Nguyễn Tuấn Hùng
Ngày 01/10/2021 đánh dấu kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với nhiều thành tựu đáng kể. Trước đó, Bắc Kinh cũng đón chào sự kiện 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 01/07/2021, tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPP). Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc, chỉ có chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc mới có thể phát triển Trung Quốc” [1]. Thật vậy, Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thần kỳ; từ một quốc gia nghèo ở khu vực, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Về chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc dẫn dắt quốc gia của mình. Thời điểm thành lập chỉ vào khoảng 60 đảng viên [2], đến nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có hơn 95 triệu đảng viên. Điều này cho thấy quy mô và mức độ tin tưởng của nhân dân đối với đường lối mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện. Chính sự đoàn kết này và sự lãnh đạo nhất quán mà Đảng đã dẫn dắt nước này từ một quốc gia nửa phong kiến – nửa thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trải qua 5 thế hệ lãnh đạo, hiện nay Tập Cận Bình là vị lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt mới của Trung Quốc khi ông Tập chủ trương “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” [3]. Tư tưởng này của ông đã được đưa vào kho tàng lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành nhà lãnh đạo được đặt ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình [4]. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách “ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu” dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, sang chính sách “trỗi dậy hòa bình” [5]; nước này cam kết sự lớn mạnh của họ sẽ không đe dọa đến nền hòa bình khu vực và thế giới.
Năm 2013, từ ý tưởng của ông Tập, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI -Belt and Road Initiative) đã xuất hiện và gần như đối trọng với chính sách Xoay trục sang châu Á của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tính đến tháng 01 năm 2021, trong khuôn khổ chiến lược BRI, Bắc Kinh đã ký MOU với gần 140 quốc gia [6] trên toàn cầu (40 quốc gia ở Châu Phi, 34 quốc gia ở Châu Âu và Trung Á, 24 quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương, 17 quốc giaở Trung Đông và Bắc Phi, 19 quốc gia ở Mỹ Latinh và vùng Caribe, 6 quốc gia ở Đông Nam Á). Với sáng kiến này, từ năm 2013 đến hết năm 2020, ước tính Trung Quốc đã đầu tư gần 770 tỷ USD [7] với các quốc gia ký kết MOU thuộc khuôn khổ BRI. Tuy vậy, việc thực hiện sáng kiến này vẫn gặp nhiều khó khăn nhất định khi Trung Quốc gần như là quốc gia cho vay khiến các quốc gia đi vay gần như không có khả năng chi trả. Điều này làm lộ rõ những khuyết điểm trong việc hoạch định chính sách của sáng kiến. Nhiều nước Phương Tây đã cáo buộc Bắc Kinh thực hiện “ngoại giao bẫy nợ” [8] để ràng buộc các quốc gia kém phát triển hơn phụ thuộc vào họ và khi không có khả năng trả nợ thì dùng các nguồn khác để chi trả. Tuy vậy, không thể phủ nhận sức mạnh và tiềm lực của Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua sáng kiến này.
Về kinh tế, sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế lớn ở khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung. Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình vào cuối những năm 1970 đã tạo tiền đề quan trọng để Bắc Kinh vươn thành một trong những “cường quốc mới nổi” trong thế kỷ XXI. Sự tăng trưởng thần kỳ của nước này đã đưa gần 300 triệu người dân – tương đương với số dân Hoa Kỳ hiện nay, thoát khỏi tình trạng đói kém, thu nhập cực kỳ thấp với mức dưới 1 USD/ngày. Năm 1978, GDP Trung Quốc chỉ đạt khoảng 149,54 tỷ USD [9]; nhưng đến năm 2020, quy mô GDP nước này đã tăng lên 15,66 nghìn tỷ USD [10], tức đã tăng gần 105 lần. Trong khi đó, so sánh với Hoa Kỳ, từ giai đoạn 1978-2020, GDP tăng từ 6,57 nghìn tỷ USD [11] lên 20,9 nghìn tỷ USD [12], tức mức tăng chỉ vào khoảng 3.19 lần. Cùng năm 2020, mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch covid-19, nhưng sức mua tương đương (PPP) [13] của Trung Quốc đã đạt hơn 24,14 nghìn tỷ USD (đứng thứ 1), trong khi Mỹ chỉ đạt 20,93 nghìn tỷ USD (đứng thứ 2). Quy mô kinh tế của Trung Quốc đã tăng đáng kể từ thời kỳ cải cách của ông Đặng và trở thành “cường quốc mới nổi” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Tháng 02/2021, Trung Quốc cũng tuyên bố nước này đã hoàn thành việc xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực [14]. Theo đó, 98,99 triệu người nghèo ở nông thôn nước này đã thoát nghèo, 832 huyện và 128 nghìn làng nghèo được xóa khỏi danh sách đói nghèo.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Bắc Kinh đã trở thành đối tác hàng đầu của nhiều quốc gia và khu vực. Ở Đông Á và Đông Bắc Á, Trung Quốc hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế khu vực, là bạn hàng thân thiết của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã thành công với việc ký kết Hiệp định tự do thương mại với ASEAN [15] vào năm 2010, thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN hình thành theo đúng lộ trình. Đồng thời, nước này cũng là đối tác kinh tế quan trọng của khu vực Trung Á, vượt cả Nga; tại Nam Á, quan hệ thương mại Trung – Ấn [16] cũng là một điểm nhấn khi thặng dư thương mại song phương tăng từ 2 tỷ USD vào năm 2000 lên đến 73,9 tỷ USD vào năm 2011, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ vào năm 2008; trong khi đó, Bắc Kinh cũng chạy đua với Hoa Kỳ và trở thành quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Châu Phi vào năm 2009 [17]. Mỹ Latinh, Trung Đông cũng là đối tác kinh tế thương mại lớn của Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
Về quân sự, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong những năm trở lại đây, Bắc Kinh liên tục tăng cường các lực lượng tuần duyên trên biển và thực hiện triển khai mạnh hơn với sự hoạt động của 6 lực lượng kiểm soát, hành động trên biển bao gồm Cảnh sát biển, Cơ quan An toàn Hàng hải, Tổng cục Hải quan, Cơ quan Hải dương, Hải quân, Lực lượng Ngư chính,… Trung Quốc cũng thực hiện hiện đại hóa lực lượng quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Trong một diễn biến mới nhất, Trung Quốc sẽ tăng 6.8% [18] cho chi phí chi tiêu quốc phòng năm 2021. Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tập trung thực hiện hàng loạt các cải cách, bao gồm thực hiện mạnh mẽ việc sáp nhập các vùng tác chiến, cắt giảm về mặt nhân sự và cải thiện hợp tác giữa các lực lượng dân sự và quân sự. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ông Tập đang chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi PLA từ một lực lượng chủ yếu hoạt động trên đất liền thành một thế lực hùng mạnh trên biển. Với tầm nhìn của mình, ông Tập thực hiện cắt giảm số lượng lớn nhân sự [19] của khối lục quân quân đội Trung Quốc. Thay vào đó, nhân sự dành cho hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược trong quân đội Trung Quốc có số lượng chiếm hơn 50% tổng số quân của Trung Quốc. Giai đoạn 1998-2018 [20], chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh đã tăng từ 31 tỷ USD lên 239 tỷ USD, trở thành quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Một báo cáo của Mỹ vào năm 2020 đã cho thấy sự không hài lòng của nước này khi Trung Quốc sở hữu một lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới và xu hướng ngày càng mở rộng kho tên lửa tiên tiến [21] như tên lửa DF-26, DF-21, CSS-4 Mod 2/Mod 3 (còn gọi là DF-5), DF-4,… đều có tầm bắn lên đến 2000km.
Về mặt ngoại giao, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác, Trung Quốc đã thực hiện chính sách mềm dẻo nhằm hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Năm 1972, “ngoại giao bóng bàn” nổi tiếng đã chính thức đẩy Trung Quốc xích lại gần hơn với Mỹ và hội nhập cùng thế giới Phương Tây. Trung Quốc đã tận dụng mối quan hệ tốt đẹp này để phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhờ hội nhập cùng với thế giới phương Tây, Trung Quốc đã học hỏi và những năm gần đây liên tiếp đạt được nhiều thành công. Đáng kể nhất là các chuyến bay có người lái [22], đưa vệ tinh liên lạc lượng tử đầu tiên trên thế giới vào không gian và Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về hệ thống vệ tinh 5G. Nhờ điều này, Bắc Kinh đã chuyển từ công xưởng thế giới sang những quyền lực công nghệ lớn của thế giới. Một xuất bản của trường Đại học Cornell và INSEAD năm 2019 đã chỉ ra Trung Quốc xếp hạng thứ 3 (sau Mỹ và Anh). Một trong những trường đại học hàng đầu có thể kể là Đại học Thanh Hoa, tiếp theo là Đại học Bắc Kinh và Chiết Giang. Các xuất bản của Trung Quốc đã tăng lên một cách nhanh chóng, vào khoảng 15% [23] trong vòng hơn 20 năm.
Năm 2020, Trung Quốc đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) [24] với các nước ASEAN và cơ chế ASEAN+6. RCEP mà Bắc Kinh đã ký kết sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn trên quy mô hơn 2,2 tỷ người, tương đương 26,2 nghìn tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Ngoài ra, cuối năm 2020, nước này cũng hoàn tất việc ký kết Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc [25] sau hơn 7 năm đàm phán. Đây được xem là dấu mốc quan trọng giúp tăng cường quan hệ giữa hai bên cũng như giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch.
Trung Quốc cũng thực hiện truyền bá sức mạnh mềm thông qua việc thành lập các Học viện Khổng Tử ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2004, Học viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Seoul của Hàn Quốc. Mười năm sau, tức năm 2014, đã có khoảng 471 Học viện Khổng Tử và 730 Lớp học Khổng Tử được lập ra ở 125 quốc gia và vùng lãnh thổ [26]. Ở Mỹ, học viện đầu tiên cũng được thành lập năm 2004, nhưng đến năm 2015, ở Mỹ đã có hơn 100 Học viện Khổng Tử và 356 Lớp học Khổng Tử, số lượng nhiều nhẩ thế giới. Chính quy mô và mức độ này đã khiến cho giới học giả nhận xét Học viên Khổng Tử như “con ngựa thành Troy” mang hình dáng Trung Quốc [27].
Sau 72 năm thành lập, các thế hệ lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã dẫn dắt dân tộc của mình thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Trở thành một cường quốc mới nổi ở khu vực, một công xưởng thế giới, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quản trị toàn cầu. Theo đó, Bắc Kinh đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, biến nước này trở thành một quốc gia khá giả, nâng cao vị thế và tiếng nói của họ trên trường quốc tế. Tiếp đó, mục tiêu đến năm 2049 – kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là một đất nước hiện đại và là một quyền lực được tôn trọng trên bình diện quốc tế. Tuy vậy, nước này vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trước mắt, đặc biệt là từ cuộc khủng hoảng do đại dịch covid-19 gây ra và căng thẳng ngày càng tăng với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Tài liệu tham khảo
[1] Bình An (2021), Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/trung-quoc-ky-niem-100-nam-thanh-lap-dang-cong-san-20210701090904139.htm
[2] Lương Tuấn (2021), Dấu ấn 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tin tức – Thông Tấn xã Việt Nam, https://baotintuc.vn/the-gioi/dau-an-100-nam-dang-cong-san-trung-quoc-20210701063624765.htm
[3] Hồ Quang Lợi (2013), Về giấc mơ Trung Hoa, Nhân dân, https://nhandan.vn/quoc-te-hangthang/ve-giac-mo-trung-hoa-178409
[4] Hồng Thúy (2017), “Tư tưởng Tập Cận Bình” có thể được đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, Giáo dục Việt Nam, https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/tu-tuong-tap-can-binh-co-the-duoc-dua-vao-dieu-le-dang-cong-san-trung-quoc-post175405.gd
[5] Đức Dương (2014), Trung Quốc ẩn mình chờ thời hay trỗi dậy, VnExpress, https://vnexpress.net/trung-quoc-an-minh-cho-thoi-hay-troi-day-2948163.html
[6] Christoph Nedopil (2021), “Countries of the Belt and Road Initiative”, The Green Belt and Road Initiative Center, https://green-bri.org/countries-of-the-belt-and-road-initiative-bri/
[7] Christoph Nedopil (2021), “Investments in the Belt and Road Initiative”, The Green Belt and Road Initiative Center, https://green-bri.org/investments-in-the-belt-and-road-initiative-bri/
[8] Trịnh Ngọc Thao (2017), Chiến lược ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2017/03/09/chien-luoc-ngoai-giao-bay-no-cua-trung-quoc/
[9] China GDP 1960-2021, https://www.macrotrends.net/countries/CHN/china/gdp-gross-domestic-product
[10] Thành Dương (2021), GDP năm 2020 của Trung Quốc vượt ngưỡng 100.000 tỷ NDT, Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam, https://baotintuc.vn/the-gioi/gdp-nam-2020-cua-trung-quoc-vuot-nguong-100000-ty-ndt-20210118100136241.htm
[11] Kimberly Amadeo (2021), US GDP by Year Compared to Recessions and Events, The Balance, https://www.thebalance.com/us-gdp-by-year-3305543
[12] Lyly (2021), GDP Mỹ năm 2020 giảm mạnh nhất kể từ năm 1946, Doanh nghiệp hội nhập, https://doanhnghiephoinhap.vn/gdp-my-nam-2020-giam-manh-nhat-ke-tu-nam-1946.html
[13] List of Countries by GDP (PPP), https://statisticstimes.com/economy/countries-by-gdp-ppp.php
[14] Bích Thuận (2021), Xóa đói giảm nghèo – Thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, https://soha.vn/xoa-doi-giam-ngheo-thanh-tuucuadang-cong-san-trung-quoc-2021070106542652.htm
[15] Phạm Thu Hương (2016), Về quan hệ Trung Quốc – ASEAN từ sau chiến tranh lạnh đến nay, Conversations on Vietnam Development, https://cvdvn.net/2016/08/17/ve-quan-he-trung-quoc-asean-tu-sau-chien-tranh-lanh-den-nay/
[16]https://nguoivietukraina.com/trung-an-xay-dung-long-tin-giua-cang-thang_48541.nvu
[17] Thanh Hà (2016), Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung trên thị trường châu Phi, https://baophapluat.vn/quoc-te/cuoc-canh-tranh-my-trung-tren-thi-truong-chau-phi-294637.html
[18] Vi Trân (2021), Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, Nhật Bản nói sẽ theo dõi sát chi tiêu, Thanh niên, https://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-tang-ngan-sach-quoc-phong-nhat-ban-noi-se-theo-doi-sat-chi-tieu-1350627.html
[19] Trung Hiếu (2019), Trung Quốc cắt giảm lớn nhân sự lục quân để hiện đại hóa quân đội, VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/trung-quoc-cat-giam-lon-nhan-su-luc-quan-de-hien-dai-hoa-quan-doi-868251.vov
[20] Lindsay Maizland (2020), Tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2020/02/27/tien-trinh-hien-dai-hoa-quan-su-cua-trung-quoc/
[21] Phạm Hoàng (2020), Lầu Năm Góc công bố báo cáo mới về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/lau-nam-goc-cong-bo-bao-cao-moi-ve-suc-manh-quan-su-cua-trung-quoc-778724.vov
[22] Hà Dương (2020), Giấc mơ siêu cường công nghệ của Trung Quốc có thành hiện thực?, Nông nghiệp Việt Nam, https://nongnghiep.vn/giac-mo-sieu-cuong-cong-nghe-cua-trung-quoc-co-thanh-hien-thuc-d280259.html
[23] Anh Vũ (2020), KH&CN của Trung Quốc: Bí mật đằng sau sự vươn lên, Tia sáng, https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/KHCN-cua-Trung-Quoc-Bi-mat-dang-sau-su-vuon-len–25277
[24] Phương Ánh (2020), Hiệp định RCEP ý nghĩa gì với Việt Nam, VnExpress, https://vnexpress.net/hiep-dinh-rcep-y-nghia-gi-voi-viet-nam-4191995.html
[25] Quang Dũng (2020), EU-Trung Quốc hoàn tất Hiệp định đầu tư, VOV, https://vov.vn/the-gioi/eu-trung-quoc-hoan-tat-hiep-dinh-dau-tu-827742.vov
[26] Nguyên Hải (2015), Mười năm Học viện Khổng Tử, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2015/01/04/muoi-nam-hoc-vien-khong-tu/
[27] Thiên Ân (2021), Viện Khổng Tử Trung Quốc và nỗi lo ‘con ngựa thành Troy’ ở các nước, Pháp luật, https://plo.vn/quoc-te/vien-khong-tu-trung-quoc-va-noi-lo-con-ngua-thanh-troy-o-cac-nuoc-992527.html
Bài này rất thời sự (nhiều tài liệu tham khảo năm 2021) nhưng đăng ở Nghiencuulichsu là rất có lý do.
Có thể nói: TQ và ĐCSTQ đang “đi vào Lịch Sử” – giống như Quốc Tế CS III đã đi vào Lịch Sử.
ThíchThích