
Huỳnh văn Nghệ ( Ảnh khoảng đầu thập kỷ 60 Thế kỷ XX tại miền Bắc)
*Vũ Ngọc Phương
Xuân lại về sau hai năm kéo dài dịch Covid19, trên chương trình VTV lại vang bài ca “ Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi “ Đây Thăng Long, Đây Đông Đô, Đây Hà Nội, Hà nội mến yêu,…” làm tôi nhớ lại câu thơ nổi tiếng hào hùng mà tha thiết:
“ Tự thủa mang gươm đi mở nước,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”
Thủa nhỏ, vào mùa hè 1959, lần đầu tôi được nghe Cha tôi – Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 – 1987), Mẹ tôi Nhà thơ Hằng Phương (1908 – 1983) cùng Nhà nghiên cứu Hồ Tuấn Niêm (1925) ngồi ở phòng lớn tầng 2 biệt thự 16 phố Phan Huy Chú là một địa điểm cơ quan Ban Nghiên cứu Văn – Sử – Đại bàn luận thơ văn thời Chúa Nguyễn Hoàng mở nước phía Nam. Ngày ấy trẻ con chỉ chạy chơi rông ngoài phố, mỏi thì về nghe hóng chuyện người lớn nên cuộc bàn luận, ngâm vịnh ấy, sau còn nhắc lại mấy lần vì su thế lúc đó không ưa Nhà Nguyễn với các hiệp định nhượng đất Việt cho Pháp. Lại vì Nhà văn Vũ Ngọc Phan chủ biên sách Lịch sử các Tác gia Việt Nam, ngày ấy chỗ ở cùng nơi làm việc nên hai câu thơ này ghi sâu vào trí nhớ tôi.
Sau này tôi có tìm hiểu tác giả của hai câu thơ trên thấy ghi là Huỳnh Văn Nghệ. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì
Ông Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự Việt Nam, nổi tiếng về tài thi ca, có những câu thơ được nhiều người truyền tụng. Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân, vì những đóng góp trong thời kỳ chống Pháp và Giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật. Ông sinh ngày 2 tháng 2 năm 1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, ông đã giành được học bổng bậc trung học của Trường Petrus Ký. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thành chung vào năm 1932, ông vào làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương (Sài Gòn). Thời gian này, ông được các cán bộ Cộng sản vận động, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội vào năm 1936, bắt đầu hoạt động làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ. Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất.
Năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ bị chính quyền Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, năm 1942, Huỳnh Văn nghệ bị truy bắt rồi chạy thoát sang Thái Lan.Năm 1944, ông trở về nước bắt liên lạc với Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 7 năm 1945, lần thứ hai ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, Tháng 5 năm 1946, Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình phong cho ông làm Khu bộ phó Khu 7 (bấy giờ Khu bộ trưởng Khu 7 là Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn một thủ lĩnh lực lượng Bình Xuyên). Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập tiếp tục công tác trong Quân đội với cấp Thượng Tá. Phục viên, Huỳnh Văn Nghệ được giao làm Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, ông trở lại miền Nam tham gia chống Mỹ, công tác tại Trung ương Cục miền Nam. Sau năm 1975, Huỳnh Văn Nghệ là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Huỳnh Văn Nghệ lâm bệnh mất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 05/03 /1977.
Huỳnh Văn Nghệ sang tác nhiều thơ, một trong những bài thơ nổi tiếng là bài Nhớ Bắc làm tại Chiến khu Đ năm 1946 với 4 câu tuyệt bút mở đầu đã được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng:
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Từ nhỏ đến khi trưởng thành tôi vẫn đinh ninh hai câu thơ là vào thời Nguyễn Hoàng – 阮潢 ( Sinh 28/8/1525 – mất 20/7/1613) hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên, là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802 – 1945). Ông quê ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa, ngày nay là Gia Miêu Ngoại Trang, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Vì công lớn, Nguyễn Hoàng được phong làm Đoan quận công nên càng bị sự đố kỵ, thù ghét của Thái sư Trịnh Kiểm. Nhận thấy sự nguy hiểm này, Nguyễn Hoàng bàn mưu và ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung than”. Năm 1558, Nguyễn Hoàng và gia quyến cùng các tướng đi đường biển vào cửa Việt Yên (nay là Cửa Việt), đóng tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để lập Thủ Phủ gọi là Dinh Ái Tử. Năm 1569, do nộp nhiều quân lương Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam và Xứ Thuận Hóa.
Cho tới khi ông mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn (nam Hà Tĩnh) qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa. Hai xứ Thuận Quảng rộng khoảng 45000 km2.Vì thời Nguyễn Hoàng và tướng lĩnh, quân sỹ đều là Người đất Bắc vào Nam mở Nước nên sự “ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” là lẽ đương nhiên.
Đối với Huỳnh Văn Nghệ từ khi sinh năm 1914 đến năm 1953 ông mới được ra miền Bắc. Là một nhà Văn hóa, quân sự nổi tiếng thì chuyện nhớ cố đô Thăng Long xưa là lẽ thường tình. Tuy nhiên thời Huỳnh Văn Nghệ tham gia Cách mạng thì Cõi – Nước Việt Nam đã liền một giải từ “ Mũi Cà Mâu đến địa đầu Móng Cái,… Đất ta liền một giải” như trong bài thơ “Học đi Em” của Tố Hữu, còn đâu nữa mà mở “ Cõi”. Lại nữa thời Huỳnh Văn Nghệ tham gia quân Cách mạng đã lớn, mạnh. Vũ trang của Vệ quốc Đoàn là sung, không phải nông dân nổi dậy nữa hẳn không thể “ Mang Gươm đi mở Cõi” được. Rất tiếc là Nhà Văn hóa Huỳnh Văn Nghệ đã qua đời, nếu không chắc ông sẽ trả lời rõ cho chúng ta biết về hai câu thơ đó.
Tôi có đưa thắc mắc đó hỏi khá nhiều người làm việc trong giới nghiên cứu Văn học Việt Nam, phần lớn là trả lời miệng hoặc qua điện thoại, có nhiều ý kiến là của Tổng Trấn Lê văn Duyệt khi vào trấn thủ đất Saigon. Rất may vào 22:12 Ngày 15 tháng 09 năm 2014, Học giả Phạm Đình Nhân (10/9/1932 – 18 / 6/ 2016) Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, Phó Giám đốc Trung tâm TTTLLS&VH Việt Nam có viết thư gửi qua E – mail cho tôi, xin trích dẫn như sau:
“Thân gửi anh Vũ Ngọc Phương,
Về hai câu thơ anh hỏi : “Từ thuở mang gươm đi mở nước,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”,
Tôi đã trả lời anh là tôi ngờ rằng đó không phải của Huỳnh Văn Nghệ, nhà quân sự, nhà thơ ở miền Đông Nam bộ thời kỳ chống Pháp.
Sở dĩ tôi có ý nghĩ đó và nó tồn tại trong đầu óc tôi từ lâu, bởi vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó.
Trước hết, tôi cũng cần phải nói rằng tôi đã nghe và biết 2 câu thơ nổi tiếng đó từ khi tôi còn nhỏ. Khi đó tôi đang học năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 trường Trung học Nguyễn Khuyễn, từ TP Nam Định tản cư về quê tôi (thôn Yên Mô thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình) những năm 1947 đến cuối 1949. Và đến khi quân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn, Ninh Bình (16.10.1949), cách quê tôi 5 km đường chim bay thì trường Trung học Nguyễn Khuyến vừa được đổi tên là trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền (ngôi trường của Liên Khu 3), do chiến sự, lại dời vào Ngô Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Tôi được tiếp tục đi theo trường vào Thanh Hóa học. Tôi còn nhớ làng Ngô Xá bên bờ sông Chu trong xanh, có một ngôi đình được trường dành riêng cho các học sinh lớp trên lớn tuổi là lớp Chuyên khoa 3 làm nơi học tập và sinh hoạt. Những buổi tối sinh hoạt văn nghệ của học sinh nhà trường thường được bố trí ở ngôi đình này gọi là Đình Chuyên khoa 3. Và tôi còn nhớ trong một buổi biểu diễn văn nghệ, lớp Chuyên Khoa 3 có diễn vở kịch thơ, tôi không nhớ rõ tên vở kịch thơ ấy, hình như vở kịch Trần Nguyên Hãn, vở của học sinh trường Bưởi (Lycée Protectorat-gọi tắt là LYPRO) soạn và các anh học sinh Chuyên Khoa 3 trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền diễn tại Ngô Xá. Tôi còn nhớ trong vở kịch thơ ấy hình như có câu thơ “Từ thuở mang gươm đi mở cõ. / Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” khoảng tháng 8 hay tháng 9 năm 1950, khi tôi đang học năm thứ 4 Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền (tương đương lớp 9 bây giờ).
Tuy nhiên đây chỉ là một ý kiến. Chuyện làm thơ, láy thơ, lẩy thơ – nhiều nhất là lẩy Kiều vẫn thường tình. Có thể Nhà Văn thơ Huỳnh Văn Nghệ đã mượn hai câu thơ này để viết tứ thơ của mình.
Trên Văn đàn, chúng ta đều biết Nhà thơ rất nổi tiếng là Bà Huyện Thanh Quan (chữ Nôm: 婆縣青關, chữ Hán: 青關縣夫人 Thanh Quan huyện phu nhân; 1805 – 1848, Thế kỷ XIX ), tên thật là Nguyễn Thị Hinh (阮氏馨). Bà là một Nữ sĩ thời cận đại của Văn học sử Việt Nam.
Tác phẩm của Bà để lại không nhiều chỉ còn những bài sau:
1/ Thăng Long thành hoài cổ. 2/ Qua chùa Trấn Bắc. 3/ Qua đèo Ngang. 4/ Chiều hôm nhớ nhà. 5/ Tức cảnh chiều thu. 6/ Cảnh đền Trấn Võ. 7/ Cảnh Hương sơn.
Một trong những bài thơ rất nổi tiếng của Nữ sỹ Bà Huyện Thanh Quan là bài:
Qua Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Chú thích
- Đèo Ngang: thuộc dãy núi Hoành Sơn, một nhánh của dãy núi Trường Sơn, chạy thẳng ra biển, phân chia địa giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
- Tiều: người chuyên nghề đốn củi.
- Có người nói “rợ mấy nhà” chứ không phải “chợ mấy nhà” vì ở Đèo Ngang heo hút, không phải là nơi đông dân cư. Nhưng cũng có ý kiến bác lại.
4.Con quốc quốc (cũng viết là cuốc cuốc): chim đỗ quyên (chim cuốc). Theo truyền thuyết Trung Quốc, Thục Đế mất nước, hồn biến thành chim cuốc, kêu nhớ nước đến nhỏ máu ra mà chết
- Cái gia gia(cũng viết là da da): chim đa đa, còn gọi là gà gô.
Giáo sư Dương Quảng Hàm nhận định:
“Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện.”
Thời hiện đại ở Thế kỷ XX, Nữ sỹ Hằng Phương đi công tác vào Quảng Bình khi trở ra Hà Nội cũng có bài thơ “ Đèo Ngang” láy lại thơ “ Đèo Ngang” xưa của Bà Huyện Thanh Quan như sau:
Đèo Ngang
Xe tới Đèo Ngang đã xế chiều
Hoa rừng tim tím gió hiu hiu
Tình thơ chợt nhớ người thơ trước
Mái tóc đuôi gà nếp áo thêu
Xóm chợ những nhà tươi ngói mới
Trâu bò hợp tác rộn chân đèo,
Biển cao hơn núi, xanh hơn núi
Đường đỏ như son rực nắng chiều.
Nỗi riêng tâm sự người xưa đã
Khuất với thời gian cảnh quạnh hiu
Cuộc sống Đèo Ngang giờ tới tấp
Xe lên, Xe xuống lá cười reo.
07/1961
Bài thơ này được in tại trang 36 trong quyển thơ “ Hương Đất Nước” – Hằng Phương do Nhà xuất bản Văn học xuất bản, số in 123/73, số XB 39 có bìa là của Danh Họa Trần Văn Cẩn.
Trên đây chỉ là lạm bàn Văn Nghệ vào Xuân 2022 với hy vọng đọc giả nào có đủ văn phong chứng cứ xác nhận một cách khoa học hai câu thơ:
“ Tự thủa mang gươm đi mở nước,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”
Là NGUYÊN TÁC của ai trong lịch sử Văn học Việt Nam. Chúng ta cũng mãi tôn vinh sự nghiệp Văn hóa và Quân sự của người chiến sỹ kiên trung Huỳnh Văn Nghệ.
Hà nội, Xuân Nhâm Dần 2022.
______________________________________________________________________________
*Hiện là Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam.
Theo lời kể của Đại Luật tướng Cù Huy Hà Vũ, là con của Đại Thi tướng Cù Huy Cận, thì chính cha nuôi của mình là Đại Thi tướng Ngô Xuân Diệu đã tự ý đổi câu thơ của Tiểu Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ từ “Trời Nam thương nhớ đấtt Thăng Long” thành “Nghìn Năm thương nhớ đất Thăng Long”. Sự thật thế nào, tác giả có thể cho tôi và các bạn đọc khác biết được không?
ThíchThích
Xin cảm ơn Quý ông Lại Việt. Nhà thơ Xuân Diệu khi sinh thời thường qua nhà Cha tôi – Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Mẹ tôi – Nhà thơ Lê Hằng Phương, gần như là khách ăn cơm tháng và Tết. Tuy nhiên thời đó là Kháng chiến chống Pháp, Mỹ rồi Biên giới chống Trung Quốc nên tôi khi còn nhỏ rồi lớn lên học Phổ thông sơ tán, sau lại vào Quân đội một thười gian,… Nên không được biết thông tin của cháu Cù Huy Hà Vũ, cũng không quen và biết mặt nên xin phép là không có căn cứ ” Giấy trắng Mực đen” để thông tin Quý Ông tahm khảo. Kính,
ThíchThích
Chào bác,
Nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ mang nỗi tâm tình một người con phương Bắc đã vào Nam 300 năm (đất Gia Định – Chợ Lớn – Biên Hòa – Đồng Nai), khi tiễn bạn lên đường về quê đã hun đúc nên những câu thơ “Nhớ Bắc – Về Bắc”. Cho nên khi xem xét cũng chỉ có thể xét câu đúng gốc là “Trời Nam…” thôi. Ai “nghìn năm, vạn năm..” hãy bỏ quá cho vì đó là dị bản, chưa từng đúng gốc.
Đấy là điều đầu tiên tôi có thể lạm bàn với bác. Điều thứ hai tôi muốn nói đến, đó là dòng thơ “Mang gươm đi mở cõi”. Bác có nói trong bài rằng: “Lại nữa thời Huỳnh Văn Nghệ tham gia quân Cách mạng đã lớn, mạnh. Vũ trang của Vệ quốc Đoàn là súng, không phải nông dân nổi dậy nữa hẳn không thể “ Mang Gươm đi mở Cõi” được. ”
> Ông Nghệ có sở hữu một cây gươm thật bác ạ, và nghe nói còn được tặng gươm nữa. Không phải suy xét thời gian, về điều kiện vật chất mà đoán những dòng thơ này không phải của ông. Vì có gươm, và vì tính cách có đôi chút ngông, những câu chữ đó đã hình thành tạo ý thơ có nét.
Thế nên, nếu có điều kiện bác hãy vào nam, tìm hiểu cuộc đời chân thật của ông Nghệ nhé. Vì trên wiki có chỉnh sửa mấy cũng không bằng bảo tàng và gia đình lưu trữ tư liệu của ông ạ.
Trân trọng
ThíchThích
Chào Kim Cao Ân.
1. Xin bạn tưởng tượng rằng đất RỒNG BAY, PHƯỢNG MÚA ngày xưa là ở nơi phát nguyên ra chữ Việt: có bộ RỒNG BAY, vùng vẫy dưới ÁNH NẮNG MẶT TRỜI và đi liền bên cạnh là bộ NGƯỜI CHIM.
2. LÝ CÔNG UẨN khi RỜI ĐÔ, đã đặt tên cho KINH ĐÔ mới của triều đại là THĂNG LONG (RỒNG BAY), thực ra chỉ là để tưởng nhớ đến đất tổ của tổ tiên mình mà thôi.
3. Đến thời TRẦN, để sửa chữa cho sai lầm của LÝ CÔNG UẨN, nên, năm 1243 người ta đặt tên lại cho KINH ĐÔ là thành LONG PHƯỢNG (theo đúng nghĩa là RỒNG BAY, PHƯỢNG MÚA) đấy!
4. Bởi thế, “Trời Nam thương nhớ đất THĂNG LONG” lại mang ý nghĩa thương nhớ đất tổ của những NGƯỜI VIỆT PHẢI BỎ XỨ chạy về phương Nam, tuy họ đã cùng dân bản địa lập nên quốc gia mới, nhưng, vẫn thương nhớ tới ĐẤT TỔ khi xưa của mình và truyền nỗi thương nhớ này tới tận Nhà Lý, nhà Trần và tới tận Huỳnh Văn Nghệ chăng!?
ThíchThích
Bác ạ, chỉ có lòng bác nghĩ xa thế thôi. Chứ ông tôi không nghĩ thế đâu.
ThíchThích
Hay lắm, tôi lại nghĩ rằng con cháu của Dương Ngạn Địch, của Huỳnh Tịnh Của, và đặc biệt là của Mạc Cửu, họ đều thương nhớ về ĐẤT TỔ của mình đấy!!
ThíchThích