc triển khai 25 tiểu đoàn tên lửa SAM, mỗi tiểu đoàn 6 dàn phóng SAM, chung quanh là 1,000 pháo phòng không,  cùng với 125 chiến đấu cơ MiG. Trong khi không có công nghiệp chế tạo quy mô lớn ở lãnh thổ của Hồ Chí Minh,  cuộc chiến tạo ra một hoạt động bản địa tinh vi về kỹ thuật hơn bất kỳ người Việt Nam nào từng biết đến trước đây: hoạt động phòng không. Các tổn thất của Mỹ tăng cao khi có nhiều mục tiêu phải tấn công hơn quanh Hải Phòng và Hà Nội  – ‘Đi xuống khu buôn bán thành phố’, là phi công Mỹ biết là xuống đánh thủ đô.  Cho đến cuối năm 1966, các hành quân trên không qua khắp Đông Nam Á tiêu tốn của Mỹ trung bình ít hơn một phi cơ mỗi một ngàn lượt xuất kích.

Tuy nhiên,  trên bầu trời Miền Bắc,  tổn thất không lực xấp xỉ gấp 25 lần tỷ số đó. Phi cơ bắt đầu đánh bom ở độ cao lớn hơn, thường thả bom ở khoảng cách 7 ngàn thay vì 4 ngàn bộ. Điều này làm giảm tổn thất do pháo cao xạ, nhưng bù lại ném thiếu chính xác.  Phi cơ tấn công bắt đầu sử dụng bom chùm chống người,  một số chất đầy các bom nhỏ nổ chậm, buộc các xạ thủ và lính tên lửa phải núp vào hầm trú ẩn.

Mặc dù các chiếc Mig của cộng sản bắn rơi tương đối ít các phi cơ Mỹ, họ thỉnh thoảng buộc kẻ tấn công phải vứt bớt bom và thậm chí cả ECM pods (hệ thống đối kháng điện tử), để có thể bay tránh chúng truy đuổi. Tại một cuộc hội thảo ở Philippin về vấn đề MiG, Tướng Momyer bàn bạc với Đại tá Robin Olds, người chỉ huy ồn ào và dềnh dàng của bộ phận F-4. Hai người,  giống như các phi công ách chủ bài của Thế Chiến II, nghĩ ra một kế hoạch khôn khéo,  Chiến dịch Bolo, được thi hành vào ngày 2 tháng giêng 1967. Các phi công cộng sản tránh phi cơ F-4 Phantom, chỉ quấy rối các F-105 Thunderchief mang đầy bom.  Thành ra một số F-4 ngụy trang thành F-105 bằng cách thêm vỏ ra đa, và hướng về phía mục tiêu đánh bom là căn cứ MiG ở Phúc Yên. Đầu giờ chiều, bên trên tầng mây dày, Đại tá Olds dẫn đầu hơn 40 phi cơ.  Các MiG phản ứng chậm,  nhưng khi họ cất cánh các Phantom F-4 bắn ra các tên lửa Sparrow và Sidewinder hạ ít nhất 5 phi cơ địch trong 15 phút, mà không tổn thất gì về phía mình: một mình Olds hạ được chiếc đầu tiên trong bốn chiếc.’ Một vài ngày sau,  một quỷ kế tương tự được sử dụng: hai F-4 bay vào không phận địch sát vào nhau đến nỗi ra đa mặt đất nhận điện chỉ có độc một chiếc: khi các MiG-21 lên nghênh chiến các Phantom,  hai chiếc bị bắn rơi.

Vào tháng 3 gần như 300 lượt xuất kích nhắm vào xưởng thép Thái Nguyên,  cuối cùng im bặt.  Từ trên cao trong nền trời mùa xuân lúc này cũng u ám không lực tiến hành đánh bom đêm bằng ra đa,  với kết quả xoàng xĩnh: bom đánh cách điểm nhắm trung bình là 1,000 ya, không cải thiện chút nào so với độ chính xác trong Thế Chiến II. Trong khi đó  hải quân tiến hành gần 100 lượt xuất kích vào các nhà máy điện Hải Phòng, buộc việc sản xuất điện phải đình lại từ cuối tháng 5.

 

Không lực Hoa Kỳ thực hiện đến 200 lượt xuất kích mỗi ngày khi thời tiết cho phép: hai đợt buổi sáng,  hai đợt buổi chiều. Mặc dù kẻ địch  không thất thế trước bất kì trò nguy hiểm nào tiếp theo giống như trò của Đại tá Olds, vào tháng 5 1967 người Mỹ tuyên bố đã phá hủy 23 MiG, trong khi chỉ mất vỏn vẹn 3 chiếc – phân nửa lực lượng phi công chiến đấu cơ Miền Bắc đã bị quét sạch. Vào ngày 19 hải quân bắt đầu sử dụng bom điều khiển bằng TV Walleye chống các nhà máy năng lượng Hà Nội,  sau khi đã thuyết phục với tổng thống rằng những bom này chính xác đến mức chỉ gây thiệt hại tối thiểu cho dân thường.  Điều này cho thấy là không sai,  nhưng Miền Bắc có đủ máy phát điện để duy trì việc cung cấp điện. 

Vào tháng 7 8,000 lượt xuất kích nhắm vào vùng cán xoong của Miền Bắc, phía nam Vĩ tuyến 20, khiến việc lưu thông tàu hỏa bị đình trệ. Xa hơn về phía bắc, tuy nhiên,  người cộng sản mở rộng những tuyến đường huyết mạch giữa Trung Quốc và Hà Nội. Trong vòng vây các người thân thiết với tổng thống,  vào đầu năm 1967 Walt Rostow và cùng với bạn thân Johnson Clark Clifford và Abe Fortas, tất cả vẫn quyết tâm chiến đấu.  Vào tháng 5 Averell Harriman bảo với đại sứ Nga rằng Rostow là diều hâu nguy hiểm nhất của Nhà Trắng. 

Những thành viên khác của hành pháp, tuy nhiên – ngay cả những người mà lòng tin vào cuộc chiến vẫn không lay chuyển- giờ nghi ngờ rằng tính thiết thực về mặt quân sự của việc đánh bom Hà Nội biện minh cho chi phí chính trị cao của nó. McNamara lại xuất hiện như một người hoài nghi tái sinh, cũng như phần đông thành viên của một nhóm thảo luận có ảnh hưởng gặp nhau mỗi chiều thứ năm tại văn phòng thứ trưởng ngoại giao Nicholas Katzenbach. Họ bao gồm Cyrus Vance, William Bundy, đôi khi Rusk và Richard Helms của CIA, thỉnh thoảng có chính bộ trưởng quốc phòng.  Họ tự gọi mình là ‘Ủy ban Không ‘, bởi vì sự tồn tại của họ bị phủ nhận.  Họ chủ trương tập trung không lực vào các tuyến đường tiếp tế trực tiếp vào Miền Nam. 

Một số bày tỏ sự lo lắng trước động thái của Nhà Trắng khi chuyển các đề xuất hoà bình: qua Liên Hiệp Quốc; qua thủ tướng Anh Harold Wilson, người ve vãn với Nga vào tháng 2 1967; sử dụng những người trí thức Pháp ngưỡng mộ Hồ Chí Minh và chức vụ của giáo sư Harvard Henry Kissinger. Johnson ồn ào công khai về lập trường thỏa thuận với Hà Nội, và thỉnh thoảng đưa ra các đề xuất ấn tượng của riêng ông.  Nhưng nước cờ hay lặp lại này luôn đi kèm kèm với việc dội bom tăng cường cho thấy ông rắp tâm đạt được một lợi thế quân sự trước khi nghiêm chỉnh ngồi vào bàn đàm phán.  Vì Hà Nội cũng tính toán như vậy, không có ‘sáng kiến hoà bình’ nào có nhiều triển vọng thành công. 

 

Giới quân sự Hoa Kỳ chống đối chủ nghĩa chủ bại đang bao vây bản thân một số chính trị gia, và nhất là McNamara. Họ bực bội về việc  họ rón rén, họ đi tới từng bước:và giờ đây họ đang đứng bên trong việc này, và muốn một kết quả.  Tại mũi nhọn cuộc chiến, các phi công đặc biệt bất mãn việc tấn công có hạn chế vào các phần tử lực lượng phòng không cộng sản.  Đại tá Jack Broughton là một sĩ quan tốt nghiệp West Point, gốc gác New York  mà từ 1945 đã bay mọi loại chiến đấu cơ.  Ông phục vụ hai thời hạn chiến đấu ở Triều Tiên,  tại đó nhận được nhiều huy chương, cao quý nhất là Huy chương Thập tự Không Lực,  bay 102 sứ mạng F-105 trên bầu trời Miền Bắc. Vào mùa hè 1967 Broughton đã trở nên bực tức trước cách các xếp của ông điều hành chiến tranh trên không: ”Tôi đang tìm kiếm một cuộc chiến đấu, ‘ ông viết trong một hồi ký sau này.

Ông tìm được điều đó vào ngày 2 tháng 6, khi đang phục vụ với chức quyền chỉ huy cánh. Hai trong số các phi công của ông trở lại từ một sứ mạng trong đó một người báo cáo là anh ta có thể đã bắn một tàu Nga neo đậu ở cảng Hải Phòng. Ngày hôm sau, Moscow đưa ra lời cáo buộc chính thức về vụ bắn vào tàu buôn Turkestan của mình, giết chết một thủy thủ.  

Đô đốc Sharp, Tư lệnh Trưởng Thái Bình Dương, lúc đầu trấn an với Washington rằng cáo buộc của Xô viết là không có căn cứ.  Sau đó Không lực Hoa Kỳ tiến hành một cuộc thẩm tra,  trong đó  Broughton can thiệp: bản thân ông tiêu hủy các phim tự hành quay cảnh bắn pháo, để giải cứu họ khỏi bị kết tội. Việc này khiến ông bị kết tội tại tòa án binh và phạt 40 đô. Mặc dù sau này được thư ký không lực lật ngược, sự kiện này cũng chính thức kết thúc sự nghiệp của người New York gan lỳ, ông vẫn còn căm giận cho đến cuối đời,  một  chiến binh chuyên nghiệp được đúc theo một khuôn phép quen thuộc: đối mặt với cái oái oăm là quần nhau với kẻ thù của đất nước mình, nhưng lại không thể ép mình tuân theo một cuộc chiến có hạn chế. 

Trong khi đó,  vào ngày 29 tháng sáu 1967 các chiến đấu cơ hải quân lại bắn phá một tàu Xô viết khác, khiến hành pháp phải áp đặt Quy tắc Giao tranh gắt gao hơn quanh Hải Phòng. 

Và còn một phe cánh trong giới quân sự, trong đó bao gồm Đô đốc Sharp và Tướng  Wheeler, tiếp tục ép buộc phải tăng cường không chiến.  Thượng nghị sĩ Richard Russell, trong hàng thập niên là người hậu thuẫn cho sự nghiệp tổng thống, lập luận rằng Hoa Kỳ nên hoặc khởi phát cuộc chiến để đạt thắng lợi, hoặc từ bỏ Việt Nam. Vào cuối tháng 81967 tiểu ủy ban Stennis của Thượng viện cho ấn hành một báo cáo yêu cầu leo thang không kích,  để  ‘chấp nhận mọi rủi ro cần phải chấp nhận,  và vận dụng sức mạnh cần thiết để kết thúc công việc ‘. Các buổi điều trần Stennis phơi bày hố sâu chia rẽ đã mở ra giữa McNamara,  tổng thống,  và các Tham mưu trưởng Liên quân.  Trở về trước 18 tháng, bộ trưởng quốc phòng đã bảo với các thông tín viên tại một buổi trình bày riêng tư rằng ‘không có số lượng bom bỏ nào có thể chấm dứt chiến tranh.’ Vào cuối năm 1967 các bạn bè của ông thắc mắc tại sao ông không nộp đơn từ chức theo đúng nguyên tắc,  thay vì đợi phán quyết đến muộn vào tháng 11, khi ông phát hiện ra rằng mình sẽ chuyển về giữ chức chủ tịch Ngân hàng Thế giới, một bổ nhiệm do chính tổng thống chỉ định mà không tham vấn với người được bổ nhiệm. 

Trong khi đó các diều hâu không quân,  mà dẫn đầu là Rostow,  tiếp tục đang lên ngôi: Johnson cấp quyền cho một danh sách còn dài hơn các mục tiêu ở Miền Bắc.  Vào sáng ngày 11 tháng 8 1967 lần đầu tiên các oanh tạc cơ đánh sập cầu Doumer của Hà Nội. Các cuộc tấn công mới dữ dội nổ ra trên sân bãi tàu hỏa Yên Viên, nhưng gánh chịu tổn thất lớn: 5 chiếc F-4 bị bắn hạ bởi hoả lực phòng không  và MiG, thình lình hùng mạnh trở lại, lần đầu tiên tấn công từ phía sau. Các phi công luôn được cảnh báo ‘kiểm tra sáu’ – trông chừng kẻ thù hướng 6 giờ phía sau  – nhưng họ quá quen thuộc với tình huống thấy MiG phía trước đến nỗi chiến thuật mới bất ngờ gây tổn thất.  Robin Olds, dẫn đầu phi đội tấn công trong đó có 2 phi công chiếc F-4 bị bắn hạ, sau này cay đắng viết: ‘Tôi nghe họ thét lên.  Tôi quay lại, và tất cả gì mình nhìn thấy là hai vật thể bốc cháy.’

‘Sáng kiến hoà bình Kissinger’ là một tờ giấy môi giới vào mùa thu 1967 giữa Hà Nội và Washington,  sử dụng người Pháp làm trung gian, mà vị giáo sư Harvard xoay sở theo khả năng riêng của mình,  lợi dụng mối quen biết những nhân vật có ảnh hưởng trong chính quyền. Sau khi nó thất bại, vào giữa tháng 10 Johnson tán thành các cuộc đánh bom trực tiếp đầu tiên vào căn cứ MiG ở Phúc Yên. Tuy vậy tổn thất của Mỹ vẫn không hề giảm. Trong một cuộc đánh phá ngày 17 tháng 11 vào ổ phòng không bên ngoài Hà Nội, chiếc F-105 của Thiếu tá Charles Cappelli bị một tên lửa hủy diệt.  Một đồng đội sau đó đã buồn rầu nhớ lại ‘Cappy’ đã vi phạm một điều cấm kị mà mọi phi công đều tin tưởng, là buột miệng nói trước khi cất cánh mình sẽ giải quyết công việc giấy tờ nào đó khi trở về.  Bạn anh nói, ‘Không được nói trở về. Đó là điều cấm kỵ.’

Trong giai đoạn cuối cùng của Sấm Rền,  bắt đầu vào tháng 11 1967, các nhân viên phi hành Mỹ đối mặt với thời tiết tệ hại nhất mà họ từng gặp.  Vào tháng 12 các phi công địch,  thể hiện tài năng đã vượt trội, buộc các phi cơ tấn công phải vứt bỏ hơn 10 phần trăm tải trọng bom trước khi đến mục tiêu.  Vào ngày 17, nhân viên phi hành báo cáo trông thấy 20 MiG trên bầu trời cùng một lúc; hai ngày sau là 14 chiếc.  Vào ngày 2 tháng 12 năm máy bay của không lực và ba của hải quân bị bắn hạ,  tất cả trừ 3 chiếc đều bị trúng tên lửa SAM. Bỏ bom bằng ra đa vẫn không chính xác một cách mãn tính. Trong năm 1968, 100,000 lượt xuất kích đánh phá Miền Bắc,  nhưng sau khi Lyndon Johnson ra chỉ thị vào tháng 3 kết thúc mọi không kích phía bắc Vĩ tuyến 19, những cuộc không kích này xảy ra trong một vùng giới hạn nơi quân cộng sản có thể tập trung 2,600 súng phòng không. 

Chiến dịch trên không đôi khi dường như bị nguyền rủa: những nỗ lực ngăn cản lưu thông trên sông gây ra bức xúc khi mìn từ tính thả xuống từ máy bay nổ quá xa các con tàu chạy qua. Vào tháng 3 1968 các F-111 bước vào trận đánh mang theo hy vọng cao,  nhưng hỏng hóc kỹ thuật gây ra một loạt máy bay rơi,  và trong các cuộc xuất kích ban đầu phi cơ hoạt động nghèo nàn.  Vào ngày 11 tháng 3 quân cộng sản tiến hành một chiến dịch biệt kích thành công ngoạn mục: các đặc công Miền Bắc của Tiểu đoàn 41 tràn đánh Trạm 85 của Không Lực Hoa Kỳ trên đỉnh núi Pha Thi ở Lào, trung tâm điều khiển nhiều sứ mạng Sấm Rền.  12 trong số 18 nhân viên Mỹ bị giết chết, và Không lực buộc phải ném bom các kho thiết bị bị địch chiếm, để tiêu diệt các máy móc nhạy cảm. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Johnson công việc chính của  phi hành đoàn là hạn chế việc quân xa cộng sản vận chuyển về phía nam.

Chính sách đánh bom thăm dò mà Nhà Trắng khởi sự vào tháng 2 1965 chỉ có thể thu được thắng lợi đối với một kẻ địch yếu kém ý chí, trong khi bộ chính trị Hà Nội thì không thế; hoặc đối với một dân tộc được quyền chọn lựa, mà nhân dân Miền Bắc thì bị khước từ.  Phần lớn những gì đi sai lệch trong chiến dịch 1965-68 phản ánh sự thiếu khả năng của không lực không thể vượt qua được một xã hội nguyên sơ nhưng ngược lại được phòng thủ vững mạnh, qua các kiểu dạng thời tiết thất thường  và bất lợi,  sử dụng các kỹ thuật nhắm không hoàn hảo. Lyndon đơn giản chỉ là một trong số hàng dài các lãnh đạo quốc gia trong suốt thế kỷ vừa qua phát hiện ra tính hạn chế của oanh tạc. 

2 ‘Bắc Tiến’

Khi chiến dịch không kích bắt đầu,  tinh thần chiến đấu lên cao trong các phi công Không lực Hoa Kỳ,  Hải quân  và Quân đoàn TQLC. Chỉ một số ít chùn bước khi bà xã gửi đến tối hậu thư, ‘Em hoặc cuộc chiến: anh chọn đi!’ Hầu hết người trẻ – và một số người kỳ cựu xấp xỉ 40 – đã dâng trọn sự nghiệp mình cho việc huấn luyện chiến đấu, rất phấn chấn được giao cho cơ hội chiến đấu thực sự,  để kiểm tra mình và các máy bay tuyệt vời của mình ngay vòng ngoài cùng của nỗi hiểm nguy,  không cần số tiền 2.16 đô hào phóng mà một nhà nước tri ân đã thưởng cho họ mỗi ngày có đánh nhau. Sau một đợt chiến dịch,  các chàng trai Không lực lại hướng về Bangkok, trong khi tàu sân bay ngoài khơi lại quay mũi về Philippin để nghỉ ngơi và lấy lại sức. Trên bờ trong câu lạc bộ sĩ quan Cubi Point tại Vịnh Subic lại mở ra tiệc tùng cuồng nhiệt: nào karaoke, nào giành thức ăn, đánh nhau, rồi đánh chén, chơi gôn, bơi lội, lặn biển. Hưởng vui thú năm ba ngày rồi trở về vượt qua Biển Nam Hải, hướng về kẻ thù.

Vì các mục đích không kích Không lực, hải quân  và MACV được phân vùng trách nhiệm cho các khu vực khác nhau ở Miền Bắc. Các phi công tàu sân bay tấn công ‘Các Gói Tuyến Đường 2, 3, 4 và 6B’, mở rộng từ Vĩ tuyến 18 phía bắc đến Trung Quốc; không lực sở hữu Gói Tuyến Đường 5 và 6A, bao gồm Hà Nội và đường tàu hỏa Bắc-Tây; MACV mượn Gói Tuyến Đường 1 của Không lực Hoa Kỳ. Phần đông phi cơ chiến thuật Không lực Hoa Kỳ, cùng với một số B-52, được bố trí tại các căn cứ ở Thái Lan,  nơi vào năm 1966 Hoa Kỳ có 34,000 nhân viên phục vụ, hơn hai phần ba mặc đồng phục màu xanh không lực, và hầu hết đều phục vụ chiến tranh, mặc dù cũng chơi bời chút ít: các trạm y tế tại mỗi căn cứ không quân điều trị cho một ngàn ca bệnh giang mai mỗi năm. Chính quyền Bangkok, băn khoăn về tính phức tạp của hoạt động ném bom, lúc đầu khăng khăng ra điều kiện phi cơ cất cánh từ Thái Lan không được tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của Sài Gòn,  và các máy bay hướng ra bắc phải làm như đã cất cánh từ Miền Nam, một việc hư cấu chỉ được bãi bỏ vào năm 1967.

Không có phi cơ thời Chiến tranh Lạnh nào còn dùng được thích hợp tốt để tấn công mặt đất. Loại F-105 ‘Thud’ kềnh càng của Không Lực Hoa Kỳ có thể giáng đòn, nhưng thiếu tính cơ động và đòi hỏi phải bảo trì tốn kém: hơn 300 chiếc F-105 đã rút cục bị tiêu diệt.  Các Phantom F-4, được thiết kế để đánh chặn, đều tuyệt vời mọi thứ trừ việc hoạt động ở tầm thấp trên bầu trời Miền Bắc nơi các khói đen dày phun ra từ các động cơ làm lộ vị trí của chúng cho các MiG cách xa hàng dặm, và rất dễ tổn thương đối với hỏa lực mặt đất. Khi các chiến dịch chống Miền Bắc bắt đầu,  Không lực Hoa Kỳ sở hữu 600 F-105 và khoảng cùng số đó các Phantom.  Nhưng trong khi mỗi năm 200 Phantom còn lăn ra khỏi đường dây sản xuất thì loại Thud không còn được chế tạo nữa.  Do đó các Thud được giao các sứ mạng nguy hiểm nhất,  một phần bởi vì mỗi chiếc rơi chỉ mất một phi công, trong khi các F-4 mang phi đội 2 người  – thế nên có lời nói đùa chua chát là phải cần người ngồi ghế để đọc Quy Tắc Giao Tranh trên lãnh thổ địch. 

 

Phi cơ tốt nhất của hải quân là A-4 Skyhawk, nhỏ hơn Phantom nhiều.  Do Ed Heinemann thiết kế, nó đơn giản, gồ ghề và dễ bảo trì – thích hợp cho các hoạt động tác chiến tăng cường. Nhiều phi đội A-4 bảo toàn 100 phần trăm tỷ lệ hoạt động. Skyhawk rốt cục bay nhiều sứ mạng tác chiến hơn bất kỳ phi cơ đánh nhau nào khác của hải quân.  Các chiếc F-8 Crusader cũ hơn có cấu hình kỳ lạ, với phi công ngồi trước bánh xe đáp dưới mũi phi cơ đến 6 bộ. Nó là máy bay đánh chặn tốt với vũ khí chính là súng, nhưng trở ngại là ra đa tồi và tỷ lệ tai nạn cao. Douglas Skyraiders cánh quạt, cũ, lực lưỡng, bay nhiều sứ mạng buổi đầu – chẳng hạn ghi được  2 trong số 10 MiG bị hải quân bắn rơi đầu tiên  – nhưng vì chậm chạp nó được chuyển về làm nhiệm vụ ECM và giải cứu săn tin.

Các phi công nói: ‘Tốc độ là sinh mạng.’ Phi cơ bay đến Miền Bắc được chỉ đạo từ Trạm 85 ở Lào, hoặc từ một trung tâm kiểm soát trên Núi Khỉ – mật danh là ‘Motel’ – tọa lạc tại Đà Nẵng,  giữa đường từ Hà Nội và Sài Gòn; Udorn ở Thái Lan cung cấp phương án dự phòng. Tuy nhiên,  trong tất cả địa điểm này không địa điểm nào có thể nhìn thấy những gì xảy ra bên trên sông Hồng với đủ độ chính xác để hướng dẫn đánh hiệu quả. Các phi công tấn công thường nhờ vào sức mình, hoặc đúng hơn lệ thuộc vào các phi cơ dẫn đạo trên không,  một đại tá hay chỉ huy tùy theo tình hình.  Thời tiết là một yếu tố quan trọng đối với hiệu quả tác chiến, thường suy giảm mạnh trong các tháng có gió mùa, và tổn thất, tăng cao ngất trong cùng mùa đó. Hết lần này đến lần khác, các phí công trải qua những nỗi khủng khiếp khi tiến sâu vào lãnh thổ địch, chỉ thấy mình phải buộc đổi hướng hoặc hủy nhiệm vụ bằng cách vứt bỏ bom, giữa các tầng mây thấp tại mục tiêu. 

Hải quân tấn công Miền Bắc từ các tàu sân bay rẽ sóng đến chỗ này chỗ kia trên ‘Ga Yankee’ tại Vịnh Bắc Việt  trong phạm vi cách bờ biển từ 60 đến 150 dặm. Hoa Kỳ sở hữu tàu sân bay nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại – 16 tấn công và 10 biến thể chống tàu ngầm. Tàu sân bay 75,000 tấn lớp Forrestal an toàn hơn nhiều so với các Essex cũ hơn: kích cỡ của chúng duy trì tính ổn định ngay khi biển động. Cả hai đều chở khoảng 70 phi cơ – mỗi chiếc hai phi đoàn chiến đấu cơ, hai hoặc ba đơn vị tấn công mặt đất,  cùng với các phân đội cảnh báo sớm, trinh sát quang học  và trực thăng.  Vào tháng 6 1965 tàu sân bay Independence đến, với một lực lượng phi cơ bổ sung gồm các A-6A Intruder, nhiều người nói giống cái chảo chiên hoặc con nòng nọc, trang bị DIANE – Thiết bị Tấn công và Điều hướng Tích hợp Kỹ thuật số – hoạt động được dưới mọi thời tiết. Vào tháng 11 tàu sân bay Kittyhawk chở đến một phi đội A-6A thứ hai.

Với hết công suất,  các tàu sân bay có thể tung một sức chiến đấu áp đảo: một ngày tháng 12, Enterprise xử lý 165 lượt xuất kích. Trọn một năm ròng đầu tiên của chiến dịch  hải quân tiến hành 57,000 lượt xuất kích, mất hơn 100 máy bay và 80 phi hành viên. Người cộng sản khôn ngoan tránh xa việc tiến hành không kích vào các tàu chiến Mỹ, chắc chắn sẽ nếm mùi tổn thất nặng nề dưới tay của CAP,  đội tuần tra không chiến. Trên mỗi tàu sân bay, 5,000 thủy thủ và kỹ thuật viên duy trì hoạt động của hơn 100 phi công. 

Trong khi với những nhiệm vụ hộ tống và không kích của tàu hải quân ven biển các nhân viên trên tàu làm việc theo một thông lệ thoải mái và gần như không gặp rủi ro, thì các phi công tấn công chịu  một áp lực và hiểm nguy rất lớn,  thậm chí trước khi kẻ địch đến nghênh chiến. Các số đo mức độ stress cho thấy các phi công căng thẳng khi đáp xuống tàu sân bay ban đêm nhiều hơn cả khi bay qua bầu trời Hà Nội. Các tàu đánh cá giám sát của Nga, muốn kiếm chuyện,  thường băng ngang đầu tàu sân bay trong khi tàu tiến hành tấn công. Các MiG của Trung Quốc từ đảo Hải Nam bay vù vù ra đề phòng. 

Trên sàn tàu và nhà kho lúc này cũng nhộn nhịp tất bật.  Nhân viên được nhận diện nhờ các màu sắc y phục khác nhau: vàng cho các dẫn đạo viên máy bay, xanh lam cho nhân viên thao tác thang nâng và tay nắm,  xanh lá cây cho nhân viên phóng máy bay và hãm máy bay, nâu cho phi công trưởng, đỏ cho phi hành viên ném bom và xạ thủ. Đó  là một cuộc đấu tranh thường xuyên để tạo không gian cho máy bay bổ sung đầy đủ: phòng điều hành có một biểu đồ cho thấy vị trí của mọi phi cơ đang đỗ, đổi chỗ theo lệnh qua điện thoại với nhân viên trực. Các tài xế xe kéo, phần đông chỉ 18, 19 tuổi, gánh một trách nhiệm nặng nề. Các phi công vào trận cũng vậy, buộc phải ngồi trong hai hoặc ba giờ trên ghế dưới cái nắng thiêu đốt,  sẵn sàng lăn bánh bất cứ lúc nào tới máy phóng bốc khói.

Tai nạn,  một số rất trầm trọng, không thể tách rời khỏi các hoạt động tàu sân bay.  Vào tháng 10 1966, sau khi hai phi hành viên đùa nghịch đốt pháo sáng thả dù bên dưới boong tàu, tàu sân bay Oriskany chịu một trận hỏa hoạn làm chết 44 người Tàu sân bay.  Forrestal tiến hành 150 lượt xuất kích trong bốn ngày không mất một phi cơ,  rồi một chiếc F-4 đỗ ở cuối  sàn bay làm rớt một tên lửa Zuni vào khu đậu máy bay,  gây ra hậu quả nghiêm trọng: một thùng xăng của Phantom bắt lửa, và gió thổi làm bùng ngọn lửa. Trong vòng vài phút pháo đạn nổ tung,  và khu sinh hoạt bên dưới ngọn lửa trở thành cái bẫy chết người. Các nhân viên hộ tống khép chặt quanh ngọn lửa  và phun nước,  nhưng các ngọn lửa phụ cháy bên dưới thêm 12 tiếng đồng hồ nữa.  Một quả bom bị ngọn lửa liếm đã phát nổ khi một hạ sĩ quan tiến đến gần, giết chết anh và vài người khác. Điều này không ngăn cản những hành động dũng cảm tương tự: một trung uý trẻ vóc người mảnh mai lăn một quả bom khác sang một bên.  Khi ngọn lửa cuối cùng bị dập tắt 134 người đã chết, 21 phi cơ bị phá hủy và 53 chiếc khác bị hư hại. Chi phí tu sửa tàu Forrestal lên tới 72 triệu đô.

Các tàu sân bay thường tiến hành ba trận công kích mỗi ngày, cách nhau khoảng một giờ. Các tham mưu sư đoàn phân bổ mục tiêu; văn phòng chiến dịch truyền lệnh đến các cánh; các nhóm quân vụ và sĩ quan tình báo phác họa lộ trình ném bom. Các phi công đầu tiên ăn sáng lúc 04:30, rồi ‘hâm nóng’ và được hướng dẫn trước khi xuất phát lúc 06:00. Khi có thể, các phi công mới vào nghề  được giao các mục tiêu sát bờ biển,  để nếu bị bắn trúng họ có nhiều cơ may nhảy dù xuống biển.  Các phi công khá mê tín, nhiều người mân mê chân thỏ hoặc nắm đồng đôla bạc trong lòng bàn tay khi họ bước lạch bạch đến buồng lái trong bộ đồ bay. Sau khi máy bay lên boong,  chốt an toàn của đạn pháo được rút ra, ghế phóng được gài, vòm kính buồng lái khóa chặt, cánh giang rộng. Các nhân viên hướng dẫn máy bay vào vị trí,  động cơ thét lên êm ả: một A-4 chỉ cân nặng 20,000 cân  (khoảng 9,000 kí) với xăng và bom, nhưng máy bay chở xăng loại KA-3 nặng gần 73,000 cân. Trên máy phóng, trong ba giây máy đẩy tới từ tốc độ đứng yên vọt đến 160 hải lý (gần 300 km/h). Tiếng ồn không dứt; kỹ năng đòi hỏi từ mọi bên liên quan, kể cả  phi công,  thủy thủ, đều rất lớn.

Một lực lượng oanh kích điển hình có thể gồm 20 oanh tạc cơ  – có thể 16 chiếc A-4  và 4 chiếc F-8, được yểm trợ bởi hai phi cơ truy kích phòng không ‘Bàn tay Sắt’.

Các phi cơ hộ tống Crusader chiếm các vị trí bên ngoài đội hình, chọn phía sườn chắc chắn chạm trán MiG. Một phi cơ ECM ở lại ngoài khơi,  cũng như một cặp máy bay tiếp nhiên liệu. Hai trực thăng bay theo đội hình,  trong tư thế sẵn sàng vớt lên các phi công nhảy xuống biển hoặc trong khu vực đất liền gần bờ biển. Có lần trên không, đội hình bay qua một đoàn thuyền địch trinh sát,  ngụy trang là xuồng đi câu và tam bản: họ băng qua bờ biển  biết rằng kẻ địch trên đất liền đã nhận được tin và đang sẵn sàng ứng chiến.  Vào năm 1944 một sứ mạng tác chiến của hải quân Thái Bình Dương trung bình kéo dài 4 giờ: 20 năm sau, nó rút ngắn lại còn 90 phút. Dù sao,  bay qua Miền Bắc nguy hiểm hơn nhiều so với ở Bắc Triều Tiên.  Khi họ tiến gần bờ biển  ở độ cao 20,000 bộ, tiếng rên rỉ của động cơ câm lặng vì mũ sắt và tai nghe, các phi công bật nút lên đạn súng, bom,  tên lửa.  Họ bắt đầu xuống thấp dần, cao độ xác định bởi khoảng cách tới mục tiêu sắp đến: Skyhawk có thể bay với tốc độ 350 hải lý (khoảng 630 km/h), trong khi các Crusader nhanh hơn chạy chậm lại.

Họ có thể nghe tiếng rít cao của ra đa Fansong của địch, cảnh báo SAM trên đường tới. Sau đó sự im lặng của sóng radio có thể bị phá vỡ, nhưng họ trao đổi ít như có thể.  Các phi công được dặn, ‘Nếu bạn bị trúng đạn, nhớ tắt tần số liên lạc!’ Các chỉ huy không muốn kênh hoạt động bị đầy ứ các tiếng kêu báo nạn của các phi công tuyệt vọng.  Các MiG có thể bắt đầu vờn quanh đội hình, và họ có thể nghe được lời cảnh báo tác chiến bất tử trên sóng: ‘Cô hồn ở 9 giờ’ – hoặc 4, hoặc bất kỳ giờ nào. Kẻ địch thường dẫn dụ phi cơ hộ tống bay về hướng dàn hoả tiễn SAM, tuy nhiên họ đã được dặn dò phải bám sát nhiệm vụ của mình. Các  phi công tiêm kích mặt đất ra sức nhào xuống mục tiêu với bồn xăng trên cánh đã trút cạn, vì không ai muốn mang nhiên liệu dư vào sân chơi với súng phòng không.  Họ đồng loạt tiến đến mục tiêu từ vài hướng,  để phân tán hỏa lực của kẻ thù. 

Một khi Miền Bắc nhận ra được các mục tiêu mà người Mỹ ưa thích, họ tập trung pháo quanh các cây cầu, doanh trại.  . . Các phi công kỳ cựu xác nhận hoả lực ở Miền Bắc tệ hại hơn họ từng trải nghiệm ở mặt trận Đức hồi Thế Chiến.  Người cộng sản phát triển sự điêu luyện đáng sợ tại các hàng rào pháo hình hộp: ‘Họ có thể lấp đầy một cột năm dặm vuông với hỏa lực phòng không chết người từ 3,000 đến 20,000 bộ,’ Chỉ huy John Nichols viết. ‘Nó thật đáng sợ. Nó thật ngoạn mục,  nó gần như đẹp một cách hiểm nghèo. Súng nhẹ, 23 mm và 37mm, nổ tóe khói trắng. Pháo 57mm nổ trong khói xám đen và trọng pháo 85mm và 100mm nổ tỏa mây đen. Pha trộn trong đó thỉnh thoảng là những vệt pháo chỉ đường đầy màu sắc bay vòng cung lên đến 5,000 bộ, và bạn có thể tưởng tượng tất cả các đám mây tạp sắc này bùng nổ đâu đó trong hình nón không gian đó mỗi giây trong vài phút.’ Các chỉ huy thúc giục phi công không được né tránh, vì như thế không ích lợi gì khi tránh một hàng rào pháo hình hộp,  thay vào đó hãy tập trung vào việc đánh mục tiêu: hãy phó thác số phận cho thần may mắn.

Các MìG-17 lần đầu xuất hiện trong trận không kích gồm 50 phi cơ vào Hà Nội ngày 3 tháng 4 1965, và ngày hôm sau Không lực Hoa Kỳ mất 2 chiếc F-105. Vào ngày 17 tháng 6 tên lửa Sparrow hạ được 2 MiG đầu tiên. Các phi công thử nghiệm các chiến thuật.  Có một thời gian họ ưa chuộng cách tiếp cận tốc độ cao, bay thấp cho đến một điểm định trước  họ chuyển qua lộ trình khác, tăng cao độ rồi phóng xuống mục tiêu – phương án ‘pop-up’. Hạn chế của nó là đòi hỏi các phi công khi đạt 500 knot (900 km/h) phải nhận diện được vài điểm mốc, và cũng khiến phi cơ dễ tổn thương với pháo phòng không nhẹ. Họ mang theo một mạng khủng các thiết bị phòng thủ điện tử trong các vỏ bọc gắn trên giá treo ở cánh máy bay.  Hải quân cũng triển khai các Skywarrior EA-3B và Skynight EF-10B như các phi cơ ECM – Biện Pháp Đối phó Điện tử. Các phi cơ tấn công rải các mảnh nhỏ kim loại để làm nhiễu xạ ra đa liên lạc, và bắn các tên lửa Shrike AGM-45A vào các bộ phận điều khiển của địch. Cả hai bên đều chơi trò đánh lừa: đôi khi những người Mỹ chặn tín hiệu sóng tưởng mình đã nhận diện được tần số truyền lệnh của phi công địch, hóa ra nó chỉ phát các cuộc tán gẫu của phi công,  trong khi liên lạc tác chiến giữa các MiG được truyền qua một kênh khác. Phe phòng thủ cũng học cách tắt bộ phận ra đa theo dõi cho đến vài giây cuối cùng trước khi tên lửa SAM được phóng đi để tránh thu hút một tên lửa Shrike tiến đến.

 Mối đe dọa của chiến đấu cơ địch khi trồi khi sụt, nhưng không đáng sợ bằng hoả lực phòng không. 

Các phi công Miền Bắc được kiểm soát chặt chẽ từ mặt đất,  được hướng dẫn thậm chí khi nào đốt thùng chất đốt phụ. Các MiG-17 nhanh nhẹn tuyệt vời,  MiG-21 thì kém hơn, nhất là ở tốc độ chậm. Chúng chỉ thường tấn công khi có một lợi thế chiến thuật rõ ràng,  nhất là về cao độ,  bắn các tên lửa Atoll của họ – tương đương với Sidewinder của Mỹ – rồi cút chạy về nhà chỉ sau một lần chạm trán duy nhất.

Vào ngày 21 tháng 6 1966 Trung uý Phil Vampatella người New York đang bay một trong bốn chiếc Crusader, bảo vệ một phi công RF-8 bị bắn rơi cho đến khi một trực thăng cứu nạn bay đến. Bất ngờ máy bay anh rùng mình – anh đã trúng đạn súng phòng không.  Dầu chảy ra, anh bẻ lái định đi tìm một máy bay tiếp nhiên liệu.  Rồi qua máy anh nghe cảnh báo, ‘Ê, MiG tới!’ – các phi cơ còn lại đã bị MiG-17 tấn công.  Anh quay lại để yểm trợ họ, bỗng thấy phía sau mình một phi cơ địch đang đuổi theo một phi cơ Mỹ. Anh gọi khẩn cấp,  ‘Rẽ phải!’ Nhưng đã quá muộn: chiếc Crusader rơi xuống. Vampatella trông thấy một MiG-17 khác áp sát đuôi anh, anh liền chúc xuống, phi cơ anh rung lắc với tốc độ hơn 1000 km/h. Rồi anh bay vọt lên khi hầu như đến thấp ngang ngọn cây, hy vọng cắt đuôi máy bay địch. Chiếc MiG vẫn còn phía sau anh, nhưng rồi quay đi, rõ ràng hướng về nhà. Bất chấp phi cơ mình hư hỏng, Vampatella cả gan cùng mình rượt đuổi nó. Anh phóng một Sidewinder, nhìn chiếc MiG nổ tung,  rồi nhanh chóng tìm máy bay tiếp nhiên liệu bơm anh đủ xăng bay 60 dặm về Hancock. Màn thể hiện lòng dũng cảm của

Vampatella sau đó được thuật tại các trung tâm huấn luyện,  nhưng kiên trì chiến đấu khi máy bay bị hư hỏng luôn là cách nhanh nhất để người thân ở nhà nhận được một tin điện ‘Mất tích’.

Hải quân nhiều năm liền băn khoăn vì các chiến đấu cơ của mình bắn hạ máy bay địch ít hơn nhiều so với bên Không lực, một phần bởi vì các tên lửa Sparrow không-đối-không của họ bắn trật. Tên lửa Sidewinder hiệu quả hơn nhiều, đại bác  – mà chỉ có các F-8 của hải quân chở theo  – còn tốt hơn. Những kẻ ta đây tuyên bố rằng tên lửa khiến súng trở thành dư thừa là sai lầm. Thành tích không chiến của hải quân được cải thiện chỉ trong giai đoạn sau cùng của cuộc chiến, khi trường chiến thuật và học thuyết tại Miramar, California, mở ra khóa học Top Gun, mà những người tốt nghiệp chứng tỏ là các sát thủ MiG ấn tượng. 

Vào lúc phi cơ tập kích rút khỏi các mục tiêu trở về biển, theo lời một phi công ‘khoảng 3 phút – và một hoặc hai vĩnh cửu – đã trôi qua’. Khi họ tiến gần đến nơi che chở của tàu sân bay mẹ, tiếng loa của sĩ quan tiếp đất oang oang về tình trạng của boong tàu: ‘Boong kẹt … boong kẹt … boong kẹt … lắp bánh răng, Skyhawk. Boong kẹt … Boong trống!’ Đó là một lời kêu gọi phán đoán lịch sự liệu phi công lái máy bay hư hỏng nên thử đáp xuống hoặc phóng ra khỏi máy bay cho nó rơi xuống biển: một phi cơ rớt trên boong không chỉ giết chết một phi công, mà còn gây hư hại trên khắp sàn tàu. Các phi cơ lành lặn chạm sàn tàu một cách thích thú,  nhồi một chút trước khi ngừng đột ngột nhờ dây hãm. Một ngày vất vả đã qua.

 

Phi công bay trung bình từ 16 đến 22 lượt xuất kích mỗi tháng, một số lên đến 28 lượt: một vài người cuối cùng tổng cộng đạt đến 500 lượt xuất kích.  Vào mùa thu 1966, áp lực của chiến dịch phát sinh thiếu hụt quân nhu- nhất là bom  – cũng như trang thiết bị và phi hành đoàn. Một  số quá nhiều phi hành đoàn sợ rằng thời hạn phục vụ sẽ kết thúc với một vé đi không về. Jack Broughton viết  về cái ngày mà một tên lửa SAM không ai chú ý đã cướp đi một trong những đồng đội F-105 của mình: ‘Dấu hiệu đầu tiên của rắc rối là một quả cầu lớn màu rỉ sét bao trùm phi cơ anh  …  phi cơ có vẻ còn nguyên, nhưng anh bắt đầu bay thấp xuống với chiếc cánh trái hơi nghiêng thấp. Anh chỉ truyền được tin “Mình phải phóng ra thôi.  Hẹn gặp các bạn sau.”‘ Nói xong,  anh kéo tay nắm và chúng tôi thấy một chiếc dù và nghe tiếng máy nhắn tin kêu khi anh nhảy dù hướng về Hà Nội’

Thiếu tá Không lực Fred Cherry là con trai của một công nhân nông trại da đen ở Virginia, đã đến được trường bay vào năm 1951 chỉ bằng kiên trì bản thân, sau nhiều phen bị bác đơn,  và bay 53 sứ mạng ở Triều Tiên. Vào buổi sáng ngày 25 tháng 10 1965 ông đang dẫn đầu một phi đội F-105 trong sứ mạng thứ 50 thì,  một vài phút trước khi đến mục tiêu,  ông nghe một tiếng ầm dữ dội. Ông tắt điện và bộ phận thủy lực, nhưng máy bay đầy ngập khói. Ở cao độ thấp  ông phóng ra và cầu nguyện, ngay khi chiếc Thud phát nổ, dàn điều khiển chém mặt ông.  Ông đang ở cách Hà Nội 40 dặm về phía đông tây, chỉ cách bờ biển và bờ bến an toàn đúng hai phút bay.  Ông tiếp đất giữa một đám dân quân và trẻ em: ‘Tôi nghĩ họ sẽ chặt bầm tôi ra từng mảnh với tất cả công cụ đó của nông trại, nhưng họ chỉ đứng lùi lại nhìn và cười khúc khích.’ Khi bị ra lệnh giơ tay lên, ông chỉ vào vai trái bị dập nát, mắt cá nứt vỡ. Phi công  Mỹ thứ 43 bị bắt, đám đông đi theo ông khi ông bước khập khiễng ra đường cái. Một bộ đội nói, ‘Mi là tội phạm.’ Ông được đưa về nhà tù Hỏa Lò, ‘Khách sạn Hilton Hà Nội ‘. Sau đó ông được chuyển về một nhà tù mà các tù bình gọi là ‘Sở Thú’, tại đó ông ở cùng xà lim với một phi công hải quân Bắc Carolina tên Porter Halyburton, người lúc đầu hắt hủi ông vì không tin một người da đen có thể là một thiếu tá Không lực,  và chụp mũ ông là bọn do thám Pháp. Vậy mà tình thân, nỗi cơ cực được chia sẻ,  đã nuôi dưỡng giữa hai người không chỉ lòng kính trọng,  mà còn điều gì đó  gần như là tình ruột thịt. Sau khi vết thương Cherry bị nhiễm trùng nặng, ‘Hally’ săn sóc ông tận tình.  Khi các quản tù chuyển người bạn phương Nam ra khỏi xà lim của ông, ‘Tôi chưa hề khổ sở khi xa một người nào nhiều đến như vậy trong đời mình.’

Norm McDaniel, sinh năm 1937, là một trong tám người con của một tá điền da đen Bắc Carolina, và lớn lên với các câu chuyện trải nghiệm khủng khiếp của gia đình thời Suy thoái, khi cha ông hái bông vải với tiền công 1 đô mỗi ngày. Trong thời niên thiếu,  Norm thường đi ngủ với cái bụng rỗng: ‘Nếu cha tôi đi đến tiệm rượu trước khí đến tiệm tạp hóa,  là chúng tôi gặp rắc rối.’ Mẹ tôi, một người mồ côi, có niềm tin điên cuồng vào học vấn và sống theo thần chú ‘Sống tốt nhất với những gì bạn có.’ Thật là một thành tựu đáng kể khi vào năm 1959 con trai bà tiến lên từ bậc kỹ sư cơ khí tại Đại học A&T ở North Carolina để trở thành một nhân viên phi hành được ủy nhiệm trong Không lực . Ông yêu cuộc sống không lực,  và bay vài năm với cánh Pháo đài bay.  Chỉ khi ông và bà xã Jean-Carol ra khỏi căn cứ vấn đề kỳ thị chủng tộc mới làm họ phiền hà: ‘Ở Mississippi và thậm chí Utah, khách sạn và tiệm ăn cũng không tiếp chúng tôi.’

Vào mùa thu 1965, McDaniel được thuyên chuyển khỏi B-52 để về phục vụ như sĩ quan chiến tranh điện tử  với một phi đội EB66C bay ra khỏi Thái Lan.  ‘Tôi không có nhận thức gì về việc thuyên chuyển.  Tôi chỉ nghĩ mình phải làm gì người ta yêu cầu.’ Tuy nhiên,  phi cơ của họ quá yếu, chạy hết đường băng mới cất cánh lên được,  nhất là vào một ngày nóng nực. McDaniel cầu nguyện mỗi ngày, ‘không phải cho tôi, mà cho gia đình tôi’. Thường thường sứ mạng kéo dài khoảng ba giờ, 25 phút được dành cho đi quanh vùng mục tiêu ở độ cao 25,000 bộ, giám sát và ngăn chặn việc phát sóng ra đa của địch. Khi một tín hiệu đe dọa được phát hiện,  họ báo cho các phi công tấn công,  ‘Báo động Đỏ, máy bay địch, ‘ ‘Tên Lửa theo dấu’ hoặc bất cứ thứ gì, rồi sau đó báo cáo,  ‘Tất cả không có gì.’

McDaniel là một trong số 4 ‘con Quạ’ nhìn chằm chằm vào dải màn hình trong buồng EW của chiếc B-66 của họ,  một gian phòng không cửa sổ  phía sau buồng lái.

Chiến dịch trở nên thường nhật: một phi công được yêu cầu hoàn thành 100 chuyến ‘Bắc Tiến’, trước khi được quay về nhà.  Trở lại căn cứ tiện nghi của mình, McDaniel đọc nhiều, tập thể dục,  chơi bóng bàn. Ông nói: ‘Tôi không lo sợ nhiều.  Chúng tôi hình dung mớ rắc rối này sẽ tiếp tục nhiều năm liền. Nhưng phần chúng tôi chỉ nghĩ đến việc kết thúc cho xong 100 sứ mạng của mình, sau đó sẽ về nhà trong 8 hoặc 9 tháng.’

Trong sứ mạng 29, gần Hà Nội  họ bị một SAM-2 khóa chặt và phải đưa ra hành động tránh né dữ dội. Chỉ sau khi một khoảng thời gian quặn thắt  dài như vô tận thì phi hành đoàn mới nghe được những lời trấn an vô giá ngắn gọn trên máy bộ đàm: ‘Bẻ khóa.’ Họ bất giác gạt mồ hôi rịn trên chân mày và bay về nhà đến xứ Thái Lan nóng bức, nhớp dính,  thoải mái. McDaniel nghĩ, ‘Hề, mình đã qua cơn sợ hãi khủng khiếp.’

Nhưng hai sứ mạng sau đó, vào ngày 20 tháng 7 1966, tiến đến gần một mục tiêu gần Hà Nội  máy bay ông bỗng lắc lư dữ dội,  ‘như bay qua một túi  khí lớn’. Phi hành đoàn hỏi nhanh với nhau các câu hỏi đáng sợ,  bùng nổ, và phi công Bill Means đáp lại một cách trấn an,  ‘Đó là một cú bắn hụt thật gần, nhưng chúng ta còn bay được. ‘ Nhưng không lâu.  Chỉ vài giây sau  Means mất kiểm soát,  và máy bay bắt đầu đâm xuống lảo đảo. Khi nó thăng bằng trở lại,  họ đợi trong vô vọng thêm tin tức tứ phi công. 

Tuy nhiên,  liên lạc đã mất, cùng với dưỡng khí. Khói bắt đầu tràn ngập buồng EW. Bốn ‘Con Quạ’ được yêu cầu phóng ra lần lượt,  và McDaniel, trong vị trí trái trước,  phải ra trước tiên.  ‘Đó là giây phút quyết định. Buồng chúng tôi có lửa và khói, và tôi nghĩ, “Mình phải ra thôi.”‘ Ông theo đúng thủ tục, kéo kính che mắt trên mũ xuống, kích hoạt chai dưỡng khí cá nhân, quắp chặt người lại trước khi giật cần để vứt bỏ cửa sập, rồi một giây sau phóng mình vào bầu trời. 

Mọi thứ hoạt động hoàn hảo cho đến khi, lúc treo mình trên dù, ông nhìn thấy nhiều lỗ xuất hiện trên tán dù: họ đang bắn vào ông. Lúc mà đặt chân được lên mặt đất ông thấy mình bị các nông dân,  binh lính,  dân quân  bao vây. Họ lột quần áo ông,  chỉ còn độc một quần đùi và áo thun. Lúc đó là 8:30 a.m., và ông đang cách Hà Nội 30 dặm về phía tây bắc.  Lúc đầu họ cố xô đẩy ông xuống một cái hố, ông tưởng chắc là mình sắp chết. Rồi, thay vào đó, ông bị bịt mắt , dẫn đến một ô tô,  và cuối cùng chở về ‘Hà Nội Hilton’ vào lúc chiều tối.

Ông có thời gian ám ảnh bởi nỗi hồ nghi mình là người duy nhất trong phi hành đoàn nhảy dù ra máy bay; những người còn lại đã bình yên trở về Thái Lan chế nhạo ông đã quá hãi nên phóng ra quá vội. Tuy nhiên,  về sau chẳng bao lâu ông biết rằng tất cả phi hành đoàn trừ một người chết sau khi bị bắt, đều cũng là tù binh cho đến năm 1973.

Ở nhà, sau khi gia đình nghe tin ông mất tích,  số phận không biết rõ, mẹ ông bảo với Jean-Carol: ‘Mac không sao.  Mẹ đã đến thăm nó trong một giấc mơ.  Nó đang nằm trong một căn phòng nhỏ. Mẹ gọi “Mac, con có bình yên không?” Và nó nói, “Có, thưa mẹ. Mẹ hãy tự giữ gìn sức khỏe.”‘ Câu chuyện của bà mẹ McDaniel chứng tỏ một phần đúng. Có nhiều gia đình khác có người thân mất tích cũng có những ảo giác thoát tục như vậy, nhưng không là hiện thực.

Chỉ sau 18 tháng căng thẳng gây thống khổ Miền Bắc mới tiết lộ một cách muộn màng là viên phi hành là một tù binh.

Tại Hà Nội, McDaniel sống tốt hơn nhiều người khác: ‘Mặc dù thức ăn là rác rưởi, nhưng là rác rưởi hoàn toàn tốt cho sức khỏe,  và từ hồi còn nhỏ tôi đã quen bị bỏ đói.’ Như phần đông đồng đội, ông theo định kỳ bị đối xử tàn tệ, trong một số trường hợp gần như bị tra tấn. Chứng cứ từ cả nguồn tin Việt Nam lẫn Nga gợi ý rằng người cộng sản thụ đắc được nhiều dữ liệu tác chiến từ việc thẩm vấn phi hành đoàn, nhưng mục đích chính là đạt được sự khống chế về ý thức hệ, để giáng đòn trừng phạt lên những kẻ   thù địch bị tóm được. Trở lại Mỹ,  những trò dã man đối với tù nhân, khá xác thực,  dấy lên những cơn phẫn nộ trong dân chúng.  Nhưng phải công bình nhấn mạnh rằng các tù nhân cộng sản  lọt vào tay người Mỹ lẫn Miền Nam cũng chịu những điều bằng hoặc tồi tệ hơn, thường trước khi bị giết hại. Khi cuốn sách bóc trần về Việt Nam của nhân viên CIA Frank Snepp Khoảng cách Tử Tế trở thành quyển sách bán chạy nhất trong năm 1977, tác giả kinh ngạc khi có quá ít độc giả bức xúc trước tường thuật của ông về ‘các cuộc thẩm vấn tăng cường ‘ và trò tra tấn những người bị bắt, sự chính xác của chúng chưa hề bị thẩm tra.

Doug Ramsey cũng viết với vẻ ghê tởm về các đồng  nghiệp mình hay ‘bỏ qua vô tư các trò lạm dụng tù nhân’. Sự phẫn nộ về việc Hà Nội đối xử tàn bạo với tù nhân của mình có thể được biện minh  chỉ bởi giả định là các nhà tư bản Mỹ kỳ vọng kẻ địch đối xử nhân đạo với tù bình  hơn người cộng sản Việt Nam kỳ vọng.

Norm McDaniel, vào tháng 7 1966 là vị khách mới nhất tại Hilton Hà Nội, sở hữu một tính khí điềm đạm,  lúc nào cũng vui vẻ, giúp cuộc sống ông dễ chịu qua gần suốt 7 năm sau đó. Trong khi một số tù binh khác nuôi dưỡng lòng căm thù với các quản tù Miền Bắc,  ông cho rằng điều này là phản tác dụng: ‘Tôi luôn xem mình là người lạc quan.  Chúng tôi biết rằng các tù nhân Mỹ ở Việt Nam là thuộc tầng lớp ưu tú so với cách thức các tù binh Mỹ ở Triều Tiên bị đối xử.  Bạn phải vượt qua chính mình: tôi có lòng tin ở Chúa Trời và gia đình tôi.’

Một thiểu số kha khá các phi công là các cựu binh với kinh nghiệm đầy mình. Chỉ huy  Richard Bengler đã 42 tuổi.  Ông đã lái các B-17 và B-25 trong thời Thế Chiến II,  rồi chiến đấu ở Triều Tiên.  Vào tháng 7 1966 ông phóng ra khỏi máy bay xuống biển khi chiếc F-8 của mình bị một chiếc MiG bắn trúng. Bốn tháng sau ông lật ngược thế cờ, bắn rơi chiếc MiG-21 đầu tiên cho hải quân bằng tên lửa Sidewinders. Trở về tàu sân bay ông hớn hở nói, ‘Tôi đã đợi 20 năm cho điều gì đó giống như điều này.  Thật là một cảm xúc choáng ngợp. ‘

Đại uý Jack Nolan từ Freeport, Long Island, đã 36 tuổi khi ông ra trận.  Ông là con trai một luật sư và một thời là sinh viên y khoa: ‘Có một cô gái bước vào. Tôi cưới cô ta, ôi trời.’ Nhưng trái tim ông dành cho nghề bay. ‘Tôi bị máy bay làm cho mê hoặc sau khi được ngồi trong một chiếc Stimson hồi 5 tuổi.’ Vào năm 1952 Nolan gia nhập Không lực Hoa Kỳ, được chở tàu đến Triều Tiên,  và đang lênh đênh giữa Thái Bình Dương khi hiệp ước đình chiến được ký kết.  Sau một thập niên làm người huấn luyện,  và nuôi 5 đứa con,  cuối năm 1966 ông được cử đến cánh Thud đặt căn cứ,  như các EB-66 của Norm McDaniel, tại  Takhli ở Thái Lan. ‘Vợ tôi nghĩ gì về chuyện này ư? Tôi chưa từng hỏi cô ta.’ Tại căn cứ rộng lớn họ sống trong các tòa nhà gạch khối tiện nghi,  hai giường một phòng. Hai mươi phi công của phi đội bay bất kì máy bay nào mình được phân bổ ngày đó  – máy bay không có tên cá nhân,  không vẽ vời, chỉ một màu ngụy trang xanh-nâu trên bề mặt phía trên, xanh lam bên dưới. Các F-105 bay rất thoải mái,  có tốc độ siêu thanh ở  cao độ thấp. Trong các sứ mạng chống Miền Bắc nó thường mang theo sáu quả bom 750 cân, một máy phá sóng ECM và các tên lửa Sidewinders, mặc dù Jack Nolan chưa hề bắn một quả nào.

Vào những ngày tác chiến họ có thể thức dậy bất cứ lúc nào trong khoảng từ 02:30 đến 07:00 để ăn sáng và chuẩn bị dụng cụ tỉ mỉ, mất thì giờ.  Một phi công kỳ cựu có lần bước vào phòng chỉ thị trước một sứ mạng Bắc Tiến nói, ‘Ai nói không hề khiếp đảm là không hiểu rõ vấn đề.’ Cũng buổi sáng đó trong phòng vệ sinh, Jack Broughton nghe có tiếng nôn ói, và biết đó là một phi công bạn. Broughton viết về sự chờ đợi mòn mỏi trước khi cho phi cơ đi xuống đường băng cất cánh tại căn cứ thiêu đốt ở Thái Lan đông đúc phi cơ: ‘Bạn đổ mồ hôi nhiều đến nỗi có lúc không nhìn được. Đường bay là một nơi hỗn loạn có tổ chức khi hết phi cơ này đến phi cơ khác nhấn nút khởi động và xả đầy không khí mùi nồng nặc và khói của động cơ.  Âm thanh điếc cả tai  … Tôi trầm ngâm, Sẽ là ngày gì đây – ngày SAM hay ngày MiG?’

Khi Jach Nolan lên không với 16 chiếc quen thuộc và 2 chiếc ứng trực dự trữ, họ bay với tốc độ 450 hải lý  theo hàng 4, ‘ở cao độ 15,000 bộ, phi vụ chết tiệt nào cũng vậy’. Trước khi bay vào vùng địch, họ đóng một hoặc hai thùng xăng KC-135 để được đầy tràn trong 10 phút, rồi tách ra thành đội hình chiến thuật  khi tiến gần Điểm Đầu Tiên. Các phi cơ F-4 có nhiệm vụ tiêu diệt hỏa lực phòng không nhắm đến các mục tiêu 15 đến 30 giây trước các oanh tạc cơ, tấn công bằng đại bác và tên lửa Zuni vào mỗi đốm lửa lóe sáng từ nòng pháo địch ở mặt đất họ phát hiện được, cho đến khi tiêu tốn hết quân nhu họ đẩy cần tiết lưu  sang một bên để đốt lò đốt phụ. Việc này cung cấp thêm năng lượng,  khiến phi cơ có thể lao vút đi, với mức tiêu thụ nhiên liệu tăng vọt ấn tượng.  Các Thud tấn công tiếp sau, phóng xuống một góc 45 độ trước khi bỏ bom từ độ cao 5,000 bộ , ‘rồi chạy như điên ‘ – hay đúng hơn, cảm thấy sức mạnh từ 4 đến 6 G (lực của trọng trường trái đất) khi họ bay đi.

Các mục tiêu có thể là cầu, kho bãi tàu hỏa hoặc phi trường. Luôn là pháo phòng không, gây tổn thất có lẽ một phi cơ mỗi ngày cho mỗi phi đoàn, và đôi khi vệt trắng của một tên lửa SAM, mà các phi công không biết trừ khi họ nhận được cảnh báo trong bộ đàm rằng nó đang dò đường đến họ. ‘Tôi nhìn thấy một phi cơ bạn rớt xuống, theo dõi phi công nhảy dù ra, nhưng không bao giờ nghe nói về anh ta nữa.’ Chiến thuật tốt nhất sau khi một SAM phóng đi là quẹo rất gắt cắt ngang đường đi của nó – tên lửa sẽ cuối cùng bẻ khóa ra đa và phát nổ.

Nolan, như nhiều phi công,  xem vai trò của mình với vẻ lãnh đạm pha lẫn những cơn sợ hãi: ‘Tôi không nghĩ nhiều về những gì xảy ra trên mặt đất.  Tôi chỉ đang làm một công việc, ráng còn sống  và lên chức thiếu tá – điều không xảy ra.’ Họ nhìn nhận nhiều bom không trúng đích, nhất là bom 3,000 cân họ ném xuống cầu: ‘Thật là bực mình khi thấy phà đậu dài trên bờ,  sẵn sàng ráp nối lại nhịp bị chúng tôi đánh sập.’ Một hôm khi Nolan chúc xuống một nhịp cầu gần biên giới Trung Quốc anh chợt bắt gặp một đốm lửa súng máy lóe lên dưới cánh phải khiến ống thủy lực tê liệt,  khiến nó không thể cặp đôi với một máy bay tiếp nhiên liệu để bay về căn cứ.  Anh vứt bỏ bom xuống sông và lếch chiếc máy bay to lớn về đến Đà Nẵng, được chỉ huy mình hộ tống an toàn. Sau đó anh bắt một chiếc C-123 trở lại Thái Lan,  và đến quán rượu. Chẳng bao lâu,  anh được thuyên chuyển về bộ tham mưu Hành quân Tác chiến của Không Lực 7, phân tích dữ liệu mục tiêu: ‘Trải nghiệm đó củng cố thêm cảm nhận của tôi rằng nhiều bom rơi không trúng mục tiêu,  nhưng không ai buồn quan tâm. ‘

Hồ sơ tác chiến của Nolan tương đối buồn tẻ,  nhưng phi công khác trải nghiệm những bi kịch bất thường.  Vào ngày 20 tháng tư 1967 Trung uý chỉ huy gan dạ của hải quân Mike Estocin cầm đầu một phi đội ba máy bay đánh Hải Phòng,  tại đó họ phá hủy ba dàn SAM nhưng chiếc Skyhawk A-4 của anh trúng đạn. Anh rút lui, tin rằng mình có thể bay về,  nên bắn tên lửa Shrike cuối cùng vào một mục tiêu mặt đất trước khi quay về, xăng chảy ra rất nhanh. Với xăng còn đủ bay trong 5 phút, anh cặp được vào máy bay tiếp nhiên liệu KA-3 đang bay về tàu sân bay Ticonderoga. Khi cách sàn tàu hai dặm anh tách  ra, và tiếp cận tàu sân bay chỉ còn đủ xăng cho một lần đáp mà thôi.  Chiếc phi cơ bốc cháy khi anh đáp xuống hoàn hảo.

Estocin kéo mở cửa buồng lái khi đội cứu hỏa phun bọt trắng, nhảy xuống,  ném chiếc mũ vào giá treo và bước đi mà không ngoái lại nhìn đằng sau. Thật là thể hiện ngang tàng của tính vô tâm, nhưng 6 ngày sau anh không còn may mắn nữa.  Một SAM-2 bắn trúng phi cơ của anh khi anh tấn công các kho dầu gần Hải Phòng, và xác máy bay lao xuống đất. Étocin được truy tặng Huy chương Danh dự. 

Một trong những đặc điểm xúc động nhất và thường hào hùng của cuộc không chiến là nỗ lực bền bỉ nhằm giải cứu các phi công mà máy bay họ bị bắn rơi. Khoảng một phần ba nhà phi hành nhảy dù xuống được giành lại vào tay người Mỹ; một tỷ lệ nhỏ hơn bị cộng sản bắt làm tù binh; phần còn lại bị chết. Trong phạm vi hải quân, các đội giải cứu ngoài khơi trải qua nhiều tuần lễ buồn tẻ, bay tìm kiếm trên biển trong những trực thăng HH-3E bọc sắt nặng nề,  lắng nghe một lời kêu gọi ít khi đến tai: rồi một lời cầu cứu gọi đến khiến họ như bị điện giât, xông vào hiểm nguy cháy bỏng, cuồn cuộn nỗi xúc cảm.  Thường là một sự rượt đuổi giữa các ‘Thiên thần’ và các ngư dân, những người sẽ nhận được 200 đô tiền thưởng kếch xù của chính quyền cộng sản cho mỗi người Mỹ nào họ bắt được từ biển cả và giao nộp.

Vào ngày 27/4/1966, sau khi một chiếc A-6A bị phòng không bắn rơi, nhân viên ném hom Brian Westin thấy phi công Bill Westerman bị thương  mặt xám ngắt, tay trái anh mềm rũ, mặt nạ dưỡng khí rớt ra, phi cơ bay lên chập choạng. Westin mở móc khóa yên, dựa qua để cầm cần lái và hướng máy bay về phía bờ biển đồng thời gọi điện cầu cứu. Westerman cựa mình, ráng sức tàn cầm lái để đưa chiếc phi cơ loạng choạng bay về Kittyhawk,  trong khi chỉ huy phi đội bay kè kế bên.

Họ không dám thử đáp xuống,  thay vào đó phóng xuống biển. Một phần ba số người chọn phương án này chết đuối trước khi cứu hộ đến kịp. Westin được kéo lên trực thăng , nhưng rồi thấy phi công của mình quá yếu vì mất quá nhiều máu không thể trườn mình vào vòng dây kéo. Viên phi hành một lần nữa nhảy xuống nước,  giúp Westerman đến nơi bình yên. Anh vẫy tay cho chiếc trực thăng Sea King bay đi, vội vã đưa người bị thương về hỗ trợ y tế. Còn anh được một trực thăng khác đến giải cứu,  đúng lúc cá mập ngửi được mùi máu bắt đầu vây quanh vùng nước đỏ máu. Anh nhận được huy chương Thập tự Hải quân.

Một phi cơ thám thính có lần bị bắn rơi trên bờ biển, phi công bị chết. Khi nhân viên phi hành đứng trơ trọi trên bãi biển bị đám dân địa phương vây quanh,  anh bỗng thoáng thấy một trực thăng giải cứu bay đến, máy nhắn tin của anh có tín hiệu. Kéo phéc-mơ-tuya bộ đồ bay, anh rút ra khẩu súng lục, bắn người dân quân canh giữ anh, rồi phóng vào làn sóng biển, bơi về hướng trực thăng giải cứu thành công.  Vào một dịp khác một trực thăng

Seasprite bay trong bóng đêm từ một tàu khu trục để bốc lên hai phi hành F-4 đang ẩn nấp trong đám lau sậy trên vùng quê Miền Bắc.  Các xạ thủ trực thăng bắn ngăn không cho bộ đội địch đến bắt và bốc được hai người Mỹ lên dưới làn mưa đạn ác liệt, rồi bay về tàu vừa kịp chỉ còn lại chừng chục lít xăng. Một phi công khác trôi dạt ngoài khơi hàng giờ liền trong khi hai trực thăng ra sức tìm kiếm, bị hỏa lực đối phương  tấn công dữ dội làm tử thương một nhân viên phi hành.  Trên cao, các chiến đấu cơ xoay sở để ngăn cản địch bắt được người phi công lâm nạn đang ở ngoài biển, cho đến khi ánh sáng cuối cùng sắp tắt, trực thăng mới bốc được anh. Một phi công viết: ‘Đối với các phi công tham dự cuộc chiến điên rồ này hết năm này sang năm khác, thì đây quả là một thắng lợi không ai chối cãi.’ Chỉ tính riêng năm 1967, 7 trực thăng hải quân bị bắn rơi khi đang làm nhiệm vụ giải cứu. 

Không Lực cũng đạt được một số kỳ tích phi thường.  Khi các binh đội Miền Bắc tiến đến gần một phi công Crusader đã nhảy dù xuống một vùng cây rậm phía tây-nam Hà Nội, một nhân viên trực thăng hạ thấp

dây cáp hết cỡ nhưng còn cách bàn tay giơ ra của phi công gần 10 bộ. Dưới làn hỏa lực, và với một nhân viên phi hành bị giết chết, trực thăng phải xuống thấp vào vòm lá, dùng cánh quạt phạt một lối đi xuống qua các tán cây cao cho đến khi phi công bên dưới có thể nắm được dây quàng, và được kéo lên cao. Trực thăng hư hại quá nặng đến nỗi buộc phải hạ cánh cách đó vài dặm,  và được một trực thăng Jolly Green Giant kéo hết đội đi.

Trung uý Dieter Dengler là phi công Skyraider của hải quân,  người gốc Đức bị rơi máy bay tại Lào khi trúng đạn phòng. Anh bị bắt và bị phe Pathet Lào giam giữ trong bốn tháng trước khi trốn thoát với một phi công không lực, Duane Martin. Họ sống bằng trái cây, dâu rừng và một ít cơm nhiều ngày liền cho đến khi đến được một con sông. Họ làm bè và trôi theo sông về phía hạ lưu cho đến khi bắt gặp một ngôi làng bỏ hoang, tại đó họ tìm được một ít bắp. Dengler đang bị bệnh vàng da và sốt rét. Khi họ đến một ngôi làng khác, một người dân cầm rựa tấn công họ, giết chết Martin. Dengler loạng choạng đi một mình, cho đến ngày thứ 22 kể từ khi trốn thoát anh không còn sức đi tiếp. Khi anh nằm chờ chết, anh xếp đá tạo thành chữ ‘SOS’.

Mầu nhiệm thay,  chữ đá này được một phi công Không lực Hoa Kỳ đi ngang qua phát hiện, liền hướng dẫn một trực thăng đến để bốc người khốn khổ. Dengler xuất hiện chỉ còn nặng 98 cân (khoảng 44 kí), đã sụt mất 60 cân (27 kí)

Trong khi không lực và hải quân ồn ào phản kháng các hạn chế do phe chính trị áp đặt, họ buộc phải chấp nhận những thiếu sót của các phi vụ tấn công thậm chí vào các mục tiêu được uỷ quyền. Chẳng hạn,  giữa tháng 3 1965 và tháng 11 1968, gần 700 lượt xuất kích được tiến hành đánh cầu tàu hỏa Thanh Hóa,  cách Hà Nội 80 dặm về phía nam. Vào tháng 3 1967, ba mục tiêu bị đánh trúng với bom lượn Walleye điều khiển qua tivi.  Vậy mà cây cầu và kết nối đường ray, vẫn thông thương một cách thách thức.  Cầu Paul Doumer của Hà Nội bị đóng cửa trong 6 tháng từ tháng 8 1967, nhưng chỉ tiếp sau một chuỗi dài các tấn công thất bại. 

Năm đó,  một sự cải tiến vượt bậc trong trong kỹ năng tên lửa của địch gây tổn thất chết người cho phía Mỹ. Mỗi lượt xuất kích đều bị một hành lang SAM nghênh chiến: chỉ riêng ngày 21 tháng tám 80 tên lửa SAM được bắn ra. Một tướng lĩnh Nga than phiền rằng đồng minh Miền Bắc của ông bắn các món đồ chơi cực kì đắt tiền này ‘như thể chúng là pháo hoa.’ Trong tháng 8 hải quân mất 16 phi cơ.  Chung quanh Hà Nội,  gần 600 súng phòng không  AA và 15 dàn SAM được triển khai. Trung tướng Palmer viết: ‘Cái giá để các lực lượng tấn công của chúng tôi được nhìn nhận cuối cùng trở nên rất cao, gần như là bị ngăn cấm.’ Vào năm 1967 hải quân tuyên bố phá hủy 30 dàn SAM, 187 vị trí phòng không và 955 cầu – số sau này biểu thị số lần đánh phá lặp lại – cùng với số lượng lớn toa tàu hỏa. Nói chung,  ước tính rằng việc đánh bom đã gây thiệt hại trị giá 300 triệu đô la cho Miền Bắc  – nhưng với giá 922 phi cơ bị hủy diệt,  mà trị giá tiền mặt của chúng lớn gấp ba lần. Lực lượng phòng không mặt đất giờ triển khai đến 8,000 súng phòng không và 200 dàn tên lửa.  Năng lượng điện Miền Bắc đã bị sụt giảm đến 85 phần trăm, vậy mà xứ sở ấy vẫn tiếp tục  hoạt động bằng máy phát điện xách tay.

Tình báo Mỹ về kỹ nghệ và hạ tầng của địch  vẫn còn nghèo nàn. Có ít dấu hiệu cho thấy không kích đang gây cản trở cho nỗ lực  chiến tranh của Miền Bắc.  Tinh thần các phi công đi xuống trước các tổn thất và nhận thức được mức thành tựu kém cỏi. Họ chế nhạo gọi các nhà lên kế hoạch và các tư lệnh của mình là ‘Câu Lạc Bộ Du thuyền Vịnh Bắc Việt ‘. Các phi hành đoàn tiếp tục bay,  bỏ bom, và đổi khi hy sinh,  nhưng càng ngày càng khó tin tưởng các kết quả tương xứng với công lao mình mặc dù các chỉ huy của họ vẫn ương ngạnh chống đối mọi ám chỉ cho rằng Việt Nam đánh dấu hạn chế của sức mạnh không lực Mỹ. Ấn bản 1984 của Cẩm nang  Học thuyết Cơ bản của Không Lực  vẫn khăng khăng xác quyết rằng ‘Lực lượng không trung có sức mạnh xuyên thấu trái tim của lực lượng địch mà không cần trước tiên phải đánh bại các lực lượng phòng thủ linh tinh.’ Sức mạnh như thế,  các ông trùm đánh bom tuyên bố, khiến các phi cơ tấn công có thể công kích ‘một loạt các mục tiêu sinh tử được tuyển chọn mà, nếu bị hủy diệt, sẽ đập tan năng lực và ý chí chiến đấu của kẻ thù. Năm 1986 người phỏng vấn Curtis LeMay hỏi liệu chiến tranh Việt Nam có thể đã thắng được không, thì nhận được câu trả lời:

‘Trong thời hạn 2 tuần nếu anh muốn biết, qua một chương trình dội bom không hạn chế.’

 

Đây là quan điểm mà LeMay, cũng như Tướng William Momyer và Đô đốc  Ulysses Grant Sharp, mang theo xuống mồ. Trong con mắt của hậu thế, tuy nhiên, nó dường như là một điều ảo tưởng. Các cuộc không kích chiến thuật ở Miền Nam,  nhất là trên Đường Mòn HCM, gây ra vô vàn khó khăn cho nỗ lực chiến tranh của người cộng sản.  Tuy nhiên,  chi phí chính trị của Sấm Rền đối với người Mỹ thì lớn hơn nhiều so với thiệt hại gây ra cho Miền Bắc.  Điều này gần như chắc chắn không thay đổi thậm chí cho dù các ông trùm không quân của Mỹ được cho phép mở rộng quy mô như họ luôn kêu gào.

F-4 Phantom bắn FFAR vào một vị trí bị nghi ngờ là Việt cộng. F-4 trở thành máy bay bị bắn rơi nhiều nhất sau chiếc Huey. (445 tổng cộng, 382 trong chiến đấu)

F-4 bắn FFAR khác

A-1D Skyraider thả bom phốt pho WP (willie pete)

Một chiếc A-1D khác Thả bom phốt pho (vị trí khác)

A-1D đang thả bom napalm


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s