Muhammad Faruq sinh ngày 11/2/1920 trong cung điện Mùa Đông ở thành phố cảng Alexandria, con trai trưởng và là con thứ 2 của hoàng đế Ai Cập và Sudan Fuad I với hoàng hậu Nazellie. Khi Muhammad Faruq ra đời, nhà vua do rất vui mừng có người kế vị đã tổ chức ăn mừng suốt 3 ngày đêm và tấn phong ngay con trai làm Thế tử Sudan. Năm 1922, khi Fuad xưng làm Quốc vương Ai Cập, Muhammad Faruq trở thành Thái tử Ai Cập, được phong là “Hoàng thân Said”.
Khi 5 tuổi, Muhammad Faruq bắt đầu được đi học. Khi đó Ai Cập đang là bán thuộc địa của Anh, vì mong muốn con trở thành một bậc đế vương mạnh mẽ tài năng, vua cha đã gửi Muhammad Faruq sang Anh để du học từ khi 14 tuổi. Rời khỏi sự quản lý của cha, Muhammad Faruq chẳng mấy quan tâm đến chuyện học hành mà bắt đầu cuộc sống hưởng lạc buông thả, phóng đãng, suốt ngày kết bè với đám con cái quý tộc đánh bạc, đi săn và tìm gái. Trong 2 năm ở Anh, ông ta đã lần lượt thay đổi hơn 10 bạn gái mặc dù mới đang là một thiếu niên.
Tháng 5/1936, hoàng đế Fuad I đột ngột qua đời vì bạo bệnh, Muhammad Faruq được lên ngôi, trở thành Hoàng đế Faruq I khi mới 16 tuổi, nắm trong tay tài sản gồm 100 triệu USD, 200 xe hơi, 7,5 vạn mẫu đất. Năm 1938, Muhammad Faruq kết hôn cùng tiểu thư con nhà quý tộc Farida Favzira bằng một lễ cưới rất linh đình, nhưng nhà vua trẻ tuổi này vẫn không từ bỏ thói quen chơi bời phóng đãng. Ông công khai chủ trương không gò bó trong tình yêu, cho phép mình có người tình bên cạnh vợ. Ông có tới hàng trăm người tình cố định, trong đó có hơn chục ả gái đi ếm. Ngoài ra, Muhammad Faruq còn thường xuyên kinh lý trong cả nước với mục đích chính là… săn lùng gái đẹp, tệ hại nhất là chỉ thích những thiếu nữ mới hơn 10 tuổi.
Ngoài gái đẹp, Muhammad Faruq còn nổi tiếng là “Đại vị vương” (Ông vua ăn nhiều). Mỗi bữa ông có thể ngốn hết 40 con chim cút hoặc 7 đĩa cơm rang lớn, uống mấy chục chai bia. Mỗi bữa ăn của ông kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ, bữa ăn lâu nhất được ghi nhận là kéo dài 7 tiếng. Do ăn nhiều, ít vận động nên ông nặng tới gần 2 tạ. Không những thế, Muhammad Faruq còn nghiện cờ bạc, từng đánh bạc 7 giờ liền, thua mất 150 ngàn USD. Không muốn sống với ông chồng phóng đãng, tham ăn lại lăng nhăng này và bà không sinh được hoàng nam nối dõi nên đã quyết định từ bỏ ngôi hoàng hậu, kiên quyết đòi ly hôn ngày 17/11/1948.
Hoàng hậu Farida Favzira sinh được 3 con gái, 2 người đầu (sinh năm 1938 và 1940) đều lấy chồng người Thụy Sỹ và đã qua đời; người con út là Fadia sinh năm 1943, năm 1963 kết hôn với một người đàn ông Thụy Sỹ, sinh được 2 con trai, hiện đang sống ở Thụy Sỹ.
Muhammad Faruq còn có một thói xấu khác người khác là thích ăn trộm. Ông vào trong nhà tù bắt một gã trùm móc túi truyền nghề cho, sau đó phóng thích luôn gã “sư phụ” này để cảm ơn, bất chấp những lời can ngăn của các quan trong triều.
Sau khi học được ngón nghề, Muhammad Faruq tung hoành trong các buổi dạ hội hay vũ hội, trổ tài móc túi trộm cắp đồ của các nhà quý tộc để thỏa mãn thú chơi sưu tập. Các quý tộc trong giới thượng lưu không thể ngờ kẻ đạo chích chuyên thó những món đồ quý giá của mình lại chính là vị hoàng đế đáng kính.
Nhưng Muhammad Faruq cũng phải trả giá vì thói quen trộm cắp của ông. Tháng 11/1943, khi diễn ra Hội nghị Cairo với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tưởng Giới Thạch; là hoàng đế nước chủ nhà, Muhammad Faruq đã mở tiệc chiêu đãi các vị khách quý rồi thừa cơ lấy trộm chiếc đồng hồ quả quýt của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Chính phủ Anh gửi công hàm nghiêm khắc kháng nghị, Muhammad Faruq mới hoàn trả vật kỉ niệm quý này cho thủ tướng nước họ.
Sau vụ bê bối này, những tưởng Quốc vương Farouk sẽ hồi tâm chuyển ý, nhưng ông lại đích thân tới nhà tù, nơi giam giữ một đạo chích nổi tiếng để “bái hắn làm thầy”. Và nhờ những tuyệt kỹ học được từ tên này, trình độ trộm cắp của Quốc vương Farouk đã “tiến bộ” rõ rệt.
Điều này được chứng minh qua vụ lấy trộm bảo kiếm và huân chương của một vị vua đã chết sau thời gian tới sống lưu vong ở Ai Cập. Năm 1944, khi đám tang của Quốc vương Iran Palewi đưa qua đất Ai Cập, Muhammad Faruq đã lấy trộm những đồ tùy táng trên thi thể bao gồm bảo kiếm, đai ngọc và huân chương. Về sau chuyện bại lộ, Muhammad Faruq được báo chí thời đó gọi là “Tên trộm thành Cairo”.
Năm 1948, một lần đến một cửa hàng vàng ngọc, Muhammad Faruq đã làm quen Narriman, một cô gái 16 tuổi có vẻ đẹp nghiêng thành, liền nảy ra ý định theo đuổi bằng được. Khi đó Narriman đã có hôn ước, trước sự tấn công liên tục của nhà vua, cha mẹ cô gái đành thất lễ với nhà trai, hủy bỏ hôn ước. Ngày 6/5/1951, đám cưới giữa hoàng đế và Narriman đã được tổ chức linh đình. Muhammad Faruq đã chuẩn bị cho người đẹp váy cưới có gắn hơn 20 ngàn viên kim cương, nữ trang trị giá hàng chục ngàn USD và một chuyến du lịch trăng mật kéo dài 13 tuần ở châu Âu.
Trong 16 năm tại vị, cống hiến của Muhammad Faruq với đất nước rất ít. Điểm mạnh duy nhất là ông rất coi trọng giáo dục, đã cho xây dựng nhiều trường học, nhưng về tổng thể, thành tích trị vì của ông không lớn, không được dân chúng khẳng định, thậm chí các triều thần còn ngầm phê phán ông là vị vua không biết trị quốc.
Năm 1952, nhóm sĩ quan tự do do Gamal Abdel Nasser lãnh đạo đã bất ngờ bao vây Cung điện Mùa Đông, buộc Muhammad Faruq phải thoái vị vào ngày 26/7, trao lại ngai vàng cho cậu con trai là Thái tử Ahmad Fu’ad khi đó mới 6 tháng tuổi. Sau đó những người đảo chính cho phép Muhammad Faruq xuống du thuyền sang sống đời lưu vong ở Hy Lạp và Italia.
Theo thống kê, trong kho lưu trữ của Quốc vương Farouk, chỉ riêng đồ quý hiếm đã có hơn 8.500 thứ. Trong số này đáng chú nhất là đồng 20 USD được đúc bằng vàng năm 1907. Tại thời điểm đó nước Mỹ đã cho đúc tất cả 450.000 đồng 20 USD bằng vàng, nhưng rồi đã quyết định thu hồi toàn bộ.
Song không hiểu vì sao 10 đồng 20 USD bằng vàng vẫn bị lọt ra ngoài trong quá trình nấu lại. Để truy tìm 10 đồng tiền này, Cơ quan Tình báo Mỹ đã phải vào cuộc, nhưng họ chỉ thu hồi được 9 đồng, 1 đồng lọt vào tay Quốc vương Farouk. Nhưng Quốc vương Farouk lại không kịp mang theo đồng tiền quý giá lúc đi sống lưu vong.
Chính phủ Mỹ chỉ biết tới sự tồn tại của đồng tiền này sau khi chính phủ mới ở Ai Cập quyết định bán đấu giá những đồ sưu tầm của Quốc vương Farouk. Mặc dù tình báo Mỹ khi đó đã yêu cầu Chính phủ Ai Cập tạm dừng cuộc bán đấu giá đồng 20 USD bằng vàng, để mang về Mỹ, nhưng cuối cùng nó vẫn biến mất một cách đầy bí ẩn. Mãi tới tháng 7/2002, đồng tiền này mới xuất hiện tại thị trường bán đấu giá ở New York, Mỹ và nó đã được bán với giá 6,6 triệu USD, trở thành đồng tiền có giá trị nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới.
Vị hoàng đế mất ngai vàng này được mang theo 38 thùng rượu Champagne trong có giấu không ít vàng bạc châu báu, nhưng tất cả các của cải khác và tài khoản ngân hàng đều bị những người cách mạng tịch thu. Khi vào nơi ở của Muhammad Faruq, người ta phát hiện ra nhiều vàng bạc châu báu được cất giấu, bộ sưu tập đồ ông ta trộm cắp và rất nhiều sách, ảnh khi êu d âm.
Ngày 18/6/1953, các sĩ quan làm đảo chính chính thức tuyên bố phế bỏ ông vua trẻ con Ahmad Fuad, bãi bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ cộng hòa ở Ai Cập. Năm 1954, Hoàng hậu Narriman kiên quyết đòi ly hôn, Muhammad Faruq đến khắp nơi ở Roma tìm người để cầu hôn, nhưng cả sức hút và quyền lực của ông đều không còn nữa nên chẳng ai thèm lấy.
Trong năm đầu tiên sống lưu vong, người ta chỉ thấy Quốc vương Farouk giam mình trong tòa biệt thự ở Italia và ăn suốt ngày nên mới 33 tuổi, ông ta đã nặng khoảng 135 kg. Tới năm 40 tuổi, trọng lượng của Quốc vương Farouk đã tăng thêm gần 50% và suốt ngày ông chỉ nằm ở nhà vừa xem vô tuyến vừa ăn sôcôla.
Ngày 18/3/1965, Muhammad Faruq bất ngờ qua đời khi mới 45 tuổi tại Bệnh viện Saint Carmilos ở Roma, sau đó thi hài được đưa về Cairo mai táng sau 13 năm lưu vong. Có rất nhiều dị nghị xung quanh cái chết bất ngờ của cựu hoàng Ai Cập này. Một nguồn tin khẳng định ông đã đột tử do bội thực. Họ kể lại, Muhammad Faruq đã vào một nhà hàng ăn tổng cộng 12 con tôm hùm, 10 con hàu, 8 con cá, 5 bát cơm rang; ngoài ra còn xơi nhiều sữa chua, nước quả ép, rau xanh và hoa quả. Ăn xong ông nằm vật ra sô-pha, kêu khó thở và lịm đi, khi người hầu phát hiện ra thì đã quá muộn. Tuy nhiên, những người theo thuyết âm mưu lại cho rằng Muhammad Faruq bị đặc vụ Ai Cập ám sát, nhưng không có tài liệu nào chứng minh giả thuyết này.
Nói tới Quốc vương Farouk không thể không đề cập tới Hoàng hậu Nariman Sadeg bởi bà là hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Ai Cập, Nariman Sadeg qua đời sau thất bại của cuộc phẫu thuật não tại Bệnh viện Dar al-Fouad hôm 16/2/2005, thọ 71 tuổi.
Nariman Sadeg sinh ngày 31/10/1934, là con gái duy nhất trong một gia đình trung lưu ở thành phố Alexandria, Ai Cập. Do xinh đẹp, yêu thích hội họa, âm nhạc và đọc sách nên Nariman Sadeg đã sớm lọt vào mắt xanh của nhiều chàng trai và đã đính hôn với một bác sĩ trẻ người địa phương khi mới 16 tuổi. Đúng lúc đó, Quốc vương Farouk tình cờ gặp Nariman Sadeg tại một cửa hàng bán kim hoàn và bà nhanh chóng trở thành đối tượng theo đuổi. Trước tình cảnh này, bố mẹ Nariman Sadeg buộc phải hủy bỏ hôn ước giữa con gái với vị bác sĩ trẻ.
Ngày 6/1/1952, địa vị của Hoàng hậu Nariman Sadeg càng được củng cố sau khi bà sinh hạ Thái tử Ahmed Fouad. Nhưng chỉ 10 ngày sau khi có người nối dõi, thủ đô Cairo đã xảy ra một vụ cháy lớn, suýt nữa thiêu cháy cung điện của Quốc vương Farouk. Đây là ngòi nổ cho những chính biến tại Ai Cập. Sau khi mất hết quyền lực, cuộc sống vợ chồng của Quốc vương Farouk thường xuyên rơi vào khủng hoảng bởi thói trăng hoa của ông buộc Nariman Sadeg phải ra đi. Thủ tục ly hôn của họ được hoàn tất vào đầu năm 1954.
Sau khi quay trở về Ai Cập, cựu Hoàng hậu đã sống khá trầm lặng và khi Quốc vương Farouk qua đời (18/3/1965), năm 1967, Nariman Sadeg đã quyết định lấy tiến sĩ Adham Al-Naquib và sinh hạ được một con trai tên là Akram. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài được lâu. Sau khi ly dị, Nariman Sadeg về sống trong một căn nhà nhỏ tại khu Heliopolis, ngoại ô thủ đô Cairo đến khi qua đời. Con trai Ahmad Fuad sau khi bị phế bỏ không thấy được nhắc đến trong lịch sử nữa.
Cuộc đời truân chuyên của con gái vua Ai Cập cuối cùng
Công chúa Ferial Farouk chào đời vào ngày 17/11/1938, ngay tại thời điểm chào đời của nàng, Vua Farouk đang còn trong thời kỳ hoàng kim của danh vọng và quyền lực. Mẹ của công chúa Ferial là một phu nhân xinh đẹp tuyệt vời tên là Farida (còn gọi là Safinaz) Zulfiqar. Chuyện kể rằng khi Hoàng hậu Farida Zulfiqar lâm bồn, cả Hoàng cung Ai Cập hân hoan, hồi hộp như đang mường tượng đến một điều gì đó trọng đại lắm. Khi Hoàng đế Farouk đến bên cung của Hoàng hậu, lúc đó Hoàng hậu đang trong tư thế trở dạ sắp sinh.
Khi gần đến cung Hoàng hậu, nhà Vua lặng im lắng nghe tiếng súng mừng, hy vọng rằng Hoàng hậu sẽ sinh ra một Hoàng nam tuấn tú, nhưng rồi mọi hy vọng chợt tắt ngóm khi tiếng súng báo hiệu nổ 41 phát, mà nếu là Hoàng tử thì súng chào sẽ nổ 101 phát. Dù trong lòng không được vui cho lắm, nhưng nhìn thấy Hoàng hậu hân hoan vui sướng, nhà Vua cũng quên đi ưu phiền, ngài nói như để động viên vợ: “Nàng đừng lo. Con nào cũng như nhau cả thôi mà”.
Hai vợ chồng nhà Vua đã nhất trí đặt tên con là Ferial Farouk. (Như một di ngôn lưu truyền qua nhiều đời, tất cả các Hoàng gia Ai Cập khi sinh con đều đặt chữ cái đầu tiên của tên là chữ “F”). Thời kỳ đó, mỗi đứa trẻ được sinh ra trong Hoàng cung Ai Cập đều được những người thân trao cho những món quà mừng như đồng xu, quần áo và thực phẩm, và những món quà này sau đó sẽ được phân phát cho các gia đình nghèo, riêng bánh kẹo thì sẽ được phân phát cho trẻ em trong vương quốc.
Những năm đầu tiên trong cuộc đời công chúa của Ferial Farouk đã phản ánh một lối sống xa hoa, giàu có và uy quyền trong xã hội Cairene ở Cung điện Abdin của Hoàng gia Ai Cập.
Một năm sau khi Farouk chào đời, người chị gái của Farouk: Công chúa Fawzia kết hôn với nhà vua Iran. Bản thân tiểu Công chúa Ferial Farouk khi mới vừa lên 2 tuổi, đã được Hoàng gia Ai Cập làm lễ đính hôn với Vua Faisal của xứ Iraq. Cuộc hôn nhân đó sẽ được gọi là “tảo hôn” theo quan niệm của thời hiện đại, nhưng vào cái thời kỳ đó chuyện hôn nhân khi còn nhỏ trở nên rất phổ biến và mặc nhiên được chấp thuận.
Thời điểm chào đời của Công chúa Ferial Farouk cũng là thời khắc khi mà mẹ của nàng mất đi quyền lực trong một cuộc đấu trí sức mạnh với Hoàng Thái hậu Nazly, mẹ đẻ của nhà Vua Farouk. Đó là một cuộc chiến âm thầm và mạnh mẽ trong chốn hậu cung đầy thị phi.
Cuộc đời của Công chúa Ferial Farouk không phải là một cuộc sống trọn vẹn màu hồng. Khi Hoàng gia thoái vị vào năm 1952 trên đường lênh đênh lưu vong trên chiếc du thuyền Mahroussa, tiểu Công chúa Farouk 13 tuổi đã viết thư cho cựu Hoàng hậu Farida bằng những lời lẽ nồng nàn, chan chứa tình cảm yêu thương: “Mẹ kính yêu của con, con rất đau đớn khi phải rời khỏi quê hương Ai Cập yêu dấu mà không có nhiều thời gian để hôn từ biệt mẹ.
Mẹ có giận con không? Con hy vọng Thượng đế đừng bao giờ lặp lại nỗi khổ đau mà chúng con đang phải gánh chịu thêm một lần nào nữa. Cho con gửi lời tạ từ chân thành nhất tới những người con yêu quý và cả những kỷ niệm thân yêu trên quê hương đất mẹ của mình”.
Trên đường lưu vong, Vua Farouk đã nhét đầy vàng ròng vào 12 thùng đạn dược đồng thời ngài phái những viên tùy tùng đến cung điện Montazah để thu gom số châu báu quý giá của Hoàng hậu Narrimagen. Cùng đi với Hoàng gia Ai Cập lưu vong là Tướng Naguib, ông đã đến chào từ biệt cựu Thủ tướng Ali Maher và Đại sứ Mỹ Jefferson Caffery.
Sống cuộc đời lưu vong đầy cay đắng, Công chúa Ferial Farouk lùi bước khỏi ánh đèn hào nhoáng chốn Hoàng cung, trong suốt một thời gian dài, nàng tìm mọi cách lánh mặt giới báo chí quốc tế khi họ muốn diện kiến phỏng vấn. Tuy nhiên, năm 2009, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, Công chúa Ferial đồng ý cho thực hiện một vài cuộc phỏng vấn trên các kênh truyền hình Ả Rập.
Có một bí mật chưa từng biết đến đó là một số nhà cách mạng tìm mọi cách để đặt dấu chấm hết cho triều đại Muhammad Ali với 200 năm lịch sử. Hai năm sau ngày thoái vị, cựu Hoàng Ai Cập Farouk gửi 3 tiểu Công chúa đến trường nội trú Thụy Sĩ tên là Le Grand Verger tại Lutry (Thụy Sĩ).
Cựu Hoàng hậu Farida vẫn ở lại Ai Cập trong vòng một thập kỷ sau khi nổ ra phong trào cách mạng Ai Cập, trước khi bà dời đến Li-băng lần đầu tiên và sau đó đoàn tụ cùng chồng con tại Thụy Sĩ, niềm hạnh phúc vô bờ của cựu Hoàng hậu là tận mắt nhìn thấy các tiểu Công chúa khôn lớn từng ngày. Về cuối đời, cựu Hoàng hậu Farida quay trở về Ai Cập, bà sống nốt những năm tháng cuối đời ở đây và khi qua đời được an táng ngay trên đất mẹ như những gì mà sinh thời cựu Hoàng hậu luôn một lòng ao ước.
Nếu như khi ở Hoàng cung Ai Cập, các tiểu Công chúa được Vua cha chiều chuộng bao nhiêu thì khi sống đời lưu vong ở Rome (Italia), cựu Hoàng Farouk lại tỏ ra nghiêm khắc trong công việc dạy dỗ, uốn nắn các tiểu Công chúa bấy nhiêu.
Theo tư liệu của nhà viết tiểu sử Hugh McLeave, thì mỗi khi muốn cắt tóc hay trang điểm móng tay móng chân, các tiểu Công chúa phải hỏi xin phép ý kiến của cha trước, một khi cha đồng ý các nàng mới làm, còn một khi cha không đồng ý thì các nàng líu ríu vâng lời mà không một lời nào phàn nàn.
Trong nhiều tháng, Công chúa Fawzia phải tìm mọi cơ hội tranh thủ hỏi xin ý kiến của cha trong việc cho nàng theo học tại một ngôi trường thông dịch viên ở Geneva (Thụy Sĩ), còn ông chỉ cho phép Công chúa Ferial Farouk được phép dạy tại một trường đào tạo nghề thư ký ở Lausanne nếu một khi Công chúa chấp nhận không tiết lộ danh phận của mình là ai mà thôi.
Cựu Hoàng Ai Cập cực lực ghét bỏ việc tiết lộ danh phận của mình sau khi ngài sống lưu vong với bất kỳ ai. Ngài gửi Hoàng tử Fouad đến một trường làng ở Cully. Ferial Farouk sau đó đã dạy đánh máy chữ và văn học Pháp tại một ngôi trường gần Montreux, nơi đấy nàng dành phần lớn cuộc đời mình sau cuộc hôn nhân lần hai.
Vào năm 1966, ở ngưỡng tuổi trưởng thành, tại Tu viện Westminster ở thủ đô London (Anh) cựu Công chúa Ferial Farouk chấp nhận kết hôn với con trai một chủ khách sạn Thụy Sĩ tên là Jean-Pierre Perreten, người chồng sau đó đã cải sang đạo Hồi và lấy tên là Samir Cherif. Hai vợ chồng cựu Công chúa ăn ở với nhau khá hạnh phúc, họ có với nhau một người con gái tên là Yasmine, một tiểu thư giàu có bình thường. Năm 2004, Yasmine lên xe hoa với Ali Sha’arawi, cháu trai của Huda Sha’arawi, người đi tiên phong trong phong trào nữ quyền của Ai Cập.
Buổi đầu của thời kỳ hôn nhân, cựu Công chúa Ferial Farouk và chồng cùng chung tay điều hành kinh doanh một toà khách sạn gần Montreux (Thụy Sĩ); nhưng chuyện tình của họ chợt chấm dứt khi Công chúa hạ sinh ra người con gái Yasmine, người chồng Jean-Pierre Perreten qua đời vì bệnh tật vào năm 1968, họ chỉ có vỏn vẹn 2 năm mặn nồng bên nhau.
Sau khi cựu Hoàng hậu Farida qua đời vào năm 1988, 3 Công chúa cùng đệ đơn chống lại chính phủ Ai Cập trong một nỗ lực giành lại quyền làm chủ của một toà cung điện và điền thổ ở vùng đồng bằng sông Nin.
Cả 3 Công chúa ra lập luận rằng các tài sản trên là thuộc sở hữu của cựu Hoàng hậu Farida nhưng Tòa án Ai Cập đã ra phán quyết chống lại họ rằng số đất đai trên có tòa lâu đài của Hoàng hậu Farida đã ly dị với Vua Farouk vào năm 1948, và phải mất một thời gian dài trước khi nổ ra cuộc cách mạng tịch thu tất cả các tài sản của Hoàng gia Ai Cập.
Trong cuộc đời lưu vong, Công chúa Ferial Farouk là người rất kín tiếng, bà giành hết thời gian của mình để chăm sóc cho em gái Fawzia, khi nàng Công chúa này liên tục trong suốt nhiều năm đấu tranh chống lại căn bệnh đa xơ cứng gây rất nhiều trở ngại trong cuộc sống nhưng cuối cùng, Công chúa Fawzia đã tạ thế vào năm 2005.
Sau vụ ly dị với người vợ Pháp Dominique-France Picard, Hoàng tử Fouad luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, dằn vặt và rơi vào căn bệnh trầm cảm nặng nề, công chúa Ferial Farouk lại gánh trách nhiệm chăm nom, săn sóc cho người anh trai này. Ferial từng là người phản đối mạnh mẽ cuộc hôn nhân của anh trai với người đàn bà Pháp nhưng khi thấy anh trai rơi vào bệnh tật, nàng đã xem đó là trách nhiệm và cáng đáng chăm sóc anh trai như chăm sóc chính bản thân mình.
Cũng trong gia tộc Ali, Công chúa Ferial Farouk là người hoà ái nhất, bằng con tim trong trắng và tình thương bao la, đã cố gắng giữ gìn hoà khí gia đình nhiều nhất và cảm thấy bình an khi thấy gia tộc không bị biến động gì nhiều. Công chúa Ferial Farouk qua đời vào ngày 29/11/2009 tại Geneva bởi căn bệnh ung thư dạ dày, thi hài được an táng dọc theo khu mộ của cha và các chị em gái Fawzia và Fadia trong khu lăng mộ Khedival thuộc Nhà thờ Hồi giáo Rifa’i ở thủ đô Cairo (Ai Cập), đây cũng là nơi an giấc ngàn thu của tất cả các thành viên trong triều đại Muhammad Ali.
Có thể nói trọn cuộc đời công chúa Ferial là nỗi niềm kính yêu cha mẹ, yêu quê hương và tổ quốc biết bao, nhưng trong biển khổ của hoàn cảnh gia đình Hoàng gia lưu vong, nếu không nhờ bàn tay và sự chia sẻ lớn lao của người con gái Yasmine có lẽ công chúa Ferial sẽ không có lấy một ngày hạnh phúc thực sự trong tuổi xế chiều.
—
Sevgei Alpha / Nghiên Cứu Lịch Sử