Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Phối cảnh Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

Đặng Tú

Thông tin chung:
Công trình: Lăng mộ Hoàng đế Trung Quốc đầu tiên – Tần Thủy Hoàng (Mausoleum of the First Qin Emperor)

Địa điểm: Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (N34 22 60 E109 5 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 244ha; Vùng bảo vệ 3425ha
Năm hình thành: 246 – 208 TCN Giá trị: Di sản thế giới (1987; hạng mục  i, iii, iv, vi)

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc của núi Ly Sơn, 35km về phía Đông Bắc cố đô Tây An, thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây. Trong lịch sử Trung Quốc từng tồn tại nhiều kinh đô, trong đó có 4 kinh đô lớn là: Tây An (Trường An), Lạc Dương, Nam Kinh và Bắc Kinh. Tây An cũng là điểm kết thúc phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng hiện được bảo tồn gần như toàn vẹn. Bí mật của ngôi mộ được giữ kín, vì hầu hết người xây dựng mộ đều bị giết. Hiện ngôi mộ vẫn chưa được khai quật. Các khám phá khảo cổ tập trung vào các địa điểm xung quanh mộ. Khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng có cấu trúc kết hợp giữa cung điện và lăng mộ với diện tích khoảng 244ha, bao gồm mộ, các hố chôn chứa hàng ngàn binh sĩ, ngựa bằng đất nung, xe ngựa và vũ khí bằng đồng; các mẫu vật kiến trúc nghi lễ có liên quan nằm rải rác tại 600 địa điểm.

Việc phát hiện ra đội quân đất nung tại đây vào năm 1974 được coi là thành tựu khảo cổ kỳ diệu nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có quy mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, cả về cách bố trí độc đáo, vật liệu, công nghệ hình thành và một số lượng lớn các đồ vật thờ cúng tinh tế; là minh chứng cho đế chế Trung Hoa thống nhất đầu tiên với quyền lực chưa từng có về chính trị, quân sự và kinh tế, cũng như trình độ phát triển cao về văn hóa, xã hội và nghệ thuật.

Lăng mộ Hoàng đế Tần đầu tiên – Tần Thủy Hoàng, tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1987) với tiêu chí:

Tiêu chí (i)Lăng mộ Tần Thủy Hoàng với các chiến binh đất nung, ngựa và xe tang lễ bằng đồng, được tạo tác bởi kỹ thuật và nghệ thuật đặc biệt, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, một công trình lớn về tác phẩm điêu khắc trong lịch sử Trung Quốc giai đoạn trước triều đại nhà Hán.

Tiêu chí (iii): Cách bố trí hàng ngũ của các bức tượng đất nung trong lăng mộ là bằng chứng đặc biệt về tổ chức quân sự Trung Quốc thời Chiến quốc (năm 475-221 TCN) và thời nhà Tần (năm 221-210 TCN). Tại đây còn tìm thấy các loại vũ khí như thương, kiếm, rìu, kích, cung tên…Giá trị của mỗi nhóm tác phẩm điêu khắc là rất lớn, từ tổng thể cho đến từng chi tiết, ví dụ như đồng phục của các chiến binh, bộ áo giáp che tay, thậm chí cả những con ngựa…; Tất cả cho thấy nghề thủ công và kỹ thuật chế tác đồng của những người thợ thời bấy giờ rất phong phú.

Tiêu chí (iv): Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là khu bảo tồn lớn nhất ở Trung Quốc. Đây là một quần thể kiến ​​trúc nổi bật, có bố cục tương tự như quy hoạch trung tâm Hàm Dương tại Tây An (Trường An, kinh đô của nước Tần thời Chiến Quốc, khoảng từ thế kỷ 5 TCN tới khi Trung Quốc thống nhất năm 221 TCN) và sau này cũng là kinh đô của nhà Hán, Đường, Tống. Đó là dạng bố cục kiểu cung điện hoàng gia, được bảo vệ bởi các lớp tường thành. Đây cũng chính là mô hình thu nhỏ của Trung Quốc mà Tần Thủy Hoàng mong muốn thống nhất, nơi mà ông đã áp đặt một hệ thống văn bản, tiền, đơn vị đo lường mới.

Tiêu chí (vi): Lăng của Tần Thủy Hoàng gắn trực tiếp với một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu: Sự thống nhất lãnh thổ Trung Quốc lần đầu tiên và hình thành một nhà nước tập quyền, được lập ra bởi một vị hoàng đế bắt đầu từ năm 221 TCN.

2RanhgioiDisan

Ranh giới Di sản và vùng bảo vệ Lăng mộ Hoàng đế đầu tiên Tần Thủy Hoàng, tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

Khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng được cho là đặt theo thuật phong thủy truyền thống Trung Quốc, nằm trong huyệt đạo mắt rồng.

Lăng mộ như một mô hình hóa của kinh thành Hàm Dương, kinh đô Tây An, bao quanh bởi hai lớp tường thành bằng đất, bố cục theo trục Bắc – Nam. Tường thành cao khoảng 10m.

Thành ngoại, theo hướng Bắc – Nam dài 2187m, hướng Đông – Tây dài 975m. Diện tích khu vực thành ngoại rộng 213ha. Giữa hai lớp thành là các tháp, cung điện, đền, nhà ở…Thành nội là hoàng cung và lăng mộ.

Thành ngoại có 4 cổng, thành nội có 6 cổng ra vào.

Lăng mộ được xây dựng bởi nghệ nhân, thợ thủ công, tù nhân và những người làm việc để trả nợ thuế.
Sau khi hoàn thành lăng mộ, hầu hết họ đều bị chôn sống trong các hố chôn xung quanh lăng mộ.

2SodoMo1

Sơ đồ các hạng mục công trình chính trong khu vực Di sản Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tại Tây An

Hầm mộ hay cung điện ngầm   

Mộ Tần Thủy Hoàng (trong hình vẽ ký hiệu 2, Mound of Qin Shi Huang Mausoleum) nằm trọn hoàn toàn trong khu đất phía Nam của thành nội.

Mộ có mặt bằng gần như vuông, chiều dài theo hướng Bắc – Nam là 355m, theo hướng Đông – Tây là 345m. Bên trên mộ bao bọc một lớp đất đắp nổi, tạo thành hình dạng như một kim tự tháp bị cắt ngắn, ban đầu cao đến 76m (có số liệu cho rằng cao 115m), nay chỉ còn cao 47m.

Dưới gò mộ, cách mặt đất khoảng 35 m là cung điện ngầm (địa cung) hình chữ nhật, hướng Bắc – Nam dài 460m, hướng Đông – Tây dài 392m; Bao quanh địa cung là bức tường xây bằng đất nhiều lớp, cao 30-40m gồm nhiều bậc.

Trung tâm địa cung là buồng mộ, dài 80m từ Đông sang Tây, 50m từ Bắc đến Nam, cao khoảng 15m. Mộ có hai lối vào chính theo hướng Đông – Tây (và các lối vào khác đã bị lấp). Ngôi mộ chưa bị khai quật. Người ta dự đoán rằng, xác của hoàng đế có thể được bảo tồn tương đối tốt.

Trong khu vực địa cung đã phát hiện nồng độ thủy ngân cao hơn mức bình thường đến 280 lần. Theo một số giả thuyết, thủy ngân được sử dụng trong mộ để mô phỏng hai con sông chính của Trung Quốc là Dương Tử, Hoàng Hà; biển và để lưu giữ xác của hoàng đế. Năm 2000, tại đây còn phát hiện một đập ngầm và hệ thống thoát nước đảm bảo cho địa cung không bị ngập bởi nước ngầm.

Nhà sử học Trung Quốc Tư Mã Thiên (năm 145 TCN – 86 TCN) đã miêu tả: Lăng mộ Tần Thủy Hoàng rất lớn, như bản sao của cung điện hoàng gia trên mặt đất. Trần hầm mộ được khảm ngọc trai và đá quý tượng trưng cho bầu trời và mặt đất. Trong hầm mộ có các dòng sông và biển tượng trưng làm bằng thủy ngân. Quan tài đúc bằng đồng, được chôn kèm vô vàn báu vật, mà từ thời Cổ đại, không ai từng được chôn cất theo cách sang trọng như vậy. Trong mộ đặt các bẫy nỏ bắn tên để ngăn chặn những kẻ cướp mộ…

12

Hình ảnh mô phỏng tẩm cung và nơi đặt mộ ần Thủy Hoàng, tại Tây An

Khu vực di tích khác bên trong khu vực thành nội 

– Khu vực di tích với các bộ xương bị biến dạng (ký hiệu 5, Mutilated Skeletons): nằm tại phía Đông Bắc của khu mộ, bao quanh bởi các bức tường thành nội. Tại đây người ta tìm thấy các hố chứa các bộ xương. Không có bộ xương nào hoàn chỉnh, có thể do bị giết chết.

– Khu vực di tích với xe và ngựa bằng đồng (Bronze Chariots and Horses): nằm tại phía Tây Bắc khu mộ. Đây là hai cỗ xe khai quật vào năm 1980, được cho là chiếc xe bằng đồng đầu tiên, lớn nhất, phức tạp nhất và tinh tế nhất được phát hiện tại Trung Quốc. Phát hiện này làm phong phú thêm cho di tích đội quân đất nung và như một bằng chứng về sự phát triển kỹ thuật luyện kim và thông số kỹ thuật xe từ triều đại Tần. Cỗ xe đầu tiên có chỗ ngồi thoáng với một chiếc ô bằng đồng. Cỗ xe thứ hai có chỗ ngồi kiểu kín. Cả hai cỗ xe đều có kích thước bằng 50% kích thước thật, mỗi cái nặng 1200 kg. Các cỗ xe có đến 3400 bộ phận, được điều khiển bởi 4 con ngựa. Mỗi cỗ xe còn có 1700 mảnh đồ trang trí bằng vàng và bạc. Hai cỗ xe hiện đã được khôi phục và đặt tại Phòng trưng bày xe ngựa bằng đồng (Exhibition Hall of the Bronze Chariots) tại Bảo tàng đội quân đất nung (Terracotta Army Museum), Tây An, Trung Quốc.

3

Hình ảnh khai quật di tích xe và ngựa bằng đồng tại phía Tây Bắc khu mộ Tần Thủy Hoàng

45

Hình ảnh xe ngựa với xe kéo không có mui và có mui sau khi được phục chế và trưng bày tại
Bảo tàng đội quân đất nung (Terracotta Army Museum), Tây An, Trung Quốc

– Khu vực di tích cung điện thứ hai (Secondary Palaces) hay cung điện nổi: nằm tại phía Tây Bắc khu mộ, được phát hiện vào năm 2012, có kích thước dài 690m, rộng 250m, diện tích lên đến 17,25ha (gần bằng 1/4 diện tích Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh – 72,36ha). Di tích cung điện bao gồm tàn tích của 18 cụm công trình với sân trong, 1 cung điện trung tâm, các bức tường, cổng, đường đá, mảnh gốm, gạch…

Khu vực di tích giữa thành nội và thành ngoại 

– Hố K9801 (Pít K9801): nằm tại phía Đông thành nội, là nơi đã khai quật được các bức tượng người bằng đất, mặc áo giáp, đội mũ (Stone, Armor and Helmets);

– Hố K9901: nằm cạch hố K9801, là nơi khai quật được tượng các nghệ sĩ nhảy múa (Acrobatics Figures) kèm theo các loại nhạc cụ;

– Hố chôn động vật (Sacrificial Animals): nằm tại phía Tây, giữa thành nội và ngoại. Động vật hiến tế, bao gồm cả một số loài chim, là các loài động vật mà Hoàng đế muốn mang theo đến thế giới bên kia;

– Nơi hiến tế (Sacrificial Offerings Office): nằm tại phía Tây, giữa thành nội và ngoại

– Nơi hiến tế khác (Other Offices): nằm tại phía Tây, giữa thành nội và ngoại

Khu vực bên ngoài lăng

Di tích nghĩa địa của thợ xây dựng (ký hiệu 1)

Di tích nghĩa địa của thợ xây dựng (Builder’s Graveyards) nằm phía Tây của Khu vực lăng Mộ Tần Thủy Hoàng, cách lăng mộ khoảng 1km. Khu vực này có diện tích khoảng 8100m2, chứa khoảng 114 mộ, gồm 106 mộ thời Tần và một số khu mộ mộ thời Hán và Đường. Các hố mộ bố trí dày, cách nhau khoảng 18 cm.

Năm 1980, 32 hố mộ thời nhà Tần đã được khai quật. Mộ nhỏ nhất dài 80cm và rộng 65 cm. Mỗi hố mộ chứa đến 100 bộ xương. Vị trí và vết tích trên các bộ xương cho thấy sự chôn cất vội vàng và họ bị giết tàn bạo sau khi xây dựng lăng mộ.

Di tích hố chôn người (ký hiệu 3)

Hố chôn người (Slaughter Pits) nằm tại phía Đông Nam Khu vực lăng, được cho là nơi chôn hoàng tử, công chúa, quan lại bị giết bởi hoàng đế Tần lên nối ngôi Tần Thủy Hoàng.

Di tích hố chôn các dụng cụ tra tấn (ký hiệu 4)

Hố chôn các dụng cụ tra tấn (Punishes Convicts) nằm tại phía Tây Bắc Khu vực lăng. Đây được cho là nơi chứa các dụng cụ như cung, nỏ, kiếm…dùng cho việc quản lý tù nhân.

Di tích hố chôn đội quân đất nung (ký hiệu 6)

Đội quân đất nung bao gồm 3 loại chính: Bộ binh, người đánh xe và kỵ binh. Bộ binh có thể chia thành: Sĩ quan cao cấp, trung bình, thấp; Binh lính với vũ trang hạng nặng,nhẹ và các cung thủ đứng và quỳ. Người đánh xe có thể chia thành: Người điều khiển xe và người dắt ngựa kéo xe.

Hố chôn đội quân đất nung (Terracotta Army) nằm tại phía Đông, cách Khu vực lăng khoảng 1,5km, được phát hiện vào năm 1974 bởi nông dân địa phương. Đội quân đất nung, bao gồm chiến binh, xe ngựa và ngựa, là một trong hình thức nghệ thuật tang lễ với mục đích bảo vệ hoàng đế trong thế giới bên kia.
Di tích hố chôn đội quân đất nung gồm 3 hố (ký hiệu Hố 1, 2, 3) chứa hơn 8.000 binh sĩ, 130 xe ngựa với 520 con ngựa, 150 con ngựa kỵ binh và khoảng 40000 vũ khí bằng đồng.

Hiện tại, khu vực 3 hố chôn đội quân đất nung và phòng trưng bày các chiếc xe ngựa bằng đồng trở thành Bảo tàng đội quân đất nung (Terracotta Army Museum).

6

Hình minh họa cách phân loại đội quân đất nung với 3 loại chính: Bộ binh, người đánh xe và kỵ binh, Khu vực Di sản Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tại Tây An

7

Sơ đồ vị trí các Hố 1, 2, 3 trong Bảo tàng đội quân đất nung, Khu vực Di sản Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại Tây An

– Hố 1 (Pit 1) là hố chôn lớn nhất và ấn tượng nhất, có mặt bằng hình chữ nhật, dài 230m theo hướng Đông – Tây, 62m hướng Bắc – Nam, diện tích 14260m2, sâu 4,5 – 6,5m so với mặt đất mặt đất, chứa khoảng 6000 chiến binh chủ lực của hoàng đế (hiện đã có khoảng 2000 tượng được trưng bày). Hố có 11 hành lang hay hào rộng hơn 3m, sâu 2,5m và được lát bằng những viên gạch nhỏ, bên trên là trần gỗ được đỡ bởi các dầm và cột trụ lớn. Cấu trúc xây dựng này được cho là tương tự như trong cung điện hoàng gia. Phía trên trần nhà được bao phủ bằng lớp sậy, phía trên là lớp đất sét để chống thấm, trên cùng phủ đất dày 2- 4m. Tất cả binh lính và ngựa đều hướng về phía Đông, mỗi hào chứa 4 hàng lính, dãy hào ngoài cùng phía Bắc và Nam chứa 2 hàng lính.

7Pit18

Sơ đồ vị trí của đội quân đất nung trong các hào đã khai quật tại Hố 1  

9

Sơ đồ mặt bằng tòa nhà bảo vệ đội quân đất nung sau khai quật và phục chế tại Hố 1. Việc khai quật vẫn tiếp tục được mở rộng. 

10

Sơ đồ mặt cắt qua các hào đặt đội quân đất nung; Hố 1

11

Phối cảnh bên trong tòa nhà bảo vệ đội quân đất nung sau khai quật và phục chế tại Hố 1 

12

Mặt sau của hàng đội quân đất nung; tất cả đếu hướng về phía Đông, tại Hố 1

13

Hình ảnh đội quân đất nung trong Hố 1 

14

Phói cảnh chính lối vào tòa nhà trưng bày đội quân đất nung tại Hố 1, Bảo tàng đội quân đất nung, Khu vực Di sản Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại Tây An

– Hố 2 (Pit 2) được khai quật vào năm 1976, nằm cách Hố 1 khoảng 20m về phía Đông Bắc. Hố có mặt bằng hính chữ L, dài 96m theo hướng Đông – Tây, 84m hướng Bắc – Nam, diện tích khoảng 6000m2, sâu 5m so với mặt đất. Hố chứa khoảng 1300 tượng gồm: cung thủ, bộ binh, kỵ binh và 80 chiến xa và được cho là đơn vị bảo vệ lăng mộ. Các đơn vị bố trí độc lập song có thể tạo thành một đội hình chiến đấu hoàn chỉnh trong thời chiến.

15

Sơ đồ mặt bằng tòa nhà bảo vệ đội quân đất nung sau khai quật và phục chế tại Hố 2 

16

Phối cảnh bên trong tòa nhà bảo vệ đội quân đất nung sau khai quật và phục chế tại Hố 2 

17

Hình ảnh đội quân đất nung sau khai quật và phục chế một phần tại Hố 2 

– Hố 3 (Pit 3) được phát hiện váo năm 1976, nằm cách 25m về phía Bắc của Hố 1. Hố có mặt bằng hình chữ U, dài 28m theo hướng Đông – Tây, 24m theo hướng Bắc- Nam, diện tích khoảng 520m2, sâu khoảng 5m so với mặt đất. Hố chứa 68 tượng các vị quan chức, tướng lãnh và một chiến xa. Nhiều tượng không có đầu. Hố 3 được cho là trung tâm chỉ huy của đội quân tại Hố 1 và 2.

18

Sơ đồ mặt bằng tòa nhà bảo vệ đội quân đất nung sau khai quật và phục chế tại Hố 3 

19

Phối cảnh bên trong tòa nhà bảo vệ đội quân đất nung sau khai quật và phục chế tại Hố 3 

20

Hình ảnh đội quân đất nung sau khai quật và phục chế một phần tại Hố 3

Theo thời gian, nhiều tượng bị hư hỏng, hiện đang được phục hồi.

Các bức tượng đất nung có kích thước như thật. Không có tượng nào giống nhau.
Tượng cao trung bình 1,85m, có tượng cao đến 2,5m.

Tượng khác biệt nhau về khuôn mặt, kiểu búi tóc và đồng phục phù hợp với thứ hạng.
Người ta đã phân loại được đến 8 hình dạng khuôn mặt cơ bản.

Kiểu búi tóc trong thời Cổ đại không chỉ là một phần lối sống của người dân mà còn phản ánh địa vị xã hội của họ. Kiểu tóc của các chiến binh đất nung cũng được phân biệt dựa theo cấp bậc. Có hai loại búi tóc: búi tóc bó gọn được ghim bằng các dải, băng và búi tóc được bọc trong mũ vải.

Cách ăn mặc được phân theo cấp bậc: Tướng lãnh mặc hai lớp áo choàng, trên là áo giáp bằng thép bảo vệ ngực, lưng và vai, giày hình vuông, trọng lượng nhẹ và cong lên phía trước; Chiến binh mặc áo choàng cao cổ, áo giáp bọc thép bảo vệ ngực, lưng và vai; Kỵ binh đội mũ chùm đầu, khăn choàng cổ, áo giáp nhẹ ở mặt trước và sau; Người đánh xe có thêm sự bảo vệ cánh tay, bàn tay để kiểm soát các con ngựa, có mũ bảo bảo vệ phía sau cổ, giày mềm và tròn ở đầu ngón chân.

21

Hình minh họa màu sắc thật của trang phục đội quân đất nung, Khu vực Di sản Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tại Tây An 

Tượng đất nung được sản xuất bởi các nhóm nghệ nhân dân gian và thợ thủ công. Có 6 bước để tạo ra một bức tượng đất nung:

i) Nhào lặn đất sét (Getting the clay);

ii) Đúc khuôn các bộ phận riêng biệt (Marking the parts separately): đầu, thân, vai, tay, hông và chân;

iii) Lắp ráp các bộ phận với nhau (Putting the parts together);

iv) Chạm khắc (Carving) bằng tay bởi các nghệ nhân;

v) Nung trong lò (Firing in a kiln);

vi) Sơn màu trang trí (Painting) bằng tay bởi các nghệ nhân.

Nghệ nhân khắc đánh dấu vào tác phẩm của mình để đảo bảo tiêu chuẩn về chất lượng, giám sát mức sản xuất của các thợ thủ công.

Tượng sau khi hoàn thành được đặt vào các hố theo các cấp bậc, nhiệm vụ.

Các tượng binh mã khi đào lên có màu sắc độc đáo, tươi sáng với màu hồng, đỏ, lục, lam, đen, nâu, trắng… Song sau một thời gian lớp sơn màu trên tượng bị phai nhạt và bị bong ra. Hiện tại, các bức tượng đều phải được bảo quản bằng phương pháp đặc biệt tránh nứt, vỡ, phai màu…

22

Hình minh họa cách thức chế tạo đội quân đất nung, Khu vực Di sản Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, tại Tây An

Các loại vũ khí trang bị cho các bức tượng là thực. Phần lớn các loại vũ khí này đã bị cướp ngay khi nhà Tần sụp đổ hoặc đã bị mục nát. Tuy vậy, đã có hơn 40.000 vật phẩm vũ khí bằng đồng được phục hồi, bao gồm: kiếm, dao găm, giáo, kích, rìu, mã tấu, chùy, cung và tên, khiên… Theo chữ khắc ghi ngày sản xuất, nhiều vũ khí được sử dụng trước khi chôn trong hố mộ. Các nghiên cứu cũng cho thấy các mũi tên được sản xuất hàng loạt theo công đoạn, phân chia lực lượng lao động theo tay nghề và hợp tác trong sản xuất tương tự như việc chế tạo tượng.

Một số vũ khí được phủ một lớp hợp chất Crôm (Cr2O3 dày 10-15 micromet), để bảo vệ khỏi các tác nhân oxi hóa từ môi trường bên ngoài. Đây cũng là hợp chất chống ăn mòn được con người sử dụng lần đầu tiên.

Các bức tượng đất nung tại Khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng nổi tiếng đến mức người ta so sánh với việc khi đến thăm Ai Cập trước hết là thăm Kim tự tháp, còn khi đến thăm Trung Quốc, trước hết là thăm Khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng với các hố chôn đội quân đất nung. Bảo tàng đội quân đất nung (Terracotta Army Museum) hiện hàng năm thu hút được 5 triệu du khách.

Di sản Lăng mộ Hoàng đế Trung Quốc đầu tiên – Tần Thủy Hoàng, tại cố đô Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc phản ánh quyền lực to lớn của nhà nước tập quyền Trung Quốc thời bấy giờ, cũng như mức độ kỹ thuật rất cao về gốm, lắp ráp xe, luyện kim và chế biến kim loại trong triều đại nhà Tần.
Khu vực Lăng mộ Tần Thủy Hoàng với nhiều bí ẩn hiện vẫn đang được khám phá.

***

Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.

Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn…); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.

Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.

Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất;

Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên;

Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907;

Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279;

Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên;

Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644;

Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.

Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.

Tỉnh Thiểm Tây nằm tại vùng Tây Bắc Trung Quốc, giáp các tỉnh Sơn Tây và Hà Nam (phía Đông); Hồ Bắc, Trùng Khánh và Tứ Xuyên (phía Nam); Cam Túc và Ninh Hạ (phía Tây); Nội Mông (phía Bắc), có diện tích hơn 205.000 km2 với dân số khoảng 37 triệu người; Thủ phủ là thành phố Tây An.

Thiểm Tây là một phần đất của cao nguyên Hoàng Thổ tại lưu vực sông Hoàng Hà; Dãy núi Tần Lĩnh chạy ngang qua phần phía Nam của tỉnh.

Thời Thượng Cổ, Thiểm Tây là đất Ung Châu, mảnh đất khởi đầu của nền văn minh Hoa Hạ, Trung Hoa.

1BandoHC

Sơ đồ Trung Quốc và vị trí của tỉnh Thiểm Tây

Nhà Tần (Qin Dynasty, 221 TCN – 206 TCN, triều đại kế tục nhà Chu) dưới thời Tần Thủy Hoàng đã đánh bại tất cả các nước chư hầu, thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN, đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc Trung Hoa, một giai đoạn kéo dài cho đến khi kết thúc nhà Thanh vào năm 1912.

1Chienquocthathung260TCN1

Bản đồ Thời chiến quốc năm 260 TCN với 7 nước chư hầu lớn: Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy và Tần

Nhà Tần mặc dù cai trị trong một thời gian ngắn 15 năm, song đã hình thành chế độ trung ương tập quyền (hay phong kiến tập quyền) thay thế chế độ phong kiến phân quyền vào thời nhà Chu trước đó.
Nền tảng cho chế độ này là nền kinh tế hàng hóa – tiền tệ đã phát triển một bước, các thị dân ủng hộ nhà vua xóa bỏ tình trạng cát cứ địa phương để hàng hóa giao lưu thuận tiện.

Chế độ trung ương tập quyền nhà Tần cai trị nhờ bộ máy quan liêu với hệ thống quan lại được lựa chọn, tổ chức theo các quy tắc, luật lệ, mục đích và triết lý thực hiện do nhà vua ban ra.

Tần Thủy Hoàng chia cả nước thành các quận, huyện, hương và lý. Cấp quận có một quận thú coi về dân sự, một quân úy coi về quân sự; bên trên là một viên giám ngự sử chỉ chịu trách nhiệm với nhà vua. Như vậy không viên quan nào có thể chuyên quyền và cát cứ như thời nhà Chu. Quan lại lớn nhỏ đều không truyền lại cho đời sau, mà do Hoàng đế đích thân bổ nhiệm.

Chế độ phong kiến tập quyền gắn với bộ máy quan liêu có thể coi là bước tiến tích cực trong quá trình tổ chức và vận hành xã hội Trung Quốc thời bấy giờ và được áp dụng cho những triều đại kế tiếp sau này.
Dưới thời Tần Thủy Hoàng, nông dân, binh lính được ưu đãi.

Đất không còn sở hữu của nhà vua mà là của người làm ruộng. Người chủ ruộng có quyền bán ruộng và ai cũng có quyền mua, gọi đó là chế độ danh điền. Từ đó tạo nên một giới địa chủ có nhiều đất ruộng, dần dần hình thành một giai cấp có quyền hành tương tự như các chư hầu nhỏ thời trước.
Năm hay mười nhà họp nhau thành một liên gia, chịu chung trách nhiệm với nhau.

Nhà Tần cũng thống nhất tiêu chuẩn hóa các đơn vị đo lường của Trung Quốc, như trọng lượng, kích thước, tiền tệ, chiều dài các trục bánh xe (chiều rộng xe, tạo điều kiện vận chuyển thuận lợi trên hệ thống giao thông đường bộ)…Tất cả để phục vụ cho việc dễ tính thuế và thu thuế.

Thuế được trả bằng lúa; thu thuế tại trung tâm các quận và kinh đô. Hoàng đế cũng phát triển một mạng lưới rộng lớn đường giao thông và kênh kết nối các địa phương về thương mại, quân sự.
Trước triều đại Tần, mỗi miền có một ngôn ngữ và chữ viết riêng. Nay chỉ còn một ngôn ngữ, một hệ thống truyền thông cho toàn cõi Trung Quốc.

Chính nhờ một chính thể thống nhất quyền lực chính trị, một lực lượng quân đội lớn và được hỗ trợ bởi một nền kinh tế ổn định, nhà Tần đã có thể thực hiện được các dự án lớn, ví như huy động được khoảng 30 vạn nông dân và tù nhân xây dựng các bức tường dọc theo biên giới phía Bắc ngăn chặn quân Hung Nô, phát triển thành Vạn Lý Trường Thành sau này; Đào kênh Linh Cừ vào năm 214, có chiều dài 34km, để vận chuyển quân nhu cho quân đội; Xây cung A Phòng với quy mô khổng lồ và sử dụng đến 70 vạn tù binh để xây dựng…

Ngay sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã tiến hành mở mang bờ cõi ra nước ngoài, ví dụ như đánh bại quân Hung Nô tại phía Bắc, chiếm đất đai của các quốc gia láng giềng tại phía Nam.
Để tập trung quyền lực, nhà Tần chấm dứt truyền thống tự do tư tưởng có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc qua việc áp dụng các biện pháp cai trị bằng Pháp gia (triết lý chính trị tán thành sự cai trị của pháp luật) và đàn áp tất cả các trường phái tư tưởng khác; Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho đốt phần lớn sách, chỉ cho giữ những sách về chiêm tinh học, nông nghiệp, y học, bói toán và lịch sử của nhà nước Tần. Điều này cũng nhằm phục vụ mục đích thúc đẩy việc hình thành hệ thống chữ viết mới.

Tháng 7 năm 210 TCN, Hoàng đế độc tài Tần Thủy Hoàng qua đời. Nhiều cuộc nổi loạn diễn ra.
Sau 15 năm tồn tại, tháng 10 năm 207 TCN nhà Tần bị diệt vong bởi nhà Hán.

Tần Thủy Hoàng (Qin Shi Huang, 259 TCN – 210 sau Công nguyên) được đánh giá là một trong những nhân vật nổi bật trong lịch sử Trung Quốc, lập nên một đế quốc lớn bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Ông tự xưng là Thủy Hoàng Đế.

Một trong những dự án đầu tiên mà Tần Thủy Hoàng thực hiện khi còn sống là xây lăng mộ cho mình.
Công việc xây lăng được bắt đầu ngay khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi vào năm 246 TCN, khi mới 13 tuổi. Song việc xây dựng thật sự chỉ bắt đầu khi ông thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN. Năm 215 TCN, ông ra lệnh điều động tới khoảng 70 vạn người xây dựng lăng mộ.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng kéo dài trong hơn 38 năm, từ năm 246 – 208 TCN, kết thúc sau 2 năm khi ông qua đời.

1

Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của nước Trung Quốc thống nhất



Tham khảo:

https://whc.unesco.org/en/list/441
https://en.wikipedia.org/wiki/Shaanxi
https://en.wikipedia.org/wiki/Qin_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Qin_Shi_Huang
https://en.wikipedia.org/wiki/Mausoleum_of_the_First_Qin_Emperor
https://en.wikipedia.org/wiki/Terracotta_Army
http://www.chinaculturetour.com/xian/mausoleum-of-the-first-qin-emperor.htm
https://www.travelchinaguide.com/cityguides/xian/terracotta/pits.htm
https://www.chinahighlights.com/xian/terracotta-army/http://www.ancientchina.org.uk/xian/terracotta-warriors/

Nguồn bài đăng

2 thoughts on “Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Bình luận về bài viết này