Cuộc chiến tranh khốc liệt Iran- Iraq 1980-1988

23

Cuộc chiến tranh kéo dài giữa hai nước Trung Đông láng giềng Iran và Iraq trong thập niên 1980 đã khiến ít nhất nửa triệu người thương vong. Thiệt hại về vật chất lên tới vài trăm tỷ USD. Nhưng không bên nào thu được lợi lộc thực sự trong cuộc chiến này. Chiến tranh Iran-Iraq kéo dài từ tháng 9/1980 đến tháng 8/1988, thường được gọi là Chiến tranh Vùng Vịnh cho tới khi xảy ra cuộc xung đột Iraq-Kuwait (1990-1991), và từ đó mang tên Chiến tranh Vùng Vịnh lần I.

Chiến tranh bắt đầu khi Iraq xua quân xâm lược Iran ngày 22/9/1980 sau một thời gian dài tranh chấp biên giới. Cuộc chiến do Tổng thống Iraq Saddam Hussein phát động. Không cảnh báo chính thức, quân đội Iraq dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Saddam Hussein phát động tấn công bằng không quân, tiếp đến là lục quân vào lãnh thổ Iran. Mục tiêu Iraq nhắm đến là các căn cứ của ngành công nghiệp dầu mỏ và các tàu thương mại của Iran.

Trong cuộc chiến này đã xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, vũ khí hóa học (trên quy mô lớn) và các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu của nước thứ 3 ở vịnh Persian. Quân đội Iran đã có những cuộc phản công quy mô lớn, giáng trả mạnh mẽ vào các cơ sở dầu mỏ và tàu chở dầu của Iraq, đồng thời rải mìn ở Vịnh Ba Tư.

Tuy có được yếu tố bất ngờ và lực lượng vượt trội (21 sư đoàn chính quy so với 13 sư đoàn của Iran), thế nhưng tới năm 1981, cuộc tấn công của Iraq dần bị đẩy lùi. Hai bên sử dụng các loại vũ khí đại diện cho hai cường quốc đối nghịch. Cụ thể, Quân đội Iraq sử dụng chủ yếu hệ vũ khí Liên Xô trong khi Iran lại dùng vũ khí Mỹ. Việc bị đẩy lùi từ đầu năm 1981 và chuyển dần vào thế phòng thủ đã khiến binh lính Iraq dần mất đi tinh thần.

Sau khi đánh mất hầu hết các lãnh thổ mà họ giành được vào tháng 5/1982 (khi Iran tái chiếm được Khorramshahr), Saddam Hussein đã có phản ứng chiến lược là tuyên bố đơn phương ngừng bắn (vào ngày 10/6/1982) và đề nghị Iran ngừng bắn với cái cớ hai bên cần hợp tác giúp Palestine chống Israel xâm lược Lebanon.

Tưởng như cuộc chiến tranh tới đây là kết thúc và các binh lính sắp được về nhà, thế nhưng nhà lãnh đạo Khomeini đã không đồng ý chấm dứt cuộc chiến. Ngày 22/6/1982, Tổng tư lệnh Quân đội Iran tướng Shirazi tuyên bố “tiếp tục đánh cho đến khi lật đổ chế độ Saddam Hussein để chúng ta có thể cầu nguyện ở Karbala và Jerusalem”.

Quân đội Iraq thì sử dụng chiến thuật đào hào, lập các trận địa pháo dày đặc phòng thủ, trong khi Quân đội Iran dùng chiến thuật biển người phối hợp với ưu thế máy bay và xe tăng.

Tuy nhiên, ưu thế vượt trội của lực lượng phòng thủ Iraq khiến hàng chục nghìn binh sĩ Iran thiệt mạng trong hầu hết các chiến dịch sau năm 1982, và lực lượng phòng thủ Iraq vẫn giữ được hầu hết các vị trí. Trong cuộc tấn công Basra năm 1982, năm cuộc tấn công biển người đã bị chặn lại bởi hỏa lực của Iraq. Các binh sĩ trẻ của Iran thiệt hại rất nhiều, đặc biệt khi họ tình nguyện lao ra chiến trường mà không hề có kinh nghiệm, chỉ để dọn đường cho các chiến binh Iran phía sau. Người Iran cũng bị thiệt hại lớn bởi các vũ khí hóa học và hơi cay do phía Iraq sử dụng.

Dù thất bại nặng nề, thế nhưng nhà lãnh đạo Iran Khomeini vẫn không thay đổi lập trường và vẫn yêu cầu quân đội của ông tấn công dữ dội Iraq. Lúc đó ông ta ra lệnh cho các đơn vị quân đội Iraq rút về biên giới. Nhưng Iran bác bỏ lệnh ngừng bắn này, yêu cầu Iraq phải loại bỏ Tổng thống Saddam Hussein và đền bù thiệt hại chiến tranh.

Khi Iraq từ chối yêu sách này, Iran mở cuộc tiến công vào lãnh thổ Iraq, bằng chiến dịch Ramadan vào ngày 13/7/1982, mở đầu các nỗ lực đánh chiếm thành phố Basra của Iraq. Đỉnh điểm khốc liệt là năm 1982, hai nước đã cho máy bay oanh tạc các mục tiêu kinh tế, quân sự và công trình kiến trúc ở các thành phố nằm sâu trong lãnh thổ của nhau.

Từ đó cho tới năm 1985, hai bên tổ chức cuộc tấn công quy mô nhưng hầu như đều không mang lại ưu thế rõ rệt nào. Cuối năm 1985, Iraq quay sang sử dụng các cuộc không kích dữ dội vào thành phố lớn của Iran bằng máy bay ném bom và đặc biệt là tên lửa đạn đạo Scud. Tổng cộng, Iraq đã bắn 520 tên lửa Scud và Al-Hussein (phiên bản của Scud do Iraq chế tạo).

Phía Iran cũng phản cộng bằng 177 quả Scud mua được từ Triều Tiên. Năm 1987, Iran tiếp tục mở cuộc tấn công dữ dội vào miền bắc và miền Nam Iran và giành được một ít thắng lợi nhưng không thể giữ được lâu.

Chiến tranh Iran – Iraq còn sử dụng nhiều chiến thuật thời Thế chiến 1 như đào đắp công sự, tháp súng máy, lưỡi lê và tấn công biển người. Phía Iraq còn sử dụng rộng rãi vũ khí hóa học chống lại kẻ thù. Mặc dù Iraq bị rơi vào thế phòng ngự chiến lược, Iran không thể khôi phục lại lực lượng thiết giáp hiệu quả và không thể thọc sâu qua biên giới Iraq để đạt được hiệu quả quyết định.

Vào năm 1988, Iran đã trở nên nản chí do phát động nhiều cuộc tấn công “cuối cùng” trong nhiều năm mà không đạt được mục đích, do viễn cảnh thương vong bất tận, và do suy giảm năng lực nhập hàng hóa dân sự lẫn quân sự, cũng như do các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq nhằm vào thủ đô Tehran của Iran.

Một yếu tố giúp chiến tranh kết thúc là Iraq đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng 4/1988. Được sự hỗ trợ của các nước Ảrập, Iraq tiếp tục đứng vững trong khi Iran chịu thiệt hại nặng nề cả về nhân lực lẫn vật lực, buộc phải chấp nhận nghị quyết đình chiến do Liên Hợp Quốc đưa ra.

Khi đó Iraq đã giữ gìn lực lượng trong thời gian dài và đã cơ giới hóa lực lượng của họ để ngăn ngừa tình trạng ngại đối mặt với hỏa lực đối phương. Cuộc chiến chấm dứt vào tháng 7/1988 với nghị quyết 598 của Liên Hợp Quốc. Ngày 20/8/1988, cuộc chiến kết thúc.

Trong 8 năm từ khi Iraq chính thức tuyên chiến vào ngày 22/9/1980 đến khi Iran chấp nhận ngừng bắn vào ngày 20/7/1988. Các bên đã chi trực tiếp khoảng 228 tỷ USD cho cuộc chiến và chịu thiệt hại lên tới hơn 400 tỷ USD, chủ yếu do pháo kích. Số người chết và bị thương lên tới hơn 1,5 triệu, chưa kể hàng triệu người khác rơi vào cảnh nghèo đói, tàn phế, bệnh tật và mất nhà cửa.

Iraq còn bị thiệt ở chỗ: Họ từng khiến Iran công nhận chủ quyền của Iraq đối với sông Shatt-el-Arab (nơi các con sông Tigris và Euphrates nhập làm một), nhưng sau chiến tranh, vào năm 1988 Tổng thống Saddam Hussein nhượng lại sông Shatt-el-Arab này để đổi lấy sự trung lập của Iran trước khi diễn ra Chiến tranh Vùng Vịnh vào năm 1991.

Có 3 điều tạo nên nét khác biệt của Chiến tranh Iran-Iraq: Trước tiên, nó kéo dài hơn cả hai cuộc thế chiến. Nguyên nhân là vì Iran không muốn chấm dứt chiến tranh, còn Iraq thì không thể. Thứ hai, cuộc chiến này là cực kỳ bất đối xứng về phương tiện mà mỗi bên sử dụng. Mặc dù cả hai nước đều xuất khẩu dầu và nhập vũ khí của nước ngoài, trên thực tế Iraq được hỗ trợ nhiều hơn, được Kuwait và Saudi Arabia hậu thuẫn, giúp họ mua được vũ khí hiện đại ở quy mô lớn hơn Iran rất nhiều. Thứ ba, có 3 phương thức chiến tranh mới chưa từng có trong các cuộc chiến trước đó, tính từ năm 1945: 1- hai bên phóng tên lửa đạn đạo vô tội vạ vào các thành phố của nhau (nhưng Iraq phóng nhiều hơn hẳn); 2- Iraq sử dụng chủ yếu máy bay có người lái với tên lửa chống hạm để tấn công các tàu chở dầu từ các cảng của Iran; 3- Iran sử dụng thủy lôi, pháo hạm, tên lửa phóng từ bờ, và máy bay trực thăng để tấn công các tàu chở dầu xuất phát từ các cảng của các nước Arab hậu thuẫn cho Iraq.

Saddam Hussein đã tính toán lầm khi tấn công Iran: 1- Iran lúc đó là một đất nước vừa trải qua cách mạng Hồi giáo, chế độ chính trị của nước này đã được củng cố đầy khí thế bằng một cuộc chiến tranh “ái quốc” kéo dài. 2- Ở cấp chiến lược, lãnh thổ Iran có chiều sâu chiến lược mà Iraq khó có thể đâm xuyên bằng một cuộc xâm lược bất ngờ

. Do vậy, cho đến tận những tháng cuối cùng của cuộc chiến 8 năm này, Iraq đã bị đẩy vào thế phòng ngự chiến lược, phải đối mặt với các cuộc tấn công của Iran vào nơi này nơi kia, hết năm này qua năm khác.

Nước Iran cách mạng khi ấy gặp nhiều giới hạn về phương tiện tiến công chiến thuật. Khi đó Mỹ đã ngừng cung cấp hàng hóa cho quân đội Iran. Iran cũng mất các sĩ quan thời Quốc vương Iran – những sĩ quan này đã bị tống giam, giết hoặc đào tẩu ra nước ngoài (sau Cách mạng Hồi giáo 1979). Iran không thể khôi phục lực lượng thiết giáp và lực lượng không quân như trước đó. Các đơn vị lục quân và vệ binh Pasdaran của Iran chỉ có thể mở các cuộc tấn công bộ binh được hỗ trợ bằng hỏa lực pháo binh mạnh.

Iran tận dụng lợi thế tinh thần và dân số (40 triệu dân Iran so với 13 triệu dân Iraq). Mặc dù bộ binh Iran thỉnh thoảng có thể xâm nhập qua tuyến phòng ngự của Iraq, họ vẫn không thể tiến sâu vào trong lãnh thổ Iraq để giành chiến thắng quyết định.

Tháng 4/1988, Quân đội Iraq tập hợp lực lượng lớn mở hàng loạt các cuộc tấn công vào các địa bàn chiến lược của Iran. Đặc biệt họ đã sử dụng cả vũ khí hóa học nhắm vào các khu vực dân cư ở Iran.

Cuộc phòng thủ thần thánh của Iran

Chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980-1988 đã vĩnh viễn thay đổi tiến trình lịch sử của Iraq, gây căng thẳng về chính trị và xã hội cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước này.

Nhìn từ góc độ lịch sử, cuộc chiến năm 1980 thực ra chỉ là một giai đoạn khác của cuộc xung đột Arab-Ba Tư cổ đại và được thổi bùng lên bởi các tranh chấp biên giới trong thế kỷ 20. Nhiều nhà quan sát cho rằng quyết định đưa quân vào Iran của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein là một tính toán cá nhân sai lầm.

Ông Saddam Hussein lo sợ rằng lãnh đạo phong trào cách mạng mới của Iran sẽ đe dọa sự cân bằng mong manh giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite ở Iraq, đồng thời lợi dụng những điểm yếu địa chiến lược của nước này.

Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Iran-Iraq tương đối rộng, bao gồm cả chia rẽ tôn giáo, tranh chấp biên giới và khác biệt về chính trị, nhưng trên hết Iraq đã phát động cuộc chiến nhằm củng cố quyền lực đang lên của mình trong thế giới Arab và để thay thế Iran trở thành nước thống trị vịnh Ba Tư.

Iraq và Iran đã đụng độ ở khu vực biên giới trong nhiều năm, làm sống lại cuộc tranh chấp con sông Shatt al Arab (người Iran gọi là Arvand Rud) năm 1979. Đây là một con sông quan trọng với ngành xuất khẩu dầu mỏ của cả hai nước.

Iraq tuyên bố con sông dài 200 km và kéo dài tới bờ biển Iran là lãnh thổ của mình, trong khi Iran khẳng định rằng theo Thỏa thuận Algiers năm 1975, Iraq đã công nhận biên giới trên Shatt al-Arab chạy dọc theo toàn bộ đường nước lớn là biên giới chính thức của họ.

Trong khi đó, người Iraq coi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran là mối đe dọa với họ. Ông Ayatollah Khomeini, người lãnh đạo cuộc Cách mạng Iran 1979, vốn “ngậm trái đắng” sau khi bị trục xuất khỏi Iraq năm 1977 sau 15 năm sống ở An Najaf, đã thề trả thù cho các nạn nhân người Shiite sống dưới chế độ đàn áp của đảng Baath cầm quyền ở Iraq.

Tuy nhiên, Iraq tự tin hơn trước chiến dịch quân sự chống Iran khi Iran gặp nhiều vấn đề: quân đội tan rã, phần lớn quan chức cấp cao nhất đều bị hành quyết; bạo loạn do tranh chấp lao động do chính tình báo Iraq kích động, phong trào nổi dậy ở khu vực người Kurd. Iran thời điểm đó không chỉ thiếu sự lãnh đạo mà lực lượng vũ trang Iran còn thiếu phụ tùng thay thế cho các trang thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất.

Các vấn đề này khiến chính phủ của ông Khomeini lâm vào thách thức nghiêm trọng. Trái lại, lúc đó, người Iraq có thể huy động tới 12 sư đoàn vũ trang đầy đủ những vũ khí tân tiến nhất của Liên Xô. Quân đội Iraq có 190.000 binh sĩ, 2.200 xe tăng và 450 máy bay. Thêm nữa, khu vực bên kia sông Arvand-Roud cũng không gây trở ngại gì lớn cho Iran. Quân đội Iraq lại còn có trang thiết bị vượt sông của Liên Xô.

Các tướng lĩnh Iraq cho rằng khu vực Iran ở bên kia sông Kharkheh và Karoun chỉ được phòng thủ mỏng, không thể đối chọi với các sư đoàn thiết giáp vũ trang tận răng của Iraq. Tình báo Iraq cũng cho biết lực lượng Iran ở Khoizestan trước đây gồm hai sư đoàn nằm ở Ahvaz và Abadan giờ chỉ còn là những đội hình nhỏ cỡ tiểu đoàn, trang bị mỏng. Điều duy nhất người Iraq không chắc chắn là khả năng chiến đấu của không quân Iran vốn có những máy bay tinh vi nhất do Mỹ chế tạo.

Về phần mình, lãnh đạo Ayatollah Ruhollah Khomeini cho rằng người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, Saudi Arabia và Kuwait có thể đi theo con đường của người Iran là nổi dậy lật đổ chính phủ và cùng lập ra một quốc gia Hồi giáo thống nhất. Ông Khomeini và những nhà cách mạng Hồi giáo Iran khác coi chủ nghĩa thế tục của ông Saddam là “phi Hồi giáo”, là “con rối của quỷ Satan”, đồng thời kêu gọi người Iraq lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein.

Từ tháng 3/1980, quan hệ giữa hai nước đi xuống nghiêm trọng. Iran đơn phương giáng cấp quan hệ ngoại giao xuống mức đại biện, rút đại sứ về nước và yêu cầu phía Iraq có hành động tương ứng.

Căng thẳng dâng cao vào tháng 4/1980, khi xảy ra vụ ám sát hụt Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Iraq Tariq Aziz và 3 ngày sau là vụ đánh bom nhằm vào đoàn tang lễ trên đường đến nghĩa trang mai táng những sinh viên thiệt mạng trong vụ tấn công trước đó. Iraq đổ lỗi cho Iran đứng sau các vụ việc trên.

Ngày 17/9/1980, trong một bài phát biểu trước quốc hội, ông Saddam Hussein nói: “Những hành động thường xuyên và rõ ràng của Iran vi phạm chủ quyền của Iraq… đã khiến cho Hiệp định Algiers 1975 không còn giá trị… Dòng sông Shatt al-Arab phải được trả lại cái tên Arab mà nó đã mang suốt chiều dài lịch sử và Iraq phải được trả lại toàn bộ các quyền chủ quyền đối với dòng sông”.

Ngày 22/9/1980, Iraq đã mở cuộc tấn công toàn diện vào Iran. Ngày 22/9/1980, một phi đội MiG-23 và MiG-21 của Iraq đã tấn công căn cứ không quân của Iran. Mục đích của họ là phá hủy lực lượng không quân của Iran ngay từ trên mặt đất. Iraq đã phá hủy đường băng, kho nhiên liệu và đạn dược, nhưng phần lớn máy bay của Iran vẫn nguyên vẹn.

Nguyên nhân là máy bay của Iran đều được bảo vệ trong các nhà chứa máy bay được gia cố đặc biệt. Chỉ trong vài giờ, máy bay F-4 Phantom của Iran đã cất cánh từ các căn cứ bị không kích, tấn công đáp trả thành công các mục tiêu chiến lược quan trọng gần các thành phố lớn của Iraq, và trở về hầu như không tổn thất gì.

Cùng thời điểm không kích các sân bay của Iran, 6 sư đoàn của Iraq đã xâm nhập vào Iran theo 3 mũi trong một cuộc tấn công bất ngờ. Iraq đã thành công bước đầu khi tiến sâu vào trong lãnh thổ Iran 8 km và chiếm được một khu vực 1.000 km2 của Iran.

Nhằm nghi binh trên mặt trận phía bắc, một sư đoàn bộ binh sơn cước cơ giới hoạt động tại vùng núi Iraq đã tràn san tấn công các đơn vị đồn trú ở Qasr-e Shirin và chiếm đóng một khu vực trải dài 30 km về hướng đông đến chân núi Zagros.

Khu vực này có ý nghĩa quan trọng chiến lược bởi vì các đường cao tốc chính nối Baghdad-Tehran đi qua đây. Ở mũi tấn công trung tâm, quân đội Iraq chiếm đóng Mehran, khu vực đồng bằng phía tây của dãy núi Zagros tại tỉnh Ilam, đồng thời tiến về phía đông đến chân núi.

Mehran là một vị trí quan trọng trên con đường chính từ bắc vào nam, gần biên giới phía Iran. Mũi tấn công chính là ở phía nam, nơi mà 5 sư đoàn thiết giáp và cơ giới đánh chiếm Khouzestan theo hai hướng, một hướng vượt qua sông Arvand-roud gần Basra, bao vây và cuối cùng là chiếm đóng Khorramshahr, còn hướng thứ hai nhằm vào Sousangerd là có Ahvaz-căn cứ quân sự chính yếu ở Khouzestan.

Được hỗ trợ bởi hỏa lực pháo binh hạng nặng, quân đội Iraq ở hướng này đã có những bước tiến nhanh chóng và đáng kể-tiến sâu gần 80 km chỉ trong vài ngày đầu tiên. Trong cuộc chiến ở Dezful thuộc Khouzestan, nơi có một căn cứ không quân lớn, chỉ huy quân đội Iran tại đây đã yêu cầu không quân hỗ trợ để không bị thất thủ. Với sự gia tăng lực lượng không quân của Iran, các bước tiến của Iraq đã phần nào bị chậm lại.

Iraq tiến hành một trận đánh chiếm lãnh thổ quy mô lớn cuối cùng vào đầu tháng 11/1980. Vào ngày mùng 3/11, lực lượng Iraq đã tiến tới Abadan nhưng bị đẩy lui. Mặc dù họ đã bao vây Abadan từ ba phía và chiếm đóng một phần của thành phố, người Iraq đã không thể vượt qua sức kháng cự mạnh mẽ tại đây; các khu vực của thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Iran và được tiếp tế bằng thuyền vào ban đêm.

Ngày 10/11, Iraq chiếm được Khorramshahr sau một cuộc chiến đẫm máu với người dân địa phương. Thương vong trong trận đánh này với cả hai bên đều rất lớn. Iraq có 6.000 binh sĩ thương vong còn con số thương vong của Iran còn cao hơn. Các cuộc tấn công chớp nhoáng của Iraq nhằm vào các lực lượng phân tán của Iran khiến nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Iraq sẽ giành chiến thắng chỉ trong vòng vài tuần.

Trong thực tế, quân đội Iraq đã nắm quyền kiểm soát sông Arvand-roud và một lãnh thổ trải dài 48 km của Iran. Về phía Iran, sức kháng cự trước quân Iraq mạnh mẽ bất ngờ nhưng lại không được tổ chức bài bản cũng như không thành công đồng đều trên tất cả các mặt trận. Iraq dễ dàng tiến vào miền bắc và miền trung, đè bẹp các cuộc kháng cự nhỏ lẻ của Vệ binh cách mạng Iran. Tuy nhiên, quân đội Iraq phải đối mặt với sức kháng cự bền bỉ tại Khouzestan.

Tổng thống Iraq Saddam Hussein tính toán rằng gần 3 triệu người Arab ở Khouzestan sẽ về phe người Iraq chống lại Iran. Nhưng ngược lại, họ tham gia vào lực lượng vũ trang của Iran và chiến đấu tại Dezful, Khorramshahr và Abadan. Chẳng bao lâu sau khi chiếm được Khorramshahr, quân đội Iraq đã bị mất thế chủ động của mình.

Về phía Iran, nước này bác bỏ đàm phán và tổ chức phòng tuyến chống lại lực lượng quân sự mạnh của Iraq. Iran không chấp nhận thất bại và từng bước tiến hành một loạt các đợt phản công vào tháng 1/1981. Tất cả các tình nguyện viên và các lực lượng vũ trang chính quy Iran luôn sẵn sàng đánh trả.

Bình luận về bài viết này