Thảm sát 1965 tại Indonesia – Ai phải nói lời xin lỗi?

77

Cuộc đại thảm sát kinh hoàng tại Indonesia kéo dài suốt 2 năm (1965 – 1966), được mở đầu bằng cuộc chính biến bất thành của những người thân cộng đúng ngày này cách đây tròn 50 năm (30/9/1965) là một trong những tội ác chống nhân loại đáng ghê tởm mà con người đã phạm phải trong thế kỷ 20. Bộ phận dân chúng theo Đạo Hồi tại nước này là thủ phạm gây ra các vụ giết người này với sự dung túng, khuyến khích của quân đội Indonesia. Và ở một số nơi pháp luật không được kiểm soát, quân đội cũng núp bóng người dân hoặc thậm chí công khai tham gia vào các vụ giết người tàn bạo và đáng xấu hổ này.

Do bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, dư luận Việt Nam lâu nay thường quy cho Tướng Suharto là tội đồ của cuộc thảm sát, nhưng nếu phân tích cho hết thì có thể thấy sự kiện này do một chuỗi các nguyên nhân gây ra.

Đó là chính sách của Sukarno cố gắng xây dựng thiết chế chính trị dựa trên 3 lực lượng là Quốc Gia, Tôn Giáo và Cộng sản với tên gọi là NASAKOM (chữ tắt của ba chữ Nasionalism, Agama, và Komunism) .

Thành phần đại diện cho lực lượng được gọi là “Quốc gia” trong NASAKOM chủ yếu là quân đội, thế lực được tôn là khai quốc công thần của nền độc lập Indonesia.

Nhưng cả 3 thế lực trên đều thuộc loại “tinh tướng” cả:

– (1) quân đội thì có sức mạnh quân sự là vũ khí sẵn trong tay, lại có ảnh hưởng chính trị rất lớn vì họ là những người hùng trong cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Hà Lan, và cũng đã từng tham gia các cuộc tiễu trừ những người cộng sản khi đảng CS Indonesia còn hoạt động bất hợp pháp trước đó,

(2) Đạo Hồi có sức ảnh hưởng mạnh và sâu rộng trong dân chúng khi hơn 90% dân số của nước này theo Đạo Hồi, còn

(3) đảng CS Indonesia với hàng triệu đảng viên, là một trong những đảng cộng sản hùng mạnh nhất trong khu vực và trên thế giới lúc đó, lại đang đòi có lực lượng vũ trang riêng, có kế hoạch “vũ trang toàn dân” (một cách gọi của những người cộng sản để chỉ việc trang bị vũ khí cho các đội quân của riêng họ), có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nước Trung Hoa cộng sản đang có nhiều tham vọng và lại được sự dung túng của tổng thống Sukarno.

Trong 3 lực lượng ấy thì 2 lực lượng dễ thỏa hiệp với nhau, đó là Quân đội và Hồi giáo – trong thực tế 2 lực lượng này gần như là một vì quân đội cũng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mà nhân dân thì đa phần lại theo đạo Hồi, có thể được coi là quốc đạo ở Indonesia. Và 2 lực lượng này coi những người cộng sản là không thể đội trời chung, huống chi là để cùng chia sẻ quyền lực.

Nên nhớ rằng ngoài quân đội Indonesia và các đảng viên cộng sản được trang bị vũ thì những người theo Đạo Hồi cũng có các lực lượng dân quân riêng của họ. Đặt thể chế của nhà nước trên một nền tảng chính trị đầy những bất trắc và mâu thuẫn đối kháng, với toàn những “thứ dữ” sẵn sàng chơi “hàng nóng” như thế mà không dẫn đến một biến loạn đầy máu và nước mắt thì mới là điều lạ.

Vấn đề chỉ là cuộc biến loạn ấy sẽ xảy ra khi nào và với kịch bản nào?

Và cuộc chính biến ngày 30/9/1965 như chúng ta đã biết là kịch bản mà lịch sử đã chọn cho Indonesia.

Cuộc đảo chính của phe thân cộng xảy ra vào ngày 30/9/1965 cùng với việc lực lượng tham gia đảo chính giết hại một số tướng lĩnh và cả thành viên trong gia đình họ một cách hết sức tàn độc và dã man đã được Tướng Suharto lợi dụng để kích động một tinh thần căm thù cộng sản trong dân chúng Indonesia mà phần đông là Hồi giáo, để tạo nên một cơn điên giết người trên khắp lãnh thổ Indonesia mà hậu quả là khoảng nửa triệu người, trong đó có nơi có những người trong cả một làng hay toàn bộ thành viên trong một gia đình bị giết hại dã man.

Tất nhiên, Suharto là thủ phạm trực tiếp đã kích động và dung túng cho cuộc thảm sát ấy. Nhưng về sâu xa, chính sai lầm về chính trị của tổng thống Sukarno, cha đẻ của chính sách NASAKOM chết người mới là nguồn gốc của tấn thảm kịch .

Bao lâu nay ở Việt Nam, những thông tin về số phận của ông Sukarno sau cuộc đảo chính bất thành này rất ít ỏi và có gì đó mập mờ, không rõ ràng, dường như muốn hướng người đọc, người nghe tin rằng Sukarno là nạn nhân của sự kiện này, rằng ông đã bị Tướng Suharto lật đổ và tiếm quyền.

Nhưng sự phát triển của internet hiện nay cho phép tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa chiều, khách quan và đầy đủ hơn đã cho thấy nhận định trên chưa hẳn là đã chính xác.

Thực tế là ông Sukarno vẫn còn yên vị tại cương vị tổng thổng Indonesia thêm 2 năm nữa kể từ sau sự kiện ngày 30/9/1965. Trong 2 năm ấy, đúng là ông không nắm quyền hành gì trong thực tế và để mặc cho Tướng Suharto “dẹp loạn” bằng cách dung túng và cổ vũ cho các vụ giết người. Nhưng thử hỏi, khi cái nền móng NASAKOM mà ông đánh cược số phận chính trị của mình lên đó đã bị nứt toác và vỡ vụn tan tành thì việc chỉ cần giữ được mạng sống có phải đã là một điều may mắn đối với ông?

Nhưng ông còn vạn lần may mắn hơn thế khi không những vẫn bảo toàn được mạng sống mà còn được ngồi chơi với đúng nghĩa của từ này trên cương vị tổng thống thêm 2 năm nữa. Nhưng ông cũng không phải “ngồi chơi xơi nước” như có người đã lầm tưởng lâu nay. Những thông tin dễ dàng tiếp cận được bây giờ cho thấy là ông đã ngồi chơi và hưởng lạc trong dinh tổng thống nguy nga, kể cả vui vầy với những mỹ nữ trẻ đẹp trong khi nửa triệu đồng bào của ông bị giết hại trên khắp đất nước, trong đó đa số là những người cộng sản, cũng là đồng minh thân thiết với ông một thời.

Ông vẫn còn “ngồi chơi hưởng lạc” như thế cho đến tháng 3 năm 1967, khi hàng vạn học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình đòi ông phải từ chức. Chỉ đến khi đó ông mới bị buộc phải rời bỏ chức vụ để chính thức nhường chỗ cho Tướng Suharto, người trong rất nhiều năm sau đó tiếp tục mang tai họa đến cho đất nước và nhân dân Indonesia bằng một chế độ độc tài quân sự hà khắc và đầy tham nhũng.

Sự kiện ngày 30/9/1965 như là một giọt nước tràn làm tung tóe ra các mâu thuẫn đã tích tụ giữa các thế lực chính trị không đội trời chung nhưng đã bị nhốt chung trong cùng một cái chuồng chật chội mang tên NASAKOM trong một thời gian đủ để làm cho tất cả họ không thể chịu đựng được lâu hơn nữa. Như người ta đã thấy, cuộc đảo chính đã nổ ra rồi thất bại và kết quả là có cuộc tắm máu những người cộng sản, và không tránh khỏi việc hàng ngàn người khác bị chết oan theo. Nhưng trong tình huống nước đã sôi, lửa đã bỏng như vậy thì thử đặt ra giả thiết nếu những người cộng sản Indonesia giành được thắng lợi từ cuộc đảo chính đó thì liệu có xảy ra một cuộc tắm máu khác với mức độ ít tàn bạo và ít khốc liệt hơn ở nước này không, và liệu ông Sukarno có bảo toàn được mạng sống dưới một thể chế mà người cộng sản đã làm chủ được “cuộc chơi” hay không, chứ không nói là tiếp tục không những được “ngồi chơi” mà còn hưởng lạc ở cương vị tổng thống Indonesia thêm 2 năm nữa?

Câu trả lời xin giành cho các bạn.

Nhưng người Indonesia ngày nay dường như không muốn đặt thêm những câu hỏi với chữ “nếu” như thế nữa. Và có thể vì thế mà họ cũng muốn thể tất cho những kẻ dù cố tình hay vô tình gây nên tấn thảm kịch đáng xẩu hổ này, trong đó có tên tuổi của cả những vị khai quốc cống thần, cha đẻ của nền độc lập của nước Cộng hòa Indonesia như ông Sukarno. Có lẽ vì thế mà đại đa số nhân dân Indonesia ngày nay đang xây dựng một xã hội dân chủ có lý do chính đáng để không đòi chính phủ hiện tại của họ phải xin lỗi về cuộc thảm sát cách đây 50 năm ấy.

Vì những kẻ đầu sỏ phải xin lỗi, trong đó có cả 2 ông Suharto và Sukarno, thì đã chết rồi còn đâu. Đó là còn chưa nói đến cái ông lãnh tụ cộng sản Aidit – giá như ông ta không có âm mưu loại bỏ các đối thủ chính trị bằng cái kế hoạch “vũ trang toàn dân” thực chất là vũ trang cho toàn đảng của ông để hòng cướp chính quyền, giá như ông ta không có tham vọng làm một cuộc cách mạng xã hội kiểu Mao Trạch Đông trên một đất nước có hơn 90% dân chúng là các tín đồ của Thánh Ala, giá như…, giá như… nhưng mà thôi, vì ông ta cũng đã chết rồi…

————————————————–

Hà Hiền

30/9/2015

https://hahien.wordpress.com/…/nhan-ky-niem-50-nam…/ 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s