Vận mệnh đứt đoạn: Lịch Sử Thế Giới Qua Mắt Người Hồi Giáo- Bài 1

1

 Tamim Ansary

 Trần Quang Nghĩa dịch

LỜI GIỚI THIỆU

3

Thế Giới Hồi Giáo Ngày Nay

Lớn lên tại Afghanistan Hồi giáo, từ rất sớm tôi đã tiếp thu câu chuyện thế giới sử hoàn toàn khác với câu chuyện mà các học sinh Âu châu và Mỹ châu nghe hàng ngày. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, điều ấy không hình thành nếp suy nghĩ của tôi bởi vì tôi đọc lịch sử cốt mua vui, và ở Farsi không có nhiều thứ để đọc trừ các sách giáo khoa chán ngấy. Ở mức độ đọc của tôi, mọi thứ hấp dẫn đều viết bằng Anh ngữ.

Cuốn sách ưa thích buổi đầu của tôi là Lịch sử Thế Giới cho Trẻ Em rất hấp dẫn của V. V. Hillyer. Chỉ đến khi đọc lại quyển sách đó khi đã lớn, nhiều năm sau đó, tôi mới nhận ra nó xem châu Âu là tâm điểm một cách rất phản cảm, đầy những thiên kiến phân biệt chủng tộc. Hồi trẻ tôi không thể nhận ra đặc điểm này vì Hillyer kể chuyện quá hay.

Khi lên 9 hay 10, nhà sử học Arnold Toynbee đi ngang qua thị trấn bé xíu Lashkargah của tôi trên một chuyến công tác, và ai đó bảo với ông trong thị trấn có một thằng nhóc Afghan là con mọt sách mê lịch sử. Toynbee thích thú và mời tôi lại dùng trà, vì vậy tôi được dịp ngồi với một quý ông Anh lớn tuổi, hồng hào và tôi chỉ biết trả lời bẽn lẽn, nhát gừng những câu hỏi tử tế của ông.  Điều duy nhất tôi chú ý ở nhà sử học vĩ đại này là thói quen dúi chiếc khăn tay vào tay áo mà tôi thấy rất kỳ cục.

Khi chúng tôi chia tay, Toynbee tặng tôi một món quà: cuốn Câu Chuyện Nhân Loại của Hendrick Willem Van Loon. Chỉ cái tựa thôi cũng đủ làm tôi ngất ngây – cái ý tưởng là tất cả “nhân loại” có chung một câu chuyện duy nhất. Vậy là sao nhỉ, tôi cũng là một phần của “nhân loại”, vậy đây cũng có thể là câu chuyện của tôi, theo một nghĩa nào đó, hoặc ít ra có thể định vị tôi trong một câu chuyện lớn được mọi người chia sẻ! Tôi nuốt chửng quyển sách đó, và tôi yêu thích nó, và lối tường thuật Tây phương về lịch sử thế giới trở thành bộ khung của tôi kể từ đó. Tất cả lịch sử hoặc hư cấu lịch sử tôi đọc từ đó trở đi chỉ thêm thịt cho bộ khung xương đó. Rồi còn phải học các sách giáo khoa lịch sử thông thái rởm ở Farsi ấn định cho chúng tôi ở trường nhưng chỉ đọc nó để qua được các kỳ thi và rồi sẽ trả lại thầy.

Tuy nhiên,  những vang vọng yếu ớt của câu chuyện kể khác ắt hẳn còn nấn ná trong tôi, bởi vì 40 năm sau, vào mùa thu 2000, khi tôi làm công việc biên tập sách giáo khoa ở Hoa Kỳ, nó lại trào ra. Một nhà xuất bản sách giáo khoa ở Texas đã thuê tôi triển khai một sách giáo khoa thế giới sử trung học mới toanh, và công việc đầu tiên là soạn ra một mục lục, nhằm hình thành một quan điểm về hình thái toàn bộ của lịch sử nhân loại. Cái duy nhất được cho biết  là cấu trúc của quyển sách. Để khớp với phân phối chương trình của năm học, nhà xuất bản quy định nó phải được chia thành 10 đơn vị, mỗi đơn vị gồm 3 chương.

Nhưng toàn bộ thời gian được chia ra cho 10 đơn vị (hoặc 30 chương) như thế nào? Thế giới sử, sau hết, không phải là danh sách biên niên của mọi sự kiện xảy ra; nó là một chuỗi các sự kiện có tính nhân quả nhất, được chọn lọc và sắp xếp để hiển lộ ra cốt truyện – chính cốt truyện mới là đáng kể.

Tôi hăng hái dấn thân vào câu đố trí tuệ này, nhưng các quyết định của tôi phải vượt qua một đội hình pha-lăng các cố vấn: các chuyên gia chương trình, các giáo viên sử, các nhà điều hành thương mại, các viên chức giáo dục tiểu bang, các học giả chuyên môn và những nhân vật vai vế khác. Đây là hoạt động hoàn toàn bình thường trong việc xuất bản sách giáo khoa trung học, và theo tôi là hoàn toàn thích đáng, vì chức năng của loại sách này là để chuyển tải, không phải thách thức, sự đồng thuận xã hội được cập nhật mới nhất về điều được cho là chân lý. Một dàn đồng ca các cố vấn được lên danh sách để đánh giá về các quyết định triển khai của biên tập viên giúp bảo đảm sản phẩm cuối cùng phản ánh chương trình hiện hành, nếu không quyến sách sẽ có nguy cơ khó bán được.

Tuy nhiên, khi chúng tôi duyệt qua tiến trình, tôi nhận thấy có sự kèn cựa thú vị giữa các cố vấn của tôi và tôi. Chúng tôi đồng thuận gần như trên mọi việc chỉ trừ – tôi thì luôn muốn viết nhiều hơn về Hồi giáo trong lịch sử thế giới, còn họ lại cứ muốn kéo nó lùi trở lại, bớt nó xuống, chia nhỏ nó thành những phần bên lề trong các đơn vị dành chủ yếu cho các đề mục khác. Không ai trong chúng tôi nói vì sự trung thành hẹp hòi đối với “nền văn minh của chúng tôi.” Không ai nói là Hồi giáo tốt hơn hay tệ hơn “phương Tây”. Tất cả chúng tôi chỉ đơn giản diễn tả nhận thức tốt nhất của mình về sự kiện nào có tầm ảnh hưởng đối với câu chuyện lịch sử nhân loại.

Ý kiến của tôi là ý kiến thuộc thiểu số nhiều đến nỗi chẳng khác nào một ý kiến sai lầm, vì thế chúng tôi kết thúc với một bảng mục lục trong đó Hồi giáo chỉ chiếm một chương trong một đơn vị gồm 3 chương (sách có 10 đơn vị và 30 chương). Hai chương kia trong cùng đơn vị là “Các Nền Văn Minh Tiền Columbus ở Châu Mỹ” và “Các Đế Chế Phi Châu Cổ Đại”.

Thậm chí như vậy đã là mở rộng. Chương trình sử thế giới bán chạy nhất của chu kỳ sách giáo khoa lần trước, ấn bản 1997 Các Viễn Cảnh về Quá Khứ, chỉ nói về Hồi giáo trong đúng một chương trong tổng số 37 chương, và phân nửa chương đó (một phần của đơn vị có tựa “Thời Trung Cổ”) lại dành cho Đế Chế Byzantine.

Tóm lại, không đầy một năm trước vụ 11/9/2001, các chuyên gia đều đồng thuận ý kiến cho rằng Hồi giáo là một hiện tượng tương đối nhỏ mà tác động của nó đã kết thúc lâu trước thời Phục Hưng. Nếu bạn đi theo bảng mục lục của chúng tôi một cách nghiêm ngặt bạn sẽ không hề đoán được Hồi giáo còn tồn tại.

Lúc đó, tôi công nhận sự phán xét của mình có thể lệch lạc. Suy cho cùng, tôi có một thiên kiến cá nhân với đạo Hồi vốn là một phần thuộc bản sắc của riêng minh. Không chỉ tôi trưởng thành trong một đất nước Hồi giáo, mà tôi sinh ra trong một gia đình mà vị thế xã hội cao cấp một thời ở Afghanistan đều hoàn toàn dựa vào sự sùng đạo nổi tiếng và sự hiểu biết thâm sâu về giáo lý. Họ của tôi cho biết chúng tôi thuộc dòng dõi Ansars, “những người Hỗ Trợ”, tức nhóm  người đầu tiên cải sang đạo Hồi ở Medina đã từng hỗ trợ Nhà Tiên Tri thoát khỏi vụ mưu sát ở Mecca và nhờ đó ông mới sống sót để hoàn thành sứ mạng của mình.

Gần đây hơn, ông cố của ông nội tôi là một nhà thần bí Hồi giáo được địa phương tôn kính mà lăng mộ của ông vẫn còn là một điện thờ đến nay còn có hàng trăm tín đồ, và di sản của ông thấm truyền xuống đến đời cha tôi, tiêm nhiễm trong dòng họ chúng tôi một ý thức toàn bộ về nghĩa vụ để hiểu rõ điều này tốt hơn một người trung bình. Lớn lên, tôi nghe tiếng vo ve về các chuyện vặt vãnh, lời bình phẩm, và ức đoán về Hồi giáo trong môi trường tôi sống và một số tôi hiểu ra, cho dù tính khí của tôi phần nào cương quyết quay về thế tục.

Và vẫn còn thế tục sau khi tôi chuyển sang Mỹ sống; vậy mà ở đây tôi thấy mình quan tâm đến Hồi giáo nhiều hơn là khi sống trong thế giới Hồi giáo. Mối quan tâm của tôi càng sâu nặng thêm khi em tôi đi theo chủ nghĩa “cơ yếu” Hồi giáo (chủ nghĩa đòi hỏi quay trở về nguồn gốc của một tôn giáo, hoặc ý thức hệ nào đó, nếu cần thì phải dùng những biện pháp cực đoan: ND). Tôi bắt đầu đào sâu vào triết lý đạo Hồi qua các tác giả như Fazlur Rahman và Syed Hussein Nasr cũng như lịch sử đạo Hồi qua các nhà học thuật như Ernst Grunebaum và Albert Hourani, chỉ cố dò đến nguồn cội nơi anh em tôi xuất thân, hoặc trong trường hợp của cậu ta, muốn tiến đến đâu.

4

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA ĐẠO HỒI

Xét về mặt cá nhân, tôi có thể chịu nhận là mình có thể đánh giá quá cao tầm quan trọng của đạo Hồi. Và vậy mà … còn một chút xíu ngờ vực ở lại. Đánh giá của tôi có hoàn toàn không có cơ sở khách quan không? Hãy nhìn vào 6 bản đồ trên đây, hình ảnh nhanh gọn của thế giới Hồi giáo tại 6 niên đại khác nhau:

Khi tôi nói “thế giới Hồi giáo”, tôi muốn nói các xã hội có  số dân chúng theo đạo Hồi và/ hoặc có người Hồi cai trị. Tất nhiên, ở Anh, Pháp, Hoa Kỳ vẫn có người Hồi giáo, và gần như mọi nơi khác trên quả địa cầu, nhưng sẽ là lầm lẫn, trên cơ sở đó, nếu xem London hay Paris hay New York là một bộ phận của thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, thậm chí theo định nghĩa hạn chế của tôi, có phải “thế giới Hồi giáo” chưa từng là một sự kiện địa lý nổi bật trong suốt nhiều thế kỷ của nó hay không? Bộ nó vẫn không phải là một sự kiện địa lý nổi bật đến ngày hôm nay, khi mà lãnh thổ Hồi giạng chân trên một vùng đất bao la Á-Phi   và tạo thành một vùng đệm khổng lồ giữa châu Âu và Đông Á hay sao? Về diện tích, nó chiếm một vùng rộng lớn hơn châu Âu và Hoa Kỳ họp lại. Trong quá khứ, nó từng là một thực thể chính trị đơn lẻ, và các khái niệm về sự đơn lẻ và tính thống nhất chính trị còn vang vọng trong một số người Hồi thậm chí ngay lúc này. Nhìn vào 6 bản đồ này, tôi còn phải tự hỏi làm sao, ngay trước ngày 11/9, lại có người có thể không xem Hồi giáo là một tay chơi chủ yếu trên sân khấu lịch sử thế giới?

Sau ngày 11/9, các nhận thức đã thay đổi. Những người không theo đạo Hồi ở phương Tây bắt đầu hỏi Hồi giáo là gì, những người đó là ai, và chuyện gì xảy ra ở đó. Cũng các câu hỏi đó bắt đầu kêu vo vo một cách khẩn thiết mới mẻ trong đầu óc tôi. Năm đó, đi thăm Pakistan và Afghanistan lần đầu tiên trong vòng 38 năm, tôi mang theo một quyển sách mà tôi bắt gặp trong một hiệu sách cũ ở London, Hồi giáo trong Lịch Sử Hiện Đại của  Wilfred Cantwell Smith quá cố, giáo sư tôn giáo tại McGill và Harvard. Smith xuất bản tác phẩm này vào năm 1957, vì vậy “lịch sử hiện đại” mà ông nói đến đã kết thúc hơn 40 năm trước, vậy mà bài phân tích của ông làm tôi choáng váng – đúng hơn là bối rối – vì còn quá thích hợp với lịch sử đang diễn tiến trong năm 2002.

Smith chiếu ánh sáng mới vào thông tin tôi sở hữu từ thời thơ ấu và từ việc đọc sách sau này. Chẳng hạn, trong những ngày đi học ở Kabul, tôi biết rõ một người có tên Sayyid Jamaluddin-i-Afghan. Như “mọi người”, tôi biết ông là một nhân vật sừng sững trong lịch sử Hồi giáo hiện đại; nhưng nói thẳng thắn tôi chưa hề tìm hiểu sâu xa lý do ông đạt được tiếng tăm đó, ngoài sự kiện là ông theo đuổi “chủ nghĩa liên Hồi giáo”, dường như đối với tôi chỉ là chủ nghĩa sô-vanh Hồi giáo xanh xao. Giờ đây, sau  khi đọc Smith, tôi nhận ra rằng các giáo điều cơ bản của “chủ nghĩa Hồi giáo”, ý thức hệ chính trị vốn lên tiếng ầm ĩ chung quanh ta vào năm 2001, đã được đúc nặn ra cách đây hơn trăm năm bởi  triết gia sừng sững về “chủ nghĩa Hồi giáo” này. Làm sao mà ngay cái tên của ông phần đông người không theo đạo Hồi lại không biết?

Tôi cày cuốc trở lại lịch sử Hồi giáo, không còn để truy vấn để tìm bản sắc cá nhân, mà trong một nỗ lực để hiểu ra các diễn biến đáng báo động trong giới tín đồ Hồi giáo của thời đại tôi – những chuyện khủng khiếp ở Afghanistan; tình trạng rối loạn ở Iran, ở Phi Luật Tân, và nơi khác; những vụ không tặc, đánh bom liều chết ở Trung Đông, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo chính trị càng ngày càng cứng rắn; và giờ đến sự xuất hiện của Taliban. Chắc chắn, một cái nhìn cận cảnh vào lịch sử sẽ phát hiện làm thế nào lại xảy ra tình trạng này trên Trái đất.

Và dần dần, tôi mới nhận ra vì đâu đã nên nỗi này. Tôi đi đến nhận thức rằng, không giống lịch sử của Pháp hoặc Malta hoặc Nam Mỹ, lịch sử  các vùng đất Hồi giáo “bên đó” không phải là một tiểu bộ phận của một lịch sử thế giới đơn lẻ nào đó được chia sẻ bởi tất cả. Nó giống một lịch sử thế giới khácr toàn bộ trong tự thân, cạnh tranh với và phản chiếu cái lịch sử thế giới mà tôi đã cố gắng tạo ra cho nhà xuất bản Texas, hoặc lịch sử thế giới do  McDougall-Littell xuất bản mà tôi đã viết “các chương Hồi giáo.”

Hai lịch sử đã bắt đầu tại cùng một nơi, giữa hai sông Tigris và Euphrates của Iraq cổ đại, và chúng đã đến cùng một nơi, cuộc đấu tranh toàn cầu này trong đó dường như phương Tây và thế giới Hồi giáo đóng vai chính. Ở khoảng giữa, tuy nhiên, họ đã đi qua những khung cảnh khác nhau và vậy mà song hành một cách kỳ lạ.

Vâng, song hành một cách kỳ lạ: hãy nhìn lại, chẳng hạn,  từ bên trong khung sườn thế giới sử Tây phương, ta thấy một đế quốc lớn đơn lẻ đứng sừng sững trên mọi đế chế khác có từ trước vào thời cổ đại: đó là La Mã, nơi đó giấc mơ của một nhà nước chính trị phổ quát ra đời.

Nhìn trở lại từ bất kỳ nơi đâu trong thế giới Hồi giáo, ta cũng thấy một đế chế xác định đơn lẻ lù lù ở đó, hiện thân cho một tầm nhìn của một nhà nước phổ quát, nhưng nó không phải là La Mã. Nó là chính quyền kha-lip của đạo Hồi thuở ban đầu.

Trong cả hai lịch sử, đế chế ban đầu vĩ đại phân mảnh đơn giản bởi lẽ nó bành trướng quá rộng lớn. Khi đó đế chế đang băng hoại bị bọn man rợ du mục tấn công từ phía bắc – nhưng trong thế giới Hồi giáo, “phía bắc” là chỉ đến các thảo nguyên vùng Trung Á và trong thế giới đó bọn man rợ du mục không phải là người Đức mà là người Thổ. Trong cả hai trường hợp, bọn xâm lược đều xâu xé nhà nước rộng lớn thành những miếng vá gồm các vương quốc nhỏ hơn thẩm thấu toàn bộ bằng một chính thống giáo thống nhất, đơn lẻ. Đạo Cơ đốc ở phương Tây, đạo Hồi Sunni ở phương Đông.

Lịch sử thế giới luôn là câu chuyện làm thế nào “chúng ta” đến được ở đây và hiện giờ, vì thế hình thái tự thuật tùy thuộc mật thiết với ai chúng ta muốn nói là “chúng ta” và điều gì chúng ta muốn nói là ‘ở đây và hiện giờ”. Lịch sử thế giới Tây phương theo truyền thống giả định rằng ở đây và hiện giờ là nền văn minh kỹ nghệ và dân chủ (và hậu kỹ nghệ). Ở Hoa Kỳ sự giả định càng mạnh hơn cho rằng lịch sử thế giới đưa đến sự ra đời các lý tưởng đặt nền móng như tự do và bình đẳng và kết quả là nó trỗi dậy thành một siêu cường dẫn đầu hành tinh đi đến tương lai. Tiền đề này thiết lập một định hướng cho lịch sử và đặt điểm cuối ở đâu đó trên con đường hiện giờ chúng ta đang đi. Nó khiến ta dễ bị tổn thương nếu cho rằng mọi người đều di chuyển theo cùng chiều hướng đó, cho dù một số còn xa mới bắt kịp – hoặc bởi vì họ đã khởi hành quá muộn, hoặc bởi vì họ di chuyển quá chậm – với bất kỳ lý do nào chúng ta gọi xứ sở của họ là “những quốc gia đang phát triển.”

Khi tương lai lý tưởng theo tầm nhìn của xã hội hậu kỹ nghệ, Tây phương dân chủ được xem như điểm cuối của lịch sử, bố cục câu chuyện đưa đến các đặc điểm ở-đây-và-hiện-giờ dường như theo các giai đoạn sau:

  1. Sự ra đời của văn minh (Ai Cập và Mesopotamia)
  2. Thời kỳ cổ điển (Hy Lạp và La Mã)
  3. Thời đại Tối Tăm (sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo)
  4. Sự Phục Sinh: thời Phục Hưng và Cải Cách)
  5. Thời Khai Sáng (thám hiểm và khoa học)
  6. Các Cuộc Cách Mạng (dân chủ, kỹ nghệ, công nghệ)
  7. Sự trỗi dậy của nhà nước-quốc gia: Cuộc Đấu Tranh giành Đế Chế
  8. Thế Chiến I và II
  9. Chiến Tranh Lạnh
  10. Thắng Lợi của Chủ Nghĩa Tư Bản Dân Chủ

Nhưng điều gì xảy ra nếu chúng ta nhìn vào lịch sử thế giới qua con mắt Hồi giáo? Chúng ta có thể nào tự coi mình là các phiên bản còi cọc của phương Tây, đang phát triển về hướng cùng một điểm cuối, nhưng kém hiệu quả hơn hay không? Tôi nghĩ là không. Một lí do, chúng tôi nhìn theo một ngưỡng khác trong cách chia đường thời gian thành “trước” và “sau”: năm 0 của chúng tôi là năm Nhà Tiên Tri Mohammed di tản khỏi Mecca đến Medina, sự kiện Hijra của ông, khai sinh ra cộng đồng Hồi giáo. Đối với chúng tôi, cộng đồng này hiện thân cho ý nghĩa “văn minh”, và hoàn thiện lý tưởng này tạo nên sức tác động đã tạo hình và định hướng cho lịch sử.

Nhưng vào các thế kỷ gần đây, chúng ta cảm thấy rằng có điều gì đó lệch lạc với dòng chảy. Chúng ta biết rằng cộng đồng đã ngừng mở rộng, đã trở nên lúng túng, đã thấy mình bị hoàn toàn cắt đứt bởi một dòng chảy khác cắt ngang, một chiều hướng lịch sử tranh chấp. Là người thừa kế truyền thống đạo Hồi, chúng tôi buộc phải tìm kiếm ý nghĩa của lịch sử trong chiến bại thay vì chiến thắng. Chúng ta cảm thấy xung đột giữa hai lực tác động: thay đổi quan niệm của chúng ta về “văn minh” để song hành với dòng lịch sử hoặc chiến đấu với dòng lịch sử để sắp xếp nó theo quan niệm của chúng ta về “văn minh”.

Nếu hiện tại còi cọc mà xã hội Hồi giáo trải nghiệm được chấp nhận như cái ở-đây-và-hiện-giờ để được lý giải bởi câu chuyện thế giới sử, thế thì bố cục câu chuyện có thể được phân chia thành các giai đoạn sau:

  1. Thời Cổ Đại: Mesopotamia và Ba Tư
  2. Sự Ra Đời của đạo Hồi
  3. Vương triều Kha-lip: Truy Tìm Tính Thống Nhất Phố Quát
  4. Sự Phân Mảnh: Thời đại các Sultan
  5. Thảm Họa: Thập Tự Chinh và Quân Mông Cổ
  6. Sự Phục Sinh: Kỷ Nguyên Ba Đế Chế
  7. Phương Tây thấm nhuần Phương Đông
  8. Các Phong Trào Cải Cách
  9. Thắng Lợi của các Nhà Hiện Đại Thế Tục
  10. Phản Ứng của Hồi Giáo

Nhà phê bình văn học Edward Said đã lập luận rằng trong nhiều thế kỷ, phương Tây đã kiến tạo một điều tưởng tượng “Đông phương” về thế giới Hồi giáo, trong đó một nhận thức xấu xa về “tính khác lạ” trộn lẫn với những hình ảnh đố kỵ về sự giàu có bại hoại. Vâng, vậy là đến một mức độ nào đó Hồi giáo đã đi vào óc tưởng tượng của người Tây phương, được miêu tả nhiều hơn hay ít hơn

Nhưng càng khó hiểu hơn đối với tôi là sự vắng mặt tương đối của bất kỳ sự miêu tả nào. Trong thời của Shakespeare, chẳng hạn, quyền lực nổi trội của thế giới tập trung tại ba đế chế Hồi giáo. Nhưng trong tác phẩm của ông những người Hồi đâu cả rồi? Biệt tăm. Nếu bạn không biết người Moor là người Hồi, bạn sẽ không biết được điều ấy từ Othello.

Đây là hai thế giới to lớn song hành bên nhau, điều nổi bật là chúng hiếm khi chú ý đến nhau. Nếu thế giới Tây phương và Hồi giáo là hai con người, chúng ta có thể nhìn thấy những biểu hiện của sự áp bức ở đây. Chúng ta có thể hỏi, *Chuyện gì đã xảy ra giữa hai người này? Họ có từng yêu nhau không? Có xảy ra chuyện lạm dụng nào không?”

Nhưng, theo ý tôi, tồn tại một cách lý giải khác ít ấn tượng hơn. Trong phần lớn lịch sử, phương Tây và cốt lõi của những gì thuộc thế giới Hồi giáo hiện giờ là như hai thế giới riêng biệt, mỗi bên bận bịu với những vấn đề nội bộ của mình, mỗi bên đều giả định rằng chính mình mới là trung tâm của lịch sử nhân loại, mỗi bên kể lại một câu chuyện khác nhau – cho đến cuối thế kỷ 17 khi hai câu chuyện bắt đầu giao nhau. Tại thời điểm này, bên này hoặc bên kia phải nhường đường vì hai câu chuyện cắt dòng nhau. Phương Tây hùng mạnh hơn, trào lưu của nó thắng thế và đạp bên kia xuống mà tiến lên. 

Nhưng lịch sử bị thế chỗ không hề thực sự kết thúc. Nó tiếp tục chảy ngầm bên dưới, và đến giờ vẫn còn tiếp tục chảy ở đó. Khi bạn định vị trên bản đồ các điểm nóng trên thế giới—Kashmir, Iraq, Chechnya, vùng Balkans, Israel và Palestine, Iraq – bạn đang rình rập bên ngoài đường biên của một thực thể nào đó đã biệt tăm khỏi bản đồ nhưng vẫn còn quẫy đạp và  dãy dụa trong nỗ lực phải sống còn.

Đó là câu chuyện tôi kể trong những trang sau đây, và tôi nhấn mạnh “câu chuyện.” Vận Mệnh Đứt Đoạn không phải là một sách giáo khoa cũng không phải một luận đề học thuật. Nó giống nhiều hơn với những gì tôi sẽ kể lể với bạn nếu chúng ta gặp nhau trong một quán cà phê và bạn hỏi, “Một lịch sử thế giới song hành là nói về chuyện gì?” Lập luận tôi đưa ra có thể được tìm thấy trong nhiều tác phẩm giờ được bày trên kệ các thư viện đại học. Đến đó đọc chúng nếu bạn không ngại loại ngôn ngữ và chú giải hàn lâm. Đọc ở đây nếu bạn muốn biết cốt truyện. Dù không phải là học giả, tôi đã trích dẫn công trình  các học giả đã sàng lọc nguồn tư liệu thô của lịch sử để rút ra các kết luận và của các nhà hàn lâm đã sàng lọc công trình của các nhà nghiên cứu học thuật để rút ra các kết luận thâm sâu.

Trong lịch sử kéo dài vài ngàn năm, tôi dành một không gian có vẻ như không tương xứng cho khoảng nửa thế kỷ ngắn ngủi cách này đã lâu, nhưng tôi la cà ở đây vì thời kỳ này kể về sự nghiệp của Tiên Tri Mohammed và bốn vị đầu tiền kế nghiệp ông, câu chuyện sáng lập đạo Hồi. Tôi kể lại chuyện này như kể bi kịch của người thân, vì đó  là cách mà tín đồ đạo Hồi hiểu biết nó. Các nhà hàn lâm tiếp cận câu chuyện này một cách hoài nghi hơn, chỉ tin vào nguồn tư liệu phi Hồi giáo hơn là lời tường thuật ít khách quan hơn của người Hồi, bởi vì họ chủ yếu quan tâm việc đào xới những điều “thực sự xảy ra”. Mục tiêu của tôi chủ yếu là chuyển tải những gì người Hồi cho rằng đã xảy ra, bởi vì đó là điều đã tạo động lực cho người Hồi qua nhiều thời đại và là điều khiến vai trò của họ trong lịch sử thế giới có thể nhận ra được.

Tuy nhiên, tôi sẽ xác nhận một cảnh báo ở đây về nguồn gốc đạo Hồi. Không như các tôn giáo có lâu đời hơn – như đạo Do Thái, đạo Phật, Ấn giáo, thậm chí Cơ đốc giáo ;- người Hồi bắt đầu sưu tập, ghi nhớ, thuật lại và gìn giữ lịch sử của họ ngay khi nó xảy ra, và họ không chỉ gìn giữ lịch sử của mình mà còn gắn kết mỗi giai thoại vào trong một tổ các nguồn cội, gọi tên các nhân chứng cho mỗi sự kiện và liệt kê tất cả những người lưu truyền câu chuyện xuyên thời gian xuống đến người đầu tiên viết lại câu chuyện đó, các tham chiếu có tác dụng như một dây xích giam giữ, có giá trị như một mảnh chứng cứ trong một phiên xử.

Điều này ám chỉ rằng các câu chuyện Hồi giáo cốt lõi không thể được tiếp cận tốt nhất như những truyện ngụ ngôn. Với một truyện ngụ ngôn, chúng ta bất cần hỏi chứng cứ sự kiện có xảy ra không; đó không phải là điểm mấu chốt. Chúng ta bất cần câu chuyện có xảy ra  thực không; chúng ta chỉ muốn bài học có thực. Các câu chuyện Hồi giáo không đóng gói những bài học thuộc loại đó: chúng không phải là các câu chuyện về những con người lý tưởng trong một phạm trù lý tưởng. Chúng đến với chúng ta, thay vào đấy, như các truyện kể về những người thực vật lộn với những vấn đề thực tiễn trong bùn lầy và u ám của lịch sử hiện thực, và chúng ta rút ra từ chúng những bài học gì mình muốn.

Không thể chối cãi rằng các câu chuyện Hồi giáo có tính ngụ ý, cũng như một số đã được chế biến, cũng như nhiều và thậm chí tất cả được người kế chuyện điều chỉnh tùy nghi cho phù hợp với lịch trình của người nghe và thời điểm. Chỉ cần nói thêm rằng người Hồi  đã truyền lại câu chuyện nguồn cội của mình trong cùng một tinh thần của những tường thuật lịch sử, và chúng tôi hiểu về những người này và sự kiện này không khác mấy điều chúng tôi biết về những gì đã xảy ra giữa Sulla và Marius vào thời La Mã cổ đại. Những chuyện này nằm đâu đó giữa lịch sử và thần thoại, và nếu kể lại chúng mà tước bỏ tính bi kịch nhân loại sẽ làm sai lệch ý nghĩa mà chúng gợi ra cho người Hồi, khiến càng khó hiểu hơn những điều mà người Hồi đã làm qua bao thế kỷ. Thế thì đây là cách thức tôi dự tính sẽ kể lại câu chuyện, và nếu bạn muốn cùng thuyền với tôi, hãy nai nịt và khởi hành. 

CHƯƠNG 1: TRUNG THẾ GIỚI

Rất lâu trước khi đạo Hồi ra đời, hai thế giới thành hình giữa Đại Tây Dương và Vịnh Bengal. Mỗi thế giới kết tinh chung quanh một mạng lưới khác nhau về tuyến đường mậu dịch và thông thương; một trong số đó, chủ yếu là đường biển, tuyến kia là đường bộ.

Nếu bạn nhìn vào việc lưu thông đường biển thời cổ đại, Địa Trung Hải xuất hiện như trung tâm hiển nhiên của lịch sử thế giới, vì chính tại nơi đây mà người Mycenae, Cretan, Phoenicia, Lydia, Hy Lạp, La Mã, và rất nhiều nền văn hóa sớm năng động khác gặp gỡ và hòa nhập vào nhau. Những người sống gần vùng Địa Trung Hải có thể dễ dàng nghe về và tương tác với những người khác cũng sống gần vùng Địa Trung Hải, và vì vậy chính vùng biển này trở thành một lực tổ chức lôi kéo những con người khác nhau vào các câu chuyện của nhau và đan quyện các vận mệnh của họ với nhau để tạo thành mầm mống của một lịch sử thế giới, và từ mầm mống này ra đời “văn minh Tây phương.”

Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào việc thông thương đường bộ thời cổ đại, Nhà ga Trung tâm hoành tráng của thế giới là mối quan hệ các con đường và tuyến đường kết nối tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Á, vùng cao nguyên Iran, Mesopotamia, và Ai Cập, các con đường chạy bên trong một lãnh thổ bao quanh bởi sông và biển – Vịnh Ba Tư, các con sông Ấn và Oxus, các biển Aral, Caspian, và Biển Đen; Địa Trung Hải, sông Nile, và Biển Đỏ. Vùng này cuối cùng sẽ trở thành thế giới Hồi giáo.

4

THẾ GIỚI ĐỊA TRUNG HẢI (Xác định bởi các Tuyến Đường Biển)

5

TRUNG THẾ GIỚI (Xác định bởi các Tuyến Đường Bộ)

Khổ thay, cách sử dụng thông thường không gán danh hiệu đơn lẻ nào cho vùng thứ hai này. Một phần của nó được gọi một cách điển hình là Trung Đông, nhưng đặt tên cho một phần của nó làm lu mờ tính liên kết của toàn thể, và ngoài ra, cụm từ Trung Đông giả định rằng người ta đang đứng ở tây Âu – nếu bạn đứng ở cao nguyên Ba Tư, chẳng hạn, vùng gọi là Trung Đông thực sự là Trung Tây. Do đó, tôi thích gọi toàn bộ vùng từ Sông Ấn đến Istanbul là Trung Thế giới, vì nó nằm giữa vùng Địa Trung Hải và Trung Quốc.

Thế giới Trung Quốc, tất nhiên, là một vũ trụ riêng và không dính líu gì nhiều đến hai thế giới kia; và điều đó chỉ cần dựa một mình trên cơ sở địa lý là thấy rõ. Trung Quốc bị tách lìa với vùng Địa Trung Hải chỉ bởi khoảng cách và với Trung Thế Giới bởi dãy Hy Mã Lạp Sơn, Sa mạc Gobi và vùng rừng rậm đông nam Á, một hàng rào gần như bất khả xâm phạm, chính là lý do tại sao Trung Quốc và các nước vệ tinh và đối thủ của nó hiếm khi bước vào “lịch sử thế giới” tập trung ở Trung Thế Giới, và tại sao họ ít được đề cập đến trong quyển sách này. Điều này cũng đúng với châu Phi tiểu Sahara, bị cắt khỏi phần còn lại của Á Âu bởi sa mạc lớn nhất thế giới. Cũng vì lý do đó, châu Mỹ hợp thành một vũ trụ khác biệt với một lịch sử thế giới của riêng mình.

Tuy nhiên, địa lý không chia tách các vùng Địa Trung Hải và Trung Thế Giới một cách triệt để như nó cô lập Trung Quốc hoặc châu Mỹ. Hai vùng này kết tinh như các thế giới khác nhau vì chúng là điều mà sử gia Philip D. Curtin đã gọi là “những vùng liên thông”: mỗi vùng có tương tác nội bộ nhiều hơn có với vùng khác. Từ bất cứ nơi đâu gần bờ biển Địa Trung Hải, dễ dàng đi đến một nơi nào khác gần bờ biển Địa Trung Hải hơn là đến Persepolis hoặc Sông Ấn. Tương tự, các đoàn xe trên các tuyến đường bộ xuôi ngược khắp Trung Thế Giới trong thời cổ đại có thể đổi hướng tại bất kỳ giao lộ nào – có rất nhiều các giao lộ như thế. Khi họ đi về hướng tây, tuy nhiên, vào Tiểu Á (vùng chúng ta ngày nay gọi là Thổ Nhĩ Kỳ), hình dạng của vùng đất dần dần thắt lại thành cổ chai hẹp nhất thế giới, cây cầu (nếu tình cờ có một chiếc vào thời điểm đó) bắc qua Eo Bosporus. Điều này có khuynh hướng bóp nghẹt sự lưu thông trên bộ chỉ còn một dòng nhỏ giọt và quay trở lại các đoàn xe về hướng trung tâm hoặc về hướng nam dọc theo bờ biển Địa Trung Hải.

Các lời bàn tán, truyện kể, truyện cười, tin đồn, các dấu ấn lịch sử, thần thoại tôn giáo, hàng hóa, và các mảnh vụn văn hóa khác di chuyển cùng với thương nhân, lữ hành và nhà chinh phục. Các tuyến đường mậu dịch và lữ hành vì vậy có tác dụng như các mao quản, dẫn truyền dòng máu văn minh. Các xã hội bị thẩm thấu bởi mạng lưới mao quản như thế có khả năng trở thành những nhân vật trong các câu chuyện của nhau, cho dù họ có bất đồng về vai nào tốt và vai nào xấu.

Vì vậy mà các vùng Địa Trung Hải và Trung Thế Giới triển khai các câu chuyện phần nào khác biệt về lịch sử thế giới. Những người sống quanh Địa Trung Hải có đủ lý do để nghĩ chính mình đang ở trung tâm của lịch sử nhân loại, nhưng những người sống tại Trung Thể Giới cũng có đủ lý do không kém để nghĩ mình đang ở trung tâm của mọi thứ.

Tuy nhiên, hai lịch sử thế giới này gối lên nhau trên một dải đất hẹp nơi ngày nay là Israel, nơi ngày nay là Lebanon, nơi ngày nay là Syria và Jordan – nơi ngày nay bạn, tóm lại, tìm thấy quá nhiều rắc rối. Đây là bờ đông của thế giới xác định bởi các làn đường biển và bờ tây của thế giới xác định bởi các tuyến đường bộ. Từ góc nhìn của Địa Trung Hải, vùng này đã luôn là bộ phận của lịch sử thế giới mà Địa Trung Hải là mầm mống và hạt nhân của nó. Từ góc nhìn khác, nó từng là bộ phận của Trung Thế Giới có Mesopotamia là và Ba Tư là hạt nhân của nó. Bộ không phải hiện giờ đang và xưa kia từng xảy ra sự tranh cãi khó giải quyết về mảnh đất này: nó là bộ phận của thế giới nào?

Trung Thế Giới trước khi có Đạo Hồi

Những nền văn minh đầu tiên xuất hiện hai bên bờ các con sông chảy chậm rộng lớn khác nhau thường lụt lội hàng năm. Châu thổ Hoàng Hà ở Trung Quốc, Châu thổ Sông Ấn ở Ấn Độ, Châu thổ Sông Nile ở châu Phi – đây là những địa điểm mà, hơn 6,000 năm cách đây, những người săn bắt và hái lượm du mục quyết định định cư, xây cất làng ấp, và trở thành nhà nông.

Có lẽ nơi nảy mầm sinh động nhất của văn minh nhân loại thuở đầu là vùng đất màu mỡ xen giữa hai sông Tigris và Euphrates được biết dưới tên Mesopotamia – nghĩa là “giữa hai sông”. Tình cờ, dải đất hẹp bị kẹp giữa hai sông này gần như chia đôi quốc gia ngày nay là Iraq. Khi chúng ta nói về “vùng lưỡi liềm màu mỡ” là “cái nôi của văn minh”, chúng ta đang nói về Iraq – đây là nơi mọi sự bắt đầu.

Một đặc điểm địa lý chủ chốt tách Mesopotamia ra khỏi một số vườn ươm văn hóa ban đầu khác. Hai con sông hình thành nó chảy qua những bình nguyên bằng phẳng, sinh sống được và có thể tiếp cận từ bất kỳ hướng nào. Địa lý không cung cấp những phòng vệ thiên nhiên nào cho dân cư sống tại đây – không giống Sông Nile, chẳng hạn, vốn được bảo vệ hai sườn, sườn phía đông bởi các đầm lầy, sườn phía tây bởi sa mạc Sahara không sinh sống được, và bởi các sườn dốc hiểm trở ở mút thượng nguồn. Địa lý tạo cho Ai Cập sự liên tục nhưng cũng làm giảm bớt sự tương tác với các nền văn hoá khác, tạo cho nó một tình trạng tĩnh tại nào đó.

Mesopotamia thì không thể. Tại đây, thuở ban sơ, một kiểu dạng thành hình, được lặp lại nhiều lần qua một tiến trình hơn một ngàn năm, một cuộc đấu tranh phức tạp giữa dân du cư và người thành thị, tạo ra các đế chế lớn hơn. Kiểu dạng đi theo cách này:

Những nhà nông định cư xây dựng các hệ thống thủy lợi chu cấp cho làng mạc và thị trấn. Cuối cùng một ông gan lỳ nào đó, một giáo sĩ có tài tổ chức nào đó, hoặc hai người đồng minh sẽ đặt một số trung tâm đô thị dưới quyền cai trị của một quyền lực duy nhất, nhờ đó đúc thành một đơn vị chính trị lớn hơn – một liên bang, một vương quốc, một đế chế. Rồi một bộ tộc nhóm người du mục lì lợm sẽ tiến vào, chinh phục quân vương thời điểm đó, chiếm đoạt tất cả tài sản của ông ta, và trong tiến trình đó mở rộng đế chế của họ. Cuối cùng bọn người du cư lì lợm sẽ trở thành cư dân đô thị điềm đạm, ưa xa xỉ, chính xác giống hệt loại cư dân mà họ đã chinh phục. Rồi đến lúc lại có một bộ tộc du mục lì lợm khác ùa đến, chinh phục họ, và chiếm lấy đế chế.

Chinh phục, củng cố, mở rộng, suy thoái, chinh phục – đó là kiểu dạng. Nó đã được sử gia Hồi giáo vĩ đại Ibn Khaldun hệ thống hóa vào thế kỷ 14, dựa vào các quan sát của ông về thế giới nơi ông đang sống. Ibn Khaldun cảm nhận được rằng trong kiểu dạng này ông đã phát hiện mạch đập ngầm của lịch sử.

Tại bất kỳ thời điểm nào, tiến trình này đang xảy ra tại nhiều hơn một nơi, một đế chế phát triển chỗ này, một đế chế khác nảy mầm chỗ kia, cả hai đế chế bành trướng cho đến khi chúng va chạm nhau, lúc đó một đế chế sẽ chính phục đế chế kia, lập thành một đế chế đơn lẻ mới và rộng lớn hơn.

Cách đây khoảng 5,500 năm  độ một chục thành phố dọc bờ sông Euphrates hợp thành một mạng lưới đơn lẻ gọi là Sumer. Tại đây, chữ viết được sáng chế, bánh xe, xe bò, bàn xoay thợ gốm, và một hệ thống số sơ đẳng. Rồi người Akkad, gồ ghề hơn từ thượng lưu xuống chinh phục Sumer. Lãnh tụ của họ, Sargon, là nhà chính phục nổi bật đầu tiên được biết tên trong lịch sử, một gã hung bạo theo bất kỳ tiêu chuẩn nào và tự tay dựng lấy cơ đồ tột đỉnh, bởi vì ông xuất thân nghèo khó và vô danh nhưng để lại chiến công hiển hách được ghi lại dưới dạng các bảng khắc đất sét viết bằng chữ hình nêm, cho biết, “Tên này đứng lên và ta đánh ngã hắn; tên kia đứng lên và ta đánh ngã hắn.”

Sargon cầm đầu đoàn quân tiến rất xa về phương nam cho đến khi có thể rửa sạch vũ khí trong nước biển. Tại đó, ông tuyên bố, “Giờ đây, bất kỳ vị vua nào dám xưng là ngang hàng với ta, ta đi đến đâu, hãy để y đi đến đó!” có nghĩa, “Hãy xem có ai khác chinh phục nhiều như ta đã chinh phục.” Đế chế của ông nhỏ hơn bang New Jersey.

Rồi đến lúc một làn sóng mới các tên vô lại du cư từ cao nguyên tràn xuống và chính phục Akkad, và rồi họ bị người khác chinh phục, và đến lượt người này lại bị người khác nữa chinh phục – người Guti, Kassite, Hurri, Amorite – kiểu dạng cứ lặp lại. Nhìn kỹ hơn bạn sẽ thấy các nhà cai trị mới làm chủ về cơ bản gần như cùng một lãnh thổ, nhưng luôn luôn rộng lớn hơn.

Người Amorite bấm một giờ khắc quyết định trong chu kỳ này khi họ xây lên thành phố tiếng tăm Babylon và từ kinh thành này cai trị Đế chế Babylonia (đầu tiên). Người Babylonia nhường đường cho người Assyria, cai trị từ kinh thành còn tráng lệ và rộng lớn hơn Nineveh. Đế chế của họ trải dài từ Iraq đến Ai Cập và bạn có thể tưởng tượng một lãnh địa bao la như thế nào tại một thời điểm mà cách nhanh nhất để đi từ nơi này đến nơi khác là cưỡi ngựa. Người Assyria có tai tiếng trong lịch sử là các nhà độc tài không khoan nhượng. Thật khó để nói họ có thực sự tệ hơn nhưng người khác vào thời đó hay không, nhưng họ thực sự thực hiện một biện pháp mà Stalin đã từng làm trong thế kỷ 20: họ nhổ khỏi gốc rễ toàn bộ dân số và dời chuyển họ đến những nơi ở khác, trên lý thuyết rằng dân tộc nào đã mất hết nơi chôn nhau cắt rốn và đến sống giữa những người xa lạ, bị cắt đứt khỏi nguồn cội thân yêu, sẽ hoang mang và khổ sở để có thể dấy loạn.

Cách này có tác dụng một thời gian, nhưng không là mãi mãi. Người Assyria cuối cùng thất thủ trước một dân tộc thần dân của họ, người Chaldea. Họ tái thiết Babylon và chiếm một vị thế rực rỡ trong lịch sử vì những thành tựu trí tuệ của mình trong thiên văn, y học, và toán học. Họ sử dụng hệ thống cơ số 12 (trong khi chúng ta sử dụng cơ số 10) và là những người tiên phong trong phép đo và phân chia thời gian, trong đó một năm có 12 tháng, giờ có 60 phút (5 lần 12), và một phút có 60 giây. Họ là những nhà thiết kế đô thị và kiến trúc sư cừ khôi – chính một nhà vua Chaldea đã xây nên những Vườn Treo Babylon đó, mà người thời cổ đã xếp nó vào một trong 7 kỳ quan thế giới.

Nhưng người Chaldea cũng bắt chước biện pháp phát vãng toàn bộ dân chúng của người Assyria để chia và trị họ. Vua Nebuchadnezzar của họ là người đầu tiên phá hủy Jerusalem và bắt bớ người Do Thái làm tù binh. Cũng một vị vua Chaldea khác, Balshazzar, người, mà trong một buổi dạ yến, bỗng trông thấy một bàn tay cụt viết trên bức tường cung điện mình một dòng chữ lửa, “Mene mene tekel upharsin.”

Các tên nịnh thần của ông chẳng hiểu mô tê những chữ đó nghĩa là gì, chắc hẳn vì chúng cũng đã say khướt, nhưng cũng bởi vì những chữ ấy được viết bằng ngôn ngữ kỳ lạ (tiếng Aramaic, một cách tình cờ.) Họ cho đòi tên tù binh Do Thái Daniel giải thích dòng chữ có nghĩa “Ngày tháng của ngươi đã được đếm; ngươi đã bị cân nhắc và xét xử là bất xứng; vương quốc ngươi  sẽ bị phân chia.” Ít nhất câu chuyện trong Cựu ước Sách của Daniel cho biết như thế.

Balshazzar chỉ vừa đủ thời gian suy nghĩ về lời tiên tri thì nó đã ứng nghiệm. Một trận tắm máu tàn khốc đã thình lình ập xuống Babylon bởi một băng đảng vô lại mới nhất từ cao nguyên, một liên minh giữa Ba Tư và Medes. Hai bộ tộc Ấn-Âu này đặt dấu chấm hết cho Babylonia thứ hai và thay thế nó bằng Đế chế Ba Tư.

Đến thời điểm này, kiểu dạng thường tái diễn của các đế chế luôn lớn rộng hơn ngay lòng Trung Thể Giới đã đến đoạn kết hoặc ít ra tạm dừng lâu hơn. Có điều, khi mà người Ba Tư đã xong việc, thì không còn gì nhiều để chinh phục. Cả ‘những cái nôi của văn minh,” Ai Cập và Mesopotamia, cuối cùng thành một bộ phận của lãnh địa họ. Quyền bá chủ của họ vươn dài về phía tây đến tận Tiểu Á, về phía nam đến sông Nile, và về phía đông quá cao nguyên Iran và Afghanistan đến sông Ấn. Người Ba Tư chải chuốt và thơm tho ắt hẳn không thấy cần phải chinh phục xa hơn nữa: về phía nam sông Ấn là vùng rừng rậm ngun ngút, và phía bắc Afghanistan trải dài các thảo nguyên khô cằn gió rét cào nát và lang thang các dân du mục Thổ Nhĩ Kỳ đang sống lay lất với bầy cừu và đàn gia súc – có ai muốn cai trị nhóm người đó chứ? Do đó người Ba Tư bằng lòng với việc xây dựng một chuỗi các thành lũy ngăn giữ bọn man rợ ở ngoài, để những người hiền lương có thể theo đuổi các ngành nghệ thuật của cuộc sống văn minh trong vùng định cư bên kia đường biên giới.

Lúc người Ba Tư đảm nhận chính quyền, khoảng 550 TCN, nhiều công trình củng cố đã được thực hiện: trong mỗi vùng, những nhà chinh phục trước đây đã lôi kéo các bộ tộc địa phương và thị trấn khác nhau vào thành các hệ thống đơn lẻ được một quân vương cai trị từ một kinh đô trung ương, hoặc Elam, Ur, Nineveh, hoặc Babylon. Người Ba Tư lợi dụng công trình (và các trận đổ máu) của những người tiền nhiệm của họ.

Vậy mà Đế chế Ba Tư vẫn nổi bật vì một số lý do. Thứ nhất, người Ba Tư chống bọn Assyria. Trên một lãnh địa mênh mông họ triển khai một chính sách cai trị hoàn toàn đối nghịch. Thay vì nhổ tận gốc toàn bộ dân tộc, chính quyền Ba Tư tái định cư họ. Họ giải phóng dân Do Thái khỏi tù đày và giúp họ trở lại Canaan. Các hoàng đế Ba Tư theo đuổi một chính sách đa văn hóa, nhiều-người-dưới-một-căn-lều-lớn. Họ kiểm soát lãnh địa bao la của mình bằng cách để mọi dân tộc thành phần sống theo tập quán và phong tục riêng của họ, dưới quyền cai trị của các lãnh tụ của mình, miễn là họ đóng thuế đầy đủ và tuân phục một số ít các mệnh lệnh và yêu sách của hoàng đế. Về sau người Hồi đi theo ý tưởng này, và duy trì nó suốt thời Ottoman.

Thứ hai, người Ba Tư nhìn thấy ở giao thương là chìa khóa của việc thống nhất, và nhờ đó kiểm soát được, lãnh địa của mình. Họ quảng bá một bộ luật thuế chặt chẽ và phát hành tiền tệ duy nhất cho toàn đế chế, tiền tệ là phương tiện giao thương làm ăn. Họ xây dựng một mạng lưới đường xá quy mô và đặt các quán trọ để việc đi lại được dễ dàng. Họ cũng triển khai một hệ thống bưu chính hiệu quả, một phiên bản sớm của Pony Express (Dịch vụ thư gửi tin nhắn, báo chí và thư từ sử dụng những người cưỡi ngựa hoạt động từ năm 1860 đến năm 1861, giữa Missouri và California ở Hoa Kỳ). Cái trích dẫn đó mà bạn đôi khi nhìn thấy liên quan với Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ, “Không có tuyết giá hoặc mưa gió hoặc nóng bức hoặc đêm tối có thể ngăn cản người đưa tin này hoàn thành nhanh chóng phần vụ được giao phó,” xuất xứ từ Ba Tư cổ đại.

Người Ba Tư cũng sử dụng nhiều nhà phiên dịch. Bạn không thể thoát được với lời năn nỉ, “Nhưng, thưa sĩ quan, tôi không biết điều này là vi phạm luật; tôi không biết nói tiếng Ba Tư.” Qua người phiên dịch các hoàng đế có thể quảng bá những văn bản mô tả về sự uy nghi và vĩ đại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để tất cả thần dân đều có thể ngưỡng mộ họ. Darius Đại Đế, người mang Đế chế Ba Tư lên đỉnh cao mới, đã cho khắc trên vách đá câu chuyện đời mình tại một nơi gọi là Behistun (hình dưới). Ông cho khắc bằng ba ngôn ngữ: Ba Tư cổ, tiếng Elam, và Babylonia, 15,000 từ dành mô tả những chiến công và chinh phục của Darius, ghi chép chi tiết các vụ phản loạn thất bại đã nổi lên và lật đổ ông và những hình phạt trừng trị mà chúng phải nhận lãnh, cơ bản là đưa ra thông điệp là bạn không nên gây rối với vị hoàng đế này: ông ta sẽ cắt mũi bạn, và có khi còn tệ hơn nữa. Dù sao thì các thần dân của đế chế cũng cho rằng nền cai trị Ba Tư cơ bản là nhân từ. Bộ máy vương quyền trơn tru cho phép thường dân sinh hoạt để nuôi nấng gia đình, trồng trọt, và sản xuất hàng hóa hữu dụng.

6

Phần chữ khắc của Darius tại Behistun bằng tiếng Ba Tư cổ có thể đọc được bởi người Ba Tư hiện đại, vì thế khi nó được phát hiện lại vào thế kỷ 19, các học giả có thể sử dụng nó để giải mã hai ngôn ngữ khác và nhờ đó mở cửa vào được các thư viện chữ hình nêm của Mesopotamia cổ đại, các thư viện quá phong phú đến nỗi chúng ta biết về cuộc sống thường nhật của vùng đất này cách đây 3000 năm nhiều hơn chúng ta biết về cuộc sống thường nhật ở Tây Âu cách đây 1200 năm.

Tôn giáo thấm đượm thế giới Ba Tư. Nó không phải là ý tưởng về một triệu thần như Ấn giáo, cũng không như hệ thần Ai Cập gồm các sinh vật thần bí nửa người nửa vật, cũng không phải đa thần giáo Hy Lạp, thấy mọi thứ trong thiên nhiên đều có thần cai quản, những vị thần hình người và cũng khiếm khuyết như con người. Không, trong vũ trụ Ba Tư, Hỏa giáo (Zoroastrianism) giữ một địa vị cao quý. Giáo chủ là Zoroaster sống trước Christ khoảng 1,000 năm, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn; không ai thực sự biết rõ. Ngài đến từ bắc Iran, hoặc có thể bắc Afghanistan, hoặc có thể đâu đó từ phía đông Afghanistan; cũng không ai thực sự biết rõ. Zoroaster không hề tuyên bố mình là đấng tiên tri hay người khai thông năng lượng thần thánh, nói chi đến thánh thể hoặc thần linh. Ngài chỉ xưng mình là một triết gia và người tìm kiếm. Nhưng các đệ tử của ngài xem ngài là thánh nhân.

Zoroaster thuyết giảng rằng vũ trụ được chia làm hai giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác, giữa chân và ngụy, giữa sống và chết. Vũ trụ tách ra thành hai phe đối lập nhau vào lúc sáng thế, chúng bị khoá chặt trong cuộc đấu tranh kể từ đó, và sẽ tiếp diễn cho đến ngày mạt thế.

Con người, Zoroaster cho biết, chứa cả hai nguyên lý bên trong họ. Họ được tự do chọn đi theo hướng này hay hướng khác. Nếu chọn thiện, con người sẽ xiển dương sức mạnh của ánh sáng và sự sống. Nếu chọn ác, họ sẽ gia tăng sức mạnh cho bóng tối và cái chết. Trong vũ trụ của giáo thuyết Zoroaster không có gì gọi là tiền định. Kết quả của cuộc chiến đấu vĩ đại luôn luôn không biết trước được, và không chỉ mọi người đều được tự do đưa ra những lựa chọn đạo lý, và mọi lựa chọn đạo lý đều ảnh hưởng đến cục diện của vũ trụ.

Zoroaster nhìn thấy bi kịch của vũ trụ gói gọn trong hai vị thần linh – không phải một, không phải hàng ngàn, mà là hai. Ahura Mazda hiện thân cho nguyên lý thiện, Ahriman hiện thân cho nguyên lý ác. Lửa được sử dụng làm biểu tượng cho Ahura Mazda, khiến một số người xem các tín đồ đạo  Zoroaster là tín đồ đạo thờ lửa (Hoả giáo), nhưng những gì họ tôn thờ không phải là lửa tự thân, mà là Ahura Mazda. Zoroaster đã nói về kiếp sau nhưng đề xuất rằng người thiện đi đến đó không như một phần thưởng vì đã hành thiện mà như một hậu quả do đã chọn đi theo chiều hướng đó. Bạn có thể nói họ tự cất mình lên thiên đường bởi sức nâng do cách lựa chọn của mình. Các tín đồ đạo Zoroaster Ba Tư bác bỏ các tượng, hình ảnh, biểu tượng tôn giáo, đặt cơ sở cho sự ghét bỏ việc thể hiện trong nghệ thuật tôn giáo và khuynh hướng này tái xuất mạnh mẽ trong đạo Hồi.

Đôi khi Zoroaster, hoặc ít nhất những người theo đạo ngài, gọi Ahura Mazda là “Vị Chúa Minh Triết” và nói như thể ngài thực sự là người sáng tạo ra toàn bộ vũ trụ và như thể chính ngài là người đã phân chia mọi tạo vật thành hai phạm trù đối nghịch nhau một khoảnh khắc ngay sau  sau thời điểm sáng thế. Do đó, chủ thuyết nhị nguyên của Zoroaster nhích dần đến chủ nghĩa độc thần, nhưng không hoàn toàn đạt đến đó. Cuối cùng, đối với tín đồ Zoroaster thời Ba Tư cổ đại, hai vị thần có quyền lực ngang nhau cùng cư trú trong vũ trụ, và con người là sợi dây thừng trong cuộc chiến kéo co giữa họ.

Một giáo sĩ đạo Zoroaster được gọi là magus, số nhiều là magi: ba “người chiêm tinh ở phương Đông”, theo Tân ước, mang nhũ hương và mộc dược dâng cho hài nhi Jesus nằm trong máng cỏ là những giáo sĩ đạo Zoroaster. Những giáo sĩ này được người ta cho rằng (và đôi khi tự mình tuyên bố) sở hữu các quyền năng mầu nhiệm.

Vào những ngày cuối cùng của đế chế, Ba Tư tan vỡ vào thế giới Địa Trung Hải và quậy dữ dội nhưng ngắn ngủi trong thế giới sử Tây phương. Hoàng đế Ba Tư Darius xông về phía tây để trừng phạt người Hy Lạp. Tôi nói “trừng phạt”, không nói “xâm lăng” hoặc “chinh phục,” bởi vì theo quan điểm Ba Tư cái gọi là Chiến tranh Ba Tư không phải là trận đụng độ có tầm ảnh hưởng nào đó giữa hai nền văn minh. Ba Tư xem người Hy Lạp như các cư dân sơ khai của một vài thành phố nhỏ trên bờ tây xa mút của thế giới văn minh, những thành phố ngầm hiểu là thuộc về Ba Tư, cho dù họ ở quá xa để có thể cai trị trực tiếp. Hoàng đế Darius muốn người Hy Lạp chỉ cần khẳng định mình là thần dân của ông ta bằng cách mang đến cho mình một bình nước và một hộp đất cát như hàng triều cống tượng trưng. Người Hy Lạp từ chối. Darius tập họp quân đội để dạy cho người Hy Lạp một bài học mà họ không bao giờ quên, nhưng ngay kích cỡ của quân đoàn vừa là một lợi thế vừa là một trở ngại: Làm thế nào bạn có thể điều động quá nhiều người qua một khoảng đường xa như thế? Làm sao tiếp tế liên tục cho họ? Darius không biết nguyên tắc đầu tiên của chiến lược quân sự: không nên chiến đấu trên bộ ở châu Âu. Cuối cùng, chính người Hy Lạp đã dạy cho người Ba Tư một bài học không thể nào quên – một bài học mà họ nhanh chóng quên đi không đến một thế hệ sau đó, đứa con trai tối dạ Xerxes của Darius quyết tâm rửa hận cho cha mình bằng cách lặp lại lỗi lầm của vua cha. Xerxes, cũng vậy, khập khiễng chạy về nhà, và đó là đoạn kết của cuộc phiêu lưu Âu châu của Ba Tư.

Tuy nhiên, nó không kết thúc ở đó. Khoảng 150 năm sau, Alexander Đại Đế đánh trận theo một cách khác. Chúng ta thường nghe nói Alexander Đại Đế chinh phục thế giới, nhưng những gì ông thực sự chinh phục là Ba Tư, nước đã chinh phục “thế giới.”

Với Alexander, câu chuyện Địa Trung Hải hùng hỗ xông vào câu chuyện Trung Thế Giới. Alexander mơ ước hoà lẫn hai thế giới làm một: mơ ước thống nhất châu Âu và châu Á. Ông đang dự tính định vị kinh đô mình tại Babylon. Alexander cắt sâu và tạo ra một dấu vết. Ông xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và truyện kể Ba Tư, khoác cho ông phẩm chất anh hùng quá cỡ, mặc dù không phải toàn là tích cực (cũng không hoàn toàn xấu ác). Một số thành phố trong thế giới Hồi giáo được đặt theo tên ông. Alexandria là một ví dụ lộ liễu, nhưng kín đáo hơn là Kandahar – giờ vẫn còn nổi tiếng vì Taliban chọn nó làm thủ đô của mình. Kandahar tên gốc gọi là “Iskandar,” là cách phát âm từ “Alexander” ở phương Đông, nhưng âm “Is” bị bỏ đi, và “Kandar” làm mềm đi thành “Kandahar.”

Nhưng vết cắt mà Alexander tạo ra đã lành lặn, đã lên da non, và sức tác động của 11 năm của ông ở châu Á đã phai nhạt. Một đêm tại Babylon ông đột ngột qua đời, có lẽ vì cúm, sốt rét, say xỉn, hoặc bị đầu độc, không ai biết. Ông đã bố trí các tướng lĩnh của mình tại các bộ phận khác nhau trên lãnh thổ ông đã chinh phục, và sau khi ông chết, các tướng lĩnh dạn dày nhất chiếm lấy phần đất mình đang cai quản, lập ra các vương quốc kiểu Hy Lạp kéo dài một vài thế kỷ nữa. Chẳng hạn, ở vương quốc Bactria (giờ là bắc Afghanistan) các nghệ sĩ tạo nên những điêu khắc dáng vẻ Hy Lạp; sau này, khi các ảnh hưởng Phật giáo xâm nhập vào miền bắc từ Ấn Độ, hai phong cách nghệ thuật hòa nhập, kết quả là ra đời nghệ thuật Hy Lạp-Phật giáo như giờ ta đã biết.

Tuy nhiên, cuối cùng các vương quốc đó suy yếu đi, ảnh hưởng Hy Lạp phai nhạt, ngôn ngữ Hy Lạp không còn được sử dụng tại đây, và Ba Tư từ lớp ngầm lại trồi lên. Một đế chế khác tiến lên chiếm gần như cùng vùng lãnh thổ của Ba Tư cổ đại (mặc dù không lớn bằng). Các vị vua mới xưng mình là người Parthia, và họ là các chiến binh khủng. Người Parthia đánh với La Mã khiến họ phải dừng chân, ngăn cản họ mở rộng về phía đông. Quân đội họ là người đầu tiên bổ sung lực lượng kỵ sĩ mặc áo giáp toàn thân cưỡi trên lưng các chiến mã cũng mang giáp, không khác với kỵ sĩ thời phong kiến Âu châu. Những kỵ sĩ Parthia này giống như các lâu đài đi động. Nhưng lâu dài di động thì cồng kềnh, vì thế quân Parthia cũng có thêm một lữ đoàn kỵ binh khác, y phục nhẹ cưỡi ngựa trần. Một chiến thuật tác chiến họ thường áp dụng là kỵ binh nhẹ đôi khi giả vờ tháo chạy; giữa lúc giao chiến đang nóng rát, họ thình lình quay đầu và chạy đi. Quân địch thấy vậy rời bỏ đội hình và truy đuổi, vừa chạy vừa hò hét. Bất ngờ quân Parthia hồi mã và bắn tên như mưa vào đám hỗn quân náo loạn, tiêu diệt chúng trong phút chốc.

Người Parthia xuất thân là dân du mục săn bắn và chăn thả từ vùng núi đông bắc Ba Tư, nhưng một khi họ đã chiếm đoạt bộ khung của Đế chế Ba Tư cũ, họ trở thành, vì những lý do thực tiễn, người Ba Tư. Đế chế này kéo dài hàng thế kỷ mà không để lại nhiều dấu tích, vì họ ít quan tâm đến nghệ thuật và văn hóa, và các lâu đài di động được tái chế để lấy kim loại tái sử dụng một khi các chiến binh bên trong chúng lìa đời.

Tuy nhiên, trong khi họ tại vị, người Parthia bảo vệ và xúc tiến mậu dịch, và những đoàn xe hàng di chuyển tự do bên trong lãnh thổ của họ. Kinh đô Parthia được người Hy Lạp biết dưới tên Hecatompylos, “100 cổng”, vì có quá nhiều tuyến đường hội tụ về đó. Trong cửa hiệu ở các thành phố Parthia, bạn chắc chắn nghe được những tin đồn thổi từ khắp khu vực trên đế chế và xã hội mà nó tiếp giáp: các vương quốc Hy Lạp-Phật giáo ở phía đông, Ấn giáo ở phía nam, Trung Quốc tận phía đông xa xôi, các vương quốc Hy Lạp (Seleucid) đang suy yếu ở phía tây, và người Armenia ở phía bắc … Người Parthia ít giao lưu xã hội với người La Mã, trừ khi đánh nhau được kể là giao lưu. Dòng máu văn minh biến người Parthia thành Ba Tư không chảy xuyên qua biên giới, và vì vậy một lần nữa thế giới Địa Trung Hải và Trung Thế Giới tách rời nhau.

Khoảng thời gian người Parthia bắt đầu trỗi dậy, lần đầu tiên Trung Quốc thống nhất. Thật ra, những năm vinh quang của triều đại nhà Hán gần như trùng hợp với thời kỳ người Parthia thống trị. Ở phương Tây, người La Mã bắt đầu bành trướng gần với thời kỳ bắt đầu kỷ nguyên Parthia. Ngay lúc La Mã đánh bại Carthage lần đầu tiên, người Parthia đang chiếm Babylonia. Ngay khi Julius Caesar xâu xé xứ Gaul, quyền lực người Parthia lên đến đỉnh cao tại Trung Thế Giới. Vào năm 53 TCN người Parthia đè bẹp người La Mã trong một trận đánh, bắt sống 34,000 lính viễn chinh La Mã và giết chết Crassus, người cùng với Caesar và Pompey, đã từng là đồng trị vì La Mã. 30 năm sau, người Parthia đánh bại Mark Anthony tan tác và thiết lập Sông Euphrates làm biên giới giữa hai đế chế. Người Parthia vẫn còn bành trướng về hướng đông khi Christ ra đời. Việc truyền bá đạo Cơ đốc không được người Parthia chú ý lắm, vì họ ưu ái đạo Zoroaster hơn. Khi các nhà truyền đạo Cơ đốc bắt đầu lẻ tẻ đi về hướng đông, người Parthia vẫn để họ vào; họ không quan tâm nhiều đến tôn giáo, cách này hay cách khác.

Người Parthia luôn hoạt động theo một chế độ phong kiến, với quyền lực được phân bổ xuống qua nhiều tầng lãnh chúa. Theo thời gian, quyền lực hoàng chế rò rỉ qua chế độ phong kiến càng ngày càng phân mảnh này. Vào thế kỷ thứ 3 theo CN, một cuộc nổi dậy ở tỉnh lỵ lật đổ đời vua cuối cùng của Parthia và triều đại Sassanid được thành lập, và nó nhanh chóng bành trướng và chiếm tất cả lãnh thổ của Parthia trước đây và ngoài ra thêm một chút nữa. Triều đại Sassanid không thay đổi chiều hướng biến đổi văn hóa; họ chỉ tổ chức đế chế hiệu quả hơn, bôi xoá những dấu vết cuối cùng của ảnh hưởng Hy Lạp, và hoàn tất việc phục hồi lớp áo Ba Tư. Họ xây dựng những công trình kiến trúc hoành tráng, những tòa nhà đồ sộ, và những thành phố bề thế. Đạo Zoroaster lại trỗi dậy hùng tráng – lửa và tro tàn, ánh sáng và bóng tối, Ahura Mazda và Ahriman: đó là quốc giáo. Các thầy tu Phật giáo từ Afghanistan đã lang thang về hướng tây, rao giảng Phật pháp, nhưng hạt mầm họ gieo xuống không nảy mầm trên mảnh đất đạo Zoroaster của Ba Tư, vì thế họ quay sang phía đông, và kết quả là đạo Phật truyền đến Đông Nam Á và Trung Quốc nhưng không đến châu Âu. Vô số câu chuyện và truyền thuyết Ba Tư các thời đại sau đi ngược lại đến thời kỳ Sassanid này. Vị vua vĩ đại nhất của triều đại Sassanid, Khusrow Anushervan, được các diễn giả Ba Tư nhớ đến như là hình mẫu một vị minh quân, có thể so sánh với Kay Khosrow, vị vua thứ ba thuộc triều đại thứ nhất huyền thoại của Iran, từa tựa nhân vật Arthur với các hiệp sĩ bàn tròn trong truyền thuyết Anh.

Trong khi đó Đế chế La Mã đang tan rã. Vào năm 293, hoàng đế Diocletian chia đế chế làm bốn phần để dễ điều hành: nó đã phồng to quá mức và quá cồng kềnh để có thể điều hành từ một trung tâm duy nhất. Nhưng cải cách của Diocletian kết thúc bằng việc chia tách đế chế ra làm hai. Hoá ra của cải đều tập trung ở phương đông, nên phần phía tây của Đế chế La Mã bị rệu rã. Khi các bộ tộc du cư Đức tràn vào đế chế phương Tây, các dịch vụ công tắt nghẽn, luật pháp và trật tự đảo lộn, và mậu dịch suy sụp. Trường học đóng cửa, người châu Âu không còn đọc hay viết nhiều nữa, và châu Âu chìm vào cái gọi là Thời đại Tối Tăm. Các thành phố La Mã tại những vùng như Đức, Pháp, và Anh rơi vào cảnh hoang tàn, và xã hội rút lại chỉ gồm giới nông nô, chiến binh và tu sĩ. Định chế duy nhất gắn kết các địa phương tạp nham lại với nhau là Cơ đốc giáo, được giám mục La Mã neo giữ, sớm xưng danh là giáo hoàng.

Phần phía đông của Đế chế La Mã, đặt tổng hành dinh ở  Constantinople, tiếp tục lay lắt. Các địa phương còn gọi thực thể này là La Mã nhưng đối với các sử gia sau này nó dường như là một điều gì mới mẻ, quá  hoài niệm đến nỗi họ cho nó một tên mới: Đế chế Byzantine.

Cơ đốc Chính thống giáo được tập trung ở đây. Không như Cơ đốc Tây phương, giáo hội này không có nhân vật giáo hoàng. Mỗi thành phố với số giáo dân Cơ đốc khá lớn có riêng giám mục đứng đầu của mình, và mọi giám mục được xem như ngang hàng, mặc dù giám mục chóp bu ở Constantinople có vai vế hơn tất cả. Tuy nhiên, đứng trên tất cả họ là hoàng đế. Kiến thức, kỹ thuật, và hoạt động trí tuệ Tây phương chuyển giao đến Byzantium. Tại đây, các tác giả và nghệ sĩ tiếp tục sáng tác sách, tranh, và những sản phẩm khác, vậy mà một khi đông La Mã trở thành Đế chế Byzantine nhiều hay ít nó đã ra khỏi lịch sử Tây phương.

Nhiều người tranh luận về phát biểu này – Đế chế Byzantine là đế chế Cơ đốc, suy cho cùng. Thần dân của nó nói tiếng Hy Lạp, và các triết gia của nó … vâng, chúng ta đừng nói quá nhiều về các triết gia của nó. Gần như mọi người Tây phương có học thức đều biết về Socrates, Plato, và Aristotle, ấy là chưa kể Sophocles, Virgil, Tacitus, Pericles, Alexander xứ Macedon, Julius Caesar, Augustus, và nhiều người khác; nhưng không kể các học giả chuyên ngành lịch sử Byzantine, ít ai có thể nêu ra được tên 3 triết gia Byzantine, hoặc 2 thi sĩ Byzantine, hoặc 1 hoàng đế Byzantine sau đời Justinian. Đế chế Byzantine kéo dài gần 1000 năm, nhưng ít ai có thể nêu ra được 5 sự kiện xảy ra trong đế chế trong thời gian đó.

So sánh với La Mã cổ đại, Đế chế Byzantine không nắm nhiều ảnh hưởng, nhưng trong vùng lãnh thổ của mình nó là một siêu cường, chủ yếu vì nó không có đối thủ và vì kinh thành Constantinople với tường thành bao quanh của nó ắt hẳn là thành phố bất khả xâm phạm nhất mà thế giới từng biết. Vào giữa thế kỷ 6, người Byzantine cai trị hầu hết vùng Tiểu Á và một số miền mà hiện nay ta gọi là đông Âu. Họ đương đầu với Ba Tư triều đại Sassanid, cũng là siêu cường trong vùng. Người Sassanid cai trị một vạt đất kéo dài về phía đông đến chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Giữa hai đế chế là một dải lãnh thổ bị tranh chấp, những vùng đất chạy dọc bờ biển Địa Trung Hải, nơi hai thế giới gối lên nhau và nơi các vụ tranh chấp là đặc hữu. Về phía nam, trong bóng tối của cả hai đế chế to lớn, toạ lạc Bán đảo Ả Rập, nơi cư trú của nhiều bộ tộc tự trị. Đó là cấu hình chính trị của Trung Thế Giới ngay trước khi đạo Hồi ra đời.

2

1 thoughts on “Vận mệnh đứt đoạn: Lịch Sử Thế Giới Qua Mắt Người Hồi Giáo- Bài 1

  1. Pingback: Thế giới trong mắt ai | DẠY VÀ HỌC

Bình luận về bài viết này