CHƯƠNG 11 : TRONG KHI ĐÓ Ở CHÂU ÂU 689-1008 SH [1291-1600 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Các Thập Tự quân cuối cùng trốn chạy khỏi thế giới Hồi giáo vào năm 1291, bị quân Mamluk đánh đuổi khỏi Ai Cập, nhưng lực lượng tàn dư của Thập Tự Chinh còn duy trì nhiều năm nữa. Một số vụ bùng phát có xuất xứ từ các dòng tu tôn giáo quân sự mà Giáo hội La Mã sản sinh. Chẳng hạn, Hiệp Sĩ Đền Thánh trở thành các chủ ngân hàng quốc tế có uy tín. Nhóm Hiệp Sĩ Cứu Tế đánh chiếm đảo Rhodes, rồi chuyển bộ chỉ huy đến Malta, từ đó họ hành quân ít nhiều như hải tặc, cướp bóc thuyền buôn Hồi giáo đi lại trên Địa Trung Hải. Các Hiệp sĩ Teuton (Giáo binh đoàn Đức) thực sự chinh phục một phần nước Phổ đủ để thành lập một nhà nước kéo dài tận thế kỷ 15.
Trong khi đó, người Âu tiếp tục ra sức phát động các chiến dịch mới vào tận lãnh thổ Hồi, nhưng các chiến dịch này càng yếu dần, và một số tiêu tán trên đường đi, trong khi các chiến dịch khác quay lệch theo hướng khác. Cái gọi là Thập Tự Chinh Phương Bắc cuối cùng nhắm vào dân tộc Slav ngoại giáo của vùng đất Baltic. Nhiều trận đánh nhỏ chống các phe “dị giáo” bên trong châu Âu, do giáo hoàng quậy lên và được vương quốc này vương quốc nọ tiến hành, cũng được dán nhãn “thập tự chinh”. Ở Pháp, chẳng hạn, có một cuộc “thập tự chinh” kéo dài chống lại phong trào Cơ đốc có tên Albigense. Rồi có vụ Iberia (thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), nơi người Cơ đốc tiếp tục thập tự chiến cho đến năm 1492, khi họ cuối cùng tràn ngập Granada và đánh đuổi người Hồi giáo cuối cùng ra khỏi bán đảo.
Tình thần thập tự chinh kéo dài một phần vì qua quá trình thập tự chinh thực sự, một động lực mới đã thúc giục Âu châu tiến về đông: cơn thèm muốn loại hàng hóa mậu dịch đến từ những nơi như Ấn Độ và các đảo xa hơn, mà người Âu gọi là Đông Ấn. Một trong những hàng hóa mong muốn tìm thấy ở Ấn Độ là sản phẩm tuyệt vời gọi là đường. Đến từ Mã Lai và Indonesia là tiêu, hạt nhục đậu khấu, và nhiều loại gia vị khác. Các bếp trưởng thời Trung Trung cổ nêm gia vị vào mọi món họ chế biến – thường cùng một loại gia vị được nêm vào món khai vị và món tráng miệng, đúng là họ khoái gia vị!
Trớ trêu là, các Thập Tự Chinh thèm muốn hàng gia vị nhưng lại ngăn cách các nhà buôn Âu châu khỏi loại sản phẩm đó bằng cách tạo ra một vành đai hận thù chống-Cơ đốc vươn dài từ Ai Cập đến Azerbaijan. Các thương nhân Âu châu không thể vượt qua bức tường này để buôn bán trực tiếp với nguồn cung cấp: họ phải qua trung gian người Hồi. Đúng là Marco Polo có đi tới Trung Quốc trong thời kỳ này, nhưng ông và nhóm của ông chỉ là một băng dị thường, và người châu Âu kinh ngạc khi họ đã đi một mạch đến đó rồi trở về được. Thật ra, phần đông đều không tin họ thực sự làm được việc ấy: họ gọi bộ sách của Marco Polo viết về những cuộc phiêu lưu của mình là “Hàng Triệu,” ý chỉ số lời nói dối họ cho rằng ông đã nhồi nhét trong quyển sách đó. Người Hồi sở hữu các bờ biển phía đông của Biển Đen, họ sở hữu vùng núi Caucasus, họ sở hữu bờ biển Caspian. Họ sở hữu Biển Đỏ và mọi đường tiếp cận với nó. Người châu Âu buộc phải mua các sản phẩm Ấn và Đông Ấn qua các nhà buôn Hồi giáo ở Syria và Ai Cập, vốn chắc chắn đẩy giá cả tăng vọt mà thị trường có thể chịu được, nhất là đối với các thân chủ Cơ đốc Âu châu, vì ác ý họ gây ra trong thời Thập Tự Chinh, chưa nói đến việc người Cơ đốc Farangi đã về phe với bọn Mông Cổ.
Các nhà buôn Tây Âu phải làm gì?
Đây là nơi mà tinh thần thập tự chinh trộn lẫn với tinh thần khao khát khám phá . Người Hồi giạng chân khống chế mạng lưới đường bộ nối liền các thị trường cổ xưa quan trọng của thế giới, nhưng qua nhiều thế kỷ, không được các chính quyền và nhân dân Hồi lưu ý, người Tây phương đã âm thầm phát triển vượt bực kỹ năng hải hành. Trước hết, người Âu của thời kỳ hậu-Thập Tự Chinh gồm cả người Viking, những dân biển xâm lăng từ phương bắc vốn thành thạo nghề đi biển, họ thậm chí đã vượt qua Bắc Đại Tây Dương đến Greenland trên những con thuyền rồng. Một đợt người Viking xâm lược nước Anh tại đó chữ North-men (người phương Bắc) nói trại thành Norman. Một số ít người này sau đó di chuyển đến bờ biển Pháp, và định cư tại một nơi sau này được gọi là Normandy.
Người Âu Châu Tìm Đường Biển Đến Đông Ấn
Nhưng không chỉ có người Viking. Người nào thường giương buồm đi giữa Scandinavia và nam châu Âu phải đóng được các con thuyền vạm vỡ và học cách điều khiển thuyền qua các cơn bão tố và sóng dữ của vùng Bắc Đại Tây Dương; người Tây Âu, do đó, cuối cùng cũng làm chủ được đại dương. Với các thủy thủ lão luyện như thế là thần dân mình, một số các nhà vua tham vọng bắt đầu mơ ước tìm được cách đi vòng toàn bộ vùng đất giữa châu Âu và Đông Á và với nó giải quyết được toàn bộ bài toán Hồi giáo: tóm lại, họ quan tâm đến việc tìm đường đến Ấn Độ và các đảo xa hơn về phía đông hoàn toàn bằng đường biển.
Một nhà quý tộc rót tiền hậu thuẫn nghiêm túc cho công cuộc này là ông Hoàng Henry xứ Bồ Đào Nha (được gọi là “Henry Nhà Hải Hành” cho dù ông chưa hề đi trên một chuyến viễn dương nào mà ông tài trợ).
Ông hoàng Henry có quan hệ thân thiết với nhà vua Bồ Đào Nha, nhưng quan trọng hơn, ông là một trong người giàu có nhất Tây Âu. Ông bảo trợ các thuyền trưởng giương buồm về phía nam đi dọc bờ biển châu Phi tìm đường đi quanh nó. Các bức thư và lời tuyên bố của ông cho thấy bản thân ông tự coi mình là một thập tự quân, toàn tâm chứng tỏ mình là một quân vương Cơ đốc vĩ đại bằng cách ghi được chiến tích thắng bọn Moor man rợ và tìm thêm các linh hồn mới để cứu rỗi cho đức tin duy nhất đúng của mình.
Nhiều linh hồn mới mà các thủy thủ ông tìm gặp đang sống trong hình hài da đen và hóa ra có giá trị thương mại như những tên nô lệ, và Henry Người Hải Hành biến hình thành Henry Người Buôn Bán Nô Lệ. Ngoài nô lệ, khi người Bồ Đào Nha tiến xuống phía nam, họ tìm thấy mọi loại hàng tiện ích trao đổi được như bụi vàng, muối, trứng đà điểu, dầu cá – danh sách tiếp tục dài dài. Việc phát hiện liên tục các hàng hóa mậu dịch mới tiêm nhiễm động lực kinh tế vào ước mơ của thập tự quân, và các cuộc Thập Tự Chinh nhường bước cho điều mà người Âu châu gọi là Thời Đại Khám Phá. Có lẽ khám phá kịch tính nhất xảy ra vào năm 1492, khi Christopher Columbus giương buồm vượt qua Đại Tây Dương, trong sứ mạng tìm đường đến Ấn Độ, để rồi tình cờ gặp được châu Mỹ. Chuyến đi của ông được tài trợ bởi Ferdinand và IIsabella, các quân vương Cơ đốc đã hoàn thành cuộc Thập Tự Chinh chống người Hồi ở Iberia và lập ra vương quốc Cơ đốc, thống nhất, đơn lẻ Tây Ban Nha.
Khi Columbus đổ bộ lên đảo Caribbean của Hispaniola, ông tưởng mình đã đến được Đông Ấn. Sau khi đã biết mình sai, các đảo ở phía đông Ấn Độ được gọi là Đông Ấn, và những đảo này ở Caribbean gọi là Tây Ấn. Phần đông người Hồi biết rất mơ hồ về khám phá trọng đại này. Các nguồn tư liệu Hồi giáo đề cập thoáng qua chuyến đi của Columbus, mặc dù vào những năm 1570, một ít nhà vẽ bản đồ Ottoman lập được những bản đồ khá chính xác của thế giới cho thấy hai phần châu Mỹ ở ngay đúng vị trí của chúng. Lúc đó, Tây Ban Nha đã xây dựng những cơ sở bước đầu của một đế chế mới ở Mexico và Anh, Pháp, và các nước khác đã lập những vùng định cư xa hơn về phía bắc.
Trong khi đó, tại mút phía đông của Trung Thế Giới, người Hồi đã khám phá những gì mà người Âu đang tìm kiếm: Các nhà buôn Hồi giáo đã dong buồm đến Mã Lai và Indonesia hàng thế kỷ nay. Nhiều thương nhân Hồi xuôi ngược sóng nước này thuộc về dòng tu Sufi, và qua họ đạo Hồi đã bắt rễ vào lãnh thổ Đông Ấn rất lâu trước khi người Âu châu đầu tiên đặt chân đến.
Thậm chí ngay trước khi người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan, và người bắc Âu khác lên cơn sốt mạo hiểm, người nam Âu đã thể hiện quyền lực biển của mình, bởi vì nền văn minh của họ đã thoát thai từ việc đi biển, và kỹ năng hải hành của họ có nguồn gốc từ người La Mã, Hy Lạp, Mycenaea trước cả họ, và người Cretan và Phoenicia trước đó nữa.
Vào thế kỷ 14 CN, người Genoa và người Venice cạnh tranh mậu dịch ở Vùng Địa Trung Hải trong các thương thuyền lớn nhất, vạm vỡ nhất, và trên biển cả các bọn Ý này có thể đánh nhau. Nhóm Venice làm ăn nhộn nhịp ở Constantinople, và sau khi người Ottoman làm chủ vùng này, họ mạnh dạn mở các văn phòng kinh doanh ở Istanbul.
Việc buôn bán ở Địa Trung Hải rút của cải khổng lồ vào Ý và các thành bang phồn thịnh mọc ra, không chỉ Venice và Genoa, còn có Florence, Milan, và những thành bang khác. Ở đây tại Ý, tiền thay thế đất làm thước đo sự giàu có và địa vị. Các nhà buôn trở thành giới ưu tú quyền lực mới; các gia đình như nhà Medici xứ Florence và Sforza xứ Milan thay thế giới quý tộc quân sự cũ gồm các điền chủ phong kiến. Tất cả tiền tài, tất cả năng lượng kinh bang tế thế, tất cả sự đa dạng đô thị, tất cả thực thể tối cao ở cạnh bên nhau như thể tranh giành sự vĩ đại, tiếng tăm, và sự ưu việt phát sinh một động lực chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Bất kỳ nghệ sĩ hoặc thợ thủ công nào có kỹ năng bán tài năng mình đều có thể có cơ hội hấp dẫn ở Ý trong kỷ nguyên này bởi vì họ có thể nhận được nhiều người bảo trợ lôi kéo họ về phục vụ. Các công tước và hồng y và ngay cả giáo hoàng cạnh tranh để dỗ dành các nghệ sĩ như Michelangelo và Leonardo da Vinci đến triều đình họ bởi vì các tác phẩm của họ không chỉ đẹp mà còn là biểu tượng của vị thế cao cấp. Ý bắt đầu tràn ngập nghệ thuật, phát minh, sức sáng tạo, và thành tựu sau này được gắn nhãn hiệu “thời Phục Hưng Ý.”
Sách vở, trong khi đó, đang trở lại mốt. Trong Thời kỳ Tăm Tối, hiếm có người ở Châu Âu biết đọc trừ các giáo sĩ, và các giáo sĩ học đọc chỉ để đọc Kinh Thánh và hành lễ. Trong số người Cơ đốc Đức, trong thời Charlemagne chẳng hạn, các giáo sĩ tôn trọng chữ La tinh, ngôn ngữ được sử dụng trong các buổi hành lễ nhà thờ, bởi vì họ cho rằng đó là ngôn ngữ mà Chúa Trời nói. Họ lo lắng nếu tiếng La tinh thoái hóa, Chúa Trời sẽ không hiểu các lời cầu nguyện của họ, vì thế họ giữ gìn và học tập một số sách cổ đại do người ngoại giáo như Cicero viết thuần tuý chỉ để làm chủ văn phạm và cách phát âm loại ngôn ngữ cổ. Họ muốn chắc chắn mình có thể tiếp tục phát ra các âm tiết đến được tai Chúa Trời. Khi đọc các tác giả như Cicero, họ cố hết sức phớt lờ những gì tác giả viết mà chỉ tập trung vào phong cách để không bị tiêm nhiễm các tính cách đa cảm ngoại giáo của họ. Các nỗ lực nhằm giữ gìn tiếng La tinh của họ biến nó thành một ngôn ngữ chết chỉ thích hợp cho nghi thức và mục đích tụng niệm, không có khả năng chuyển tải để thảo luận hoặc tư duy. Dù sao đi nữa, việc họ trân trọng sách vở như các đồ tạo tác có nghĩa là một số nhà thờ và tu viện có lưu trữ sách cất giữ trong nhà hầm và hậu phòng.
Rồi, vào thế kỷ 12, các học giả Cơ đốc thăm viếng Andalusia của Hồi giáo gặp được các bản dịch ra tiếng La tinh các văn bản Hy Lạp của các nhà tư tưởng như Aristotle và Plato. Hầu hết các tác phẩm này đều xuất xứ từ Toledo, nơi hoạt động dịch thuật bùng phát sôi nổi. Từ Toledo, sách dịch xâm nhập vào Tây Âu, cuối cùng tìm đường vào các tủ sách các nhà thờ và tu viện.
Các tác phẩm Ả Rập có mặt ở Andalusia gồm phần lớn bài bình luận của các triết gia Hồi giáo như Ibn Sina (người Âu gọi là Avicenna ) và Ibn Rushd (Averroes). Các bài viết của họ tập trung vào việc hòa giải triết lý Hy Lạp với mặc khải Hồi giáo. Người Cơ đốc không quan tâm tới các thành tựu này, vì thế họ tước bỏ hết phần đóng góp của người Hồi vào Aristotle và các người khác và lao vào việc khám phá làm sao có thể hòa giải triết lý Hy Lạp với các mặc khải Cơ đốc. Từ các cuộc đấu tranh này ra đời các triết lý “kinh viện” của các nhà tư tưởng như Thomas Aquinas, Duns Scotus, và các người khác. Việc kết nối của người Hồi với các tác phẩm cổ đại Hy Lạp đã bị bôi xóa khỏi ký ức văn hoá Âu châu.
Các học giả Âu châu bắt đầu lui tới các tu viện nào có thư viện vì ở đấy có sách. Rồi, các học viên bắt đầu lui tới tu viện nào có thư viện vì ở đấy có học giả. Trong khi theo đuổi việc nghiên cứu, các học giả không một xu dính túi này lay lắt kiếm sống bằng cách dạy thêm. Các cộng đồng học tập này thành hình chung quanh các tu viện và chúng chín mùi thành các đại học đầu tiên. Một trong các đại học sớm nhất xuất hiện quanh nhà thờ Đức Bà ở Paris. Một cộng đồng học tập rất sớm khác trở thành Đại học Naples. Rồi một đại học phát triển ở Oxford, nước Anh. Khi ở đó xảy ra trận tranh cãi giữa các học giả, nhóm bất đồng chính kiến trong cơn nóng giận đã khăn gói bỏ đi đến Cambridge và khởi đầu một cộng đồng học tập của riêng mình.
Các học giả trong các đại học sơ khai này chợt nhận ra rằng hầu hết các sinh viên tương lai chưa có đủ kiến thức để bắt đầu học, thành ra họ soạn ra một bộ giáo trình tiêu chuẩn nhằm giúp học viên sẵn sàng để bắt đầu, các giáo trình về tu từ học, văn phạm, lô-gíc, và số học, chẳng hạn, được thiết kế chỉ để dạy họ biết đọc, biết viết, và suy nghĩ. Học viên nào hoàn tất khóa học căn bản này được gọi là các baccalaureate, tiếng La tinh có nghĩa “người bắt đầu”; giờ họ có thể bắt đầu học một số môn thực sự như thần học, triết học, y học, hoặc luật. Ngày này, baccalaureate là bằng cấp được trao cho sinh viên đã tốt nghiệp 4 năm cao đẳng, tương đương với cử nhân. (Nhưng ở Pháp bằng này dành cho những học sinh tốt nghiệp lớp 12, như bằng tú tài của ta: ND.)
Khi của cải tích lũy về châu Âu, một số người có thể dành hết thời gian để nghiên cứu, đọc sách, viết lách, và sáng tác nghệ thuật. Pha trộn với tư tưởng Hy Lạp, một tập hợp ý tưởng mới xâm nhập vào trí tưởng tượng của giới trí thức Âu châu. Người Hy Lạp đã nói, “Con người là thước đo của vạn vật,” và hệ thần ngoại giáo của họ đã biểu thị Thượng Đế như một nhóm các thần có cá tính phàm trần tương tác với nhau và với người phàm theo những cách rất kịch tính. Người Hy Lạp có mối hứng thú sâu đậm với giới tự nhiên và với con người tại đây-và-bây giờ. Họ đã thực hiện các bước nhảy vọt trong việc phân biệt ra các kiểu dạng trong các sự kiện tự nhiên như là bước đầu tiên trên con đường lý giải chúng. Vì vậy, người nào đọc và bàn luận về các văn bản Hy Lạp cổ đại sẽ trở nên quan tâm đến việc cắt nghĩa các bí ẩn của sự sống trên mặt đất, một phương hướng hoàn toàn đối nghịch với lập trường được giáo hội nuôi dưỡng kể từ khi La Mã thất thủ, bởi vì trong giới Cơ đốc giáo Trung Cổ, học thuyết thượng thừa tuyên bố thế giới vật chất là xấu xa. Điểm duy nhất để tồn tại ở đây là ra khỏi đây, vì thế chủ đề duy nhất đáng nghiên cứu là kiếp sau và văn bản duy nhất đáng để tham khảo là kinh thánh và các bình phẩm về kinh thánh. Các nhà nhân văn học không nghĩ mình tranh chấp với đạo Cơ đốc; họ hiếm khi là những kẻ vô thần; nhưng các viên chức Giáo hội nhìn thấy trong các hình thức tư duy của họ mối đe dọa. Họ có thể cảm nhận được tất cả điều này sẽ đi về đâu.
Đạo Cơ đốc lớn mạnh bên trong khuôn khổ của một La Mã đang hấp hối. Nó phát triển một hệ thứ bậc giống như và là cái bóng của hệ thứ bậc hành chính La Mã. Khi cấu trúc đế chế này sụp đổ, cấu trúc Cơ đốc chiếm chỗ một cách mặc định, trở thành bộ khung tiếp tục nâng đỡ cuộc sống văn mình. Hoàng đế Byzantine, luôn là người đứng đầu của hệ thứ bậc đế chế, tự động tiến hóa thành người đứng đầu hệ thứ bậc Cơ đốc. Các giám mục khác nhau cúc cung tuân phục ông như người đứng đầu của Giáo hội, giống như các thống đốc cúc cung với ông ta như người đứng đầu của đế chế. Các học thuyết của đạo Cơ đốc được hình thành bởi các giám mục tại các công đồng do hoàng đế triệu tập và được cập nhật định kỳ tại các công đồng tương tự, với hoàng đế luôn là người có tiếng nói cuối cùng.
Cơ đốc giáo dính chặt với La Mã đến nỗi khi đế chế tách làm hai, giáo hội cũng tách làm hai. Ở phương đông, hoàng đế vẫn còn là người đứng đầu giáo hội. Ở phương tây, ngay cả tước hiệu “hoàng đế” cũng không còn tồn tại. Về chính trị, lục địa phân mảnh thành các lãnh thổ nhỏ được cai trị, về cơ bản, bởi các lãnh chúa. Trong bối cảnh này, Giáo hội trỗi dậy như nguồn cội duy nhất của sự mạch lạc và thống nhất văn hoá ở Tây Âu, môi trường văn hoá qua đó những người nói các ngôn ngữ khác nhau và phục vụ các quân vương khác nhau còn có thể giao tiếp và qua lại các lãnh thổ lẫn nhau. Để hoàn thành chức năng này , học thuyết của Giáo hội phải đồng nhất, được hiểu một cách phổ quát, và chấp nhận một cách phổ quát, vì thế Giáo hội thực thi một đường lối tàn bạo nhằm phát hiện và dập tắt những người dị giáo.
Vào thời Thập Tự Chinh, các viên chức giáo hội ở Tây Âu đã thường xuyên bức hại những người dị giáo – tức bất cứ ai công khai tuyên bố mình tách khỏi con đường giáo thuyết hiện hành – bằng cách trói họ vào cọc và thiêu sống.
Khi Giáo hội siết chặt vòng kiểm soát lên cuộc sống thường nhật, giám mục Giáo phận La Mã trở thành nhân vật nổi trội nhất ở Tây Âu. Dân chúng gọi ông là il pape (cha), giáo hoàng, vì họ coi ông là “người cha” của cộng đồng Cơ đốc. Ở phương đông, giáo trưởng của Constantinople là nhân vật tôn giáo hàng đầu, nhưng có nhiều giáo trưởng và ông chỉ là người thứ nhất trong nhóm người đồng đẳng. Nhưng ở phương Tây, giáo hoàng nắm một quyền hành vượt trội hơn mọi giám mục khác. Khoảng thời gian Thập Tự Chinh, người Cơ đốc bắt đầu đề xuất học thuyết rằng giáo hoàng là không thể sai lầm.
Trong khi đó, giáo hội vươn dài qua lục địa và xuống tận mọi ngõ ngách. Mỗi làng quê, mỗi thị trấn, mỗi vùng lân cận trong mỗi thành phố đều có giáo xứ riêng và nhà thờ riêng và mỗi linh mục đều hành lễ cùng các nghi lễ giống hệt nhau và cùng một ngôn ngữ như nhau. Hệ thống thứ bậc trở nên hoàn toàn hợp lý hóa và gắn chặt: mỗi linh mục đều báo cáo với giám mục trên cao, còn giám mục thì báo cáo với tổng giám mục, tổng giám mục với hồng y, và hồng y với giáo hoàng.
Nhưng rồi, khi phong trào Thập Tự Chinh tàn lụi, tính bá quyền này bắt đầu rạn nứt. Đây đó, các nhà cải cách bắt đầu chất vấn quyền hành của nhà thờ. Vào cuối thế kỷ 14, một giáo sư Oxford tên John Wycliffe gây sốc các viên chức giáo hội bằng cách dịch Kinh Thánh ra thứ ngôn ngữ đại chúng nhất, tiếng Anh thông tục. Và tại sao? Để người thường bình dân có thể tự mình đọc được và hiểu được Kinh Thánh. Các viên chức nhà thờ không sao hiểu được tại sao thường dân phải cần tự mình hiểu được Kinh Thánh khi họ đã có các giáo sĩ giảng kinh cho họ hiểu.
Wycliffe còn đi xa hơn. Ông đề nghị các thầy tu phải sống nghèo khó như các tông đồ, và đất nhà thờ và đất tu viện phải bị tịch thu để sử dụng cho công ích. Điều này xúc phạm trầm trọng đến giáo hội. Wycliffe được các nhà chính trị có thế lực bảo vệ, vì thế ông mới sống được an lành đến cuối đời nhưng bốn thập niên sau khi ông mất, một vị giáo hoàng cho người đào lên xương cốt ông, tán thành bột rồi rắc xuống sông: cơn phẫn nộ, dường như, còn dai dẳng.
Nó dai dẳng một phần bởi vì các ý tưởng của Wycliffe không chết theo ông. Chẳng hạn, vào thời đại sau ông, giáo sĩ người Bohemia Johann Huss đi theo ý tưởng của Wycliffe cho rằng mọi người đều có quyền đến với Kinh Thánh viết theo ngôn ngữ của mình. Ông bắt đầu một dự án dịch thuật vĩ đại. Khi các viên chức giáo hội trích dẫn nghị định của giáo hội với ông để chứng minh là ông sai, ông trích dẫn kinh thánh đáp lại và tuyên bố rằng Kinh Thánh ăn đứt các công đồng giáo hội. Nói như vậy là giọt nước làm tràn ly. Giáo hội bắt giữ Huss và thiêu sống ông tại cột bằng ngọn lửa đốt các bản sách Kinh Thánh thông tục mà ông đã xiển dương. Tóm lại, đạo Cơ đốc làm với những người cải cách những gì đạo Hồi làm với Hallaj thời Sufi sơ khai.
Tuy nhiên, giết người cải cách không thể giết sự đói khát muốn cải cách. Wycliffe, Huss, và nhiều người khác cùng chí hướng đã gãi đúng một điều gì đó âm ỉ một cách nguy hiểm trong lòng dân chúng: một khát khao không được toại nguyện cho một trải nghiệm tôn giáo thực thụ.
Tình trạng hành chính hóa tín ngưỡng đã khiến giáo hội mạnh lên và đem lại tính thống nhất văn hoá cho châu Âu, nhưng bộ máy hành chính tôn giáo cuối cùng không thể ban cho họ trải nghiệm cốt lõi vì đó là lý do tồn tại của họ. Giáo sư thần học Đức Martin Luther chỉ chính xác nhất vào căn bệnh của giáo hội. Luther là một người đàn ông bị tội lỗi dày vò. Dù ông làm gì, ông cũng cảm thấy mình như một tội đồ đang hướng xuống địa ngục. Các nghi thức Cơ đốc được cho là có quyền năng xá tội lỗi này không có tác dụng đối với Luther. Ông thử đủ mọi cách – nhịn ăn, tự phạt roi, nhận lễ ban thánh thể hằng ngày, thường xuyên sám hối, nhưng khi linh mục bảo với ông rằng giờ ông đã thanh khiết, Luther không tin lời ông ta. Ông chỉ cần nhìn vào trái tim mình là biết mình còn ô nhiễm. Ông biết bởi vì ông còn cảm thấy mình có tội.
Rồi một hôm, một quán tưởng vĩ đại làm Luther bừng tỉnh. Ông không thể nhận được sự cứu rỗi nếu ông chưa tin chính mình được cứu rỗi. Nếu ông thiếu lòng tin này, dù giáo sĩ nói hay làm gì cũng không thành vấn đề. Nếu ông có lòng tin này, dù giáo sĩ nói hay làm gì cũng không thành vấn đề. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn, thật lớn: vậy giáo sĩ có ích lợi gì?
Tại sao ông ta lại có mặt ở đây?
Thật ra, niềm xác tín rằng việc cứu rỗi không thể tìm kiếm mà có được như món tiền trợ cấp xiết chặt lấy tâm trí Luther. Nó là một quà tặng, chỉ có thể nhận được, và chỉ qua lòng tin, một tiến trình nội tâm, không hề qua “công phu”, các việc làm hay thành tích bên ngoài.
Trang bị sự thấu thị này, Luther nhìn quanh và phát hiện một thế giới đầy rẫy những con người săn đuổi việc cứu rỗi bằng “công quả”, và để làm việc ấy tồi tệ thêm, các công quả ấy lại được quy định bởi tập đoàn bao trùm, giàu sụ, được tổ chức tinh vi, Giáo hội La Mã. Điều này khiến ông kinh hoàng, vì nếu thấu thị của ông là đúng, tất cả “công quả” này là số không!
Trong tất cả “công quả” do Giáo hội quy định công quả gây hoảng sợ và xúc phạm với Luther nhiều nhất là việc ban phát sự xá tội. Xá tội là hành động miễn giảm sự trừng phạt do vi phạm một tội lỗi nào đó, mà Giáo hội tuyên bố rằng mình có quyền ban phát, đổi lấy một số tiền đóng góp hậu hĩ có giá trị cho Giáo hội. Lệ này có từ thời Thập Tự Chinh, khi giáo hoàng làm phép xá tội cho ai đăng ký đi chiến đấu chống người Thổ ngoại đạo. Sau này, khi cơ hội thập tự chinh phai nhạt dần, Giáo hội bắt đầu ban phát việc xá tội đổi lấy món tiền đóng góp. Biết rằng tình trạng thối nát cò con vốn thường làm ung mũ bất kì bộ máy hành chính đồ sộ nào, một số giáo sĩ đây đó ắt hẳn buôn bán món hàng xá tội để kiếm chác tiền bạc bỏ vào túi riêng. Dù bạn nhìn theo cách nào, vào thời Martin Luther, lệ nhà thờ buôn thần bán thánh cho phép dân chúng nghĩ là mình có thể trả tiền để thoát khỏi sa vào địa ngục và nhanh chân đến thiên đường.
Bắt dân chúng trả tiền để vào được thiên đường quả là tồi tệ. Nhưng đối với Luther lệ này còn bốc mùi gì đó tồi tệ hơn. Nếu việc cứu rỗi là một tác động trực tiếp giữa cá nhân với Chúa Trời, thế thì Giáo hội đang tống tiền để buộc dân chúng qua một cánh cửa mà họ không có quyền hành thực sự để đóng hay mở. Đó không chỉ là một hành động tham nhũng. Đó còn là trò ăn cắp và lừa đảo mạt hạng nhất!
Vào đêm Halloween, 1517, Luther đóng một văn kiện bốc lửa lên cánh cổng một nhà thờ ở Wittenberg trong đó ông nêu ra 95 “luận điểm,” 95 cáo buộc lên án Giáo hội với các hành động tác tệ của họ. Cáo trạng của Luther chỉ qua một đêm đã trở thành tin chấn động, và đốt lên phong trào Kháng Cách.
Kháng Cách không là một hiện tượng đơn lẻ. Một khi Luther mở toang cánh cửa, cơn cuồng nhiệt lan tràn theo nhiều hướng khác nhau với nhiều nhà cải cách phát động các phong trào riêng biệt và nhiều giáo phái mới mọc lên, mỗi giáo phái có các tín điều đặc thù riêng; nhưng tựu trung có bốn giáo lý chung:
- Sự cứu rỗi có thể là một trải nghiệm cảm nhận được, ngay ở đây/ngay bây giờ.
- Sự cứu rỗi chỉ có thể đạt được qua lòng tin.
- Không ai cần có trung gian mới có thể kết nối được với Chúa Trời.
- Người ta có thể có được mọi điều mình cần để hiểu về tôn giáo qua Kinh Thánh; họ không cần phải biết chữ La tinh hoặc các nghị định của các công đồng giáo hội hoặc những lời tuyên bố của giáo sĩ hay học giả.
Theo một cách nào đó, Phong trào Kháng Cách xuất thân từ cùng loại bất mãn và khao khát vốn làm nảy sinh giáo phái Sufi ở thế giới Hồi giáo. Ở Tây phương, tuy nhiên, không có Ghazali xuất hiện để tổng hợp các giáo điều chính thống với các đột phá tôn giáo mang tính cá nhân.
Về các phương diện khác, phong trào Kháng Cách giống với các phong trào của Ibn Hanbal – đối nghịch chính xác với phái Sufi. Như các nhà thần học Hồi giáo đó, các nhà cải cách Đối kháng bất hợp pháp hóa mọi phần bổ sung giáo lý sau này và trở về nguồn cội: Kinh Thánh.
Nhưng rốt cục, phong trào Kháng Cách không giống những gì xảy ra ở Hồi giáo. Những người Kháng Cách nổi dậy chống Giáo hội và vị giáo hoàng, nhưng ở xứ Hồi, không có giáo hội và giáo hoàng để chống đối. Ở Tây phương, các nhà cải cách tôn giáo đánh đổ bá quyền của Giáo hội Cơ đốc không để dựng lên một giáo hội mới nguyên khối nào đó mà chỉ để đem quyền lực đến cho cá nhân. Một sự truy vấn như thế không có cách nào đọ sức với chính đạo Cơ đốc, bởi vì đạo Cơ đốc tự thân là cho cá nhân: một kế hoạch cho sự cứu rỗi của mỗi người. Trong khi đạo Hồi là dự án về cách thức hoạt động của cộng đồng; bất cứ phong trào cải cách nào nhằm đạt được cho mỗi cá nhân quyền theo đuổi tín ngưỡng mà mình cho là tốt đẹp nhất sẽ tự thân đứng lên chống lại các giáo điều cốt lõi của chính đạo Hồi.
Bằng cách ban sức mạnh cho cá nhân, Kháng Cách mang đến kết quả vượt ra ngoài tôn giáo. Ở một mức độ nào đó, bẻ gãy sự khống chế của “Giáo hội” đưa đến sự bẻ gãy bất cứ nhà thờ nào. Đúng là các nhà Kháng Cách của thế kỷ 16, 17 chỉ đề cập đến những nỗ lực tôn giáo, và đúng là mỗi giáo phái có một ý tưởng khá xác định và có hạn chế về mối quan hệ thích đáng giữa con người và Chúa Trời. Chắc chắn không nhà cải cách nào nghĩ rằng mình đang cổ xúy con người suy nghĩ điều gì bên ngoài khuôn khổ đức tin. Vậy mà, việc cho truy vấn về sự cứu rỗi là thuộc lĩnh vực cá nhân đã hợp pháp hóa quyền mỗi cá nhân được suy nghĩ những gì mình muốn về Chúa Trời, bất chấp các nhà cải cách có dự định ra sao. Và hợp pháp hóa quyền cá nhân được nghỉ những gì mình muốn về Chúa Trời tức là hợp pháp hóa quyền họ nghĩ gì về mọi thứ.
Chính lĩnh vực này của Cải Cách đã thúc đẩy châu Âu phát hiện lại tư tưởng Hy Lạp cổ đại, và làm mới lại mối quan tâm vào các tác giả La tinh ngoại giáo, và ảnh hưởng nhỏ giọt của các nhà tư tưởng Ả Rập. Các cá nhân nào cảm thấy mình có thể tìm kiếm sự cứu rỗi theo chuẩn mực của họ tất nhiên rồi sẽ tự do ức đoán về bản chất của Chúa Trời và thế giới và với tất cả các ý tưởng thú vị này trôi nổi chung quanh, một số người không tránh khỏi sẽ bắt đầu chơi các cách thức mới để ráp lại những miếng ghép hình mà họ nhìn thấy chung quanh mình.
Nếu Giáo hội còn có mặt khắp nơi và toàn năng, thì bất kì ý tưởng nào cũng phải thoả mãn yêu cầu bổ sung: ý tưởng đó có liên quan gì đến đức tin? Nếu ai đó suy nghĩ, “Tôi tự hỏi tại sao mọi vật đều rơi xuống thay vì bay lên,” tiếng nói của nhà thờ bên trong lương tâm bạn sẽ lập tức cất lên, “và việc lý giải ấy có khiến tôi thành một con chiên tốt hơn không?” Tâm trí không thể lang thang thật xa và thật nhanh nếu lúc nào cũng cứ phải lôi theo mớ hành lý này.
Giải phóng khỏi mớ hành lý này, Copernicus mới có thể thừa nhận Trái Đất quay quanh mặt trời. Giả thuyết đơn giản và táo bạo này lý giải mọi thứ về chuyển động của các vì sao và hành tinh trừ việc tại sao Chúa Trời khiến vũ trụ quay quanh một thứ không phải tạo vật thân thương nhất của ngài. Nếu bạn không phải giải quyết phần thứ hai, bạn có thể dễ dàng trả lời phần thứ nhất hơn. Nhiều câu đố của tự nhiên đều giống như thế: chúng trở nên dễ giải thích nếu không phải điều chỉnh lý giải của bạn cho phù hợp với mệnh lệnh của đức tin.
Đối với phần đông nhà tư tưởng, điều này không có nghĩa đi ngược với đức tin, mà chỉ có nghĩa đức tin là một việc còn lý giải tự nhiên là một việc khác: chúng là hai phạm trù truy vấn riêng biệt và không bao giờ cho cặp đôi này gặp nhau. Tách biệt phạm trù truy vấn tự nhiên khỏi bộ khung của đức tin khiến người Âu châu có thể tiếp cận một loạt các khái niệm và khám phá khoa học đầy ngoạn mục trong hai thế kỷ tiếp sau thời Cải cách.
Francis Bacon và René Descartes, chẳng hạn, lật đổ phương pháp truy vấn của Aristotle và hoàn thiện phương pháp khoa học thay thế. Họ và những người khác đã giúp thiết lập mô hình cơ học của vũ trụ, cho rằng mọi sự kiện vật lý đều có nguyên nhân thuần tuý vật lý. Galileo, Descartes, và những người khác tiếp tục tháo dỡ ý tưởng của Aristotle cho rằng mọi vật đều tạo bởi đất, nước, khí và lửa, mà thay bằng lý thuyết nguyên tử trong vật chất, đặt nền móng cho hóa học hiện đại.
Andreas Vesalius lập sơ đồ giải phẫu học cơ thể người lần đầu tiên, và William Harvey khám phá sự tuần hoàn máu. Cùng với những người khác họ đặt nền móng cho y học hiện đại. Antonie Van Leeuwenhoek phát hiện thế giới các vi sinh vật, cuối cùng dẫn tới lý thuyết mầm bệnh đầy sức mạnh.
Robert Boyle bắt đầu tiến trình dẫn đến hình thành bốn định luật nhiệt động học, chỉ bốn luật mà khống chế sự biến đổi năng lượng ra công trong bất kì hệ thống nào từ đường tiêu hóa của một con thỏ đến sự khai sinh vũ trụ.
Và chúng ta đừng quên nhắc đến nhà khoa học vĩ đại hơn tất cả, Isaac Newton, người đã sáng tạo phép tính vi tính phân, giải thích sự chuyển động của mọi vật thể trong vũ trụ từ viên sỏi đến các hành tinh chỉ bằng ba công thức đơn giản, và khám phá định luật trọng lực, nhờ đó giải thích một cách rốt ráo chuyển động của mọi thiên thể, công trình khởi xướng từ Copernicus và Galileo. Ông mô tả bản chất của ánh sáng và khám phá quang phổ. Từ đó đến giờ chưa nhà khoa học nào làm được quá nhiều và gặt hái được nhiều thành tựu như ông. Vậy mà, thật là mỉa mai, ông cảm thấy thành tựu đầy tự hào nhất của mình là ở độc thân suốt đời.
Nhưng đây là điều bí mật thực sự thú vị để nói về. Các nhà khoa học Hồi gần như đã tiến sát đến thềm cửa của tất cả các phát hiện này khá lâu trước khi người Âu đến đó. Vào thế kỷ 10, chẳng hạn, al-Razi phản bác lý thuyết của Galen về bốn chất dịch cơ bản để chữa trị theo y khoa. Vào thế kỷ 11, Ibn Sina phân tích chuyển động một cách toán học, như Newton sẽ làm quá thành công sáu thế kỷ sau. Vào thế kỷ 13, khoảng ba thế kỷ trước Vesalius, Ibn al-Nafis mô tả cách thức máu lưu thông trong cơ thể. Ibn al-Haytham, mất vào năm 1039, phát hiện ra quang phổ, mô tả phương pháp khoa học, và thiết lập định lượng và thí nghiệm làm cơ sở cho khám phá khoa học: ông rất giống Newton trước khi có Newton và Descartes trước khi có Descartes. Người Hồi đã hình thành quan điểm nguyên tử về vật chất, mà họ vay mượn từ các nhà khoa học Ấn và một số đã hình thành mô hình cơ học của vũ trụ, mà họ đã biết được từ người Trung Hoa.
Điều trọng đại không nằm ở bản thân các khám phá mà ở sự kiện là ở phương Tây chúng duy trì, chúng tích lũy, và chúng củng cố nhau cho đến khi chúng nảy sinh một phương pháp mới đầy đủ và mạch lạc để nhìn và tiếp cận thế giới, phương pháp khoa học, khiến sau này phương Tây có thể đạt được những tiến bộ bùng nổ về mặt công nghệ. Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra ở phương Tây chứ không phải ở phương Đông.
Có thể bởi vì người Hồi đạt được các khám phá khoa học vĩ đại ngay vào lúc trật tự xã hội của họ bắt đầu rệu rã, trong khi phương Tây đạt được những tiến bộ khoa học lớn lao ngay khi trật tự xã hội từ lâu rệu rã đang bắt đầu hồi phục và sau cuộc cải cách tôn giáo phá vỡ gọng kềm của giáo điều nhà thờ siết chặt tư tưởng con người, trao sức mạnh cho cá nhân được suy nghĩ tự do.
Phong trào Kháng Cách vì vậy là một chìa khoá mở đến sự trỗi dậy của châu Âu. Nhưng Cải Cách cũng hòa quyện với một sự phát triển khác có tầm quan trọng rất to lớn của châu Âu, sự trỗi dậy của nhà nước – quốc gia như một hình thức tổ chức chính trị. Hai sự kiện hòa quyện nhau bởi vì khi Luther và những người khác thách thức Giáo hội, họ đến lánh nạn với các quân vương đã từng chống đối với giáo hoàng một thời gian. Cải cách đốt lên cơn bùng phát bạo lực trên khắp châu Âu kết thúc với Hiệp ước Hoà bình Augsburg (1555). Ở đó các lực lượng tranh chấp đồng ý một nguyên tắc cắm mốc ranh giới: rằng mỗi quân vương có quyền tuyên bố nhà nước mình, lớn hay nhỏ, sẽ theo Giáo hội La Mã hoặc chấp nhận một trong các giáo phái Cơ đốc mới ra đời. Hóa ra Augsburg chỉ là một cuộc ngừng bắn. Sức ép bùng phát một lần nữa thành Trận Chiến 30 Năm, một hình thức nội chiến gầm thét trên khắp châu Âu, cơ bản là về vấn đề giáo phái nào sẽ ăn trùm. Khi cuộc xung đột cuối cùng lắng xuống, và một hiệp ước được ký tại Westphalia, vào năm 1648, nguyên tắc được thiết lập ở Augsburg được khẳng định. Vì thế cùng với việc trao sức mạnh cho chủ nghĩa cá nhân, Cải Cách cuối cùng đã giải giới ý thức hệ trên khắp châu Âu để hậu thuẫn một hệ thống trong đó nhà thờ và nhà nước củng cố nhau để xiển dương chủ nghĩa dân tộc
Một số mầm mống đầu tiên của nhà nước- quốc gia được hình thành ở Anh và Pháp, mà các ông vua ở đó đã đánh nhau trong Cuộc Chiến 100 Năm từ 1337 đến 1453. Tất nhiên đó không phải là một cuộc chiến liên tục, nhưng là một chuỗi các chiến dịch xen kẽ những giai đoạn hoà bình. Trước chiến tranh, thực ra không có thứ gọi là “nước Anh” và “nước Pháp.” Chỉ có lãnh thổ, được kiểm soát bởi các nhà quý tộc khác nhau, liên minh với các quý tộc khác. Các đế chế, như đế chế dòng Carolingian thời trung cổ, là một tập hợp các lãnh thổ. Là hoàng đế các lãnh thổ này nghĩa là sở hữu quyền lợi và quyền lực để thu thuế và kêu nghĩa vụ các thanh niên ở trong dân chúng. Các hoàng đế có thể trộn lẫn và bắt cặp và xào lại các tập hợp lãnh thổ của mình, trao đổi hoặc tranh giành các mảnh lãnh thổ khác với các ông vua khác giống như bọn trẻ tranh giành đồ chơi hoặc trao đổi thẻ bóng chày. Dân chúng sống ở hai lãnh thổ do một hoàng đế sở hữu không cảm thấy có mối liên hệ dân tộc chung gì. Họ không đoàn kết trong một cảm giác thân thiết chỉ vì cả hai đều thuộc về Charles the Bald (Charles Hói).
Tuy nhiên, một ý thức dân tộc được chia sẻ bắt đầu phát triển qua tiến trình Cuộc Chiến 100 Năm. Trước hết, tình huống trở nên khác biệt hơn khi người ở Pháp nói tiếng Pháp và người ở Anh nói tiếng Anh. Người Pháp bắt đầu cảm thấy đoàn kết hơn với người khác nói cùng thứ tiếng như mình và sống trong cùng lãnh thổ bị xâm lăng và thậm chí càng khác biệt hơn với bọn quân địch nói tiếng Anh cứ luôn xâm lấn họ. Trong khi đó, quân Anh, bị ném chung vào với nhau qua các chiến dịch dài ngày mà có thể là lặp lại một chiến dịch mà cha họ đã từng tham gia, và con trai họ có thể tiếp tục, cảm thấy càng gắn kết hơn với nhau như trong một tinh thần đồng đội. Qua thời kỳ này “nhà vua” phát triển thành một điều gì đó lớn hơn là một nhà quý tộc cao cấp nhất: ý tưởng “vua” như một hiện thân của “quốc gia” bắt đầu hình thành.
Cuộc Chiến 100 Năm khởi đầu là một cuộc chiến giữa các quý tộc tai to mặt lớn và các hiệp sĩ của họ, với các bộ binh phò tá xách hành lý và đôi khi bắn các mũi tên ngu ngốc vào các bộ binh khác, các mũi tên đó hoàn toàn vô hiệu quả đối với các chiến binh thực thụ, tức chiến binh mặc áo giáp. Tuy nhiên, khoảng giữa Cuộc Chiến 100 Năm, người Anh sáng chế được loại cung dài, một loại cung có thể bắn mạnh hơn và xa hơn các loại cung đã có và tên có thể xuyên thủng áo giáp. Bất ngờ, một đội cung thủ đứng lùi phia sau, giương cung bắn có thể hạ gục một hàng hiệp sĩ, thậm chí trước khi sẵn sàng vào trận.
Từ phút này trở đi, các hiệp sĩ không còn là yếu tố quyết định thắng lợi của trận đánh, nghĩa là hiệp sĩ đã hết thời. Các hệ thống chính trị phong kiến bao gồm những mạng lưới liên kết cá nhân. Khi chế độ phong kiến lụi tàn, người nào kiểm soát được tiền bạc có thể tổ chức các lực lượng to lớn vô cảm cho chiến tranh và cuối cùng cho xây dựng. Một mặt, việc này biến nhà vua thành một nhân vật quyền lực trong xứ sở minh: ông ta là người duy nhất ở trong tư thế tốt nhất để có thể tổ chức tài trợ các chiến dịch quân sự đại quy mô. Nhưng mặt khác, nhà vua phải tổ chức việc gây quỹ qua giới quý tộc. Ở Anh, tổ chức các quý tộc mà nhà vua tập hợp để phê chuẩn một chiến dịch quân sự mới gọi là “nghị viện.” Sự lệ thuộc của nhà vua vào nghị viện để hợp pháp hóa các sắc thuế cuối cùng dẫn đến sự phát triển của các định chế dân chủ ở Anh – nhưng những việc đó còn rất xa về sau. Vào năm 1400, tầm vóc vượt trội của một vị vua đã là tin lớn rồi.
Trước khi nhà nước- quốc gia xuất hiện, các hình thức mạnh nhất của tổ chức chính trị là các tập hợp lỏng lẻo lãnh thổ với quyền hành gần như là độc lập trao cho nhiều nhân vật, ở nhiều mức độ. Người lãnh đạo toàn diện phải hoạt động qua nhiều trung gian. Bất cứ mệnh lệnh nào ông đưa xuống cũng đều chắc chắn bị điều chỉnh bởi các nhân vật có thẩm quyền truyền lệnh, không nói đến việc có thể bị bóp méo khi được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, không nói đến việc có thể bị thay đổi cho phù hợp với tập tục địa phương, không nói đến việc có thể bị đánh mất hoàn toàn khi những người ở khâu cuối cùng thuộc địa phương quên bẵng (hoặc từ chối) truyền đi. Tiếng gầm thét lớn nhất của hoàng đế vĩ đại nhất ắt hẳn tiêu tán thành một tiếng động yếu ớt khi đến tận thôn làng nhỏ bé nhất ở tỉnh lỵ hẻo lánh nhất. Nhưng trong một nhà nước- quốc gia, nơi gần như mọi người nói cùng một ngôn ngữ, nơi một mạng lưới đơn lẻ các viên chức điều hành các phép tắc từ trên xuống dưới, nơi mọi người ít nhiều đều chung xuồng, các chính sách của nhà vua truyền đi mà không bị bóp méo đến mọi ngõ ngách và góc xó của lãnh thổ mình.
Điều đó không muốn nói là Anh và Pháp đã thuộc loại nhà nước – quốc gia đó vào năm 1350 hoặc 1400, nhưng cả hai đang hướng về lối đó, một số các công quốc ở bắc Âu cũng thế. Sự xuất hiện của nhà nước – quốc gia khiến một chính quyền cố kết đơn lẻ có thể đặt ra chính sách ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống của mọi người sống trong lãnh thổ do nó kiểm soát, những người còn coi mình là thần dân nhưng trên đường trở thành công dân. Vì thế, sau này, khi phương Tây tiến về đông, lúc đó họ là các nhà nước – quốc gia, cứng rắn và sắc bén như dao, cắt ra các đế chế, tơi xốp như bánh mì.
Việc người châu Âu tìm đường biển đến Đông Ấn, một hậu quả trực tiếp của Thập Tự Chinh, đụng đầu với lúc nhà nước – quốc gia xuất hiện ở châu Âu, ngay khi phong trào Kháng Cách đang biến cá nhân thành diễn viên chính trên sân khấu lịch sử, và ngay khi sự hiệp lực giữa chủ nghĩa cá nhân và làn sóng học tập cổ điển đang làm xuất hiện nền khoa học hiện đại.
Vào năm 1488, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Bartholomew Diaz đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, cuối cùng chứng tỏ được rằng tàu có thể giương buồm từ Bờ biển Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương. Một dòng tàu thuyền đi theo lộ trình ông. Vào năm 1492 Christopher Columbus giương buồm về hướng tây băng qua Đại Tây Dương và khám phá hai lục địa lớn từ trước người châu Âu chưa từng biết. Chẳng bao lâu, một dòng tàu thuyền nườm nượp qua lại châu Mỹ.
Vì Tây Ban Nha tài trợ cho chuyến đi của Columbus, Tây Ban Nha hốt được mẻ của cải đầu tiên của châu Mỹ. Tài sản này biến Tây Ban Nha trở thành quốc gia giàu có nhất châu Âu trong một thời gian. Tây Ban Nha hút quá nhiều vàng ra khỏi châu Mỹ, và tiêu xài hoang phí ở trong nước, đến nỗi thị trường vàng châu Âu sụp đổ. Mỉa mai thay, sự sụp đổ đó hủy hoại nền kinh tế Tây Ban Nha, và cuối cùng Tây Ban Nha trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu.
Tuy nhiên, vàng của châu Mỹ cũng cuốn qua toàn bộ nền kinh tế Âu châu. Điều này xảy ra ngay đúng lúc Tây Âu đang hình thành nên các nhà nước – quốc gia, và các nhà nước – quốc gia có cấu kết đến nổi chúng có khuynh hướng vận hành như thể chúng là các con người cá thể. Trước khi nhà nước – quốc gia xuất hiện, không thể có ai đó ở Anh hy vọng “nước Anh” sẽ giàu hơn, và lấy làm thỏa mãn và tự hào cá nhân trong chuyện này. Y có thể muốn của cải chảy vào địa phận của y, y có thể muốn thành phố y giàu có hơn, hoặc gia đình y, hoặc thậm chí vua y, nhưng còn nước Anh? Nước Anh là gì? Tuy nhiên, bây giờ trong những vùng mà dân chúng nghĩ về mình một cách tập thể, như một “quốc gia” người ta dễ dàng và không tránh khỏi nghĩ theo chuẩn mực chính sách nào làm lợi cho quốc gia. Một chính sách như thế là chính sách trọng thương.
Chính sách trọng thương hoàn toàn là một khái niệm giản dị, thực vậy. Nó dựa trên khái niệm rằng kinh tế quốc gia giống như kinh tế của con người cá thể. Con người cá thể nào kiếm được nhiều tiền và tiêu rất ít thì sẽ trở nên giàu có: bảo đảm. Đối với bất kì con người cá thể nào, hình thức mong muốn nhất mà tiền (đi vào) có thể có là vàng. Tích lũy nhiều vàng và thế là bạn ổn. Vì thế dân chúng Tây Âu dễ dàng sa vào suy nghĩ rằng mức giàu có của quốc gia họ tùy thuộc vào số vàng họ mang vào càng nhiều và đem ra càng ít. Và họ biết cách thức để làm được việc này: bằng cách bán nhiều sản phẩm cho bạn bè và láng giềng họ để lấy vàng và mua – tốt nhất – không mua gì.
Để bán được nhiều bạn phải làm ra nhiều. Để không phải mua gì, bạn phải tự túc. Nhưng làm sao một quốc gia có thể bán và bán mà không hề mua? Các nguyên vật liệu đến từ đâu? Đây là nơi mà học thuyết trọng thương, vốn hoà quyện với chủ nghĩa dân tộc, vốn hoà quyện với Kháng Cách, vốn hoà quyện với đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân, vốn hòa quyện với chủ nghĩa nhân đạo Phục Hưng – giao cắt với kỹ năng hải hành Âu châu và nỗi thúc giục khám phá thế giới – vốn xuất phát từ các cuộc Thập Tự Chinh.
Tất cả các phát triển hiệp lực, thụ tinh chéo này bắt đầu lên đến cao điểm ở châu Âu khoảng 1600. Ngay lúc đó, người Âu Châu là bậc thầy đi biển. Họ nhanh chóng tổ chức thành các nhà nước – quốc gia chặt chẽ. Họ đang nghĩ lại về thế giới theo các chuẩn mực khoa học. Họ có vàng của châu Mỹ đốt cháy túi họ. Và họ được thêm năng lượng kinh tế bởi những người dám làm ăn của thời kỳ tiền-tư bản được trang bị một đặc điểm mới là chủ nghĩa cá nhân.
Thật không tin được, tất cả sức phát triển này gần như không được thế giới Hồi lưu ý, cho dù ngay đúng lúc đó, văn minh Moghul đang đến đỉnh cao ở Ấn Độ, văn hoá Safavid lên đỉnh cao ở Ba Tư, và đế chế Ottoman chỉ vừa đi qua thời cao điểm rực rỡ ở Tiểu Á, Mesopotamia, Levant, Hijaz, Ai Cập, và Bắc Phi.
Và rồi hai thế giới bắt đầu hòa trộn nhau.