Người Bồ Đào Nha đến Đại Việt

Trần Thanh Ái

(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 4 và 5 năm 2021)

Thời đại khám phá là tên gọi của giai đoạn mà người châu Âu vượt Đại Tây dương, Ấn Độ dương và Thái Bình dương để tìm đường đến châu Á, mở đầu bằng việc Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ năm 1492, và sau đó là hàng loạt chuyến đi về phương Đông vòng qua mũi Hảo Vọng mà Vasco da Gama là người đầu tiên thực hiện thành công năm 1498. Sau khi đã đặt chân đến Calicut, người Bồ Đào Nha tìm cách đi tiếp về phương Đông, đích đến là Trung Hoa và Nhật Bản mà những mô tả của Marco Polo đã mê hoặc được nhiều người, trong đó có nhiều vua chúa Bồ Đào Nha. Chính vì thế, sau khi chiếm được Socotra (1506) và Ormuz (1507), vua Bồ Đào Nha Dom Manoel rất nôn nóng muốn có được thông tin về Trung Hoa càng nhiều càng tốt, như trong huấn thị ngày 13 tháng 2 năm 1508 do Diogo Lopes de Sequeira mang đi Malacca:

“Các ông sẽ tìm hiểu về người Trung Hoa(1), họ từ đâu đến, quãng đường bao xa, và họ đến Malacca hoặc những nơi họ buôn bán khác vào những lúc nào, họ mang đến những loại hàng hóa nào, mỗi năm bao nhiêu tàu thuyền, và kiểu mẫu tàu thuyền của họ ra sao? Họ có đến và đi ngay trong cùng năm hay không, họ có nhân viên mậu dịch hay thương điếm ở Malacca hay một nước nào đó không? Họ có phải là những thương buôn giàu có không? Họ là những con người yếu đuối hay là những chiến binh, họ có vũ khí hay pháo binh không? Họ ăn mặc như thế nào, dáng vóc họ có to lớn không, và tất cả những thông tin khác liên quan đến họ. Họ theo đạo Thiên Chúa hay ngoại đạo? Nước họ có to lớn không, họ có nhiều vua không, và họ có sống chung với người Moors(2) hay những người không theo luật lệ hay đức tin của họ không? Và nếu họ không phải là người Thiên Chúa thì họ tin vào cái gì, hoặc họ thờ phụng cái gì, họ theo phong tục gì, và nước của họ trải dài tới tận đâu, kề cận với nước nào?” (Ferguson D., 1900, tr. 421)

Chính vì thế khi chiếm được Malacca vào giữa tháng 8 năm 1511, họ bắt tay ngay vào việc tìm hiểu khu vực, trước khi đi đến Trung Hoa. Một mặt, họ phân công người tìm hiểu tuyến hải hành đi đến Trung Hoa, mặt khác họ cử người đi theo các thuyền buôn người Trung Hoa để thâm nhập thực tế, cũng như cho các đội thuyền nhỏ đi vào các quần đảo lân cận và Vịnh Thái Lan. Thuận lợi ban đầu là các thương buôn Trung Hoa ở Malacca đã hợp tác với người Bồ Đào Nha và tình nguyện làm cầu nối với các vương quốc lân cận, như chở đại diện Bồ Đào Nha đi Xiêm và Pegu(3) để chào hỏi và trấn an. Mối quan hệ tốt đẹp này đã được Alfonso d’Albuquerque báo cáo về nhà vua Bồ Đào Nha với câu kết luận dứt khoát trong thư đề ngày 30 tháng 11 năm 1513: “Người Trung Hoa là những người phục vụ Bệ hạ và các bạn bè của chúng thần” (Albuquerque A. de, 1884, tr. 138).

Khi nào thì họ đến Đại Việt? Tài liệu nói về thời điểm người Bồ Đào Nha đặt chân đến lãnh thổ nước ta không giống nhau; riêng về tài liệu bằng tiếng Việt thì rất sơ sài. Trước khi khảo sát tài liệu nước ngoài, chúng tôi sẽ điểm lại một số sách lịch sử bằng tiếng Việt đã được lưu hành rộng rãi ở nước ta ngày nay, và khảo sát một số lập luận về thời điểm người Bồ Đào Nha xuất hiện trên lãnh thổ Đại Việt.

  1. Tài liệu trong nước nói về người phương Tây đến Việt Nam

1.1. Người Tây dương trong sử sách Đại Việt

Đa số tài liệu lịch sử Việt Nam không đề cập đến giai đoạn đầu tiên của người phương Tây đến nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XVI. Thật vậy, sự kiện xưa nhất liên quan đến người Tây dương mà bộ Đại Việt sử ký toàn thư (được biên soạn xong năm 1697), nhắc đến là vào năm 1663 nhà Lê cấm đạo do người nước Hoa Lang truyền bá ở nước ta:

“Mùa đông, tháng 10 [1663], cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà [4b] sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi.” (Đại Việt sử ký toàn thư, 1998, tr. 265)

Tài liệu này không cho biết Hoa Lang là nước nào, và họ đến nước ta vào năm nào. Khoảng mười năm sau đó, bộ Lê Triều chiếu lịnh Thiện Chính (1705-1709) ghi lại những quy định ban hành vào mùa hè tháng năm, năm Canh Dần, Khánh Đức năm thứ hai [1650] (Quyển 3 Bộ Lễ, quyển thượng) dành cho người nước ngoài, trong đó có nhắc tên một số nước có tàu thuyền tới lui nước ta:

“Khi có những tàu người các nước Hoa lang, Ô lan và Nhật bản đến cửa bể nước ta thì trong kinh phải sai viên Thể sát trước đi do thám rõ tình hình, rồi cho bọn họ được ở những địa phận các làng Thanh Trì và Khuyến Lương, rồi chọn người làm Thủ bả (viên chức coi xét) để răn bảo họ phải giữ phép.” (Lê Triều chiếu lịnh Thiện Chính, 1961, tr.177)

Trong nguyên văn chữ Hán của đoạn trên (tr. 176), Hoa Lang được viết là 花郎 còn Ô Lan là 烏闌, tức là cách ghi âm chữ Holland (Minh sử ghi là 和蘭 Hòa Lan), nghĩa là các tác giả biên soạn tài liệu đã biết Hoa Lang và Ô Lan/Hòa Lan là hai nước khác nhau.

Nhiều tài liệu ra đời sau đó, như Đại Nam Thực lục tiền biên (1844) tuy bắt đầu ghi chép các sự kiện từ năm sinh của Nguyễn Hoàng 1525, nhưng chỉ nói đến việc liên quan đến người Tây dương xảy ra năm 1699 ở xứ Đàng Trong, với chú thích: “Đạo Hoa Lang: Đạo Thiên chúa, vì người đem đạo ấy đầu tiên vào nước ta là người Hà Lan hay Hoa Lang.”(4)

“Sai Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang. Phàm người Tây phương đến ở lẫn đều đuổi về nước.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2002 tr.112)

Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1881) cũng nhắc lại thông tin về việc nhà Lê cấm đạo Hoa Lang năm 1663, đồng thời còn thêm lời chua liên quan đến việc truyền đạo của người Tây dương vào giữa thế kỷ XVI:

“ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tr. 301)

Nhưng lại cho biết rằng thông tin này được trích từ dã lục, nghĩa là những ghi chép của các cá nhân, chứ không phải là nguồn tin chính thống được các sử quan biên soạn. Điểm đáng lưu ý là trong lời chua liên quan đến thông tin này có cách giải thích tên gọi “Hoa Lang”:

“Hoa Lang: Theo ‘Truyện ngoại quốc’ trong Minh sử, thì Hoa Lang tức là Hòa lan, cũng ở Tây Dương, tập tục đọc sai là Hoa lang.” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007 tr.300).

Nếu thông tin về nhà truyền giáo I-nê-xu đến huyện Nam Chân và huyện Giao Thủy năm 1533 cần phải được kiểm chứng kỹ càng, thì lời chua “Hoa Lang tức là Hòa Lan” có thể bị bác bỏ ngay lập tức, vì vào giữa thế kỷ XVI nước Hòa Lan, mà nay ta thường gọi là Hà Lan, chưa có tên trong nhóm các nước có khả năng đi thuyền từ Đại Tây dương qua Thái Bình dương. Hơn nữa, thời bấy giờ Hòa Lan là một trong những cái nôi của phong trào cải cách tôn giáo của Martin Luther và Jean Calvin, nên đạo Thiên Chúa, chẳng những không chiếm vị trí độc tôn như ở Bồ Đào Nha và một số nước Tây Âu khác, mà thậm chí còn bị cấm đoán.

Vậy Hoa Lang là nước nào? Trong Từ điển Việt – Bồ – La (1651) của Alexandre de Rhodes chỉ có tên bằng tiếng Việt của một số nước lân cận như nước Ngô (Trung Hoa), Cao Li, Lơu Càu (sic), Nhệt bỏn (hoặc Nhịt bổn, sic), Lào, Chiem Thành, Cao Mên (hoặc Cao Miên) mà không có tên của bất cứ quốc gia phương Tây nào, dù là Hoa Lang, Hòa Lan hay Hà Lan. Nhưng trong quyển Phép giảng tám ngày (1651) A. de Rhodes có nói đến nước Pha Lang và ông dịch sang tiếng la tinh là Lusitanorum (tr.25) tức Bồ Đào Nha. Phải đến quyển Dictionarium annamitico-latinum (Nam Việt Dương hiệp Tự vị) của Pigneaux de Béhaine được biên soạn vào những năm 1770 và được J.L. Taberd xuất bản năm 1838 mới có chữ 花郎 Hoa lang và được giải thích bằng tiếng la tinh là Lusitani (tr. 201) tức là Bồ Đào Nha, hoặc Lusitani, vel etiam omnes Europæi (tr. 253) nghĩa là “Bồ Đào Nha, hoặc tất cả người châu Âu”. Điều đáng ngạc nhiên là không thấy tài liệu nào do người Việt biên soạn vào thời ấy có dùng chữ 佛郎機 (Phật Lang Ki) như sách Minh sử (1739) dùng để gọi người Bồ Đào Nha, hay 蒲麗都家 (Bạc Lệ Đô Gia) như cách người Bồ Đào Nha tự giới thiệu khi đi sứ ngày thứ 17 tháng 4 năm thứ 44 Gia Tĩnh (nhằm ngày 16 tháng 5 năm 1565) mà Minh thực lục còn ghi (Quyển 91, tr. 8803). Mặt khác, tại phần nói về hai nước 佛郎機 Phật Lang Ki và 和蘭 Hòa Lan trong Minh sử cũng không hề nhắc tới cách gọi 花郎 Hoa Lang như Quốc sử Quán triều Nguyễn đã ghi.

Các tài liệu do người Việt biên soạn sau khi người Pháp đến Việt Nam về giai đoạn này cũng không có nhiều bổ sung. Trương Vĩnh Ký trong quyển 2 của bộ Cours d’histoire annamite (1877) cũng chỉ lấy lại thông tin từ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, với câu dẫn giống như lời chú thích của Quốc Sử Quán triều Nguyễn mà không hề có chút nghi vấn nào:

“Trước đó (tháng thứ 10 năm 1663), một chỉ dụ đã ban lệnh cấm dân chúng trong nước học và theo đạo được gọi là hoa-lang ([đạo của người] Hòa Lan hay đạo thiên chúa)” (Trương Vĩnh Ký, 1877, tr. 139)

1.2. Các tài liệu hiện đại nói về người Bồ Đào Nha đến Đại Việt

Các công trình bằng tiếng Việt được biên soạn trong thế kỷ XX có thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây nhờ nguồn tài liệu do người Pháp biên soạn, nhưng các tác giả Việt nam cũng không cập nhật được thông tin gì mới mẻ về giai đoạn này. Năm 1889, J. Silvestre biên soạn một tài liệu khá công phu xuất bản tại Paris có tựa là L’empire d’Annam et les Annamites (Đế quốc An Nam và người An Nam), trong đó cũng có nói rằng tháng 9 năm 1516 Fernao Perez de Andrade là người Bồ Đào Nha đầu tiên đến An Nam (Silvestre J., 1889, tr. 223). Sau đó ít lâu, A. Schreiner trong một công trình khá đồ sộ gồm 581 trang, nhưng mang tựa rất khiêm tốn Abrégé de l’histoire d’Annam (Tóm tắt lịch sử An Nam) xuất bản tại Sài Gòn năm 1906, đã nói lướt qua là vào năm 1516 nhà hàng hải người Bồ Đào Nha đầu tiên tên là Fernao Perez de Andrade đã cặp bến nước An Nam, và sau đó một người khác tên là Fernand Mendez Pinto cũng đã đi dọc theo bờ biển miền Trung vào năm 1540, nhưng không chắc có vào vịnh Bắc bộ hay không (Schreiner A., 1906, tr. 68-69).

Thế nhưng nhiều tác giả Việt Nam lại chỉ sử dụng nguồn tư liệu của hai tác giả C.B. Maybon và H. Russier trong quyển Notions d’histoire d’Annam xuất bản năm 1909 tại Hà Nội, như thể họ không biết đến các công trình vừa nói ở trên. C.B. Maybon và H. Russier đã viết như sau:

“Năm Giáp dần 1614 có người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix lập lò đúc súng ở đất Thuận Hóa, mà bây giờ ở Huế người ta còn gọi chỗ ấy là Phường Đúc” (Maybon C.B. & Russier H. 1909, tr. 216).

Đáng tiếc là hai tác giả này không cho biết họ đã dựa vào chứng cứ nào, và có vẻ như họ cũng không chắc chắn lắm, bằng chứng là mười năm sau, trong luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1919, C.B. Maybon chỉ nói một cách mập mờ là Jean de la Croix đến Huế “trước năm 1615”(5) (Maybon C.B. 1919, tr. 98). Thế mà không ít tác giả người Việt lại chỉ dựa vào thông tin này để nói về việc người Bồ Đào Nha đến Đại Việt, mặc dù họ vẫn liệt kê tài liệu của J. Silvestre, A. Schreiner trong mục tài liệu tham khảo. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược xuất bản lần đầu vào năm 1920 cũng đã làm như thế:

“Người Bồ Đào Nha đến ở xứ Nam kỳ trước hết cả, mở cửa hàng ở phố cổ Hội An (tức là Faifo) thuộc đất Quảng Nam. […] Sách của ông Maybon và Russier có chép rằng năm giáp dần (1614) đời chúa Sãi đã có người Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở đất Thuận Hóa, mà bây giờ ở Huế người ta còn gọi chỗ ấy là Phường Đúc.” (Trần Trọng Kim, 1971, tr. 96)

Tương tự như vậy, Đào Duy Anh trong Lịch sử Việt Nam (1955) và Phạm Văn Sơn trong Việt sử tân biên (quyển 3, năm 1959) cũng chỉ nói qua về người Bồ Đào Nha đã giúp chúa Nguyễn dựng lò đúc súng ở Phường Đúc. Họ cũng chỉ dựa vào tài liệu của C.B. Maybon và H. Russier.

Dương Kỵ trong Việt sử khảo lược (1949, tr. 158-159) thì có nói đến sự xuất hiện sớm hơn của người phương Tây (ông nghi rằng đó là người Tây Ban Nha) qua vụ một người Tây dương đem thuyền đến bắn phá cửa Việt vào cuối thế kỷ XVI, khi dựa theo Đại Nam thực lục Tiền biên, nhưng các sử quan nhà Nguyễn lại ghi chép rất mơ hồ về lai lịch của kẻ quấy rối này, cũng như các chi tiết liên quan đến vụ việc:

“Ất dậu, năm thứ 28 [1585], bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy.” (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 2002, tr. 32)

Nguyễn Khắc Viện trong Việt Nam một thiên lịch sử (bản tiếng Pháp 1987, bản tiếng Việt 2007) chỉ nói về quan hệ với phương Tây kể từ sự kiện Bá Đa Lộc ký kết hiệp ước Versailles ngày 28 tháng 11 năm 1787, nghĩa là cả một giai đoạn dài hơn 200 năm kể từ 1511 không nằm trong sự quan tâm của tác giả.

Các tài liệu gần đây do các nhà nghiên cứu trong nước biên soạn cũng không cung cấp thêm thông tin gì mới mẻ cả. Bộ sách đồ sộ Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập tái bản năm 2017 cũng chỉ nói qua loa về những cuộc tiếp xúc đầu tiên với phương Tây. Tập 3 là phần nói về những sự kiện trong thế kỷ XVI, cũng không đề cập đến những ngày đầu người Bồ Đào Nha lần đầu đặt chân đến vùng Viễn Đông: chương 10 là phần liên quan trực tiếp thế kỷ XVI, chủ yếu nói về Nam Bắc triều, và các cuộc xung đột với Ai Lao. Tập 4 chỉ nói sơ về giao thương với một số nước châu Âu trong thế kỷ XVII, và tài liệu xưa nhất mà sách này tham khảo để biên soạn là quyển Histoire du Royaume du Tonkin (Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài) của A. de Rhodes xuất bản tại Lyon (Pháp) năm 1651.

Đáng lưu ý nhất là một chuyên đề về những người châu Âu đầu tiên đến nước Đại Việt do nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Ngữ biên soạn và xuất bản tại Canada năm 1988. Tác giả dựa vào những tấm bản đồ hải hành của Francisco Rodrigues mới được phát hiện rồi cho rằng người Bồ Đào Nha đã đặt chân lên nước Đại Việt vào năm 1512:

“dựa vào các bản đồ hải hành của các thuyền trưởng Bồ còn lưu trữ tại Văn khố Lisbon, ta có thể chứng minh rằng người Bồ đã vào xứ ta từ năm 1512. Trên bản đồ hải hành của thuyền trưởng Francisco Rodrigues, vẽ năm 1512, đã vẽ đến bờ vịnh Bắc Việt với nhiều đảo nhỏ đúng với sự thật của các đảo nằm từ Móng Cái tới Hải Phòng.” (Nguyễn Khắc Ngữ, 1988)

Đó là những tài liệu được A. Cortesão phát hiện năm 1937 trong thư viện của Quốc Hội Pháp, và dịch sang tiếng Anh rồi công bố năm 1944, mà hiếm có tác giả người Việt nào nhắc đến. Tuy nhiên, lập luận của Nguyễn Khắc Ngữ có nhiều sơ hở, nên không thuyết phục được người đọc.

Tàu Bồ Đào Nha đến Viễn Đông: tranh vẽ trên bình phong Nhật đầu thế kỷ XVII (Khuyết danh)

1.3 Phân tích các điểm nghi vấn trong tài liệu Việt

Để đi đến kết luận về thời điểm người Bồ Đào Nha đặt chân lên Đại Việt, không thể đưa ra kết luận dựa trên số đông tác giả có cùng ý kiến như có người đã làm (Hoàng thị Anh Đào 2016, tr. 657), nhất là ý kiến ấy được trích dẫn nhiều lần từ một vài tài liệu thứ cấp. Mọi ý kiến chưa được chứng minh bằng những chứng cứ vững chắc thì vẫn chỉ là giả thuyết, và cần phải kiểm nghiệm trước khi công nhận.

1.3.1. Lập luận của Nguyễn Khắc Ngữ có xác đáng không?

Như đã nói bên trên, Nguyễn Khắc Ngữ cho rằng người Bồ Đào Nha đã đặt chân đến nước Đại Việt vào năm 1512, khi dựa trên suy luận rằng độ chính xác về hình thể bờ biển vịnh Bắc bộ của bản đồ hải hành đi Trung Hoa mà Francisco Rodrigues đã vẽ chứng tỏ rằng viên hoa tiêu này đã đi đến thực địa. Nói cách khác, Nguyễn Khắc Ngữ đã đồng hóa việc vẽ được các tấm bản đồ ấy với việc thực sự đặt chân đến đó. Tuy nhiên có không ít chứng cứ cho thấy rằng suy luận ấy không xác đáng.

1.3.1.1. Francisco Rodrigues có phải là tác giả hải đồ năm 1512?

Nhiều chứng cứ cho thấy là Francisco Rodrigues chỉ sao chép lại bản đồ đã được giới đi biển trong vùng sử dụng từ trước. Trong một bức thư đề ngày 1 tháng 4 năm 1512 gửi vua Bồ Đào Nha, Albuquerque viết:

“Thần xin gửi đến bệ hạ mảnh bản đồ này mà Francisco Rodriguez đã sao chép theo bản chính, và như thế bệ hạ có thể biết thực ra người Trung Hoa và người Lưu Cầu đến từ đâu; con đường mà đội thuyền của bệ hạ phải đi để đến các đảo có Đinh hương; nơi có mỏ vàng; đảo Java, Banda, là đảo có nhiều nhục đậu khấu; đất nước của vua Xiêm; mũi đất nơi mà người Trung Hoa phải vòng qua, và tại sao họ không đi xa hơn nữa. Bản chính của bản đồ đã mất trong vụ đắm thuyền Froll de la Mar.”(6) (Albuquerque A. de, 1884, tr.64-65)

Đặc biệt là Cortesão đã khảo sát chi tiết các bản đồ hải hành được phát hiện và công bố năm 1944, và đi đến kết luận là bản đồ hải hành của Francisco Rodrigues được phát họa dựa trên những thông tin thu được từ một viên hoa tiêu người Á Đông nào đó. P.Y. Manguin khi đối chiếu hải đồ của Rodrigues với hải đồ của người Trung Hoa được lưu truyền trước đó khá lâu thì thấy rất giống nhau:

“Hoàn toàn giống với hải đồ được in kèm theo các tập bản đồ trong Võ bị chí, hải đồ ấy [của Rodrigues] tạo thành một bản hướng dẫn cần và đủ cho hải trình đi từ Malacca đến Trung Hoa, ít ra là về những gì liên quan đến các chặng đường. Hoặc tối thiểu nó cũng có ích cho các nhà hải hành phương Đông thường xuyên qua lại trên con đường này từ nhiều thế hệ; một hải đồ như vậy kèm theo bản đồ thường được dùng làm cẩm nang cho người đi biển” (Manguin P.Y. 1972, tr. 171)

Hải trình của Rodrigues (đường kẻ liền) và của Võ bị chí (Manguin P.Y. 1972, Carte no 2)

Mặt khác, A. Cortesão còn nhận ra những chỉ dấu của sự sao chép qua cách sử dụng đơn vị đo khoảng cách còn ghi trên bản đồ: thay vì dùng đơn vị đo lường légua của Bồ Đào Nha thời bấy giờ (tương ứng với đơn vị đo lường của Anh là league, của Pháp là lieue, dài 5556 mét), thì bản đồ Rodrigues lại dùng đơn vị jão (Cortesão A., tr. xciv-xcv). Đó là thuật ngữ hàng hải của người Mã Lai mà A. Cortesão cho là xuất phát từ cách gọi zam của người Á-rập (Cortesão A. 1944, tr. 303).

1.3.1.2. Francisco Rodrigues đi qua bờ biển Đại Việt năm nào?

Để kiểm chứng Francisco Rodrigues có đến Đại Việt năm 1512 như Nguyễn Khắc Ngữ nghĩ hay không, chúng ta chỉ cần biết lịch trình di chuyển của ông sau khi đến Malacca. Trong thư đề ngày 20 tháng 8 năm 1511, Alfonso d’Albuquerque cho biết đoàn thám hiểm quần đảo Maluccas (ngày nay được gọi là Molucca hay Maluku) mà Francesco Rodrigues tham gia đã khởi hành vào tháng 11 năm 1511 (Albuquerque A. de, 1884, tr. 68) và trở về Malacca vào tháng 12 năm 1512 (Cortesão A. 1944, tr. lxxxiv).

Theo ghi chép của Francesco Rodrigues mà A. Cortesão mới tìm thấy, tháng 1 năm 1513, Francisco Rodrigues lên đường đi Ấn Độ cùng với Fernão Pires d’Andrade và Antonio de Abreu. Sau đó, vào khoảng tháng 6-7 năm ấy, Rodrigues có mặt trong chuyến đi Dahlak (biển Đỏ) cùng với thuyền trưởng João Gomes, trong chiến dịch chinh phục biển Đỏ do Alfonso D’Albuquerque chỉ huy (Cortesão A. 1944, tr. lxxxiv). Sau đó không thấy tài liệu nào ghi chép hoạt động của Rodrigues, cho đến tháng 8 năm 1519 ông được cử đi Trung Hoa với Simão Peres de Andrade (Cortesão A., 1944, tr. lxxxvii), nghĩa là mãi đến năm 1519 ông mới có dịp đi Trung Hoa trên đội thuyền của Simão de Andrade, người đã gây ra sự căng thẳng đầu tiên trong mối quan hệ Bồ Đào Nha và Trung Hoa. Về chuyến đi này, không có tài liệu nào cho biết đoàn thuyền có ghé Đại Việt hay không. Mặc dù vậy, hành trình di chuyển trên đây của Francisco Rodrigues cũng đủ để phản bát lập luận của Nguyễn Khắc Ngữ.

Cũng cần nói chính xác hơn về chức vụ của Francisco Rodrigues trong cuộc khám phá quần đảo hương liệu: ông không phải là thuyền trưởng (captain) như Nguyễn Khắc Ngữ đã nói, mà là hoa tiêu trưởng (pilot-major), như ông đã tự giới thiệu (Cortesao, 1944, tr. lxxx), còn thuyền trưởng trong chuyến đi đó là Antonio de Abreu.

1.3.2. Về ghi nhận người Tây dương đến truyền đạo năm 1533

Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi năm 1533 một người Tây dương tên là I-nê-xu, mà nhiều nhà nghiên cứu cho là phiên âm từ Inácio, đến truyền đạo tại Nam Định. Mốc thời gian này được Trương Vĩnh Ký, Nguyên Hồng, Manguin, v.v. dẫn lại. Mặc dù sự việc trên chỉ được ghi lại trong dã lục, và không thấy tài liệu nào của Bồ Đào Nha ghi về việc truyền giáo trong giai đoạn này, nhưng không vì thế mà phủ định ghi chép trên, vì việc truyền đạo là một trong những nhiệm vụ được vua Bồ Đào Nha đề ra khi tổ chức các đoàn thám hiểm về phương Đông nối tiếp tinh thần thập tự chinh của những thế kỷ trước. Thật vậy, trong các chuyến hải hành, thường có các nhà truyền giáo tháp tùng cùng các đoàn thám hiểm và thương mại. Cũng chính vì thế mà ngay sau khi chiếm Malacca, dòng Saint-Dominique thành lập tỉnh dòng Sainte-Croix phụ trách các nước vùng Đông Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhiều chi tiết cho phép nghĩ rằng dã lục mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục sử dụng để nói về việc người Tây dương đến truyền đạo chính là tài liệu Tây dương Gia tô bí lục, vì các chi tiết liên quan đến việc các nhà truyền đạo Thiên chúa vào nước Đại Việt của hai tài liệu này trùng khớp với nhau hoàn toàn:

“Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô(7) lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân.” (Tây dương Gia tô bí lục, 1981)

Ở một đoạn sau đó có các chi tiết khiến người đọc nghi ngờ về độ chính xác của thông tin trên:

“Về sau môn đồ của Ingatiô đều được phong làm giám mục, xin được lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo. Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng.”

Thế nhưng dòng Tên Jesus (tiếng la-tinh là Societatis Iesv, tiếng Bồ Đào Nha là Companhia de Jesus, và tiếng Pháp là Compagnie de Jésus) được thành lập năm 1540 theo sắc chỉ (bulle) Regimini militantis ecclesiæ của Đức Giáo hoàng Paul III. Vì thế năm 1533 không thể là cái mốc thời gian cho dòng Tên truyền đạo ở Đại Việt, và chi tiết “Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng” khiến người đọc nhận ra ngay sự không chính xác, bởi vì người thành lập dòng tên là Ignacio de Loyola mãi đến năm 1537 mới được phong linh mục, và ông cũng chưa bao giờ đặt chân lên vùng Viễn Đông. Sau này, năm 1584, cháu ông, linh mục Martin Ignacio thuộc dòng Phan Sinh (Franciscain) trên đường đi vòng quanh thế giới, có đến Macao và có nói về nước Đại Việt. J.G. Mendoza đã ghi lại những gì ông đã đọc được từ hồ sơ lưu trữ:

“Về việc này [truyền giáo ở Đại Việt] cha Ignacio (người đã cho tôi biết phần lớn các sự việc diễn ra trong cuộc hành trình này, như đã nói bên trên) khi đi ngang qua vương quốc này để trở về Tây Ban Nha, và khi thấy lòng mộ đạo của dân chúng và mong muốn thiết tha được trở thành tín đồ thiên chúa, và họ đã sẵn lòng đón nhận Phúc Âm, nên ông muốn dừng chân lại đây để rửa tội cho họ, hoàn toàn tự nguyện vì lòng bác ái và trắc ẩn, khi xét thấy lòng nhiệt tâm của họ xin được rửa tội, và nhận thấy số lớn linh hồn đang lầm lạc: nhưng vì ông buộc phải đi Malacca, và cho rằng ít có hiệu quả với quá ít phụ tá giữa một dân tộc rất đông, ông nhận thấy rằng thích hợp nhất là trở về Tây Ban Nha, và cử các đồng đội để giúp họ.” (Mendoza J. G., 1588, tr. 304b)

Chưa hết, việc đào tạo linh mục người bản xứ chỉ mới được đề cập đến khi A. de Rhodes kiến nghị với Đức Giáo hoàng trong cuộc diện kiến ở Roma năm 1649, sau khi trở về từ Đại Việt. Vì thế, có lẽ sớm nhất phải đến cuối thế kỷ XVII mới có linh mục người Việt được thụ phong, thì không thể có chuyện “môn đồ của Ingatiô đều được phong làm giám mục” trong thế kỷ XVI để đề nghị “lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo” được.

Các điều trên đây khiến người đọc phải nghi vấn về tính chính xác của nhiều chi tiết trong Tây dương Gia tô bí lục. Có thể là khi biên soạn (cuối thế kỷ XVIII), các tác giả đã dựa vào những hồi ức cộng đồng thuộc nhiều thế hệ (tính từ 1533 đến khi biên soạn tài liệu này thì hơn 260 năm) nên rất dễ có sự nhầm lẫn về thời gian, tên tuổi, và kể cả sự kiện. Cũng không loại trừ khả năng đó là kết quả của sự sáng tạo cá nhân được xây dựng trên nền lịch sử, như thường thấy trong nhiều tác phẩm du ký của châu Âu ngày xưa như bộ Peregrinaçào của Fernão Mendes Pinto. Chính vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu gọi Tây dương Gia tô bí lục là truyện ký dã sử.

Một giả định khác: nếu dã lục mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục sử dụng không phải là Tây dương Gia tô bí lục mà là một tài liệu khác, không liên quan đến việc giảng đạo của các giáo sĩ dòng Tên, liệu có dòng truyền giáo nào khác đến Đại Việt năm 1533 không?

Được biết giáo khu Malacca được thành lập năm 1557 theo sắc chỉ Pro Excellenti Praeeminentia của giáo hoàng Paulo IV ban hành ngày 4 tháng 2 năm 1557, theo đề nghị của Nữ hoàng Bồ Đào Nha, Dona Catarina và Hồng y Dom Henrique. Vị giám mục đầu tiên Jorge de Santa Luzia thuộc dòng Dominican được cử đến Ấn Độ vào tháng 3 năm 1559 và đến Malacca năm 1561. Năm 1566, các sư huynh Jerónimo da Cruz và Sebastião do Canto là những nhà truyền giáo đầu tiên đến Xiêm. Mười năm sau, ngày 23 tháng 1 năm 1576, giáo khu Macao mới được thành lập, theo sắc chỉ của Giáo hoàng Gregory XIII, để phụ trách các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Việt và quần đảo Mã Lai.

Hơn nữa, theo J.G. Mendoza, vào thế kỷ XVI, vua Tunquin(8) đã nhiều lần sai người mời các nhà truyền giáo ở Macao đến giảng đạo, nhưng Tỉnh dòng Ma Cao vì không đủ người, nên không thể đáp ứng được yêu cầu ấy. Vì thế việc lén lút giảng đạo không thể xảy ra vào thời ấy được:

“Các vương quốc ấy khát khao được vào đạo của chúng ta, vì vị vua lớn nhất ở đây như tôi đã nói bên trên [Đông kinh] xưng là Hoàng đế đã nhiều lần gửi đến Ma Cao và những nơi có người công giáo yêu cầu cử người uyên bác đến giảng đạo cho họ, vì họ đã quyết đón nhận đạo thiên chúa, và cấp nhận rửa tội: họ yêu cầu quá nhiệt tình, đến độ ở nhiều thành phố, họ đã chuẩn bị sẵn gỗ để dựng nhà thờ, cùng với nhiều vật liệu cần thiết khác đã sẵn sàng. (Mendoza J.G. 1588, tr. 300b)

Tóm lại, những chi tiết mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn lại từ dã lục là không phù hợp với những dữ liệu lịch sử đã được xác nhận.

1.3.3. Năm 1535 Antonio Faria có đi Đại Việt không?

C.B. Maybon đã có khẳng định mà không đưa ra căn cứ nào khi viết rằng “năm 1535 Antonio Faria (được Fernand Mendez Pinto cử đi) đã đi điều nghiên một số vùng duyên hải bán đảo Đông Dương” (Maybon C.B., 1919, tr. 27). Sự thật là đến ngày 11 tháng 3 năm 1537 Fernand Mendez Pinto mới bỏ công việc phục vụ cho một quý tộc Bồ Đào Nha để đi phương Đông, và đến năm 1539 ông mới đặt chân đến Malacca để bắt đầu những chuyến đi Trung Hoa và Nhật Bản. Vì thế, nếu dựa vào C.B. Maybon để lấy năm 1535 làm cái mốc đánh dấu người Bồ Đào Nha đến Đại Việt lần đầu là rất phi lý.

  1. Phương Tây nói về hoạt động của người Bồ Đào Nha trong vùng biển Đại Việt và Trung Hoa

Như đã nói ở trên, một trong những đích đến của người Bồ Đào Nha là Trung Hoa. Để đi Trung Hoa, tàu thuyền người Bồ Đào Nha phải đi dọc theo bờ biển Việt Nam ngày nay, và chắc chắn là có lúc họ phải tiếp cận với đất nước và con người Đại Việt, như để tìm nguồn tiếp tế lương thực, hay khám phá tiềm năng phục vụ cho việc đi biển, hoặc đơn giản là chỉ để tránh bão. Vì thế, mỗi chuyến đi Trung Hoa đều là cơ hội cho những cuộc tiếp xúc Bồ – Việt diễn ra, và dù mang tính chất thương mại, ngoại giao hay chỉ là ngẫu nhiên thì các cuộc tiếp xúc ấy cũng đều có ý nghĩa nhất định trong giao lưu văn hóa giữa dân ta với phương Tây.

2.1. Các chuyến đi đầu tiên của Bồ Đào Nha đến Trung Hoa

  1. Birdwood nói rằng người Bồ Đào Nha đã đặt chân đến đảo Sumatra năm 1508 và ngay sau đó đã đi đến Trung Hoa bằng đường biển Đông của nước ta, vào khoảng năm 1508-1509, nghĩa là trước cả khi hạm đội của họ đánh chiếm Malacca năm 1511 (Birdwood G., 1890, tr. 168). Ông không cho biết thông tin trên được lấy từ đâu, nhưng chắc chắn rằng không phải từ các văn bản chính thức của người Bồ Đào Nha. Có lẽ vì vậy mà D. Ferguson cho rằng thông tin của Birdwood là sai sự thật (1900, tr. 422), nhưng chúng tôi giả định rằng có thể đó là những thông tin được lưu truyền ở các trạm trên tuyến đường hương liệu, hoặc cũng có thể ông đã tiếp cận được những ghi chép trong hồ sơ lưu trữ của công ty Đông Ấn của Anh, nơi mà ông đã từng làm việc. Có thể đó là những chuyến đi riêng lẻ của các cá nhân trên các thuyền buôn trong vùng để thăm dò thị trường, hoặc đơn giản chỉ là để thỏa mãn óc phiêu lưu khám phá như vẫn thường xảy ra vào thời ấy. Ibn Batouta, một thương nhân người Maroc đã từng đến Trung Hoa những năm 1346-1349, cho biết là hàng năm ở hải cảng Calicut (Ấn Độ) có nhiều thuyền buôn của người Trung Hoa đến buôn bán, và lúc ấy, ông có thể tháp tùng một trong số 13 chiếc để đi Trung Hoa (Ibn Batouta, 1858, tr. 89-91). Sức chứa của các thuyền này cũng rất ấn tượng: nhà truyền giáo người Ý Odoric de Pordenone cho biết là năm 1321 ông lên thuyền đi Trung Hoa tại cảng Koulam (nay là Quilon), mỗi chiếc thuyền như thế thường chở khoảng 700 người, đa số là thương nhân (Heyd W. 1886, tr. 151, dịch từ bản tiếng la-tinh được công bố trong Yule H. 1866, tr.xii,). Hơn nữa, có một chi tiết rất đáng quan tâm: trong một bức thư gửi vua Bồ Đào Nha năm 1545, viên chỉ huy pháo đài Malacca tên là Simao de Mello cho biết là có hơn 200 người Bồ Đào Nha sống rải rác ở Trung Hoa và nhiều người khác ở các nước lân cận, “họ vứt bỏ sự sợ hãi Thượng Đế và đấng Toàn Năng, và đi khắp nơi vì lợi ích của riêng họ, đến nỗi họ không chịu đến Malacca, nên gây ra nhiều trái khoái cho việc quản lý của bệ hạ” (Manguin P.Y. 1972, tr. 184). Các chi tiết này cho thấy rằng ghi nhận của G. Birdwood hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng vì không có chứng cứ cụ thể, nên các nhà viết sử không thể xem đó là cái mốc thời gian của việc người Bồ Đào Nha đặt chân đến vùng này. Phải đến khi tình hình Malacca đã ổn định thì các hoạt động hảng hải của người Bồ Đào Nha trong vùng biển Đông mới nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng cũng không đợi quá lâu: trước khi trở về Ấn Độ vào tháng 12 năm 1511, Alfonso de Albuquerque đã phái sứ giả đi Xiêm và Pegu, và một đội thuyền ba chiếc đi thám hiểm quần đảo Moluccas (Cortesão A., 1944, tr. lxxix), để tìm nguồn hàng cung cấp cho châu Âu, nhằm phá thế độc quyền buôn bán của người Venise và Á-rập. Việc này đã được Alfonso d’Albuquerque báo cáo cho vua Don Manoel trong bức thư đề ngày 20 tháng 8 năm 1512.

Về chuyến đi Trung Hoa đầu tiên, mặc dù nguồn tài liệu ngày càng phong phú, nhưng như J. Wills (2008) nhìn nhận, “chúng ta chỉ có kiến thức mơ hồ về hai chuyến đi Trung Hoa đầu tiên dưới sự bảo trợ của người Bồ Đào Nha do Jorge Alvares thực hiện năm 1514 và Perestrello năm 1515-1516” (Wills J. 2008, tr. 336). J. Barros là nhà viết sử người Bồ Đào Nha duy nhất thời bấy giờ đã nhắc qua việc Jorge Alvares đã được cử làm sứ giả đầu tiên đi Quảng Châu để tìm hiểu Trung Hoa. Thông tin về chuyến đi này trùng hợp với ghi nhận của André Corsali, một nhân viên người Florence làm việc cho vua Bồ Đào Nha: trong một bức thư viết từ Cochin gửi công tước Julien de Médicis đề ngày 6 tháng 1 năm 1515, ông có nói về việc một nhân viên Bồ Đào Nha đặt chân lên đất Trung Hoa:

 “Năm vừa qua [1514], người Bồ Đào Nha đã đi Trung Hoa, tuy nhiên họ không được phép lên bờ, vì theo thông lệ của nước này quy định rằng không người nước ngoài nào được phép vào nhà họ, tuy nhiên người của chúng tôi cũng bán được hàng hóa và thu lợi nhiều; họ nói rằng mang hương liệu đến bán ở Trung Hoa cũng lãi nhiều như chở về Bồ Đào Nha, vì đó là xứ lạnh, hương liệu rất cần. Từ Malacca đi về phương Bắc đến Trung Hoa chỉ có khoảng 500 dặm lớn(9).” (Temporel J. 1556, tr. 141)

Theo ghi chép của Barros, để đánh dấu mình đã đến Trung Hoa, Alvares đã đặt một cột đá (padrão) tại Tunmên(10); sự kiện này đã được Barros nhắc lại nhân lúc nói về những ngày cuối cùng của ông: “[Jorge Alvares] được chôn ở dưới chân của tấm bia khám phá padrão, trên đó có chạm khắc quốc huy Bồ Đào Nha, mà trước đây ông đã đặt ở đó, một năm trước khi Rafael Perestrello đến đó(11).” (Barros J., 1563, tờ 160)

Về việc dựng bia, Chang T.T. cho biết là sách 東莞縣志 Đông Quan huyện chí có ghi lại sự kiện này, nhưng không nói rõ thời gian: “vào thời Chêng-tê 正徳 [Chính Đức 1506-1521] người Fo-lang-chi đã dựng một cột đá ở Tunmên” (Chang T.T. 1933, tr. 35). Nhưng theo phân tích các thư từ, và nhất là sau việc phát hiện các bản thảo của Tomé Pires và Francisco Rodrigues được công bố năm 1944, lần lượt L. Keil (1933), A. Cortesão (1944) và J.M. Braga (1955) chứng minh rằng Jorge Alvares đã đến Trung Hoa vào năm 1513 (Cortesão A. 1944, tr.120). Đoàn thuyền của ông cặp vào một nơi mà người Bồ Đào Nha gọi là Tamão trên đồng bằng sông Châu Giang mà giới học giả nghĩ rằng đó là đảo Lantau (Lạn Đầu, ngày nay là Đại Tự Sơn) hoặc đảo Lintin (Nội Linh Đinh), hoặc Tunmen (Truân Môn).

Tượng Jorge Alvares được đặt dưới chân tấm bia khám phá (padrão) ở Macao

Lần thứ hai người Bồ Đào Nha đến Trung Hoa là năm 1515, và người được cử đi tên là Rafael Perestrello, nhưng đó cũng vẫn chỉ là một chuyến đi thăm dò, khám phá, vì ông tháp tùng một thuyền buôn của người Malacca. Sau đó vì không có tin tức gì về Perestrello trong suốt nhiều tháng trời, nên ngày 12 tháng 8 năm 1516 chỉ huy trưởng Malacca bấy giờ là Jorge Brito cử Fernand Pires d’Andrade đi tìm. Trong lúc hạm đội còn đi tìm thì Perestrello về tới Malacca, lúc ấy mọi người mới biết là ông ta bị bắt giam cùng với 30 người Bồ Đào Nha (Correa G. 1860, tr. 474). Perestrello trở về Malacca với một món lãi to, cùng với một tin đầy thiện chí là “người Trung Hoa muốn hòa bình và hữu nghị với người Bồ Đào Nha, và họ là một dân tộc rất tốt” (Chang T. T., 1933, tr. 38).

Ban đầu, theo lệnh của vua Bồ Đào Nha, Fernão Peres de Andrade được cử làm chỉ huy trưởng hạm thuyền đi “khám phá Trung Hoa”. Tháng 9 năm 1515, ông cùng đi với tân toàn quyền Lopo Soares de Albergaria đến Goa nhận chức. Sau đó Albergaria cử Tomé Pires làm sứ giả, một nhà nghiên cứu dược liệu làm sứ giả, bởi vì ông là một người “kín đáo và ham học hỏi”, và mong muốn hiểu biết nhiều hơn bất cứ ai khác về dược liệu của Trung Hoa” (Cortesão A., 1944, tr. xxvii). Thế nhưng vì nôn nóng giải cứu Rafael Perestrello nên mặc dù sắp hết gió mùa Tây Nam, Jorge Brito vẫn phải cử Fernão Peres de Andrade đi Trung Hoa. Vì thế trong chuyến đi này không có thỏa thuận nào được ký kết với người Trung Hoa như một số tài liệu bằng tiếng Việt đã viết. Chuyến đi của Tomé Pires đặt quan hệ chính thức với Trung Hoa phải hoãn lại qua năm sau, và ngày 15 tháng 8 năm 1517, phái đoàn thương mại đầu tiên của người Bồ Đào Nha gồm tám thuyền cặp bến Tunmen (Cortesão A., tr.xxx).

Sách Trung Hoa Hai yu 海 (Hải ngữ) của 黃衷 Huang Zhong (Hoàng Trung) biên soạn từ năm 1474 đến 1553 nói về việc người Bồ Đào Nha đến Trung Hoa cũng không cho chúng ta biết thêm chi tiết nào liên quan đến thời điểm và tên tuổi:

“Vào thời Cheng-te Chính Đức (1506-1522) một chiếc thuyền của người Franks (Bồ Đào Nha) đến buôn bán ở đây, một cuộc cãi vã nổ ra về việc sử dụng đồng tiền nào, vì thế mà nhà vua đã bắt viên thuyền trưởng giam vào tù. Người Phật Lang Ki bỏ đi và làm tường trình cho chúa của họ, ông ta quyết định giải cứu viên thuyền trưởng. Vì lý do này mà ông ta trang bị 8 chiếc thuyền to với một số đơn vị quân tinh nhuệ đến nơi ấy lần đầu.” (Groeneveldt W.P., 1876, tr. 128)

Tuy nhiên, khi đối chiếu với ghi chép của Bồ Đào Nha, ta thấy rằng vụ việc trên xảy ra vào năm 1519, làm cho chuyến đi sứ của Tomé Pires có kết cục thảm hại, do thái độ hống hách của viên thuyền trưởng Simão Andrade, khiến người Bồ Đào Nha bị cấm cửa đến năm 1554.

2.2. Người Bồ Đào Nha đến Đại Việt năm nào?

Về việc giao thương của người Bồ Đào Nha với các nước trong vùng Đông Nam Á, G. Birwood đã viết: “Khoảng năm 1540, người Bồ Đào Nha đã thiết lập giao thương với Patania, Camboja và Cochin-China” (Birdwood G. 1890, tr. 175) nhưng không cho biết ông đã dựa vào chứng cứ nào. Gần đây, bộ tài liệu đồ sộ Histoire de l’humanité gồm nhiều tập, được UNESCO bảo trợ và xuất bản năm 2008, ghi rằng Bồ Đào Nha đến Việt Nam năm 1535 (UNESCO, 2008, tr. 1162) nhưng cũng không cho biết đã dựa vào bằng chứng nào. Có thể là các tác giả dựa vào thông tin ngắn ngủi không bằng chứng của C.B. Maybon (1919), mà chúng tôi đã phân tích ở phần trên. Vậy thực sự người Bồ Đào Nha đã đặt chân đến Đại Việt năm nào? Sau đây chúng tôi sẽ điểm lại các ghi chép về những lần dừng chân của người Bồ Đào Nha trên đất Đại Việt theo thứ tự thời gian.

2.2.1. Chuyến ghé Đại Việt bất đắc dĩ năm 1516

Không có tài liệu nào cho biết trong lần đi Trung Hoa năm 1513 Jorge Alvares có ghé Đại Việt hay không, nhưng khả năng này khó xảy ra, vì ông đi nhờ trên thuyền buôn của người Trung Hoa; và nếu có ghé vì lý do gì đó thì cũng không phải với danh nghĩa của nước Bồ Đào Nha. Năm 1515, Rafael Perestrello dẫn đầu đoàn thứ hai đi thăm Trung Hoa, trên thuyền buôn của người Malacca. Nhưng như đã nói ở trên, vì đoàn trở về Malacca khá trễ, nên tháng 8 năm 1516 Jorge de Brito cử một đội thuyền đi tìm kiếm. Chính trong chuyến đi tìm kiếm này họ mới có dịp ghé qua một số nơi mà ngày nay thuộc lãnh thổ Việt Nam. J. Barros chép lại sự kiện này như sau:

“Fernão Peres d’Andrade lên đường ngày 12 tháng 8 năm 1516, trở ngại lớn là không có gió nên đến giữa tháng 9 ông mới tới được bờ biển của vương quốc Cochij China (12). Trong vùng biển này, vì đã cuối mùa gió mậu dịch, một cơn bão ập đến quất thẳng vào mặt, khiến ông phải dạt vào bờ biển Choampa (13), cùng với các thuyền khác đi theo ông.” (Barros J., 1563, tờ 42)

Ghi chép của Barros cho biết rằng chẳng những Fernão Pires d’Andrade thả neo ở bờ biển miền Trung, mà ông còn cho người lên đất liền tìm kiếm nước uống và lương thực:

“…lúc ấy, qua trung gian của một số dân bản địa, chẳng những người của chúng ta có thể tìm thấy nguồn nước mà họ đi tìm kiếm, mà ngay hôm sau, sau khi biết rằng làng của họ ở gần ngay đây, Peres liền thông báo cho các tàu thuyền đi qua đây biết rằng họ có thể đến lấy nước và mua thức ăn tươi với nhiều gà và cây trái mà dân ở đây mang đến.” (Barros J., 1563, tờ 43)

Về vụ gặp bão của Fernão Peres d’Andrade trên bờ biển Đại Việt, một thư ký của Abuquerque tên là Gaspar Correa đã ghi trong nhật ký như sau:

“Năm 1516, ông ấy [Fernão Peres d’Andrade] lên thuyền từ Malacca vào tháng 8 năm 1516 và đi về hướng vịnh Cocam china vào ban đêm, và thoát khỏi tai nạn đắm thuyền một cách thần kỳ trên một bãi đá ngầm…” (Correa G., 1860, tr. 474).

Trên bản đồ hàng hải vùng biển Đông của giới hoa tiêu Bồ Đào Nha vẽ năm 1598, vịnh Concam china theo cách viết của Correa, hay Cochij China theo cách viết của Barros, được ghi là Enseada de Cauchinchina, tương ứng với vịnh Bắc bộ ngày nay. Cách gọi vịnh này còn được duy trì trong một thời gian dài: bản đồ do Placide (Pháp) vẽ năm 1686 ghi là Golfe de Cochinchine, dù từ thập niên thứ hai của thế kỷ XVII chữ Cochinchine đã được dùng để chỉ Đàng Trong, để phân biệt với Tonkin (Đàng Ngoài).

Bản đồ bờ biển Đông Nam Á do các hoa tiêu Bồ Đào Nha hoàn thiện, được Robert Beckit khắc và John Wolfe in tại Luân Đôn năm 1598.

Bản đồ do Placide (Pháp) vẽ năm 1686

Như vậy là trên đường đi tìm kiếm Rafael Perestrello, vào giữa tháng 9 năm 1516 đoàn thuyền của Fernão Peres d’Andrade gặp bão khi đến vịnh Cochij china, nên phải ghé vào một nơi nào đó trong vùng biển này để tránh bão, sau đó thì quay về Malacca. Trên đường về, họ dừng chân ở một nơi mà Barros cho là Chiêm Thành, nhưng nhiều khả năng nơi đó nằm trong phần lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của nhà Lê. Theo tài liệu xưa, lãnh thổ Đại Việt vào năm 1471 kéo dài đến núi Đá Bia thuộc Quảng Nam, và nhà Lê quản lý khá tốt tình hình vùng đất này, bằng chứng là năm Kỷ Tỵ (1509) triều đình sai Lê Tử Văn và Vũ Cảnh đi kinh lý Quảng Nam vì được tin người Chiêm cầu cứu nhà Minh âm mưu làm loạn, nên vua xuống chiếu giết hết tù binh (Đại Việt Sử ký toàn thư, tr. 46). Theo ghi chép của Cristoforo Borri, một trong những nhà truyền giáo phương Tây có mặt sớm nhất tại đây, năm 1621 lãnh thổ xứ Đàng Trong trải dài về phía Nam tới vĩ tuyến 11 (1631, tr. 3), tương ứng với Phan Rí cửa (vĩ độ 110 10’). Nói về điều kiện địa lý thuận lợi cho việc hàng hải của xứ Đàng Trong, ông đã viết: “Về các hải cảng, đó chắc chắn là điều đáng ngưỡng mộ, trong một khoảng cách hơn 100 dặm lớn, người ta có thể đếm được hơn 60 bến cảng, tất cả đều thích hợp cho việc cặp bến và lên bờ” (Borri C., 1631, tr. 92).

Trên đường về Malacca, Fernão Pires d’Andrade còn dừng chân lại Pullo Condor (Côn Đảo), và ông phát hiện ra rằng nơi đây chưa có người ở, tàu thuyền trong vùng thường xuyên ghé qua đây để lấy nước ngọt và thực phẩm, vì ở đó có nhiều gà rừng, rùa biển và nhiều loại cá. Thậm chí ông còn phát hiện ra dấu vết của những nơi tàu thuyền được kéo lên để sửa chữa. Ông còn biết chữ pullo là tiếng Mã Lai, có nghĩa là đảo (Barros J., 1563, tờ 43-43b).

Mặc dù chỉ là một sự dừng chân tình cờ, nhưng các sử gia phương Tây xem đó như là một sự khám phá chính thức của người Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sự khám phá này không có nhiều ý nghĩa về kinh tế – chính trị đối với họ, bởi vì họ cũng có nhiều khó khăn như phân tích sau đây:

“Về lý thuyết, vùng đất này được phân bổ cho Bồ Đào Nha, vì nó nằm trong vùng ảnh hưởng của nước này, và vì nó chính thức được Fernando Pérez d’Andrade người Bồ Đào Nha khám phá năm 1516. Nhưng trên thực tế, ngay từ thời kỳ này, thuộc địa Bồ Đào Nha ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á đã quá mất cân đối với lực lượng mẫu quốc, đã cảm thấy không đủ khả năng tiến hành cuộc chinh phục đầy cạm bẩy, mặc dù bị hấp dẫn mạnh bởi vùng đất giàu có của Insulinde.” (Cabaton A., 1913, tr. 73)

2.2.2. Kế hoạch bang giao với Đại Việt năm 1523 bất thành

Trong một bức thư của toàn quyền Jorge d’Albuquerque gửi cho vua Bồ Đào Nha Dom João III đề ngày 1 tháng 1 năm 1524, ông viết: “Thần đã cử Duarte Coelho đi khám phá Canchimchyna” (Albuquerque A. de, 1910, tr. 37). Chuyến đi này diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1523; Barros ghi lại như sau:

“Duarte Coelho, đi trên chiếc thuyền của mình để khám phá vịnh Canchij China(14) theo lệnh của vua Dom Manuel [tiên vương] vì ông đã được báo cáo là nhiều hàng hóa có xuất xứ từ vịnh này. Xứ này được người Trung Hoa gọi là Vương quốc Cacho, và người Xiêm và Mã Lai gọi là Cauchij China, để phân biệt với xứ Cochin của Malabar.” (Barros 1563, fo.317b)

Ông cũng cho biết nguyên nhân kế hoạch giao hảo với Đại Việt bất thành là do tình hình rối ren ở Đại Việt thời bấy giờ:

“…ông ta [Duarte Coelho] đã khám phá vịnh này, nhưng không vì thế mà giao hảo được với nhà vua, vì nhà vua đã chết, và hai con trai ông đang tranh giành quyền kế vị(15), nên Duarte Coelho tránh khỏi sự tàn khốc của chiến tranh giữa hai anh em, và điều ông ta có thể làm được là đặt các cột ghi dấu sự khám phá (padrão) của ông.” (Barros J., 1563, tờ 317b)

Đây là lần đầu tiên người Bồ Đào Nha đã chủ động tìm cách liên lạc với triều đình nhà Lê. P.Y. Manguin nêu giả thuyết về kế hoạch thiết lập bang giao khá trễ so với việc họ đã xuất hiện trong vùng biển Đại Việt từ năm 1513:

“Sự muộn màn này, có lẽ có liên quan với những sự cố do em của Fernand Pires, là Simon de Andrade tạo ra ở Trung Hoa, khiến quan hệ giữa Trung Hoa và Bồ Đào Nha trở nên xấu. Tomé Pires bị bắt giam và chết ở Trung Hoa. Kết quả là Quảng Đông đóng cửa với người nước ngoài từ năm 1522. Có thể đó là nguyên nhân khiến năm 1523 Bồ Đào Nha muốn mở bang giao chính thức với Đại Việt (Manguin P.Y., 1972, tr. 181)

Sau đó không thấy tài liệu nào ghi lại những nỗ lực khác nhằm thiết lập bang giao với Đại Việt.

2.2.3. Fernão Mendes Pinto đến Cù lao Chàm

Trong một bức thư đề ngày 29 tháng 11 năm 1555 gửi cho viện trưởng học viện của dòng Tên ở Goa với tư cách là một thành viên mới, Fernão Mendes Pinto đã viết:

“Ngày thánh Saint Jean 24 tháng 6 [năm 1555] chúng tôi đi Trung Hoa (…), chúng tôi đã ghé lại một hòn đảo được gọi là Pulo Champalo, nơi mà vị linh mục làm lễ cạnh bên một tảng đá có chạm khắc một thánh giá và dòng chữ cho biết đã được khắc cách đây 32 năm, và theo một số người nói là do Duarte Coelho đã viết.” (Manguin P.Y., 1972, tr. 48)

Mặc dù Fernão Mendes Pinto nổi tiếng với bộ sách Peregrinação có nhiều ghỉ chép về vùng biển từ Ấn Độ đến Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản từ 1537 đến 1558 với không ít chi tiết được thêu dệt, nhưng đoạn trên đây được trích từ bức thư gửi bề trên, nên chắc chắn rằng sự việc này là có thật. Nó là bằng chứng về lần cặp bến Đại Việt năm 1555 của ông, đồng thời giúp chúng ta xác nhận việc Duarte Coelho đã đặt bia đá khám phá (padrão) ở Cù lao Chàm năm 1523. Trong bộ sách nói trên, có những chi tiết về cửa một con sông mà ông gọi là sông Tinacoreu nằm ở phía Bắc mũi Varella (ngày nay gọi là mũi Đại Lãnh hay mũi Điện), nơi mà ông nói là đã dừng chân để lấy nước ngọt và mua thực phẩm (Pinto F.M., 1614, tờ 42).

2.2.4. Các thương nhân Bồ Đào Nha làm cầu nối giữa Ma Cao và Đại Việt

Năm 1586, trong quyển sách đồ sộ Historia de las cosas mas notable, ritos y costumbres del gran Reyno dela China (Lịch sử những điều đáng nhớ, những nghi lễ, phong tục của đại vương quốc Trung Hoa), J.G. Mendoza có nói đến các quốc gia lân cận, trong đó có đoạn ghi những điều mà tác giả đã đọc được trong các tường trình về chuyến du hành đến Ma Cao của linh mục Martin Ignacio vào năm 1584:

“Khi nghe được yêu cầu ấy [vua Tunquin xin cử người đến giảng đạo tại Đại Việt], một môn đồ đi chân đất dòng thánh François đang truyền giáo ở Macao vì muốn thỏa mãn nguyện vọng của nhà vua, đã nhờ vài thương nhân Bồ Đào Nha đang buôn bán trong vương quốc mang đến cho ông một bức tranh về ngày phán xử và địa ngục được vẽ rất đẹp và một bức thư trong đó ông ta cho biết là ông ta rất muốn đến vương quốc cùng với vài cộng sự để truyền bá Phúc âm.” (Mendoza J.G., 1588, tr.300b-301)

Đoạn trên cho chúng ta biết là thời ấy, các thương nhân người Bồ Đào Nha đã từng làm trung gian giữa vua nước Đại Việt với các nhà truyền giáo ở Ma Cao, nghĩa là việc giao thương với miền Bắc nước ta đã được thiết lập trước đó. Về việc này, A. de Rhodes cung cấp cho chúng ta thêm chứng tích về các thương nhân người Bồ Đào Nha trên đất Đại Việt trước khi các nhà truyền giáo đặt chân đến đây:

“Người mang lại cơ hội khởi sự công cuộc truyền giáo ở nước này là Ferdinand à Costa(16), một quý ông người Bồ Đào Nha, khi trở về Ma Cao sau một chuyến đi đến Đại Việt, đã đến tìm các đức cha ở Tỉnh dòng và kể cho họ nghe những điều ông ta đã trông thấy, về triển vọng cải đạo cho dân nước này. Ngay sau khi nghe được lời này, cha P. Buzomi liền đến quỳ dưới chân đức cha bề trên cầu xin ông cho phép đến xứ sở xinh đẹp ấy, nơi mà Thượng đế vẫy gọi cha. Lời cầu xin của ông được chấp thuận ngay lập tức; đầu năm 1615 ông lên đường, và đến nơi vào ngày thánh Pierre ở La Mã, ngày 18 tháng 1.” (Rhodes A. de, 1653, tr. 68)

Kết luận

Ngày nay, tài liệu chỉ cho chúng ta biết cụ thể hai lần đầu tiên người Bồ Đào Nha đặt chân lên đất Đại Việt với danh nghĩa đế quốc Bồ Đào Nha, là vào năm 1516 khi đoàn thuyền của Fernão Peres d’Andrade đi Trung Hoa giữa đường gặp bão phải ghé Đại Việt, và năm 1523 khi Duarte Coelho được giao sứ mệnh thiết lập bang giao với Đại Việt nhưng bất thành. Nhà Mạc soán ngôi nhà Lê đã đẩy đất nước vào nội chiến triền miên giữa Nam Triều và Bắc Triều, khiến dân chúng lầm than, đồng thời cũng đưa đất nước vào tình thế cô lập với thế giới bên ngoài. Chắc chắn rằng sau chuyến đi không có kết quả của Duarte Coelho cũng có không ít lần họ dừng chân ở nước ta với nhiều mục đích khác nhau, nhưng không được hai phía ghi chép lại, hoặc nếu có thì cũng không có chứng cứ đáng tin cậy. Nhưng dù các cuộc tiếp xúc ấy với mục đích gì chăng nữa, và dù cho có thể chúng đã gây ra nhiều biến động phiền toái, thì đó cũng là những dịp may hiếm hoi đầu tiên giúp người Việt mở rộng tầm nhìn ra thế giới, để học hỏi những điều mới lạ, nhất là để đối chiếu hai nền văn minh Đông – Tây. Đó chính là cơ hội để thoát khỏi vũ trụ quan xem Trung Hoa là trung tâm của thế giới, cái đã khiến người Trung Hoa và các dân tộc lân cận tụt hậu so với các nước phương Tây suốt từ hơn 500 năm nay.

Luis Vaz de Camões là đại thi hào Bồ Đào Nha đã từng đặt chân đến vùng đất ngày nay là lãnh thổ Việt Nam. Ông được ví như là Virgile, Dante, Shakespeare, và được mọi người dân đất nước Bồ Đào Nha kính trọng, đến độ ngày mất của ông được lấy làm ngày Quốc Khánh (10 tháng 6). Năm 1556, Camões bị đày đến Macao vì đã làm một bài thơ châm biếm vị phó vương thời bấy giờ: trong thời gian sống lưu đày, ông sáng tác thiên anh hùng ca Os Lusiadas. Sau khi mãn hạn đày, năm 1561 trên đường về Ấn Độ, ông bị đắm thuyền và tấp vào vùng cửa sông Cửu Long ngày nay, và thế là những cảnh quan hùng vĩ mà Camões quan sát được trên đường đã đi vào những dòng thơ sống động và hào hùng của ông. Năm 1885, hai tác giả người Pháp A. Bouinais và A. Paulus, một là đại úy hải quân và một là giáo sư sử học, đã đề nghị dựng bia kỷ niệm nơi Camões thoát hiểm, nhưng ý tưởng của hai ông không thành hiện thực; tuy vậy, bản anh hùng ca Os Lusiadas thì vẫn luôn quảng bá hình ảnh nước Đại Việt và dãi đất dọc biển Đông ra thế giới bên ngoài.


Tài liệu tham khảo và trích dẫn

Albuquerque A. de, 1884. Cartas de Affonso de Albuquerque, Tomo I. Lisboa: Typographia da Academia Real das Siencias de Lisboa.

Albuquerque A. de, 1910. Cartas de Affonso de Albuquerque, Tomo IV. Lisboa: Typographia da Academia Real das Siencias de Lisboa.

Barros J. 1563. Terceira decada da Asia de Ioam de Barros : dos feytos que os portugueses fizeram no descobrimento & conquista dos mares & terras do Oriente. Lisboa: João da Barreira.

Birdwood G. 1890. Report on the miscedlaneous old Records at the lnclia Office. London: Eyre and Spottiswoode.

Borri C. 1631. Relation de la novvelle mission des pères de la Compagnie de Jesvs, av Royavme de la Cochinchine. Rennes: Ian Hardy Imprimeur & Libraire.

Braga J. M. 1955. China landfall, 1513 : Jorge Alvares’ voyage to China, a compilation of some relevant material. Macau: Imprensa Nacional.

Cabaton A. 1913. L’Espagne en Indochine à la fin du XVIe siècle. Tạp chí Revue de l’histoire des colonies françaises.

Chang T.T. 1933. Sino-Portuguese Trade from 1514 to 1644: A Synthesis of Portuguese and Chinese Sources. Leiden: J. Brill.

Correa G. 1860. Lendas da India, Tomo 2. Lisboa: Typographia da Academia Real das Sciencias.

Cortesão A. 1944. Introduction, trong The Suma Oriental of Tomé Pires, Vol. I. London: Hakluyt Society.

Dương Kỵ 1949. Việt sử khảo lược. Thuận Hóa: Nxb Tiên Hoa.

Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, 1998. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

Ferguson D., 1900. Letters from Portuguese captlves in Canton, written in 1534 and 1536. Trong tạp chí Indian Antiquary, Vol. XXX.

Ferrand G., 1918. A propos d’une carte javanaise du XVe siècle. Trong tạp chí Journal Asiatique, số 12. Paris: Imprimerie Nationale.

Groeneveldt W.P. 1876. Notes on the Malay Archipelago and Malacca / compiled from Chinese sources. Batavia: Bruining & The Hague: Nijhoff.

Heyd W., 1886. Histoire du Commerce du Levant au Moyen Age, quyển 2. Leipzig: OTTO HARRASSOWITZ, Libraire-Editeur.

Hoàng thị Anh Đào 2016. Các giáo sĩ Dòng Jésuites (Bồ Đào Nha) với việc hình thành cư sở Thanh Chiêm (Quảng Nam) và chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII. Trong Kỷ yếu hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ, tổ chức tháng 8/2016 tại Quảng Nam.

Ibn Batuta, 1858. Voyage d’Ibn Batoutah, Tome 4 (do C. Defrémery & B. R. Sanguinetti dịch từ tiếng Á-rập) Paris: Imprimerie Impériale.

Kammerer A. 1944. La découverte de la Chine par les Portugais au XVIe siècle et la cartographie des portolans. Phụ trang của số XXXIX của tạp chí T’oung Pao.

Keil L. 1933. Jorge Alvares o primeiro portugues que foi á China – (1513). Lisboa: Tipografia Beleza.

Lê Triều chiếu lịnh Thiện Chính (Nguyễn Sĩ Giác dịch, 1961). Sài Gòn: Nhà in Bình Minh.

Manguin P.Y. 1972. Les Portugais sur les côtes du Viêt-nam et du Campā. Paris: Ecole français d’Extrême-Orient.

Maybon C.B. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam. Paris: Plon.

Maybon C.B., Russier H. 1909. Notions d’histoire d’Annam. Hanoi-Haiphong: Imprimerie d’Extrême-Orient.

Mendoza J. G. 1588. Histoire du grand royaume de la Chine, situé aux Indes orientales (do Luc de la Porte dịch sang tiếng Pháp). Paris: Chez Jérémie Perier.

Nguyễn Khắc Ngữ 1988. Người Bồ Đào Nha tiếp xúc với Việt Nam từ bao giờ?. Trong Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII). Montréal: Tủ sách Nghiên cứu Sử địa. Được đăng lại trên trang:

https://ordi.vn/nguoi-bo-dao-nha-tiep-xuc-voi-viet-nam-tu-bao-gio.html

Pinto F. M. 1614. Peregrinacam de Fernam Mendez Pinto. Lisboa: Pedro Crasbeeck.

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 2002. Đại Nam thực lục, tập 1. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 2007. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, bản dịch của Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

Rhodes A. de 1653. Divers voyages et missions dv P. Alexandre de Rhodes en la Chine & autres Royaume de l’Orient. Paris: Sebastien Cramoisy & Gabriel Cramoisy.

Tây dương Gia tô bí lục, 1981. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội (bản điện tử trên trang talawas).

Temporel J. 1556. Historiale description de l’Afrique contenant les Nauigations des Capitaines Portugalois, & autres, faites audit Païs Juſques aux Indes, tant Orientales que Occidentales, parties de Perſe, Arabie Heureuſe, Pierreuſe & Deſerte. Lyon.

Trần Trọng Kim 1971. Việt Nam sử lược, quyển 2. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu.

Trương Vĩnh Ký 1877. Cours d’histoire annamite, Vol.2. Saigon: Imprimerie du Gouvernement.

UNESCO 2008. Histoire de l’humanité, Vol. V. Paris: UNESCO.

Wills J.E. 2008. Relations with Maritime Europeans, 1514-1662. Trong sách The Cambridge History of China, Vol.8, (Denis Twitchett & Frederick W. Mote Eds.).

Yule H., 1866. Cathay and the way thither, Vol.2. London: Hakluyt Society.


CHÚ THÍCH

(1) Nguyên văn huấn thị bằng tiếng Bồ Đào Nha được công bố trong tạp chí Annaes maritimos e coloniaes, số 10 ser. 3 năm 1843, tr. 490 viết tên nước Trung Hoa là Chỹs. Trong huấn thị, vua Dom Manoel không dùng dấu chấm nào cả, nhưng khi dịch (từ bản tiếng Anh của D. Ferguson), chúng tôi ngắt câu như trên cho dễ đọc.

(2) Nghĩa ban đầu của chữ này là người theo đạo Hồi ở Bắc Phi, sau đó được dùng để chỉ người theo đạo Hồi nói chung.

(3) Ngày nay là Bago, một vùng thuộc Myanmar.

(4) Chúng tôi không có điều kiện để xác minh đây là chú thích của Quốc sử quán triều Nguyễn, hay là của nhóm dịch thuật, nên ghi luôn ra đây.

(5) Về thời gian xuất hiện của Jean de la Croix ở Huế, đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng ông ta đến giúp Chúa Nguyễn sớm nhất là cuối năm 1658. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có dịp.

(6) Dịch theo bản tiếng Pháp của G. Ferrand (1918, tr. 160)

(7) Người dịch phiên chuyển sai, lẽ ra phải là Ignacio (tiếng latinh là Ignatius), nhưng cho biết “nguyên thư phiên là YnêKhu”.

(8) Người Bồ Đào Nha gọi Tunquin để chỉ kinh thành “Đông kinh”. Mendoza không cho biết vị vua ấy tên gì, nhưng nhà Mạc chiếm giữ Đông kinh từ 1527 đến 1593. Như vậy, lúc ông đến Macao (1577-1581) thì Mạc Mậu Hợp đang đóng đô ở Đông kinh, tức Thăng Long, còn vua Lê phải rút về cố thủ ở Thanh Hóa và Nghệ An.

(9) Lieue (tiếng Anh là league, đơn vị đo chiều dài ngày xưa, trong lĩnh vực hàng hải, 1 lieue dài 5556 mét). Chúng tôi dịch là dặm lớn, để phân biệt với dặm (mile, mille) chỉ dài bằng 1/3 lieue, tức là 1852 mét.

(10) A. Cortesão dựa vào bức thư của Tomé Pires gửi nhà vua ngày 7 tháng 1 năm 1514 mà suy ra rằng Jorge Alvares đi Trung Hoa năm 1513 (1944, tr. 283).

(11) Dịch theo bản tiếng Pháp của A. Kammerer (1944, tr. 11), có đối chiếu với bản tiếng Bồ Đào Nha.

(12) Tức nước Đại Việt vào thời ấy. Trong bài viết sắp tới, chúng tôi sẽ khảo sát những cách mà người phương Tây gọi nước Đại Việt.

(13) Tức Champa.

(14) Có lẽ đây là lỗi in ấn, vì trong lần xuất bản năm 1563 này, Barros đều viết Cauchij China.

(15) Barros đã nhầm: không phải hai anh em tranh giành ngôi vua, mà là Mạc Đăng Dung và Trịnh Tuy.

(16) Lần xuất bản năm 1653 và 1666 tên người này đều được viết là Ferdinand à Costa, còn lần xuất bản năm 1854 ghi là Ferdinand de Costa. Một số tài liệu hiện nay ghi là Fernand da Costa.

1 thoughts on “Người Bồ Đào Nha đến Đại Việt

Bình luận về bài viết này